Số lần đọc/download: 5230 / 83
Cập nhật: 2015-08-19 10:44:55 +0700
Chương 2 - Đất Thăng Long
C
huyến xe hoả sình sịch chạy qua cầu Giàng, trên con sông Sen êm đềm. Tôi ngoảnh đầu, cố nhìn lại con sông hiền lành của thời thơ ấu, cái phố huyện, mấy căn nhà tranh lèo tèo, cái nhà ga xám nhỏ, căn nhà năm gian của mình, cái sân nhỏ trồng tóc tiên và hoa nhài, cây sung trên bờ ao, cây đa mâm sôi, và nấm mộ của thầy tôi trên đồng ruộng im vắng. Đối với tôi, Hà Nội tuy đông vui thực, nhưng chỉ là những đường phố bụi bậm, khô khan. Từ ở phố Sinh từ chật chội, trên vỉa hè đầy những người buôn thúng bán mẹt, chúng tôi lại dọn đến hàng Bún, trong một ngõ cụt vắng vê hơn. Tôi vào học trong một trường tiểu học gần đó, và không cần nói, tôi vẫn chưa thấy có hứng thú đối với làm bài, đọc sách. Tôi vẫn tính nào tật ấy. Trước đây, hay đòi ăn thịt mỡ, nay lại giở chứng, đòi ăn lạp xường, cao cấp hơn.
- Tao làm gì có tiền để mua lạp xường cho mày ăn! Tiền mua rau cũng chưa đủ!
Một hôm mẹ tôi nổi giận, gắt.
- Thì bán cả mẹ đi là đủ tiền mua chứ sao! - tôi không chịu nhượng bộ.
Mọi người trong nhà đều phì cười về yêu cầu quái dị của tôi. Sau đó, bà nội lẳng lặng lấy tiền của mình mua mấy đôi lạp xường và nấu một nồi cơm nếp cho cả nhà ăn.
Tất nhiên, với tính xấu như vậy, năm sau, tôi đi thi bằng sơ học yếu lược sau hai năm tiểu học - một thứ bằng duy nhất ở Việt nam Pháp thuộc mới có! Tôi đã ngồi ngậm cán bút sắt trước bài toán thi - trượt vỏ chuối. May mà không ai trong nhà nói câu nào- không ai thèm để ý đến một việc nhỏ như vậy.
Năm đó, tôi cùng gia đình xuống Thái Bình cùng ở với anh Cả đương làm đốc học trường huyện Thư Trì, ngay bên sông Hồng Hà. Lần đầu tiên, tôi được thấy giòng sông Hồng cuồn cuộn, mênh mang, đỏ lừ chẩy về xuôi, qua những bãi cát dài, những vườn ngô thẳng tắp và ở xa, những làng mạc đồng quê. Cảnh con sông Hồng đã in sâu vào trí óc tôi, và hơn nữa, vào trái tim non nớt của tôi.
Chiếc tàu Phi Phượng ghé vào bến Tân Đệ. Chúng tôi - mẹ, chị tôi và tôi đến ở một làng gần ngay huyện và nhà trường. Một căn nhà tranh nhưng cao ráo, sáng sủa. Trong vườn sau cổng vào, hai cây cam lớn, với quả vàng óng chĩu chịt khiến tôi thêm muốn. Nhưng thất vọng rất nhanh, vì cam chua quá. ở đó con người, kể cả những bạn học lớn của tôi, đều rất thành thực, chất phác. Có khi, tôi theo bạn học qua con đê lớn, xuống những làng xóm nằm đưới chân đê. Họ hái cho tôi những quả táo ta vàng nuột khi chín, rất ngọt -táo ở vùng này có tiếng là to và ngon, gọi là táo cống.
