Số lần đọc/download: 0 / 84
Cập nhật: 2020-11-02 22:23:48 +0700
Nín Lặng
T
rên chuyến phà ngắn từ vịnh Buckley tới đảo Denman, Juliet xuống xe và đứng đằng mũi con phà, hứng trọn gió hè. Một phụ nữ đứng đó nhận ra cô, thế là họ bắt chuyện. Chẳng phải là bất thường khi người ta hay ngoái nhìn lại Juliet lần thứ hai, tự hỏi mình đã gặp cô này ở đâu đó rồi và, thỉnh thoảng, nhớ ra. Cô thường xuyên xuất hiện trên kênh truyền hình tỉnh, phỏng vấn những người có cuộc sống độc đáo hoặc đáng chú ý, đồng thời khôn khéo dẫn dắt các cuộc thảo luận nhóm trong một chương trình mang tên Vấn đề trong ngày. Giờ tóc cô đã cắt ngắn ngủn, nhuộm màu nâu đỏ rất đậm, tiệp với gọng mắt kính cô đeo. Cô thường mặc quần âu đen - như hôm nay - và áo sơ mi lụa màu ngà, đôi khi khoác áo vest đen. Giờ cô mang dáng dấp của người mà nếu còn sống mẹ của cô sẽ gọi là một phụ nữ ấn tượng.
“Thứ lỗi cho tôi. Chắc người ta hay quấy rầy chị lắm nhỉ.”
“Không sao,” Juliet nói. “Ngoại trừ khi tôi vừa mới đi nha sĩ về hay gì đó.”
Người hành khách kia trạc tuổi Juliet. Tóc đen dài điểm mấy sợi bạc, không trang điểm, váy dài may bằng vải jean. Chị ta sống trên đảo Denman, vì vậy Juliet hỏi xem chị ta có biết gì về Trung tâm Bình ổn Tâm hồn không.
“Vì con gái tôi ở đó,” Juliet nói. “Cháu nó đang đi ẩn dật hay tham dự một khóa học ở đó, tôi cũng không biết người ta gọi là gì nữa. Kéo dài chừng sáu tháng. Đây là lần đầu tiên tôi đi thăm cháu, sau sáu tháng.”
“Có mấy nơi như thế trên đảo,” người phụ nữ nói. “Chúng cứ mọc lên rồi lại bốc hơi. Tôi không có ý bảo chúng có gì đáng ngờ. Chỉ là chúng thường khuất nẻo trong rừng, không liên hệ nhiều với cộng đồng. Ừ thì, ẩn dật mà làm gì nếu còn liên hệ với cộng đồng kia chứ?”
Chị ta bảo chắc Juliet nóng lòng muốn gặp lại con gái lắm, Juliet thừa nhận rằng đúng thế, rất nóng ruột.
“Tôi tha thiết mong gặp nó ấy chứ,” cô nói. “Cháu nó đã hai mươi tuổi, con gái tôi ấy - chính xác tháng này sẽ là hai mươi mốt - nhưng trước giờ chúng tôi ít khi sống xa nhau.”
Người phụ nữ nói chị ta có thằng con trai hai mươi tuổi và một đứa con gái mười tám, một đứa nữa mười lăm, thể nào cũng có ngày chị ta phải đóng tiền cho chúng đi ẩn dật, một lượt hoặc từng đứa một.
Juliet bật cười. “Ồ. Tôi chỉ có mỗi một đứa. Dĩ nhiên, tôi không bảo đảm mình sẽ không lôi cổ nó về, vài tuần chẳng hạn.”
Cô dễ bị sa vào kiểu chuyện phiếm giữa các bà mẹ vừa yêu vừa giận con như thế này (Juliet là chuyên gia của những phản hồi ve vuốt người đối thoại với mình), nhưng sự thật là Penelope rất hiếm khi cho cô lý do để phàn nàn, và nếu cô muốn trung thực hoàn toàn thì lúc này cô sẽ nói rằng một ngày không liên lạc gì với con gái đã thật khó mà chịu nổi, huống chi là sáu tháng. Penelope từng làm phục vụ phòng mùa hè ở Banff, nó cũng hay đi xe buýt tới Mexico và đã thực hiện một chuyến du lịch kiểu quá giang tới đảo Newfoundland. Nhưng nó luôn sống với Juliet, hai mẹ con chưa bao giờ xa nhau tới sáu tháng.
Nó làm tôi hạnh phúc, hình như Juliet đã nói vậy. Nói thế không có nghĩa nó thuộc típ người hát múa véo von, luôn mang đến nắng tươi, niềm sảng khoái và chỉ nhìn vào mặt tươi sáng của cuộc đời. Tôi hy vọng mình đã nuôi dạy con bé tốt hơn thế. Con bé duyên dáng, giàu lòng trắc ẩn, lại thông minh sáng dạ như thể nó đã sống trên đời này tám mươi năm rồi vậy. Nó vốn trầm tính, không hẳn theo kiểu suy tư miên man như tôi. Mà hơi dè dặt, giống tính bố nó. Xinh như một thiên thần, nó giống hệt mẹ tôi, tóc vàng như mẹ tôi nhưng không mềm rũ như vậy. Mạnh mẽ và cao thượng. Nét như tạc, có thể nói là như cột tượng nữ thần. Ngược lại với những quan điểm phổ biến, tôi không hề mảy may ghen tị với cháu. Suốt quãng thời gian bặt tin cháu vừa qua - không một lời nào từ cháu, bởi vì Bình ổn Tâm hồn không cho phép thư từ hay điện thoại - suốt quãng thời gian ấy tôi cảm thấy mình như sa mạc, và khi nhận được tin của cháu tôi cứ như mặt đất nắng hạn được nhận một cơn mưa tràn trề.
Hy vọng con sẽ được gặp mẹ vào chiều Chủ nhật. Đến lúc rồi.
Đến lúc về nhà, đó là những gì Juliet hy vọng dòng thư ngụ ý, nhưng dĩ nhiên cô sẽ để tùy Penelope quyết.
Penelope đã vẽ sơ đồ đường đi cho cô, và chẳng mấy chốc Juliet đã thấy mình đỗ xe trước một ngôi nhà thờ cũ - chính xác là một ngôi nhà thờ bảy lăm hoặc tám mươi năm tuổi, trát vữa, không cổ kính hay ấn tượng như những nhà thờ thường thấy ở vùng quê Canada nơi Juliet lớn lên. Đằng sau nó là một tòa nhà hiện đại hơn, mái nghiêng và cửa sổ chiếm hết mặt trước, có cả một sân khấu đơn sơ, mấy băng ghế ngồi và một mảnh sân trông như sân bóng chuyền, chăng một tấm lưới chùng. Tất cá mọi thứ đều tàn tạ, và khoảnh đất trước kia từng là đất trống giờ đang phủ kín cây bách xù và cây dương.
Có hai người - cô không thể biết chắc là đàn ông hay phụ nữ - đang cưa đục gì đó trên sân khấu, những người khác ngồi trên băng ghế thành những nhóm nhỏ tách biệt. Tất cả đều mặc quần áo bình thường, không phải áo thụng màu vàng hay áo dòng. Trong vài phút không ai để ý thấy xe của Juliet. Sau đó một trong những người trên ghế băng đứng dậy và bước vội về phía cô. Một người đàn ông thấp, trung niên, đeo kính.
Cô xuống xe chào ông và hỏi thăm về Penelope. Ông không nói - chắc có quy định im lặng - mà gật đầu rồi quay lưng đi vào bên trong nhà thờ. Chẳng bao lâu, từ trong đó bước ra, không phải Penelope, mà một phụ nữ phốp pháp, di chuyển chậm rãi, tóc bạc, mặc quần jean và áo nỉ rộng thùng thình.
“Hân hạnh gặp cô,” bà ta nói. “Mời vào trong. Tôi đã bảo Donny pha trà cho chúng ta rồi.”
Bà ta có gương mặt rộng, tươi tắn, nụ cười vừa tinh anh vừa hiền hiền, với đôi mắt mà Juliet nghĩ phải được miêu tả bằng từ lấp lánh. “Tên tôi là Joan,” bà ta nói. Juliet đã chắc mẩm bà ta phải mang một cái tên giả kiểu như Thanh Tịnh, hay tên gì đó phảng phất phong vị phương Đông, chứ không phải cái tên bình dị và quen thuộc như là Joan thế này. Sau đó, tất yếu, Juliet liên tưởng đến Đức Giáo Hoàng Joan.
“Tôi có đến đúng chỗ không? Tôi là người lạ ở Denman mà,” cô nói vẻ lấy lòng. “Bà biết đấy, tôi đến thăm Penelope.”
“Dĩ nhiên. Penelope.” Joan kéo dài cái tên đó, với giọng điệu hơi có vẻ tán dương.
Bên trong nhà thờ tối thui vì những cửa sổ cao đều treo vải màn màu tím. Ghế ngồi lễ và bệ thờ đều được dời đi cả, chỉ có những tấm màn gió màu trắng căng lên để quây thành những buồng riêng, tựa như trong một bệnh xá. Tuy nhiên, ngăn ô mà Juliet được dẫn tới không có giường, chỉ có một chiếc bàn nhỏ, hai cái ghế nhựa với mấy kệ sách không cửa, bên trên chất báo lộn xộn.
“Tôi rất ngại là chúng tôi vẫn đang sắp đặt mọi thứ ở đây,” Joan nói. “Juliet. Tôi gọi cô là Juliet được chứ nhỉ?”
“Dĩ nhiên được ạ.”
“Tôi không quen nói chuyện với người nổi tiếng.” Joan chắp tay thành tư thế cầu nguyện và chống dưới cằm. “Tôi không biết vậy có xuề xòa hay không.”
“Tôi không hẳn là người nổi tiếng đâu.”
“Ồ, đúng chứ. Xin đừng nói thế. Tôi phải nói ra thật lòng rằng tôi ngưỡng mộ công việc cô làm biết chừng nào. Đó là một tia sáng trong bóng tối. chương trình truyền hình duy nhất đáng xem.”
“Cảm ơn bà,” Juliet nói. “Tôi đã nhận được một mẩu thư nhắn của Penelope...”
“Tôi biết. Nhưng tôi rất tiếc phải nói với cô, Juliet, rằng tôi rất tiếc và tôi không muốn làm cô quá thất vọng... Penelope không ở đây.”
Người phụ nữ đó buông câu Penelope không ở đây nhẹ hết sức. Tưởng chừng như sự vắng mặt của Penelope có thể biến thành một vấn đề để mà tư duy suy tưởng không biết chán, thậm chí để mà mang lại nỗi sung sướng giữa họ.
Juliet buộc phải hít một hơi thật sâu. Mất một lúc cô không sao nói được gì. Cơn buồn đau dội khắp thân thể cô. Linh tính. Song cô cố bắt mình phải suy ngẫm rốt ráo sự thể này. Cô lục lọi trong giỏ xách.
