The longer you wait for something, the more you appreciate it when you get it, because anything worth having is definitely something worth waiting.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Văn Siêu
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1109 / 17
Cập nhật: 2016-06-17 12:51:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3: Phúc Và Đức
gười ta sống, thi cử, thành lập gia đình, làm giầu, làm quan, cho đến cuối cùng là chết, đều một phần phải dùng đến cái tài của mình, tài thiên bẩm hay tự luyện ra, và một phần nữa phải nhờ đến sự may rủi.
Nhiều người không tài cán gì, nhưng luôn luôn gặp điều may nó đẩy tiền tài danh vọng vào tay. Nhiều người có tài có học uyên bác thì lại cả đời lận đận không gặp cái may nào. Và nhiều khi lại gặp toàn tai họa để phải nhìn nhận là “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Tai họa có khi do chính mình làm ra, có khi do người khác thù hiềm gây ra cho mình có khi là tai bay vạ gió để không sao ngờ được mà đối phó.
Không ai có tài mà cậy tài, mong ước gặp điều không may để có dịp thử sứccả. Ai cùng chỉ mong gặp may mà thôi. Những điềm báo điều may do kinh nghiệm lâu đời làm người nào cũng hồi hộp. Những điềm ấy như đom đóm, chuột rút, hoa đèn, nhện sa, chim khách, chó đá vẫy đuôi, lửa reo, máy mất, máy mới, nằm mộng v. v…, người ta dù tiến bộ, không chịu tin cả 10 phần nhưng thấy những điềm ấy cũng vẫn băn khoăn để chờ mong một cái gì.
Ngay cả ở thời đại mới đã tiến bộ về khoa học cũng vẫn có những cái may rủi mà sức hiểu biết của con người không thể ngờ và luận ra nổi. Tai nạn xe cộ, tai nạn máy bay từ trên trời rớt xuống, bom đạn tránh người, rồi người rủ nhau vào chỗ chết, những hiện tượng may rủi chỉ khác đi ở hình thức, còn nguyên lý vẫn như xưa. Để chính trong thời đại mới người ta cũng vẫn đặt vấn đề may rủi ra để băn khoăn thắc mắc.
May rủi là những đưa đẩy tình cờ, không do tính toán của con người, nó đem cái hay dở, lợi hại đến cho người ta, như những nước bài nước bạc, những trận mưa thình lình làm Napoléon thua quân ở Waterloo, (khi có tính toán, có sức người như ngọn gió đông của Gia Cát trong trận Xích Bích thì không phải là may rủi nữa).
Vậy những may rủi, đưa đẩy tình cờ ấy từ đâu mà có? Trong nền triết học Âu châu, người ta cho tình cờ là tính cách riêng của một biến cố không thể giải thích được hoặc bằng quyết định có tính toán của con người suy nghĩ và mong muốn, hoặc bằng một định luật khoa học nào, ngay cả khi người ta có thể giải thích những thành phần sự việc thật khoa học nó gặp nhau thì tạo nên biến cố ấy.[5]
Một cách định nghĩa nữa của họ về tình cờ là coi biến cố ấy ở tự thân của nó là cái gì không giải thích được?
Chúng ta không vội nói rằng triết học Việt Nam có tham vọng gì giải thích được cái tình cờ ấy. Nhưng giải thích cái nguyên nhân mà tình cờ ấy là kết quả thì người Việt vẫn đã giải thích bằng Phúc và Đức.
Đức là hành động cao quý của con người làm điều thiện tránh tội ác, chịu thiệt mình làm lợi cho người. Đức ấy vừa do chính mình làm
Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta trồng cây đức để đời mai sau.
vừa có thể do đời ông bà cha mẹ làm.
Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
và phúc là cái kết quả tốt đẹp do những điều thiện đã làm được gây nên.
Câu chuyện cổ về An Tiêm với bãi An Tiêm còn ở Thanh Hóa, chứng tỏ người Việt cổ quan niệm về Phúc và Đức này đã từ lâu đời, và người Việt tin như bây giờ người ta tin xung quanh người có không khí là nhất định phải có cái nhân quả ấy.
