Số lần đọc/download: 866 / 15
Cập nhật: 2015-12-18 11:25:03 +0700
Chương 5 -
T
ừ ngày tờ báo „Tân Phụ Nữ" ra đời, thì những người có trách nhiệm trong tòa soạn đều tận tâm cổ động về sự sáng lập Bình dân Bảo sanh đường trong mấy chỗ đông đảo, để cho đờn bà nghèo đến lúc sanh con, có chỗ sạch sẽ mà nằm khỏi đi xa, lại khỏi bị tay mấy "bà mụ xóm" không có học thức, không biết vệ sinh là gì.
Những bài đăng trong báo cốt nói Nhà nước có lòng thương, muốn cho dân số càng ngày càng thêm đông nên tại Châu Thành Chợ Lớn có lập một nhà bảo sanh thiệt lớn và tại mỗi tỉnh thành cùng tại nhiều quận có lập nhà bảo sanh nhỏ, để giúp cho đờn bà sanh đúng phép có vệ sanh. Đã vậy mà trong nhiều làng lớn Nhà nước còn đặt mụ có bằng cấp đến nhà giúp sanh cho nhơn dân. Nhờ cái chánh sách y tế rất nhơn huệ của Nhà nước như vậy nên mấy mươi năm sau đây cái nạn yểu tử giảm được nhiều. Tuy vậy mà chung quanh Sài Gòn - Chợ Lớn có nhiều xóm như Vĩnh Hội, Cầu Kho, Xóm Chiếu, Tân Định, Đất Hộ, Thị Nghè, Phú Nhuận, Chí Hòa, dân nghèo ở đông đặc, mỗi lần đờn bà sanh phải đi đến nhà bảo sanh Chợ Lớn thì xa quá. Còn ở trong nhiều làng lớn, dầu có mụ của Nhà nước đi nữa, mà không có nhà bảo sanh thì cũng bất tiện cho đờn bà nghèo. Báo „Tân Phụ Nữ" cổ động khuyên mấy bà mấy cô giàu có ở mấy chỗ nói trước đó, phải thương xót chị em đờn bà nghèo khổ, vui lòng chung đậu tiền bạc, ai giàu lớn thì đậu nhiều, ai giàu nhỏ thì đậu ít, đặng cất mỗi chỗ một tòa nhà "Bình dân bảo sanh đường" rồi yêu cầu Nhà nước đặt một cô mụ có bằng cấp ở cai quản và giúp sanh cho nhơn dân. Nhà bảo sanh nầy định có một hạng mà thôi, ai vô nằm mỗi ngày chỉ đóng tiền nhiều lắm là một cắc để ăn cơm mà thôi.
Báo cổ động mới có mấy tháng mà ở xóm Chí Hòa mấy bà mấy cô có lòng từ thiện đã lập được một "Bình dân Bảo sanh đường".
Bữa nay khánh thành nhà bảo sanh ấy, nên những người sáng tạo mời cô Tổng lý báo "Tân Phụ Nữ". Cô Tân Phong nữ sĩ đi dự lễ, lại dắt cô Thanh Lễ theo. Lễ khai mạc hồi 3 giờ chiều, cô Tân Phong đọc một bài diễn văn mà khen ngợi lòng từ thiện của mấy bà mấy cô ở Chí Hòa rồi nói chuyện chơi đến 4 giờ rưởi mới lên xe mà về.
Xe xuống đường Verdun, chừng tới Clinique Cochinchinoise, cô Thanh Lệ biểu cô Tân Phong ngừng lại và nói rằng:
- Chị để tôi ghé thăm cô đốc tơ Vĩnh Xuân một chút, và lấy tiền báo luôn thể.
- Rồi lát nữa làm sao chị về?
- Chị ghé chơi với tôi được không?
- Ôi! Tôi ghé sao được.
- Thôi, chị về trước đi, lát nữa tôi về xe kéo.
