Số lần đọc/download: 1302 / 27
Cập nhật: 2017-12-18 08:35:15 +0700
Chương 4: Nhân Chứng
T
ừ nhiều năm nay, ông Tench không viết một cái thư nào. Ngồi trước bàn viết,ông gậm nhấm cây bút sắt. Nghe theo một tiếng gọi kỳ lạ, ông sẽ ném hú hoạ bức thư của mình vào không gian bằng cách sử dụng cái địa chỉ cuối cùng mà ông biết…Southend.Làm sao biết được ai còn sống,ai đã chết …? Ông cố gắng bắt đầu. Thật khó hơn phá tan bầu khí lạnh nhạt trong buổi họp ở đó ta không biết ai cả. Ông đề bì thư trước: « Bà Henry Tench, nhờ bà Marsdyke chuyển, số 3 đường Westcliff. » Đó là nhà mẹ vợ ông,con mụ chuyên xía mũi vào mọi chuyện và bà đã buộc ông phải trưng cái bảng nha sĩ trước nhà ở Southend. « Xin nhờ chuyển » ông viết thêm. Bà ta dứt khoát sẽ không chuyển nếu bà nhận ra nét chử của ông,nhưng sau ngần ấy năm,chắc chắn bà đã quên.
Ông tiếp tục gậm nhấm cây viết…và rồi…? Công việc có thể đã dễ dàng hơn nếu mục đích của ông không phải là để tự khẳng định cho một ai đó là ông còn sống. Điều đó có thể làm cho vợ ông bối rối, nếu bà đã tái giá, nhưng trong trường hợp nầy, bà ta sẽ không ngần ngại gì mà không xé bỏ bức thư. Ông viết: Sylvia thân mến, bằng nét chử to, rõ của trẻ con,tai ông lắng nghe tiếng phù phù của cái lò. Ông đang chế tác một hỗn hợp vàng; ở trong thành phố nầy, không có hỗn hợp làm sẵn.Mặt khác, các cửa hàng sẽ không cung cấp cho ông loại vàng mười bốn ông cần cho việc làm răng và ông cũng không có điều kiện mua loại vàng tốt hơn.
Cái đáng chán là không bao giờ xảy ra chuyện gì cả. Ông ta có một cuộc sống thanh bạch như bà Marsdale có thể yêu cầu: đạm bạc, đều đặn và đáng kính.
Ông liếc mắt nhìn vào lò: vàng đã chảy và sắp hoà vào hỗn hợp: ông cho thêm một muổng than hoạt tính để cho hỗn hợp khỏi có bọt, rồi cầm viết và bắt đầu mơ màng trước tờ giấy. Ông không nhớ rõ lắm về vợ mình, ông chỉ nhớ những cái mũ mà bà hay đội. Chắc là bà ta sẽ rất ngạc nhiên khi nhận được thư nầy sau chừng đó năm. Họ đã không viết thư cho nhau từ khi đứa con nhỏ qua đời.Năm tháng không còn có ý nghĩa gì đối với ông. Thời gian qua thật nhanh và không làm ông thay đổi thói quen của mình. Sáu năm trước, ông đã muốn trở về Anh, nhưng cuộc cách mạng đã làm đồng pesô mất giá, rồi ông ta dọn đến định cư tại miền Nam. Hiện nay, ông đã tích cóp được một ít tiền, nhưng tháng trước, đồng tiền lại hạ giá thêm nữa, chắc là có cuộc đảo chính đâu đó.Không còn gì để mong đợi…Ông lại đưa cây bút ngậm vào trong miệng và ký ức của ông tan biến trong cái nóng ngột ngạt của căn phòng. Viết làm gì? Ông cũng không nhớ tại sao mình lại có cái ý nghĩ kỳ cục đó. Ai đó gõ cửa, ông Tench bỏ rơi bức thư trên bàn với hàng chử Sylvia thân mến. Một hồi chuông vọng lại từ một con tàu: chiếc General Obregon trở lại từ Veracruz. Một kỷ niệm chỗi dậy trong ông: như một cái gì sống động đang bắt đầu ngọ nguậy ở trong phòng trước, giữa những cái ghế xích đu… » Một buổi chiều thú vị: ông ta ra sao rồi, ông tự hỏi,khi nào?...rồi mọi sự trở lại yên tĩnh. Ông Tench thường nhìn người khác bị đau, đó là nghề của ông. Ông chờ đợi, cẩn thận, và sau một lúc, ông nghe một tiếng gọi nhỏ: Bạn (ở đây, không nên tin ai cả, ông quyết định rút then cài và mở cửa cho khách.
