Số lần đọc/download: 127 / 14
Cập nhật: 2020-06-12 14:04:27 +0700
III - Trang Sử Từ Chicago
O
nước ta không có chuyện hoạt động của công ty này lại không phản hoạt động tương ứng của một công ty khác. Thành công và thất bại sớm hay muộn ở đâu đó, vào lúc nào đó sẽ đổi chỗ cho nhau. Sự cạnh tranh khốc liệt của mọi kẻ chống lại mọi kẻ, của tất cả chống lại tất cả là quy luật của lối sống Mỹ, cho nên một điều hoàn toàn tự nhiên là trên quỹ đạo của ông Hatter và ông Batistini mau chóng xuất hiện thêm một vệ tinh phóng lên bí mật nữa.
Chuyện xảy ra như thế này.
Tôi bay đến Washington chạy việc cho Hatter. Suốt buổi sáng cho đến tận bữa ăn trưa, tôi ở trên đồi Capitol.
Sau mười hai giờ, tôi vào quán “Cà phê Tổng thống”. Đã đến giờ ăn trưa.
Tôi ra khỏi miếu đường của ngành lập pháp, theo cầu thang thênh thang đi xuống, cắt ngang quảng trường, đi qua một khu phố cổ thời George Washington và lọt vào bóng cây dày đặc. Tôi dừng lại giây lát, thở hít sâu trước khi vào quán cà phê. Thật là một ngày oi bức trái với mùa thu.
Tôi đứng trong bóng tối, lấy khăn tay lau khuôn mặt nhễ nhại và phe phẩy số báo buổi sáng dày cộp New York Time.
- Người Texas té ra cùng khổ vì khí hậu Washington.
Tôi quay lại. Cách tôi hai bước là một người cao, rắn chắc, có khuôn mặt không đi vào trí nhớ. Cả quần áo lẫn cung cách không có gì đáng để ý. Bộ comple không đắt tiền màu xám, cravat giản dị không màu, cái mũ rẻ tiền. Một người Mỹ bình thường như tôi nghĩ khi thoạt nhìn. Tôi không định đáp lại anh chàng lạ mặt và im lặng đi vào quán cà phê. Nhưng con người không đáng để ý này không cho tôi đi. Anh ta chặn đường. Nói một cách oai vệ:
- Thưa ông, ông không có quyền bỏ qua câu chuyện với tôi. Ai biết được, có lẽ số phận đã an bài cho chúng ta gặp nhau cũng nên. Nào ta cùng đi ăn và sẽ nói chuyện.
Tôi quay ngoắt khỏi thằng cha quấy rầy mà “số phận đã run rủi cho tôi” và nói nghiêm nghị:
- Xin lỗi, tôi thích ăn một thân một mình.
- Vì trường hợp thế này mà ông sẽ phải thay đổi thói quen.
- Trường hợp thế nào?
- Lúc ăn tôi sẽ nói. Xin ông đừng xua tôi. Đó là vì lợi ích của ông. Câu chuyện ta nói sẽ tác động thuận lợi đến mười năm trước mắt của đời ông.
- Có chuyện gì vậy? Rõ ràng là ông coi tôi không đúng với thực chất của tôi?
- Ông khỏi lo, tôi không nhầm đầu. Ông là chủ bút của tờ báo đáng trọng, có thế lực và rất có tài Texas Sun? Serge Brooks?
- Vâng. Tôi có vinh dự đang được nói chuyện với ai đây?
- Ngay bây giờ ông sẽ biết mọi sự thôi mà. Hãy kiên nhẫn lấy một phút. Ngoài cương vị biên tập, ông còn giữ cương vị mà ít ai biết là cố vấn bí mật của con người may mắn trong thời đại chúng ta Harold Hatter.
Tôi đã đoán ra là mình phải chạm trán phải kẻ nào. Cả ở tòa soạn, cả ở văn phòng của Hatter, tôi đã nhiều lần gặp những thằng cha như thế, những kẻ phát minh ra phương pháp làm giàu mới nhất, những kẻ thiết kế ra các thứ tàu bay, tàu bò, những lão lang băm và bói toán, những thằng sính dự án viển vông, những tên hăm dọa làm liều mà không được sự uỷ quyền của bọn đầu sỏ các xanh đi-ca tống tiền. Thật rõ ràng, đây lại là một kẻ tiểu tốt. Bọn gangster và tay chân của chúng thuộc loại có máu mặt chưa từng bao giờ bâu vào chính Hatter hay các cộng sự thân cận của lão. Chỉ có đồ thộn mới dám có những hành động ngây ngô như vậy. Vả lại, cũng có thể, cảm tính đang đánh lừa tôi, cũng có thể kẻ đối thoại khó ưa này không phải là tên hăm dọa rẻ tiền, một gã lông bông trong bộ quần áo chỉnh tề, mà là một kẻ chạy việc cấp cao ở nghị viện và cũng như tôi, một kẻ thân tín của một ông vua máy bay, vua điều khiển hay vua dầu hỏa nào đó.
- Tôi rất sung sướng được gặp ông, thưa ông, - kẻ lạ mặt tiếp tục nói. – Suốt một thời gian dài, tôi theo dõi ông từ xa và đã nghiên cứu kĩ tính cách ông. Tôi khâm phục ông. Ông đã đạt tới một cách nhanh nhẹn, khéo léo, tốn ít năng lượng và thì giờ nhất cái mà những kẻ khác cả đời không đạt được. Và thì gì...
Tôi sốt ruột ngắt kẻ hâm mộ lắm lời của mình:
- Chuyện gì vậy? Ông cần gì ở tôi? Ông là ai?
Kẻ lạ mặt rút từ túi trong ra tấm danh thiếp và chìa cho tôi. Tôi cầm mẩu giấy dày trắng bóng và không tin vào mắt mình nữa. Hóa ra là, số phận đã dẫn dắt tôi gặp một kẻ rất có thế lực. Cửa của mọi nhà băng của nước Mỹ, của Bộ Ngoại giao, của Lầu Năm góc và Nhà Trắng rộng mở trước người này. Ông Frank Bill là một luật gia lớn, chủ hãng luật “Bill và Craft”, mà khách hàng chủ yếu là các nhà công nghiệp và tài phiệt Chicago và vùng chung quanh. ông Frank Bill không từ cả việc bảo vệ lợi ích cho các bọn gangster lớn. Đặc biệt gã nổi tiếng vì đã không cho FBI đưa lên ghế điện Sam Giancan, ông chủ tối cao của Syndicat “Cosa Nostra”, ông vua không vương miện của các tỉ phú Mỹ đen tối. Sam Giancan chỉ bị một năm tù. Các vị quan tòa kết án hắn không phải vì những hành động “lục lâm” của hắn, mà vì tội hắn không chịu khai báo những bí mật của Syndicat của hắn. Người ta đồn rằng, trạng sư Frank Bill nhận được khoản tiền thù lao ba trăm nghìn đôla của người khách hàng kia. Phần lớn gia sản của mình, Frank Bill kiếm được khi bảo vệ lợi ích của những kẻ như Sam Giancan.
Ở Mỹ người ta coi trọng những kẻ biết kiếm đôla và thường không lên án các phương pháp đạt đến đích. Mọi phương tiện đều tốt nếu nó dẫn đến mục đích. Phần lớn nước Mỹ biết rõ, đường vào Nhà Trắng của Tổng thống hiện nay được trải bằng những tiền gì, nhưng ít ai vì thế mà coi khinh ông ta.
Tôi nhìn người đối thoại không giấu vẻ thích thú.
- Rất vui lòng ăn trưa với ông, ông Bill, - tôi nói, ngả mũ và gật đầu về phía tiệm cà phê. – Xin mời!
Chúng tôi bước vào căn nhà mát mẻ, tôi tới và ngồi vào sâu phía trong gian phòng vắng vẻ, bên cái bàn kê sát cửa sổ. Các cô gái mũ ren trắng, im lặng và khẽ khàng bày đồ ăn cho chúng tôi rồi lui vào. Người đối thoại của tôi không cất lên một lời nào khi chưa xơi xong. Rót cho mình cà phê, hớp ngụm đầu tiên rồi bắt đầu hút thuốc, xong đâu đó gã nhẹ nhàng ngả người ra ghế, lấy tay xua làn khói rồi nói rất nghiêm trang, thậm chí có vẻ trang trọng:
- Thưa ông, một người trong số khách hàng của tôi mà tôi không được quyền nói tên, trao cho tôi việc đề xuất với ông một đề nghị rất có lợi.
Gã ngừng lời, có lẽ chờ đợi câu hỏi của tôi, nhưng tôi chẳng hỏi cái gì cả, chỉ im lặng. Những năm gần đây, khi tôi đã là chỗ quen biết của Hatter, tôi đã nhiều lần tiến hành các cuộc thương lượng mở đầu cũng kì lạ không kém gì câu chuyện hôm nay với ông Bill. Tôi, người thân cận của Hatter, kẻ tâm phúc đặc biệt của lão đã nhiều lần được các trạng sư, chủ các hãng luật, chủ tịch các công ty, các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, các chủ nhà băng, các tướng ba sao của Lầu Năm góc và các quan chức chính phủ đủ các cấp đề nghị, mời chào. Tôi đã quen không hấp tấp, không bác bỏ mà cũng không chấp nhận ngay cả các đề nghị quyến rũ nhất lẫn những cái bất lợi rõ ràng. Còn thiếu đề nghị gì người ta không ngỏ ra với tôi! Tôi cho rằng, ông Bill không thể làm tôi ngạc nhiên được.
Ông trạng sư danh tiếng ném bỏ điếu thuốc hút dở vào gạt tàn, tì khuỷu tay vào cái bàn đá hoa rải khăn to bằng giấy có hình tất cả các Tổng thống Mỹ, từ người đầu tiên, George Washington đến người cuối cùng, Kennedy giờ còn đang mạnh khỏe với nụ cười hết cỡ được phóng to gấp ba lần các Tổng thống khác và được bố trí ở giữa các vị tiền bối của mình.
- Thưa ông, suất ông hết bao nhiêu đôla? – Bill hỏi.
Tôi nhún vai, ra ý rằng những nhà kinh doanh có lòng tự trọng thường không trả lời những câu hỏi như thế.
Gã cười vẻ có lỗi, muốn được tha thứ cho sự ngây thơ như thế.
- Tôi vô tình được biết rằng tương lai sắp tới của ông ít được bảo đảm dù ông có địa vị cao. Người bạn và là người bảo hộ ông không hiểu sao lại không tỏ ra quan tâm đến mặt này của sự tồn tại của ông. Thật bất công đối với một người tài năng như ông. Tiền lương mà ông vẫn nhận, thật chưa xứng với ông.
- Xin lỗi, nhưng...
- Xin ông đừng phẫn nộ. Hãy chú ý nghe tôi. Trong túi tôi có cái ngân phiếu trả tiền cho người mang. Một trăm nghìn đôla! Tôi được giao việc trao nó cho ông.
Trạng sư Bill thò tay vào túi trong áo vét, lấy ra một phong bì dầy để ngỏ có nhãn hiệu của miếu vàng lớn nhất Hoa Kỳ “Bank of America” [51]. Gã đặt cái mồi xuống bàn, lấy khăn rải bàn có hình các Tổng thống che lên.
Nhìn thẳng vào mắt Bill, tôi nói:
- Sao ông lại vung tiền đến thế? Tôi phải làm gì?
- Khách hàng của tôi chờ đợi ở ông sự giúp đỡ cỏn con... Tôi đề nghị ta ra ngoài kia. Ta sẽ ngồi vào ô tô của tôi và bon khắp ngoại vi Washington. Ông không phản đối chứ?
Gã đẩy về phía tôi phong bì có dấu “Bank of America”, nhưng tôi không cầm. Bill cười khẩy và đút tấm ngân phiếu vào túi.
Chúng tôi đi ra phố đến chỗ đỗ xe. Xe hơi của ông Bill, hóa ra chẳng lấy gì làm sang trọng. Chiếc chevrolet cũ kĩ, mờ đục, màu xám xịt với cái mũi mom móp. Bây giờ đang có mốt các anh giầu đi những cái xe tập tàng như thế.
Chiếc chevrolet chạy cũng không đến nỗi nào. Chúng tôi đi ngang qua Lầu Năm góc, ngồi trong xe ngắm bức tượng tuyệt mĩ “Lính thuỷ đánh bộ cắm cờ trên đảo Iwo Jima[52] và lăn bánh trên đất với Ginea. Bill lái thoải mái. Con đường rặt những ôtô mà không hề ngăn cản việc gã hút thuốc và nói chuyện. Gã nói:
- Tôi biết, khi trời bắt đầu xấu đi thì các ông sẽ lên đường đi du lịch xa. Các ông sẽ giải trí ba bốn ngày ở Anh. Một tuần ở Paris. Mười ngày ở Italia. Cũng bấy nhiêu ngày ở Riviera[53]. Các ông định nghỉ đông tại quần đảo Canari [54]. Các ông đã có kế hoạch như vậy. Nhưng nó sẽ không bao giờ thực hiện được. Các ông sẽ không đặt chân lên quần đảo được. ở Xixilia khi các ông đang xem các lâu đài cổ, thì thình lình giữa ban ngày, ông Hatter sẽ biến mất. Bọn cướp Xixilia sẽ bắt cóc ông ta.
