My test of a good novel is dreading to begin the last chapter.

Thomas Helm

 
 
 
 
 
Tác giả: Khaled Hosseini
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 117
Cập nhật: 2021-02-23 22:41:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ốn
Nhân danh Allah, Đấng Rất Mực Độ Lượng, Đấng Rất Mực Khoan Dung, tôi biết khi anh đọc lá thư này, anh Markos, thì tôi đã không còn trên cõi trần nữa, vì lúc trao thư cho anh tôi đã yêu cầu anh sau khi tôi qua đời hẵng mở nó ra. Tôi xin bày tỏ niềm vinh hạnh to lớn khi được quen biết anh bảy năm qua, anh Markos. Khi viết những dòng này, tôi vui vẻ nghĩ về nghi thức trồng cà chua trong vườn vẫn diễn ra hằng năm của chúng ta, những sáng anh đến chỗ tôi dùng trà và chuyện gẫu, những buổi trao đổi các bài học tiếng Farsi và tiếng Anh đầy ngẫu hứng. Tôi xin cảm ơn anh vì tình bạn, sự chu đáo, và vì công việc anh đảm nhiệm ở đất nước này, và tôi nhờ anh gửi lời biết ơn tới cả những đồng nghiệp tử tế của anh, đặc biệt là bạn tôi, cô Amra Ademovic, một con người giàu lòng trắc ẩn, và con gái dũng cảm đáng yêu của cô, cháu Roshi.
Tôi xin mạn phép nói rằng lá thư này không chỉ dành cho anh, anh Markos, mà còn cho một người khác nữa, người mà tôi hy vọng anh sẽ chuyển thư đến giùm tôi, như tôi sắp giải thích đây. Thứ lỗi cho tôi, nếu tôi có lặp lại vài điều mà anh đã biết. Tôi nói cả những điều ấy vì cần thiết, vì lợi ích của con bé. Như anh sẽ thấy, lá thư này không chỉ là một lời thú tội, anh Markos, mà còn có những vấn đề thực tế đưa đẩy tôi cầm bút viết. Với những vấn đề đó, tôi e rằng sẽ phải cậy nhờ anh giúp đỡ, bạn của tôi.
Tôi đã nghĩ rất lâu không biết phải bắt đầu câu chuyện này từ đâu. Chẳng phải một nhiệm vụ dễ dàng, việc mà tôi sắp làm đây, đối với một người giữa độ bát tuần như tôi. Tôi không biết chính xác mình bao nhiêu tuổi, giống như nhiều người Afghanistan cùng thế hệ, nhưng tôi có thể tự tin ước chừng vì tôi nhớ khá rõ trận đánh nhau với bạn tôi, sau này là em rể tôi, Saboor, vào cái ngày chúng tôi nghe tin Nāder Shah bị bắn và giết chết, và rằng con trai của Nāder Shah, Zahir trẻ tuổi, lên ngôi. Đó là năm 1933. Tôi nghĩ mình có thể bắt đầu từ đây. Hoặc một lúc nào đó khác. Một câu chuyện như một đoàn tàu đang chuyển động: cho dù ta nhảy lên tàu từ đâu, thì sớm hay muộn cũng phải đến đích. Nhưng tôi cho rằng tôi phải mở đầu và kết thúc câu chuyện này với một điểm chung. Phải, tôi nghĩ có lẽ cũng hợp lý khi tôi chốt hai đầu câu chuyện với Nila Wahdati.
Tôi gặp bà ấy năm 1949, năm bà kết hôn với ông Wahdati. Vào thời gian đó, tôi đã làm việc cho ông Suleiman Wahdati được hai năm, sau khi từ Shadbagh, ngôi làng nơi tôi sinh ra, lên Kabul năm 1946 - tôi đã làm cho một gia đình khác ở cùng khu phố trong một năm. Hoàn cảnh khiến tôi rời Shadbagh chẳng phải điều khiến tôi tự hào gì, anh Markos ạ. Hãy xem đó là lời thú tội đầu tiên của tôi, khi tôi nói rằng tôi cảm thấy ngột ngạt với cuộc sống ở làng cùng các em gái, trong đó một đứa bị tật nguyền. Hoàn cảnh không bào chữa được cho tôi, nhưng hồi đó tôi còn trẻ, anh Markos à, hăm hở đương đầu với đời, ngập tràn ước mơ, dù những ước mơ ấy có tầm thường và mơ hồ đến mức nào, và tôi đã hình dung tuổi trẻ của mình tàn dần, tiền đồ ngày càng thu hẹp. Vậy nên tôi đi. Để đỡ đần các em, phải, đúng vậy. Nhưng cũng để trốn tránh nữa.
Vì làm việc toàn thời gian cho ông Wahdati nên tôi cũng sống tại nhà ông toàn thời gian luôn. Hồi đó, ngôi nhà chẳng có mấy nét giống với tình trạng tiêu điều như anh thấy khi đến Kabul năm 2002 đâu, anh Markos ạ. Nó đẹp và huy hoàng lắm. Ngôi nhà ánh lên sắc trắng lấp lánh trong những năm xưa ấy, như thể được dát kim cương vậy. Cánh cổng trước mở ra lối vào rải nhựa rộng rãi. Ta bước vào một tiền sảnh trần cao được trang trí với những chiếc bình gốm thon dài và một tấm gương tròn được đóng khung bằng gỗ óc chó chạm khắc, chính là chỗ mà một thời gian anh từng treo bức ảnh cũ chụp người bạn thuở ấu thơ trên bãi biển bằng máy ảnh tự chế. Sàn phòng khách lát đá cẩm thạch sáng lấp lánh và được che phủ một phần với tấm thảm Turkmen đỏ. Giờ tấm thảm không còn nữa, cả những chiếc sofa da, bàn cà phê thủ công, bộ cờ vua bằng đá, tủ cao bằng gỗ gụ. Những món nội thất sang trọng ấy chẳng mấy thứ còn tồn tại, và tôi e rằng khung cảnh nơi đây chẳng còn được như xưa.
Lần đầu tiên tôi bước vào căn bếp lát đá, miệng tôi há hốc. Tôi nghĩ nó được xây đủ lớn để nuôi cả làng Shadbagh quê tôi. Tôi có cái bếp sáu lò, một tủ lạnh, một máy nướng bánh mì, vô thiên lủng xoong, nồi, dao, và các món đồ bếp tùy nghi sử dụng. Phòng tắm, cả bốn căn, được lát cẩm thạch chạm khắc tinh xảo và có bồn rửa tay bằng sứ. Còn những cái lỗ vuông trên kệ phòng tắm lầu trên của anh hiện nay ư, anh Markos? Một thời chúng được nạm đá thiên thanh đấy.
Rồi đến sân sau. Hôm nào anh phải ngồi trong phòng làm việc trên lầu, anh Markos ạ, nhìn xuống khu vườn, và cố hình dung thuở xưa của nó. Ta bước vào qua một sân hiên bán nguyệt được bao quanh bởi hàng rào phủ dây leo xanh rì. Bãi cỏ ngày ấy tươi xanh mơn mởn, điểm những khóm hoa - nhài, tầm xuân, mỏ hạc, tulip - và được rào quanh bởi hai hàng cây ăn quả. Ta có thể nằm dưới một cây anh đào, anh Markos ạ, nhắm mắt lại mà lắng nghe tiếng gió rì rào qua những tán lá và nhủ rằng trên đời này chẳng có chốn ở nào đẹp hơn thế.
Không gian sống của riêng tôi là một căn nhà nhỏ ở cuối sân. Nó có một ô cửa sổ, những bức tường sạch sẽ quét vôi trắng, và đủ rộng để đáp ứng các nhu cầu sơ sài của một thanh niên chưa vợ. Tôi có một giường, một bàn, một ghế và đủ chỗ để trải thảm cầu nguyện năm lần một ngày. Ngày đó tôi thấy ổn và đến giờ vẫn vậy.
Tôi nấu ăn cho ông Wahdati, kỹ năng mà ban đầu tôi học được từ việc quan sát người mẹ đã khuất của tôi và sau này là từ người đầu bếp già người Uzbekistan làm việc cho một gia đình ở Kabul nơi tôi đã làm phụ bếp cho ông ấy một năm. Tôi, thật mừng, còn là tài xế của ông Wahdati. Ông ấy sở hữu một chiếc Chevrolet đời giữa thập niên bốn mươi, màu xanh dương với mui màu vàng cát, hài hòa với ghế vinyl cũng màu xanh dương, và bánh xe mạ crôm, một chiếc xe đẹp mã khiến chúng tôi đi đâu cũng thu hút những ánh nhìn vương vấn. Ông ấy cho phép tôi cầm lái vì tôi đã chứng tỏ mình là một tài xế thận trọng và lành nghề, và ngoài ra, ông ấy thuộc giống người hiếm hoi không thích lái xe.
Xin đừng nghĩ là tôi khoe khoang, anh Markos à, khi tôi nói mình là một gia nhân tốt. Nhờ quan sát cẩn thận, tôi đã quen với những điều ưa, ghét, thói tật của ông Wahdati. Tôi cũng nắm rõ các sở thích và thói quen của ông ấy. Chẳng hạn như, ông ấy thích tản bộ mỗi ngày sau bữa sáng. Tuy nhiên ông lại không thích đi một mình, thành thử tôi phải đi cùng. Tôi tuân theo ý ông, tất nhiên, dù tôi thấy sự hiện diện của mình chẳng có ý nghĩa gì. Ông hầu như không nói một lời với tôi suốt quãng đường và tựa hồ đắm chìm mãi mãi trong những suy nghĩ của riêng mình. Ông bước nhanh, hai tay chắp sau lưng, gật đầu với người qua đường, gót đôi giày da bóng loáng gõ lộp cộp trên vỉa hè. Và bởi đôi chân dài của ông sải những bước mà tôi không bắt kịp nên lúc nào tôi cũng tuột lại đằng sau và buộc phải đuổi theo. Thời gian còn lại trong ngày, ông chủ yếu lui về thư phòng trên lầu, đọc sách hoặc đấu cờ một mình. Ông thích vẽ - dù tôi không thể chứng thực tài hoa của ông, ít nhất hồi đó cũng không, vì ông chẳng bao giờ chia sẻ những tác phẩm nghệ thuật với tôi - và tôi thường bắt gặp ông trong thư phòng, bên cửa sổ, hoặc trên sân hiên, lông mày nhíu lại tập trung, chiếc bút chì than đảo quanh cuốn sổ.
Cứ vài ngày một lần tôi lại chở ông vòng quanh thành phố. Ông đi thăm mẹ một tuần một lần. Có cả những cuộc họp mặt gia đình nữa. Và dù tránh mặt phần lớn bọn họ, ông Wahdati thi thoảng cũng có tham dự, thế là tôi chở ông đến đó, những đám tang, tiệc sinh nhật, lễ cưới. Hằng tháng tôi lái xe đưa ông đến cửa hàng dụng cụ mỹ thuật để ông bổ sung những chiếc bút chì sáp dầu, chì than, tẩy, gọt bút chì và sổ ký họa. Đôi khi, ông thích ngồi ở ghế sau và chỉ muốn được chở đi dạo. Tôi hỏi, Ta đi đâu đây, thưa Sahib? nhưng ông chỉ nhún vai, tôi bèn đáp, Vâng, thưa Sahib, rồi vào số lên đường. Tôi lái quanh thành phố, hàng giờ liền, không điểm đến hay mục đích, từ khu dân cư này sang khu dân cư khác, dọc theo sông Kabul, lên Bala Hissar, khi thì tới tận cung điện Darulaman. Có những ngày, tôi lái khỏi Kabul đến hồ Ghargha, tới đó tôi đỗ gần bờ nước. Tôi tắt máy, còn ông Wahdati vẫn ngồi im như tượng nơi ghế sau, không nói một lời với tôi, chừng như đủ hài lòng để hạ cửa kính xuống ngắm lũ chim vút từ cây này sang cây kia, và những tia nắng chiếu xuống hồ, rắc hàng ngàn đốm lấp lánh nhỏ xíu lên mặt nước. Tôi nhìn ông qua gương chiếu hậu và thấy ông như người cô đơn nhất trên đời.
Mỗi tháng một lần, ông Wahdati, thật hào phóng, cho tôi mượn xe, thế là tôi lái về Shadbagh, ngôi làng chôn rau cắt rốn của tôi, thăm em gái tôi, Parwana, và chồng nó, Saboor. Lần nào về làng, tôi cũng được đám trẻ hò la chào đón, chúng chạy dọc theo xe, đập lên thanh chắn bùn, gõ kính cửa sổ. Mấy đứa còi còi còn cố trèo lên nóc xe, khiến tôi phải xùy chúng đi vì sợ chúng cào xước sơn hay làm lõm thanh chắn bùn.
Nhìn anh mà xem, Nabi, Saboor nói với tôi. Anh là người nổi tiếng rồi.
Vì các con của chú ấy, Abdullah và Pari, đã mất mẹ đẻ (Parwana là mẹ kế của chúng), nên tôi luôn cố gắng quan tâm đến chúng, nhất là thằng anh, đứa có vẻ thiếu thốn tình thương nhất. Tôi đề nghị chở riêng nó đi chơi, dù lúc nào nó cũng đòi mang em gái theo bằng được, ôm chặt con bé vào lòng, trong khi chúng tôi lượn quanh đường khắp Shadbagh. Tôi để nó bật cần gạt nước, bấm còi. Tôi chỉ cho nó cách chỉnh đèn pha từ sáng mờ sang sáng hết cỡ.
Sau khi mấy trò ồn ào với chiếc xe lắng xuống, tôi ngồi xuống dùng trà với em gái và Saboor, và tôi kể cho họ nghe về cuộc sống của tôi ở Kabul. Tôi cẩn thận không nói nhiều về ông Wahdati. Tôi thực lòng quý mến ông ấy, vì ông ấy đối xử tốt với tôi, nên tôi có cảm giác mình chẳng khác gì kẻ phản bội nếu nói sau lưng ông ấy. Nếu tôi là gã làm thuê vụng giữ mồm giữ miệng hơn thì tôi đã nói rằng với tôi, Suleiman Wahdati là một kẻ bí ẩn, một người có vẻ hài lòng sống nốt phần đời còn lại với khoản thừa kế kếch xù, một người không nghề nghiệp, không có đam mê rõ ràng, và hiển nhiên không có động lực để lại chút dấu ấn nào trên đời. Một cuộc đời sống từ nơi ghế sau, quan sát nó nhạt nhòa trôi qua. Một cuộc đời dửng dưng.
Đó là những gì lẽ ra tôi đã nói, nhưng lại không nói. Và may thay tôi đã không làm thế. Vì tôi đã sai lầm biết mấy.
Một hôm, ông Wahdati vào sân trong bộ com lê kẻ tăm bảnh bao mà tôi chưa từng thấy ông bận bao giờ, bảo tôi chở ông đến một khu dân cư giàu có trong thành phố. Khi chúng tôi tới nơi, ông bảo tôi đỗ vào lề đường bên ngoài một ngôi nhà tường cao đẹp đẽ, và tôi nhìn ông bấm chuông ngoài cổng rồi bước vào khi gia nhân ra mở. Ngôi nhà thật đồ sộ, to hơn nhà ông Wahdati, thậm chí còn đẹp hơn nữa. Những cây bách cao mảnh điểm tô lối vào, cùng với một loạt bụi hoa ken dày mà tôi không nhận ra là hoa gì. Sân sau ít nhất cũng to gấp đôi sân nhà ông Wahdati, còn tường thì đủ cao để nhỡ một người có trèo lên vai một người khác thì cũng khó lòng liếc trộm vào trong. Một mức độ giàu sang tầm cỡ khác, tôi nhận ra.
Đó là một ngày đầu hè rạng rỡ, bầu trời rực nắng. Không khí ấm áp mơn man qua ô cửa kính mà tôi vừa hạ xuống. Dù công việc của tài xế là lái xe, thực ra anh ta mất phần lớn thời gian để chờ đợi. Đợi bên ngoài cửa hàng, động cơ chạy không; đợi bên ngoài sảnh cưới, nghe tiếng nhạc nghèn nghẹt. Hôm đó để giết thời gian, tôi chơi vài ván bài. Chơi chán, tôi ra khỏi xe đi vài bước về một hướng, rồi đến hướng kia. Rồi tôi lại vào xe ngồi, tính lén chợp mắt một lát trước khi ông Wahdati quay lại.
Đúng lúc đó cổng trước mở ra và một phụ nữ trẻ tóc đen xuất hiện. Bà đeo kính mát và mặc bộ váy ngắn tay màu cam dài trên đầu gối. Chân bà ấy để trần, cả bàn chân cũng thế. Tôi không biết liệu có thấy tôi ngồi trong xe không, mà nếu có thì bà cũng không biểu lộ gì cả. Bà chống một bên gót giày vào bức tường sau lưng và khi làm vậy, viền váy hơi co lên để lộ một phần đùi bên dưới. Tôi cảm thấy hơi nóng râm ran lan từ má đến cổ.
Cho phép tôi đưa ra một lời thú tội nữa, anh Markos à, một lời thú tội mà bản chất có phần xấu xa, dẫn đến hành xử không được thanh nhã lắm. Thời gian đó, hẳn là tôi mới ngót ba mươi, một thanh niên đang độ rạo rực khao khát có phụ nữ bầu bạn. Không giống như đám trai làng tôi cùng lớn lên - những thanh niên chưa bao giờ nhìn thấy đùi trần của một phụ nữ trưởng thành và kết hôn, một phần là để cuối cùng cũng được quyền nhìn thấy cảnh ấy - tôi quả đã có một trải nghiệm đáng nhớ. Tôi đã tìm thấy ở Kabul, và thi thoảng cũng có đến, những nơi vừa kín đáo vừa tiện lợi cho đám đàn ông trẻ tuổi thỏa mãn nhu cầu. Tôi nhắc đến chuyện này cốt để nói rõ rằng không có cô gái làng chơi nào mà tôi từng vui vẻ cùng có thể sánh với người phụ nữ xinh đẹp, duyên dáng vừa bước ra khỏi ngôi nhà lớn kia.