Nhân quả không mơ hồ như thường nói là đời cha ăn mặn đời con khát nước, mà thực là trông thấy nhãn tiền.
Quan niệm nhân quả, hơn một lời khuyên về luân lý, đã là những nhận xét rất thực tế. Những chuyện cổ tích có thể còn cho là những chuyện ngụ ngôn đặt ra để răn đời. Nhưng những điều may rủi xẩy ra hàng ngày quanh mình ta hay những người khác, thì thật thấy rõ là ở hiền gặp lành, hoặc có gặp dữ ấy cũng có giảm thiểu được phần nào tai họa, nhờ những duyên mai nào đó run rủi, và nhờ những ân tình nào từ lâu rồi, nó tự nhiên được gợi ra. Không có cái gì mất hẳn ở trên đời này. Một lời nói, một cử chỉ nhỏ một sự giúp đỡ người không đáng kể, một sự can thiệp chẳng nghĩa lý gì, với mình thì có thể chỉ là cho gió bay đi, với người thì lại có thể kết thành những gì là ân tình trọng đại, để rồi trong đầu người sẽ có một lúc kết tinh những thao thức phải báo đền lại những ân tình ấy mà chính mình không ngờ biết.
Trong cái đức đã có sẵn cái phúc vậy.
Câu danh lợi giai như thủy thương phù sa
Vãi phúc chủng duyên tận thị hung trung hoài bảo.
Đó là lời của sư Y Sơn đời Lý trong một bài văn phổ khuyên. Dịch là:
Câu danh chài lợi thẩy như bọt nổi trên sông.
Vãi phúc trông duyên đều cũng báu mang trong dạ.
Khi người ta làm điều phúc đức, chẳng hề ai mong muốn hưởng kết quả điều phúc đức ấy, như một sự đặt vốn để buôn bán có lời. Nếu coi là chuyện mua bán thì phúc đức đã không còn giá trị là phúc đức nữa. Sự Cửu Chỉ, đời Lý người chủ trương thuyết Tâm Pháp Nhứt Như đã có câu:
“Mọi phiền não trói buộc đều là không, mọi phúc tội thị phi đều hư chuyển. Cái gì cũng có nhân có quả. Không nên phân biệt nghiệp thế này thì báo thế kia, nếu một khi đã phân biệt thì không có tự tại nữa.”
Trong vấn đề của chúng ta, phúc đức, ta cũng không thể làm việc phân biệt ấy để như tự tay cầm lấy món lợi sẽ được hưởng sau khi tay kia đã làm điều thiện vậy.
Việc làm điều thiện, việc ăn ở có đức có nhân, là những việc tự nó, thấm nhuần vào thân xác, không lựa là người làm đi cao rao cho mọi người biết: “Phú nhuận ốc, đức nhuận thân”. Người có đức trông qua diện mạo đã biết. Đó là kinh nghiệm truyền đời mà phép xem tướng có thể gọi ra được. Nó là những nét bình thản, tự tại, trên gương mặt không gay gắt khắc khổ để phải đăm chiêu chiến đấu đè nén cái gì ở nội tâm. Đối với những người ấy, kẻ dữ tự nhiên nể nang không dám coi thường nếu những người ấy không may lọt vào vòng giam cầm của kẻ ác với nhiều người khác thì cũng có những gì huyền bí tiết ở người ra khiến kẻ ác nương tay, và nếu không may hơn nữa, người ấy có thể bị đánh, bị giết, thì chắc chắn cũng vẫn sẽ có cứu tinh tự nhiên ở đâu tới vào một giờ phút nguy kịch cuối cùng.
Điều không hiểu, như người Âu Châu không thể giải thích được chỉ là không hiểu cái nó sẽ tới nhất định thế nào. Chớ việc phải có một cái may gì đến cho người có đức thì là việc nhất định mà ai cũng tin chắc.
