Số lần đọc/download: 1510 / 37
Cập nhật: 2016-07-02 00:21:41 +0700
Chương 4: Tiểu Chiêu
Phần 1: Nàng Iphigenia của Kim Dung
Phái mày râu thường chê phụ nữ là hẹp hòi, nông cạn: “Đàn ông nông nổi giếng khơi. Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Nhưng lịch sử nhân loại, và ngay trong cuộc sống đời thường, cho chúng ta thấy những khi đại cuộc gặp cơn khốn quẫn hay gia đình gặp cảnh ba đào cần đến sự hy sinh để cứu vãn tình thế bế tắc, thì chính người phụ nữ mới là người tiên phong tự nguyện. Dường như Thượng đế đã ban cho họ lòng vị tha nhẫn nhục để hướng đến hy sinh, nếu điều đó đem lại bình yên cho người mà họ yêu thương. Phái nam cứ bốc phét huênh hoang về phận mày râu, mà không bao giờ lường hết được tầm mênh mông trong những sự hy sinh thầm lặng đó.
Nguyễn Du đã vì Thúy Kiều mà đem hết tài hoa để dựng lên một tòa tân thanh lặng lẽ giữa bể dâu. Và mười lăm năm luân lạc của nàng đã đem lại cho đời hằng sa ẩn ngữ. Hơn hai ngàn năm trước, nàng Chiêu Quân Trung Hoa ôm tâm sự hận sầu ngược về phương Bắc để gá nghĩa với Hung Nô, và hơn một ngàn năm sau công chúa Huyền Trân nước Việt lại âm thầm giọt lệ để xuôi về phương Nam ngàn dặm. Hai phương trời, hai tâm sự và cách biệt nhau hơn cả ngàn năm, nhưng cái thê lương đau xót chỉ là một.
Đâu phương cố hương? Nào trời cố quận? Quay đầu nhìn lại chỉ thấy mênh mông mây trắng, và ở chốn xa xôi kia là quê hương vĩnh viễn không thể quay về. Mây nước mịt mùng, ngàn dặm tha hương, kẻ anh hùng còn chết điếng cả ruột gan, huống chi phận đào tơ liễu yếu? Rượu có thể tạm đốt cháy đi nổi sầu cô lữ, nhưng lấy gì để an ủi khách má hồng?
Thần thoại Hy Lạp kể rằng, vua Agamemnon đem đại binh tham gia cuộc viễn chinh đánh thành Troie, đoàn chiến thuyền bị gió bắc đánh dạt vào một bến cảng. Nghe lời một nhà tiên tri, nhà vua buộc lòng phải hiến đứa con gái yêu của mình là Iphigenia cho nữ thần Artemis, làm người hầu hòng cứu vãn tình thế.
Thần lại cho gió nổi lên, đoàn quân lại hân hoan giương buồm thẳng tiến, nàng Iphigenia kiều diễm đành một mình ở lại vùng Aulis xa lạ để làm trinh nữ thờ phượng thần linh.
Vì đại cuộc, vâng lại vì đại cuộc (!), phận nữ nhi lại phải hy sinh. Chiến binh các người hay cứ huênh hoang cùng máu lửa nơi chiến trận, và không bao giờ nghĩ đến nỗi se sắt lạnh của lòng ta. Từ đây, ngày ngày ta sẽ là nữ tư tế để chăm sóc đền thờ của Nữ Thần bất tử. Được bao người kính trọng, được gần gũi với cõi bất tử, nhưng đó là cõi bất tử không có tình yêu đôi lứa và sẽ cực hình cho người con gái đang sống với những “reo ái tình trong nhịp máu phân vân" (Xuân Diệu).
Cho nên Nguyễn Triệu, Lưu Thần phải bỏ cảnh thần tiên để quay về với trần giới. Cõi trần gian bụi bặm không thể sánh bằng chốn Bồng Lai, nhưng giữa cõi tam thiên đại thiên thế giới, đây là nơi duy nhất ta được sống trọn vẹn với bi hoan ly hợp của tình yêu, trong tủi nhục ta tìm thấy vinh quang và trong đau khổ ta tìm ra hạnh phúc.
