Vẻ hào nhoáng sang trọng là thứ mà mọi người luôn ao ước, nhưng chính sự trưởng thành trong khó khăn mới thực sự làm người ta ngưỡng mộ.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Võ Phiến
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4706 / 124
Cập nhật: 2015-10-30 12:44:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4: Các Yếu Tố Của Sinh Hoạt Văn Học - Độc Giả
Số lượng
Rời tác giả quay về phía độc giả, ta thấy cái nổi bật đầu tiên có lẽ là vấn đề số lượng. Số tác giả sau 54 ở Miền Nam vượt cao hơn hồi tiền chiến toàn quốc rất xa, trong khi số độc giả dành cho mỗi tác phẩm thì không thấy tăng.
Trong cuốn VĂN THI SĨ TIỀN CHIẾN, 1 Nguyễn Vỹ có nói về chuyện in sách: các nhà văn tự in lấy tác phẩm của mình và tự phát hành lấy. Ông bảo: “Một số đại lý sẵn sàng gởi bưu phiếu về tác giả, để mua một số sách trừ tiền hoa hồng khá cao, thường thường là 25 phần trăm hoặc 30 phần trăm. Họ có thể mua từ 100 quyển đến 500 quyển hoặc 1.000 quyển tùy theo quyển sách mà họ biết trước sẽ bán được nhiều hay ít, và tùy theo địa điểm của họ.” Tôi ngạc nhiên. Đại lý có thể mua đến hàng nghìn cuốn sách một lần? Theo Nguyễn Vỹ, có “một số đại lý sẵn sàng” làm như thế: “một số” là bao nhiêu? Thực ra trên toàn cõi Việt Nam chỉ cần được vài ba đại lý như thế đã đủ làm nên sự lạ, bởi vì riêng vài nhà họ tiêu thụ tất cả số ấn hành trung bình mỗi tác phẩm ở Miền Nam sau 1954.
Thật vậy, trong khoảng 54-75 số sách tiêu thụ đại khái đôi ba nghìn cuốn mỗi lần in. Phải vận dụng mọi cách phát hành mới tiêu thụ nổi chừng ấy sách, làm gì có chuyện vài đại lý gửi bưu phiếu mua hết veo ngay! Nguyễn Vỹ nhớ lầm chăng? Nếu “một số đại lý” mua được mỗi nhà một nghìn cuốn thì tổng số sách bán được e lên đến hàng vạn cuốn mỗi lần ấn hành. Lẽ nào rực rỡ quá vậy?
Cứ theo số lượng ấn hành ghi ở phần nhiều các sách tiền chiến thì đại khái cũng không khác thời kỳ 54-75 ở Miền Nam, tức đôi ba nghìn cuốn mỗi kỳ. 2 Như thế đã đáng suy nghĩ rồi.
Mặc dù quần chúng độc giả tiền chiến của Nguyễn Vỹ là quần chúng toàn quốc, còn độc giả Miền Nam sau 54 là quần chúng nửa nước, nhưng dân số có gia tăng lớn và cuộc di cư 1954 đã đưa thêm người vào Nam cho nên sự chênh lệch không bao nhiêu. Trước 1945 trên toàn cõi Việt Nam và sau 54 ở Miền Nam đại khái dân số cùng xấp xỉ vài chục triệu. Tuy nhiên trong cái số đông của tiền chiến đại đa số là thất học, hạng thoát nạn mù chữ đã ít, kẻ có trình độ trung học rất hiếm hoi (cả xứ Trung kỳ chỉ có 4 trường trung học công lập ở Vinh, Huế và Qui Nhơn!), nói gì đến tầng lớp đại học. Sau 1954 ở Miền Nam trường học mở đầy dẫy, trong giai đoạn sau của chế độ sinh viên các phân khoa nhân văn từ Huế vào đến An Giang có đến hàng trăm nghìn: thế mà số người đọc sách không tăng thêm, ít ra là không tăng một cách rõ rệt, đáng kể. Lạ chứ.
Nhớ có lần nói chuyện với một nhà sách kỳ cựu ở Sài Gòn, đã hành nghề dưới nhiều chế độ, theo dõi tâm lý của độc giả trải qua nhiều thời kỳ ¾ tức ông Khai Trí ¾ có nghe ông đưa ra một nhận xét: Quả là sau này người ta ít mua sách hơn thời tiền chiến. Một trong các lý do là cuộc sống bất định của thời buổi chiến tranh. Ngày trước mỗi khi có cuốn sách mới của văn sĩ nổi danh vừa phát hành thường thường độc giả mua ngay, dù có thì giờ để đọc hay không cũng mua. Mua cất vào tủ sách gia đình cho đủ, để đọc dần. Sau 1945 nhiều biến cố liên tiếp xảy ra khiến thiên hạ rời nhà rời quê chạy tán loạn, nay lánh cư chỗ này mai lánh nạn nơi khác, tủ sách gia đình hao hụt dần, mười phần mất bảy còn ba, rồi mất hai còn một! Khắp Nam kỳ Lục tỉnh sau 45, nhất là sau 68, chẳng còn mấy ai giữ được tủ sách gia đình nữa. Đã không có tủ sách thì sách chỉ mua khi nào cần đọc mà thôi. Nghĩa là ít đi nhiều lắm.
Về các tai họa xảy đến cho sách vở trong thời loạn, có thể nghe qua một vài câu chuyện do ông Vương Hồng Sển kể:
“Một bữa trưa, tháng hai năm 1946, để tránh nạn ‘dân thổ dậy’, tôi và gia quyến đưa nhau đến gõ cửa xin tá túc dưới mái ngói một giáo đường mà cụ cố già trên tám mươi tuổi được đôi bên Miên Việt kính vì và đồng lòng chừa khu vực giáo đường không đốt phá. Trưa bữa ấy, tôi ngồi dưới gác chuông, chiếc nóp lá trên vai, mặt ngó ra sông, xảy thấy một Miên già gánh hai giỏ tre lớn đựng đầy sách vở chữ Hán, từ xa đi lại. Giỏ đi ngang mắt tôi, may thời tôi đọc được hai chữ ‘... thi tập’ trên một quyển sách ghép thành bộ có bìa bọc gấm đỏ và gồm bốn chữ mà tôi đã dốt hết hai! Tôi chạy theo cố nài mua cho được bộ sách ấy, sau biết lại là bộ VĨ DÃ THI TẬP của Tuy Lý vương.” 3
“Đến năm đảo chánh 1945-1946, khi chạy vô làng Hòa Tú một đêm trăng bị binh Tây bố, bắn đạn hỏa châu đỏ trời, chúng tôi sợ quá bỏ nhà chạy vào rừng, cách mươi hôm sau trở về thì tủ sách bị lục phá tơi bời, nhiều sách in trên giấy mỏng, nhứt là loại xuất bản trên giấy bản xứ vào thời chiến tranh Nhật, đã bị các nông dân cứu quốc trong xóm dùng làm giấy hút thuốc thay cho lá chưn bầu, lá dừa nước non.” 4
Ngoài lý do an ninh, sách còn bị khổ vì lý do chính trị. Sau 1945 ở vùng cộng sản mà chứa sách Pháp hay sách “trong thành”, ở “trong thành” mà chứa sách ngoài khu; sau 1954 ở vùng cộng sản mà chứa sách quốc gia, ở vùng quốc gia mà chứa sách cộng sản, đều có thể gặp rắc rối. Sách đôi khi thành ra một món nguy hiểm, không tiện chứa chấp, tích trữ.
