Số lần đọc/download: 2250 / 39
Cập nhật: 2018-02-01 09:48:04 +0700
Chương 5
P
hân xưởng làm tôm ở Xí nghiệp Cầu Tre náo nhiệt hẳn mỗi khi có học trò trường Hạ kéo đến lao động giữa hai học kì, theo một hợp đồng kết nghĩa giữa hai đơn vị. Học trò vừa được giáo dục về lao động, vừa góp phần gây quỹ cho trường, lớp và cả thu nhập cho cá nhân. Những giờ lao động kiểu ấy vui nhộn và thiết thực hơn rất nhiều so với cách tổ chức trước đây. Dẫu sao việc bóc vỏ những con tôm còn lạnh ngắt, rồi phân loại, cân ký để đưa vào đông lạnh, cũng cho các bạn học sinh thấy ngay được kết quả lao động từng buổi của mình, lý thú hơn nhiều so với việc cuốc đất lên vồng để trồng khoai, sắn, hoặc còng lưng ngồi uốn mấy cái lò so cho chiếc mấy roay Sinco, vừa cực lại vừa không biết sau này kết quả sẽ như thế nào. Những con tôm vừa bóc vỏ trông trắng hồng, mũm mĩm, săn chắc mới ngon lành làm sao! Tất nhiên cái ngon lành của nó chỉ những người xa lạ ở tận đâu đâu mới được thưởng thức, nhưng với ý thức rằng công việc mình đang làm sẽ góp phần đem thêm ngoại tệ về cho đất nước đã đủ cho đám học trò - vốn chưa từng làm được điều gì ích lợi thiết thực - thấy hào hứng.
Hoa vừa bóc tôm vừa ồn ào đố đám bạn đứng gần mình:
- Đố tụi bây ở nước mình, con vật nào dài nhất? Đứa nào nói trúng, tao tặng luôn mớ tôm nãy giờ tao bóc được đó! Hân, mày biết con nào không?
- Con trăn! - Hân nói đại.
- Trật bét!
- Con bạch tuộc! - Đức hét.
- Tầm bậy!
Tùng ra bộ bí mật:
- Tao biết rồi!
Hoa hơi run:
- Biết rồi thì đừng nói.
Cả đám nhao nhao:
- Để cho nó nói chứ! Ê Tùng, nói đi. Trúng là mày hốt mớ tôm đó coi như đạt chỉ tiêu có quyền về sớm rồi. Cho nhỏ Hoa ở lại làm tới chiều luôn.
Tùng gạ Hoa:
- Muốn tao không nói thì chia một nửa đống đó đi!
Hoa nổi nóng:
- Đồ bóc lột! Nói đi!
- Con... sán sơ mít!
- Đồ quỷ! Đồ điên!
Cả bọn lăn ra cười. Tùng tranh thủ cơ hội quơ lẹ mấy con tôm bự của Hạ đang đứng bên cạnh về phía mớ tôm của mình, rồi hất mấy con tôm nhỏ trả sang. Tôm bự dễ bóc vỏ, mà chỉ vài con là đủ kí, làm chẳng mấy chốc đã xong chỉ tiêu. Mỗi đứa mỗi lần được phát một xô tôm đủ cỡ, nên cứ có dịp là hoạt động tráo tôm lại diễn ra, đổ bể là bị cự cãi chí chóe.
- Thua hết rồi phải không? - Hoa hỏi.
- Rồi, nói đi. Con gì?
- Con tôm! - Hoa đắc ý nhìn quanh các bạn.
Cả bọn phản đối:
- Xí, con tôm mà dài nhất!
- Chứ gì nữa? Này nhé, cái đầu nó ở Việt Nam, còn cái mình thì ở tận Nhật Bản, Hồng Kông. Vậy không dài nhất nước là gì?
Hạ vỗ tay:
- Hay quá! Đúng rồi!
Tùng len lén chộp thêm một con tôm bự nữa thì bị Hân phát hiện:
- Ê Hạ! Thằng Tùng chôm tôm của mày kìa!
Hạ xách nguyên cái xô đựng đầu tôm, vỏ tôm lên:
- Biết điều trả lại ngay! Không là ta cho nguyên cái xô này lên người bây giờ!
Tùng riu ríu bỏ lại. Cả bọn lại càng cười ầm ĩ. Đức bình luận:
- Tao nghi câu đố của tên Hoa lấy ở báo Tuổi Trẻ Cười quá!
Hoa bĩu môi:
- Còn lâu! Tờ báo đó dở ẹc, làm sao biết được câu đố hay như vậy.
Những bàn tay đeo găng cao su cứ thoăn thoắt nhặt tôm, thẩy ra làm mấy loại trên mặt bàn, trong khi các câu chuyện cứ tít tắp nổ ra không ngừng. Họ bàn về những chuyện vui buồn trong học kì I vừa trôi qua, về chương trình cho đêm Noel Sắp tới, về những mô-đen quằn quại trong dịp Tết này... Những câu chuyện của tuổi học trò, biết bao giờ mới cạn?
Suốt từ đầu buổi, Hằng cứ lẳng lặng làm việc. Cô đứng cuối một dãy bàn, hơi tách ra khỏi các bạn, không hề tham gia trong bất cứ câu chuyện nào. Nét mặt cô càng lạnh lùng càng đẹp như một pho tượng. Chỉ rất tinh ý người ta mới nhận thấy hai quệt quầng thâm quanh mắt cô. Hằng thao tác rất nhanh và là một trong nhứng người đầu tiên hoàn thành định mức của ngày hôm đó. Cô lặng lẽ ra về một mình.
