Love is one long sweet dream, and marriage is the alarm clock.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Mạc Can
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 14617 / 241
Cập nhật: 2015-09-13 03:14:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
P 5 -
úc đầu tôi không biết lý do nào xảy ra vụ sát thương, chiều hôm đó tôi với con chó còi xương, bạn hiền mới của tôi, thả trôi theo dòng sông, từ nhánh cây khô về bến chợ thì bỗng nhiên trời đổ sập cơn mưa như trút nước.
Đã vào đầu mùa mưa chết đói, Cha tôi lại mang thêm nỗi lo, anh tôi đã 19 tuổi, tuổi bắt lính. Nhiều khi cảnh sát bất thần ập vô gánh hát, xét tờ khai gia đình, mà trong gánh hát của Cha tôi có nhiều thanh niên, có thanh niên người Việt lẫn người Hoa. Vào những năm nầy, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng bắt lính Hoa Kiều, chú Tài “say” phải lo lót cho mấy viên chức địa phương nhiều lần, để được yên thân tới đâu hay với đó.
Cha tôi nóng nảy, cũng không được lòng hết thảy mọi người, ông lại không thích người giàu có, hầu như trong lòng ông có chút tị hiềm, nhưng khổ thay ông không có tài làm giàu, tổng hợp lại những cái nghề của ông, nghề nào cũng te tua. Nghèo ba họ khó ba đời nhưng hình như dòng họ nhà tôi từ ông cố ông sơ vẫn là mạt rệp. Trong thâm thâm tôi cũng ảnh hưởng như Cha tôi, tôi không ưa người giàu, kể cũng tội nghiệp họ, vì đâu phải hầu hết người giàu là kẻ xấu, nếu như không đầu cơ tích trữ lường gạt ai, họ cũng lo làm ăn đầu tắt mặt tối, nhìn chung con người ai cũng... khổ, và người tốt người xấu chen lẫn (về già tôi mới biết và bớt ghét người giàu, giàu nghèo gì cũng có chung một ý thích, thích có nhiều tiền, thích ăn ngon, thích quần áo đẹp, tiện nghi, no ấm, người giàu thường bị... khinh bỉ, lại có cái khổ vì sợ nghèo. Còn người nghèo có cái cực là mơ tưởng nhiều hơn, bị ăn hiếp nhiều hơn, trêu chọc nhiều hơn).
Nhiều lần bị trêu chọc, tôi có ý thủ sẵn con dao, tôi luôn giắt con dao lấy trộm của Mẹ tôi sau tấm vấn, thủ thân. Bởi vì mỗi khi đi qua mấy quán nhậu tôi khó thể không bị mấy tay nầy lôi kéo, bắt phải làm trò khỉ, tôi thấy vài quán nhậu ven sông vẫn còn khách, say sưa gây gổ đánh nhau, nổ súng là chuyện thường, có khi còn “đôi” cả lựu đạn. Nhiều đêm Cha tôi đích thân ra gác cửa, vì nhiều thanh niên địa phương càn quấy kéo nhau vô coi cọp, Mẹ tôi càng lo cho Cha tôi hơn, tôi nói Cha tôi nóng tánh nghĩ lại tôi cũng nóng như ông, một lần tôi vác đao rượt trối chết một kẻ trêu chọc tôi, khi đó tôi có chút rượu. Tôi luôn hối hận vì điều nầy, khi không có rượu tôi như cục bột, nhưng khi có hơi men tôi “nhớ lại” nhiều uẩn khúc, rồi không biết sao, có lẽ cơn giận pha... với rượu làm cho tôi điên lên, lúc xảy ra chuyện, tôi không biết mình làm gì, mình là ai, sau đó tôi trốn vào một xó ngồi khóc, Mẹ tôi hoảng hốt, bà khó biết tại sao tôi trở thành người hung dữ như vậy?
Con chó lạnh run chạy trước tôi vài chục bước, nó biết về rạp hát, cơn mưa kéo dài, với những cơn gió rít, cây lá run rẩy trong gió, vài mảnh tôn nhà ai bay ngã xuống mặt đường trơn ướt, hình như là một cơn bão rớt.
Tôi vác tấm ván chạy theo con chó, nó chạy thẳng đuôi qua cầu, trong mưa tôi thấy chiếc xe quảng cáo, anh tôi ngồi với ai đó, khi xe chạy qua tôi, tôi nhìn thấy chị Phương, chị đang khóc mắt mũi đỏ hoe, anh tôi có vẻ cáu kỉnh, hai người nói chuyện gì với nhau buổi chiều hôm đó, tôi không biết nhưng tôi có dự cảm là chuyện chẳng lành. Tôi chạy đi tìm Cha tôi nhưng ông không có trong rạp, tôi nghĩ rằng nên nói với Cha những gì mình trông thấy, mấy lúc sau nầy Cha tôi thường ngồi trong sòng bài, có khi dưới hầm rạp, có khi ở nhà mấy người bạn đỏ đen ngoài phố, hay nhà chú Út em một cha khác Mẹ với Cha tôi, trong khu nghĩa địa.
o O o
Vào một ngày buồn tẻ như mọi ngày khác đối với tôi, bỗng nhiên tôi tự phát hiện một chuyện, lúc ban đầu khó hiểu, tôi nào phải là kẽ dữ tánh. Chính môi trường chung quanh lúc đó tác động, mặc dù là để đối phó, nhưng lâu dần nó đã tạo nên hành vi con người trong đó có tôi.
