Hướng tới tương lai mà chỉ dựa vào quá khứ, chẳng khác nào lái xe mà cứ chằm chằm nhìn vào kính chiếu hậu.

Herb Brody

 
 
 
 
 
Tác giả: Stendhal
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: La Chartreuse De Parme
Dịch giả: Huỳnh Lý
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1948 / 26
Cập nhật: 2017-04-21 14:46:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
hi màn đêm xuống che mờ đôi mắt biết tương lai, nhìn trời tôi ngẩng mặt nơi đây,
Chúa đã ghi chép rành rành nghiệp duyên và số kiếp của mỗi sinh linh.
Bởi khi nhìn xuống một con người, từ trên cao thẳm.
Đôi khi Chúa động lòng, chỉ đường đi cho hắn.
Và dùng làm văn tự các đầu tinh
Để báo trước cho chúng ta điều dữ, điều lành.
Nhưng loài người mang nặng đất đen và chết chóc coi thường văn bản kia, chẳng bao giờ chịu đọc.
Ronsard 1
Ông hầu tước tỏ ra thù hằn hết mức mọi thứ ánh sáng trí tuệ: "Chính các lý thuyết đã làm mất nước Ý ta", ông nói vậy. Ông lúng túng không biết cách nào dung hòa nỗi kinh tởm thiêng liêng của mình đối với học vấn và niềm mong muốn được thấy việc đào tạo con mình hoàn thành, việc đào tạo này đã bắt đầu có kết quả rực rỡ nhờ các cha Dòng Tên.
Để đỡ lo ngại, ông giao cho ông abbé 2 Blanès đôn hậu, cha xứ ở Grianta, tiếp tục dạy La tinh cho Fabrice. Muốn thế thì bản thân cha phải biết thứ tiếng ấy. Khốn nỗi, cha lại khinh nó! Vốn La tinh của cha vẻn vẹn đủ để đọc thuộc lòng các bài kinh trong buổi hành lễ và giảng nghĩa tàm tạm cho con chiên. Dù vậy nhân dân trong tổng vẫn kính phục cha, hơn nữa sợ cha. Trước sau cha vẫn luôn luôn nói rằng lời tiên tri của thánh Giovita sẽ thực hiện không phải trong thời gian mười ba tuần lễ, cũng không phải mười ba tháng. Khi cha nói với những người bạn tín cẩn, thì cha thêm rằng nếu thiên cơ có thể tiết lậu, thì cách giải thích con số mười ba đó có thể làm cho nhiều người kinh ngạc (1813).
Sự thật thì con người lương thiện và đạo đức như một người cổ sơ, lại thông minh đó, ông abbé Blanès, đêm hôm thức suốt trên gác chuông của mình, ông ta mê khoa chiêm tinh. Cả ngày ông tính toán vị trí và giao điểm của tinh tú, đến đêm, ông thức hầu trọn để theo dõi chúng ở trên trời. Vì nghèo, ông không có khí cụ gì ngoài một chiếc kính thiên lý mà ống kính làm bằng bìa. Một con người suốt đời chỉ lo khám phá ngày tháng diệt vong nhất định của các triều đại, ngày tháng bụng no của các cuộc cách mạng làm thay đổi bộ mặt quả đất, một con người như thế ai cũng đoán biết là tất phải coi thường việc học ngôn ngữ đến dường nào. Ông nói với Fabrice: "Ta có biết gì hơn về con ngựa từ khi họ dạy cho ta tiếng La tinh gọi con ngựa là equus?"
Nông dân kiêng nể linh mục Blanès như một đại pháp sư, nhờ ông miệt mài trên gác chuông khiến họ sợ, cho nên ông răn họ khỏi ăn cắp. Những bạn đồng nghiệp của ông làm cha xứ các địa phận lân cận ghét ông vì ganh tị ảnh hưởng của ông, hầu tước Del Dongo thì khinh ông ra mặt, bởi nghĩ rằng con người hèn hạ ấy mà thuyết lý như thế thì quá nhiều! Fabrice sùng bái ông để được lòng ông, nhiều khi chú bé bỏ cả buổi tối để cộng cộng, nhân nhân với những con số rất lớn. Rồi chú leo lên gác chuông, đó là một đặc ân mà linh mục chẳng ban cho ai ngoài chú ta. Ông quý mến Fabrice vì tính ngây thơ của chú. "Nếu cháu không trở thành giả dối", ông nói với chú như vậy, "thì có lẽ cháu sẽ là một con người".
Bạo gan và say sưa trong các trò chơi, mỗi năm hai ba lần Fabrice suýt chết đuối trong hồ. Chú là thủ lĩnh trong những cuộc viễn chinh lớn của lũ trẻ con nông dân vùng Grianta và Cadenabia. Bọn trẻ ấy kiếm đâu ra mấy chiếc chìa khóa nhỏ, chờ đêm xuống hẳn, cố mở khóa những dây xích sắt buộc thuyền vào một hòn đá to hoặc một gốc cây ở cạnh bờ, cần biết là những người đánh cá trên hồ Côme dùng kỹ thuật riêng, đặt dây câu ngầm ở cách bờ rất xa. Đầu trên dây dính vào một mảnh ván nhỏ có kẹp bấc phao, một cần con rất dẻo được tra vào mảnh ván đó, cần này mang cái chuông nhỏ, chuông reo lên khi cá mắc câu giẫy giụa làm rung động dây câu.
Mục đích lớn lao của những cuộc viễn chinh ban đêm, mà Fabrice là chỉ huy, là đi thăm dò những dây câu ngầm trước khi các người đánh cá nghe chuông báo động. Chúng chọn những đêm giông gió và để đi vào cuộc phiêu lưu, chúng xuống thuyền một tiếng đồng hồ trước bình minh. Khi bước lên thuyền, các chú bé tưởng tượng lao vào những nguy hiểm không bờ bến và đó chính là khía cạnh đẹp đẽ trong hành vi của các chú và theo gương cha chú, lũ trẻ ấy kính cẩn đọc kinh cầu nguyện Ave Maria 3.
Nhiều bận, sau khi cầu nguyện, lúc sắp xô thuyền ra thì Fabrice chú ý đến một điềm trời: Đó là kết quá việc nghiên cứu thiên văn của ông abbé Blanès mà Fabrice rút ra được, tuy chú không tin những lời tiên đoán của ông bạn già. Theo trí tưởng tượng non trẻ của chú, cái điềm đó báo chắc thành công hoặc thất bại. Vì chú có tính quyết đoán hơn tất cả bọn, cho nên dần dần cả bọn cũng trở nên quen tin điềm trời, lúc sắp ra đi mà nhìn thấy một ông cố đạo trên bờ hoặc là một con quạ bay về phía tay trái của mình, thì chúng vội vã khóa xích lại và về nhà ngủ tiếp. Như vậy là cha xứ Blanès không truyền được cái môn học khá phức tạp của mình cho Fabrice, nhưng đã vô tình tiêm chủng cho chú một niềm tin tưởng không giới hạn vào những điềm trời báo trước tương lai.
