Nguyên tác: 1973年のピンボール – 1973–Nen No Pinbouru
Số lần đọc/download: 0 / 89
Cập nhật: 2023-08-05 09:48:01 +0700
Chương 3
K
hông một ai từng gõ cửa phòng tôi, trừ người đưa báo. Thế nên nếu bỗng dưng có tiếng gõ, không đời nào tôi sẽ ra mở cửa, có khi còn chẳng thèm đoái hoài.
Nhưng sáng chủ nhật hôm ấy cái người bên ngoài cứ gõ miết, ba mươi lăm lần. Rút cục tôi phải chịu thua, mắt nhắm mắt mở trèo ra khỏi giường, loạng choạng tới cánh cửa, và mở hé một khe. Đứng trong hành lang là một người đàn ông trong độ tứ tuần mặc bộ đồ công nhân màu xám, nón bảo hộ kẹp ở khoảng trống dưới cánh tay như cái cách bạn bế một chú cún.
“Tôi từ bên hãng điện thoại tới,” ông ta nói. “Đến để thay bảng chuyển mạch.”
Tôi gật đầu. Ông ta có một chòm râu lúc nào cũng xồm xoàm, kiểu khuôn mặt mà bạn có thể cạo, cạo mãi mà vẫn không thể nào tươm được. Toàn bộ gương mặt ông ta là râu, kéo lên tới tận mắt. Tôi thấy tội cho ông ta, nhưng hơn thế nữa, tôi chỉ thấy buồn ngủ. Tôi đã thức đến bốn giờ sáng để chơi trò backgammon với cặp song sinh.
“Chú có thể quay lại vào buổi chiều được không?”
“Không được, tôi e là phải làm ngay bây giờ.”
“Sao lại thế?”
Ông ta lục trong túi quần, rồi lôi ra một quyển sổ màu đen. “Tôi có một lượng công việc nhất định phải thực hiện trong ngày. Khi xong ở đây là phải đến khu khác, thấy không?”
Tôi liếc qua những địa chỉ trong đó, và dù ngược tôi vẫn có thể thấy, rằng đúng như ông ta nói, căn của tôi là căn cuối cùng còn lại của khu này.
“Cái vụ sửa chữa này là thế nào vậy?”
“Đơn giản vô cùng. Tháo cái bảng chuyển mạch ra, cắt dây, nối với một cái bảng mới, thế là xong. Mười phút là cùng.”
Tôi nghĩ một thoáng, rồi lắc đầu.
“Cái hiện tại có hỏng hóc gì đâu,” tôi nói.
“Cái hiện tại là loại cũ.”
“Cháu chẳng thấy có vấn đề gì cả.”
“Nào, nghe đây,” ông ta dợm lời, rồi nghĩ lại. “Không liên quan. Chỉ tổ gây ra rắc rối cho tất cả mọi người.”
“Rắc rối thế nào?”
“Này nhé, tất cả các bảng chuyển mạch đều được nối với một cái máy tính to đại ở trụ sở chính. Nhưng cái bảng của cậu, nó gửi về tín hiệu khác hoàn toàn so với tất cả những cái khác, nên nó làm loạn cả hệ thống lên. Có hiểu chưa?”
“Hiểu. Ra là chuyện tương thích giữa phần cứng và phần mềm.”
“Giờ thông cái đó rồi, cho tôi vào được chưa?”
Đến giây phút này tôi quyết định thôi thì mở cửa và để ông ta vào cho xong.
Thế rồi tôi mới chợt nghĩ ra để hỏi, “Nhưng điều gì khiến chú chắc chắn là cái bảng chuyển mạch đang ở trong căn hộ của cháu? Nó đáng ra phải ở trong phòng của tay quản lý tòa nhà hoặc một nơi đại loại như thế chứ?”
“Bình thường thì đúng vậy,” ông ta nói, dò theo những bức tường phòng bếp để tìm kiếm bất cứ dấu hiệu nào của cái bảng chuyển mạch. “Cậu thấy đấy, hầu hết mọi người đều coi bảng chuyển mạch thật sự là phiền phức. Chúng chẳng là thứ có nhiều tác dụng lắm. Chỉ tổ tốn chỗ.”
Tôi gật đầu. Ông ta đứng lên cái ghế đẩu trong bếp trên đôi tất và kiểm tra quanh trần. Không có gì ở đó.
“Một cuộc săn tìm kho báu như thường lệ. Mấy cái bảng chuyển mạch được giấu ở những nơi không thể tin nổi. Đó là một tội ác. Thế rồi họ làm gì? Quay đi quay lại đã thấy họ chất đầy căn hộ của mình với những cái đàn dương cầm bự chảng rồi thì búp bê trong tủ kính rồi thì đủ thứ khác. Không thể hiểu nổi.”
