"We will be more successful in all our endeavors if we can let go of the habit of running all the time, and take little pauses to relax and re-center ourselves. And we'll also have a lot more joy in living.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Lavyrle Spencer
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: November Of The Heart
Dịch giả: Vũ Đình Phòng
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1696 / 14
Cập nhật: 2015-12-02 02:06:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
hiều thứ ba sau buổi tối vũ hội trên du thuyền Dispatch, một túi nhỏ đựng tiền lẻ của bà Levinia được đưa xuống bếp kèm theo lệnh phải rửa kỹ từng đồng bằng xà phòng. Jens Harken đang loay hoay làm công việc ấy thì bác nữ quản gia Mary Lovik chạy vào.
Đó là một phụ nữ mặt choắt, lúc nào cũng cau có, miệng luôn mím chặt, chỉ nhỏ bằng một phần ba miệng người khác, cặp mắt nghiệt ngã. Bác ta đội mũ trắng trông như cái đèn xếp rất nhỏ so với mũ các đầy tớ khác.
Bác Lovik này bao giờ cũng đi đứng trịnh trọng. Về mặt chức tước trong đám kẻ ăn người làm thì bác ta đứng vị trí cao nhất ngang với bác nam quản gia Chester Poor. Lovik rất thích ra oai với mọi đầy tớ trong nhà.
- Harken! - Bác lớn tiếng gọi, đập mạnh vào cánh cửa bếp rồi chạy vào. - Ông chủ muốn gặp cậu trong phòng giấy của ông chủ đấy.
Hai bàn tay đang nhúng trong nước xà phòng chững lại, Harken hỏi:
- Gặp tôi?
- Ừ, gặp cậu! Nhà này ngoài cậu có ai tên là Harken đâu? Ông chủ không thích phải chờ cho nên cậu lên ngay đi.
- Vâng, rửa xong chỗ tiền lẻ này tôi sẽ lên.
- Để cô Ruby rửa nốt cho, Ruby! Rửa nốt và lau khô chỗ tiền lẻ này cho Harken. Chú ý đừng để thiếu một đồng nào lúc hoàn lại cho bà chủ đấy.
Jens Harken để chậu xà phòng và tiền lẻ đấy, với khăn lau bàn tay.
- Bác biết ông chủ gọi tôi lên có việc gì không, Bác Lovik?
- Nào ai biết. Rất có thể ông chủ đuổi cậu về tội dám nói năng về tầu thuyền thế nào đấy. Chị Schmitt, tôi vào mà chị không đứng lên hả? Không có trên dưới gì hết! Các cô làm việc đi, Ruby! Tạp dề bẩn thế kia mà cô không biết xấu hổ. Mau lên, Harken, ba chân bốn cẳng chạy lên để ông chủ gắt kinh lên bây giờ.
Harken chưa kịp đi thì bác Lovik đã mắng xa xả:
- Ăn mặc lôi thôi thế kia mà lên gặp ông chủ hả? Buông ống tay xuống, cài khuy cổ vào. Lên phòng giấy ông chủ chứ có phải ra vườn hái rau đâu?
Vừa bỏ ống tay áo xuống và cài khuy cổ, Jens Harken vừa nói:
- Tôi chỉ là thằng đầy tớ, ông chủ thừa biết rồi.
- Cậu đâu có biết thân, biết phận? Hôm nọ tôi chỉ đi vắng có một buổi mà ở nhà cậu dám nhét mẩu giấy vào đĩa kem tráng miệng bưng lên cho ông chủ! Cậu liều lĩnh quá đấy!
- Nhưng chuyện đó có liên quan gì đến bác?
- Tôi chịu trách nhiệm về các cô, các cậu. Tôi phải liên đới chịu tội. Nhưng lên đi. Xong việc là xuống đây ngay đấy.
- À, phòng giấy của ông chủ ở đâu nhỉ, bác Lovik?
- Trên tầng hai!
Làm ở đây mấy tháng rồi nhưng Jens Harken chưa bao giờ lên tầng hai. Hôm nay anh lên và ân hận không hỏi kỹ phòng nào. Vì mùa hè và giữa ban ngày trời nóng bức nên các cánh cửa đều hé mở. Jens nhìn vào phòng đầu sát cầu thang, thấy bên trong là một bà già tóc hoa râm ngồi ngủ trong ghế xích đu, cuốn sách đặt trên đùi. Anh nhớ đã đem thức ăn lên tiếp bà trong bữa tiệc tối thứ bảy.
Harken vội rón rén chân ghé mắt vào phòng thứ hai. Đây là phòng tắm ốp đá men Trung Hoaraats sang. Anh sang phòng thứ ba. Chắc đây là phòng cậu con trai vì thấy sàn nhà quăng bừa bãi đủ thứ. Anh nhớ ông bà chủ có cậu con trai mười hai tuổi. Đồ chơi vứt bừa bãi trên giường.
Harken ghé mắt nhìn vào phòng thứ tư và anh đứng sững lại choáng váng.
Lorna ngồi ghế vải đang đọc báo. Ruột Jens quặn lại khi nhìn thấy Lorna. Nàng nằm ngay ở khoảng giữa hai cửa sổ lớn, ánh sáng bên ngoài rọi vào hai phía làm ánh lên làn tóc vàng sậm. Lorna để chân trần, hai đầu gối gấp lại đỡ tờ tạp chí. Nàng mặc váy xanh nhạt, sơ mi trắng không tay và không cài khuy cổ vì trời nóng bức.
