Số lần đọc/download: 2589 / 49
Cập nhật: 2014-12-04 16:19:52 +0700
Chương V
C
uộc đời nhiều khi có những cái bất ngờ khó ai có thể đoán trước. Trải bẩy, tám cái truyện ngắn được đăng rải rác trên một vài tờ báo ở Thủ Đô như Giang Sơn, Chánh Đạo, Liên Hiệp, Hồ Gươm, Thời Tập…tôi những tưởng mình sẽ theo hoài con đường sáng tác tiểu thuyết. Nhưng với sự lựa chọn này tôi đã bị Tắc chê bai vô số kể.
Hắn nói là tôi dại, tôi quân tử Tầu, tôi không nắm vững bản lĩnh cần thiết để chen chân thường xuyên vào trường văn, trận bút. Bởi nhân số trong vườn hoa văn nghệ thì đông đảo, thiên hạ có biết bao nhiêu người muốn nhào vô các trang báo, cho nên sáng tác gửi đi vài ba cái có khi mới "dính" một cái, còn kỳ dư bao nhiêu công lao ngày đêm cặm cụi đều bị chui vào sọt rác của tòa soạn các báo hết. Vì thế Tắc khuyên tôi viết được thì cứ viết lia. Làm Thơ, viết Văn, soạn Kịch, nếu có gan thì viết cả Phê bình, Sưu khảo nữa. Bản thảo bay về tới tấp các tòa báo, bị loại bài này đã có bài khác thay thế. Trăm bó đuốc tất phải vớ được con ếch. Tên tuổi của mình sẽ xuất hiện thường xuyên trên trang báo, "nổi tiếng mấy hồi" ! Đó là châm ngôn làm việc của Tắc vạch ra cho tôi trong những bước đầu trên con đường sự nghiệp. Tắc còn nói :
- Đành rằng cậu thích tiểu thuyết, nhưng ở những bước đầu, đừng bao giờ nói đến chuyện thích. Hãy nhào vô bằng mọi cách cho bàn dân thiên hạ quen thuộc tên tuổi của mình đi đã. Đến lúc mình "trứ danh" rồi, cả nước biết tiếng mình rồi, đã có một chân trên văn đàn rồi, chừng đó cậu lựa "món" gì mà chẳng được.
Những lời khuyên đó, chính Tắc cũng đem ra thực hành. Hắn viết Truyện, làm Thơ và…Phê bình văn chương. Hắn đã viết rất hăng, rất nhiều, nhưng tính sổ lại chỉ có thơ của hắn là được đăng nhiều nhất. Bởi thế trong các cuộc hội họp văn nghệ về sau này, anh em đều gọi hắn là Thi sĩ.
Tắc rất hài lòng về danh hiệu này và con người của hắn bắt đầu có một sự sửa sang để cho phù hợp, đại để như quần áo trở nên lôi thôi hơn, đôi mắt lúc nào cũng mơ màng hơn, mái tóc biếng chải hóa thành bù xù hơn. Hắn làm cứ như thể từ thưở mới lọt lòng ra, định mệnh đã an bài cho hắn trở thành thi sĩ rồi.
Nói về nhân dáng thì cái bệnh "sửa sang" này không chỉ riêng có một mình Tắc là sa đà vào. Bởi hầu hết bọn trẻ chúng tôi, ít anh nào lại không biết làm dáng cho ra vẻ văn nghệ. Đặc biệt là cái món "để râu" cho thiên hạ thấy mình không phải là thứ nhóc con để bị coi thường, hay bị cất lời dạy dỗ.
Khốn nỗi, ở cái tuổi 16, 17 thì đã làm gì có râu. Ấy vậy mà không biết xuất xứ từ đâu mà bọn chúng tôi loan truyền với nhau rằng muốn cho râu chóng mọc thì cứ bôi Huile de Ricin lên mép là râu sẽ bị "thúc" đến phải lòi ra.
Huile de Ricin thật ra chỉ là tinh dầu lấy từ những hạt trong quả đu đủ. Nó là thứ thuốc "giun" rất hiệu quả mà ngày xưa còn bé, cứ vài tháng, mẹ tôi lại dẫn mấy đứa trong nhà đi đến nhà thương Phủ Doãn để nơi đây cho mỗi đứa uống muột muỗng cái thứ dầu này. Ôi chao là khó nuốt ! Dầu vừa trôi qua miệng là muốn ọe hết ngay ra. Nhưng do kinh nghiệm, mẹ tôi đã mang sẵn mấy miếng Oản làm bằng bột trắng tinh, mau tan và ngọt lừ. Cái oản này chận ngay cơn buồn nôn vừa ập đến, và chỉ đến buổi chiều thôi, thì những anh giun trong bụng chịu không thấu đã bị tống ra có khi hàng búi.
Nay thì chúng tôi đem cái thứ thuốc giun này ra xài để cho chóng mọc râu. Ước vọng về râu sâu xa đến nỗi hồi đó còn có cả bài hát về râu nữa. Đó là bài hát Cung Kèn Rạng Đông của nhạc sĩ Hùng Lân đã bị sửa lại lời.
Nguyên văn thì :
Anh nghe chăng cung kèn rạng đông
Đang uy linh lừng vang trên không
Đang thiết tha hùng hồn.
Khơi chí gan Lạc Hồng
Cháy lên nhuộn bao ánh hồng…
Bị đổi thành :
Thân nam nhi tri kỷ bộ râu
Râu ta đây là râu quai nón
Ăn uống tuy nhồm nhoàm
Râu đứng lên nhịp nhàng
Cái râu mọc quanh cái mồm…
Râu ơi râu ơi
Râu mọc quanh mồm….cái râu Sồm
~~Râu ơi, râu ơi
Râu mọc quanh tai…cái râu Quai
Ôi trời ! Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò là như thế. Chắc nhạc sĩ Hùng Lân hồi đó có nghe thấy thì cũng chỉ mỉm cười chứ chẳng nổi cơn lôi đình cho tổn hại sức khỏe.
Kết quả của những ngày chăm chỉ mỗi sáng bôi thuốc mọc râu, riêng tôi thì sau vài tuần cũng thấy râu cũng lún phún mọc ra, nhưng khốn thay, lớp da bị thứ tinh dầu thúc cho nóng quá, nên cứ đùn ra những thứ mụn đỏ, mọc còn mau hơn nữa.
Thế là cả bọn tém giẹp cái vụ râu ria, chẳng anh nào còn dám rớ tới nữa.
o O o
Trở lại cái vụ lựa chọn bộ môn sáng tác, thì tôi thấy riêng có lãnh vực soạn Kịch là Tắc không dám bước chân vào. Không biết Tắc đọc được ở đâu một lời tuyên bố mà hắn cho là chí lý :
- Muốn viết kịch người ta phải ở tuổi ngoài bốn mươi. Phải đi qua đủ các đoạn đường làm thơ, viết văn đã, rồi mới có đủ khả năng viết kịch. Kịch là chặng kỹ thuật cuối cùng của con đường làm văn học nghệ thuật.
Thực ra thì trong các bộ môn, quả là Kịch khó sáng tác nhất. Khó ở những nút thắt mở, khó ở những tình tiết, ở sự điều động các nhân vật ra, vô hợp lý trên sân khấu. Và dĩ nhiên người viết phải nắm thật vững tâm lý, cử chỉ, ngôn ngữ của các nhân vật.
Hơn nữa, khi viết kịch, tác giả còn phải nắm vững tính cách là "kịch đang diễn trên sân khấu là thể hiện cái "hiện tại" đang xẩy ra". Người viết phải sắp xếp thế nào để qua ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật sẽ làm khán giả thấu hiểu được "tình huống" của câu chuyện, tức là quá khứ được phục hồi, chứa chất những tình huống có những gúc mắc, những vấn đề nan giải bầy ra cho người trong cuộc phải giải quyết (có sự tham gia suy nghĩ của khán giả) để rồi đi tới tương lai là cái kết thúc lúc hạ màn. Giới viết kịch gọi cái phút chót này là "Coup de Rideau". Mà cái "cú" hạ màn này lại cần phải có tính bất ngờ, gây ngạc nhiên thích thú và cả sự đồng tình, tán thưởng của khán giả thì kịch mới được gọi là thành công.
Viết kịch nghe chừng khó thế nên vào thời kỳ đó, các tác phẩm văn chương xuất hiện rất dồi dào, phong phú nhưng kịch bản thì hầu như chỉ lác đác như lá mùa thu. Mỗi năm, ở Nhà hát Lớn thành phố chỉ có một mùa Kịch thường là vào tháng Chín hay tháng Mười. Lúc đó tiết trời đã vào thu, không khí mát mẻ, người đi xem diễn kịch ăn bận chỉnh tề, sang trọng như đi dự những buổi tiếp tân.