Nói xong những lời ấy, Bill rút ra phong bì có tấm ngân phiếu một trăm nghìn đôla rồi đặt nó lên chỗ ngồi.
Tôi im lặng một lúc lâu, thích thú ngắm nhìn khuôn mặt Bill không hề có dấu nhận dạng gì đặc biệt. Gã chịu được cái nhìn của tôi mà không phải cố gắng chút nào. Tôi không vội đồng ý, cũng không vội từ chối. Tôi trầm ngâm tuy hiểu rằng, lúc này hoàn toàn không phải là lúc có thể im lặng như vậy. ở Mỹ thời buổi này, tôi nghĩ, và không chỉ có ở Mỹ, ở khắp châu Âu và trên toàn thế giới, những tội ác táo tợn nhất, giật gân nhất, đẫm máu nhất bây giờ ít ai làm sửng sốt. Chúng đã trở thành chuyện cơm bữa, thành một nghề kinh doanh nguy hiểm, bị cấm kị, nhưng vì thế lại hấp dẫn và lời lãi hơn. Tội ác tăng nhanh hơn ngành chế tạo máy bay hay điện tử. Bọn tội phạm, cũng như bọn tư bản độc quyền, hợp nhất thành những Syndicat, chia phạm vi ảnh hưởng không chỉ trong nước mình, mà còn trên khắp thế giới. Chính cái đó – mức tăng khủng kiếp của tội phạm và tính tổ chức của nó trên phạm vi thế giới đã làm nảy sinh ra cảnh sát hình sự quốc tế: Interpol[55]. Tồn tại một khối “Thị trường chung” độc đáo của tội phạm. Nước Pháp đào tạo cho toàn châu Âu và thế giới bọn đột kích nhà băng táo gan, khéo léo và thường thì không thể bị tóm. Tất cả những kẻ bẻ khóa hoặc đốt các két sắt của các cửa hàng kim hoàn ở Milan, Turin, Florenxia, Oloner, Brooksxen, Paris, Lisbon và Maldrid, tất cả những kẻ tấn công các két bí mật đặt trong bánh xe ôtô, có kim cương và các loại đá quý khác, tất cả những kẻ hốt bạc triệu của các nhà băng Tây Đức, Hà Lan, Luxemburg và Thụy Sĩ, - cũng xuất thân từ nước Pháp. Bọn tội phạm hình sự Anh nổi tiếng trong thế giới tội ác với những cuộc đột kích cỡ lớn các phương tiện vận tải chở tiền. Chỉ một cuộc tấn công xe lửa bưu phẩm Glassgo – London, chúng đã chiếm được ba mươi ba bị da, chứa đầy séc chưa đăng kí trị giá hai triệu rưởi xéc-linh. Các phóng viên ca tụng đến ngút trời tội ác đó, gọi nó là “Vụ cướp của thế kỉ”. Xixilia nổi tiếng với bọn cướp và các mafia của mình. Nhưng ít người biết rằng bọn tội phạm Xixilia còn khéo léo làm giả các giấy tờ, phiếu trả tiền và các loại giấy bạc trên quy mô lớn không chỉ đối với Italia, mà còn đối với nhiều nước châu Âu. Người Florenxia được coi là những kẻ làm tiền giả tài giỏi nhất, có thói quen nghề nghiệp hàng thế kỉ.
Phục vụ cho những nhu cầu hàng ngày của mình, bọn tội phạm Anh, sử dụng những thành tựu mới nhất của hóa học và điện tử học, đã tạo ra những máy móc vạn năng có thể làm ra thẻ căn cước, giấy chứng nhận, thể ra vào, giấy khen, bằng tốt nghiệp đại học, cổ phiếu chứng khoán bằng bất cứ thứ tiếng nào với độ chính xác lạ thường. Cũng tại Anh, các chuyên gia được đào tạo ở Pháp, nhờ những phương pháp kĩ thuật gia công kim loại mới nhất, cực kì cẩn thận, không hề làm hư hại một tí giấy má nào, có thể mở tung cái bụng thép của các két nhà băng.
Các phòng thí nghiệm bí mật ở Pháp chế biến lại và tinh luyện hầu hết các loại nguyên liệu ma tuý. Thế giới tội ác Italia ùn ùn chở thuốc phiện, cần sa sang thị trường Bắc Mỹ. Nước Pháp là tấm gương kinh điển đối với bọn tội phạm nhiều nước. Các bar, hộp đêm, tửu quán có trình diễn thoát y vũ, các khách sạn đặc biệt của Paris, Marcei và Le Harver là trường hoạt động của các Syndicat lầu xanh và của đội quân gái giang hồ của chúng. Hàng năm chúng kiếm được hàng chục tỉ Franc. Trung tâm của các giải trí viện nước Mỹ Las Vegas là cái mẫu nho nhỏ đối với toàn thế giới tội phạm chủ yếu ở ổ đánh bạc của mình – những con bò sữa của các Syndicat ăn cướp. Bọn gangster nhận được phần thu nhập của mình trích trong số lợi nhuận của các chủ sòng bạc.
Cảnh sát tất cả các nước chẳng thể nào huênh hoang về những thành tích trong cuộc đấu tranh với các bọn tội phạm hình sự quốc gia; chưa nói đến bọn lưu động người nước ngoài. Các công ty ngày càng ít trông cậy vào cảnh sát.Việc canh giữ các nhà băng, các xí nghiệp công nghiệp, các hãng bảo hiểm, các cửa hàng bách hoá, các cửa hàng bầy bán đồ kim hoàn, người ta đều sẵn lòng giao phó cho các hãng tư nhân chuyên đối phó với bọn tội phạm lớn. Kĩ nghệ mới này, kĩ nghệ canh giữ tư bản tư nhân đang cạnh tranh rất có kết quả với các cơ quan nhà nước như Cục điều tra liên bang Mỹ và Scottland Yard[56]. ở Mỹ, công ty “Vakenhat” thuộc tư nhân đang phát. Phục vụ cho hãng trinh thám này là năm nghìn thám tử đã được đào luyện trong lòng FBI. Không chỉ có các triệu phú và tỉ phú Florida và California, mà nhiều chúa tiền tệ của New York, Buffalo, Boston cùng cậy nhờ vào công ty “Vakenhat”. Sếp của tôi, Hatter cũng ở dưới sự che chở của công ty trinh thám tư nhân đầy quyền năng này. Cái đó làm lão tốn đâu chỉ cỡ trăm nghìn đôla. ủy ban về năng lượng nguyên tử của Mỹ trả cho “Vakenhat” ba triệu đôla một năm để gìn giữ lợi ích của mình. ở tất cả các nước châu Âu, Nam Mỹ và châu á, những công ty tư nhân, sao chép lại kiểu “Vakenhat” được thành lập. Thế nhưng, bất chấp việc cả một đạo quân khổng lồ của các thám tử tư nhân và nhà nước được tung ra mặt trận đấu tranh chống tội phạm, lại được trang bị kĩ thuật nghiệp vụ tân tiến nhất, nhiều hãng bảo hiểm, do đã mất lòng tin ở khả năng của cảnh sát công và tư, đã bí mật và công khai tiếp xúc với lũ ăn cướp, hăm dọa, tống tiền, lấy trộm đồ quý. Không hiếm khi trên báo xuất hiện các cáo thị mà mươi mười lăm năm trước không có chỗ trên trang báo. Sự đầu hàng công khai của các chủ nhà băng, các chủ hiệu kim hoàn được in bằng những dòng chữ đập vào mắt người đọc: “Chúng tôi sẽ trả thưởng cao cho bất kì người nào hoàn lại cho chúng tôi số của đã mất. Chúng tôi sẽ không đòi hỏi. Chấp nhận mọi điều kiện”.
Tôi thường phải giao dịch với các ông chủ quyền thế của công ty “Vakenhat”. Qua chúng, tôi được biết là nhiều tên đầu sỏ của các Syndicat nhà nghề sống trên địa vị hợp pháp và hoàn toàn yên ổn, bởi vì chính bọn chúng không tham gia gây tội ác và không giơ mình chịu báng trước cảnh sát. Bản kê khai tòa án của chúng lí tưởng về mọi mặt. Chúng không có mối liên hệ nào trông thấy được với bọn tội phạm có tên trong danh sách. Chúng chỉ huy lâu la một cách bí mật, không thấy được, qua những kẻ khác cũng ẩn giấu sau bức bình phong trang trọng của sự tôn kính. ở Anh chẳng hạn, Charles Richardson rất phát đạt, chủ của những triệu Xtéc-linh, các lãnh địa lớn và lâu đài cổ trước kia thuộc một huân tước Anh nổi tiếng. Vợ Charles Richardson là khách hàng thường xuyên của các cửa hàng kim hoàn lộng lẫy nhất nước Anh. Mụ ta có một bộ sưu tập vô kể đồ trang sức quý giá.
Còn giàu hơn, nổi tiếng hơn Richardson là tên đầu sỏ của bọn gangster Mỹ mà tôi đã nói đến: Sam Giancan ở Chicago. Hàng nghìn tạp chí và nhật báo đăng ảnh hắn, nhưng đối với cảnh sát, hắn vẫn đàng hoàng: hắn được bọc bằng bản kê khai sạch sẽ, bằng tiếng tăm của một ông chủ lớn và bằng hàng trăm triệu đôla. Cả Giovanni Batistini cũng an toàn như thế.
Nào ai biết, nhờ đâu con người lịch duyệt đang ngồi cạnh tôi đây, được phủ bằng cái tên của một trạng sư danh tiếng, chủ hàng luật, cũng là tên đầu sỏ của một Syndicat hùng mạnh nào đó. Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên tí nào nếu phát hiện ra điều đó.
Tôi cắt đứt sự im lặng quá lâu của mình bằng một nụ cười hoàn toàn vô tư lự và bằng câu nói:
- Vậy là, việc mưu sát ông Hatter đã được chuẩn bị kĩ lưỡng?
Bill gật mạnh đầu.
- Vâng, tôi dám chắc với ông như vậy. Chúng tôi đã tính đến kinh nghiệm cay đắng và ngọt bùi của tất cả các vị đi trước chúng tôi. Chúng tôi đã lôi cuốn vào công việc này các chuyên gia tên tuổi nhất trong lĩnh vực này.
- Và bây giờ mọi cái tiêu ra mây khói?
- Sao lại ra mây khói, thưa ông?
- Bởi vì ông đã lỡ trớn nói về vụ mưu sát trước khi nó diễn ra.
- Trong kế hoạch của chúng tôi có việc thông báo cho ông biết về chiến dịch đang được chuẩn bị. - Và ông tin rằng tôi sẽ không để hở các bí mật của các ông, mà trở thành đồng loã của các ông.
- Vâng, thưa ông. Nghĩa là, không. Chúng tôi không chỉ tin ở sự sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi của ông mà còn ở sức mạnh và kinh nghiệm của chúng tôi, ở khả năng trừng trị những kẻ bẻm mép.
- Bill, lần này sức mạnh và kinh nghiệm sẽ không giúp được gì cho các ông. Ngay hôm nay, Hatter sẽ biết nội dung câu chuyện này.
Bill chậm rãi, trầm ngâm lắc đầu. Mặt gã trở nên buồn, còn giọng nói thì đường bệ, âu yếm như của một người cha.
- Không, thưa ông, ông sẽ không phụ lòng tin cao quý của chúng tôi đối với ông. Không được phụ. Nếu không...
- Tôi phải đền cái đội nón?
- Vâng, thưa ông. Tiếc thật, nhưng chúng tôi sẽ buộc lòng phải thế để tự vệ. Các khách hàng của tôi có một biên chế đặc biệt gồm những người thực hiện các bản án được cấp trên chuẩn y.
- Tôi biết. Tôi có nghe. Có thấy. Và càng ngạc nhiên với những gì ông nghĩ. Một chiến dịch xoàng xĩnh, rẻ tiền, cầm chắc thất bại. Tôi không thèm bỏ một đồng xu gỉ lên ván bài của các ông. Chỉ cần Hatter biết kế hoạch của các ông, ông ấy sẽ báo ngay lập tức cho Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy, giám đốc FBI Hoover. Toàn bộ cảnh sát liên bang và địa phương, toàn thể nhân viên cục điều tra sẽ được báo động. Các thám tử của công ty “Vakenhat” trăm tai nghìn mắt sẽ bao bọc Hatter bằng hàng rào ba lớp, sẽ bảo đảm sự bất khả xâm phạm.
Trong khi tôi nói, Bill ung dung cười và từ từ, với vẻ quan trọng, nghiêng đầu, khi thì sang bên trái, khi thì sang bên phải.
- Không, thưa ông, ông sẽ không nói gì với sếp của ông về cuộc mạn đàm của chúng tôi. Tôi tin ở trí óc sáng suốt của ông.
- Tốt lắm, cứ cho là như thế. Và ông định dành cho tôi cái vị trí nào trong cái công cuộc này?