Cái tâm sự hận sầu đau đớn đó của một trinh nữ của trời xưa Hy Lạp lại hiện ra một lần nữa trong tâm sự của Tiểu Chiêu. Hồn Hy Lạp xưa lại về vây phủ Ỷ Thiên Đồ Long Ký! Nếu có ai hỏi trong tất cả các tác phẩm của Kim Dung, người con gái nào xuất hiện ít nhất nhưng mang tâm sự thê lương nhiều nhất, thì chúng ta có thể trả lời không ngần ngại rằng đó là Tiểu Chiêu.
Mẹ nàng – Kim Hoa bà bà – là trinh nữ được Minh giáo Ba Tư cử sang Trung Quốc để tìm cho ra bí cấp trấn giáo là Càn khôn đại nã di tâm pháp. Người đàn bà được giang hồ tôn xưng là đệ nhất mỹ nhân đó đã nửa đường vướng lụy, nhiệm vụ lớn chưa thành thì đứa con gái là Tiểu Chiêu đã ra đời. Và như thế là phạm tội chết đối với luật lệ nghiêm khắc của Minh giáo Ba Tư. Đứa con gái xinh đẹp kia vừa lớn lên đã phải thay mẹ nối tiếp nhiệm vụ thiêng liêng, để mong chuộc lỗi lầm (?) cho mẹ, chỉ có thế mới mong tìm được một con đường quay về cố quốc.
Nàng phải hóa trang gương mặt xấu xí và vờ lạc giữa vùng hoang mạc để cho Quang Minh tả sứ của Minh giáo là Dương Tiêu đem về làm người hầu cho con ông. Chỉ có thế nàng mới đặt chân vào được Quang Minh đỉnh – vùng thánh địa của Minh giáo – để âm thâm dò xét chỗ giấu bí cấp.
Một cô gái xinh đẹp, giòng dõi quyền quý mà phải đóng vai một con hầu để người ta sai khiến mắng chửi nghĩ cũng não lòng lắm thay. Cơ duyên run rủi cho nàng và Trương Vô Kỵ tìm được bí cấp Càn khôn đại nã di viết trên một tấm da dê, trong một đường hầm. Nàng phải dùng máu mình thấm vào tấm da dê cho chữ hiện ra và dịch bản tâm pháp đó ra tiếng Trung Quốc để giúp Vô Kỵ, phối hợp với Cửu dương thần công, luyện thành bản lĩnh vô địch.
Người con trai chân chất vô tâm về từ Băng Hỏa đảo đó đã gieo vào lòng nàng bao ước mơ thầm kín, sau những tháng ngày chỉ biết chịu tủi nhục vì trách nhiệm và bổn phận. Mang tâm pháp về cố quốc Ba Tư để được tôn vinh là nữ thần giữ gìn Lửa Thiêng, hay để tâm pháp lại nơi Trung thổ? Xưa kia, mẹ đã nửa đường đứt gánh, thì giờ đây con cũng xin đứt gánh nửa đường cho trọn nghiệp chữ yêu.
Người con gái đã cúi đầu quy phục tiếng nói của trái tim, và dĩ vãng lại bắt đầu! Quê hương Ba Tư đành xem như đã ngàn trùng sương khói. Thôi thì ta xin chọn quê hương là đây, là nơi có người mà ta yêu đang sống. Làm thê thiếp không được thì làm người hầu cũng tốt, làm tôi tớ cũng xong, miễn sao được trọn vẹn gần gũi chàng để sửa túi nâng khăn.
Cho dù nước chảy có vô tình, nhưng hoa rơi lại hữu ý, cho nên hoa cứ hân hoan đợi chờ đến ngày nước cảm nhận được lòng hoa.
“Thần tiên gãy cánh đêm xuân, bước lạc sa xuống trần, làm tình nhân đứng giữa trời không khóc mộng không thành… Đường về quê xa lắc lê thê trót nghe theo lời u mê” (Tình khúc thứ nhất – Nguyễn Đình Toàn). Đúng là đường về quê xa lắc lê thê, nhưng không có lời nào khiến ta u mê cả, mà ta chỉ u mê bởi tiếng lòng đang say đắm mà thôi. Làm thần tiên mà chi nếu như người yêu còn ở nơi hạ giới? Tấm lòng đó trong thiên hạ có được bao người, và đã tô điểm thêm cho cõi đời biết bao là hương sắc?