Người có phúc là người được hưởng thụ những may mắn trên đời như sức khỏe, tiền tài, danh vọng, tình duyên... Họ thường gặp những cái hay tự nhiên tới. Dù họ không khôn, không mưu mẹo mánh khóe để chụp giựt, thì lại càng vì cái không khôn ấy mà gặp những điều may hơn. Điểm đặc biệt nữa là kẻ kém phúc đức có ghen ghét lồng lộn cũng vô ích nếu lại cố tâm làm hại người ta thì chưa biết chừng là lại đem cái hay hơn đến cho người ta.
Trời cho ai nấy hưởng. Và trời hại ai mới phải chịu, người hại không ăn thua gì.
Đó là một tin tưởng phổ biến, nó lẫn lộn huyền bí với những gì là chứng nghiệm để dẫn đạo cuộc sống.
Tin tưởng phổ biến khác nữa ở từng cao hơn, thêm phức tạp hơn, là cái đức của ông bà cha mẹ có lưu lại cái phúc may cho con cái mà người ta gọi là phúc ấm truyền đời, là nhờ tổ ấm, nhờ phúc tổ. Tác giả Đào Duy Anh trong Việt Nam Văn Hóa Sử Cương cũng nhìn nhận cái nhân sinh quan lưu ấm là một đặc tính rất cảm động của văn hóa ta. Ông đã viết:
“Người thì hoặc cho nhân loại tiến bộ vô cùng nên loài người cần phải ra sức phấn đấu, tiến thủ (như người Âu Châu), hoặc cho nhân gian là mộng ảo, huyền ảnh, loài người không cần phải hành động làm gì (người Ấn Độ) hoặc cho nhân sinh là chốc lát (như bóng sổ, như gang tay) ta nên hành lạc kẻo già không kịp hối (như bọn khoái lạc chủ nghĩa). Người Việt Nam thì có cái kiến giải tầm thường và chắc chắn hơn, chỉ trông cậy vào con cháu để lưu truyền nòi giống và tiếp nối sự nghiệp của tổ tông. Người ta đã có quan niệm ấy thì sở dĩ làm điều thiện ở dời, sở dĩ có lúc hy sinh, không phải cốt cầu vinh nhục ở lai sinh (như nhà Gia Tô Giáo) cũng không mong giải thoát khỏi vòng luân hồi (như Phật Giáo) mà chỉ cốt lưu chút phúc ấm cho con cháu đời sau. Người có lòng ác cũng không sợ ngày thẩm phán cuối cùng hoặc là hình phạt ở địa ngục mà chỉ sợ con cháu bị ác báo mà thôi.”
Nhận xét sâu hơn một tầng nữa, ông Việt Tử trong bài Quan Niệm Phúc Đức đăng trong tạp chí Văn Hóa Á Châu số 3 tháng 6 năm 1958 có viết:
1) Quan niệm phúc đức có phải đã phôi thai từ thuyết luân hồi của phật giáo không?
2) Quan niệm đó có phải đã do ảnh hưởng của Khổng giáo mà thành tựu hay không?
Về câu hỏi thứ nhất, ta thấy rằng, Phật Giáo được truyền vào nước ta từ đời nhà Đường, nghĩa là từthế kỷ thứ sáu trong khi quan niệm phúc đức đã có lâu đến từ5ngàn năm, từ đời Hồng Bàng. Không kể vấn đề thời gian đó thì lý thuyết luân hồi và phúc đức cũng khác biệt. Phật giáo chủ trương diệt dục, diệt khổ và siêu thoát, còn thuyết phúc đức thì, trái lại, tìm cái phúc lộc ở ngay nơi trái đất này, mà không vin vào thiên đường hoặc niết bàn, hoặc trong một kiếp lai sinh.
Nhân quả của nhà Phật duyên trường cho chính cá nhân. Phúc báo của nhà Phật hiển hiện với nghiệp lực do cá nhân tạo tác, vậy mà quan niệm phúc đức lại di hệ cho con cháu thì tất nhiên quan niệm ấy không thể là biên chế của thuyết nhân quả luân hồi.