Tôi vốn thụ động nhút nhát là vậy mà nhiều lúc tôi như con chó điên, con chó nào cũng điên lên vì người ta đá nó quá nhiều và... đá vô lý, nó cắn lại chỉ để tự vệ, mấy ai biết được điều nầy, nhìn thấy con chó nhe răng, người ta lại đá tiếp không phải chỉ có một người. Hằng ngày, trước mắt tôi, luôn diễn ra những điều hung bạo, và hằng đêm khi tôi đứng ngoài sau tấm ván, nghe tiếng rít xé gió của những lưỡi dao bay chém vào thớ gỗ. Tôi chiêm nghiệm nhiều điều, con dao của tôi luôn giắt sau thanh gỗ, quái oăm tay, có nó tôi thấy tự tin hơn!
Từ khi gánh xiệc rong của Cha tôi có thêm phần chiếu bóng, trước khi coi phim, khán giả phải đứng lên... chào một người đàn ông thấp lùn, khi hình của ông ta xuất hiện trên mảnh vải trắng... Anh Tùng đứng bên nầy cái máy chiếu phim nóng rực, luôn luôn cẩn trọng việc đó, còn tay Điệp đứng bên kia điều khiển cây “than” điện bốc khói, tỏ ra ngang ngạnh và châm biếm. Có nhiều khán giả đứng ngoài sân rạp chờ chiếu xong đoạn phim bắt buộc nầy, họ mới chịu vô, chi tiết nầy cũng làm cho tôi cứ nghiền ngẫm nhiều ngày, một hôm tôi hỏi anh Tùng về cái ông trên màn ảnh. anh nói:
- Tốn thêm vài phút chiếu cho nó rồi, để mất công lắm, chính trị mà!
Rồi một hôm, khi khán giả đang trân mình đứng chào, bỗng có nhiều tiếng cười rút rít, trên màn ảnh, người đàn ông nghiêm nghị nầy... có thêm một bộ râu “cứt mũi” giống như vua hề Sạc lô? Anh Tùng hoảng hồn tắt máy chiếu, làm bộ như phim bị đứt. Tay Điệp tiếng khỉ đã moi trong thùng phim, lấy đoạn phim quan trọng nầy ra, anh ta tỉ mỉ vẽ từng nấc hình, thêm hàm râu cho ông Tổng thống. Vào thời gian nầy, không hiểu vì sao, đi tới nơi nào, tôi cũng có cảm giác lo âu, hình như có điều gì lớn lao, làm cho tất cả mọi người lo lắng. Một đêm, sau khi vãn hát, bỗng có tiếng súng nổ ran ngoài sau rạp, trời tối mịt mù cho thấy rõ nhiều lằn đạn lửa đỏ rực, mọi người trong gánh hát ngồi im thin thít chờ sáng, sáng lại, tôi lén nhìn qua vách ván rạp hát, tôi thấy nhiều người bị thương, nhiều người chết, sân rạp và bên trong nó trở thành trạm cứu thương.
Tôi bắt đầu bồn chồn một cách khó hiểu, tôi bị... bể tiếng, tiếng tôi khào khào như con vịt đực, tôi đã ở vào tuổi thành niên, và bỗng nhiên... có lẽ do những bồn chồn khó chịu nầy, cũng như khó thoát khỏi ám ảnh của nhiều trang tiểu thuyết nặng nề của chú Bê cho mượn. Cho nên... ngón tay trỏ bên bàn tay mặt to xù của tôi ngọ ngoạy, nó cứ... viết trên cát, khi tôi ngồi cạnh bờ sông, nó cứ viết trên mặt nước khi tôi lội sông, nó cứ viết trên tường khi tôi ngồi dựa vách, nó viết trên tấm ván phóng dao khi tôi nằm thiu thiu ngủ trên đó. Và khi bên cạnh tôi không có thứ gì để mà viết thì ngón tay... kỳ quặc nầy vẽ viết trên đùi tôi, rồi nhiều khi nó viết vào... khoảng không như bầu trời, không kể buổi sáng, buổi chiều hay là đêm khuya? Tôi không bỏ được thói quen nầy, nó có nhu cầu cần giãi bày, nhiều lúc chợt tỉnh, tôi bắt gặp những dòng chữ trên cát, trên đất, nếu nó là ở khoảng không, - tôi cũng sẽ nhớ lại được.
Tôi lại hay đọc, bất cứ cái gì có chữ là tôi đọc. Một hôm tôi nhìn thấy trong miếng giấy báo gói xôi, tấm hình của người đàn ông mà mọi ngươi phải chào, rồi trong đêm, tôi nằm chiêm bao tôi biến thành ông ta với bộ râu “cứt mũi”. Tôi cũng thấy tôi hoá thân thành thánh Cam Địa, hay là thánh Phê rô, ngoài San Xô Pan Tra ra. Trong buổi cơm Má tôi nói:
- Nói không phải dị đan, nhiều người ngủ mê có cái tật xuất hồn đi chơi, thành ra trên trời nhiều hồn bay lộn xộn, lơ lửng. Hồn của người nầy gặp hồn của người ta, như đi chợ, nói chuyện ta bà thế giới, đó là quen nhậu trong giấc ngủ, chừng thức dậy hơi quên quên, có khí quên thiệt sự, quên hết ráo. Nhưng mà ngộ, rồi cái khi mình đi đây đi đó, tự nhiên... mình thấy một người lạ hoắc lạ huơ nào đó, mình cứ dòm dòm hoài, làm như mình đã gặp người ta ở đâu rồi. Nhà cửa cũng vậy, có khi mới tới một căn nhà chưa tới lần nào, mà như có ở trong đó lâu rồi, quen thuộc ngõ trong, ngõ ngoài, từng cái chén mẻ nha, cái ly nha, bình trà nha.
