Số lần đọc/download: 1276 / 13
Cập nhật: 2016-02-18 13:12:32 +0700
Chương 3: Khao Khát
L
ại một đêm say sưa và ấm áp nữa. Ở khu nhà dành riêng cho phụ nữ, chúng tôi thưởng thức một bữa tiệc lớn có món đậu phơi nắng xuân rồi đồ với vỏ quýt khô và những con cua đỏ tháng Bảy to bằng quả trứng gà chỉ mùa này mới có ở các sông hồ trong vùng. Những thành phần đặc biệt được thêm vào các món của phụ nữ có chồng để giúp họ thụ thai, trong khi những thành phần khác thì bị loại ra khỏi các món dành cho những người đang hoặc có thể đang mang bầu: thịt thỏ bởi vì ai cũng biết rằng nó có thể gây sứt môi, và thịt cừu vì nó có thể khiến hài nhi sinh ra ốm yếu. Nhưng tôi không đói. Tâm trí tôi đã ở Ngự Phong Đình.
Khi tiếng chiêng trống gọi chúng tôi ra vườn, tôi tụt lại sau, cố gắng hết mức để hòa nhã và chuyện trò với các thím, những người tỳ thiếp và các vị phu nhân khách mời. Tôi nhập vào nhóm cuối cùng rời phòng. Chỉ còn lại những chiếc nệm ở rìa ngoài khu vực dành cho phụ nữ. Tôi ngồi xuống một chiếc và nhìn quanh để bảo đảm rằng mình đã quyết định chính xác. Đúng rồi, mẹ tôi, nữ chủ nhân, đang ngồi ở giữa. Đêm nay, ngoài tôi ra, tất cả đám con gái chưa chồng đều tụ lại với nhau. Đàm Trắc, dù là do tự nó quyết định hay mẹ tôi nài ép, thì cũng đã chuyển đến ngồi với đám con gái cùng tuổi.
Một lần nữa cha tôi lại chọn các đoạn nổi bật nhất cho buổi diễn đêm nay, bắt đầu từ đoạn ba năm sau cái chết của Đỗ Lệ Nương với cảnh chàng thư sinh Liễu Mộng Mai bị ốm trên hành trình dài trảy kinh ứng thí. Người gia sư cũ của Lệ Nương cho Mộng Mai nương náu tại miếu thờ nàng gần cây mai. Ngay khi đoạn nhạc tiếp theo bắt đầu, tôi có thể nói ngay rằng chúng tôi sẽ cùng Lệ Nương tới cõi âm chờ phán xét. Vì đêm nay không thể xem diễn được, tôi phải hình dung ra vị phán quan với diện mạo khủng khiếp khi ngài nói về sự đầu thai và việc linh hồn rải rắc như những tia lửa từ quả pháo bắn ra. Họ bị chuyển tới một trong bốn vạn tám nghìn số mệnh ở Dục giới, Sắc giới hay Vô sắc giới hay tới một trong hai trăm bốn hai tầng địa ngục. Lệ Nương cầu xin phán quan, nói với ngài rằng đã có một nhầm lẫn khủng khiếp xảy ra, bởi nàng còn quá trẻ sao lại có thể ở chốn âm gian ấy, nàng chưa xuất giá cũng như chưa từng uống rượu nhưng đã sa vào khao khát rồi mất mạng.
"Trần gian có người chết vì giấc mộng từ khi nào vậy?" Giọng vị phán quan xối vào lòng tôi khi ngài yêu cầu Hoa Tiên, kẻ đã mang đến nỗi tương tư và cái chết của Lệ Nương, giải thích. Rồi sau khi kiểm tra sổ Hôn nhân, ngài kết luận rằng quả thực Lệ Nương đã được trời định sánh duyên cùng Mộng Mai, và bởi bài vị của nàng chưa được điểm nên ngài cho phép nàng lang thang trên dương thế dưới dạng một hồn ma để tìm kiếm người chồng đã được số mệnh xe duyên của mình. Tiếp đó phán quan giao cho Hoa Tiên giữ gìn thân xác Lệ Nương cho khỏi bị mục nát. Là một hồn ma, Lệ Nương quay trở lại dương thế, tới sống ở gần phần mộ mình dưới gốc mai. Khi Thạch đạo cô, một ni sư già được giao việc chăm lo phần mộ, bày đồ cúng lên chiếc bàn dưới gốc cây, Lệ Nương rất đỗi biết ơn liền rải những bông mai mà nàng đã thấm đẫm tình cảm của mình vào.
