Số lần đọc/download: 1390 / 18
Cập nhật: 2016-06-17 07:56:11 +0700
Chương 5
N
gày mỗi lúc một xuống dần, chìm đắm trong cái màu vàng úa của hoàng hôn.
Gió đã im hơi trước đêm đương từ từ tiến lại. Mấy gian nhà trống không của Sẩu trở nên lạnh lùng, tư lự.
Tôi bước ra hè gác, nhìn xa phong cảnh trước mặt.
Đồi ruộng rừng cây đầy những tịch mịch và phảng phất một cái buồn mơ hồ. Những chỏm rừng xa càng lên đường chân mây đỏ những mảng ren màu úa thẫm.
Tâm hồn tôi lại bị xâm chiếm bởi cái êm ái vô cùng gợi cảm của sự vật một chiều đông tàn. Tôi thấy tôi tương tư tất cả, không ngây ngất lắm, chỉ vừa đủ mạnh để thâu nhập hết cái thơ mộng của thời cảnh.
Tôi nhất định đến thăm Ẻn.
Tôi tha thiết muốn gặp nàng, bởi lòng tôi, từ sau cái giây phút trên dòng suối, càng thấy rằng nàng không thể thiếu cho tôi được nữa. Tôi xuống thang ra cổng. Cái bồi hồi trong tâm tôi càng rung mạnh theo tiếng hót của một con họa mi ẩn hình đâu đó.
Ẻn mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nàng ở một mình một nếp nhà rộng. Tuy có một mình, nàng không phải lo ngại gì cả vì cái địa vị tôn giáo của nàng rất được người trong xóm kính trọng. Các bạn trai gái lại thường lui tới trò chuyện khiến nàng cũng đỡ buồn.
Lúc tôi lên nhà nàng, Ẻn đương ngồi bó gối vẻ mặt tư lự như lắng nghe cái tiếng mõ gỗ đeo ở cổ những con trâu thả rong, cái tiếng lốc cốc có một vẻ xa xôi như thuộc về một thời đại nào trong quá khứ.
Cạnh chỗ nàng ngồi là một cái khung cửi mắc tấm thổ cẩm đương dệt dở, với những triện, những miếng huỳnh, miếng chám đỏ vàng trắng và quan lục.
Thấy tôi vào, Ẻn có một cử chỉ ngạc nhiên và kinh hãi, tỏ ra rằng nàng không hề đợi chờ tôi đến thăm nàng.
- Chào cô Ẻn. Tôi đến thăm cô, cô có bằng lòng không?
Nàng lúng túng:
- Chào thầy... ồ, có chứ!
- Cô chỉ không ngờ một tí thôi chứ gì?
- Không ngờ sao kia?
- Không ngờ tôi lại đến hôm nay.
Nàng nhìn tôi bằng cái nhìn ngây thơ nhưng sắc mặt nàng cũng bừng đỏ:
- Ừ thầy khéo đoán quá!
- Ông giáo đâu?
- Bạn tôi không có nhà.
- Ông giáo chăm lắm đấy, chẳng lúc nào chịu ngồi yên.
- Những người như thế chắc được đàn bà con gái yêu hơn là những anh lười như tôi chẳng hạn.
- Mỗi đằng một khác chứ! Thương hại ông giáo tốt như thế mà lại góa vợ.
Tôi hơi ghen tức:
- Cô chỉ thương anh ấy, sao tôi cô không thương!
- Ông ấy à?
- Phải...
- Mặc kệ ông chứ!
- Mặc kệ... Tử tế nhỉ?
- Mời ông ngồi chơi, tôi pha nước uống...
- Thôi cô ạ, nước nôi làm gì. Với lại cô đã bảo ghét tôi rồi, còn cho tôi uống nước làm gì nữa...
- Ông cứ ngồi chơi. Tôi không ghét ông nữa đâu...
Vừa nói, nàng vừa nhóm lửa bếp.
Ánh sáng bừng lên, dội chan chứa toàn thân nàng.
Tôi, tôi ngắm nghía nàng rất kỹ, làm như lần đầu tôi được thấy nàng vậy.
- Cô Ẻn đẹp quá!
Tôi không thể không khen nàng bằng câu ấy. Là bởi, càng nhìn, tôi càng thấy vẻ đẹp của nàng quyến rũ tôi không sao cưỡng nổi.
- Thôi đi ông. Tôi giao hẹn đừng nói thế nữa... Chính tôi, tôi cũng nhận thấy rằng đừng nên nói như thế nữa.
Là bởi nàng có một tâm hồn rất lạ.
