Số lần đọc/download: 954 / 12
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 5 -
Hoàng ngồi im trong quán cà phê nhạc. Trưa im vắng. Hàng cây me rợp bóng. Tiếng nhạc êm và dịu. Vừa định đốt diêm châm điếu thuốc chợt nhớ tới lời của ni cô: " Ông đừng hút thuốc nhiều quá có hại cho sức khỏe..." Hoàng bỏ điếu thuốc trở vào bao. Khuôn mặt. Nụ cười. Ánh mắt. Bàn tay. Cảm giác xuyến xao chợt bùng lên khiến cho anh nhớ thật nhiều. Giọng nói thanh thanh. Ngôi thảo am rêu mốc. Giếng nước trong. Tất cả đọng lại trùng trùng. Chập chùng u hoài. Tiếng thở dài cất lên thầm lặng khi ngồi chen chúc trong lòng chiếc C130 chật hẹp và hôi hám. Từ lúc rời khỏi Sa Huỳnh Hoàng thường hay thở dài khiến cho Há để ý và phải hỏi dò.
- Trung úy có chuyện gì buồn mà thở dài hoài vậy?
Hoàng cười im lặng. Anh không thể nói với ai. Anh không thể hé răng thố lộ cùng bất cứ người nào về tình cảm của mình đối với ni cô của ngôi chùa ở làng Sa Huỳnh. Họ sẽ cười cợt, trêu chọc. Họ sẽ bảo anh điên. Hoàng biết mình không điên mà si tình. Một người lính chiến trồng cây si trước cổng chùa. Người trần tục lại si tình một kẻ tu hành. Chuyện quả thật trớ trêu và cay nghiệt. Tuy nhiên anh không thể chối cải với lòng mình. Anh không thể phủ nhận tình yêu của mình. Đêm qua ngồi trong căn phòng nhỏ anh chợt nhận thức một điều khiến cho anh bàng hoàng lẫn ngất ngây và vui mừng. Anh nhớ ni cô. Nhớ quay quắt. Đòi đoạn. Nhớ ánh mắt. Tia nhìn. Khuôn mặt. Nụ cười. Giọng nói. Nhớ hơi thở rộn ràng. Làn da mặt hồng dưới ánh đèn dầu leo lét khi anh lần đầu tiên cầm tay ni cô. Cảm giác vẫn còn đầy ắp trong trí não. Mùi hương thuần khiết thoát ra từ bộ nâu sòng như thứ mùi hương quen thuộc đọng hoài trong tâm tưởng, trên tóc, trong mũi và trên mắt môi. Hoàng mỉm cười hồi tưởng khi lần đầu tiên gặp ni cô bên giếng nước. Khuôn mặt từ bi. Nụ cười của Phật. Đôi mắt đẹp. Dù không có tóc. Dù cái đầu trọc lóc nhưng trong lớp áo nâu sòng ni cô đẹp tuyệt vời. Một vẻ đẹp siêu thoát vượt ra ngoài cái hữu hạn, cái tầm thường của thế tục. Người ta bảo cái răng cái tóc là gốc của con người. Điều đó không đúng với ni cô. Nhiều lần Hoàng hỏi tên của ni cô thời người bảo.
- Thân đã không có thời sá gì danh với tánh... Ông muốn gọi tôi bằng tên gì, cái gì cũng được. Ni cô cũng được mà không là ni cô cũng được...
- Như vậy tôi tự đặt cho ni cô một cái tên ni cô chịu không…
Hoàng cười nói và ni cô tò mò hỏi.
- Ông đặt cho tôi cái tên gì?
Hoàng lắc đầu.
- Tôi không nói cho ni cô biết đâu. Tên đó chỉ dành riêng cho tôi gọi ni cô trong những lúc đơn côi mà thôi...
Hiểu được cái ý bóng gió xa xôi của Hoàng ni cô đỏ mặt. Một lần Hoàng vui vẻ cười nói với ni cô.
- Sư cụ cho tôi biết là mặc dù đã xuất gia nhưng ni cô chưa thọ mười giới. Bởi vậy ni cô chưa phải là sa di ni, chưa phải là ni cô...
- Ông mừng lắm khi biết được điều đó phải không?