Hầu tước cảm thấy nếu có một sự biến nào xảy đến cho việc trao đổi thư tín mật mã của ông thì ông sẽ bị bà em làm tình làm tội. Bởi vậy mỗi năm, vào lễ tiết nữ thánh Sainte Angela, cũng là lễ sinh nhật của nữ bá tước Pietranera, Fabrice được phép đi Milan chơi tám hôm. Để rồi suốt năm chú sống trong niềm hy vọng và nỗi luyến tiếc về tám ngày ấy. Trong dịp trọng đại phái con đi công cán chính trị đó, ông hầu tước cho chú bốn đồng écu và theo lệ thường không đưa gì hết cho bà vợ mang con đi. Tuy nhiên, tối hôm trước, một người nấu bếp, sáu gia bộc và một anh đánh xe đã đi Côme, cho nên mỗi ngày, bà hầu tước có một cỗ xe ngựa để sử dụng và một bàn tiệc mười hai chỗ ngồi.
Cái cảnh sống rỗi đời như vậy rõ ràng là không vui thú gì, nhưng nó được cái lợi là làm giàu lên mãi những gia đình có thiện ý sống theo lối ấy. Ông hầu tước thu hai trăm nghìn francs lợi tức đồng niên mà tiêu không hết một phần tư số đó. Ông sống về hy vọng. Trong quãng mười ba năm từ 1800 đến 1813, ông luôn luôn tin và tin chắc là Napoléon sẽ bị lật đổ trong vòng sáu tháng. Hãy đoán xem nỗi hào hứng của ông khi đầu năm 1813, ông nghe tin những thảm họa ở sông Bérésina 4. Việc Paris thất thủ và Napoléon sụp đổ 5 suýt làm cho ông loạn óc, lúc ấy ông có những lời lẽ hết sức thóa mạ đối với vợ và em gái. Cuối cùng, sau mười bốn năm trông đợi, ông vui mừng không xiết, kể khi được thấy quân Áo trở về Milan. Theo mệnh lệnh từ Viên, viên tướng Áo tiếp hầu tước Del Dongo trân trọng gần như kính trọng, người ta vội vàng mời ông giữ một chức vụ hàng đầu trong chính quyền, và ông nhận chức như nhận một món ân trả nghĩa đền. Người con trưởng của ông được bổ dụng trung úy trong một trung đoàn loại ưu tú nhất của vương quốc, nhưng người em thì lại chẳng bao giờ chịu nhận chân tân binh quý tộc mà người ta định ban cho chú.
Hầu tước hưởng thụ cảnh đắc thế đó một cách kiêu căng hiếm có, nhưng vinh chỉ được mấy tháng rồi tiếp theo là nhục. Ông không hề có tài kinh luân và mười bốn năm sống ở nơi quê mùa giữa bọn tôi tớ, viên chưởng khế và ông thầy thuốc, cộng với tính cáu kỉnh của tuổi già đã đến, khiến cho ông thành một kẻ hoàn toàn bất tài bất lực. Thế mà ở đất nước Áo thì không thể nào giữ mãi một chức vụ quan trọng nếu không có loại tài năng mà cách cai trị ở cái vương quốc nghìn xưa này đòi hỏi, cách cai trị chậm chạp và rắc rối nhưng có nề nếp khá hợp lý. Những lầm lẫn của ngài hầu tước Del Dongo khiến bọn thuộc hạ bái phục, hơn nữa làm trở ngại công việc chung. Những lời lẽ bảo hoàng cực đoan của ông làm cho dân chúng bực tức, trong khi bề trên lại muốn cho họ mê ngủ và thờ ơ. Một hôm, hầu tước được cho biết là đức Hoàng đế đã vui lòng chấp nhận việc từ chức của ông, đồng thời cử ông làm đệ nhị quản lý hoàng gia liên vương quốc Lombardo Vénitien.
Hầu tước lấy làm phẫn uất về nỗi bất công thậm tệ mà ông là nạn nhân, ông nhờ người bạn in một bức thư ngỏ, mặc dù ông hết sức ghét quyền tự do báo chí. Cuối cùng ông dâng thư lên hoàng đế tâu trình rằng các ông bộ trưởng đã phản ngài và chỉ là những tên Jacobins 6. Làm xong những việc đó, ông buồn bã trở về lâu dài Grianta.
Rồi hầu tước cũng có được một niềm an ủi. Sau khi Napoléon sụp đổ, một số nhân vật có quyền thế ở Milan sai người đánh chết bá tước Prina ngoài đường phố, bá tước nguyên thủ tướng của quốc vương Ý, là một người tài đức bậc nhất. Bá tước Pietranera liều mình cứu thủ tướng, nhưng thủ tướng bị bọn sát nhân dùng cán ô giết chết sau năm tiếng đồng hồ liền bị hành hạ tàn nhẫn. Có một linh mục có thể cứu bá tước Prina nếu như y chịu mở cổng sắt nhà thờ San Giovanni, bọn sát nhân đã lôi bá tước đến đó, hơn thế, đã bỏ ông nằm trong rãnh nước giữa đường một lúc. Nhưng y đã cười chế nhạo và không mở cổng. Y là cha rửa tội cho hầu tước Del Dongo. Sáu tháng sau vụ này, hầu tước can thiệp xin cho linh mục thăng chức cao và hầu tước được đắc ý.
Hầu tước căm thù người em rể, bá tước Pietranera. Không có đến năm mươi 7 lợi tức, bá tước dắm sắng thoải mái, vui vẻ, lại dám trung thành với những tư tưởng mà ông suốt đời yêu quý, ông cũng ngạo mạn ca ngợi cái tư tưởng công lý không cần đến uy thế của ai, điều mà hầu tước cho là một thứ chủ nghĩa Jacobins nhục nhã.
Bá tước không chịu phục vụ trong quân đội Áo. Người ta nêu việc đó ra và mấy tháng sau cái chết của Prina, những nhân vật đã thuê tiền bọn sát nhân lại làm cho tướng Pietranera bị hạ ngục. Thấy vậy, nữ bá tước, vợ ông, lấy hộ chiếu và xin ngựa trạm đi Viên để tâu bầy sự thật với hoàng đế. Bọn giết người đâm sợ và một tên trong bọn, có họ với bà Pietranera, vào giữa đêm, đúng một tiếng đồng hồ trước giờ phút bà định khởi hành, đã đến đưa cho bà lệnh phóng thích bá tước. Ngày hôm sau, viên tướng Áo cho mời bá tước Pietranera đến, tiếp ông một cách hết sức trân trọng và hứa hẹn với ông sẽ giải quyết phụ cấp hưu trí của ông theo cách có lợi nhất.
Tướng Bubna trung hậu, vốn là người thông minh và can đảm có vẻ xấu hổ về vụ ám sát Prina và việc bỏ tù bá tước.
Sau cơn bão tố tránh được nhờ tính cương nghị của nữ bá tước, hai vợ chồng sống đắp đổi trên khoản phụ cấp hưu trí mà họ được lĩnh khá sớm nhờ sự gửi gắm của tướng Bubna.
May sao là từ năm sáu năm nay, nữ bá tước chơi thân với một thanh niên rất giầu, cũng là bạn thân của bá tước. Người bạn đó để cho vợ chồng bá tước sử dụng những con ngựa kéo xe giống Anh đẹp nhất ở thành Milan, cùng với buồng lô ở nhà hát Scala và tòa lâu đài của anh ta ở thôn quê.