Minh giáo Ba Tư lại phái sứ giả đi tìm người trinh nữ ngày xưa, giờ đây đã là Tỷ sam Long Vương, một trong tứ đại hộ pháp của Minh giáo Trung Quốc. Người con gái phải thay mẹ để chuộc lại lỗi lầm (?) xưa với bản giáo, với quê hương và chính là để giải cứu nhóm Trương Vô Kỵ đang bị đoàn tàu của sứ giả Ba Tư vây khốn giữa đại dương. Nàng quyết tâm hy sinh mối tình đầu vừa chớm nở để theo đoàn sứ giả quay về quê cũ làm thánh nữ của Bái hỏa giáo Ba Tư. Nếu được chết để giải cứu chàng ư? Điều đó quá dễ và hạnh phúc biết ngần nào. Người sẽ vì người yêu mà hân hoan chịu chết, để mộng đầu thành tựu trong kiếp lai sinh. Nếu như có chút ích kỷ thì nàng sẽ cùng Trương Vô Kỵ chống cự quyết liệt đến cùng để đại dương sẽ là nấm mồ cho tất cả. Như vậy là thành toàn tâm nguyện: được chết chung bên cạnh người yêu.
Nhưng không, tình chân chính đầu đời luôn khiến con người hướng thượng. Vì sao Thúy Kiều sẵn sàng hy sinh trong khi Thúy Vân vẫn hồn nhiên đến mức ù lì vô cảm? Đặt ra câu hỏi là đã tự tìm được lời giải đáp. Cho nên nàng Iphigenia của Kim Dung đã quyết định hy sinh là phải sống để cứu bạn tình chung. Sống, nhưng còn thê lương hơn cả chết. Bước lên ngôi thánh nữ là bước vào cõi địa ngục của thanh xuân. Về lại chính quê hương nhưng lại mang nặng nỗi sầu viễn xứ! Quay về cố quốc lại chính là cuộc ra đi biền biệt trong đời. Biển sóng mênh mông có chứng minh được tấm lòng kiều nữ?
Đi là đi mãi không em?
Ước nguyện mai sau có vẹn tuyền?
Nước có ngân lời hoài vọng cũ?
Gởi về cây bóng lá sơ nguyên?
Bùi Giáng
Vâng, kể từ đây là đi mãi, Nàng không được hạnh phúc như A Châu là gục chết trong tay người yêu để hình ảnh trở thành bất tử. Kể từ đây, nơi phương trời Ba Tư xa xôi ấy, suốt đời nàng, lửa sẽ bừng reo trong nghi lễ trang nghiêm. Và sẽ có vạn ngàn tín đồ cúi đầu trước nàng để tôn vinh vị nữ thần của Lửa.
Thần Lửa cần đến trinh nữ để giữ gìn cho ngọn lửa được thánh khiết đến thiên thu. Lửa muôn kiếp bừng reo. Lửa ngàn đời bùng cháy. Nàng phải đốt cháy cả tuổi xuân say đắm bên ngọn lửa thiêng, trong khi chỉ muốn làm một nữ tỳ thấp hèn để được trọn đời sống một đời bình dị.