Trên đường về, Hân, Hoa và Hạ ghé vào một xe nước mía. Hân hỏi Hạ:
- Nhỏ Hằng hôm nay sao kì quá!
- Chắc nó bị bệnh. Chiều hôm qua, tao đã thấy nó sụt sịt cả buổi.
- Bệnh gì? Tao thấy hình như nó có chuyện gì buồn lắm.
Hoa chen vào:
- Hay là tại ông thầy Minh? Tao nghi lắm.
Hạ gạt đi:
- Không có đâu.
- Mày nói chuyện với nó chưa? - Hoa hỏi.
- Thì tao đá kể cho tụi bây nghe rồi. Bảo đảm không gì chuyện gì đâu mà.
Hân phân công:
- Thôi, tối nay nhỏ Hạ chịu khó ghé nhà nhỏ Hằng lần nữa đi. Tao lo quá! Tao thấy mặt nó buồn hiu à. Mọi ngày nó đâu có vậy.
- Ờ, tao cũng vậy. Không biết chuyện gì đã xảy đến cho nó. - Hoa hưởng ứng.
Hạ không nói, nhưng tự nãy giờ còn lo hơn các bạn. Cô không tin có nguyên nhân thầy Minh trong nỗi buồn của Hằng. Phải chăng cái điều mà cô hằng lo đã xảy ra? Hằng đã phát hiện ông Quang đang chia sẻ tình yêu với một người phụ nữ khác?
Tối ấy, Hằng đã tiếp Hạ bằng một vẻ mặt khép kín, và tiếp dưới phòng khách chứ không đưa lên phòng riêng. Cô giải thích với bạn là cô đang bệnh chỉ muốn được nghỉ ngơi. Thái độ khó hiểu của cô trong suốt buổi lao động chỉ là vì quá mệt mỏi. Các bạn cứ yên tâm về cô. Chẳng có gì quan trọng cả.
Chỉ cần nhìn vào mắt Hằng là Hạ biết ngay bạn mình nói dối. Cô thở dài, từ giã ra về sau khi chúc Hằng mau hồi phục sức khỏe. Trên đường về, Hạ cứ băn khoăn mãi. Chuyện gì đã xảy đến với Hằng? Phải là một chuyện gì ghê gớm lắm, và rất riêng tư, Hằng mới giấu Hạ như vậy. Chuyện gì?
Vâng, cái chuyện ấy đúng là ghê gớm - không, phải nói là khủng khiếp - đến quá sức chịu đựng của Hằng, làm cô bàng hoàng suốt từ đêm qua. Đêm qua...
*
* *
Đêm qua...
Hằng đã chớm bệnh từ chiều. Có lẽ vì cô đã dốc quá nhiều sức cho kì thi cuối học kì, nên người yếu hẳn. Tháng 12, trời đổi lạnh bất chợt, sáng sớm ra đường không mặc áo ấm đã đủ để trưa đến, cô thấy người gây gây mệt. Ỷ y vào sức khỏe của mình, Hằng vẫn gắng đứng làm cho xong chỉ tiêu trong ngày, rồi còn đi ăn chè Yên Đỗ với các bạn. Chỉ khi về đến nhà, cô mới bắt đầu thấy thấm. Toàn thân mỏi nhừ, đầu nặng trịch. Tắm xong, cô lên giường năm vùi cho đến bứa cơm tốì.
Ông Quang, ba Hằng, đã đi công tác tỉnh. Nhà chỉ còn hai mẹ con - vì chú Đăng ăn cơm ngoài - nên Hằng phải gắng gượng ngồi ậy ăn cơm với mẹ cho mẹ yên lòng. Cô uể̉ oải nuốt được lưng chén cơm rồi xin phép mẹ lên phòng đi ngủ sớm vì thấy hơi mệt. Mẹ hỏi Hằng có bệnh gì không, để mẹ đưa thuốc cho uống. Hằng tự tin chỉ cần ngủ ngon một đêm là sẽ khỏe lại - đã bao lần cô bị như vậy - nên lắc đầu, nói cô chỉ mệt vì thiếu ngủ sau những đêm thức khuya học bài. Mẹ hôn trán cô và chúc cô ngủ ngon. Hằng nhìn mẹ, cảm động. Mẹ còn trẻ và vẫn rất đẹp. Nhiều người đã nói Hằng đẹp là nhờ giống mẹ. Cũng không ít người, thấy hai mẹ con Hằng đi với nhau, đã lầm tưởng là hai chị em. Hằng luôn tự hào về nét xinh đẹp dịu dàng của mẹ, như vẫn tự hào về tài năng và uy tín của ba. Trong mắt cô, không một ông bố bà mẹ nào có thể so sánh được với ba mẹ mình.
Nhưng giấc ngủ mãi vẫn không đến, trong khi đầu Hằng càng lúc càng nghe nhức buốt. Chiêc đồng hồ nhỏ ở đầu giường cứ tích tắc đếm nhịp. Tám giờ. Chín giờ. Mười giờ. Có tiếng chuông điện, rồi tiếng kéo cửa sắt dưới nhà, có lẽ chị Năm - người giúp việc - đang mở cửa cho chú Đăng đi chơi tối về. Rồi mười một giờ... Tích tắc, tích tắc, tích tắc... Mười một giờ rưỡi. Không chịu nổi nữa, Hằng ngồi dậy, loạng choạng đi ra mở cửa phòng, bước qua phòng mẹ định xin thuốc uống. Cô hơi ngạc nhiên khi thấy cửa phòng mẹ chỉ khép hờ.