May mắn, qua một năm, lần này tôi thi đỗ cái bằng đó. Có bằng đó rồi, thì đã ngang với hàm Cửu phẩm văn giai, mà nhiều người lấy làm hãnh diện, treo ngay trong phòng khách. Thời đó hình như đỗ tú tài thì có thể xin hàm lục phẩm và nếu làm tri huyện thì được hàm Ngũ phẩm triều đình. Nhưng rồi không lâu, vì cãi cọ với viên tri huyện, anh Thụy tôi phải đổi đi nơi khác. Chắc là bị trù, nên lần này đổi lên tận Cao Bằng, mãi tận vùng Đông Bắc núi cao rừng rậm. Gia đình lại trở về Hà Nội. Lúc đó, tôi đương học lớp nhì tại trường học tỉnh Thái Bình. Một lần, ông giáo hỏi tôi một câu gì, tôi trả lời hơi chậm chạp, ông bèn phê luôn một câu bằng tiếng Pháp:
- Những học trò ở quê lên, thường là ngớ ngẩn!
Chạm vào lòng tự ái, tôi thấy ông giáo này không công bầng và có ý khinh miệt những người nhà quê). Để kháng nghị, tôi bỏ học và hôm sau bỏ Thái Bình về Thư Trì, nhân dịp nhà trở về Hà Nội, đúng lúc. Hai mươi năm sau, tình cờ, tôi lại gặp ông giáo đó tại Hà Nội, hai người bắt tay nhau, cùng cười xoà. Chắc trong bụng, ông vẫn cho tôi là ngớ ngẩn.
Bước vào giữa thập niên 20, tình hình Việt nam đã rục rịch những biến chuyển mới, theo tình hình trên thế giới và những thay đổi trong xã hội.
Sau thế chiến thứ nhất, với tư cách kẻ chiến thắng, nước Phấp đã duy trì được nền thống trị trên các thuộc địa. Nhưng do sự tiếp xúc, giao lưu với thế giới bên ngoài đã tăng mạnh, nhất là về những phong trào đòi độc lập ở á châu, Phi Châu, phong trào đòi dân chủ tự do, và một mặt là ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản cùng mọi thuyết dân chủ xã hội tại âu, Mỹ, người dân Việt cũng như dân các nước bị trị khác - đã cảm thấy đến lúc phải đứng lên hoạt động, và kế thừa tinh thẳn của các phong trào ái quốc được khơi dậy bởi những thế hệ tiền bối, như Đông Kinh Nghĩa Thục, Việt nam Quang Phục Hội.
Nói chung, thanh niên hồi đó chịu ảnh hưởng của ba luồng tư tưởng trong quốc tế. Một là ảnh hưởng của cuộc cách mạng Tân Hợi Trung Hoa đã thành công năm 1911, và việc quật khởi của nước Nhật bản cường thịnh. Hai là của những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái do cuộc Cách Mạng Pháp nêu lên, và của Tuyên Ngôn về Hiến Pháp của Hoa Kỳ. Ba là của cuộc cách mạng tháng 10 ở Nga, đưa đến hành lập Liên Bang Xô Viết,với khẩu hiệu giai cấp vô sản liên kết với nhân dân các nước bị áp bức do Lenin đưa ra. Những luồng tư tưởng dân tộc, dân chủ và đấu tranh cho giai cấp vô sản ít nhiều đã tràn vào Việt nam, dù bọn thực dân có muốn cũng không ngăn cản được. Trong nội bộ Việt nam, đã xuất hiện những giai tầng kinh doanh, trí thức mới, vận dụng chữ quốc ngữ và chữ Pháp, hấp thụ đưọc những quan niệm mới tự do, phóng khoáng hơn, đẩy lui dần những quan niệm Khổng Nho cũ, những gò bó quân thân phụ tử, tam tòng tứ đức phong kiến lỗi thời mà một số người khư khư cho là khuôn vàng thước ngọc. Đây là giai đoạn phôi thai cho một nền văn học mới. Một số báo chí có khuynh hướng trung dung như Trung Bắc Tân Văn, Hữu Thanh tạp chí ra đời. Trên mặt văn đàn, những tên tuổi như Tân Đà Nguyễn Văn Vĩnh... và sau đó Phạm Quỳnh đã lần lưọt xuất hiện. Những tấc phẩm thời kỳ đó, tôi đã từng đọc, tuy chưa là hay lắm, nhưng cũng có phần nào thoát được lối văn cũ. Những bài thơ hài hước của Tú Xương, hay những bài dịch ngụ ngôn của La Fontaine của Nguyễn văn Vĩnh, theo ý tôi, rất đặc sắc và có giá trị riêng, tôi rất thích đọc.