Khi Mộng Mai bình phục, chàng bồn chồn dạo bước qua khu vườn. Hoàn toàn tình cờ, trừ phi đó hẳn là sự can thiệp của định mệnh, chàng tìm thấy chiếc hộp trong có cuộn tranh chân dung tự họa của Lệ Nương. Chàng đã tưởng mình tìm thấy một bức tranh vẽ Quan Âm. Liễu Mộng Mai mang cuộn tranh về phòng và đốt trầm hương trước nó. Chàng thích thú với làn tóc mềm mại của Quan Âm, khuôn miệng nhỏ nhắn như một nụ hồng và vẻ khao khát yêu đương dường như bị kìm giữ giữa cặp lông mày, nhưng càng nhìn gần chàng càng bị thuyết phục rằng người phụ nữ trên lụa mà chàng thấy không thể là Quan Âm Bồ Tát được. Quan Âm đi mây về gió trong khi chàng lại trông thấy đôi gót sen nhỏ nhắn của nàng thò ra ngoài gấu áo dài. Rồi chàng thấy bài thơ đã được viết trên lụa và hiểu rằng đó là bức chân dung tự họa của một cô gái chốn nhân gian.
Khi đọc những dòng thơ, chàng nhận ra rằng mình chính là Liễu, cây liễu; người con gái trong tranh cũng cầm một nhành mai trong tay như thể đang ôm lấy Mộng Mai, Giấc Mộng Về Cây Mai. Chàng viết một bài thơ đáp lại và rồi mời gọi nàng từ tranh bước xuống gặp mình.
Bầu không khí chờ đợi im phăng phắc trùm lên đám phụ nữ sau tấm bình phong khi hồn ma tối sẫm của Lệ Nương hiện ra từ phần mộ nàng trong vườn để khêu gợi, tán tỉnh và quyến rũ chàng thư sinh.
Tôi đợi đến khi nàng bắt đầu gõ vào cửa sổ phòng Mộng Mai và chàng hỏi xem nàng là ai thì đứng lên và mau chóng rời khỏi chỗ. Cảm xúc của tôi phản chiếu cảm xúc của Lệ Nương khi nàng lướt quanh chàng thư sinh, gọi chàng, trêu cợt chàng. "Thiếp là đóa hoa chàng làm hé nở trong đêm." Tôi nghe Lệ Nương hát. "Thân này đáng giá ngàn vàng, thiếp trao chàng mà không lưỡng lự." Tôi là một cô gái chưa chồng, nhưng tôi hiểu mong ước của nàng. Mộng Mai đã đón nhận sự trao thân của nàng. Chàng hỏi tên nàng hết lần này đến lần khác, nhưng Lệ Nương không chịu nói. Với nàng, trao thân dễ dàng hơn là tiết lộ danh tính.
Tôi chậm lại khi tới gần chiếc cầu chữ chi dẫn vào Ngự Phong Đình. Tôi mường tượng rằng đôi chân bó nhỏ nhắn ẩn dưới tấm váy rủ của mình đang nở hoa theo mỗi bước đi. Tôi vuốt cho phẳng vạt váy lụa, lướt các ngón tay qua tóc để chắc chắn rằng những chiếc trâm cài vẫn ở đúng vị trí, và rồi đôi lúc tôi đưa hai bàn tay lên ôm ngực, cố làm lắng dịu nhịp đập lo âu dữ dội của tim mình. Tôi phải nhớ rằng tôi là ai và là cái gì. Tôi là con gái duy nhất của một gia tộc đã sản sinh ra những học sĩ phẩm cấp cao nhất của triều đình suốt chín thế hệ. Tôi đã được đính ước. Tôi đã bó chân. Nếu có gì đó không may xảy ra thì tôi sẽ không thể chạy trốn như một cô gái có bàn chân bình thường, cũng như không thể bay đi trên một đám mây ma mị như Lệ Nương được. Nếu bị bắt gặp, đính ước của tôi sẽ tan vỡ. Một cô gái không thể làm điều gì xấu xa hơn là mang lại cho gia tộc sự hổ thẹn và nhục nhã bằng cách ấy, nhưng tôi dại dột ngốc nghếch và tâm trí tôi đã đờ đẫn vì khao khát.