Dựa lưng vào tường, bà châm một điếu thuốc và thư thái hút với vẻ duyên dáng mê hồn, kẹp điếu thuốc giữa ngay hai đầu ngón tay và khum tay trước miệng mỗi lần bà đưa nó lên môi. Tôi mê mải ngắm bà. Cung cách tay bà ấy cong lại nơi cổ tay mảnh mai gợi tôi nhớ đến hình minh họa tôi từng thấy trong một tập thơ bằng giấy bóng về một phụ nữ có hàng mi dài và mái tóc đen bồng bềnh nằm bên tình nhân trong vườn, những ngón tay thanh tú nhợt nhạt đưa cho anh ta chén rượu. Đến một lúc, có gì đó ở hướng đối diện trên phố dường như thu hút sự chú ý của người phụ nữ ấy, và tôi nhân cơ hội ngắn ngủi này bèn nhanh tay vuốt lại mớ tóc đang chớm dính bết vì nóng. Khi bà quay lại, tôi lại đờ người ra. Bà thả thêm vài làn khói, đoạn dụi điếu thuốc vào tường, rồi thong thả vào trong.
Cuối cùng, tôi cũng thở được.
Đêm đó, ông Wahdati gọi tôi vào phòng khách và nói, “Tôi có tin này, Nabi. Tôi sắp kết hôn.”
Rốt cuộc, có vẻ tôi đã đánh giá quá cao lòng yêu thích cuộc sống độc thân của ông ấy.
Tin tức về lễ đính hôn lan ra nhanh chóng. Cả những lời đồn cũng vậy. Tôi nghe được qua những người làm thuê khác tới lui nhà ông Wahdati. Kẻ hay đưa chuyện nhất là Zahid, một thợ làm vườn đến ba ngày một tuần để coi sóc bãi cỏ, cắt tỉa cây to và cây bụi, một gã khó chịu có thói quen ghê tởm là cứ đánh lưỡi sau mỗi câu nói, cái lưỡi mà gã dùng để tung tin đồn cũng tự nhiên như khi quăng những nắm phân bón. Gã cũng thuộc thành phần dân lao động cả đời, những kẻ như tôi, làm đầu bếp, thợ làm vườn, chân sai vặt ở khu dân cư này. Một hoặc hai tối mỗi tuần, sau khi xong việc trong ngày, họ lại chen chúc vào cái ổ của tôi để dùng trà sau bữa tối. Tôi không nhớ cái lệ này bắt đầu từ khi nào, nhưng một khi đã làm rồi, tôi không cách nào dừng nó lại được, sợ rằng sẽ tỏ ra thô lỗ và kém hiếu khách, hoặc tệ hơn, ra vẻ nghĩ rằng bản thân cao quý hơn những người giống như mình.
Một tối trong bữa trà, Zahid kể với những người khác rằng gia đình ông Wahdati không ủng hộ cuộc hôn nhân này vì cô dâu tương lai là người không đoan chính. Gã nói ở Kabul ai cũng biết bà ấy không có nang* và namoos*, không có đức hạnh, và rằng dù mới đôi mươi thôi nhưng bà ấy đã “đi hoang khắp chốn” như cái xe của ông Wahdati rồi. Tệ hơn cả, gã nói, bà không những chẳng thèm cố gắng phủ nhận lời đồn mà còn làm thơ về nó. Gã nói đến đấy liền có tiếng lầm bầm phản đối lan ra căn phòng. Một người bảo rằng nếu ở làng anh ta thì giờ bà đã bị cắt cổ.
Danh dự.
Lòng kiêu hãnh.
Đúng lúc đó tôi đứng lên bảo họ rằng tôi đã nghe đủ rồi. Tôi mắng họ vì đã ngồi lê đôi mách như mấy bà già trong hội khâu vá và nhắc cho họ nhớ nếu không có những người như ông Wahdati thì đám chúng tôi đã phải cuốn gói về làng mà nhặt phân bò. Lòng trung thành của các anh, sự tôn trọng của các anh ở đâu? tôi hỏi vặn.
Một thoáng im lặng trôi qua, trong khoảnh khắc ấy tôi tưởng mình đã khiến đám xuẩn ngốc kia choáng váng, nhưng đáp lại tôi là tiếng cười. Zahid nói tôi là kẻ xu nịnh, và có lẽ bà chủ tương lai của ngôi nhà sẽ viết một bài thơ mang tên “Thơ tặng Nabi, kẻ Xu nịnh Thiên hạ”. Tôi giận dữ giậm chân ra khỏi nhà giữa một tràng cười khùng khục nổ ra om sòm.
Nhưng tôi không đi quá xa. Những chuyện ngồi lê đôi mách của họ, hết khiến tôi ghê tởm lại làm tôi thích thú. Và dẫu có tỏ ra đàng hoàng, vì tôi luôn nói phải cư xử đúng mực và thận trọng, tôi vẫn không để những câu chuyện kia lọt khỏi tai. Tôi không muốn bỏ lỡ một chi tiết gai chướng nào.
Lễ đính hôn kéo dài chỉ vài ngày và đỉnh điểm không phải một buổi đại tiệc với những ca sĩ và vũ công biểu diễn trực tiếp cùng niềm hân hoan khắp chốn mà chỉ là một chuyến viếng thăm chóng vánh của một giáo sĩ, một nhân chứng, và hai chữ ký nguệch ngoạc trên giấy. Và thế là, chưa đầy hai tuần sau khi tôi thấy bà Wahdati lần đầu tiên, bà ấy chuyển đến sống tại nhà này.
Cho tôi ngừng lại một chút, anh Markos à, để nói rằng từ đây tôi sẽ gọi vợ ông Wahdati là Nila. Khỏi cần phải nói, hồi đó tôi không được phép làm vậy, mà dẫu được thì tôi cũng nào dám. Tôi luôn gọi bà là Bibi Sahib, với sự tôn kính nên có. Nhưng vì mục đích của lá thư này, tôi sẽ bỏ qua phép xã giao mà gọi người đó theo cách tôi luôn nghĩ về bà.
Vâng, từ đầu tôi đã biết đây là một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Hiếm khi tôi thấy một ánh mắt dịu dàng được trao gửi giữa hai vợ chồng hay nghe thấy một lời âu yếm được thốt ra. Họ là hai kẻ sống chung dưới một mái nhà mà hai con đường riêng chừng như hiếm khi giao nhau.
Vào buổi sáng, tôi dọn bữa sáng truyền thống cho ông Wahdati - một miếng bánh naan nướng, nửa chén óc chó, trà xanh không đường rắc bạch đậu khấu, và một quả trứng luộc. Ông ấy thích lòng đào tràn ra sóng sánh vừa đúng độ khi chọc vào quả trứng, và những thất bại ban đầu của tôi để đạt đến độ đặc nhất định đó chứng tỏ rằng tôi đã phải lao tâm khổ tứ biết bao nhiêu. Trong khi tôi hộ tống ông Wahdati tản bộ mỗi sáng thì Nila vẫn ngủ nướng, thường là đến trưa hoặc có khi muộn hơn. Đến khi bà dậy thì tôi đã sắp sửa dọn bữa trưa cho ông Wahdati.
Cả sáng khi làm việc nhà, tôi cứ mong ngóng cái khoảnh khắc Nila đẩy cánh cửa lưới dẫn từ phòng khách ra sân hiên. Đầu tôi quanh quẩn trò chơi, đoán xem bà sẽ xuất hiện với vẻ ngoài thế nào trong cái ngày cụ thể ấy. Bà vấn tóc lên, tôi tự hỏi, thắt thành búi sau gáy, hay tôi sẽ thấy mái tóc ấy buông lơi, xõa xuống bờ vai? Bà có đeo kính mát không? Bà có chọn xăng đan không? Bà chọn chiếc áo choàng lụa xanh dương kèm đai lưng hay chiếc đỏ thẫm với cúc áo to tròn?
Cuối cùng khi cũng xuất hiện, tôi sẽ bận rộn ngoài sân, vờ như nắp ca pô cần được lau chùi, hoặc tôi sẽ tìm ra một bụi tầm xuân để tưới nước, nhưng suốt lúc đó tôi cứ ngắm nhìn. Tôi nhìn bà đẩy cặp kính mát lên để dụi mắt, hay khi bà tháo sợi dây thun khỏi tóc và ngửa đầu ra sau để những lọn tóc xoăn đen óng bung tỏa, và tôi nhìn bà ngồi tựa cằm lên đầu gối, đăm đăm nhìn khoảng sân, rít những hơi thuốc trễ nải, hoặc khi bà bắt tréo chân, một chân hất lên xuống, điệu bộ cho thấy vẻ chán nản, bồn chồn hay có lẽ là nét tinh quái hờ hững hầu như không kìm giữ nổi.
Ông Wahdati thi thoảng ở bên bà, nhưng thường thì không. Ông dành phần lớn thời gian như trước kia, đọc sách trong thư phòng trên lầu, phác họa, những việc thường nhật hầu như không vì kết hôn mà thay đổi. Nila thì viết lách hầu hết mọi ngày, hoặc trong phòng khách hoặc trên sân hiên, bút chì trong tay, giấy tràn khỏi lòng, và không lúc nào thiếu thuốc lá. Tối đến thì tôi dọn cơm, và mỗi người họ dùng bữa trong bầu im lặng nhức nhối, cúi mặt xuống đĩa cơm, không khí lặng yên chỉ bị phá vỡ bởi tiếng Cảm ơn lí nhí và tiếng thìa dĩa khua lanh canh vào các món đồ sứ.
Một hoặc hai lần mỗi tuần, tôi phải chở Nila ra phố khi bà cần một bao thuốc hay một lố bút mới, một cuốn sổ mới, đồ trang điểm. Nếu biết trước khi nào phải chở bà đi, tôi đều cẩn thận chải đầu, đánh răng. Tôi rửa mặt, chà một lát chanh vào ngón tay để khử hết mùi hành tây, đập bụi khỏi bộ com lê, đánh bóng giày. Bộ com lê màu ô liu ấy thực ra là của ông Wahdati cho tôi, và tôi hy vọng ông đừng kể cho Nila biết chuyện đó - dù tôi ngờ ông có thể đã kể rồi. Không phải vì ác ý, mà bởi những người ở địa vị ông Wahdati thường không nhận thấy những chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh thế này có thể khiến một gã đàn ông như tôi tủi hổ thế nào đâu. Có lúc tôi còn đội chiếc mũ lông cừu vốn thuộc về người cha quá cố của mình. Tôi đứng trước gương, nghiêng chiếc mũ trên đầu kiểu này kiểu nọ, say sưa chuẩn bị để xuất hiện chỉnh tề trước Nila đến nỗi nếu một con ong bắp cày có đậu lên mũi tôi thì nó cũng phải đốt xong thì kẻ này mới nhận ra sự có mặt của nó.
Khi chúng tôi đã lên đường, tôi tìm những con đường vòng không quá xa điểm đến, nếu có thể, những con đường vòng nhằm kéo dài chuyến đi thêm một phút - hoặc hai, nhưng không hơn để tránh bị nghi ngờ - nhờ thế mà tôi có thêm chút thời gian ở bên bà. Tôi lái xe với hai tay nắm chặt vô lăng, mắt chăm chú nhìn đường. Tôi rèn tính tự chủ vững vàng và không nhìn bà qua gương chiếu hậu, trừ phi bà nói chuyện với tôi. Chỉ cần bà ngồi nơi ghế sau, được hít bao mùi hương của bà - mùi xà phòng đắt tiền, sữa dưỡng da, nước hoa, kẹo cao su, thuốc lá - là tôi mãn nguyện lắm rồi. Hầu hết mọi ngày, thế là đủ để làm tôi vui phơi phới.
Chính trong chiếc xe ấy chúng tôi đã lần đầu nói chuyện với nhau. Cuộc nói chuyện thực sự đầu tiên của chúng tôi, không tính vô số lần bà sai tôi đi lấy cái này hoặc mang vác cái kia. Lúc đó tôi đang đưa bà tới hiệu dược phẩm mua thuốc thì bà lên tiếng, “Nó như thế nào nhỉ, Nabi, làng anh ấy? Anh nhắc lại tên được không?”
“Shadbagh, thưa Bibi Sahib.”
“Shadbagh, phải rồi. Nó như thế nào? Nói tôi nghe đi.”
“Chẳng có gì nhiều mà nói, thưa Bibi Sahib. Nó là một ngôi làng như bao ngôi làng khác thôi ạ.”
“Ồ, chắc chắn phải có điểm khác biệt chứ.”
Bề ngoài tôi vẫn bình tĩnh, nhưng trong lòng thì rối loạn, nôn nóng muốn nhớ ra điều gì đó, một nét khác biệt hay ho khiến bà thấy vui, thấy thú vị. Vô ích. Làm sao một kẻ như tôi, một gã trai làng, một người đàn ông tầm thường với cuộc sống tầm thường, có thể nói điều gì đó thu hút một phụ nữ như bà chứ?
“Nho ở đó ngon tuyệt,” tôi nói, và vừa mới thốt những lời đó ra tôi đã muốn vả vào mặt mình. Nho ư?
“Ra thế,” bà nói thờ ơ.
“Ngọt lắm.”
“À.”
Lòng tôi đang chết cả ngàn lần. Tôi cảm thấy hơi ẩm bắt đầu rịn ra bên dưới cánh tay.
“Có một loại nho đặc biệt,” tôi nói từ cái cổ họng đột nhiên khô khốc. “Người ta nói nó chỉ mọc được ở Shadbagh. Nó rất dễ chết, ừm, rất yếu. Nếu ta cố trồng ở bất cứ nơi nào khác, kể cả ngay làng bên, thì nó cũng úa tàn mà chết. Nó sẽ héo quắt. Nó chết vì buồn, người dân Shadbagh nói thế, nhưng, tất nhiên rồi, đó đâu phải sự thật. Mà là do đất và nước. Nhưng đó là những gì người ta nói, thưa Bibi Sahib. Buồn.”
“Thú vị thật đấy, Nabi à.”
Tôi liều mình liếc bà qua gương chiếu hậu thì thấy bà đang nhìn ra ngoài cửa sổ, nhưng tôi còn thấy, nhẹ nhõm tới vô bờ, khóe miệng bà cong lên trong một nụ cười thấp thoáng. Yên tâm rồi, tôi nghe thấy mình nói, “Tôi xin hầu một câu chuyện nữa được không, thưa Bibi Sahib?”
“Được chứ.” Bật lửa đánh lên, và khói từ ghế sau lãng đãng bay tới chỗ tôi.
“Ừm, ở Shadbagh chúng tôi có một giáo sĩ. Làng nào cũng có giáo sĩ, đương nhiên rồi ạ. Với làng tôi thì là giáo sĩ Shekib, và ông ấy có cả một kho tàng chuyện. Ông ấy biết bao nhiêu câu chuyện nhỉ, tôi không rõ. Nhưng chuyện mà ông ấy hay kể đi kể lại với chúng tôi là chuyện này: nếu ta nhìn vào bất cứ lòng bàn tay nào của một người Hồi giáo, dẫu ở bất cứ đâu trên thế giới, ta sẽ thấy một điều đáng ngỡ ngàng. Tất cả đều có đường chỉ tay giống nhau. Tức là sao? Tức là những đường chỉ tay trên bàn tay trái của một người Hồi giáo tạo thành số tám mốt trong tiếng Ả Rập, còn trên bàn tay phải tạo thành số mười tám. Lấy tám mốt trừ đi mười tám ta được bao nhiêu? Sáu ba. Số tuổi của Đấng Tiên tri* khi Người tạ thế, chúc Người an lành.”
Tức Thánh Muhammad, sứ giả của Allah, người sáng lập đạo Hồi.
Tôi nghe thấy tiếng cười khúc khích khẽ vang lên từ ghế sau.
“Thế rồi, một hôm có một vãng khách ghé qua, và tất nhiên theo phong tục, tối đó ông ấy ngồi dùng bữa với giáo sĩ Shekib. Vãng khách nghe xong câu chuyện bèn ngẫm nghĩ, rồi ông ấy hỏi, ‘Nhưng, thưa giáo sĩ Sahib, với tất cả lòng tôn kính, tôi đã từng gặp một người Do Thái và tôi thề rằng lòng bàn tay ông ấy cũng có đường chỉ tay y hệt như vậy. Ngài giải thích sao đây?’ Và giáo sĩ trả lời, ‘Thế thì người Do Thái ấy trong tâm vốn là người Hồi giáo rồi.’”
Tiếng cười bất chợt của bà ấy làm tôi ngây ngất cả ngày còn lại. Như thể - xin trời cao tha thứ tội báng bổ này - nó từ trên trời rớt xuống đầu tôi, khu vườn chính nghĩa*, như sách nói, nơi những dòng sông chảy êm đềm bên dưới, cây ăn quả và bóng râm trải dài tít tắp.
The Garden of the Righteous among the Nations, thuộc khu tưởng niệm Yad Vashem, Jerusalem, nơi vinh danh những người không thuộc dân tộc Do Thái nhưng đã hy sinh để cứu người Do Thái trong nạn diệt chủng.
Hãy hiểu cho, anh Markos à, rằng không phải chỉ vì vẻ đẹp của bà ấy mà tôi say mê đến vậy, dẫu chỉ thế thôi cũng đã đủ rồi. Đời này tôi chưa từng gặp một người phụ nữ trẻ nào như Nila. Mọi việc bà làm - cách bà nói, cách bà đi, phục sức, mỉm cười - đều mới lạ với tôi. Nila đi ngược lại với mọi quan điểm trước đó của tôi về cách hành xử của phụ nữ, một nét riêng mà tôi biết những người như Zahid - và chắc chắn là cả Saboor nữa, cũng như mọi người đàn ông ở làng tôi, và tất cả phụ nữ - phản đối dữ dội, nhưng với tôi nó chỉ làm tăng thêm sự hấp dẫn và bí ẩn vô cùng của bà.
Và rồi tiếng cười vẫn cứ ngân vang trong tai tôi khi tôi làm việc hôm ấy, và sau đó, khi những người làm khác kéo đến dùng trà, tôi cười tươi và chặn tiếng cười khùng khục của họ bằng tiếng cười lảnh lót ngọt ngào của bà, và tôi tự hào vì biết rằng câu chuyện thú vị của mình đã giúp bà khuây khỏa phần nào khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh. Bà là một phụ nữ đặc biệt, và đêm ấy khi đi ngủ, tôi có cảm giác mình cũng bớt tầm thường hơn. Bà đã tác động đến tôi như vậy đó.