Ngọn lửa thiêng thanh khiết kia có làm mờ nỗi hình ảnh ngậm ngùi của buổi chia ly trên sóng nước? Nước có ngân lời hoài vọng cũ? Hỏi phương nào còn xanh mãi bóng lá nguyên sơ? Thôi thì xin gởi lời ca vào trong mây nước để dư âm còn đồng vọng ngàn đời trên sóng gió trùng khơi. Gió sẽ mang lời ca lên Quang Minh đỉnh để “gởi về cây bóng lá nguyên sơ”. Dẫu nơi đó không còn màu nguyên sơ của bóng lá, thì nơi đó màu xanh của thời gian đã ngưng kết trong tâm tưởng. Dường như tiếng hát là lời kinh siêu độ cho những người phụ nữ chết trong sầu hận. Cho nên trước khi chết vì lưỡi gươm tàn nhẫn của Lâm Bình Chi, Nhạc Linh San vẫn hát bài Phúc Kiến sơn ca, trước khi chết dưới đôi tay oan nghiệt của Othello, Desdemona của Shakespeare vẫn cất tiếng hát bài ca thủy liễu. Lời ca thay cho tiếng lòng nên quá đỗi thiết tha:
The poor soul sat sighing by a sycamore tree
Sing all a green willow
Her hand on her bossom, her head on her knee
Sing willow, willow, willow
The fresh streams ran by her, and murmur’d her moans
Sing willow, willow, willow
Her salt tear fell from her and softn’ed the stones
Sing willow, willow, willow
(Shakespeare, Othello, Act 4, Scence 3)
(Mảnh linh hồn đau khổ ngồi thở than bên gốc tiêu huyền. Liễu rũ ơi, liễu rũ ơi, ngàn liễu rũ xanh reo. Tay ôm ngực, nàng gục đầu trên gối. Liễu rũ ơi, liễu rũ ơi, liễu rũ xanh reo. Những giòng suối mát chảy bên cạnh nàng, và thì thầm lời than van. Liễu rũ ơi, liễu rũ ơi, liễu rũ xanh reo. Giòng nước mắt mặn đắng kia đã làm mềm sỏi đá. Liễu rũ ơi, liễu rũ ơi, liễu rũ xanh reo)
Đó chẳng phải là nỗi lòng Tiểu Chiêu đấy ư? Không liễu rũ xanh reo mà là lửa hồng reo rực cháy, không là tử biệt nhưng phải sinh ly. Chia tay để vĩnh viễn đi vào cõi cô đơn giá buốt. Những giọt nước mắt nàng rơi giữa đại dương có làm mềm sỏi đá?
Và thử hỏi cái nào mặn hơn: nước đại dương hay nước mắt Tiểu Chiêu?
Phần 2: Tiểu Chiêu
Biển mênh mông muôn trùng. Biển dạt dào, bạc đầu ngọn sóng. Biển chứng kiến bao cuộc chia ly đau xót. Biển chất chứa bao mối hận của con người. Còn mối hận nào lớn hơn sự căm hờn chim Tinh Vệ ngậm đá lấp biển Đông? Còn cuộc chia ly nào nát lòng hơn nàng tiên cá rời xa hoàng tử trong truyện cổ tích Andersen sau đêm tân hôn của chàng cùng công chúa láng giềng, ngậm ngùi hơn Tiểu Chiêu tạ từ Trương Vô Kỵ trong "Ỷ Thiên Đồ Long Ký". Hai áng văn Đông Tây, nhưng nỗi lòng tuyệt vọng của Tiểu Chiêu khi đứng đầu mũi thuyền rời xa vĩnh viễn ý trung nhân và tâm trạng ê chề của nàng tiên cá khi gieo mình xuống biển khơi để tan thành trăm ngàn bọt nước phải chăng chỉ là một?
Ấn tượng sâu sắc nhất về nàng tiên cá chính là những điệu vũ thần tiên thanh tao, uyển chuyển dù bàn chân nàng đau như dao cắt và rỉ máu sau mỗi bước đi. Nhắc đến Tiểu Chiêu hẳn không ai quên được giọng hát trong trẻo, êm tai cất lên trong đường hầm Quang Minh đỉnh về nhân thế phù sinh, giọng ca đã xua đi mọi lo lắng trong lòng Trương Vô Kỵ, để chàng tạm quên đi nỗi lo cái chết cận kề.
Mẹ Tiểu Chiêu vì hai chữ tình duyên mà dang dở con đường lên ngôi Thánh nữ, mang vào mình mối hoạ sát thân. Từ trong mối tình đẹp đẽ mà ngang trái ấy, Tiểu Chiêu tựu thành. Từ bé chứng kiến mẫu thân sống trong nỗi lo bị phát hiện, nàng phải rời xa vòng tay mẹ yêu thương vì an toàn cho chính bản thân và lớn lên phải thay mẹ gánh vác trọng trách của người Thánh nữ. Tại Quang Minh đỉnh, giả thành người xấu xí, Tiểu Chiêu âm thầm điều tra bí mật tâm pháp Càn khôn đại na di. Ngần ấy trách nhiệm trên vai một thiếu nữ thật quá đỗi nặng nề!