- Nè, chị có ghé, như gặp ông đốc tơ Vĩnh Xuân, chị đừng có nói tôi là ai đa, nghe hôn.
- Tôi biết mà. Nói làm chi. Có lẽ tôi sẽ phỏng vấn đốc tơ về cách trị bịnh đờn bà và cách nuôi dưỡng con nít chơi. Mà thế nào tôi cũng xin ổng để quảng cáo cho báo mình.
- Chị muốn xin quảng cáo thì xin, song việc đó không cần chi lắm. Có một điều cần nhứt là chị cần dè dặt.
- Chị để mặc tôi. Chị về đi.
- Lát nữa sẽ gặp nhau.
Cô Tân Phong mở máy cho xe chạy. Cô Thanh Lệ xăng xớm đi vô nhà đốc tơ Vĩnh Xuân. Khi cô bước lên thềm thì người gác cửa tiếp chào và hỏi rằng:
- Thưa, cô muốn coi mạch phải hôn?
- Tôi muốn đến thăm cô đốc tơ.
- Cha chả, rủi quá, bà tôi không có ở nhà.
- Vậy chớ đi đâu?
- Bà tôi về Tân An hổm nay.
- Anh có nghe chừng nào lên hay không?
Người gác cổng liếc mắt ngó cửa phòng coi mạch, rồi bước lại gần cô Thanh Lệ vừa cười vừa nói rằng:
- Bà tôi giận ông tôi, rồi bỏ đi về Tân An, nên không hiểu chừng nào mới lên.
- Sao mà giận?
- Cô vẫn biết, đờn bà có một cái đó mà sanh giặc, chớ có chuyện chi đâu.
- Ghen phải hôn?
Người gác cổng cười mà cô Thanh Lệ cũng cười.
Cô Thanh Lệ hỏi:
- Cô đốc tơ ghen lắm hay sao?
- Tôi nói lỡ nhiều rồi... Cô quen với bà tôi hay là cô quen với ông?
- Tôi là chị em bạn với cô đốc tơ.
- Xin cô thương tôi; sau cô có gặp bà tôi, xin cô đừng có học lại việc tôi thèo lẻo, mà bà đuổi tôi tội nghiệp.
- Anh an lòng, tôi không có học lại đâu mà sợ.
- Cám ơn cô.
Cô Thanh Lệ đứng suy nghĩ một hồi rồi hỏi:
- Ông đốc tơ có nhà hay không?
- Thưa có. Ông tôi ngồi trong phòng coi mạch.
- Có khách nào hay không?
- Thưa, không. Hồi nãy có mấy người bịnh lại, ông tôi coi mạch cho toa, họ đã về hết rồi. Bây giờ ông tôi ngồi có một mình trong phòng.
Cô Thanh Lệ mở hộp lấy một cái danh thiếp đưa cho người gác cổng và nói rằng: "Anh làm ơn đưa tấm danh thiếp đây cho ông đốc tơ và nói tôi xin vô thăm ông một chút". Người gác cổng vừa cười và nói: "Xin cô đừng học chuyện tôi thèo lẻo hồi nãy". Cô Thanh Lệ gật đầu. Người gác cổng mở cửa phòng coi mạch bước vô một chút rồi trở ra mời cô Thanh Lệ vô.
Cô Thanh Lệ vừa bước chân tới cửa phòng thì thấy Đốc tơ Vĩnh Xuân đương đi ra tiếp cô. Ông cúi đầu chào cô một cách rất hiệp lễ, khép cửa phòng lại, rồi chỉ một cái ghế để dựa bàn viết mà mời cô ngồi. Ông ngồi tại bàn viết, ngó ngay cô mà hỏi rằng:
- Chẳng hay cô có việc gì cần tôi, nên cô đến thăm tôi đây?
- Ông là một nhà bác học, ngày giờ của ông quí báu lắm, em đến đây làm phiền cho ông, xin ông tha lỗi.