Chẳng bao lâu sau, chúng tôi đã ngày ngày nói chuyện với nhau, thường là vào cuối buổi sáng khi bà nhấm nháp cà phê trên sân hiên. Tôi thong thả lại chỗ bà, vờ làm việc này việc kia, và thế là lúc thì tôi dựa vào chiếc xẻng, lúc lại nhâm nhi chén trà xanh mà nói chuyện với bà. Tôi cảm thấy thật vinh hạnh khi bà chọn tôi. Xét cho cùng, tôi không phải là gia nhân duy nhất; tôi đã nhắc đến con cóc vô sỉ Zahid, và còn có một phụ nữ người Hazara cằm xị tuần đến hai lần để giặt giũ quần áo. Nhưng tôi mới là người bà dựa vào. Tôi là người duy nhất trong số đó, tôi tin thế, bao gồm cả chồng bà, người chỉ làm bà thêm cô đơn. Thường thì bà chủ yếu là người nói, việc này với tôi không vấn đề gì; được làm cái thùng cho bà trút những câu chuyện là tôi đủ hạnh phúc rồi. Chẳng hạn như, bà kể về một chuyến săn tới Jalalabad mà bà từng đi với cha mình và đã bị cơn ác mộng về những con nai chết với cặp mắt đờ đẫn ám ảnh hàng tuần ra sao. Bà kể rằng hồi nhỏ, trước Thế chiến II, bà đã được đi Pháp cùng mẹ. Để đến đó, bà phải đi cả tàu hỏa lẫn tàu thủy. Bà tả cho tôi nghe bà ấy cảm thấy tiếng bánh tàu hỏa xóc nẩy như thể trong xương sườn mình thế nào. Và bà nhớ rõ những tấm rèm rủ xuống từ móc treo và các khoang tàu riêng rẽ, cùng tiếng tu tu xình xịch nhịp nhàng của động cơ hơi nước. Bà kể về sáu tuần ở Ấn Độ cùng cha năm trước, khi đó bà đã bị ốm rất nặng.
Thi thoảng, khi bà quay sang vẩy tàn thuốc vào chiếc đĩa lót, tôi bèn liếc mắt nhìn trộm màu sơn móng chân đỏ, bắp chân cạo nhẵn lấp lánh ánh vàng, hõm sâu của bàn chân, và không lúc nào bỏ qua bầu ngực đầy đặn tuyệt đẹp của bà. Có bao nhiêu gã đàn ông trên đời này, tôi tự hỏi, đã được chạm vào bầu ngực ấy và đặt môi hôn lên đó khi làm tình với bà. Đời còn gì để mong ước một khi ta đã được mãn nguyện như vậy đây? Một gã đàn ông biết hướng tới điều gì một khi đã đứng trên đỉnh cao thế giới? Chỉ có ý chí mạnh mẽ mới khiến tôi đánh mắt về nơi an toàn khi bà quay sang nhìn tôi.
Khi ngày càng thoải mái hơn, bà bèn phàn nàn với tôi, trong những cuộc trò chuyện buổi sáng, về ông Wahdati. Một hôm bà nói rằng bà ấy thấy ông là người lãnh đạm và trịch thượng.
“Ông chủ rất hào phóng với tôi,” tôi nói.
Bà khinh bỉ phẩy tay. “Thôi đi Nabi. Anh không cần phải làm thế.”
Tôi lịch sự nhìn xuống. Những gì bà nói không hoàn toàn sai. Chẳng hạn như, ông Wahdati đúng là có thói quen chỉnh lại cách nói chuyện của tôi với vẻ bề trên có thể xem là, có lẽ không nhầm, trịch thượng. Đôi khi tôi vào phòng, đặt đĩa kẹo xuống trước mặt ông, châm thêm trà, lau vụn bánh khỏi bàn, vậy mà ông chú ý tới tôi không hơn gì một con ruồi bò trên cửa lưới, biến tôi thành hạng tầm thường mà chẳng thèm ngước mắt một cái. Tuy vậy xét cho cùng, đó chỉ là chút bất mãn không đáng kể, vì tôi biết có những người hàng xóm - những người trước kia từng thuê tôi làm - còn dùng roi và thắt lưng đánh gia nhân.
“Ông ấy chẳng có máu hài hước và phiêu lưu gì cả,” bà nói, hờ hững khuấy cà phê. “Suleiman là một ông già ủ ê bị nhốt trong thân thể một người đàn ông trẻ tuổi.”
Tôi thoáng giật mình trước sự thẳng thắn sỗ sàng của bà. “Thực ra thì ông Wahdati đặc biệt thoải mái khi ở một mình,” tôi nói, chọn cách ứng đối thận trọng.
“Có lẽ ông ấy nên sống với mẹ mình. Anh thấy sao, Nabi? Họ hợp nhau lắm đấy, tôi nói anh nghe.”
Mẹ ông Wahdati là một phụ nữ to béo, hơi khoa trương, sống ở một khu khác trong thành phố, với một đội gia nhân túc trực và hai con chó cưng. Lũ chó được bà lão nuông chiều và đối xử không phải như thứ ngang hàng với gia nhân mà như kẻ thượng đẳng hơn vài bậc. Chúng là giống vật nhỏ bé, không lông, gớm guốc, dễ hoảng hốt, nơm nớp lo lắng, và thường sủa những tiếng chói tai ghê người. Tôi khinh ghét chúng, vì tôi vừa bước vào ngôi nhà đó thôi là chúng đã nhảy lên chân tôi và ngu ngốc tìm cách trèo lên.
Tôi thấy rõ là lần nào tôi chở Nila và ông Wahdati tới nhà bà lão, không khí nơi ghế sau cũng trĩu nặng vì căng thẳng, và nhìn nếp nhăn phiền muộn trên đôi mày của Nila là tôi biết họ vừa cãi nhau. Tôi nhớ khi cha mẹ tôi cãi nhau, họ chỉ chịu thôi khi có người thắng rõ ràng. Đó là cách họ chặn đứng sự khó chịu, bịt kín nó lại bằng một phán quyết, ngăn không cho nó rò rỉ vào nhịp sống bình thường của ngày hôm sau. Nhà Wahdati thì không như vậy. Sóng gió giữa họ tạm lắng chứ không tan hẳn, như một giọt mực trong bát nước, với vết loang dư tàn cứ nấn ná đọng lại.
Chẳng cần phải vắt óc suy nghĩ cũng đoán được bà lão ấy không ủng hộ cuộc hôn nhân này và rằng Nila biết điều đó.
Khi chúng tôi tiếp tục trò chuyện, Nila và tôi, một câu hỏi về bà cứ quanh quẩn trong đầu tôi. Tại sao bà lại lấy ông Wahdati? Tôi không dám hỏi. Một cung cách không đúng mực như vậy vốn không phải con người tôi. Tôi chỉ có thể đoán rằng đối với một số người, nhất là phụ nữ, thì hôn nhân - kể cả một cuộc hôn nhân bất hạnh như thế này - là sự thoát ly khỏi nỗi bất hạnh còn lớn hơn.
Một ngày mùa thu năm 1950, Nila gọi tôi đến.
“Tôi muốn anh đưa tôi tới Shadbagh,” bà nói. Bà bảo muốn gặp gia đình tôi, xem quê tôi thế nào. Bà bảo rằng tôi đã dọn bữa cho bà và chở bà đi khắp Kabul một năm rồi thế mà bà hầu như chẳng biết gì về tôi cả. Đề nghị của bà làm tôi bối rối, ấy là còn nói giảm hết mức, vì thật bất thường khi một người ở địa vị bà lại yêu cầu được đưa đến một nơi xa xôi để gặp gia đình của người làm. Tôi vừa khấp khởi vui mừng vì Nila quan tâm đến tôi sâu sắc như vậy, vừa phấp phỏng lo lắng, bởi tôi đã dè trước được sự ngại ngùng của mình - và, phải, cả nỗi tủi hổ - khi cho bà thấy tôi đã sinh ra trong cảnh nghèo khó thế nào.
Chúng tôi khởi hành vào một buổi sáng u ám. Bà đi giày cao gót và mặc chiếc váy không tay màu đào, nhưng tôi thấy mình chẳng có tư cách gì mà khuyên bà đừng làm vậy. Trên đường đi, bà ấy hỏi làng tôi, những người tôi quen biết, em gái tôi và Saboor, về lũ trẻ.
“Cho tôi biết tên chúng đi.”
“Vâng,” tôi đáp, “một đứa là Abdullah, gần chín tuổi. Mẹ nó mất năm ngoái, tức nó là con ghẻ của Parwana. Em gái nó là Pari, sắp lên hai. Mùa đông vừa rồi Parwana sinh được một thằng cu tên là Omar, nhưng nó đã chết lúc hai tuần tuổi.”
“Có chuyện gì vậy?”
“Mùa đông, thưa Bibi Sahib. Năm nào mùa đông về làng cũng cướp đi một hai đứa trẻ bất kỳ. Người ta chỉ có thể hy vọng nhà mình sẽ được bỏ qua.”
“Trời ơi,” bà nói khẽ.
“Tin vui là,” tôi nói, “em gái tôi lại mang thai rồi.”
Về đến làng, chúng tôi được chào đón bởi đám trẻ chân đất quen thuộc đuổi theo xe, dù một khi Nila ngó ra từ ghế sau, chúng im bặt và lùi lại, có lẽ sợ bị mắng. Nhưng Nila tỏ ra hết sức kiên nhẫn và dịu dàng. Bà khom gối mỉm cười, nói chuyện với từng đứa, bắt tay, vuốt bầu má lem nhem, vò mớ tóc dính bết của chúng. Tôi lúng túng khi thấy mọi người túm tụm lại nhìn bà. Có Baitullah, người bạn thuở ấu thơ của tôi, nhìn xuống từ rìa mái nhà, ngồi xổm với mấy ông anh như mấy con quạ đậu thành hàng, cả bọn đều nhai thuốc lá naswar*. Có cha của ông, chính là giáo sĩ Shekib, và ba người đàn ông râu trắng ngồi dưới bóng một bức tường, hờ hững lần tràng hạt, những đôi mắt không tuổi dán vào Nila và cánh tay trần của bà với vẻ khó chịu.
Một loại thuốc gây nghiện làm từ lá thuốc, vôi và tro gỗ.
Tôi giới thiệu Nila với Saboor, rồi chúng tôi đi về phía ngôi nhà nhỏ trát bùn của hai vợ chồng, theo đuôi là cả đám người xem. Đến cửa, Nila khăng khăng cởi giày, dù Saboor bảo là không cần đâu. Khi chúng tôi vào trong, tôi thấy Parwana ngồi lặng im trong góc, co mình lại thành một quả bóng cứng ngắc. Nó chào Nila bằng cái giọng chẳng to hơn tiếng thì thầm là mấy.
Saboor nhướng mày với Abdullah. “Mang trà ra đây, cu.”
“Ôi, thôi thôi,” Nila nói, đoạn ngồi xuống đất cạnh Parwana. “Không cần đâu.” Nhưng Abdullah đã biến vào gian bên mà tôi biết vừa là bếp vừa là chỗ ngủ của nó và Pari. Một tấm mành nhựa hoen ố gắn nơi bậu cửa ngăn với căn buồng mà tất cả chúng tôi đang tụ tập. Tôi ngồi xuống, nghịch nghịch chùm chìa khóa xe, ước gì mình có cơ hội báo trước cho em gái về chuyến thăm, cho nó thời gian dọn dẹp một chút. Những bức vách bùn nứt nẻ lấm muội đen sì, tấm nệm rách Nila đang ngồi phủ đầy bụi, ô cửa sổ duy nhất trong buồng lốm đốm vết phân ruồi.
“Tấm thảm xinh quá,” Nila vui vẻ nói, lướt tay trên tấm thảm. Nó có màu đỏ tươi với họa tiết dấu chân voi. Đó là vật dụng có giá trị duy nhất mà Saboor và Parwana sở hữu - hóa ra cũng bị đem bán mùa đông năm ấy.
“Nó vốn là của cha tôi,” Saboor nói.
“Là thảm Turkmen à?”
“Vâng.”
“Tôi rất thích loại lông cừu mà họ dùng. Tay nghề tinh xảo quá.”
Saboor gật đầu. Chú ấy không nhìn bà lấy một lần kể cả khi nói chuyện với bà.
Tấm mành nhựa lật phật vén ra khi Abdullah quay lại với một khay trà và đặt nó xuống đất trước mặt Nila. Thằng bé rót cho bà một chén rồi ngồi khoanh chân đối diện bà. Nila cố bắt chuyện với nó, hỏi nó vài câu đơn giản, nhưng Abdullah chỉ gật cái đầu cạo trọc lốc, lí nhí lời đáp vỏn vẹn một hai từ, và chằm chằm nhìn bà đầy cảnh giác. Tôi nhắc mình lát nữa phải nói chuyện với thằng bé, nhẹ nhàng mắng nó vì đã cư xử như vậy. Tôi sẽ làm thế với vẻ ân cần vì tôi quý nó, một đứa vốn nghiêm túc và thạo việc.
“Cô được mấy tháng rồi?” Nila hỏi Parwana.
Đầu cúi xuống, em gái tôi đáp đứa trẻ sẽ chào đời vào mùa đông này.
“Cô thật có phúc,” Nila nói. “Khi được chờ đón một đứa con. Và còn có một đứa con chồng bé bỏng ngoan ngoãn dường này nữa.” Bà mỉm cười với Abdullah bấy giờ vẫn giữ nét mặt vô cảm.
Parwana lí nhí câu gì đó nghe như Cảm ơn.
“Tôi nhớ là còn có một đứa bé gái nữa thì phải?” Nila nói. “Pari à?”
“Nó đang ngủ ạ,” Abdullah đáp cụt ngủn.
“Thế à. Bác nghe nói là con bé đáng yêu lắm.”
“Mang em con ra đây,” Saboor nói.
Abdullah chần chừ, hết nhìn cha rồi lại nhìn Nila, rồi đứng lên bế em ra với vẻ miễn cưỡng thấy rõ.
Nếu tôi có bất cứ điều ước nào, kể cả vào giờ khắc muộn màng này, để bằng cách nào đó xá tội cho chính mình, tôi ước rằng sự gắn bó giữa Abdullah và em gái nó không quá sâu đậm. Nhưng không được vậy. Chỉ có trời mới biết tại sao hai đứa nó lại chọn nhau. Đó là một bí ẩn. Tôi chưa bao giờ thấy hai kẻ nào yêu thương nhau đến vậy. Thực ra, Abdullah giống cha Pari hơn là anh trai. Khi con bé còn ẵm ngửa, lúc ban đêm quấy khóc, chính thằng anh bật dậy khỏi giường bế em đi rong. Chính nó đảm nhận việc thay tã bẩn, quấn tã mới cho em, dỗ em ngủ lại. Lòng kiên nhẫn của nó dành cho em gái là vô bờ bến. Nó bế em đi khắp làng, khoe em như thể con bé là phần thưởng đáng khao khát nhất trên đời.
Khi nó ẵm Pari hẵng còn ngái ngủ vào buồng, Nila xin được bế con bé. Abdullah chuyền em cho bà với ánh mắt nghi ngại sắc lạnh, như thể còi báo động bản năng trong lòng nó đã cất tiếng réo.
“Ôi, con bé đáng yêu quá,” Nila thốt lên, cách bà vụng về nựng nịu đã tiết lộ rằng bà không có kinh nghiệm với trẻ nhỏ. Pari hoang mang ngắm Nila, nhìn về phía Abdullah, rồi bắt đầu khóc. Nó vội giằng em khỏi tay Nila.
“Nhìn mắt nó này!” Nila nói. “Ôi, cả bầu má nữa! Con bé đáng yêu quá, Nabi nhỉ?”
“Đúng vậy, thưa Bibi Sahib,” tôi đáp.
“Nó còn được đặt một cái tên hoàn hảo nữa: Pari. Con bé đúng là xinh như tiên.”
Abdullah nhìn Nila, tay đung đưa Pari, khuôn mặt trở nên u ám.
Trên đường trở lại Kabul, Nila ngồi thõng thượt nơi ghế sau, tựa đầu vào cửa kính. Suốt hồi lâu, bà chẳng nói một lời. Và rồi đột nhiên, bà bật khóc.
Tôi bèn tấp xe vào vệ đường.
Mãi lâu sau bà vẫn không nói gì. Vai bà rung rung khi bà úp mặt vào tay mà nức nở. Cuối cùng, bà hỉ mũi vào khăn tay. “Cảm ơn Nabi,” bà nói.
“Vì lẽ gì, thưa Bibi Sahib?”
“Vì đã đưa tôi tới đó. Được gặp gia đình anh là vinh dự của tôi.”
“Là vinh dự của họ mới phải. Cả của tôi nữa. Chúng tôi rất hân hạnh ạ.”
“Các con của em gái anh xinh quá.” Bà bỏ kính mát ra và chấm chấm mắt.
Tôi suy nghĩ một lát xem nên làm gì, trước tiên tôi chọn cách giữ yên lặng. Nhưng bà đã khóc trước mặt tôi, và khoảnh khắc thân mật đó đòi hỏi những lời an ủi. Nhẹ nhàng, tôi cất tiếng, “Bà sẽ sớm có con thôi, thưa Bibi Sahib. Inshallah, ông trời sẽ phù hộ. Bà hãy đợi đi ạ.”
“Có lẽ Người không làm vậy đâu. Ngay cả Người cũng không phù hộ được.”
“Tất nhiên Người có thể, thưa Bibi Sahib. Bà còn rất trẻ. Nếu Người muốn gì thì chuyện đó sẽ thành.”
“Anh không hiểu đâu,” bà mệt mỏi nói. Tôi chưa bao giờ thấy bà rệu rã đến vậy, kiệt quệ đến vậy. “Hết rồi. Họ đã nạo sạch tôi lúc ở Ấn Độ. Bên trong tôi trống rỗng rồi.”