- Thưa ông, rút cuộc ông đã nói theo phong cách làm ăn. Chúng tôi sẽ bắt cóc cả ông. Chúng tôi không muốn để cho ông Hatter cô quạnh, phải biệt li với người phụ tá sáng suốt nhất của mình. Chúng tôi sẽ bắt cóc các ông, như tôi đã nói ở Xixilia: Cái đó diễn ra mau lẹ, êm thấm. Những thám tử nổi danh của công ty “Vakenhat”, sẽ không kịp trở tay. Vài giờ sau các ông được đưa đến một nơi bí mật, và các ông sẽ ở đó đến khi nào đồng ý xin chuộc.
- Bill, ông chả biết gì về tính cách Hatter. Ông ấy không bao giờ, không đời nào, kể cả dưới họng súng ngắn, chịu đồng ý trả lấy một đôla để được tha.
- Vâng, đúng rồi, Hatter là một người ngang ngạnh. Có lẽ ngang ngạnh nhất nước Mỹ. Thêm vào đó, ông ta quả là tự ái và kiêu hãnh đáng mặt con người giầu có số một thế giới. Hatter sẽ không bao giờ chịu chuộc mình, nếu như ông ta phải độc lập quyết định số phận của mình. Chúng tôi đã tính đến điều đó, cho nên sẽ giữ cả ông cùng với Hatter. Chúng tôi cho rằng ông sẽ trình xếp lời khuyên tốt và khôn ngoan.
- Tức là tôi bắt ông ấy chìa ví ra và vãi cho các ông vài triệu? Thế các ông định tiền chuộc là bao nhiêu? Cái đó có phải giữ bí mật không, ông Bill?
- Không, ông ạ. Tôi không định giấu ông điều gì. Chúng tôi dự tính mười triệu. Không phải thẩm vấn gì cả. Mười triệu đối với ông Hatter là chuyện vặt, là phần tí teo trong số vốn của ông ta.
Tôi cười khẩy và nhìn tờ ngân phiếu nằm giữa tôi và viên trạng sư.
- Bill này, nếu tôi không nghe lầm thì ông có ý kiến tốt về tôi.
- Ông không nghe lầm. Đúng, tôi coi ông là con người xuất sắc sẽ còn tiến rất xa trên con đường của mình. Đến cái đích của mình.
- Thế tại sao ông lại đánh giá công tôi rẻ thế kia? Một trăm nghìn đôla. Mười triệu đôla, còn đằng này một trăm nghìn.
- Để tạm ứng, thưa ông, thì đấy là số tiền rất không nhỏ. Trong tương lai, tôi tin rằng công lao của ông sẽ được trả gấp hai, gấp ba lần bây giờ.
- Ồ, ông tính đến chuyện hợp tác cả trong tương lai?
- Sao lại không? Với những người như ông thì người ta thỏa thuận nghiêm túc và lâu dài hoặc không thỏa thuận gì hết. Nhưng thôi, nói chuyện quá xa làm gì. Chúng ta sẽ làm việc ngày hôm nay. Ông có hỏi gì không, thưa ông?
- Có chứ! Ông Bill, hình như ông đánh giá quá cao khả năng các khách hàng của ông và không coi ra gì dịch vụ bí mật của hãng “Pinkerton” và sức lực các thám tử của công ty “Vakenhat”. Ông có hay rằng hai hãng này cho đến giờ vẫn đảm bảo an ninh có kết quả cho nhiều chủ nhà băng và nhà công nghiệp, trong đó có Hatter?
- Vâng, tôi có hay, - Bill thản nhiên gật đầu. – Dịch vụ bí mật của Pinkerton đã ghi lại không ít thắng lợi to tát qua một trăm năm tồn tại. Nhưng chưa có thắng lợi nào đối với hãng của các khách hàng của tôi và sẽ chẳng có đâu. Còn câu hỏi nào nữa không, thưa ông?
- Ông có biết rằng dịch vụ bí mật của Penkerton và công ty “Vakenhat” áp dụng những thành tựu mới nhất của kĩ thuật hiện đại? Ông hãy im đã. Hãy trả lời ngay các câu hỏi... Ông có biết rằng ngày nay hầu như không có tội ác nào mà các hãng nói trên không thể phanh phui hay ngăn ngừa? Ông có biết rằng các thám tử hiện đại hoàn toàn không giống với Sherlock Holmes[57], rằng chủ yếu đó là những bác học xuất chúng, những trí thức bậc cao như ở trung tâm nguyên tử hay trung tâm chinh phục vũ trụ?... Nào, xin ông hãy trả lời cho.
- Vâng, thưa ông, tôi biết. Chúng tôi cũng áp dụng máy tính, kĩ thuật điện tử, hóa học và vật lí. Các khách hàng của tôi cũng có trung tâm của mình, cũng có bác học của mình. Ông thấy đấy, chúng tôi cũng không làm theo kiểu cổ như thời Sherlock Holmen. Chúng tôi được tổ chức tốt hơn nhiều các dịch vụ bí mật hàng thế kỉ nay của Pinkerton. Chúng tôi có nhiều trí thức hơn công ty “Vakenhat”. Người của chúng tôi tài giỏi hơn các bác học của Pinkerton. Họ hiện đại hơn, kĩ thuật hơn, xin cam đoan với ông. Tất cả các chiến dịch của chúng tôi, không loại trừ cái nào, hoàn toàn được cơ khí hoá. ở bất kì chỗ nào của nước Mỹ, ở bất kì chỗ nào của quả địa cầu, chúng tôi cũng có trong tay điện thoại, điện báo, tê lê típ và các kênh liên lạc đặc biệt. Chúng tôi có những sân bay và máy bay có khả năng bay qua đại dương ở bất kì hướng nào. Nếu cần, chúng tôi sẽ sử dụng đến tàu thuỷ bất kì trọng tải nào, có thể đi vòng quanh thế giới. Chúng tôi có những thuyền buồm gắn động cơ máy bay. Chúng tôi có những ôtô tốt nhất thế giới, làm theo đơn đặt hàng đặc biệt. Các kế hoạch của chúng tôi được vạch thảo ở một trung tâm duy nhất, ở Bộ tổng tham mưu của chúng tôi. Phục vụ ở chỗ chúng tôi có những người nắm vững mọi ngoại ngữ. Hãng của các khách hàng của tôi có vốn quay vòng là vài tỉ đôla.
- Tôi tin vào sự bề thế của hãng các ông, ông Bill ạ. Nhưng có một điều làm tôi băn khoăn và ngạc nhiên.
- Điều gì thế, thưa ông?
- Tôi băn hoăn về sự tủn mủn của các khách hàng của ông. Một hãng có hàng tỉ bạc quay vòng, được trang bị kĩ thuật tối tân nhất, lại mê mệt với cái nghề kinh doanh của thuở trăm năm về trước. Bắt cóc để tống tiền là trò nghiệp dư rẻ tiền, trò đem đại bác hạng nặng ra bắn chim sẻ, nó là chuyện của những ngày đã lùi xa. Thời nay làm trò ấy chỉ có bọn ăn cướp lãng mạn, những sinh viên tài tử mưu toan dung hòa việc đến trường nghe giảng với việc cướp bóc. Bất kì một kẻ gangster tự trọng nào cũng coi cái trò bắt có tống tiền là hạ đẳng.
Bill bật cười.
- Ông biết rất rõ cả phần mặt tối không được soi tỏ này của hành tinh chúng ta. Vâng, điều đó đúng. Bắt cóc tống tiền là phương pháp moi đôla đã cũ. Nhưng, mọi quy tắc đều có ngoại lệ. Sự bắt cóc thông thường là trái với các khách hàng của tôi. Nhưng họ không từ chối sự bắt cóc khác thường. Ông có biết Francesco Palacini là ai không?
- Có, tôi có nghe. Một nhà kinh doanh lớn, kĩ sư, nhà thiết kế người Italia.
- Thêm nữa là đẹp trai, kiêu hãnh và ngang ngạnh. Dám chạy ngang đường “Cosa Nostra”. Hắn sống ở miền bắc Italia. Trong cái vi la bao bọc bởi bức tường bất khả xâm phạm của điện tử và thám tử. Nhưng không có gì cứu được tỉ phú Francesco Palacini. Hắn bị bắt cóc. Cái đó được tiến hành giỏi đến mức bọn bắt cóc của mọi thời và mọi dân tộc đều không dám mơ tới. Đến James Bond [58] cũng đã phải ghen tị. Trong chiến dịch này, sử dụng đến cả máy bay phản lực, xe đua "Pherary” và nhiều thứ khác chỉ gặp trong những phim viễn tưởng. Tuy ngài Palacini có ngoan cố hết sức, ngài vẫn phải chuộc hai mươi bốn triệu lia. Đương nhiên là cảnh sát Italia bất lực trong việc đối phó với những kẻ bắt cóc Palacini. Cảnh sát luôn bị hố khi trạm trán với Syndicat của khách hàng của tôi. Cảnh sát Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia bó tay như thường lệ trước một công ty có bạc tỉ. Bọn họ chỉ nuốt trôi những chú cá con: bọn đột kích, bọn buôn người và ma tuý, bọn làm tiền giả v.v... Chưa có một trường hợp nào, các nhân viên của Pinkerton khám phá ra lấy một vụ lớn nào của khách hàng của tôi. Ông thấy đấy, thưa ông, tôi hoàn toàn thẳng thắn với ông.
- Không hoàn toàn. Ông chưa nói điều chủ yếu nhất.
- Điều gì vậy?
- Ông biết rõ là Hatter đánh giá cao tôi. Hiển nhiên ông cũng biết là làm việc và kết bạn với Hatter đem đến cho tôi sự sảng khoái lớn như thế nào.
- Vâng, tôi biết.
- Thế thì tại sao ông lại nghĩ là tôi đổi ông Hatter hoàn toàn có thực, hoàn toàn tin cậy lấy những vị khách hàng nào đó không hình dáng, không khuôn mặt, không đến cả tên tuổi của ông?
- Tôi sẵn sàng trả lời câu hỏi này. Ông Hatter đánh giá ông cao, nhưng trả thấp, không đúng khả năng của ông. Ông lĩnh cả thẩy có mười lăm nghìn đôla một năm. Cho đến giờ ông cũng chưa được hứa thêm khoản nào. Làm việc với ông Hatter, ông sẽ không bảo đảm được tương lai của mình. Tôi muốn nói tương lai của một nhà kinh doanh lớn, độc lập. Còn tôi, được các khách hàng uỷ thác, bảo đảm cho ông ban đầu một món tiền hàng năm không dưới một triệu đôla. Sau từ ba đến năm năm, ông sẽ có số cổ phiếu vàng và sẽ thành một trong những người góp cổ phần có thế lực nhất của “Bank of America” hay một nhà băng khác. Tóm lại, thưa ông, tôi đề nghị với ông sự hợp tác lâu dài, cực kì có lợi cho cả ông, cho cả chúng tôi.
- Mọi cái đều hấp dẫn, ông Bill ạ, nếu như không có một vấn đề.
- Tôi biết ông muốn nhắc đến cái gì rồi. Tính pháp lí của hành động, trách nhiệm trước các cấp tòa án và đại loại như thế. Đó là chuyện vặt, thưa ông. Tất cả những gì ông đã làm cho đến giờ vì lợi ích của ông Hatter ở ngoài hành lang nghị viện, ở các công sở New York, Philadelphia, San Francisco, London, Paris, Maldrid chẳng khác tí gì với những cái ông sẽ làm cho các khách hàng của tôi. Kinh doanh là kinh doanh. Những bạc tỉ của người bảo hộ của ông kiếm được cũng bằng những phương thức hệt như phương thức các khách hàng của tôi sử dụng. Trong thế giới kinh doanh, ai biết kiếm đôla, ai có can đảm vượt mọi trở ngại, bước qua cái gọi là ngưỡng cửa luân lí, chừng nào anh còn thu được lợi nhuận khổng lồ, chừng nào còn chưa sẩy chân, chưa cho phép kẻ cạnh tranh hay kẻ ghen tị tóm đúng tay hoặc lừa vào bẫy. Bill chạm nhẹ vào tay tôi. Tôi tiêu phí nhiều lời thật. ông biết rõ, những điều này.
- Vâng, tôi biết. Cho nên tôi mới hết sức coi trọng từng lời nói của ông.
- Thế thì tốt lắm, Serge! Chắc là ông không bực mình vì tôi gọi ông như thế? Không kìm được. Tôi vui sướng vì chúng ta đã thỏa thuận được với nhau.
- Chúng ta còn chưa thỏa thuận điều gì cả.
- Chúng ta sẽ thỏa thuận! Nhất quyết sẽ thỏa thuận.
- Tôi không tin như vậy. Tôi còn suy tính đâu chỉ một hai lần, có nên thả con săn sắt mà tôi nắm trong tay, để bắt con cá rô còn vùng vẫy ngoài xa kia không. Ông hình dung sự hợp tác của chúng ta ra sao, Bill?
- Chuyện ấy chúng ta sẽ bàn sau, khi nào xong cái việc chung đầu tiên của chúng ta.
- Không, tôi muốn biết thêm đôi điều ngay bây giờ. Nhiệm vụ của tôi sẽ là gì? Tôi sẽ làm việc dưới cái vỏ nào và ở đâu, nếu tôi chấp nhận đề nghị của ông?