Lại vẫn nhà chơi sách Vương Hồng Sển góp thêm với chúng ta một mẩu chuyện nữa: “Một ông cưng sách như trứng mỏng, cắp nắp, ôm đồm từ những quyển sách học trường lớn bên Pháp đến những tập hai ba xu Việt văn. Việt Minh bùng dậy, phá làng đốt xóm. Tủ sách ông ra tro. Từ ấy, tóc ông càng bạc thêm, ông chuyên về tu hành, nghiên cứu Phật giáo, những ai giở chuyện sách ra nói, mí mắt ông ướt hồi nào không hay.” 5
Sách mà gần đây không bán được nhiều, cái ấy lại còn có một lý do khác nữa tưởng cũng quan trọng. Sau 1960 tình hình Miền Nam mỗi ngày mỗi khẩn trương, thanh niên bị động viên. Muốn được hoãn dịch để tiếp tục học vấn, họ phải lên lớp không ngừng, phải thi đậu liên tiếp. Vì vậy ai nấy lo chúi đầu vào sách giáo khoa, học trối chết, không mấy ai dám “phí” thì giờ vào các trò nghệ thuật văn chương.
Cùng trong khoảng thời gian ấy, sách ở Miền Bắc nêu lên số lượng ấn hành cao hơn ở Miền Nam nhiều: thường thường mỗi nhan đề in đến hàng vạn cuốn.
Những con số ghi trên sách Miền Bắc đáng được tin tới chừng nào? Liệu có nên liên tưởng đến những con số xác “địch” trên chiến trường, số phi cơ “địch” bị bắn rơi v.v... trong các bản thông cáo chiến sự của Hà Nội trước đây chăng? Ở Tây phương người ta vẫn không mấy khi dám tin vào con số thống kê từ các xứ cộng sản. Dù sao, trước khi có chứng liệu rõ ràng, hãy cứ cho rằng sách ở Miền Bắc phát hành nhiều hơn Miền Nam.
Có chênh lệch chăng, sự chênh lệch Nam Bắc không do sở thích đọc sách của quần chúng, mà do cách phổ biến sách, do chính sách phổ biến văn hóa mỗi nơi một khác. Ở Nam, viết và đọc sách báo là chuyện tự do của công dân; sách báo lắm khi gây khá nhiều khó khăn cho chính quyền, cho chế độ, bởi vậy chính quyền có vẻ không mấy sốt sắng phổ biến, cứ mặc cho nó... tự do. Ở Bắc, sách báo là phương tiện tuyên truyền chủ nghĩa, quảng cáo chế độ, xưng tụng chính quyền, mê hoặc dân chúng; dân càng đọc nhiều càng thấm nhuần công đức nhà nước, càng ngoan ngoãn, càng hồ hởi, vì thế nhà nước lúc nào cũng hăng say phổ biến sách báo. Sách nào in nhiều sách nào in ít, sách nào phổ biến rộng sách nào phổ biến hẹp, chuyện ấy không do đòi hỏi của độc giả mà do sự cân nhắc “lợi hại” của nhà nước. Thơ “Bác” với thơ Tố Hữu số in cao hơn thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Hồ Dzếnh là tất nhiên. Cuốn CHỮ NÔM của Đào Duy Anh in 5.200 bản, cuốn TÌM HIỂU XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI LÝ TRẦN in 6.400 bản, cuốn THƠ VĂN NGUYỄN CÔNG TRỨ của Trương Chính in 10.000 bản, mà cuốn TÂY DƯƠNG GIA-TÔ BÍ LỤC in 20.500 bản, lẽ nào vì quần chúng ham đọc bí lục hơn xem thơ Nguyễn Công Trứ hay tìm hiểu chữ nôm!
Ở Bắc nhà nước tha hồ đưa sách xuống tận xã thôn: hễ công văn đi tới đâu thì sách báo đi tới đó. Trái lại trong Nam sách báo chỉ xuống đến tỉnh lỵ là cùng đường. Họa hoằn mới gặp một đôi quận lỵ có tiệm sách bày bán dăm ba thứ kiếm hiệp nhảm nhí. Thiện chí của các tổ chức phát hành tư nhân biểu lộ đến chừng ấy là quá mức rồi: xuống quá tỉnh lỵ nhu cầu không có mấy, lợi lộc chẳng bao nhiêu, mà tình hình an ninh có lúc không tốt đẹp, bảo họ phiêu lưu làm chi? Chính quyền không thiết, tư nhân không ham, chuyện đưa sách báo đến dân quê gặp bế tắc. Trước tình trạng ấy trong các phiên họp Hội đồng Văn hóa Giáo dục (nhiệm kỳ 70-74) chúng tôi nhiều lần đề nghị thành lập tủ sách xã thôn, bằng cách khuyến khích các xã dành một khoản trong ngân sách hàng năm để mua sách báo cho dân chúng địa phương mượn đọc. Nhưng tình hình đất nước lúc bấy giờ đã quá rối ren, chính quyền bận đối phó với nhiều vấn đề khẩn bách nên chuyện văn hóa bị bỏ qua.
Ấy ở Miền Nam với Miền Bắc sự tình khác nhau như thế, cho nên khó có sự so sánh đứng đắn.
Chúng ta đã đem số lượng độc giả Miền Nam thời 54-75 đối chiếu với thời tiền chiến, rồi đối chiếu với Miền Bắc. Đối chiếu tình hình thời chiến tranh với thời thanh bình, đối chiếu tình hình dưới chế độ tự do với chế độ độc tài, không phải để rút ra những kết luận dễ dãi. Chẳng qua chỉ thấy nếu không có sự can thiệp của chính quyền, đồng bào ta đọc chưa lấy gì làm nhiều.
Nếu lại đem ra so sánh với số lượng ở lắm nước ngoài, vẫn thấy có sự thua sút đáng buồn. Chẳng hạn ở những nước Tây phương như Anh, Pháp v.v..., ở nhiều nước Đông phương như Đại Hàn, Đài Loan, Nhật Bản v.v... tỉ số độc giả so với dân số cao hơn ở ta rõ rệt. Ở ta một tờ nhật báo có uy tín như tờ CHÍNH LUẬN phát hành mỗi ngày không quá 20 nghìn số, trong khi Đại Hàn (dân số chừng 30 triệu trước 1975) các tờ CHOSUN ILBO và DONG A ILBO mỗi ngày in ngót một triệu số.6 Tạp chí và sách ở Đại Hàn, Đài Loan đều được ấn hành nhiều hơn ở ta, vượt ta rất xa. Họ là những nước tự do, ở đó người ta đọc là vì thích đọc, không có chuyện nhà cầm quyền dúi sách báo vào tay dân chúng để giáo dục lòng yêu đảng, yêu chủ nghĩa v.v...
Dĩ nhiên Việt Nam là nước văn hiến, nhưng cái văn hiến ấy nó phát huy có phần éo le: kẻ viết càng ngày càng đông mà người đọc cứ thưa thớt mãi, thế có khổ không?
Nghĩ ngợi loanh quanh về cái tính ít đọc của đồng bào ta, tôi đoán chừng nguyên nhân của nó không phải chỉ ở gần đây, như chuyện ngoại thuộc với chế độ ngu dân, như tình hình chiến tranh v.v... Không phải chỉ có ngần ấy. Có lẽ có những lý do xa hơn.