Nếu như vậy tôi có quen với thánh Cam Địa, dù cho vị thánh nhân nầy sanh ra trước tôi... và ông ở tận bên xứ Ấn Độ, tôi có nói chuyện với ông Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong giấc mơ. Còn thánh Phê rô thì lại khác tôi quen ông chính vì Má... tôi đưa tấm hình của ổng cho tôi coi, thành ra tôi... in trí, có nhiều điều không hiểu nổi, không giải thích được trong thế giới tâm linh, nôm na nó giống như một cái máy quay phim.
Những đám mây đen từ chân trời mù mịt kéo tới chỗ ngọn cây khô, mây nặng và thấp, có lẽ nó chứa qua nhiều nước, một “con rồng” cuồn cuộn hút nước từ dưới sông lên trời, rồi là gió, lúc đầu mát rượi. Cho tới chiều, gió bắt đầu thổi tung vài miếng tôn nhà ai, bay sát sạt như những lưỡi dao, mưa, mưa như giận hờn ai, như khóc như than, trút hết nước mắt xuống mặt đất thê thảm nầy, vào những lúc như vậy Má tôi thường nói: Ông tha nà Bà hổng tha. Má tôi hay nói nhưng thường có vài câu không được rành rẽ, Má hay chêm vài chữ... Hoa “pha” Miến Điện, rồi không thiếu chi câu nói ngộ ngộ vào chuyện kể của bà, nhưng đây không phải là mưa, nó còn hơn là vậy, nó báo hiệu một cơn bão lớn khốn khổ tuyệt vọng.
Tôi kể chuyện tôi nằm chiêm bao, nói chuyện với ông “Ngô”. Má nhìn tôi một hồi rồi, mới nói: Thằng quỷ nầy nó nặng bóng vía lắm, mới gặp ông lớn như vậy - còn tôi thì nghĩ khác, ông “Ngô” chính là một vị Ác Thần, trong nhiều vị Ác Thần gác trước cổng những ngôi chùa hay ngôi đình Thần mà tôi có dịp ở trong đó, lúc nào cung có hai vị Thần, một Hiền còn một là Ác, ông “Ngô” nầy, tôi có cảm giác khó sống cho lâu, bởi vì có quá nhiều người ghét, một trong nhiều chuyện mà ổng làm cho người ta ghét ổng là... tự nhiên khi con người ta đi coi hát giải trí, mà cũng phải đứng dậy chào ổng, có bà con dòng họ gì cho cam, tuy việc nhỏ nhưng làm mất công mỏi cẳng, đưa tới chuyện không ưa, than phiền sanh rắc rối.
Chị Phương ngồi suốt nhiều ngày chỉ trên một cái ghế, anh tôi cũng ngồi im lặng bên chị, cả hai buồn rầu.
Má tôi coi bói cho chị, còn Cha tôi hút nhiều, thật là nhiều thuốc lá trong rạp, dưới cơn mưa ngày đó bứt rứt không thể nói cho hết, sân khấu trống hoác với bức tường lem luốc, em tôi trong một xó tối tăm, không nhìn thấy mặt nó, tay nó lần xâu chuỗi. Miếng vải trắng chiếu phim cũng buồn hiu, gió từ trên nóc rạp hất tung nó lên, bay phần phật như cờ tang, ngoài kia như chốn không người, chợ huyện trắng xoá nước là nước. Trước những trận bão hung bạo, vẫn thường có những ngày lặng gió, bi kịch cũng có khá nhiều miếng diễn hài ỡm ờ, ở vào phút giây nào trước cơn bão cũng kéo lê khá dài, như đùa, để cho người ta tận hường những điều sau đó chắc sẽ không còn. Đêm trước của mọi cơn bão lớn, nước mắt của chị Phương đã cũng tràn ngập trong lòng chị, chị Phương là một cô gái thích đọc tiểu thuyết diễm tình. Mỗi khi hè về trong vài tháng xuống đi chơi với gánh hát xiệc rong, chị cũng đều mang theo cho mình nhiều cuốn sách với cánh hoa ép khô trong những trang đọc dở dang. Tuy là con gái của một người giàu có, nhưng chị có nét khác thường, chị lo âu. Phương thường cầm cuốn sách trên một bàn tay, nước mắt cứ rơi xuống, và cánh mũi hầu như lúc nào cũng đỏ, hình như điều gì cũng làm cho Phương bâng khuâng. Mà vẻ lãng tử kỳ tình của anh tôi, sự nghèo khó của gia đình tôi, hình ảnh tội nghiệp của Cha Mẹ tôi, em tôi và tôi làm cho chị mủi lòng. Tôi biết, tình yêu của chị dành cho anh tôi lãng mạn, anh tôi cũng đã hết lòng yêu chị yêu một cách mãnh liệt, nhưng khổ thay anh lại là mọt “Hoàng tử” lang thang, nghèo hèn.
o O o
Cuồng phong thổi ngang qua thị trấn chỉ có một ngày, thì ra... nó chi là một cơn bão rớt, ngày hôm sau trời sáng dần, những áng mây nặng nề mang theo cơn mưa đi chỗ khác chơi, như trò đùa. Cả một ngày Má tôi đứng trước rạp ngửa mắt háo hức nhìn trời, cho tới chiều, bầu trời quang đãng chưa từng thấy, bầy chim én bay vút lên cao, đảo luyện vui mắt, chúng rủ nhau bay thấp xuống, chui tọt vào những cái tổ nhỏ bên vách tường rạp hát, tíu tít trò chuyện, Má tôi vui vẻ nói:
- Ngon lành tối nay bể rạp.
Cha tôi cười:
- Sau cơn mưa trời lại sáng.