Harken nhìn thấy được cái cổ thon và trắng nõn của cô gái trẻ. Gian phòng rộng rãi thoáng khí. Hai cửa sổ mở rộng trông ra hồ. Đúng lúc đó Lorna quay đầu lại. Nàng lộ vẻ sửng sốt và cả hai đều lặng người đi như hai pho tượng.
- Harken? - Lorna thì thầm, mắt nàng mở to.
Lát sau Lorna mới định thần được duỗi hai chân ra và ý tứ kéo váy phủ lên hai đầu gối.
- Anh tìm tôi có việc gì à?
- Không. Xin lỗi tôi đã làm phiền cô. Tôi đang tìm phòng giấy của ông chủ. Tôi tưởng ở trên này.
- Phòng giấy của cha tôi ở bên kia cầu thang, phòng thứ hai bên phải.
- Cảm ơn cô.
Jens định đi.
- Khoan đã, - Lorna gọi lại. Nàng quẳng tờ tạp chí sang bên cạnh, đứng dậy.
Jens Harken đứng đợi ngoài hành lang, trong lúc Lorna bước ra gần cửa. Hai người cách nhau một khung cửa. Váy Lorna nhầu và sơ mi nàng rất mỏng gần như trong suốt. Bàn chân trần của nàng thò ra dưới gấu váy.
- Cha tôi bảo anh lên gặp à?
- Vâng, thưa cô.
Cặp mắt Lorna phấn khởi.
- Tôi cam đoan là cha tôi muốn hỏi anh về kiểu thuyền của anh đấy. Ôi, Harken, tôi tin là như thế.
- Tôi chưa biết ông chủ gọi lên có việc gì. Bác Lovik bảo tôi lên phòng giấy ông chủ. Bác ta chỉ dặn đừng làm chuyện gì dại dột.
Jens Harken nói và nhìn xuống ống quần rây đầy những vết bẩn.
- Ôi, bác Lovik ấy thì anh đừng tin. Nếu cha tôi muốn gặp anh thì chỉ về chuyện con thuyền thôi. Lúc này đầu óc cha tôi đang cay cú làm thế nào thắng cuộc trong Hội đua thuyền sang năm. Tính cha tôi xưa nay hiếu thắng, vụ thua cuộc hôm trước làm cha tôi rất uất. Cho nên anh nói cách náo có sức thuyết phục là cha tôi chịu bỏ tiền để anh đóng loại thuyền như anh nói thôi.
- Tôi sẽ cố gắng thưa cô.
- Và đừng để cha tôi áp đảo anh, - Lorna giơ một ngón tay vẻ như đe, - Anh không được mất tinh thần đấy! Bất kể cha tôi vặn vẹo quát tháo ra sao.
- Vâng, thưa cô, - Harken mỉm cười vẻ tuân lệnh.
Ôi, Harken thầm nghĩ, cô gái này đúng là sôi nổi theo kiểu trẻ con. Ai lại để nguyên quần áo đơn giản thế kia nói chuyện với người lạ. Tóc tai vẫn bù xù. Làn tóc cô vàng thẫm và rất dầy, chắc vừa rồi lúc đọc báo cô luôn thọc tay lên mái tóc. Nhưng dù ăn mặc đơn giản, không trang điểm nhưng Lorna vẫn lồ lộ sắc đẹp tự nhiên của cô. Jens Harken chưa từng thấy ai đẹp như Lorna bao giờ.
- Tôi đi thôi, kẻo ông chủ chờ.
- Anh đừng lo, - Lorna vịn hai tay vào khung cửa dướn người ra hành lang, trỏ về phía bên kia cầu thang lớn, - Đấy phòng có cửa đóng ấy.
- Vâng, tôi nhìn thấy rồi, cảm ơn cô. Jens định đi.
- Harken! - Lorna thì thầm.
Jens Harken đứng lại quay mặt nhìn cô gái.
- Chúc anh thành công. - Lorna thì thầm.
- Cảm ơn cô.
Lúc Harken bước đến trước cánh cửa khép của phòng giấy ông Gideon, anh ngoái đầu nhìn lại, thấy Lorna vẫn đang nhìn theo. Cô đưa lên hai ngón tay ra hiệu. Harken giơ bàn tay lên đáp lại rồi gõ cửa. Lúc tiếng ông Gideon trong phòng vọng ra: "Cứ vào" Harken ngoái lại vẫn thấy Lorna còn nhìn theo anh.
Phòng giấy ông Gideon có hai cửa sổ lớn nhìn ra vườn. Bàn giấy rất to, ông Gideon ngồi ở đó. Hai bên là những giá đựng sách. Trong phòng sực nức mùi xì gà và mùi da thuộc, mặc dù gió ngoài hồ thổi vào khá mạnh làm rèm cửa bay phần phật. Phòng nửa sáng nửa tối. Phía ngoài có ánh nắng chiếu vào thì rất sáng, nhưng bên trong khá tối. Góc phòng bên trong có kê một chiếc bàn thấp trên có quả địa cầu và mấy cuốn sách đóng gáy da, mấy chiếc ghế.
- Harken! - Ông Gideon chào nhạt nhẽo.