Về câu hỏi thứ hai, ta thấy rằng Khổng Giáo là một nền triết lý thực tiễn mà các tín đồ hiếu đễ, vô hậu xem ra rất phù hợp với quan niệm phúc đức. Tuy nhiên xét cho cùng, thì đạo Khổng là một triết lý thái cực với một nền luân lý và một áp dụng chính trị thực tiễn, lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, để đặt định những chữ đức mà con người cần phải thực hành, chớ đạo Khổng đâu có ý niệm về phúc báo.
Khổng Phu Tử chủ trương cải tạo xã hội, dùng chính trị để thành lập xã hội thanh bình, dùng ngũ thương làm nền tảng luân lý, dùng tam cương làm hệ thống, dùng trung dung làm mẫu mực, chớ vị thánh ấy nào nói đến cái dây vô hình từ đức đến phúc từ đời ông cho đến đời cha, đời cha cho đến đời con.
Cũng như thuyết nhân quả của nhà Phật, tín điều nhân nghĩa, lễ trí, tín của Khổng dầu sao cũng không mâu thuẫn với quan niệm Phúc đức. Bởi vậy tưởng chúng ta cũng chẳng nên lấy làm lạ rằng trong trí óc vẫn đã có cái quan niệm phúc đức của người Việt, thuyết nhân quả và tín điều kia vẫn được ân cần dung nạp (ở đây chúng tôi xét không cần đề cập đến lão Tử vì lẽ, lý thuyết hư vô, vô vi, tự nhiên của lão Tử không dính líu gì đến quan niệm phúc đức, một quan niệm khác xa với các đạo siêu thoát.
Chúng ta ghi nhận thiện chí của tác giả muốn minh định quan niệm về phúc đức là riêng của dân tộc, không chịu ảnh hưởng của hai nền văn minh Ấn Độ và Trung Hoa.
Nhưng ta cũng không nên cứng rắn quá mà cần nhìn nhận rằng phúc ấm truyền đời là cái nền chung về tin tưởng huyền bí của mọi dân tộc sống trong nền văn minh nông nghiệp mà đặc tính căn bản là nghèo, bắt buộc phải lá lành đùm lá rách, phải kẻ nọnhường cơm xẻ áo cho người kia để nhìn thấy trong những cử chỉ ấy cái gì là yêu thương, lễ nghĩa, liêm sỉ, hiếu thảo...v.v… Cái tính thiện của con người, hễ đã gọi là người, thì ở xã hội sơ khai nào cũng có cùng một xu hướng tin tưởng về phúc ấm, khi đã hiểu biết và tin chắc ở dòng dõi. Người dân ở xã hội nông nghiệp, khi nhận xét rằng hột nhãn sinh cây nhãn và trái nhãn, hột mít sinh cây mít và quả mít, thì tự nhiên phải có sự đinh ninh về rau nào sâu ấy, hổ phụ sinh hổ tử, con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Và khi đã đinh ninh như thế, thì cái đà nhận thức nó tự nhiên đẩy người ta đến chỗ nhân quả gần là cho ngay đời mình hưởng hay phải chịu, và xa là từ đời nọ di lưu đến đời kia.
Sự nhận xét có giống nhau về vật chất như diện mạo dáng dấp giữa cha mẹ và con cái, cũng như có giống nhau về tinh thần, như tính tình, thị hiếu đã phải có từ ngay khi các giống dân bắt đầu cuộc sống định cư và tụ hội nhau trong cùng một gia đình. Những thứ mà con cái được thừa hưởng của cha mẹ về vật chất thì dễ nhận ra và dễ ghi nhớ, nhưng đến những điều lành có hậu quả lành mà đời trước làm cho đời sau hưởng, hay ngược lại những điều ác cũng vậy, thì phải trải nhiều thời gian chiêm nghiệm. Dù nhiều thời gian, nhưng nhờ sự sống chung, nhờ sự ghi nhớ và nhắc nhở có mục đích răn dậy về luân lý của mọi người, rồi cuối cùng người ta cũng nhìn nhận phúc ấm truyền đời là cái gì có thực.
