The pure and simple truth is rarely pure and never simple.

Oscar Wilde

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Văn Trương
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4771 / 75
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
oàn người ngựa từ Pa Kha đi về ngã Nam Cồ.
Trọng Khang tự biết phận mình bây giờ là một kẻ làm công, gò ngựa cho đi chầm chậm, để ông Nam Long, Khánh Ngọc và Giáp đi lên trước. Chàng đi lẫn vào với bọn thư ký và cai, nhưng chàng chẳng nói năng gì. Nếu có ai hỏi chuyện thì chàng trả lời một cách để cho không hỏi nữa.
Chàng thấy lòng buồn rười rượi. Nhưng cái buồn ấy đối với con người ấy, không phải là thứ buồn gây ra bởi sự so sánh cái địa vị thấp kém ngày nay. Chàng buồn vì không thể gây cho em gái một ngày mai tốt đẹp theo ý muốn đã định.
Xác ngồi trên ngựa, mà hồn thì bay về Hà Nội, về gian nhà mà chàng đã sống với em gái những ngày cực kỳ hạnh phúc. Những kỷ niệm đã chìm trong thời gian đều nhô dần ra để gieo thêm đắng cay vào lòng. Chàng hồi tưởng mấy năm trước đây, lúc cha chàng mất đi, rồi mẹ chàng vì không chịu nổi đau buồn cũng thụ bệnh. Khi hấp hối, mẹ chàng nắm tay Tuyết Vi gửi gắm cho chàng. Chàng đã thề trước cái xác chết yêu quý sẽ hy sinh tất cả để gây hạnh phúc cho em gái. Ai ngờ đâu...!
Tuy vậy, chàng cũng không nản lòng về ngày mai. Chàng tin rằng với tài sức mình, nếu gặp cơ hội thì cơ đồ lại nổi như chơi. Nhưng cái cơ hội ấy biết bao giờ mới đến? Năm nay em gái chàng đã hai mươi tuổi rồi. Vài, bốn năm nữa, một người con gái đã kể là già.
Ý nghĩ ấy làm cho Trọng Khang nóng sốt cả người. Chàng cắn răng để khỏi thở dài, nắm chặt lấy đầu yên ngựa để trấn áp sự ngứa ngáy nó thúc chàng cho ngựa phi nước đại.
Với chàng, thì giàu, nghèo, không cần; miễn sao được sống một cuộc đời khoáng đạt, một cuộc đời tự do và hoạt động là đẹp đẽ rồi. Nhưng đối với em gái chàng thì, một khi nghèo, cái hạnh phúc sẽ chẳng bao giờ đến cả.
Bao nhiêu cảnh đẹp bên đường, chàng chẳng trông thấy gì hết, chỉ toàn thấy những cảnh quẫn bách theo nhau để phá tan cuộc đời tươi vui của em gái chàng.
Vụt, bốn năm phát súng nổ liền. Chàng ngửng đầu, ngơ ngác nhìn lên phía trước như người vừa tỉnh một cơn mê ghê gớm. Chàng nghe rõ ràng tiếng Khánh Ngọc gọi chàng. Chàng vội thúc gót vào sườn ngựa cho phi. Chỉ một loáng đã tới nơi. Những tiếng súng mà chàng ngờ rằng báo một tai nạn, chỉ là những tiếng súng của Khánh Ngọc và Giáp bắn bia chơi với nhau. Chàng cau mày, khó chịu. Khánh Ngọc tay còn cầm khẩu súng, cười bảo chàng:
- Sao ông cứ đi tụt lại sau thế? Ông không lên mà xem tôi với François ngồi trên ngựa bắn cái thân cây kia, mỗi người mấy phát đều trượt cả. Ông thử bắn đi cho tôi xem nào.
Trọng Khang nhìn cái thân cây, cách chỗ mình đứng độ hai mươi thước.
- Ở cái đất giặc cỏ này, thiếu gì cơ hội để thử súng, hà tất phải bắn bia cho nó phí đạn. Nay mai qua con Tiểu-bạch-hà, đến rặng núi Mai-lin-phố, sài cứu 1 kéo ra hàng đàn, chỉ sợ không có đủ đạn mà bắn để bảo vệ tính mạng thôi.