- Chào ông chủ, - Harken đứng lại trước bàn giấy. Anh không dám ngồi mặc dù trong phòng còn bốn ghế trống.
Ông Gideon để mặc Harken đứng đó, nhấc điếu xì gà đưa lên miệng, kẹp giữa hai hàm răng, chăm chú quan sát tên đấy tớ. Khói thuốc bay chập chờn. Ông im lặng một lúc cốt trấn áp Harken rồi mới bắt đầu nói. Nhưng Harken vẫn tỏ ra bình thản. Anh đứng thoải mái, hai tay buông thõng hai bên sườn.
- Vậy đấy! - Cuối cùng Gideon bỏ điếu thuốc ra cầm tay, giọng ồm ồm oai vệ nói, - Anh cho là anh biết cách đóng thuyền chăng?
- Vâng, thưa ông chủ.
- Loại thuyền chạy nhanh?
- Vâng, thưa ông chủ.
- Anh đã đóng bao nhiêu tầu thuyền rồi?
- Khá nhiều rồi thưa ông chủ. Trong một xưởng đóng tầu trên vịnh Barnegat.
Gideon vô cùng ngạc nhiên, nhưng ông dấu tình cảm đó. Vịnh Barnegat, thuộc New Jersey là nơi chuyên đóng tầu thuyền loại hảo hạng. Các tạp chí ngành tầu thuyền thường xuyên kể về hoạt động của xưởng đóng tầu ấy. Gideon nhành môi, ngậm điếu xì gà, ngẫm nghĩ làm cách nào để trấn áp thằng con trai vẫn tỏ ra thản nhiên đang đứng trước mặt ông.
- Nhưng anh đóng chiếc nào theo kiểu anh nói chưa?
- Chưa, thưa ông chủ.
- Cho nên anh chưa biết kiểu thuyền đó có chạy vững không chứ gì?
- Thưa ông chủ, tôi biết là nó không thể lật nghiêng và cũng không thể đắm được.
Gideon quắc mắt nhìn Harken:
- Anh biết? Nhưng lấy gì làm bằng là anh đoán đúng? Bỏ tiền vào một thứ còn chưa chắc chắn như thể thì không được!
Harken không nhúc nhích cũng không nói gì. Vẻ mặt anh thản nhiên, mắt nhìn thẳng vào mắt ông chủ. Gideon Barnett thấy khó chịu với thằng cha quá điềm tĩnh này.
- Một số người ở đây gây áp lực để tôi phải nghe anh trình bày.
Jens Harken vẫn im lặng, buộc Gideon phải nói tiếp:
- Vậy anh nói đi! - Ông gần như quát lên.
- Thưa ông chủ, tôi muốn vẽ lên giấy, nếu ông chủ hiểu được cách thiết kế tầu thuyền
Giọng thằng ranh này tự tin và kiêu ngạo làm Gideon muốn bạt tay nó vài cái. Ông hy vọng nó sẽ phải van nài ông, nhưng nó làm ra vẻ như không cần đến ông. Nó còn dám coi thường ông nữa chứ! Chủ tịch Câu lạc bộ thuyền buồm White Bear đồng thời là tay đua thuyền buồm cự phách, mà lại không hiểu về cách thiết kế tầu thuyền thì thật không thể nghe được! Nó khinh ta quá đáng.
Gideon có nén giận quăng cây bút chì lên mặt bàn, bên cạnh tờ giấy, gắt:
- Vẽ đi!
Jens Harken nhìn cây bút chì, nhìn ông chủ rồi lại nhìn cây bút chì. Cuối cùng anh làm như miễn cưỡng, một tay đè tờ giấy, một tay nhấc cây bút chì bắt đầu vẽ.
- Ông chủ muốn sang đây cùng nhìn với tôi hay tôi phải sang phía bên phía ông chủ?
Cằm Gideon bạnh ra, nhưng ông đành bỏ thái độ trịch thượng, đứng lên, đi vòng sang đứng bên cạnh Harken, trong khi anh tiếp tục vẽ, một tay vẫn chống lên bàn.
- Để ông chủ dễ hiểu, tôi vẽ hai kiểu thuyền hoàn toàn khác nhau. Tôi không muốn nói nhiều về loại khoang thuyền khum. Tôi muốn nói về loại khoang thuyền phẳng, đáy bằng, nhẹ và phần chìm dưới nước ít, khi chạy chỉ hơi chạm mặt nước.
Harken đã vẽ sơ đồ của hai loại thuyền và giải thích ưu thế từng loại. Loại anh đề xuất, khi chạy, thuyền sẽ nhấc bổng mũi lên. Phần chìm dưới nước bị thu nhỏ tới mức tối thiểu, giảm tối đa sức cản của nước. Harken nói về chiều dài và trọng lượng con thuyền. Chiều dài không cần dài vì buồm sẽ nhỏ hơn loại buồm hiện nay. Anh vẽ sơ đồ và cho Gideon thấy một loại thuyền buồm chưa từng được đóng bao giờ. Thuyền không có khung xương.
- Không có khung xương thì vật nặng làm gia trọng để đâu? - Gideon hỏi.
- Thủy thủ sẽ tự họ làm nhiệm vụ tạo trọng lượng cân bằng, không cần dùng bao cát hay thứ gì làm gia trọng nữa.
