Số lần đọc/download: 1719 / 40
Cập nhật: 2015-09-30 23:32:43 +0700
Anh Hùng Bất Đắc Dĩ
H
uấn hai tay nhét túi quần, đứng trên vỉa hè mà ngó vào hiệu ăn "Sơn-Trân".
Đó là hiệu cơm ta lớn nhứt ở Sài-gòn, rộng hai căn phố phá vách ngăn.
Chàng đưa mắt quét mấy dãy bàn đến ba lượt, thấy tất cả các gương mặt quen hổm nay, thêm vài mặt mới nhưng tuyệt nhiên không tìm được Thinh.
Huấn là thi sĩ với tất cả cái nghĩa đầy đủ của danh từ ấy. Vì thế chàng thường tung tiền và trót tháng nay cháy túi đến phải cặp tàu một người bà con, vốn là công chức.
Không tìm thấy Thinh, chàng âu sầu nét mặt, day ra đường rồi nhìn ngược, nhìn xuôi.
Hiệu "Sơn-Trân" ở đường Gia-Long. Thường thì Thinh từ chợ Bến thành cỡi Vết-ba chạy vô đó, hôm nay Huấn ngó cả đằng hướng ngã sáu Quẹt-Đon, vì biết đâu anh ấy lại không sanh chứng mà chạy vòng quanh chơi. Mỗi lần nghe tiếng động cơ nhỏ nổ là mỗi lần Huấn giựt mình, rồi hy vọng và đều thất vọng cả. Thét rồi chàng oán tất cả những xích-lô máy, mô-bi-lết, xì-cút-tơ, vì trong lúc khó khăn chàng cứ tưởng những người đi các loại xe ấy cố ý gạt chàng chơi.
Đã gần một giờ trưa rồi, bụng chàng đói lắm mà người bà con mãi không thấy tăm hơi. Bạn hữu của chàng, thằng nào cũng đã bị chàng cặp tàu rồi cả, chúng nó cũng nghèo xác nghèo xơ, thì còn biết trông cậy nơi ai.
Chàng hơi muốn đánh liều vào đại trong tiệm làm một bụng, rồi nếu may ra người bà con đến thì mọi việc đều xuôi bằng không, ra sao thì ra. Nhưng quả thật chàng không dám. Từ bé đến giờ, chàng chưa liều mạng làm xấu lần nào cả. Vả lại, trong đó có một người ngồi, một cô gái đẹp mê hồn đã làm cho thi sĩ bâng khuâng suốt một tuần nay thì...
Cô gái độ hăm hai tuổi, ngày nào cũng vào đây ăn, đúng giờ khắc như một người đi làm. Huấn đã viết được hai bài thơ về "Cặp mắt đẹp" và về
"Mối tình câm" mà chàng ưng ý lắm.
Trong giây phút, Huấn bật cười. Đã đói lên đói xuống mà còn đèo bòng. Rõ thật là thi sĩ ngông.
Chàng đang đói bụng, lại đói cả lòng, vì tình yêu của chàng như là điện một chiều, có đi mà không có lại. Huấn rất nhát gái, nên suốt tuần nay chàng chỉ ngồi trong xó mà nhìn bóng giai nhân. Vả lại bộ y phục tàu của chàng và mớ tóc râu hai tuần không phải là những món trang sức đáng được chàng trình diện với đàn bà.
Bỗng đàng xa, một người quen đạp xe máy chạy đến. Đó là anh tống thơ văn ở buồng giấy của Thinh.
Anh chạy giấy, thấy Huấn thì thắng xe lại rồi hỏi:
- Ông hay gì không?
- Không. Gì, gì đó? Huấn hoảng hốt hỏi lăng xăng.
- Ông Thinh bị xe đụng chết ngay trước sở.
- Trời!
Tiếng kêu trời của Huấn cụt ngủn mà đầy đau thương. Chàng thương bà con thật tình, nhưng cũng thưong chính chàng nữa, và tất cả nguy ngập của tình thế của chàng đều được chứa đựng trong tiếng kêu than ấy.
Huấn lảo đáo muốn té xuống lề đường. Chàng đã nhịn đói từ sáng đến giờ, nên người yếu đi, giờ lại bị cái vố nầy nữa thì còn đứng vững làm sao được.
Chàng giải quyết trong hai phút là xong vấn đề Thinh. Xác Thinh chắc đã được chở đến nhà thương để khám nghiệm, rồi cho thân nhân hay để mang về chôn. Chàng sẽ đưa đám ma ấy, nhưng hiện giờ khỏi phải bận tâm, anh ấy đã chết rồi kia mà!
Nhưng vấn đề của chàng thì vẫn nan giải. Nếu chỉ nhịn đói hôm nay thôi thì cũng chưa đến nỗi gì. Nhưng ngày mai, ngày mốt, ngày kia? Đi làm thì chàng đã có làm mấy sở rồi, mà đều bỏ sở cả, vì chịu không được cảnh tù túng cũng có, mà vì tủi thân khi bị chủ rầy là lẽ chánh. Vả bây giờ có muốn tìm việc cũng không phải đầu hôm sớm mai gì mà tìm ra.
Bí quá, chàng nghĩ đến việc quyên sinh. Tự tử để khỏi khổ thêm nhiều ngày nữa.
- Chết, thế nào mình cũng phải chết!
Nhưng mà trời ơi! lần đầu tiên gặp người lý tưởng, chưa kịp trao lấy một lời chào mà đã vĩnh biệt cõi đời thì hận nầy biết bao giờ cho nguôi!
- Trời ơi, chết làm sao cho đành!
Tuy nhiên chàng soát kỹ lai một lượt các giải pháp thì chỉ thấy còn cái chết mới giúp chàng ra khỏi nẻo bí, trừ phi đi cướp giựt, điều mà chàng không thể làm được.
- Nhưng trước khi chết, mình phải làm một việc oanh liệt mới được.