Đến lúc này tôi không biết nói gì. Tôi khao khát được trèo vào ghế sau bên cạnh bà và kéo bà vào vòng tay, vỗ về bà bằng những nụ hôn. Trước khi nhận ra mình đang làm gì, tôi đã với ra sau nắm tay bà. Tôi tưởng bà sẽ rút ra, nhưng ngón tay bà lại siết chặt tay tôi đầy biết ơn, và chúng tôi ngồi trong xe, không nhìn nhau mà nhìn vùng bình nguyên bao quanh, úa vàng và tàn tạ từ chân trời này đến chân trời khác, hằn sâu những con mương tưới nước khô cạn, điểm xuyết cây bụi, đá, và những nét khuấy động cuộc sống đó đây. Nắm tay Nila, tôi nhìn những ngọn đồi và những cột điện. Mắt tôi dõi theo một chiếc xe thùng ì ạch phía xa, bụi bốc mù mịt đằng sau, và tôi hạnh phúc được ngồi đó đến khi bóng tối buông xuống.
“Đưa tôi về nhà đi,” cuối cùng bà nói, buông tay tôi ra. “Tối nay tôi định ngủ sớm.”
“Vâng, thưa Bibi Sahib.” Tôi hắng giọng, đoạn đẩy cần sang số một với bàn tay run run.
Bà về phòng và mấy ngày liền không rời khỏi đó. Đây không phải lần đầu tiên. Thi thoảng, bà kéo ghế ra cửa sổ phòng ngủ trên lầu và ngồi mãi ở đó, hút thuốc, đung đưa một chân, nhìn đăm đăm ra ngoài với vẻ mặt vô hồn. Bà không nói gì. Bà mặc nguyên bộ váy ngủ. Bà không tắm rửa, đánh răng hay chải đầu. Lần này bà còn chẳng thiết ăn và nông nỗi ấy khiến ông Wahdati lo lắng bất thường.
Vào ngày thứ tư, có tiếng gõ ngoài cổng trước. Tôi mở ra thì thấy một ông cụ cao ráo vận bộ com lê là lượt phẳng phiu và đôi giày bóng lộn. Có gì đó oai nghiêm và hơi đe dọa ở ông cụ này trong cách cụ hiện ra sừng sững chứ không hẳn là chỉ đứng, cách cụ phớt lờ tôi, cách cụ nắm chiếc ba toong sáng bóng bằng cả hai tay như thể nó là cây quyền trượng. Cụ chưa nói một lời nào, nhưng tôi đã cảm thấy đây là người quen với việc được phục tùng.
“Tôi nghe nói con gái tôi không được khỏe,” cụ cất tiếng.
Ra đây là cha bà. Tôi chưa từng gặp cụ trước đó. “Vâng, thưa Sahib. Tôi e là vậy,” tôi đáp.
“Thế thì tránh ra đi, chàng trai trẻ.” Cụ xô qua tôi.
Tôi lúi húi trong vườn, bổ củi để đốt lò. Từ chỗ tôi làm việc có thể thấy rõ cửa sổ phòng ngủ của Nila. Trong khung cửa đó là người cha, cúi gập thắt lưng, ngả người về phía Nila, một tay đặt lên vai con gái. Nét mặt Nila giống hệt nét mặt của người bị giật mình bởi một tiếng động lớn đột ngột, kiểu tiếng pháo, hoặc tiếng cửa đóng sầm vì gió thốc bất ngờ.
Tối đó, bà đã ăn.
Mấy hôm sau, Nila gọi tôi vào nhà và bảo rằng bà định tổ chức một bữa tiệc. Nếu có mở tiệc ở nhà thì chúng tôi cũng hiếm khi làm vậy hồi ông Wahdati còn độc thân. Sau khi Nila chuyển đến, bà sắp xếp mỗi tháng đôi ba dịp. Hôm trước bữa tiệc, Nila sẽ đưa cho tôi hướng dẫn chi tiết về các món khai vị và món chính mà tôi phải chuẩn bị, và tôi sẽ đi chợ mua những thức đồ cần thiết. Quan trọng nhất trong những thức đồ cần thiết ấy là rượu, món mà tôi chưa bao giờ kiếm được trước đó, vì ông Wahdati không uống rượu - dù lý do của ông ấy chẳng liên quan gì đến tôn giáo, ông chỉ không thích tác động của nó mà thôi. Nila, tuy nhiên, lại biết rõ chỗ bán - hiệu thuốc, như bà gọi đùa - nơi mà người ta có thể mua trái phép một chai thuốc tương đương với hai tháng lương của tôi. Trong tôi lẫn lộn cảm xúc khi chạy thứ việc vặt đó, đóng vai kẻ tiếp tay cho hành vi sai trái, nhưng như thường lệ, làm vui lòng Nila quan trọng hơn hết thảy.
Anh phải hiểu rằng, anh Markos à, khi chúng tôi tổ chức tiệc ở Shadbagh, dù là đám cưới hay lễ cắt bao quy đầu, thì sự kiện đó đều diễn ra ở hai căn nhà riêng biệt, một cho nữ giới, một cho nam giới chúng ta. Trong bữa tiệc của Nila thì phụ nữ và đàn ông cùng tụ họp. Phần lớn phụ nữ đều ăn bận như Nila, diện những bộ váy phô trọn cánh tay và phóng khoáng khoe chân. Họ hút thuốc, cả uống rượu nữa, những chiếc ly vơi nửa sóng sánh thứ rượu trắng, đỏ hoặc màu đồng, họ kể chuyện vui, cười vang, và thoải mái chạm vào cánh tay những người đàn ông mà tôi biết là đã kết hôn với ai đó trong căn phòng này. Tôi bê những đĩa bolani* và lola kabob* từ đầu này đến đầu kia căn phòng mù mịt khói thuốc, từ nhóm khách này đến nhóm khách kia, trong khi đĩa hát chơi trên máy quay đĩa. Không phải nhạc Afghanistan mà là jazz, theo như Nila gọi, một thể loại nhạc mà vài thập kỷ sau tôi mới biết rằng anh cũng hâm mộ, anh Markos à. Với tôi thì tiếng piano réo rắt ngẫu hứng cùng tiếng kèn săn nỉ non lạ lùng ấy nghe thật chối tai. Nhưng Nila thích nó, và tôi cứ nghe thấy bà nói với khách rằng họ nhất định phải nghe bản thu âm này hay bản thu âm kia. Cả tối bà cầm ly rượu và mải uống hơn là động đến những món ăn mà tôi phục vụ.
Bánh mì nhân rau.
Thịt xiên quay.
Ông Wahdati chẳng mấy cố gắng để làm vui lòng khách. Ông hòa nhập lấy lệ, còn phần lớn thời gian thì chui vào một góc với nét mặt xa xăm, xoay xoay ly soda, mím môi cười xã giao khi có người nói chuyện với mình. Và, theo thói quen, ông lại cáo lui khi khách đề nghị Nila đọc thơ.
Đây là phần tôi thích nhất của buổi tối, hơn hết thảy mọi thứ. Khi bà bắt đầu, tôi luôn tìm thấy việc gì đó để giữ chân tôi gần đó. Vậy là tôi đứng ngây ra, khăn lau trong tay, căng tai lắng nghe. Thơ của Nila không giống với những bài thơ đã cùng tôi lớn lên cùng. Như anh rõ đấy, người Afghanistan chúng tôi yêu thơ ca; kể cả những người ít học nhất trong chúng tôi cũng có thể đọc những khổ thơ của Hafez, Khayyám hay Saadi. Anh có nhớ không, anh Markos, rằng năm ngoái anh đã bảo với tôi là anh yêu người Afghanistan biết bao? Và khi tôi hỏi anh lý do, anh đã cười mà rằng, Bởi vì ngay cả những nghệ sĩ graffiti nước bác cũng phun hình Rumi lên tường.
Nhưng thơ của Nila lại phi truyền thống. Nó không tuân theo thể thơ hay luật vần điệu nào cả. Nó cũng không lấy những đề tài quen thuộc như cây cối, hoa xuân, chim chào mào. Nila viết về tình yêu, và tình yêu ở đây không phải nỗi khát khao được hòa nhập với Thượng đế* như trong thơ Rumi hay Hafez mà là tình yêu thể xác. Bà viết về những cặp tình nhân thì thầm bên gối, vuốt ve nhau. Bà viết về khoái cảm. Tôi chưa bao giờ nghe thấy thứ ngôn ngữ nào như vậy được thốt ra từ miệng một người phụ nữ. Tôi cứ đứng đó, lắng nghe giọng nói nhẹ như khói của Nila tỏa lan khắp gian sảnh, mắt nhắm lại và tai đỏ bừng, tưởng tượng bà ấy đang đọc cho tôi nghe, rằng chúng tôi là cặp tình nhân trong bài thơ ấy, cho đến khi tiếng ai đó gọi trà hoặc trứng rán phá bỏ bùa chú, rồi Nila gọi tên tôi và tôi liền chạy đi.
Nguyên văn: Sufi yearnings. Đạo Sufi (Hồi giáo Mật tông) là một khuynh hướng Hồi giáo hướng tới sự hòa nhập với Thượng đế thông qua cầu nguyện, suy tưởng, và sống giản đơn.
Đêm ấy, bài thơ bà chọn đọc khiến tôi ngỡ ngàng. Nó viết về một người đàn ông và vợ ông ta, ở một ngôi làng, khóc thương đứa con còn ẵm ngửa bị giá lạnh mùa đông cướp mất. Những vị khách có vẻ yêu thích bài thơ, dựa trên những cái gật đầu và tiếng tán thưởng rì rầm khắp căn phòng, và dựa trên tràng vỗ tay nồng nhiệt khi Nila ngước lên khỏi trang giấy. Tuy vậy, trong tôi vẫn có chút sửng sốt xen lẫn thất vọng khi nỗi bất hạnh của em gái mình lại được đem ra mua vui cho khách, và tôi không thể rũ bỏ cái cảm giác rằng mình phải hứng chịu một sự phản bội mơ hồ.
Vài ngày sau bữa tiệc, Nila nói rằng bà cần một chiếc túi mới. Ông Wahdati lúc ấy đang đọc báo bên bàn, tôi đứng đó dọn bữa trưa cho ông với xúp đậu lăng và bánh naan.
“Anh có cần gì không, Suleiman?” Nila hỏi.
“Không, aziz. Cảm ơn,” ông ấy đáp. Tôi hiếm khi nghe thấy ông ấy gọi bà bằng từ nào khác ngoài aziz, có nghĩa là “em yêu”, “bà xã”, tuy nhiên chưa bao giờ hai vợ chồng họ lại có vẻ xa cách đến thế khi ông nói vậy, và chưa bao giờ tiếng gọi yêu thương ấy lại nghe cứng nhắc quá chừng khi nó cất lên từ môi ông Wahdati.
Trên đường tới cửa hàng, Nila bảo muốn đón một người bạn và chỉ đường cho tôi tới nhà người ấy. Tôi đỗ xe ngoài đường và nhìn bà men theo khối phố tới một ngôi nhà hai tầng với những bức tường sơn màu hồng rực. Ban đầu tôi để động cơ chạy không, nhưng khi năm phút đã trôi qua mà Nila vẫn chưa trở ra, tôi bèn tắt máy. Làm thế là đúng vì mãi hai tiếng sau tôi mới thấy dáng người mảnh mai của bà lướt dọc vỉa hè về phía ô tô. Tôi mở cửa khách phía sau ra và khi ấy bà chui vào, tôi ngửi thấy, bên dưới lớp nước hoa quen thuộc của bà là một mùi khác, phảng phất như gỗ tuyết tùng và có lẽ thoảng hương gừng, hương thơm tôi nhận ra do nghe mùi từ bữa tiệc cách đây hai đêm.
“Tôi không tìm thấy cái mình thích,” Nila nói từ ghế sau trong khi thoa một lớp son môi mới.
Bà bắt gặp khuôn mặt bối rối của tôi qua gương chiếu hậu. Bà hạ thỏi son xuống và nhìn tôi từ bên dưới hàng mi. “Anh đưa tôi tới hai cửa hàng khác nhau nhưng tôi không tìm được chiếc túi mình thích.”
Mắt bà khóa chặt mắt tôi trong gương và nấn ná một lúc, chờ đợi, và tôi hiểu rằng mình đã được chia sẻ một bí mật. Bà đang thử lòng trung thành của tôi. Bà đang bắt tôi lựa chọn.
“Tôi nghĩ có lẽ bà đã đến ba cửa hàng ạ,” tôi yếu ớt nói.
Bà cười tươi. “Parfois je pense que tu es mon seul ami, Nabi.”
Tôi chớp mắt.
“Nghĩa là, ‘Đôi khi tôi nghĩ anh là người bạn duy nhất của tôi.’”
Bà mỉm cười rạng rỡ với tôi, nhưng nụ cười ấy chẳng thể vực dậy tinh thần suy sụp của tôi.
Thời gian còn lại của ngày hôm đó, tôi làm việc nhà với phân nửa tốc độ bình thường và một phần nhỏ lòng nhiệt tình quen thuộc. Buổi tối khi mấy anh bạn ghé qua dùng trà, một người hát cho chúng tôi nghe, nhưng bài ca ấy không thể làm tôi vui lên. Tôi cảm giác như mình là gã chồng bị cắm sừng. Và tôi chắc chắn rằng sức ảnh hưởng của bà với tôi cuối cùng cũng đã lơi dần.
Nhưng buổi sáng tôi thức dậy thì nó vẫn ở đó, lấp đầy không gian sống của tôi, từ sàn nhà tới trần nhà, ngấm vào những bức tường, thấm đẫm bầu không khí tôi thở, như hơi nước. Chẳng ích gì, anh Markos à.
Tôi không biết chính xác khi nào ý tưởng đó manh nha.
Có lẽ vào buổi sáng mùa thu lộng gió mà tôi dọn trà cho Nila, khi tôi đang khom mình cắt cho bà ấy một lát bánh roat* thì chiếc đài trên bậu cửa sổ thông báo rằng mùa đông năm 1952 sắp tới có thể được xem là còn khắc nghiệt hơn mùa đông năm trước. Có lẽ là trước đó, hôm tôi đưa bà tới ngôi nhà với những bức tường hồng rực, hay có lẽ còn trước đó nữa, cái lần tôi nắm tay bà trong xe giữa cơn nức nở.
Một loại bánh ngọt làm từ bột mì, trứng, sữa, và hạt bạch đậu khấu.
Dẫu vào thời điểm nào, một khi ý tưởng đó len vào đầu tôi thì tôi không cách nào xóa bỏ được.
Xin thưa, anh Markos à, tôi làm việc này với lương tâm chủ yếu trong sạch, và với niềm tin rằng đề nghị của tôi xuất phát từ thiện chí và ý định chân thành. Một điều mà, dù tạm thời đau đớn nhưng về lâu về dài sẽ có lợi hơn nhiều cho tất cả những người liên quan. Nhưng tôi cũng có những động cơ ích kỷ, kém đàng hoàng. Động cơ chính trong đó là: tôi muốn tặng cho Nila thứ mà không người đàn ông nào - không phải chồng bà, không phải chủ nhân ngôi nhà hồng kia - có thể mang lại.
Tôi nói chuyện với Saboor trước. Cho tôi phân bua rằng, nếu tôi nghĩ Saboor đồng ý nhận tiền từ tay tôi, tôi sẽ vui vẻ đưa cho chú ấy thay vì đề nghị này. Tôi biết chú ấy cần khoản tiền đó vì chú ấy từng kể với tôi là đã phải vất vả tìm việc ra sao. Tôi sẽ xin ông Wahdati ứng trước lương mà đem cho Saboor để giúp gia đình chú ấy trụ qua mùa đông. Nhưng Saboor, như nhiều người dân quê tôi, lại mang gánh nặng của lòng tự trọng, một thứ gánh nặng vừa oái oăm vừa không lay chuyển nổi. Chú ấy sẽ không bao giờ nhận tiền từ tôi. Khi lấy Parwana, chú ấy thậm chí còn thôi luôn khoản trợ cấp nhỏ mà trước đó tôi vẫn cho con bé. Chú ấy là đàn ông và chú ấy sẽ tự trang trải cho gia đình mình. Và sau này chú ấy đã chết trong lúc đang làm chính việc ấy, khi còn chưa đến bốn mươi, một ngày bỗng gục xuống khi đang thu hoạch trên cánh đồng củ cải đường ở đâu đó gần Baghlan. Tôi nghe nói chú ấy chết với cái liềm vẫn nằm trong bàn tay phồng rộp, rướm máu.
Tôi không phải là một người cha nên sẽ không ra vẻ hiểu Saboor đã phải khổ tâm cân nhắc thế nào mới ra được quyết định. Tôi cũng không biết nhà Wahdati bàn bạc ra sao. Khi tôi nêu ý tưởng này với Nila, tôi chỉ yêu cầu rằng khi bàn bạc với ông Wahdati, bà hãy nói đó là ý của bà chứ không phải của tôi. Tôi biết ông Wahdati sẽ phản đối. Tôi chưa bao giờ thoáng thấy ở ông chút bản năng làm cha nào. Thực ra, tôi còn tự hỏi phải chăng việc Nila không thể mang thai đã khiến ông quyết định lấy bà ấy. Bất kể thế nào, tôi cũng tránh xa bầu căng thẳng giữa hai người họ. Ban đêm khi đặt lưng xuống ngủ, tôi chỉ thấy những giọt lệ đột ngột ứa ra từ mắt Nila khi tôi nói chuyện với bà và bà đã nắm cả hai tay tôi và tha thiết nhìn tôi với lòng biết ơn và - tôi chắc chắn - một thứ gì đó tựa tình yêu. Tôi chỉ nghĩ đến việc tôi sắp trao tặng bà một món quà mà những người đàn ông với tiền đồ xán lạn hơn nhiều không thể. Tôi chỉ nghĩ rằng tôi đã hết lòng và hạnh phúc làm tất cả vì bà ra sao. Và tôi đã nghĩ, đã hy vọng - một cách ngu ngốc, tất nhiên - rằng bà đã bắt đầu coi tôi không chỉ như một gia nhân trung thành.
