Số lần đọc/download: 2795 / 65
Cập nhật: 2015-08-03 19:53:01 +0700
Chương 5
V
ẫn theo lời viên Trung tá phòng Năm, kể từ ngày tướng Thuyết phải đổi ra Trung, ông Tướng mới rất được lòng người Mỹ vì chủ trương chung sống hoà thuận. Trong một cuộc chiến tranh mà ông hiểu rằng đã Mỹ hoá, ông không quá khó khăn để có những đòi hỏi và dễ dàng thoả mãn những yêu sách của họ. Đó là một đặc điểm khiến ông khác xa với tướng Thuyết. Chẳng hạn vấn đề Thượng đã gây nhiều phiền nhiễu cho tướng Thuyết khi ông ấy cố ôm lấy, bây giờ được giao trọn vào tay người Mỹ và mọi sự đối với tướng Trị đều có vẻ êm thấm. Có thể đó là cái êm thấm giết người và đến một lúc nào đó sẽ vô phương cứu chữa. Kế hoạch Đồng Tiến đang tiến những bước chập chững với mọi nỗi khó khăn không thể lường trước. Quân đội chỉ có thể mở những cuộc hành quân vào rừng sâu và di tản đồng bào ra bờ quốc lộ nhưng mọi kế hoạch định cư và cứu trợ phụ thuộc nặng nề vào khả năng tiếp vận của người Mỹ. Và những đòn chí tử khi cần sẽ được giáng vào đó.
Vụ hỗn loạn của Buôn Hdíp Mrâo vừa mới được thiếu tá Y Ksor dàn xếp êm thấm với người thầy cúng, bất ngờ tướng Trị lại phải đối đầu với một khó khăn mới. Số là hôm qua có một người đàn ông Thượng đã can đảm vượt vòng vây và nhiều cây số rừng rậm sống sót để về đây xin được quân đội tiếp cứu. Vấn đề đặt ra là có hơn sáu trăm đồng bào Thượng ở Dakto bị Việt cộng cưỡng bách đi dân công và sắp bị lùa qua bên kia biên giới chậm nhất là trong vòng ba ngày. Ngoài khả năng quyết định, Y Ksor phải dẫn người đàn ông vào gặp tướng Trị. Tiếng Việt của gã phát âm khó khăn và các chữ dùng thì thô kệch, nếu cố chấp thì có thể cho hắn là vô lễ ngay đối với cả ông Tướng. Thấy tướng Trị có vẻ bực, Y Ksor hỏi gã ngay bằng một câu tiếng Pháp, gã đàn ông hiểu dễ dàng và đáp lại lưu loát. Ông Tướng cho phép hắn được xử dụng ngôn ngữ quen thuộc. Khi được hỏi về cảm tình của dân chúng đối với cộng sản, gã bảo:
“Nói đến Việt cộng là chúng tôi hết hồn vía, dân làng vẫn thường gọi chúng là chim Dụng tức là con dơi, còn nói về tàn bạo thì chúng tôi sợ họ như cọp dữ. Họ bắt đồng bào chúng tôi đi dân công tải đạn, chúng lại còn thâu thuế cướp bóc gạo và gia súc của dân làng. Nếu chúng tôi có ý định bỏ đi thì họ doạ bắn giết cả làng, không ai có thể đi xa khỏi vùng quá mấy cây số.”
Tướng Trị hỏi vặn ngay gã:
“Vậy sao mày mò được tới đây, hay chính tụi nó sai mày tới nói với chúng tao như vậy.”
Mối nghi ngờ của ông Tướng làm gã đàn ông hoảng hốt, nhưng khi thấy nét mặt mọi người vẫn hiền dịu gã an tâm hơn, giọng lắp bắp trở sang mấy câu tiếng Việt:
“Ông Tướng biết chớ, khổ quá mà. Tôi có nói dối thì cả nhà vợ con tôi chỉ có lên trời mà ở. Mấy trăm dân làng chúng tôi chỉ có cầu nguyện được chánh phủ che chở để khỏi bị chúng bắt sang kia biên giới làm nô lệ cho chúng.”
Không cần chú ý tới vẻ khẩn cầu của gã đàn ông Thượng, tướng Trị hất cằm về phía Y Ksor hỏi:
“Sao Thiếu tá, có thể tin được bao nhiêu phần trăm lời khai tên đó.”