“Cháu nó nói cháu hy vọng…”
“Tôi biết. Tôi biết,” Joan ngắt lời. “Con bé đã định ở đây, nhưng vấn đề là, con bé không thể...”
“Giờ cháu nó đang ở đâu? Cháu đã đi đâu?”
“Tôi không thể nói cho cô điều đó.”
“Ý là bà không thể nói hay bà sẽ không nói?”
“Tôi không thể. Tôi không biết. Nhưng tôi có thể nói điều này để cô yên tâm. Cho dù con bé đi bất kỳ đâu, con bé quyết định làm bất kỳ cái gì, thì tất cả đều là điều đúng đắn cho con bé. Tất cả sẽ là điều đúng đắn cho tâm linh và sự phát triển của con bé.”
Juliet quyết định cho qua việc này. Cô phát ọe trước cụm từ tâm linh, nó dường như mang trong mình - như cô thường nói - tất tật mọi thứ, từ cối kinh* cho tới lễ Mét trọng*. Cô không bao giờ nghĩ Penelope, với trí thông minh của con bé, lại đi gắn mình vào bất cứ cái gì đại loại như vậy.
Cối kinh, hay kinh luân, là hộp trống xoay được, trên có ghi lời kinh cầu nguyện, người theo Phật giáo ở Tây Tạng hay dùng.
Một nghi lễ ban phước của giáo hội Công giáo La Mã.
“Tôi chỉ nghĩ mình nên biết,” cô nói, “phòng khi cháu muốn tôi chuyển đồ gì cho cháu.”
“Tài sản của con bé ư?” Joan dường như không thể nén được một nụ cười rộng, dù bà ta lấp liếm ngay bằng vẻ mặt hiền từ. “Ngay lúc này Penelope không quan tâm mấy đến tài sản của mình.”
Thi thoảng Juliet cảm thấy, giữa lúc đang phỏng vấn, người mình đang tiếp chuyện kín đáo tỏ vẻ hằn học mà trước lúc camera bắt đầu chạy không hề lộ ra. Người Juliet đánh giá thấp, người mà cô tưởng là hơi khờ khạo, rất có thể lại có sức mạnh đó. Xởi lởi nhưng hằn học chí mạng. Những khi ấy ta không bao giờ được lộ vẻ sững sờ, và không bao giờ trả miếng bằng cách thể hiện bất kỳ chút bóng gió thù địch nào.
“Khi nói sự phát triển, ý tôi muốn nói đến sự phát triển nội tại của chúng ta, đương nhiên,” Joan nói.
“Tôi hiểu,” Juliet đáp, nhìn thẳng vào mắt bà ta.
“Penelope đang có một cơ hội cực kỳ tuyệt vời trong đời để gặp những người thú vị... lạy thánh thần, con bé vốn không cần gặp người thú vị, bởi con bé đã lớn lên cùng với một người thú vị rồi, cô là mẹ con bé... nhưng cô biết đấy, đôi lúc có một chiều hướng bị thiếu, đứa trẻ trưởng thành cảm thấy rằng mình bị thiếu cái gì đó...”
“Ô vâng,” Juliet nói. “Tôi biết bọn trẻ trưởng thành có thể phàn nàn đủ kiểu.”
Joan quyết định huỵch toẹt.
“Chiều hướng tâm linh - tôi buộc phải nói vậy - chẳng phải đó là thứ bị thiếu trong cuộc đời Penelope sao? Tôi đồ rằng cô ấy không lớn lên trong một gia đình có nền tảng đức tin tôn giáo.”
“Tôn giáo không phải là một đề tài bị cấm. Chúng tôi có thể bàn luận về nó.”
“Nhưng vấn đề có lẽ là cái cách cô nói về nó. Cái cách nói học thuật của cô chăng? Nếu cô hiểu ý tôi nói gì. Cô rất thông minh mà,” bà ta tử tế thêm vào.
“Đó là bà nói vậy thôi.”
Juliet nhận thức rằng bản lĩnh kiểm soát phỏng vấn hay kiểm soát bản thân của mình đều đang bị lung lay, thậm chí có thể đã mất.
“Không phải tôi nói thế, Juliet ạ. Mà là Penelope nói. Penelope là một cô gái tinh khôi, nhưng con bé đến đây với chúng tôi trong tình trạng đói kém thậm tệ. Đói những thứ không có sẵn cho con bé ở nhà. Cô thì có cuộc sống thành công tuyệt vời bận rộn của cô... nhưng Juliet, tôi đành phải nói với cô rằng con gái cô đã nếm trải cô đơn. Con bé đã nếm trải bất hạnh.”
“Chẳng phải hầu hết con người ai cũng cảm thấy thế, không lúc này thì lúc kia? Cô đơn và bất hạnh?”
“Chuyện đó tôi không có ý kiến. Ừm, Juliet. Cô là một phụ nữ có óc sáng suốt kỳ diệu. Tôi thường xem cô trên ti vi và tôi nghĩ, làm sao cô có thể đi vào tận cốt lõi mọi điều như thế, trong khi ấy vẫn luôn dễ mến và lịch sự với mọi người? Tôi không bao giờ nghĩ mình có thể ngồi nói chuyện mặt đối mặt với cô thế này. Hơn nữa, tôi lại ở vị trí giúp đỡ cô...”
“Tôi nghĩ có lẽ bà nhầm lẫn về điều đó.”
“Cô cảm thấy tổn thương. Đó là chuyện rất tự nhiên.”
“Đó cũng là việc riêng của tôi.”
“À ừ. Có lẽ con bé sẽ liên lạc với cô. Thể nào chẳng thế.”
Quả thật Penelope có liên lạc với Juliet, hai tuần sau đó. Một tấm thiệp sinh nhật gửi đến vào ngày sinh nhật của chính con bé - của Penelope - ngày 19 tháng Sáu. Ngày sinh nhật lần thứ hai mươi mốt. Đó là kiểu thiệp ta gửi cho người quen khi không thể đoán được sở thích của người đó. Không phải thiệp in những câu đùa thô thiển, cũng không phải loại thiệp hóm hỉnh hay thiệp tình cảm. Mặt trước tấm thiệp này là hình một bó hoa păng xê nhỏ cột ruy băng mảnh màu tím, phần đuôi cuốn lại thành dòng chữ Sinh nhật vui vẻ. Câu chúc này được lặp lại ở mặt trong, phía trên thêm cụm Chúc bạn bằng những mẫu tự phủ nhũ vàng.
Không có chữ ký. Mới đầu Juliet nghĩ ai đó đã gửi tấm thiệp này cho Penelope mà quên ký tên, và cô, Juliet, chỉ vô tình mở nó ra. Ai đó lưu tên và ngày sinh của Penelope trong hồ sơ. Có lẽ là nha sĩ, hay giáo viên dạy lái xe của nó. Nhưng khi cô kiểm tra dòng địa chỉ trên bì thư thì thấy không sai - đúng là nó đề gửi cho chính cô, mà lại được viết bằng chính nét chữ của Penelope.
Các dấu bưu điện không hé lộ manh mối gì thêm. Tất cả đều ghi Bưu cục Canada. Juliet biết rằng ít nhất phải có những cách biểu thị lá thư gửi đi từ tỉnh nào, nhưng như thế ta phải mất công đi hỏi bưu điện, phải cầm lá thư tới đó, nhiều khả năng là phải tường trình trường hợp của mình, phải chứng minh quyền được biết thông tin của mình. Mà như thế thì chắc chắn sẽ có người nhận ra cô.
Juliet đi thăm chị bạn cũ Christa, sống ở vịnh Cá Voi từ hồi cô còn ở đó, trước cả khi Penelope chào đời. Christa giờ ngụ ở Kitsilano, trong một trung tâm hỗ trợ cuộc sống. Christa mắc bệnh đa xơ cứng. Phòng chị ở lầu trệt, có mái hiên nhỏ riêng biệt, Juliet ngồi với chị ở đó, nhìn ra bãi cỏ lóa nắng, dàn đậu tía nở hoa dọc theo hàng rào che khuất những sọt rác.
Juliet kể hết cho Christa nghe về chuyến đi đến đảo Denman. Trước đó cô chưa hề kể cho ai khác mà cũng hy vọng mình sẽ không phải kể cho bất cứ ai. Ngày ngày trên đường đi làm về cô cứ luôn thắc thỏm không biết Penelope có đang đợi mình trong căn hộ hay không. Hoặc ít nhất phải có một lá thư gửi tới. Sau đó xuất hiện tấm thiệp tàn nhẫn kia, cô đã mở nó ra mà tay run bần bật.
“Nó mang ý nghĩa đấy,” Christa nói. “Nó báo cho em biết là con bé khỏe. Rồi sẽ có gì đó tiếp theo cho mà xem. Chắc chắn. Hăy kiên nhẫn đi.”
Juliet chua chát kể một thôi một hồi về Mẹ Shipton*. Sau khi đã nghịch chán chê với cái biệt danh Giáo hoàng Joan, cuối cùng cô quyết định gọi mụ ta bằng cái tên đó. Một sự ngụy biện tanh tưởi, cô nói. Nó mới kinh tởm, mới dựng tóc gáy làm sao, đằng sau cái vẻ bề ngoài tôn giáo giả nhân giả nghĩa hạng hai đó. Thật không thể tưởng tượng nổi thế nào mà con bé Penelope lại bị mụ ta lừa phỉnh.
Một nhân vật truyền thuyết được cho là sống vào thời Tudor, có tài tiên đoán nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của nước Anh.
Christa đặt giả thiết rằng có lẽ Penelope đến thăm nơi đó vì con bé định viết gì đấy về nó. Một kiểu phóng sự điều tra chẳng hạn. Hoặc khảo sát thực tế. Hay góc riêng tư - trang kể chuyện đời tư dông dài vốn đầy rẫy ngày nay.
Điều tra những sáu tháng cơ à? Juliet nói. Chắc chắn chỉ trong vòng mười phút Penelope đã đánh giá xong mụ Mẹ Shipton đó rồi.
“Ừ, quái lạ,” Christa thừa nhận.
“Chị không biết nhiều hơn những gì chị đang tiết lộ, phải không?” Juliet nói. “Em ghét việc mình thậm chí cònphải hỏi chị câu đó. Em cảm thấy mông lung như biển khơi. Thấy mình ngu dại. Hiển nhiên, con mụ đó chủ ý biến em thành con ngốc. Giống như típ nhân vật buột miệng nói gì đó trong vở kịch, và tất cả mọi người quay đi bởi vì họ đều biết cái gì đó mà cô ta không biết...”