Khánh Ngọc cho ngựa lại gần Trọng Khang:
- Đến lúc ấy sẽ hay, bây giờ ông hẵng bắn thử một phát cho tôi xem, chỉ một phát thôi.
Trọng Khang còn ngần ngừ thì Giáp đã bảo chàng:
- Thôi thì ông chiều cô ấy, không để nói lôi thôi mãi, điếc tai lắm.
Ông Nam Long cũng quay đầu ngựa lại:
- Thì ông cứ bắn thử đi, để chúng tôi xem có thể tin ở sự bảo vệ của cây súng ông không nào?
- Chỉ sợ cụ không cho chúng tôi được cái vinh hạnh ấy. Chứ nếu cụ đã có lòng tin thì quyết không khi nào tôi để cho nhỡ nhàng. Đây, cô trông... như cái thân cây ấy to và gần quá, tôi bắn vào cái mốc ở trên ngọn kia kìa.
- Bé thế sợ không tin. Và xa quá.
Trọng Khang giơ súng. Pẹt. Cành cây gẫy rơi ngay xuống.
Khánh Ngọc vỗ tay:
- Khá quá! Nhưng ông không ngắm tí nào mà sao lại trúng?
- Tôi bắn quen, đã có đà tay. Nếu tôi ngắm lâu thì có lẽ không trúng nữa, vì súng nặng, tay run.
- Ừ, có lẽ, khẩu súng của ông nặng gấp mấy của tôi. Mai kia, ông nhớ dạy tôi với François bắn nhé. Hình như ở cái đất này, cũng phải cần bắn giỏi thì phải.
- Cần lắm lắm. Nhưng dạy thì... cô cứ bắn mãi rồi tự khắc quen tay, chứ chẳng cần phải dạy.
Bọn người, ngựa đi sau đã theo kịp. Trọng Khang nhìn ngay thấy ông Phó vai vác súng tay dắt ngựa đi trà trộn ở trong. Chàng thúc ngựa tiến lại gần, cầm khẩu súng gõ lên đầu ông Phó.
- Tôi bảo ông không nghe, tôi bắn chết ông bây giờ đây này. Ông trốn ở đâu? Bây giờ ông ở lỗ nào dò ra đấy? Quay về ngay, không một phát súng, ông chết tươi ngay bây giờ. Ông làm khổ tôi vừa vừa chứ!
Ông Phó không trả lời, cũng không quay đi, chỉ ứa nước mắt, Khánh Ngọc thấy bọn người xúm xít, cũng cho ngựa tiến lại.
- Có việc gì đấy, ông Trọng Khang?
Trọng Khang chưa kịp trả lời thì ông Phó đã òa khóc, rồi vái Khánh Ngọc lia lịa:
- Lạy cô, cô cho con theo đi với. Con nấu bếp giỏi, con làm giỏi, con biết nói tiếng Xạ phang, con biết nói tiếng Nùng, con biết nói tiếng Mèo, con biết nói đủ các thứ tiếng. Lạy cô, cô cho con đi theo hầu cô vậy.
Khánh Ngọc chẳng hiểu đầu đuôi, quay nhìn Trọng Khang.
- Đây là người đầy tớ của tôi. Tôi đã đuổi ông ta về Hà Nội nhưng cứ nhất định trốn theo.
- Thì cho đi theo đã sao.
Ông Phó lại vái:
- Vâng, cho con đi theo thì con giúp được nhiều việc lắm. Đấy cậu con đã rõ, con biết cả cái vùng này như bàn tay con.
Trọng Khang quắc mắt:
- Theo để hầu ai?
- Hầu ai cũng được. Miễn là cho con đi theo.
Khánh Ngọc nhìn cái nét mặt sầu thảm của ông Phó, lại nhìn đến cái nét mặt băn khoăn của Trọng Khang:
- Thôi cứ cho hắn đi, ông ạ. Tôi xem hình như hắn mến ông lắm.