Trái lại em gái tôi hết sức lo lắng, trong những ngày gánh hát bị tai nạn hay mưa bão nghỉ hát, nó khỏi phải đứng trước tấm ván phóng dao, không hề có chuyện nó vui vì nghỉ hát, bởi vì nghỉ thì nó cũng đói, nhưng nếu diễn nó còn khổ hơn là đói. Trong khi đó bầy chim én vô tư bay dọc ngang trong rạp, đùa giỡn chíu chít với những con dơi, tôi nằm trên tấm ván như nằm trên giàn lửa thiêu đốt, có cái gì khác thường chung quanh đây. Anh tôi với chị Phương cứ ngồi im lặng hàng giờ ở cuối hàng ghế, sát tường, tròng bóng tối u ám, ẩm ướt mùi phân dơi ủ mục...
Đêm thị trấn vui nhộn, quanh quẩn chỉ có mấy con đường nhỏ, phố cũ mái thấp, màu ngói nâu lẫn màu rêu xanh, trước rạp hát Cha tôi cho giăng giây cờ đủ thứ màu, chen lẫn hàng trăm bóng đèn sáng choang, từ cửa rạp giăng ngang qua đường, cho tới tiệm hủ tiếu, bàn nào cũng có người ngồi. Cái bảng hiệu Nghệ Tinh được chú Bê thiết kế kiểu hộp đèn kéo quân, nhảy múa trong dó nhiều trò xiệc hấp dẫn, tiếng loa quảng cáo với giọng nói không giống ai, hoa hòe hoa sói, nổ tung trời đất của chú Bê nghe lồng lộng, hai bên đường vô cửa rạp đông vui nào là xe nước mía, sạp bán khô mực, rượu đế hột vịt lộn, mía ghim, cháo lòng. Trên thành cầu, nhiều cặp trai gái đứng ngồi cười nói vui vẻ, dưới cầu dòng nước nôn nao trôi, đám thanh niên du thủ du thực, bận quần ống túm, lưng quần xệ tới rún, đầu chải tóc tém “đít vịt” quanh quẩn chọc phá, đám “cao bồi” vườn nầy thích xuất hiện vào những đêm có gánh hát về, không đêm nào tránh khỏi vài vụ đánh lộn xô xát.
Mỗi khi có đánh lộn trước giàn cửa, ít khi nào thiếu mặt... Cha tôi với tay Điệp, tuy không phải công việc của mình, nhưng tay Điệp nầy lại khoái ra giàn cửa... phụ xé vé, mà khổ thay giàn cửa lại là nơi rất nhạy cảm, dễ xảy ra chuyện, nhiều chuyện xích mích dẫn tới xô xát với đánh lộn, với đám thanh niên cũng thích vô coi cọp.
Lúc nào Điệp cũng thủ sẵn một thanh mã tấu bén ngót, cộm lưng! Lúc nầy Cha tôi có tăng cường một màn vũ “sexy” khiến cho mấy người anh em địa phương háo thắng nầy thêm háo hức, muốn chơi nổi, lấy le. Sau khi khán giả đã vô đầy rạp, tôi chấm dứt nhiệm vụ đánh trống quảng cáo, tôi phải bắt cái thang tre tháo cái “hô bạt lưa” tức cái loa sắt, vô treo trong rạp, rồi tôi phải làm nhiều việc khác, như lấy một cây dài dộng xuống sân khấu ván báo hiệu “chuông” một, tôi chính là cái chuông sống. Xong chưa, chưa đâu? tôi lại đưa cái mặt hề mố meo lem luốc như con phèo ăn vụng... lên sân khấu phụ diễn với Cha tôi ở màn đầu, xong rồi, cũng là tôi, ra cửa sau rạp có cái giếng sâu hun hút, tối hù thấy ghê, tôi nhắm mắt kéo từng gáo nước, vừa run vừa... tưới cho thật mềm, tấm ván phóng dao, có nghĩa là tôi cứ đứngđó nhiều giở. Chỉ có một mình, chung quanh toàn là mồ mả, nhìn bất cứ vất gì cũng thấy hình như... nó nhìn lại mình rồi nó... nó nhút nhít, đàng xa chỗ những ngôi mộ... có cái gì phát sáng, ánh sáng xanh lập loè, chú Bê nói là do “phôtpho” tức là... xương người hiện lên? Tôi bấm hai ngón chân cho đỡ sợ, tắm cho tấm ván khổ hơn đời cô Lựu.
Đợi cho hết màn chiếu phim hồi một, tôi vác tấm ván lên sân khấu, đứng sau lưng tấm ván, sau bức màn nhung cũ kỹ dầy cộm, mặt trước tấm màn nầy có thêu hàng chữ quảng cáo thuốc lá Bastos xanh, do hãng thuốc tặng cho gánh hát, với ba làn khói trên đầu điếu thuốc thật lớn cũng thêu bằng vải úa vàng... Vẳng lại từ trước tấm màn nhung dầy mo, là một cõi nào khác, luôn luôn là tiếng náo động như địa ngục, tiếng nói chuyện ồn ào, tiếng cãi nhau, kích động, chửi thề, tiếng con nít khóc, tranh giành chen lấn chỗ ngồi. Tiếng rao bán quạt giấy, mía ghim, cốc ổi, lẫn trong không khí nóng nực, nồng nặc mùi mồ hôi, mùi thuốc lá nặng, mùi nước giải và phân dơi.