Chính giai đoạn này là lúc chớm nở những tài hoa xuất chúng, sửa soạn đi tới một thời kỳ toàn thịnh của nền văn nghệ Việt nam sau năm 30. Tôi có may mắn được gặp gỡ mấy nhà văn trong Tự lực văn đoàn sau này trong lúc sáng tác của các anh đó còn trong thời kỳ sơ khai - Nhất Linh, Tú Mỡ, Khái Hưng.
Thực ra, lúc còn bé, sự tiếp xúc giữa hai anh em không nhiều. Trong ký ức, hồi đó, anh Tam là một người cao, hơi gầy, mặt xương xương, đôi mắt sâu như tất cả các anh chị em trong nhà. Mắt sâu nhưng sáng, hay nhìn đăm đăm về phía trước. Từ trẻ, anh đã suy nghĩ về nhiều vấn đề mà thường thường, những thanh niên khác không chú ý ngoài việc đi học, đi làm, lấy vợ.
Đặc biệt, người ta hay để ý tới cái mũi của anh, sống mũi cao, đầu mũi hơi to và hiện ra những mạch máu đỏ li ti. Vì thế, rất sớm, anh đã có biệt hiệu là Tam mũi đỏ. Còn một biệt hiệu nữa trong nhà và bạn hữu đặt cho, là Tam muối vừng: không biết vì lười hay cho là ăn như thế mới ngon, anh hay tự gĩa muối vừng đã rang, rồi từ cối múc ra để ăn cơm. Lại thêm biệt hiệu Tam cối nữa.
Tính tình anh hiền từ, chưa bao giờ tôi thấy gắt gỏng to tiếng, hay cãi lộn với ai, cũng như các anh em khác trong gia đình. Có thể nói hiền lành, ít nói là một đặc tính chung cho chúng tôi.
Tác phẩm đầu tiên của anh là mấy bài dịch thơ Đường đăng trên báo Trung Bắc Tân Văn. Thơ Đường đã có ít nhiều ảnh hưởng đối với anh cũng như đối với các nhà văn nhà thơ Việt nam. Nhưng anh không có hứng thú làm thơ, mà có hứng thú viết truyện hơn.
Năm 1926, tôi được đọc cuốn truyện đầu lòng của Nhất Linh. Chỉ còn nhớ cuốn sách đó in trên giấy bản, gáy sách đóng bằng chỉ. Là một cậu học trò nhỏ tuổi, tôi chưa đủ trí óc để phán đoán. Truyện một cô gái gặp khó khăn, nhưng hiền hậu đảm đang, cố gắng giúp chồng đỗ đạt, làm nên... thực có vẻ nho phong, tuy chưa thoát khỏi được lề lối cũ, song lối hành văn có vẻ trong sáng hơn, ít sáo ngữ hơn. Có lẽ vì thế nên đặt tên truyện là Nho Phong.
Một buổi chiều (không nhớ là vàng hay tím), tôi cắp sách về tới nhà. Một người bạn đương ngồi trong phòng khách. Ông bạn này người cũng hơi cao, gầy, da mặt ngăm ngăm đen. Đôi mắt rất thông minh, miệng cười có duyên, có vê hóm hỉnh. Ông đương rít một hơi thuốc lào, nước kêu lộc sộc, rồi thở ra một cách khoan khoái. Độ ấy, nhiều người hút thuốc lào, kể cả Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Thạch Lam, trong đó Tú Mỡ, Thế Lữ là nghiện cụ. Anh Hoàng Đạo ngoan trai hơn, không thuốc lào cũng không thuốc lá. Lớn lên, tôi cũng tập tễnh hút. Phải thú thực, thuốc lào đưa đến cho người ta một thứ say sưa, khoái cảm đặc biệt.
