Số lần đọc/download: 1217 / 28
Cập nhật: 2016-01-30 21:45:11 +0700
Chương 4
D
ân làng Na Phô trong khu căn cứ du kích thường chèo thuyền đánh cá dọc sông Xê Ban. Hôm nào hiếm cá phải đi xa, đến một chỗ dốc mòn từ trên rừng xuống bến, họ nhìn nhau hất hàm: "Xẩm-nắc-ngan" (cơ quan). Chỉ biết thế, chứ cơ quan gì không rõ. Lắng tai nghe, có tiếng máy kin kít, xoèn xoẹt, có cả tiếng gì như tiếng ô tô kêu rù rù. Càng biết nhiều càng phải giữ miệng, nó ngứa ngáy khó chịu lắm, nên không ai muốn hỏi thêm, thấy thêm cái cơ quan ấy.
Quãng bờ sông ấy rậm và vắng. Rừng vầu dài hơn chục cây số, đan ngọn cong vào nhau chằng chịt thành vô vàn cái cổng chào. Trần lá bịt kín trời, nhưng dưới đất quang quẻ dễ đi. Ủy ban kháng chiến mặt trận Tây Nam đóng tại đây. Ban chỉ huy Quân tình nguyện cũng ở gần bên. Dưới vòm lá xanh, bộ óc của mặt trận Tây Nam ngày đêm làm việc.
Trong một cái lán nhỏ và cao lợp tranh, có hai người ngồi đối mặt cúi xuống tấm bản đồ trải trên bàn tre. Họ mặc giống nhau: phạ-xà-lùng (7) xanh đỏ, sơmi nâu. Một người dong dỏng cao, lưng hơi còng, râu lốm đốm bạc. Người kia béo lùn, tóc húi cua trắng gáy. Họ nói tiếng Lào, trầm ngâm như đang đánh cờ.
- Cộng thử xem bao nhiêu mừn gạo?
- Chín trăm mừn. Chưa đến mười một tấn.
- Còn bao nhiêu thuyền chưa về nhỉ?
- Tám chiếc. May lắm được ba tấn. Sợ không được.
- Chết thật!
Thông Phun gãi mớ râu nhọn, cứng. Ông chủ tịch Ủy ban kháng chiến có dáng dấp một nhà triết học. Nụ cười hiền, cử chỉ đắn đo, kiểu đi vắt tay nom ra người lận đận.
Trái lại, trung đoàn trưởng Tuyên quen nói nhanh, đi vội, cười to, đứng nói trước bộ đội thì cứ mỗi câu kèm một tiếng khịt mũi. Cán bộ chung quanh thường gọi đùa đồng chí trung đoàn trưởng kiêm bí thư Đảng ủy Quân tình nguyện là "ông xã đội".
"Ông xã đội" đang nhăn nhó:
- Kiếm đâu ra sáu tấn gạo nữa bây giờ?
- Có thể rút bớt khẩu phần cơ quan...
- Bốn lạng một ngày, rút xuống ba... Không ăn thua. Hay chúng mình nhịn quách vài tháng cơm?
- Làm tội anh đi! Người ta lo cuống lên lại còn giỡn. Tôi gầy ăn hết mấy. Béo như anh, nhịn thừa khối gạo.
Trung đoàn trưởng Tuyên cười phì phì híp mắt, cái cổ ngắn lắc lư. Tếu cho vui, chứ anh lo không kém Thông Phun. Trung đoàn 217 đang hành quân trên đất Lào. Những dấu mũi tên đỏ trên bản đồ cứ nhích dần về phía sông Xê Ban, mà gạo chiến dịch chưa kiếm đủ. Hai đại đội Itxala, một đại đội Tình nguyện đang tỏa đi mua thóc, giã gạo, tải về mặt trận bộ.
Ngay trước lán, hai con voi lách qua giàn lá vầu như tàu thủy rẽ nước, trên bành chất ngập những giỏ tre lót lá mạy cung to bằng cái quạt. Rồi một đàn trâu mộng bám nhau kéo xe quẹt sồn sột diễu qua. Rồi tiếp đến bầy ngựa thồ lùn tè, mỗi con cõng hai bao tải trĩu lưng... Gạo! Rất nhiều gạo kìn kìn đổ về mặt trận bộ, như những dòng thác trắng chảy ngầm dưới lá xanh, từ các làng tuôn về đây. Vẫn chưa đủ. Tuyên quay lại gọi tham mưu trưởng Đặng đang nằm trên cái võng treo giữa hai cột lán, tờ báo che lấp nửa người:
- Này Đặng, thiếu gạo to đấy. Dậy!
Đặng buông tờ báo, ngáp dài:
- Các ông nói tiếng Lào, tôi hiểu gì mà bàn góp... Gạo thiếu thế nào?
- Ban cung cấp không báo cáo với cậu à?
- Báo gì, có mà báo hại báo đời. Chỉ thấy mặt ông cung cấp nhăn như bị. Lần này hết khoe tài cơm áo gạo tiền nhé. Cứ nói đến "tham mưu chỉ đạo hậu cần" là cu cậu lu loa kêu bị động!.
Tuyên cau mày, máy môi định nói gì, lại thôi. Thông Phun mỉm cười kín đáo. Anh không nói tiếng Việt, nhưng nghe hiểu cả, đọc cũng thạo. Đặng mới ở Việt Nam lên, đã hai lần cãi giằng co với Tuyên trước mặt anh vì ngỡ rằng anh không biết tiếng Việt. Đồng chí mật mã lẳng lặng đến cạnh bàn, trao cho Thông Phun hai mảnh giấy. Anh đọc lướt qua mảnh đầu, trên mặt thoáng một nét buồn:
- Đội trinh sát chúng tôi lại hy sinh hai người. Vào đồn vấp mìn. Một trung đội trưởng bị thương nặng, e khó sống.
