From my point of view, a book is a literary prescription put up for the benefit of someone who needs it.

S.M. Crothers

 
 
 
 
 
Tác giả: Du Tử Lê
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập:
Upload bìa:
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1440 / 12
Cập nhật: 2016-05-22 00:19:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương Bốn
ôi không biết nên nói thế nào về những điều tôi đã làm được cho Hạnh, tuy những điều đó đồng thời đã dẫn tới mối nghi ngờ va lòng ghét bỏ ngày càng cao thêm ở trong đầu óc của ba tôi về Hạnh.
Tôi muốn nói ngay rằng ba tôi đã không công bằng khi quá yêu thương tôi mà cho rằng Hạnh đã dụ dỗ, đã lợi dụng tôi. Mặc dù tất cả những sự giúp đỡ của tôi dành cho Hạnh, ba tôi đều không biết, hay nói một cách đúng hơn là người chỉ biết một cách lờ mờ do phỏng đoán mà thôi.
Để giúp Hạnh không bị ngắt quãng bởi những ngày phải nghỉ học ở nhà trông nom săn sóc cho đôi mắt của mẹ và thay me trong công việc khâu đan những chiếc nón, nguồn lợi chính từ lâu đã nuôi sống gia đình Hạnh, cứ cách một ngày, tôi lại đến Hạnh một lần với những tập vở cho Hạnh chép lại và cả hai cùng học.
Tôi cũng đã lén ba mẹ tôi giúp đỡ Hạnh bằng những vật dụng cần thiết mà tôi mua bằng tiền riêng của tôi. Khi thì chai thuốc đau mắt, khi thì mấy quả cam, khi thì ống thuốc đánh răng v.v...
Hạnh đã quyết liệt từ chối những sự giúp đỡ cỏn con này của tôi mặc dù Hạnh cũng thừa hiểu đó là tất cả lòng chân thành tha thiết yêu thương bạn và tự nguyện hoàn toàn của tôi.
Ngay cả mẹ Hạnh, bà cụ cũng tỏ ra áy náy không ít trước tình cảm mà tôi dành cho Hạnh.
Bà nói:
- Con đến với gia đình bác như thế này là quý hóa lắm rồi. Con đừng có nay đem cho cái này, mai đem cho cái kia, bác không yên lòng chút nào hết. Riết rồi lỡ gia đình con biết, gia đình con sẽ nghĩ sao về Hạnh và bác...
Tôi phải viện dẫn nhiều lý lẽ và những câu nói đa số bịa đặt để nói với mẹ Hạnh cho bà đừng quá bận tâm.
Nhờ những ngày lui tới với Hạnh, tôi đã hiểu phần nào sự thực về gia đình Hạnh. Những điều mà trước đây tôi tưởng mình đoán đúng đã hoàn toàn sai lạc. Chẳng hạn như người đàn ông mặt đen xạm với đôi lông mày rậm mà tôi nghĩ rằng có thể là cha của Hạnh, sự thực là người cậu ruột của Hạnh. Người cậu mà Hạnh đã nói với tôi rằng đó là người bà con duy nhất mà Hạnh biết địa chỉ và có ít nhiều liên lạc với nhau.
Hạnh kể lại rằng hôm Hạnh tới nhà người cậu để hỏi mượn tiền về mua thuốc cho mẹ, buổi trưa mà tôi đã lén theo Hạnh và về nhà trễ đến đỗi bị ba tôi mắng cho một trận tối tăm mặt mày, nhưng người cậu không có và đã nói với Hạnh những lời đay nghiến khiến Hạnh ửa nước mắt. Nhưng dầu sao thì đó cũng là người cậu duy nhất, thương mẹ Hạnh và còn nhìn nhận mẹ Hạnh là một người chị, kể từ sau khi chuyện mẹ Hạnh yêu ba Hạnh rồi có thai với ba Hạnh và sau đó ba Hạnh đã bỏ rơi mẹ Hạnh để đi lấy một người vợ khác con nhà giàu và có thế lực. Gia đình mẹ Hạnh đã từ mẹ Hạnh ngay sau đó và mẹ Hạnh vì tự ái đã bỏ nhà ra đi, không hề liên lạc với bất cứ ai trong gia đình.