Y Ksor chưa trả lời ngay ông Tướng, ông nói với gã đàn ông Thượng bằng một tràng thổ ngữ, người kia cũng hối hả đáp lại. Vẫn những âm thanh rổn rảng nối tiếp như những chu kỳ hùng biện. Ngoài Y Ksor và hắn, còn lại bộ tham mưu chẳng ai hiểu gì. Nếu có tướng Thuyết, ông ta có thể nói thẳng với người này bằng ngôn ngữ của họ. Y Ksor cho gã đàn ông ra ngoài chờ, sau đó ông trở lại nói bằng một giọng cả quyết với tướng Trị:
“Tôi xin bảo đảm với ông Tướng bằng cấp bậc của tôi về sự thật vụ này; điều không thể phủ nhận được là lòng chán ghét của đồng bào chúng tôi đối với cộng sản. Điều đó cũng dễ hiểu là tại sao, sau bao nhiêu năm thả cán bộ ăn nằm với dân làng để chiêu dụ mua chuộc, cả đến chuyện họ mài răng đóng khố, nói tiếng thổ ngữ mà cho đến hôm nay họ vẫn không được lòng dân chúng. Đồng bào Thượng chúng tôi đã giác ngộ, biết ai thực sự giúp đỡ, họ biết ai bóc lột và lợi dụng. Chánh phủ ta cũng nên biết đây là lúc chứng tỏ cho dân làng là mình thực lòng muốn giúp đỡ họ và đối với một cử chỉ tốt như vậy chắc họ không bao giờ quên ơn.”
Y Ksor giọng đầy xúc cảm và nói miên man khiến tướng Trị phải cắt ngang, ông hướng câu hỏi về mọi người:
“Thì tôi biết rồi, chúng ta sẽ giúp đỡ họ nhưng bằng cách nào?”
Như chưa bằng lòng với chỗ ngưng vừa rồi, viên thiếu tá Y Ksor lại nói tiếp ngay sau ông Tướng:
“Xin ông Tướng lưu ý cho vấn đề thời gian. Gã đàn ông nói với tôi rằng chỉ còn hai ngày nữa là Việt cộng sẽ lùa tất cả hơn sáu trăm dân làng sang vùng bên kia biên giới. Đồng bào lấy cớ phải làm xong vụ gặt nên chúng mới cho hoãn, vả lại chúng cũng đang thiếu lúa. Thành ra vấn đề không phải chánh phủ có thiện chí cứu giúp mà là sao kịp giải thoát họ khỏi sự kìm kẹp nô lệ. Hơn nữa cái gọi là Phong trào Tự trị Tây nguyên chỉ mong thấy sự bất lực của ta để làm đề tài xách động khai thác.”
Hướng về viên sĩ quan trưởng phòng Ba hành quân, tướng Trị đòi bản tóm tắt tình hình. Viên sĩ quan cầm chiếc gậy bước ra trước tấm bản đồ xoáy vòng một vùng, bắt đầu cất tiếng nói:
“Đây là một khu nằm giữa ngã ba biên giới, gần cực nam giáp ranh với Cam Bốt, trên đường mòn Hồ Chí Minh theo ngả Lào. Đó là một khu lòng chảo cô lập với mọi phía, trước đây tạm có an ninh nhờ một trại LLĐB Mỹ trấn đóng. Sau vụ nổi loạn thất bại với đa số binh lính Thượng đem cả khí giới trốn qua Cam Bốt, các cố vấn Mỹ gặp nhiều khó khăn cũng rút đi thì đó là một nơi vô chánh phủ và là hậu cứ cho những đơn vị Việt cộng trú đóng ở đó. Tính theo đường chim bay thì nơi này xa ta không đầy một trăm cây số, toàn là rừng với rải rác các quân du kích, rất nhiều mìn và cạm bẫy. Mặc dù chúng không thể tập trung đủ quân số để đánh những trận lớn nhưng địch vẫn có thể gây tổn thất cho ta bằng vô số phương kế nếu đi sâu vào đất chúng. Đối với các tiểu đoàn Biệt Động quân thiện chiến, họ có thể tới đây bằng những đơn vị nhỏ nhưng sau đó lại rút đi. Vấn đề đặt ra cho chúng ta bây giờ có hai khía cạnh: thứ nhất là làm sao đem tới một lực lượng đủ hùng hậu trong vòng hai ngày để trì hoãn bọn chúng lùa dân làng sang bên kia biên giới, thứ hai là phương tiện di chuyển cho hơn sáu trăm người với gia tài của họ. Cả hai khía cạnh đó chỉ thực hiện được với sự giúp sức của không lực Mỹ.”
Tướng Trị nghe tới giải pháp phải nhờ người Mỹ ông có vẻ ngao ngán khi nghĩ tới khuôn mặt lạnh như tiền của viên Trung tá cố vấn. Không có một giúp đỡ nào mà không phải là một cuộc trả giá trơ trẽn. Bằng một giọng dứt khoát, viên sĩ quan trưởng phòng Ba tham mưu đi vào những trình bày chi tiết của cuộc hành quân và cuối cùng ông kết luận:
“Tóm lại phương tiện mà chúng ta cần là năm mươi chuyến trực thăng dùng cho việc chuyển quân và di tản, chỉ có căn cứ An Khê mới đủ khả năng giúp ta vụ này. Chuyện đó phải nhờ tới sự can thiệp của ông Tướng.”