Hằng nhẹ nhàng đẩy cửa, bước vào. Ngọn đèn ngủ soi rõ mặt giường nệm trống trơn. Hằng lần bước đi vào phòng tắm. Cũng chẳng có mẹ ở đó. Cô bỗng có một cảm giác sợ hãi thật kì lạ. Nửa đêm, mà mẹ đi đâu?
Cố trấn tĩnh, Hằng nhẹ bước đi ra hành lang, đến đầu cầu thang, nhìn xuống dưới nhà. Phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, đều không một ánh đèn. Chị Năm ngủ ở một căn buồng nhỏ bên cạnh nhà bếp Hằng rón rén xuống lầu, mò mẫm đi trong bóng tối, đến trước phòng chị. Phòng đóng kín cửa, tối đen, bên trong vọng ra tiếng thở đều đều của chị Năm. Hằng ra xem lại cánh cửa lớn. Tất cả ổ khóa đều được khóa từ bên trong. Vậy thì, mẹ ở đâu?
Tim đập thình thịch trong ngực, Hằng lại trở lên lầu, nhìn qua phòng mẹ một lần nữa. Căn phòng vẫn trống trơn. Cô đi đến đầu cầu thang dẫn lên sân thượng, ngần ngại nhìn, rồi lấy hết can đảm, bước lên.
Căn phòng của chú Đăng nằm ngay đầu cầu thang, phía bên trái. Bên phải là cánh cửa dẫn ra sân thượng, cũng được khóa kín từ bên trong. Ánh đèn ngủ trong phòng chú Đăng hắt ra khe cửa, tạo thành một vệt sáng xanh biếc. Toàn thân Hằng run lẩy bẩy khi cô nghe có tiếng cười khe khẽ vọng ra từ khe cửa ấy. Đó là một tiếng cười của phụ nữ, và chính là giọng cười của mẹ cô!
Hằng phải bấu chặt tay vịn của cầu thang mới đứng vững được. Mẹ cô, người mẹ thân yêu của cô nửa đêm lại lên phòng chú Đăng làm gì khi ba cô đi vắng? Mồ hôi Hằng rịn ra khắp người, trước một phát hiện quá khủng khiếp. Cô nhắm mắt lại, thở ra một hơi dài. Không, không thể là mẹ của cô đang ở trong ấy! Đứng yên một lúc lâu, Hằng bậm môi, bước lên hết cầu thang. Trong phòng lại lặng im. Thật nhẹ nhàng, cô áp tai vào cửa. Lần cửa gỗ mỏng không ngăn được nhứng tiếng rên khe khẽ, đều đặn. Không nén nổi, Hằng khom người nhìn qua lỗ khóa. Chiếc giường của chú Đăng đặt ngay phía tường đối điện với cánh cửa. Hằng điếng người trước quang cảnh đang diễn ra ngay trước mắt mình...
Cô vịn tay vào tường, từ từ đứng dậy. Căn nhà như đang sụp đổ dưới chân cô. Miệng khô quánh, cô run rẩy, sờ soạng ngồi xuổng bậc thang đầu, mắt trừng trừng nhìn vào bóng tối phía trước. Mãi một lát sau, cô mới có cảm giác mình đang ngồi làm mồi cho muỗi. Thình lình, cô đứng phắt dậy, nhặt một chiếc dép của chú Đăng để phía trước và ném mạnh vào cửa, rồi bỏ chạy xuống phòng mình, vật mình xuống giường, nức nở khóc.
Một lúc sau, Hằng nghe tiếng cánh cửa phòng mình mở ra thật nhẹ, rồi tiếng bước chân rón rén đi vào. Tiếng mẹ cô cất lên, nghẹn ngào:
- Hằng!
Hằng vẫn nằm im. Giọng mẹ cô thảm thiết hơn:
- Hằng ơi!
Cô xoay người lại. Mẹ đứng trước mặt cô, mặt tái nhợt. Chiếc áo ngủ mỏng manh, xộc xệch. Mái tóc rối. Đôi mắt cụp xuống. Đôi môi... Trời, đôi môi ấy, khi nãy... Và hai bàn tay với những móng dài sơn màu hồng cánh sen đang run rẩy kia nữa, giờ Hằng mới biết chúng chính là thủ phạm của những vết xước dọc hai bên hông chú Đăng, chứ không phải ai khác. Đôi bàn tay ấy đã từng vuốt ve Hằng, từng âu yếm ba... Trời ơi, sao mẹ lại có thể làm được chuyện tồi bại như thế!
Ánh mắt Hằng lạnh như băng. Mẹ như một tử tội, quỳ sụp xuống bên giường Hằng, nắm lấy tay cô:
- Con tha lỗi cho mẹ.
Hằng lẳng lặng giằng tay ra và quay mặt vào tường. Thế là hết, người mẹ mà cô yêu quý!