Tôi hỏi Hạnh có biết mặt ba không thì Hạnh đáp rằng không biết, chỉ nghe mẹ nói rằng ba Hạnh vẫn còn sống tại đây và lúc sau này rất khá giả.
Sau khi sinh Hạnh trong nhà thương thí, mẹ Hạnh đã quyết định ở vậy nuôi Hạnh, mặc dù có rất nhiều người đàn ông theo đuổi mẹ Hạnh và nhất định đòi cưới mẹ Hạnh vì cái nhan sắc diễm tuyệt của bà.
Nhưng không một người nào lay chuyển được lòng dạ sắt đá của mẹ Hạnh, bà nhất định ở vậy nuôi con, dù đã không còn một lien lạc nào với người đàn ông đầu tiên đã đến với đời bà.
Để giảm bớt những săn đón, những chú ý và tán tỉnh của những người đàn ông biết mẹ Hạnh, bà đã cố tình làm cho nhan sắc tàn tạ mau đi bằng những việc làm lam lũ và những buồn rầu, những suy nghĩ đau đớn đã giúp thêm một tay nữa, thật đắc lực trong việc tàn phá thật nhanh nhan sắc của bà.
Tuy thế, tôi vẫn nhận thấy rằng mẹ Hạnh còn đẹp lắm. Những nét thanh tú vẫn còn phảng phất trên gương mặt bà dù sự nghèo khổ đã kéo nhiều nếp nhăn nheo trên vầng trán và ở nơi đuôi mắt. Nhất là đôi mắt bà, tuy nó không thể có cái trong sáng, cái long lanh như đôi mắt của Hạnh, nhưng quả thực, nếu nhìn lâu, người ta vẫn nhận ra cái vẻ đặc biệt quyến rũ của nó.
Khi biết rõ chuyện, tôi đã không khỏi thầm cảm phục mẹ Hạnh. Một người đàn bà như mẹ Hạnh, trong thời buổi này quả thật là khó kiếm.
Có lẽ khi đi từ lòng cảm phục và quý mến chân thành, tôi đã gọi mẹ Hạnh bằng bác, xưng con. Lúc đầu mẹ Hạnh không gọi tôi bằng lối xưng hô đó, nhưng rồi sau, bà cũng kêu tôi bằng con và coi tôi như Hạnh.
Điều này với tôi là một cái gì sung sướng hân hoan khó tả. Tôi cảm thấy như mẹ Hạnh là một người đàn bà thứ hai, gần gũi với tôi nhất sau mẹ tôi.
Có điều là từ khi giữa tôi và gia đình Hạnh, có những liên lạc mật thiết và một thứ tình cảm càng ngày càng gắn bó thêm, tôi đã không kể hết mọi chuyện với mẹ tôi. Tôi nghĩ đó là sự cần thiết để mẹ tôi còn giữ chút cảm tình sẵn có dành cho Hạnh. Tôi nghĩ, nếu mẹ tôi biết tôi thương mẹ Hạnh, không kém gì mẹ tôi, thì chưa chắc gì người đã còn giữ cảm tình cũ, có thể người sẽ chẳng cho tôi lui tới nhà Hạnh nữa cũng không chừng.
Đang nghĩ vẩn vơ, thì em tôi ở dưới nhà gọi vọng lên:
- Chị Hà xong chưa? Xuống mau đi, tới giờ rồi.
Tôi bỏ chiếc lược xuống bàn, ngắm lại mình một lần nữa trong gương xong chạy như bay xuống thang gác.
Chẳng là hôm nay ba tôi cho tụi tôi đi coi một phim ciné dành cho trẻ con. Đó là phim "đứa trẻ mồ côi".
Tôi xuống vừa hay lúc mọi người đang sửa soạn để ra xe.
Tôi leo lên băng sau ngồi với các em. Ba mẹ tôi ngồi đẳng trước.
Vừa lái xe ba tôi vừa nói chuyện với mẹ tôi về công việc nhà và nhắc tới tên của vợ chồng một vài người bạn thường lại nhà chơi.
Tôi ghé sát mặt ra ngoài thành xe.