- Chỉ mấy người điều khiển cũng đủ giữ cân bằng cho thuyền được sao?
- Không thưa ông chủ,. Không phải chỉ họ mà thuyền còn có hai tấm gỗ đáy. Tuy không dùng khung xương nhưng lại dùng hai tấm gỗ đáy có thể đưa lên đưa xuống tùy lúc.
Harken vẽ lên giấy hai tấm gỗ đáy, nói tiếp:
- Hai tấm gỗ này hết sức cơ động, có lúc một tấm đưa lên, một tấm đưa xuống. Hoặc cả hai cùng lên, mà cũng có lúc đưa cả hai xuống.
Gideon Barnett nghiên cứu bản vẽ một lúc lâu.
- Anh vẽ bản thiết kế tỉ mỉ được chứ?
- Vâng, thưa ông chủ.
- Và anh có thể thi công lấy?
- Vâng, thưa ông chủ.
- Một mình anh?
- Vâng. Tôi chỉ cần thêm một người nữa giúp lúc cần uốn cong một số tấm gỗ và lúc lát sàn thuyền.
- Tôi không có ai để giúp anh đâu.
- Tôi sẽ tự tìm, nhưng ông chủ phải trả công thợ cho người đó.
- Chi phí hết bao nhiêu?
- Toàn bộ con thuyền ạ? Trong vòng bảy trăm đô la.
Gideon suy nghĩ một lát:
- Anh cần thời gian bao lâu?
- Ba tháng. Nhiều lắm là bốn tháng, kể cả phần trang bị bên trong và sơn. Tôi cần một số đồ nghề và một nhà xưởng, có vậy thôi. Mọi thứ khác, kể cả nồi hơi tôi cũng có thể tự chế lấy được.
Gideon Barnett ngắm lại bản vẽ một lúc nữa. Dụi điếu xì gà vào cái gạt tàn rồi đi ra cửa sổ. Ông đứng nhìn bờ hồ một lúc lâu.
- Chỉ một thứ tôi không làm được là những bộ phận bằng sắt và buồm. Buồm thì ta có thể đặt làm ở Chicago.
Câu nói của Jens Harken làm Gideon quay đầu lại:
- Thuyền sẽ đóng xong vào mùa thu, buồm may xong vào mùa đông. Mùa xuân sang năm, khi mùa bơi thuyền bắt đầu, ông chủ đã dùng nó tập luyện được rồi.
Harken đặt bút chì xuống, đứng thẳng người lên, nhìn vào mắt ông chủ.
Gideon không nói gì, Harken bèn nói thêm:
- Tôi đã đi thuyền rất nhiều, thưa ông chủ. Cha tôi từng dùng thuyền buồm đi khắp thế giới. Ông nội tôi cũng là dân đi biển. Tổ tiên tôi là người Vikin 1 - Tôi đoán thế. Tôi biết chắc chắn kiểu thuyền tôi vừa vẽ sẽ chạy rất tốt cũng như tôi biết chắc chắn là do đâu mà tôi yêu sông nước đến thế.
Gian phòng im ắng kỳ lạ trong lúc Gideon Barnett tiếp tục quan sát chàng trai.
- Anh rất tự tin, đúng không?
- Tùy ông chủ muốn gọi nó là gì, nhưng tôi tin tưởng chắc chắn là con thuyền kiểu này sẽ chạy rất tốt.
Gideon Barnett chắp tay sau lưng, kiểng chân lên, giập xuống rồi nói:
- Tôi suy nghĩ thêm đã.
- Vâng, thưa ông chủ, - Jens Harken bình thản nói. - Tôi xin phép xuống bếp làm công việc tiếp.
Suốt từ lúc quay gót đi ra đến cửa phòng giấy Harken luôn thấy cảm giác ông chủ nhìn theo anh và anh càng cảm nhận được sự miễn cưỡng của ông chủ không muốn tin vào cấp dưới. Đồng thời Harken cũng cảm nhận thấy lòng cay cú của Hideon Barnett muốn thắng trong mọi công việc ông ta đã nhúng tay vào.
Lorna đã kể rằng cha nàng rất uất mỗi khi phải thua ai chuyện gì. Điều nay Harken nhận thấy rất rõ qua buổi gặp gỡ hôm nay. Anh tự hỏi, nếu như Gideon Barnett bỏ tiền ra để anh đóng thuyền và con thuyền đó đạt giải nhất trong Hội đua thuyền sang năm thì ông ta sẽ đền công anh thứ gì?
Jens Harken trở về bếp theo lối đi ngắn nhất và thấy cửa phòng Lorna đóng. Trong bếp mọi người đang ngồi xung quanh bàn ăn bữa phụ và uống trà. Vừa thấy Harken ló mặt vào, tất cả đã ùa đứng dậy. Bác Schmitt nóng ruột nhất:
- Ông chủ bảo sao? Ông chủ có chịu để cậu đóng con thuyền ấy không? Cậu vào trong phòng giấy của ông chủ chứ? Cuộc gặp diễn ra như thế nào?
- Chưa ra làm sao cả, - Jens giơ tay lên để mọi người đừng vội phấn khởi, - Ông chủ bảo còn phải suy tính thêm nữa.
Vẻ mừng rỡ biến mất trên các khuôn mặt.