Giọng mẹ cô đều đều vang lên:
- Nhiều năm qua, ba và mẹ không còn yêu nhau nữa... Ba con có rất nhiều nhân tình, kể cả cô thư ký hiện nay của ổng…
Hằng ngồi bật dậy, hét:
- Im đi! Bà không được quyền nói xấu ba tôi.
Hai mẹ con trừng trừng nhìn nhau. Mặt bà Quang lộ vẻ đau khổ cùng cực. Suốt mười tám năm, đây là lần đầu tiên đứa con duy nhất đã xưng "tôi" với bà. Đứa con mà bà vẫn hãnh diện và đặt rất nhiều kì vọng. Đứa con mà bà đã một thân một mình vất vả nuôi nấng, trong những ngày ông Quang lại vào Nam chiến đấu biền biệt, thậm chí có khi hằng năm trời không nhận được một chút tin, trong lúc mẹ ông đã bị bệnh, qua đời. Lúc ấy, Đăng, người bạn học cũ, nhờ thế gia đình nên được ở lại Hà Nội làm công tác nghiên cứu, đã thường xuyên lui tới chăm sóc giúp đỡ bà, và dần dần bà mới hiểu Đăng đã yêu bà từ lâu nhưng không dám nói, cuối cùng đã thành người đến sau trong cuộc đời bà. Những ngày tháng ấy... Làm sao Hằng hiểu được nỗi dằn vặt của một người đàn bà trẻ, đẹp, yếu đuối, sống xa chồng… trong một cuộc sống cực kì khó khăn với một người đàn ông luôn ở bên cạnh, lúc nào cũng sẵn sàng đưa tay ra giúp đỡ. Tình yêu của người đàn ông ấy, bà không thể đáp ứng, nhưng sự sâu sắc và mãnh liệt của nó không thể không làm bà cảm động. Đồng thời nó cũng khiến bà nhận ra một điều: tình yêu giữa vợ chồng bà sao mờ nhạt, đơn giản quá. Ông là một sĩ quan quân đội, nhà chỉ còn một mẹ già, gia đình hai bên có quen biết nhau từ lâu. Một chuyến ông đi phép từ miền Nam ra, lúc bà vừa học xong trung học. Chỉ cần một sự đánh tiếng và vài cuộc tiếp xúc là lễ cưới của họ đã diễn ra, đơn giản như chính tình cảm mới mẻ của họ. Đơn giản, nhưng vẫn tồn tại vững chắc cho đến một ngày Đăng quay lại tìm và làm cho bà hiểu điều đó. Chỉ đáng tiếc là bà đã không hiểu một điều khác quan trọng hơn, rằng trong tình yêu, khi sự so sánh bắt đầu xuất hiện, thì đi cùng với nó chính là mầm mống của sự đổ vỡ.
Hòa bình lập lại, ông Quang trở về, với hào quang của một người lính đã trực tiếp góp công vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Thế nhưng... Không hiểu sao tình cảm vợ chồng của họ bỗng lợt lạt hẳn. Cuộc sống quân ngũ nhiều năm đã biến ông Quang thành một người đàn ông cục mịch, ồn ào. Ông vụng về hẳn trong đối xử với vợ, thậm chí có khi còn có phần thô lỗ, dung tục. Tất cả những điều đó chỉ làm cho bà Quang nghĩ tới sự tế nhị, mềm mỏng của Đăng. Chỉ mới là nghĩ tới thôi, nhưng khi trong tâm tưởng của một trong hai người, vợ hoặc chồng, mà lại có sự hiện diện của một bóng hình thứ ba, dù rất mờ nhạt, thì thật là điều nguy hiểm cho cuộc sống chung của họ.
Đăng và ông Quang vốn cũng đã biết nhau, nên sự trở về của ông không hề cắt đứt sự tới lui thăm viếng của Đăng, nhất là khi ông Quang thấy ngay cả Hằng cũng tỏ ra mến và tin cậy người bạn thân của gia đình này. Rồi ông Quang được quyết định chuyển ngành, vào công tác trong Thành phố Hồ Chí Minh. Đăng thì được cho đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Thỉnh thoảng những lá thư từ bên ấy bay về, cho bà Quang hiểu Đăng vẫn còn nghĩ tới mình. Những lá thư mà lúc đầu còn viết chung là “đôi dòng thăm anh chị" gởi về địa chỉ nhà họ, sau gởi riêng về cơ quan bà Quang mà bà đọc xong luôn cất kín trong hộc bàn làm việc, không hề đem về nhà. Cứ thế, bà sống với chồng nhưng vẫn mơ hồ tơ tưởng đến người bạn trai ở phương trời xa xăm đó...