Thoạt trông, anh Hồ Trọng Hiếu có vẻ chất phác, không có gì nổi bật khiến người ta chú ý. Hiền hậu, khiêm tốn, ít nói về mình, ai cũng mến anh. Anh và anh Tam cùng làm trong sở Tài chánh, có lẽ vì tính tình hợp với nhau, nên rất tâm đắc. Nhìn anh, không ai nghĩ đây là một nhà thơ trào phúng xuất chúng sau này.
Không phải là Tú Mỡ chỉ viết sau khi gặp anh Tam. Trước đó anh đã có một số bài thơ đăng trên các báo, hay vài bài tạp ký. Nhưng phải nói là Nhất Linh đã cổ võ anh rất nhiều về sự nên chuyên vào làm thơ trào phúng, và chỉ có qua Phong Hóa, Ngày Nay, tài hoa của anh mới được phát triển đầy đủ và được độc giả ưa chuộng. Tiện đây, xin nói là sau này, khi bắt buộc phải tự kiểm thảo lên án công dân Nguyễn Tường Tam về tội phản động, một mặt vẫn còn đủ can đảm và lương tâm để khẳng định rằng không có Nguyễn Tường Tam thì không có Tú Mỡ và chính Nguyễn Tường Tam đã tạo nên Tú Mỡ. Nhưng, ngược lại, nếu không có Tú Mỡ cộng tác và khuyến khích, thì sự nghiệp văn học của Nhất Linh chắc cũng không thuận lọì như hồi đó, và cũng không có Tự lực văn đoàn sau này.
Có thể vì hoàn cảnh, hai anh lớn -Thụy và Cẩm không có duyên với nghiệp văn chương. Anh Thụy từ giáo viên đổi sang tự học đỗ tú tài, rồi sau thi vào làm một chức tham tá Bưu Chánh ở sở Bưu điện Hà Nội. Còn anh Cẩm thì tốt nghiệp trường Cao đẳng Canh nông, và đưọc bổ đi làm tham tá tại nhiều nông trường ở miền Nam, ở Lào. Chấn đời cạo giấy tại sở Tài chánh, anh Tam xin vào học trường Y sĩ Đông dương- lúc đó chưa có trường Y khoa Đại Học- nhưng chắc số anh không phải là đeo ống nghe, tiêm thuốc, vả tâm hồn nghệ sĩ không ăn khớp với cái nghề khô khan không chút thi vị này, anh lại vội nhảy sang học trường Mỹ Thuật Đông dương.
Nàng Mỹ Thuật có lẽ hợp với anh hơn, vì anh có khiếu về vẽ. Trong trường, anh cũng là một học trò giỏi. Một lần, cùng mẹ, tôi đi xem cuộc triển lãm hội họa của nhà trường tổ chức. Thưởng thức mọi loại tranh từ trên lụa cho tới sơn dầu, thủy mặc. Cuộc triển lãm này cũng là một bước đánh dấu sự phát triển của nền hội họa Việt nam. Văn học và mỹ thuật cùng chớm nở và trưởng thành trong một thời kỳ, hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên, mà vì xã hội đã hội đủ những điều kiện cho sự trưởng thành ấy.
Mẹ tôi và tôi dừng bước trước một bức tranh truyền thần vẽ bằng bút chì, chân dung một bà cụ già.
- Tranh của anh mày vẽ đấy, có biết vẽ ai không?- mẹ tôi chỉ vào bức tranh hỏi.
Tôi nhìn lại, mới nhận ra là người trong tranh vẽ chính là bà nội mình. Tôi thấy vẽ giống thực và đẹp thực. Mẹ tôi lại gật gù tấm tắc:
-Vẽ giống quá! Tinh thần, tinh thần lắm!
Con vẽ, mẹ khen hay, tưởng cũng tự nhiên thôi.