Cho nên về sau này có sự kiện người con hiển đạt thì cha mẹ được truy phong, ấy là nghĩ rằng cha mẹ đã có một đời tu thì con cái mới được hưởng phúc, ấy. Và sự truy phong là để cho người con được dịp báo hiếu, đồng thời để nêu gương cho mọi người.
Sự kiện ấy do Khổng giáo mang tới để cho thấy đạo Khổng có ý niệm về phúc báo. Nhưng riêng ở địa phương thì bản chất tin tưởng về phúc báo cũng vốn đã có sẵn từ xưa.
Mặt khác, tác giả Việt Tử nói về đạo Phật:
“Phật giáo chỉ chủ trương diệt dục, diệt khổ mà siêu thoát, còn thuyết phúc đức thì trái lại tìm cái phúc lộc ởhiện tại, ở ngay nơi trái đất này, mà không vin vào thiên dường và niết bàn, hoặc trong một kiếp lai sinh.
Nhân quả của nhà Phật duyên trường cho chính cá nhân. Phúc báo của nhà Phật hiển hiện với nghiệp lực do cá nhân tạo tác, vậy mà quan niệm phúc đức lại di hệ cho con cháu thì tất nhiên quan niệm ấy không thể là biến thể của thuyết nhân quả luân hồi.
Chúng tôi nhìn nhận tác giả có lý.
Câu chuyện nước mắt chảy ngược của bà Mục Liên Thanh Đế khi đắc đạo, đi tìm mẹ thì hồn mẹ còn bị giam ở địa ngục, và đưa chuối dâng mẹ ăn, mẹ vứt vỏ chuối xuống đất, kẻ đói khổ đến lượm để ăn, mẹ còn dí chân cho nát vỏ chuối ra, tỏ rằng người con đắc đạo ấy đã do công tu chứng của chính cá nhân mình mà không được hưởng phúc đức gì tại mẫu.
Câu chuyện khác của Phật Bà Quan Âm cũng do công tu chứng của chính bản thân, trong khi có những hành hạ tàn nhẫn của vua cha, để ngăn cản. Khi bà đắc đạo thì bà lại cắt tay khoét mắt cứu bịnh cha và cứu cha khỏi tai nạn cùng độ cho cả nhà. Thật đã rõ ràng ý niệm phúc ấm truyền đời không thấy được tính kể trong thuyết nhân quả của nhà Phật.
Sau này, có những lễ tục rằm tháng bẩy xá tội vong nhân, con cái lập đàn lễ cầu siêu cho cha mẹ, hay lễ độ vong trong một đám tang, ấy cũng là điều nước mắt chẩy ngược, mà nội dung không do Phật giáo mang tới. Phật giáo chỉ mang tới phần hình thức lễ nghi mà thôi, để dung hợp với những gì là tin tưởng cổ truyền của dân bản xứ.
Cả sự không nhắc nhở gì đến phần ảnh hưởng thần bí của tâm phân đối với con cái còn sống, xa lạ hẳn với lễ tục hỏa táng của đạo Phật, cũng lại càng thêm lý lẽ để ta nhận rằng nhân sinh quan lưu ấm quả thực là riêng của dân tộc ta.
QUAN NIỆM PHÚC ĐỨC TRONG ĐỜI SỐNG THỰC TẾ
Quan niệm này không còn chỉ ở địa hạt thuần lý, đã được thấm mà rất sâu vào đời sống thực tế, để ta có thể theo dõi mà thấy ảnh hưởng của nó.
1- LUẬT BẢO VỆ MỘ PHẦN
Theo luật Gia Long:
— Kẻ nào xâm phạm một ngôi mộ cho tới quan quách hoặc tiểu sanh bị phạt 100 trượng và đày đi 3.000 dặm.
