Số lần đọc/download: 2828 / 40
Cập nhật: 2016-03-17 13:46:11 +0700
Tiếng Gọi Ngàn
C
ứ vài ba tháng là bà con ấp Kèo Nèo lại rủ nhau tổ chức đi "săn hội" một lần. Bởi lâu ngày thèm thịt, ăn mãi cá tôm phát chán cũng có. Bởi thích thú được chạy nhảy đuổi bắt, hò la thỏa sức cũng có. Đối với các tay lì lợm có chút ít võ nghệ thì đó là dịp phô phang tài trí, đem gan góc ra thử thách, đối chọi với nanh vuốt các con vật rừng hung hãn nhất. Đàn ông trai tráng tích cực, tất nhiên. Mà đàn bà trẻ con yếu ớt cũng hăng hái theo phụ trợ. Bởi các con thịt lớn săn được, đều có phần chia cho từng nhà, còn con nào nho nhỏ thì gia đình ai bắt được nấy ăn. Và cũng bởi trong các câu chuyện kể ở các tiệc nhậu giỗ, nhậu cưới... thì chuyện đi săn được thực khách đứng ra biểu diễn lúc chính mình đánh nhau với ác thú, bao giờ cũng là tiết mục hấp dẫn, hồi hộp, khoái trá được mọi người hoan nghênh nhất. Mà ở cái xứ rừng heo hút của đất Gò Quao - trong những năm hai mươi của thế kỷ chúng ta đang sống đây - đã gọi là tay "võ dõng" thì nào ai há chịu kém ai. Chính vì thế mà hầu như không có mấy con vật rừng sống sót, mỗi lần họ tập hợp hàng đôi ba trăm người hăm hở kéo nhau gõ thùng thiếc, khua chiêng, huơ dáo mác vây kín một khu rừng nào đó, từ lúc mặt trời còn chưa ló dông. Từ hổ báo, lợn rừng, nai, hoẵng, khỉ, vượn, chim nước, kỳ đà, rùa, rắn... cho tới con nhen, con sóc vừa giật mình thức dậy nhô đầu ra khỏi bộng cây, con chuột nhum ăn đêm chưa kịp về đến tổ chui xuống hang cũng đều khó lòng thoát khỏi tay họ. Nói chung tất cả các loài bò, bay, lủi, chạy trong khu rừng bị bao vây đều biến thành mồi nhậu của những bữa rượu kéo dài thâu đêm. Vậy mà lần nọ, có một con lợn rừng con thoát chết. Lợn rừng mẹ đã chống cự quyết liệt để bảo vệ con. Bị mác thông đâm lút cán, nó không ngớt hộc lên dữ dội còn ngoẹo cổ cắn nát chiếc mác thông và húc mấy người suýt toi mông. Hạ được mẹ rồi, họ nổi khùng giết luôn cả đàn con. Còn một con chui trốn vào gốc cây. Khi một ngọn mũi chuồi vừa chong ra, sắp sửa chọc vào hông con vật rừng bé nhỏ thì chú Tư Đằng trưởng ấp phát hiện thấy nó có cái vá trắng giữa trán, bèn la lớn:
- Dừng tay lại! Đừng đâm... Đừng đâm nghe các cha nội!
- Tại sao? - Người toan đâm mặt đầy sát khí, hầm hầm quay lại hỏi.
- Linh vật đa! Không thấy cái đốm giữa trán nó sao? Từ nhỏ tới giờ tôi mới thấy giống heo rừng có con này là một.
- Vậy mà thả nó sống để nó lớn lên thành tinh à?
- Thả đâu! Bắt về chứ! Để bắt nó về tặng thầy giáo Bảy! Nhờ cái vá trắng giữa trán và lòng mến mộ thầy giáo Bảy của bà con ấp Kèo Nèo mà con lợn rừng con này thoát chết.
o O o
Thầy giáo Bảy thích nuôi chim, nuôi khỉ, nuôi trăn... Khi chúng quen người và lớn rồi, thầy thả sống tự do chứ không giam nhốt. Dường như con nào cũng "khôn", rong chơi chán- có khi đến vài ba tháng - lại biết tìm về nhà chủ. Nhưng rốt cuộc thầy không còn con nào. Có thể chúng sa hầm vướng bẫy, thọ tên chết ở một cánh rừng nào đó; cũng có thể chúng ra đi theo tiếng gọi của núi rừng và giống loài muôn thuở cũng nên. Thiệt là Uổng công xúc tép nuôi cò, cò ăn cò lớn cò dò lên cây! Cũng đã có vài người tiếc hộ công linh, chê thầm thầy như vậy. Thầy Bảy được tiếng là người có tài thuyết phục các con vật rừng mà ai cũng cho là khó nuôi dạy. Nhiều lúc thầy ngồi suy tư hàng giờ, con trăn bò lên cổ, quấn quanh người, thè lưỡi liếm mặt, thầy cũng không động đậy. Chú Tư Đằng từng nghĩ: ắt thầy là người khai sáng một thứ đạo gì đó, chẳng qua "phong vân chưa gặp hội" nên còn "ẩn tích mai danh", chưa ra mặt cứu đời. Cho nên khi ôm con lợn rừng con đến tặng thầy, chú có nói vui, giọng thật thà: "Biết đâu nó cũng là một Thiên bồng nguyên soái phải đọa xuống trần cũng nên!". Thầy Bảy cười, cảm ơn chú rối rít, rồi lại lắc đầu cười mà chẳng có ý kiến nhận xét, bình phẩm gì. Nói cho "miên" thì bà con chẳng ai rõ lai lịch thầy Bẩy. Người thì bảo: chắc ông thất tình hoặc trốn nợ; kẻ cho rằng: có chữ nghĩa như ông, ra làm việc thông ngôn ký lục dễ như chơi, lại bỏ trốn thị thành lánh về xứ khỉ ho cò gáy này, sống như một nông dân lam lũ, là ông muốn tỏ thái độ bất hợp tác với nhà nước Pháp... Tất cả những tiếng xì xầm ấy đều có đến tai thầy. Thầy chỉ mỉm cười. Mà điều này, chánh hương quản ở tận trên "nhà việc" cách hai mươi cây số cũng có để mắt tới. Nhất hông là chuyện khi mới về đây, thầy thường khuyên nhủ bà con cố gắng cho con cháu đi học để "mở mang tâm trí". Biết vậy, nhưng mà học ở đâu?