Cha Jôsê bước qua cánh cổng lớn nơi đó có ghi hàng chử màu đen « IM LẶNG » và vào nơi mà trước đây người ta gọi là « Vườn của Chúa ». Có thể nói đây là đám đất đã được phân lô và mọi người mạnh ai nấy xây không quan tâm đến kiến trúc của nhà bên cạnh.Những nhà vòm bằng đá cao thấp đủ kiểu; nhiều khi,qua khung cửa kính, người ta thấy những bó hoa bằng kim loại đang rỉ sét trên bục: nó tạo cho ta cảm giác như đang ở trong nhà bếp của một căn nhà mà chủ nhân đã bỏ đi,quên lau chùi bình bông. Một khung cảnh thân thiện bao trùm..người ta muốn đi đâu cũng được, xem gì cũng được. Sự sống đã hoàn toàn biến mất ở nơi nầy.
Ngài đi chầm chậm dọc theo mấy ngôi mộ. Ngài thấy được yên tĩnh một chút trong khu đất nầy vì ở đây bọn trẻ con không đến và ngài thấy nẩy sinh một nuối tiếc mơ hồ. Hai con mắt sưng húp, đỏ mọng của ngài nhìn quanh quất. Khi ngài vòng qua ngôi mộ nhà Lopez to lớn - một gia đình thương nhân có tiếng trong thành phố vì cách đây năm mươi năm, họ là sở hữu chủ của cái khách sạn đầu tiên trong tỉnh lỵ. Ngài thấy rằng ngài không phải một mình. Phía cuối nghĩa địa, gần bức tường bao, hai người đàn ông đang vội vã đào huyệt, một người đàn bà và một ông già đứng gần huyệt mộ. Một quan tài của trẻ con nằm gần chân họ. Chỉ một loáng, người ta đã đào đến được độ sâu cần thiết trong cái nền đất xốp nầy. Ngay lập tức, nước dâng lên: do đó những nhà giàu thường xây mộ nổi trên đất.
Họ ngừng tay và nhìn cha Jôsê còn ngài thì lùi lại phía mộ nhà Lopez như một người khách không mời mà đến. Không có dấu hiệu tang tóc gì trong cái ánh nắng chói chang nầy. Một con diều hâu đậu trên mái nhà gần nghĩa trang. Một giọng e dè kêu lên: « Cha. »
Cha Jôsê lúng túng xua tay, như muốn nói là ông ta không có ở đây, ngài đã đi thật xa rồi.
« Cha Jôsê » ông già lặp lại.Mọi người hau háu nhìn ngài: trước khi thấy ngài, họ đã cam đành,nhưng bây giờ họ tỏ vẻ như đói khát…Cha Jôsê co rúm người lại và rời xa đám người. « Cha Jôsê, ông già lặp lại, xin cha đọc cho cháu một kinh ». Họ cười với ngài và chờ đợi. Họ đã quá quen thấy người chết, nhưng đây là một cơ hội hiếm có; họ có thể hãnh diện về việc một thành viên của gia đình được chôn cất theo nghi thức phụng vụ.
• Không được đâu, cha trả lời.
• Hôm qua là lễ bổn mạng của nó, bà mẹ nói thêm,làm như việc nầy sẽ làm cho đưa bé được một ân huệ. Nó mới năm tuổi ». Đó là một bà nhiều chuyện, ưa khoe hình con mình với những người lạ; nhưng cái mà bà có thể chỉ cho ngài thấy ở đây chỉ là cái quan tài.
• Tôi lấy làm tiếc.
Để đến gần cha Jôsê hơn, ông già dùng chân hất cái hòm sang bên, cái hòm quá nhẹ, quá nhỏ xem như chỉ đựng một nắm xương.
• Chúng con không dám xin cha làm tất cả nghi thức đâu,chỉ xin cha một kinh thôi. Đó là một đứa bé vô tội. »
• Như thế là phạm luật.
• Tên thánh nó là Anita.Con bệnh khi sinh nó, bà mẹ giải thích vì sao con mình chết sớm.
• Luật.. »
Ông già đặt một tay lên miệng.