Chẳng hạn sự xuất hiện muộn màng của văn tự dân tộc. Không hiểu sao mãi cho tới khi tiếp xúc với Tây phương chúng ta không chịu đặt ra một thứ văn tự riêng, ta xài tạm chữ Hán, chế biến qua quít, vừa xài vừa coi rẻ thứ chữ chế biến ấy. Cái gì mà muốn viết được đọc được tiếng ta lại phải biết qua chữ nước người mới xong. Mà chữ Hán đâu phải dễ học! Thành thử trong suốt quá trình lịch sử dài dằng dặc tối đại đa số đồng bào ta chẳng hề đọc cái gì bao giờ. Những gì họ biết là biết qua tai nghe. Chuyện đọc chữ là chuyện của một số người hiếm hoi trong xã hội. Riết rồi thành thói quen. Đến khi ta có chữ, có sách, ta vẫn chưa kịp tập được thói quen xem sách. Làng trên xóm dưới, khắp khóm phường khu phố, đâu là một gia đình có sắm tủ sách? Cái kỷ niệm về sách vở đậm đà nhất trong một đời người, cho đến khi đã luống tuổi, đối với một số đông vẫn là mấy bài quen thuộc trong cuốn QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ.
Không viết không đọc được bằng ngôn ngữ dân tộc, quần chúng khó lòng thưởng thức văn chương xứ người, khó lòng vui buồn với thơ phú Trung Hoa, quần chúng chỉ sống với nền văn chương truyền khẩu. Cho nên văn chương truyền khẩu đóng một vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử văn học nước ta. Nó rất phong phú, nó lại có sức sống mạnh: lệ thường khi văn học ký tải xuất hiện thì văn học truyền khẩu tàn lụi, nhưng ở ta nó không chịu tàn lụi, nó cứ sống, tiếp tục sống, sinh sôi phát triển cho đến những thời gần đây nhất, cho đến tận ngày nay; nó cứ tồn tại hoài, song song với nền văn học ký tải hiện đại. Ngay bây giờ, bất cứ ở nơi nào trên đất nước Việt Nam, từ Bắc chí Nam, người ta đều có thể nhặt được những câu chuyện, những câu hát câu ca châm chọc nhà cầm quyền liên quan đến những thời sự mới toanh.
Văn chương truyền khẩu sở trường về vận văn. Có vần có điệu mới dễ nhớ, dễ truyền. Phải chăng vì vậy mà có cái địa vị ưu tiên đặc biệt cho thi ca trong nền văn học quốc âm của ta xưa nay? Mặc dù phát triển trong vòng ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa hàng ngàn năm, văn học ta vẫn giữ những nét đặc thù căn bản khác biệt với văn hóa Trung Hoa; cái đặc thù ấy liên hệ đến thi ca: Truyện Tàu không hề bắt nguồn từ thơ, trong khi truyện và thơ của ta cứ dính liền nhau cho đến tận đầu thế kỷ này! Trên thế giới có được mấy nơi mà văn loại tiểu thuyết cứ bám chặt lấy thi ca không chịu rời ra như thế? Thật vậy, tác phẩm nổi tiếng nhất của dân tộc, TRUYỆN KIỀU, là một truyện bằng thơ, ra đời giữa bao nhiêu truyện thơ khác.
Giả sử bản in TRUYỆN KIỀU nôm đầu tiên ra đời vào khoảng 1820 thì số ấn bản hãy còn ít lắm, làm sao tới được dân gian; mãi tới 1875 có bản Kiều quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký, nhưng chữ quốc ngữ hãy còn mới mẻ, tỉ số người mù chữ hãy còn hết sức cao, thì sách đâu có mấy ai xem được. Hơn một thế kỷ sau khi Nguyễn Du qua đời, cách phổ biến chủ yếu của Kiều vẫn cứ là cách truyền miệng. Trong gia đình chòm xóm, ngoài các bến đò, bến xe, các chợ búa v.v... người ta kể Kiều, ngâm Kiều, cũng như kể PHẠM CÔNG CÚC HOA, nói VÂN TIÊN v.v... Thế rồi mãi cho tới gần đây, khi chúng ta đã có những tiểu thuyết gia du học từ Âu châu về, khi trên lãnh vực tiểu thuyết trong nước đã có những xôn xao bàn luận về trường phái lãng mạn, tả chân, về xu hướng tâm lý, xã hội v.v..., tức là những món rất “hiện đại” của Tây phương, thì trong dân gian người ta vẫn cứ còn “nói” vè Thông Tằm, “nói” thơ Sáu Trọng, thơ Thầy Thông Chánh, thơ Cậu Hai Miên v.v... như thời trung cổ. “Nói” và nghe vẫn còn thích hợp hơn là viết và đọc.
Ngâm nga mãi, chúng ta có hẳn cái khiếu về thi ca. Thơ bàng bạc khắp cuộc sống: buồn làm thơ, vui cũng làm thơ, sinh đẻ có thơ mừng, chết chóc có thơ khóc, thưởng cảnh đẹp có thơ, gặp hoạn nạn cũng có thơ..., và mọi người ai nấy đều như làm thơ được cả. Cả dân tộc như thở ra thơ. Mấy năm trước đây, nhớ báo chí có nói đến một người Gia-nã-đại đi nghiên cứu về thái độ chết của con người khắp nơi, đến Việt Nam bỗng ngạc nhiên về một tử tội ê a hát xướng gì đó trong đêm trước buổi thọ hình: hỏi ra thì người ấy ngâm thơ. Đã lấy gì làm quái dị? Đêm trước hãy còn xa cái chết chán; trong lịch sử có nhiều người Việt Nam ra đến pháp trường hãy còn ngâm thơ. Người Việt Nam ngâm thơ vào cái lúc thiên hạ đọc kinh cầu nguyện Thượng Đế. Khắp Âu Mỹ, nhật trình mỗi ngày tuôn ra từng đống chẳng hề có bài thơ nào, trên nhật trình Tàu, Nhật ở Á Đông cũng không thấy thơ, nhưng ở ta thì có: có một mảnh giấy in ra là có thơ trên đó rồi.
Thơ ở ta nó lan tràn ra ngoài phạm vi văn học, nó lan tràn khắp mọi lãnh vực của cuộc sống: các đấng Thích Ca, Jesus, Mohammed truyền đạo bằng lời giảng tản văn, còn đức Huỳnh Phú Sổ lại thường dùng vận văn, và trong đạo Cao Đài các tiên thánh giáng cơ cũng toàn làm thơ cả.
Bởi thơ được trau luyện, cho nên ở ta nó vượt bỏ tản văn rất xa. Cùng một thời với nhau mà thơ Kiều đã đạt tới tuyệt đỉnh tinh vi, còn văn xuôi trong các lá thư của vua Gia Long, vua Quang Trung thô sơ biết chừng nào. Thậm chí, đến thời Trương Vĩnh Ký, thời ĐÔNG DƯƠNG TẠP CHÍ tản văn Việt Nam vẫn hãy còn xa cái trình độ có thể dùng được vào một công trình nghệ thuật.