Ngay cả xã và làng phụ cận cũng không có lấy một trường tiểu học? Hương chức hội tề nhiều ông còn dốt đặc cán mai, tập được một chữ ký tên đã là khá lắm. Thầy xin phép làng, đứng ra dạy các em học tại nhà mình không lấy một đồng xu cắc bạc nào: trò nào nghèo quá thầy còn cấp thêm cho cả giấy bút. Bà con dân ấp cảm phục nghĩa cử ấy, mặc nhiên gọi ông là thầy giáo. Lâu ngày thành một danh xưng. ở thời buổi đế quốc tư bản Pháp khuếch trương kinh tế lớn tại các thuộc địa sau đại chiến thế giới thứ nhất, giữa lúc mọi người bon chen theo đường danh lợi, giữ mình thanh khiết được như thầy là chuyện hiếm. Thầy cất một ngôi nhà sàn nhỏ ngoài đầu xóm, xin phá đất cấy một khoảnh ruộng nhỏ đủ gạo ăn; cũng đi "ăn ong", đốn củi như mọi người. Ngoài những giờ lao động, thầy lấy sự dạy trẻ và chăm sóc các con vật rừng làm vui. Hầu như thế sự gác ngoài tai.
Thầy đặt tên cho con lợn rừng con sống sót ấy, tên con Vá. Đó là một con cái đã bước vào tháng tuổi thứ tư. Nếu không gặp tai họa vừa rồi thì nó vẫn còn quây quần bên mẹ cùng các anh chị nó, như một lũ trẻ cho đến hết tuổi hai năm mới lìa đàn. Dù sao trong hơn ba tháng theo mẹ lùng sục giữa rừng bụi hoang vu, nó đã có thể sống tự lập được rồi. Đâu còn tính thuần khiết ấu nhi như những chú lợn rừng non mới đẻ bị bắt còn trong tổ trước mười lăm ngày, da đỏ hỏn còn chưa kịp phủ lông tơ, chịu phục tùng bú bình sữa hay núc vú của một con chó cái đẻ mất con. Tính chất hoang rợ còn nguyên vẹn đó là trở ngại lớn, trong cố gắng đem lại sự gắn bó đối với con người cô đơn này. Hơn nữa, nó đâu phải là một con chuột lang mua ở chợ về, một con chuột lang con lần đầu tiên mở mắt trong nhà người. Ngoài khoai sắn, khoai lang và các thứ rễ củ mềm, con Vá còn đánh hơi mùi thịt sống. Nó đã thè chiếc lưỡi nhám thử liếm từng nhát một, khúc thịt rắn thầy Bảy xin về ném chỗ góc sân. Và cũng bắt chước mẹ trong tư thế ngồi xổm trước thây con chuột nhum hay thây con rắn mái gầm: Những cung cách quen thuộc đã thổi vào tâm hồn con vật dễ nổi xung này, tính e dè sợ hãi và thói ưa dọa nạt, vốn là bản tính của các loài thú rừng hoang dã. Việc dạy tập cho con Vá quen người phải kiên trì từng bước. Tất cả bộ dông nó đều toát ra một sự nghi ngờ. Thấy người lạ, nó lùi phắt lại. Hai chót tai nhọn hoắt của nó cụp xuống dựng lên một cách dữ tợn, những nếp cau ngược giữa ván trán rung rung và hai khóe mép bóng như lọ mỡ chốc chốc lại nhếch một cái để lộ những chiếc răng hàm mới nhú trắng tinh. Chót đuôi cũn cỡn túm lông bé tẹo của nó quật mạnh vào hai bên hông liên tục, và nếu thấy người làm một cử chỉ đe dọa như dứ dứ cánh tay chẳng hạn, là y như nó lao tới một bước chẳng khác gì như mẹ nó lúc giận dữ, chìa hai chiếc nanh cong nhọn hoắt ra, lao thẳng vào bụng kẻ thù xóc ngược lên trước khi quật xuống đất. Tất nhiên là "thế võ tổ truyền" ấy nó mới chỉ đánh vào không khí, đầu hất qua hất lại một cách còn rất vụng về. Và đã phải khá lâu, con Vá mới quen dần chịu đứng yên để thầy gãi lưng, trong lúc nó đang nhai tóp tép những bắp ngô non. Thức ăn các động vật sống như ếch nhái, rắn con... mà đám học trò đập được dọc đường, mỗi ngày mang đến cho nó, khoảng cách ấy cứ thưa dần theo lệnh thầy giáo. Khi nó chỉ được cho ăn chuối cây thái ủ chua và các thức ăn nấu chín sền sệt như cháo gạo lức... thì đối với nó từ lạ lẫm ngạc nhiên buổi đầu, qua vài hôm đã thành một sự thèm quen thích thú. Khi móng nó đã to như chiếc cốc, hai chiếc nanh nhọn hoắt bắt đầu nhô ra khỏi khóe mép và chỉ một cái hất mõm, nó đã đánh gãy rắc chiếc cọc chôn giữa sân thì những bữa ăn đúng giờ giấc cũng bắt đầu.
Còn những trò đùa nghịch thì nó mới chỉ học được quen quen thôi. Như ủi lăn những khúc gỗ cắt ngắn chất trong sân chưa bổ thành củi, lắc mõm đánh rơi từng quả mướp xác - tròn như quả bóng tơ- nít - Thầy Bẩy lần lượt tung lên trước đầu nó, đuổi nhau với bé Hai con chú Tư Đằng và con chó mực nhỏ chạy vòng quanh sân... đôi khi thầy Bẩy cũng tham gia. Sắc lông óng mượt hoe hoe toàn thân rực vàng trong nắng, đã xóa hết những vằn lông sọc dài thẫm màu, lùi xùi, thưa và cứng hai bên hông, còn cái vá trắng cũng to gần bằng bàn tay. Nó đã là một con lợn rừng choai có bước đi chững chạc, chân đứng khá cao. Dù có cao to, nặng cân hơn trước, nó vẫn thừa nhanh nhẹn lao theo đớp những con dơi muỗi bay là là trên sân, rồi đứng vẫy đuôi nhai gau gáu, và khước từ không nghĩ đến chuyện làm cho con chồn, con cù lần đã được thuần hóa lẩn quẩn dưới sàn nhà lo ngại. Chỉ có một điều làm nó khủng khiếp: Đó là những người nông dân lực lưỡng cởi trần vác đòn xóc, dắt những con trâu cổ có cặp sừng cong nhọn hoắt đi qua bên ngoài rào. Nhún nhường và tự hạ buổi sáng, nghịch ngợm hoặc lục lọi ủi chơi nhăng nhít sau các bữa ăn, đó là đặc điểm của nó ban ngày.