- Tôi đã trình bày được đầy đủ và làm ông chủ phải suy nghĩ, thế cũng tốt rồi, -Harken nói giọng an ủi.
- Phòng giấy của ông chủ ra sao? - Cô giúp việc Ruby hỏi.
Trong lúc Harken đang miêu tả thì cửa bếp thông ra cầu thang xoáy ốc bật mở. Lorna Barnett bước vào
- Cha tôi bảo làm sao, Harken? - Nàng cuống quít hỏi.
Lorna lặt bộ quần áo nhầu nát lúc nãy nhưng lần này áo cài khuy lên tận cổ và chân đầy đủ giầy, tất. Nàng đi thẳng vào phía trong, đến cạnh bàn nơi mọi người làm đang tụ họp để ăn bữa nhẹ. Trông cách ăn mặc giản dị của Lorna lúc này, người ta có cảm tưởng nàng cùng làm việc với họ. Cặp mắt nàng trong veo như nước trà, má đỏ ửng vì vừa chạy xuống thang gác, miệng hé mở vì xúc động.
- Ông chủ hỏi tôi có thể đóng một thuyền buồm chạy nhanh được không? Tôi trả lời được. Ông chủ bảo tôi vẽ ra giấy và khi tôi vẽ xong, ông chủ bảo ông chủ sẽ suy tính xem thế nào.
- Chỉ có vậy thôi? - Sự phấn khởi trên mặt Lorna biến mất rồi chuyển thành giận dữ - Ôi, cha tôi đúng là ngoan cố! - Nàng đấm tay vào không khí - Nhưng anh có cố gắng thuyết phục cha tôi chứ?
- Tôi làm tất cả những gì tôi có thể làm. Nhưng tôi không thể ép ông chủ được!
- Tất nhiên rồi. Cha tôi có thói không để ai tác động. Cụ thích thế nào là cụ làm, ai nói gì cũng để ngoài tai.
Mọi người im lặng lúng túng. Không ai biết nên tỏ thái độ thế nào trước mặt một thành viên của gia đình chủ nhà.
Thấy vậy bác Schmitt bèn nói:
- Mời cô uống trà ăn bánh, cô Lorna, nếu cô không chê.
Lorna liếc nhìn lên bàn nói:
- Ô, không tôi sẵn sàng.
- Ruby, chị lấy chiếc cốc pha lê. Colleen, ra lấy ly rượu bạc hà. Glynnis, đem khay ra đây. Harken cậu lấy đá vào cho cô chủ.
Mọi người vội vã thi hành lệnh, để Lorna đứng lại một mình bên cạnh bàn bếp nhìn họ. Bác Schmitt đang loay hoay bầy các thứ mọi người đem đến lên khay chợt nhận thấy Lorna vẫn còn đứng chờ.
- Tôi sai con Ernesta bưng lên ngay bây giờ. Cô chủ muốn ăn ở trong phòng hay ngoài hiên?
Lorna liếc nhìn Harken lúc này đang bỏ đá vào chiếc bát to. Nàng nhìn vào bàn nói:
- Tôi ăn ngay tại đây được không?
- Dưới bếp này ạ, thưa cô?
- Dưới này thì sao? Hình như mọi người đang ngồi ăn, vậy tôi cùng ngồi ăn với tất cả được không?
Bác Schmitt thoáng ngạc nhiên, nhưng cũng trả lời: - Được, nếu cô chủ thích thế.
Lorna ngồi xuống.
Bác Schmitt bưng khay bằng bạc đến, trong đựng các thìa nĩa sang trọng, khăn ăn thêu, cốc pha lê, đặt lên đầu bàn. Trong khi phần bàn còn lại bừa bãi các thức ăn đang dở dang và dao thìa của đầy tớ
Mọi người im lặng ngỡ ngàng.
Ruby đặt ấm trà lên bàn rồi quay ra.
Lorna từ từ nhấc chiếc nĩa. Đám người làm nhìn nàng. Lorna cắt một khoanh bánh rồi dừng lại. Nàng thấy chưa bao giờ lạc lỏng như thế này. Nàng ngẩng nhìn Harken, vẻ mời mọc.
- Vâng, - Harken như sực tỉnh, chắp hai tay xoa vui vẻ - Bác Schmitt, tôi cũng ăn thêm một chút bánh và uống ít trà.
Anh kéo ghế ngồi xuống thoải mái, nhắc ấm trà rót vào cốc.
- Ta cùng ngồi ăn thêm chút ít chứ? - Bác đầu bếp Schmitt nói và mọi người bắt chước Harken cũng ngồi xuống.
Bữa ăn lại tiếp tục. Lorna hỏi:
- Ông cụ thân sinh bác Chester ra sao rồi? Có ai nghe thấy tin tức gì không?
- Đã đỡ rồi. Bác Chester bảo cụ bắt đầu ăn được đôi chút.
- Còn mẹ bác thì sao rồi, bác Schmitt? Tôi tưởng hôm chủ nhật bác về thăm cụ?
Không khí đã bắt đầu bình thường trở lại. Mọi người vừa ăn bánh, uống trà vừa trò chuyện vui vẻ. Trong mười phút ngồi đây, Lorna thầm theo dõi từng cử chỉ động tác của Jens Harken. Nàng thấy anh cắt một khoanh bánh lớn ăn thoải mái và uống một lúc hết ba phần tư cốc trà. Lát sau Harken xắn hai ống tay áo, vừa ăn vừa trêu cô Glynnis về con cá cô bảo câu được ngoài hồ.