“Người ta không đóng loại kịch đó nữa,” Christa bảo. “Bây giờ không ai biết gì cả. Không... Penelope không thổ lộ chuyện với chị nhiều hơn với em. Cớ gì nó phải thổ lộ. Nó biết thể nào rồi chị cũng sẽ nói lại với em.”
Juliet im lặng một hồi, sau đó hờn dỗi lẩm bẩm, “Đã từng có những chuyện chị không nói cho em biết.”
“Ôi, lạy Chúa,” Christa nói, nhưng không chút oán hận. “Đừng nhắc lại nữa.”
“Không nhắc lại đâu,” Juliet chấp nhận. “Chung quy cũng chỉ tại em đang héo gan úa ruột.”
“Cứ kiên nhẫn. Một trong những thử thách của bậc làm cha mẹ. Xét cho cùng con bé nào đã cho em nếm được mấy thử thách. Một năm nữa việc này sẽ thành lịch sử cổ đại thôi mà.”
Juliet không kể cho Christa hay rằng cuối cùng cô đã không thể đường hoàng mà ra về. Cô đã quay lại hét lên, nài nỉ pha lẫn cuồng nộ.
“Nó đã nói gì với bà, hả?”
Và Mẹ Shipton đang đứng đó dõi theo cô, tựa hồ như mụ ta đã lường trước được điều này. Một cái mỉm cười đầy thương hại xệch trên đôi môi mím chặt của mụ khi mụ lắc đầu.
Trong năm tiếp theo đó, Juliet thỉnh thoảng nhận được điện thoại từ những người từng quen với Penelope. Lời đáp của cô cho họ đều như nhau. Rằng Penelope đã quyết định nghỉ học một năm. Nó đang đi du lịch. Lịch trình của nó không cố định và Juliet không cách chi liên lạc được với nó, cũng không thể cung cấp được địa chỉ nào.
Cô không nhận được tin của bất cứ người nào vốn là bạn thân thiết của con. Điều này có thể hàm nghĩa là bạn thân của Penelope biết khá rõ con bé đang ở đâu. Hoặc rất có thể họ cũng đã ra nước ngoài, đã tìm việc ở tỉnh khác, đã khởi dựng cuộc đời mới, hiện tại quá bận rộn hay bấp bênh, không cho phép họ vương vấn về đám bạn cũ.
(Bạn cũ, vào giai đoạn đó của cuộc đời, có nghĩa là người mà ta chưa gặp trong vòng nửa năm.)
Cứ hễ về đến nhà, động tác đầu tiên Juliet làm là tìm ánh đèn chớp sáng trên máy điện thoại trả lời tự động - vật dụng mà trước kia cô luôn cố tránh sử dụng, e ngại ai đó sẽ quấy nhiễu vì những phát biểu trước công chúng của mình. Giờ thì cô thử đủ mọi thủ thuật ngớ ngẩn, kiểu như phải đi bao nhiêu bước tới chỗ đặt điện thoại, nhấc nó lên như thế nào, và hít thở ra sao. Ước gì là con bé.
Không kiểu gì có tác dụng. Ít lâu sau thế giới dường như hết sạch những người Penelope từng biết, lũ bạn trai con bé đã đá và những thằng đá nó, bọn bạn gái Penelope từng buôn dưa lê và hẳn đã thổ lộ tâm tình. Penelope học tại một trường nội trú tư thục dành cho nữ sinh - trường Torrance House - chứ không phải trường trung học công, điều này có nghĩa là hầu hết bạn bè lâu năm của nó - kể cả những đứa vẫn là bạn của nó lúc lên đại học - đều quê quán ở những vùng ngoài thành phố. Có đứa gốc gác ở tít tận Alaska hay Prince George hay Peru.
Không có thư gì vào dịp Giáng sinh. Nhưng vào tháng Sáu, lại một tấm thiệp khác, giống y khuôn tấm trước, không một chữ viết bên trong. Juliet đã phải nốc cạn một ly rượu vang trước khi mở nó ra, rồi vứt nó đi tức khắc. Cô bật khóc nấc lên từng chập, có lúc cả thân người run bắn lên không sao kiềm chế được, nhưng đến lúc thoát khỏi chúng cô chóng vánh nổi cơn giận dữ, bước vòng quanh nhà, tay này đấm vào lòng bàn tay kia. Cơn giận chĩa thẳng tới Mẹ Shipton, nhưng hình ảnh của người phụ nữ đó đã nhòa tan, cuối cùng Juliet buộc phải nhận ra rằng mụ ấy thực chất chỉ là một cái nhà xí công cộng.
Tất cả mọi tấm hình chụp của Penelope đều bị trục xuất khỏi phòng ngủ của con bé, với những bó tranh bút chì và tranh sáp màu nó vẽ trước khi hai mẹ con rời vịnh Cá Voi, cả sách vở của nó, cái máy pha cà phê từng tách kiểu châu Âu có pit-tông nó mua làm quà tặng Juliet bằng số tiền đầu tiên kiếm được nhờ làm việc vào mùa hè ở nhà hàng McDonald. Cả những món quà ngẫu hứng cho căn hộ, như cái quạt nhựa nhỏ xíu để gắn lên tủ lạnh, chiếc máy cày đồ chơi lên dây cót, tấm rèm bằng chuỗi hột thủy tinh treo trong cửa sổ phòng tắm. Cánh cửa phòng ngủ đó cũng đóng kín luôn, và chẳng mấy chốc cô đã có thể đi qua nó mà không thèm đoái hoài gì tới.
Juliet nghĩ nhiều tới việc dọn đi khỏi căn hộ này, hòng tự tạo cho mình một môi trường mới. Nhưng cô nói với Christa cô không thể làm thế, bởi vì đó là địa chỉ Penelope biết, mà thư từ chỉ chuyển tiếp đến địa chỉ mới nội trong ba tháng thôi, cho nên sau ba tháng ấy con gái cô sẽ không biết nơi nào mà tìm cô.
“Thể nào nó chả tìm được em ở chỗ làm,” Christa nói.
“Ai biết em còn ở đó bao lâu nữa?” Juliet nói, “Chắc nó sống trong khu mà người ta không được phép liên lạc. Với gã lang chạ nào đó ngủ với hết lượt phụ nữ rồi quẳng họ ra đường xin ăn. Phải chi hồi xưa em cho nó đi học trường Chủ nhật và dạy nó cầu nguyện thì việc này đã không xảy ra. Phải chi em làm vậy. Phải chi. Chắc hẳn điều ấy sẽ giống như một liều tiêm chủng. Em đã bỏ bê phần tâm linh của nó. Mẹ Shipton đã nói vậy đấy.”
Khi Penelope gần mười ba tuổi, con bé đi cắm trại xa tới núi Kootenay, tỉnh British Columbia, với một người bạn cùng học trường Torrance House và gia đình người bạn đó. Juliet rất ủng hộ việc này. Penelope mới học ở Torrance House có một năm (nhận chế độ ưu đãi tài chính do trước kia mẹ nó đã từng dạy ở đó), và điều khiến Juliet hài lòng là con bé đã kết được bạn thân và được gia đình bạn đón nhận. Vả lại việc nó đi cắm trại - điều mọi đứa trẻ bình thường đều làm - là việc mà Juliet, khi còn nhỏ, không bao giờ có dịp làm. Không phải hồi đó cô không muốn mà vì cô bận vùi đầu vào sách vở... bây giờ cô nồng nhiệt đón nhận những dấu hiệu chứng tỏ Penelope là một bé gái bình thường hơn mình ngày xưa.
Eric nói chung e ngại ý tưởng này. Anh nghĩ Penelope còn quá nhỏ. Anh không thích nó đi nghỉ với những người mà anh không biết rõ. Vả lại vì con bé đi học nội trú nên bố mẹ đã rất ít khi được gặp con rồi, tại sao lại cắt giảm luôn thời gian hè gặp nó?
Juliet có lý lẽ khác - cô đơn giản chỉ muốn Penelope lánh mặt đi trong hai tuần đầu tiên của kỳ nghỉ hè, bởi giữa cô và Eric đang cơm không lành canh không ngọt. Cô muốn mọi điều được giải quyết rốt ráo, nhưng không điều nào được rốt ráo giải quyết cả. Vì con, cô không muốn giả vờ mọi chuyện vẫn yên ấm.
Eric, ngược lại, cho rằng không gì tốt hơn là được thấy rắc rối giữa hai người dịu bớt, bị giấu nhẹm đi. Theo cách nghĩ của Eric, phép lịch sự sẽ phục hồi những cảm xúc tích cực, một thứ giông giống tình yêu đủ để cho họ sống chung tới khi tình yêu đích thực được tìm lại. Vả chăng, nếu tình hình chẳng bao giờ khá hơn được cái thứ vỏ bọc đó... ừm, thì vẫn cứ phải như thế thôi. Eric sẽ cố xoay xở sống theo nó.
Quả thật anh đã sống như thế, Juliet nghĩ, một cách thoái chí.
Có Penelope ở nhà là một lý do cho họ cư xử êm thấm - cho Juliet cư xử êm thấm, bởi theo quan điểm của anh, cô chính là người khuấy động mọi oán hận - một điều rất hợp với ý của Eric.
Vì vậy Juliet bảo anh - và khơi nên những nỗi niềm cay đắng và oán trách - đó là bởi vì anh nhớ Penelope quá thôi.
Lý do khiến họ cãi nhau là một lý do cũ rích và rất thường tình. Vào mùa xuân, qua vài tiết lộ tủn mủn - và nhờ tính thành thật, hoặc có thể là sự hiểm độc, của bà láng giềng lâu năm Ailo, một người vốn rất trung thành với bà vợ đã chết của Eric đồng thời lại có sự e dè nhất định với Juliet - mà Juliet phát hiện ra Eric đã ngủ với Christa. Christa lâu nay vẫn là bạn thân của cô, nhưng trước đó chị là bạn gái của Eric, là tình nhân của anh (mặc dù không ai còn nhắc chuyện đó nữa). Anh đã bỏ chị khi đề nghị Juliet về sống chung với mình. Lúc đó cô đã biết hết về Christa và không tìm được lý lẽ gì để phản đối những gì đã xảy ra trước khi cô và Eric chung sống như vợ chồng. Cô đã không phản đối. Điều cô phản kháng - điều làm tim cô tan nát - là những gì xảy ra sau đó. (Nhưng vẫn cách đây rất lâu rồi, Eric bảo vậy). Chuyện xảy ra khi Penelope một tuổi, và Juliet đem con bé trở về Ontario. Khi Juliet về nhà thăm cha mẹ ruột. Thăm - như cô bây giờ vẫn luôn nhấn mạnh - là thăm người mẹ đang hấp hối của mình. Khi cô đi vắng, và khi tình yêu và nỗi nhớ Eric giày vò từng thớ bản ngã trong con người cô (giờ cô tin chắc như vậy), thì Eric đơn thuần lại ngựa quen đường cũ.