Năm đó, cái rạp hát nầy còn một bãi đất hoang ngoài sau hậu trường, nơi có cái giếng sâu tới nỗi, ban ngày nhìn xuống như cái hang mờ mờ đường xuống âm trì địa ngục, và ngoài kia là một bãi tha ma. Chỗ nầy thường là nơi Má tôi đặt vài viên gạch làm bếp, tôi cứ nhìn tấm ván chút nữa đây tôi phải vác nó lên sân khấu: Tấm ván dầu nắp hòm, khô ran, lỳ lợm, dù cho tưới nước hoài công, nó vẫn khô cứng. Con chó nhỏ ngồi với tôi bỗng giật mình cong đuôi ngó dáo dác, bồn chồn rên hữ hữ, từ trong rạp bỗng vang lên một tiếng... “rền” lớn, tôi đã quen với việc nầy, ấy là khi có nhiều tiếng cười, của thật đông người cười cùng một lúc, thì khi đó, hàng ngàn tiếng, cười đó sẽ lập tức biến dạng, nó trở thành một tiếng “rền” thật lớn u trầm lạ tai. Như mọi đêm diễn tôi biết lúc nầy đây, chính là lúc anh Tùng chiếu tới đoạn phim giễu Sạc lô đi “Pa Te” lặng đi một hồi, tiếng”rền” lại nổi lên, làm con chó lại rên hư hữ, cũng là lúc ông Hề nổi tiếng nầy làm nổ tung những trận cười, còn khoảng lặng giữa những tràng cười là lúc tay Điệp thay cây đũa “than” điện cho máy chiếu. Trong khi anh Tùng thay bành phim khác thì chú Tư Trắng trong bộ áo hoạt náo viên, chạy ra sân khấu giới thiệu màn nhào lộn của nhóm xiệc người Hoa. Tôi nhìn qua kẽ ván vách rạp hát, tôi thấy trên sân khấu nhộn nhịp những diễn viên nhào Bắc Phát, còn ở giữa rạp, anh Tùng lúi húi bên hông chiếc máy chiếu phim đen sì, lầm lì như con khủng long, hai bàn tay của anh phải mang găng dầy. Tay Điệp lại không có mặt bên kia chiếc máy? Chị Phương ngồi cạnh anh Tùng, chỗ đặt máy chiếu luôn dành một vài cái ghế, mắt chị đỏ hoe, mỗi một lần trong tôi bồn chồn, linh cảm báo trước một hiểm hoạ, sao bàn tay phải tật nguyền của tôi lại run bần bật, còn ngón tay trỏ của bàn tay nầy cứ ngọ ngoạy không yên, nó đang viết liên tục trên ván vách rạp còn ẩm nước, ải mục rêu xanh, nó muốn ghi lại nhiều chi tiết về một đêm khủng khiếp nhứt.
o O o
Khá nhiều sự việc diễn trong vài ngày trước làm cho tôi suy nghĩ kể cả cơn bão rớt, tôi nghĩ không dứt, mọi con đường đều dẫn tới một chuyện, chỉ có mỗi một chuyện: Anh tôi sẽ bị phân tâm khi diễn trò phóng dao, với tiêng tôi thì điều nầy rất rõ ràng, một t người làm nghề phóng dao, đồng thời cũng là người bình thường như tất cả có đủ giận hờn thương ghét, thế nào rồi anh cũng phân tâm, phân tâm thì quả thực vô cùng nguy hiểm.
Nguy hiểm trước hết cho ai, cho con người nhỏ bé tội nghiệp, lúc nào cũng bị động khi đứng trước mảnh ván hòm làm vật thí thân, nạn nhân chính là em gái của tôi. Hãy cứ nhìn thẳng vào mọi sự, anh tôi, tôi với em tôi ở cùng lúc ba hoàn cảnh khác nhau, rất khác nhau, trong đó tôi với em gái tôi rơi đúng vào phía người chịu nhiều thiệt thòi, trái tim tôi cứ đau nhói trước giờ biểu diễn, trong bối cảnh mọi người đều hân hoan, hàng ngàn lần không lần nào khác, đêm nay anh tôi khác thường hơn mọi đêm, tim tôi càng đập mạnh hơn, bỗng nhiên cơn giận bất ngờ ập tới như cuồng phong. Tôi thở khá khó khăn, hai bàn tay nóng hầm, tôi có cảm giác thật kỳ lạ, như muốn đập phá một thứ gì đó kể cả là tôi, khi nghe tiếng “rền” vang ra từ dưới khán giả, tôi đập thật mạnh cái đầu ngu si của mình vào tấm ván, điều nầy khiến cho tôi dễ chịu hơn, và lúc đó, tại sao bàn tay to lớn chai sần của tôi lại chạm vào cán con dao, mà tôi luôn giắt nó sau tấm ván oan nghiệt. Trong khi đó, tôi lại nghe một tiếng “rền” như núi lở, trên tấm vải trắng, những hoạt cảnh khôi hài đang diễn ra làm cho mọi người cười rú lên, tôi nghe rõ có một giọng cười rất lạ.
Đó là tiếng cười của một người đàn ông mập mạp có cái nọng lớn dưới cằm giống con heo, đôi môi anh ta rất dầy, ngồi sau ghế chị Phương, còn sau mày hàng ghế, có một cái đầu cao nhô lên, ông ta có đôi mắt buồn hiu như con cá chết trên tấm thớt của Mẹ tôi, cơn cá nầy không cười nó đeo trên ngực một cái máy chụp hình...
Mọi việc có vẻ không bình thường, hư hư, thật thật, hoang đường, lòng dạ tôi rối bời, hoang mang, tôi nhớ những cơn sốt khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi đem tôi tới thầy thuốc, tôi nóng vùi mê sảng, mắt hoa lên, rồi khi nào cũng vậy, tôi thấy những dòng sông hoang vu. Với các bạn cá hiền lành, vui tính của tôi, từ thời thơ ấu, cho tới khi tôi lớn lên, tôi không bao giờ ăn cá, thấy cá kho hay cá canh, cá chiên cá nướng trên đĩa, nhìn mắt các bạn đó khô đục, đứng tròng là tôi khóc. Có nhiều người không ăn cá như tôi, nhưng với lý do khác, họ không chịu được mùi tanh, còn tôi, tôi sợ, biết bao nhiêu lần tôi thấy Mẹ làm cá, hay là tình cờ tôi thấy ở ngoài chợ, biết bao nhiêu con cá nằm dãy dụa trên tấm thớt khuyết mòn, vảy cá rối tung, với máu, con cá nhìn tôi với đôi mắt đục ngầu tuyệt vọng.