Lúc Ruby nhấc ấm trà, đến bên cạnh Harken rót thêm vào cốc cho anh, anh mỉm cười với cô và vô tình đụng vào vai Lorna. Harken hỏi bác đầu bếp Schmitt về công việc nhà bếp, và hai người đùa với nhau. Harken lại vô tình đụng đầu gối vào đầu gối Lorna. Anh quay sang thản nhiên nói:
- Xin lỗi!
Bác Schmitt nhìn lên đồng hồ treo tường nói:
- Ôi, muộn rồi, còn thùng dưa chuột chưa rửa để muối, rồi khoai tây chưa gọt. Thời gian đi nhanh quá. Ta đi làm thôi.
Mọi người đứng dậy, Lorna nói:
- Cảm ơn về trà và bánh. Cả hai thứ đều rất ngon.
- Lúc nào cô thích mời cô lại xuống, - Bác Schmitt nói. - Bất cứ lúc nào cũng được.
Mọi người ai vào việc nấy. Lorna mỉm cười với bác đầu bếp rồi đi nhanh ra cửa để lên cầu thang xoáy ốc. Mọi người vừa làm việc vừa nhìn theo cô chủ. Harken đã chạy ra trước, mở cửa cho Lorna. Nàng khẽ mỉm cười nhìn anh.
Harken cũng đáp lại theo đúng phép tắc:
- Chào cô!
- Cảm ơn, Harken!
Lorna đi rồi, Harken quay vào bếp thấy mọi người đều bận bịu làm việc, trừ Ruby. Chị ta đang rửa rau, ngừng lại nhìn Harken vẻ không tán thành. Lúc anh đi ngang qua chị, Ruby khẽ nói:
- Tại sao cô ấy không hỏi cha cô ấy có hơn không, việc gì lại xuống tận đây hỏi anh?
- Cô cứ làm công việc của cô đi, Ruby! - Harken nói rồi ra khuân sọt rau vào bếp.
Dịp nghĩ cuối tuần đó, Câu lạc bộ thuyền buồm White Bear tổ chức đua thuyền trong nội bộ. Hai mươi hai chiếc tham dự. Gideon Barnett mặc tấm áo phong đồng phục của hội viên với bốn chữ tắt lớn in trên ngực, trực tiếp điều khiển con thuyền Hung Bạo của ông. Lúc về đích, ông đứng thứ hai.
Sau đấy lúc ngồi uống rượu trong trụ sở Câu lạc bộ, ông phàn nàn với Tim Iversen:
- Trong cuộc thi vừa rồi, tôi mất một trăm đô la cho lão Percy Tufts. Cay quá!
Tim Iversen hít một hơi thuốc trong tẩu, đáp:
- Thì ông đã có cách để gỡ rồi còn gì.
Gideon ngẫm nghĩ một lát, nói:
- Ông đừng nghĩ rằng tôi bỏ qua chuyện đó.
Gideon không bỏ qua ý kiến đề xuất của Jens Harken. Ông suy tính mãi cho đến tối hôm sau mới đưa câu chuyện ra nói với vợ. Hai vợ chồng đang trong phòng ngủ, sắp sửa lên giường. Gideon đứng trước lò sưởi nguội tanh, mặc quần soóc, hút điếu xì gà cuối cùng trong ngày. Đột nhiên ông nói:
- Levinia! Anh định dùng thằng giúp việc dưới bếp đóng một con thuyền mới cho anh đấy.
Bà Levinia đang leo lên giường bỗng dừng lại:
- Anh làm thế chị Schmitt lại đòi xin thôi việc thì sao?
- Không đâu.
- Căn cứ vào đâu anh tin như thế?
Bà Levinia đã leo lên tấm nệm cao và nằm xuống ôm gối:
- Bởi anh chỉ dùng thằng ấy một thời gian. Ba tháng, tối đa bốn tháng Sau đó nó lại quay vào bếp giúp việc chị ta như cũ. Anh định sáng mai sẽ bảo nó.
- Ôi, Gideon, sẽ sinh lắm chuyện rắc rối đấy.
- Không sao. Nhưng anh cũng báo em biết để bảo dưới nhà bếp.
Ông tắt điếu xì gà rồi leo lên giường với vợ.
Levinia đã định tiếp tục can chồng, nhưng lại sợ sẽ lập lại vụ hai vợ chồng to tiếng hôm nọ. Bà đành bấm bụng không nói gì chỉ thầm nghĩ, lại phải kiếm thêm người thay thằng Harken một thời gian.
o O o
Chín giờ sáng hôm sau Gideon Barnett sai gọi Jens Harken lên phòng giấy của ông. Lần này gian phòng sáng sủa hơn. Ánh sáng bên ngoài tràn qua cửa sổ vào tận cuối phòng. Tuy nhiên Gideon vẫn đánh bộ đầy đủ, có cả gilê, với sợi dây vàng đeo hồ quả quít lủng lẳng trước bụng. Nét mặt ông cau có và nghiêm nghị hơn thường lệ.