Tuy nhiên, nhiều lúc nó cũng suồng sã nhảy lên sàn, chực lên bàn thầy Bẩy đang ngồi ăn cơm để vòi vĩnh xin một vài miếng xương gặm dở. Nhưng ban đêm, khi gió thổi qua rừng đưa đến nó mùi hương của những vành hoa mới nở, hơi thở của rừng rậm và mùi mồ hôi các loài thú hoang, con Vá cảm thấy xao xuyến bồn chồn. Nó không ịt ịt nữa, mà đầu hết lắc bên trái lại lắc bên phải, ẹc ẹc giống như lúc nó theo mẹ lần các con đường mòn dẫn ra những rẫy ngô, ra các ven đầm nước. Nó loanh quanh đi trong sân, nhiều lúc chồm lên vách rào cố lách mõm ngó ra ngoài, tò mò muốn được đến gần nhìn xem những gì mà giác quan vừa tiếp xúc, khiến nó cố đoán ra. Giam nhốt nó vào cũi vào chuồng, chuyện ấy dễ quá, ai chẳng biết, nhưng thật là lố bịch. Bởi điều đó, trước hết là trái với quá luật của ngàn xanh. Cũi, chuồng vốn là sáng kiến của những kẻ tàn nhẫn. Thầy Bẩy vẫn nghĩ thế. Hơn nữa, con Vá đâu phải là một con lợn thịt...
Chủ nó đã tập cho nó quen đeo vòng cổ. Đầu tiên thầy chỉ buộc quanh cổ nó một vòng dây da có khóa sắt nhỏ, xem như một món trang sức. Và dính thêm chiếc lục lạc nhất cử nhất động của con Vá đều rung leng keng. ít lâu sau lại buộc vào vòng cổ một đoạn thừng thả lỏng. Tất cả việc đó đều xem như trò chơi. Dù con Vá có nhiều lúc nổi xung, nhảy dựng ngược, quay đầu đánh tung sợi dây thừng vướng víu, sự bực mình ấy vẫn cứ là trò chơi kia mà. Chiếc vòng da đeo ở cổ con Vá cứ nửa tháng lại được nới rộng ra thêm một nấc, nhưng không bao giờ rời cổ nó nữa. Thường ban ngày nó vẫn ngủ từ sáng đến ba bốn giờ chiều. Giờ đó, tập tính của giống loài đánh thức nó dậy đi ăn. Bây giờ cái ăn không cần phải lo, nó tha hồ rong chơi, lê la khắp sân. Ban đêm, đầu thừng thả lỏng mới được buộc vào bên chân bậc thang lên xuống nhà. Nó chỉ cần ngoái cổ cắn một nhát đủ đứt phăng. Tuy nhiên, con Vá vẫn phục tùng nằm đấy, như một cần vụ trung thành suốt đêm thức canh cho chủ ngủ, an tâm về sự hiện diện của chủ mình trên ngôi nhà với ý thức kiêu hãnh được bảo vệ tuyệt đối, không hề lo sợ một cuộc tấn công bất thình lình của một con hổ con báo nào có thể xảy ra đối với nó. Ngờ đâu chính đoạn thừng thả lỏng ấy đã gây nên một tai biến. Hôm nọ thầy Bảy có việc bận đi vào xóm. Bọn học trò lau nhau về hết rồi, chỉ còn bé Hai ở lại thổi nồi cơm giúp thầy - thỉnh thoảng ban đêm nó còn ôm mền đến ngủ với thầy cho vui - con Mực theo thường lệ chạy đến đón cậu chủ nhỏ. Bé Hai nghe tiếng sủa, mở cổng cho con Mực vào. Vá và Mực cùng mừng rỡ nhảy cỡn lên, hệt đôi bạn nhỏ lâu ngày gặp nhau. Thế là trò chơi đuổi bắt quanh sân như trước kia lại diễn ra. Bé Hai bận quay vào trông nồi cơm quên khuấy cánh cổng mở. Đùa nghịch một lúc, Mực bị đuổi gấp, nột quá, quay cắn vào mõm Vá một cái rồi chạy vọt ra cổng. Vá lập tức phóng theo. Mực về gần đến nhà, cậy nhà bèn quay lại khòm xuống vẫy đuôi nhảy qua nhảy lại, tỏ ý bỡn cợt thách thức. Khi Vá lao tới, Mực nhanh nhẹn chui qua chiếc thuyền úp kê trên bốn thanh đà gác chéo của ông trưởng ấp kéo lên bờ sông chờ sửa chữa. Ai chẳng biết ngón võ lợi hại của con lợn rừng khi đánh nhau với hổ, là dụ hổ đến gần một thân cây đổ ngang trên mặt đất. Hổ quen thói nhảy lên cao chụp xuống lưng để cắn cổ đối thủ, sẽ bị lợn rừng luồn vụt qua dưới thân cây. Hổ bất ngờ bị thân cây đánh vào mặt như búa giáng, tất ngã lăn ra, chưa kịp choàng dậy thì đã bị lợn rừng quay phắt lại vung hai chiếc nanh cong nhọn hoắt xốc vào hạ bộ hất tung lên. May mắn mà sống sót, nếu con nào không mất giống thì cũng cạch đến già... Mực vừa chui sang bên kia, thì Vá tức khắc vận dụng miếng võ tổ truyền nhoài mình xuống luồn theo như một làn chớp. Sợi thừng thả lỏng bỗng mắc vào gốc đà bắt chéo, giựt gãy thanh đà và chiếc thuyền úp đổ sập xuống - một bên be đè đúng vào giữa lưng con Vá. Nó hộc lên dữ dội, hai chân trước cào đất bắn tứ tung cố nhoai ra, càng nhoai ra thì sợi thừng càng căng thẳng, siết vào cổ họng. Bốn chiếc móng vuốt nhọn đen nhánh như sừng của nó cày sâu vào đất cố rướn tới, các bắp thịt nổi vồng lên dưới lớp da ướt mồ hôi, nó vùng vẫy dốc hết lực nhoai ra mà vẫn không sao thoát ra khỏi khối nặng đè giữa lưng như một quả núi. Tiếng hộc hộc dữ dội của nó ban đầu làm lũ gà vịt trên sân hoảng hốt chạy tán loạn - chốc sau chỉ còn là những tiếng kêu khàn khàn rồi hổn hển từng cơn, đôi lúc nó nín im dường như muốn tìm lại sức dẻo dai. Nhưng lực khỏe dẻo dai khủng khiếp của giống nòi thực ra đã rời bỏ nó rồi. Những bắp thịt nuộc lưng thẳng căng như sắp đứt vẫn còn giữ được các đốt xương sống dính nhau đấy nhưng mà chóng chầy rồi cũng có thể sẽ bục ra thôi.
Thầy Bảy trên đường về, nghe tiếng hộc bất thường của con Vá, vừa kịp lao đến bắt gặp tình huống nguy kịch ấy; và con Vá cũng nhìn thấy thầy. Nó cố chồm về phía chủ, nhưng sợi thừng mắc trong lòng thuyền úp lại kéo ngược đầu nó lại. Hai chân trước co dưới cổ như con lợn co trên bàn tế, nó ngước mắt lên nhìn chủ không bỏ lỡ một giây phút, è ạch cố nhấc be thuyền lên.