Tóm lại, vì nhiều nguyên nhân, người Việt Nam tuy có yêu văn chương, có khiếu thi ca, nhưng ít đọc sách, mà thời buổi chinh chiến lại càng thêm trở ngại cho việc phổ biến, lưu trữ sách báo, vì vậy số lượng độc giả ở Miền Nam sau 54 không gia tăng mấy. Sự kiện ấy có lẽ cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển của văn học, không chừng đến giá trị của một số tác phẩm bấy giờ cũng nên! Nếu đồng bào ta cũng đọc nhiều như người Nhật người Anh chẳng hạn, nếu mỗi tác phẩm đem lại cho người viết món tác quyền lớn hơn thì những tác giả đã thành danh như Bình Nguyên Lộc, Thụy Vũ v.v... đâu đến nỗi phải chạy đôn chạy đáo kiêm đôi ba công việc, phải dành cái phần thì giờ “ngon lành” nhất trong ngày cho việc làm báo mưu sinh, phải viết văn bằng tay trái? Có nhiều thì giờ hơn dành cho nghệ thuật, chắc chắn họ viết kỹ hơn, và có nhiều hi vọng hay hơn.
Nghe một tác giả nào đó đổ tội viết kém hay cho độc giả lười đọc, ai nấy tha hồ cười cợt mỉa mai. Mặc kệ, tôi vẫn cứ ngờ rằng giá mỗi ngày có thể ngồi nhẩn nha viết tới viết lui, chữa đi chữa lại đôi ba trang sách thì kết quả vẫn có cơ tốt hơn là phải còng lưng viết ào ào mười cái phơi-dơ-tông để kiếm sống.
Địa phương
Độc giả ta ít, thế số độc giả ít oi ấy họ ở nơi nào? Về thời trước Nguyễn Vỹ chỉ rõ: “Các tiệm sách lớn ở Huế, Sài Gòn và Nam Vang (Cao Miên) thường thường là những khách hàng quan trọng hơn cả. Thời tiền chiến ba nơi ấy tiêu thụ hơn một nửa tổng số phát hành. Kế đến Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Mỹ Tho, Biên Hòa, Long Xuyên, Battambang (Cao Miên), Vientiane (Lào), rồi sau cùng là các thành phố khác.” 7 Ở đoạn này ông không nói đến Hà Nội và cả Bắc bộ. Tính sơ qua: Huế, Sài Gòn, Nam Vang đã tiêu thụ hơn một nửa; rồi từ Thanh Hóa vào Nam (tức Trung bộ và Nam bộ cũ) cùng với Lào Miên lẽ nào không được một phần tư nữa: cộng chung là hơn ba phần tư. Phần còn lại của Hà Nội và toàn Bắc bộ là non một phần tư: ít vậy sao?
Một điểm đáng chú ý nữa là thời bấy giờ những nhà xuất bản “cò con” (các tác giả tự xuất bản sách mình) không những đã trực tiếp phát hành đến Nam Vang, Vạn Tượng, các thủ đô Miên Lào, mà còn gửi sách đến tận các tỉnh Miên, như Battambang chẳng hạn. Sau này, mặc dù ở những nơi ấy vẫn có Việt kiều, có độc giả, nhưng sự liên lạc giữa Việt Miên Lào không còn chặt chẽ như trước, sách Việt không còn đi khắp cõi Đông Pháp một cách thong dong như trước nữa.
Về sau, năm 1964, đáp lời phỏng vấn của Nguyễn Ngu Í, chủ nhà xuất bản Sáng Tạo là Doãn Quốc Sỹ nhân trận lụt lớn ở ngoài Trung, cho biết: “Độc giả của tôi ba phần tư là ở miền Trung. Lụt này rồi ảnh hưởng nhiều đến công cuộc xuất bản sách, trong đó có Sáng Tạo chúng tôi.” Ngu Í nói: “Anh Võ Phiến cũng vừa nói với tôi: để đến Tết xem tình hình sinh hoạt miền Trung ra sao anh mới có thể quyết định được sự sống còn nhà Thời Mới của anh.” 8
Tôi không còn được những con số chính xác về tình hình tiêu thụ sách trong nước, chỉ biết rằng miền Trung có vai trò rất quan trọng. Thường thường số sách phát hành tại Sài Gòn là một nửa tổng số; trong số còn lại, sách gửi đi Đà Nẵng nhiều hơn cả, rồi đến Huế. Sách bán ở Sài Gòn là gồm cả sách bán cho các hiệu sách và cho các nhà phát hành; những nhà này rồi sẽ phân phối cho các tỉnh trong Nam, trên Cao nguyên, mà cũng lại có một số ra Trung nữa. Bởi vậy tôi không thể biết cuối cùng rồi mỗi địa phương thực sự tiêu thụ bao nhiêu. Một phỏng ước qua loa cho thấy: Sài Gòn lấy một nửa tổng số để bán lẻ và phân phối khắp nơi, vậy riêng số sách bán lẻ tại Sài Gòn chẳng qua chừng trên dưới một phần tư tổng số; và những Cần Thơ, Đà Lạt (có trường đại học khá lâu) cũng chỉ chia với các nơi khác một phần tư tổng số còn lại: quá ít so với Đà Nẵng là nơi chưa có đại học. Một thói quen đọc sách trong trường hợp này quan trọng hơn là trình độ học thức của quần chúng.
Tôi không có ý gì ngờ vực con số Doãn Quốc Sỹ đưa ra, nhất là con số ấy sau này lại được Túy Hồng xác nhận. 9
Viết đến đây tôi nghĩ đến những sự kiện Thanh Nam đã để ý khi mới vào đến Sài Gòn: đến huyền thoại Ngọc Sơn, đến người độc giả bình dân miền Nam. Ngọc Sơn viết truyện đăng trên các nhật báo TIẾNG CHUÔNG, SÀI GÒN MỚI, truyện ăn khách, báo bán chạy quá sức, và Ngọc Sơn (sau đổi ra bút hiệu Phi Long) đòi tăng lương. Các chủ báo (ông Đinh Văn Khai, bà Bút Trà) ban đầu không tin rằng báo chạy là do truyện Ngọc Sơn, không chịu tăng; Ngọc Sơn cúp ngang, bỏ đi, báo suy sụp cấp kỳ. Chủ báo hoảng hốt chạy tìm Ngọc Sơn điều đình. Lúc bấy giờ là 1953, dân Sài Gòn còn tiêu đồng bạc giấy xé đôi và tô phở 79 mới có 3 đồng, thế mà lương của Ngọc Sơn ban đầu 15.000$ một tháng, tăng lên 20.000$ rồi $30.000, rồi $50.000 một tháng! Ngoài ra bà Bút Trà còn phải trả thêm cho Ngọc Sơn 100.000$ một năm để giành độc quyền bút hiệu Phi Long cho SÀI GÒN MỚI.