Ban đầu anh thú nhận là có một lần thôi (say rượu), nhưng do sự thúc đẩy sâu xa hơn, anh bảo, với vài cơn say lúc này lúc kia mà hình như nó trở nên thường xuyên hơn.
Hình như á? Anh không thể nhớ sao? Quá nhiều lần đến nỗi không thể nhớ?
Chắc chắn anh có nhớ.
Christa đến gặp Juliet, thề thốt với cô rằng chuyện đó không hề nghiêm túc tínào. (Câu này cũng là điệp khúc của Eric). Juliet bảo chị ta cút đi và đừng bao giờ trở lại nữa. Christa quyết định giờ là lúc thuận lợi để đi thăm người anh trai ở California.
Cơn cuồng điên của Juliet với Christa thật ra chỉ là cho có thôi. Chứ Juliet thừa hiểu rằng vài vòng lăn lộn trong đống cỏ khô với một cô bạn gái cũ (theo sự mô tả khổ sở và cô giảm nhẹ sự việc đi của Eric) không đáng đe dọa bằng cái ôm siết nóng hực với một phụ nữ mới gặp nào đó. Hơn nữa, cơn giận cô trút xuống Eric dữ dội và không thể kìm chế đến nỗi còn chừa rất ít chỗ để đổ lỗi cho bất cứ người nào khác.
Những lý lẽ của cô là anh không yêu cô, chưa bao giờ yêu cô, anh đã chế giễu cô sau lưng, bằng hành vi vụng trộm với Christa. Anh đã biến cô thành trò cười trước những người như Ailo (người luôn luôn ghét cô). Anh đã bỉ mặt cô, đã rẻ rúng tình yêu cô dành cho (hoặc đã dành cho) đối với anh bằng sự khinh miệt. Tình dục không có nghĩa lý gì đối với anh cả, hoặc ít nhất thì nó cũng không ý nghĩa như (đã từng) đối với cô, anh có thể quan hệ với bất kỳ ai ở sẵn trong tầm tay của anh.
Duy chỉ có điều cuối cùng trong số những lý lẽ kể trên chứa ít vi trùng của sự thật nhất, và trong tâm thức tĩnh lặng hơn của mình cô biết thế. Nhưng ngay cả tỉ lệ sự thật nhỏ nhoi đó cũng đủ kéo sụp mọi thứ quanh cô xuống. Đáng ra không nên vậy, nhưng mà nó đã vậy. Và Eric không thể nào - anh thành thực không thể - thấy được tại sao lại thế. Anh không ngạc nhiên khi cô phản đối, cô làm mình làm mẩy, thậm chí khóc lóc (mặc dù một phụ nữ như Christa có lẽ sẽ không bao giờ làm thế), nhưng nào là cô cảm thấy bị hủy hoại, nào là cô cảm thấy như bị tước mất tất cả những thứ duy trì sự sống của mình bấy lâu - mà vì một việc đã xảy ra cách đây mười hai năm - thì anh không tài nào hiểu nổi.
Đôi lúc anh tin rằng cô đang giả vờ, cô đang lợi dụng chuyện đó, lúc khác anh lại đau đớn tột độ vì đã gây sầu khổ cho cô. Nỗi đau khuấy động họ, và họ làm tình mãnh liệt. Lần nào anh cũng tưởng như vậy là kết thúc, nỗi buồn khổ của họ sẽ chấm dứt. Lần nào anh cũng lầm.
Lúc ở trên giường, Juliet cười khanh khách và kể cho anh nghe chuyện ông bà Pepys* đã cháy lên đam mê trước tác động của những hoàn cảnh tương tự*. (Vì ít nhiều đã bỏ hẳn việc học Văn hóa La Mã và Hy Lạp cổ nên cô đọc khá rộng, và dạo này mọi thứ cô đọc dường như đều có dínhlíu đến ngoại tình). Chưa bao giờ thường xuyên và chưa bao giờ cháy bỏng đến vậy, theo như Pepys nói, mặc dù ông ta ghi lại rằng bà vợ cũng đã rắp tâm nghĩ đến chuyện giết ông ta trong khi ông ta đang ngủ. Juliet cười cợt tình tiết này, nhưng nửa giờ sau, khi Eric tạm biệt cô để lên thuyền kiểm tra những mẻ bẫy tôm, cô phô ra bộ mặt trơ như đá, đặt lên anh một cái hôn nhẫn nhục, như thể anh sẽ gặp một phụ nữ nào đó ở ngoài vịnh kia, ngay dưới bầu trời mưa.
Samuel Pepys (1633-1703): một sĩ quan hải quân và nghị sĩ Anh, tác giả của cuốn nhật ký ghi lại và bình luận tỉ mỉ cuộc sống thường ngày của ông từ năm 1660 đến 1669. Được xuất bản vào năm 1825, cuốn nhật ký đã trở thành một trong những tài liệu quan trọng nhất về nước Anh thời kỳ khôi phục chế độ quân chủ.
Trong cuốn nhật ký của mình, Samuel Pepys cũng viết về việc ông có quan hệ phụ nữ, dù rất yêu vợ.
Trời không chỉ có mưa. Mặt nước hầu như không hề nổi sóng vào lúc Eric ra khơi, nhưng đến chiều, một cơn gió bất thần ập tới từ hướng Đông Nam, xé toạc vùng nước của eo Desolation và eo Malaspina. Gió tiếp tục hoành hành đến tận lúc trời gần tối - mãi đến quãng mười một giờ đêm của tuần cuối cùng của tháng Sáu này mới chịu yên hẳn. Đến lúc đó thì một chiếc thuyền buồm từ thành phố Campbell River đã mất tăm mất tích, có ba người lớn và hai trẻ em trên thuyền. Thêm hai thuyền đánh cá nữa - một chiếc chở hai người đàn ông và chiếc kia chở đúng một người - Eric.
Sáng hôm sau trời yên nắng vàng - non nước, bờ biển, hết thảy đều êm mượt và sáng lấp lóa.
Dĩ nhiên, rất có thể không ai trong số những người đó bị mất tích, có thể họ đã tìm được chỗ trú và qua đêm tại một trong vô số những vịnh nhỏ. Phỏng đoán đó có khả năng đúng đối với những ngư dân hơn là đối với gia đình trên chiếc thuyền buồm - họ không phải dân địa phương mà là dân du lịch từ Seattle tới. Thuyền cứu hộ lên đường ngay sáng hôm đó, lùng tìm trên đất liền, trên các đảo và trên các luồng nước.
Những đứa trẻ chết đuối được tìm thấy trước tiên, có mặc áo phao cẩn thận, đến cuối ngày thì thi thể cha mẹ chúng cũng được xác định. Người ông đi cùng gia đình này tới hôm sau mới được tìm thấy. Xác của hai ông đi chung thuyền đánh cá không bao giờ nổi lên, mặc dù mảnh thuyền của họ trôi dạt ở gần vũng Lánh Bão.
Xác Eric được vớt lên vào ngày thứ ba. Juliet không được phép nhìn. Vật gì đó đã tìm thấy anh, người ta nói (bóng gió ám chỉ đó là một loài thú), sau khi thi thể anh dạt vào bờ.
Có lẽ vì thế - vì không có yêu cầu muốn nhìn xác và không có nhu cầu về dịch vụ lễ tang - mà bạn bè cũ và những ngư dân đồng nghiệp của Eric đã nảy ra ý định hỏa thiêu Eric ngay trên bờ biển. Juliet không phản đối việc này. Cần phải xin giấy chứng tử, cho nên người ta gọi điện thoại đến văn phòng ở Powell River của vị bác sĩ vẫn thường đến vịnh Cá Voi mỗi tuần một lần, và ông ta ủy quyền cho Ailo, trợ lý hằng tuần của ông, cũng là một y tá có đăng ký, lo liệu thủ tục này.
Quanh đấy ê hề mảnh gỗ trôi, biết bao mảng vỏ cây bị muối ăn cho người ta thu về nhóm thành một ngọn lửa rừng rực. Chỉ sau hai tiếng đồng hồ, tất cả mọi thứ đã sẵn sàng. Tin tức lan truyền - chẳng hiểu bằng cách nào, dù được thông báo rất gấp, cánh phụ nữ vẫn tới, mang theo thức ăn. Đích thân Ailo là người đảm trách lễ thiêu - dòng máu Scandinavia trong chị ta, dáng đứng thẳng và mái tóc trắng buông xõa xem ra khiến chị ta, rất tự nhiên, hợp với vai Góa Phụ Miền Biển. Bọn con nít chạy quanh những khúc gỗ, rồi bị xua khỏi giàn thiêu đang cao dần, khỏi cái khối trùm vải liệm quắt queo đến ngạc nhiên, vốn là Eric. Một bình đựng tro cốt được những phụ nữ từ một trong các giáo hội cung cấp cho lễ an táng kẻ ngoại giáo nửa mùa này. Có cả những két bia, nước uống đủ loại, lúc này vẫn xếp kín đáo trong cốp xe hơi và buồng lái xe tải.
Vấn đề nổi lên là ai sẽ phát biểu lời cuối cùng và ai sẽ châm lửa thiêu. Người ta hỏi Juliet, liệu cô có làm được việc đó hay không? Và Juliet - đang cáu kỉnh và bận rộn phân phát những cốc cà phê - bảo họ hỏi lầm người rồi, bởi vì là góa phụ cô được mong chờ phải tự quăng mình vào lửa kia. Cô vừa nói vừa cười phá lên khiến những người hỏi cô vội lùi sững lại, sợ cô hóa điên mất. Người đàn ông từng là bạn hay đi chung thuyền với Eric đồng ý châm lửa nhưng bảo rằng mình không phải nhà hùng biện. Dầu vậy nhiều người cho rằng ông ta không phải là một lựa chọn tốt, bởi vì vợ ông ta là một tín đồ Anh giáo Tin Lành, và không chừng ông ta sẽ cảm thấy mình buộc phải nói những lời có thể làm đau lòng Eric nếu Eric có thể nghe được họ. Sau đó chồng của Ailo xung phong làm việc này - đó là một người nhỏ thó, bị dị dạng do trận cháy thuyền cách đây nhiều năm, một nhà xã hội học và một kẻ vô thần hay càu nhàu - và trong bài nói của mình ông lạc đề luôn khỏi Eric, ngoại trừ câu tuyên bố Eric là một Đồng Chí Trên Chiến Trường. Ông nói dông dài đến kinh ngạc, về sau điều này bị gán cho là vì ông đã sống trầm uẩn dưới ách kìm kẹp của Ailo. Chắc chắn có đám đông đã nhấp nha nhấp nhổm trước khi bài điếu văn của ông kết thúc, đến mức một số người cảm thấy sự kiện này hóa ra không hề huy hoàng, hay nghiêm trang, hay não lòng như người ta mong chờ. Nhưng khi lửa bùng lên thì những ý nghĩ này biến mất, chỉ còn sự tập trung cao độ, kể cả, hoặc nhất là trong lũ trẻ con, cho tới khi một người trong cánh đàn ông chợt thét lên, “Đem bọn nhóc ra khỏi đây.” Đó là khi ngọn lửa liếm tới cái xác, đem đến sự nhận thức, hơi muộn màng, rằng việc tiêu hủy mỡ, tim, thận và gan có nguy cơ gây ra những âm thanh vỡ bục hoặc những tiếng xèo xèo kinh hoàng. Thành thử hàng đàn con nít bị mẹ chúng lôi đi - một số bà mẹ tự nguyện, một số do hoảng hồn. Và thế là, nghi thức hỏa thiêu sau cùng hầu như chỉ còn cánh mày râu, và rất kinh tởm, ngay cả khi trong trường hợp này nó không hề bất hợp pháp.