Khi ông Wahdati cuối cùng cũng đầu hàng - việc này không làm tôi ngạc nhiên, Nila là một phụ nữ có ý chí sắt đá - tôi liền thông báo với Saboor và đề nghị chở chú ấy và Pari tới Kabul. Tôi sẽ không bao giờ hiểu hết lý do chú ấy chọn cách dẫn con gái đi bộ tới từ Shadbagh. Hay tại sao chú ấy lại cho phép Abdullah đi cùng. Có lẽ chú ấy định níu giữ khoảng thời gian ít ỏi còn lại bên con gái. Có lẽ chú ấy tìm cách sám hối trong sự nhọc nhằn của chuyến đi. Hay có lẽ đó là lòng tự trọng của Saboor, và chú ấy sẽ không đi nhờ xe của kẻ sắp mua con gái mình. Nhưng, cuối cùng thì họ đây, cả ba người họ, người phủ đầy bụi, đợi gần thánh đường như đã thỏa thuận. Khi tôi chở họ về nhà Wahdati, tôi cố hết sức ra vẻ vui mừng vì lợi ích của bọn trẻ, những đứa trẻ không hề hay biết về số phận mình - và cảnh tượng khủng khiếp chẳng bao lâu nữa sẽ diễn ra.
Kể lại chi tiết chuyện ấy cũng chẳng để làm gì, anh Markos à, cái cảnh tượng diễn ra đúng y như tôi lo sợ ấy. Nhưng bao năm sau, tôi vẫn cảm thấy tim mình thắt lại khi ký ức ấy hiện về rành rõ. Làm sao có thể không đau lòng chứ? Tôi đã chọn hai đứa trẻ yếu đuối, mà ở chúng thể hiện thứ tình yêu giản đơn và thanh khiết nhất, mà tách rời đứa này khỏi đứa kia. Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh hỗn loạn đột ngột mà nghẹn ngào ấy. Pari vắt vẻo trên vai tôi, hoảng loạn, quẫy đạp, gào khóc, Anh Abollah! Anh Abollah! trong khi tôi vội vàng đưa con bé đi. Abdullah, thét gọi tên em gái, cố vùng khỏi cha. Nila, mắt mở to, hai tay che miệng, có lẽ để kìm nén tiếng thét. Nó đè nặng lên tôi. Ngần ấy thời gian đã trôi qua, anh Markos à, mà nó vẫn đè nặng lên tôi.
Hồi ấy Pari gần bốn tuổi, nhưng dù còn nhỏ, có những thói lệ trong đời con bé cần phải thay đổi. Chẳng hạn như nó được chỉ bảo không gọi tôi là Kaka* Nabi nữa, mà chỉ đơn giản là Nabi. Và lỗi của nó được người lớn, trong đó có tôi, nhẹ nhàng chỉnh sửa, hết lần này đến lần khác cho đến khi nó trở nên tin rằng chúng tôi chẳng có quan hệ máu mủ gì với nhau. Với nó tôi trở thành đầu bếp Nabi và tài xế Nabi. Nila thành “Maman*”, còn ông Wahdati thành “Papa*”. Nila bắt tay vào dạy nó tiếng Pháp, vốn là tiếng mẹ đẻ của bà.
Chú, bác (tiếng Farsi).
Mẹ (tiếng Pháp).
Cha (tiếng Pháp).
Sự đón nhận lạnh nhạt của ông Wahdati với Pari chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, có lẽ chính ông cũng ngạc nhiên khi nỗi lo lắng đẫm nước mắt và nỗi nhớ nhà của Pari bé bỏng lại khiến ông mủi lòng. Chẳng mấy chốc nó đã cùng chúng tôi đi dạo buổi sáng. Ông Wahdati đặt con bé vào xe đẩy và đẩy nó quanh xóm khi chúng tôi tản bộ. Hay cho nó ngồi lên lòng mình đằng sau vô lăng và mỉm cười nhẫn nại khi nó bấm còi. Ông thuê thợ mộc đóng một chiếc giường đẩy ba ngăn kéo cho Pari, một cái rương đựng đồ chơi bằng gỗ thích, và một tủ quần áo thấp nhỏ. Ông cho sơn tất cả đồ đạc trong phòng Pari thành màu vàng vì ông ấy phát hiện ra rằng đó là màu con bé thích nhất. Và một ngày tôi thấy ông ngồi khoanh chân trước tủ quần áo, Pari ngồi bên, trong khi ông vẽ, bằng nét bút khá điêu luyện, những chú hươu cao cổ và khỉ đuôi dài lên cửa tủ. Đây là một minh chứng hùng hồn về bản tính khép kín của ông, anh Markos à, khi tôi nói anh nghe rằng bấy nhiêu năm thấy ông vẽ, đấy là lần đầu tiên tôi thực sự được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của ông.
Một trong những tác động mà sự xuất hiện của Pari mang lại là lần đầu tiên nhà Wahdati có vẻ giống một gia đình bình thường. Gắn kết với nhau bởi tình yêu thương dành cho Pari, Nila và chồng mỗi bữa đều ăn cùng nhau. Họ đưa Pari tới công viên gần đó và ngồi thư thái bên nhau trên ghế băng xem con bé chơi đùa. Buổi tối, lúc hầu trà sau khi dọn bàn xong xuôi, tôi thường thấy người nọ hoặc người kia đọc truyện thiếu nhi cho Pari trong khi con bé dựa vào lòng họ, con bé, với mỗi ngày trôi qua, lại càng quên cuộc sống trước đây ở Shadbagh và những người nơi đó.
Hậu quả khác của việc Pari đến là điều tôi không hề mong đợi: tôi bị lu mờ. Hãy đánh giá tôi một cách độ lượng, anh Markos à, và xin nhớ rằng khi ấy tôi là một chàng trai trẻ, nhưng tôi thừa nhận đúng là mình đã ấp ôm hy vọng, dẫu nó có khờ dại đến mức nào. Xét cho cùng, nhờ tôi mà Nila được làm mẹ. Tôi đã phát hiện ra ngọn nguồn bất hạnh của bà và cho bà một liều thuốc giải. Tôi có nghĩ chúng tôi sẽ thành tình nhân không à? Tôi muốn nói rằng tôi không ngu ngốc đến thế đâu, anh Markos, nhưng đó không hẳn là sự thật. Tôi ngờ rằng sự thật là chúng tôi đang chờ đợi, tất cả chúng tôi, bất chấp những khó khăn không thể vượt qua, đợi một điều khác thường xảy đến.
Điều tôi không lường trước được là tôi dần bị lãng quên. Pari chiếm hết thời gian của Nila. Những bài học, trò chơi, giấc ngủ trưa, chuyến đi dạo, thêm nhiều trò chơi nữa. Những cuộc nói chuyện thường nhật của chúng tôi bị gạt sang bên. Nếu hai người họ đang chơi xếp hình khối hay giải ô chữ, Nila hầu như không để ý thấy tôi mang cà phê cho bà, rằng tôi vẫn ở trong phòng chờ đợi. Khi chúng tôi có dịp nói chuyện, bà dường như sao nhãng, lúc nào cũng chực kết thúc thật nhanh. Trong xe, nét mặt bà xa xăm. Về việc này, dẫu thấy hổ thẹn, tôi phải thú nhận rằng tôi cảm thấy có chút oán giận với cháu gái mình.
Theo thỏa thuận với nhà Wahdati, gia đình Pari không được phép tới thăm. Họ không được có bất cứ liên hệ nào với con bé. Một hôm, ngay sau khi Pari chuyển đến nhà Wahdati, tôi lái xe về Shadbagh. Tôi về đó mang cho Abdullah và con trai em gái tôi, Iqbal, lúc bấy giờ mới lẫm chẫm biết đi, mỗi đứa một món quà nhỏ.
Saboor nói thẳng thừng, “Anh cho quà rồi. Giờ thì đi đi.”
Tôi bảo chú ấy rằng tôi không hiểu tại sao chú ấy lại đón tiếp tôi lạnh nhạt, lại cư xử thô lỗ với tôi như vậy.
“Anh thừa hiểu mà,” chú ấy nói. “Mà cũng không thiết anh về thăm chúng tôi nữa đâu.”
Chú ấy nói đúng, tôi thừa hiểu. Sự xa cách đã hình thành giữa chúng tôi. Chuyến thăm của tôi trở nên bất tiện, căng thẳng, thậm chí còn nhuốm màu thù địch. Thật gượng gạo khi ngồi cùng nhau, nhấm nháp trà và nói chuyện thời tiết hoặc vụ mùa thu hoạch nho năm nào. Chúng tôi vờ như vẫn bình thường, Saboor và tôi, sự bình thường đã không còn tồn tại nữa. Dù lý do là gì thì tôi, xét cho cùng, là nguyên nhân khiến gia đình chú ấy chia cắt. Saboor không muốn gặp lại tôi và tôi hiểu cả. Hằng tháng tôi không còn về thăm nữa. Tôi không bao giờ gặp lại ai trong số họ.
Đúng vào một ngày đầu xuân năm 1955, anh Markos à, cuộc sống của tất cả những người trong ngôi nhà này đã thay đổi mãi mãi. Tôi nhớ khi ấy trời đang mưa. Không phải loại mưa khó chịu khiến ếch nhái mò ra kêu ộp oạp, mà là một cơn mưa phùn dở dở ương ương lúc mưa lúc tạnh suốt cả buổi sáng. Tôi nhớ là bởi tay thợ làm vườn Zahid ở đó, giở thói lười biếng, tựa vào cái cào và nói rằng gã có thể nghỉ làm vì cái thời tiết oái oăm này. Tôi đang định lui về ổ, chỉ để thoát khỏi những lời rác tai của gã thì nghe thấy Nila thét gọi tên mình từ trong nhà chính.
Tôi lao qua sân tới nhà. Giọng bà vọng từ trên lầu xuống, từ hướng phòng ngủ của ông chủ.
Tôi thấy Nila trong góc, lưng dựa vào tường, lòng bàn tay úp lên miệng. “Nhà tôi bị làm sao ấy,” bà nói, không bỏ tay ra.
Ông Wahdati ngồi trên giường, bận chiếc may ô trắng. Ông đang bật ra những tiếng khò khè kỳ lạ. Mặt ông tái nhợt, mỏi mệt, tóc tai rũ rượi. Ông cố làm gì đó bằng tay phải, hết lần này tới lần khác mà bất thành, và tôi kinh hãi nhận thấy một dòng nước dãi chảy xuống từ khóe miệng ông.
“Nabi! Làm gì đi!”
Pari, năm đó sáu tuổi, vào phòng và chạy tới bên ông Wahdati, kéo áo ông. “Papa? Papa ơi?” Ông nhìn xuống nó, mắt mở to, miệng há ra rồi ngậm vào. Con bé hét lên.
Tôi vội bế nó đưa cho Nila. Tôi bảo Nila mang con bé sang phòng khác vì không nên để nó nhìn thấy cha trong tình trạng này. Nila chớp mắt, như thể thoát khỏi cơn mê, hết nhìn tôi tới Pari rồi mới đỡ lấy nó. Bà cứ liên tục hỏi tôi rằng chồng bà bị làm sao vậy. Bà cứ liên tục bảo tôi phải làm gì đó.
Tôi gọi Zahid từ cửa sổ và được một lần trong đời, gã đần vô tích sự ấy cũng tỏ ra hữu ích. Gã giúp tôi xỏ chiếc quần ngủ vào cho ông Wahdati. Chúng tôi nhấc ông khỏi giường, đưa ông xuống lầu, và đặt ông vào ghế sau xe. Nila chui vào ngồi cạnh ông. Tôi bảo Zahid ở nhà trông Pari. Gã toan phản đối, nhưng tôi đã dùng hết sức bình sinh vả vào thái dương gã. Tôi bảo gã là đồ con lừa và rằng gã phải biết nghe lời.
Đoạn tôi lùi xe ra khỏi lối vào và phóng đi.
Được tròn hai tuần chúng tôi mới đưa ông Wahdati về nhà. Theo sau là sự hỗn loạn. Người nhà lũ lượt kéo đến. Tôi phải pha trà, nấu nướng gần như cả ngày lẫn đêm để phục vụ đồ ăn thức uống cho ông bác này, chị họ kia, bà thím già nọ. Cả ngày chuông cổng trước réo vang và gót giày khua lộp cộp trên sàn phòng khách lát đá cẩm thạch, và trong sảnh rì rầm những lời nhỏ to khi mọi người tràn vào nhà. Phần lớn bọn họ chả mấy khi ló mặt đến nhà này, và tôi hiểu rằng họ điểm danh ở đây chẳng qua là để tỏ lòng kính trọng bà mẹ bất khuất của ông Wahdati chứ không phải thăm một người đàn ông bệnh tật sống đời ẩn dật mà họ chẳng thân thiết gì. Cụ cũng đến, tất nhiên, bà mẹ ấy - không dắt theo lũ chó, tạ ơn trời. Cụ lao vào nhà, mỗi tay một chiếc khăn để lau đôi mắt đỏ hoe và chiếc mũi sụt sịt. Cụ ngồi mãi bên giường con trai mà nức nở. Cụ còn mặc đồ đen, điều này làm tôi kinh sợ, như thể cụ nghĩ con trai mình đã chết rồi.
Và, theo một cách nào đó, thì đúng vậy. Ít nhất là con người trước đây của ông ấy đã chết. Nửa khuôn mặt ông giờ giống một chiếc mặt nạ cứng đờ. Chân ông gần như liệt hẳn. Ông cử động được tay trái, nhưng tay phải chỉ còn là một đống xương và thịt nhũn nhẽo. Ông nói bằng những tiếng khùng khục và rên rỉ khàn khàn mà không ai hiểu nổi.
Bác sĩ bảo với chúng tôi rằng ông Wahdati vẫn có xúc cảm như trước vụ đột quỵ và ông hiểu rõ mọi thứ, nhưng việc ông không thể làm, ít nhất vào lúc bấy giờ, là hành động theo những gì mình cảm thấy và hiểu được.
Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng. Thật vậy, khoảng sau tuần đầu tiên, ông đã bày tỏ rõ thái độ với khách đến thăm, bao gồm cả mẹ đẻ. Ông ấy, kể cả trong lúc bệnh nặng như vậy, về cơ bản vẫn là người thích cô đơn. Và ông không cần lòng thương hại, những ánh mắt đau buồn, tất cả những cái lắc đầu bi cảm trước hình ảnh tàn tạ mà ông trở thành. Khi họ vào phòng, ông vẫy bàn tay trái vẫn còn vận động được tỏ ý giận dữ xua đuổi. Khi họ nói chuyện với ông thì ông quay mặt đi. Nếu họ ngồi bên, ông ấy túm chặt cả nắm ga trải giường, gầm gừ và đấm vào hông mình đến khi họ rời đi mới thôi. Với Pari, ông đuổi nó đi cũng kiên quyết không kém, có chăng chỉ là nhẹ nhàng hơn. Nó mà mang búp bê đến chơi bên giường ông, ông sẽ ngước nhìn tôi van vỉ, mắt rưng rưng, cằm run run, tới chừng nào tôi đưa con bé ra khỏi phòng - ông không cố nói chuyện với nó vì biết cách ông nói sẽ làm nó hoảng.
Việc khách khứa lũ lượt kéo về với Nila đúng là nhẹ nhõm. Khi mọi người tụ tập kín nhà, Nila lui về phòng Pari trên lầu cùng con bé, trước sự căm phẫn của mẹ chồng, người hiển nhiên trông mong - mà quả thật, ai có thể trách cụ đây? - Nila túc trực bên con trai mình, nếu không vì gì khác thì cũng vì thể diện. Tất nhiên Nila chẳng quan tâm đến thể diện hay những lời đàm tiếu của thiên hạ. Mà thứ đó thì không thiếu. “Loại vợ kiểu gì thế không biết?” Tôi nghe thấy bà mẹ chồng thốt lên không chỉ một lần. Cụ phàn nàn với bất cứ ai chịu lắng nghe rằng Nila là kẻ vô cảm, rằng bà có một lỗ hổng lớn trong tâm hồn. Khi chồng cần thì nó ở đâu? Loại vợ gì mà lại đi bỏ rơi người chồng chung thủy, thương yêu của mình như thế?
Tất nhiên, có những điều cụ nói đúng. Quả thực, tôi chính là người có mặt thường xuyên nhất bên giường bệnh của ông Wahdati, chính tôi đưa thuốc cho ông và chào hỏi khách vào phòng. Chính tôi là người mà bác sĩ hay trao đổi nhất, và vì thế, chính tôi, chứ không phải Nila, mới là kẻ được mọi người hỏi thăm về tình trạng ông Wahdati.
Việc ông Wahdati đuổi khách giải thoát cho Nila khỏi nỗi khó chịu này nhưng lại gây cho bà một nỗi khó chịu khác. Bằng cách náu trên phòng Pari và đóng chặt cửa, bà không những giữ được khoảng cách với bà mẹ chồng cau có mà với cả kẻ tàn phế mà chồng bà trở thành. Giờ khi ngôi nhà vắng hoe, bà phải đối mặt với những nghĩa vụ vợ chồng mà chỉ bà là chẳng hề phù hợp.
Bà không thể làm được.
Và bà không làm.
Tôi không định nói bà là kẻ nhẫn tâm hay bạc nghĩa. Tôi sống lâu rồi, anh Markos à, và tôi hiểu ra được một điều là ta sẽ trở nên khiêm nhường lẫn khoan dung khi cân nhắc tới suy nghĩ trong lòng người khác. Những gì tôi định nói là một hôm tôi vào phòng ông Wahdati thì thấy Nila úp mặt xuống bụng ông ấy mà nức nở, chiếc thìa vẫn nằm trong tay bà, trong khi món daal* đậu lăng nghiền rỏ từ cằm xuống chiếc yếm buộc quanh cổ ông.
Món hầm làm từ đậu được chà vỏ và tách hạt.
“Để tôi, Bibi Sahib,” tôi nhẹ nhàng nói. Tôi lấy cái thìa khỏi tay bà, lau sạch miệng ông ấy, rồi cho ông ăn, nhưng ông rên rỉ, nhắm nghiền mắt, và quay mặt đi.
Chẳng lâu sau tôi đã đang xách hai va li xuống lầu đưa cho tài xế, anh này nhét hành lý vào trong cốp chiếc xe đang chạy không. Tôi đỡ Pari, khi ấy mặc chiếc áo khoác vàng ưa thích, chui vào ghế sau.
“Nabi, bác sẽ đưa Papa đến thăm mẹ con cháu ở Paris như Maman nói chứ?” con bé hỏi, nở nụ cười răng thưa với tôi.
Tôi bảo rằng tôi chắc chắn sẽ làm thế khi cha nó đỡ bệnh. Tôi hôn lên mu đôi bàn tay nhỏ của nó. “Bibi Pari, tôi chúc cháu may mắn và tôi chúc cháu hạnh phúc,” tôi nói.