Một lần gặp gỡ, vướng lụy nghìn năm. Trong đêm mưa bão, cứu lấy hoàng tử, để rồi tiếc gì giọng hát quyến rũ của mỹ nhân ngư, tiếc gì cuộc sống ấm êm nơi đáy biển, nàng tiên cá chấp nhận đánh đổi cả sinh mệnh và linh hồn, nguyện làm người em gái câm lặng muôn đời bên hoàng tử. Ngay trong tử lộ, tương phùng chàng Trương, trong trái tim thiếu nữ chớm nở mối tình đầu. Lịch sử một lần nữa đã lặp lại, Tiểu Chiêu không thể ngoảnh mặt làm ngơ với tiếng gọi thổn thức của con tim. Từ đây, hãy tạm quên đi trách nhiệm nặng nề, tạm quên đi quê hương Ba Tư xa xôi, hân hoan làm một tì tử thân phận thấp hèn bên Trương Vô Kỵ. Cần chi địa vị cao sang, cần chi kẻ hầu người hạ, được chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho ý trung nhân đã là hạnh phúc viên mãn đối với Tiểu Chiêu.
Tiếc rằng hoá công nhiều lúc vẫn quay lưng lại với những ước mơ dù nhỏ nhoi nhất, bình dị nhất của con người. Cảnh đuổi ngựa, chăn dê yên ả tiếng cười rộn rã giữa thảo nguyên bát ngát, mênh mông của Tiêu Phong và A Châu đã kết thúc tàn nhẫn với cái chết đau đớn của nàng kiều nữ cho trọn vẹn hai chữ Hiếu và Tình. Rũ bỏ thân phận tì nữ và cả tình yêu tha thiết, Tiểu Chiêu ngậm ngùi bước lên ngôi vị Thánh nữ cao sang mà ngàn người phủ phục. Nàng về xứ Ba Tư xa xôi nhưng trọn vẹn con tim để lại nơi Trung thổ. Lại thêm một cô gái vì chữ Hiếu mà đứt đoạn tình duyên!
Chỉ cần nàng tiên cá chịu hy sinh hoàng tử, máu của chàng sẽ đưa nàng trở lại với cuộc sống vô tư lự giữa ngàn con sóng xưa kia. Tiểu Chiêu thừa hiểu trở thành Thánh nữ là giết chết tuổi thanh xuân, là giữ thân trong sạch để ngọn lửa thiêng thanh khiết. Sao nàng không lựa chọn được chết cùng Trương Vô Kỵ giữa biển khơi, được cùng ý trung nhân chôn chung một mộ? Chỉ biết rằng khi yêu đến trọn con tim, người ta thường quên đi bản thân mình mà chỉ nghĩ đến hạnh phúc của người yêu; Nàng tiên cá quăng con dao xuống biển khơi, Tiểu Chiêu gật đầu đồng ý với các sứ giả Ba Tư. Hai hành động đó đồng nghĩa với trái tim hai thiếu nữ cùng cáo chung, hai linh hồn từ nay chết lặng. Một người vĩnh viễn tan thành trăm ngàn bọt nước, một người vẫn tồn tại trên thế gian mà khác nào đã chết. Nhưng nỗi đau đó chỉ mình ta gánh chịu, còn người ta yêu sẽ được hạnh phúc, bình yên. Sự hy sinh đó chẳng phải ý nghĩa lắm sao?