- Nhưng cái cảnh tôi bây giờ không phải là cái cảnh tôi ngày trước...
- Không sao. Ông cứ cho đi. Ông thôi đừng nghĩ đến việc ấy nữa. Ông già kia cứ đi với chúng tôi. Cậu ông bằng lòng rồi.
Trọng Khang lặng lẽ sóng cương đi cạnh Khánh Ngọc.
- Thì cho hắn đi theo để hầu hạ, có làm sao, mà ông phải nghĩ ngợi lôi thôi.
- Tôi không nói giấu gì cô, trước kia tôi cũng không đến nỗi nghèo, thầy trò vẫn ở với nhau không rời một bước. Nhưng bây giờ, tôi đã là người đi làm công, cô bảo lấy đâu mà bao bọc nổi cho y nữa. Y thì không bao giờ muốn xa tôi cả. Y ở với nhà tôi ngót bốn chục năm nay. Xa tôi thì y thấy khổ sở vô cùng. Còn tôi, cho đi theo, tôi cũng thấy khó chịu lắm.
- Việc gì mà ông phải khó chịu. Cho đi để hầu hạ ông có được không?
Trọng Khang cười nhạt:
- Đến cái địa vị này, tôi còn đâu dám nghĩ đến chỗ để cho ai hầu hạ mình nữa. Chẳng những không dám nghĩ, mà tôi cũng không muốn nữa. Con người ta ở cảnh ngộ nào thì phải xử theo cảnh ngộ ấy.
- Tuy thế, nhưng y là một người nghĩa bộc, nên mới không muốn bỏ chủ trong lúc thất thế. Có dăm ba người nữa theo, ba tôi cũng không nói gì đâu. Để rồi tôi sẽ bảo ba tôi. Vả lại y thông thạo vùng này như thế, y cũng giúp được nhiều việc.
Tiếng Giáp ở đằng trước gọi. Khánh Ngọc quất ngựa tiến lên. Trọng Khang không theo. Ngựa đi được một quãng ngắn, không thấy Trọng Khang, nàng quay lại:
- Ô hay! Sao ông không đi lên cùng với chúng tôi. Đi lên đây nói chuyện cho vui.
Lúc ngựa Trọng Khang đến gần, nàng vui vẻ bảo:
- Chúng tôi không ai coi ông là người làm công đâu, ông đừng có e ngại. Ta cứ coi nhau như những người bạn cùng đi đường xa, như thế thì nó vui vẻ hơn.
Rồi lúc lại gần ông Nam Long, nàng cười khanh khách hỏi cha:
- Đố ba biết tại làm sao ông Trọng Khang cứ đi tụt lại đằng sau? Ông ấy giữ lễ đấy. Ông ấy tự cho mình là một người làm công. Ông ấy bảo ông ấy hộ vệ cho ba mà ông ấy không đi liền thì nhỡ có việc gì, làm sao ông ấy hộ vệ cho kịp.
Nam Long biết con gái thích nói chuyện với Trọng Khang liền bảo chàng:
- Ông không cần phải bày vẽ ra thế. Ông cứ đi chung với chúng tôi cho vui. Ông biết rõ vùng này khi đi đến đâu, có phong cảnh gì đẹp, ông bảo cho cháu nó chụp.
- Phải đấy, lúc con ở Hà Nội, con đã hứa với các bạn con sẽ chụp đủ năm trăm phong cảnh thật đẹp. Nếu không đủ thì con có quyền bắt đền ông Trọng Khang. Nhưng nào đã thấy phong cảnh gì đẹp đâu. Người ta bảo đường khó đi, nhưng có khó đi tí nào đâu?
- Đường khó đi thì khi sang phà Khấu Chẩn rồi cô sẽ biết. Còn phong cảnh đẹp thì chừng một cây số nữa đến Nàm Cồ, cô sẽ tha hồ mà chụp.
- Thì ông hẵng nói qua cho tôi nghe.
- Nói thì nó mất cái thi vị đột ngột đi. Chốc nữa đến con đường rẽ sang Khấu Chẩn, tôi sẽ đưa cô đi xem một chỗ gọi là Sủi-ón-lừng 2. Ở đó, đã có hàng nghìn án mạng thê thảm xảy ra. Ai chết đều mất tăm.