Tôi gặp Nila khi bà bước xuống bậc thềm trước nhà với đôi mắt sưng mọng và đường viền mắt bị lem. Bà đã ở trong phòng ông Wahdati nói lời tạm biệt.
Tôi hỏi bà ông ấy thế nào.
“Nhẹ nhõm, có lẽ vậy,” bà nói, đoạn thêm vào, “dẫu có khi chỉ là tôi muốn nghĩ vậy mà thôi.” Bà kéo khóa túi xách lại và đeo dây lên vai.
“Đừng cho ai biết tôi đi đâu. Như thế là tốt nhất.”
Tôi hứa với bà là sẽ giữ lời.
Bà bảo sẽ sớm viết thư. Bà nhìn sâu vào mắt tôi hồi lâu, và tôi tin rằng mình thấy sự yêu mến chân thành ẩn chứa trong đó. Bà khẽ khàng ôm lấy mặt tôi.
“Tôi hạnh phúc lắm, Nabi à, vì anh ở bên ông ấy.”
Rồi bà xích lại gần và ôm tôi, má bà áp vào má tôi. Mũi tôi ngập tràn mùi tóc bà, hương nước hoa của bà.
“Chính là anh, Nabi à,” bà nói vào tai tôi. “Luôn luôn là anh. Anh không biết sao?”
Tôi không hiểu. Và bà đã rời tôi ra trước khi tôi kịp hỏi. Đầu cúi xuống, gót giày gõ trên lớp nhựa đường, bà vội vã đi xuống lối vào. Bà chui vào ghế sau taxi cạnh Pari, nhìn về phía tôi một lần nữa, và áp lòng bàn tay lên cửa kính. Lòng bàn tay bà, trắng bệch trên cửa sổ, là thứ cuối cùng tôi thấy ở bà khi chiếc xe rời khỏi lối vào.
Tôi nhìn bà đi, và đợi chiếc xe rẽ vào góc phố rồi mới đóng cổng lại. Rồi tôi dựa vào cổng khóc như một đứa trẻ.
Dù ông Wahdati không muốn, vài vị khách vẫn ghé qua, ít nhất là thêm một thời gian nữa. Cuối cùng, chỉ còn mẹ ông đến thăm. Cụ tới khoảng một tuần một lần. Cụ bật ngón tay về phía tôi và tôi bèn kéo ghế mời cụ ngồi, và vừa mới hạ phịch xuống bên giường con trai, cụ liền mở cuộc độc thoại bằng những lời mạt sát người vợ được coi là đã chết của ông. Nó là con đĩ. Quân dối trá. Phường nát rượu. Một kẻ hèn nhát chạy đến chốn nào có trời mới biết khi chồng mình cần đến nhất. Việc này, ông Wahdati lẳng lặng chịu đựng, thờ ơ nhìn qua vai cụ ra ngoài cửa sổ. Rồi đến một tràng tin tức và cập nhật liên tu bất tận, đa phần vô vị tới mức nghe mà gần như đau tai. Một người em họ vừa cãi nhau với chị gái vì bà này cả gan mua một chiếc bàn cà phê y chang chiếc của bà kia. Ai bị xịt lốp xe trên đường từ Paghman về nhà hôm thứ Sáu tuần trước. Ai mới cắt tóc. Cứ thế cứ thế. Đôi khi ông Wahdati càu nhàu gì đó, và mẹ ông ấy bèn quay sang tôi.
“Cậu. Nó nói gì thế?” Cụ luôn nói với tôi theo cách đó, lời lẽ sắc lạnh gai góc.
Vì hầu như túc trực bên ông cả ngày, tôi dần hiểu được thứ ngôn ngữ bí ẩn của ông. Tôi sẽ ghé lại gần, và những gì người khác nghe như tiếng rên rỉ và lầm bầm khó hiểu thì tôi sẽ nhận ra là ông muốn uống nước, ngồi bô, hay trở mình. Tôi đã trở thành thông dịch viên thật sự của ông.
“Con trai cụ nói muốn đi ngủ ạ.”
Cụ thở dài và nói rằng được thôi, đằng nào cụ cũng định đi. Cụ cúi xuống thơm lên lông mày ông và hứa sẽ sớm trở lại. Ngay sau khi tiễn cụ ra cổng trước, nơi tài xế riêng đang đợi cụ, tôi liền quay lại phòng ông Wahdati và ngồi trên chiếc ghế đẩu bên giường ông, cùng nhau tận hưởng bầu im lặng. Đôi khi mắt ông chạm mắt tôi, rồi ông lắc đầu cười méo mó.
Vì lúc bấy giờ công việc tôi được thuê làm chẳng nhiều nhặn gì - tôi chỉ phải lái xe đi mua tạp phẩm một đôi lần mỗi tuần, và nấu cho hai người ăn - tôi thấy không hợp lý cho lắm khi thuê những gia nhân khác làm những việc tôi có thể đảm đương được. Tôi trình bày điều này với ông Wahdati, và ông liền ra hiệu bằng tay. Tôi ghé lại gần.
“Thế thì anh kiệt sức mất.”
“Không đâu, thưa Sahib. Tôi rất vui lòng làm.”
Ông hỏi tôi có chắc không, tôi đáp là có.
Mắt ông rưng rưng và tay ông yếu ớt nắm cổ tay tôi. Ông từng là người khắc kỷ nhất mà tôi biết, nhưng từ sau vụ đột quỵ, những việc nhỏ nhặt nhất cũng khiến ông bối rối, lo lắng, xúc động.
“Nabi, nghe tôi này.”
“Vâng, thưa Sahib.”
“Anh muốn nhận lương bao nhiêu thì tùy.”
Tôi bảo ông là không cần nói chuyện đó đâu.
“Anh biết chỗ tôi cất tiền mà.”
“Xin nghỉ ngơi đi, thưa Sahib.”
“Tôi không quan tâm là bao nhiêu đâu.”
Tôi nói là tôi định nấu shorwa cho bữa trưa. “Shorwa thì thế nào ạ? Nghĩ tới là tự dưng tôi hơi thèm.”
Tôi chấm dứt những buổi tối tụ họp với đám người làm. Tôi không còn quan tâm họ nghĩ gì về tôi nữa; tôi sẽ không để họ tới nhà ông Wahdati và cười nhạo ông. Tôi cảm thấy một niềm vui không nhỏ khi sa thải Zahid. Tôi cũng cho người phụ nữ Hazara đến giặt quần áo nghỉ làm. Về sau, tôi giặt đồ rồi phơi lên dây cho khô. Tôi chăm sóc cây, cắt tỉa bụi rậm, xén cỏ, trồng những loại hoa và rau củ mới. Tôi coi sóc ngôi nhà, quét thảm, đánh bóng sàn nhà, đập bụi khỏi rèm, lau cửa sổ, sửa vòi nước rò rỉ, thay những đường ống gỉ sét.
Một hôm, tôi vào phòng ông Wahdati quét mạng nhện khỏi phào trần trong lúc ông đang ngủ. Hôm đó là mùa hè, cái nóng thật dữ dội và khô rát. Tôi bỏ hết chăn khỏi người ông Wahdati và xắn ống quần ông lên. Tôi mở toang cửa sổ, chiếc quạt trần quay kẽo kẹt, nhưng chẳng ăn thua mấy, hơi nóng vẫn len vào từ mọi hướng.
Có một cái tủ khá lớn trong phòng mà tôi tính lúc nào đó sẽ dọn và chính hôm ấy tôi quyết định bắt tay vào làm. Tôi đẩy nhẹ cửa tủ ra và xử lý chỗ com lê trước, phủi bụi từng bộ một, dù tôi nhận ra rằng, nhiều khả năng ông Wahdati sẽ không bao giờ mặc lại bộ nào trong số đó nữa. Có những chồng sách phủ đầy bụi, tôi cũng lau chùi hết. Tôi lau giày ông bằng một miếng vải rồi xếp thành hàng ngay ngắn. Tôi tìm thấy một thùng các tông lớn, gần như bị che khuất vì bị gấu mấy chiếc áo khoác mùa đông dài phủ lên. Tôi kéo nó về phía mình và mở ra. Trong đó đầy những cuốn sổ ký họa cũ của ông Wahdati, cuốn nọ chồng lên cuốn kia, mỗi cuốn là một dấu tích buồn đau của phần đời đã qua.
Tôi nhấc cuốn sổ trên cùng ra khỏi thùng và vu vơ giở đến một trang. Đầu gối tôi cơ hồ bủn rủn. Tôi xem hết cả cuốn. Tôi đặt nó xuống và cầm cuốn khác lên, rồi cuốn khác, cuốn khác, và sau đó lại một cuốn khác nữa. Những trang giấy lật mở trước mắt tôi, mỗi trang lướt qua mặt tôi với một tiếng “phật” nhẹ, mỗi trang mang cùng một chủ đề trong nét chì than. Đây là tôi đang lau chùi thanh chắn bùn ô tô với góc nhìn từ bậu cửa sổ phòng ngủ trên lầu. Đây là tôi đang dựa vào chiếc xẻng bên sân hiên. Tôi có mặt trên những trang giấy lúc thì buộc dây giày, lúc thì bổ củi, tưới cây, rót trà từ ấm, cầu nguyện, chợp mắt. Đây là chiếc xe đỗ bên bờ hồ Ghargha, tôi ngồi sau vô lăng, cửa kính hạ xuống, tay tôi vắt bên thành cửa, một bóng người được họa mờ mờ nơi ghế sau, lũ chim lượn tròn trên đầu.
Chính là anh, Nabi à.
Luôn luôn là anh.
Anh không biết sao?
Tôi quay sang nhìn ông Wahdati. Ông đang nằm nghiêng say giấc. Tôi cẩn thận đặt những cuốn sổ ký họa vào lại thùng các tông, đóng nắp, rồi đẩy nó vào góc tủ lấp sau đám áo mùa đông. Rồi tôi ra khỏi phòng, nhẹ nhàng đóng cửa để tránh làm ông thức giấc. Tôi men theo hành lang mờ sáng xuống lầu. Tôi thấy mình cứ đi. Bước ra ngoài cái nóng của ngày hè hôm ấy, đi dọc lối vào, đẩy cổng trước ra, sải bước trên phố, rẽ nơi góc đường, và cứ thế đi, không ngoái nhìn lại qua vai.
Tôi biết ở lại sao đây? tôi tự hỏi. Tôi không ghê tởm cũng chẳng cảm thấy mình cao giá khi phát hiện ra chuyện đó, anh Markos à, nhưng tôi thấy khó xử. Tôi cố hình dung mình ở lại thế nào khi đã biết chuyện. Nó phá hỏng mọi thứ, những gì tôi tìm thấy trong chiếc thùng ấy. Một chuyện như thế ta không thể nào quên, không thể nào gạt bỏ. Nhưng sao tôi nỡ bỏ đi khi ông đang trong cảnh bất lực như vậy? Tôi không thể, chừng nào còn chưa tìm ra người thích hợp để đảm nhận nhiệm vụ của tôi. Tôi mang nợ ông Wahdati ít nhất chừng đó vì ông đã luôn đối tốt với tôi, còn tôi, mặt khác, lại giở thủ đoạn sau lưng để lấy lòng vợ ông.
Tôi tới phòng ăn và ngồi xuống bên chiếc bàn thủy tinh với cặp mắt nhắm nghiền. Tôi không biết mình ngồi bất động ở đó bao lâu, anh Markos à, chỉ biết đến một lúc nào đó thì nghe thấy tiếng động trên lầu, tôi bèn chớp mắt mở ra và thấy ánh sáng đã thay đổi, và rồi tôi đứng lên đi đun nước pha trà.
Một hôm, tôi lên phòng ông bảo rằng tôi có một bất ngờ cho ông ấy. Đó là vào khoảng cuối thập niên năm mươi, rất lâu trước khi ti vi xuất hiện tại Kabul. Hồi đó ông ấy và tôi giết thời gian bằng cách chơi bài, và sau này, là cờ vua, trò mà tôi được ông dạy và chơi cũng không tệ. Chúng tôi cũng dành khá nhiều thời gian tập đọc. Ông tỏ ra là một thầy giáo kiên nhẫn. Ông nhắm mắt lại lắng nghe tôi đọc và nhẹ nhàng lắc đầu khi tôi đọc sai. Lại đi, ông nói. Bấy giờ, khả năng nói của ông đã được cải thiện đáng kể. Đọc lại đi, Nabi. Tôi cũng biết võ vẽ ít chữ khi ông thuê tôi hồi năm 1947, nhờ giáo sĩ Shekib, nhưng phải đến khi Suleiman kèm cặp tôi mới đọc tiến bộ hẳn, nhờ thế viết cũng khá lên theo. Ông làm vậy là để giúp tôi, tất nhiên, nhưng việc dạy tôi học cũng có lợi cho ông vì giờ tôi có thể đọc ông nghe những cuốn sách ông ấy thích. Ông có thể tự mình đọc, đương nhiên, nhưng chỉ được một lát, vì ông rất dễ mệt.
Nếu tôi đang dở việc và không thể ở bên, ông chẳng có gì nhiều mà làm cho đỡ buồn. Ông có nghe đĩa. Thường thì ông đành nhìn ra ngoài cửa sổ, ngắm lũ chim vắt vẻo trên cây, bầu trời, những đám mây, và nghe bầy trẻ chơi trên phố, những người bán hoa quả dạo vừa kéo lừa vừa rao, Anh đào đây! Anh đào tươi đây!
Khi tôi nói với ông về bất ngờ đó, ông hỏi tôi đó là gì. Tôi luồn tay vào nách ông và bảo ông chúng ta xuống lầu trước đã. Hồi đó, việc bê vác ông không khó với tôi lắm vì tôi còn trẻ và xoay xở được. Tôi dễ dàng bế ông lên đưa tới phòng khách, đến đó tôi nhẹ nhàng đặt ông xuống sofa.
“Rồi sao?” ông nói.
Tôi đẩy chiếc xe lăn từ tiền sảnh vào. Tôi đã vận động ông hơn một năm mà ông ấy cương quyết không chịu. Rồi tôi chủ động mua một chiếc. Tức thì, ông lắc đầu.
“Là hàng xóm sao?” tôi hỏi. “Ông ngượng vì những gì người ta sẽ nói ư?”
Ông bảo tôi đưa mình trở lên lầu.
“Ừm, tôi chẳng thèm quan tâm hàng xóm nghĩ hay nói gì đâu,” tôi nói. “Vậy nên, việc chúng ta làm hôm nay là đi dạo. Trời đẹp lắm và chúng ta sẽ đi dạo, ông và tôi, vậy đi. Vì nếu chúng ta không ra khỏi nhà này thì tôi đến mất trí thôi, thế thì ông sẽ ra sao nếu tôi phát điên? Mà nói thật chứ, Suleiman à, đừng khóc nữa. Ông giống như bà già ấy.”
Đến đây ông ấy vừa cười vừa khóc, nhưng vẫn nói, “Không! Không!” kể cả khi tôi bế ông lên đặt vào xe đẩy, và khi tôi lấy chăn đắp cho ông rồi đẩy xe qua cửa trước.
Điều đáng đề cập ở đây là ban đầu tôi có bắt tay vào tìm kiếm người thay thế mình. Tôi không cho Suleiman biết chuyện này; tôi nghĩ tốt nhất là tìm được người thích hợp đã rồi báo với ông sau. Một số người đến hỏi xin việc. Tôi gặp họ bên ngoài nhà để tránh làm Suleiman nghi ngờ. Nhưng công cuộc tìm kiếm xem ra phức tạp hơn tôi tưởng nhiều. Một số ứng viên rõ ràng là cùng một giuộc với Zahid, và những kẻ đó - những kẻ mà tôi dễ dàng nhận ra do cả đời đã phải đối phó với thể loại này - là tôi từ chối ngay. Người khác lại không có kỹ năng nấu nướng cần thiết, bởi như tôi nói lúc trước, Suleiman là người khá kén ăn. Hoặc là họ không biết lái xe. Nhiều người không biết đọc, điều này là một trở ngại đáng kể vì tôi đã đều đặn đọc sách cho Suleiman vào mỗi cuối chiều. Người thì tôi thấy nóng vội, kẻ lại tỏ ra thiếu sót nghiêm trọng trong chuyện chăm sóc Suleiman, một người có thể rất khó chịu và đôi khi nóng nảy kiểu trẻ con. Những người khác thì tôi đánh giá bằng trực giác là thiếu phẩm chất cần thiết để gánh vác công việc khó khăn lúc bấy giờ.
Và thế là ba năm trôi qua, tôi vẫn ở nhà này, vẫn tự nhủ mình sẽ ra đi như đã định một khi an tâm rằng số phận Suleiman được đặt vào bàn tay đáng tin cậy. Ba năm trôi qua, tôi vẫn là kẻ cứ cách ngày lại lau người cho ông bằng khăn ẩm, chăm ông từ cạo mặt, bấm móng tay, đến cắt tóc. Tôi cho ông ăn đồ ăn riêng và giúp ông ngồi bô, rồi lau chùi sạch sẽ, như ta vẫn làm với một đứa trẻ, và giặt những chiếc tã tôi quấn cho ông khi đã bị dây bẩn. Hồi đó, giữa chúng tôi đã phát triển một thứ ngôn ngữ không lời sinh ra từ sự thân thuộc và thói quen, và hẳn nhiên, một mức độ thân mật mà trước đây chẳng ai dám nghĩ tới đã ngấm dần vào mối quan hệ của chúng tôi.
Ngay khi tôi thuyết phục được ông ngồi xe lăn, nếp đi dạo buổi sáng trước kia lại được tái lập. Tôi đẩy ông ra khỏi nhà, và chúng tôi xuống phố, chào hỏi những người hàng xóm mình đi qua. Một trong số họ là cậu Bashiri, một tân cử nhân trẻ tuổi của trường Đại học Kabul, làm việc cho Bộ Ngoại giao. Vợ chồng cậu cùng vợ chồng em trai sống tại căn nhà hai tầng to rộng cách chỗ chúng tôi ba nhà, ở bên kia đường. Đôi khi chúng tôi bắt gặp cậu đang làm ấm động cơ để chuẩn bị đi làm buổi sáng, và tôi luôn dừng lại nói dăm ba câu xã giao. Tôi thường đẩy Suleiman tới công viên Shar-e-Nau, ở đó chúng tôi ngồi dưới bóng cây du và nhìn giao thông qua lại - những tài xế taxi dộng tay xuống còi, xe đạp kêu kinh coong, lừa kêu be be, khách bộ hành liều mạng xen vào đường dành cho xe buýt. Chúng tôi trở thành một cảnh tượng quen thuộc, Suleiman và tôi, trong và quanh công viên. Trên đường về nhà, chúng tôi lại dừng bước, thường là để tán vui với những người bán báo và bán thịt, chuyện gẫu đôi câu với anh cảnh sát trẻ đang chỉ huy giao thông. Chúng tôi bắt chuyện với những tài xế đang dựa vào thanh chắn bùn, đợi đón khách.