Nhưng bá tước có ý thức về lòng dũng cảm của mình lại có tâm hồn lớn lao, hào hiệp, ông dễ nổi nóng và khi nổi nóng thì nói năng sốc nổi. Một hôm đi săn bắn với một bọn thanh niên, một tên trong bọn trước đây chiến đấu dưới ngọn cờ đối lập, nổi lên đùa cợt về lòng dũng cảm của những quân nhân nước cộng hòa Bắc Ý 8 bá tước tát nó, tức thời một cuộc đấu danh dự xảy ra, và chỉ có một mình giữa bọn chúng, bá tước bị giết. Người ta dị nghị nhiều về cách đấu này, và bọn tham gia thấy cần phải du lịch sang Thụy Sĩ,
Cái thứ can đảm buồn cười có tên là nhẫn nhục, cái can đảm của một thằng ngu chịu để cho người ta treo cổ mà không phản kháng, cái thứ can đảm ấy không phải là món sở trường của nữ bá tước.
Phẫn nộ về cái chết của chồng, bà muốn cho Limercati, chàng thanh niên giàu có ấy, bạn thân của chồng bà, cũng cao hứng đi sang Thụy Sĩ và lẩy một phát súng vào ngực tên sát nhân, hoặc đánh hắn một tát tai.
Limercati cho rằng điều dự định kia quá đỗi lố bịch, còn bà bá tước thì nhận thấy ở bà lòng khinh bỉ đã giết chết sự yêu thương. Bà ân cần với Limercati bội phần hơn trước, bà muốn khơi dậy tình yêu trong lòng hắn, rồi sau đó bỏ mặc hắn tuyệt vọng. Để cho người Pháp hiểu cáí kế hoạch phục thù này, tôi thấy cần nói ở Milan xa xôi, người ta hãy còn thất vọng vì tình. Bá tước phu nhân mặc tang phục bỏ xa tất cả những phụ nữ tranh đua với bà về nhan sắc, bà làm đỏm làm duyên với những chàng trai có địa vị xã hội cao sang nhất. Một trong số đó, bá tước N, đâm ra say mê bà như điếu đổ, ông thường nói đối với một thiếu phụ thông minh như nữ bá tước, Limercati có hơi nặng nề, hơi gỗ một chút. Rồi nữ bá tước viết cho Limercati:
"Ông có muốn có một lần xử sự như một người thông minh không? Ông hãy cứ làm như không hề quen biết tôi.
Có lẽ có khinh bỉ ông đôi tí, tôi vẫn là người tôi tớ hèn mọn của ông.
Gina Pietranera".
Đọc xong mảnh thư ấy, Limercati lui về một trong những lâu đài của hắn. Mối tình của hắn bốc lửa, hắn hóa rồ và đe sẽ tự sát, nhưng việc tự sát không xảy ra bao giờ ở những đất nước mà người ta tin là có địa ngục.
Về đến lâu đài, sáng hôm sau hắn viết cho nữ bá tước một bức thư xin kết hôn và dâng cho bà số lợi tức đồng niên hai trăm nghìn francs của hắn. Bà bảo chú đầy tớ của bá tước N đưa bức thư chưa mở đến trả hắn. Sau việc này, Limercati ở liền ba năm ở trang ấp, cứ hai tháng mới về Milan một lần, nhưng không bao giờ có can đảm lưu lại. Hắn than thở mãi về mối u tình của hắn và kể lể có chi tiết những ân huệ đã được bá tước phu nhân ban cho, khiến bạn bè chán ngắt. Lúc đầu hắn thường nói thêm rằng đi lại với bá tước N thì nữ bá tước chỉ có hư hỏng và mang tiếng mà thôi.
Thực ra thì bà bá tước Pietranera chẳng yêu thương gì bá tước N và đó là điều bà nói trắng ra với ông ta, khi đã biết chắc Limercati đau đớn, thất vọng. Bá tước vốn thạo đời, yêu cầu nữ bá tước đừng nói ra ngoài cái sự thật đáng buồn mà bà vừa cho ông ta biết. Ông nói thêm:
"Nếu phu nhân rộng lượng cứ tiếp tục tiếp tôi với tất cả những chiếu cố bên ngoài đối với một tình nhân đương vị, thì có lẽ tôi sẽ kiếm được một chức vụ khả quan".
Nghe lời tuyên bố oanh liệt đó, nữ bá tước đâm ngán những ngựa xe, buồng lô kịch viện của bá tước N.
Nhưng đã từ mười lăm năm nay, phu nhân quen sống cuộc đời sang trọng nhất. Bây giờ bà phải giải bài tính khó giải, nói cho đúng bất khả giải đáp này là sống ở Milan với số trợ cấp mười lăm nghìn francs. Bà rời bỏ tòa lâu đài của bà, thuê hai buồng ở tầng gác năm, cho nô bộc về tất, kể cả cô hầu phòng, và mướn một bà già nấu ăn thay thế. Sự hy sinh ấy thực ra không đến nỗi dũng cảm và cực nhọc như người Pháp chúng ta tưởng, ở Milan, nghèo nàn không phải là lố bịch xấu xa, do đó không trở thành nỗi bất hạnh ghê gớm nhất đối với những con người hay lo sợ. Bà bá tước sống được mấy tháng trong cảnh nghèo khó kiêu hãnh ấy. Thư của Limercati bay đến tới tấp, cả thư của bá tước N, ông này cũng xin lấy nữ bá tước. Nhưng hầu tước Del Dongo, bình thường keo kiệt một cách gớm ghiếc, đột nhiên nghĩ rằng bọn kẻ thù của ông có thể lấy làm đắc thắng về cảnh sống cùng khó của em gái ông. Ái chà! Một bà lớn dòng họ Del Dongo mà đến nước phải sống với khoản trợ cấp mà triều đình Viên trả cho những quả phụ các tướng tá của nó sao?
Hầu tước viết thư cho bà em báo là một gian phòng và một khoản trợ cấp phí xứng đáng với em gái ngài đang chờ ở lâu đài Grianta. Tâm hồn linh hoạt của nữ bá tước hào hứng chấp nhận lối sống mới mẻ này, hai mươi năm qua bà không sống ở tòa lâu đài cổ kính vươn lên nguy nga giữa những cây lật cổ thụ trồng từ đời họ Sforce. Bà tự nhủ: "Ở đấy ta sẽ tìm thấy sự yên tĩnh và ở tuổi ta, đó không phải là hạnh phúc hay sao? (Vì bà ba mươi mốt tuổi, bà tưởng đã đến lúc về vườn). Trên cảnh hồ tuyệt vời, nơi ta sinh trưởng, chung quy một cuộc sống sung sướng yên ổn đang chờ đón ta".
Tôi không biết bà có nhầm không. Điều chắc chắn là con người nồng nhiệt vừa từ chối lẹ làng hai gia tài vô lượng đó đã mang hạnh phúc lại cho lâu đài Grianta. Hai cô cháu gái của bà vui mừng khôn xiết. Còn hầu tước phu nhân vừa ôm hôn bà em chồng, vừa bảo: "Thế này là cô mang trả lại cho chị những ngày tươi đẹp của tuổi xanh xuân. Mới hôm qua, chị còn tưởng chị đã trăm tuổi".