Vài ban kịch nổi tiếng vào thời kỳ đó có thể kể như ban Tiền Phong, ban Sông Hồng gồm nhiều diễn viên tài ba, tận tụy và đam mê với bộ môn Kịch. Tôi còn nhớ những vở kịch nổi tiếng được trình diễn trong các mùa Kịch thời đó như Tâm Sự Kẻ Sang Tần - kịch thơ của Vũ Hoàng Chương; Thế Chiến Quốc, Nửa Đêm Truyền Hịch - của Trần Tử Anh; Bông Hồng dại của Tiền Phong, Thành Cát Tư Hãn - của Vũ Khắc Khoan; Lôi Vũ của Tào Ngu….
Các cụ ngày xưa có câu tục ngữ "Điếc không sợ Sấm". Đem áp dụng vào trường hợp của tôi thật không còn gì đúng hơn nữa, bởi vì bộ môn Kịch khó khăn là thế mà tôi dám cả gan ghé chân vào.
Tất cả chỉ khởi đầu bằng một sự tình cờ. Số là vào thời kỳ đó, có một nhà thi sĩ tạm gọi tên là Nguyễn Đông Tây. Ông này không phải xuất thân từ giới học trò, nên khi xuất hiện trên Thi đàn, bọn chúng tôi hỏi nhau:
"Sao cái tên nghe lạ hoắc thế nhỉ?"
Đã thế, tuy chưa lấy gì làm "nổi" lắm mà hắn lại dám bỏ tiền ra in cả một tập thơ đầu tay thì cũng không phải thứ vừa. Chỉ có điều là khi quảng cáo cho tập thơ này, Nguyễn Đông Tây toàn dùng những chữ đao to búa lớn, tự đề cao mình lên tới tận mây xanh. Điều này làm cho lũ chúng tôi càng xôn xao, kể cả tức giận nữa.
Bài quảng cáo đó in rất trang trọng trên vài tạp chí văn nghệ đang phát hành. Nội dung tôi còn nhớ đại khái như sau :
MỘT VÌ SAO SÁNG VỪA XUẤT HIỆN TRÊN
VÒM TRỜI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
Những người yêu Thơ không thể bỏ qua tập thơ :
MÙA THƯƠNG NHỚ của Thi sĩ NGUYỄN ĐÔNG TÂY
* Nhẹ nhàng hơn hơi thơ Nguyễn Bính
* Say đắm hơn hồn thơ Xuân Diệu
* Chua chát hơn giọng thơ Trần Tế Xương
* Triền miên hơn ý thơ Nguyễn Du
*…và man mác như bầu trời vô tận của vũ trụ vô vàn Tinh Tú.
Ối chà chà ! Chưa bao giờ trong sinh hoạt văn nghệ lại xuất hiện một lối quảng cáo tác phẩm một cách um sùm, cao ngạo và lớn lối đến như thế. Trách gì chẳng gây ra trong bọn chúng tôi một sự bất bình và bàn cõi ỏm tỏi:
- Nguyễn Đông Tây là ai thế ? Đã có ai được đọc thơ của Nguyễn Đông Tây bao giờ chưa ?
- Rồi ! Rồi ! Thơ của "lão" đăng trên tờ Quê Hương mấy bài.
- Thế hả ? Bao giờ ? Số mấy? Sao tớ không thấy nhỉ ?
- Mà thơ có hay không ?
- Hay mấy thì cũng không thể so sánh với Nguyễn Du, Trần Tế Xương được. Phét lác không chịu được !
- Thì quảng cáo mà !
- Quảng cáo thì quảng cáo chứ. Thơ đâu phải Thuốc ho bà Lang Trọc mà phịa quá như vậy.
- Thôi, hãy cứ chờ xem. Biết đâu lại chẳng là một thiên tài, một vì sao sáng mới mọc trên vòm trời văn học nghệ thuật.
- Ngộ nhỡ thơ ra xong, đọc thối ủm thì sẽ ra sao ?
- Thì sẽ "phang" bỏ bố nó đi chứ, cho chừa cái tội bất kính với tiền nhân !
Người phát biểu câu lỗ mãng sau cùng đó là Trần văn Tắc. Hơn ai hết trong cả bọn, Tắc tự cảm thấy mình có bổn phận phải làm sạch sẽ sinh hoạt thi ca, bởi Tắc là thi sĩ. Là thi sĩ thì phải có trách nhiệm với thi ca là đúng quá rồi. Thi ca là vùng đất thiêng liêng, không thể đem ra bôi bác được.
Thế là cả bọn chúng tôi đều háo hức chờ đợi một biến cố văn nghệ. Trước hết là tập thơ Mùa Thương Nhớ của Nguyễn Đông Tây sắp phát hành. Thứ đến là bài phê bình nẩy lửa mà Nguyễn văn Tắc đã hứa hẹn viết.
Hai tuần lễ sau, tập thơ đã phát hành, thấy bầy bán khắp thị trường chữ nghĩa. Tắc giữ đúng lời hứa, cẩn trọng viết một bài phê bình dài 12 trang giấy kín mít. Tôi đòi xem trước nhưng Tắc xua tay :
- Chờ đăng đã ! Chờ đăng đã ! Phải đăng rồi đọc mới khoái.
Bọn chúng tôi đành phải nén lòng chờ đợi. Nhưng rồi một tuần, hai tuần trôi qua, bài của Tắc chẳng thấy xuất hiện. Tắc ức quá, chép lại một bản khác, có sửa chữa thêm chút đỉnh, rồi gửi cho tờ báo khác. Nhưng rồi tờ này cũng không đăng. Tắc phân bua với anh em:
- Nó có "thế lực văn nghệ", các cậu ạ. Bài tớ viết nẩy lửa như thế đời nào tòa soạn họ dám đăng.
Tuy Tắc viện cớ như vậy để biện minh cho mình nhưng bọn chúng tôi ai cũng nghĩ là khả năng phê bình của Tắc chưa đủ sắc bén để được các tòa soạn tiếp đón một cách nồng nhiệt. Nạn bè phái trong văn nghệ thì thời nào cũng có, nhưng nói thực ra, cây bút Nguyễn Đông Tây không phải là một cây bút quen thuộc, hay đã thành danh để có thể tạo nên thế lực. Theo sự "điều tra" của chúng tôi, thì anh mới nhẩy vào làng văn không đầy bốn tháng. Lại nghe một nguồn dư luận xì xào là anh ta rất ít quen thuộc với giới văn chương. Ở ngoài đời, anh sống bằng nghề đạp xích lô. Đạp xích lô rồi để dành tiền in thơ, đó là một hiện tượng đặc biệt, hiếm có.
Nhân vật Nguyễn Đông Tây chính vì thế lại càng gây cho bọn chúng tôi sự tò mò, khích động, xôn xao bàn tán. Phải thành thực mà nói, thơ của Nguyễn Đông Tây không dở. Anh ta có nhiều kinh nghiệm sống. Anh ta lại có đầu óc xã hội. Những bài thơ in trong tác phẩm của anh tuy có nhiều nét vụng về nhưng lại dồi dào sinh lực của đời sống. Vào giữa lúc mà văn chương phần đông chỉ hướng vào những chuyện tình than mây khóc gió (giới độc giả phụ nữ thì đua nhau tìm đọc cuốn Đồi Thông Hai Mộ để khóc sướt mướt) thì sự xuất hiện tác phẩm của anh là một tia nắng mới. Chỉ tiếc là anh ta đã quá lớn lối khi so sánh mình với hầu hết những tinh hoa, những Bắc Đẩu của làng thơ đi trước. Đó là một điều không mấy ai hài lòng và tập thơ của anh vô tình đã phải gánh lấy cái vạ lây, mà nói theo kiểu ngôn ngữ bọn trẻ chúng tôi thì là "không thể tha thứ được" !
Sứ mạng quất ngọn roi đầu tiên vào tờ quảng cáo ấy đã giao cho Tắc thì Tắc đã không làm được trọn vẹn. Thế là, trong một phút nổi hứng bất tử, tôi đã nhẩy vô vòng chiến, mà cũng là do cái tính háo thắng mà ra đó thôi.
Lần này tôi khôn hơn Tắc, ở chỗ là tôi không nhắm vào việc phân tích từng câu thơ, từng ý thơ để hạch Nguyễn Đông Tây về tội dám so sánh với Nguyễn Du, Trần Tế Xương ( vả lại thơ không phải lãnh vực của tôi, kiến thức về thơ, tôi được mấy nả mà đòi đi phân tích thơ của người khác). Chiến thuật của tôi là chỉ nhắm triệt để vào mỗi có tờ quảng cáo mà Nguyễn Đông Tây đã quảng bá rộng rãi trên báo chí. Tôi tin rằng cứ đánh đối phương ở khe hở đó chắc chắn sẽ được nhiều người đồng tình, vì nó có…chính nghĩa !
Trọn một đêm hôm ấy tôi đã viết xong vở hài kịch lấy tên là "Tờ Quảng cáo".
Như ở trên tôi đã nói, kịch là bộ môn khó viết nhất, ít ai muốn bước chân vào. Tôi biết như vậy, và thực tâm tôi cũng chẳng mong muốn mình đi theo cái ngành khó khăn ấy. Vậy nếu có viết kịch lần này thì cũng chỉ là để giỡn chơi cho thỏa cái sự ấm ức của tôi trong đôi lúc, mỗi khi nghĩ đến tờ quảng cáo của Nguyễn Đông Tây mà thôi. Vả lại, nhìn tờ quảng cáo ấy dưới khía cạnh hài kịch thì không còn thể văn nào thích hợp hơn.