Tôi dụi mạnh tay vào mắt và nghĩ đến mẹ trong cơn khao khát đến phát đau. Nếu còn chút lý trí nào thì hẳn tôi sẽ thấy nỗi thất vọng của bà dành cho mình. Nếu còn chút khôn ngoan, thì tôi hẳn đã biết cơn giận của bà sẽ dữ dội ra sao. Thay vào đó, tôi lại cố đưa vào tâm trí mình phẩm giá, sắc đẹp và vóc dáng của bà. Đây là nhà của tôi, khu vườn của tôi, mái đình của tôi, đêm của tôi, vầng trăng của tôi, cuộc đời của tôi.
Tôi bước qua chiếc cầu hình chữ chi vào Ngự Phong Đình. Chàng đã đợi tôi ở đó. Ban đầu chúng tôi không trao đổi lời nào. Có lẽ chàng ngạc nhiên khi tôi tới; xét cho cùng điều đó không tiết lộ nhiều về tính cách của tôi. Có lẽ chàng cũng sợ chúng tôi bị bắt gặp như tôi vậy. Hay có lẽ chàng đang để tôi thấm vào trong mình, cũng như tôi đang để chàng thấm vào phổi, vào mắt, vào tim.
Chàng cất lời trước. "Bức tranh ấy không chỉ đại diện cho Lệ Nương," chàng nói, dùng sự trang trọng như một cách giữ cho cả hai chúng tôi khỏi phạm lỗi lầm khủng khiếp. "Nó là chìa khóa mở ra số mệnh sánh duyên cùng nàng của Mộng Mai, hoa mai nở trong tay nàng, những lời mời gọi ai đó tên Liễu trong bài thơ nàng viết. Chàng đã thấy người vợ tương lai của mình trong mảnh lụa mong manh đó."
Khó có thể nói đó là những lời lãng mạn tôi đã mong chờ được nghe, nhưng tôi là một cô gái và tôi theo sự dẫn dắt của chàng.
"Em thích hoa mai," tôi đáp. "Chúng xuất hiện đi xuất hiện lại. Chàng có ở lại tới cảnh Lệ Nương rải những cánh hoa lên bàn thờ dưới cây mai không ạ?" Khi chàng gật đầu, tôi lại nói tiếp. "Những bông hoa do hồn ma Lệ Nương rải có khác với những bông hoa mà gió mang tới không thưa chàng?"
Chàng không trả lời câu hỏi của tôi. Thay vào đó, chàng nói, giọng chàng trầm trầm, "Chúng ta ngắm trăng đi."
Tôi để sự can đảm của Lệ Nương thấm vào trái tim mình, rồi bước những bước nhỏ băng qua căn đình cho tới khi đến bên chàng. Đêm mai là đêm trăng thượng huyền, nên giờ đây trông nó như một phiến mảnh hơn đôi chút treo dưới trời. Một cơn gió bất ngờ thổi qua hồ quạt mát khuôn mặt nóng bừng của tôi. Những lọn tóc bung ra mơn man da thịt và gây những cơn run rẩy dọc sống lưng.
"Nàng có lạnh không?" chàng hỏi, dịch người ra phía sau, đặt bàn tay lên vai tôi.
Tôi muốn quay lại và đối mặt với chàng, nhìn vào mắt chàng và...? Lệ Nương đã quyến rũ chàng thư sinh của mình, nhưng tôi thì không biết phải làm gì.
Phía sau tôi, chàng buông tay xuống. Tôi cảm thấy hơi lâng lâng. Thứ duy nhất khiến tôi không bỏ chạy hay ngất đi là hơi ấm tỏa ra từ người chàng, chúng tôi đứng mới gần làm sao. Và tôi hề không nhúc nhích.
Vở kịch vọng đến từ đằng xa. Mộng Mai và Lệ Nương tiếp tục gặp gỡ. Lần nào chàng cũng hỏi tên, và lần nào nàng cũng không chịu nói. Chàng luôn hỏi: "Sao bước chân nàng có thể yên ắng đến thế?" Và Lệ Nương luôn thừa nhận rằng đúng là nàng không để lại dấu chân trên nền đất bụi. Cuối cùng, một đêm nọ, hồn ma cô gái đáng thương tới, sợ hãi và run rẩy bởi rốt cuộc nàng sắp nói với chàng mình là ai và là cái gì.