- Cô chẳng có lỗi chi mà phải xin tôi tha. Thiệt tôi vì chức nghiệp nên ít có thời giờ rảnh. Nhưng hiện bây giờ tôi không mắc bân việc chi hết. Vậy cô có việc chi xin cô tỏ đi. Tôi sẵn lòng nghe.
Cô Thanh Lệ vừa muốn nói, kế chuông điện thoại kêu ren ren, Vĩnh Xuân xin lỗi cô rồi cầm ống mà nghe. Ông nói: "Phải, đây là Clinique Cochinchinoise... Tôi được hân hạnh mà nói chuyện với ai đó?... À, bonjour Tuần...Phải Vĩnh Xuân đây...Mạnh giỏi, cám ơn...Ồ! Công việc thì luôn luôn, làm sao mà đi chơi được. Toa[1] là đốc tơ nhà nước, hết giờ toa nghỉ; còn mỏa[2] bị nhà thương riêng của mỏa tự nhiên mỏa phải lo chớ sao...Hả, toa mới đám cưới? Bữa nào?...mười bảy tháng nầy?...Bữa nào toa đãi tiệc thì mỏa rảnh vô chung vui với, một ít giờ đồng hồ có lẽ được, chớ đi xuống tới được Cần Thơ nà rước dâu thì chắc là không được...Mỏa đi rồi mỏa bỏ nhà thương cho ai...Xin toa tha lỗi...Hả? Ma femme? Cha chả, cái đó mỏa không dám hứa với toa...bởi vì nó giận mỏa đi về dưới Tân An mấy bữa rày. Hôm qua ông thân mỏa lên ép mỏa đi rước nó, mà mỏa bận quá có lẽ nào đi được...Mỏa có biết chừng nào nó lên đâu mà dám hứa với toa cho nó đi rước dâu... Hà? Ối! Cứ cái mửng cũ đó hoài, toa biết mà...Thì ghen chớ có chi đâu...Chớ chi mỏa chơi bời nên ghen là đáng lắm. Ngặt mỏa làm việc muốn bể trí khôn, ngoài chức nghiệp mỏa không biết làm chi nữa, mà cứ ghen hoài, ghen làm cho thân chủ thiệt khổ quá. Chớ sao! Mỏa ngán lắm toa, phải dè như vầy mỏa ở độc thân khéo quá...Ố! Gia đình hạnh phúc! Khỉ mốc chớ gia đình hạnh phúc! Mỏa nếm gia đình hạnh phúc rồi!...Ồ, bạn trăm năm, tri ân tri kỷ, mỏa mong cho toa lắm! Nhưng mà để toa cưới rồi toa sẽ thấy...Ừ, thì cưới con nhà lễ nghĩa chớ sao, mỏa đã chạy một gái thời nay, mà còn muốn chết đây chớ...Cám ơn, mỏa vái cho toa số phước hơn mỏa...Cám ơn, cám ơn... mỏa chúc cho toa cũng vậy...Au revoir "
Vĩnh Xuân móc ống điện thoại rồi ngó Cô Thanh Lệ, cười và hỏi: "Chúng ta nói chuyện tới đâu tôi quên rồi".
Cô Thanh Lệ nãy giờ day ngó chỗ khác, dường như không để ý tới câu chuyện của Vĩnh Xuân nói trong điện thoại, nhưng cô nghe rõ hết, nghe bao nhiêu đó thì đủ hiểu gia đạo của Vĩnh Xuân rồi. Chừng Vĩnh Xuân hỏi cô nói chuyện tới đâu, thì cô đáp rằng: "Chị em chúng em là gái tân học, hiệp nhau lập một tờ nhựt báo đề hiệu "Tân Phụ Nữ" đặng mở đường tấn hóa và binh vực quyền lợi cho phe nữ lưu. Tờ báo chúng em mới ra đời mới có mấy tháng nay mà được chị em trong ba Kỳ hoan nghinh đặc biệt, nên mỗi ngày báo phải xuất bản trên 20 ngàn số mới đủ bán. Em là một viên phụ bút nhỏ mọn trong tòa sọan, song em có nghe ông là một vị bác sĩ đại tài chuyên môn trị bịnh đờn bà và con nít, nên em đến đây xin phỏng vấn ông về cái vấn đề đờn bà. Em muốn biết coi một người đờn bà ở độc thân cô thế sống lâu hơn mọi người đờn bà có chồng hay không, và nếu quả thiệt như vậy thì nhờ duyên cớ nào? Nếu ông vui lòng chỉ dẫn, thì em sẽ ghi lời ông dạy, rồi em đăng lên báo cho chị em phụ nữ biết ".