Nàng như một chút khói thơm, ta cứ ngồi yên khói sẽ mon men bay lại. Nhưng nếu ta chỉ hơi cử động, khói lập tức bay đi ngay.
Tôi phải thận trọng lắm mới được.
Cái dự định của tôi sau này thành hay hỏng đều do lúc đầu tôi khéo hay vụng mà thôi.
Tôi liền xoay sang câu chuyện về phía làm ăn.
- Tấm thổ cẩm này để làm mặt chăn phải không cô?
- Phải đấy.
- Cô dệt à?
- Chẳng tôi thì còn ai ở nhà này nữa.
- Khéo thực!
- Đã lấy gì làm khéo. Còn nhiều người khéo hơn nữa.
- Đành rằng cái khéo nó vô cùng, nhưng cô dệt được thế này kể đã giỏi lắm.
- Quen tay mà thôi!
- Cô hay nói nhún mình nhỉ. Cô học dệt từ bao giờ?
Tia mắt thiếu nữ trở nên mơ màng tư lự:
- Từ bao giờ à?... Lâu rồi!...
Tôi mỉm cười:
- Ai chả biết lâu rồi!
Nàng cũng cười, để chữa thẹn:
- Năm lên tám tôi đã học dệt...
- Và, năm nay, cô bao nhiêu?...
- Tôi mười tám!
- Thế là mười năm rồi. Lâu thật, chả trách khéo thế!
Nàng dịu dàng kể cho tôi nghe những cái khó của nghề.
Trong khi ấy, tôi nhận xét nàng rất kỹ. Tôi có một ấn tượng sâu xa về thiếu nữ. Tôi cố hình dung cái cuộc sống của nàng, cái cuộc sống ngây thơ, bị trói buộc trong các tục lệ khe khắt và tiêu trầm đi như cái đời của cỏ cây giữa những công việc nặng nhọc, tối tăm.
Tâm hồn tôi bị xâm chiếm bởi một tình thương mông mênh. Và, dù chưa được một lời nàng hứa hẹn, tôi đã tự quyết định với lòng rằng sẽ làm cho nàng hết sức sung sướng.
Câu chuyện giữa nàng và tôi cứ kéo dài, bình tĩnh và thân mật.
Bỗng nàng hỏi:
- Thầy nói rằng, thầy muốn lấy vợ và làm nhà ở đây mãi mãi, điều ấy thực hay dối?
Tôi hấp tấp:
- Thật đấy! Sao cô Ẻn cứ ngờ tôi có thể nói dối được?
- Là tôi hỏi vậy.
- Cô hỏi làm gì?
- Hỏi cho biết.
- Thế cô cũng cho tôi hỏi nhé?
- Thầy cứ hỏi.
- Bao giờ cô lấy chồng?
- Tôi ấy à?
- Phải.
Thiếu nữ nhìn vào ngọn lửa:
- Tôi không biết... Tôi không lấy chồng!
- Lấy chồng rồi có con, tốt lắm chứ.
- Tốt! Nhưng mà tôi không lấy.
- Cô lạ quá!
- Tôi lạ?
- Chính thế!
- Sao?
- Lạ chứ sao... à này, cô có yêu tôi không?
- Không!
Câu đáp gọn thon lỏn đánh vào óc tôi như một nhát búa:
- Không!
- Phải.
- Thế sao hôm qua...
Nàng rất tự nhiên:
- Hôm qua à?... Hôm qua, ông bảo ông muốn yêu tôi thì tôi mặc kệ cho ông yêu. Như thế chưa phải là tôi đã yêu ông.
Tôi bị chưng hửng như người rơi từ cung trăng xuống:
- Thế à? Tôi tưởng cô có yêu tôi kia đấy. Và tôi định rằng nếu như thế tôi sẽ nhờ anh Sẩu hỏi cô làm vợ.
Câu nói của tôi có cái hiệu lực của sự tiếp xúc với một con rắn. Ẻn đứng phắt dậy, nhìn tôi bằng hai mắt độc địa như mắt kẻ sát nhân.
Tôi hiểu rằng nói nữa cũng vô ích, nên thôi không gặng nữa.
Sự có mặt của tôi trong nhà này hình như đã nên chấm hết.
Tôi sắm sửa đứng dậy ra về.
Cô then vội lấy qủa bầu rót một cốc rượu, cái cốc bằng thủy tinh dày nguyên trước là cái bình đựng mứt bán ở các hiệu tây đưa mời tôi.
- Cảm ơn cô. Tôi không uống. Rượu làm tôi say không ngủ được.