Gió đêm lùa vào lòng xe mát lạnh. Những hàng cây vun vút bị bỏ lại. Mấy đứa em tôi thì nao nức về cuốn phim sẽ xem. Chúng nói chuyện và cãi nhau ỏm tỏi. Tôi im lặng hoàn toàn. Hình như kể từ ngày biết rõ hoàn cảnh của Hạnh, tôi bắt đầu có những ý nghĩ khác hơn về đời sống, về tình cảnh, ngay cả tình cảnh của gia đình tôi. Tôi luôn nghĩ về Hạnh. Làm như gia đình Hạnh đã trở thành một ám ảnh không ngớt dày vò tâm trí tôi. Tôi vẫn ao ước có một buổi nào đó rủ Hạnh đi ciné cùng nhưng chưa có dịp. Có thể là cả năm, chưa chắc Hạnh đã bước chân vào một rạp chiếu bóng. Tôi nghĩ lẩm cẩm. Kể ra thì Hạnh làm gì có thì giờ để mà đi đâu nữa? Sáng Hạnh dậy sớm dọn dẹp nhà cửa và đun nước pha trà cho mẹ, xong là sửa soạn để đi học. Đi học về, Hạnh lại lăn vào bếp làm cơm. Cơm nước xong Hạnh phụ giúp với mẹ làm nón cho tới ba bốn giờ thì Hạnh quay ra lo học bài và làm bài ở nhà trường. Hạnh chỉ có khoảng ba tiếng là tối đa, để lo việc học hành, bài vở. Hạnh nói thế. Sau đó là tới bửa cơm chiều, và tối Hạnh lại cấm cúi đan lá hoặc khâu những chiếc nón dở dang cho mẹ. Hạnh bảo vậy mà gia đình Hạnh vẫn không đủ sống. Hàng tháng sự thiếu hụt luôn đe dọa hai mẹ con Hạnh. Nhưng bù lại, Hạnh nói, hại mẹ con rất thương yêu và quấn quýt nhau. Hạnh là nguồn sống của mẹ và ngược lại, mẹ Hạnh là lý do giúp Hạnh có thể tiếp tục sống trong cảnh nghèo khó và gắng sức học.
Tôi không nhớ xe đã chạy qua được mấy con đường. Bỗng dưng cả hai, ba mẹ tôi cùng im lặng.
Sự im lặng thình lình, ngắt quãng những ý nghĩ vớ vẩn trong đầu tôi. Nó kéo tôi trở về chú ý tới chính sự im lặng đó.
Bỗng dưng ba tôi hơi nghiêng người, day mặt về phía sau xe, hỏi:
- Con hôm nay không được khỏe hay sau, Hà?
Tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao hôm nay ba tôi lại có vẻ chú ý tới tôi hơn thường lệ.
Tôi nói vọng ra phía trước, giữa tiếng ù ù của những con gió tiếp nhau lùa thổi vào lòng xe:
- Dạ không. Con có sao đâu?
- Sao ba không thấy con nói chuyện?
Tôi cười trên băng sau, và chắc rằng ba tôi sẽ chẳng thể nào nhìn thấy nụ cười của tôi.
Tôi đáp:
- Tại con chẳng biết nói gì.
Ba tôi cười thành tiếng và quay sang bên mẹ tôi. Người nói, như nói với mẹ tôi:
- Thì nói chuyện với các em chứ nói với ai mà không biết nói gì.
Thằng út nghe thấy ba tôi nói vậy, vội nói leo:
- Chị ấy nhìn ngoài đường ba ơi. Chắc chị ấy đang buồn.
Mẹ tôi cười, quay hẳn đầu lại, vuốt vuốt đầu thằng út, bảo:
- Chị ấy buồn cái gì? Buồn ngủ hả?
Út nhe hàm răng sún ra cười toe. Tôi cũng bật cười theo.
Chiếc xe như mang theo tiếng cười chạy chậm lại trên một khoảng đường khá dài.
Ba tôi gửi xe và chúng tôi vào rạp vừa lúc bắt đầu chiếu tới phim thời sự.
Mẹ tôi nói:
- Như vậy là không được coi chiếu thử những phim sẽ chiếu, hoài của.
Mẹ tôi nói với giọng tiếc rẻ thật tình.