Hoàng thành thật trả lời.
- Tôi mừng lắm khi biết ni cô chưa phải là sa di ni. Tôi cầu xin Phật Tổ đừng cho ni cô trở thành một sa di ni...
Ni cô rơm rớm nước mắt.
- Ông ích kỷ lắm... Ông ác lắm...
Hoàng gật đầu.
- Tôi xin ni cô tha thứ... Tôi biết tôi ác... Tôi ích kỷ... Nhưng tôi không thể dối lòng mình. Nói dối là một trọng tội ni cô biết không...
Ngừng lại giây lát Hoàng nhìn ni cô bằng ánh mắt van cầu và giọng nói nài nỉ cất lên giống như đứa em trai nhỏng nhẽo với chị của mình.
- Ni cô tha lỗi cho tôi nghe…
Ni cô lặng lẻ gật đầu. Được trớn Hoàng vừa cưòi vừa nói nhanh.
- Ni cô cười đi chứ… Ni cô nói tha thứ cho tôi mà mặt của ni cô ủ rũ và buồn hiu. Ni cô phải cười nói là " Ông Hoàng… Tôi tha lỗi cho ông rồi…".
Thái độ của Hoàng khiến cho ni cô phải phì cười và mọi giận hờn cũng quên hết.
12 giờ trưa. Nguyên tiểu đoàn được trực thăng vận từ Biên Hòa tới Chơn Thành. Ngồi dưới ánh mặt trời chói chang bên cạnh thân cây cao su khô Hoàng viết thư. Lá thư đầu tiên gửi cho ni cô.
- Chơn Thành... Ngày... tháng... năm... Thưa ni cô... Dù biết sẽ không bao giờ nhận được thư hồi âm của ni cô. Dù biết những dòng chữ của tôi sẽ quấy rầy một kẻ tu hành như ni cô. Hoặc sẽ làm xáo trộn đời sống bình an, thanh thản của một người đang ở trong cửa Phật sân chùa tôi vẫn muốn viết thư cho ni cô. Tôi không thể nào cưởng chống. Tôi không thể ngăn cản được lòng mình. Từ khi rời xa làng Sa Huỳnh tôi vẫn luôn hoài mong một ý nghĩ. Trở lại chốn cũ nơi xưa để ngày ngày ngồi nghe sư cụ giảng về thiền. Nghe tiếng chuông. Tiếng tụng kinh êm êm. Nhất là được thấy lại ni cô. Nghe nụ cười thánh thót họa hoằn lắm tôi mới được nghe. Nhìn ngắm nét buồn rầu man mác ẩn sau khuôn mặt thanh thản, bình an, đầy từ bi của ni cô. Những phút giây hiếm hoi. Những kỷ niệm quí báu không những không nhạt nhòa, mờ phai mà đời đời hiện hữu trong tâm hồn tôi. Tôi cưu mang. Gìn giữ. Ấp ôm kỷ niệm khi ngồi co ro trong giao thông hào, ngước nhìn vầng trăng xế qua đầu. Tôi tưởng tượng tới hình bóng của ni cô trong lúc gối đầu lên ba lô ngủ giấc ngủ đầy trở trăn bên cạnh hốc đá của vùng Dầu Tiếng hoang vu. Tôi nhớ tới ánh mắt thăm thẳm, gây trong lòng tôi vô vàn xuyến xao và rung động. Thưa ni cô... Người ta bảo xa mặt cách lòng. Riêng tôi... Càng xa chừng nào tôi càng cảm thấy gần chừng đó. Gần như tôi và ni cô thường đứng bên giếng nước chuyện trò... Gần như tôi và ni cô ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn sau bữa cơm chiều và sau giờ công phu của ni cô. Gần thật gần thưa ni cô. Gần tới độ tôi có thể hình dung ra nốt ruồi trên chót mũi của ni cô. Gần lắm thưa ni cô. Gần tới độ tôi có thể thấy vết sẹo đã mờ nơi càm. Gần tới độ tôi phải dằn lòng mới không nắm tay của ni cô để nói một câu. Nói ba chữ mà tôi muốn nói. Thưa ni cô... Bây giờ là nghìn trùng cách ngăn. Tôi Chơn Thành. Ni cô Sa Huỳnh. Ngàn cây số mà đi hoài không tới. Không thấy mặt nhau... Không được nhìn nhau...