Vĩnh Xuân chau mày mà hỏi:
- Té ra cô là người ở trong tòa soạn báo "Tân Phụ Nữ"? Phải tờ báo nầy đuổi theo mục đích: "Giải phóng Phụ nữ, công kích hôn nhơn, yêu cầu nam nữ bình quyền, phải không? "
- Thưa, phải.
- Vợ tôi có mua tờ báo ấy. Tôi thường có đọc nữa.
- Nếu vậy thì chị em chúng tôi vinh diện lắm.
- Tôi đọc mà tôi buồn lung lắm.
- Thưa ông, em muốn xin ông tỏ cho em biết coi tờ "Tân Phụ Nữ" có chỗ nào không vừa ý ông, nên ông đọc mà ông buồn?
- Tôi buồn vì tôi thấy mấy cô cày ruộng, mà mấy cô mắc cái cày trước cặp bò.
- Xin ông nói rõ hơn một chút.
- Mấy cô muốn giải phóng nữ, muốn nam nữ bình quyền. Giải phóng làm chi, bình quyền làm chi? Mấy việc ấy không là việc cần ích. Hiện nay đờn bà con gái An Nam được bao nhiêu người có học thức rộng như mấy cô? Ít lắm, phần đông còn quê mùa dốt nát, chưa hiểu nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ. Chớ chi mấy cô đòi đổi tôn chỉ, mấy cô chuyên dạy cho đờn bà con gái An Nam biết phận sự làm vợ, biết nghĩa vụ làm mẹ, thì có ích nhiều lắm. Chưa giải phóng, chưa bình quyền, mà đờn ông còn gần chết thay, nếu được giải phóng, đựơc bình quyền, thì ai chịu cho nổi.
- Thưa ông, em đến đây là quyết phỏng vấn ông, chớ không phải đến để tuyên truyền tôn chỉ. Đã vậy mà em là một viên phụ bút nhỏ trong tòa soạn, em không được phép sửa tôn chỉ của tờ báo. Quyền ấy thuộc về cô Tổng lý. Nếu bữa nào rảnh ông ghé báo quán mà nói chuyện với cô Tổng lý.
- Tổng lý là ai?
- Cô Tân Phong nữ sĩ.
- Cô được bao lớn? Có chồng có con hay chưa?
- Thưa, cô Tân Phong bằng tuổi em, chớ không lớn. Cô thề độc thân không chịu lấy chồng.
- Tôi biết báo quán ở đại lộ Norodom. Ðể bữa nào rảnh tôi sẽ ghé đặng xin đổi tôn chỉ mà dạy dùm đờn bà con gái một chút. Còn cái vấn đề cô hỏi tôi hồi nãy là một vấn đề rất khó giải quyết. Thuở nay nhiều nhà bác sĩ đã làm sách mà nghị luận, người thì nói độc thân bổ ích cho sự sống, kẻ thì cho hôn nhơn có ích. Theo ý riêng của tôi, cho sự độc thân là có ích. Để có rảnh tôi soạn sách luận về vấn đề ấy rồi tôi cho cô mượn cô coi, chớ ngồi nói chuyện thì không thể giải cho hết ý tứ được.