Tuyên gõ gõ ngón tay trên bàn. Anh biết Thông Phun đau đớn lắm. Lần thứ ba rồi, đội trinh sát Itxala mất người. Họ gan góc, bình tĩnh, nhưng thiếu kỹ thuật vào đồn. Đội trưởng Văn Thon đi với đội chuẩn chiến 3 của Lương để rút kinh nghiệm. Nhỡ Văn Thon có làm sao thì Tuyên sẽ ân hận mãi. Nhưng Thông Phun đã đẩy sang tờ giấy thứ hai, giọng vui hẳn lên:
- Điện của CC3! Kết quả tốt, rất tốt.
Bức điện viết bằng tiếng Lào phiên âm ra chữ La tinh: Thwngr hongbawnxakan xanamrroops... (8) Tuyên đọc và dịch cho Đặng nghe:
- Ở lại thêm một ngày... Điều tra binh đoàn Âu Phi mới từ Sài Gòn lên... Báo cáo số năm xong... Tám ngày nữa về đây, vị chi đúng hôm trung đoàn đến. Hay lắm! Ăn khớp như máy đồng hồ!
Trong cái mừng của Tuyên có lẫn ý nghĩ: "Văn Thon không hề gì". Hình như Thông Phun cũng nghĩ thế, nhưng không mừng bằng Tuyên.
Đặng chen vào một câu lơ lửng:
- Cái hạn tám ngày ấy, tôi quy định đấy. Phải thế mới khuýp nhau được. Tôi cũng điện hướng dẫn thêm cách điều tra Âu Phi cho Lương hôm qua.
- Ờ, chu đáo đấy. Hoan hô tham mưu!
Thông Phun lại gãi râu, hơi mỉm cười nhìn Đặng. Vốn trước là nhà giáo kiêm nhà thơ, Thông Phun quen nhận xét những khía tế nhị trong tính nết những người chung quanh, và đôi khi buông một câu châm biếm nhẹ nhàng. Nhưng đối với Đặng, anh chưa quen mấy nên còn dè dặt. Anh nghĩ một lúc, rồi nói ngập ngừng:
- Trung đoàn dừng lại đây dăm hôm mới đủ thời gian học tập và nghỉ chân. Nhưng nếu có thể rút ngắn đi một hôm chẳng hạn... chỉ sợ anh em mệt...
- Đúng, phải đánh nhanh. Phải rồi!
Tuyên vơ bút chì, phác vội một con toán. Anh tươi hẳn lên:
- Đánh nhanh sẽ giải quyết được vấn đề gạo. Anh nói đúng. Có lẽ ta chỉ giữ trung đoàn lại đây hai ngày là đủ. Anh ở nhà chạy gạo, tôi đi hỏa tốc đón bộ đội cách đây năm ngày đường để nắm tình hình đơn vị, tổ chức học tập các chính sách luôn dọc đường, bàn luôn kế hoạch đánh Pà Thạc với cán bộ. Về đến đây là mọi việc đã xong một nửa. Vừa gặp đội CC3, nghiên cứu báo cáo số 5, phổ biến kế hoạch trong hai ngày, cho xuất quân luôn. Được không?
- Bộ đội hành quân hàng tháng trời, chỉ nghỉ hai hôm.
- Không sao đâu. Bảo đảm không mất sức. Đánh xong anh cho một chầu khao quân nhé!
Thông Phun cười lặng lẽ, gật đầu: "Khao chứ!"
Thông cảm nhau, làm việc thật là dễ. Ba năm nay công tác chung một mặt trận với Tuyên, anh quý Tuyên như bạn thân, như em ruột. Anh ngại nhất cái nghi ngờ để bụng, giữ miệng với nhau. Mà Tuyên thì bụng để ngoài da, không đồng ý cứ nói toạc ra ngay, thấy sai sót là phê bình thẳng cánh. Đôi lúc anh muốn rủ Tuyên buộc chỉ cổ tay kết làm xiều (9) với nhau, rồi lại thôi. Làm thế nó có vẻ phong kiến. Cái áo nâu với cái phạ-xà-lùng Tuyên đang mặc, chính là của anh cho. Anh nói giễu: "Ra ngoài nhân dân gọi là phù coong, về nhà bộ đội gọi là nai phôn, mà áo quần cứ như lá chuối khô, không trông được... Con gái Lào để ý anh lắm đấy". Tuyên cười, nhận bộ áo quần. Anh cũng thấy mình lúi xùi quá thật.
Tuyên gọi Đặng ra về. Đi mấy bước, anh quay lại hỏi Thông Phun:
- Cuốn Lịch sử nước Lào anh viết đến đâu rồi?
Thông Phun chỉ một ngón tay vào bụng:
- Gạo!
- Hừ, chạy gạo vẫn cứ viết chứ!
- Sách lịch sử chưa cần gấp bằng tập báo cáo số 5.
Tuyên vẫy tay:
- Bảo đảm báo cáo về đúng hẹn. Anh cố viết nốt đi. Thi đua nhé?
- Đồng ý. Tôi thêm một chương, hôm nào về anh xem.
Lán của Tuyên cách độ nửa cây số. Cũng một kiểu lán vầu lợp tranh, chỉ khác là sàn nằm cao quá tầm tay với, sát vào mái nhà. Dựng lán như thế được lợi là họp hành bên dưới sàn không phải cúi đầu, lại đúng với cái thuyết của đồng chí quân y trưởng cho rằng muỗi anôphen không bay cao quá mặt đất một thước rưỡi. Qua thực tế, muỗi vẫn bay lên đốt Tuyên đến sưng người, nhưng cái lợi thứ nhất quả là có thực.
Tuyên xếp giấy tờ quần áo vào cái phạ phe, ướm thử ngang lưng. Đồng chí cần vụ quen tính Tuyên, chỉ hỏi:
- Đi mấy ngày ạ?
- Mười hôm. Cậu mời hộ thường vụ Đảng ủy họp ngay. Khoảng một giờ, mời các trưởng ban đến hội ý.