Bao giờ cũng vậy, tôi có cảm tưởng như mẹ tôi luôn có những cái cảm giác tiếc rẻ và không thỏa mãn với những vấn đề. Ngay cả với việc đi ciné, nếu vào rạp trễ là y như mẹ tôi có cái ý nghĩ là đã tiêu phí mất môt khoản tiền không vào đâu hết. Tôi thì chẳng hề quan tâm tới những việc như thế.
Có thể chính vì những lẽ đó mà nhiều người cho rằng tôi nhỏ mà như một bà cụ non ấy. Cô Tước cũng từng phê bình tôi rằng mới có mười ba tuổi đầu mà sao Hà ăn nói cứ như người lớn í.
Cô Tước nói câu này với nụ cười trên môi. Nhưng tôi hiểu đó là một lời chê chứ không phải là một lời khen, hay ít ra thì cô tôi muốn nhắc nhở tôi rằng đó là một khuyết điểm cần phải được sửa chữa sớm.
Dẫu sao thì tôi cũng vẫn chỉ có thể nhìn việc ấy như một cái tính bẩm sinh. Trời sinh ra như vậy. Tôi sớm tự bắt tội mình phải suy nghĩ, phải băn khoăn, nhiều khi tới những vấn đề không thuộc quyền hạn hay phù hợp với tuổi tác của mình.
Cũng có thể đây cũng một khía cạnh khác mà giờ tôi mới chợt nhận ra rằng, tôi rất gần với Hạnh. Hạnh cũng có cùng chung với tôi một lối nói, và những suy nghĩ quá sớm cho một cái đầu óc mới được mười ba mười bốn năm.
Cuốn phim thực hay. Thực cảm động. Nó quyến rũ tôi tới độ tôi say mê quên hết cả thời gian và suốt trong lúc đó, đầu óc tôi không vấn vương môt ý nghĩ nào khác hơn theo rõi, hồi hộp, thương xót và ngậm ngùi cho thằng nhỏ trong phim. Tới khi đèn phựt sáng, tôi mới giật mình trở lại thực tại.
Hình như cuốn phim đã không chỉ có một tác dụng mạnh mẽ, xâu xa nơi tôi mà ngay cả nơi ba và mẹ tôi nữa. Mây em tôi thì chẳng nói làm chi.Thằng út ngủ ngay sau khi phim chiếu được chừng nửa tiếng, mặc dù nó là thằng nhỏ ồn ào và nói nhiều nhất vào những lúc thức.
Ra tới xe và ngay cả khi xe đã bắt đầu trên đường về, ba tôi không nói một tiếng nào với mẹ tôi hay với tôi. Đó là một điều trái ngược hẳn vơi thường lệ.
Tôi nhớ là bao giờ khi xem xong một cuốn phim, nếu có mẹ tôi đi cùng, ba tôi thế nào cũng nói chuyện với mẹ tôi về cuốn phim đó. Hoặc ba tôi nói tơi những đoạn tế nhị, đặc biệt của phim mà ba tôi nghĩ có thể mẹ tôi không hiểu gì hết. Hoặc ba tôi nói về ý nghĩa tổng quát của cuôn phim ba hỏi cảm tưởng của mẹ tôi về cuốn phim đó.
Nhưng riêng lần này thì không. Tôi nhận thấy ba tôi có vẻ đăm chiêu. Gương mặt người trầm hẳn xuống với những nếp nhăn thành hàng trên vầng trán.
Tôi không thấy vẻ dữ tợn trong những trường hợp như vậy, mặc dù người ta thường nói khi ai đó có điều gì để suy nghĩ hay băn khoăn lo lắng, họ thường có vẻ mặt cau có, dữ tợn. Trái lại ở ba tôi, những lúc như vậy, người thường có vẻ gì buồn buồn một cách rất dịu dàng, xa xăm.
- Hồi này con còn chơi với con Hạnh không, Hà?
Tôi ngập ngừng một lát để suy tính thử xem trong câu hỏi bất ngờ kia, ba tôi có ý định gì?
Tôi cân nhắc bởi tôi nghĩ, biết đâu chừng câu trả lời thực thà của tôi sẽ chẳng là cái mồi lửa không đúng lúc đối với những bực dọc âm thầm trong lòng ba tôi lúc này.