Hồi ấy, nếu anh Tam cứ theo đuổi nghề vẽ, thì tất có hể trở nên một Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh hay Nguyễn Gia Trí, một nghệ sĩ tài hoa, nhưng lúc đó sẽ không còn nhân vật Nguyễn Tường Tam - Nhất Linh, và không có Phong Hóa, Tự lực văn đoàn. Người ta có lúc không thể không tin ở số phận. Cũng may, lý tưởng chính của anh vẫn là viết văn. Năm sau, cuốn Người quay tơ ra đời. Một tập truyện ngắn, với nhiều đề tài khác nhau. Lúc đó, tôi đọc, thấy thích thú hơn cuốn Nho Phong. Lối viết đã gọn ghẽ, sáng sủa, ít có văn sáo rỗng tuếch như nhiều tác phẩm đương thời. Đặc tính văn chương đã lộ ra, đó là lòng nhân đạo, vị tha, nhạy cảm trước những éo le, mâu thuẫn của con người. Khuynh hướng xã hội trong văn chương Nhất Linh đã chớm nở.
Đọc Người quay tơ tôi thích nhất là mấy bài Nô Lệ, Sư bác chùa Kênh. Chàng nông phu trong Nô lệ vốn có mấy mẫu ruộng, nhưng sau mất dần vào tay một chủ đồn điền, cuối cùng lâm vào cảnh tá điền phải thuê ruộng để cầy cấy. Chỉ còn chiều đến, đứng dưới chân đồi nhìn lên toà nhà ông chủ mà than ấy đèn ông chủ, ấy chó ông chủ. Nhà sư trong Sư bác chùa Kênh ngẫu nhiên tìm thấy một số vàng chôn dưới gốc cây, thì, ba năm sau, người ta thấy ông ra ứng cử nghị viên thành phố Hà Nội... số ông không phải đi tu.
Tuy có tiến bộ, nhưng tác phẩm của Nguyễn Tường Tam không được chú ý bằng những áng văn kiểu lãng mạn, trữ tình, khóc than sướt mướt như bài Giọt Lệ Thư khóc chồng của bà Tương Phố, hay cuốn tiểu thuyết Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách. Ai đã sống qua thời đó, cũng nhớ rằng mấy tác phẩm ấy đã khiến cho bao người, đặt biệt là phái nữ đa sầu đa cảm phải rơi bao nhiêu là nước mắt. Ngay khi tôi đọc Giọt Lệ Thư cũng không khỏi thấy mắt cay cay. Mỗi lần thu sang em lại rầu lòng than khóc- câu văn ai oán này có khi lại vẳng bên tai tôi với tiếng khóc chồng bi đát của thiếu phụ tuyệt vọng. Sao mà bi ai đến thế?
Còn Tố Tâm và Đạm Thủy, một đôi người yêu bị tực lệ phong kiến gia đình cấm đoán không lấy được nhau, cuối cùng đều tự vẫn chết. Cũng tựa như bi kịch Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài ở Trung Hoa hay Romeo và Juliette tại âu Châu. Đông Tây không như Rudyard Kipling nói- vẫn có thể gặp nhau, vì dù ở đâu, cũng có tình người.
Những áng văn rầu rĩ ấy, cũng lạ, ra đời trong lúc mà xã hội đương rung động sau vụ liệt sĩ Phạm Hồng Thái hy sinh tại đầm Bạch Nga, Quảng Châu, nhà chí sĩ Phan Chu Tnnh qua đời, cụ Phan Bội Châu bị bắt và đưa ra toà, cùng những cuộc biểu tình, bãi công khắp nước, đánh dấu cho sự trỗi dậy của dân chúng Việt nam. Nỗi niềm bi quan trong những tác phẩm kể trên tất nhiên cũng phản ánh những mâu thuẫn có thực trong xã hội, trong những tầng lớp trung lưu hay những tầng lớp đã một lạc, sa sút, và mâu thuẫn giữa quan niệm cổ hủ với quan niệm mới yêu cầu tự do cá nhân. Tình trạng ấy không riêng cho Việt nam, mà là chung cho nhiều dân tộc trên thế giới, khi ảnh hưởng của nền văn minh Tây Phương lan tràn tới khắp nơi. Cùng với những sự xâm lược bằng vũ trang tân tiến, trên các nước á Châu hồi đó một nền công nghiệp dựng trên khoa học kỹ thuật mới đã đem lại tầng trí thức càng ngày càng đông đã dễ dàng hấp thụ những tư tưởng quan niệm mới khác hẳn với quan niệm truyền thống phong kiến dựa trên Khổng giáo, nhất là tại Trung quốc, Việt nam hay Nhật bản, Đại hàn.