- Nếu được như vậy thì em cảm ơn ông lắm. Em xin phép hỏi ông một điều nầy nữa: Ông đi du học nhiều năm, bây giờ ông trở về quê hương, ông thấy tánh tình và thái độ của đờn bà con gái An Nam có dời đổi hay không?
- Dời đổi nhiều lắm.
- Dời đổi như vậy là hay, hay là dở?
- Vấn đề đó tôi chưa khảo cứu cho tường tận nên tôi chưa dám nói. Khi tôi mới về, tôi thấy con gái tập thời mới tôi coi dở lắm, mà rồi bây giờ tôi lại thấy gái giữ thói xưa tôi coi càng dở hơn nữa. Mà chỗ tôi thấy là bề ngoài. Tôi đương tính khảo cứu bề trong. Chừng nào tôi khảo cứu xong rồi thì tôi mới dám phân đoán.
Hai người nói chuyện tới đó, kế nghe có tiếng giày đi ngoài cửa. Cô Thanh Lệ đứng dậy nói rằng: "Em làm mất thì giờ của ông, em xin ông tha lỗi".
Vĩnh Xuân cũng đứng dậy vừa cười vừa đáp:
- Tôi tha lỗi, nhưng mà tôi buộc cô đừng đem theo những lời tôi nói với cô nãy giờ vào nhựt báo.
- Em chịu hứa lời. Mà em xin ông phải hứa chắc ông sẽ cho em mượn mấy cuốn sách mà ông nói hồi nãy.
- Được. Để tôi sọan rồi tôi sẽ đem lại báo quán mà cho cô mượn, luôn dịp tôi cãi tôn chỉ với cô Tổng lý chơi.
- Ông vui lòng để quảng cáo về nhà thương của ông vào báo "Tân Phụ Nữ" chăng?
- Xin lỗi cô, tôi không ưa làm quảng cáo. Đã vậy mà lúc nầy tôi mệt trí quá, tôi có ý muốn sang nhà thương của tôi cho đốc tơ khác, bởi vậy làm quảng cáo không tiện.
Cô Thanh Lệ từ giã mà ra. Vĩnh Xuân mở cửa đưa cô thấy có người bịnh đương ngồi chờ ở phòng khách thì mời vô liền.
Cô Thanh Lệ về tới báo quán thì đồng hồ chỉ sáu giờ. Cô đi ngang qua cửa phòng quản lý, cô dòm vô, thì thấy đèn sáng trưng, ông Hạo Nhiên còn ngồi tại bàn viết, mà ông không làm việc, ông khoanh tay ngồi ngó sững vô vách, mặt buồn hiu. Cô bèn đứng lại hỏi rằng: "Chừng nầy anh còn ngồi làm chi đó, coi bộ buồn dữ vậy?"
Hạo Nhiên giựt mình day ra, thấy Cô Thanh Lệ thì cười và đáp rằng:
- Ở nhà một mình, về sớm rồi nằm chèo queo đó có ích gì, chờ tối một lát rồi sẽ về cũng được.
- Chị Tân Phong còn ở trên lầu không?
- Còn. Đương nói chuyện với khách ở trển!
- Khách nào đó?
Thì cũng ông Tạ Chí Thành, chớ có khách nào lạ đâu. Bữa nào cũng ra chà lết làm mất thì giờ của người ta quá.
Té ra ông Tạ Chí Thành. Để tôi lên kiềm chế làm cho ổng buồn đặng ổng về cho rảnh.
Cô Thanh Lệ lên phòng Tổng lý, thấy cửa mở thì cô đi đùa vô, bắt tay chào Tạ Chí Thành rồi kéo ghế ngồi gần cô Tân Phong mà nói rằng:
- Tôi gặp rồi.
- Gặp ai?
- Gặp người chồng.
- Có phỏng vấn hay không?
- Cuộc phỏng vấn thì hỏng, nhưng mà tôi biết nhiều chuyện khác ngộ lắm.