Nữ bá tước đi với Fabrice thăm lại tất cả những cảnh trí mê hồn ở quanh lâu đài Grianta, những cảnh trí được khách khứa đã vô cùng ca ngợi! Biệt thự Melzi ở phía bên kia hồ đối diện với tòa lâu đài và làm tiêu điểm cho nó, phía trên khu rừng thiêng Sfondrata và đồi đất bướng bỉnh chia cắt mặt hồ thành hai nhánh, nhánh Côme lả lướt và nhánh Lecco nghiêm nghị. Đây là những cảnh trí duyên dáng và kỳ diệu không kém cảnh vịnh Naples nổi tiếng đẹp nhất thế giới. Nữ bá tước say sưa tìm thấy những kỷ niệm tuổi sơ xuân và so sánh với những cảm giác hiện tại. Bà tự bảo: "Hồ Côme không bị vây bọc bởi những đám đất trồng trọt lớn như ở hồ Gèneve, những đám đất rào kín và gieo trồng theo phương pháp tốt nhất, khiến ta phải nghĩ đến tiền bạc và kinh doanh, ở đây ta thấy lô nhô những đồi cao thấp không đồng đều, phủ những lùm cây mọc tự nhiên, không có bàn tay người quấy phá và buộc làm cho ra lợi tức.
Mấy ngọn đồi kia hình dáng thật là đẹp, chúng đổ xô về hồ theo những triền khá lạ mắt, đứng giữa mấy đồi ấy ta có thể giữ tất cả những ảo ảnh do các bức tranh Tasse và Arioste đã gợi nên. Cái gì cũng cao quý và trìu mến, cái gì cũng nói yêu thương, không có gì nhắc đến những xấu xa của xã hội văn minh.
Làng xóm lơ lửng ở lưng chừng đồi, khuất sau các cây to, và ở trên các ngọn cây, vòi vọi các tháp chuông có kiểu kiến trúc xinh xắn dễ ưa. Nếu có vài đám đất nhỏ nào chiều ngang chỉ năm mươi bước, chen đây đó giữa những lùm cây lật và cây anh đào hoang, thì cây cỏ ở đó mọc khỏe mạnh, thoải mái hơn những nơi khác, và trông rất vừa mắt. Trên đỉnh các ngọn đồi, có những am ẩn tu mà ai cũng muốn ở, nơi xa sau các ngọn đồi, ta sẽ ngạc nhiên nhìn thấy các đỉnh núi Alpes quanh năm phủ tuyết, mà vẻ nghiêm nghị lạnh lùng khiến người ta nhớ đến những tai ương trong cuộc sống đủ để tận hưởng những giây phút hiện tại thần nhất là tiếng chuông xa xăm từ một thôn nhỏ khuất trong cây cối vọng đến xáo động tâm hồn, tiếng chuông lướt trên mặt nước làm giảm nhẹ âm vang, thoảng như một nỗi buồn man mác, lại như một niềm nhẫn nhục lâng lâng, và có vẻ như thỏ thẻ với ta "Năm tháng trôi đi, đừng có làm cao như thế trước cảnh hạnh phúc hiện tại, hãy lo mà hưởng nhanh lên!".
Tiếng nói của những cảnh trí mê hồn không đâu sánh kịp đã đem trả cho nữ bá tước tấm lòng xuân tuổi mười sáu ngày xưa. Bà không thể hiểu làm sao đã bỏ qua bao năm tháng không thăm lại cảnh hồ. Bà tự hỏi phải chăng hạnh phúc chỉ tìm thấy ở tuổi bắt đầu về già? Bà mua một chiếc xuồng, Fabrice hầu tước phu nhân và bà tự tay trang điểm, bởi vì họ không có tiền mặt để tiêu vào bất cứ việc gì, mặc dù lối sống của gia đình cực kỳ sang trọng. Từ khi thất sủng hầu tước Del Dongo càng tâng cảnh sống quyền quý xa hoa. Chẳng hạn muốn lấn chiếm mười bước đất về phía hồ, nơi có rặng cây tiêu huyền nổi tiếng ở kế cận làng Cadenabia, ông cho đắp một con đê mà dự toán lên đến tám mươi nghìn francs. Ở cuối đê có một nhà nguyện dựng theo kiểu vẽ của hầu tước Cagnola nổi tiếng, một nhà nguyện làm toàn bằng những phiến đá hoa cương rất to, trong nhà nguyện, nhà điêu khắc thời thượng Marchesi đã xây cho hầu tước một sinh phần trên đó có vô số điêu khắc minh họa các chiến tích của tổ tiên ngài.
Người anh cả Fabrice, tiểu hầu Ascagne muốn được đi dạo chơi với các phu nhân. Nhưng bà cô cứ rảy nước lên đầu tóc rắc phấn và ngày nào cũng có một lời đùa bỡn vẻ đạo mạo của hắn. Rốt cuộc rồi hắn đành rút lui để cho toán người vui vẻ đó đỡ phải nhìn thấy cái mặt to bự và nhợt nhạt của hắn giữa bọn họ, cái toán người khi có hắn thì chẳng dám làm gì sất. Họ nghĩ hắn là mật thám của cha hắn và cần phải vị nể cái ông bạo chúa nghiêm nghị, lúc nào cũng giận dữ từ khi bắt buộc phải từ chức.
Ascagne thề sẽ trả thù Fabrice.
Một cơn bão xảy đến đã gây nhiều nguy hiểm. Dù có rất ít tiền, họ cũng thù lao những bạn chèo thuyền một cách hào phóng để chúng đừng thóc mách với hầu tước, hầu tước đã bực nhiều rồi về việc họ dắt hai con gái ông đi theo. Họ lại gặp một cơn bão thứ hai. Trên mặt hồ xinh đẹp này, bão tố thường bất ngờ và dữ dội, những luồng gió mạnh đột ngột thổi ra từ hai hẻm núi đứng ngược chiều nhau và các luồng gió đó giằng co nhau trên mặt nước. Nữ bá tước muốn đổ bộ giữa bão tố và sấm sét, bà cho rằng được đứng trên một mỏm đá cô lập hẹp như một căn buồng thì bà sẽ được chứng kiến một cảnh tượng hiếm có, bà sẽ được sóng cuồng vây hãm và tấn công từ bốn mặt.... Nhưng từ thuyền nhảy ra, bà rơi tõm xuống nước. Fabrice nhảy theo cứu và cả hai bị sóng nước cuốn ra xa. Chết đuối hẳn không đẹp đẽ gì, nhưng sự việc này đã làm cho buồn tẻ phải hẫng đi mà lánh khỏi tòa lâu đài phong kiến kia.
Nữ bá tước say mê tính tình cổ sơ và khoa chiêm tinh của ông abbé Blanès. Tậu chiếc xuồng xong còn chút ít tiền, bà đem mua hú họa một kính thiên lý nhỏ. Tối tối, cùng với hai cô cháu gái và Fabrice, bà lén ngự trên sân thượng một tháp cổ của tòa lâu đài. Fabrice là nhà thông thái trong bọn. Họ sống qua những giờ phút vui vẻ, xa cách bọn thám báo.
Phải công nhận là cũng có những hôm bá tước phu nhân chẳng chuyên vãn với ai, chìm đắm trong mơ mộng bà đi lại thơ thẩn dưới hàng cây giẻ cao vút, bà đủ thông minh để thấy rằng không trao đổi tâm sự với người ta thì cũng tẻ. Hôm sau bà lại nói cười như trước. Duyên cớ gây nên những cảm giác đen tối cho tâm hồn ưa hoạt động đó là những lời thở than của bà chị dâu:
- Có lẽ đâu - bà hầu tước kêu lên - có lẽ đâu ta lại để phôi pha chút xuân thừa trong tòa lâu đài buồn thảm nầy!