Juliet ở lại, mắt trợn trừng, thân người lảo đảo, mặt chường ra trước sức nóng. Thật ra không hẳn cô đang ở đó. Cô nghĩ tới bất kỳ ai - Trelawny chăng? - ông ta giằng trái tim của Shelley* ra khỏi ngọn lửa. Trái tim, với lịch sử dài mang ý nghĩa cao quý của nó. Thật quái lạ khi nghĩ, ngay cả vào thời điểm đó, cách đây không quá lâu, một bộ phận thânthể lại được cho là quý giá đến vậy - là vị trí của lòng dũng cảm và tình yêu. Nó chỉ là một cục thịt, đang cháy. Không có chút gì liên hệ với Eric.
Tiểu thuyết gia người Anh Edward John Trelawny (1792-1881) và nhà thơ lãng mạn Percy Bysshe Shelley (1792-1822) là hai người bạn chí thân. Khi xác Shelley dạt vào bờ sau vụ đắm tàu, Trelawny đã tổ chức hỏa táng và lấy ra khỏi ngọn lửa tàn thứ ông cho là trái tim không thể thiêu cháy của Shelley.
Penelope tuyệt nhiên không biết gì về những sự kiện đang diễn ra ở nhà. Một mẩu tin ngắn đăng trên báo Vancouver - không phải về vụ thiêu xác trên bờ biển, đương nhiên, mà về vụ chết đuối - tuy nhiên ở vùng núi Kootenay hẻo lánh thì làm gì có báo chí hay đài phát thanh đưa tin tới con bé. Trở về Vancouver, con bé từ chỗ cô bạn Heather gọi điện về nhà. Christa nhấc máy - chị hồi hương muộn, không kịp dự lễ thiêu nhưng đang ở lại với Juliet để giúp đỡ những gì có thể. Christa bảo Juliet không ở nhà - nói dối - và đòi nói chuyện với mẹ của Heather. Chị giải thích những gì đã xảy ra, nói thêm chị sẽ chở Juliet tới Vancouver, họ đi ngay đây, để chính Juliet sẽ tự mình nói chuyện với Penelope khi họ tới nơi.
Christa thả Juliet xuống trước ngôi nhà Penelope đang ở chơi, và Juliet đi vào một mình. Mẹ của Heather đưa cô vào phòng đón nắng, chỗ Penelope đang đợi. Penelope hoảng hốt đón nhận tin, sau đó - khi Juliet hơi trịnh trọng vòng tay ôm con bé - nó có vẻ lúng túng. Có lẽ do ở nhà Heather, trong phòng đón nắng sơn màu trắng, xanh lá và cam, với anh em nhà Heather đang ném bóng vào rổ ở sân sau, tính tàn khốc của cái tin này dường như không bị xuyên thủng. Việc thiêu xác không được đả động tới - trong ngôi nhà này và tại khu dân cư này, xem ra việc đó bị cho là man rợ, lố bịch. Cũng trong ngôi nhà này, cách cư xử của Juliet hoạt bát ngoài dự định - hành vi của cô gần với sự thể hiện tinh thần thượng võ.
Mẹ của Heather đi vào sau khi đã gõ cửa cực nhẹ - đem theo trà đá. Penelope nốc ừng ực ly của mình xong thì đi ra với Heather - đang lấp ló ngoài hành lang nãy giờ.
Sau đó mẹ của Heather nói chuyện với Juliet. Chị mạo muội xin lỗi phải can thiệp vào bằng những việc thực tế, nhưng bảo do thời gian gấp gáp quá. Chị với cha của Heather đang chuẩn bị lái xe đi miền Đông vài ngày, thăm họ hàng. Họ sẽ vắng nhà một tháng, và đã sắp kế hoạch mang Heather theo cùng. (Bọn con trai chuẩn bị đi trại hè.) Nhưng giờ Heather quyết định không muốn đi nữa, nó nài nỉ được ở lại nhà, với Penelope. Một đứa mười bốn và một đứa mười ba đáng ra không nên để ở nhà một mình với nhau, nhưng chị chợt nghĩ rằng có lẽ Juliet sẽ muốn đi xa một chuyến, một đợt nghỉ ngơi, sau những biến cố cô vừa trải qua. Sau mất mát và bi kịch cô phải gánh chịu.
Thế là không lâu sau Juliet nhận thấy mình sống trong một thế giới khác, trong ngôi nhà rộng rãi sạch bóng, bài trí vừa rực rỡ vừa thâm trầm bằng những thứ được gọi là tiện nghi - nhưng với cô là xa xỉ - trong mọi tầm tay. Ngôi nhà nằm trên một đoạn đường cong, xếp cạnh những ngôi nhà tương tự, khuất sau những cây bụi được cắt tỉa cẩn thận và những luống hoa lòe loẹt. Ngay cả thời tiết, vào tháng đó, cũng hoàn mỹ - ấm áp, gió hây hẩy, tươi sáng. Heather và Penelope đi bơi, chơi cầu lông ở sân sau, đi xem phim, nướng bánh, hết ăn ngốn ăn ngấu lại ăn kiêng, phơi nắng cho da nâu, vặn ầm ĩ cả nhà thứ nhạc mà lời lẽ theo ý Juliet có vẻ ngớ ngẩn đến bực mình, đôi khi chúng mời lũ con gái khác đến, chúng không hẳn mời bọn con trai vào nhà nhưng chuyện trò lê thê, châm chọc, vô bổ với mấy thằng choai đi ngang qua hoặc đang tụ tập ở nhà sát bên. Có lần Juliet tình cờ nghe Penelope nói với một đứa bạn gái tới chơi, “Tớ gần như không biết ông, thật đấy.”
Con bé đang nói về cha nó.
Quái lạ.
Không như Juliet, Penelope không bao giờ sợ đi thuyền khi mặt nước có sóng. Con bé hay nằng nặc đòi bố chở đi theo và thường thì nó được đáp ứng. Những lúc theo sau Eric, trong chiếc áo phao màu cam hệt như đi làm việc, khệ nệ khiêng bất kể món đồ nghề nào có thể khiêng nổi, con bé luôn mang nét mặt nghiêm trang và tận tâm tận lực. Nó để ý cách đặt bẫy, rồi trở nên thành thạo, nhanh nhẹn và điềm nhiên bẻ đầu thảy những con tôm bắt được vào bao. Có giai đoạn trong thời ấu thơ của mình - đâu khoảng tám đến mười một tuổi - nó luôn miệng nói lớn lên nó sẽ ra biển đánh cá, còn Eric thì bảo với nó rằng ngày nay đâu còn con gái làm nghề ấy nữa. Juliet nghĩ bụng khả năng nó theo nghiệp bố cũng có thể xảy ra lắm chứ, bởi vì Penelope sáng dạ nhưng không mọt sách, có thể chất cực kỳ khỏe mạnh và gan lì. Nhưng Eric, khi Penelope không nghe thấy, thường bảo với Juliet là anh hy vọng ý tưởng đó sẽ phôi phai, anh chẳng cầu mong cho bất cứ ai theo cái nghề này làm gì. Anh luôn nói kiểu ấy, về nỗi cơ cực và bấp bênh của cái nghề mình chọn, nhưng pha nỗi tự hào, Juliet nghĩ, về chính những phương diện đó.
Vậy mà giờ đây anh bị phủi sạch. Bởi Penelope, con bé dạo gần đây đã sơn móng tay màu tím và trưng hình xăm giả lên bụng. Bố nó, người đã nuôi nó nên hình nên vóc. Đã bị nó phủi bỏ.
Nhưng Juliet cảm thấy mình cũng đang làm cái việc tương tự. Đành là cô bận rộn tìm việc làm và tìm chỗ ở. Cô đã rao bán ngôi nhà ở vịnh Cá Voi - cô không thể tưởng tượng nổi mình còn có thể sống ở đó. Cô đã bán xe tải, đã đem cho hết đồ nghề của Eric, kể cả bộ bẫy tôm người ta vớt lên được và chiếc thuyền. Anh con trai lớn, con riêng của Eric sống ở Saskatchewan, lấy con chó.
Cô nộp đơn xin việc vào ban tư liệu của thư viện đại học và vào một thư viện công, cô linh cảm ngay mình sẽ nhận được việc không ở nơi này thì cũng chỗ kia. Cô đi xem căn hộ ở khu Kitsilano hay Dunbar hay Point Grey. Cái rạch ròi, tính quy củ và dễ quản lý của cuộc sống thành phố khiến cô ngạc nhiên. Thì ra cung cách người ta sống khi công việc làm ăn không diễn ra bên ngoài cửa nhà, và khi những hoạt động đa dạng, xâu kết công việc không bó hẹp bên trong nhà, là như vậy đấy. Và đây là nơi thời tiết có thể là yếu tố tác động đến tâm trạng chứ không ảnh hưởng đến cuộc sống của ta, nơi mà những vấn đề cấp thiết như thói quen thay đổi và sản lượng nhiều ít của lũ tôm và cá hồi chỉ đơn thuần là đề tài hay hay, hoặc có khi không được đề cập tới chút nào. Cuộc sống mà cô đã trải qua ở vịnh Cá Voi, chỉ mới cách đây không lâu, so với cuộc sống ở đây, xem ra thật bừa bãi, không hoạch định, lộn xộn và gây kiệt quệ. Chính bản thân cô cũng đã được gột sạch tâm trạng của những tháng trước - cô cứng cỏi, tài giỏi và xinh đẹp hẳn ra.
Phải chi Eric thấy cô lúc này.