• Cha có thể tin tưởng ở chúng con. Chỉ một kinh ngắn thôi. Con là ông nó. Đây là mẹ nó, cha nó, chú nó. Cha có thể tin ở chúng con. »
Nhưng, bi kịch chính là chổ đó…ông không thể tin ai cả. Vừa về tới nhà là họ sẽ rêu rao khắp nơi. Vị linh mục không ngừng lùi lại,lắc đầu quầy quậy, hai bàn tay mập mạp vòng lại, đứng dán sát vào mộ nhà Lopez. Ông sợ, nhưng một,tiếng gọi chặn ngay cổ họng ông, vì người ta còn xem ông như linh mục, kính trọng…
• Cha không làm được đâu, các con ơi… »
Bất ngờ và đột ngột, sự tuyệt vọng bao trùm nghĩa trang. Họ đã quen nhìn thấy trẻ con chết nhưng họ không quen với điều mà cả thế giới đều biết, là thấy hy vọng tắt ngúm. Bà mẹ bắt đầu khóc,không có nước mắt, ồn ào như một con thú mắc bẫy; ông già quỳ gối xuống, hai tay giang lên trời.
« Cha Jôsê, cha là linh mục duy nhất… »
Có thể nói là ông ta đang chờ đợi phép lạ. Cha Jôsê bị thôi thúc bởi ước muốn bất chấp mọi nguy hiểm và đọc vài kinh trên huyệt mộ nầy; một ao ứơc cháy bỏng được làm nghĩa vụ của mình xâm chiếm lấy ngài,ngài làm dấu thánh giá lên trời; rồi cái sợ lại trào lên cổ họng ngài như vị ma tuý. Sự nhẫn nhục và an toàn chờ đợi ngài gần bến cảng: ngài muốn bỏ đi. Chịu thua,ngài quì gối xuống cầu xin họ:
• Xin tha cho tôi.Tôi bất xứng. Các người không thấy tôi chỉ là một thằng hèn thôi sao?’
Hai ông già quỳ gối đối diện nhau giữa những ngôi mộ, cái quan tài nhỏ bé kia giờ chỉ là một cái cớ; màn kịch thật khôi hài. Ông biết rằng thật lố bịch: cả đời ông đã suy nghĩ, phân tích và có thể tự hiểu mình: xồ xề, xấu, già, hèn. Như thể cả cơ binh thiên thần đã im tiếng để cho tiếng la inh ỏi, chói tai và độc địa của tụi trẻ con trong khu nhà vang lên: « Jôsê, đi ngủ ». Ông biết rằng ông mang một tội không thể cứu vớt được: tuyệt vọng.
« Rồi cũng đến ngày vinh phúc, bà mẹ đọc, Ôi, thật là ngày vui sướng cho mẹ và các chị! ngày hơi buồn, vì xác thịt yếu đuối nên làm sao họ không buồn khi mất con,mất anh…Ôi,nếu họ biết là ngay ngày đó, họ có được một vị thánh ở trên trời cầu bầu cho họ! »
Ngồi trên giường, cô gái nhỏ nhất hỏi: « Chúng ta cũng có một vị thánh chứ mẹ?
• Dĩ nhiên rồi.
• Sao họ muốn có thêm một vị thánh nữa?
Bà mẹ tiếp tục đọc.
« Ngày hôm sau,cả nhà rước Mình Thánh Chúa từ tay con, anh mình. Rồi họ âu yếm nói lời từ biệt người chiến sĩ Chúa Kitô-họ không biết rằng đó là lần cuối cùng và trở về nhà ở Morales. Nhưng, mây đen đã che kín bầu trời, tổng thống Calles đang thảo luận về bộ luật chống người công giáo trong lâu đài Chapultepec. Quỷ Satan sẵn sàng tấn công xứ Mêxicô bất hạnh. »
• Khi nào thì họ bắn anh ta? » Cậu con trai bồn chồn hỏi.
Bà mẹ cứ tiếp tục đọc.
« Ngoài cha linh hướng, Juan không cho ai biết là anh đang chuẩn bị cho những ngày khó khăn sắp đến bằng những hy sinh hãm mình nghiêm ngặt. Các bạn khác không hay biết gì và họ đang bị cuốn hút bởi những chuẩn bị cho ngày lễ thành lập dòng, chính anh… »
- Con biết, con biết, cậu con trai nói. Anh ta đã đóng kịch.”
Các cô gái tròn xoe mắt kinh ngạc.
• Tại sao không, Luis? bà mẹ đáp.