Song An Hoàng Ngọc Phách, tác giả cuốn Tố Tâm, cũng từng nhận xét về ảnh hưởng của thay đổi xã hội tới nền văn chương, mà ông cho thời kỳ này là lúc âu-á giao thời. Cùng một thời kỳ 1920-1940, tại Trung quốc cũng đã nẩy nở ra một nền văn học mới, viết bằng lối bạch thoại sáng sủa, khác hẳn với lối viết cổ văn khó hiểu và gò bó trước đây. Những nhà văn có tiếng thời ấy như Ba Kim -nhà tiểu thuyết - Mâu thuẫn- tiểu thuyết và tạp văn -Lỗ Tấn - nhà tư tưởng, hay Tào Ngu - tác giả kịch Lôi Vũ, cũng đều có những tác phẩm phê phán những lạc hậu, cổ hủ của xã hội cũ và đưa ra những ý kiến cải cách xã hội, mong đưa tới một lối sống rộng rãi, nhân đạo, tự do hơn.
Với tính chất dân tộc đặc biệt của mỗi quốc gia, nền văn hóa có thể khác nhau nhưng cũng là chịu ảnh hưởng của trào lưu tiến hóa chung của nhân loại. Văn học vẫn chịu ảnh hưởng sâu xa và trực tiếp của nền văn hóa Pháp, và cả nền văn hóa Âu Tây, như Đức, Anh, Nga, Mỹ. Mặc dầu thực dân Pháp cố nhồi vào đầu óc người Việt những tư tưởng nô đòi Nos ancêtres, les Gaulois (Tổ tiên chúng ta là người Gaulois) - yêu nước Pháp, yêu nhà nước bảo hộ... những chúng không thể không đồng thời nêu ra khẩu hiệu Tự do, bình đđng, bác ái dính liền với danh hiệu Cộng hòa Pháp. Cũng không thể không mang lại những tên tuổi như Voltaire, Jean Jacque Rousseau, Montesquieu, hay những nhà văn như Lamartine, Victor Hugo, Balzac, Paul Verlaine, Beaudelaire, Romain Rolland, Sartre,v.v... cùng một số tên tại các nước khác như Shakespeare, Byron, Goethe, Tolstoi, Dostoieski và ngay cả Maxims Gorki, Mark Twain...
Do đó, người ta không lấy làm lạ khi, trong nền văn học Việt nam, đã xuất hiện đủ các khuynh hướng: bảo thủ, hiện thực, lãng mạn - kể cả thứ gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Mácxít. Trên một khía cạnh nào đó, chính người Pháp đã gieo những mầm mống chống chê người đế quốc, và tự do, dân chủ, nhân quyền trong dân chúng người Việt.
Câu danh ngôn của Ruyard Kipling, một tác giả người Anh Đông là Đông, Tây là Tây, Đông Tây không bao giờ gặp nhau, thực ra chỉ là một suy nghĩ quá cổ xưa.