— Kẻ nào xâm phạm làm biến đi một ngôi mộ cũng bị trừng phạt như vậy.
— Kẻ nào xâm phạm một ngôi mộ. Phá nát áo quần để lộ thiên xác chết bị tội giảo án treo.
— Nếu ngôi mộ xâm phạm là của thân thích nhà vua, của các vị đại thần, kẻ xâm phạm bị tội chém và các đồng phạm bị tội giảo.
— Nếu con cháu đàn em xâm phạm mồ mả ông cha, mồ mả đàn anh đến lộ thiên thi thể sẽ bị tội chém, án treo.
— Nếu những người này tiêu hủy thi thể, bán đất ngôi mộ cũng bị tội chém án treo.
— Những người mua đất ngôi mộ hoặc chứng kiến việc tiêu hủy thi thể mà không ngăn đều bị phạt tám mươi trượng: tiền mua đất xung công quỹ ngôi đất trao hoàn cho con cháu người chết.
— Ông bà và cha mẹ phá hủy mộ con cháu bị phạt trượng.
— Con cháu phá hủy mộ ông bà cha mẹ hoặc bỏ mặc thây xác người không chôn cất bị tội chém.
— Kẻ nào trong khi hun bắt cầy cáo chuột hoặc các con vật khác tại các gò đồng tha ma, vô ý xâm phạm tới mồ mả cháy quan quách của một ngôi mộ bị phạt tám mươi trượng và hai năm khổ sai.
— Kẻ nào san bằng gò đồng mộ phần người khác để làm vườn ruộng bị phạt 100 trượng và phải đào lại nơi san bằng theo tình trạng cũ.
Ấy là luật thành văn thể theo ý dân tôn trọng mộ phần vì tin có ảnh hưởng thần bí tới đời sống của con người.
Cũng vì tin như thế mà ngược lại, khi Lê Chất bị tội bạo nghịch phải lăng trì, nhưng đã chết thì bị truy đoạt cáo sắc, bổ áo quan, lục thây, khiêu thủ. Nhưng nhà vua nghĩ lại vì Lê văn Duyệt trước cũng bị tội mà chỉ san bằng phần mộ thôi, thì nay cũng làm như thế. Đối với hoàng Đế Quang Trung thì vua Gia Long còn xử tàn nhẫn hơn: Đào mộ lấy xương sọ về giam trong ngục thất.
2- NHỮNG TỘI CỦA CON LÂY ĐẾN CHA MẸ PHẢI CHỊU
Ờ trường hợp của Lê Chất bao nhiêu những cáo sắc phong cho cha mẹ cũng bị truy đoạt cả, Nếu cha mẹ còn sống thì cũng sẽ bị chịu những tội hình tru di tam tộc.
Đó là do điều suy luận rằng cái tội của con nhưng cũng là cái tội của người sinh thành dưỡng dục ở mọi phương diện thể xác lẫn tinh thần. Và vong hồn những kẻ bạo nghịch không thể tiếp tục ảnh hưởng đến dòng dõi của hắn nữa.
3- CON CÁI THI ĐỖ VINH QUY BÁI TỔ
Đó là cái lệ của triều đình đặt ra để con cái có dịp tỏ lòng hiếu kính đối với cha mẹ tổ tiên đã có công tu và để ân đức cho con nên mới đỗ đạt được.
4- CON NHÀ CA NHI KHÔNG ĐƯỢC ĐI THI
Cững là cái ý cho rằng không rõ đứa con ấy thuộc dòng dõi nào nên không nhìn nhận đứa con ấy vào hàng khoa bảng.
5- LỰA CON NHÀ DÒNG DÕI ĐỂ LẤY VỢ LẤY CHỒNG
Câu châm ngôn “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” là cũng để người đời thấy tầm quan trọng của việc chọn lựa người con trong những nhà có phúc đức có phẩm tước, ăn học như nhau mà thôi.