Đồng Xoài... Ngày... tháng... năm... Thưa ni cô... Lá thư thứ nhất gửi đi đã lâu. Tôi khắc khoải chờ mong. Tôi thấp thỏm ngóng trông. Tôi chờ từng ngày. Tôi đợi từng đêm. Tôi mong từng phút. Tôi ngóng từng giây. Thư trả lời của ni cô dù tôi biết không có chút mảy may hi vọng. Tôi sống trong mộng tưởng. Đêm đêm nằm bên bờ ao, vũng nước, nhìn trời sao lấp lánh, tôi mơ, tôi mộng một đời sống bình yên, một tình yêu mật ngọt chín mùi. Tôi cũng biết đời lính gian truân và ngắn ngủi cho nên chỉ xin được sống một ngày trọn vẹn... Trở về sau những chuyến hành quân tôi hi vọng nhận được thư của ni cô như đứa bé ngồi nhà chờ mẹ đi xa mang quà về cho mình. Thưa ni cô... Tôi nhớ vô cùng bữa cơm chay với đậu hũ kho. Bữa cơm tuy đạm bạc song đầy săn sóc. Tuy nghèo song giàu tình tự luyến thương. Tôi nhớ chén trà cúc mà mỗi lần nhìn vào tôi thấy khuôn mặt của ni cô lung linh nhạt mờ. Tôi nhớ tới lần từ giã. Lần nắm tay đầu tiên và sau cùng. Gây trong lòng tôi những mê man, đắm đuối ngàn đời không thể lãng quên...
Bù Đốp... Ngày... tháng... năm... Thưa ni cô... Không biết tôi đã gửi cho ni cô bao nhiêu thư rồi. Có lẽ nhiều, nhiều lắm, nhiều như lửa đang nung nấu tim tôi. Một đêm dừng quân bên trảng tranh mênh mông. Sương lạnh ướt vai. Tôi ngồi bó gối nhìn sao. Ý tưởng bừng cháy như hỏa châu đột nhiên rực sáng trong bóng tối thâm u. Yêu... Tôi yêu... Thưa ni cô... Tôi yêu ni cô từng sát na... Tôi yêu trong tiếng hú của hỏa tiển 122 sắp nổ trên đầu. Tôi yêu ni cô trong tiếng nổ của súng M16. Tôi yêu ni cô trong ánh hỏa châu bập bùng soi khuôn mặt hốc hác. Ánh mắt lạc thần sợ chết của người lính trong trung đội. Tôi yêu ni cô trong nỗi sợ chết đầy ắp tâm não. Khi sờ tới làn da lạnh ngắt và đôi mắt mở trừng của người lính bên cạnh. Tôi yêu ni cô trong nỗi nhớ thương diệu vợi nhiều hơn cơn mưa rừng của vùng Tây Ninh. Tôi yêu và tôi nhớ ni cô quay quắt lạ lùng. Nhớ một người yêu ngàn đời cách ngăn. Nhớ một tình yêu sao quá nghiệt ngã, đòi đoạn. Tôi yêu một kẻ tu hành nguyện dâng hiến đời mình cho phật pháp nhiệm mầu. Tôi yêu làm chi một người có cuộc đời riêng biệt, cách ngăn. Không bao giờ cùng tôi chung bước dù chỉ là một quãng đường đời ngắn ngủi. Tôi chỉ có mỗi mong ước nhỏ nhoi. Trở lại chốn xưa, nhìn thấy ni cô một lần rồi ngàn đời chia cách. Tôi không thể quấy rầy ni cô. Chúng ta mỗi người một ngả đời để sống. Ni cô sẽ sống bình an trong ánh sáng nhiệm mầu của đức Phật. Phần tôi... Tôi sẽ và tôi phải hoàn thành cái nghiệp chiến binh của mình với niềm cô đơn gặm nhắm từng ngày. Một tình yêu mà mỗi lần nghĩ tới chỉ biết ngậm ngùi, xót xa...