Người đàn ông ngồi sau chị Phương làm cho tôi sợ, ông ta có đôi mắt... cá, mi mắt ửng đỏ, như khóc, với cái miệng mím chặt, hay là... những con vật không phát triển nầy, từ lâu nằm trên tấm thớt, hôm nay tụ tập tới đây đòi lại máu. Không phải một con mà hàng ngàn con đang ngồi chật rạp, tôi dụi mắt nhiều lần vẫn thấy dưới những hàng ghế đầy cá, cá trơn và cá có vảy.
Khuôn mặt chị Phương hốc hác rất rõ, chị đang khóc, chị cứ để cho những giọt nước mắt tuôn tràn trên đôi má xanh xao, giữa những khuôn mặt cười, chị Phương cứ khóc thút thít như một đứa trẻ con đòi món quà gì đó mà bị người lớn từ chối. Tôi chợt nhớ Điệp vắng mặt khá lâu bên anh Tùng, không biết tay nầy đi đâu? Có lẽ anh ta lại đi ra cửa, sự vắng mặt của Điệp làm tôi lo ngại, buổi chiều tôi đã trông thấy anh ta cứ nhìn bọn du thủ du thực khi chúng ngồi bên tiệm hủ tiếu uống rượu, có vẻ khiêu khích. Có lẽ vì vậy mà Điệp giắt mã tấu sau lưng, Điệp hơi giống tánh Cha tôi, tuy anh vẫn vô cớ trêu chọc tôi, nhưng nhìn kỹ thì anh chàng nầy cương trực, anh ta sòng phẳng, không chịu nổi bọn hống hách thường vô coi cọp không mua vé, đồng thời anh cũng thường hay cho ai đó, nếu như thật sự không có tiền, nhứt là mấy đứa con nít, vô coi không nhiều suất. Má tôi vẫn ngồi trước cửa cho tới tận gần màn chót buổi diễn, màn phóng dao, bà tận thu chút tiền cửa, của những khán giả đột nhiên muốn coi hát mà không tới sớm, để phụ vào tiền chợ nấu cơm hội cho anh em ăn ngon hơn.
Sáng nay, em tôi cũng lạ hơn mọi ngày, nó ngồi trầm ngâm khá lâu trước cái miếu nhỏ của cô gái bị chết vì trò ảo thuật chặt đầu, nó đốt nhang khấn vái. Có lúc nào đó, chính tôi cũng quên rằng mình có một đứa em, em ít khi xuất hiện trước mắt ai, em cũng sợ đám đông như tôi, trớ trêu thay em lại làm một công việc trái ý là phải xuất hiện trước hàng ngàn khán giả. Nó rất thường ngồi yên thật là lâu ở một góc nào đó, chỗ không có người lai vãng, chỉ để ngắm nhìn những con người qua lại, luôn có vẻ ngạc nhiên? Khi nào ngẫm nghĩ về thân phận mình tôi thấy rõ em tôi và tôi là hai thái cực với Cha và Mẹ chúng tôi, ai cũng nồng nhiệt với cảnh sống, vui vẻ, yêu đời, chẳng những như vậy chúng tôi còn khác hẳn với anh chúng tôi, chúng tôi là người cõi trên chăng!
Cũng như chị Phương, em tôi cố làm cho người lớn hiểu, rằng em cũng cần một món quà, nhưng nó không bao giờ được món quà đó, dù cho chỉ là một nụ cười, ngược lại người ta đã tráo vô đó một món quà khác, bề ngoài khá diêm dúa, chứa đựng bên trong cho em tôi là sự khổ tâm triền miên, sánh đôi với nguy hiểm hàng đêm.
Buồn cười, người ta lại rất thích mua vé vô rạp coi em tôi biểu lộ lòng dũng cảm khi nó đứng trước những mũi dao bén, họ khâm phục, đồng thời không dấu sự thoả mãn, tính hiếu kỳ của mình. Tội nghiệp, tiết mục phóng dao nầy là trò kéo khách bằng ngang với chiếu phim, chỗ của em tôi quan trọng cho sự sống của nhiều cái bao tử, hoàn toàn vì mục đích kiếm tiền, không có gì thay đổi cho được. Người mua vé cũng ác, họ thú vị tặng cho các nghệ sĩ những tràng pháo tay nồng nhiệt, lẫn lộn trong vinh quang hào nhoáng mà họ trao tặng, có chuyện đổi chác khác sòng phẳng, khi Cha tôi tăng giá vé.
Con chó cứ rên hữ hữ, nó sống khá vô tư không biết đến tiền, tôi buồn rầu không thể kể xiết, số tiền chính thức khi bán vé và cả số tiền cửa, suy cho cùng là bán mạng em tôi. Tôi thấy thật rõ điều mọi người lấm lét né tránh, hột cơm xấu hổ mà mọi người ăn hàng ngày phải chăng từ máu của em tôi, nếu như một một ngày nào đó cái chết sẽ tới như tôi dự đoán, điều nầy nào có phải là tưởng tượng thái quá, nó đã cận kề, một sự thật hiển nhiên nhãn tiền.
Lòng tôi cứ trĩu nặng mối ưu tư, lo lắng muộn phiền, tôi đã sống như chết đi rồi suốt thời thơ ấu, và quãng đởi còn lại của tôi đầy những nghi ngại, kể cả khi tôi cười, nào có vui gì cho cam. Ác nghiệt thay máu chảy ruột mềm, chính tôi cũng bị số phận đóng đinh, vì chính tôi cũng đã dự phần trong cái trò chơi bạo lực có vay có trả nầy.