Đôi khi tôi đặt ông vào ghế sau chiếc Chevrolet cũ, nhét xe lăn vào cốp, và lái tới Paghman, ở nơi đó tôi luôn tìm thấy một đồng cỏ tươi đẹp và một dòng suối nhỏ lăn tăn rợp bóng cây. Ông thử cầm bút vẽ sau khi chúng tôi ăn trưa, nhưng thật khó khăn, vì cơn đột quỵ đã ảnh hưởng đến tay phải vốn là tay thuận của ông. Tuy nhiên, dùng tay trái, ông đã tạo ra được những hàng cây, ngọn đồi, và bụi hoa dại giàu tính nghệ thuật hơn tôi có thể làm khi lành lặn thế này rất nhiều. Cuối cùng, Suleiman sẽ mệt mỏi mà ngủ gật, bút chì tuột khỏi tay. Tôi phủ chăn lên chân ông rồi nằm xuống thảm cỏ bên chiếc xe lăn. Tôi nghe gió thổi rì rào qua tán lá, ngước nhìn bầu trời, những dải mây nhẹ trôi trên đầu.
Chẳng sớm thì muộn, tôi lại thấy mình bâng khuâng nghĩ về Nila, người đã cách tôi cả một lục địa. Tôi hình dung ra mái tóc óng mềm của bà, cách bà đung đưa bàn chân, đôi xăng đan đập vào gót hồng, cho đến tiếng lách tách của điếu thuốc cháy dở. Tôi nghĩ về bờ lưng cong và bộ ngực vồng cao. Tôi khao khát được gần bà lần nữa, chìm đắm trong mùi hương của bà, cảm thấy nỗi xao xuyến quen thuộc khi bà ấy chạm vào tay tôi. Bà đã hứa viết thư cho tôi, dẫu bao năm trôi qua và chắc hẳn bà đã quên tôi, tôi vẫn không thể dối lòng mà phủ nhận cảm giác mong mỏi trào dâng mỗi lần nhà này nhận thư.
Một hôm, ở Paghman, tôi đang ngồi trên cỏ, nghiên cứu bàn cờ. Lúc ấy là nhiều năm sau, 1968 cái năm sau khi mẹ Suleiman mất, và cũng là năm cậu Bashiri cùng em trai lên chức cha, những chú nhóc được đặt tên lần lượt là Idris và Timur. Tôi thường thấy hai bé anh em họ nằm xe đẩy khi được hai bà mẹ đưa đi tản bộ quanh xóm. Hôm đó, Suleiman và tôi vừa bắt đầu chơi cờ, trước khi ông gà gật, còn tôi đang cố tìm cách cân bằng thế trận sau nước khai cuộc hung hăng của ông thì ông lên tiếng, “Nói tôi nghe, anh bao nhiêu tuổi rồi, Nabi?”
“Dạ, tôi hơn bốn mươi,” tôi đáp. “Tôi chỉ biết có thế.”
“Tôi nghĩ là anh nên lấy vợ đi thôi,” ông nói. “Trước khi anh xuống mã. Tóc anh ngả hoa râm rồi đấy.”
Chúng tôi mỉm cười với nhau. Tôi bảo ông là em gái tôi, Masooma, cũng từng nói một câu y hệt.
Ông hỏi tôi có nhớ cái ngày ông thuê tôi không, hồi năm 1947, cách đây hai mốt năm.
Đương nhiên là tôi nhớ. Hồi đó, không vui vẻ gì cho cam, tôi đang làm phụ bếp cho một nhà cách chỗ ông Wahdati vài khu. Khi nghe tin ông cần đầu bếp - đầu bếp riêng của ông đã lấy vợ và chuyển đi - một buổi chiều tôi đã tới thẳng nhà ông và bấm chuông cổng trước.
“Trước anh nấu dở tệ,” Suleiman nói. “Giờ thì anh nấu ngon lắm rồi, Nabi ạ, nhưng bữa đầu tiên thì sao nhỉ? Trời ơi. Còn lần đầu tiên anh lái xe chở tôi, tôi cứ tưởng mình đột quỵ đến nơi.” Đến đây ông ngừng lại, rồi khẽ cười, ngạc nhiên trước câu nói đùa vô ý của chính mình.
Điều này với tôi là cả một sự ngỡ ngàng, anh Markos à, đúng ra là choáng váng, vì trong ngần ấy năm Suleiman chưa bao giờ phàn nàn một lời về việc nấu ăn hay lái xe của tôi. “Vậy sao ông lại thuê tôi?” tôi hỏi.
Ông quay sang tôi. “Vì anh đã bước vào, và tôi tự nhủ rằng tôi chưa bao giờ thấy ai đẹp đến thế.”
Tôi cụp mắt xuống bàn cờ.
“Khi gặp anh tôi biết rằng chúng ta không giống nhau, anh và tôi, rằng điều tôi mong muốn là bất khả. Tuy nhiên, chúng ta đã cùng nhau đi dạo mỗi sáng, cùng rong ruổi trên xe, phải nói rằng chừng đó với tôi là chưa đủ, nhưng còn hơn là không được gần anh. Tôi học cách chấp nhận rằng có anh ở bên là tốt lắm rồi.” Ông ngừng lại, rồi nói, “Và tôi nghĩ anh hiểu điều tôi đang miêu tả, Nabi à. Tôi biết là anh hiểu mà.”
Tôi không thể ngước lên nhìn vào mắt ông.
“Tôi cần phải nói với anh, chỉ lần này thôi, rằng tôi đã yêu anh lâu, lâu lắm rồi, Nabi à. Mong anh đừng giận.”
Tôi lắc đầu ý bảo không. Hàng phút trôi qua, chẳng ai trong chúng tôi nói một lời. Những điều ông nói đã bộc lộ ra giữa chúng tôi nỗi đau của cuộc sống bị đè nén, của hạnh phúc vĩnh viễn bất thành.
“Và giờ tôi cho anh biết điều này,” ông nói, “để anh hiểu tại sao tôi lại muốn anh đi. Đi kiếm vợ. Rồi sinh con đẻ cái, Nabi à, như bao người. Anh vẫn còn thời gian đấy.”
“Ừm,” cuối cùng tôi lên tiếng, nhằm xoa dịu bầu căng thẳng bằng vẻ tếu táo, “biết đâu sẽ có ngày tôi làm vậy. Và rồi ông sẽ phải hối tiếc. Cả thằng ngốc khốn khổ sẽ phải giặt tã cho ông khi ấy cũng thế đấy.”
“Anh lúc nào cũng đùa.”
Tôi nhìn một con bọ cánh cứng nhẹ nhàng bò qua chiếc lá xanh ngả xám.
“Đừng ở lại vì tôi. Ý tôi là vậy đó, Nabi à. Đừng ở lại vì tôi.”
“Ông đánh giá bản thân cao quá rồi ạ.”
“Lại đùa rồi,” ông mệt mỏi nói.
Tôi lặng thinh dù ông có hiểu lầm. Lần ấy tôi không đùa. Việc tôi ở lại không còn là vì ông ấy nữa. Ban đầu là vậy. Ban đầu tôi ở lại bởi Suleiman cần tôi, bởi ông hoàn toàn phụ thuộc vào tôi. Tôi đã từng một lần trốn chạy khỏi người cần tôi, và sự ăn năn vẫn còn đeo bám tôi đó, tôi sẽ đem theo xuống mồ. Tôi không thể lặp lại điều tương tự. Nhưng, dần dần, khó lòng nhận ra nổi, lý do tôi ở lại đã thay đổi. Tôi không biết sự thay đổi đó xảy đến khi nào và ra sao, anh Markos à, chỉ là tới lúc đó tôi đã ở lại vì mình. Suleiman nói tôi nên lấy vợ. Nhưng thực tế là, tôi nhìn vào cuộc đời mình và nhận ra tôi đã có những thứ mà người ta kiếm tìm ở một cuộc hôn nhân. Tôi có sự thoải mái, bầu bạn, và một mái nhà nơi tôi luôn được chào đón, yêu thương và cần đến. Những ham muốn thể xác của một người đàn ông bình thường mà tôi có - và giờ vẫn còn, tất nhiên, dù đã bớt thường xuyên và cấp bách hơn do tôi đã có tuổi - vẫn có thể giải quyết được, như tôi giải thích trước đó. Còn về trẻ con, dù luôn yêu quý chúng nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy chút khao khát làm cha nào trong mình.
“Nếu anh định làm một con la và không kết hôn,” Suleiman nói, “thì tôi có một đề nghị cho anh. Nhưng với điều kiện anh phải chấp nhận trước khi tôi nói.”
Tôi bảo rằng ông không thể yêu cầu tôi làm thế.
“Ấy vậy mà tôi đang làm thế đấy.”
Tôi ngước nhìn ông.
“Anh có thể từ chối,” ông ấy nói.
Ông biết tôi quá rõ. Ông mỉm cười méo mó. Tôi đưa ra lời hứa, còn ông nói lời đề nghị.
Tôi biết kể gì với anh đây, anh Markos, về những năm sau đó? Anh biết rõ lịch sử gần đây của đất nước bị bủa vây này. Tôi không cần phải nhắc lại cho anh về thời kỳ đen tối đó nữa. Chỉ nghĩ đến việc viết ra thôi là tôi đã mệt mỏi, hơn nữa, nỗi thống khổ của đất nước này đã được ghi chép đầy đủ rồi, dưới những ngòi bút hiểu biết và mạch lạc hơn của tôi nhiều.
Tôi có thể tóm gọn trong một từ: chiến tranh. Hay, nói đúng hơn, các cuộc chiến tranh. Không phải một, không phải hai, mà là nhiều cuộc chiến tranh, cả lớn lẫn nhỏ, chính nghĩa lẫn phi nghĩa, các cuộc chiến tranh với những vai được cho là anh hùng lẫn giặc loạn thay đổi liên tục, mỗi anh hùng mới lại khiến người ta càng thêm nhớ về kẻ giặc cũ. Những cái tên thay đổi, các khuôn mặt cũng thế, và tôi phỉ nhổ vào chúng như nhau vì tất cả sự thù vặt, các tay súng bắn tỉa, đám địa lôi, những trận oanh tạc, tên lửa, những vụ hôi của, cưỡng hiếp và giết người. À mà, đủ rồi! Việc này vừa hết sức nặng nề vừa vô cùng khó chịu. Tôi đã sống qua thời kỳ đó, và tôi muốn hồi tưởng về nó trên trang giấy này càng ngắn gọn càng tốt. Điều tốt đẹp duy nhất mà tôi có được từ những năm tháng ấy là chút niềm tin rằng mình đã làm đúng trong chuyện Pari bé bỏng, giờ hẳn đã trở thành một cô gái trẻ. Lương tâm tôi được xoa dịu khi biết rằng con bé được an toàn, cách xa bao cảnh giết chóc này.
Thập niên tám mươi, như anh biết đấy, anh Markos, thực sự không quá khủng khiếp đến thế ở Kabul vì hầu hết các cuộc chiến diễn ra ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, đó là thời kỳ di tản, và nhiều gia đình trong khu chúng tôi đã đóng gói đồ đạc và rời quê hương tới Pakistan hoặc Iran, với niềm hy vọng tái định cư ở đâu đó tại miền Tây. Tôi nhớ rõ ngày cậu Bashiri đến chào tạm biệt. Tôi bắt tay và chúc cậu ấy may mắn. Tôi cũng tạm biệt con trai cậu, cháu Idris, đã lớn thành một chú bé mười bốn tuổi cao lỏng khỏng với mớ tóc dài và hàng ria mờ. Tôi bảo Idris là tôi sẽ nhớ cảnh chú bé cùng em họ Timur thả diều và chơi bóng đá trên phố lắm. Chắc anh vẫn nhớ, chúng ta đã gặp cặp anh em họ ấy nhiều năm sau đó, anh và tôi, anh Markos à, khi họ đã là những người đàn ông trưởng thành, ở một bữa tiệc do anh tổ chức tại nhà này vào mùa xuân năm 2003.
Chính vào thập niên chín mươi, cuộc đấu tranh đã nổ ra trong ranh giới thành phố. Kabul làm mồi cho những kẻ nom như vừa chập chững rời khỏi mẹ với khẩu Kalashnikov trong tay, anh Markos à, rặt một lũ phá hoại, những tên trộm mang súng với những danh hiệu tự phong phô trương. Khi tên lửa bắt đầu được phóng, Suleiman vẫn bám trụ trong nhà chẳng chịu rời đi. Ông ấy dứt khoát không tiếp nhận thông tin về tình hình diễn ra bên ngoài bức tường nhà. Ông rút phích cắm ti vi. Ông gạt bỏ đài đóm. Ông không đọc báo. Ông yêu cầu tôi không được mang bất cứ tin tức gì của cuộc chiến về nhà. Ông hầu như không biết ai đang giao tranh với ai, ai thắng, ai thua, như thể ông hy vọng rằng bằng cách kiên quyết phớt lờ chiến tranh thì chiến tranh cũng sẽ phớt lờ ông vậy.
Tất nhiên là không. Con phố chúng tôi sống, từng một thời yên tĩnh, tinh khôi và sáng sủa đã biến thành vùng chiến sự. Đạn bắn vào từng nhà. Tên lửa rít trên đầu. RPG* nổ khắp phố, tạo ra những cái hố nham nhở trên đường nhựa. Ban đêm, đạn vạch đường chớp trắng chớp đỏ bay khắp ngả cho tới rạng sáng. Có những ngày chúng tôi được tạm tha, hưởng vài giờ yên tĩnh, và rồi tiếng súng bùng nổ xé toang bầu không khí đó, bom đạn ùng oàng tứ phía, người trên phố la hét.
Súng phóng lựu chống tăng.
Ấy là thời kỳ, anh Markos à, ngôi nhà hứng chịu phần lớn thiệt hại mà anh chứng kiến khi lần đầu nhìn thấy nó vào năm 2002. Phải thừa nhận, một phần là do thời gian và bị bỏ bê - khi ấy tôi đã già và không còn đủ tiền của để coi sóc nhà cửa như trước nữa. Bấy giờ cây chết - đã nhiều năm liền chúng không ra quả - bãi cỏ vàng úa, hoa héo tàn. Nhưng chiến tranh thật tàn nhẫn với ngôi nhà một thời xinh đẹp này. Cửa sổ vỡ tan do những vụ nổ từ RPG gần đó. Tên lửa đánh sập bức tường ở phía Đông khu vườn cùng nửa sân hiên, nơi ghi dấu bao cuộc trò chuyện giữa Nila và tôi. Một quả lựu đạn làm hư hại mái nhà. Đạn lỗ chỗ trên tường.
Và rồi đến nạn hôi của, anh Markos à. Dân quân tùy ý vào nhà khoắng bất cứ thứ gì vừa mắt chúng. Chúng vơ vét gần hết đồ đạc, tranh, thảm Turkmen, tượng, giá nến bạc, bình pha lê. Chúng bẩy những viên đá thiên thanh lỏng lẻo khỏi kệ phòng tắm. Một sáng tôi thức giấc bởi tiếng người trong sảnh. Tôi thấy một nhóm dân quân Uzbekistan đang dùng một bộ dao quắm bóc toạc tấm thảm khỏi cầu thang. Tôi đứng bên nhìn chúng. Tôi biết làm gì đây? Một lão già khác bị găm đạn vào đầu thì có là gì với chúng?
Như ngôi nhà, Suleiman và cả tôi cũng rệu rã theo thời gian. Mắt tôi mờ dần, đầu gối hầu như ngày nào cũng đau. Thứ lỗi cho tôi vì sự khiếm nhã này, anh Markos à, nhưng riêng việc đi tiểu thôi cũng biến thành một bài thử thách lòng chịu đựng của tôi. Chẳng khó đoán, tuổi tác đè nặng lên Suleiman hơn tôi. Ông teo tóp, trở nên gầy guộc và mong manh đến đáng giật mình. Ông hai lần suýt chết, một lần trong những tháng ngày tồi tệ nhất của cuộc chiến giữa lực lượng của Admad Shah Massoud và của Gulbuddin Hekmatyar, khi những thi thể nằm vô thừa nhận hàng ngày trời trên phố. Lần ấy Suleiman bị viêm phổi, mà theo lời bác sĩ ông bị nhiễm do hít phải nước bọt của chính mình. Dù cả bác sĩ lẫn thuốc họ kê đều thiếu thốn, tôi vẫn chăm cho Suleiman thoát khỏi cảnh cận kề cái chết.
Có lẽ bởi sự tù túng hằng ngày và bởi ở quá gần nhau, dạo đó chúng tôi thường xuyên cãi vã, Suleiman và tôi. Chúng tôi cãi vã như kiểu của các cặp vợ chồng, cứng đầu cứng cổ, nóng nảy, và vì những chuyện vụn vặt.
Tuần này anh đã nấu đậu rồi.
Chưa mà.
Anh có nấu. Hôm thứ Hai ấy!
Tranh cãi về việc hôm trước chúng tôi đã chơi bao nhiêu ván cờ. Tại sao lúc nào tôi cũng đặt nước của ông ấy lên bậu cửa sổ, biết thừa là nó sẽ nóng lên dưới nắng.
Tại sao ông không gọi ngồi bô, Suleiman?
Tôi gọi rồi, cả trăm lần ấy!
Thế ý ông là tôi làm sao, điếc hay lười?
Chả cần chọn, cả hai!
Ông dám gọi tôi là lười trong khi có kẻ nằm trên giường cả ngày.
Cứ thế cứ thế.