Chiếc thuyền nặng quá không sao nhấc nổi, thầy quay lưng chạy vào nhà chú Tư Đằng, để mặc con Vá nằm nguyên trong thế chết hiểm nghèo. Như một quả bóng xì hơi, từ trong cuống họng của con lợn rừng lâm nạn thoát ra một tiếng rên nhỏ kéo dài đầy oán trách: ông chủ bỏ đi rồi. Khi thầy Bảy hối hả trở lại tay cầm con dao yếm tay xách chiếc đòn tre thì con Vá đã bất động, nhìn thẳng vào thầy bằng cặp mắt đợi chờ mênh mông, đầy nhẫn nhục, như sắp bật ra khỏi tròng bởi quá sức chịu đựng,mép sùi đầy bọt trắng. Xoẹt một cái, sợi thừng đứt phăng và chiếc đòn tre đã bẩy được chiếc thuyền lên. Con Vá lập tức trườn ra, và không phải đợi lâu chờ lâu, chỉ mươi bước chụm chân nó đã phóng bay về nhà, chạy vòng quanh sân. Thầy Bẩy về đến nhà vừa mệt vừa khát. Thầy bước lại lu nước mưa chỗ đầu hồi cầm chiếc gáo dừa khom xuống, chưa kịp múc lên uống, bỗng cảm thấy hai vai bị một sức nặng như đôi chân to tướng bất thình lình chụp bổ tới.
Thầy ngã sấp xuống vừa lăn mình chưa kịp trở dậy thì trước mặt thầy lù lù bộ mặt của con vật rừng đã lớn, khò khè thở thẳng vào thầy một mùi hăng hăng. Thầy muốn tự vệ, tay đẩy mõm nó ra, tay giữ chân nó lại. Nhưng con Vá đã đè lên người thầy, chà qua sát lại sức nặng gần hai trăm cân của những bắp thịt rắn chắc như thép. Sự lo sợ làm thầy tuần tự mất hết cảm giác, đờ người ra rồi nhẹ bỗng đi và nặng trịch nhấc tay chân lên hết nổi. Nhưng trông thái đó diễn ra không lâu. Từ trong cổ họng con Vá không phát ra tiếng gầm rít của những con lợn rừng độc khi nổi xung, đe dọa mà là một giọng gừ gừ trầm đục sâu thẳm kéo dài. Mép nó không nhe lên, chìa cặp nanh ra, mà từ trong mõm nhọn thè ra chiếc lưỡi nhám liếm hai bàn tay thầy đang đưa lên chống đỡ, liếm lên trán, lên mặt và khắp cả ngực cả vai thầy. Bốn chiếc móng vuốt nhọn của nó choãi ra để tránh dẫm lên mình thầy, con Vá cứ đứng vẫy đuôi cọ cọ vào người chủ tốt bụng của nó với tất cả tấm lòng kính trọng thương yêu và chan chứa sự biết ơn. Bé Hai nghe tiếng thầy ngã, chạy ra chứng kiến hết. Thoạt đầu, tưởng con Vá nổi cơn điên hành hung chủ, thấy tính mông thầy nguy cấp đến nơi, nó vớ chiếc đòn xóc chạy tới toan đâm con Vá. Nhưng rồi hai cánh tay bé nhỏ của bé Hai đang lăm lăm giơ lên lấy đà đâm bỗng sựng lại rồi từ từ hạ xuống. Nó ngạc nhiên, sửng sốt đứng nhìn con vật thường được đem ra ví với người kém thông minh, biểu hiện tình cảm mến chủ đến mức gần như người! Từ hôm đó, con Vá ngày càng thêm quyến chủ. Nó chẳng muốn đùa nghịch lúc chẳng có thầy, nghe thầy gọi dù đang chơi, đang ăn nó cũng bỏ, chạy đến ngay. Đêm thầy lội đi soi ếch nó cũng lội theo. Buổi trưa thầy nằm đưa võng trước hàng hiên, nó trèo lên sàn nằm dưới chân thầy và đôi lúc thầy ngủ quên nó còn len lén ngước mõm lên liếm nhẹ vào chân chủ.
Con Vá đã trở thành bạn chí thiết của thầy giáo Bảy. Nhiều người khen con vật khôn. Cũng lắm người bĩu môi vì ghen tỵ với thầy: "Có khôn gì cũng là heo rừng. Trước sau gì, động đực nó cũng bỏ về rừng cho mà coi!". Điều họ nghi ngờ đó đã đến! Sáu tháng mùa mưa, gió ẩm ướt thổi thốc liên miên trong những cánh rừng tràm U Minh Thượng qua rồi, kế đến những ngày nắng nóng kéo dài của sáu tháng mùa khô cũng trôi qua. Con Vá đã tròn hai mươi bốn tháng tuổi. Đối với một con lợn rừng cái, đó là tuổi dậy thì của một thiếu nữ mười tám. Chẳng có gì thay đổi ngoài sự choán chỗ nằm của nó ngoài hành lang mỗi tháng một rộng thêm. Ngoài rừng có vài loại cây đã thay dần lá mới, và điều đó không diễn ra một lúc như cây trổ lộc mùa xuân. Một thứ băn khoăn đang xâm chiếm cả tâm hồn con Vá. Đêm nó không còn có những giấc ngủ yên tĩnh như trước nữa. Nó thường chồm chân, ngước lên giật giật kéo sợi dây thừng buộc cổ và đánh hơi bốn phía có các luồng gió thổi về. Những luồng gió từ mọi hướng đưa đến nó tiếng thì thầm của ngàn xanh và mùi rú rậm. Người không chú tâm có thể cho là đôi tai nhọn cứng đờ của con vật rừng không chịu nổi tiếng lũ chó xóm dai dẳng sủa khiêu khích; còn như chú Tư Đằng thì có thể chú tin là nó bị ma trêu quỷ ám cũng nên. Nhưng điều làm con Vá băn khoăn, bồn chồn chính là những tiếng xôn xao mà tai người không thể nghe được, nó gần như tiếng búp lá cựa mình, tiếng lách nhẹ của một chồi non nhú lên khỏi mặt đất mềm. Đêm này sang đêm khác, khi vầng trăng thượng huyền cứ lên cao dần thì những tiếng xôn xao mơ hồ đó nghe càng rõ hơn. Chắc chắn là gió có trở mạnh hơn và lay động cây rừng nhiều hơn. Điều ấy chẳng ảnh hưởng gì đến giấc ngủ thầy Bảy và các cuộc nhậu, các đám đờn ca thâu đêm của những chàng thanh niên trong xóm. Tối nọ, những tiếng xôn xao ấy rõ lên đến mức lọt tai ông già Năm, một lão làng kỳ cựu:
- Bà con liệu dỡ khoai, hái bắp sớm đi. Không khéo heo rừng về phá hết rẫy đa!