Đặng vơ tờ báo, bỏ đi, lẩm bẩm mấy câu về những ông chỉ huy làm việc không có giờ giấc. Ở phòng tham mưu trên khu đừng hòng gọi cán bộ vào giờ trưa này! Một nỗi bực khác là mỗi lần Đảng ủy họp, anh phải đi vắng, nhường lán cho Tuyên. Trong Đảng ủy có hai tiểu đoàn phó, một đại đội trưởng. Còn anh, tiểu đoàn trưởng lâu năm, làm tham mưu trưởng mặt trận như cấp trung đoàn phó, tuổi Đảng không kém ai, lại nằm ngoài Đảng ủy mặt trận! Lâu lâu ý nghĩ khó chịu này lại một lần quay về, day dứt Đặng, khiến anh đâm ra bẳn tính mất từ một buổi đến vài ngày, rồi khuấy đi.
Đặng đi sang lán điện đài, trèo lên sạp đọc nốt tờ tạp chí Thời mới. Tuyên xuống bếp ăn quàng mấy bát cơm nguội với mắm pa đẹc. Hai lạng một bữa, sao cơm có vẻ hơi nhiều. Anh chợt nhớ ra mỗi lần ăn chung với cơ quan thì phần cơm chia còn đúng suất,.nhưng khi anh đi đâu về ăn sau thì cơm được những ba bát. Phải hỏi lại anh em, bảo họ bỏ cái lối tây vị ấy đi...
- Anh ạ!
Tuyên quay lại. Cô y tá Soan đứng sau lưng anh, mỉm cười. Soan mặc váy. Lào đen, sơmi đàn ông, xách một nải chuối xanh. Tóc buộc túm đuôi chồn sau gáy bằng mẩu vải quân trang cũ. Đôi mắt tròn, to, hơi xa nhau như mắt búp bê, cứ nhìn anh trân trân. Tuyên luống cuống đánh rơi một chiếc đũa, đưa tay quệt mồm:
- Soan đi đâu về đấy?
- Em đón thương binh, đón hụt anh ạ. Ai lại chở đến nửa đường, anh ta đùng đùng xách ba lô trở về đơn vị, không can được. Mang cho các anh nải chuối nấu canh.
Tuyên vớ bi đông rót nước uống. Anh lại bình tĩnh. Anh đưa Soan lên nhà, mời Soan ngồi xuống võng. Dây võng đứt đánh sựt, thả Soan ngồi xuống đất. Soan cười phá lên. Tuyên nóng bừng cả mặt mũi chân tay, mắng thầm mình không tiếc lời.
- Tại em nặng cân đấy... Đội anh Lương bao giờ về hở anh?
- Sắp thôi. Độ mươi hôm. Kết quả tốt lắm. Chúng tôi định tuyên dương toàn mặt trận đấy.
Mặt Soan lấm tấm những tia vàng. Soan cười ngượng nghịu:
- Anh... Anh Khiêm thế nào chả biết... Vâng, chả dạo trước anh ấy bị thương chữa ở bệnh xá, chưa khỏi đã bỏ về bộ đội mà.
- Các tướng ấy vẫn thế. Khiêm hăng lắm, vào đồn như đi chợ. Chỉ phải cái hơi tếu...
Bên tai Tuyên có ai cứ hỏi ghẹo: "Thế nào? Nói đi chứ!" Nhưng anh vẫn nhìn Soan, kể chuyện Khiêm, và nghĩ đến cái câu không chịu ra khỏi miệng mình.
Các Đảng ủy viên lục tục đến. Soan chào, ra về. Một đồng chí ngó Tuyên cười mủm mỉm. Tuyên chột dạ: "Chúng nó biết!" Anh ngồi vào bàn, lật sổ tay, nói một mạch không lấy hơi:
- Mời các đồng chí vào. Công việc khẩn trương đấy. Tôi xin báo cáo kết quả cuộc thảo luận với ủy ban kháng chiến về kế hoạch mở chiến dịch Pà Thạc...
Dưới bến sông vọng lên tiếng cười lanh lảnh. Tuyên nghĩ vội: "Soan đi thuyền, mà sông nhiều thác dữ...".' Anh vẫn tiếp tục báo cáo đều giọng. Nghe Đặng thì thào sau lưng: "Soan bột... cũng sắp sắp...", Tuyên vụt đỏ tai, ấp úng mất vài giây.
o O o
Một đàn voi nào đông lắm đang tập đi đều trên hai bờ sông Xê Ban. Từ sớm tinh mơ đến tối, đến khuya, tiếng bình bịch cứ rền chuyển đất, từ làng này vẳng sang làng kia như gọi nhau, thách nhau. Thỉnh thoảng trong một góc rừng vắng cũng dội lên tiếng ục ịch lẻ loi. Tất cả khu du kích đang giã thóc làm gạo nuôi chiến dịch. Bất cứ một anh bộ đội Itxala hay Tình nguyện nào lật ngửa hai bàn tay ra cũng thấy da tay đỏ hỏn, phồng rộp từng mảng còn mọng nước hay đã giập rát buốt.
Chiếc thuyền độc mộc của Tuyên đi men bờ sông, lựa theo dòng nước ngược mà lên phía bắc. Suốt một ngày, Tuyên nghe không dứt tiếng giã gạo. Tim anh cũng dào lên theo nhịp chày chắc nịch ấy.
Khu du kích hồi đầu năm bị đốt nặng. Ba tiểu đoàn địch bám đuôi nhau xuyên qua vùng làng kháng chiến như con rắn lửa, để lại sau lưng một vệt cháy đen ngoằn ngoèo. Chúng đốt làng, đốt lúa, bắn trâu, bắn voi, rất đều đặn chi li, không bỏ sót thứ gì dùng được trên đường càn quét. Nhưng đến nay, thóc nằm trong rừng lại tuôn về làng, trấu rắc ngập các lối ngõ, gạo đè nặng lưng voi và lòng thuyền trẩy về mặt trận bộ.