Còn ông Quang? Ngay từ đầu được bố trí những vị trí quan trọng, cuộc sống đến với ông ngày càng dễ dàng, thoải mái hơn. Những quan niệm sống trong ông cứ dần dần thay đổi tự lúc nào ông cũng không hay biết. Ông vẫn cứ tin mình là một con người tốt, là "cách mạng nòi", là bản thân đã được thử thách, trui rèn qua bao gian lao, khổ ải. Trong khi đó, ông lại bắt đầu quen với những cuộc tiệc tùng, liên hoan, chiêu đãi, quen sử dụng những tiện nghi vật chất ngày càng hào nhoáng, hiện đại… như quen sử dụng những sức mạnh của quyền thế. Không ai dám nhắc nhở ông, trừ chính bản thân con người cách mạng trong ông. Nhưng con người đó, lại bị bịt mắt bằng những tấm huân chương và bằng khen dày đặc, luôn yên tâm và hài lòng về bản chất trung kiên của mình. Cuộc sống bây giờ nó quy định phải thế, vị trí công tác mình phải được hưởng như thế, có sao đâu, miễn mình vẫn yêu nước, thương dân, sẵn sàng cống hiến và hi sinh cho chủ nghĩa xã hội. Thí dụ như, rủi cách mạng gặp tai biến, mình vẫn sẵn sàng đổ máu để bảo vệ, sẵn sàng vào chiến khu cầm súng trở lại kia mà. Và, cứ thế, con người yêu nước, thương dân, sẵn sàng cống hiến và hi sinh... ấy, dần dần đã có thể uống hàng chục lon Heineken, chỉ hút được thuốc 555, nghe nhạc vàng đã thấy quen tai, hàng ngày đi xe con có máy lạnh, và thoải mái chi xài tiền của của Nhà nước. Ông lầm tưởng những điều đó là do vị trí công tác quy định và tương xứng với những gì ông đã làm được cho Nhà nước, cho nhân dân, trong vị trí ấy. Chế độ bao cấp đã làm ông không thể có cảm giác xót của của một người chủ tư nhân, và ông cũng không thể hiểu là với những quyền lực và phương tiện như ông đang có, bất cứ người chủ tư nhân nào cũng có thể đạt hiệu quả hơn ông hàng chục lần.
Trước đây, quân ngũ làm thay đổi con người ông, thì bây giờ, cuộc sống của một cán bộ thời bình càng làm ông thay đổi gấp bội. Nước da xanh mét trở nên hồng hào, những góc cạnh gồ ghề trên mặt được lấp bằng; bụng tròn ra; quần áo vừa vặn, sang trọng; thêm cặp kính trắng gọng vàng... ông trở nên trẻ trung, khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Sự trẻ trung và khỏe mạnh ấy, Hải Đường, vợ ông, đã không đáp ứng nổi. Thật ra, bà nhỏ hơn ông gần chục tuổi, và ông thấy bà vẫn còn rất trẻ, rất xinh đẹp, nhưng không hiểu sao, trong gần gũi vợ chồng, bà không hề nồng nhiệt đáp ứng, và vì thế đã làm mất hẳn hứng thú chăn gối nơi ông.
Sự trẻ trung và khỏe mạnh của ông, đành phải đi tìm những lối thoát khác, điều mà trước đây thậm chí ông không dám nghĩ tới. Nhiều cô gái trẻ đẹp sẵn sàng đến với ông, hết mình chiều theo những yêu cầu ngày càng đa dạng của ông. Có gì đâu, ông có tiền, họ có sắc, tất cả chỉ là một cuộc trao đổi. Chỉ cần để ý giữ gìn cho kín đáo một chút. Và vẫn chung sống yêu thương, đầy đủ trách nhiệm với vợ con. Vậy thôi, ai nói gì được? Chuyện sinh hoạt riêng của mỗi người mà. Nhờ vậy, tinh thần mới thoải mái mà làm việc tốt được chứ! Cứ thế, mỗi lần lún thêm một bước ông lại tìm được một cách ngụy biện mới, và hài lòng khi thấy cuộc sống cùng công việc cùa mình vẫn đi lên đều đều.
Bà Quang làm sao không nhận thấy những thay đổi nơi ông? Và, như mọi bà vợ, bà cũng cảm nhận dược việc ông đang san sẻ tình cảm với nhiều người đàn bà khác. Bà không hề thấy ghen tức, và chỉ một lần duy nhất nhắc nhở ông phải cẩn thận trong những mối quan hệ. Đừng coi thường bà quá, và nhất là, đừng coi thường mọi người. Những sai phạm đạo đức hoàn toàn có thể đưa đến một sự mất mát toàn diện. Ơ hờ một chút là có thể tiêu tan sự nghiệp. Bà nhắc, để làm tròn trách nhiệm của một người vợ, chứ bà biết ông có coi lời nhắc nhở ấy vào đâu. Ông nghe xong, chỉ cười mỉm. Cảm ơn bà đã lo cho tôi. Tôi theo cách mạng mấy chục năm, phải biết giữ thân. Bà có lòng tốt thì cứ giữ mồm giữ miệng giùm tôi, ai hỏi cứ nói tôi rất thương vợ thương con, sống đầy đủ trách nhiệm. Mà tôi sẽ sống đúng như vậy đó. Trong nhà này, tôi sẽ không để cho bà và con Hằng thiếu gì cả. Bà cần gì, tôi sẽ cung phụng đầy đủ.
Cuộc sống đều đặn và nhàm chán ấy cứ diễn ra, cho tới ngày Đăng từ Liên Xô về và cũng được nhận công tác ở thành phố. Vừa đặt chân xuống sân bay là Đăng đã gọi taxi về ngay nhà bà. Lúc ấy, cả nhà đang ăn cơm trưa. Đăng bước vào với nụ cười rạng rỡ. Ánh mắt hai người gặp nhau chỉ trong một giây nhưng đã đủ để bà hiểu trái tim mình hằng chờ đợi giây phút này từ lâu, và từ nay, sóng gió sẽ bắt đầu nổi lên trong cuộc đời bà...