Các bợm rượu trong xóm nghe vậy liền kháo nhau "Vậy thì ta đào hầm, gài bẫy bắt... kiếm mồi nhậu đi các cha!". Ban ngày con Vá vẫn ăn, tợp nước cám trong máng, vẫn ngủ ngáy rõ to và đùa nghịch như thói quen thường lệ, chẳng có gì thay đổi. Nhiều người đến chơi, tấm tắc khen con lợn rừng lớn nhanh, đẹp mã, khuyên thầy Bảy nên coi chừng kẻo nó phá rào đi mất thì uổng lắm. Họ nói vui vậy thôi chứ họ đều biết tỏng tòng tong con Vá đã trở thành "tù binh nô lệ" của thầy rồi. Tuy nhiên, một hôm bé Hai đến sớm thấy con Vá nằm dang xa chỗ sợi thừng buộc cổ. Đoạn thừng đã bị răng nó cắn một nhát đứt gọn như dao cạo. Thầy Bảy nghe kêu, chạy xuống lấy sợi thừng bện bằng da trâu mới, chắc hơn, buộc vào cổ nó và làu bàu nhặt đoạn thừng đứt quật cho nó mấy cái. ồn một chốc rồi đâu đó lại vào khuôn phép. Thầy nghĩ là nó muốn thử bộ răng chứ không hề ngờ là con Vá, từ lâu trong tiềm thức, đã có hành động như mấy cậu học trò tinh quái của mình khi muốn đánh cắp của thầy một hòn tẩy, một đoạn bút chì cứ mỗi ngày dời xa bàn một chút cho đến khi thầy không trông thấy.
Chuyện đó đã xếp lại và con Vá không còn cắn dây nữa. Lại một tuần trăng mới. Đêm sáng hơn, trông rõ cả những tàu lá ráng ngời ngời lung linh tận ven tràm bên kia sông. Các loài vật nhỏ thường kiếm ăn đêm dọc chân rừng, không con nào dám mò vào đấy nữa. Tiếng xôn xao đã xua chúng dạt cả vào gần xóm. Những tuần trăng sau đó, khi con Vá đã cao thêm vài phân, nặng thêm vài cân, thì tiếng xôn xao mơ hồ ấy càng rõ dần, càng nhiều hơn, thường xuyên hơn từ khi con Vá toát ra những bí ẩn của một thứ mùi đặc biệt, thứ mùi bí ẩn gọi kêu đã giục những con bướm đực - từ nhiều dặm xa - bay đến tìm gặp con bướm cái đang bị nhốt trong lồng, thứ mùi khiến cho phấn hoa đực tìm gặp lại một cách diệu kỳ những nhụy hoa cái đang ra sức điểm tô cho một mùa tưng bừng hoa nở. Đêm ấy, gió thổi qua rào, ve vuốt sống lưng con Vá.
Gió đưa đến nó mùi hương của các bụi lùm và những ngọn cây rừng cao, mùi nhựa chảy từ những vỏ cây nứt, mùi quả chín tươm mật, mùi phấn hoa lay động bởi cánh dơi quS và các loài chim đêm, li ti bay vơ vẩn và ngọn gió trữ tình đón lấy mang đi gieo rắc khắp nơi. Thầy giáo Bảy đã ngủ rồi, biết đâu được nỗi xao xuyến bồn chồn của con Vá. Theo luồng gió, tiếng xôn xao đang chuẩn bị, đã được báo trước, im bặt một lúc, bắt đầu nổi cơn lên vượt ra khỏi ven rừng tràm và dãy ruộng sáng ngời ánh trăng. Bắt đầu từ một cổ họng rồi nhiều cổ họng khác tiếp theo. Tiếng hộc... hộc... gào lên vang rền. Nghe tiếng kêu đầu tiên con Vá đã đứng phắt dậy đầu ngước lên, đuôi quật vào mông, giẫm chân trên hành lang và chồm ra lan can. Nó bắt đầu lôi thừng buộc cổ hóng ra. Ngoài kia, những con lợn rừng đực của đàn tộc đang không ngớt gọi kêu những tiếng mà từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, các con đực vẫn gọi con cái trong mùa hôn phối. Con Vá quên mất rằng chủ đang ngủ, theo sức mạnh của Tiếng Gọi, chồm tới kêu nho nhỏ rồi gầm lên từng cơn kéo dài. Thầy Bảy tốc màn chạy ra.
Trước mắt thầy là một con Vá chưa từng thấy. Nó như vụt lớn lên trong phút chốc, nhảy dựng dựng, mọp xuống lại chồm lên cao hơn. Chân sau choãi xuống lấy điểm tựa như sẵn sàng phóng lên. Nó không chú ý gì đến chủ nữa, không thèm đếm xỉa đến những sợi dây thừng thổ tả cắn cái đứt phăng. Mắt nó chăm chắm nhìn sang phía bên kia bờ rạch. Điều mà các con đực đứng ngồi không yên, gào lên, sẵn sàng đánh nhau vì "nàng" đã trông thấy trong tầm mắt, ấy là tiếng gọi giục con Vá "bắc cầu giải yếm", phải tuân theo bổn phận muôn đời của các con cái, định luật mà Vá vi phạm để làm vui lòng con người. Và chúng giục gọi đến khản giọng, tiếng gầm gào rung chuyển cả rừng.
- Này Vá, quỷ bắt mày hả? - Thầy Bảy quát lên.
Như vừa thoát ra khỏi cơn mơ, nó vụt quay đầu lại. Đôi mắt đỏ rực chiếu lấp lánh trong bóng tối hành lang. Trông thấy chủ, dáng nghiêng đồ sộ của nó rời khỏi ánh trăng, từ từ hạ xuống. Nó nằm xuống, đuôi duỗi ra, hai chân trước co lại. Những "anh chàng hiệp sỹ cô độc" kia, mãi ngao du chốn đại ngàn, theo bản năng, từ biết mấy rừng xa vượt sông hồ về đây tìm "nàng" đâu biết rằng Vá đã nhiễm mùi con người, đã quen ăn muối và thức ăn nấu chín, đã được con người kỳ cọ, tắm rửa, gãi lưng. Chúng đến với "nàng" từng bước một, từ từ như khi phải lần mò phòng tránh bẫy.
- Bé Hai!
- Con đây, - cậu học trỏ nhỏ đã thức trước, đứng rình phía đầu hồi bước ra.