Trước khi nữ bá tước đến bà đâu có can đảm có những luyến tiếc kiểu ấy!
Mùa đông 1814 sang 1815, họ sống như vậy. Dù nghèo túng, bà bá tước cũng có hai lần về Milan. Để xem vở ba lê kỳ tuyệt của Vigano, trình diễn tại nhà hát Scala, hầu tước không cản trở vợ đi với em gái. Nữ bá tước đi cùng để lĩnh qũy lương cấp tuất ít ỏi, và chính bà qủa phụ nghèo xơ của viên tướng cộng hòa lại cho hầu tước phu nhân Del Dongo giàu nứt đó vay mấy đồng bạc khổ. Những cuộc du ngoạn ấy rất vui thích, họ mời cơm mấy bạn cũ, họ cười đùa thực sự như trẻ con và khuây khỏa những nỗi cơ cực ở đời. Cảnh vui vẻ có tính cách, đầy nồng nhiệt và lắm những bất ngờ đó làm quên vẻ u buồn mà con mắt của ông hầu tước và người trưởng nam gieo rắc ở Grianta. Mới mười sáu tuổi Fabrice đã có vẻ là ông chủ nhà lắm.
Ngày 7 tháng ba năm 1815, hai phu nhân vừa đi một vòng Milan thú vị về được hai hôm. Họ đi dạo trên con đường trồng tiêu huyền xinh đẹp, con đường vừa được đắp kéo dài theo mép bờ hồ. Một chiếc thuyền xuất hiện, từ phía Côme đi lại và làm những dấu hiệu lạ lùng. Một tên tay chân của hầu tước nhảy lên đê: "Napoléon vừa đổ bộ lên vịnh Juyăng.
Châu u thật thà lấy làm ngạc nhiên về sự biến đó, còn hầu tước Del Dongo thì không. Ông viết cho hoàng đế Áo một bức thư nồng nhiệt, nguyện hiến dâng tài đức và nhiều triệu bạc để phụng sự nhà vua và lặp lại rằng các bộ trưởng của hoàng đế là những người Jacobins thông đồng với bọn thủ lĩnh ở Paris.
Ngày 8 tháng ba, lúc sáu giờ hầu tước mang tất cả huân chương, phù hiệu lên người, rồi báo anh con trưởng đọc bản thảo một bức điện, bức điện chính trị thứ ba cho mình chép lại, ông thận trọng nắn nót nét chữ rất đẹp của mình để chép trên giấy có in chìm hình hoàng đế. Cũng trong lúc đó. Fabrice đến xin gặp bá tước Pietranera phu nhân. Anh nói:
- Cháu đi đây, cô ạ. Cháu đi theo Hoàng Đế 9, ngài cũng là vua nước Ý. Ngài quý mến chú bá tước nhà ta bao nhiêu! Cháu đi xuyên qua Thụy Sĩ. Đêm qua, ở Menaggio, bạn cháu Vasi người bán phong vũ biểu, đã cho cháu tờ hộ chiếu của anh ta. Bây giờ cô cho cháu ít đồng Napoléon 10 vì cháu chỉ có hai đồng mà thôi. Tuy nhiên, nếu cần thì cháu đi bộ.
Bá tước phu nhân khóc vì mừng, cũng vì lo ngại.
- Lạy Chúa! Làm sao anh lại nảy ra cái ý ấy! Bà ta vừa kêu lên vừa nắm tay Fabrice.
Bà đứng lên lại tủ áo lấy cái túi tiền đính ngọc trai cất giấu cẩn thận ở đấy, về của cải, bà chỉ có thế thôi.
- Cầm lấy- bà nói với Fabrice. Nhưng nhân danh Chúa, cô van anh đừng để cho bị giết đấy! Mất anh thì còn gì cho bà mẹ tội nghiệp của anh và cho cô? Còn như về sự thành công của Napoléon thì không có khả năng đâu, anh cháu tội nghiệp của cô ạ. Những ngài đó biết cách giết ông ta. Anh không nhớ cách đây tám hôm. Ở Milan, người ta kể đến hai mươi ba kế hoạch ám sát hoàng đế, cái nào cũng được trù liệu
Nữ bá tước nói về vận mệnh tương lai của Napoléon với Fabrice bằng một giọng hết sức xúc động. "Cho phép cháu đi theo Người, cô đã hy sinh cho Người cái gì thân thương nhất của cô". Mắt Fabrice ươn ướt, rồi anh khóc khi ôm hôn nữ bá tước, nhưng quyết định ra đi thì không lúc nào lung lay. Anh bồng bột giải thích cho người bạn chí thiết đó những lý lẽ xui anh ra đi, những lý lẽ mà chúng tôi mạn phép cho bà buồn cười.
- Tối hôm qua, lúc sáu giờ kém bảy phút, hai bố con cháu đi chơi trên đường trồng cây tiêu huyền ở bờ hồ, phía trên nhà Sommariva, như cô đã biết, và đi về hướng Nam. Ở đấy lần đầu tiên cháu nhìn thấy từ xa chiếc xuồng ở Côme đến, cái xuồng mang tin trọng đại kia ấy mà. Cháu nhìn chiếc xuồng, lúc ấy cháu không nghĩ gì đến hoàng đế, mà chỉ ước ao được đi lại đây đó như người ta. Bỗng nhiên cháu thấy trong người xúc động lạ thường. Xuồng cặp bờ, tên gián điệp thì thầm với cha cháu, mặt ông biến sắc, ông kéo chúng cháu ra để báo cái tin dữ dội. Cháu quay mặt ra hồ chỉ cốt để giấu những giọt lệ vui sướng trào lên đầy mắt. Bỗng nhiên từ trên cao tít tận trời xanh về phía bên phải, cháu thấy một con chim ưng, con chim biểu tượng của Napoléon, nó bay rất oai hùng về phía Thụy Sĩ, nghĩa là cũng về hướng Paris. Và cháu tức khắc tự nhủ: "Ta cũng sẽ vượt qua Thụy Sĩ nhanh như chim ưng, ta đến hiến dâng cho con người vĩ đại đó cánh tay yếu đuối của ta, nghĩa là không đáng bao nhiêu, nhưng chung quy là tất cả những gì ta có thể hiến dâng. Người đã muốn cho ta một tổ quốc và người đã yêu mến chú ta". Khi nghĩ thế, và lúc hãy còn nhìn thấy con chim ưng, mắt cháu đã ráo hoảnh, không biết do một tác động lạ lùng nào. Và cái điều chứng tỏ ý trời là cháu quyết định ngay lúc đó không cân nhắc, và nghĩ ra ngay các phương tiện để đi đường. Trong nháy mắt, tất cả những sầu thảm đầu độc cuộc đời cháu, nhất là vào những chủ nhật như cô biết, đều tiêu tan như có một ngọn gió thiêng liêng thổi bay đi, cháu thấy hình ảnh lớn lao của tổ quốc Ý đứng dậy từ dưới bùn nhơ mà bọn Đức dìm nó 11, đưa hai cánh tay đã bầm giập, một nửa hãy còn mang xiềng xích, lên vì vua của nó và là người giải phóng nó. Và cháu tự bảo: "Còn ta, đứa con vô danh chưa được người mẹ khốn khổ kia biết đến, ta sẽ ra đi, ta sẽ chết hoặc sẽ thắng cùng với con người được thiên mệnh chỉ định, con người đã sẵn lòng rửa nhục cho chúng ta, nỗi nhục mà những tên đê tiện nhất, nô bộc nhất châu Âu ném vào mặt chúng ta.