Cái việc oanh liệt mà chàng tự nguyện thầm đó rất là buồn cười: có gì đâu, chàng nhứt quyết đến trước mặt cô gái để nói rằng chàng yêu cô ta, nói xong tự tử ngay tại chỗ, hay ù té chạy mất, tìm cái chết nơi khác, thế nào cũng được. Mà có lẽ chết tại trận xem giựt gân hơn.
Thật là vô lý và vô ích, nhưng Huấn nhứt định làm thế vì chàng là thi sĩ ngông kia mà.
Chàng nuốt nước miếng mấy phen, vỗ ngực nhè nhẹ để dám đánh bạo. Nhưng ý muốn tiến bước mà chơn vẫn như bị chôn xuống đất.
- Mầy ngốc quá, chàng tự bảo: mầy sắp chết đây mà còn sợ cái gì. Mầy có làm xấu đến đâu năm phút nữa là sẽ không còn biết gì, không còn khó chịu về sự chê bai của ai nữa hết.
Nghĩ xong những điều đó, chàng lấy bộ hùng dũng cho đỡ sợ rồi mạnh dạn bước vào hiệu ăn.
Đi ngay lại bàn cô gái, chàng oai nghiêm đứng thẳng người trước mặt giai nhân. Bấy giờ mỹ nhân ngước lên, rồi nhìn thấy tóc Huấn, có lẽ đã hai tháng chưa được hớt xén gì cả, nàng ngỡ ăn mày định xin tiền, nên nàng hơi khó chịu ra mặt.
Huấn bước tới đó bỗng tắt tiếng, nói không được một lúc lâu, rồi rán hết sức bình sanh, chàng nói to lên:
- Thưa cô, tôi yêu cô lắm!
Cả tiệm ăn đều kinh ngạc và bao nhiêu mắt đều hướng về phía con người hì hợm đó. Một anh chàng điên chăng? Họ tự hỏi.
Mặt Huấn đổi màu sắc mau lẹ trông thấy: ban đầu nó đỏ ké, rồi trắng dợt lần lần, đến tái xanh. Chàng run rẩy và đổ mồ hôi có giọt, tay quờ quạng để lấy con dao trên bàn, định dùng dao ấy đâm vào cổ chàng. Nhưng vụng về thế nào mà đụng phải cái lọ hoa bằng thủy tinh mà giai nữ để ở một góc bàn.
Cái lọ ngã xuống, cô gái đang kinh ngạc vì cử chỉ đường đột của Huấn lại phải hoảng hốt kêu "ái" một tiếng thất thanh rồi đứng lên mà chụp bình hoa. Nhưng đã trễ quá rồi, chiếc lọ đã rơi xuống gạch kêu một cái cảng rồi bể ra từng mảnh.
Chiếc lọ nầy bằng thủy tinh Saint-Gobain. Trước đó hai tiếng đồng hồ, cô gái đã mua nó ở một hiệu trên đường Tự-do, giá sáu ngàn tám. Cô định dùng nó làm quà biếu đền ơn một người quen đã giúp cô vào làm ở một hãng kia. Hồi nãy có người quen muốn xem, nên cô lấy nó ra khỏi hộp các-tông và vì lỡ bữa, nên chưa kịp cho vào hộp trở lại.
Cô gái thả rơi mình xuống ghế, vẻ mặt tuyệt vọng vô cùng. Rồi lần lần cơn giận bừng lên, cô căm tức nhìn Huấn mà nói:
- Cái ông nầy, làm sao lại đánh vỡ cái lọ quí của tôi? Ông phải đền ngay cho tôi mới được.
Cả cô gái và bao nhiêu khách ăn đều quên cử chỉ điên rồ của Huấn khi nãy; họ chỉ còn chú ý đến một anh chàng dơ và rách vừa gây thiệt hại lớn lao là đánh vỡ một lọ hoa quí giá.
Cô gái thì tức mình ấm ách, khách ăn thì lo ngại không hiểu rồi sẽ ra sao vì coi bộ chú chàng nầy rỗng túi, lấy đâu ra tiền để bồi thường.
Còn Huấn thì hoảng quá cũng quên mất vụ tự tử và tấm tình nồng nhiệt của chàng, chàng chỉ thấy mình đang đứng trước một tai họa mới, không thể gỡ ra.
Cô gái lại xẵng giọng mà hỏi nữa:
- Nào ông bồi thường hay không thì nói đi, để tôi gọi cảnh sát đến tính vụ này.
Huấn ú ớ không đáp được. Bấy giờ đâm đầu chạy đi tự tử thì xong cả. Nhưng họ có thể lầm là chàng ta chạy nợ, cái đó xấu lắm, nên chàng vẫn không chạy được.
Bỗng giai nhân kêu rú lên một tiếng kinh sợ. Huấn giựt mình ngó ngoái ra sau lưng, vì chàng nhận thấy cô gái đang nhìn ra đường, biết là nguồn sợ hãi của cô ta ở
đó.
Trên vỉa hè, trước hiệu ăn, một người đờn ông đứng tuổi, y phục và tướng mạo hết sức sang trọng đang đứng dòm vào. Hắn nhìn cô gái mà cười cái cười rất ác hiểm như đang hăm he, dưới một cái mép có bộ râu của các tay lưu manh trong phim chiếu bóng.
Huấn day trở vô thì thấy cô gái bối rối lên. Giây lâu, cô ta bình tĩnh lại thì Huấn nhận ra ông khách bí mật ngoài đường đã đi mất.
Cô ta cố trấn tĩnh và dịu giọng hỏi hắn:
- Hình như là ông không đủ sức bồi thường phải không?
- Phải, Huấn đáp rất yếu, có lẽ vì đói hơn là vì sợ.
- Ông có cần chỗ làm hay không?
- Hiện giờ thì cần.
- Thế ông làm cho tôi để lấy lương bồi thường cái lọ, ông nhận hay không?