Ngọc Sơn hay Phi Long là tác giả những truyện BÀN TAY MÁU, RỪNG THẲM BỂ KHƠI, CUNG ĐÀN LỖI NHỊP v.v..., những truyện cho giới bình dân. Thanh Nam nhận xét: “Hiện tượng ‘Ngọc Sơn’ thoạt nghe có vẻ hoang đường, khó tin nhưng sau này khi đã chính thức nhập cuộc sinh hoạt với báo chí miền Nam thì tôi không còn thấy thắc mắc hay ngạc nhiên nữa. Sở dĩ có một vài tác giả ‘ăn khách’ được các chủ báo o bế, chiều chuộng, trả lương cao như vậy là vì thành phần độc giả của các báo hàng ngày cũng như hàng tuần ở Sài Gòn đa số thuộc giới bình dân, lao động, những bà những cô bán hàng ngoài chợ. Khác hẳn ngoài Bắc, giới lao động trong Nam rất chịu mua báo, đọc báo. Ở Hà Nội, người ta không thể nào bắt gặp một anh xích-lô ghếch mũi xe vào một hè đường vắng, dưới bóng cây râm mát nằm khểnh trên nệm, phì phèo điếu thuốc, đọc báo suốt một buổi trưa, từ chối chở khách, cũng như khó tưởng tượng được cái cảnh một bà bán cá trong chợ vừa trả lời giá cả với khách hàng vừa coi tiểu thuyết trong báo.” 10
Sự ngạc nhiên của Thanh Nam từ Bắc vào cũng là sự ngạc nhiên của người miền Trung chúng tôi nữa: ngoài Trung cũng không có hạng bình dân lao động đọc nhật trình. Ngay từ trước khi Thanh Nam vào Sài Gòn dân ngoài Trung chúng tôi thỉnh thoảng đã nghe những bà con đồng hương đi Nam kỳ Lục tỉnh làm ăn về kể chuyện phu xích-lô đọc báo, cùng nhau trầm trồ chuyện lạ... xứ người! Ngẫm lại như thế cũng phải: Nam kỳ là cái nôi của báo chí Việt Nam. Tờ báo xưa nhất ra đời ở đây, phổ biến trước nhất xuống người dân ở đây, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, những người cầm bút viết bằng chữ quốc ngữ viết khỏe nhất đầu tiên là ở nơi này; nếu có ngày nào chuyện đọc báo thành một thói quen phổ biến, chuyện ấy không bắt đầu ở Sài Gòn Lục tỉnh thì bắt đầu ở đâu?
Và sức đọc của giới bình dân Sài Gòn phải chịu là cao: Hồi 1953 những tờ Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới hẳn không bán được ở các tỉnh ngoài Trung, mà ngoài Bắc (như Thanh Nam cho biết) thì người lao động không đọc mấy, thế mà các chủ báo trả cho Ngọc Sơn những món lương tháng thật cao, vậy báo phải tiêu thụ được nhiều lắm, riêng một miền Sài Gòn Lục tỉnh. Chắc chắn sau 1953, mãi suốt thời kỳ 54-75 chiều hướng ấy cũng không thay đổi: dân Nam vẫn còn đọc nhật trình nhiều. 11
Tóm lại, cứ theo nhận xét của một số nhà xuất bản và ký giả thì bấy giờ người độc giả chính yếu của sách biên khảo nghệ thuật sống ở Miền Trung, đặc biệt là ở vùng Quảng Nam, Huế; còn độc giả nhật trình, xem truyện tiêu khiển, thì ở trong Nam, đặc biệt là Sài Gòn.
Nông thôn và thành thị
Thế những độc giả ấy, họ sống trong khung cảnh nào? họ là dân quê ở nông thôn chăng? là dân thành thị chăng?
Về giới bình dân đọc truyện nhật trình, như vừa nói, đa số là thị dân trong Nam. Tuy vậy nông dân khắp nước ở ngoài Trung, ở Cao nguyên không hẳn là không đọc báo. Do hệ thống Thông tin, báo được phổ biến rộng rãi, được đưa sâu vào thôn quê. Thường thường tại các quận lỵ đều có phòng đọc báo, tại các ban Thông tin xã có báo gửi về, những báo ấy có thể chia ra luân phiên phân phối đến các thôn. Loại ấn phẩm do Thông tin phổ biến là những thứ báo chí hoặc của chính quyền, hoặc thân chính quyền, hoặc có hiệu năng chống cộng mạnh, hoặc có giá trị, như các báo CÁCH MẠNG QUỐC GIA, TỰ DO, NGÔN LUẬN, các tạp chí SINH LỰC, QUÊ HƯƠNG, BÁCH KHOA, SÁNG DỘI MIỀN NAM..., là những tác phẩm hoặc có nội dung chống cộng, hoặc có giá trị cao, như những cuốn Bí danh (dịch của Lâm Ngữ Đường), Đêm hay ngày (dịch của Arthur Koestler), ĐẤT HỒ của Lưu Kiếm, TRĂM HOA ĐUA NỞ TRÊN ĐẤT BẮC v.v... Sách chỉ được mua một ít với số lượng cũng ít luôn, nên không xuống đến xã, mà chỉ được bày xa nhất là đến phòng Thông tin các quận; tạp chí thường cũng vậy; chỉ có nhật trình được đi xa hơn. Nhưng càng về sau tình hình an ninh càng tồi tệ, cho nên dường như đường xuống nông thôn bị tắc nghẽn. 12
Dù sao, trên thực tế, trước sau cũng chỉ có một số nhật báo mang tin tức thời sự đi vào thôn quê, còn sách văn nghệ thì không hay vượt quá giới hạn các tỉnh lỵ. Người độc giả chính yếu của văn học nghệ thuật Miền Nam trong thời kỳ 1954-75 là người dân thành phố, bất kỳ là thành phố Trung phần, hay Nam phần.
Tại sao có sự rút lui của nông dân ra ngoài sinh hoạt văn nghệ? Ông Phạm Văn Sĩ nói về giai đoạn 1954-59 ở Miền Nam: “Để gìn giữ tinh thần yêu nước, lối sống lành mạnh, đồng bào tìm đọc những truyện dân gian cũ như PHẠM CÔNG CÚC HOA, DƯƠNG NGỌC, TRẦN MINH KHỐ CHUỐI...” 13 Chữ “đồng bào” đây chắc chắn là chỉ về dân quê, thành phần xưa nay vẫn gắn bó với kho văn học dân gian, văn học truyền khẩu, với các truyện thơ v.v..., bởi tôi không nhận thấy có nam nữ sinh viên các đô thị tìm đọc TRẦN MINH KHỐ CHUỐI “để gìn giữ tinh thần yêu nước”. Vậy có sự tẩy chay của nông dân tại Miền Nam đối với văn nghệ sau 54?
E không có đâu. Không phải trong mọi sự mọi việc xảy ra đều có một ý nghĩa chính trị. Nông dân và thị dân dần dần xa nhau, họ có những thói quen những sở thích khác nhau: sở thích văn chương cũng như sở thích ăn uống, ăn mặc v.v... Nông dân khoái thuốc lá, rượu đế, họ không nhậu la-de, không hút thuốc thơm, không nhai bò khô, không ghiền cà-phê, không xài khăn mùi-xoa v.v..., cũng như họ đọc PHẠM CÔNG CÚC HOA trong khi giới trẻ Sài Gòn đọc truyện Nhã Ca, Chu Tử, Duyên Anh, đọc thơ HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM. Họ khác nhau vậy thôi, không hẳn vì bên nào “gìn giữ tinh thần yêu nước” trong khi bên kia thiếu gìn giữ.
Ở thôn quê người nông dân không đọc truyện Chu Tử, nhưng con cái của họ qua khỏi bậc tiểu học, lên tỉnh học trung học, đi Sài Gòn, Cần Thơ, Huế v.v... học đại học thì lại đọc Chu Tử, Nguyễn Mạnh Côn và không còn nhớ tới TRẦN MINH KHỐ CHUỐI nữa đâu. Đồng bào ở nông thôn yêu nước, còn những tử đệ ưu tú của họ lại hết yêu nước rồi chăng? Lẽ nào?
Tôi nghĩ nông dân bị trụt lại với nền văn học thời trước là vì sau này các hoạt động văn học nghệ thuật đã dồn về đô thị cả khiến nông thôn bị bỏ rơi, bị xa lìa.