- Cái gì vậy? Ai đột nhập vô nhà à?
- Có ai đâu, thưa thầy. Mấy con heo rừng đực kêu con Vá đó mà!
Bé Hai vùng vằng đáp vậy. Nó thấy ghét con Vá quá. Thật chẳng khác gì gái nhà lành muốn lộn nài tháo ống đi theo mấy thằng du đãng. Thầy Bảy vớ chiếc thùng thiếc khua rầm lên, rồi đốt một nắm cây chai dùng nhóm bếp, ném vù vù sang bên kia bờ rạch. Những tiếng gầm gáo bên kia im bặt. Chỉ chốc sau, con Vá lôi sợi thừng đến gần bên chủ. Thầy Bảy cúi xuống gãi gãi trên mí mắt, gãi gãi dưới cằm rồi vuốt sống lưng nó:
- Thôi nằm xuống, ngủ đi con!
Con Vá liếm liếm bắp chân thầy rồi ngoan ngoãn ịch sang bên, chờ chủ gãi bụng, gãi lưng. Giữa lúc ấy bên kia rừng xanh biếc ánh trăng, bóng những con lợn rừng đực lắc lư xa dần. Những vệt thẫm di động óng ánh sắc lông như tơ tằm sống khạc ra những lời nguyền rủa giần giật từng cơn, quáện thành những chuỗi tiếng rền đường bệ, hướng về những ngôi nhà đầu xóm ấp Kèo Nèo.
o O o
Ba năm sau, con Vá nằm giữa Sở thú Sài Gòn. Một gian chuồng hẹp, trần thấp, ba phía tường đá xám và những song sắt thừa sức giam nhốt những con sư tử đưa về từ châu Phi. Thầy trò con Vá kẻ một đường, theo số phận. Tan lìa ấy xảy ra từ hai năm trước... Một hôm thầy Bảy đi "ăn ong" chèo xuồng về chưa đến nhà thì thấy ông trưởng ấp hớt hải chặn giữa đường:
- Thầy giáo, trốn đi! Trên quận đưa lính xuống xét nhà, bắt thầy!
- Chuyện gì vậy, chú Tứ?
- Hai người hôm nọ trời mưa, ghé nhà thầy xin tá túc, rồi ở chơi mấy bữa... Họ là tù chính trị vượt ngục Côn Đảo về, thầy không biết sao?
- Ai nói vậy?
- Thằng Lìn chủ ghe trà vải lên quận báo mà. Chính ông chánh hương quản vừa mới nói với tôi.
- Cám ơn chú. Tôi phải đi cũng đành. Nhờ chú về tháo dây thả giùm con Vá ra rừng, giúp tôi!
Nhưng con Vá đã bị hương quản bắt đi trước khi chú Tư Đằng quay lại. Hương quản đưa lên biếu chủ quận để tâng công. Chủ quận rừng heo hút nuôi được ít lâu, muốn kiếm chút ân huệ hầu sau có dịp xin đổi về Châu Thành, bèn chở lên biếu chủ tỉnh. Chủ tỉnh Lơ- công người Pháp, nhờ lập công trông tình báo trong trận đánh Đức thu hồi vùng An- dát Lo- ren, được phái sang thuộc địa giữ chức quan cai trị đầu tỉnh Rạch Giá. Lơ- công thích thú con lợn rừng hiếm thấy này lắm, bèn nuôi thả trong sân làm cảnh. Buổi chiều, có quan ba Sác- ni- ê tới chơi tơ- nít, ngồi giải khát dưới bóng cây. Con Vá thấy vui, sán đến gần bàn.
- Vas t'en! Vas t'en! - Sac- ni- ê quát lên.
Con Vá ngỡ gọi Vá ơi! Vá ơi! Mừng cuống, xô đến chồm lên đùi ông ta. Ông ta sợ bẩn quần, nghiêng mình né làm đổ lăn bàn rượu. Sác- ni- ê giận quá, rút súng lục ra toan bắn một phát vào giữa trán con vật ngang bướng. Nhưng Lơ- công cười ranh mãnh, chặn tay ông võ biền lại:
- Nó là con thú rừng, như thổ dân xứ này cần khai hóa lâu năm mới hiểu được tiếng nói, lòng độ lượng bao dung và nền văn minh Đại Pháp mẫu quốc. Giết nó vô ích! Để tớ cho nó lên Sở thú Sài Gòn. Có khi nó còn được đưa về Pa- ri trước chúng ta không chừng!
Nhờ cái vá trắng mà lần thứ hai con lợn rừng này thoát chết. Tàu Lục tỉnh tu tu chở khách Hậu Giang kéo ghe chài về thủ phủ thuộc địa Nam Kỳ, có chở theo chiếc cũi nhốt con Vá. Dọc hành trình qua nhiều địa phương, nó nghe tiếng hò chèo ghe, tiếng ca vọng cổ của khách thương hồ buồn rã rượi, như tiếng thở dài của người dân mất nước - nó chẳng hiểu gì - nhưng cảm thấy bồn chồn xao xuyến, bởi những âm điệu đó chẳng khác mấy giọng hát hò của những người dân ấp Kèo Nèo kia. Bây giờ thì nó đang ở cạnh chuồng một con hổ, tặng phẩm của "Hoàng đế An Nam" và một con báo gấm bắt được từ một vùng núi xứ Cao Miên. Chúng không phải cùng loài giống, con Vá không hiểu được chúng. Nhưng nó biết rằng xa xa bên kia - gần chuồng voi sau sở Ba- son - có những con lợn rừng, nó đã nghe tiếng và đánh hơi thấy mà chẳng bao giờ gặp được. Dọc dãy chuồng có hành lang xây theo kiểu khám đường Mỹ quốc, trên vài thân cột giả, có treo biển yết: "Cấm kích thích các thú vật" Và trước chuồng nó có biển đề: Đám khách thị thành nhàn du, ngày ngày diễu qua trước các cửa chuồng.