Bà nghỉ một lúc rồi tiếp tục đọc. Hai cô em nhìn ông anh vừa kinh sợ, vừa thán phục.
« Chính anh…bà mẹ đọc, được phép diễn một vở kịch ngắn, chỉ một hồi, dựa trên… »
• Vâng con biết,cậu con trai nói, dựa trên tích các thánh tử đạo hầm trú. »
Mím môi,bà mẹ tiếp tục:
«...dựa trên cuộc bắt bớ những tín hữu đầu tiên. Có lẽ anh ta nhớ rằng khi còn bé, mình từng đóng vai Nêron trước mặt Đức Giám Mục,nhưng,lần nầy, anh xin cho mình được đóng vai hài của người bán cá thành Rôma... »
• Con không tin chút nào hết,cậu con trai lầm bầm.
• Làm sao con dám nói thế?
• Anh ta có vẻ đần. »
Hai cô bé trân người, những đôi mắt thiên thần tròn xoe, chứng kiến cuộc tranh cãi.
• Ra với ba con đi.
• Con sẽ đi bất cứ đâu dể tránh cái...tránh cái..., cậu bé nói.
• Con nói cái gì,lặp lại mẹ nghe.
• Cái....
• Ra khỏi đây.”
Cậu đóng mạnh cửa khi đi ra. Ông cha đang đứng trước cửa sổ nhìn qua song sắt. Những con mối va vào ngọn đèn dầu kêu lách tách, gãy cánh, bò trên nền nhà.
“ Mẹ bảo con nói với ba là con không tin một chút nào vào những quyển sách mà mình đang đọc...
• Sách nào?
• Sách hạnh các thánh tử đạo đó.
• Ối dào! Cái nầy...” ông cha nói giọng buồn bã.
Không có ai đi ngoài đường. Chín giờ rưỡi tối, đèn tắt rồi.
“Cố gắng độ lượng, ông nói. Con xem, với chúng ta, mọi cái như đã kết thúc. Những cuốn sách đó, cũng là một chút tuổi thơ của ta mà.
• Nhưng nó có vẻ đần đần sao đó.
• Con không nhớ lại ngày xưa, hồi còn đạo.Ba chưa bao giờ là người công giáo tốt, nhưng dù sao đó cũng là.. cũng là nhạc,là ánh sáng,là nơi ta trốn được cái nóng, và với mẹ con, Chúa ơi, đó là công việc thường xuyên của bà ta. Nếu như ta có một rạp hát hay bất cứ cái gì để thay thế, chúng ta sẽ không cảm thấy quá...quá bị bỏ rơi.
• Nhưng cậu Juan đó, thằng con trai chống chế, có vẻ như một thằng ngu.
• Họ giết cậu ta rồi phải không?
• Vâng,như họ đã giết cha Villa, Obregon, Madero…
• Ai cho con biết tên họ?
• Chúng con chơi trò đó mà. Hôm qua, chính con là Madero.Mấy đứa kia đã bắn con trên công trường vì...con âm mưu trốn thoát.”
Nơi xa, trong đêm đen, có tiếng trống; mùi nồng nồng từ sông đưa lên tràn ngập căn phòng, cái mùi bồ hóng thật quen thuộc của thành phố.
“ Tụi con rút thăm, may rủi. Con là Madero; Pedrô là Huerta. Nó trốn đi Vera Cruz theo đường sông, Manuel đã theo dõi nó...Nó là Caranza.”
Người cha nhìn ra đường, đưa tay hất một con mối đang bò trên áo ông; một tiếng bước chân đi đều tiến lại.
“ Chắc là mẹ con không bằng lòng.
• Còn ba? đứa trẻ hỏi.
• Tại sao lại là ba? Đó không phải là lỗi của con. Chúng ta bị bỏ rơi.. »
Đám lính đi qua, để về doanh trại. Họ trèo lên ngọn đồi và đi qua khu đất trước kia là nhà thờ chánh toà. Dù có nhịp trống, họ vẫn đi không đều bước,họ có vẻ thiếu ăn và chưa quen nghiệp nhà binh. Họ đi qua con đường tối đen; cậu con trai nhìn họ thèm thuồng cho đến khi họ đi khuất.
Bà Fellows đung đưa trên chiêc ghế…
“ Lúc đó ngài Palmerston tuyên bố rằng nếu chính phủ Hy Lạp không xử sự đúng đắn với Don Pacifico…”
• Con yêu, mẹ nhức đầu quá, mẹ nghĩ hôm nay chúng ta nên dừng lại ở đây thôi.