Bà Quang đứng bật dậy, mặt ràn rụa nước mắt:
- Không, con phải nghe mẹ nói, vì đây có thể là lần cuối cùng mẹ được nói chuyện với con. Con cứ khinh ghét người mẹ tội lỗi này đi, nhưng hãy cho mẹ nói một lần này. Hằng ơi, hãy nhớ lời mẹ, hãy chỉ sống với người mình thật sự thương yêu. Mọi sự chịu đựng nhau, cuối cùng chỉ dẫn tới thảm kịch.
Mặt Hằng cũng ướt đẫm:
- Tại sao hai người lại phải chịu đựng? Tại sao trước mặt con bao giờ cũng là một vở kịch êm ấm, hạnh phúc?
Bà Quang thở dài:
- Tất cả chỉ vì con, Hằng ạ.
Hằng gần như quát lên:
- Vì con? Không, con không cần sự đối xử dối trá đó. Vì con? Ba mẹ chán nhau thì bỏ nhau đi, tại sao lại lừa dối con? Vì con à? Nói thật mẹ, bây giờ con chỉ muốn chết!
Bà Quang ngồi sụp xuống lết tới ôm chân Hằng:
- Đừng Hằng, con đừng nói vậy. Con mà chết thì mẹ làm sao sống được? Con hãy coi như đời mẹ đã bỏ đi rồi. Mẹ chỉ mong con hãy sống bình thường, học thật giỏi để chuẩn bị vào đời cho tốt hơn.
- Sống bình thường? - Hằng cười gằn. - Sống bình thường sau tất cả những chuyện đã xảy ra? - Và cô lại thấy nóng mặt vì xấu hổ. - Thôi, mẹ về phòng đi. Con đang mệt lắm, cần được nghỉ. Con đi tìm mẹ là vì muốn xin mẹ thuốc uống. Nhưng thôi, giờ cũng khỏi cần!
Bà Quang nhìn Hằng trân trối, nhưng cô đã xoay người lại và đưa tay bấm tắt đèn ngủ. Căn phòng tối đen. Bà Quang khóc nấc lên và đi lùi dần ra khỏi phòng con gái, đứa con mà bà biết từ nay sẽ coi như bà không còn tồn tại trong nó.
*
* *
Khi Hạ đến thăm, thì Hằng và ba đang nói chuyện với nhau ở phòng Hằng, nên cô không thể đưa bạn lên phòng và tiếp lâu như thường lệ.
Buổi chiều, ở Cầu Tre về, Hằng hỏi chị Năm, lúc chị ra mở cổng:
- Ba tôi về chưa chị?
- Dạ, ông đã về từ trưa.
Hằng lên phòng, vừa thay quần áo định nằm nghỉ một chút rồi qua tìm ba, thì đã nghe tiếng gõ cửa. Cô ra mở và ngạc nhiên khi thấy ba. Rất hiếm khi ông Quang vào phòng con gái. Ông vẫn nói là luôn muốn con được tự do hoàn toàn trong thế giới riêng của cô.
Nét mặt ông Quang mệt mỏi và già hẳn. Đứng ngay ở cửa, ông nói với Hằng:
- Mẹ con đi rồi!
Hằng cầm tay ba, đưa ông vào ngồi nơi chiếc ghế dựa chỗ bàn học. Ông Quang đưa hai tay lên vuốt mặt rồi thở dài:
- Lỗi tại ba quá vô tình.
Hằng rót đưa ba một ly nước. Ông cầm lấy uống cạn, rồi trả lại cô với vẻ biết ơn.
- Trưa nay ba về, mẹ đã nói chuyện hết với ba. Đăng đã dọn đồ đạc đi từ sáng. Mẹ xin lỗi ba, xin lỗi con. Mẹ nói không còn mặt mũi nào ở đây nữa. Ba cản mẹ, nhưng chiều, khi ba từ cơ quan về thì mẹ cũng đã đi mất. Đây, con xem…
Ông Quang rút trong túi áo ra một mảnh giấy nhỏ đưa Hằng. Nét chữ của mẹ cô run run, rối loạn:
Anh,
Như đã nói, em không thể ở lại căn nhà này được nữa. Một lần nữa xin lỗi anh và con. Nói Hằng em rất yêu nó và sẽ trọn đời ăn năn về những gì đã xảy ra. Em rất yêu nó...
Hằng lẳng lặng đưa trả ba tờ giấy:
- Nhưng tại sao ba lại cản mẹ?
Ông Quang nhìn đi nơi khác:
- Ba không muốn gia đình này sụp đổ.
Hằng nói, giọng uất ức:
- Để làm gì? Nó có còn gì để mà gìn giữ? Ba cũng đâu còn yêu mẹ nữa, phải không?
Ông Quang cúi gằm mặt xuống:
- Con còn nhỏ, có nhiều việc chưa hiểu hết đâu. Gia đình mình rất cần sự bền vững... Ngày mai, con xin nghỉ lao động, đi tìm mẹ giúp ba. Hãy nói mẹ cứ về đây…
Hằng bướng bỉnh:
- Không, con không đi!
Hai cha con đau khổ nhìn nhau. Thái độ của ba làm Hằng hiểu quả thật ông không còn thương mẹ nữa. Cô mường tượng biết, dù vậy, ông vẫn cần có sự hiện diện của bà bên cạnh, như một bức bình phong hạnh phúc. Sự sụp đổ này, nhất là với lý do của nó, cũng là sự sụp đổ của chính bản thân ông, trước mắt nhiều người.