Ngày hôm sau tôi tức tốc đem lại tòa soạn báo Cải Tạo do ông Phạm văn Thụ làm Chủ Nhiệm để gửi đăng.
Vào thời kỳ ấy, cụ Đào Trinh Nhất đã thôi cộng tác với tờ Cải Tạo là tờ tuần báo có trụ sở ở đường Mongrand sau đổi là Nguyễn Thượng Hiền, gần hồ Halais tức hồ Thuyền Quang Hà Nội. Bộ biên tập sau đó nằm trong tay các cây bút trẻ hơn như Nhị Lang (bút hiệu của Thái Lân, một nhà chí sĩ cách mạng sau này), Văn Bình, Kim Sinh và Phạm văn Thụ. Tôi không rõ lắm về sự phân công trong tòa soạn nhưng hình như công việc chọn lựa bài vở nằm trong tay ông Kim Sinh và ông Văn Bình tức Chàng Thứ Mười Lăm (in trên báo là Chàng thứ XV).
Hai ông này chắc có máu tếu cùng mình nên bản thảo của tôi vừa gửi đi tuần trước thì ở số báo tuần sau nó đã được chọn đăng, chiếm nguyên vẹn một trang báo khổ lớn, nom rất trịnh trọng và xôm trò.
Vở kịch tung ra gây một trận cười vỡ bụng trong làng văn chương choai choai mới lớn. Tôi còn nhớ Toàn (bây giờ là nhà văn Nguyễn đình Toàn), hồi đó nhà ở bên Gia Lâm, cách Hà Nội khoảng vài cây số. Nhà Toàn ở rất đơn sơ, mái tôn, vách gỗ, nhiều chỗ phô ra nhiều khe hở nên bà cụ mẹ Toàn lấy giấy báo trám vô những lỗ thủng. Chính trang báo Cải Tạo có đăng vở kịch của tôi lại cũng được đóng cái vai che chắn đó. Nó lại nằm ngay ở trước bàn nước, nơi xếp ly tách, chai lọ nên một hôm Toàn đứng rót nước uống, vô tình để mắt lên trang báo. Tuy đã đọc từ trước rồi, thế mà chợt nhìn lại, Toàn cũng không nhịn được nên cười phá lên làm nước bắn tung tóe ra mọi người chung quanh. Giai thoại ấy, Toàn đem kể lại cho bạn bè. Thế là nghiễm nhiên tôi đâm ra "nổi tiếng" trong đám văn nghệ choai choai về ngành viết kịch và đám văn nghệ trẻ phong cho tôi là …kịch sĩ !
Thừa thắng xông lên (chữ dùng bây giờ), tôi đình chỉ viết truyện ngắn và chỉ miệt mài sáng tác kịch vui.
Cứ khoảng hai, ba tuần tôi lại cho ra lò một vở hải kịch và vở nào thì tuần báo Cải Tạo cũng dành chỗ trịnh trọng để đăng lên. Điều mà tôi và Tắc vẫn hằng mơ ước bây giờ đối với tôi đã thành sự thật. Nghĩa là cứ gửi bài đến đến đi, gửi thật nhiều, thật bền bỉ, gửi vô điều kiện thì sẽ có lúc mình giành được một mục thường xuyên trên tờ báo. Thế là mình …nổi tiếng, mình đã trở thành "văn nghệ sĩ" và trong ngăn bóp có quyền mang theo một cái các vi-dít đề tên mình với hàng chữ in nghiêng ở dưới : Thi sĩ, Tiểu thuyết gia, Kịch tác gia hoặc muốn cho nó có vẻ khiêm tốn thời thượng hơn thì đổi lại là làm thơ, viết văn, soạn kịch..
Riêng tôi thì chưa có dịp làm cái công việc này, lý do vì in một cái các vi-dít cũng tốn kém lắm, ngót trăm bạc như chơi. Nhưng ngoài "các" ra, chúng tôi còn ưa chuộng một thứ khác gọi là triện son. Triện son có công dụng nhiều hơn là các vi-dít nên hầu như bọn trẻ chúng tôi, anh nào cũng chịu chi cái khoản đi thuê khắc triện có tên của mình ở trên gỗ. Mà giá cả lại rẻ hơn, khoảng bẩy đồng một cái triện hình vuông, mười đồng một cái hình tròn hay bầu dục. Chưa kể hộp mực dấu, phải bỏ thêm tiền nhưng chúng tôi tự xoay xỏa lấy bằng cách lấy cái hộp đựng viên thuốc nhện, tức viên thuốc nhức đầu hồi đó có tên hiệu là Kalmine, nhét đầy bông và đổ mực đỏ vào. Thế là đầy đủ đồ nghề cho một cái triện son.
Nói cho đúng ra, triện son là thú chơi tao nhã của những nhà văn nghệ đã nổi danh, vốn đã có nhiều tác phẩm xuất bản rồi. Mỗi khi in một tác phẩm mới, lúc ký tặng bản bè thì bên cạnh chữ ký, tác giả còn áp thêm một cái triện son mang bút hiệu của mình (thường là khắc theo kiểu chữ Hán) ở ngay bên cạnh. Những trang sách mà có lời đề tặng cùng chữ ký và triện son của tác giả thì nom rất hấp dẫn, trang trọng và ….."văn nghệ" vô cùng !
Dĩ nhiên bọn chúng tôi thì chưa đứa nào có tác phẩm ra đời để viết lời đề tặng và ký tên có triện son bên cạnh cả. Nhưng cần gì phải theo đúng nguyên tắc của các bậc đàn anh. Nghĩa là khi có triện rồi thì chúng tôi đem "ịn" lung tung lên đủ mọi chỗ. Từ tập vở cho đến sách học, từ tờ nháp cho đến sổ tay. Nhất là khi viết thư cho ai thì khỏi nói, cuối thư thế nào cũng áp một con dấu đỏ chói bên cạnh cái chữ ký loằng ngoằng. Nom cũng oách ra phết !
Thấm thoắt đã hơn ba tháng trời, tôi "cộng tác" với tòa soạn Cải Tạo được 8 vở kịch vui. Đó là một thành tích phi thường mà bạn bè tôi ít ai sánh được. Bởi thông thường thì tỷ lệ số bài của bọn trẻ chúng tôi được chọn đăng chỉ bằng khoảng một phần năm số bài gửi đi. Mà được như thế cũng đã là quý hóa lắm rồi.
Trong các bạn bè tôi, chỉ có một người gửi bài nào là dính bài đó. Lại dính ở một tờ báo sáng giá nhất hồi đó là tờ Tia Sáng, ấn bản đặc biệt ngày Chủ Nhật. Đó là anh chàng Nguyễn Thanh Đạm tức nhà thơ Song Hồ bây giờ. Đạm làm nhiều thơ. Thơ của Đạm mới mẻ, tân kỳ. Anh lại có tài tưởng tượng rất phong phú. Chẳng hạn như những ngày hè nóng chẩy mỡ, Đạm chui xuống quầy hàng, chổng mông ra, húc đầu vào, lụi hụi làm thơ trời lạnh có tuyết rơi và ở dưới không quên ghi chú "Paris ngày…."
Tòa soạn Tia Sáng Chủ Nhật chọn đăng thơ của Đạm đều đều. Người ngoài không biết tưởng nhà thơ này đã đi Tây, đã yêu nhiều, đã thất tình và từng lang thang lê gót giang hồ tứ xứ. Ai có ngờ đâu, đó chỉ là một cậu học trò đang mài đũng quần ở bậc trung học đệ nhất cấp !
Một nhân vật khác cũng có tài tưởng tượng hết sức phong phú mà tôi còn nhớ được là anh bạn tên Nguyễn Đức Cầu, tức ký giả Hùng Phong của giới báo chí Sài Gòn bây giờ. Tôi quen Cầu từ năm học lớp Nhất trường Hàng Vôi. Nhà của Cầu ở phố Hàng Than, gần chợ Đồng Xuân Hà Nội. Anh ta chuyên đi một chiếc xe đạp mà cái tay lái (guidon) không hiểu vì sao lại gẫy mất phần bên trái, chỉ còn một bên tay phải, nên Cầu chỉ lái xe bằng có một tay. Cầu chơi đàn Banjo rất giỏi, tiếng đàn gọn, lại chắc qua từng nốt nhạc và lúc "vê" cho âm thanh kéo dài thì nghe rất ròn rã, điệu nghệ. Đã thế, Cầu còn viết cả phóng sự được in hàng ngày trên tờ Liên Hiệp của ông Soubrier Văn Tuyên nữa thì mới "chúa" chứ !