- Tôi thích những sự ghê gớm như thế. Nhưng thôi, ông đừng nói nữa. Nói hết rồi thì khi đến xem nó mất vị đi. Tối hôm nay, tôi chắc có nhiều chuyện để biên vào nhật ký.
Trọng Khang cười tủm:
- Nếu tối hôm nay ta sang qua biên giới, nghĩa là qua dốc Khấu Chẩn mới đóng trại để nghỉ, thì tôi đánh cuộc với cô, cô không còn hơi sức đâu để viết nữa. Mà có lẽ bữa cơm tối, cô cũng không muốn ăn nữa, hay chỉ là ăn gượng không thấy ngon.
- Ồ, đường gập ghềnh đến thế cơ à? Nếu thế thì tôi thích lắm. Xưa nay, tôi chưa biết sự mệt mỏi là gì. Và cả anh Francois cũng thế.
- Thế thì lần này cô với ông François sẽ được vừa ý.
- Chúng tôi cũng mong như thế. Nhưng tôi ở Pháp về chỉ mới biết sự mệt mỏi sau khi đánh quần để tranh giải championnat mixte. Kể lần ấy cũng đã mệt đấy chứ, anh François nhỉ?
- Cũng khá. Lần ấy có lẽ là lần mà chúng mình mệt nhất.
Ông Nam Long đã đi qua con đường này hai lần, lúc sang xem công việc, liền cười:
- Tôi chỉ sợ lần này, anh nẩy đom đóm mắt, rồi anh không dùng đến tiếng mệt nữa. Lúc ấy, phải dùng đến tiếng lả. Sáng mai, dậy lên ngựa, anh tưởng người anh nặng đến nghìn cân. Này Marie, ba đã bảo không đi được, con cứ nằng nặc đòi đi, có mệt nhoài, đừng có kêu ca đấy nhé.
- Không bao giờ con kêu ca. Con xin đi với ba là chỉ để cho biết cái mệt ghê gớm mà ba đã tả là thế nào thôi. Giá ba không nói đến những nguy hiểm và đường đá cheo leo thì có lẽ con cũng không đòi đi đâu.
- Ừ, rồi con sẽ được biết. Sự tập thể thao của con chỉ là những trò trẻ thôi. Mệt con nghỉ được. Chứ đằng này, muốn nghỉ cũng không thể nghỉ. Con sẽ hiểu: tập chơi với làm thực là hai thứ khác nhau. Suốt ngày phải dầm mưa, dãi nắng với nghỉ cả ngày ở nhà, bốn giờ chiều mới ra sân đánh quần, nó xa nhau như cái pháo tép với khẩu súng. Đời ba vất vả đã nhiều, ấy thế mà lần đầu ba lên dốc Khấu Chẩn, ba cũng tưởng chừng như đứt hơi. Ba nằm vật ra gần một tiếng đồng hồ, rồi mới nói được. Hôm ấy không mưa, nếu mưa thì chưa biết còn mệt đến thế nào. Những bạn thể thao của con, ăn dưng ngồi rồi, tập tành được cái ngực to, cái đùi nở, đã tưởng rằng sức lực của mình ghê gớm lắm. Tóm lấy lũ ấy, bắt trèo, hay chỉ bắt xuống dốc Khấu Chấn thôi, họ sẽ thấy cái sức lực mà họ khoe khoang là một thứ đáng xấu hổ.
- Con hiểu ba rồi, ba muốn nói là người ta cần phải mó tay vào việc mới rõ ai là thế nào chứ gì.
- Chính thế. Cái sức lực và cái tài trí có đem ra ứng dụng vào việc đời mới biết ai hơn, ai kém. Chứ ở nơi đất bằng, ai cũng có thể nói là mình tài giỏi cả.
--------------------------------
1 Một thứ chó sói hay ăn mắt người ở phía Đông tỉnh Vân Nam.
2 Long âm thủy.
Trường Đời Trường Đời - Lê Văn Trương Trường Đời