NGÀY XƯA, THỜI TRẦN MINH KHỐ CHUỐI, thời PHẠM CÔNG CÚC HOA, nho sĩ sống ngay tại thôn quê, lẫn lộn với nông dân. Nguyễn Du, con quan quận công, dòng dõi trâm anh thế phiệt đời đời khanh tướng, ông Nguyễn Du vang danh văn hay chữ tốt từ thuở thiếu thời ấy, đêm đêm cũng đi hát với trai làng, cũng mê những cô lái ở bến đò làng, những cô gái phường vải phường nón, tranh giành nhau với những chàng nông phu chăn bò, cắt cỏ, và bị họ hạ sát ván như đã than vãn trong bài ‘Sinh tế Trường Lưu nhị nữ’. Những nho sĩ lỗi lạc mà lận đận, những vị khoa bảng không thích bon chen, những vị đại thần chán công danh xin về quê trí sĩ, mở trường dạy học, vừa nghỉ ngơi vừa truyền đạo thánh hiền: đó là tiểu học mà cũng là đại học. Đám anh tài trẻ tuổi được đào tạo ở những trường ấy gặp khoa thi có kẻ đậu thi hương, người đậu thi hội, rồi lại có kẻ dự đình thí luôn. Họ đi thẳng từ làng mạc đồng ruộng đến chốn triều đình. Nông thôn là chỗ họ sinh sống, trưởng thành, học hành, vui chơi, tình tự, là nơi họ ngâm vịnh, sáng tác, đọc sách, xem thơ v.v... Những câu ca dao gọi là của bình dân có sự góp phần của nho sĩ; những bài thơ câu đối của nho sĩ được truyền ngay xuống dân gian, có ngay sự bình phẩm của đám bình dân v.v... Những câu thơ Hồ Xuân Hương, PHẠM CÔNG CÚC HOA, LỤC VÂN TIÊN... thành hình trong khung cảnh như thế. Dù có ý định gìn giữ lòng yêu nước dù không, bà con nông dân sống xung quanh Hồ nữ sĩ cũng cứ truyền nhau những câu như “Cá giếc le te lách giữa dòng”, “Hòn đá xanh rì lún phún rêu” v.v... để cười rúc rích chơi. Sau này Tú Kếu chẳng hạn cũng có những câu đáo để, giá nông dân nghe được chắc họ cũng vui lòng góp một tiếng cười mà không sợ sút giảm lòng yêu nước, chỉ tiếc Tú Kếu ở xa quá, quá tầm với của nông dân, trong một khung cảnh cơ hồ không có đường giao tiếp với nông dân. Thôi thì nông dân đành tiếp tục đọc TRẦN MINH KHỐ CHUỐI vậy, mặc cho đám thị dân múa men thế nào tùy ý. Họ đâu cố tình tẩy chay? Văn học cộng sản, “văn học giải phóng” thì không thế. Trong xã hội của họ không có sự phân hóa thành thị - thôn quê. Cán bộ của họ ¾ cán bộ chính trị cũng như văn nghệ ¾ phân tán lẫn lộn vào nông dân. Và nhất là ở Miền Nam trong thời kỳ 54-75, chỗ hoạt động ẩn náu của họ chính là thôn quê và rừng núi. Cho nên, dân quê rất có thể vừa đọc TRẦN MINH KHỐ CHUỐI vừa nghe mấy câu vè câu ca dao chống ngụy mà một cán bộ mới giả vờ bắt được trong quần chúng, hay vừa nghe Phạm Công Cúc Hoa vừa nghe truyện anh hùng Nguyễn Văn Bé mà cán bộ cố thổi vào tai.
Người văn nghệ sĩ, giới sinh viên, giới trí thức Miền Nam quốc gia sống dồn cả ở thành thị, sinh hoạt văn nghệ của Miền Nam diễn ra ở thành thị, văn nghệ phẩm không được phổ biến đến nông thôn: đó là một lẽ khiến không có độc giả nông dân trong thời kỳ 54-75. Lẽ khác nữa là trong cái hoàn cảnh của xã hội Miền Nam bấy giờ người nông dân có vai trò nhỏ bé, họ không được quan tâm đến, hình ảnh của họ mờ nhạt hẳn trong văn nghệ phẩm: không thấy có mình trong ấy, tự nhiên họ không thiết tha đến nền văn nghệ này.
Bảo rằng nông dân không được quan tâm, e dễ gây thắc mắc. Ai không quan tâm? Chính quyền ư? Thì chính quyền vẫn có bộ Xây dựng Nông thôn, vẫn có chính sách cải cách điền địa, chương trình Người Cày Có Ruộng, vẫn ra sức lập ấp chiến lược, lập khu trù mật v.v... Văn nghệ ư? Thì văn nghệ vẫn có truyện HƯƠNG RỪNG CÀ MAU, VỢ THẦY HƯƠNG, CHÚ TƯ CẦU...
Vâng, có thế thật. Nông thôn là chiến trường sống mái giữa đôi bên, chính quyền không thể quên nông thôn. Trên chính sách thì thế, nhưng trên chính trường không mấy khi thấy vấn đề nông dân hay nông thôn gây ra xáo động nào. Cái làm đảo điên các chính phủ là những vụ xuống đường của dân thành phố, những đêm không ngủ, những vụ tăng giá xăng giá gạo ở đô thị, là những vụ đòi quyền sống diễn ra ở chợ Bến Thành, chợ Tân Định, những vụ ký giả đi ăn mày trên đường Lê Lợi, đường Trần Hưng Đạo v.v... Nông dân không phải họ không có ý kiến, họ không biết biểu tình; thế nhưng bất quá là thỉnh thoảng một nhóm người từ làng kéo về quận biểu tình chống pháo kích bừa bãi: những cuộc biểu tình bị giải tán dễ ợt, không gây nên khó khăn cho một chính quyền nào, dù là chính quyền cấp quận.
Cũng đã lâu không mấy ai trông thấy đại diện của nông dân loáng thoáng trên chính trường. Ngày trước có các ông Hàn nọ, ông Bá kia, ông Nghị viên, ông Cai tổng v.v...; sau này Bá hộ với Cai tổng mất tích hẳn. Đại diện (hay tự xưng là đại diện) cho dân nghèo bây giờ là những ông nghị nhà lá, ông nghị ka-ki, ông nghị còi ô-tô v.v..., tức những nhân vật của đô thị, với các đề tài tranh cử gồm toàn những giá gạo, giá xăng, sửa chữa đường ổ gà, dựng thêm cột điện v.v... mà thôi.
Còn sách còn truyện viết về thôn quê và dân quê trong thời kỳ này của những Sơn Nam, Lê Xuyên, thì như thể kể chuyện lạ... bốn phương, chuyện xưa tích cũ cho bà con thành thị nghe chơi, trầm trồ kinh ngạc chơi. Nghe chơi vì xa vời, vì không mấy quan thiết đến mình. Những nam nữ thanh niên trong tiểu thuyết Nhất Linh, Khái Hưng v.v..., có những cặp loáng thoáng bên các ngôi chùa ở thôn quê, quang gánh bán buôn kiếm sống ở những gian lều chợ nơi làng quê v.v..., họ yêu nhau thơ mộng, họ làm thổn thức lòng người độc giả thành thị. Còn lão Chòi Mui của Sơn Nam, chú Tư Cầu, vợ thầy Hương của Lê Xuyên xuất hiện là để kích thích óc tò mò hay kích thích dục tình vậy thôi. Người thành thị sau này không thổn thức mà cũng không buồn cười cợt vì nhân vật thôn quê nữa: trên báo chí không còn hình ảnh Xã Xệ, Lý Toét. Trẻ con thành thị lớp sau này lớn lên không còn biết Xã Xệ, Lý Toét là ai. Người đọc báo chỉ cười giỡn với những cô Ký Điệu, cô Oanh Rinh, anh Tám Xạc-ne, với gia đình Ly Ly, Mai Bê Bi v.v..., toàn thị là dân thành phố.