- Cũng tùy. Làm công việc gì, thưa cô?
- Trước, ông làm nghề gì?
- Thi sĩ.
Cô gải mỉm cười mà rằng:
- Như vậy ông yêu tôi thật vô ích. Tôi cũng mến phục thi sĩ lắm, nhưng nếu yêu, tôi sẽ yêu một võ sĩ, một thể tháo gia, đủ sức khoẻ lo cho gia đình. Nhưng thôi, tôi muốn mướn ông làm thơ ký cho tôi.
- Rất hân hạnh.
- À, mà hình như là ông chưa ăn cơm trưa thì phải.
Không đợi Huấn xác nhận dự đoán ấy vì nàng biết không bao giờ Huấn xác nhận cả, nàng kêu một bữa ăn, cho một người ăn thôi.
Bây giờ khách đã ra hết. Cô gái yêu cầu Huấn ăn nhanh chóng vì đã quá trưa rồi.
Huấn y lời, không phải để vưng lời bà chủ mà vì chàng đang đói.
Ngồi ăn, chàng cố cầm giữ bật cười mỗi khi nghĩ đến tình thế oái oăm từ nãy giờ trong vòng có mấy mươi phút mà họa, phước kế tiếp nhau mà đến và đi, và rốt cuộc được ăn, được chỗ làm có lương bổng, mà lại làm với người ngọc nữa kia chớ.
Chàng bỗng lại nghe buồn buồn trong lòng. Cái con người đã quyết định một cách đột ngột và kỳ dị số phận của chàng, con người đó chắc chắn không phải là môt cô gái tầm thường, một cô gái ngây thơ, mơ mộng như tất cả những thiếu nữ chàng tả trong thi ca của chàng.
Như vậy cô ta không phải là người lý tưởng của chàng nữa rồi. Chàng được thoát nạn, được tiền, nhưng lại mất người mơ ước. Nếu biết thế, chàng có thèm yêu thầm làm chi suốt tuần nay cho khổ thân.
Huấn ăn xong bữa cơm chỉ mất có tám phút, mặc dầu chàng ăn thật nhiều. Cô gái trả tiền xong, ra kêu tắc-xi, nói lên một địa chỉ, rồi hai người cùng đi.
Bấy giờ Huấn mới có dịp và mới đủ trí tỉnh để xét nét cô ta. Giai nhân trông vẻ mặt còn ngây thơ, nhưng cử chỉ thì sành đời. Đó là một cô gái thơ có bộ điệu vững chắc của một người đàn bà đứng tuổi, và những thông thạo của một người thượng 1ưu.
Đến khúc đường Lê-văn-Duyệt, gần Nhà Kiếng, cô gái bảo tài xế ngừng lại trước đầu một ngõ hẻm. Hai người xuống xe và Huấn theo cô ta vào ngõ, đến một căn nhà hẹp kia.
Khi mở cửa thì Huấn thấy nhà bày trí rất là đơn giản, rõ ràng chưa đủ đồ để trang hoàng căn nhà.
"Thế mà dám mướn thơ ký à?" Chàng lẩm bẩm.
Cô gái chỉ một chiếc ghế mời Huấn ngồi. Cả hai đều làm thinh rất lâu. Cô gái, trông bộ dường như muốn nói gì, nhưng không nói được, giây lâu cô tằng hắng mấy cái mà rằng:
- Tôi là Phượng, Huỳnh-thị-Phượng...
Cô Phượng như cụt hứng thình lình và Huấn cũng không biết nói gì để giúp cô ta xuôi câu chuyện. Một lát lâu, cô Phượng tiếp:
- Tôi mượn anh giúp tôi một công việc. Công việc đó tôi đã bảo là làm thơ ký, nhưng thật ra thì không phải.
Lại một hồi lâu im lặng nữa khiến Huấn náo nức muốn rõ câu chuyện có vẻ bí mật mà cô gái ngại lời mãi, chưa nói ra được.
Chàng mở đường:
- Thưa cô, đã làm công giúp cô để lãnh lương, thì công việc gì, tôi nghĩ cũng như nhau, và tôi luôn luôn sẵn lòng làm tròn phận sự, trừ những việc trái với lương tâm tôi và có hại cho danh dự tôi, hoặc hại quyền lợi đồng bào ta.
- Ấy, thế mới rầy rà. Công việc mà tôi cậy anh giúp tôi, theo tôi, cũng không có gì bậy bạ. Nhưng tôi ngại anh khó tánh rồi từ chối. Tôi biết hạng văn nhơn thi sĩ như anh, hay câu nệ lắm.
- Xin cô cứ giải bày thử xem.
Cô Phượng đánh bạo bằng một cố gắng lộ rõ trên mặt rồi nói:
- Như thế nầy. Tôi là người yêu bất đắc dĩ của Trấn, cái anh chàng đứng ngoàì hiệu ăn dòm vào khi nãy...
Huấn kinh dị hết sức trước phát giác nầy. Chàng nghe quặn đau nơi lòng như vừa hay tin tình nhơn phản bội mình.
- Chúng tôi đều ở Cần-thơ. Tôi trốn hắn lên đây mấy tháng nay thì hôm nay hắn dò đã ra tung tích tôi rồi. Tôi không yêu hắn, lại rất sợ hắn. Hồi nãy tôi vụt nãy ra cái ý mà tôi cho là hay, là dùng quyền chủ nợ để bắt ép anh làm một công việc khó. Công việc đó là... là... giả làm chồng của tôi để bảo vệ tôi thoát khỏi móng vút của hắn.
- Ồ, Huấn kêu lên một tiếng đầy công phẩn.
- Thì tôi đã biết thế. Tôi biết anh sẽ không bằng lòng làm cái việc kỳ dị ấy. Đối với anh, thà ở tù còn hơn. Vì vậy, tôi bỏ ý định bắt ép anh, mà chỉ muốn thuyết lý làm sao cho anh bằng lòng.