Tuyên nhớ lại một đoạn tài liệu của địch hướng dẫn cho các sĩ quan mới đến Đông Dương. Tác giả nhận định rằng người Lào là giống lười số một trên thế giới: "Thật
vậy họ không sống trong hiện tại mà chỉ kéo dài mãi một cái quá khứ nhẫn nhục, lười biếng, vô lo. Nước Lào đẹp và thơ mộng, nhưng dân tộc Lào đang chết dần chết mòn trong cơn mê gật gà, với nụ cười trên môi". Nghe dịch xong, Tuyên túm cuốn sách định xé. Xúc phạm đến một người hay bôi nhọ một phong trào còn dễ hiểu. Chúng lại cả gan nhổ nước bọt vào cả một dân tộc!
Hôm nay, hơn bao giờ hết, Tuyên hiểu được sức mạnh của nhân dân Lào.
Người Lào hồn nhiên, vui tính, trong sáng như nước suối, ghét yêu minh bạch như muối với đường. Họ làm việc không ngớt tay từ gà gáy đến khi chim khăng khắc kêu. gần nhau báo nửa đêm, nhưng vẫn hát vẫn cười cho khuây nhọc. Đừng nghe tiếng hát trên đồng, tiếng cười trong làng mà vội tưởng rằng người Lào lười biếng hay nhẫn nhục. Khờ dại bao nhiêu những kẻ chỉ thấy hoa đào nở trên miệng núi lửa mà quên sức nóng ghê gớm ùn trong lòng núi!
Tuyên thông cảm sâu sắc với Thông Phun đang chong đèn đến sáng viết cuốn Lịch sử nước Lào, giữa một núi công việc hàng ngày. Lịch sử nước Lào bị bôi nhọ quá nhiều rồi. Người ta nói xấu dân tộc Lào nhiều quá rồi. Cả đến bọn người Lào mang Tổ quốc đi bán rong cho Pháp, Nhật, Mỹ, cũng rập một giọng chửi lại cha ông. Thông Phun thú thực rằng nhiều lúc anh viết mà nổi căm giận đến run tay. Và anh vừa tức cười vừa đau xót khi đọc báo chí từ Viêng Chăn đưa lọt về, hay khi xem thư bạn cũ gửi thăm anh, hỏi anh về những vấn đề sinh tử của dân tộc Lào. Những người bạn trí thức ấy yêu nước nhưng không hiểu nhân dân. Họ xanh mặt trước xe tăng Pháp và lóa mắt trước đô la Mỹ. Thông Phun viết thư khuyên họ: "Chỉ cần ra ở khu du kích ba ngày, ông sẽ tìm thấy sự thật". Có đôi người ra, rồi ở lại luôn với Itxala. Họ đã tìm thấy sự thật.
Trong những đêm hội làng, các anh các chị mỏ lâm (10) đứng trên bục, múa tròn hai bàn tay kẹp nến, hát lên lời ca ngợi nhân dân Lào đã dựng nước và giữ nước:
Trên nước Triệu Voi
Nước Triệu Ruộng, nước Triệu Vựa thóc
Có thần Rắn Nạc phù hộ
Người ta bắn tên thuốc độc
Múa giáo tẩm thuốc độc
Voi xóc ngà vào bụng voi
Xác người dựng thành lũy cao
Đánh lui kẻ thù,
Xác quân cướp nước làm mồi cho cá sấu
Xác quân bán nước làm mồi cho quạ...
Tiếng hát hòa theo tiếng súng trong cuộc kháng chiến Lào. Và hôm nay, tiếng giã gạo thình thình đối đáp nhau giữa các làng trong khu du kích cứ dội hoài trong ngực Tuyên như hồi trống thúc tiến quân không dứt. Anh không quen nói ra những tình cảm lớn, những xúc cảm kỳ diệu chỉ thoáng qua vài phút mà quyết định cả một đời người, nhưng anh biết rằng suốt đời anh sẽ không quên được cái kỷ niệm phơi phới, ngây ngất, rất cao và rất đẹp của chuyến đi thuyền trên sông Xê Ban này.
Hai bên bờ sông, rừng ngửa lá đón nắng trưa lấp lánh như hai con trăn nằm song song phơi vẩy. Tiếng ò ò đến. Thác Cổ Cò. Một cái cổ đã nuốt nhiều thuyền gạo muối của bộ đội. Đồng chí trung đội trưởng Lào ngồi vắt vẻo sau đuôi thuyền ngừng tay chèo, lên tiếng:
- Anh đổi chỗ cho tôi. Tôi nhớ lạch.
Nước gầm giữa thác. Nước ôm tròn những tảng đá gần bờ, như lớp cùi nhãn trong veo bọc lấy hạt. Chiếc thuyền độc mộc nhảy trên sông, húc vào đá, chúi xuống tợp một ngụm nước, chồm ngược lên suýt hắt Tuyên xuống sông. Vượt cái thác hình chữ chi dài ba chục thước mất hơn một giờ. Cả hai người ướt sũng nước sông và mồ hôi.
Anh trung đội trưởng Lào nheo đôi mắt xếch, cười:
- Chưa nguy hiểm bằng sông Nậm Đăm đâu. Tôi vượt thác sông Nậm Đăm từ bé, thuyền cứ dựng đứng thế này.
- Đồng chí quê ở đâu?
- Làng Phi Lạt. Bố mẹ và em gái tôi ở đấy.
Tuyên nhớ ngay đến cái tên Phi Lạt trong các báo cáo của CC3.
- Bố đồng chí tên là gì?
- Thít La, ông cụ rèn súng kíp nổi tiếng. Ba năm nay tôi đứt tin, nhưng chắc nhà tôi không theo Pháp đâu.
- Đúng thế!