Nhưng tôi có cảm tưởng điều lo sợ, đề phòng đó, ở lần này không hẳn đã đúng vậy. Bởi trong giọng nói kia có mang theo một cái gì dịu dàng thân mật và nhiều thiện cảm.
Phải rồi. Tôi nghĩ. Có thể ba tôi bị ảnh hưởng cuốn phim vừa xem xong. Bởi cuốn phim nói về một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống côi cút với bà nó, một người đàn bà đã trên bảy mươi tuổi, đi đứng đã phải chống gậy, với cái lưng còng như muốn gãy gặp làm hai.
Tôi ngập ngừng trong giọng nói của mình khi trả lời ba tôi:
- Dạ... Con vẫn... chơi với nó.
- Mẹ nó làm nghề gì?
- Làm nghề đan nón.
Mẹ tôi nói xem vào giữa câu chuyện:
- Nghe con nói thì con nhỏ đó học khá lắm anh.
Mẹ tôi nhìn sang phía ba tôi.
Sau tay lái, ba tôi vẫn ngồi ngay người và nhìn thẳng như không hề chú ý tới câu chuyện mà còn mải nhìn đường.
Ba tôi gật đâu:
- Thế hả.
Tôi khấp khởi mừng vì sau khi nghe tôi thú nhận rằng vẫn tiếp tục chơi với Hạnh mà người không những không mắng át như mọi lần mà còn có vẻ như bắt đầu chịu nghe chuyện về Hạnh.
Tôi nói thêm:
- Nó học nhất lớp đó ba.
- Vậy là con đứng dưới hạng con Hạnh.
- Vâng. Bao lần con muốn lên thay thế chổ nó mà không được. Chỉ có tháng vừa rồi là con lên hạng nhất.
- Tại sao?
Ba tôi hỏi tiếp.
- Tại nó nghỉ hoài nên mất điểm.
- Làm gì mà nó phải nghỉ hoc?
Ba tôi hỏi thêm, vẫn cái giọng nhát ngừng phẳng lặng như chẳng chú trọng mấy.
- Tại mẹ nó bị đau mắt nặng nên nó phải ở nhà làm nón thay cho mẹ nó và trông nom nhà cửa luôn thể.
Không hiểu sao tôi cảm thấy mình hào hứng trong việc được ba tôi hỏi thăm về Hạnh. Tôi nói luôn không cần ba tôi hỏi tiếp.
- Nó kể chuyện kỳ lắm. Thường cứ tới mùa mưa là mẹ nó khóc nhiều. Và cứ khóc nhiều như vậy là y như bị đau mắt. Bị ngày thì chăm chú đan khâu nón, đêm không ngủ được mà cứ khóc thầm khóc vụng hoài nên mắt mẹ nó sưng lên và vài ngày sau là đau.
Mẹ tôi có vẻ thích thú khi nghe chuyện gia đình của Hạnh. Ba tôi hình như cũng không khác lắm. Tôi có cảm tưởng như ba tôi lắng nghe hơn mẹ tôi nữa và thỉnh thoảng người lại đưa mắt liếc nhìn mẹ tôi ngồi bên cạnh.
Mẹ tôi nói;
- Kể cũng lạ đấy chứ. Giữa thời buổi này còn có những người đàn bà chung tình đến như vậy quả thực là hiếm có. Mà mẹ con Hạnh có đẹp không con?
Mẹ tôi quay lại nhìn tôi.
Tôi gật đầu:
- Mẹ nó còn đẹp lắm mẹ à. Nhất là đôi mắt, đôi mắt mà con nghĩ rằng không thể có người thứ hai bằng tuổi bà mà còn đẹp sáng, và long lanh như bà ta. Đấy là bà ta cứ bị đau hoài đó. Nếu không còn đẹp nữa. Mẹ không thể tưởng tượng được về vẻ huyền hoặc kỳ ảo của đôi mắt mẹ nó đâu. Đôi mắt lạ lắm. Con không thể diễn tả được.
Mẹ tôi cười, nhìn ba tôi, bảo:
- Ba nó coi kìa, nội cứ nghe cái miệng nó không cũng đủ phát mê rồi.