"Cô biết - Anh dịch lại gần nữ bá tước, hạ giọng nói thêm và nhìn bà với đôi mắt rực lửa - Cô biết cây giẻ tơ mà mẹ cháu tự tay trồng, bên cạnh cái giếng lớn trong rừng, ở cách đây hai dặm, vào mùa đông cháu ra đời, trước khi hành động, cháu đến thăm nó. Mùa xuân đến chưa lâu, cháu tự nhủ, như vậy nếu cái cây có lá, đó là một điềm lành cho cháu. Cháu cũng vậy, cháu phải thoát ra khỏi tình trạng tê dại khiến mình mòn mỏi âu sầu trong cái lâu đài lạnh lùng buồn bã này. Cô có thấy những tường thành đen sì, cũ kỹ ngày nay là biểu tượng, ngày xưa là phương tiện của chuyên chế, cô có thấy những tường thành ấy rõ ràng là hình ảnh của mùa đông buồn thảm hay không? Chúng nó đối với cháu cũng như mùa đông đối với cây giẻ của cháu.
"Cô có tin không, cô Gina? Tối hôm qua, lúc bảy giờ rưỡi, cháu tới thăm cây giẻ, nó có lá, những lá con xinh xắn đã khá lớn! Cháu hôn chúng nhẹ nhàng, không làm cho chúng đau. Cháu kính cẩn xới đất quanh gốc cây thân thương. Tức thời cháu thấy trong người rung động một niềm hưng phấn mới. Cháu vượt núi, cháu đến Menagio, cháu cần một hộ chiếu để sang Thụy Sĩ. Thời giờ nhanh vun vút, cháu đến cửa Vasi thì đã một giờ sáng. Cháu tưởng phải gõ cửa lâu hắn mới thức giấc, không ngờ hắn còn thức với ba thằng bạn. Cháu vừa mở miệng thì hắn đã kêu: "Mày đi theo Napoléon chứ gì!" Và hắn nhảy lên ôm cổ cháu. Mấy thằng kia cũng ôm hôn cháu sôi nổi. Một thằng than: "Sao tao lại có vợ nhỉ!".
Bà Pietranera đâm ra nghĩ ngợi, bà thấy cần nêu vài trở ngại. Giá Fabrice có kinh nghiệm thì hẳn anh đã thấy những lý lẽ hay ho mà nữ bá tước vội vã nói, chính là không tin. Tuy thiếu kinh nghiệm, anh thừa quyết tâm, anh không thèm để tai nghe những lý lẽ ấy. Chung quy bà bà tước chỉ còn mỗi một cách là buộc anh phải thưa với mẹ. Fabrice thét lên một cách kiêu hùng:
- Để rồi mẹ cháu nói lại với chị và em gái cháu và rồi các người ấy sẽ vô tình làm lộ chuyện cháu chứ sao!
- Fabrice! Hãy ăn nói một cách lễ phép hơn về cái giới ấy, cái giới sẽ giúp anh thành đạt, - bá tước phu nhân nói và mỉm cười qua nước mắt, bởi vì chắc chắn bọn đàn ông sẽ không ưa anh, anh bồng bột quá trước con mắt những kẻ tầm thường thông tục.
Bà hầu tước khóc khi nghe con mình có ý định lạ lùng ấy. Bà không cảm thấy tính cách anh hùng của hành động kia và làm hết cách để giữ con lại. Khi đã biết rõ là không gì giữ nó được trừ bốn bức tường của một nhà ngục, bà trao cho nó số tiền ít ỏi của bà, rồi bà nhớ ra còn chín mười hạt kim cương nhỏ mới có từ tối hôm qua, trị giá khoảng mười nghìn trăng, những hạt kim cương ông hầu tước trao cho để đem đi nhận nhẫn ở Milan. Trong khi bà bá tước khâu giấu kim cương trong áo đi đường của Fabrice thì chị và em gái anh đến. Anh không nhận những đồng tiền vàng hiếm hoi của họ, hai chị em tỏ ra hết sức hào hứng, họ ôm hôn anh vui vẻ ồn ào quá, khiến anh cầm mấy viên kim cương đang chờ cất giấu lên và đòi lên đường ngay. Anh nói với chị và em gái anh:
- Chị và em vô tình làm lộ chuyện tôi mất. Thôi, tôi đã có nhiều tiền thế thì cần gì mang quần áo theo, ở đâu mà không mua sắm được!
Anh hôn những người thân yêu đó rồi đi ngay, không muốn cả đến thăm lại căn buồng của mình lần cuối. Sợ bọn cảnh sát kỵ mã đuổi theo, anh đi nhanh đến nỗi vừa tối thì đến Lugano. Ơn Chúa, anh đã ở trong một thành phố Thụy Sĩ và không sợ bị bọn cảnh sát hành hung trên đường trường vắng vẻ nữa, bọn cảnh sát do cha anh mướn ấy. Từ nơi đó anh viết cho bố một bức thư hùng hồn. Hành động bồng bột non dại của tuổi trẻ ấy đã khiến cho ông bố có cơ sở để giận dữ. Fabrice đi xe trạm, vượt đèo Saint- Gothard. Cuộc hành trình diễn ra nhanh chóng và từ thị trấn Pontarlier, anh nhập cảnh đất Pháp.
Hoàng đế ở Paris. Ở đây bắt đầu những tai họa của Fabrice. Anh ra đi với quyết tâm vào bệ kiến hoàng đế, anh không bao giờ nghĩ là việc ấy khó. Ở Milan, anh trông thấy hoàng thân Eugène mỗi ngày hàng chục lần và cũng có thể hầu chuyện ngài nếu anh muốn. Ở Paris, sáng nào anh cũng đến sân điện Tuileries xem hoàng đế duyệt binh nhưng chẳng bao giờ anh có thể đến gần người. Người anh hùng của chúng ta tưởng rằng tất cả người Pháp đều xúc động sâu sắc về nỗi hiểm nghèo đe dọa tổ quốc. Ở bàn ăn khách sạn mà anh đến ở trọ, anh không giấu diếm gì lòng trung thành và những dự định của mình. Anh gặp những thanh niên hòa nhã đáng mến, hăng hái hơn cả anh nữa, và chỉ mấy hôm sau họ lấy ráo số tiền mặt của anh. Cũng may là vì khiêm tốn, anh không nói đến những hạt kim cương bà mẹ cho. Buổi tối nhậu nhẹt ầm ĩ với nhau, buổi sáng nhận thấy rõ ràng bị lấy cắp. Fabrice bèn mua hai con ngựa đẹp, mướn một anh lính cũ đang làm mã phu cho lão lái ngựa làm tùy bộc và thế là anh xông ra chiến trường lòng đầy khinh bỉ đối với bọn thanh niên Paris lém lỉnh. Anh chẳng biết gì về quân đội của hoàng đế, ngoài việc nó tập trung về mạn Maubeuge.