Đó là cái phóng sự nổi tiếng "Con Cò mày đi ăn đêm" chuyên sưu khảo về những chuyện buôn hàng lậu từ Hà Nội ra vùng Kháng Chiến mà hồi đó hay gọi là ra "hậu phương". Thật, cho đến bây giờ tôi cũng vẫn không hiểu anh chàng có cái trán hói, mắt hơi lồi to và thân hình khá loắt choắt này moi tài liệu ở đâu ra mà viết được những thứ đề tài hiếm hoi như thế. Chính tôi cũng đã chịu khó hàng ngày cuốc bộ ra tòa báo Liên Hiệp ở góc phố Hàng Trống và con đường đối diện Nhà Thờ Lớn để đọc "cọp" thiên phóng sự này tại cái bảng treo báo trước cửa tòa soạn. Nội dung thiên phóng sự quả là hấp dẫn với nhiều pha sôi nổi, hồi hộp, gây cấn từ các nhóm đi buôn. Cầu lấy bút hiệu là Hùng Phong mà cho tới bây giờ bút hiệu ấy anh vẫn còn dùng khi viết báo ở Sài Gòn.
Ngoài việc viết phóng sự, Cầu còn chủ trương riêng một mình một tờ tuần báo chuyên dành cho trẻ em. Tôi nói "một mình" là bởi từ Chủ Nhiệm, Chủ Bút đến nhân sự cộng tác viết bài, đi phân phối báo…tất cả chỉ có một mình Cầu ôm tuốt luốt. Anh chàng lại còn vẽ lấy, trình bầy lấy trang báo, tự xoay sở tiền bạc để có thể ra được mỗi tuần mốt số báo dầy 16 trang, khuôn khổ bằng nửa tờ Thiếu Nhi bây giờ.
Chỉ đáng tiếc là tờ báo sống không được lâu vì sau 5 số báo khá chạy, nó bị mấy tờ báo hùng mạnh hơn ra cạnh tranh trong thị trường báo chí con nít. Có thể kể sự xuất hiện của tờ cậu Ấm Cô Chiêu (loại mới) do nhà Văn Hồng Thịnh xuất bản, tờ Ngày Xanh (sau đổi tên là Thiếu Nhi) do nhà văn Anh Hợp chủ trương và tờ Tuổi Ngọc của họa sĩ Thy Thy Tống Ngọc. Một mình cầm cự với ba ê-kíp chuyên nghiệp như thế, lại chỉ là một cậu học sinh chưa qua hết bậc trung học, Cầu dù tài năng cách mấy cũng không thể kéo dài, mặc dù nỗ lực của anh thật đáng khâm phục.
Trường hợp "đơn thương độc mã" ra báo kiểu này, lại một lần nữa xẩy ra trong lịch sử "bọn trẻ có ước mơ trở thành văn sĩ". Đó là trường hợp của nhà văn Lê Tất Điều, thưở ông còn là một học sinh lớp Nhất bậc tiểu học. Vào thời kỳ đó (sau 1954, ở Sài Gòn), cậu học sinh tên Điều cũng tự đảm đương lấy một tờ báo với đủ mọi nhiệm vụ: Chủ nhiệm, Chủ bút, Họa sĩ, Ký giả kiêm luôn cả Thầy cò sửa bản in và nhân viên giao báo. Báo của Điều in tới 2.000 số, bán cũng khá chạy. Điều kể rằng hôm đến nhà phát hành để thu tiền báo, ông giám đốc nhăn mặt nói:
- Cậu về nói với Ba cậu tới đây tính toán. Chuyện tiền nong phải người lớn nói với nhau mới được.
Báo hại, ông chủ nhiệm tí hon phải móc bóp lấy thẻ học sinh có dán ảnh đàng hoàng ra để chứng minh rằng mình tên là Lê Tất Điều mà tên chủ nhiệm in trên báo cũng rành rành là Lê Tất Điều nốt. Cuối cùng ông giám đốc nhà phát hành phải nhượng bộ, thanh toán tiền bạc¸nhưng hẳn vẫn mang trong lòng một nỗi ấm ức không nguôi :"'Chủ nhiệm báo gì mà nhãi ranh như thế nhỉ !!".
Tờ báo của Điều hình như cũng chỉ ra được có vài số rồi chết. Mớ báo cũ, Điều mang đi bán kí lô. Tổng số lời lên tới 600 đồng, một món tiền to, tha hồ vung vít. Ông chủ nhiệm kể rằng đã mua được cây bút máy Pilot để xài khi vào bậc trung học, một cái máy chiếu hình (loại con nít) để chiếu chơi và mời bạn bè đi coi chớp bóng rạp thường trực, tới mấy phim mới hết tiền lận !
o O o
Một căn bệnh chung nữa của "Thưở mơ làm văn sĩ" là ưa thành lập bút nhóm. Bút nhóm đầu tiên mà tôi gia nhập có tên là Nhóm Nắng Sớm. Gọi là gia nhập thì cũng không đúng hẳn bởi tất cả các thành viên trong nhóm đều là sáng lập viên ngay từ phút đầu. Và sau khi Nhóm đã thành lập rồi thì không còn có ai xin gia nhập nữa.
Tổng số thành viên của Nắng Sớm chỉ vỏn vẹn có ba người. Hơi ít đấy, nhưng bề ngoài thì trông rất đồ sộ. Bởi theo luật của Nhóm thì mỗi thành viên phải mang ít nhất là ba bút hiệu, hai bút hiệu con trai và một bút hiệu con gái (cho nó ra vẻ có nam, có nữ cùng tham gia đông đảo !). Trưởng nhóm của tôi là Trần văn Tắc. Tắc lấy hai bút hiệu con trai là Song Vũ và Đơn Phong (ý hẳn Đơn thì đối với Song, còn Phong thì đối với Vũ). Còn bút hiệu con gái thì Tắc ký là Cát Loan. Loan là tên người yêu trong mộng tưởng của Tắc, còn Cát là chữ Tắc viết ngược lại đó thôi. Về bút hiệu này, Tắc cũng ký dưới vài bài thơ được in trên báo. Hẳn nhiên được đăng bài nào, Tắc cũng gửi theo lối nặc danh cho cô Loan bài đó. Bọn tôi vẫn hay nói đùa:
- Như thế thì cô Loan của cậu sẽ cứ chỉ đi tìm nhà thơ nào có tên là Cát chứ còn khuya mới biết nhà thi sĩ lại có tên cúng cơm là Tắc.
Hầu như Tắc không tin là người trong mộng của mình lại cù lần đến thế. Hẳn nhiên lối tỏ tình của thi sĩ thì phải kín đáo hơn người, chứ ai lại đi nói huỵch toẹt Tắc-Loan thì còn ….văn nghệ nỗi gì ! Vả lại Tắc thành Cát, Cát thành Tắc chỉ là lối đọc ngược đọc xuôi có gì khó đâu. Đến như ông nhà văn nổi tiếng viết truyện đường rừng Đái Đức Tuấn còn lấy bút hiệu là TchyA, viết tắt khó khăn như thế mà cũng bị đoán ra là "Tôi chỉ yêu Angèle" đó thôi. Rồi ông họa sĩ ngym vẽ rất tuyệt trên bìa Phổ Thông Bán Nguyệt San hay trên các báo Truyền Bá, Nhi đồng họa bản …mà tụi tôi rất mê, nên cũng đã bàn tán om sòm về cái bút danh ngym này. Có anh nói :
- ngym là người yêu Michèle chứ gì !
Anh khác cãi :
- Sao cậu biết em-mờ là Michèle. Ngộ nhỡ là Mai, là Mơ, là Mỵ …thì sao.
Một anh lại lên giọng thành thạo :
- Các cậu chẳng biết đếch gì hết. Tớ nghe mấy ông chú nói rõ ràng rồi. Em-mờ ấy là Mợ. ngym là mấy chữ tắt của "người yêu mợ" !
Cả bọn nhao lên :
- Mợ ? Mợ nào ?
Anh kia tủm tỉm cười :
- Còn mợ nào. Mợ là tiếng gọi vợ âu yếm ngày xưa hay dùng. Mở sách Tự Lực Văn Đoàn ra coi, có thiếu gì trang tả cảnh vợ chồng gọi nhau là "cậu-mợ". Sau này tân tiến hơn mới đổi thành chữ "mình" duy nhất, nghe nó âu yếm và thân thiết biết bao.
Cái anh phát biểu câu này thế mà chí lý. Sau này ở Sài Gòn, nhà thơ Nguyễn Vỹ mở riêng một mục "Mình ơi" trên báo Phổ Thông của ông. Nội dung mục này là cốt giải đáp mọi thắc mắc trên đời. Những thắc mắc này được nêu ra bởi một nhân vật đóng vai bà vợ. Mỗi khi có thắc mắc thì bà kêu chồng : "Mình ơi ! ..." để cho ông chồng thông thái trả lời.
Tuy nhiên niềm tin của Tắc là người yêu của mình sẽ đọc "Cát Loan" thành "Tắc Loan", có lẽ không được cô Loan nào đó chia sẻ. Nên hai năm sau đó, Loan lên xe hoa về nhà chồng. Hỷ tín, chúc mừng có đăng trên báo, nhưng tên của chú Rể ….hỡi ơi, không phải là Trần văn Tắc !