• Vậy cũng được, con cũng hơi nhức đầu.
• Mẹ tin là con sẽ khoẻ ngay thôi.Con xếp sách vở lại đi.
Những cuốn sách cũ gởi đường bưu điện từ một công ty của Paternoster Row tên là công ty TNHH Lớp học tư; đó là một giáo trình bắt đầu bằng:” học cách đọc sách không chảy nước mắt” và dẫn ta tuần tự tiến đến “Đạo luật Canh Tân, đến Ngài Palmerston, rồi đến Victor Hugo.Mỗi sáu tháng, họ gởi đề thi đến và bà Fellows nghiên cứu kỹ các câu trả lời và đưa cho con gái. Cô gái gởi đáp án về cho Paternoster Row và vài tuần sau sẽ nhận được kết quả; có lần, em quên làm bài vì có nổ sung ở Zapata và cô đã nhận được một thông báo có câu mở đầu như sau:
“ Thưa phụ huynh, chúng tôi lấy làm tiếc khi thông báo rằng…” Cái khó là hiện nay em đã học trước chương trình đến vài năm vì em không có sách gì khác để đọc đến nỗi các đề thi thường chậm mất vài năm. Đôi lúc, cơ sở gởi cho em bằng có đóng dấu nổi để treo, bằng báo rằng cô Carôn Fellows đã qua lớp 3, trình độ nhóm hai, có đóng dấu cao su: Henry Beckley, B.A Giám đốc công ty TNHH Lớp học tư và nhiều khi cũng nhận được thư riêng đánh máy viết rằng: Học sinh thân mến, chúng tôi nghĩ rằng, tuần nầy, em nên chú ý hơn đến… Những bức thư luôn có cùng một chử ký màu xanh hơi nhoè và phải mất sáu tuần mới nhận được.
“ Con yêu, bà Fellows nói, con đi tìm bà bếp bảo dọn cơm trưa đi. Cho con thôi.Mẹ không ăn được và ba con không có nhà.
• Mẹ tin có Chúa không?
Câu hỏi làm bà Fellows kinh ngạc. Bà trả lời: “ Tất nhiên rồi.
• Ý con muốn nói đến tín điều Vô nhiễm nguyên tội...và các thứ tương tự khác.
• Con yêu, sao con hỏi kỳ vậy. Con có nói chuyện với ai rồi phải không?
• Không, con có nói chuyện với ai đâu, con suy nghĩ, thế thôi.
Cô ta không đợi câu trả lời, em biết sẽ không có câu trả lời. Chính em phải quyết định hết mọi việc. Chính Henry Beckley B.A đã ghi như thế trong một trong những bài học đầu tiên. Điều đó dễ chấp nhận hơn là chuyện cậu bé đi hia bảy dặm. Lúc mười tuổi, em đã loại bỏ cả hai huyền thoại đó ra khỏi đầu không thương tiếc.Lúc đó em bắt đầu hoc đại số.
• Mẹ hy vọng không phải là ba con...
• Không, không.
Cô bé đội mũ kết và đi ra trong ánh nắng gay gắt lúc mười giờ sáng để tìm bà bếp... Nó có vẻ mong manh hơn bao giờ hết và cũng bất trị. Khi cô bé đã ra lệnh xong, em ra kho để xem lại mấy cái da cá sấu giăng trên tường; rồi qua chuồng ngựa xem mấy con lừa có khoẻ không. Cô bé mang trên mình trách nhiệm một cách cẩn thận,như mang một vật bằng sứ đi qua cái sân nóng bỏng: không có câu hỏi nào mà em không trả lời được; trên trời,những con diều hâu bay là đà.
Cô trở về nhà và nói với mẹ:
• Hôm nay thứ năm.
• Vậy sao con?
• Không biết ba đã lo gởi chuối ra cảng chưa?
Cô bé nhanh nhẹn trở lại sân và rung chuông: một người da đỏ xuất hiện. Chưa, chuối còn trong kho. Chưa có lệnh lạc gì hết.
“Đưa chuối ra ngay, cô bé ra lệnh. Nhanh lên, tàu sắp đến rồi.