- Harken, thôi được! Tôi cho anh ba tháng. Nhưng anh phải đóng cho tôi một con thuyền đủ sức chạy nhanh để tôi đánh bại các thuyền buồm của Câu lạc bộ Minnetonka. Anh hiểu chứ?
Jens Harken cố nén một nụ cười:
- Vâng thưa ông chủ.
- Khi nào đóng xong, anh lại về bếp làm việc như cũ.
- Vâng, tất nhiên là như thế.
- Anh nói với bác Schmitt là tôi không lấy anh đi hẳn đâu, để bác ta khỏi làm reo.
- Vâng, thưa ông chủ.
- Anh có thể dùng ngôi nhà kho bỏ hoang ở cuối vườn, sau nhà kính trồng cây và khu vườn rau làm xưởng. Tôi sẽ nói với ông bạn tôi là Matthew Lawless để anh đến cửa hàng sắt của ông ấy, tha hồ lấy thứ gì cũng được. Sau khi bàn giao công việc ở nhà bếp xong, anh đáp tầu hỏa ra thành phố Saint Paul ngay. Anh Steffens chở anh ra ga. Cửa hàng sắt của ông Matthew nằm ở góc phố số Bốn và phố Wabasha. Còn ván thì cũng thế, anh tha hồ mà chọn và lấy ở cửa hàng của ông Thayer. Anh biết chỗ rồi chứ?
- Biết, thưa ông chủ. Nhưng tôi xin với ông chủ một điều. Trong số dụng cụ và gỗ ván ấy, tôi xin phép được trả tiền các khuôn.
- Tại sao? - Gideon ngạc nhiên nhìn chàng trai.
- Tôi muốn sau khi đóng xong cho ông chủ, được giữ lại những cái khuôn đó.
- Thì anh cứ giữ!
- Vâng, thưa ông chủ. Tôi hy vọng sẽ được đóng một con thuyền của riêng tôi. Khi đó vẫn có thể dùng những cái khuôn kia được.
- Tốt lắm. Còn dụng cụ đồ nghề... - Gideon gãi lông mày nói.
- Đồ nghề tôi đã có đủ, thưa ông chủ.
- Ra thế, - Gideon buông thõng hai tay xuống, - Vậy thì tốt, tất nhiên rồi. Tốt.
Ông bỗng mất đi vẻ kênh kiệu ban nãy và đứng sững suy nghĩ.
- Từ lúc này anh hoàn toàn làm trực tiếp với tôi hiểu chưa?
- Vâng, thưa ông chủ. Thời gian tới tôi có thể mướn thêm một người giúp tôi, được không ạ?
- Được, nhưng anh chỉ thời gian nào hết sức cần thiết.
- Tôi hiểu.
- Anh vẫn ăn uống cùng với các đầy tớ dưới nhà bếp như trước đây. Và tôi hy vọng anh làm việc cũng theo giờ giấc như khi còn làm dưới nhà bếp.
- Cả chủ nhật sao, thưa ông chủ?
Gideon có vẻ khó chịu với câu hỏi, nhưng cũng đáp:
- Chủ nhật cho anh nghỉ, tất nhiên.
- Trước khi ra thành phố Saint Paul, tôi muốn xem qua ngôi nhà kho sẽ dùng làm xưởng ở sau nhà kính. Được không, thưa ông chủ?
- Nếu vậy anh báo cho Steffens biết lúc nào anh lên đường.
- Vâng, thưa ông chủ. Còn tiền vé tàu thì sao ạ?
Miệng Gideon mím lại, nét mặt căng ra. Môi trên của ông dường như run rẩy đằng sau hàng ria mép.
- Chà, anh đòi hỏi hết thứ này đến thứ khác! Anh muốn tôi nổi cáu và tống anh ra khỏi cái nhà này sao? Thôi được, tôi báo trước, Harken, đừng gây khó khăn thêm cho tôi nữa đấy. Nên nhớ anh là phụ việc dưới nhà bếp, không phải thứ gì ghê gớm đâu.
Mặt Gideon đanh lại và ông móc túi lấy ra một đồng tiền lẻ quăng lên bàn:
- Tiền vé tàu đây! Bây giờ thì anh cút đi!
Harken nhặt đồng năm hào, thầm nghĩ, chẳng lẽ mình bỏ tiền túi ra mua vé cho xong, để ông già keo kiệt kia giầu thêm lên một chút. Anh vẫn phải tiết kiệm từng đồng năm hào một trong số tiền anh dành dụm được thời gian qua, trước khi vào làm trong nhà bếp ở đây. Vì từ ngày làm chân sai vặt cho bác đầu bếp Schmitt anh chưa dành ra được đồng nào.
Ngoài ra Harken đã được nghe nhiều chuyện về ông chủ của anh. Gideon chỉ rộng rãi với người ngoài cùng tầng lớp ông ta, còn với kẻ ăn người làm trong nhà thì ông keo kiệt khủng khiếp. Mỗi lần sai đầy tớ đi đâu, cấm bao giờ ông chi tiền tầu xe cho họ. Ông để mặc họ bỏ tiền túi ra để mua vé.
Jens Harken thản nhiên bỏ đồng năm hào vào túi.
- Cảm ơn thưa ông chủ! - Anh nói rồi đi ra.
Lúc anh vào bếp mọi người ồn lên, người mừng cho anh cũng có, người than phiền cũng có.