- Rồi sau, Serge, rồi ông sẽ biết tất cả. Tôi chỉ có thể nói một điều với ông lúc này: ông sẽ có cái vỏ chắc chắn nhất. Cũng hệt như bây giờ. Ông không phải thay đổi gì cả: nguyên chỗ làm việc, nguyên những gắn bó, nguyên những thói quen thường ngày.
- Ông muốn nói là...
- Vâng! Ông hiểu tôi từ nửa lời nói; ông vẫn phục vụ cho ông Hatter, vẫn giúp đỡ ông ấy mọi việc như trước kia và củng cố ảnh hưởng của mình. Đôi lúc ông sẽ báo chúng tôi biết một vài giao kèo và các biện pháp tài chính của ông Hatter. Chỉ một vài cái mà chúng tôi quan tâm đến. Chỉ có vậy thôi. Mỗi công lao của ông tùy vào mức độ, quỹ giá sẽ được trả ngay bằng séc hoặc tiền mặt, tùy ông muốn. Tôi khuyên ông nên lấy tiền mặt. Chẳng phải đóng thuế gì cả. Có thể cả lẫn khỏi sự giám sát về tài chính và bỏ tiền vào nhà băng Thụy Sĩ qua tài khoản mã hoá. Hãy tính khả năng ấy.
Bill nhìn đồng hồ.
- Nào thôi, Serge, thì giờ của chúng ta đã hết. Sau năm phút nữa tôi phải gặp thượng nghị sĩ Đ. Phải thúc một dự luật về nhà đánh bạc và các khu vực dầu lửa cũ đã cằn.
- Khách hàng của ông quan tâm đến cả dầu lửa?
- Khách hàng của tôi quan tâm đến mọi thứ đem lại lợi nhuận nhanh chóng và nhiều. – Bill nhìn vào mắt tôi một cách trìu mến và oai nghiêm nói. – Hãy quyết định đi, Serge!
Tôi lặng im và nghĩ ngợi.
- Serge, sao ông lại thiếu quả quyết lắm vậy? Tôi ngạc nhiên đấy. Những người có bản lĩnh như ông thường không biết do dự. Ông làm sao thế?
- Tôi nghĩ, Bill ạ.
- Không cần! Chúng ta đã suy nghĩ hết mọi cái trong khả năng sức lực của con người, cho đến những chi tiết nhỏ nhất. Tôi đã biết ông sẽ là ai và là cái gì sau ba, bốn năm nữa.
- Nhìn về tương lai của mình thì cũng thú! Nào, hãy vén màn lên!
- Đến cuối những năm sáu mươi, ông sẽ là một trong những người phú quý của nước Mỹ, đứng đầu một nhà băng có thế lực nào đó hay là chủ tịch một Consorcion thực hiện các đơn đặt hàng của Lầu Năm góc.
- Thế thôi à?... Hãy nhớ là bây giờ, khi hợp tác với Hatter, tôi đã trông đợi vài tài khoản ngân hàng đàng hoàng, vào cái ghế chủ tịch của một trong những công ty của sếp tôi. Thế đấy, Bill ạ. Trong đề nghị của ông có ít điều lôi cuốn tôi đấy.
- Tôi có thể thêm.
- Bao nhiêu?
- Cái đó còn tùy thuộc ở ông. Ông càng giúp chúng tôi nhiều thì chúng tôi càng hào hiệp với ông.
- Đấy không phải là cách nói làm ăn với nhau. Cụ thể, Bill ạ, tôi sẽ được cái gì và khi nào được, nếu đến với các ông. Ông có sẵn sàng trả lời câu hỏi rõ ràng này không?
Bộ mặt trạng sư Chicago ngời lên sung sướng. Gã khoái trá nhìn tôi và mỉm cười thân thiện.
- Tôi đã đánh giá rất cao bộ óc của ông mà vẫn không đánh giá hết. Hóa ra ông là người còn to tát hơn tôi tưởng.
- Ông lại lẩn tránh trả lời trực tiếp. Tôi nhắc lại, tôi muốn biết chính xác, tôi sẽ được cái gì và khi nào được, nếu...
- Serge, nói thẳng ra là tôi bị dồn vào chân tường. Tôi không tính đến nước đi cương quyết như thế từ phía ông khi định thương lượng với ông. Tôi còn phải bàn bạc với các khách hàng của mình. Thôi, ta quay về Washington nhé. Buổi chiều ta sẽ gặp nhau ở thượng nghị viện. Ông khỏi lo, tôi sẽ tự tìm thấy ông.
Chúng tôi đi đến chỗ ngoặt gần nhất, rẽ sang phải làm một vòng lượn hình lá phong quay trở ra đường lớn. Vài phút sau, chúng tôi đã ở ngoại ô Washington. Tôi ra khỏi xe, còn Bill lại đi tiếp. Vị tất đã có người theo dõi. Để đề phòng xa, tôi rẽ vào cửa hàng cạnh đấy và đứng chọn rất lâu cái cravat mùa hè. Bỏ cái túi bọc cravat vào túi, tôi bước ra phố, gọi một xe taxi đi ngang qua rồi bình yên về đến đồi capitol và ở đó cho đến hết ngày làm việc.
Bill! Frank Bill! Chủ văn phòng luật ở Chicago Bill và Craft. Tôi hỏi lai lịch gã ở một văn phòng rất thạo tin đã cộng tác lâu với Hatter. Tôi biết thêm được ít nhiều, còn thì nhiều cái vẫn còn mờ mịt như đêm đen. Bill là một khối băng: trên mặt nước chỉ có một phần nhỏ nhoi của tảng băng, thân nó ẩn khỏi con mắt người đời. Có những nghi vấn cho rằng gã bảo vệ cho lợi ích của nhà kinh doanh có thế lực của Chicago Henry Crown, chỉ số cổ phần khống chế các hãng đường sắt "Chicago và Thái Bình Dương”, “Nam Thái Bình Dương”, đồng thời là sếp sòng chính của đế chế khách sạn Hilton. Trong những năm năm mươi, chính Henry Crown này đã hớt tay trên của giới làm ăn Malhattan và giành quyền sở hữu hoàn toàn tòa nhà Empire building nổi tiếng, niềm tự hào trường cửu của New York và toàn thể nước Mỹ. Sau khi đã nắm trong tay vài năm và đã chơi chán món đồ chơi đắt tiền, lão bán lại và kiếm được năm mươi triệu đôla. Cũng lúc đó dinh luỹ công nghiệp quân sự “General Dynamics”, một niềm tự hào khác của giới kinh doanh Hoa Kỳ lại rơi vào tay lão. Trở thành người chủ toàn quyền của nó, Crown nghiễm nhiên bước lên hàng đầu của các trùm tư bản. Tất cả các con, các bạn, đồng đảng, bọn cánh hẩu và các quản trị viên trung thành của lão đều được chỗ ấm thân. Hãng “General Dynamics” bắt đầu chế tạo các hệ vũ khí tối tân, các tàu ngầm nguyên tử, các máy bay tiêm kích và máy bay ném bom siêu âm, và tên lửa. Nói một cách trắng trợn là nó chèn ép nhiều kẻ cung hàng cho Lầu Năm góc và chiếm vị trí dẫn đầu. Cũng chính Henry Crown là một trong những chủ tướng của cái gọi là “ủy ban phát triển kinh tế”, tên gọi đúng hơn là “Hội đồng các thầu”. Hơn một trăm nhà kinh doanh có thế lực nhất của miền Trung Tây có chân trong đó. “General Dynamics” bằng cách này hay cách khác hợp tác với các hãng lớn “Thirn Robert và công ty”, “Mongomery World”, “Swift”, “Anna”, “International Harvardston”, với các nhà máy luyện kim quan trọng nhất "Inlandsteel”, nhà băng “Continental Illinois” mà giám đốc của nó là người trùng họ với Tổng thống: David Kennedy. Chính lão Kennedy người Chicago này cầm đầu “Hội đồng các thần”, “General Dynamics” hùng mạnh nhất tiếp xúc cả với công ty công nghiệp quân sự không kém hùng mạnh của miền Trung Tây “Motorola”. Chủ tịch của nó Robert Goldwin cùng với Henry Crown cố gắng không tranh chấp nhau. Bọn chúng coi các chủ nhà băng và chủ công nghiệp của New York, Viễn Tây và Tây Nam là kẻ thù chủ yếu của đế chế do bọn chúng cầm đầu, một đế chế có số vốn được đánh giá vào khoảng năm mươi tỉ đôla. Vì thế, hai bọn này quyết đấu chọi sống mái với nhau. ấy thế nhưng đôi khi nếu thấy có lợi, các kẻ tử thù lại kí hòa ước tạm thời, nhường nhau chút đỉnh.
Kẻ ẩn dưới vẻ ngoài tầm thường, không có gì đặc sắc, có cái tên Frank Bill, người bạn mới của tôi là thế đấy... một tên lobbyst Chicago. Hắn là một nhân vật cỡ bự, điều ấy không còn nghi ngờ gì nữa. Một kẻ vô danh tiểu tốt thì không đời nào các lão nhà giàu Chicago lại cho vào “ủy ban an ninh Mỹ”, nơi có tám viên tướng về hưu, sáu đô đốc và chính “người cha” của quả bom khinh khí của Mỹ Edwar Taylor. Các thành viên của ủy ban này, theo chính sự thừa nhận của chủ tịch của nó là Robert Goldwin, động viên thúc đẩy nền kinh doanh Mỹ trong điều kiện chiến tranh lạnh đang tiếp tục. Ra thế đấy. Không hơn không kém. Hòa bình đối với Robert Goldwin và đồng nghiệp của lão là điều cực kì nguy hiểm. Thương lượng vấn đề cùng tồn tại với cộng sản là không thể có được. Chúng truyền bá “chính sách cứng rắn”, tức là chiến tranh ngăn ngừa và đòn hạt nhân trước tiên, coi đó là phương tiện duy nhất vĩnh viễn chấm dứt chủ nghĩa cộng sản. Cũng chẳng khó đoán là đằng sau những lời rêu rao này, chứa đựng lợi ích riêng tư sâu sắc của các nhà kinh doanh miền Trung Tây: mở rộng không ngừng vũ khí mới, bứt khỏi bọn cạnh tranh từ New York, Texas, California, gây ảnh hưởng ngày càng mạnh đối với Lầu Năm góc, Capitol và Nhà Trắng. Mười năm trước, năm 1952, bọn Chicago suýt nữa thì nhét được tay chân của mình, thượng nghị sĩ Tap vào Nhà Trắng. Vào phút cuối cùng, giới kinh doanh California và New York, tạm thời hợp nhất nỗ lực trong cuộc đấu tranh với kẻ thù chung, đã chặn ngang đường đi của Tap.
Trạng sư Bill là một trong những người lãnh đạo của bộ tham mưu dọn đường cho thượng nghị sĩ Tắp vào dinh Tổng thống. Nhưng không thành. Vốn tư bản của New York và California lần này hóa ra quay vòng tốt hơn. Biết đâu tiền của của Chicago sau mười lăm – hai mươi năm nữa lại không chiến thắng. Càng ngày chúng càng hùng hậu và xâm nhập vào những lãnh địa trước kia bất khả xâm phạm của tư bản già nước Mỹ và tiến ra vũ đài quốc tế. Bill còn nổi tiếng vì cung cấp cho tờ báo chính của các tỉ phú miền Trung Tây, tờ báo có số lượng ấn bản lớn, có ảnh hưởng trong thế giới của kẻ mạnh và kẻ giàu “Chicago Tribune” (Diễn đàn Chicago), những bài báo đầy những ý định tốt đẹp nhằm chống “bọn phá hoại” lối sống Mỹ: các công đoàn, phong trào công nhân, những người cộng sản và những ai có cảm tình với họ. Các chủ nhà băng phố Wall, các nhà công nghiệp New York cũng được nếm mùi của Bill. Gã không tiếc các gam màu khi vẽ nên “cái ách của bè lũ miền Đông”. Bây giờ lại định giở trò cả với đế chế Texas "Hatter Industries". Tôi vừa phải giúp Bill, vừa phải giúp Hatter, vừa không quên phần của mình. Nhiệm vụ đó quả hóc búa thật.
Buổi chiều diễn ra cuộc gặp gỡ thứ hai của tôi với trạng sư Chicago. Gã tìm tôi trong văn phòng của thượng nghị sĩ Đ. Gã đợi tôi kết thúc câu chuyện và kéo tôi ra phố. Chúng tôi ngồi vào chiếc Chevrolet cũ kĩ và bon trên những con đường liên bang và con đường thuộc địa phận Columbia[59] xung quanh Washington. Lần này câu chuyện trở nên hết sức rạnh ròi. Trạng sư Chicago lau lỉnh nói: - Tôi đã báo cáo về cuộc nói chuyện với ông cho các khách hàng. Họ chuyển lời xin lỗi ông và mong ông bỏ qua. Thái độ của họ, như họ đã uỷ quyền cho tôi truyền lại, xuất phát không phải từ việc họ đánh giá thấp ông mà chỉ là từ do sự thận trọng.
- Hay là có thể do sợ phải tiết lộ quy mô thật sự của những mưu đồ của mình, do không muốn cho tôi tham dự vào?