Lúc nào cô cũng nghĩ về Eric theo cách như thế. Không phải cô không nhận ra rằng Eric đã chết - như đã có lúc như vậy. Tuy nhiên cô cứ đau đáu quy chiếu đến anh, trong tâm trí, như thể anh vẫn là người có ý nghĩa đối với sự tồn tại của cô hơn bất kỳ ai khác. Như thể anh vẫn là người mà cô hy vọng đôi mắt sẽ sáng ngời tự hào về cô. Cũng là người cho cô tranh cãi đến cùng, cho cô trao đổi thông tin và những bất ngờ. Đó là thói quen sát sườn của cô, cứ tự động xảy ra thôi, đến nỗi cái chết của anh dường như không làm nó đứt đoạn.
Trận tranh cãi cuối cùng giữa họ vẫn chưa được giải quyết xong xuôi. Cô vẫn một mực chờ anh giải trình sự phản bội của anh. Việc cô chưng diện bản thân một chút vào lúc này cũng là để chống lại việc đó.
Cơn bão, việc vớt được xác, lễ thiêu trên bãi biển - tất cả giống như một đám rước hào nhoáng mà cô bị buộc phải xem và buộc phải tin, chứ chúng chẳng có nghĩa lý gì đối với Eric và cô.
Cô nhận việc ở thư viện đại học, cô tìm được một căn hộ hai phòng vừa túi tiền, Penelope trở lại Torrance House học hệ bán trú. Mọi giao dịch của họ ở vịnh Cá Voi đã kết thúc, cuộc sống của họ ở đó khép lại. Ngay cả Christa cũng dọn nhà chuyển đến Vancouver vào mùa xuân.
Trước khi Christa chuyển đến, vào một ngày tháng Hai, Juliet đứng dưới mái che của trạm chờ xe buýt trong khuôn viên trường đại học khi vừa tan ca chiều. Cơn mưa dầm cả ngày giờ đã tạnh, một dải sáng hiện ra ở trời Tây, và một mảng đỏ ở chỗ mặt trời vừa khuất phía đằng eo biển Georgia. Dấu hiệu báo những ngày dài đằng đẵng sắp tới, dấu hiệu hứa hẹn sự chuyển mùa này bất thần tác động lên cô, tưởng như nghiền nát cô.
Bất giác cô nhận ra Eric đã chết.
Cơ hồ toàn bộ thời gian qua, quãng thời gian cô ở Vancouver, anh vẫn luôn chờ đâu đó, chờ coi cô có trở về sống với anh hay không. Cơ hồ việc sống với anh là một lựa chọn đang để ngỏ. Cuộc sống của cô kể từ lúc tới đây vẫn là một cuộc sống có Eric ở hậu cảnh, cô chưa bao giờ hiểu rõ rằng Eric không tồn tại. Không có gì của anh tồn tại. Ký ức về anh trong thế giới thường nhật đã lùi xa.
Thì ra đây mới là nỗi đớn đau tột cùng. Cô cảm thấy như bị một bao xi măng trút xuống người rồi nhanh chóng khô cứng lại. Cô gần như không nhấc chân nổi. Việc bước lên xe buýt, bước xuống xe buýt, đi bộ nửa dãy phố về nhà (tại sao mình lại sống ở đây?) tựa như đang trèo lên vách đá. Giờ cô phải giấu không cho Penelope biết điều này.
Bên bàn ăn tối người cô bắt đầu run rẩy, nhưng cô không sao buông ngón tay để thả dao nĩa xuống được. Penelope vội chạy quành qua bàn tới cậy tay cô ra. Con bé nói, “Mẹ, có phải tại bố không?”
Sau này Juliet kể lại với một số người - như Christa - rằng cảm giác ấy giống như một sự miễn trách tận cùng nhất, những lời dịu dàng nhất mà ai đó từng nói với cô.
Penelope xoa hai bàn tay mát lạnh của nó lên khắp mặt trong hai cánh tay Juliet. Ngày hôm sau nó gọi điện đến thư viện báo mẹ nó bị ốm, rồi nó nghỉ học vài ngày để chăm sóc Juliet cho tới khi cô bình phục. Hoặc, ít nhất, cho tới khi tình trạng tồi tệ nhất trôi qua.
Trong những ngày đó Juliet tâm tình với Penelope tất tật mọi điều. Về Christa, về trận cãi nhau, về cuộc thiêu xác trên bãi biển (việc mà đến nay cô đã cố gắng một cách thần diệu để giấu con). Về tất cả mọi thứ.
“Đáng ra mẹ không nên trút những gánh nặng này lên con.”
Penelope đáp, “Vâng, có lẽ vậy.” Nhưng rồi khẳng khái thêm, “Con tha thứ cho mẹ. Con nghĩ mình không còn là con nít nữa.”
Juliet trở lại với thế giới. Cảm giác như lúc cô cảm thấy ở trạm xe buýt vẫn tái hiện, nhưng không bao giờ mạnh tới mức như vậy nữa.
Thông qua công việc nghiên cứu tại thư viện, cô gặp những người làm ở đài truyền hình tỉnh, và sau đó nhận công việc họ mời. Cô làm ở đó chừng một năm thì bắt đầu chuyển qua làm chương trình phỏng vấn. Tất cả những gì cô đọc không phân biệt trong nhiều năm qua (một việc Ailo cực lực phản đối trong những ngày sống ở vịnh Cá Voi), tất cả những mẩu, những miếng thông tin cô nhặt nhạnh được, khả năng tiêu hóa nhanh và ngẫu nhiên của cô, giờ đây trở nên hữu dụng. Cô khai thác cung cách tự trào hơi có phần chòng ghẹo, và có vẻ như phong cách đó rất được hoan nghênh. Trước camera, không mấy việc có thể khiến cô phát hoảng. Mặc dù trên thực tế, khi trở về nhà, cô sẽ bước tới bước lui, buột miệng rên rỉ hay nguyền rủa vì nhớ lại một sự cố kỹ thuật, hoặc một thoáng đỏ mặt, hoặc tệ hơn, một lỗi phát âm sai nào đó.
Sau năm năm, thiệp sinh nhật không còn gửi tới cho Juliet nữa.
“Điều đó chẳng có nghĩa gì cả,” Christa nhận định. “Tất cả chúng chỉ nói lên rằng con bé đang sống ở đâu đó. Giờ nó cho là em đã nhận được thông điệp rồi. Nó muốn chắc chắn em không mướn thám tử đánh hơi dò theo dấu nó. Thế thôi.”
“Em đã đặt quá nhiều gánh nặng lên nó phải không?”
“Thôi nào, Jul.”
“Em không ám chỉ tới việc Eric chết. Những người đàn ông khác sau đó kia. Chắc tại em đã để nó phải chứng kiến quá nhiều đau khổ. Nỗi đau khổ mê muội của em.”
Số là Juliet đã có hai mối tình vào quãng thời gian từ năm Penelope mười bốn đến hai mốt, và trong cả hai mối tình này cô đều cố yêu cuồng nhiệt, dẫu rằng sau đó lại cảm thấy xấu hổ. Một trong hai người đàn ông lớn tuổi hơn cô nhiều, đã kết hôn. Người kia trẻ hơn nhiều, và hoảng sợ trước những cảm xúc quá nhạy của cô. Về sau cô thường hay tự vấn về những mối tình này. Cô kết luận rằng mình đã chẳng hề thích thú gì họ cả.
“Chị cũng nghĩ em không thích thú gì,” Christa nói, lúc này đã rất mệt. “Chị không biết nữa.”
“Chúa ôi. Em đã ngu làm sao. Em chẳng còn ham mê gì đàn ông nữa. Đúng không?”
Christa không nói ra rằng có lẽ chỉ tại thiếu ứng cử viên.
“Không phải đâu, Jul. Không.”
“Thật ra em nào đã làm gì kinh khủng,” Juliet nói sau một lúc, tươi tỉnh hẳn lên. “Tại sao em cứ dằn vặt mãi rằng đó là lỗi tại em? Con bé là một câu hỏi hóc búa, thế thôi. Em cần đối mặt với điều đó.”
“Một câu hỏi hóc búa và một con cá máu lạnh,” Juliet tiếp với giọng điệu dứt khoát vờ vĩnh.
“Không phải đâu,” Christa nói.
“Ừ,” Juliet nói. “Không phải đâu... nói thế là không đúng.”
Sau khi tháng Sáu lần thứ hai trôi qua mà không có lời thăm hỏi nào, Juliet quyết định chuyển nhà. Trong suốt năm năm đầu tiên vừa qua, cô bảo với Christa, cô đã luôn trông ngóng đến tháng Sáu, tự hỏi không biết điều gì sẽ tới. Giờ đây khi sự thể ra nông nỗi thế này, cô phải tự hỏi mỗi ngày. Và mỗi ngày cô đều thất vọng.
Cô dọn đến một chung cư chọc trời ở Khu Tây. Cô định vứt hết đồ đạc trong phòng của Penelope đi, nhưng cuối cùng cô lại tống hết thảy vào bao và mang theo cùng. Giờ cô chỉ có một phòng ngủ nhưng lại có một phòng kho dưới tầng hầm.
Cô bắt đầu chạy bộ ở công viên Stanley. Giờ hiếm khi cô nhắc tới Penelope, ngay cả với Christa. Cô có bạn trai - đó là cách ngày nay người ta gọi họ - người này chưa bao giờ nghe hó hé gì đến con gái cô.
Christa ngày càng gầy rộc và ủ rũ. Cuối cùng, vào một ngày tháng Giêng, chị đột ngột qua đời.
Người ta không thể xuất hiện trên truyền hình mãi. Dù khán giả có ủng hộ cái bản mặt bạn đến thế nào chăng nữa, rồi cũng đến lúc người ta thích xem ai đó khác đi. Juliet được giao cho nhiều công việc khác - nghiên cứu, viết lời bình cho các chương trình về thế giới tự nhiên - nhưng cô vui vẻ từ chối tất cả, tự mô tả mình đang có nhu cầu thay đổi hoàn toàn. Cô trở lại khoa Văn hóa La Mã và Hy Lạp cổ - quy mô của khoa này thậm chí còn nhỏ hơn trước kia - cô định quay lại viết luận án tiến sĩ. Cô chuyển khỏi căn hộ cao cấp và dọn vào một căn hộ độc thân, để tiết kiệm tiền.
Bạn trai của cô đã nhận một chân dạy học ở Trung Quốc.
Căn hộ của cô nằm dưới tầng hầm của một ngôi nhà, nhưng cửa trượt sau nhà mở ra tầng trệt, ở đó có có một mái hiên lát gạch nhỏ xíu, một hàng rào mắt cáo có dây đậu hoa và cây ông lão, thảo mộc và hoa trồng trong chậu. Lần đầu tiên trong đời, về phương diện rất nhỏ, cô là người làm vườn như bố mình ngày xưa.