Người độc giả Miền Nam thời 54-75 chuyển từ quê ra tỉnh không phải vì lý do yêu nước nào cả, chẳng qua là thuận theo chiều hướng thay đổi chung chung xảy ra ở các nước kỹ nghệ thời nay. Ở Âu Mỹ từ lâu thành phố đã là những trung tâm hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa v.v... đã thu hút thanh niên nam nữ như ánh sáng thu hút đám thiêu thân, từ lâu các mối tình trong văn chương đã thôi diễn ra bên những bờ “ao ma” của George Sand mà là trong những nhà máy, phòng giấy, những góc phố, công viên, trong các chúng cư v.v... Ở Miền Nam chiến tranh xua người về đô thị gấp hơn, ngăn trở lối về thôn quê ngặt nghèo hơn, cho nên có lẽ nông dân bị bỏ rơi có phần đột ngột. Nông dân xa rời sinh hoạt văn học nghệ thuật vì thế.
Phái tính
Bây giờ thử tò mò một chút về vấn đề tính phái của người độc giả. Và chúng ta nhận thấy trong vòng hai mươi năm, không cần trải qua một cuộc giải phẫu nào cả, người độc giả Miền Nam lặng lẽ chuyển hóa từ nam ra nữ.
Thật vậy, đầu thời kỳ, những kẻ đọc Nguyễn Mạnh Côn, Võ Phiến..., phải là đàn ông; cuối thời kỳ đám độc giả trung thành của tủ sách “Trăng mười sáu” Nhã Ca, độc giả của Lệ Hằng, của sách dịch Quỳnh Dao... chắc là thuộc phái thứ hai. Dĩ nhiên không phải vào khoảng 1954-60 không có nữ độc giả, sau 1967-68 không còn nam độc giả nữa: làm gì có chuyện tuyệt đối như vậy ở đời! Nhưng rõ ràng là người độc giả tiêu biểu, chủ động, của giai đoạn thứ nhất có nam tính nổi bật, trái với người độc giả chủ động của giai đoạn thứ hai. Thế chủ động mạnh mẽ của họ rốt cuộc đã khuất phục nhiều tác giả: Hồi 1955 Mai Thảo viết ĐÊM GIÃ TỪ HÀ NỘI, chắc chắn không phải là thứ sách dành cho các thiếu nữ; mười lăm năm sau ông viết những HẠNH PHÚC ĐẾN VỀ ĐÊM, MƯỜI ĐÊM NGÀ NGỌC v.v... mà tôi nghĩ rằng các “nàng” chịu hơn. Hồi 1955 Nguyễn Mạnh Côn đưa ra ĐEM TÂM TÌNH VIẾT LỊCH SỬ, đặt một vấn đề chính trị cho đàn ông với nhau, mười lăm năm sau ông viết TÌNH CAO THƯỢNG, hình như cũng trong cái chiều hướng muốn nhích đến gần phái nữ; cũng trong giai đoạn sau này Viên Linh “nghiên cứu” một thứ truyện thích hợp với đàn bà con gái: HẠ ĐỎ CÓ CHÀNG TỚI HỎI, TÌNH GƯƠNG Ý LƯỢC v.v...
Tuổi tác
Trong vòng hai mươi năm người độc giả Miền Nam không phải chỉ lăm le đổi giống, họ còn bị trụt tuổi nữa. Trước, họ đứng tuổi, về sau họ trẻ dần trẻ dần, cuối cùng họ sắp thành trẻ nít.
Thật vậy giai đoạn trước là của những Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến, Vũ Khắc Khoan, Bình Nguyên Lộc, Mặc Đỗ v.v... Không một ai trong số ấy có hạng tri kỷ vị thành niên cả. Không có thiếu niên nào khoái đọc THẦN THÁP RÙA, MƯA ĐÊM CUỐI NĂM, BỐN MƯƠI... Sau đó là giai đoạn của Nhã Ca BÓNG TỐI THỜI CON GÁI, của Nguyễn Thị Hoàng, của Hoàng Ngọc Tuấn HÌNH NHƯ LÀ TÌNH YÊU v.v..., tức của nam nữ thanh niên thuộc tuổi đôi mươi. Sau nữa, đến giai đoạn của Duyên Anh, Từ Kế Tường, Đinh Tiến Luyện, của Nhã Ca “Trăng mười sáu”, của Hoàng Ngọc Tuấn THƯ VỀ ĐƯỜNG SƠN CÚC..., là giai đoạn của tuổi sợ ma, tuổi biết buồn, tuổi thích ô mai, của “tuổi ngọc”, tuổi ngu-ngơ v.v... Gớm, mới hồi nào người lớn làm văn chương để thưởng thức với nhau nói toàn chuyện cao xa, chẳng thèm biết đến các oắt-tì kia muốn gì; bây giờ bao nhiêu danh sĩ xúm ùa nhau tán tụng o bế các cô các cậu kỹ quá. Cả văn cả nhạc cùng nhau gây thành một cao trào thiếu nhi: lão nhạc sĩ Phạm Duy độ ấy cũng xoắn xuýt hơi nhiều xung quanh “tuổi mười ba tuổi mười bốn”, không sao?
Kể ra đổi giống và trụt tuổi là chuyện xảy ra ở khắp nơi, là chuyện thường tình, thuận lẽ. Văn chương nghệ thuật ban đầu là thứ xa xí dành cho hàng ưu tú ở tầng lớp cao trong xã hội, về sau theo đà văn minh nó mới được phổ biến rộng rãi dần dần xuống các thành phần vốn chịu thiệt thòi: quan đọc sách trước dân đọc sau, đàn ông đọc sách trước đàn bà đọc sách sau, người lớn đọc trước con nít đọc sau, thế là phải cách, hợp lý. Ở Pháp, trong một cuốn nhận định về văn học hiện đại của nước ông vào thập niên 1960, khi đề cập đến người độc giả đương thời, François Nourricier nêu lên câu hỏi:“Qu'est ce qu'un lecteur?”, và ông đáp: “C'est une lectrice.” Cũng độ ấy các cô cậu teen-ager đang tung hoành, làm ồn lên khắp Âu Mỹ, ban hát The Beattles hốt bạc vô số kể.
Ở ta vào thời các ông Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh ra tay làm báo viết sách, Tản Đà viết truyện làm thơ:
“Đời đáng chán hay không đáng chán
Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm”
chúng ta nghĩ trong đám bạn độc giả “tri âm” của họ bấy giờ không thể có cô nào ở tuổi sợ ma: toàn thị là những khách nam nhi ưu thời mẫn thế, tuổi tâm tình (không phải tuổi đời) hẳn không dưới ba mươi.