Ba tôi không cười. Người vẫn giữ nguyên vẻ đăm chiêu, lạnh lùng.
Lát sau ba tôi quay về sau nói:
- Ba con nhỏ đó ngày xưa tại sao lại bỏ mẹ nó?
- Con Hạnh nó nói cho con biết rằng ngày xưa ba nó yêu mẹ nó lắm. Hai người yêu nhau và chính vì tình yêu đó, mẹ nó bị gia đình từ bỏ, không ai nhìn nhận mẹ nó hết. Thế rồi khi mẹ nó có thai với ba nó, tức là nó đó ba, thì ba nó đột ngột đi lấy vợ. Nó bảo nghe nói ba nó có vợ giầu lắm.
Ba tôi cười khan, ngắt ngang lời nói của tôi:
- Thôi. Ba hiểu chuyện rồi. Đừng nói nữa. Tôi không thể hiểu cái thái độ bất thường của ba tôi. Đang kể ngon lành, và ba tôi, nếu tôi không lầm thì cũng có vẻ thích thú với câu chuyện lắm, bỗng lại cắt ngang.
Lời nói của ba tôi đã làm tôi cụt hứng và tôi lại bắt đầu có cái cảm giác sợ sự bực dọc của ba tôi về sự tiết lộ quá nhiều về gia đình Hạnh.
Tôi lo sợ rằng một khi ba tôi biết rõ gia đình Hạnh không những nghèo mà Hạnh lại không có ba, thì đó chính là lý do khiến cho ba tôi cương quyết cấm tôi giao du tiếp với Hạnh.
Tôi ngồi co người lại ở băng sau xe với những ý nghĩ thật hoang mang và lôn xộn.
Gió khuya thật lạnh. Các em tôi đã dựa vào nhau, ngủ gà ngủ gật. Mẹ tôi cũng im lặng, có thể là người cũng bắt đầu buồn ngủ. Tôi thấy mẹ tôi đưa tay che miệng ngáp một hơi dài.
Chỉ có ba tôi là vẫn còn vẻ tỉnh táo như lúc mới ra khỏi nhà.
Tôi thấy ba tôi rút cái tẩu thuốc để trong cốp xe ra và bật lửa hút. Mùi thuốc bảy mươi chín thơm lừng, ngào ngạt ươm đầy lòng xe.
Cái mùi thật quen thuộc, thật dễ ưa và muốn ăn, nghe như mùi son phấn của phụ nữ. Tôi khoái cái mùi này lắm. Đã có lần tôi nói với ba tôi như vậy.
Nhưng điều tôi muốn nói tới không phải cái mùi thuốc đặc biệt kia đâu. Tôi muốn nói tới cái tương quan đặc biệt, hầu như đó là cái cố tật của ba tôi, mỗi khi có điều gì vui mừng, hoặc cần phải lo nghĩ, ba tôi thường đem ống vố ra hút. Còn bình thường thì không. Hóa cho nên mặc dù ba tôi nói rằng nghiện thuốc lá chứ thực ra người rất ít hút, chỉ trừ những trường hợp như vừa nói. Không biết mẹ tôi có nhận ra điểm này không? Riêng tôi, không hiểu sao, mỗi cố tật của ba và mẹ tôi, tôi điều rõ hết.
Xe vào sân vừa hay tới giờ giới nghiêm. Chung quanh hàng phố đã ngủ cả.
Nghe tiếng xe, chị Hai chạy ra mở cửa.
Tôi phụ với mẹ đánh thức và ẵm thằng Út vào nhà.
Cho tới lúc vào phòng của mình, tôi vẫn còn thấy ba tôi ngồi ngoài phòng khách và hút thuốc tiếp.
Tôi không dám hỏi và hơn nữa, tôi đã quá mệt. Tôi chỉ còn đủ sức thay quần áo rửa mặt và leo lên giường ngủ. Hình như mẹ tôi cũng đã lên giường sau khi đặt thằng Út vào chỗ của nó.
Không biết rằng ba tôi thức tới mấy giờ hôm đó.
Sân Trường Mắt Biếc Sân Trường Mắt Biếc - Du Tử Lê Sân Trường Mắt Biếc