Ông ấy ngoắt đầu sang bên khi tôi cố cho ông ăn. Tôi để mặc ông đó rồi ra ngoài, đóng sầm cửa lại. Đôi khi, tôi thừa nhận, tôi cố tình làm ông lo lắng. Tôi ra khỏi nhà. Ông gào lên, Anh đi đâu thế? nhưng tôi không đáp. Tôi giả vờ định bỏ đi mãi mãi. Tất nhiên tôi chỉ xuống phố hút thuốc thôi - một thói quen mới, hút thuốc, mà tôi nhiễm lúc về già - dù tôi chỉ làm vậy khi giận. Có lúc tôi ở ngoài hàng giờ liền. Và nếu ông ấy thực sự làm tôi cáu điên thì tôi cứ ở ngoài cho đến tối mịt. Nhưng tôi luôn quay lại. Tôi lẳng lặng vào phòng ông, giúp ông trở mình rồi đánh phồng gối, cả hai đều tránh nhìn vào mắt nhau, cả hai đều mím chặt môi, đợi người kia làm lành trước.
Cuối cùng, giao tranh chấm dứt khi quân Taliban đến, những tay thanh niên mặt nhọn hoắt với hàm râu sẫm, mắt viền phấn côn, và roi da. Sự tàn bạo và ngang ngược của chúng cũng đã được ghi chép rõ ràng, và một lần nữa tôi thấy chẳng cần phải kể lể làm gì, anh Markos à. Có lẽ những năm tháng chúng ở Kabul, mỉa mai thay, là quãng thời gian tạm yên với riêng tôi. Chúng dành phần lớn sự khinh miệt và cực đoan cho phụ nữ trẻ, nhất là phụ nữ nghèo. Còn tôi, tôi là một ông già. Sự nhân nhượng chủ yếu của tôi với chế độ này là nuôi râu, một chuyện, thành thật mà nói, tránh cho tôi khỏi thứ nhiệm vụ tỉ mỉ là cạo râu mỗi ngày.
“Chính thức rồi, Nabi,” Suleiman phều phào từ trên giường, “anh xuống mã rồi. Trông anh như một nhà tiên tri ấy.”
Trên phố, Taliban đi qua tôi như thể tôi là một con bò đang gặm cỏ. Tôi tiếp tay cho chúng bằng cách cố tình đeo vẻ mặt ngơ ngác trầm lặng để tránh bất cứ sự chú ý thái quá nào. Tôi không dám tưởng tượng nếu Nila ở đây thì chúng sẽ nghĩ gì, hay làm gì bà ấy. Thi thoảng khi tôi nhớ về bà, cười vang ở bữa tiệc với ly sâm banh trong tay, cánh tay trần, đôi chân thon dài, tôi cảm tưởng như thể mình đã tưởng tượng ra bà vậy. Như thể bà chưa hề thực sự tồn tại. Như thể không có gì từng hiện hữu - không chỉ bà, mà cả tôi, Pari, một Suleiman khỏe mạnh trẻ trung, thậm chí cả khoảng thời gian và ngôi nhà mà một thời chúng tôi cùng nhau lấp đầy.
Một sáng mùa hè năm 2000, tôi vào phòng Suleiman, mang theo một khay trà và bánh mì mới nướng. Ngay lập tức, tôi biết là đã có chuyện. Ông thở đứt quãng. Khuôn mặt méo lệch bỗng trở nên càng méo lệch thấy rõ, và khi cố nói, ông phát ra những tiếng lào khào chẳng hơn lời thì thầm là mấy. Tôi bèn đặt khay xuống và vội tới bên ông.
“Tôi sẽ đi gọi bác sĩ, Suleiman à,” tôi nói. “Ông đợi nhé. Chúng tôi sẽ giúp ông khỏe lại, như mọi khi ấy.”
Tôi định đi, nhưng ông lắc đầu quầy quậy. Ông vẫy vẫy mấy ngón tay trái.
Tôi ghé lại gần, tai tôi kề miệng ông.
Ông cố nói mãi mà tôi chẳng hiểu chút gì.
“Tôi xin lỗi, Suleiman,” tôi nói, “ông phải để tôi đi tìm bác sĩ. Tôi sẽ không đi lâu đâu.”
Ông lại lắc đầu, lần này chầm chậm, và lệ ứa ra khỏi đôi mắt mờ đục của ông. Miệng ông há ra rồi khép lại. Ông hất đầu về phía chiếc tủ đầu giường. Tôi hỏi ông có phải ở đó có thứ ông ấy cần không. Ông nhắm mắt gật đầu.
Tôi mở ngăn kéo trên cùng ra. Tôi chỉ thấy những viên thuốc, kính đọc sách, một lọ nước hoa cũ, sổ tay, mấy cây bút chì than mà ông đã thôi dùng nhiều năm trước. Đang định hỏi ông phải tìm gì đây thì tôi thấy nó, nhét bên dưới cuốn sổ tay. Một chiếc phong bì nguệch ngoạc tên tôi ở mặt sau với nét chữ vụng về của Suleiman. Bên trong là một tờ giấy mà ông ấy viết độc một đoạn. Tôi bèn đọc.
Tôi nhìn xuống ông, thái dương hõm sâu, má hóp, cặp mắt hốc hác.
Ông lại ra hiệu, và tôi ghé xuống. Tôi cảm thấy hơi thở lạnh lẽo, khò khè, rời rạc của ông phả lên má tôi. Tôi nghe thấy tiếng lưỡi ông lập cập trong cái miệng khô khốc khi ông trấn tĩnh lại. Bằng cách nào đó, có lẽ bằng sức mạnh ý chí mãnh liệt - lần cuối trong đời - ông đã thì thầm được vào tai tôi.
Không khí rút cạn khỏi tôi. Tôi gắng gượng cất lời giữa lúc cổ họng đang tắc nghẹn.
“Không. Đừng mà, Suleiman.”
Anh hứa rồi mà.
“Chưa đến lúc. Tôi sẽ chăm cho ông khỏe lại. Rồi ông sẽ thấy. Chúng ta sẽ vượt qua như mọi lần.”
Anh hứa rồi mà.
Tôi đã ngồi đó bên ông bao lâu? Tôi đã cố thuyết phục ông trong bao lâu? Tôi không biết, anh Markos à. Tôi nhớ là mình cuối cùng cũng đứng dậy, vòng sang bên kia giường, và nằm xuống bên ông. Tôi xoay ông lại đối diện với tôi. Ông nhẹ bỗng như một giấc mơ. Tôi hôn lên đôi môi khô nứt nẻ của ông. Tôi đặt gối vào giữa mặt ông và ngực tôi rồi đưa tay ra đỡ gáy ông. Tôi giữ ông sát mình trong một cái ôm thật lâu, thật chặt.
Tất cả những gì tôi nhớ sau đó là đồng tử của ông dãn ra như thế nào.
Tôi bước đến bên cửa sổ và ngồi xuống, chén trà của Suleiman vẫn nằm trên cái khay dưới chân tôi. Đó là một buổi sáng rực nắng, tôi nhớ thế. Các cửa hàng nếu chưa mở cửa thì cũng chóng mở cửa thôi. Mấy cậu bé đang hướng đến trường. Bụi đã bốc lên. Một chú chó uể oải chạy rông trên phố, được một bầy muỗi đen sì lượn vè vè quanh đầu hộ tống. Tôi nhìn hai thanh niên lái xe máy qua. Người ngồi sau giạng chân qua giá đèo hàng, vác một chiếc màn hình máy tính bên vai này, một quả dưa hấu bên vai kia.
Tôi áp trán lên lớp kính ấm áp.
Tờ giấy trong ngăn kéo của Suleiman là di chúc mà theo đó ông ấy để lại mọi thứ cho tôi. Ngôi nhà, tiền bạc, đồ đạc cá nhân, thậm chí cả chiếc xe, dù nó đã hỏng từ lâu. Phần vỏ xe vẫn nằm ở sân sau trên những chiếc lốp xẹp lép, một đống kim loại gỉ sét xập xệ.
Trong một thời gian, tôi thực tình không biết phải làm gì với bản thân. Tôi đã chăm sóc Suleiman hơn nửa thế kỷ. Sự tồn tại hằng ngày của tôi được định hình nên bởi những nhu cầu của ông, sự bầu bạn của ông. Giờ tôi được tự do làm điều mình muốn, nhưng sự tự do ấy với tôi sao mà viển vông đến thế vì thứ tôi mong muốn nhất đã bị tước đi rồi. Người ta nói, Hãy tìm một mục đích trong đời và sống vì nó. Nhưng đôi khi, sống rồi ta mới nhận ra cuộc đời ta đã có sẵn một mục đích, và rất có thể là thứ ta chưa từng nghĩ đến. Và bởi đã hoàn thành mục đích của mình, tôi cảm thấy mông lung và vô định.
Tôi phát hiện ra mình không thể ngủ trong nhà này được nữa; tôi hầu như không thể lưu lại đó. Khi Suleiman đã ra đi, nó trở nên rộng hoác. Từng ngóc ngách đều khơi gợi những ký ức đau thương. Vậy nên tôi lại dọn về cái ổ cũ ở tít cuối sân. Tôi thuê người mắc điện trong cái ổ đó để tôi có đèn đọc sách và quạt cho thoáng mát trong mùa hè. Tôi không cần nhiều chỗ lắm. Đồ đạc của tôi không nhiều quá một cái giường, vài bộ quần áo, và chiếc thùng cất giữ những bức vẽ của Suleiman. Tôi biết có thể anh thấy lạ, anh Markos à. Phải, ngôi nhà này và mọi thứ trong đó bấy giờ thuộc quyền sở hữu hợp pháp của tôi, nhưng tôi chẳng hề có cảm giác mình là chủ nhân của bất cứ thứ gì trong nhà, và tôi biết mình thực sự chẳng bao giờ được như vậy cả.
Tôi đọc khá nhiều, những cuốn sách lấy từ thư phòng cũ của Suleiman. Đọc xong cuốn nào là tôi đem trả lại. Tôi trồng vài cây cà chua, mấy nhánh bạc hà. Tôi đi dạo quanh xóm, nhưng chưa đi hết hai khu nhà, đầu gối tôi đã đau nhức, buộc tôi phải quay về. Thi thoảng tôi mang ghế ra vườn và cứ thế ngồi không. Tôi khác Suleiman: Sự cô đơn không hợp với tôi lắm.
Rồi một ngày năm 2002, anh bấm chuông cổng trước.
Khi ấy, Taliban đã bị Liên minh phương Bắc đánh đuổi, và người Mỹ đã vào Afghanistan. Hàng ngàn nhân viên cứu trợ từ khắp nơi trên thế giới đổ về Kabul để xây dựng các bệnh viện và trường học, sửa chữa đường sá và kênh tưới tiêu, mang lại nơi ăn chốn ở và công ăn việc làm.
Người thông ngôn đi cùng anh là một thanh niên trẻ người địa phương, vận áo khoác màu tím rợ và đeo kính râm. Cậu ta xin gặp chủ nhà. Hai người đã đưa mắt nhìn nhau thật nhanh khi tôi bảo cậu thông ngôn là cậu ta đang nói chuyện với chủ nhà đấy. Cậu ta nhếch môi, “Không, Kaka, chủ nhà cơ.” Tôi bèn mời các anh vào dùng trà.
Cuộc nói chuyện sau đó, bên chén trà xanh trên mảnh sân hiên còn sót lại, là bằng tiếng Farsi - như anh biết, anh Markos, tôi đã học chút tiếng Anh trong bảy năm sau đó, phần nhiều là nhờ sự hướng dẫn và tấm lòng rộng rãi của anh. Qua người thông ngôn, anh cho biết mình đến từ Tinos, một hòn đảo ở Hy Lạp. Anh là bác sĩ phẫu thuật, thuộc đội ngũ y tế tới Kabul để mổ cho những trẻ em bị thương tích trên mặt. Anh nói mình và các đồng nghiệp cần nơi cư trú, một nhà khách, như cách gọi thời nay.
Anh hỏi tôi giá tiền thuê nhà.
Tôi đáp, “Không đồng nào.”
Tôi vẫn nhớ anh đã chớp mắt sau khi cậu thanh niên áo tím thông ngôn. Anh nhắc lại câu hỏi, có lẽ tưởng tôi hiểu sai.
Cậu thông ngôn ngồi dịch ra mép ghế và rướn về phía tôi. Cậu ta nói giọng bí mật. Cậu ta hỏi có phải đầu óc tôi đã mục ruỗng rồi chăng, liệu tôi có biết nhóm các anh sẵn lòng trả ngần nào không, rằng tôi có hay tiền thuê nhà ở Kabul lúc bấy giờ là bao nhiêu không? Cậu ta nói tôi đang ngồi trên một đống vàng đấy.
Tôi bảo cậu ta là hãy bỏ kính râm ra khi nói chuyện với người lớn tuổi. Rồi tôi nhắc cậu ta làm việc của mình đi, ấy là thông ngôn chứ không phải cho lời khuyên, rồi tôi quay sang anh và đưa ra, trong số nhiều lý do của tôi, một lý do không phải cái riêng tư. “Anh đã rời xa đất nước,” tôi nói, “bạn bè, gia đình anh, để đến thành phố khốn khổ này giúp quê hương và đồng bào tôi. Sao tôi có thể kiếm lời từ anh chứ?”
Cậu thông ngôn trẻ tuổi, kẻ mà tôi không bao giờ thấy đi cùng anh nữa, giơ tay lên và cười nhạt vẻ thất vọng. Đất nước này đã thay đổi. Không phải lúc nào cũng thế này đâu, anh Markos à.
Có những đêm, tôi nằm trong bầu riêng tư tăm tối của cái ổ nhỏ và thấy ánh đèn nơi nhà chính. Tôi nhìn anh và bè bạn - đặc biệt là cô Amra Ademovic, người có tấm lòng bao la mà tôi ngưỡng mộ vô bờ - trên hiên hoặc sân vườn, ăn những món đựng trong đĩa, hút thuốc, uống rượu. Tôi cũng nghe thấy tiếng nhạc nữa, thi thoảng là jazz, thứ nhạc gợi nhắc tôi về Nila.
Giờ bà ấy đã qua đời, điều này tôi biết. Tôi biết được qua cô Amra. Tôi đã kể với cô ấy về nhà Wahdati và chia sẻ với cô ấy rằng Nila là nhà thơ. Cô ấy tìm thấy một ấn bản tiếng Pháp trên máy tính. Họ đã đưa lên mạng một hợp tuyển những tác phẩm hay nhất trong bốn mươi năm qua. Có một bài về Nila. Bài báo nói rằng bà mất năm 1974. Tôi nghĩ về ngần ấy năm vô ích, mong chờ lá thư của một người phụ nữ đã qua đời từ lâu. Tôi không hề ngạc nhiên khi biết rằng bà tự tử. Giờ tôi biết, có những người cảm nhận sự bất hạnh theo cách mà kẻ khác cảm nhận tình yêu: âm thầm, mãnh liệt và không truy đòi.
Cho tôi kết thư bằng những lời này, anh Markos.
Thời khắc của tôi đã cận kề. Tôi yếu đi từng ngày. Chẳng còn lâu nữa đâu. Và cảm ơn trời vì điều đó. Cũng xin cảm ơn anh, anh Markos, không chỉ vì tình bạn của anh, vì đã dành thời gian đến thăm tôi mỗi ngày và ngồi dùng trà, sẻ chia với tôi tin tức của mẹ anh về Tinos và người bạn thơ ấu, Thalia, mà còn bởi lòng trắc ẩn với đồng bào tôi và sự giúp đỡ vô giá mà anh mang lại cho trẻ em nơi đây.
Cũng xin cảm ơn anh vì đang tiến hành tu sửa ngôi nhà. Tôi đã dành phần lớn cuộc đời của mình tại đây, với tôi nó chính là nhà, và tôi chắc chắn mình sẽ trút hơi thở cuối cùng dưới mái nhà này. Tôi đã chứng kiến sự suy tàn của nó với nỗi thất vọng và cõi lòng tan nát. Nhưng tôi vui mừng làm sao khi thấy nó được khoác lên mình nước sơn mới, thấy tường rào khu vườn được sang sửa lại, cửa sổ được thay, và sân hiên, nơi tôi từng trải qua bao giờ khắc hạnh phúc, được xây dựng lại. Cảm ơn anh, bạn của tôi, vì những cây xanh anh đã trồng, vì những khóm hoa lại nở rộ trong vườn. Nếu tôi có đóng góp theo cách nào đó vào công cuộc hỗ trợ của anh với người dân thành phố nơi đây, thì những gì anh đã hết lòng làm vì nhà này đã trả quá đủ cho tôi rồi.
Nhưng, e có vẻ tham lam, tôi mạn phép đề nghị anh hai việc, một cho tôi, một cho người khác. Đầu tiên hãy chôn tôi ở nghĩa trang Ashuqan-Arefan, ngay tại Kabul này. Tôi chắc chắn là anh biết nơi này. Đi từ cổng chính đến góc phía Bắc và nếu tìm quanh một lúc, anh sẽ thấy mộ của Suleiman Wahdati. Tìm cho tôi một chỗ gần đó mà chôn. Đó là tất cả những gì tôi đòi hỏi cho bản thân mình.
Hai là xin anh cố gắng tìm cháu gái Pari của tôi sau khi tôi qua đời. Nếu con bé còn sống thì việc này xem ra không khó khăn lắm - Internet là một công cụ tuyệt vời. Như anh thấy, được gửi kèm theo trong phong bì cùng lá thư này là di chúc của tôi, theo đó tôi để lại ngôi nhà, tiền bạc, và chút tài sản cá nhân cho con bé. Xin anh đưa cho nó cả lá thư lẫn di chúc. Và hãy bảo nó, bảo nó rằng tôi không thể biết được những việc mình châm ngòi lại gây ra vô số hậu quả như vậy. Bảo nó tôi chỉ có thể lấy hy vọng làm niềm an ủi. Hy vọng rằng có lẽ, dù ở đâu, con bé cũng được hưởng trọn vẹn sự an lành, phù trợ, yêu thương và hạnh phúc mà cuộc đời này ban phát.
Tôi cảm ơn anh, anh Markos à. Cầu trời phù hộ cho anh.
Mãi là bạn anh,
Và Rồi Núi Vọng Và Rồi Núi Vọng - Khaled Hosseini Và Rồi Núi Vọng