Viên Trung tá trưởng phòng Năm đưa ra một nhận định không mấy lạc quan với ông Tướng:
“Làm sao có thể liên lạc thẳng với tướng Peter Hunting bên An Khê gúp chúng ta phương tiện một cách trực tiếp mà không phải qua tay của Tacelosky. Chuyện gì qua tay hắn cũng có thể bị làm săn-ta một cách dễ dàng nhất là hắn muốn chứng tỏ sự bất lực của chánh phủ Việt Nam trong việc giúp đỡ che chở bọn Thượng.”
Kế hoạch phải được kể là chu đáo và được sự đồng ý hoàn toàn của tướng Trị. Cho gọi ngay người đàn ông Thượng trở vào, ông Tướng công khai hứa hẹn giúp đỡ và cũng cho biết những khó khăn có thể xảy ra. Phòng truyền tin được lệnh thiết lập ngay liên lạc với căn cứ An Khê. Rất may tướng Hunting cũng vừa từ Sài Gòn trở về. Đó là một vị tướng lãnh Mỹ rất hoà nhã và nguyên tắc, xuất thân trường võ bị West Point. Ông tạo được mối giao hảo thân hữu với các sĩ quan Việt Nam. Ông tỏ ý mau mắn giúp đỡ tướng Trị và hứa đồng ý trên nguyên tắc. Nhưng cũng chính vì nguyên tắc mà ông phải hỏi lại ý kiến của bộ Tư lệnh Viện trợ mà sĩ quan liên lạc là Tacelosky.
Mặc dầu không ưa gì viên Trung tá này, tướng Trị vẫn phải cho mời hắn tới dùng cơm trưa với ông tại tư dinh. Và quả là tướng Trị đã có lý khi e ngại về khó khăn của một cuộc gặp gỡ như thế. Để tránh khỏi bị “fuite” ra ngoài về một đụng độ có thể xảy ra và cũng vì thể diện ông Tướng chỉ để hai sĩ quan thân tín cùng có mặt. Câu chuyện khởi đầu bâng quơ bằng những chi tiết về mấy ngày Đại hội. Nhưng Tacelosky đặt vấn đề thẳng băng với ông Tướng:
“Tôi đã nghe tướng Hunting đủ cả, vấn đề thực ra không có gì để mà phản đối nhưng có một vài chi tiết mà tôi muốn được nói chuyện thêm với ông Tướng.”
Lại vẫn chữ “nhưng”, tướng Trị hiểu rằng tất cả vấn đề khởi đầu và cũng kết thúc ở đó. Chính ông đã thối lui nhiều bước để có lại cái không khí hoà hoãn của những ngày hôm nay. Và bây giờ hắn lại đòi ông phải nhân nhượng điều gì, ông đang chờ đợi và cũng không biết nữa. Tướng Trị cố thu hẹp một vấn đề mà ông cho là vắn tắt:
“Kế hoạch của cuộc hành quân chúng tối đã phác hoạ xong cả rồi, chỉ còn một vấn đề cần Trung tá giúp đỡ: năm mươi chuyến trực thăng cần cho cuộc di chuyển. Tôi cũng đã điện đàm với tướng Hunting sáng nay và ông ta đã chấp thuận trên nguyên tắc.”
Tacelosky ngắt lời tướng Trị, hắn đi vào vấn đề nhưng với một ngả khác:
“Ông Tướng có biết Dakto ngày hôm nay là kết quả của chánh sách nào không, trước đây đó là một khu đầy đủ an ninh với một trại LLĐB rất kiên cố ở đó. Từ ngày ông Thuyết xô đẩy những người lính Thượng can đảm sang bên kia biên giới thì đó là một khu tệ hại nhất, hoàn toàn nằm ngoài vòng kiểm soát của chánh phủ Sài Gòn. Có bao nhiêu lầm lẫn như vậy của tướng Thuyết trên vùng cao nguyên này mà nay chính ông Tướng phải gánh chịu hậu quả. Lịch sử là một sự liên tục chứ không tái diễn, theo tôi ngày phải trả lại cho một nền tự trị cao nguyên là điều không thể tránh được.”