- Cô thuyết lý làm sao tôi cũng không bằng lòng cả.
- Anh chỉ thủ vai chồng của tôi khi nào ta gặp hắn thôi. Ngoài ra, anh là thơ ký của tôi, là bạn của tôi, như thế không khó chịu lắm đâu.
- Không khó chịu lắm nhưng trái đạo lắm.
- Đạo gì đó hở anh?
- Đạo làm người chớ đạo gì.
- Đạo làm người cấm diễn kịch à?
- Diễn kịch? Thật đó chớ. Hay nói cho đúng ra đó là diễn kịch thật.
- Hễ diễn kịch thì không thế nào thật được.
Bực tức đến cực điểm, đỏ mặt phừng phừng, Huấn quát:
- Thưa cô, tôi không phải là ma-cô.
Phượng bình tĩnh thở dài:
- Anh nóng tánh quá, và lạm dụng danh từ quá. Anh có bảo vệ tôi để tôi làm tiền ai đâu mà gọi là ma-cô. Anh chỉ bảo vệ một nạn nhân thôi. Nạn nhân ấy đã, đương, và sẽ sống một đời lương thiện và trong sạch như bất kỳ ai.
- Tôi đã quyết định rồi đó. Bây giờ cô cứ kêu cảnh sát bắt tôi về tội phá hoại báu vật của cô
- Thế anh không yêu tôi nữa à?
- Tôi đã hết yêu cô từ khi tôi biết câu chuyện này.
- Nói láo. Anh đã ghen tức lên, anh đau khổ trông thấy, mà quả quyết là hết yêu. Hết yêu thì phải dửng dưng chớ.
Huấn tức nghẹn ứa nước mắt ra. Phương chêm thêm:
- Anh còn yêu tôi là anh sẽ đau khổ mãi, nhứt là mỗi khi anh nhớ lại hắn đang làm khổ tôi. Gần tôi, anh có lợi hơn. Anh giữ chừng người yêu của anh cho nàng khỏi phải sa trở lộn vào nẻo cũ. Anh có nhận là tôi nói phải hay không?
Huấn ôm mặt khóc rấm rức như con gái. Đến khi cạn lệ, chàng ngước lên, thở dài mà rằng:
- Như vậy cô mướn tôi làm gác-đờ-co cho cô không được sao, lại phải bày chi cái trò kỳ cục quá vậy?
- Không được. Hắn có sợ gác-đờ-co đâu. Hắn dữ tợn lắm, lại nhiều tiền. Hắn mà đánh không lại gác-đờ-co, hắn sẽ mướn hàng chục du côn thì đến võ sư cũng phải mềm xương
với hắn, chớ đừng nói người ốm nhách như anh.
Chỉ có một người mà hắn ngán thôi. Người đó là chồng của tôi. Người chồng bao giờ cũng có quyền. Nếu hắn lại bất kể quyền của chồng tôi, hắn cũng phải biết rằng chỉ có người chồng mới đủ cả quyết mạo hiểm để bảo vệ vợ mình.
Huấn lại thở dài nhẫn nại:
- Thôi, tôi cũng đành phải nhận vậy chớ biết sao! Nhưng tôi có một điều kiện mà cô phải theo.
- Tôi cũng có điều kiện của tôi. Nhưng nào, điều kiện của anh đâu?
- Là tiếng anh mà cô dùng để xưng hô với tôi đó là một tiếng phải đầy thân mật! Giờ đây cô kêu tôi bằng anh một cách dửng dưng như kêu anh cai, anh thợ, anh tài xế, anh người nhà. Cô nên nhớ rằng, làm công cho cô, tôi cần quên sự thật để khỏi đau khổ. Mà chỉ có vẻ dịu dàng chứa đựng trong tiếng anh đó mới làm tôi quên được thôi.
- Tôi sẽ cố gắng làm vừa lòng ANH.
- Coi kìa, cái tiếng ANH cô vừa thốt ra đó, vẫn còn lạt lẽo lắm. Thế cô kêu tôi bằng ông như trước còn hay hơn.
- Tôi phải tập lần chớ. Còn đây là điều kiện của tôi: anh chỉ thủ vai một người chồng giả thôi. Ngoài ra anh không được đòi hỏi gì khác nữa cả.
- Vâng, hẳn là phải như vậy. Tôi diễn kịch như thế đến bao giờ mới thôi?
- Đến chừng nào hắn hết đeo đuổi theo làm khó dễ tôi nữa. Và chừng đó, anh sẽ thôi việc không điều kiện.
- Đến bao giờ tôi khởi công, thưa cô?
- Ngay bây giờ. Hắn giỏi lắm, có lẽ hắn đã tìm được nhà tôi rồi cũng nên. Vậy phải có mặt anh ở đây luôn.
- Ở đây luôn, nghĩa là cả về đêm nữa sao, thưa cô?
- Nếu cần thì cũng phải đến như thế. Mà tôi thấy là cần.
- Thế ra tôi không được sống tự do à?
- Tự do là thế nào, anh hiểu làm sao về tiếng ấy?
- Tôi cần những gì mà tôi trở về với chính lòng của tôi, trong một xó nào đó. Tôi lại cần làm việc, tiếp rước bạn hữu, v. v...
- Anh đã có vợ chưa?
- Chưa.
- Tốt lắm. Vậy anh có quyền làm bất cứ chuyện gì anh thích như làm thơ, ngâm thơ, tiếp bạn, tại nhà tôi. Anh tiếp bạn đông chừng nào càng tốt chừng nấy. Nếu hắn có léo hánh đến, thấy nam nhi đông quá, chắc phải ngán. Một mình anh với tướng mạo thi sĩ của anh khó mà đương đầu với hắn lắm.