Lần đầu tiên, Hằng thấy thất vọng về ba. Cô vẫn giữ nguyên thói quen tranh luận với ba cho đến cùng:
- Ba sợ mất uy tín à?
Ông Quang hốt hoảng nhìn Hằng. Con ông đã bắt đúng vấn đề. Nó vẫn là con bé hết sức thông minh, thẳng thắn. Nhưng làm sao ông có thể thú nhận với nó cái điều cực kì quan trọng ấy, nhất là đang trong mùa đại hội này? Việc vợ ông bỏ nhà ra đi, rồi sẽ được mọi người hay biết. Dù bà đã hứa với ông là sẽ xin cơ quan cho đi nghỉ phép thường niên, và bà cũng sẽ không tìm đến với Đăng nữa, nhưng việc gì rồi cũng không qua mắt được con-thú-dư-luận tinh quái. Trường hợp của ông chắc chắn sẽ được cân nhắc lại...
Hằng thở dài:
- Thôi, con hiểu rồi... Nhưng con sẽ không đi tìm mẹ đâu. Tốt nhất hãy để mẹ được tự do. Uy tín là đồ thật chứ không phải đồ giả... Con mệt quá, ba cho con nghỉ một chút?
Ông Quang nặng nề đứng dậy, bước ra khỏi phòng Hằng. Cô nhìn theo ba, rưng rưng. Cô vẫn còn một chút kính trọng ba để không nói những lời tàn nhẫn hơn. Nhưng thật tình trong cô, gần như mọi thứ đều đã sụp đổ.
*
* *
Trong giờ giải lao, Hân kéo Hạ ra một góc:
- Nguy quá, Hạ ơi! Hồi nãy tao nghe nhỏ Hằng chịu đi chơi tối Noel chung với đám thằng Ngôn, con Trinh. Tụi nó bàn nhau sẽ đi nhảy suất đầu ở Hữu Nghị rồi về nhà thằng Ngôn ăn tối, coi vidéo tới sáng. Tao lo quá!
- Tụi nó rủ nhỏ Hằng đi à? - Hạ hỏi.
- Không, tụi nó đứng bàn chuyện với nhau. Nhỏ Hằng lột tôm gần đó, tự nhiên chen vào hỏi: “Tụi bây đi chơi sao không bao giờ rủ lớp trưởng đi vậy? Khi dễ lớp trưởng không có tiền hả?” Thằng Ngôn, con Trinh mừng quá: “Lớp trưởng mà không có tiền thì còn ai có? Tụi này sợ Hằng không thèm đi chơi với tụi này thôi. Đi, mời cán bộ hùn tiền đi chơi cho vui, cho biết nhân dân lao động tụi này ăn chơi cực khổ như thế nào...”
- Rồi nhỏ Hằng nhận lời?
- Ừ. Con Trinh sẽ tới nhà chở nó đi. Tao lo quá. Tại sao hôm nay nó lại chịu đi chơi với con nhỏ đó, với tụi thằng Ngôn?
Trinh là cô học trò khá cá biệt trong lớp. Gia đình cô khá giàu, buôn bán hàng kim khí điện máy ở chợ Huỳnh Thúc Kháng. Cô cũng được xếp vào hàng những người đẹp trong lớp, nhưng hơi nhỏ con. Trinh thích ăn diện, đến trường bằng xe Chaly, học hành không siêng năng bằng đi tới cà phê nhạc và vũ trường. Cô tham gia trong nhóm với Ngôn và lúc sau này khi uy tín Ngôn bị giảm sút quá nặng qua vụ thầy Tùng, Trinh gần như trở thành đầu tàu của cả bọn. Nhóm "Bốn Mùa" chỉ ngưng quậy phá trong một thời gian ngắn, rồi đâu lại vào đó. Năm lớp 12 coi như năm cuối họ còn được thoải mái gặp nhau và vui chơi, rồi mai đây mỗi người một ngã lăn lộn với đời, tội gì không tận hưởng những ngày vui còn lại bên nhau?
Hạ rầu rĩ:
- Nhỏ Hằng có chuyện gì buồn lắm, mà tao hỏi, nó nhất định không chịu nói. Mày thấy không, mới có mấy hôm nay mà nó đã gầy sút hẳn.
- Theo mày nghĩ thì nó bị chuyện gì? - Hoa hỏi. - Tao nghĩ chắc nó buồn chuyện gia đình. Ba má nó…?
Ba cô bạn nhìn nhau, lo âu. Hạ lẳng lặng gật đầu. Cô nghĩ có lẽ mọi chuyện đã đổ bể trong gia đình Hằng, nên Hằng mới buồn như vậy, còn cụ thể đó là chuyện gì thì cô đành chịu.
Hân lo lắng:
- Ngày mốt là Noel rồi, làm sao bây giờ Hạ?
Hoa sốt sắng:
- Hay tụi mình cũng tổ chức ăn uống vui chơi đi. Ở nhà tao hay nhà nhỏ Hạ, rồi rủ nó. Chẳng lẽ nó từ chối tụi mình mà đi theo tụi thằng Ngôn.