Đi họp trên đại đội xong Hoàng về báo cho Bảnh và bốn tiểu đội trưởng biết là tiểu đoàn được lệnh giải tỏa quốc lộ 13, đoạn đường từ Chơn Thành lên tới An Lộc. Ông thượng sĩ trung đội phó chửi thề.
- Mẹ... Con đường này xui lắm... Số 13 ông thầy biết không...
Hoàng cười thầm vì sự mê tín dị đoan của Bảnh. Có lẽ biết những người lính trẻ như Hoàng không tin dị đoan nên Bảnh cười tiếp.
- Để rồi ông thầy coi... Trung đội mình sẽ mẻ nhiều lắm...
Hơi gật đầu Hoàng nói với trung đội phó của mình.
- Ông dặn lính cẩn thận. Bảo lính lo lau chùi lại súng đi. Đừng để tụi nó đi chơi nữa... Tôi nghe ông Bá nói mình sẽ ở lại đây lâu...
Đang loay hoay với cái máy PCR25 Há hỏi nhanh.
- Bao lâu hả trung úy?
- Chuyện nhà binh làm sao tao biết được mậy... Tao chỉ biết là lâu thôi. Có thể một tháng, ba hay năm tháng...
Há thở dài sườn sượt.
- Tôi không thích ở vùng này... Toàn là cây cao su mà chẳng có gái gung gì hết...
Bảnh chợt lên tiếng.
- Tao nghe thằng Bung nói mấy thằng bây định mò vô đồn điền cao su kiếm gái phải không. Tụi bay điên vừa vừa thôi nghe. Tụi Vẹm có cả tiểu đoàn trong đó... Lạng quạng là nó xơi tái tụi bây...
- Đâu có ông thầy... Sức mấy tụi này mò vô đó... Xa quá lội gì thấu...
Cười nhạt thượng sĩ Bảnh đứng lên nói với cấp chỉ huy của mình.
- Ông thầy còn thuốc lá không. Tôi đi ngoại giao...
Hiểu ý của Bảnh Hoàng cười nhẹ.
- Ông mua dùm tôi hai cây quân tiếp vụ đi. Mai mốt lãnh lương tôi đưa lại ông...
Bảnh cười hà hà.
- Ông thầy nên cưới vợ đi. Có vợ mới nên người được...
Hoàng cười lớn.
- Ai mà thèm lấy tôi... Lương thiếu úy không đủ hút thuốc với nhậu tiền đâu nuôi vợ con...
- Hơi sức đâu mà lo... Trời sanh voi trời sanh cỏ mà ông thầy...
Hoàng cười nháy mắt với Há.
- Trời sanh voi trời sanh cỏ nhưng trời không sanh ra tiền được...
Nói xong Hoàng bước ra ngoài. Nắng của buổi xế chiều vàng hực dọi trên nền đất đỏ màu vàng hoạch. Rừng cao su ngút ngàn xanh ngắt. Gió lất lây đám cỏ khô vàng cháy vì thuốc khai quang. Cỏ khô vàng giống như chết nhưng chỉ cần một hai trận mưa rào đổ xuống là cỏ sẽ xanh um. Hoàng đứng nhìn về hướng đông bắc. Ở đâu là Sa Huỳnh. Ở đâu là hình bóng của ni cô trong khoảng trời mây mù khơi thăm thẳm. Nụ cười lẩn khuất trong bóng mây. Ánh mắt thấp thoáng sau rừng cao su bạt ngàn. Khuôn mặt. Hoàng cảm thấy đòi đoạn ruột gan khi nhớ tới khuôn mặt của ni cô. Anh nghe lòng mình bật lên tiếng khóc. Lá thư gửi ngày hôm qua bao giờ mới tới Sa Huỳnh? Liệu ni cô đọc hay là vất vào xọt rác? Bao giờ ni cô mới viết thư trả lời? Chắc không bao giờ. Ni cô muốn đời sống tu hành của mình không vướng bận vì hình ảnh của người lính chiến. Ni cô không muốn bị quấy rầy vì tình cảm của Hoàng. Tình nghiệt mà. Hoàng thở dài. Những ý tưởng. Những suy tư quay cuồng trong tâm tưởng. Nhớ thương quay quắt. Hình bóng ni cô hiển hiện trong lưng chừng trí nhớ. Giữa quãng trời mờ nhạt.