Cô đi tìm cuốn sổ của ba và bắt đầu đếm số quày người ta mang ra, mỗi quày chừng một trăm trái, mỗi trái giá vài xu.Phải mất hơn hai giờ mới hết kho. Công việc phải hoàn tất; thêm một lần nữa, ba cô lại quên ngày. Sau hơn nửa giờ,cô bé thấy mệt, thường thì bữa sáng không khi nào em thấy mệt. Cô dựa lưng vào tường, nhưng thấy nóng nơi vai.Em không trách cứ ai việc em phải làm đây,phải lo hết mọi việc: từ “ chơi” không có nghĩa gì đối với cô bé suốt đời phải làm người lớn. Trong một cuốn sách của Henry Beckley, có hình buổi ăn xế của búp bê: em bé không thể hiểu được như thể đó là một nghi lễ mà em không biết; em không hiểu tại sao lại phải giả bộ. Bốn trăm năm mươi sáu, bốn trăm năm mươi bảy. Mồ hôi chảy dài như tắm trên thân thể những người lao công. Cô bé cảm thấy một cơn đau kinh khủng trong bụng. một quày chuối đi qua, em không kịp ghi và em cố gắng bắt kịp. Lần đầu tiên trong đời, ý thức trách nhiệm đối với em là một gánh nặng qúa sức mà em phải chịu đựng từ nhiều năm nay. Năm trăm hai mươi lăm. Cơn đau nầy mới ( lần nầy không phải do sán lải) nhưng nó không làm em sợ: có thể nói là cơ thể em đang đợi, nó đang chuẩn bị cho em trưởng thành. Trong trường hợp của em, không thể nói là tuổi thơ đang rời xa em: Tuổi thơ là một điều mà em chưa bao giờ nhận thức được.
• Quày cuối cùng à?
• Vâng, thưa cô.
• Anh có chắc không?
• Chắc ạ.
Nhưng cô cần phải kiểm tra. Từ nào đến giờ, chưa bao giờ em có ý thoái lui trước công việc nặng nhọc. ( Nếu em không làm thì ai làm đây.) Nhưng hôm nay, em cần nằm nghỉ, ngủ; nếu chuối không xuất đi được, đây là lỗi của ba em. Cô bé tự hỏi không biết mình có bị sốt không: hai chân em lạnh ngắt trên nền đất nóng.” Không sao, để rồi hay” cô bé tự nhủ. Và em kiên nhẫn đi vào nhà kho,tìm cái đèn pin và bật lên. Đúng, nhà kho có vẻ trống rỗng. Côran chưa bao giờ làm việc gì nửa chừng. Cô bé tiến đến sát tường, dọi đèn trước mặt. Một vỏ chai bia lăn dưới chân em.Rồi ánh đèn chiếu lên tường: phía dưới, gần chân tường, em thấy có ai đó đã vẽ bằng phấn một số thánh giá. Chắc là ông ta khi ẩn nấp trong chuối, đã vô tình viết, vẽ cái gì đó cho bớt sợ, và đó là tất cả những gì ông ta làm được. Cô bé, bị hành hạ bởi cơn đau đàn bà, đứng bất động nhìn những cây thánh giá. Buổi sáng hôm nay đã mang lại cho em một điều mới mẻ đáng sợ: người ta nói rằng,ngày đó là ngày đáng ghi nhớ.
Ông cảnh sát trưởng đang chơi bi da, viên trung uý đến tìm ông. Ông quấn một chiếc khăn tay quanh mặt mong làm giảm đi cơn đau răng. Ông bôi phấn lên đầu cây cơ để đánh một cú khó lúc viên trung uý đẩy cửa bước vào. Trên kệ, người ta chỉ thấy mấy chai nước khoáng và một loại thức uống màu vàng, bảo đảm không có cồn. Viên trung uý vẩn đứng gần cửa, dáng lúng túng: tình cảnh bày ra trước mắt anh quá lố bịch, ông thấy xấu hổ và muốn loại ra khỏi tỉnh nầy những gì có thể khơi gợi sự chế nhạo của người nước ngoài.
“ Tôi nói chuyện với ông được không? Viên trung uý hỏi.
Ông cảnh sát trưởng nhăn mặt và tiến về phía cửa nhanh nhẹn hơn thường lệ: viên trung uý liếc nhìn lên các vòng để ghi điểm: ông sếp đang thua.
“ Chờ chút, ông cảnh sát trưởng nói. Không muốn mở miệng.”
Lúc họ mở cửa, ai đó đã lấy cái cơ nhẹ nhàng đẩy cái vòng ghi điểm của ông cảnh sát trưởng.