Thành viên thứ hai của nhóm Nắng Sớm là một "nhà", gọi là "nhà" gì cũng được vì anh ta làm thơ, viết truyện kiêm luôn cả phê bình, biên khảo. Anh ta lấy một bút hiệu con trai và có tới 2 bút hiệu con gái lận. Lý do là anh đã thầm yêu trộm nhớ cùng một lúc tới..2 cô ! Cả hai người con gái đó đều mới chỉ là người trong mộng. Giả sử nếu được một trong hai người (cô nào cũng được) ngỏ lời yêu trước, thì anh ta làm như sẽ có thể chết vì cô đó được. Duy chỉ có điều là anh rất nhát, gặp mặt người yêu thì quay đi, quay đi rồi về đến nhà lại tiếc, nhưng qua lần sau gặp lại thì mặt lại đỏ phừng, tim đập loạn xạ, chân tay lóng ngóng để rồi …quay đi nữa. Ôi chà, mối tình lẩm cẩm của anh thế mà cũng kéo dài được bốn, năm năm, gợi cho anh biết bao nhiêu cảm hứng sáng tác, giúp anh làm được bao nhiêu là thơ, mà hai bài thơ xuất sắc nhất, lâm ly não nùng nhất là hai bài mà anh làm vào mỗi dịp hai người yêu của anh đi lấy chồng.
Bút nhóm của tôi lấy trụ sở tại căn gác xép số 44 phố hàng Bông Đệm (hồi đó cái biển ở đầu phố còn ghi tiếng Pháp là Rue du Coton). Căn gác chật chội, cái buồng để cho chúng tôi còn chật chội hơn nữa. Gọi là "buồng" nhưng nó chỉ là một khoảnh chìa ra ở mé ngoài, tiếp ráp với phía sân sau của căn gác xép. Nó chỉ vừa đủ kê một nửa cái ghế ngựa (tức là giường ngủ có 2 mảnh ráp lại, kê trên 2 cái kệ gọi là 2 chân mễ, vì đây chỉ có một mảnh nên chỉ là một nửa) và một cái bàn nước. Trong buồng không có chỗ kê ghế nên chúng tôi ngồi cả lên giường. Được cái nhân số của nhóm chỉ có 3 người nên hội họp có vẻ ấm cúng. Tuy nhiên khi họp chỉ được ngồi mà không thể đứng lên, bởi nếu đứng lên thì đầu sẽ đụng vào mái ngói thấp tè, dám vừa bể đầu vừa vỡ ngói vì cái mái này nghe đâu cũng đã được lợp từ trên năm chục năm.
Chương trình nghị sự của buổi họp gồm có :
1) Thứ nhất là : báo cáo thành quả công tác văn nghệ của mỗi thành viên. Nghĩa là anh nào có bài gửi bài đăng báo mà lại được tòa soạn lựa đăng thì đem ra trình diện cho cả nhóm được biết. Theo luật lệ của chúng tôi đề ra thì hễ trong 2 tuần liền, anh nào không có bài được đăng báo thì sẽ bị cảnh cáo, ba tuần liền thì sẽ nộp phạt cho quỹ nhóm 10 đồng, còn đến 4 tuần liền thì ôi thôi… cái thứ không có khả năng văn nghệ như vậy, hoặc có khả năng mà sinh lười biếng, sẽ bị nhóm khai trừ không thương tiếc !!
Tuy nhiên luật Nhóm cũng đã dễ dãi ở chỗ có điều khoản "du di" ! Nghĩa là nếu tuần này tôi có những 2 bài thơ được đăng báo thì tôi có thể "để dành", chỉ khai báo một bài, còn bài kia cất giữ phòng hờ những tuần sau chẳng có báo nào in bài của mình. Mà chuyện này thì rất dễ xẩy ra, vì trang báo dành cho mục văn nghệ thì có giới hạn mà bút nhóm thì mọc lên như rươi. Cái nạn "nhân mãn" vẫn là sự đe dọa thường trực đối với những cây bút mới bước vào làng văn như chúng tôi. Về sau, có kinh nghiệm chuyện sợ phải đóng phạt hơn, khi gửi bài cho các báo, chúng tôi gửi kèm cả những mẩu danh ngôn hay những chuyện vui cười. Ấy vậy mà Chuyện vui cười lại được chọn đăng ngay "tút suỵt" (Tout de suite=ngay lập tức !) và chúng tôi có lưng vốn để dành đem ra trình diện Nhóm. Quỹ của Nhóm vì thế chẳng thêm được đồng bạc cắc nào về vụ phạt vạ cả.
2) Tiết mục thứ hai: là trình diện tác phẩm mới sáng tác (vẫn còn nằm trong bản thảo, chưa gửi đi in). Đây là một biện pháp mà Nhóm muốn thúc đẩy các thành viên tích cực làm việc. Tối thiểu mỗi tuần, nhóm viên phải trình diện hai bài viết mới, hoặc thơ, hoặc truyện, hoặc phê bình….nhưng cấm đưa Vui cười hay Danh ngôn ra thay thế vì đó không phải là sáng tác. Nhóm dễ dãi cho việc đăng báo thì được chứ không thể nhân nhượng cho việc sáng tác. Đã vô Nhóm thì phải viết, dù là viết dở không được các báo chọn đăng.
Về điều khoản luật lệ này chẳng có ai vi phạm cả vì bọn chúng tôi, anh nào cũng sáng tác rất hăng. Có tuần Tắc trình diện 6 bài thơ, 2 bài phê bình, 1 cái truyện ngắn và 1 bài bình luận. Ối chà, bản thảo của cu cậu dầy cả xấp, ít ra là cu cậu cũng đã phải xé văng hai cuốn tập, hèn chi mà tập vở ở trường, cuốn nào của Tắc cũng xẹp lép mặc dù ở ngoài bìa có in rõ là vở 100 trang, 200 trang.
Trong những ngày đầu họp Nhóm, ở tiết mục này còn có phần bình tác phẩm của mỗi thành viên để anh em cùng nêu nhận xét. Nhưng chỉ thi hành được có 2 tuần là chúng tôi phải dẹp ngay, lý do dễ hiểu là sau khi bình lên thể nào cũng có những vụ cãi nhau ỏm tỏi. Tác giả thì cho là văn, thơ của mình thâm thúy, sâu sắc, kẻ "phàm phu" đọc không hiểu, người phê bình thì lại sử dụng toàn ngôn ngữ "móc máy" dễ khiến người nghe nổi nóng. Thế là giận nhau, nếu không khéo dàn xếp thì Nhóm có thể tan vỡ mau chóng như bọt xà phòng.
Tôi cón nhớ một lần, Nhóm bình lên bốn câu thơ của Tắc:
"Tôi chờ em dài đường đời tám hướng
Bóng kinh kỳ, ôi ngập ngụa kiêu sa
Em ở đâu, chừ bây giờ buồn hay sướng
Có nhớ tôi, kẻ cô lữ xa nhà…
Một cuộc chất vấn loạn xà ngầu sau đó xẩy ra :
- Sao lại tám hướng ? Ngoài Đông, Tây, Nam, Bắc ra, còn có hướng nào nữa ?
Mặt Tắc đỏ lên vì tức tối. Gã cãi lại một cách khó khăn vì cơn tức đã dâng đầy lên cổ:
- Đọc thơ mà hạch xách như bố người ta, thế thì còn văn nghệ cái cóc khô gì nữa !
- Nhưng văn nghệ gì thì cũng phải có lý chứ. Phi lý quá sẽ trở thành phi văn nghệ rồi còn gì.
Tắc vụt nghĩ ra câu trả lời bèn cười khẩy :
- Ngoài Đông, Tây, Nam, Bắc ra thì còn Đông Bắc, Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam nữa, cả thẩy là tám hướng có được không ?
Anh kia đuối lý nhưng cũng cười chế giễu:
- Hờ…hờ…thế là cùng khắp cả ….(lấy giọng ngâm) Tôi chờ em dài đường đời cùng khắp mọi nơi..
Tắc cáu sườn lắm, định phá bĩnh không chơi họp nhóm họp nhiếc gì nữa, nhưng tôi đã vội vã can thiệp :
- Tả đường đời mà nói tám hướng là rõ rồi đấy chứ. Người ta còn nói đường đời muôn ngả, nếu lại hỏi muôn ngả là những ngả nào thì bố ai có thể trả lời được. Thôi ! Câu đầu thế là hay rồi. Mà chữ "dài đường đời" mà cậu Tắc dùng ở đây là "mới" lắm đấy nhé. Cũng như ông thi sĩ nào đó đã dùng chữ "vàng lá mơ bay" chớ không dùng "lá mơ bay vàng" nghe nó nôm na, phi văn nghệ làm sao.
Tắc được tôi khen nở cả mũi nên cơn giận cũng nguôi ngoai. Nhưng cái hoạn nạn này chưa qua thì cái khác đã tới. Anh bạn nhóm viên của tôi lại phang thêm cho Tắc một chùy nữa :
- Bóng kinh kỳ ngập ngụa kiêu sa ! Sáo còn hơn sáo vịt nữa. Nhưng thôi, cũng cho là được đi. Nhưng còn câu thứ ba thì không thể chấp nhận được. Cái gì mà "Em ơi em ở đâu, bây giờ buồn hay sướng.