Vừa đến biên giới, Fabrice nhận thấy mình cứ ngồi trong nhà mà sưởi lửa thì thật là khó coi trong khi quân đội dã ngoại. Người tùy bộc của anh không thiếu lương tri, nhưng anh ta nói thế nào Fabrice cũng không nghe, dại dột chạy đến chen vào những trại cắm ở tận cùng biên giới, trên con đường đi Bỉ. Anh vừa đến tiểu đoàn đầu tiên đóng ở cạnh đường thì bị binh sĩ nhìn xoi mói, họ nhìn cái tên thanh niên tư sản mà quần áo chẳng có vẻ gì là quân phục đó. Đêm xuống, gió thổi rất buốt, Fabrice đến gần một đám lửa trại xin được trả tiền để trú ngụ. Binh sĩ nhìn nhau lấy làm lạ, lạ nhất là cái việc xin trả tiền, nhưng họ tốt bụng dành cho anh một chỗ bên lửa, anh tùy bộc làm cho anh một cái lều. Nhưng lát sau, một viên thượng sĩ của trung đoàn đi qua chỗ trú quân, binh lính đem nói lại với ông chuyện người lạ mặt nói tiếng Pháp không thạo. Viên thượng sĩ hỏi Fabrice, Fabrice nói về nhiệt tình của mình đối với hoàng đế, nhưng bằng một giọng lạ khả nghi, vì vậy viên thượng sĩ bảo anh ta cùng đi với ông đến vị đại tá đóng ở một trang trại gần đấy. Người tùy bộc của Fabrice dắt hai con ngựa đến. Lũ ngựa gây ấn tượng mạnh cho viên thượng sĩ, y đổi ý tức khắc và dò hỏi người tùy bộc. Anh này nguyên là lính cũ, đoán ngay ra kế hoạch tác chiến của người đối thoại, bèn nói đến những chỗ dựa dẫm, những thần thế của chủ và nói thêm rằng hẳn người ta không cuỗm những con ngựa đẹp của ông chủ đi. Tức thì viên thượng sĩ gọi một người lính đến tóm cổ anh ta, một người khác được giao chăm sóc hai con ngựa và dáng nghiêm khắc, y ra lệnh cho Fabrice đi theo y không cần lý sự gì cả.
Viên thượng sĩ dẫn anh đi bộ già dặn một dặm đường trong bóng tối càng có vẻ dày thêm bởi những lửa trại le lói ở khắp chân trời. Rồi y giao anh cho một viên sĩ quan cảnh sát, viên này trịnh trọng bảo anh đưa xem giấy tờ. Fabrice xuất trình hộ chiếu ghi anh là một người buôn phong vũ biểu mang hông theo người. Viên sĩ quan kêu lên:
- Chúng nó mới ngốc chứ! Thế này thì quá lắm!
Y xét hỏi Fabrice và anh nói về hoàng đế và tự do với những danh từ hào hứng nhất. Nghe thấy thế viên sĩ quan cảnh sát cười lăn cười lóc. Y hét:
- Ái chà! Mày chả khôn ngoan tí nào! Và bọn chúng quả đã làm quá đáng khi phái đến chúng tao những tên oắt con loại này!
Fabrice cố sức giải thích cho y biết quả anh không phải là người đi buôn phong vũ biểu, nhưng dù nói thế nào, viên sĩ quan cũng cứ gởi anh tới nhà ngục ở B, một thị trấn trong vùng. Anh đến đấy vào khoảng ba giờ sáng, giận dữ đến điên cuồng và suýt chết vì mỏi mệt.
Lúc đầu kinh ngạc, sau đó điên tiết, Fabrice chẳng hiểu gì hết về những sự việc xảy đến với mình. Anh bị giam ba mươi ba ngày đêm dài đằng đẵng trong nhà lao khốn nạn đó. Anh viết thư lên viên chỉ huy quân khu, thư nọ tiếp thư kia và nhờ người vợ viên quản ngục chuyển. Chị này là một phụ tá Flamande khỏe mạnh, ba mươi sáu tuổi, không muốn cho một thanh niên bảnh trai như vậy, lại đền công mình hào phóng như vậy bị bắn, chị ném tuốt những thư ấy vào bếp lửa. Buổi tối, khi đêm đã khá khuya, chị hạ cố đến nghe lời than vãn của người tù, trước chị đã nói với chồng là hắn có nhiều tiền cho nên viên quản ngục bật đèn xanh cho chị. Chị sử dụng quyền hạn đó và nhận được mấy đồng vàng, bởi vì viên thượng sĩ chỉ lấy ngựa, còn viên sĩ quan cảnh sát không tịch thu gì cả.
Một buổi chiều tháng sáu, Fabrice nghe tiếng đại bác giập giòn giã, nhưng khá xa. Chờ mãi mới có đánh chác đây! Tim anh nhảy rộn rã. Anh lại nghe tiếng động ầm ầm từ ngoài phố dội đến. Quả vậy, có một cuộc hành quân lớn, ba sư đoàn kéo qua thành B. Vào mười một giờ đêm, khi chị quản ngục đến an ủi Fabrice, anh càng tỏ ra đáng yêu hơn thường nhật, rồi nắm hai tay chị, anh nói:
- Chị giúp tôi ra khỏi nơi đây đi. Tôi lấy danh dự thề với chị rằng tôi sẽ trở lại nhà lao này khi chiến tranh chấm dứt.
- Đừng nhảm nhí nữa! Anh có kê 12 chứ?
Không hiểu tiếng kê, Fabrice lo ngại ra mặt. Chị quản ngục thấy vậy cho là nước đã cạn, đành chỉ nói đến những đồng francs chứ không nói đến những đồng Napoléon vàng như chị dự định. Chị bảo:
- Anh nghe đây. Nếu anh đưa tôi một trăm Francs thì tôi sẽ đặt một đồng Napoléon đôi lên mỗi con mắt của tên hạ sĩ đến thay phiên gác đêm. Hắn sẽ không thấy anh chuồn ra khỏi buồng giam. Nếu trung đoàn của hắn chuyển quân trong ngày hôm sau thì chắc chắn hắn sẽ nhận lời.
Giao ước được thỏa thuận mau chóng. Chị quản ngục lại còn vui lòng giấu Fabrice trong buồng mình để sáng hôm sau anh trốn đi cho dễ.
Hôm sau, trước bình minh, chị ta vô cùng cảm kích nói với Fabrice.
- Anh bạn nhỏ ơi, anh còn non trẻ quá, chớ làm cái nghề xấu xa ấy nữa. Anh hãy nghe tôi, đừng trở vào vành.
- Sao chứ? - Fabrice lặp lại ý của mình. Bảo vệ tổ quốc là phạm tội ác ư?