Hai người trong Ngự Phong đình đứng đờ người ra, sợ đến nỗi không dám nhúc nhích, sợ đến nỗi không dám nói năng, sợ đến nỗi không dám chạy trốn. Tôi cảm nhận được hơi thở của chàng trai trẻ phả lên cổ mình.
Từ phía khu vườn, Mộng Mai hát lên hỏi rằng, "Nàng đã đính ước chưa?"
Trước khi nghe thấy Lệ Nương trả lời, một giọng thì thầm vọng vào tai tôi. "Nàng đã đính ước chưa?"
"Em đã được đính ước từ thuở còn ẵm ngửa." Tôi hầu như không nhận ra giọng mình vì mọi thứ tôi nghe được là tiếng máu dồn lên màng nhĩ.
Chàng thở dài phía sau tôi. "Một người vợ cũng đã được chọn sẵn cho ta."
"Vậy thì chúng ta chẳng nên gặp gỡ."
"Ta có thể nói lời từ biệt," chàng nói. "Đó là điều nàng muốn ư?"
Phía sân khấu, tôi nghe Lệ Nương thổ lộ với chàng thư sinh của mình về nỗi âu lo rằng giờ đây khi họ đã mây mưa cùng nhau, có thể chàng chỉ muốn nàng làm một người tỳ thiếp thôi chứ không phải làm vợ chàng. Nghe thấy thế, nỗi phẫn nộ trong tôi đột ngột sôi lên. Tôi không phải là người duy nhất làm gì đó sai trái ở đây. Tôi quay lại đối mặt với chàng.
"Phải chăng đây điều mà vợ chàng mong đợi ở cuộc hôn nhân của nàng ấy, rằng chàng sẽ gặp gỡ những người phụ nữ xa lạ?"
Chàng mỉm cười chân thật, nhưng tôi nghĩ đến việc chàng đã đi lén lút băng qua khu vườn như thế nào trong khi lẽ ra chàng phải xem kịch cùng cha tôi, các chú, Đàm đại nhân và những vị khách nam khác.
"Nam nữ hữu biệt, nhưng trong tình yêu và dục vọng thì không có gì khác biệt cả," chàng ngâm lên một câu nói nổi tiếng. Rồi chàng nói thêm, "Ta hy vọng được một người tri kỷ không chỉ trong gia đình, mà còn cả ở chốn gối ấp tay kề nữa."
"Vậy là chàng đang tìm tỳ thiếp thậm chí trước cả khi chàng thành hôn," tôi đáp vẻ chua cay.
Vì hôn nhân được sắp đặt và cả tân nương lẫn tân lang chẳng có chút gì làm xứng hợp nên tỳ thiếp là nỗi sợ của mọi người vợ. Các đức ông chồng phải lòng các nàng hầu thiếp. Họ đến với nhau do lựa chọn, không trách nhiệm và có thể vui thú khi ở bên nhau, trong khi đó, hôn nhân là bổn phận và là cách để sản sinh ra những đứa con trai, để khi đến lượt, chúng sẽ chăm lo việc hương hỏa ở từ đường.
"Nếu nàng là vợ ta," chàng nói, "ta sẽ chẳng bao giờ cần đến tỳ thiếp."
Tôi cụp mắt xuống, sung sướng lạ kỳ.
Một số người có thể nói những điều này thật quá lố bịch. Một số có thể nói không bao giờ chuyện này có thể xảy ra. Một số người nói đây chỉ là do tôi tưởng tượng ra, một sự tưởng tượng hưng phấn quá độ, mà rốt cuộc dẫn đến những sáng tác mê loạn của tôi, và một kết thúc không có hậu. Thậm chí một số người còn bảo rằng nếu mọi chuyện xảy ra đúng như những gì tôi kể thì tôi đáng bị một kết thúc bất hạnh và nhận được thứ còn tệ hại hơn cả cái chết, thứ mà tôi đã nhận được. Nhưng lúc đó, tôi đã cảm thấy rất hân hoan.
"Ta nghĩ chúng ta gặp gỡ là do tiền định," chàng nói. "Ta đã không biết rằng nàng ở đây đêm qua, nhưng nàng đã xuất hiện. Chúng ta không thể chống lại định mệnh. Thay vào đó chúng ta phải đồng ý rằng, định mệnh đã cho chúng ta một cơ hội đặc biệt."