Tôi tỏ sự đồng cảm. Ông ta bỏ cuộc với căn bếp và tiếp tục xông qua các phòng khác, ngó góc này nghía góc nọ, và trước khi tôi kịp hoàn hồn thì ông ta đã mở cửa đi sang phòng tiếp theo.
“Chẳng hạn, cái bảng chuyển mạch ở cái khu văn phòng cuối cùng mà tôi vừa đến. Tôi nói cậu nghe, tôi đã có một phen để đời! Cậu nghĩ họ nhét cái thứ đó vào đâu? Ý là, ngay cả tôi còn…”
Lời nói của ông ta mất hút vào trong cái miệng đang há hốc. Trong một góc của căn phòng, trên cái giường vĩ đại, mái đầu của cặp song sinh đang thò ra từ bên dưới lớp chăn nơi họ nằm hai bên của sự sầu thảm mà tôi đã bỏ lại. Thảng thốt, người thợ sửa chữa cứ đứng đó với cái miệng há ra trong suốt mười lăm giây. Ngược lại, cặp song sinh cũng chẳng tíu tít trò chuyện gì cho cam. Đoán là tôi phải nhận vai trò lên tiếng vậy.
“Ờ… ông chú này làm nghề sửa điện thoại.”
“Rất vui được gặp chú,” cô bên phải nói.
“Rất hân hạnh,” cô bên trái nói.
“À, ờ… tôi cũng thế.” Người thợ nói.
“Chú ấy đến thay bảng chuyển mạch.”
“Bảng chuyển mạch?”
“Bảng gì cơ?”
“Cái thiết bị nối các vi mạch điện thoại của nhà chúng ta.”
Câu này thì còn có ít nghĩa lý hơn với họ, nên tôi nhường phần giải thích còn lại cho người thợ.
“Ừm… như thế này. Một đống đường dây điện thoại được nối hết cả tới đây, được chứ? Cứ coi như có một con chó mẹ và ở đây là tất cả những con chó con của nó. Thế, hai cô hiểu rồi chứ, nhỉ?”
“?”
“Không hiểu tí gì.”
“À, ờ… thì là con chó mẹ chăm sóc cho những đứa con của nó, nhưng nếu chó mẹ chết, thì những con chó con cũng chết theo. Đến đây thì là nhiệm vụ của tôi, kiểu như đổi sang một con chó mẹ mới khi con chó mẹ cũ sắp sửa toi đời.”
“Tuyệt quá!”
“Ôi!”
Ngay cả tôi cũng thấy ấn tượng.
“Và vì thế nên tôi mới ở đây hôm nay. Xin lỗi vì đã làm phiền hai cô.”
“Ồ, đừng bận tâm đến chúng cháu.”
“Không, nói thật là cháu cũng muốn xem lắm!”
Ông ta nhẹ nhõm chùi đầu lông mày bằng chiếc khăn bông, và nhìn qua một lượt căn phòng.
“Giờ thì, để mà tìm cái bảng chuyển mạch cũ ấy…”
“Không cần phải tìm đâu,” cô bên phải nói.
“Nó nằm ở sau cái tủ trong phòng ngủ. Chỉ cần cạy mấy tấm ván ra thôi.”
Tôi té ngửa. “Này, làm sao em biết được mấy thứ như thế? Anh còn chẳng biết.”
“Cái bảng chuyển mạch á?”
“Kiến thức thông thường mà!”
“Hết nổi rồi,” người thợ nói.
* * *
Đúng thật, công việc đã xong trong mười phút. Trong lúc đó cặp song sinh chia sẻ với nhau vài bí mật thầm thì, cười khúc khích, hai trán chụm vào nhau. Nhờ thế mà người đàn ông liên tục làm dây rối hết cả. Khi công việc hoàn thành, cặp song sinh chui vào chiếc áo cộc cùng quần bò dưới lớp chăn, đi vào bếp, rồi pha cà phê cho mọi người.
Tôi mời tay thợ một cái bánh Đan Mạch còn sót lại, nó được ông ta nồng nhiệt đón nhận, và ăn cùng với tách cà phê.
“Rất cảm ơn. Nay tôi chưa có gì vào bụng cả.”
“Chẳng phải chú có vợ rồi sao?” 208 thắc mắc.
“À đúng thế, nhưng vợ tôi chưa bao giờ muốn thức dậy vào sáng chủ nhật.”
“Tệ quá,” 209 nói.
“Ối, nhìn tôi thì biết. Mấy cô cậu biết đấy, tôi không làm việc vào chủ nhật vì tôi muốn thế đâu.”
“Chú ăn trứng luộc chín không?” tôi đề nghị như một cách để an ủi.