- Đủ rồi. Hãy luôn luôn nhớ là tôi đã cứu sống anh. Trường hợp của anh quá rõ ràng. Nếu không cứu, chắc chắn anh bị xử bắn. Nhưng anh đừng nói với ai, vì như thế sẽ báo hại vợ chồng chúng tôi mất chỗ làm ăn. Trước hết, chớ lặp lại cái chuyện bịa đặt tới về một anh quý phái người Milan cải trang thành người buôn phong vũ biểu, cái tích ấy khờ khạo quá. Này, nghe đây, tôi sẽ trao cho anh bộ quần áo của tên kỵ binh vừa chết trong ngục hôm kia. Anh phải hết sức tránh mở miệng nói năng gì. Tuy vậy, nếu một viên đội kỵ binh hoặc một sĩ quan xoay anh cách thế nào mà anh bắt buộc phải trả lời thì anh cứ nói là anh sốt ngã bên lề đường, được một nông dân làm phúc nhặt về và nuôi ốm lâu nay. Nếu họ chưa thỏa mãn thì nói thêm rằng anh đi tìm đoàn của anh. Vì giọng nói, có thể người ta bắt anh, lúc ấy nói anh sinh trưởng ở xứ Piémont và anh là một tân binh 13 ở lại trên đất Pháp từ năm ngoái..". Sau ba mươi ba ngày lộn ruột, lần đầu tiên Fabrice hiểu điểu bí ẩn trong mọi sự việc xảy đến cho mình. Người ta cho anh là gián điệp. Anh bàn luận với chị quản ngục, buổi sớm ấy chị tỏ ra hết sức âu yếm. Cuối cùng trong khi chị khâu hẹp bộ quần áo kỵ binh cho vừa người Fabrice, thì anh kể rõ chuyện anh cho chị nghe. Chị lấy làm ngạc nhiên. Chị tin Fabrice một lát. "Hắn ngây thơ quá! Lại rất xinh trai trong bộ quần áo kỵ binh."
Đã chừng nào tin anh, chị nói:
- Anh hăng hái muốn tham gia chiến đấu như thế thì sao khi tới Paris, không xin gia nhập một trung đoàn? Chỉ cần mời viên đội nào đó một bữa nhậu là xong.
Chị quản ngục còn khuyên bảo thêm nhiều điều bổ ích cho cách xử sự tương lai, và cuối cùng khi trời hửng sáng thì tiễn biệt anh sau khi bắt anh thề hàng trăm lần là dù đến bước nào, cũng đừng tiết lộ tên chị.
Fabrice ra đi hiên ngang, gươm kỵ binh cắp nách, nhưng vừa ra khỏi thị trấn, anh đâm ra băn khoăn. Anh tự bảo: "Thế này là ta mang quần áo và giấy hành trình của một kỵ binh chết trong ngục, mà hắn vào ngục là vì lấy trộm một con bò cái và mấy bộ đồ ăn bằng bạc! Như thế là ta kế thừa chân thân hắn... tuy không muốn, mà cũng không hay biết một tí gì trước! Coi chừng nhà ngục!... Điềm báo đã rõ ràng, ắt là ta phải chịu nhiều đau khổ về cảnh lao tù".
Chia tay với nữ ân nhân chưa được một tiếng đồng hồ thì trời bắt đầu đổ mưa, mưa to đến nỗi người lính kỵ đó không đi được vì lúng túng với đôi ủng thô kệch không phải đóng đế cho anh. Gặp một nông dân cưỡi con ngựa khổ, anh ra hiệu hỏi mua, chị quản lao đã dặn nói càng ít càng hay, vì giọng của anh khác lạ. Ngày hôm đó quân đội vừa thắng ở Ligny xong, đang kéo ùn ùn đến Bruxelles, trận Waterloo sắp diễn ra. Vào trưa, mưa rào vẫn không ngắt, Fabrice nghe thấy tiếng đại bác. Niềm vui sướng này làm quên hẳn những giờ phút tuyệt vọng ghê gớm gây nên bởi việc giam cầm oan uổng. Anh đi một mạch đến khuya, rồi vì đã bắt đầu biết khôn chút đỉnh, anh vào xin ngủ trọ ở nhà một nông dân cách khá xa đường cái. Người nông dân ấy khóc và bảo người ta đã lấy hết của y, Fabrice cho y một đồng écu 14, cho nên y tìm ra lúa mạch. "Con ngựa ta chẳng đẹp đẽ gì, tuy nhiên cũng có thể có tay thượng sĩ nào đó lấy làm vừa ý". Anh tự nhủ thế rồi đến chuồng ngựa ngủ ngay bên cạnh ngựa.
Hôm sau, một giờ trước khi trời sáng tỏ, Fabrice đã lên đường và con ngựa được mơn trớn vuốt ve đã chịu đi nước kiệu.
Vào khoảng năm giờ, Fabrice nghe tiếng đại bác nổ. Đây là tiếng pháo mở màn trận Waterloo.
Chú thích:
1 Ronsard: Nhà thơ Pháp lớn nhất thế kỷ XVI (1524-1585).
2 Abbé: Đối với một số từ về nhà thờ Gia tô, ở ta thường có hai từ tương đương: Một do mượn từ người Trung Quốc đã dịch, một do phiên âm trực tiếp. Khi từ dịch mượn không chính xác (ví dụ: abbé = tu viện trưởng) thì chúng tôi dùng từ phiên âm.
3 Nghĩa là: Chào đức bà Maria, Kinh cầu phúc và tạ ơn.
4 Trong cuộc viễn chinh đánh vào Nga bị bại, lúc lui quân vuợt sông Berezina, quân đội của Napoléon bị đuổi đánh đã mất một phần quan trọng vì mắc nghẽn ở bờ bên kia và chết đuối mặc dù đội công binh đã dũng cảm làm hết cách. Việc xảy ra cuối tháng 11-1812.
5 Năm 1814 Napoléon từ đảo Elbe còn trở về đuổi vua Louis XVIII đi, trị vì 100 ngày, rồi thua trận Waterloo và đổ hẳn năm 1815.
6 Jacobins: Những người cách mạng dân chủ hăng hái nhất. Trong cuộc Cách mạng dân quyền Pháp, những người hăng hái nhất nhóm họp ở tu viện dòng Jacobins, do đó họ lấy tên là Câu lạc bộ những người Jacobins. Tiếng này về sau có xu hướng trở thành danh từ chung như tác giả đã dùng.
7 Tiền vàng thời các vua Louis, về sau vẫn dùng. Giá trị độ 20 francs.
8 Nước cộng hòa do Bonaparte giúp thành lập năm 1797. Năm 1802 nó đổi thành nước Cộng hòa Ý và từ 1804 đến 1814, thành vương quốc Ý thủ đô là Milan.
9 Với người Pháp và người Ý tiến bộ thời ấy, Hoàng đế chỉ Napoléon. Hoàng đế của những người thân Áo là hoàng đế Áo.
10 Đồng vàng có khắc chân dung Napoléon, trị giá hai mười francs.
11 Đây là lời một nhân vật nồng nhiệt, anh ta đổi thành văn xuôi mấy câu thơ của nhà thơ Monte, nhà thơ Ý nổi tiếng về hùng ca và kịch thư (1754 - 1828).
12 Tiếng lóng để chỉ tiền bạc, vì thời trước Pháp có phát hành loại bạc khác hình con gà (kê: gà) biểu trưng của nước Pháp. Nguyên văn dùng guibus là tiếng bình dân để chỉ bạc đã đúc thành tiền tiêu dùng.
13 Sau trận đại bại ở Nga, Napoléon bắt nhiều lính mới ở Pháp và trên những đất nước ngoài mà ông còn kiểm soát. Năm 1814 bị thua trên đất Pháp và bị nội phản, ông thoái vị, quân đội tan rã thì đa số tân binh được giải ngũ, một số lần lữa làm ăn trên đất Pháp. Năm 1815, Napoléon trở về, lấy lại ngôi vua và lại bắt họ ra lính.
14 Écu: đồng tiền bằng bạc xưa trị giá 3 francs. Có thời có đồng écu đổi trị giá 5 hoặc 6 francs.
Tu Viện Thành Parme Tu Viện Thành Parme - Stendhal Tu Viện Thành Parme