- Ồ, anh biết tin gia đình tôi hở? Biết rõ không anh?
- À, là tôi đoán thôi...
Tuyên không nhìn đôi mắt xếch lấp láy vui. Anh nhớ rất rõ đoạn báo cáo của Lương về cơ sở Itxala làng Phi Lạt. Bức điện gần đây ghi vắn tắt: "Cụ Thít La bị giết, Pha ho lao, Muôn vẫn ở đồn". Một cái gì nhói trong ngực anh. Phải giữ bí mật hướng chiến dịch, không được nói!
Con thuyền lại men theo nước ngược đi lên phía bắc.
Bến làng Na Phô ở mé bên kia. Tiếng rình rình cối chày quen tay. Một ông cụ đeo súng kíp đứng bên bờ khum tay che mắt, gọi với sang:
- Vào đây kiểm soát đã!
Thuyền cập bến, ông cụ nhận ra anh cán bộ Lào:
- Anh Pheng đấy hả? Còn anh kia?
- Bộ đội Việt.
Ông cụ chạy xổ đến. Vỏ dao đeo lưng đập vào báng súng lách cách.
- Ở cơ quan phải không?
- Phải.
Cụ quay ra sau, vành tay lên miệng gọi tướng:
- Mẹ nó ơi, mang xuống. Nhanh!
Bà cụ tất tưởi chạy xuống dốc, tay kéo lê một con cá to. Cô con gái chạy theo sau, vượt lên trước. Cả ba người đều có vẻ uất ông cụ nói trước, giọng sừng sộ:
- Con nghĩ xem, thế này còn ra cái gì! Hôm qua con bé Soan đi lấy thương binh tạt vào làng. Mẹ nó đang ốm (cụ gí ngón tay vào vai bà lão), nhức đầu tưởng chết, người sốt như rừng cháy...�
- Cụ đừng nóng, đừng to tiếng. Đây là ông...
Ông cụ gạt lời Pheng, càng gắt to với Tuyên:
- Con tính, nó cho uống thuốc, nấu lá xông cho mẹ nó, vừa chín nồi cơm đã khỏi. Rồi nó lẻn đi lúc nào bố không biết. Nó muốn để tiếng cho bố mẹ là người ăn ở bạc, vô ơn hay sao chứ? Hử? Sao nó lại không lấy cá? Hử?
- Mà nó không chịu ăn cơm của mẹ. Nó sợ cơm mẹ là sạn là sỏi...
- Em mới đi tìm chỉ trắng về buộc tay cho chị ấy, nháy một cái, chị ấy biến đi đâu rồi. Người cứ như ma...
Láo nháo, líu tíu, rối tinh lên một lúc, rồi con cá nằm gọn trong lòng thuyền, và cả gia đình kia lại trèo lên dốc. Cô con gái cười khi khí, ông cụ xoa tay hể hả, bà mẹ đi vài bước lại xì mũi. Tuyên và Pheng nhìn con cá dài ngót thước tây, nhìn nhau, cùng phì cười. Họ đẩy thuyền ra.
- Chúng mình ăn thôi, Pheng ạ.
- Anh bảo chị Soan người ta cho thì phải nhận, không họ oán. Chị Soan tốt lắm. Tôi ốm về nằm bệnh xá năm hôm, chị ta cứ thức đêm ngồi đầu giường...
Pheng ngừng tay chèo, thẫn thờ tiếp:
- Người lại đẹp nữa. Tôi cứ muốn ngắm mãi thôi.
Thuyên thích cái lối nói bộc trực của người Lào về tình yêu và phụ nữ. Từ mười sáu mười bảy tuổi, trai gái đi hội đã buông lời ghẹo nhau, tán tỉnh nhau tự nhiên. Nhưng muốn vác gối vác chiếu đến ở nhà vợ không phải dễ. Được để ý nhất là anh bộ đội Itxala, anh du kích. Rồi đến các anh thanh niên khỏe, nhộn, bắn giỏi, săn voi rừng tài, cày bừa xốc vác... Tuyên đùa một câu:
- Anh thích lấy xảo Soan không?
- Thích chứ. Nhưng đợi độc lập đã. Đánh thắng rồi, cô ấy chưa lấy ai thì tôi đến hỏi.
Tuyên mỉm cười, nghĩ thầm: "Giá mình bạo như Pheng..."
Tuyên nhẩm lại cái câu rất đơn giản mà rất khó nói với Soan. Ba mươi tuổi đầu, anh vẫn không kịp lo đến vợ con. Từ dạo vượt ngục Sơn La, hoạt động Việt Minh bí mật, qua kháng chiến đến nay vừa tròn mười một năm, anh chưa yêu ai, và hình như cũng chưa ai yêu anh. Anh có cảm tình với "giới phụ nữ nói chung", thấy mỗi cô gái thoáng qua đều mang đến cho anh một chút gì tươi mát, êm dịu trong mười một năm căng thẳng liên miên ấy. Hết chiến dịch đến chỉnh huấn, xong chỉnh huấn đến luyện quân, qua luyện quân lại đến chiến dịch mới, bao giờ cũng có yêu cầu "Tạm gác việc riêng, tập trung tư tưởng". Đối với yêu cầu ấy anh luôn gương mẫu, quá gương mẫu là khác.
Anh em chung quanh lại đoán chệch. Họ kháo nhau: "Trung đoàn trưởng, bí thư Đảng ủy, hai huân chương, còn trẻ, nổi tiếng, tương lai sáng rực như đèn pha ô tô nhé... Ông Tuyên phải lấy cán bộ tỉnh trở lên mới xứng. Kén là đúng!". Các cô gái chừng cũng nghĩ thế. Họ hình dung hạng cán bộ như Tuyên là một loại người riêng biệt, đúc bằng thép, tim không bao giờ đập nhanh hay chậm khác mức bình thường, miệng chỉ mở ra để nói chuyện chính trị hay hạ mệnh lệnh tác chiến, cả đến một nụ cười cũng có sắp đặt từ trước. Bởi vậy, đối với Tuyên họ chỉ mến và phục chứ không yêu. Trong tình yêu của người phụ nữ thường pha lẫn rất nhiều tình thương, mà ở Tuyên họ không tìm ra cái gì để thương cả.