6- NGƯỜI CÓ ĐỨC LÀM MAI DONG VÀ CHỦ HÔN:
Trong một đám cưới bao giờ người ta cũng lựa người có đức đứng lên làm mai và làm chủ hôn. Người có đức là người tuổi tác, no vợ đủ chồng, đông con cháu, dồi dào tiền của. Người ấy đến đâu thì mang theo cái may đến đó. Trong bất cứ một bàn tiệc nào, kể cả tiệc cưới, người ấy cũng được trọng vọng. Đủ rõ xã hội trọng người có đức và mọi người đều lấy đấy làm gương.
7- ĐÁM MA CỦA NHÀ CÓ PHÚC ĐỨC.
Đó là đám ma có đông đúc con, cháu, chắt, chút, chít. Nhà được ngũ đại đồng đường là nhất. Còn tứ đại hay tam đại là được tiếng khen. Con cháu của những nhà có phúc đức ấy cũng lấy làm hãnh diện.
8- SỰ BUÔN BÁN ĐẶT TÊN HIỆU.
Buôn bán thì phải nói đến lợi rồỉ. Nhưng người ta cũng luận rằng muốn có lợi, muốn có may thì trước phải có đức đã. Cho nến các bảng hiệu buôn thường cũng dùng chữ trong có chữ phúc, chữ đức, để cho mọi người đều thấy người ta trọng cái giầu nòi chứ không phải cái giầu lỏi.
9- HÌNH TRANG TRÍ NHÀ CỬA CŨNG BẰNG CHỮ PHÚC
Phúc là chữ tên của con dơi. Thường ở khung cửa có chạm hình năm con dơi là ngũ phúc lâm môn, ở đầu hồi nhà cũng có đắp hình một con dơi. Cho đến bàn ghế, kỷ trà, hoành phi, câu đối, chỗ thờ, cũng như chỗ chơi, thường có hình con dơi cả. Tranh tam đa là đa phúc, đa lộc, đa thọ.
10- TÊN NGƯỜI CŨNG BẰNG CHỮ PHÚC.
Cả tên người, tên làng, tên thôn xóm cũng thấy rất nhiều tên có chữ phúc và chữ đức.
11- CHO ĐẾN VĂN CHƯƠNG CŨNG CA TỤNG PHÚC ĐỨC.
Mà câu chuyện hàng ngày ở cửa miệng mọi người cũng thấy thật là nhiều phúc đức.
Ông thầy thuốc đi chữa bệnh cho người ta, bằng kỹ thuật, cũng nhận phúc chủ lộc thầy. Người làm ăn khéo tính hay vụng tính công việc cũng nói: phúc chí tâm linh, họa lại thần ám. Người nói chuyện phiếm về tính tình của đứa trẻ: có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con thích trèo. Người bàn chuyện kiện tụng cũng: vô phúc đáo tụng đình, tụng đình rình anh vô phúc. Người tán tụng về sự chọn nghề cũng: có phúc thợ mộc, thợ nề, vô phúc thầy đề thầy thông.
Phúc đức tại mẫu. Phúc đức khán tử tôn. Phúc bất trùng lai họa vô đơn chí. Phúc thiên đãi phúc địa. Có phúc thì có phần. Có phúc lấy được dân hiền. Vô phúc lấy phải dân dại. Làm phúc phải tội.
Dẫu xây chín bậc phù đồ
Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người
Làm phúc như làm giàu. Làm phúc lại được phúc. Làm phúc không cầu được phúc. Lấy chồng nhờ hồng phúc nhà chồng. Làm phúc quá tay, ăn mày không kịp. Làm phúc nơi nao cầu ao chẳng bắc. Của người phúc ta. Phúc đằng hà sa. Vô phúc thiếu âm đức v.v...
Tóm lại, phúc và đức đã là chất keo sơn gắn liền con người Việt Nam vào cuộc sống vậy.
Truyền Thống Dân Tộc Truyền Thống Dân Tộc - Lê Văn Siêu Truyền Thống Dân Tộc