Số lần đọc/download: 1600 / 45
Cập nhật: 2016-06-20 21:15:05 +0700
Chương 5: Chút Kế Mọn Của Lê Cập Đệ
L
ê Cập Đệ là một trong những võ tướng của Nam triều, thời vua Lê Anh Tông (1556 - 1573) từng được phong tới tước Quận công, sau, gia phong đến hàm Thái phó, uy danh lừng lẫy lắm. Người xưa xét tài làm tướng, thường lấy dũng và mưu làm tiêu chuẩn hàng đầu. Cái dũng của Lê tướng quân không thấy sử chép kĩ, nhưng cái mưu của Lê tướng quân thì thấy các bộ chính sử đều nhắc đến. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 16, tờ 30 - b và 31 - a) chép như sau:
"Bấy giờ (khoảng những năm 1570, 1571 - ND) họ Mạc cậy có tướng nhiều quân mạnh, quyết chí thôn tính cả đất châu Ái (chỉ Thanh Hóa - ND) và châu Hoan (chỉ Nghệ An - ND), ngày đêm đánh gấp ngay phía ngoài lũy Yên Trường. Quan quân (chỉ Nam triều - ND) thế yếu, chỉ lo đắp lũy cho cao, đào hào cho sâu, giữ vững chỗ hiểm yếu để chờ thời.
Tháng 6 (năm 1570 - ND), bọn Đoan Vũ Hầu là Lê Cập Đệ, dùng mẹo để đắp thêm một tầng thành lũy ở phía ngoài, dài hơn mười dặm. (Cập Đệ) sai quân lấy phên và cả vách nhà của dân, trát đất rồi cắm chông bên ngoài, nhân lúc đêm tối, đem dựng ở phía ngoài lũy. Lũy giả này chỉ làm một đêm là xong. Sáng hôm sau, Mạc Kính Điển (tướng nhà Mạc, em của vua Hiến Tông Mạc Phúc Hải - ND) trông thấy, ngỡ là thật, sợ hãi không dám đến gần, bàn với các tướng rằng:
- Chẳng ngờ ngày nay quân nhà Lê vẫn có kỉ luật và pháp lệnh nghiêm minh đến như thế. Chỉ một đêm mà đã đắp xong thành lũy, hẳn là quân cảm tử của nhà Lê còn nhiều nên mới có thể dốc sức làm nhanh được, ta thấy không yên lòng chút nào.
Nói rồi (Mạc Kính Điển) liền tự mình đốc suất tướng sĩ, ngày đêm đánh gấp, hẹn phải lấy cho bằng được (đất đai thành lũy của nhà Lê) mới thôi. Do vậy, phía tả ngạn từ Da Châu đến Tàm Châu, phía hữu ngạn từ phía trên hai huyện Lôi Dương và Nông Cống đều là bãi chiến trường và mất lần hầu hết vào tay đối phương (chỉ quân Mạc - ND). Bấy giờ, nhân dân khắp xứ Thanh Hoa đều bỏ chạy vì nhà cửa điêu tàn, ruộng đồng phải bỏ hoang, nhiều người bị chết đói.”
Lời bàn: Đọc đoạn sử này, hậu thế dễ có cảm tưởng rằng, chừng như sử gia xưa đã hoang phí chữ nghĩa một cách quá đáng. Cái gọi là mưu của Đoan Vũ Hầu Lê Cập Đệ, chẳng qua chỉ là kế mọn của người cầm quân, đáng ngạc nhiên chăng thì cũng chỉ là ở chỗ, kế mọn ấy vẫn lừa được cả bậc tướng quân từng trải trận mạc như Mạc Kính Điển. Thế mới biết chính sự điên đảo, người thực tài hoặc đã bị giết, hoặc ẩn náu lánh mặt, ra chấp chính chỉ còn có những kẻ bất tài mà thôi. Dẫu sao, Đoan Vũ Hầu Lê Cập Đệ cũng tài hơn những kẻ bất tài!
Dỡ cả vách nhà dân để làm thành giả mà lừa quân Mạc, khiến cho thôn xóm bị điêu tàn, khỏi bàn cũng rõ đức độ của đội quân nhân danh việc phò vua giúp nước kia, thảm hại đến cỡ nào. Chỗ này thì hậu thế phải vạn bội cám ơn sử thần xưa, nếu không có những dòng chữ này, làm sao hậu thế có thể hình dung dược sự khốn khổ của dân tình thời loạn lạc.
Kế mọn của Lê Cập Đệ, Bắc triều chỉ bị lừa trong chốc lát. Nam triều cũng chẳng nhờ cậy được là bao, nhưng đại họa mà dân phải hứng chịu thì lớn đến độ không sao lường được. Kinh sợ thay!