Tôi vừa nói vừa đẩy cốc rượu do thiếu nữ đưa mời.
Ẻn hình như mích lòng về sự từ chối ấy. Nhưng liền ngay sau, nàng vụt có một ý định. Nàng đứng dậy, chạy vào buồng trong đem ra một cái lọ sành bịt kín.
- Đây là thứ rượu cao ban long tốt lắm. Thầy xơi một cốc vậy.
Nàng đổ rượu trắng vào bầu, rót ở cái lọ sành ra cốc một chất lỏng màu hổ phách sánh như mật.
- Thầy uống đi. Uống cái này bổ lắm mà lại không say như rượu trắng.
- Vâng, tôi xin uống.
Cốc rượu nâng ngang mắt, tôi nhìn gương mặt Ẻn qua chất lỏng màu nâu hồng. Tôi mỉm cười, uống một hơi cạn cốc. Nhưng uống xong, tôi ngồi ỳ ra đấy, quên hẳn sự ra về. Chẳng những thế, tôi còn tự mình rót cho mình hết cốc này sang cốc khác, và mỗi lần nâng cốc lên ngang mặt, tôi lại một lần mỉm cười nhìn thiếu nữ.
Rồi, nhân không tìm thấy câu gì để nói, tôi vẩn vơ hỏi thiếu nữ về phong tục quan hôn tang tế của người dân xóm Suối Đàn, về những công việc lặt vặt mà nàng vẫn làm để khỏi ngồi không.
Ẻn nhũn nhặn kể cho tôi nghe.
Cái ý tưởng về cuộc sống tối tăm phẳng lặng của nàng lại khiến tôi cảm thấy khó chịu và thương hại.
Thực, giá tôi ở vào địa vị nàng thì tôi chỉ những chán nản mà chết. Nàng, trái lại, vừa yếu đuối vừa nhu mì, chẳng những bị ràng buộc bởi trăm nghìn thứ lễ nghi tục lệ mọi rợ mà lại còn có đủ can đảm để giúp đỡ kẻ này người khác, làm phúc làm duyên cho những ai cần đến.
Nàng dệt cửi, làm lụng, bói toán, cúng cấp và im lặng.
Trong cái tịch mịch của mấy gian nhà lạnh lẽo này, đã bao nhiêu mộng đẹp tan vỡ dưới lần chăn thổ cẩm và đã bao nhiêu nước mắt tưới xuống chiếc gối lẻ loi.
Ấy thế mà vẫn tịnh không một câu thù oán nào, một câu than vãn nào lọt khỏi cặp môi tươi luôn luôn cười nụ. Ấy thế mà, trong giọng nói dịu dàng êm ái, vẫn rõ rệt một cảm tình an phận, thương người.
Trong giây phút này, tôi cảm thấy lờ mờ như hiểu rõ cái điều mà cặp mắt sáng trong với đôi môi tươi mọng kia diễn tả và tìm kiếm.
Tôi ngồi đối diện với nàng đã lâu lắm.
Tôi chưa nghĩ chi đến sự ra về. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghiêng bầu tự rót rượu cho mình và cứ uống từng ngụm nhỏ.
Ẻn nhìn tôi với một gương mặt xa vắng. Lắm lúc đôi môi nàng khẽ mấp máy như muốn nói gì. Nhưng, sau cùng, sự e lệ vẫn thắng.
Trong khi ấy, men rượu bốc lên đầu tôi thành một cảm giác âm ấm. Một cái gì uể oải chạy trong mạch máu tôi, một êm dịu chưa từng thấy và không thể cưỡng nó làm cho tôi nao nao muốn thấy trên má tôi sự ve vuốt mơn trớn của một bàn tay đàn bà.
Hơn thế, sự vuốt ve mơn trớn ấy, tôi ước ao nhận được từ tay Ẻn, chứ không từ một người nào khác, dù người ấy có là một bậc giai nhân khuynh quốc nữa mặc lòng.
Tôi thấy rằng càng nhìn hai cái bàn tay trắng nõn kia chừng nào, tôi càng muốn cầm ngay lấy mà đặt lên má tôi, mà nắm chặt lấy nó, giữ mãi mãi cho đến khi nào cái chết đến cho cứng lạnh tất cả, không gỡ ra được nữa.
Nhưng tôi vẫn không dám có một cử động nhỏ. Là vì, tôi luôn luôn thấy rằng thiếu nữ có thể bay vụt đi mất như một con chim, hoặc tan mất như một ảo ảnh.