Tôi xấu hổ vô cùng và quay đi.
Trong suốt thời gian đó, vở kịch vẫn tiếp diễn trong vườn nhà chúng tôi. Tôi đã thuộc lòng câu chuyện đến nỗi ngay cả khi bị rối trí bởi những chuyện xảy ra với người lạ, một phần trong tôi vẫn để cho câu chuyện thấm vào ý thức. Giờ đây, rốt cuộc tôi cũng đã nghe thấy Lệ Nương thừa nhận rằng nàng là một bóng ma bị kẹt giữa trần gian và âm phủ. Tiếng thét kinh hãi của Mộng Mai vẳng tới Ngự Phong Đình. Tôi lại rùng mình lần nữa.
Chàng trai trẻ hắng giọng. "Ta cho rằng nàng hiểu rất rõ vở kịch này."
"Em chỉ là một cô gái và ý nghĩ của em chẳng hề quan trọng," tôi trả lời, cố gắng tỏ ra khiêm nhường, một điều xuẩn ngốc trong tình cảnh của chúng tôi.
Chàng nhìn tôi hơi giễu cợt. "Nàng thật xinh đẹp, ta vừa lòng với sắc đẹp ấy, nhưng chính cái ở bên trong đây", không hề chạm vào tôi, chàng vươn tới và chỉ đầu ngón tay vào chỗ trái tim tôi, trung tâm của mọi nhận thức, "mới là thứ ta muốn biết."
Vị trí trên ngực tôi nơi chàng gần như chạm vào nóng bừng lên. Chúng tôi đều táo tợn và liều lĩnh, nhưng trong khi lời lẽ dụ hoặc của Lệ Nương và hành động khêu gợi tương xứng của chàng thư sinh kết thúc bằng cuộc mây mưa hoan lạc, thì tôi là một cô gái đang sống, tôi không thể trao thân rất dễ dàng mà không phải trả một cái giá đắt vô cùng.
Trong vườn, Mộng Mai đã vượt qua nỗi sợ, bày tỏ tình yêu và nhận lời lấy Lệ Nương làm vợ. Chàng điểm bút lên bài vị Lệ Nương, điều mà cha nàng do quá hấp tấp khi được thăng quan mà quên thực hiện. Mộng Mai khai quật mộ và bỏ viên ngọc táng được đặt trong miệng Lệ Nương ra. Như vậy, thân thể Lệ Nương sẽ lại hấp thụ được sinh khí.
"Em phải đi," tôi nói.
"Mai nàng lại gặp ta nhé?"
"Em không thể," tôi nói. "Họ sẽ nhận ra sự vắng mặt của em mất."
Tôi nghĩ rằng chuyện cả hai đêm không có ai theo dõi mình đã là một điều kỳ diệu. Làm sao tôi có thêm một cơ hội nữa được?
"Mai nhưng không phải ở đây," chàng nói như thể không phải tôi vừa khước từ. "Có nơi nào khác không? Có lẽ nơi nào đó xa khu vườn hơn chăng?"
"Vọng Nguyệt Đình ở bên hồ." Tôi biết chỗ nhưng chưa bao giờ đến đó cả. Thậm chí tôi còn không được phép đến đó với cha nữa. "Chỗ đó xa các sảnh đường và khu vườn nhất."
"Thế thì ta sẽ đợi nàng ở đó."
Tôi mong chàng chạm vào mình, nhưng tôi sợ.
"Nàng sẽ đến với ta," chàng nói.
Phải cần tới một sức mạnh ý chí lớn lao để tôi có thể quay đi và trở lại với vở kịch. Khi bước qua bước lại trên chiếc cầu chữ chi, tôi hoàn toàn nhận thức được mắt chàng nhìn mình chăm chú.
Không một cô gái nào, ngay cả con bé được cưng chiều như Đàm Trắc, có thể gặp gỡ người chồng tương lai của mình như thế này, do mong muốn của bản thân, do bản thân lựa chọn, không có cặp mắt nào theo dõi, mà không bị chê trách, chứ đừng nói là một người đàn ông xa lạ. Tôi đã bị câu chuyện của Lệ Nương cuốn đi, nhưng nàng không phải một cô gái còn đang sống, và không phải chịu bất cứ hậu quả nào về chuyện này.