Huấn tức giận đứng lên, ưỡn ngực ra, xăng tay áo sơ-mi để chưng sơ bắp thịt tay của chàng, co cánh tay lại cho bắp thịt ấy gò lên cao, vỗ vào con chuột banh bách rồi nói:
- Cô đừng khinh, thi sĩ nầy đủ bản lãnh đương cự với bất cứ tên côn đồ nào.
Phượng bật cười:
- Anh hùng lắm! Dám mong anh sẽ không là anh hùng rơm.
Huấn cũng bật cười cho cử chỉ lấy le lố bịch của mình vừa rồi.
Phượng lại hỏi:
- Hiện anh ở đâu?
- Tôi ở trọ nhà một người bạn.
- Anh nên mang ghế bố và rương trấp lại đây ngay. Anh ở buồng ngoài, mặc sức mà làm thơ và tiếp bạn. Tôi đi đâu thì anh hộ tống.
- Thưa cô, còn lương bổng thế nào?
- Hai ngàn một tháng.
- Làm cái việc tối nguy hiểm ấy mà chỉ có hai ngàn một tháng à?
- Tôi không giàu lắm. Tôi chỉ là một công nhân thôi. Tôi chia lương tôi cho anh được đến đó là cùng mức. Mỗi tháng tôi trừ đi bảy trăm đồng, đến mười tháng là đủ giá tiền chiếc lọ.
- Cô trừ nhiều quá vậy còn đâu tôi ăn xài?
- Anh không lo. Lẽ cố nhiên là anh sẽ hộ tống tôi lúc tôi đi ăn cơm và sẽ ăn với tôi.
Huấn thở dài. Tình thế oái oăm đến đỗi chàng không chắc đây là chuyện thật hay chiêm bao. Đó là câu chuyện không giống câu chuyện nào cả, cả đến những chuyện tiểu thuyết dị kỳ nhứt mà chàng được đọc.
Cô Phượng hối thúc:
- Anh nên đi ngay. Trong lúc anh vắng mặt, tôi sẽ đóng chặt cửa lại.
- Cô sợ nó đến thế à?
- Không sợ mà phải bỏ xứ từ Cần-Thơ lên đây.
Huấn nắm chặt hai tay lại, bậm môi rồi nói bằng một giọng quả quyết:
- Tôi sẽ bảo vệ cô cho tới cùng.
Nói xong chàng hùng dũng ra đi. Lần này xem ra bớt lố bịch hơn lúc nãy bội phần.
o O o
Tối hôm đó, cô Phượng đi ăn cơm với một chàng trai không đẹp lắm, nhưng dễ coi, Huấn đã hớt tóc, cạo râu, và thay y phục sạch sẽ. Nhưng nhà thơ ta nhút nhát và vụng về quá khiến không ai tưởng chàng là bạn của Phượng được. Không là bạn mà đi ăn chung với nhau là
một sự lạ, nên ai cũng dòm.
Phượng không tỏ vẻ ngại ngùng chút xíu nào hết, dạn dĩ nói cười như một người đàn bà có chồng. Trái lại Huấn thì e lệ như gái tân, thỉnh thoảng đỏ mặt lên một lần và suốt bữa ăn, nghe nhiều hơn là nói.
Ăn xong, Phượng đứng lên, ra cửa, nhường cho Huấn trả tiền, bằng tiền cô đã trao trước cho chàng lúc còn ở nhà.
Phượng vừa đặt chơn xuống vỉa hè thì Trấn đã lù lù hiện đến, thơm nức nước hoa và đẹp trai hơn bao giờ cả. Đó là một người đàn ông đứng tuổi mà rất khỏe mạnh hồng hào, đẹp người và tướng sang, duy vẻ mặt thì hơi hiểm ác.
Phượng hoảng hốt đứng khựng lại, day ra sau để cầu cứu. Bấy giờ, Huấn vừa ra tới, thấy là hiểu ngay. Không rõ vì chàng diễn kịch giỏi quá, hay vì chàng thừa dịp để lợi dụng mà chàng nắm lấy tay Phượng mà rằng:
- Đi em!
Phượng không cưỡng, ngoan ngoãn như cô vợ trẻ mới cưới, rảo bước theo chồng, trong khi Trấn bậm môi tím mặt. Hắn nhìn đôi bạn trẻ nắm tay nhau đi, nghĩ gì không rõ; một lát lâu, rồi hắn chạy theo họ. Hắn vượt khỏi họ, đoạn đứng lại, quay lưng chào Phượng một cách lễ phép, cái lễ phép mỉa mai và hàm một vẻ sâu hiểm lạ lùng.
- Chào cô Phượng.
- Chào ông, Phượng lạnh lùng đáp.
- Cô đi với ai, tôi được hân hạnh làm quen không?
- À, nhà tôi, anh Huấn.
Đoạn chỉ Trấn, cô nhìn Huấn mà nói:
- Ông Trấn, chủ hãng xe đò Bà-Thắc ở Cần-thơ.
- Hân hạnh!
Trấn vừa nói vừa đưa tay để bắt tay Huấn. Huấn cũng lịch sự đưa tay ra. Trấn siết tay người quen mới thế nào mà thấy Huấn nhăn mặt cố nín kêu ái lên.
Trấn buông tay Huấn ra rồi cười ha hả rất đắc chí.
- Vô lễ! Huấn tức lắm quát vào mặt Trấn như vậy.
- Ông bảo ai vô lễ? Trấn sừng sộ hỏi.
Huấn không thèm đáp, lại cầm tay Phượng mà dắt đi, vừa tiến bước vừa nói:
- Sao em có một người quen tồi thế? Anh mà dè vậy, anh để tay mà vuốt con chó Ki-Ki ở nhà sạch còn hơn.
Trấn đứng đó, cười hừ hừ và nói to:
- Bún thiu!
o O o
Đôi bạn ở chung với nhau được bốn hôm. Từ ngày chạm trán với Trấn lần đầu, Phượng tự nhiên kêu Huấn bằng anh một cách thân mật trông thấy.