Thi thoảng có người nói với cô - trong cửa hàng, hay trên xe buýt đại học - “Xin lỗi, trông chị quen quen,” hoặc “Chị có phải là người đã từng lên truyền hình không?” Nhưng sau chừng một năm thì việc này cũng qua. Cô dành nhiều thời gian ngồi uống cà phê đọc sách bên bàn vỉa hè, và không ai để ý đến cô. Cô để tóc dài. Sau nhiều năm nhuộm đỏ nó đã mất đi màu nâu sung sức tự nhiên - giờ chỉ là màu nâu sờn, mảnh và lượn sóng. Nó gợi nhắc cô nhớ đến mẹ mình, bà Sara. Tóc bà Sara mềm sáng, bay bay, dần chuyển sang xám và rồi bạc trắng.
Căn hộ cô ở không đủ rộng để mời ai về nhà ăn tối nữa, vả lại cô cũng đã mất hứng thú bày biện nấu nướng. Bữa ăn của cô vừa đủ dinh dưỡng, nhưng đơn điệu. Chẳng vì lý do gì cụ thể, cô cắt liên lạc với hầu hết bạn bè của mình.
Không ngạc nhiên. Cuộc sống của cô bây giờ khác hẳn cuộc sống trước kia của một người của công chúng năng nổ, lo toan, thạo tin bất tận. Cô sống chung với sách, hầu như cứ thức là đọc, buộc phải đào sâu hơn, phải thay đổi bất cứ tiền đề nào mà từ đó cô đã bắt đầu. Việc cô bỏ lỡ tin tức thời sự thế giới nguyên cả tuần chẳng phải là hiếm.
Cô đã từ bỏ luận án mà trở nên hứng thú với những
nhà văn được xem là tiểu thuyết gia Hy Lạp, những người có tác phẩm ra đời muộn màng trong lịch sử văn chương Hy Lạp (bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, như lúc này cô bắt đầu học cách gọi tên nó, và tiếp tục đến đầu thời Trung Cổ). Aristeides, Longus, Heliodorus, Achilles Tatius. Nhiều tác phẩm của họ bị thất lạc hoặc chắp vá và thậm chí bị ghi nhận là thiếu đứng đắn. Nhưng có một câu chuyện tình lãng mạn do Heliodorus viết, nhan đề Aethiopica (ban đầu thuộc về một thư viện cá nhân, sau được tìm thấy trong cuộc vây hãm Buda*), vốn được biết đến ở châu Âu kể từ khi nó được in ở Basle* vào năm 1534.
Có lẽ ở đây tác giả đã nhầm. Aethiopica được tìm thấy trong trận cướp phá Buda năm 1526 (nay là khu Tây thủ đô Budapest, Hungary) chứ không phải trong cuộc vây hãm Buda năm 1541.
Hay Basel, thành phố đông dân thứ ba của Thụy Sĩ, nằm trên biên Giới Thụy Sĩ, Pháp và Đức.
Trong câu chuyện này nữ hoàng Ethiopia sinh hạ một đứa bé da trắng, bà lo sợ sẽ bị kết tội ngoại tình. Vì vậy bà đem con, một đứa bé gái, cho các nhà tu khổ hạnh chăm sóc - họ là những triết gia Hindu không mặc quần áo, sống đời ẩn dật và thần bí. Đứa bé gái đó, tên là Charicleia, cuối cùng lưu lạc tới Delphi, trở thành một trong những nữ tư tế thờ thần Artemis. Tại đó nàng gặp một nhà quý tộc Thessaly tên là Theagenes, ông này đem lòng yêu nàng, rồi nhờ sự giúp đỡ của một nhà thông thái người Ai Cập đã mang nàng đi trốn. Thế rồi hóa ra nữ hoàng Ethiopia chưa bao Giờ ngừng tìm kiếm con gái, bà đã thuê chính nhà thông thái Ai Cập này đi tìm kiếm con mình. Sự bất hạnh và những cuộc phiêu bạt vẫn tiếp diễn cho tới khi tất cả những nhân vật chính gặp nhau ở Meroe, Charicleia được cứu - một lần nữa - ngay khi nàng sắp sửa bị đem tế sống bởi chính cha đẻ của mình.
Những đề tài lôi cuốn dày đặc như ruồi ở đây, rất tự nhiên câu chuyện có sức hút không thôi đối với Juliet. Nhất là những phần nói về các nhà tu khổ hạnh. Cô cố tìm hiểu càng nhiều càng tốt về những con người thường được nhắc tới như là triết gia Hindu ấy. Trong trường hợp này, phải chăng tác giả đoán Ấn Độ ở liền kề với Ethiopia? Không phải - Heliodorus ra đời đủ muộn để rành rẽ về kiến thức địa lý hơn thế. Những nhà tu khổ hạnh sống lang thang, tỏa đi rất xa, vừa hấp dẫn vừa xua đuổi những người sống quanh bằng tâm nguyện sắt son cống hiến cho sự thanh khiết trong tâm tưởng và trong đời thực, bằng sự khinh rẻ của cải vật chất, kể cả quần áo và thức ăn. Có lẽ thiếu nữ xinh đẹp họ nuôi dạy là những gì còn sót lại của khao khát cháy bỏng và ngoan cố về cuộc đời mê ly trần tục.
Juliet kết bạn mới, một người tên Larry. Ông dạy tiếng Hy Lạp và cho Juliet cất những bao đồ linh tinh dưới tầng hầm nhà ông. Ông thích mường tượng ra việc họ cùng chuyển thể Aethiopica thành một vở nhạc kịch. Juliet hùa theo ý tưởng ngông cuồng này, thậm chí còn sáng tác những bài hát ngớ ngẩn và nghĩ ra những hiệu ứng sân khấu phi lý. Nhưng trong thâm tâm cô lẳng lặng tưởng tượng ra một kết cục khác hẳn, một đoạn kết có sự hy sinh, và một cuộc hồi tưởng về quá khứ, trong đó cô gái chắc chắn gặp toàn kẻ đểu giả, bọn lang băm, phường lừa đảo, bọn đê tiện mạo danh những gì cô đang tìm kiếm. Cuối cùng là sự hóa giải với nữ hoàng Ethiopia có trái tim cao cả, tuy lầm lỗi nhưng đã tỏ ra ăn năn.
Juliet gần như chắc chắn rằng có lần mình đã gặp Mẹ Shipton ở Vancouver này. Lúc đó cô mang mớ quần áo có lẽ mình sẽ không bao giờ mặc lại nữa (tủ quần áo của cô đã càng ngày càng thiết thực hơn) tới cửa hàng tiết kiệm của đội quân cứu tế, và khi đặt bao đồ xuống phòng tiếp nhận, cô thấy một mụ già béo ục ịch, mặc váy Hawaii thùng thình, đang gắn nhãn vào những chiếc quần. Mụ già đang nói chuyện với những nhân công khác. Mụ ta toát ra vẻ bề trên, xởi lởi nhưng cảnh giác trông nom - hoặc có lẽ mang dáng dấp của một kẻ giả vờ đóng vai trò đó, cho dù mụ ta có quyền giám sát chính thức hay không.
Nếu mụ ta đúng thật là Mẹ Shipton, thì mụ ta đã tụt giá trong thế giới này rồi. Nhưng xem ra không sa sút nhiều lắm đâu. Bởi nếu là Mẹ Shipton thì lẽ nào mụ không dự trữ được chút tinh thần hăăng hái và tự mãn, đủ để không cho phép sự sa sút thật sự xảy ra?
Dự trữ cả những lời khuyên, những lời khuyên ác độc nữa.
Mụ đã đến đây với chúng ta trong tình trạng đói kiệt.
Juliet kể cho Larry về Penelope. Cô cần phải cho một người nào đó biết. “Lẽ ra tôi nên nói chuyện với cháu về đời sống thanh cao phải không?” cô nói. “Về sự hy sinh? Mở cuộc đời mình ra cho nhu cầu của những kẻ lạ? Tôi đã không bao giờ nghĩ về điều đó. Chắc hẳn tôi đã hành xử như thể cuộc đời sẽ tốt đẹp nếu cháu nó trở nên giống tôi? Phải chăng điều đó đã khiến nó phát ốm?”
Larry không phải là loại đàn ông muốn tất cả mọi thứ từ Juliet, ngoài tình bạn và óc hài hước của cô. Ông thuộc típ người trước kia hay được gọi là đàn ông chưa vợ cổ hủ - vô tính, theo như cô thấy (nhưng có lẽ cô chưa thấy đủ), khe khắt trước bất kỳ tiết lộ riêng tư nào, không ngừng tạo nên sự thú vị.
Hai người đàn ông khác xuất hiện, muốn cô làm bạn đời của mình. Một người cô gặp khi ông ngồi chung bàn cà phê vỉa hè với cô. Ông vừa mới góa vợ. Cô thích ông, nhưng nỗi cô đơn của ông còn quá mới và sự theo đuổi cô của ông quá dữ dội đến nỗi cô sợ hãi.
Người kia là anh trai của Christa, cô đã gặp vài lần khi Christa còn sống. Bầu bạn cùng ông họp với cô - về nhiều phương diện ông cũng giống như Christa. Cuộc hôn nhân của ông đã chấm dứt từ lâu, ông không tuyệt vọng - cô biết, từ Christa, rằng có nhiều phụ nữ sẵn sàng cưới ông mà ông né tránh. Nhưng ông quá lý trí, việc ông lựa chọn cô mấp mé bên bờ máu lạnh, có gì đó khiến ta cảm thấy nhục nhã vì điều đó.
Nhưng tại sao lại nhục nhã? Không phải như thể cô không yêu ông.
Chính trong thời gian vẫn đang qua lại với anh trai của Christa - tên là Gary Lamb - mà cô tình cờ gặp Heather, trên một phố trung tâm ở Vancouver. Juliet và Gary vừa ra khỏi rạp chiếu bóng nơi họ xem suất phim chiều và đang bàn nhau nên ăn tối ở đâu. Hôm ấy là một buổi tối mùa hè ấm áp, ánh sáng vẫn còn le lói trên bầu trời.
Một thiếu phụ tách ra khỏi một nhóm người đang đi trên vỉa hè. Cô tiến thẳng đến bên Juliet. Một phụ nữ gầy gò, có lẽ gần bốn mươi. Ăn mặc hợp mốt, trên mái tóc sẫm màu của cô có những dải màu kẹo bơ.
“Cô Porteous. Cô Porteous.”
Juliet nhận ngay ra giọng nói đó, dù gương mặt thì cô không nhận ra. Heather.
“Thật không tin nổi,” Heather tíu tít. “Cháu ở đây đã ba ngày, mai cháu đi rồi. Chồng cháu đi dự hội nghị. Cháu đang nghĩ là mình chẳng còn biết ai ở đây nữa, thế rồi cháu quay qua thì trông thấy cô.”
Juliet hỏi cô sống ở đâu và cô trả lời là ở Connecticut.