Họ đi bên cạnh nhau trên đường, một ốm một béo. Hôm nay chủ nhật, mọi gian hàng đều nghỉ, chút tàn tích duy nhất còn sót lại của chế độ cũ. Không có một tiếng chuông nhà thờ nào.
“ Anh đã gặp ông tỉnh trưởng chưa? Ông trung uý hỏi.
• Anh được toàn quyền hành động, ông cảnh sát trưởng đáp, toàn quyền.
• Chúng ta chịu hoàn toàn trách nhiệm à?
• Với một vài điều kiện.
• Điều kiện gì?
• Anh sẽ chịu trách nhiệm nếu không…bắt được…trước mùa mưa…
• Chỉ có thế thôi ư! Viên trung uý càu nhàu.
• Anh đã muốn thế thì được như thế.
• Tốt quá.
Hình như đối với ông trung uý, ông đã thấy được cái thế giới mà ông mong muốn. Họ đi ngang trước ngôi nhà của Công đoàn thợ thuyền và nông dân đang xây dựng: qua cửa sổ, họ thấy những bức tranh tường lớn: một linh mục đang vuốt ve một phụ nữ trong toà giải tội,một ông khác đang say mềm vì rượu lễ.
“Nhờ nỗ lực của chúng ta,chẳng bao lâu nữa, những hình ảnh nầy sẽ không còn cần thiết”, viên trung uý nói.
Họ nhìn những bức tranh với những cặp mắt xa lạ và đối với họ,chúng có vẻ man rợ.
“ Tại sao?... Được đó chớ.
• Một ngày nào đó, họ sẽ quên là họ đã từng có một giáo hội.”
Ông cảnh sát trưởng không trả lời. Ông trung uý biết điều ông sếp đang nghĩ trong đầu: quá ồn ào cho một việc không đâu!
“Vậy thì mệnh lệnh cho tôi là gì? Ông trung uý hỏi giọng khô khốc.
• Lệnh a!
• Vâng, ông là cấp trên của tôi.”
Ông cảnh sát trưởng im lặng; từ hai con mắt tinh ranh của ông, ông kín đáo canh chừng viên trung uý.
“ Anh biết rằng tôi tin tưởng anh. Hãy làm cái gì anh cho là tốt nhất.
• Ông có thể viết lại những điều đó không?
• Không,không cần đâu. Chúng ta biết nhau quá mà.
Cuối cùng,viên trung uý nhượng bộ trước vì theo anh ta việc nầy rất quan trọng.Tương lai cá nhân anh không đáng kể.
“ Tôi sẽ bắt con tin trong tất cả các làng, ông nói.
• Như thế thì ông ta tránh làng mạc ra.
• Anh nghĩ là họ không biết ông ta ở đâu sao? Ông trung uý cay đắng nói. Ông ta bắt buộc phải giữ quan hệ với họ, nếu không, anh ta chỉ là đồ vô dụng.
• Cứ làm như anh muốn, ông cảnh sát trưởng nói.
• Và mỗi khi cần thiết, tôi sẽ bắn một mạng.
• Một chút máu không làm hại ai, ông sếp đùa cợt. Anh tính bắt đầu từ đâu?
• Tại giáo xứ của hắn: Conception và có thể là quê hắn.
• Tại sao lại chọn làng nầy?
• Vì hắn ta tin là được an toàn ở đó.” Viên trung uý sầm mặt nhìn những hàng quán cửa đóng im ỉm. “ Cũng đáng để phải bắn một vài người. Nhưng, ông ta, anh có tin là ông ta sẽ ủng hộ tôi nếu mình có phiền phức với Mêxicô không?
• Không sao đâu, nhưng anh….” Một cơn đau răng làm ông không nói được.
• Chính tôi đã muốn thế, ông trung uý kết thúc câu chuyện.
Ông ta đi về đồn cảnh sát còn ông sếp trở lại bàn bi da. Có ít người trên đường phố, trời nóng quá.” Phải chi, viên trung uý thầm nghĩ, mình có một tám hình rõ hơn.” Ông ta muốn biết rõ khuôn mặt kẻ thù.Một bầy trẻ con chiếm lĩnh công trường. Chúng chơi một trò chơi kỳ lạ và rắc rối; một chai nước khoáng rỗng bay đến vở nát ngay dưới chân viên trung uý. Ông đưa tay lên bao súng,quay lại. Ông bắt gặp ánh mắt ngại ngùng của một cậu bé.
“Chính em đã ném cái chai phải không?”