Lúc ấy, tôi chỉ là một cậu học trò mười mấy tuổi, thích đọc tiểu thuyết đủ mọi hạng. Trước hết, là những bản văn của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, hãy còn mang lối viết sáo và còn thô sơ, rồi những truyện kiếm hiệp khá hấp dẫn. Ngoài ra, tôi còn nhớ được đọc cuốn Tuyết Hồng Lệ Sử dịch ra tiếng Việt. Cuốn này cũng là một tác phẩm sướt mướt, chắc là tiền bối của những áng văn đẫm nước mắt. Bây giờ nghĩ lại, những áng văn ấy đã có ânh hưởng sâu xa đến đầu các thanh niên nam nữ thời đó - trong đó có cả tôi một độc giả trung thành. Nhiều người đã không khỏi nhiễm những tư tưởng ủy mị, lãng mạn, cá nhân, trong một thời kỳ cần tới ý thức dân tộc, đấu tranh hơn. Tất cả những luồng quan niệm trái ngược trong xã hội đã có ảnh hưởng sâu xa tới thế hệ trẻ nói chung, và tới anh em chúng tôi nói riêng. Ai cũng đều phải suy nghĩ và tìm một con đường cho mình. Có người thì buông mình trôi theo chiều gió, có người hăng hái hơn, muốn góp sức vào việc thay đổi tình trạng sao cho tốt đẹp hơn, lý tưởng hơn.
Chúng tôi ít nhiều cũng thuộc vào hạng người sau. Và anh Tam là con người tiêu biểu nhất, có ý chí, lý tưởng mạnh mẽ và đi tiên phong trong việc thực hiện ý nguyện ấy. Tôi thường thấy anh hay ngồi viết hay suy nghĩ, nhiều khi tới nửa đêm. Thành công trong sự nghiệp văn chương hay xã hội sau này không phải là ngẫu nhiên, tuy lúc đó, anh chưa tìm thấy rõ rệt con đường để đi.
Nếu là tiên phong trong công việc văn hoá, thì anh Tam lại là tiên phong trong việc lấy vợ, trước cả anh Cả. Theo ý muốn của bà nội và mẹ, năm 20 tuổi anh đã phải lấy vợ. Cô dâu là con gái một gia đình buôn bán ở đầu phố Cầu gỗ, trông ra bến xe điện Hà Nội - Hà Đông. Trong cuốn Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, chị Thế tôi đã thuật rất cặn kẽ về đám cưới cũng khá long trọng này. Tôi là một chứng nhân lịch sử mới mười tuổi, hãnh diện trong áo đoạn xanh, và một thẻ bài ngà đeo trước ngực giống như một quan lớn, ngồi trong xe kéo để đi đón dâu. Chú rể ở đầu phố, cô dâu ở cuối phố, quá gần. Thực là:
Thiếp tại Tương Giang đầu, quân tại Tương Giang vĩ,
Tương tư bất tương kiến, đồng ẩm Tương Giang thủy
Câu thơ Đường tôi nhớ mang máng, bèn phỏng theo mà đổi là:
Thiếp tại đầu Cầu gỗ, chàng tại đuôi Cầu gỗ...
Nếu có tương tư thì cũng rất tiện, chỉ cách nhau có năm phút đi bộ. Mà muốn tương kiến thì chỉ cần đi ngang qua cửa hàng cau là thấy mặt nhau ngay.
Cũng vì cách nhau quá gần, nên đoàn xe đón dâu không đi đường thẳng mà lại mua đường, đi riễu phố một vòng qua Bờ Hồ rồi mới quay về nhà. Đám cưới ông Nhất Linh tương lai có khác:
Ngồi lâu hay chóng đối với tôi không quan trọng. Tôi chỉ quan tâm đến sự được ăn cỗ bát: bóng, mực, bồ câu... rất hiếm hoi trong đời. Tối hôm ấy thì có cỗ cưới linh đình đủ các món. Việc lấy vợ cũng có ảnh hưởng đến tương lai anh Tam. Sẵn nghề buôn cau trong tay, chị Tam đã giúp được chồng cáng đáng gia đình, để anh không bị trói buộc vào những công việc khô khan. Rồi, nhờ ở đó và sự giúp đỡ của một hội đoàn, anh có đủ điều kiện để đi du học ở Pháp, một điều anh đã mong ước từ lâu
Theo ý nguyện của anh, việc đi Pháp không phải là chỉ lấy được bằng cấp của Tây, kiếm được việc tốt, mà quan trọng nhất là sang được một phương trời mới văn minh, tiến bộ, mở rộng được tầm con mắt, hiểu biết về thế giới ở ngoài.