Những con gấu rẻ tiền chồm chồm chấp tay há mồm chờ bánh mì, chuối, lạc rang mà trẻ con có quyền vứt cho chúng, và trò đó làm cho các ông phán già che ô cầm cán đứng xem thích thú, cũng như các cô khâu đầm, các chị vú em, các bà mẹ và em bé đều lấy làm hoan hỉ. Trên thân cột giả nối liền chuồng nó và chuồng con hổ, có treo biển chữ in tráng men bằng tiếng Pháp, đưa từ Pa- ri sang: Nó bị liệt vào thú dữ ăn thịt sống chăng? Hay đó là một sự giam nhốt nhầm lẫn? Hay bởi cặp nanh cong để tự vệ của nó khiến người ta nghĩ nó có thể ăn thịt mình? Và chọc phá kích thích giận dữ, biết đâu nó sẽ phá chuồng ra nhai xương họ cũng nên? Dù thế nào mặc lòng, đám khách thượng lưu cũng cảm thấy an tâm khi nhìn vào những cặp nanh nhọn hoắt của con lợn rừng đồ sộ bên trong hàng song sắt như nhìn bức ảnh một tên bạo loạn bị bắt, trương lên trang nhất của tờ Lục tỉnh tân văn và họ rất mực tri ân nhà cầm quyền đã hết lòng bảo vệ tính mông tài sản họ. Khi mới bị đưa nhốt về đây, nó ngỡ chỉ là một trạm chuyển tiếp, để rồi người ta sẽ đưa nó trở về với chủ nó. Nó lại được đeo vòng da vào cổ, có chiếc lục lạc leng keng đến là vui tai.
Đôi lúc nó cũng ịt... ịt... đòi những người đứng bên ngoài đùa nghịch với nó, như trước kia người ta đã dạy tập nó, không xa cách rừng quê hương của nó là bao. Đám khách kiêu sa ngạo mạn càng chỉ trỏ chế giễu, cho là nó cũng xin xỏ đòi ăn như những con gấu chó, gấu lợn. Thái độ khiêu khích điên cuồng trước con vật bị cầm tù! Họ không biết rằng chính họ cũng đang bị giam nhốt trong một nhà tù mênh mông đó sao? Tháng ngày ồn ã trôi qua, cho dù cách biệt ở một nơi có suối nước, có ao hồ, một bên dòng sông nhiễm đặc mùi bùn những tiếng còi ô- tô, tiếng chuông xe điện, tiếng nhà máy, mùi xăng dầu và loa quảng cáo vẫn tràn vào khu vực đầy cây xanh và cổ thụ yên tĩnh, bên rìa thành phố này. Hai mùa mưa đổ trắng xuống các rặng còng và những cây phượng vĩ gần hồ nuôi cá đã hai lần rắc xuống thảm cỏ xanh những cánh hoa đỏ rực. Từ lâu, nó không còn chồm lên song sắt để vận động các cơ bắp, như con báo láng giềng, ngày ngày không mệt mỏi nhào lộn phí sức vô ích, mà không bao giờ có thể thoát ra được. Nó cũng không nhảy bắt con mồi tưởng tượng chẳng bao giờ đuổi gặp. Nó nhớ ngôi nhà sàn thấp, xinh xinh, tràn ngập ánh nắng, quanh vùng rừng xưa là một thế giới đầy rẫy những con rắn nước, rắn mái gầm con bò chậm chạp trong các lùm ráng, các bụi gai chùm lé... những tổ trứng trích, trứng le le thơm sực mùi cỏ khô lót trong lau sậy, và cứ nằm ngơ ngẩn nhớ mùi hăng hăng của lá cỏ cây rừng. ở đây một cuộc sống đơn điệu, các bữa ăn nhàm chán lặp lại hàng ngày, tường đá xám lạnh lẽo và các chấn song đen sì. Nó không phạm trọng tội gì.
Nhưng nó không chống chọi nổi cái lạnh. Cái lạnh đã luồn vào bên trong tim phổi nó. Ngày lại ngày nó càng kém sức dẻo dai. Trở nên chậm chạp. Và khốn nạn hơn, thứ khí lạnh ẩm ướt xám xịt tràn ngập dãy chuồng đá, cuối cùng đã gặm nhấm các đầu khớp bộ phận cơ thể và đường xương sống của nó, đến nỗi nó không thể nhảy lên nằm trên các bậc gỗ. Từ trong thẳm sâu tâm hồn nó, mong muốn được gặp lại chủ cứ dâng lên. Nó đợi chờ. Nhiều lúc nó cố tìm xem trong những gương mặt kia có chủ nó không, có khi nó nằm lim dim lắng nghe trong các giọng nói, tiếng cười, há vọng nhận ra giọng tiếng quen thuộc của con người ngày xưa. Giờ đây mòn mỏi hết trông chừng vào đám đông rồi, suốt ngày nó nằm còng queo, lơ mơ ngủ. Chỉ đến giờ đã định, dạ dày đòi hỏi cần phải ăn, nó mới thấy chút ít hào hứng hoạt động trở lại. Chính lúc mà con Vá không còn há vọng gặp lại chủ nữa, thầy Bảy đã tới. Nó đứng nhìn ông khách chờ mọi người đi hết mới lẳng lặng một mình bước đến bên chuồng nó. Mắt nó không còn nhận ra ở ông một chút gì. Thầy Bảy đã trút bộ quần áo bà ba đen, chiếc nón lá... để thay bằng bộ quần áo ka- ki xanh bạc màu, lấm tấm vệt dầu.
- Vá ơi! Con gái khốn khổ của ba! Mày không còn nhận ra ba nữa sao?
Con Vá đang bước đi bỗng dừng phắt lại, nhảy sang một bên mắt nhìn căng thẳng, làn da trán co lại và vẫy đuôi liên tục.
- Con đã lớn rồi mà ba vẫn cứ nghĩ con còn bé dại. Chính vì thương con đó mà ba đã làm mày khổ cả một đời. Ờ, phải chi hồi đó...
Tưởng chừng như trên thế gian này không gì có thể tách rời nó khỏi con người đang tiếp tục nói với nó bằng giọng xúc động, những lời đầy tin cậy và thương quý ngày xưa. Trong khi thầy nói, hai bên hông con Vá hóp vào và từ trong cổ họng sù sì của nó thoát ra một tiếng dài, một tiếng thật dài khàn khàn xiết bao êm ái. Nó lăn ra, chờ chủ gãi lưng như lúc còn là con lợn rừng bé nhỏ và khi đánh hơi thấy bàn tay chủ thò vào song sắt, nó liền chồm dậy, rướn cổ thè chiếc lưỡi nhám nóng hầm hập liếm mãi bàn tay đã từng vỗ về, chăm sóc nó ngày xưa. Thầy nhìn làn da trán nó cọ liên miên vào song sắt đã dồn thành một cục chai, còn túm lông đuôi thì xơ xác quá. Từ lúc nó bị hương quản bắt đi, không ai có thể đến gần để tắm rửa, chải lông cho nó, từ mình con Vá xông ra một mùi hôi nồng nặc làm cho bộ mã u sù của nó trông càng thê thảm. Từng chặp nó ngậm mất bàn tay thầy trong cái họng dài to tướng rồi lại nhả ra, và nhìn chủ bằng cái nhìn cật vấn đầy trách móc, ngốc nghếch y như thuở lên hai tuổi nó đã nhìn thấy vầng trăng đêm đêm cứ tròn dần ra.