- Cũng có thể như thế, - Bill cười. – Kinh doanh bao giờ chả là kinh doanh. Cứ lật ngửa quân bài thì kiếm sao được bạc tỉ, có mà không xu dính túi, chưa biết chừng lại mất cả túi lẫn quần cũng nên.
- Tôi thích cái thái độ mới này của ông, Bill ạ. Vậy thì các khách hàng của ông chia cho tôi cái gì nào?
- Chỉ nay mai ông sẽ thành chủ motel sang trọng “Chỗ nương thân của Clê-lô-át” [60].
Tôi chìa tay cho Bill. Gã bắt lấy và bóp chặt.
- Được lắm. Tôi rất vui mừng. Bây giờ tôi có thể tin cẩn để nói với ông một bí mật nữa của các khách hàng của tôi. Đúng hơn là bí mật của người bạn của ông, rơi vào tay ch úng tôi. Chúng tôi đã tìm được những tài liệu không thể chối cãi, vạch mặt Hatter câu kết bịp bợm với chính quyền bang Texas. Tôi muốn nói việc mua một trăm nghìn mẫu[61] đất có dầu lửa ở Texas với giá vô cùng rẻ mạt. Giá chứng khoán hợp pháp là bẩy mươi tám đôla một mẫu. Hatter được rẻ gầnmười lăm lần cả thảy có sáu đôla. Lão áp đặt cho chính quyền cái giá ấy. Không một kẻ ăn cướp nào từ trước đến giờ lại vớ bẫm như vậy. Hatter bỏ túi gần mười triệu đôla. Chúng tôi sẽ đăng những tài liệu này vào lúc thuận tiện đối với chúng tôi, nếu...
- Rõ cả rồi, Bill ạ! Cám ơn ông đã báo trước. Không còn gì quyến rũ tôi đứng về phía Hatter nữa.
Gã phá lên cười:
- Giao dịch với ông dễ chịu thật, thưa ông. Ông hiểu từ nửa lời nói. Vậy là chúng ta đã thỏa thuận. Xin chúc mừng ông.
- Và hãy chúc mừng ông nữa, Bill ạ, với thành công của chiến dịch. Phải thừa nhận rằng ông chưa bao giờ mộ được một gián điệp như tôi.
Trạng sư Chicago mà cũng có thể là đầu sỏ của một Syndicat bí mật, nói giọng van nài:
- Bạn thân mến ơi, ông hãy vứt ra khỏi đầu những từ thô thiển ấy, nào “gián điệp”, nào “mộ”.
- Quẳng được thì sướng thật, nhưng tránh đâu khỏi sự thật. Gián điệp, gián điệp chính hạng! Có cao sang, có được trả tiền nhiều, cũng vẫn là gián điệp. Nhưng có một điều an ủi tôi: Sau vài năm, khi tôi đã bơm được từ két bạc của các khách hàng của ông sang túi tôi hai mươi – ba mươi triệu bạc, tôi sẽ vĩnh viễn quên đi quá khứ.
Bill hài lòng với lời nói của tôi. Chắc là gã đã hoàn toàn chắc chắn rằng tôi đã qua sông đốt cầu, đã hoàn toàn thực lòng đổi chủ. Gã trao cho tôi phong bì đựng séc. Những gì còn lại mà chúng tôi đã thỏa thuận, gã hứa sẽ thu xếp nay mai.
o O o
Sau khi xong việc, tôi rời Washington và bay đi Detroit. Thuê một chiếc xe, tôi phóng đến lãnh địa của sếp nằm không xa thác Niagara.
Bộ mặt tôi khi vào phòng Hatter khiến lão sếp không thích tí nào. Lão sợ hãi hỏi:
- Gì thế, lại có chuyện chẳng lành à?
Tôi không nói không rằng lấy từ trong túi ra cái máy ghi âm bán dẫn nhỏ xíu. Cái máy con bé tí giấu trong túi trên áo vét của tôi đã không bỏ sót một lời nào của viên trạng sư Chicago. Nó được chế tạo theo đơn đặt đặc biệt của hãng “electronic”. Một thứ không thể thiếu trong công tác bí mật. Tôi được trang bị những máy tí hon như thế. Tôi có những cái bật lửa, chỉ trong phần nhỏ của một giây đồng hồ, khi mà ngọn lửa đốt bằng hơi còn cháy, kịp chụp cả loạt ảnh. Tôi có những máy ghi âm hình cúc áo vét, có cái hình nhẫn cưới. Có máy ghi âm giấu dưới bóng đèn điện. Có máy định vị độc đáo biết nghe trộm những người thì thầm với nhau cách xa đến gần một ki lô mét. Tôi có điện đài đút vừa trong cục đường thông thường. Xe hơi của tôi có lắp máy điện đài phát, điện đài thu, cả máy ghi âm. Những thứ đó được thực hiện có sự tán thành của Hatter, bằng bàn tay của các chuyên gia công ty “Vakenhat” và dịch vụ bí mật Pinkerton.
Hatter chăm chú nghe. Mặt lão mỗi lúc một hung dữ. Lão đập tay xuống bàn, gầm lên:
- Sao tôi lại được anh cho biết chứ không phải là các thanh tra của công ty “Vakenhat”? Bọn họ lĩnh hàng trăm nghìn đôla một năm chỉ để bảo vệ lợi ích cho tôi cơ mà.
Tôi mỉm cười và nói:
- Ông Harold, ông xử sự với tôi như thời xưa các bạo chúa xử sự với những người truyền tin trình những tin dữ.
Hatter nhìn tôi, bỗng cặp mắt u mê lâu đến một phút, cố hiểu xem tôi nói cái gì. Khi ý nghĩa những lời tôi nói lọt vào nhận thức của lão, lão phì cười.
- Tôi có lỗi. Xin lỗi anh. Tôi cáu với cái bọn ăn hại của các dịch vụ bí mật.
- Thế thì ông đã cho tôi một đòn thấm thía và không công bằng.
- Tôi không hiểu.
- Cho đến giờ ông vẫn chưa có lí do gì để phàn nàn rằng công ty “Vakenhat” và dịch vụ bí mật Pinkerton làm ăn tắc trách với ông. Có phải thế không nào?
- Đúng thế. Có lẽ là thế.
- Nghĩa là họ không nhận không số tiền kia? Nghĩa là, dịch vụ bí mật vẫn ở tầm cao xứng đáng?
- Anh cứ lăm nhăm chuyện ấy để đi đến cái gì, Serge?
- Thưa ông, để đi đến kết luận là ông coi nhẹ khả năng tình báo của tôi. Khả năng ấy còn cao hơn các tài năng có bằng cấp của công ty “Vakenhat”.
Harold Hatter lại cười giòn lần nữa một cách rất dàn hòa và đôn hậu.
- Anh nói đúng. Tôi có lỗi. Xin giơ tay nhận. Tôi nợ anh đến cổ đấy. Đừng lo, tôi sẽ trả hết từng xu.
- Harold, ông lại làm cho tôi phật ý lần thứ ba đấy. Tất cả cái đó tôi làm đâu phải vì tiền.
- Tôi biết anh xuất phát từ động cơ nào. Dù sao tôi cũng không cho phép anh coi thường tiền bạc. Anh có nghe thấy không? Tôi không cho phép. Tôi đã Mark một sai lầm nghiêm trọng khi không trả lương đủ cao cho anh. Tôi có thể phải trả giá đắt cho sai lầm đó. Tôi tuyên bố rằng anh sẽ lĩnh của tôi nhiều hơn số tiền của mà tay trạng sư đem tới từ Chicago đã hứa với anh. Tôi sẽ sang tên hoàn toàn cho anh tờ báo Texas Sun. Từ phút này, anh có thể coi mình là người chủ thực tế của nó.
- Thưa ông, tôi thấy mình là chủ bút cũng tuyệt lắm rồi.
- Thôi đi, đừng có dấm dớ nữa!
- Xin tùy ông muốn.
- Tôi muốn trả hậu cho người nào làm ăn tốt. Như thế, tôi cảm thấy chắc chắn hơn. Thôi chấm dứt! Ta sẽ không tranh luận việc đó nữa. Trở lại chuyện tên Bill. Này, hãy vặn lại băng lần nữa xem nào!
Quên bẵng tôi và mọi thứ trên đời, như lão vẫn thường làm mỗi khi có chuyện động đến những lợi íc h sống còn của lão, tức là đến sự vận động không bị cản trở của những bạc triệu của lão, lão chủ tâm lắng nghe câu chuyện của tôi với Bill. Đôi lúc, lão lại nghí ngoáy cái gì đó trong cuốn sổ ghi chép con con mà lão gọi đó là số mật mã. Sau khi quay đến hết băng, Hatter tắt máy và nghĩ ngợi lâu đến năm phút, vừa nghĩ vừa điền vào cuốn sổ những kí hiệu tốc kí.
- Nhiều cái sáng tỏ ra, - lão nói và nhìn tôi đầy ngụ ý. – Kẻ thù của tôi đã xông vào tấn công tôi lần nữa. Hiện giờ chúng sử dụng lực lượng nhỏ. Có thể nói là thăm dò trước trận đấu. Và không phải ở hướng chính, theo ý tôi. Bắt cóc tôi chỉ là một hành động che mắt đối với những thằng thộn. Kẻ thù của tôi còn có cái mục tiêu chiến lược nào đó quan trọng hơn. Chúng giấu kĩ điều đó. Chúng sẽ không chìa con bài của mình ra ngay ngày mai hay một tháng nữa đâu. Nhiệm vụ của chúng ta, Serge ạ, là kiên nhẫn đợi giây phút đó. Trò này sặc mùi dầu lửa.
- Thưa ông, theo tôi có lẽ chưa có cơ sở nào cho giả định của ông về chuyện dầu lửa.
- Có đấy! Cảm tính không bao giờ đánh lừa tôi. Ngoài cảm tính ra còn có một số sự kiện. Trong mấy năm lại đây, các thủ công nghiệp New York, Chicago, San Francisco, Boston, Philadelphia qua những nhân vật giả mạo muốn vươn tay đến các cơ ngơi dầu lửa của tôi ở Texas. Nhưng sẽ không có những dấu hiệu báo động bên ngoài nào hoặc có sự lo lắng nào cả. Mọi công việc chúng ta vẫn sẽ như trước kia. Tôi chấp nhận sự thách thức của kẻ thù. Sẽ đánh chúng bằng chính vũ khí của chúng. Vũ khí này tôi trao vào tay anh đấy, Serge.
- Tôi chưa hoàn toàn hiểu ông. Cuộc bắt cóc ông đã được vạch sẵn. Chả lẽ ông lại để cho chúng thực hiện?
- Tôi còn có thì giờ để nghĩ. Tôi sẽ thông qua quyết định không chậm quá ngày mai và sẽ cho anh hay. Còn anh, Serge, anh khuyên tôi gì nào?
- Tôi không dám mạo muội khuyên ông, ông Harold ạ. Mấy hôm trước, tôi còn cho rằng vụ bắt cóc ông là do bọn gangster bình thường định làm. Hóa ra là những tỉ phú cỡ như ông đã nhúng tay vào.
- Anh không hiểu tôi, Serge. Vụ bắt cóc do những tên gangster chính cống chuẩn bị. Nhưng được sự thông đồng của các tỉ phú, vì mục tiêu chiến lược của bọn họ.
- Tôi hoàn toàn không hiểu gì cả.
- Rồi anh sẽ hiểu, trong quá trình giao tranh. Còn bấy giờ ta hãy bàn vấn đề để mưu sát. Tôi muốn nghe ý kiến của anh. Nói xem tôi phải ngăn chặn chúng hay không nên?
- Phải ngăn chặn, - tôi nói cương quyết không chần chừ một giây.
- Tại sao? Anh không tin tưởng ở sự đúng đắn của bọn gangster chăng? Anh sợ nhỡ chúng vặn cổ tôi chăng?
- Vâng. Bọn “Cosa Nostra” thì có kể gì. Với lại, có thể xảy ra bắn nhau giữa các thám tử bảo vệ ta và bọn bắt cóc. Viên đạn lạc nó không phân biệt đâu là tỉ phú, còn đâu là tên gangster. Ông Harold ạ, tôi mong ông đừng mạo hiểm. Hãy cho Bộ trưởng Tư pháp biết về vụ mưu sát sắp tới. Cứ để cho FBI, cứ để cho dịch vụ Pinkerton và công ty “Vakenhat” thi hành các biện pháp.
- Ấy, thế còn anh thì sao? Anh không nghĩ đến mình sao? Các khách hàng của Bill sẽ không tha thứ cho sự phản bội của anh. Tất cả những ai dám cản đường chúng, chúng sẽ gạt bỏ.
- Tôi biết tôi sẽ đi đến đâu khi kể cho ông nghe chuyện tôi với Bill.
Hatter ôm hôn tôi.
- Cảm ơn. Tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi sẽ không để cho đầu anh dính đạn. Anh sẽ sống và trở nên phát đạt. Chúng ta sẽ lừa chúng. Hãy nghe kĩ tôi nói đây. Anh coi như không hề kể gì với tôi. Anh đã đứng sang phía bọn chúng. Đúng! Cứ việc lấy tiền của chúng bỏ túi. Hãy sống cho đã bằng tiền các đối thủ của tôi.
- Ông Harold!