7 giờ sáng. Nguyên cả tiểu đoàn bắt đầu lội từ Chơn Thành tới An Lộc. Đường không xa lắm khoảng hai mươi lăm cây số. Nhưng là hai mươi lăm cây số đầy bất trắc và tai ương. Hai mươi lăm cây số của sự chết gắn liền theo bước chân. Lựu đạn gài. Mìn chôn. Bắn sẻ. Phục kích. Pháo. Đủ mọi thứ. Hoàng không nói cho lính biết. Nhưng họ cũng đoán ra. Đừng nghĩ lính ngu. Lính không biết gì. Lính khôn lắm. Họ mở rộng vành tai để lắng nghe. Họ mở to mắt để nhìn. Mũi của lính thính lắm. Phải khôn ngoan. Phải chịu khó học hỏi mới sống được trong cuộc chiến càng ngày càng thêm khốc liệt. Đại đội 1 của đại úy Bá đi đầu và trung đội 1 của Hoàng được lãnh vinh dự mở đường. Tín, tiểu đội trưởng tiểu đội 1 cằn nhằn.
- Tại sao mình cứ bị đi đầu hoài vậy trung úy?
Hoàng cười cười.
- Bởi vì cấp trên biết mày không lạnh cẳng nên cho mày đi đầu...
Tín lắc đầu.
- Tôi không có lạnh cẳng mà đái trong quần mỗi khi đi mở đường...
Cười ha hả Hoàng vẩy tay ra hiệu. Tiểu đội 1 và 3 đi bên trái. Tiểu đội 2 và 4 đi bên phải. Tất cả lấy con lộ 13 làm chuẩn. Hơn bảy giờ sáng rồi mà sương mù còn giăng giăng. Không khí lạnh và nằng nặng. Dường như cây cao su toát ra nhiều hơi nước mà ở đây cây cao su nhiều hơn các loại cây khác. Rừng cao su bạt ngàn, hun hút, âm u và hoang vắng như không có người cư ngụ từ lâu lắm. Hoàng cảm tưởng như có hàng trăm bóng người lẫn lút sau những thân cây cao su với hàng ngàn cặp mắt rình mò từng cử chỉ và hành động của mình.
Lính đi chậm và im lặng. Đánh hơi được nguy hiểm lính không cười đùa, tán dóc mà chú tâm nhìn, vểnh tai nghe những tiếng động lạ.
- Nó đó... Nó đó... Mẹ... Nó chạy... Bắn... Việt Cộng chạy...
Tiếng la hét. Tiếng M16 nổ. Lát sau hai xác chết được lôi ra đặt nơi lề đường. Cả hai đều mặc bà ba đen và mang dép râu. Vũ khí tịch thu là cây bá đỏ và một AK.
Tín thì thầm với lính của mình.
- Tụi bây cẩn thận... Tao nghĩ sẽ có đụng. Bung mày còn bao nhiêu đạn...
- Ba trăm... Tao mang một trăm còn thằng Én mang hai trăm. Mày hỏi chi vậy?
- Bảo thằng Én đi gần mày hơn. Mang đạn đại liên mà nó đi tuốt luốt đằng sau...
- Nó than nó mệt...
Tín hừ tiếng nhỏ.
- Ai bảo nó ham chơi đĩ... Nó không bị lậu, giang mai là phước đức tám mươi đời nhà nó...
Nói tới đó Tín lầm bầm.
- Cái thằng kỳ cục... Rượu không uống... Thuốc không hút... Chỉ mê gái... Chỉ thích chơi đĩ...
Tiếng súng nổ bên mặt của hai tiểu đội 2 và 4.
- Bắn... Bắn... M79...
Tiếng trung sĩ Thăng, tiểu đội trưởng tiểu đội 4 la lồng lộng cùng với tiếng đạn M79 nổ ầm ầm.
- Sa Huỳnh... Sa Huỳnh đây Bắc Hải... Nghe rõ trả lời...
- Bắc Hải... Sa Huỳnh tôi nghe Bắc Hải...
- Anh nhớ dặn mấy thằng con của anh cẩn thận... Tụi nó có cả trung đoàn...
- Sa Huỳnh tôi nghe Bắc Hải 5/5...