Cái tiếng anh mà Huấn tha thiết được nghe nó êm dịu đó, nay bỗng nhiên nó đến, không phải vì Phượng tập đã quen mà vì người con trai nầy tuy yếu đuối về thể chất, vẫn biết tự trọng, không hèn nhát, đương đầu với kẻ địch một cách cũng dễ coi.
Y lại có những nết ăn ở thật đàng hoàng. Đêm hôm tăm tối ở nhà một trai, một gái mà y đứng đắn được thì đáng khen biết bao.
Còn nói gì đến lối trò chuyện của y thì tuyệt. Từ thuở giờ Phượng chỉ giao thiệp với người thường. Phần đông người quen biết của nàng đều giàu sang, nhưng họ ăn nói thì như nhau, như bất kỳ ai, không gì lạ cả.
Huấn thì khác, hắn có giọng thị đời rất là buồn cười, không phải thị đời như ông nhà giàu xem ai cũng tưởng phải phục lạy đống tiền của ông ta, mà thị tất cả những cái xoàng xĩnh về tâm hồn và tư tưởng.
Một hôm Phượng đang cầm một đóa hoa hồng mà săm soi, Huấn ở ngoài sau bước ra khen:
- Chà hai cái bông đẹp dữ.
- Hai cái ở đâu mà hai cái?
Huấn nhìn kỹ rồi nói:
- Trời ơi, tôi thấy môi cô, cứ ngỡ đó là cái bông thứ nhì.
Lối nịnh đầm nghệ thuật ấy quả Phượng chưa bao giờ được nghe trong giới của nàng.
Phượng làm thủ quỹ ở hãng Ngũ-Dương. Mỗi ngày bốn bận Huấn đưa rước nàng. Lạ quá! Con người làm bộ hùng dũng mãi rồi nó hóa ra hùng dũng thật sự đó.
Huấn đi thẳng người, nện gót mạnh cho ra vẻ oai phuông. Làm hoài như vậy chắc đâu như là tập thể thao sửa người sao ấy, mà nay anh chàng xem ra hiên ngang quá lẽ, cái hiên ngang tự nhiên chớ không phải cái huynh hoang rởm, đáng tức cười như trước.
Trưa hôm đó gần mãn giờ, Phượng vừa lo xếp tiền lại vừa trao mỉm cười với Huấn đang đứng đợi ngoài cửa.
Thình lình Trấn xuất hiện. Hắn xâm xâm đi lại gần thi nhơn rồi hai người nói gì với nhau Phượng không thể nghe được.
Sự thật là như vầy. Trấn hất hàm hỏi nhà thơ:
- Ê thằng ăn mày! Mầy làm ma-cô một tháng mấy ngàn?
- Đồ mất dạy, cút đi cho khỏi mắt tao.
- Có đủ tiền nuốt nhựa hay không?
- Im cái mồm, đồ khốn nạn.
- Có liếm láp gì đuợc về mặt khác hay không?
Tức tràn hông, Huấn dương oai nện cho Trấn một vố như trời giáng. Trấn né khỏi. Vì hắn ta đứng gần một xe nước mía nên cái vố hụt của Huân xáng vào cột nóc xe nầy, gãy sập cả phía trên.
Trong cơn giận dữ, con người bỗng hóa mạnh vượt bực thường.
Trấn kinh ngạc và đâm hoảng, bỏ mà đi rất mau.
Phượng chứng kiến cảnh ấy từ đầu chí đuôi và cũng ngạc nhiên cho sức mạnh bất ngờ của con nhà thơ ẻo lả kia.
Vội vàng thu xếp mọi viêc, nàng ra cửa, cầm lấy bàn tay Huấn đã bầm tím vì sự va chạm, xuýt xoa giây lâu rồi kêu nho nhỏ:
- Anh!
Huấn mỉm cười, Phượng sốt ruột hỏi:
- Anh có sao không?
- Bây giờ thì nó thấm đau, nhưng không hề gì.
- Đi, đi về, không ăn cơm một bữa, về đây em bóp thuốc cho.
Lần đầu tiên Phượng kêu Huấn bằng anh trơn, chớ không "anh Huấn" như trước. Đó là một lối kêu âu yếm của một cô tình nhơn hay của một người vợ. Và cũng lần đầu tiên, Phượng xưng em với chàng.
Trưa hôm đó họ không ngủ trưa, không phải vì đói bụng mà vì họ có nhiều câu chuyện nói với nhau.
Vừa bóp dầu cho Huấn, Phượng vừa nói:
- Hồi nãy thằng ấy nó đi một đỗi xa thì dừng lại. Em thấy quanh nó có bốn người đàn ông, dáng côn đồ. Bọn nó nói gì với nhau rồi chỉ chỏ về hướng mình. Chắc chắn là thế nào nó cũng mượn tay du côn để hạ anh. Anh có sợ không?.
- Sao lại không. Nhưng tôi vẫn bảo vệ cô đến cùng.
- Phục lắm, em phục anh ở chỗ đó. Nếu anh không sợ thì khác hẳn rồi. Đàng nầy sợ mà cứ làm, mới là can đảm. Nhưng anh nên nghĩ thử, có đáng liều như vậy hay không? Ai mà liều thân vì hai ngàn đồng lương một tháng!
- Sao cô lại gợi cho tôi câu hỏi bất lợi cho cô như vậy?
- Vì... vì... ơ... hơ bây giờ thì em mến anh quá, không nỡ để anh mang hại.
- Tôi bảo vệ cô không phải để lãnh lương. Cô nhớ thử xem. Chính vì luận điệu cuối cùng của cô, tôi mới nhận lời. Luận điệu gì, chắc cô còn nhớ.