- Không hề gì. Không hề gì! Tiền không bốc mùi gì đâu. Nếu như số bạc triệu đầu tiên mà tôi kiếm được thời còn trai trẻ mà tỏa mùi thì tôi, các dinh cơ, nhà máy, khu vực dầu lửa và các nhà băng của tôi đã sặc mùi xác chết lên rồi. Thế đấy. Cứ thanh thản mà đớp. Chúng cho bao nhiêu thì lấy tất bấy nhiêu. Và lại lĩnh của tôi nữa. Cho nên anh có thể coi mình là hội viên câu lạc bộ những con người xuất chúng của nước Mỹ!
Lão chìa tay ra với tôi. Tôi lắc đầu.
- Không. Xưa thế nào thì tôi vẫn sẽ như thế.
- Đừng có giở ngốc ra! Anh cứ ngồi trên cái bị nhét đầy bạc triệu thì cảm thấy ngay là mình đang ở trên ngai thôi mà. Trước đây tôi cũng thế. Cứ giàu là tôi mạnh và thông minh thôi. Anh thử hình dung là bỗng nhiên tôi hết nhẵn tiền. Tôi sẽ ra sao? Quyền lực, ảnh hưởng, tài năng của tôi sẽ biến mất theo đôla. Một kẻ trị giá cỡ nghìn hoặc cỡ hai nghìn đôla không thể nào lại thông minh, đẹp đẽ, có thế lực và tốt được, tuy rằng cha mẹ hắn có phú cho hắn trí khôn và vẻ đẹp. Ai nghèo thì thành thằng ngu. Ai không có sức kiếm bạc triệu thì phải khom lưng uốn gối trước những người biết moi nhiều tiền của đồng loại xa gần. Tóm lại, trước mỗi người chúng ta có hai con đường: đường của ông chủ cuộc đời và đường của kẻ tôi đòi. Chả lẽ cho đến giờ anh vẫn chưa quyết định sao?
- Ông Harold, ông hiểu khác ý tôi nói. Tôi nói là công việc hợp tác với Bill và các khách hàng của gã không vừa sức với tôi. Tôi không biết quanh queo. Tôi không có khiếu làm diễn viên.
- Đừng làm bộ nữa, Serge. Chỉ có loại diễn viên rất tài năng mới có thể xỏ mũi tay bợm già như Bill. Anh cũng không phải làm việc lẻ loi đâu. Tôi và cả tơ -rớt trí tuệ của tôi sẽ giúp anh.
- Đành vậy! Tôi chỉ yêu cầu một điều: cho tôi hành động mà không bị bịt mắt. Ông chắc nhớ cổng chính của trụ sở CIA có đề phương châm gì?
- Có chứ! Hãy nhận biết sự thật và anh sẽ cảm thấy mình tự do.
- Tôi muốn biết sự thật, thưa ông!
- Anh muốn hơi nhiều đấy. Kẻ phàm tục thì không bao giờ được biết sự thật đâu. Giá như tôi biết nó... Tôi chỉ có thể nói một điều: kẻ địch muốn xỉa dao vào tôi, muốn tóm cổ tôi. Tôi cũng muốn xỉa dao vào hắn ở chỗ ngoặc gấp và đẩy hắn xuống vực. ở đâu, như thế nào và bao giờ điều đó xảy ra – tôi không biết. Ta sẽ đợi cơ hội may mắn. Và chuẩn bị cho nó. Đấy là tất cả chiến lược và chiến thuật của tôi.
- Có lẽ ông nói phải. Trong quá trình giao tranh với Bill và những ông chủ của hắn, ta sẽ vỡ nhẽ xem chúng muốn gì.
- Chúng muốn dầu lửa của tôi! Muốn những nhà máy quân sự của tôi! Muốn biết những dự định của tôi. Chúng sợ sẽ có khi tôi được, tôi vơ hết của chúng. Mà nhất quyết tôi sẽ được và vượt chúng!
Hatter vỗ tay lên trán và cười. Lão đứng phắt dậy và nặng nề dậm chân đi quanh phòng. Ông Bac-tỉ đã nghĩ ra cái gì đó. Một cái gì đó có thể khiến đế chế các kẻ địch của lão, và cùng với nó, những kẻ cư trú ở đó phải giật bắn mình.
- Chơi thì chơi! – Hatter reo lên. – Tôi vừa có một ý tưởng tuyệt vời.
Ắt hẳn là tuyệt vời. Còn những ý tưởng nào khác có thể nảy sinh trong đầu ông Hatter, chủ hàng chục nhà máy quân sự, các khu vực chứa dầu ở Texas, Oklahoma, New Mexico, các nhà băng và đài phát thanh, cửa hàng bách hoá, khách sạn và motel ở Dallas, Houston, Austin được?
Tôi đợi Hatter nói. Lão nghĩ rồi nói:
- Đông này anh sẽ lên đường công du một chuyến xa xôi. Anh sẽ nghỉ với tôi ở quần đảo Canari và rồi sẽ đi vào lãnh địa của đối phương của tôi. Anh sẽ sang Saudi Arabia. Sang Libanon. Sang Cô-oét. Sang bờ vịnh Péc-xích. Sang khắp nơi nào người ta đang khai thác dầu lửa. Anh có hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ c ông khai: làm thân với các vua chúa quốc vương, nghiên cứu xem xét họ, mặc cả, đánh hơi không khí sở tại và khả năng vươn tay tới các vùng đất chứa dầu. Mọi chuyện là như vậy, để che mắt. Nhiệm vụ thật là thế này: tìm ra những người có khả năng gây nên ở Đông arabia cơn bão tố có thể phá tan cái dinh luỹ dầu lửa của Thirn hay ít nhất cũng vần cho nó hết còn nguy hiểm, hết có khả năng cạnh tranh với tôi.
- Vâng, ý tưởng quả là tuyệt vời! Trong cái rủi lại có cái may. Làm sao mà nó không nảy ra trong đầu ông hồi trước nhỉ?
- Anh coi tôi là cái thớ gì? Nó đã nảy ra rồi! Tôi đã tiến triển rất nhiều trên hướng cần thiết rồi. Đừng ngạc nhiên, anh không biết gì cả. Những việc như thế được làm lặng lẽ. Trán to đang thực hiện. Bây giờ ta thắng cả anh vào bộ cương.
Nghe nhắc đến Mark, tôi vô tình chau mày, nhưng lão không để ý.
- Đối thủ của tôi hút từ lòng đất arabia số dầu đủ để tưới cả quả địa cầu này. Chỉ một mình Saudi Arabia cũng đủ lĩnh được khoản trích là bẩy trăm triệu đôla một năm. Chỉ hễ có một chuyện rắc rối ở khu vực vịnh Péc-xích hay kênh Xuye là bọn chúng mất khoảng mười triệu đôla mỗi ngày. Hơn nữa, phải từ giã vị trí chúa tể trên thị trường dầu lửa quốc tế. Hãng ta nhất định sẽ lợi dụng thời thế. Dự định là như thế. Đối với tôi, nó đơn giản như hai lần hai là bốn, còn đối với kẻ địch thì là điều vô cùng cơ mật. Bill và bọn khách hàng của hắn sợ vốn của ta lọt vào các nước arabia. Ta sẽ bằng mọi cách củng cố mối lo sợ của chúng: ta sẽ bỏ tiền vào đó để che mắt. Trên thực tế, ta sẽ bỏ tiền vào những quả bom nổ chậm, một ngày kia sẽ phá tung sự bình yên của lũ chúng.
Có thể chúng cũng đã đánh hơi thấy ít nhiều và chuẩn bị cú trả đũa?
- Hoàn toàn có thể có. Chúng cũng biết làm việc. Bill chơi với bọn chủ các hãng chế tạo máy bay đã cướp mất của chúng ta đơn đặt hàng “Tiên tri”. Tôi nghĩ, bọn chúng đã phái Bill tới. Chúng chắc rằng tôi không đời nào cam chịu thất bại. Chúng đợi đòn đánh trả.
- Cái phương án này hợp lí hơn cả. Trong chuyến đi Washington vừa qua của tôi, một số nghị sĩ và lốp-bít bày tỏ với tôi, tức là với ông sự thông cảm về tai họa bất ngờ ập xuống hãng ta, như lời họ nói. Rỏ những giọt nước mắt vờ vĩnh, họ khích ta phản công. Họ hi vọng rằng tôi sẽ hở ra một vài điều nào đó, trong cơn nóng nảy sẽ nói cho họ biết ta định hành động như thế nào. Mấy thằng cha của “General Dynamics” mời tôi dự các cuộc cocktail[62] các buổi dạ hội. Hiện giờ, ở thủ đo, chúng có ba mươi người. Chúng lượn đi lượn lại liên tục giữa Lầu Năm góc và Capitol. Chúng giữ trong tầm ngắm toàn bộ phạm vi kinh doanh của chúng.
Hatter nhìn tranh tôi vẽ đã lâu treo trên lò sưởi, những chú ngựa đua và những chướng ngại.
- Ừ, bọn chó đẻ chúng đã khéo léo vượt chúng ta rồi. Cho đến giờ tôi còn đang dụi mắt vì bị bùn bắn lên. Cái con ngựa sẫm: “General Dynamics” này có bộ vó khá lắm.
- Vấn đề không chỉ ở ngựa, mà còn ở thằng cao bồi trông ngựa. Người ta đồn chủ tịch công ty Propster là người có bộ óc thông minh nhất.
- Ừ, giá lão Propster ở bên cánh ta thì ta đã chẳng bị hố với cái máy bay ném bom “Tiên tri”. Đó là sự thua thiệt lớn nhất trong đời làm ăn của tôi. Tôi sẽ không để cho kẻ nào giật nắm lông bờm tôi nữa. Kẻ nào động đến ta, ta sẽ lột da. Phải, sẽ lột da, dù đó là Propster!
- Bill làm cho lão ta hẳn? - tôi nói.
- Cả Bill, cả những đứa khác sớm muộn rồi cũng sẽ chỉ làm cho tôi. Rồi anh xem.
Hãy coi chừng, hỡi “General Dynamics”, “Lockheed” và “Boeing”! Ông Bạc tỉ không nói suông đâu. Lão sẽ không tha thứ cho những kẻ trái ý.
- Hôm nay thế là đủ, Serge ạ! Ta vù đi Niagara chứ? Đổi không khí một cái rồi ta sẽ vẩy nước thánh cho anh.
Đức ông của tôi mới khiêm nhường làm sao! Ngài không ra lệnh, mà mời hẳn hoi.
Chúng tôi đem theo con chó nâu lông xù Bax và đi xuống sông Niagara. Con sông gầm rít, vật vã, sùng sục, sủi bọt, uốn mình giữa những tảng đá. Nó sôi réo, bạc trắng như trong cơn bão tuyết. Làm mưa bụi nhẹ, êm từ dưới phun lên trên và treo lơ lửng giữa trời đất, được mặt trời làm ánh lên.
Phía bên kia khe núi đầy bọt, bên kia dòng nước ầm ầm giận dữ và những tảng đá rêu phong xám đen là Canada. Bên này là Hoa Kỳ. Cả bên kia lẫn bên này đều tuyệt diệu: sự yên lặng, tĩnh mịch, mùi thơm của cỏ héo và lá cây, cái mát mẻ trong ánh nắng của buổi sáng mùa thu không một bóng người, không khí trong suốt, vầng trăng lưỡi liềm đang tan dần trên bầu trời xanh.
- Trời ơi. Thế này cơ à? – kẻ đồng hành của tôi rền rĩ, cái đầu bạc lắc lư. Bộ mặt ngựa của lão trở nên phấn chấn. Harold Hatter đẹp và uy nghi trên nền Niagara trắng xoá đang sôi sục. Đôi mắt ánh lên màu xanh thắm của bầu trời. Trên đôi má ngăm ngăm ẩn thấp thoáng một màu hồng.
Trông thấy cảnh này, ai còn tin được những câu chuyện huyền hoặc rằng những nhà tỉ phú bị tiền bạc, quyền hành vô hạn làm xa lạ với cái diệu kì chân chất của tự nhiên, với những gì làm cho cuộc sống những người yêu lao động trở nên đẹp đẽ.
Những người phải lao động nhiều có khi chẳng có thì giờ, không đủ phương tiện để mà chiêm ngưỡng Niagara dù chỉ đôi lúc, chứ đừng nói đến chuyện sống ở đây hàng tuần trong cái vi la riêng vào mùa nóng nhất này. Họ thường vấp phải những vấn đề nan giải như thì giờ rỗi, tiền nong không đủ, quyền hành và sức mạnh của kẻ giàu.