Rồi mọi việc diễn ra tuần tự ngăn nắp như có ai đó sắp đặt, đó là một bản hoả tấu với nhiều cung bậc, thăng trầm, lãng mạn, trữ tình, giả trá, sắt thép, bạo liệt, trong tiếng trống trận mạc thúc dục. Cuộc tranh chấp nào diễn ra giữa lòng nhân ái, đối chọi với lề thói phi nhân, để bênh vực cho người thế yếu, chống cái ác, vẫn có người thiện chí. Nhưng khổ tâm thay khá nhiều lúc họ là thiểu số đôi khi còn thoả hiệp với cái xấu, còn đối phương hầu như lúc nào cũng giàu và mạnh hơn. Giữa đó lại còn sự vô tâm, bàng quan, ẩn náu trong từng con người, như con vi trùng, hay con rắn nằm êm dưới lớp lá mục, khi nào có cơ hội, thế nào cũng bùng phát, chẳng khác gió với lửa.
Anh tôi có một chiếc tủ lớn dùng để đựng đồ hoá trang, trang phục biểu diễn của anh, vì anh là kép chánh, trong tủ có một chiếc áo choàng rộng, màu đen anh ít khi mặc ra sân khấu, thường thì anh ngồi ở ngoài quán cà phê, luôn luôn với một vài người bạn địa phương. Sau phần chiếu phim anh mới vô trong rạp, lúc nào anh cũng đứng một lúc sau bức màn nhung, hé mở một chút để nhìn xuống khán giả, đó là một trong những thủ thuật “tự trấn an” bí ẩn riêng của người phóng dao. Anh phải nhìn cho thật rõ một khuôn mặt nào đó, bất luận là ai, trước khi bước ra sân khấu, lúc nầy anh đang nhìn tấm vải trắng chiếu phim, điểm tựa đầu tiên, thường ngày anh tôi tỉnh rụi trước mọi chuyện, anh ít nói chuyện cũng như biểu lộ tình cảm, với những động tác chậm rãi. Điều nầy xem ra có lợi cho nghề nghiệp của anh, lạnh nhạt, không chút hiếu động, anh ra sân khấu giống như đi bắn chim hay câu cá, cẩn thận lược bỏ động tác thừa, những nông nổi đáng tiếc phần nhiều ở kẽ hồ đồ. Khi nào muốn làm một chuyện gì, dù nhỏ hay lớn, anh chần chờ rất lâu, gần như không muốn nó diễn ra. Anh bước bao nhiêu bước trên sân khấu, phóng bao nhiêu lưỡi dao, cúi chào rất chừng mực anh tôi là một người ngăn nắp và bảo thủ đến tuyệt đối.
Khó hình dung một người bảo thủ sống phóng túng, anh quen tuân thủ một thứ kỷ luật tự mình đặt ra và hết sức trung thành với nó, có lẽ vì vậy, quá đỗi nghiêm ngặt, cho nên anh nghèo tới nỗi không có được một góc tư giấc mơ, người nào mà không có một ít mơ mộng, dù cho hão huyền, để tự an ủi mình, nó như cái bánh ngọt ngào trong cõi đời quá đắng, anh hoàn toàn không thuyết phục nổi, mà cho dù anh có được một chút mơ màng đi nữa anh vẫn khó lòng làm cho nó hấp dẫn, quyến rũ, nhiều màu sắc hơn cuộc sống thường nhật, cơ hội nào đó đổi đời khó thể tới với anh tôi, anh hoàn toàn thụ động.
Anh đứng đàng sau lấm vải chiếu phim, nhìn những hình ảnh ngược, một cách ví von khá buồn cười về những suy nghĩ hiện có của anh, nó thuộc về ảo tưởng. Anh cứ nghĩ rằng anh sẽ cưới được chị Phương? Tôi mường tượng một chuyện... chị Phương ở tầng lớp trên, có ăn học, có hiểu biết, tôi nghĩ giữa chị và anh chỉ có vài mùa hè vui đùa. Chị khóc, chỉ là một cách để cho trôi qua mùa hè nhàm chán đơn điệu, như vài cô gái nhà giàu ưa đọc tiểu thuyết khác thôi mà, như vậy sẽ thú vị hơn nhiều vì có chút đớn đau, tuyệt vọng. Trái cựa với cảnh sống luôn được nuông chiều, muốn gì được nấy, tất cả những chuyện nhiêu khê nầy, trộn lại thành một món cóc tai tạp pí lù khổ cho tôi, nếu như tôi đi quá sâu vào con đường tôi chưa hề đi qua, những điều chính tôi chưa có kinh nghiệm.
Cuối cùng tôi chiêm nghiệm, anh tôi rất liều lĩnh, đồng thời- mỗi- lần- anh -phóng đi một lõi dao cũng là lúc anh thoát khỏi một ức chế nào đó, một thứ mặc cảm thua thiệt, của đồng tiền giả.
Tiếng “rền” lớn nhứt bao giờ cũng ở phần kết của đoạn phim hài, lúc đó anh tôi chuẩn bị những lưỡi dao lạ thường hơn, đêm nay anh khoác trên vai chiếc áo choàng dài màu đen tuyền, dài từ trên vai phủ tới tận gót chân, tôi nghe đàng trước tôi, về phía đám đông có một chờ đợi háo hức, sự... im lặng của một trái bom. Bức màn nhung cũ dầy nặng nề mở ra hai bên, tôi nhìn qua kẽ hở của tấm ván phóng dao, đã có quá nhiều vết thương, biết bao nhiêu là con cá, già trẻ bé lớn, họ ngồi đầy các hàng ghế, đứng ken chân ở giữa lối đi, hai bên vách, mãi lận cuối bức tường, nơi cửa ra vào, thoang thoáng vài người cầm súng. Và... tôi trông thấy chị Phương, chị ngồi bất động trong đám đông, tôi ước chi giờ phút sinh tử nầy, chị đừng vội có mặt, vì chị là ngòi nổ, nếu như tấm ván biết nói nó sẽ khóc than lo sợ, hơn bất cứ một thứ gì khác, trong hàng hà sa số những vật dụng của con người.