- Chuyện gì?
- Mắc có khách nên không lẽ tôi nói. Để khách về rồi tôi thuật lại cho nghe. Chuyện hay lắm!
- Tạ Chí Thành biết nếu mình ngồi lỳ nữa thì người ta buồn, nên đứng dậy nói rằng: "Thôi để tôi đi để cho hai cô nói chuyện riêng".
Cô Tân Phong nói rằng:
- Không mà. Chị em tôi nói chuyện về tờ báo, chớ có chuyện riêng gì đâu, ông đừng ngại.
- Tôi muốn mời hai cô đi ăn cơm với tôi chơi.
- Tôi với anh Hạo Nhiên mới đi ăn cơm với ông hôm qua rồi; sao bữa nay ông còn mời nữa?
- Bữa nay đi với cô Thanh Lệ.
- Cha chả! Nếu ông nhức định nuôi cơm chúng tôi hằng ngày thì ông nói trước cho chúng tôi biết đặng đuổi đầu bếp đã chớ.
- Mấy cô đuổi hết đầu bếp đi. Tôi sẽ mời mấy cô đi ăn cơm luôn luôn.
- Cám ơn ông. Nói chơi với ông chớ bữa nay chị em chúng tôi mắc làm việc, đi ăn nhà hàng không tiện. Xin để bữa khác.
- Mai được hôn?
- Tôi không dám hứa trước.
- Để tối mai tôi ra nữa. Còn việc lập nhà bảo sanh đó, xin cô vui lòng cho phép tôi làm như vậy, đừng ngại chi hết.
- Ông trọng tôi quá.
- Người đáng trọng mà không trọng, vậy chớ trọng ai?
- Ông làm tôi ái ngại quá.
- Có chi đáng ngại đâu. Tôi xin phép hai cô cho tôi về.
Tạ Chí Thành bắt tay từ giã hai cô rồi xuống thang lầu.
Cô Tân Phong nhận chuông. Người lon ton chạy vô. Cô dạy xuống dưới phòng quản lý nói cho ông Hạo Nhiên hay rằng ông về cũng được, khỏi chờ cô nữa.
Người lon ton ra rồi, Cô Thanh Lệ hỏi:
- Ông Tạ Chí Thành nói chuyện mở nhà bảo sanh ở đâu vậy?
- Ổng nói ổng muốn hưởng ứng theo cuộc vận động của chị em mình, nên ổng xuất tiền cấp một "Bình dân Bảo sanh đường" trong một miếng đất của ổng ở phía Phú Lâm. Ổng cất gần rồi nên xin phép tôi đặng lấy hai chữ Tân Phong và đặt hiệu nhà bảo sanh ấy.
- Được vậy thì tốt lắm. Ổng làm nghĩa mà lai trọng chị nữa.
- Người như vậy mà biết trọng ai? Trọng tình dục chớ trọng tôi. Nếu biết trọng tôi sao cứ ve tôi hoài.
- Cái trọng của người thấp thì như vậy đó chớ sao.
- Bởi người trọng thấp thỏi như vậy nên hồi nãy ổng ghé thăm, chị chưa về, chị Thiên Hương cũng vắng mặt, tôi phải biểu lon ton dặn anh Hạo Nhiên ở lại chờ tôi.
- Lẽ nào ông Tạ Chí Thành dám làm điều vô lễ với chị hay sao mà chị sợ dữ vậy?
- Mình phải đề phòng chớ. Thôi bỏ chuyện đó đi. Hồi nãy chị nói chị ghé thăm ông đốc tơ Vĩnh Xuân. Chị biết được nhiều chuyện ngộ. Chuyện gì đâu chị thuật lai nghe chơi?
- Cô Ngọ ghen tương rồi bỏ đi về Tân An hổm nầy rồi. Ông Vĩnh Xuân rối trí lắm định sang nhà thương.
- Có lẽ nào mà kỳ cục như vậy.
