Số lần đọc/download: 1801 / 55
Cập nhật: 2016-06-19 02:31:24 +0700
Chương 4: Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung
T
rần Thị Dung là con gái của Trần Lý, cô ruột của vua Trần Thái Tông (1225 - 1258). Bà vốn quê ở Lưu Gia, Hải Ấp (nay là đất Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Năm Kỉ Tị (1209), chính sự nhà Lý đổ nát, kinh thành Thăng Long hỗn loạn, thái tử của nhà Lý là Lý Hạo Sảm, bấy giờ mới mười lăm tuổi, chạy đến vùng Lưu Gia, nhân đó, kết hôn với Trần Thị Dung. Nhờ gia đình Trần Lý bảo bọc và hết lòng giúp đỡ, thái tử Lý Hạo Sảm đã mau chóng tập hợp được một lực lượng khá hùng mạnh. Năm Tân Mùi (1210), vua cha là Lý Cao Tông qua đời, thái tử Lý Hạo Sảm được triều thần đón về để tôn lên ngôi vua, đó là vua Lý Huệ Tông (1210 - 1224). Năm ấy, bà Trần Thị Dung được sách phong làm nguyên phi (đứng đầu hàng thứ hai của vợ vua). Nhưng, địa vị của nguyên phi Trần Thị Dung trong hoàng gia kể cũng thuộc hàng ba chìm bảy nổi. Đầu năm 1213, do vua Lý Huệ Tông có chút nghi ngờ đối với anh trai của bà là Trần Tự Khánh, bà bị giáng xuống hàng ngự nữ (thấp nhất trong các thê thiếp của vua): Năm Bính Tí (1216), bà được sách phong làm Thuận Trinh phu nhân và đến cuối năm ấy lại được sách phong làm hoàng hậu.
Hoàng hậu Trần Thị Dung sinh hạ hai công chúa. Trưởng công chúa là Thuận Thiên, sinh tháng 6 năm Bính Tí (1216), sau gả cho Trần Liễu (thân sinh của Trần Hưng Đạo) và công chúa thứ hai là Chiêu Thánh, sinh vào tháng 9 năm Mậu Dần (1218), sau vì Lý Huệ Tông không có con trai lại mắc bệnh điên, Chiêu Thánh được truyền ngôi vào năm Giáp Thân (1224), ấy là Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225), hoàng đế cuối cùng của triều Lý.
Cuối năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng kết hôn với Trần Cảnh (em ruột của Trần Liễu) và ngay sau đó thì nhường ngôi cho Trần Cảnh. Nhà Trần được lập kể từ đó.
Từ ngày có mặt trong hoàng cung, Trần Thị Dung luôn tìm cách tạo điều kiện cho họ Trần phát triển thế lực, ấy cũng là sự khôn khéo phòng thân. Khi triều Trần được thiết lập, bà một lòng giúp rập họ Trần. Đầu năm Bính Tuất (1226), thượng hoàng Lý Huệ Tông bị phế, bắt ra ở chùa Chân Giáo, cho đổi gọi là Huệ Quảng đại sư. Khi Lý Huệ Tông và nhiều tôn thất nhà Lý bị giết hại, bà bị giáng làm Thiên Cực công chúa và đem gả cho Trần Thủ Độ.
Họ Trần nhờ hôn nhân mà lấy được ngôi thì ắt hẳn dòng họ khác cũng có thể làm được việc tương tự như vậy. Nghĩ thế, Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung ngày đêm lo lắng, để rồi sau cùng đã định lệ cho con cháu họ Trần hôn phối với nhau, không lấy người khác họ. Bởi lẽ ấy mà vợ của Trần Hưng Đạo cũng chính là bà cô ruột của ông (công chúa Thiên Thành). Sau, Trần Thủ Độ và bà Trần Thị Dung còn buộc Trần Liễu phải nhường vợ là Thuận Thiên công chúa cho Trần Cảnh (lúc này đã là vua), còn Chiêu Thánh công chúa thì đem gả cho Lê Tần (tức Lê Phụ Trần). Bởi chuyện này mà Trần Liễu xung đột với Trần Cảnh, bà Trần Thị Dung phải dàn xếp mãi mới xong.
Năm 1258, quân Mông Cổ sang xâm lược nước ta, bà Trần Thị Dung có công rất lớn trong cuộc đọ sức lịch sử này. Giặc vào, bà là nữ tướng hậu cần: chỉ huy việc di chuyển toàn bộ kho tàng và cung tần mĩ nữ khỏi kinh thành. Khi nhà Trần tổ chức phản công, bà chỉ huy việc chuyên chở lương thực và khí giới cho quân đội.
Tháng 1 năm Kỉ Mùi (1259) bà mất vì bệnh tại Thăng Long. Bởi nguyên trước đó bà là hoàng hậu, lại cũng bởi bà là mẹ của Lý Chiêu Hoàng và của Thuận Thiên hoàng hậu, nên triều Trần đã truy tặng bà tước hiệu Linh Từ quốc mẫu (người mẹ hiền từ và hiển linh của đất nước).
Lời bàn: Xuất thân là cô gái làng chài, trong chỗ không ngờ của duyên phận, Trần Thị Dung bỗng chốc trở thành hoàng hậu của Lý Huệ Tông. Nhưng, có đắp chăn mới biết trong chăn có rận, có vào hoàng cung mới biết hoàng cung nhà Lý mục ruỗng rồi. Lý Huệ Tông mắc bệnh điên ắt cũng bởi sự mục ruỗng này. Trần Thị Dung thất vọng ê chề. Vì sự an nguy của xã tắc, bà đã một lòng ủng hộ họ Trần và đó là sự chọn lựa đúng đắn. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói rằng: “Thế mới biết trời sinh ra Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần vậy.” Nghiệp nhà Trần ra sao? Hẳn bạn cũng biết, Đại Việt thời Trần thật sự là một quốc gia hùng cường ở Đông Nam châu Á.