Bác đầu bếp Schmitt nhăn nhó:
- Những ba tháng! Tôi kiếm đâu ra người làm các việc khuân vác nặng nhọc cho tôi bây giờ! Mấy đứa con gái kia làm sao vần nổi mấy thùng dưa?
Colleen cô gái gốc Ai Len thì giễu:
- Bác yên tâm, rồi ông chủ sẽ mướn chúng ta làm những thứ ngoài công việc nhà bếp đấy.
Ruby, cô gái trẻ khác lẩm bẩm:
- Này, coi chừng đấy Jens! Cứ qua lại trên gác mãi là phiền đấy. Chỉ nên vào phòng giấy của ông chủ thôi, đừng có mà vào phòng khác. Nhớ rằng họ là chủ, mình là đầy tớ, giai tầng khác nhau. Cô chủ xem chừng đang muốn chài anh. Cẩn thận đấy!
- Bậy nào, Ruby! - Harken nói rồi đi ra.
Lúc bước chân trên bãi cỏ trong vườn, Jens thấy dường như mình được tái sinh. Nắng hè sao đẹp lắm vậy và những bông hoa kia sao hôm nay thơm ngát đến thế!
Harken đi vòng qua những luống hoa và ngôi nhà kính trồng cây. Phía sau là một khu vườn rộng, được chăm tỉa hết sức tỉ mỉ. Nhìn thấy bác làm vườn Smythe ở phía xa, đội mũ rơm rộng vành, đang tỉa những cây cảnh cao ngang đầu bác, Harken vui vẻ nói to:
- Chào bác Smythe! Vườn thượng uyển của bác ra sao rồi?
Bác ngẩng đầu lên, cười. Bác có kiểu cười không bao giờ mở hết miệng, kiểu cười của người ĂngLê có giáo dục. Thấy Harken đi tới gần bác nói:
- Vẫn thế, chào cậu Harken!
- Những cây nho đen vẫn tốt chứ bác?
- Tốt và năm nay rất sai quả. Tôi hy vọng giữa tuần sau có thể hái một ít lên cho bà chủ thưởng thức lứa quả đầu mùa.
Mọi người trong bếp đều biết tài ba và lòng yêu nghề của bác làm vườn này, Smythe đã ghép được một thứ quả nho màu đen rất to và ngọt, được giải thưởng trong cuộc thi trồng rau quả vừa rồi. Bác rất khéo hãm các loại quả để đúng khi nào bà chủ Levinia muốn, bác mới tạo cho nó chín.
- Tôi nếm một quả này được không? - Jens hái một quả anh đào bỏ vào miệng, trong lúc bác Smthe chưa kịp cho phép, - Ngon tuyệt! Bác Smythe! Bác biết sắp tới có thể tôi phải đưa ra ngoài một số dụng cụ bác vẫn để trong ngôi nhà kho kia đấy!
- Sao thế? - Bác Smythe lộ vẻ khó chịu. Bác có cách biểu lộ khó chịu rất nhẹ nhàng và vẫn lịch sự. - Nhà bếp định dùng chỗ đó làm gì à?
- Ồ, không. Bác Smythe ạ, tôi không còn làm ở nhà bếp nữa rồi. Ông chủ vừa giao cho tôi đóng thuyền ở đây, trong ngôi nhà kho bỏ hoang cuối vườn.
Sythe ngơ ngác nhìn theo, tay vẫn cầm chiếc kéo tỉa cây.
Tâm trạng hồ hởi vui tươi, Harken sải chân dài giữa những hàng cây ăn quả, giữa những luống rau các loại, ra phía cuối khu vườn. Anh thầm nghĩ "Vậy ra mình đã thành thợ đóng tầu như trước đây và như mình khao khát!" Anh đứng lại nhìn ngôi nhà gỗ đổ nát giữa khu vườn rộng xanh um. "Chà rong ba tháng mình sẽ được làm việc ở đây, giữa thiên đường này, xung quanh là cây cối và chim chóc. Mình sẽ làm ở đây, một mình, công việc mình thích thí thú nhất trên đời: đóng tầu thuyền! Mình sẽ vừa làm vừa ngắm những tàn lá cây xanh rờn kia và nghe tiếng chim hót!"
Jens đã vào đến ngôi nhà kho bỏ hoang ở cuối vườn, sắp tới sẽ là xưởng đóng tàu của anh. Anh ngẩng nhìn lên rui mè xem thử có chịu nổi khi anh mắc tời lên đó không. Anh tính toán chỗ đặt bể lò, chỗ đặt bàn thợ. Harken nhẩm tính, bây giờ là tháng Bảy. Tháng Chín trời sang thu và tiếp đó tuyết rơi. Phải làm thế nào hoàn thành con thuyền trong vòng ba tháng.
Tính toán sơ bộ xong, Jens Harken nhìn qua cửa sổ ngôi nhà kho trông ra vườn, mơ đến lúc nơi đây sẽ chất đầy những cuộn buồm. Rồi sẽ đến lúc anh đóng chiếc thuyền buồm của anh! Và Jens hình dung đến lúc con thuyền buồm của mình rẽ sóng trên mặt hồ xanh biếc. Cánh buồm căng phồng lên theo gió...
Tháng Mười Một Của Trái Tim Tháng Mười Một Của Trái Tim - Lavyrle Spencer Tháng Mười Một Của Trái Tim