Tôi nhắc anh ta :
- Em ở đâu, không phải Em ơi em ở đâu…
Anh chàng cười rồi nhắc lại :
- Ờ.. thì ..Em ơi ở đâu bây chừ buồn hay sướng. Buồn thì phải đi với vui, chớ đâu lại có buồn đi với sướng.
Tắc cãi lại:
- Được chứ sao không. Thơ mà, chứ đâu phải tội phạm mà hoạnh họe đòi cái này, cái kia.
Tôi cũng đỡ lời Tắc :
- Mấy lỵ ở trên là tám hướng thì ở dưới phải là buồn hay sướng thì mới hợp vận chứ. Sửa thành buồn hay vui thì còn vần với vì gì nữa.
Phần bình thơ cứ cái kiểu móc họng nhau đó kéo dài làm Tắc sùng quá hất tung cả bản thảo rồi vùng vằng:
- Đếch chơi với các cậu nữa. Văn nghệ chó gì mà cứ lôi ra bắt bẻ như vạch lá tìm sâu thì bố ai mà chịu được.
Phiên họp nhóm suýt vì cái màn giận lẫy ấy mà tan vỡ. Rất may là tôi vuốt ve được tự ái của Tắc kịp thời và dàn hòa bằng những chuyện pha trò tuy vô duyên nhưng cũng làm nhẹ được bầu không khí đang căng thẳng. Tắc bằng lòng ở lại nhóm với điều kiện là bỏ cái mục bình thơ đi. Anh hậm hực nói :
- Nếu còn bình thơ thì thà ở nhà đem đàn ra gẩy tai trâu còn sướng hơn.
Thế là món "bình tác phẩm" trong buổi họp Nhóm bị xóa tên trong chương trình nghị sự.
Tiết mục sau cùng của buổi họp là trần thuyết cho nhau nghe về tác phẩm của các nhà văn đi trước. Chúng tôi có lệ là cứ mỗi buổi họp, mỗi thành viên phải trình bầy về một tác phẩm cũ hoặc mới xuất hiện trên thị trường. Công việc này đòi hỏi các nhóm viên phải đọc nhiều, tập nhận xét, phân tích và đưa ra những ý kiến cá nhân đối với tác phẩm.
Tôi còn nhớ trong các buổi họp này, tôi đã trần thuyết về tác phẩm của Ngọc Giao, của Sao Mai, của Nguyễn Minh Lang, của Hoàng Công Khanh..v…v…là những nhà văn thường xuyên góp mặt trên báo chí hồi đó.
Trong số những tác phẩm được đem ra mỏ xẻ, tôi còn nhớ cuốn gây được sôi nổi nhất là cuốn Linh Hồn Ngọc của Hiệp Nhân. Cuốn này gây sôi nổi không phải vì nội dung của nó quá hay hoặc quá dở nhưng là vì tác giả của nó chỉ là một cậu học sinh mới bước vào năm đầu của bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp! Vào thời kỳ đó, đang còn cắp sách đến trường mà có truyện dài in ra là cả một hiện tượng lạ. Anh chàng Hiệp Nhân này đã gây sôi nổi vì đã làm được chuyện đó.
Cuốn truyện dầy gần 200 trang, ấn loát đẹp đẽ, khi mới phát hành Hiệp Nhân có tặng thầy Nguyễn Uyển Diễm một bản. Thầy Nguyễn Uyển Diễm hồi đó cùng hiền nội của thầy là nữ sĩ Mộng Sơn (người có tác phẩm Vượt Cạn vừa phát hành) đang chủ trương nhà xuất bản Vỡ Đất, trụ sở hình như đặt ở Phố Hàng Bát Đàn. Thầy dạy môn Quốc văn ở hầu hết các trường tư lớn ở Hà Nội. Thầy lại là người rất sốt sắng và cởi mở. Bởi vậy khi nhận được sách biếu, thầy đem đi giới thiệu cùng khắp các lớp. Thầy nói đại ý là đã được tác giả cho xem cuốn sách từ khi nó còn là bản thảo. Thầy khuyên tác giả rằng nó còn nhiều khuyết điểm, nên sửa chữa. Nhưng tác giả "hơi vội" đã cho in ngay. Tuy nhiên đó là bước đầu của một cây bút đầy nhiệt thành nên nó rất đáng khen ngợi và đáng khích lệ.
Bọn lau nhau chúng tôi thì cứ tròn xoe mắt lên mà nhìn cuốn sách với tất cả lòng khâm phục. Đối với chúng tôi thì dù là vội, dù là có khiếm khuyết cần sửa chữa, nhưng tác giả của nó đã dầy công "khuậy" được từng ấy trang (gần 200 trang in, đâu phải là chuyện chơi !), lại in được ra thành sách, thế là "chúa" quá đi rồi. Dưới mắt chúng tôi, anh chàng Hiệp Nhân bỗng trở thành một nhà văn thứ thiệt, có tác phẩm bán trên thị trường, tức là đã ngoi chễm chệ lên bàn Nhất chứ không phải bàn Nhì lem nhem chỉ in bài trên mặt báo như bọn chúng tôi.
Chẳng hiểu về sau Hiệp Nhân lời hay lỗ, lỗ thì lỗ bao nhiêu, nhưng công trình đó đã vượt quá xa tầm tay của chúng tôi rồi. Bởi nội cái việc bỏ ra cả ngàn bạc để in thành sách đã là một chuyện kinh khủng đối với lũ mạt rệp như bọn tôi. Mỗi ngày, riêng tôi chỉ có ba đồng để ăn sáng. Tôi chỉ ăn có một đồng xôi để dằn bụng. Còn hai đồng thì để mua thuốc lá phì phèo. Ôi chà, làm sao mà có thể để dành tới bạc ngàn để in sách được.
Cũng còn một con đường khác có thể in được tác phẩm (nhưng rất hiếm hoi). Đó là con đường bán tác phẩm cho nhà xuất bản Chính Ký ở đường Sinh Từ, gần chợ Cửa Nam, Hà Nội. Vào thời kỳ đó, nhà Chính Ký hầu như là một nhà xuất bản duy nhất dám in tác phẩm của các cây viết mới đang chập chững vào nghề, theo tính cách cứ in một cuốn của nhà văn nổi tiếng thì lại chen vào một cuốn của cây bút mới thuộc toàn giới trẻ như Nguyễn Đông Tây, Anh Quân, Thanh Hữu, Hùng Phong, Vũ Mai Anh..v..v… Đáng kể nhất là Vũ Mai Anh, một cây bút còn hoạt động cho đến bây giờ.
Hồi đó Vũ Mai Anh mới chỉ là một cậu học sinh lớp đệ Ngũ của trường Chu văn An, nhà ở phố Hàng Đồng, gần Cửa Bắc Hà Nội. Mai Anh say mê văn nghệ có thể nói còn hơn bất cứ một người nào khác. Cặp táp của anh lúc nào cũng dầy cộm từng xấp bản thảo. Có bản đã viết xong, có bản đang cho in giở giang trên báo. Đã thế lại có bản vừa khởi sự viết được vài chục trang. Tổng số tác phẩm của Mai Anh vào lúc đó đã lên tới 4, 5 cuốn. Toàn là truyện dài chữ li ti như con kiến, nội dung cũng toàn là những chuyện tình với tựa đề thật ướt át như Duyên Kiếp, như Phũ Phàng..v.v..
Quyển Duyên Kiếp đang được đăng từng kỳ trên báo Hồ Gươm của bác sĩ Bùi Cẩm Chương. Quyển Phũ Phàng chưa in trên báo nhưng lại được nhà Chính Ký in ra thành sách. Cuốn sách dầy hơn 200 trang, bìa in Litho đủ mầu tuyệt đẹp không thua gì in Ốp-sét bây giờ. Hình bìa vẽ một thanh niên thật bảnh trai đang ngồi ôm mặt bên một nấm mồ. Trên nấm mồ có hương bay nghi ngút, có bia đá đề tên thiếu nữ, xa xa có những giải mây bay lờ lững thấp thoáng qua mấy nhánh thông gầy. Mộ xanh, cỏ úa, vẻ mặt người bi ai, rầu rĩ, cảnh trí nom thật …phũ phàng !
Cuốn sách bán rất chạy. Có lẽ là chạy nhất trong những cuốn của các tác giả mới ra lò. Mai Anh vụt nổi như sóng cồn trong đám văn nghệ trẻ như chúng tôi. Và chúng tôi cũng đọc Mai Anh với tất cả say mê vì văn của anh vững chãi, già dặn, có dáng dấp, kiểu cách rất hợp với không khí văn chương bình thản hồi bấy giờ.