Chàng hoàng tử mãi ấp ủ trong mộng người con gái đã cứu mạng mình sao chẳng nhận ra nữ ân nhân trước mặt. Cuối cùng, chua chát thay, chàng lại lầm tưởng là công chúa láng giềng. Trong đêm tân hôn của hoàng tử, nàng tiên cá say sưa trong điệu vũ, quay cuồng theo điệu nhạc, chưa bao giờ nàng múa đẹp đến thế. Chân nàng như đang lướt trên ngàn con dao nhọn nhưng đau đến nhường nào cũng không bằng con tim nàng đang tan nát. Mắt lệ đầm đìa, Tiểu Chiêu xin được thay áo cho Trương Vô Kỵ, xin một lần cuối được làm tì nữ cho chàng. Phải rồi, đây là lần cuối cùng được nhìn thấy gương mặt chàng, được cùng ý trung nhân thở chung bầu không khí. Hai cách tạ từ, chung một mối thê lương, một khối sầu vạn kiếp...
Giữa đại dương, Tiểu Chiêu rơi lệ. Chia ly từ đây là vĩnh viễn rời xa, là cách trở bởi muôn trùng đại dương, bởi địa vị cao quý của người Thánh nữ phải giữ thân trinh trắng, hay bởi trái tim chàng vốn dĩ không hướng về mình? Sóng biển trập trùng hoà giọt lệ nàng mặn đắng, gió biển thét gào át tiếng khóc của nàng...
Ân Tố Tố và Trương Thuý Sơn cùng nắm tay nhau xuống chốn tuyền đài, Kỷ Hiểu Phù mãn nguyện ra đi với trọn vẹn trái tim Dương Tiêu, và A Châu mãi mãi là bóng hình duy nhất trong trái tim Tiêu Phong. Còn Tiểu Chiêu thì sao? Hoàng tử quay lưng lại với nàng tiên cá mà vui vầy bên duyên mới, còn Trương Vô Kỵ đâu chỉ có một tri kỷ hồng nhan. Một Triệu Mẫn xinh đẹp, thông minh, sắc sảo, một Chu Chỉ Nhược tú lệ, bên trong thủ đoạn mà bề ngoài dịu dàng, một Ân Ly mà chàng trót mang nặng ân tình. Hoàng tử thương nàng tiên cá như một đứa em bé bỏng, mồ côi, còn tình cảm của Trương Vô Kỵ với Tiểu Chiêu âu cũng chỉ là lòng thương hại.
Nhiều lúc người ta quá đỗi vô tình, không cảm nhận được tình yêu cao cả của kẻ gần mình nhất. Hoàng tử sẽ chẳng biết rằng có một người con gái vì mình mà từ bỏ cả cội nguồn, sinh mệnh, chịu đựng sự câm lặng triền miên và đôi chân đau đớn để được ở bên chàng. Chàng sẽ chẳng biết rằng nàng mới chính là ân nhân cứu mạng trong cơn bão. Khi chàng đang hạnh phúc bên vị hôn thê, người đó đang chết lặng chờ bình minh, khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện, thể xác và linh hồn nàng sẽ tan thành bọt nước. Đến phút cuối cùng, Vô Kỵ mới nhận ra mối tình sâu đậm mà Tiểu Chiêu dành cho mình. Nhưng trong trái tim chia năm xẻ bảy cho bao bóng hồng, liệu có phần nhỏ nhoi nào chàng dành để tưởng nhớ đến người không ngại hy sinh cho chàng?
Tương lai của Tiểu Chiêu sẽ ra sao? Sẽ là bao ngày thổn thức khôn nguôi ngóng trông về Trung thổ, sẽ là bao đêm ngậm ngùi thương nhớ chàng Trương? Cuộc đời còn lại của Tiểu Chiêu vĩnh viễn là một dấu hỏi xót xa trong lòng bao người đọc.
Tiếc rằng không phải cuộc tình nào cũng kết thúc vẹn toàn, bao giờ lại chẳng có kẻ thứ ba ngậm ngùi, đau xót. Nhưng đâu phai vì thế mà người ta thôi yêu, thôi khắc khoải nhớ mong, thôi trông chờ ở những điều tưởng chừng không thể? Nếu bạn vẫn chưa tìm được tình yêu đích thực, không có nghĩa rằng nó không tồn tại và không có những người yêu đến quên đi bản thân mình.
Hãy tin vào sức mạnh đích thực của tình yêu
Đừng bao giờ thôi yêu thương và hy vọng...