Khúc sông này vắng lặng. Tuyên chèo đều tay như cái máy. Đi thuyền trên sông êm, hồn người hay trải rộng theo dòng nước. Tuyên lại nghĩ đến Soan. Anh nao nao, nửa vui nửa buồn.
Anh quen bố Soan từ đầu kháng chiến. Một hôm hành quân qua gần nhà, cụ quản lý cố nèo anh tạt vào chơi. Soan đi học về, vai gánh một gánh lá ủ phân chuồng, cuốn vở và con khăng cầm tay. Soan chào lí nhí: "Chú ạ!". Tối hôm ấy đội thiếu nhi không họp, Soan ngồi nghe chú kể chuyện đánh Tây, đánh ghê quá. Soan bíu tay chú, mồm tròn chữ O, mắt dựng chữ I, nghe như nuốt từng câu, hỏi dồn hỏi dập:
- Thế nó được hay ta được hở chú?
- Thế chú không sợ hở chú?
Cụ quản lý theo đơn vị lên Lào. Bẵng đi mấy năm, Soan bỗng lù lù cõng ba lô bước vào mặt trận bộ, chìa ra cái chứng minh thư ghi chức vụ y tá, cấp tiểu đội phó. Ông cụ đeo kính đọc giấy, lại gỡ kính ra nhìn con, buột mồm: "Đồng chí... mày nhớn thế kia à?".
Ít lâu sau, cụ được giải ngũ về làm chủ tịch xã. Cụ dặn Soan:
- Tao gửi mày cho anh Tuyên đấy. Anh ấy vào bậc cha chú, bảo mày phải nghe. Muốn tính đường chồng con cũng phải "thông qua" anh ấy, kẻo rồi đi một về ba là tao không tán thành.
Soan đang khóc thút thít cũng bật cười, nguây nguây:
- Ứ ừ, con chả đâu.
- Chả với nem gì? Anh Tuyên còn sáng suốt hơn bố mày...
- Là con chả lấy chồng đâu. Con đợi độc lập cơ!
Trước khi Soan đến mặt trận bộ, Tuyên có một cái thú riêng. Cách cơ quan của anh hai cây số có một ngã tư. Rẽ bên trái là vào bệnh xá, rẽ bên phải là vào xưởng sửa chữa vũ khí. Đi công tác về, Tuyên thường rẽ sang phải. Anh nghiện cái mùi dầu cháy hăng nồng, tiếng giũa sắt rin rít, ánh lửa máy mài xòe như pháo hoa cải. Bước vào xưởng, tay anh bắt đầu ngứa. Anh lân la hỏi chuyện, rồi vớ cái đục, đục luôn một cái cần bật lựu đạn trên mẩu tôn thừa, nhát đục cắn nhau liền như dập máy. Có khi say việc, anh ở mãi đến tối để cãi nhau với anh em quân giới về cách chữa đạn phóng bom mười một cân thành mìn giật, về một kiểu ngòi nổ chậm dùng thuốc nhỏ mắt thay axít, về cái hạt nổ đạn đại liên hốt kít không chịu "ăn" kim hỏa súng trường Anh-đô-si-noa. Máu thợ nguội trong người anh hay bốc như thế. Vào xưởng máy là anh quên hết, chỉ còn nhớ đến hai bàn tay mình đã đục, giũa, cưa, phay, tiện trong nhà máy xe lửa Gia Lâm trước Cách mạng, cho đến ngày mật thám soát thấy bó truyền đơn buộc vào đùi.
Từ khi Soan về bệnh xá, anh rẽ sang trái nhiều hơn trước. Ban đầu chỉ là đến thăm thương binh, thăm cháu. Mãi đến gần đây anh mới hiểu mình. Anh đâm sợ, cố tránh mặt Soan suốt một tháng. Nhưng khi Soan ốm, anh đâm bổ sang ngay, hoảng hốt đến suýt nữa lộ hết. Tình yêu bị nén mãi càng bùng lên dữ. Tuyên đã yêu Soan, cô gái trẻ hơn anh ngoài chục tuổi, quen xem anh như ông chú thân mà nghiêm...
- Đến rồi anh ạ.
Mũi thuyền trượt êm trên lưỡi cát. Hai anh em du kích xem giấy. Pheng giao thuyền cho họ, hỏi đường. Vẫn tiếng rình rình kin kít quen tai.
- Báo cáo anh, dọc đường có biệt kích hoạt động.
- Sáng nay Đacôta quần phía núi. Có lẽ thả dù.
Tuyên buộc gói phạ phe vào lưng, lên đạn các bin, khóa cò. Những ý nghĩ chờn vờn vụt tan. Còn ba ngày đường bộ nữa mới lên đến chỗ hẹn đón trung đoàn 217. Đường rừng, biệt kích, máy bay dò xét...
Nửa giờ sau, một anh du kích dẫn họ đi về phía bắc. Đi với nhau cách năm sáu thước, súng kẹp nách, mắt nhìn soi xói vào hai bên con đường mòn xuyên rừng, tai dỏng nghe từng tiếng lá khô vỡ đáng nghi. Dưới chân là những hố chân voi sâu ngập gối, viền những chùm vắt ngoe nguẩy trên miệng.
-... Về chiến thuật một điểm hai mặt tôi chỉ giới thiệu đến đây. Các đồng chí đọc thêm bài của đại tá Minh Lý trong Quân chính tập san số tháng 12 năm 1951, và bài của tôi trong số tháng 2 năm 1952, phân tích một số trận công kiên của ta về mặt vận dụng chiến thuật. Chiều ngày kia tôi sẽ báo cáo sang chiến thuật chia cắt, đề nghị các đồng chí đến đúng giờ hơn. Đúng giờ là nguyên tắc quân sự cơ bản nhất, các đồng chí nhớ đấy. Giải tán.