Đối với tôi, những người như Mai Anh, Hùng Phong, Hiệp Nhân, Lê Ninh (nổi tiếng khắp giới học sinh Hà Nội chỉ vì một bài tùy bút rất hay đăng trong giai phẩm Lửa Lựu xuất bản trong một dịp Hè)..v..v.. đều là những thần tượng mà tôi mơ ước. Những thần tượng ấy không quá cao xa như Nhất Linh, Khái Hưng, Trần Tiêu, Nguyên Hồng… mà lại gần gụi như tôi vì thấp thoáng cũng có bóng dáng của tôi trong đó. Họ cũng như tôi đều còn là những cậu học sinh còn đang cắp sách đến trường nhưng đã ôm trong lòng tất cả nỗi say mê, và mang trong tim một hoài bão thiết tha, một ước mơ cố đạt thành. Đó là Mơ Làm Văn Sĩ !
Vào thưở còn cắp sách đến trường, số người mơ ước trở thành văn nghệ sĩ rất đông. Hà Nội ngày xưa, với tâm trạng bình thản, khung cảnh nên thơ thay đổi bốn mùa, khi vào hạ có hoa Sấu lấm tấm giải trắng mặt đường, buổi sơ Thu lá úa bắt đầu trải vàng trên lối đi để lại những cành trơ trụi in khẳng khiu trên nền trời đầy mây xám. Từng giải mưa Xuân, từng tiếng ve Hạ, từng vạt nắng Thu hay những luồng gió Đông rì rào đập trên cánh cửa le lói ánh sáng của những căn phòng ấm áp, tất cả đã gợi lên trong lòng mọi người biết bao cảm hứng.
Chúng tôi đã làm văn nghệ một cách say mê trong những khung cảnh đó. Chúng tôi đã tạo dựng cho thế giới học trò một bầu không khí của thơ, của văn, của nhạc đầy tính chất học trò. Ồn ào rộn rã thật đấy nhưng không khỏi có những vấp váp, vụng về thật dễ thương. Một trong những kỷ niệm đáng ghi nhớ về sự vụng về ấy là tờ giai phẩm Hồng Hà do Mai Anh và Trần Đỗ chủ trương (anh Trần Đỗ tên thật là Trần Xuân Mỹ, bây giờ là giáo sư Sử Địa ở các trường tư lớn ở Sài Gòn).
Giai phẩm Hồng Hà là một ước mơ đã thể hiện của những cây bút học trò. Chúng tôi mơ ước thực hiện những công trình như những bậc đàn anh đi trước : ra báo, in tác phẩm, lập Văn Đoàn và ấn hành Giai Phẩm. Có lẽ việc ấn hành giai phẩm là một công việc tương đối dễ làm nhất. Vì giai phẩm có tính cách tổ hợp, lại không phải là một công việc trường kỳ. Nó chỉ là một công trình gom góp tác phẩm của nhiều người rồi in ra trong một dịp đặc biệt nào đó.
Riêng giai phẩm Hồng Hà còn là nơi qui tụ những tác phẩm của các cây bút học trò, không phải là chuyên nghiệp, tất cả đã tự viết lấy, thực hiện lấy, lo lắng lấy như một nụ hoa đầu mùa trổ lên giữa khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ của những bậc đàn anh đi trước.
Tòa soạn của giai phẩm Hồng Hà đặt ở nhà anh Trần Đỗ, phố Hàng Bát Sứ Hà Nội. Ròng rã hơn hai tháng trời đôn đáo bằng tất cả lòng hăng hái của những tín đồ, ước mơ đã thể hiện. Tờ giai phẩm đã hình thành với những bài vở thu thập được từ hầu hết của các cây bút học trò. Một ngàn tờ bích chương to bằng trang nhật báo được đem dán khắp các đường phố.
Hồng Hà ! Hồng Hà ! Hồng Hà ! Đi đâu cũng thấy hai chữ Hồng Hà đập vào mắt, ở cột đèn., ở gốc cây, ở tường phố. Hàng Bông, hàng Gai, hàng Đào, Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn. Và dĩ nhiên là còn ở khắp các trường trung học.
Nhưng như đã trình bầy ở trên, chúng tôi chỉ là những tay mơ mới chập chững bước vào nghề. Chúng tôi đã để lại trên đường đi đầy rẫy những sơ sót. Từ cách tổ chức đến kỹ thuật trình bầy, ấn loát, phát hành và ngay đến cả vấn đề luật lệ nữa.
Khổ sở nhất là về tấm bích chương quảng cáo. Thay vì xài giấy mầu, chúng tôi đã cho in trên giấy báo thông thường. Thay vì có in chêm mầu xanh, đỏ thì chúng tôi chỉ cho chạy toàn mầu mực đen (tiết kiệm mà !). Thành ra những tờ quảng cáo của chúng tôi đã vi phạm luật lệ hiện hành. Vâng, theo luật lệ về bích chương của tư nhân muốn phổ biến công khai thì phải in có mầu thay vì chỉ toàn đen với trắng. Hai mầu đen với trắng thuần túy thì chỉ để dành cho những thông tư, thông cáo dán nơi công cộng của nhà nước.
Thế là những tờ quảng cáo còn thơm mùi giấy, còn lấp lánh ánh mực mà chúng tôi đã khổ công chia nhau đi dán ở mọi nơi, chưa qua được 24 giờ thì đã có lệnh phải cấp tốc triệt hạ vì nó không phải là Thông Tư, Thông Cáo của nhà Nước ! Thật không còn gì cay cú cho bằng khi chúng tôi lại phải chia nhau đi xé xoàn xoạt những sản phẩm tinh thần mà chúng tôi đã từng ấp trong lòng từ bao nhiêu ngày qua, từ lúc cái ý định ra Giai Phẩm nẩy sinh ở trong đầu.
Các cụ ngày xưa thường nói "chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng", câu đó thật đúng. Hôm mới lấy tấm bích chương ở nhà in về, cả nhóm đã kéo nhau đi ăn mừng, bàn tán ỏm tỏi về niềm sung sướng, hãnh diện khi nghĩ đến tấm bích chương hẳn sẽ gây xôn xao trong giới văn nghệ và người dân Hà Thành khi nó được dán lên. Thế mà bây giờ chúng tôi phải cắn răng mà xé đi. Xé và xé ! Thật không còn gì cay đắng cho bằng, vì cứ thà xé ngay tim, gan, phèo phổi gì đó của chúng tôi đi có lẽ cũng còn đỡ đau hơn nhiều. Hóa ra làm văn nghệ tay mơ là như thế đó.
Nói đến tay mơ thì phải nói là tôi cũng đã "mơ" nhiều. Ở đời có nhiều cái dại nhưng chẳng cái dại nào giống cái dại nào. Nhân đây, tôi lại kể thêm về một kỷ niệm đáng nhớ về "cái dại" mà tôi cũng đã từng trải qua. Đó là thời gian tôi hợp tác với anh Đặng văn Ngữ (anh Ngữ bây giờ hiện ở trong Nam nhưng hơn mười lăm năm nay tôi chưa gặp lại) để tổ chức một chương trình gọi là "Chiếu bóng chiều thứ Bẩy" cho học sinh cùng trường (trường Nguyễn Trãi, trước có tên là Chu văn An - Hà Nội), và cả các trường khác.
Hồi đó, đối với những học sinh nghèo, đi coi ciné là một chuyện xa xỉ mặc dầu giá vé hạng Ba (hạng chót) có đắt nhất cũng chỉ 15 đồng một vé. Đó là kể những rạp hạng sang như rạp Philharmonique ở Bờ Hồ, Ciné Club hay Eden ở phố Tràng Tiền, Majestic ở phố Đồng Khánh, hay Ciro’s hình như ở gần đầu Phố Huế. Còn những rạp bình dân hơn như rạp Moderne ở phố hàng Quạt, rạp Olympia ở chợ hàng Da thì giá vé hạng ba chỉ có 8 đồng.
Thành ra suốt mấy năm còn học ở tiểu học, rất ít khi chúng tôi được vô rạp chớp bóng để coi "nguyên một phim". Thông thường thì chúng tôi chỉ là khán giả thường trực của phòng Thông Tin Pháp ở phố Tràng Tiền. Cứ tới giờ chiếu phim là chúng tôi đứng chầu ở cầu thang lối dẫn lên lầu để khi sợi dây thừng ngăn lối lên được mở ra là chúng tôi ùa lên coi. Hôm nào chen chúc đông quá thì nhân viên trực, thường là một ông Tây, đứng trên cầu thang chỉ mặt từng người để cho vào. Ai không được "chỉ" thì coi như bị loại, mặt mũi tiu nghỉu ra về. Mà nào có phải chen chúc để coi những phim gì hay ho cho cam. Tất cả chỉ toàn phim thời sự của hãng Pathé hay tài liệu nói tiếng Tây thôi. Tụi tôi nghe cũng hiểu lõm bõm đấy, nhưng chủ yếu là coi…hình !!