Quả thật không còn giải pháp nào hay hơn. Hoa được phân công, đi tìm Hằng ngay. Cô gặp bạn đang ngồi một mình trong góc căntin xí nghiệp, trước mặt là ly nước chanh còn đầy mà đã tan hết đá. Mắt Hằng thẫn thờ nhìn về phía trước, và chỉ khi Hoa đến sát bên, cô mới giật mình, nhận ra bạn. Điều hoàn toàn bất ngờ là Hằng đã từ chối lời mời của ba bạn trong nhóm:
- Xin lỗi, tao đã nhận lời đi chơi với nhỏ Trinh rồi.
- Mày coi nhỏ đó hơn tụi tao à? Không có mày, tụi nó đâu có buồn hơn chút nào! - Hoa giận dỗi.
Giọng Hằng buồn hiu:
- Tụi bây thông cảm cho tao. Tao đang có chuyện buồn lắm, mà không thể nói với ai được. Tao cần đi chơi với không khí và với những người khác hẳn. Nói thật, tao chẳng còn thiết tha với cái gì nữa hết. Tụi bây giận thì tao chịu nhưng gặp tụi bây, tao chỉ thêm buồn.
Tan buổi lao động, Hằng lại lẳng lặng về trước. Hoa, Hân, Hạ tiếp tục gặp nhau. Hoa quyết định:
- Vậy chỉ còn cách là một trong ba đứa mình phải có đứa lọt vô được cuộc đi chơi đó, chứ để nhỏ Hằng đi một mình thì đúng là nguy hiểm thật. Nhất là trong tình trạng của nó như hiện nay.
- Ai bây giờ? - Hân hỏi.
- Tao thì không được rồi - Hạ nói - Tụi con Trinh, thằng Ngôn thù tao lắm... Mà nhỏ Hân cũng không được. Trước giờ nó đâu có biết đi chơi gì. Nó đòi đi, thế nào tụi kia cũng từ chối.
Hoa trầm ngâm:
- Vậy chỉ còn mình tao. Nhưng… Quên mất, nhà tao theo đạo mà. Tao giỏi lắm thì chỉ đi được phần đầu. Chương trình ở nhà thằng Ngôn mới là quan trọng...
Ba cô bạn chia tay nhau, lòng ai nấy nặng trĩu.
Trong khi đó còn một người nữa cũng rủ Hằng đi chơi trong đêm Noel. Đó là thầy Minh. Hằng vừa về tới nhà, căn nhà giờ vắng tanh, thì đã nghe chuông điện thoại. Giọng Minh nghe như vọng về từ một nơi nào xa xôi lắm:
- Hằng đó phải không?
- Dạ, chào thầy.
- Em vừa đi lao động về đó à?
- Dạ.
- Noel năm nay em có đi chơi đâu không?
- Em vừa nhận lời đi chơi với mấy đứa bạn trong lớp. Có gì không ạ?
- Uổng quá... Vậy mà thầy định thay đổi không khí, Noel năm nay rủ em đi dạo một vòng ngắm thiên hạ chơi.
Hằng suýt buột miệng hỏi: “Sao thầy không đi dạo với cô?”, nhưng cô đã dằn lại kịp. Và bỗng dưng, cô muốn phá bỏ hết mọi rào cản, để mình không còn là mình nữa. Cô nhìn quanh căn phòng khách nhà mình. Rất sang trọng, nhưng lạnh tanh. Khi nãy cô về, chị Năm lại thông báo ba cô đã đi Đà Lạt, có để lại tiền cho cô đi chơi Noel và tiêu xài trong khoảng năm ngày. Hằng nghĩ có thể ba đi tìm mẹ - vì có thể mẹ đã lên nhà cậu Hồng ở trên ấy - nhưng cũng có thể ba đi chơi Noel với một cô bạn nào đó. Làm sao cô có thể chịu nổi một đêm Noel trong căn nhà không còn có lấy một người thân này?
Dù sao, Hằng cũng đã lờ mờ hiểu ý nghĩa của sự quan tâm khác thường mà thầy Minh dành cho mình. Nhiều điều làm cô cảm động và thỏa mãn tự ái, nhưng cô cũng biết mình hoàn toàn không nên làm một điều gì để khuyến khích người thầy bước sâu vào con đường sai trái. Cô đã tặc lưỡi, chuyện này ăn thua do mình, và dù gì, nó cũng chăng đi đến đâu. Vài tháng nữa tan trường, là coi như xong!
Nhưng bây giờ... Đi dạo một vòng với thầy Minh? Nghe cũng có lý lắm. Tự thâm tâm, Hằng biết mình không nên ở chơi nhà Ngôn đến sáng, dù có Trinh và một vài bạn gái nào đi nữa. Phải từ chối các bạn trong nhóm 4H, Hằng cũng khổ tâm lắm, nhưng thật sự gặp các bạn ấy, Hằng chỉ thêm buồn. Và xấu hổ nữa. Họ hạnh phúc quá. Còn cô...
Phải về sớm thôi, nhưng để trở lại căn nhà này? Không. Không. Không.
Hằng nói nhanh vào máy:
- Chắc em sẽ rảnh từ 12 giờ rưỡi. Nếu giờ đó vẫn tiện với thầy...
Giọng Minh vui mừng:
- Được, được! Thầy sẽ đón em ở đâu?
- Dạ, thầy cứ đến nhà.
Hằng gác máy, đứng thừ người. Một cách máy móc, cô thò tay vào trong túi xách. Không còn một miếng kẹo cao su nào. Một nỗi cô đơn khủng khiếp ập xuống tâm hồn cô.