Con chó nhỏ của tôi có phản xạ thích nghi với hoàn cảnh tội nghiệp của nó hơn là tôi, có khi tôi dấu củ khoai sau vách ngăn, nó tìm mọi cách chạy vòng ra sau, tuy có mất chút thời gian. Còn tôi, cũng tội nghiệp, dù có hội đủ những điều kiện tốt nhứt để đào thoát ra nỗi khổ, e rằng phản xạ của tôi cũng đã chai lỳ, tôi qua đỗi ngây thơ vụng về, lại cả tin, rằng ở bên trong bức tường nào tôi giam hãm tôi, tôi cũng yên thân, tôi không có khả năng vượt qua một bức tường giấy. Giờ đây với cơn sốt nặng lần trở lại tìm tôi, hai mắt tôi hoa lên, trước tôi chỉ là những tia chớp tắt, những dấu chấm lập lòe, những hào quang khó chịu, tôi chóng mặt tới nỗi hoang mang bật khóc hai bàn tay tôi run bắn lên, hai chân tôi có cơ khuỵ xuống, thân hình tôi nhẹ lênh. Đêm nay, có lẽ là đêm cuối cùng tôi đứng sau tấm ván trần ai lai khổ nầy chăng, tôi không phải là diễn viên và tôi chưa hề là một diễn viên, suốt cuộc đời tôi luôn chối bỏ điều đó. Vinh quang xin dành cho người khác, chẳng qua là tôi chỉ ghé lại đôi chút, ít phút ngắn ngủi, sắm một vai trò đầy bi quan, quá đỗi phụ trên ba tấc ván. Khán giả không biết và không thể nhớ tôi, tôi bằng lòng và cám ơn thật lòng với phần quà hẻo nầy, công việc vô danh nầy. Họ khó nhìn thấy mặt tôi, song đã bao nhiêu đêm tôi trông thấy mặt họ, chí ít cũng vài ngàn lần, khán giả, những người hàm ơn nuôi sống gia đình tôi, nuôi anh em tôi, sao mà tệ bạc, vô tư làm vậy...
Tôi yêu mến làm sao những con người sống chung quanh tôi, tôi thèm muốn được vô tư như họ, nhưng không thể, đáng lý tôi là một người vui tánh, nhưng cũng không thể, vì tôi sinh ra khá buồn phiền và có một số phận khác hẳn. Xin hãy rộng lượng tha thứ cho tôi vì đã quá lời song nhìn lại, dù cho có phần cố chấp, tôi vẫn cứ phải là tôi khó hoà thuận với ai, mọi người cũng khó hoà thuận với tôi. Tôi đa nghi, luôn chẳng bằng lòng, không hề có chuyện tôi bất mãn gì, tôi chỉ bất mãn với tôi, khắc kỷ hợm hĩnh, tôi ẩn núp ngoài sau tấm ván đã quen với bóng tối, tôi khó thể sống bình yên, dù cho tôi ở bên người. Và cho dù tôi có sống một mình trên đảo hoang, tôi vẫn bất mãn, vì sao lại phải có thêm cái bóng của mình? Cô độc chính là sản nghiệp của tôi, số vốn kỳ lạ nầy làm cho tôi thật khó lòng xoay trở.
Chú Tài “say” đang làm một động tác hài ngộ nghĩnh, gây những tiếng “rền” cách xa tấm ván chừng 8 bước chân, anh tôi phóng thử những lưỡi dao, nó bay như những con chim én luyện, lí lắc, cắm phập vào thân gỗ, có lưỡi dao lại chém vào vết thương cũ của mảnh ván, có lưỡi dao nhọn xuyên qua thân nó, quá nửa, thật gần tôi, ánh thép màu tim tím rợn người, tôi khẽ chạm vào tay em tôi, tôi nhìn thấy dòng sông nào đó nơi tôi sinh ra, cuồn cuộn giận dữ, tôi nhìn thấy cây đèn bão cháy đỏ trong đêm, rồi bất ngờ, cơn giận ẩn náu lâu nay trong tôi bùng lên bật khả, tôi nhắm mắt lại và trông thấy, giữa hàng triệu ánh chớp sáng lòe như sấm sét, một người nào đó, hình như là Cha tôi, nhẹ lướt trong sương khói, tới gần tôi, dìu tôi đi trong lúc hai bên đường dám đông reo hò giận dữ, đàng xa, một nhánh cây chết khô lặng lẽ, xa hơn, có một ngọn núi nhỏ, con đường mòn trong cỏ thoai thoải, như bức tranh thuỷ mặc, một mái nhà, khói bếp nhẹ bay đầm âm, người đàn bà vẫy tay gọi tôi về, và đó là Mẹ tôi, tôi té ngã đâu đó, lúc nầy không còn thấy Cha đâu, hình như tôi khóc, cúi xuống hôn trên mắt tôi là một thiêu nữ, người có khuôn mặt quá đỗi dịu dàng, bàn tay cô gái cầm chiếc khăn trăng trắng, hình như là Phương...
Tấm Ván Phóng Dao Tấm Ván Phóng Dao - Mạc Can Tấm Ván Phóng Dao