Phải rồi tướng Thuyết đã lầm lẫn, và ông đã phải trả giá bằng sự ra đi của mình. Dù có điểm không đồng ý, dù không làm giống tướng Thuyết, tướng Trị vẫn thầm phục sự rắn rỏi và hành động thẳng băng như ông ta. Rồi ông tự hỏi mình phải chơi trò leo dây này đến bao giờ. Tướng Trị như ngồi trên đống lửa, ông chỉ còn 48 tiếng phải đuổi chạy trước kế hoãn binh của viên Trung tá Mỹ. Ông nói:
“Trung tá nên nhớ chúng ta chỉ có không đầy 48 tiếng để thực hiện một cuộc hành quân qua nhiều giai đoạn như vậy.”
Tướng Trị tỏ vẻ lo âu, riêng Tacelosky vẫn giữ vẻ mặt bình thản của một tên sa-đích trơ trẽn, hắn trắng trợn vật con bài xuống trước mặt ông Tướng:
“Dakto phải được coi là một trường hợp điển hình của bao nhiêu buôn ấp khác, đồng ý là nếu có phương tiện di chuyển, ông Tướng có thể đem mấy trăm dân làng về đây nhưng sau đó vấn đề sẽ đặt ra thế nào? Bắt họ bỏ hết đất đai gia súc rồi lại ném họ vào mấy trại tỵ nạn sống lây lất như những con vật là điều mà người Mỹ hoàn toàn không muốn. Chúng tôi luôn luôn phải nghe những lời ta thán của đám người tỵ nạn rằng đồ viện trợ dù thừa thãi cũng chẳng bao giờ tới được tay họ, có bao giờ ông Tướng tự hỏi về trách nhiệm của những viên chức Việt Nam.”
Tướng Trị bắt đầu thấy rát mặt vì những sỗ sàng của viên Trung tá với lớp da mặt lúc nào cũng dày cộm lún những lỗ và không gợi chút cảm xúc. Rồi ông lại tự hỏi, ở vị trí tướng Thuyết khi ngồi đây thì mọi sự sẽ ra sao, chắc chắn ông Thuyết sẽ chẳng bao giờ để Tacelosky nói những câu như thế. Phải chi nếu không có những cái “gaffes” tầy trời của bà Tướng mà ông chắc bọn Mỹ cũng đã biết, ông sẽ làm mạnh một lần rồi rũ áo ra đi, bây giờ thì ông kẹt quá rồi. Chỉ còn cách leo tiếp một đoạn dây để chờ một tình thế biến đổi khác. Ông cố đưa ra một giải pháp hoà dịu với viên Trung tá:
“Vấn đề cải thiện các trung tâm tỵ nạn là điều mà chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Trung tá nhưng cần yếu tố thời gian. Việc cấp bách bây giờ là làm sao giải thoát kịp thời những người dân lành ở đó trước khi Vi-xi có thể lùa họ đi.”
Như một cuộc đối thoại giũa hai kẻ điếc, Tacelosky vẫn đi trên lối cũ của mình:
“Tại sao ông Tướng không nghĩ là nên giao việc tổ chức và phân phát đồ cứu trợ vào chính tay những người Thượng này, họ chỉ cần liên lạc trực tiếp với các ban cố vấn chúng tôi và như vậy chính nhân viên các ông lại khỏi phải mang tiếng. Cũng như việc bảo vệ cao nguyên, huấn luyện và nuôi dưỡng những người lính Thượng can đảm và kỷ luật là điều rất nên làm, tôi không hiểu tại sao các ông lại muốn chống. Điều quan trọng là một cuộc chiến nhân tâm với đối phương. Người Việt Nam các ông đã thất bại trong việc thu phục lòng tin cậy, thiết tưởng ông Tướng cũng nên để yên cho chúng tôi chu đáo làm công việc đó.”
Viên Trung tá Mỹ còn nói với ông Tướng nhiều điều nữa và xem ra hắn không chút nao núng vì những đuổi chạy của thời gian. Tướng Trị cố gắng chịu đựng suốt bữa ăn, sau đó là phần briefing sơ lược về cuộc hành quân. Khi rời bộ Tư lệnh, Tacelosky nói với ông Tướng:
“Tôi sẽ gặp lại tướng Hunting ngay chiều nay để bàn định về kế hoạch giúp đỡ. Tôi hứa với ông Tướng sẽ hết sức cố gắng trong giới hạn có thể của không lực Mỹ tại đây.”
Tướng Trị có vẻ rất bi quan về một hứa hẹn nhiều mơ hồ như vậy. Ông lại triêu tập ngay bộ tham mưu phác hoạ thêm một kế hoạch khác nếu không có sự trợ giúp của không lực Mỹ, cùng một lúc ông cố gắng bắt liên lạc một lần nữa với tướng Hunting để hy vọng sự giúp đỡ trực tiếp.