- Nhưng nếu anh biết sự thật nhơ nhớp về em, chắc anh sẽ hết yêu em ngay. Em nghĩ nếu làm thinh ra gạt gẫm anh; như vậy bất lương quá. Thà em nói thật hết rồi tùy anh liệu định.
- Ý đừng! Cô đừng kể gì nữa cả. Tôi mất con người của cô, tôi còn sống được. Nếu cô kể lôi thôi làm tôi mất luôn hình ảnh đẹp về cô mà tôi giữ trong lòng thì khổ cho tôi lắm.
- Anh không muốn nghe, vẫn cứ phải nghe, trừ phi anh bịt tai lại.
Em con nhà giàu. Em ở trong một quận xa, được cha mẹ cho ra tỉnh học. Ở đó em trọ tại nhà của hắn. Hắn có vợ và bốn con.
Em vốn mang một chứng bịnh tệ lắm. Mặc dầu con nhà giàu và được cha mẹ rộng rãi về tiền tiêu phí, em vẫn thích ăn cắp...
Kể tới đó, Phượng nhìn Huấn, nhưng thấy chàng vẫn không đổi sắc.
- Mà ăn cắp gì? Nhiều khi thật không đáng gì cả: một quyển sách, một chiếc gương con. Một hôm vợ Trấn, bà ấy đi vắng, để tủ hơ hỏng thế nào mà lòng tham của em bị thúc đẩy dữ quá, nên em mới mở ra, đánh cắp một mớ nữ trang của bà ấy.
Nói tới đây Phượng khóc mùi mẫn và nghẹn lời không kể tiếp được. Ngỡ bạn hối hận, Huấn khuyên giải:
- Bịnh của cô, tôi đã biết rồi. Nó thuộc về tâm bịnh và y học kêu là chứng cơ-lép-tô-ma-ni, Có thể chữa được, và cô gần như vô trách nhiệm.
- Em cũmg biết thế. Em khóc không phải hối hận, mà tức cho cái sức khoẻ của mình, tức cho sự dốt nát của mình, không biết đâu mà chạy chữa đến đỗi phải hỏng đi một đời.
- Hỏng thế nào?
- Hắn thình lình về nhà và bắt quả tang em đang ăn cắp. Hắn nhục mạ em thật không nương lời, cốt làm cho em hóa hèn tâm trí trước cơn thóa mạ ấy, để hắn dễ sai khiến.
Em không hóa hèn nhưng hắn hâm dọa đưa ra pháp luật cho cha mẹ em mang xấu chơi, nên em hoảng. Em thương cha mẹ em quá, không muốn người bẽ mặt với xóm làng, nên em phải sợ vì chỗ đó.
Rốt cuộc hắn đấu dịu, nói là nghĩ tình quen lớn với gia đình em, không nỡ làm ra, nhưng hắn buộc em làm giấy nhận tội và...
Phượng lại nghẹn lời và nức nở lên. Giây lâu nàng mới tiếp được trong khi đó thì Huấn hồi hộp đợi phát giác của Phượng mà chàng đoán biết nhưng vẫn muốn nghe rõ ràng.
-... Và làm tình nhân của hắn. Trời ơi, đau đớn nào cho bằng. Không phải là gái trắc nết, và vẫn mong giữ mình trong sạch cho đến ngày gặp bạn trăm năm. Nhưng tình thương cha mẹ lại lớn quá biết sao. Ba má em được người người kính mến vì chỗ hiền đức, lương thiện nên chuyện nầy đổ bể ra, ông bà đau buồn biết bao nhiêu. Vì thế em phải liều thân.
Huấn tức sôi gan, chưởi lên:
- Đồ khốn nạn, quân tàn nhẫn!
- Em nhắm mắt đánh liều thư vậy được sáu tháng. Thật là ê chề cho thân mình và ghê tởm cho con người khốn kiếp. Tủi nhục không biết bao nhiêu mà tả cho được.
Một hôm em đánh lừa được hắn và giựt tờ thú tội em đã làm, nhai nát mà nuốt đi. Nó chỉ cười dài một cách nham hiểm, nói rằng miếng giấy ấy không còn quan trọng nữa. Em đã ăn ở với nó rồi thì nó có quyền đối với em. Em mà bỏ nó thì nó giết em tức thì.
Em nào có sợ chết, nên em trốn lên Sài-gòn tìm việc mà làm. Rồi từ đó câu chuyện làm sao anh đã biết hết rồi.
Huấn đau lây niềm đau khổ của bạn, lặng thinh rất lâu rồi nói:
- Tôi ngỡ là cô kể cái gì dơ bẩn lắm nên tôi lo. Không dè chỉ có thế, khiến tôi lại thấy cô hoàn toàn trong trắng như bất kỳ cô gái nào. Quả thật cô là một nạn nhân, và công việc của tôi không có gì xấu hổ cả.
- Tối nay em phải đi thăm một người bà con đau nặng. Chắc chắn là hắn có đặt người rình nhà mình, mà có lẽ chính nó rình cũng nên. Nếu anh theo em thì nó sẽ hạ anh. Biết dĩ vãng không hay của em rồi, anh liệu lấy. Em không muốn bắt buộc anh. Trước kia thì khác giờ thì khác rồi.
- Không! Biết dĩ vãng của cô, tôi càng cả quyết hơn bao giờ hết để bảo vệ cô.
- Cái đó tùy anh. Thật ra anh không bị ràng buộc chút nào hết vì số lương nhỏ mọn kia.
o O o
Người bà con của Phượng ở đường Nguyễn-Khắc-Nhu. Đó là con đường vắng vẻ nhứt ở Sài-gòn, hai bên chỉ leo heo vài căn phố, và hông dài của những biệt thự xưa, tối om. Đèn đường cũng hiếm như sao trên trời lúc chuyển mưa về đêm.
Đôi bạn ở một hiệu kem ra, đi bộ chầm chậm lại đó cho mát.