“Ồ, thôi, thôi, thôi… thế thì phiền quá.”
“Không phiền chút nào đâu,” tôi nói. “Đằng nào cháu cũng nấu đủ cho tất cả ăn.”
“À, nếu thế thì, chín vừa đủ thôi, nếu, ờ, được…”
Ông ta tiếp tục câu chuyện trong lúc bóc vỏ quả trứng luộc. “Tôi đã đến thăm nhà của người ta suốt hai mươi mốt năm rồi, nhưng đây là lần đầu.”
“Cái gì là lần đầu cơ?” tôi hỏi.
“Ý là, ờ… một anh chàng ngủ với một cặp song sinh. Chắc cũng phải tốn sức hén?”
“Cũng không hẳn,” tôi nói, nhấp cốc cà phê thứ hai.
“Thật đấy?”
“Thật ạ.”
“Là bởi vì anh ấy cũng ra trò lắm,” 208 nói.
“Một con thú,” 209 nói.
“Hết nổi rồi,” ông ta nói.
* * *
Tôi thực lòng nghĩ rằng chuyện đó đã làm ông ta chịu hết nổi thật, luống cuống đến nỗi bỏ quên cái bảng chuyển mạch cũ. Hoặc không thì đó là món quà cảm ơn cho bữa sáng. Sao cũng được, cặp song sinh dành cả ngày còn lại để chơi đùa với cái bảng. Một người sẽ đóng vai chó mẹ, người kia đóng vai chó con, chí chóe qua lại mấy câu vô nghĩa.
Tôi để hai người họ thích làm gì thì làm, nhân đó dành buổi chiều để thực hiện cho xong vài công việc dịch thuật mà tôi mang theo về nhà. Cả đám sinh viên giúp việc đều đang bận rộn với kỳ kiểm tra và chẳng còn ai dịch thô nữa, nên tôi có cả đống việc. Mọi thứ không đến nỗi tệ cho tới khoảng chừng ba giờ chiều, khi tốc độ bắt đầu chững lại như thể tôi sắp hết pin. Đến bốn giờ, não đã bỏ người mà đi. Tôi không thể tiêu nổi một dòng.
Thế là tôi cũng thôi luôn. Tôi đặt hai khuỷu tay lên mặt bàn kính, thổi khói lên trần nhà. Làn khói lượn lười biếng qua nắng chiều ảm đạm như một dạng hồn phách. Tấm lịch nhỏ mà tôi có được từ ngân hàng nằm trên bàn dưới lớp kính. Tháng 9 năm 1973… nó giống như một giấc mơ hơn… 1973; ai mà nghĩ được một năm như thế lại thực sự tồn tại? Và vì lý do nào đó, việc nghĩ nó không tồn tại cũng chẳng có gì là sai.
“Sao thế?” 208 đến hỏi.
“Trông anh mệt đấy. Uống chút cà phê nhé?”
Hai người họ gật đầu với nhau, rồi quay trở lại căn bếp, một người xay hạt cà phê, người còn lại đun nước và hâm nóng mấy cái cốc. Rồi tất cả chúng tôi ngồi xuống thành một hàng bên ô cửa sổ, uống cà phê mới pha.
“Không thuận lợi hả?” 209 hỏi.
“Không có vẻ gì là ổn,” tôi nói.
“Nó tồi tàn lắm rồi.”
“Cái gì cơ?”
“Bảng chuyển mạch của anh.”
“Con chó mẹ.”
Tôi trút ra tiếng thở dài xuất phát từ tận đáy ruột. “Hai em thực sự nghĩ vậy à?”
Hai người họ cùng nhau gật đầu.
“Sắp cạn kiệt rồi.”
“Chính xác.”
“Vậy hai em nghĩ chúng ta phải làm gì?”
Họ chỉ lắc đầu.
“Không biết.”
Tôi lặng lẽ phả một hơi thuốc. “Hay là chúng ta đi dạo ra sân gôn nhé? Hôm nay là chủ nhật, kiểu gì cũng có rất nhiều quả bóng bay lạc.”
Sau một giờ chơi backgammon, chúng tôi trèo qua hàng rào mắt cáo, và trong ánh nắng tà đi dạo qua sân gôn hoang vắng. Tôi huýt sáo bài “It’s So Peaceful in the Country” của Mildred Bailey đến hai lần, được cặp song sinh khen. Dẫu có tốt lành đến thế, chúng tôi lại chẳng tìm được quả bóng nào. Có những ngày như vậy. Có thể tất cả những tay chơi gôn điêu luyện của Tokyo đã tụ hội lại với nhau. Hoặc không thì họ đã bắt đầu huấn luyện những con chó săn thỏ chỉ để nhặt bóng về. Chúng tôi bỏ cuộc và quay trở lại căn hộ.