- Thiệt vây chớ, tôi đang nói chuyện thì ông đốc tơ nào đó nói điện thoại, mời ổng đi ăn đám cưới. Ổng nói chuyện nghe chán ngán cuộc vợ chồng quá. Tôi nghe rõ ràng. Mà chừng tôi xin quảng cáo thì ổng lại nói có lẽ ổng sẽ sang nhà thương cho người khác, nên ổng không cần cổ động nữa.
Cô Tân Phong nghe như vậy, thì cô ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi cô thở ra mà nói:
- Ổng chê gái đương thời mang đầm coi không được, Ổng kén lễ nghĩa theo lề lối xưa, té ra ổng cũng không được hưởng hạnh phúc.
- Tôi nói chuyện với ổng, tôi hiểu ý ổng đã ăn năn rồi.
- Dẫu ăn năn thì cũng đã trễ.
- Ổng nói bữa nào rảnh ông ghé báo quán mà nói chuyện với chị.
- Ý! Đến nói chuyện gì? Chị nói xì ra cho ổng biết tôi hay sao?
- Không! Ổng có biết chị đâu. Ổng kích bác chủ nghĩa của tờ báo "Tân Phụ Nữ". Ổng nói rất đỗi đờn bà con gái chưa được giải phóng, chưa đồng quyền với đờn ông đã điên đầu điên óc rồi, nếu cho giải phóng, cho bình quyền thì ai chịu nổi. Ổng khuyên tôi phải sửa chủ nghĩa, lo dạy dỗ cho đờn bà con gái biết đạo làm vợ, biết phận làm mẹ thì có ích hơn. Tôi không chịu cãi với ổng, vì tôi đâu có quyền sửa chủ nghĩa của tờ báo được. Ổng mới nói để bữa nào rảnh ổng sẽ kiếm Tổng lý mà nghị luận chuyện ấy.
- Nếu ổng nói như vậy thì thiệt quả gia đình ổng không được hòa thuận đầm ấm rồi.
- Cái đó tôi biết chắc như vậy. Chẳng những tôi nghe ông nói chuyện điện thoại mà thôi, mà người gác cửa cũng có khai lén với tôi như vậy nữa.
- Nếu vậy thì cái đời của ổng cũng đã hỏng rồi!
- Ối! Có vậy cho ổng sáng con mắt, hết chê gái kim thời.
- Nói chuyện với chị mà ổng còn chê gái kim thời nữa hay không?
- Ổng không chê nhưng mà ổng chưa chịu khen. Bữa nào ổng ghé đến thăm chị, thì chị cho ổng một bài học đặng ổng mở con mắt một chút.
- Không! Tôi không muốn tiếp ổng. Nếu ổng đến đây thì tôi cậy chị, hoặc chị Thiên Hương nói chuyện.
- Chị sợ hay sao?
- Sợ cái gì?
- Sợ ổng nhìn rồi ổng biết chị.
- Nói mà chơi, chớ dầu ổng biết tôi là con Hai Tân mà ổng chê bai phụ rẫy hồi năm ngoái đó đi nữa, cũng không hại gì đến tôi. Bây giờ tôi không muốn gặp mặt ổng là vì ổng chê tôi hư mà tôi chưa hư. Tôi muốn để chừng tôi già, tôi hư đủ cách hết, rồi thì tôi sẽ giáp mặt mà kể hết các chỗ tôi hư cho ổng nghe.
- Chị nói mấy lời thì đủ cho tôi hiểu chị còn thương ông Vĩnh Xuân nhiều lắm.
- Tôi thù, tôi oán, chớ thương!
- Thì bởi thương nên mới oán đó.
Cô Tân Phong ngồi lặng thinh suy nghĩ. Cách một hồi cô dẹp giấy tờ rồi đứng dậy nói rằng: "Thôi, về ăn cơm. Đói bụng rồi".
-----------------------
[1] anh
[2] tôi