Trước khi đi Pháp vào đầu năm 1927, anh bỏ trường Mỹ Thuật vào Sài-gòn rồi đi Nam Vang. ở đó, anh làm nghề vẽ phông (màn kịch) cho rạp hát để kiếm thêm một số tiền, theo lời chị tôi kể.
Giai đoạn này, gia đình đã dọn tới một căn nhà gác tại Ô Cầu Rền, dưới chợ Hôm, đối diện với trường Yên Thành, và có đường xe điện chạy qua. Một đường phố và cửa Ô đông đúc, náo nhiệt, dân cư phần lớn là thợ thuyền nghèo.
Mẹ tôi và chị tôi lại mở một cửa hàng tạp hoá, bán đủ các thứ, từ gạo đến nước mắm, nến hương. Tôi thì đi học tại trường Hàng Vôi, mỗi hôm phải đi bộ mấy lượt. Hôm nào cũng đi qua mấy phố Tây, phủ Thống sứ, khách sạn Métropole sang nhất Hà Nội, vườn hoa Paul Bert với bức tượng tay thực dân này. Vườn hoa con Cóc trông ngộ nghĩnh hơn, với những con cóc phun nước ngay trước cửa nhà băng Đông dương. Thỉnh thoảng có thì giờ, tôi và mấy bạn học rẽ sang bờ Hồ Gươm, đứng trên cầu Thê Húc ngắm làn nước xanh như rêu. Hay quay sang phố Tràng Tiền, phố đẹp nhất thời đó, dán mũi vào những tủ kính bày hàng của nhà Gô-Đa (tức tổng hợp bách hoá). Cuối phố, nhà Hát Tây - sau gọi là Nhà hát Lớn- thực ra không đồ sộ lắm, nhưng dưới mắt chúng tôi, là toà kiến trúc đẹp nhất Hà Nội.
Ngã tư Tràng Tiền với phố bờ Hồ có thể cho là một góc hiện đại nhất của thành phố hồi ấy. Buổi tối những ngày nghỉ, đó là nơi dạo gót tất yếu của thanh niên nam, nữ. Nếu chỉ nhìn bề mặt, thì thực là một cảnh thanh bình, trai thanh gái lịch vô tư lự. Nhưng đối với những người biết suy nghĩ một chút, thì không thể không nhìn thấy cảnh những ông tây bà đầm phè phỡn, ngạo mạn, những tay cảnh sát đeo dùi cui ngạo nghễ đi tuần, và cảm thấy có cái gì căng thẳng, nặng nề. Tuy còn là học trò tiểu học, chúng tôi cũng đã có cảm tưởng như vậy, và chắc còn nhiều người nữa. Số người thương nữ bất tri vong quốc hận chắc là không đông. Thực ra, tôi cũng không rõ lắm về hoạt động của anh Tam hồi trước khi đi Pháp. Có tác giả đã viết anh từng gia nhập Việt nam Quốc Dân đảng. Điều này không chính xác vì năm 1926 Việt nam quốc dân đảng chưa thành hình, chỉ có Nam Đồng Thư Xã. Song có thể anh đã gia nhập một nhóm bí mật nào, và để tránh bị khủng bố, phải rời vào Nam. Năm 1926, một số tổ chức như Phục việt Tân Việt cách mệnh Đảng, hay Việt nam thanh niên cách mệnh đồng chí hội đã bắt đầu hoạt động.
Hoạt động cách mệnh cùng hoạt động văn hóa đều đã bắt đầu mạnh mẽ hơn, đó Ià đặc điểm quan trọng nhất từ 1925 trở đi.
Trong lúc đó, du học Pháp là một mốc quan trọng trong đời anh Nguyễn Tường Tam, có ảnh hưởng sâu xa tới sự nghiệp văn hoá và chính trị của anh sau này.