Đối với ông Hatter, những vấn đề vặt vãnh kia không tồn tại. Đã từ lâu rồi, từ thời trở thành triệu phú, lão cảm thấy mình giải phóng khỏi mọi người và mọi nhu cầu của người phàm tục. Lão không phục vụ ai ở đâu cả. Không phải bẩm báo với ai về chuyện gì. Không phải cúi chào ai, mà chỉ nhận sự cúi chào. Là ông chủ toàn quyền đôla của mình, thì giờ của mình, mong muốn của mình, số phận của mình. Thích cái mà con tim và đôi mắt thấy ưa. Không giấu sự căm ghét của mình. Không cười khi thấy không cần cười. Không thèm nói chuyện với ai mà theo ý lão không đáng để lão để ý. Đi và bay đến nơi nào trí óc xui khiến. Đối với đôla của lão thì không hề có biên giới quốc gia, có vùng cấm. Biển và đại dương, sông và hồ, núi và sa mạc của cả quả đất đều nằm trong tầm sử dụng của lão. Chiếc chuyên cơ riêng trong thời gian ngắn nhất sẽ đưa lão từ bờ Niagara đến bờ Amazona, Tamzer, Xen hay Dannup. Chiếc du thuyền lộng lẫy chạy bằng buồm hay loại hiện đại nhất với động cơ máy bay có thể bất kì lúc nào chở lão chầm chậm ngang qua các cung điện và vi la chất chồng ở Riviera hay lao như gió lốc trên các vịnh, phố San Francisco. Những chiếc xe hơi chúa nhất đời sẽ đưa lão đến bất cứ nơi nào mà lão muốn. Những khách sạn sang trọng nhất mở rộng cửa mến khách rước lão vào những phòng ở tốt đẹp nhất. Mùa xuân nóng bức hay mùa hè oi ả của Washington lão đem đổi lấy nhiệt độ ôn hoà, dễ chịu của Niagara. Trốn New York lạnh giá lão về Texas ấm áp. Mùa thu và tiết trời ướt át thì lão sang Riviera. Mùa đông lão thường hay ngồi lì ở quần đảo Canari, ở Lodge Palmos hay hiếm hơn thì ở Hawaii.
Lão ăn uống rất giản dị, nhưng để mời khách bự, lão tổ chức yến tiệc xa xỉ. Người đầu bếp mướn từ bên Pháp và lĩnh mỗi tháng một số tiền mà lương cả một đội công nhân không bằng, nấu nướng mọi thứ mà bụng lão muốn. Người hầu rượu có trong các hầm rượu đủ các loại rượu mùi, rượu ngọt, rượu vang, cô nhắc nhãn hiệu tốt nhất thế giới. Hoa quả Nam Mỹ, California không lúc nào vơi trong nhà lão. Mà nhà lão thì không phải chỉ có một, có hai hay có ba. Có thái ấp ở Washington. Có dinh cơ kiểu Tây Ban Nha, Mouritany ở Texas, ở Houston,. Có vi la ở Riviera. Có lâu đài ở Địa Trung Hải, ở ngoại ô Lodge Palmos. Có biệt thự một tầng ở Hawaii. Có trang trại ở thảo nguyên. Có đất săn bắn với những túp lều gỗ ở miền núi Đá tảng. Có lãnh địa bao bọc bằng tường cao ba mét ở Mexico. Có chỗ nghỉ chân ở Paris. Hatter kịp lui tới mọi chỗ trong năm, sử dụng mọi thứ một cách thông thạo, khoái trá. Mọi lo toan về các an dưỡng đường và dinh thự ngoại ô của mình lão giao cho các trị viên, các quản gia. Người khác làm việc, còn lão chỉ thỉnh thoảng lại kí séc.
Tiếng sủa gắt của con Bax cắt đứt những suy nghĩ của tôi. Con chó lao xổ vào bụi cây, từ đó vang tới tiếng kêu xé ruột. Tôi chạy vội đến tiếp sức. Một gã thám tử cao kều, mặt đỏ, cổ bự với khẩu côn trong tay ngã vật ra cỏ, còn con Bax lông xù đang đứng đè lên gã, gầm gừ hung tợn.
- Thưa ông, ông hãy đuổi con hổ của ông đi! – tay cận vệ lính mới mỉm cười ngượng nghịu. – Không thì nó ngoặm mất mũi tôi, các cô gái sẽ không yêu tôi nữa.
- Lẽ ra anh không nên vi phạm khoảng cách đã định và đánh động lên thế, - tôi nói giọng giáo huấn cho gã đang nằm.
- Xin lỗi ông, tôi còn chưa thạo công việc. Lần khác, tôi sẽ không để...
- Chỉ huy của anh đâu?
Bụi cây bên cạnh dịch chuyển và một gã cao kều khác, mật danh Pontiac và là chỉ huy chạy lại.
- Tôi có mặt, thưa ông.
- Tìm hiểu xem có chuyện gì ở đây.
Tôi dắt con Bax quay lại chỗ Hatter. Lão nghiêm nghị, mặt hơi biến sắc nhìn tôi hỏi:
- Cái gì đằng ấy thế?
- Một gã lính mới trong đội bảo vệ. Con Bax không thích gã.
- Bax là con chó thông minh lắm, nó đánh hơi người quen và người lạ xa hàng dặm ấy. Bảo Pontiac ngày mai không được cho thằng lạ mặt ấy ở đây nữa. Nào, ta đi đâu bây giờ, xuống hay lên?
- Tôi muốn nhòm qua chỗ kia, - tôi phẩy tay xuống dưới dòng chảy. - Còn ông?
- Tôi thì thế nào cũng được.
Chúng tôi đi theo con đường mòn đá lởm chởm, mấp mô vừa phải đã nhẵn dấu chân qua lại, lúc nào cũng trong tầm nhìn của Niagara ầm ầm, lúc nào cũng ngập trong cái mát mẻ của nó. Bên phải là cây cối, bụi bờ, những bãi cỏ nhỏ, những đảo đen của bóng râm, của những rèm đăng ten bằng vàng lá, rộn tiếng chim. Bên trái là lòng sông bao la có đáy thoai thoải đầy đá hoa cương. Dòng nước tuy vướng nhiều chướng ngại, vẫn lao đi với tốc độ điên cuồng. Với mỗi bước đi của chúng tôi, hình như dòng chảy giận dữ kia lại càng chảy xiết hơn.
Chúng tôi im lặng đi. Tôi không muốn phá mất sự huyền diệu bằng một lời nào. Hatter những lúc như thế cũng thích ngậm miệng. Khi đi dạo, lão thích suy nghĩ, mơ màng, khẽ huýt sáo hay ngồi bên dòng nước lớn với bộ đồ câu cá. Tôi tưởng rằng hôm nay lão cũng giữ thói quen ấy, nhưng lão đã hỏi:
- Thế nào, anh bạn Bill của chúng ta ở đằng ấy sống ra sao?... Anh biết không, ngay lúc này hắn cũng không để cho tôi thanh thản.
- Cả tôi cũng thế, - tôi nói dối. (Những ý nghĩ của tôi chẳng liên quan gì đến Bill lẫn Hatter).
- Đầu tiên tôi không lo lắng lắm, mà bây giờ... tôi sợ không khéo hắn với Propster sẽ chơi xỏ ta. Cả hai đều lão luyện, không thể thử chúng được.
- Hay là ta sẽ chơi lại, hả ông? Thế sẽ yên tâm hơn.
- Ơ hay!... Tôi có phải kẻ sợ chơi với các tay poker trứ danh đâu. Ta sẽ chơi! Serge này, hãy nhớ rằng ta sẽ là người lật quân bài sau cùng. Chúng ta phải luôn luôn tăng tiền đặt cọc. Làm ra vẻ trong tay ta có bốn quân K hay bốn quân át.
- Tôi là đấu thủ poker tồi, ông Harold ạ. Ta hãy hạ bài nhé. Ông hãy nói xem tôi có phải tham gia vào vụ bắt cóc không?
- Nhận đi! Thế nào nó cũng không xảy ra.
- Khi nào thì tôi phải nói cho Bill biết các dự tính của ông ở Trung Đông? Tôi muốn nói phần công khai.
- Đừng nói ngay. Chỉ khi nào đã trì hoãn và thỏa thuận được giá hơn. Thôi. Đủ rồi. Giờ thì thây kệ cha lão Bill và lão Propster, ta nghỉ cái đã. Con sông đẹp quá!
Niagara lượn một vòng cung uyển chuyển rồi uốn thẳng, phình to và rẽ thành hai nhánh, một to và một bé hơn, cuồn cuộn đổ xuống với tiếng gầm khủng khiếp.
Đây không phải lần đầu tiên tôi thấy thác Niagara. Mà vẫn sửng sốt. Tôi nhìn nó như nhìn một kì quan. Tôi khoái trá. Không hiểu nó có một sức hút như thế nào, mà nhìn nó vừa đáng sợ, vừa thích thú? Tại sao trong người cứ rạo rực muốn nhảy qua lan can sắt mà lao đầu xuống vực kia? Tôi đã đến đây bao lần mà lần nào cũng cảm thấy sự cám dỗ ấy.
Không ít người đã chết ở thác Niagara. Một vài kẻ tự tử còn được lập đài kỉ niệm. Có kẻ nhảy lặng lẽ, không chuẩn bị gì cả. Có kẻ đánh cuộc trước, báo cho báo chí về ý định của mình, gói mình kĩ càng trong thùng sắt, bọc bằng bao ni lông. Lại có kẻ tay giương dù đã nhảy xuống đây.
Tôi nhìn trộm Hatter. Không biết lão cảm thấy thế nào?
Lão tóm tay tôi, kéo khỏi sườn vực.
- Ta tránh xa cái tai ương ra. Cái chỗ ma quái thật. Lúc nào cũng như kéo xuống, như hút xuống!
Tôi bật cười.
Chúng tôi ngoặt ra con đường nhánh công viên, đi ra khoảng trống đầy ánh mặt trời, ngồi xuống ghế, thả cho mặt trời và gió ấm mặc sức hong khô bụi nước phủ trên quần áo chúng tôi.
Tôi khoan khoái nhắm mắt. Thác nước vẫn còn cuồn cuộn trong đầu. Thác nước làm mát lạnh môi. Thác nước gầm rít trong tai tôi. Thác nước thì thầm với tôi những chuyện cổ tích và thần thoại về người mẹ của mình – sông Niagara.
Hatter huých nhẹ tôi.
- Serge, lần sau anh đừng đi sát bên tôi men ra vực. Nhỡ tôi nhảy xuống và kéo cả anh theo. Anh hiểu chưa? Cái ý nghĩ quỷ quái thế ấy nó cứ sinh ra, mỗi khi tôi đứng trước Niagara. Không muốn chết một mình mà muốn cả đôi.
Cái giọng nói âm âm như của gió kia từ đâu vọng về? Từ thế giới nào? Của ai?
Bill, như tôi đã đoán trước, tấn công tôi ngay đêm đầu tôi đến New York. Buổi sáng, trong lúc ăn sáng qua loa ở quán cà phê của khách sạn “Tiu-đo”, nơi tôi ở, gã đòi nói chuyện kĩ lưỡng.
Chúng tôi hẹn gặp nhau vào lúc ba giờ chiều trên đỉnh Empire State building. Một chỗ lí tưởng cho bọn âm mưu. Không ai nghĩ đến chuyện theo dõi chúng tôi trong đám khách du lịch sặc sỡ, nói nhiều thứ tiếng xa gần.
Ở New York, và ở cả nước Mỹ, không có một danh thắng nào mòn tã hơn cái dinh cơ doanh thương nhà nước - đế quốc bằng bê tông cốt thép, bằng nhôm và thuỷ tinh cao một trăm linh hai tầng này ở ngay chính giữa Malhattan hoa cương. Mọi khách du lịch, nhất là người nước ngoài, đều đổ xô đến cái kì quan cũ thời những năm ba mươi này.
Tôi ra khỏi khách sạn trước giờ đã định một tiếng đồng hồ. Tôi đi chậm rãi, nhìn mọi phía. Giây phút hiếm có. Trong những năm gần đây, từ khi tôi lọt vào thế giới đại kinhdoanh, tôi luôn bận ngập đầu, lúc nào cũng vội, thì giờ được phân bố theo từng giờ, từng phút.
Là một người làm nghề tự do, phong lưu, nhờ sự quen thân với Hatter mà có thể với tới mọi vật ngon của lạ và tiện nghi ở đời, tôi chịu cái hình phạt khổ sai trong công sở không có chấn song. Đã lâu, tôi chưa đi dạo phố phường New York. Người bộ hành! Hóa ra là làm người bộ hành cũng hết sức thú vị. Không phải luôn luôn cắm mắt xuống đường. Không phải giữ chân phải trong trạng thái căng gân thường xuyên trên bàn đạp phanh. Không phải phát bẳn lên mỗi khi đèn hiệu vàng và đỏ loé lên trước mũi. Chẳng phải lo lắng và ưu tư gì. Cứ việc đi mặc sức. Tôi đã ra tới cái quảng trường con có vòi phun, với màu xanh cằn cỗi và những tòa nhà cao vút. Tôi nhìn quanh và hiểu rằng mình đã lọt vào cái gọi là trung tâm Rockefeller. Tôi đã đến! Mọi con đường đều dẫn đến các tỉ phú.
Các Rockefeller con, năm người con, đã dựng lên một tượng đài bằng cẩm thạch để tưởng niệm người cha, trên đó lốm đốm những lời phán truyền, giáo huấn của người đã quá cố. Một câu trong đó làm tôi xúc động bởi tính sáng suốt của nó: “Tôi tin rằng, giá trị tối cao là con người chứ không phải của cải, không phải quyền lực, không phải địa vị”.