Mà, đối với tôi, nàng rất không nên bay đi hoặc tan mất. Tôi phải làm cách nào để giữ nàng lại. Nàng đã là tất cả vũ trụ cho tôi. Nàng chỉ một mình cũng đủ lấp đầy cả dĩ vãng, hiện tại và tương lai tôi. Tôi chỉ còn thấy có nàng. Không có nàng thì ngay mặt trời cũng không còn nữa.
Thiếu nữ chắc vô tình, không cảm thức cái mê say nàng đã nhóm lên trong lòng tôi. Do thế, nàng mới chỉ nhìn tôi với một vẻ điềm tĩnh gần giống sự lãnh đạm, đến nỗi tôi phải đâm ngượng nghịu vì ngồi lâu quá. Nhất là cái cốc rượu thứ ba cũng đã gần cạn rồi.
Tôi đứng dậy, nhìn nàng và nói:
- Tôi ngồi lâu quá rồi. Chắc cô mệt lắm.
- Không, tôi không mệt. Thầy đừng về vội nè!
Ẻn vội đáp trong khi cặp mắt nặng buồn ngủ của nàng tỏ ra trái lại.
- Thôi để khi khác. Chào cô Ẻn!
Tôi đứng lên. Tôi chào thiếu nữ. Nàng đáp lại. Nhưng tôi vẫn không nhúc nhích.
Tôi muốn gì?
Mắt tôi đã nói những gì?
Vẻ mặt tôi lúc ấy ra làm sao?
Chính tôi, tôi cũng không tự biết. Chỉ thấy Ẻn tái mặt, cúi đầu. Nàng đứng gần tôi nên tôi thấy rõ toàn thân nàng run lẩy bẩy.
Nàng nói khẽ qua một hơi thở:
- Chào ông!
Ẻn tiễn chân tôi ra tận cổng.
Và tôi đáng nhẽ đi ngay, tôi lại đứng vẩn vơ ở cổng một lát và nói những chuyện đâu đâu, không ăn nhập gì với thời cảnh nữa.
Ẻn nấp bên trong cánh cổng, rụt rè nhưng sợ hãi hơn trước.
Sau khi đã cùng Ẻn chia tay, tôi một mình lững thững trên đường về, lòng hoang mang vơ vẩn.
Cuộc gặp mặt giữa tôi và nàng để lại trong lòng tôi những xúc động nóng hổi. Đồng thời, tôi vẫn thấy âm ỉ một nỗi buồn man mác.
Tại sao tôi buồn?
Có lẽ tại nàng xa xôi quá cho tôi.
Thực thế, ngoài sự hòa hợp đã xảy ra giữa hai xác thịt, tôi chưa thấy có thể có một mối liên lạc tinh thần giữa tôi với nàng, ấy là chỉ nói mối liên lạc chứ chưa nói chi đến sự hiểu nhau, sự thân mật, ái tình.
Đáng buồn cho tôi quá, bởi như tôi đã nói, tôi đã yêu nàng không thể lấy gì ví được.
Mặt trăng đã lên.
Lớp sương tỏa lan trên mặt ruộng trở nên mờ mờ như bụi phấn. Dòng suối biến thành một dòng thủy ngân, chạy lấp loáng qua khe lá lau sậy, vừa đi vừa rì rầm ca khúc ca bằng phẳng và tối nghĩa của nó.
Tôi nhìn trời sao, bất giác lẩm bẩm:
- Ta sẽ lại đến!
Tới cổng nhà anh Sẩu, tôi còn đứng âm thầm mãi một mình trong bóng cây khế già.
Đêm trong sáng, nhưng mà lạnh buốt và bất trắc lắm!
Những giọt sương trên cành cây có thể rỏ trúng đầu ta như những giọt băng. Một mũi tên nỏ có thể từ bất cứ một xó xỉnh nào bay tới, và cắm vào ngực ta một cách thình lình. Nếu không thế, thì lại một con rắn biếc, một con hùm nào đó tiêm vào mạch ta một liều thuốc chết hoặc ngoặm vào gáy ta mà chạy tuốt vào tận thẳm cùng cái bí mật của hoang vu.
Nhưng mà, lúc này tôi khinh thường tất cả. Tôi không những không nghĩ gì đến mọi thứ nguy hiểm có thể xảy ra đến cho tôi, tôi còn không nghe, không thấy gì nữa, ngoài cái tiếng suối đàn lui lui thực thực nó gieo vào lòng tôi những bâng khuâng não nùng của tương tư, và cái hình ảnh khi mờ khi tỏ của con người kỳ dị.
Bướm kia chết mệt vì hoa.
Cá kia đợi nước thẫn thờ lòng khe.