Hai con mắt màu nâu nhìn ông e ngại.
“Tại sao em làm thế?
• Đó là một quả bom.
• Em định ném tôi à?
• Không.
• Vậy thì ném ai?
• Tên cướp người Mỹ »
Ông trung uý cười gượng gạo.
• Được, nhưng em phải nhắm kỹ hơn. »
Ông lấy chân đá cái chai lăn lóc trên đường và tìm kiếm những câu nói thích hợp để chứng tỏ với lũ trẻ là ông với chúng cùng một phe.
« Chú nghĩ rằng, ông nói, tên cướp Mỹ là một trong những tên Yankee giàu có… ». Nhưng thấy trên khuôn mặt lũ trẻ sự tin tưởng vô hạn, ông cảm thấy mình phải làm một cái gì đó cho chúng, trong thâm tâm ông, ẩn kín sự âu yếm không được đáp trả và nỗi buồn.
« Đến đây », ông nói.
Thằng bé lại gần, mấy đứa kia cũng xúm lại tụ thành vòng tròn bao quanh.
« Em tên gì »
-Luis.
Ông trung uý không biết nói gì.
• Nầy, Luis,em phải học nhắm.
• Em muốn lắm! thằng bé nói, đôi mắt thèm thuồng nhìn bao súng của ông trung uý.
• Em muốn xem súng phải không? Ông trung uý hỏi. Ông rút súng ra và đưa cho thằng bé; mấy đứa trẻ kia xáp lại gần.” Đây là khoá an toàn. Bật nó lên. Rồi, bây giờ bắn được rồi đó.
• Có đạn không chú?Luis hỏi.
• Luôn luôn có đạn.
Thằng bé liếm môi. Miệng nó tràn nước miếng như khi ngưởi thấy mùi thức ăn ngon.Mấy đứa kia cũng xúm lại gần. Đứa bạo gan nhất đưa tay chạm vào bao súng. Khi ông trung uý bỏ súng vào bao, ông cảm thấy lũ trẻ sung sướng nhưng sợ sệt.
“ Súng nầy là súng gì hở chú? Luis hỏi.
• Colt 38.
• Có mấy phát.
• Sáu.
• Chú đã giết ai bằng súng nầy chưa?
• Chưa, viên trung uý trả lời.
Tụi trẻ con chăm chú đến không dám thở.Viên trung uý,tay đặt trên bao súng, nhìn một lúc vào những đôi mắt nâu, kiên nhẫn, nhiệt tình: ông ta chiến đấu cho chúng. Ông muốn loại bỏ khỏi tuổi thơ của chúng những gì đã khiến cho tuổi thơ ông trở nên quá bất hạnh: nghèo đói, tham nhũng, dị đoan. Chúng nó đáng được hưởng công lý, chỉ công lý mà thôi; trong một thế giới trống không, một trái đất đang nguội dần, chúng được quyền tạo dựng hạnh phúc như chúng mong muốn. Vì chúng, ông sẵn sàng lao vào cuộc tàn sát- trước hết là Giáo hội, rồi người nước ngoài, sau nữa là các chính trị gia- chính ông sếp của ông cũng sẽ đến lượt. Ông muốn cùng với chúng xây dựng lại thế giới trong một sa mạc.
“ Em muốn, em muốn..Luis lắp bắp.Tham vọng của nó quá lớn khiến nó không nói được nên lời.
Ông trung uý muốn làm một cử chỉ thân thiện, trìu mến…nhưng ông không biết làm như thế nào. Ông đành nhéo tai thằng nhỏ cho đến khi nó nhăn mặt vì đau. Những đứa trẻ khác tản mác ra như một bầy chim và viên trung uý một mình tiếp tục nhịp bước đi qua quảng trường, về phía đồn cảnh sát. Ẩn dấu dưới khuôn mặt đầy hận thù của con người nhỏ bé, ăn mặc chỉnh tề kia là tình yêu. Trên bức tường văn phòng, tên cướp nhìn xoi mói cái đám tiệc rước lễ lần đầu, ai đó đã vẽ quanh đầu ông linh mục một vòng tròn để phân biệt ông với những bà mẹ và các cô gái khác: cái nụ cười đáng ghét của ông ta rạng rỡ giữa vừng hào quang. Ông trung uý la lớn:” Có ai ở đây không?” Rồi ông ngồi vào bàn,có tiếng súng chạm nhau lách cách đến gần.