Tham mưu trưởng Đặng mỉm cười, mổ ngón tay trên mặt kính đồng hồ. Nghe câu phê bình khéo, cả hội trường cười ồ, ùn ùn ra về. Ánh đèn chai soi lên vòm lá vầu, đuổi sóc nhảy loạn.
Buổi lên lớp chiến thuật nào của Đặng cũng đông nghịt, cả các ông cán bộ già ở kho gạo bên kia sông Xê Ban cũng chèo thuyền sang nghe. Phần vì cán bộ ít được học thêm về quân sự, phần vì Đặng giảng rất hay. Tờ báo in litô của khu đã đăng tin: "Lần đầu tiên từ ngày thành lập mặt trận Tây Nam, các đồng chí ở mặt trận bộ được nghe những bài giảng phong phú, sinh động, có sức hấp dẫn lạ thường". Và những câu pha trò vừa êm vừa đậm, cái lối chúm năm ngón tay bắt chuồn chuồn trong khi nói, cả cái trán hói và cây ba toong bịt bạc chiến lợi phẩm của đồng chí tham mưu trưởng được đồn thổi ra rất nhanh trong khắp mặt trận. Cái tên "ông Đặng ba toong" có từ đấy.
Đặng bấm đèn pin đi về lán Tham mưu. Anh em đi vắng cả. Đồng chí cần vụ đang loay hoay trở ngược trở xuôi cái ống nghe điện thoại, thổi phù phù, lắc lắc. Đặng phì cười, nhắc:
- Khổ! Bấm cái mấu giữa ống nghe ấy. Hỏi xem có việc gì.
- À vâng... Tôi nghe đây. Ai nói đấy? "Tôi" à? Tôi là ai?... Tôi là ai mới được chứ?
Đặng gõ ba toong xuống đất, cười sặc:
- Hỏi "đồng chí là ai", ông mãnh ơi?
Ngoài trạm liên lạc báo tin có đại đội phó đại đội 46 về xin gặp tham mưu trưởng gấp về việc bổ sung vũ khí. Đặng cau mày:
- Bảo họ chiều ngày kia cho vào.
- Họ đề nghị sáng mai anh ạ. Đơn vị đóng xa sáu ngày đường, sắp sửa đánh xe.
Đặng rút sổ con, xem lại lịch công tác. Sáng mai anh có buổi tự học, chiều mai họp tổ chức chế độ trực ban... Không được. Phải chủ động. Cấp vũ khí chỉ mất mười lăm phút hay nửa giờ, nhưng lắt nhắt thế đâm ra sự vụ mất.
- Sáng ngày kia bảy giờ vào gặp tôi.
Cái máy điện thoại này anh đã phái người lên xin tận trên khu, cho bộ đội cắt dây của địch gửi về lắp. Chỉ mắc từ trạm liên lạc ngoài làng Na Phô vào đây xa năm cây số, mà tiện đáo để. Cán bộ ở đơn vị về không được xồng xộc vào cơ quan bắt giải quyết công việc lập tức nữa, mà phải nằm ngoài trạm liên lạc đợi lệnh. Của đáng tội, họ kêu ca châm chọc cũng lắm, nhưng cán bộ các ban có phần dễ thở hơn. Tiểu đội bảo vệ đỡ lo kẻ lạ vào mặt trận bộ. Anh em liên lạc bớt được công chạy ra chạy vào. Tóm lại chung quanh cái "ống lô phôn" rất hiện đại giữa cái chiến trường rất du kích này có lắm tiếng chê khen, nhưng tiếng chê ở xa mà tiếng khen ở gần.
Một người đi qua, gọi chõ vào:
- Mời anh đến nghe đài ạ. Chữa xong rồi, pin mới chắc nghe tốt.
Người chen lố nhố trong lán chính trị. Cây đèn chai bốc khói nhiều hơn lửa, thả rơi từng chấm nhựa cháy xèo xèo xuống đất.
Làn sóng điện của đài Tiếng nói Việt Nam cũng chập chờn như ngọn đèn. Tiếng cô phát thanh dào lên rỏi tắt ngấm, đến khi nghe đều lại nhỏ ri ri, lay lắt. Tất cả mặt trận bộ vây quanh cái máy thu thanh Philíp vỏ gỗ đã bong sơn, căng tai, cố lẩy ra từng chữ từng câu trong cái đống bát nháo những tiếng rồ, tạch tè, nhạc giật gân cứ tràn qua tràn lại. Hôm nào cũng ngần ấy hồi hộp và thất vọng, nhưng họ không vắng trong giờ nghe đài. Tiếng nói của Tổ quốc kháng chiến vọng sang, dù không nghe rõ, vẫn có cái gì thiêng liêng và an ủi lạ lùng.
Lắng tai một lúc, Đặng ngáp dài, hất hàm:
- Chán ốm. Mở France - Asie (11) thôi.
Anh liếc nhìn đồng chí trưởng ban chính trị như trêu tức. Không đợi trả lời, anh ghé mắt xoay núm vặn. Một điệu nhạc lê thê rét mướt cất lên, kèm giọng đàn bà hát:
Sống trong lòng người đẹp Tô Châu
Hay là chết trên dòng sông Đanuýp...
Nghe hát, cứ tưởng như ả kia là một mụ béo phị, mỡ lấp cổ họng, đang rền rĩ khóc chồng. Rồi tiếp một bài "xuynh" nhạc Mỹ, lời Pháp. Ngắc ngứ, giật ngược kéo xuôi, như anh chàng nào đó vừa hát vừa nhảy vừa ăn kẹo mạch nha, cả ba việc đều hối hả, hối hả.