Ngoài ciné coi "chùa" ra, chúng tôi cũng hay lui tới các rạp hát như rạp Đan Thanh ở phố Hàng Quạt, rạp Kim Phụng ở phố Hàng Bạc hay Nhà Hát Lớn ở gần Nhà Bác Cổ. Đi coi rạp Kim Phụng thì chỉ mất có 3 đồng, đó là tiền dúi cho người soát vé sau khi buổi hát đã trình diễn gần hết…hai màn đầu! Thường thường mỗi buổi diễn bao gồm 3 màn, nếu vô rạp vào lúc màn hai sắp hạ thì kể như đã tàn cuộc. Nhưng nghèo mà vẫn ham, vả lại cần chi cốt chuyện, miễn cứ vô để được coi phông cảnh, cung cách trang trí sân khấu, y phục diễn viên và nhất là được nhìn tận mắt các tài danh như Kim Chung, Kim Liên, Ái Liên, Ái Loan, Bích Hợp, Huỳnh Thái, hề Tư Vững…Ôi chà ! Như thế cũng là quá đủ !
Riêng Nhà Hát Lớn thì chỉ sinh hoạt nhộn nhịp vào mùa Kịch khởi sự từ mùa Thu trong năm. Xem kịch Nhà Hát Lớn, bọn học sinh tiểu học chúng tôi cũng không mất tiền, vì không hiểu sao, cứ mỗi khi màn Ba bắt đầu khởi sự thì người soát vé biến đi đâu, cửa cứ mở tự do cho ai muốn vào thì vào.
Còn ai vào đấy nữa ngoài lũ nhóc tì chúng tôi ! Thôi thì cả lũ tự do như gió trời, vượt qua được hai cánh cửa sắt là chúng tôi leo tuốt lên lầu ba, ngồi bảnh chọe trên những hàng ghế gỗ thường được mệnh danh là "chuồng gà" để coi cọp. Gặp những hôm khán giả đông quá, chuồng gà cũng hết chỗ thì chúng tôi tìm các hàng cột để dựa lưng coi "đứng". Hoặc giả bầu không khí có ngột ngạt quá, mồ hôi mồ kê đổ ra nhễ nhại (hồi đó đã làm gì có máy lạnh) thì chúng tôi kéo nhau đi khắp các vòng hành lang của ba tầng lầu để sục sạo vô các phòng để phông cảnh, phòng hóa trang, phòng chứa các dụng cụ gần như phế thải. Cứ đi đến đâu là chúng tôi lại đập cửa rầm rầm, la hét, gọi nhau í ới tới đó.
Chính trong bầu không khí "vui vẻ quá" đó, tôi đã được xem những vở kịch nổi tiếng như Tâm Sự Kẻ Sang Tần, Bông Hồng Dại, Tiếng Trống Hà Hồi …và đặc biệt là vở Lôi Vũ của Tào Ngu dài tới 5 màn, kéo buổi diễn từ 3 giờ chiều đến 11 giờ khuya mới chấm dứt. Khán giả đi coi phải mang theo bánh mì để ăn trong giờ giải lao gọi là Entr'acte.
Những năm lên trung học, vì đứng đắn con người ra nên rất ít khi tôi lui tới rạp hát nếu trong túi không có tiền. Cảm thông với rất đông học sinh cùng cảnh ngộ, tôi đã bàn với anh Đặng văn Ngữ tổ chức chương trình "Chiếu bóng chiều thứ Bẩy", nghĩa là hằng tuần, cứ đến chiều thứ Bẩy là chúng tôi dự tính sẽ tổ chức chiếu một phim ở một rạp đàng hoàng, giá vé bán đồng hạng có 5 đồng, ai đến sớm thì ngồi ghế đệm gọi là hạng "phô tơi" (Fauteuil), ai đến trễ thì ngồi ghế gỗ.
Buổi tổ chức đầu tiên chúng tôi chọn một phim Ấn Độ có tên là Saudaagar, fille des Indes (cô gái Ấn, tên Saudaagar) bởi vì trước đó cả Hà Nội đã xôn xao rủ nhau nô nức đi coi một phim Ấn độ khác có tên là Mangala, fille des Indes. Chúng tôi nghĩ, Mangala đã được tiếp đón nồng hậu thì Saudaagar chắc cũng được cái âm hưởng dư thừa.
Trong vòng 2 tuần lễ, anh Ngữ và tôi đã đôn đáo chạy đi thuê phim, mướn rạp, in vé, vẽ áp phích quảng cáo và đi đến đâu chúng tôi cũng được ủng hộ nồng nhiệt tới đó. Chúng tôi dự tính mỗi kỳ bán ít lắm cũng được 600 vé để thu về 3.000 đồng. Chi ra 2.500 đồng thuê phim, thuê rạp, 500 đồng in vé, in chương trình và chi phí linh tinh. Coi như huề vốn, hoặc giả có lời hay có lỗ thì tuần nọ bù tuần kia, chúng tôi vẫn có khả năng duy trì chương trình "chiếu bóng chiều thứ Bẩy" cho anh em học sinh các trường đi coi giải trí với giá bình dân.
Nhưng chúng tôi đã không lường trước một trở ngại lớn lao mà sau này, hai đứa suýt bị khốn đốn. Đó là cái vụ phải đóng Thuế Hí Cuộc !
Vốn là những tay mơ, lại tưởng mình chỉ làm việc xã hội chớ có buôn bán gì đâu mà phải tính tới chuyện thuế má. Nào ngờ khi làm đơn xin phép trình chiếu ở rạp Đại Đồng phố hàng Cót thì Tòa Thị Chính cho biết các vé trước khi bán ra phải đem lại cho Sở Thuế "đục lỗ kiểm soát" để sau này căn cứ vào số vé bán ra, ban tổ chức phải nạp Thuế Hí Cuộc.
Thế là tôi và Ngữ ngã ngửa người ra vì cái tin động trời này ! Nhưng chương trình đã công bố rồi, nếu cứ tiếp tục tổ chức thì sẽ phải lỗ đứt đuôi vài trăm bạc Thuế. Mà rút lại không tổ chức nữa thì tiền in vé, in chương trình, tiền đặt cọc cho chủ rạp mà Ngữ đã xin ông bà cụ thân sinh ứng trước, tất cả cũng đều sẽ tiêu tùng ra mây khói. Thật đúng là chúng tôi đã bị du vào cái thế tiến thoái lưỡng nan, chót ngồi lên lưng cọp !
Cuối cùng, tôi và Ngữ bàn nhau chỉ còn có nước đi gặp ông Chánh Sự Vụ Sở Thuế để năn nỉ xin "đại xá" cho một lần.
Ối chà ! Đấy là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi phải ra trước "cửa công". Tuổi sấp sỉ 16, thân hình lại gầy nhom gầy nhóc, trông tôi chỉ như cậu bé mười ba, mười bốn. Còn Ngữ tuy mập và to con hơn, nhưng cũng chẳng già dặn được bao nhiêu. Nhìn chung, "phái đoàn" của chúng tôi thật chẳng có một kí lô gì so với tòa nhà to sừng sững ở ngay phố Bờ Hồ có những phòng ốc chật ních những nhân viên. Nhất là có ông Chánh Sự Vụ bệ vệ mà tôi còn nhớ hình ảnh của ông như in trong đầu.
Thân hình ông mập mạp, nước da trắng bóc điểm những nốt chấm hồng hồng, trán hơi hói đã điểm thưa những sợi tóc bạc, còn những ngón tay của ông thì vừa ngắn vừa to múp míp. Ông ta thuộc loại người vừa khó tính vừa hách dịch, lại xui cho chúng tôi hơn nữa là đã đi gặp ông vào cái hôm mà ông ta đang bị nhức đầu xổ mũi. Trong suốt buổi gặp hôm ấy ông hắt hơi luôn luôn, ống thuốc long não để ngửi không ngớt được ông đưa lên hít hà khiến cho hai cánh mũi của ông như phồng to lên và đỏ ửng như quả cà chua.
Thời tiết ấy, bệnh trạng ấy, lại phải lằng nhằng với mấy tên con nít không biết "luật pháp" dưới quyền ông là gì, thì hỏi làm sao mà ông không cau có, gắt gỏng, một đôi khi ông còn quát to khiến tôi xanh cả mặt lên nữa.
Kết quả lần "du thuyết" đó, chúng tôi thất bại hoàn toàn. Chúng tôi không xin được miễn Thuế Hí Cuộc. Chúng tôi phải đem vé đến đục lỗ trước khi bán ra trong khi ngày trình chiếu cuốn phim ca vũ nhạc Ấn Độ Saudaagar, Fille des Indes đã gần kề.
Cuối cùng, chúng tôi phải đem đầu đến nạp thầy Hiệu Trưởng Nguyễn văn Mùi để biện bạch và xin cầu cứu. Thầy Mùi nhận lời cứu vớt chúng tôi một nửa, nghĩa là xin giảm cho 50%. Đó là mức tối đa thầy có thể làm được. Nhưng chúng tôi đành phải chấp nhận và xúc tiến tổ chức để khỏi lỡ hẹn với bà con, cô bác. Nhưng sau lần đó, chúng tôi thề "cạch" tới già không tổ chức chiếu bóng, chiếu bung gì nữa hết. Thế là chương trình "Ciné các chiều thứ Bẩy" của chúng tôi tan theo mây khói.