Hoàng vừa trao ống liên hợp lại cho Há thời súng nổ rền khắp hai bên đường. Tiếng la. Tiếng hét. Tiếng AK xen lẫn với M16. Thấp thoáng trong rừng cao su bóng nón cối. Ra lệnh cho lính tìm chỗ núp sau các thân cây cao su Hoàng cùng với Há nhào vào một gốc cây khá lớn nằm im chờ đợi. Đưa ống dòm lên quan sát anh thấy bóng quân địch len lõi trong rừng cao su mờ mờ tối.
- Ông thấy gì không?
Hoàng hỏi ông thượng sĩ trung đội phó của mình. Bảnh cười hực.
- Tụi nó định dương đông kích tây đó ông thầy. Nó cho lính đánh bên kia đường để mình không để ý rồi ém quân để đánh vào sau lưng của mình...
Hoàng cười nhạt.
- Ông coi hai thằng 3 và 4 bắn cầm chừng còn tôi dẫn thằng 1 và 2 tìm chỗ phục kích tụi nó...
Gật đầu Bảnh nói nhỏ.
- Ông thầy cẩn thận...
Hoàng vẩy tiểu đội 1 và 2. Mười chín người lính bò lên chừng hai chục mét rồi nấp sau thân cây cao su im lặng chờ đợi. Chừng mười lăm phút sau họ nghe có tiếng xào xạc, tiếng người nói nho nhỏ rồi bóng nón cối hiện ra thấp thoáng sau thân cây cao su. Năm mươi thước. Không khí lặng trang. Người nín thở. Hoàng nâng khẩu Colt 45 lên. Ngay lúc này anh ước gì mình có khẩu M60 hay ít nhất M16. Khẩu Colt 45 này chỉ là đồ chơi của con nít so với đại liên 12 ly 8, thượng liên hoặc AK của địch. Phía gốc cây bên kia Há cũng cầm khẩu Colt 45. Bóng bộ đội tới gần hơn. Ba chục thước. Hoàng nghe lòng bàn tay mình ươn ướt mồ hôi và trống ngực đập thình thịch.
- Bắn...
Phát súng lệnh nổ ra sau tiếng thét. Súng để tự động lính biệt động cùng lúc khai hỏa vào địch quân chỉ cách họ không đầy hai chục mét.
- Biệt động quân xung phong...
- Biệt động quân sát...
Hoàng và lính vừa bắn vừa chạy ào tới. Bị phục kích và tấn công một cách bất ngờ bộ đội Bắc Việt giật mình. Chưa kịp bắn trả lại nghe bốn chữ " biệt động quân sát " cùng với bóng lính áo rằn ào tới, chúng hoảng hồn cố gắng bắn trả lại.
- Sát...
Hoàng lảy cò vào một tên địch đang chạy tới. Chụp lấy khẩu AK 47 đang nằm trên đất anh miết cò. Năm ba thân người gục xuống. Rét... Tiếng đạn AK xé không khí. Hoàng cảm thấy đau nhói nơi chân rồi cảm giác đau đớn lan nhanh.
- Xung phong...
Lính biệt động tràn tới đánh cận chiến với địch quân. Tiếng người la hét, gầm rú hòa lẫn trong tiếng súng nổ biến khu rừng cao su như nóng lên. Máu văng tứ tung. Xác người nằm la liết. Xác mất tay. Xác không đầu. Xác thiếu chân. Xác nằm ngửa mặt lên trời. Trận đánh xáp lá cà chỉ chấm dứt khi địch quân tháo chạy.
- Ông thầy bị thương rồi...
Há la lớn. Hoàng cúi nhìn một lỗ nhỏ nơi đùi của mình. Máu từ đó chảy dài xuống chiếc giày trận bê bết bùn. Bảnh cười cười.
- Ông thầy thấy chưa. Tui nói số 13 xui lắm...
Hoàng cười nói với Há.
- Mày cho anh điếu thuốc... Bị một lỗ nơi chân mà ông... Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ này...
Hoàng phì phà điếu thuốc trong lúc Mạnh cắt ống quần băng bó cho cấp chỉ huy còn Bảnh liên lạc với đại đội xin tản thương.