Đồng chí trưởng ban chính trị lẳng lặng ra về. Đặng nhún một bên vai. Đặng không ưa anh kia từ trước, càng khó chịu khi anh được cử thay thế trung đoàn trưởng Tuyên đi vắng. Anh định đưa điều lệnh ra vặn Tuyên: "Tham mưu trưởng là người thay thế thứ nhất khi thủ trưởng vắng mặt.." Nhưng thôi, chả nói nữa. Ở chiến trường này, từ cán bộ cao cấp trở xuống đều du kích thế cả. Vòng người chung quanh máy thưa dần, rồi tan hẳn. Đặng vẫn lim dim, mổ ngón tay trên đùi đánh nhịp. Anh ghé tai một cán bộ tuyên huấn: "Thỉnh thoảng ướt một tí chứ cậu!" Đôi bên nháy nhau, cười.
Một liên lạc viên xồ vào lán. Bụi đỏ lấm bết ống quần, lên khỏi đầu gối thì nhạt thành màu da cam, đến ngực chỉ còn phơn phớt trắng. Anh chìa ra một mẩu giấy, toét mồm cười:
- Thư hỏa tốc của ông Thông Phun đây anh ạ.
- Gì?
- Ông Thông Phun ấy mà, ông bảo cầm giấy này về gấp cho anh. Gớm, gió gió khiếp, bụi vào đến ruột chứ phải chơi.
Đặng cau mày. Anh không ưa cái lối vai vế, gia đình chủ nghĩa như thế. Mà lại xồng xộc tìm anh vào giờ nghỉ... Anh nói đĩnh đạc, mắt nhìn qua vai đồng chí liên lạc viên vừa ngồi xuống kéo vạt áo lau mặt:
- Khi có giấy tờ gửi đến, đồng chí mang sang văn thư để vào sổ công văn. Đừng đưa tắt ngang, nhỡ thất lạc không ai chịu trách nhiệm. Cần tập làm việc có nề nếp cho quen. Đồng chí về nghỉ.
Sáng hôm sau, Đặng ngồi vào bàn đúng giờ hành chính, giữa cái lán trống không. Tất cả mặt trận bộ đi suốt lúa rẫy tăng gia từ mờ đất. Văn thư đã xếp sẵn tập công văn trên bàn. Lá thư của Thông Phun viết bằng bút chì bi đỏ nằm trên cùng. Đặng rút bút máy ghi bên lề: "Công văn chữ Lào phải có bản dịch của văn thư kèm theo". Anh đẩy lá thư sang bên. Các cán bộ thường trực bên Ban chính trị cũng dịch được, nhưng anh không thích sang hỏi. Làm việc sự vụ như thế người ta coi thường mình đi.
Sẩm tối, đồng chí văn thư về lán. Đồng chí thở dài, thắp đèn chai ngồi dịch một loạt giấy tờ chữ Lào đến ba giờ sáng. Dịch xong thì vừa có còi đánh thức mặt trận bộ dậy sớm đi suốt lúa.
Đặng lại ngồi vào bàn giấy, lật tập công văn vào chiều hôm sau. Lá thư của Thông Phun viết ngắn, không có câu mào đầu trang trọng: "Của Ủy ban kháng chiến mặt trận gửi các đồng chí trong Ban chỉ huy Quân tình nguyện thân mến và quý trọng được biết" như mọi lần.
"Tôi vừa nhận tin hỏa tốc của trinh sát Lào. Con đường bí mật số 1 từ Pà Thạc về đây bị lộ. Địch rải quân phục kích dọc đường từ hôm qua. Bên tôi cán bộ vắng cả. Anh điện ngay cho đội CC3 chuyển sang đường khác. Nếu chậm, có thể..."
Đặng đi như chạy sang lán mật mã. Buồng làm việc của mật mã che kín mít, bộ đội thường gọi đùa là "buồng đẻ". Đặng vén tấm ni lông, xộc vào.
Đồng chí mật mã vơ cái chăn úp chụp trên đống tài liệu lắp bắp:
- Yêu cầu anh ra ngoài.
- Gấp lắm, cậu cứ...
- Đồng chí ra đi!
Bị cự thẳng tay, Đặng phát khùng, nhưng phải rút lui. Anh tạt sang lán điện đài, chặn tay đồng chí hiệu thính viên đang gõ cái ma níp lia lịa:
- Điện hỏa tốc cho CC3, đánh cờle (12) cũng được.
- Báo cáo anh, họ hết ca (13) ban nãy.
- Bao giờ liên lạc được?
- Chiều mai ạ.
Đặng ngồi bệt xuống sạp, vuốt mồ hôi lạnh ướt trán. Mặt anh sạm như rắc tro. Đồng chí mật mã đến trao bức điện ngắn:
"Quân số đủ Điều tra G.M.4 sắp xong, đang đợi Pha vào gặp Muôn chưa ra. Đường an toàn. Sẽ về đúng hẹn - Lương".
Đặng không nghe lời phân trần xoắn xuýt của đồng chí mật mã. Anh hiểu nguyên tắc không được vào buồng mật mã. Nghĩ một lúc, anh lấy sổ điện, viết vội:
"Gửi CC3 - Đường số 1 lộ, chuyển ngay đường khác - Đặng, 18.12.52".
Đồng chí mật mã cầm sổ đi, lại bước vào:
- Báo cáo anh, hôm nay ngày 19 đấy ạ.
- Gì nữa?
- Anh ghi lầm ngày. Đề nghị anh ghi luôn giờ viết điện sang bên cạnh.
Đặng vùng vằng chữa ngày, ghi giờ. Anh đã cố ý viết sai, nhưng không được. Anh lầm lầm ra về. Tiếng gõ ma níp giòn tan vẳng theo anh như chế giễu. Đồng chí mật mã cầm cây ba toong bịt bạc chạy theo đưa trả anh, còn thanh minh thêm mấy câu nữa.