Ra thế đấy! Cả đời John Rockefeller gom góp của cải, tranh giành quyền lực và địa vị, cướp bóc hàng triệu người, coi rẻ con người ở nước Mỹ và trên toàn thế giới, là một chủ nhà băng và trùm tư bản dầu lửa vô nhân đạo – thế mà lại...!
Còn thiếu cái gì ở đất nước kì lạ này! Tôi đi sang phố 34.
Trong tiền sảnh thênh thang của Empire State building, tôi xếp vào dãy hàng rào bên quầy bán vé. Tôi mua mất một đôla cái vé cho quyền được thưởng ngoạn New York từ tầm cao ngút trời và vật kỉ niệm bằng sắt tây hẹp có kim cài. Trên nền xanh lơ của tòa nhà chọc trời phấp phới dòng chữ: “Tôi đã ở dưới mây”.
Thang máy to đưa tôi cùng với những khách thưởng ngoạn khác lên cao tít. Lại một tiền sảnh nữa. Cửa, cửa, cửa. ở khắp mọi phương. Mọi người hấp tấp đổ xô ra cửa. Tôi cũng thế. Tôi không có quyền tách mình ra. Tôi đi ra khoảnh sân. Rộng và tròn, nó uốn vòng quanh cái tháp của tòa nhà. Phía trên rào ngăn bằng đá chắc chắn, có căng tấm lưới thép cao. Lần trước khi tôi đến đây, lưới còn chưa có. Té ra là có quá nhiều người thích kết liễu cuộc đời ngay dưới mây.
Ở đây chẳng có tí mây nào. Bầu trời xanh và cách xa tôi cũng như mặt đất. Gió mạnh hơn, lạnh hơn dưới mặt đất. Thành phố như trong lòng bàn tay. Có thể đếm được từng cái nhà chọc trời. Tháp của một số cái vút lên trên, giống như nhũ đá lộn ngược, ở một số cái khác tháp lại bằng phẳng, có bể bơi, vườn con, sân bóng chuyền, gara gara. Phía chân trời trông thấy rõ đại dương. Vịnh và đảo Betlo với tượng Thần Tự do màu xanh bẩn ở ngay cạnh. Hutson và Inster River trông từ đây có vẻ là những con sông sạch sẽ, phong quang. Khói tàu thuỷ bốc lên nhưng không nghe thấy tiếng còi. Đập vào mắt là những cây cầu, những vòng cung thép đồ sộ bắc nối giữa hai bờ. Chung quanh và ngay ở trong thành phố cũng xanh rờn những công viên, những thảm cỏ. Thú vị thật! Khi đi trên đường phố New York, bạn quên rằng dưới đất cũng mọc cỏ cây hoa lá. Bạn chỉ thấy rặt những đá, bê tông, kính, nhựa đường, sắt, những tờ báo có in vết giầy, những giấy má đủ màu ném ở đây đó và những đám người bị ai đó thúc đít, hối hả đi.
New York theo đường chim bay, hóa ra, là một thành phố khổng lồ. Có cái để mà xem! Tôi bỏ qua những cảnh tượng như thế này thật phí. Đôi khi phải leo lên đây để mà chữa cho khỏi sự kinh tởm của mình đối với cảnh nhốn nháo của thành phố.
Thích thật! Gió tươi mát thổi. Đại dương cuốn hút bằng khoảng mênh mông vô tận của mình. Bầu trời không vẩn bụi, không oi khói – một màu xanh thẳm khôn cùng. Các mỏm nhà chọc trời sáng rực lên dưới ánh mặt trời về chiều. Sức mạnh của bàn tay con người được cảm nhận ở đây một cách sâu sắc, rõ ràng, thực tế đến phi thường. Thành phố vĩ đại! Xúc cảm đến nghẹt thở. Nhưng những người tạo nên nó còn vĩ đại hơn. Những thợ nề. Những thợ lắp ráp. Những công nhân tầng cao. Những thợ cả nghề sắt. Những thợ thủ công. Các bạn là ai? Người ta suy tôn các bạn ra sao? Tại sao không có tượng đài nào được dựng lên để kỉ niệm các bạn?
Xung quanh tôi du khách đi đi lại lại. Họ ái chà, họ ối chao. Họ chỉ với nhau xuống đất, reo lên bằng đủ các thứ tiếng, tiếng Anh ít hơn cả: phố Wall! Bronei! New York Time! Trung tâm Rokefeller! Đại lộ số-năm! Số bốn hai! Công viên trung tâm! “Woldort Astoria”! Quảng trường Colombo! Nhà ga Pennsylvania! Brooklyn!
Tôi nhìn đồng hồ. Kim đang nhích đến giờ đã định. Chỉ lát nữa, Bill sẽ xuất hiện. Gã là người Mỹ chính cống sẽ không cho phép mình cái sự xa xỉ của người châu Âu là nơi hẹn hò làm ăn muộn giờ.
Gã hiện ra bên phải tôi, phía đại dương. Gã không thấy tôi. Không muốn thấy tôi. Gã len vào đám người Nam Mỹ ồn ào, lắm lời và đang ngắm thành phố. Được rồi, ta sẽ tới! Tôi quay đi với vẻ thờ ơ.
Không rời mắt khỏi toàn cảnh New York, Bill lặng lẽ, như thể đang chọn một điểm ngắm đạt hơn cả, tiến lại gần tôi. Gã đứng bên cạnh không nói gì và say sưa nhìn xuống dưới. ở ông Bill mọi cái đều hết sức tự nhiên: cả cái nhìn đầy thán phục, cả vẻ mặt xúc cảm, cả tư thế căng thẳng của người thưởng ngoạn. Bậc thầy đầy kinh nghiệm của các công việc bí mật hết sức khôn khéo. Nếu có quan sát chúng tôi, không kẻ nào có thể ngờ rằng, chúng tôi quen nhau. Chúng tôi chơi trò bịt mắt bắt dê đâu có uổng? Phải, không uổng đâu. Các hãng cùng loại hình sản xuất là những kẻ cạnh tranh chí tử. Bọn họ thù địch nhau, do thám lẫn nhau. Vì sợ bị sa thải hay hồ sơ bị đưa sang ủy ban điều tra hoạt động chống Mỹ mà bọn họ không cho phép nhân viên công sở mình, nhà máy, xí nghiệp mình liên hệ với nhân viên các xí nghiệp của đối phương. Bản vẽ công thức pha chế, công nghệ và kế hoạch được giấu kĩ. Các nhà máy chế tạo máy bay, tên lửa được bao bọc hàng rào dây thép gai. Những phân xưởng đặc biệt quan trọng được ẩn dưới đất, trong đường hầm và boong ke. Từng người bị kiểm soát, theo dõi nghiêm ngặt. Những ai khả nghi và không đáng tin cậy thì không nhận vào làm việc. Những ai bị nghi vấn liền bị phó thác cho các cơ quan dịch vụ bí mật. Những ai phá hoại nền tảng kinh doanh bị khép tội chiếu theo các điều luật tương ứng.
Bill biết rõ cái cơ chế này, nên gã áp dụng những biện pháp đề phòng. Gã tránh cho tôi khỏi bàn tay FBI, khỏi dịch vụ bí mật Pinkerton, công ty “Vakenhat”. Dĩ nhiên, tôi cũng đáp lại như thế.
Bill chẳng phải trốn ai và chẳng để làm gì, gã hành động dưới sự phù trợ của các ông chủ của gã. Chúng tôi đều cùng một giuộc. Chỉ khác nhau ở chỗ là tôi biết gã muốn gì ở tôi, còn gã thì không biết gì cả. Tạm thời không biết. Nhiệm vụ của tôi là làm sao cho gã mò mẫm trong bóng tối càng lâu càng tốt, làm cho gã nhìn trắng thì tưởng đen. Tôi sẽ cố gắng! Không phải cho Hatter, mà là cho tôi. Tôi cần biết tính nết của cả nòi kinh doanh mà Bill là đại diện.
- Thành phố đẹp đấy chứ hả? – gã hỏi tôi như một người du lịch hỏi một người du lịch.
Tôi đáp lại cũng hệt như một người hoàn toàn không quen biết gốc từ Texas đáp trong trường hợp tương tự.
- Cũng tàm tạm. Nhưng thành phố chúng tôi, còn đẹp hơn nhiều.
- Thành phố các ông? Hay thật! Tôi nghĩ trên trái đất này chỉ có một thành phố ra trò là New York. Ông sống ở đâu?
- Ở Đại Dallas.
- Thế là rõ cả rồi! – kẻ ưu ái New York cười. – Xin giơ tay. Không thể đối được với Dallas. Xin ông điếu thuốc.
Chúng tôi đứng hút thuốc. Xung quanh không có ai, nhưng chúng tôi vẫn tiến sát đến rào chắn và làm ra vẻ ngắm nghía thành phố.
Bill gõ gót giầy xuống sàn xi măng và bỗng chốc, mặt hồng lên và thỏa mãn, gã huyênh hoang nói:
- Thưa ông, ông có biết chính cái nhà này, tôi có vinh dự thay mặt khách hàng của mình tậu đấy. Rồi chính tôi lại bán nó. Mua rẻ, bán đắt. Chênh lệch là năm mươi triệu đôla.
- Chà chà, thì ra vì thế ông mới lôi tôi đến đây! Chỗ may mắn?
- Vâng. Tôi là người kiểu cũ, mê tín, tin vào các điềm ứng. Cho đến giờ, tất cả những gì tôi trù định ở đây, trên đỉnh tòa Empire State building này, đều đem lại thành công. Tôi nghĩ rằng lần này cũng sẽ tốt đẹp. Ông cao bồi dạo này có khỏe không?
- Khỏe. Đang nghỉ mát ở Niagara. Tôi vừa từ chỗ đó đến đây hôm nay.
- Ông ta có những kế hoạch gì? Người ta đồn ông ta định tót sang Anh.
Tôi đợi giây lát, cho những du khách đeo máy ảnh đi qua hết.
- Vâng, chúng tôi đang định thế. Đó là để che mắt thôi. Từ Anh chúng tôi sẽ bay sang bờ Địa Trung Hải.
- Các ông sẽ giải trí ở Monte Carlo [63] chăng?
- Chúng tôi sẽ làm việc! Chúng tôi bay sang Saudi Arabia.
- Sang đâu?
- Saudi Arabia. Rồi sang Cô-oét, Libya, Sirya, Libanon, Tunisia.
- Để làm gì?
- Để chén quả chà là. Để hít hoa Địa Trung Hải.
- Xin lỗi, Serge, ông đã nói là...
Bill tròn mắt nhìn tôi. Gió làm bù xù mớ tóc dày của gã. Bộ mặt gã trở nên ngỡ ngàng.
- Tôi làm ông sửng sốt? Ông không ngờ rằng bàn tay cao bồi vươn tới sa mạc arabia?
- Tin tức của ông chính xác đấy chứ, Serge? Hoàn toàn chính xác chứ?
- Nào, ta hãy quy ước với nhau một lần chót: hoặc là ta tin nhau, hoặc là...
- Xin lỗi. Tôi chưa định thần kịp trước những gì ông nói. Thế lão cao bồi quan tâm đến Trung Đông đã lâu chưa?
- Mới đây thôi. Từ khi mất đơn đặt hàng máy bay “Tiên tri”.
- Hiểu rồi. ở Saudi arabia, ở Cô-oét và ở các nước khác đã chuẩn bị sẵn cơ sở cho chuyến đi của các ông chưa?
- Chúng tôi đã phái người đến đó.
- Khi nào?
- Trong tháng vừa qua. Thôi, Bill ạ, hôm nay thế là đủ!
- Còn một câu hỏi nữa, thưa ông! Hatter đã vĩnh viễn từ bỏ “Tiên tri”?
- Ông ta không muốn, nhưng buộc lòng phải thế.
- Thế mà chúng tôi nghe nói là ông ta vẫn còn hi vọng xoay chuyển tình thế có lợi cho mình. Ông ta vẫn dự trữ những tài liệu, thiết bị và nhân lực như thể là nay mai đơn đặt hàng lại quay về với ông ta.
- Hình như ông lo lắng chuyện “Tiên tri” hơn là cát vàng arabia?
- Tôi canh giữ cho những lợi ích nhiều mặt của các khách hàng của tôi. Cái gì đối với họ cũng quan trọng: cả cát vàng arabia; cả “Tiên tri”, cả các kế hoạch của lão cao bồi. à, còn điều này nữa. Các bạn tôi yêu cầu truyền đạt lại chiến dịch Xixilia bị huỷ bỏ. Bây giờ, khi ông cộng tác với chúng tôi thì chẳng cần bắt cóc Hatter làm gì?
- Thế còn mười triệu đôla tiền chuộc thì sao?
- Tin của ông còn đáng giá hơn.
- Đúng đấy. Vậy khi nào ông định thanh toán? Đã đến lúc rồi đấy.
- Ngày mai tôi sẽ làm giấy tờ sang tên cho ông motel “Chỗ nương thân của Cleopatra”.
- Ông kể cũng sáng dạ và biết điều đấy, Frank ạ! Rồi sẽ có lúc tôi kiếm cho mình một luật gia to đầu như thế. Tôi muốn nhậu nhẹt với ông. Nhưng hỡi ôi, bây giờ thì không thể được. Tạm biệt ông.