Phượng để ý thì hình như sau họ, có người đi theo. Nhưng khi họ từ Trần-Hưng-Đạo quẹo xuống Labbé, tại góc Au Châlet cũ thì người ấy trở bước, mà có vẻ hối hả lắm; hắn thót lên xe đạp của ai trao không rõ rồi rạp mình mà phóng tới.
Phượng lo lắng nói:
- Hình như nó đi báo cho nhau biết con đường mình sắp qua.
Giọng nàng hơi run run khiến Huấn phảì cầm lấy tay nàng để truyền bình tĩnh qua cho nàng an dạ bớt. Huấn nói:
- Tôi tưởng chắc nó cũng chẳng giết cô đâu.
- Đành thế. Em lo là lo cho anh kia.
- Tôi cũng không có gan trời gì, nhưng không thể bỏ cô được. Thì cứ tự nhiên mà đi tới vậy. Ta có thể kêu xe mà đi. Nhưng nếu nhờ xe mà thoát lần nầy, lại sẽ cứ lo sợ những lần
sau. Chi bằng đụng độ một lần quyết định cho yên thân mãi mãi.
Phượng siết chặt tay Huấn, đi kề sát chàng, thỏ thẻ nói:
- Anh à, em chỉ muốn lui ra đường lớn thôi. Hay có đi nữa đợi xe mà đi.
- Chỉ còn một đỗi đường ngắn, sao lại đi xe.
- Giờ phút nầy sao em nghe lạ quá trong lòng. Em không muốn anh mang hại. Em cứ tưởng tượng đến việc có thể xảy ra lát nữa đây là đủ xốn xang trong nầy.
- Không thể trốn mãi trọn đời được. Đụng độ lần nầy cũng như là tiêm thuốc ngừa bịnh độc, tiêm một lần, đỡ lo rất lâu, nếu không phải là đỡ lo cả đời.
Đôi bạn qua khỏi hông Au Châlet, qua khỏi hông sau thành cũ, rồi qua một vựa củi. Đã đến ngã tư Cô Bắc - Nguyễn Khắc Nhu.
Ngọn đèn đường tại đó, hôm ấy, vì một tình cờ lại chết bóng. Tư bề vắng teo và tối om.
Hai người cứ đi tới, và khi vào giữa ngã tư thì nghe hô một tiếng rồi bốn bề đều có người đổ tới.
Trong ánh sáng mập mờ của đèn xa đưa lại, họ thấy rõ tám tên côn đồ còn trẻ, đi tay không, nhưng tên nào cũng dềnh dàng cả.
Huấn hai tay nhét túi quần, nhìn quanh một 1ượt rồi dõng dạc nói:
- Mấy người anh em, mấy người có biết đây là vụ gì hay không? Vụ hai người đàn ông tranh nhau một người đàn bà.
Có lẽ các anh cũng có lần ở vào tình cảnh ấy. Nhưng tôi chắc các anh thích tự lực mà tranh nhau với người ta, như thế mới anh hùng, con đàn bà mới phục cho. Chớ còn mượn tay người khác thì ông già tám mươi làm cũng được. Có phải không các anh? Riêng ta ở ngoài cuộc ta cũng thích thấy họ tranh nhau ngay chớ không núp lén nhờ người khác. Hai con gà trống đá lộn, các anh thấy có phải là mê hay không? Gà trống nó có mượn ai đâu. Tôi mà như các anh, tôi đứng đây mà xem gà đá cho mãn nhãn. Đời người mấy khi được xem một trận như vậy.
- Người anh em nói nghe được! Một đứa trong bọn khen.
Huấn rất khéo, biết bọn nầy chắc chắn có đọc tiểu thuyết võ hiệp, và rất phục anh hùng, rất thích làm anh hùng nên đánh vào tính chất ấy của họ.
Trấn đang đứng sát tường hãng Labbé để lược trận, thấy bọn du côn ra vẻ bị thuyết lý, hét to:
- Cứ mần tới đi tao! Ở tù, tao nuôi cho mà.
Nghe tiếng Trấn, Huấn nói:
- Đó, con gà trống hèn mạt là con đó. Thằng già dịch, mầy có giỏi thì ra đây mà chịu số phận cái mui xe mía.
Nghe gì mà "số phận cái mui xe mía", các tay hảo hớn bỗng đâm ngán, dang ra.
Tức mình, Trấn xốc tới, Huân bước đến đón tiếp địch thủ đường hoàng. Nhưng Trấn khựng lại khiến nhà thơ ngông cười dài khinh bỉ:
- Mầy sợ à? Phải mà, cái thứ thịt bệu của mầy thì có dám cho trầy da non mà mong. Nhưng mầy sợ cũng chẳng khỏi. Phải cho mầy tởn tới già mới được.
Vừa nói, Huấn vừa hầm hầm áp tới. Trấn cứ lùi lần rồi trong nháy mắt hắn ta bỏ chạy. Huấn rượt theo, không thấy Trấn cúi xuống đống đá của kho đô thành.
Phượng thì thấy rõ. Nàng kêu lên thất thanh, nhưng đã trễ quá rồi. Viên đá đã bay ra sau trúng ngay trán Huấn, máu ra có vòi.
Trong khi Trấn dông mất thì Huấn ngã trên tay Phượng. Vừa lúc ấy một chiếc xe xích-lô đạp qua, Phượng dìu bạn lại đó bảo chạy ra bịnh viện Đô-Thành.
Trên xe, Huấn thở mạnh và mau. Phượng khóc hu hu mà rằng:
- Trời ơi, đến giây phút em yêu được anh, anh lại sắp chết, trời ơi là trời!
Huấn ngóc dậy hỏi lẹ:
- Em yêu anh thật à?
Phượng làm thinh, ôm chặt đầu bạn, áo nàng ướt đẫm máu. Huấn lại chui đầu ra nói:
- Không, anh không chết đâu, máu ra nhiều mệt chút vậy mà.
Xe đã tới trước bịnh viện.