“Chỉ cách đây ba tuần cháu đi thăm Josh - cô nhớ Josh, anh cháu chứ ạ? - cháu đi thăm gia đình anh ấy ở Edmonton thì tình cờ gặp Penelope. Y hệt như tình cờ gặp cô thế này này, ngay giữa đường. À không... thật ra là ở trong thương xá, một thương xá rộng bạt ngàn luôn. Nó dắt theo hai đứa con, nó dẫn chúng đi mua đồng phục học sinh ấy mà. Hai thằng con trai. Cả hai tụi cháu cùng sửng sốt. Cháu không biết nó ngay nhưng nó nhận ra cháu trước. Dĩ nhiên, nó vừa mới bay xuống đó. Từ cái nơi ở mãi trên miền Bắc ấy. Nhưng nó nói nơi đó thực ra cũng khá văn minh. Nó bảo với cháu là cô vẫn sống ở đây. Nhưng cháu đi với những người kia - họ là bạn của chồng cháu - nên cháu không sao có thời gian gọi cho cô...”
Juliet làm cử chỉ tỏ ý nói rằng chuyện cô nàng không có thời gian là dĩ nhiên và cô cũng không mong chờ sẽ được gọi.
Cô hỏi Heather có mấy đứa con.
“Ba. Toàn đồ quỷ sứ. Cháu mong bọn chúng lớn nhanh nhanh lên. Nhưng đời cháu vẫn còn là một cuộc picnic chán so với Penelope. Năm đứa.”
“Ừ.”
“Giờ cháu phải chạy gấp đây, bọn cháu định xem phim. Cháu chả biết cái phim này thuộc thể loại gì, cháu thậm chí còn không thích phim Pháp. Nhưng nhớ vậy mà may mắn gặp được cô, vui quá. Ba mẹ cháu chuyển đến White Rock rồi. Ông bà gặp cô trên ti vi hoài. Họ toàn khoe với bạn bè là cô đã từng sống trong nhà cháu. Giờ họ nói cô không lên ti vi nữa, cô chán rồi à?”
“Cũng đại loại.”
“Tớ quay lại giờ đây, quay lại giờ đây.” Cô gái ôm vội Juliet và hôn, như tất cả mọi người thời nay hay làm, rồi chạy đuổi theo nhóm người đi cùng với mình.
Ra thế. Penelope không sống ở Edmonton - nó bay xuống Edmonton. Bay xuống. Điều đó có nghĩa là nó phải sống ở Whitehorse hoặc Yellowknife. Còn đâu khác ngoài những nơi đó có thể mô tả là khá văn minh? Không chừng con bé hơi có ý móc mỉa Heather khi nói thế.
Nó có năm đứa con và ít nhất hai trong số đó là con trai. Chúng đi sắm đồng phục học sinh. Vậy có nghĩa là học trường tư. Và tức là phải có tiền.
Mới đầu Heather không nhận ra nó. Vậy có nghĩa là nó đã hằn tuổi tác? Nó đã mất phom vì năm lần sinh nở, nó bấy nay không chăm sóc bản thân? Như Heather. Như Juliet, trong chừng mực nào đó. Vậy chứng tỏ nó thuộc loại phụ nữ quan niệm rằng việc đấu tranh gìn giữ diện mạo là trò lố bịch, là lời thú nhận mình bất an? Hay đơn giản chỉ vì nó không có thời gian cho trò đó - một thứ quá xa những gì nó lưu tâm.
Juliet từng nghĩ Penelope dính líu đến bọn người theo thuyết tiên nghiệm, cô nghĩ nó đã trở nên một kẻ thần bí, dành thời gian chiêm nghiệm cuộc đời. Hoặc giả... một kiểu người hoàn toàn trái ngược nhưng vẫn đạm bạc và khắc khổ - kiếm sống bằng lao động nặng nhọc và đầy rủi ro, có lẽ là đánh cả, với một ông chồng, có lẽ còn cùng với một đám con bặm trợn, trên những vùng nước lạnh lẽo ở cửa sông Inside Passage bên bờ biển British Columbia.
Hóa ra sai bét. Con bé đang sống cuộc đời của một mệnh phụ rất khá giả và thực dụng. Có lẽ đã lấy một ông bác sĩ, hoặc một vị đầy tớ của nhân dân quản lý những vùng phía Bắc đất nước trong thời điểm quyền kiểm soát ấy đang được trao dần, một cách thận trọng nhưng cũng hơi nhuốm màu phô trương, vào tay dân bản địa. Nếu Juliet có bao giờ gặp lại Penelope thì hẳn hai mẹ con sẽ cưới phá lên về chuyện Juliet đã lầm to ra sao. Rồi khi họ nói về cuộc gặp tách riêng với Heather, một cuộc gặp gỡ thật quái lạ, họ cũng sẽ cười lăn cười bò.
Ồ không. Không. Vấn đề là thực tế cô đã cười quá nhiều quanh Penelope rồi. Quá nhiều thứ đã bị đem ra đùa tếu. Cũng như quá nhiều thứ - những chuyện riêng tư, những cuộc tình có lẽ chỉ là sự thỏa mãn nhất thời - đã là thảm kịch. Con bé từ nhỏ đã luôn thiếu vắng sự kèm cặp, sự khuôn phép và sự tự chủ của người mẹ.
Penelope đã bảo với Heather rằng cô, Juliet, vẫn sống ở Vancouver. Nó đã không nói cho Heather biết về mối bất hòa giữa hai mẹ con. Chắc chắn là không. Nếu nó kể thì hẳn Heather đã không nói năng tự nhiên như vậy.
Làm sao Penelope biết cô vẫn sống ở đó, trừ phi nó kiểm tra danh mục điện thoại? Nếu nó làm vậy, thì có nghĩa là gì?
Không là gì cả. Không mang ý nghĩa gì hết.
Cô bước về phía lề đường nơi Gary đang đợi, ông đã lịch thiệp lùi xa khỏi cuộc hội ngộ.
Whitehorse, Yellowknife. Đau đớn làm sao khi biết được tên của những nơi này - những nơi cô có thể bay tới. Những nơi cô có thể lảng vảng trên phố, bày mưu tính kế để có thể tình cờ gặp con trên đường.
Nhưng cô không điên đến vậy. Cô tuyệt nhiên không được điên khùng như thế.
Trong bữa tối, cô vụt nghĩ rằng cái tin mình vừa mới thẩm thấu được này sẽ đặt cô vào hoàn cảnh thuận lợi hơn để lấy Gary, hoặc để chung sống với ông - bất kỳ điều gì ông muốn. Không còn gì vướng bận tới Penelope để mà phải lo lắng, để mà phải kìm nén chờ đợi nữa. Penelope không phải là bóng ma, con bé an toàn, an toàn như bất kỳ người nào khác an toàn; và con bé hạnh phúc như bất kỳ ai khác được hạnh phúc. Nó đã tự tách mình ra khỏi Juliet và rất có thể, ra khỏi những ký ức về Juliet, và về phần mình Juliet cũng không thể làm gì hơn là cũng phải tự tách mình ra khỏi nó.
Nhưng nó đã nói với Heather là Juliet đang sống ở Vancouver. Không biết nó dùng từ Juliet? Hay là Mẹ. Mẹ Tớ.
Juliet nói với Gary rằng Heather là con của bạn cũ. Cô chưa bao giờ nói với ông về Penelope, và ông cũng chưa bao giờ tỏ ra là mình biết về sự tồn tại của Penelope. Rất có thể Christa đã kể cho ông nghe, và ông vẫn im lặng vì nghĩ rằng đó không phải là việc của mình. Hoặc Christa đã nói và ông đã quên. Cũng có khi Christa chưa bao giờ nhắc về Penelope, dù chỉ là cái tên.
Nếu Juliet sống với ông và không bao giờ đề cập tới Penelope, thì Penelope sẽ không tồn tại.
Penelope không tồn tại thật. Con bé Penelope mà Juliet tìm kiếm đã đi rồi. Thiếu phụ mà Heather gặp ở Edmonton, người mẹ đưa lũ con trai đi Edmonton mua đồng phục học sinh, người đã thay đổi gương mặt và thân hình đến nỗi Heather không nhận ra, không phải là người Juliet biết.
Juliet có tin điều này?
Nếu Gary có thấy cô đang nhộn nhạo ruột gần thì ông cũng giả bộ không nhận thấy. Nhưng có lẽ chính trong buổi tối hôm ấy, hai người đều ngầm hiểu rằng họ sẽ không bao giờ sống cùng nhau. Nếu họ có thể sống với nhau thì chắc hẳn cô đã nói với ông: Con gái em đã bỏ em đi mà không một lời từ biệt, mà có khi lúc đó nó cũng không biết nó sẽ đi. Nó không biết lần đi đó là từ biệt mãi mãi. Nhưng em tin rằng dần dà nó đã nhận ra mình muốn dứt bỏ ra đi biết chừng nào. Nó cho rằng đó là con đường nó tìm ra để làm chủ cuộc đời nó.
Có lẽ điều này giải thích với em lý do tại sao nó không thể gặp em. Hay chưa có thời gian để gặp. Anh biết không, bọn em luôn cho rằng luôn có lý do này hay lý do khác, và bọn em luôn cố tìm ra những lý do. Và em có thể tâm sự với anh nhiều về những gì em đã làm sai. Nhưng em nghĩ lý do là thứ không dễ đào kiếm được. Có gì đó rất tinh khiết trong bản chất của con bé. Đúng vậy. Ở con bé có gì đó như lòng tốt, tính khe khắt, sự thánh thiện và cả tính trung thực khẳng khái. Bố em từng hay nói về những người mà ông không thích là ông không có ích lợi gì cho người đó. Lẽ nào những lời bố em nói lại đúng theo nghĩa đen? Rằng em không có ích lợi gì cho Penelope.
Có lẽ nó không thể chịu đựng được em. Rất có thể là vậy.
Juliet đã có bạn bè. Không nhiều - nhưng họ là chỗ bạn bè. Larry vẫn tạt qua thăm và vẫn bông đùa. Cô vẫn tiếp tục các nghiên cứu của mình. Cụm từ nghiên cứu không mô tả đúng những việc cô đang làm - điều tra thì đúng hơn.
Tiền bạc thiếu hụt, cô làm vài tiếng một tuần ở quán cà phê nơi cô từng giết nhiều thời gian bên bàn vỉa hè. Cô thấy công việc này cân bằng tốt với việc nghiên cứu Hy Lạp cổ đại của cô - tốt đến nỗi cô tin mình sẽ không bỏ nó kể cả khi đã đủ tiền trang trải cuộc sống.
Cô vẫn nuôi hy vọng nhận được tin tức từ Penelope, nhưng không theo cách nặng nề nữa. Có hy vọng như một người biết rằng tốt hơn hãy hy vọng có được sự ân sủng không xứng đáng, sự xá tội không ngượng ngập - những điều đại loại.