- Sắp tới giờ đóng cửa rồi! - Người gác- điêng nói sau lưng thầy Bảy.
Khi thầy rút tay ra, quay mặt lại ông ta hất bộ ria củ ấu, hỏi:
- Chắc trước kia, anh có làm bồi cho quan chủ tỉnh Rạch Giá?
- Dà! Mà chỉ ít lâu thôi...
Thầy Bảy cười nhịn nhục, đáp ứng như một tất nhiên để giấu tông tích "tên bạo loạn đang bị nhà nước truá lùng". Còn vài hôm nữa, thầy sẽ được các đồng chí đưa xuống tàu ra hải ngoại học tập lớp đào tạo cán bộ phong trào chọn lựa từ các tầng lớp trẻ: thanh niên đi làm nghĩa và thầy giáo yêu nước vừa được Đảng giác ngộ.
o O o
Con Vá nằm đó, trong gian chuồng ẩm thấp, lông hoe hoe một màu vàng xỉn. Thiên hạ gọi nó là dã thú. Nó đã mất tên, không còn là con lợn rừng của ai và cũng chẳng còn là con vật thuộc nhà cầm quyền. Lá vàng rụng thay cho bụi lốc mùa hè rồi gió bấc thổi về đưa cái lạnh từ phương Bắc xuống, thâm nhập vào buồng phổi con Vá đã yếu nệ lắm rồi. Mùa này sang mùa khác, nó đã hoài công đợi chờ con người có tâm hồn trong sáng, độ lượng đã âu yếm gọi tên nó là con Vá tới thăm nó một lần nữa, con người đã từng chăm chút nuôi dưỡng, trông thấy nó lớn lên, từng cứu nó thoát chết, đã làm tiêu tan trong lòng nó sự hiểu lầm muôn thuở làm xa cách những con người với các loài vật sống trong hoang dã. "Cấm kích thích các thú vật!" Con Vá đâu còn có thể bị kích thích nữa. Thứ bệnh khủng khiếp tàn phá buồng phổi con người, rình mò dọc dãy chuồng ẩm ướt, kém vệ sinh đã thừa cơ nó suy nhược, tấn công nó đổ gục. ánh đèn gác vàng vọt chiếu qua hàng song sắt. Nó nằm đó, từ cổ họng thoát ra một tiếng rên dài ảm đạm, khàn khàn. Đâu phải nơi đây là chốn loài giống của nó hẹn gặp Tử Thần.
Một làn sóng gợn chạy dài trên sườn và hai bên hông nó. Và những tiếng rên rỉ nối liền theo. Kiệt sức bởi muộn phiền và số phận nặng trịch đè bẹp xuống, con Vá phát lên tiếng gào tuyệt vọng về với núi rừng. Đầu phía kia, những con lợn rừng độc chiếc bị bẫy bắt đưa về từ rừng lá Ninh Thuận, từ rừng cao Tây Nguyên đã nghe thấy tiếng gọi của con Vá. Tất cả những điều mà viên y sĩ thú y, ông phó giám đốc và người gác không hiểu được, đã làm lay động chúng sau những chấn song. Những chiếc nanh cong của chúng nhe ra, vành mép nhếch ngược, lông gáy dựng dựng, cổ họng rung mãnh liệt. Và những tiếng gầm gào không ngớt hộc lên, vang dội cả một góc dài bờ sông Thị Nghè chìm trắng trong sương đêm. Lơ láo giữa hư ảo đang bắt đầu trĩu xuống, con Vá bắt gặp lại những tiếng nó đã nghe, trên hàng hiên ngôi nhà sàn, một đêm trăng xao xuyến từ bên kia cánh rừng vọng sang. Nó cựa mình chồm dậy, gượng đứng lên, nhưng lại ngã vật xuống, đập vào nền đá. Bên trong nó đang triển khai cuộc giành giật giữa sự sống cố vận động các cơ bắp lấy lại sinh khí và cái chết cứ lần dần từng bộ phận, giữa tiếng gọi muốn dựng nó lên và tình cảm đã dí nó xuống, trong tâm hồn méo mó đã biến nó thành một nô lệ của những con người.
Trong các chuồng lân cận, bóng đen lờ mờ của các loài dã thú khác cứ nặng nề lượn vòng, sát lưng vào tường và các chấn song, đầu nghiêng nghiêng, cổ vươn dài tới trước, chậm chạp bước từng bước từng bước thận trọng như lúc dõi theo mồi. Con thì mắt đỏ rực, con thì mắt xanh lè chói ngời đầy ánh lân quang. Đêm thăm thẳm buốt lạnh, đen mù. Con Vá lại tiếp tục rền rỉ. Nó thở hổn hển, mũi lắc lắc như một ống bễ lò rèn quá cũ mòn đã mất hết tác dụng. Nó thử động đậy. Nhưng cái lạnh cóng dưới bốn chân cứ từ từ dâng lên ngước về đến quả tim, trong bộ da bùng nhùng. Bốn chiếc móng guốc sắc nhọn của nó duỗi ra, không co lại được nữa và tai nó cụp xuống như lúc lên cơn giận dữ.
Nó ngớp ngớp nhại lại một cách vụng về, động tác nhai rễ củ gau gáu của những con lợn rừng đang sống giữa ngàn xanh tự do. Tiếng than vãn của con Vá, tất cả đám lợn rừng không ngủ bên kia đều chăm chú lắng nghe. Nó hối tiếc lần cuối cùng rằng nó đã khinh khỉnh coi thường tình cảm của giống loài, và lòng nhớ ơn mà nó vẫn giữ theo tập tính giống loài đã ràng buộc nó với con người mà nó không còn bao giờ gặp lại. Giọng khàn khàn run rẩy của nó thú nhận với tất cả các loài giống láng giềng rằng nó đã bội ước với định luật của ngàn xanh, chỉ vì thích ở lại trong nhà người có tổ ấm, có ủ lá chuối khô và thức ăn nấu chín hơn là về với những con lợn rừng đực dữ tợn và khờ khạo. Bỗng nó rùng mình một cái, cổ xuôi ra. Vạch cầu nối cuối cùng giữa đầu và tim đã gãy. Khắp vườn cây um tùm của Sở thú Sài Gòn nửa đêm bỗng rung lên, chấn động liên tục các tiếng gầm: lừ đừ hung dữ, phẫn nộ, ai oán của tất cả các loài mãnh thú đồng cảnh cùng cất lên những tiếng gào tự do, mênh mông vô bờ. Sáng sớm hôm sau, người gác đi dọc dãy chuồng trông thấy con Vá cứng đờ nằm lù lù một đống, mép xệ cong, he hé thõng ra chiếc lưỡi trắng bợt, một nửa bị răng hàm cắn ngập.
19- 12-1982