Kế sau đó, vào thời Nhất Linh, Xuân Diệu, Nguyễn Bính v.v... quần chúng tri âm có lẽ là những thanh niên ở lứa tuổi hai mươi cả nam lẫn nữ. Sau nữa, sau 1954, vì lẽ thời cuộc và chiến tranh có làm cho con người già đi, khắc khổ đi phần nào, cho nên đám bạn tri âm của những Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ v.v... chẳng những không tiếp tục cái chiều hướng xuống tuổi mà lại có vẻ như già dặn hơn lớp trước, lại có nhiều nam tính hơn trước. Thế rồi chừng mười năm sau, như chúng ta vừa thấy, xảy ra một cuộc đổi giống và trụt tuổi ào ào.
Văn hóa càng lan rộng càng thấm xuống thấp càng hay. Về phương diện xã hội người ta phải mừng cho những tiến bộ đạt được trong thời kỳ này, người ta phải hãnh diện về vai trò của đàn bà và trẻ em trong sinh hoạt văn nghệ nước nhà. Tuy nhiên, về mặt nghệ thuật, chuyện không hẳn luôn luôn đáng mừng. Tôi nghĩ đến trường hợp những tác giả bị các độc giả “thân ái” của mình nắm tay lôi tụt theo, lôi từ tuổi cao xuống tuổi thấp, từ một tuổi trung niên đầy ưu tư xuống một lứa tuổi ô mai nũng nịu hay toe toét chẳng hạn. Tôi nghĩ đến trường hợp rủi ro của những Sartre, Malraux... vào thập niên 60 ở Pháp bỗng thấy mình lẻ loi và đột nhiên xoay ra viết truyện kiểu Yêu, kiểu Vòng tay học trò v.v... cho hợp nhu cầu thị trường.
Nhất Linh có lần nói đến vai trò của người đọc trong sự phát triển văn hóa; và vai trò ấy ông coi nặng, nặng lắm, nặng hơn vai trò của... người viết: “Nền văn hóa của một nước cao hay thấp không phải ở chính các nhà văn mà chính là ở độc giả.” 14 Tại sao vậy? Ông cắt nghĩa: “Không phải ở các nhà văn mà chính là ở sự đòi hỏi của đa số dân chúng nên ở các nước Âu Mỹ và Nhật Bản mới có một lâu đài đồ sộ về văn hóa vượt xa nước mình một bực.
Kể riêng về mặt văn hóa, nước mình có một số nhà văn có thể sánh ngang với các nhà văn nước khác, nhưng trình độ độc giả lại thấp kém; các nhà văn Việt Nam không thể sống nổi được nếu cứ cố viết có nghệ thuật cao. Vì sinh kế họ sẽ phải viết theo thị hiếu của độc giả mới có người coi và sách mới bán được.” 15
Một lần nữa, tôi lại trở về với cái “tội” lớn của độc giả đối với văn chương, lần này dựa lưng cẩn thận vào một uy tín! Tôi quá quắt vậy sao? Thực ra, chủ ý không phải thế. Viết theo thị hiếu là do văn sĩ mềm lòng, đừng trách độc giả nặng quá. Dân ta từ trước vốn ít đọc, gần đây khối quần chúng độc giả được mở rộng thêm, thế đã là một điều quí hóa rồi. Cái đám quần chúng độc giả mới gia nhập ấy thoạt đầu trình độ thấp, rồi dần dần sẽ cao, cao như ở Âu Mỹ, ở Nhật Bản. Trước mở rộng phạm vi, sau nâng cao trình độ: cứ tuần tự tiến dần. Trong khi chờ đợi, nếu có những nhà văn nóng lòng xuống đường thì xin cứ tự tiện, lẽ nào vừa vội vàng hốt bạc vừa nghiêm khắc mắng mỏ độc giả.
Còn Nhất Linh, ông nhấn mạnh vào trách nhiệm của độc giả là vì ông đang chỉ dạy về cách đọc sách, ông đang làm công việc nâng cao trình độ quần chúng. Có lẽ chỉ vì vậy thôi.
Chú thích
1 Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1970, trang 508.
2 Theo Phan Cự Đệ trong Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tập I, cuốn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách “lần in thứ nhất 3.000 cuốn, chỉ trong nửa tháng là bán hết, lần thứ hai in 2.000 cuốn, cũng hết ngay.” (trang 21), và “từ 1933 đến 1936, nhà xuất bản Đời Nay đã bán được 58.000 cuốn tiểu thuyết và thơ.” (trang 51, 52); cuốn Bước đường cùng in khoảng năm nghìn, còn những cuốn tiểu thuyết chạy nhất của Tự Lực văn đoàn như Nửa chừng xuân thì bốn năm in được 14 nghìn (trang 262). Như vậy nếu mỗi năm in lại một lần thì mỗi lần Nửa chừng xuân in ra ba nghìn rưởi bản.
3 Vương Hồng Sển, Thú chơi sách, Tự Do xuất bản, Sài Gòn, 1961, các trang 53, 54, 92 và 112.
4 Như trên.
5 Như trên.
6 Năm 1972 trên toàn cõi Miền Nam mỗi ngày phát hành độ nửa triệu tờ nhật báo và bán được 300 nghìn tờ. (Nguyễn Huỳnh Mai, Để tiến tới việc thành lập một nhật báo địa phương, viện đại học Vạn Hạnh xuất bản, tháng 6-1972).
7 Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến, Khai Trí xuất bản, Sài Gòn 1970, trang 508, 509.
8 Nguyễn Ngu Í, Sống và viết với..., Ngèi Xanh xuất bản, Sài Gòn 1966, trang 144.
9 “Thời gian trước 1975 ở Việt Nam, sách báo xuất bản tại Sài Gòn như báo Văn, báo Bách Khoa, sách khảo cứu, tiểu thuyết v.v... miền Trung đã tiêu thụ hết ba phần tư số lượng xuất bản.” (Túy Hồng, ‘Đất mới, đời mới, lòng vẫn cũ’, đăng trên báo Đất Mới, Seattle, Washington, số tân niên Giáp Tý 1984, trang 14.)
10 Thanh Nam, ‘Hai mươi năm viết văn làm báo ở Sài Gòn’, đăng trên Văn, Hoa Kỳ, số 2, tháng 8-1982, trang 69.
11 Theo tài liệu của Nguyễn Huỳnh Mai trong tập khảo luận Để tiến tới việc thành lập một nhật báo địa phương thì mỗi ngày trên toàn Miền Nam bán được độ 300.000 tờ nhật báo, phân phối như sau: 50% tại thủ đô Sài Gòn, 30% bán tại miền Tây, còn lại 20% cho các vùng khác. Như vậy riêng Sài Gòn với miền Tây đã mua 80%, rồi các tỉnh khác của Nam phần lại còn chia bớt cái 20% còn lại nữa chứ. Đồng bào trong Nam gần như mua tất cả nhật trình trong nước!
12 Theo tài liệu đã dẫn của Nguyễn Huỳnh Mai thì tại miền Tây số độc giả nhật báo ở đô thị là 26% so với ở nông thôn là 10%.
13 Phạm Văn Sĩ, Văn học giải phóng Miền Nam, nhà xuất bản Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1975, trang 22.
14 Nhất Linh, Viết và đọc tiểu thuyết, nhà xuất bản Đời Nay, Sài Gòn, 1969, trang 101.
15 Như trên.
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan Văn Học Miền Nam: Tổng Quan - Võ Phiến Văn Học Miền Nam: Tổng Quan