Số lần đọc/download: 1474 / 33
Cập nhật: 2015-01-25 20:30:42 +0700
Chương 3 -
N
gày hôm sau bác sĩ thức dậy với quyết tâm nhất định làm giàu.
Đã nhiều lần chàng có quyết định ấy song không đeo đuổi thực tại của quyết định. Bước đầu mọi ý đồ lập sự nghiệp mới, hy vọng đạt giàu sang nhanh chóng thường nâng đỡ các nỗ lực và niềm tin cho chàng, cho đến khi gặp trở ngại đầu tiên, cho đến khi gặp thất bại đầu tiên, nó quẳng chàng sang một một nẻo đường mới.
Nằm lút trong giường giữa chăn nệm ấm, chàng ngẫm nghĩ. Bao nhiêu thầy thuốc đã thành triệu phú trong một thời gian ngắn! Chỉ cần chút tài khéo léo, vì trong thời gian học chàng đã có thể thẩm định những giáo sư nổi tiếng nhất và bây giờ đây chàng đánh giá họ là ngu như lừa. Chắc chắn chàng cũng bằng họ nếu không hơn. Nếu nhờ cách nào đó, chàng thu phục được đám khách hàng lịch sự và giàu có ở Le Havre, chàng có thể kiếm được mười vạn francs mỗi năm dễ dàng, và chàng tính toán, một cách chính xác những khoản thu cầm chắc. buổi sáng, chàng sẽ đi, chàng sẽ đến nhà bệnh nhân. Cứ lấy con số trung bình, rất xoàng, là mười bệnh nhân mỗi ngày, trả hai mươi francs một người, chàng sẽ được tối thiểu là bảy mươi hai ngàn franc một năm, thậm chí chí bảy mười lăm, vì con số mười bệnh nhân thấp hơn thành tựu chắc chắn. Buổi chiều, chàng tiếp tại phòng khám một số trung bình khác là mười khách với giá mười francs, vị chi ba mươi sáu ngàn francs. Thế là mười hai vạn francs, số tròn. Khách hàng cũ v` bạn bè của chàng sẽ đến nhà thăm bệnh với giá mười francs, và tiếp ở phòng khách với giá năm francs có lẽ sẽlàm hco tổng số nọ hơi giảm đi, song bù lại, có những cuộc hội chẩn cùng các thầy thuốc khác và mọi món lợi nhỏ thông thường trong nghề.
Đạt tới điều đó dễ ợt nhờ quảng cáo cho khéo, những tin tức trên báo Le Figaro, chỉ ra rằng giới khoa học Paris để mắt tới chàng, quan tâm đến những việc chữa trị đáng kinh ngạc do nhà bác sĩ trẻ và khiêm tốn ở Le Havre tiến hành. Rồi chàng sẽ giàu hơn em trai, giàu hơn và nổi tiếng hơn, và hài lòng với bản thân, vì tài sản của chàng chỉ nhờ vào chính mình, và chàng sẽ tỏ ra hào hiệp với bố mẹ, họ sẽ tự hào chính đáng vì danh tiếng của chàng. Chàng sẽ không lấy vợ, không muốn làm đời mình vướng víu vì một người đàn bà duy nhất và phiền phức, nhưng chàng sẽ có nhân tình trong số những khách hàng nữ xinh đẹp nhất.
Chàng cảm thấy tin rất chắc ở thành công, đến mức nhảy ra khỏi giường như để tóm ngay lấy nó, rồi chàng vận y phục để đi tìm trong thành phố căn hộ thích hợp với mình.
Thế là, vừa lượn đi lượn lại qua các phố, chàng vừa nghĩ sao mà các nguyên nhân quy định hành nghề của chúng ta lại nhẹ tênh đến thế. Từ ba tuần nay lẽ ra chàng có thể, lẽ ra chàng phải có cái quyết tâm vừa nảy sinh đột ngột nơi chàng, theo sau việc em chàng được hưởng gia tài, chắc chắn như vậy.
Chàng dừng chân trước những cánh cửa treo thông báo cho thuê hoặc một căn hộ đẹp, hoặc một căn hộ sang trọng, những chỉ dẫn không có tính từ bao giờ cũng khiến chàng hết sức khinh rẻ. Thế là chàng xem xét với thái độ ngạo mạn, đo chiều cao trần nhà, vẽ lên cuốn sổ của mình sơ đồ nơi ở, các lối đi, cách sắp xếp nẻo ra vào, thông báo mình là thầy thuốc và có nhiều khách lắm. Cầu thang thật rộng và giữ gìn thật sạch sẽ, vả lại chàng không thể ở cao hơn tầng gác thứ nhất.
Sau khi đã ghi bảy tám địa chỉ và nguệch ngoạc hai trăm tin tức, chàng về nhà ăn trưa, chậm mất mười lăm phút.
Từ ngoài tiền sảnh, chàng đã nghe tiếng đĩa bát. Thì ra họ ăn mà không có chàng. Tại sao? Chưa khi nào người trong nhà đúng giờ đến thế. Chàng phật ý, bất bình, vì tính chàng dễ động lòng. Chàng vừa bước vào, thì Roland bảo:
"Nào, Pierre, nhanh nhanh lên, rõ thật! Con biết là chúng ta đến nhà công chứng viên vào lúc hai giờ mà! Không phải là ngày để phất phơ dông dài đâu".
Bác sĩ ngồi xuống, không đáp, sau khi hôn mẹ, xiết tay bố và em, rồi chàng lấy trong chiếc đĩa sâu lòng ở giữa bàn, miếng sườn dành cho mình. Nó nguội và khô. Chắn hẳn là miếng dở nhất. chàng nghĩ lẽ ra mọi người có thể để nó trong lò chờ đến khi chàng về, và đừng có rối trí đến nỗi quên cả đứa con kia, đứa con trưởng. Cuộc chuyện trò ngắt đoạn do chàng bước vào, lại tiếp tục ở điểm chàng đã làm ngắt quãng. Bà Roland bảo Jean:
"Giá là mẹ thì đây là điều mẹ sẽ làm ngay lập tức. Mẹ sẽ thu xếp chỗ ở thật sang trọng, làm mọi người phải chú ý, mẹ sẽ xuất hiện ở nơi giao tế, mẹ sẽ đi ngựa, và sẽ chọn một hai vụ việc thú vị để biện hộ, để có địa vị vững tại Toà. Mẹ muốn làm một kiểu luật sư nghiệp dư được cầu cạnh. Ơn Chúa, giờ thì con không còn lo túng thiếu, và nếu con có làm được gì, chung quy là để khỏi phí công học hành và đã là người đàn ông chẳng bao giờ nên ngồi không".
Lão Roland đang gọt một quả lê, tuyên bố:
"Chà, chà! Vào địa vị con, bố sẽ mua một con thuyền thật đẹp, loại tàu buồm theo mẫu tàu hoa tiêu ấy. Bố sẽ đi đến tận Senegal, với cái đó".
Đến lượt Pierre phát biểu ý kiến. Chung quy, không phải tài sản làm nên giá trị tinh thần, giá trị trí tuệ của một con người. với những kẻ tầm thường, kém cỏi, nó chỉ là một nguyên nhân suy đồi, trong khi ngược lại nó được đặt vào tay những người giỏi giang một đòn bẩy mạnh mẽ. Vả chăng, những người ấy hiếm lắm. Nếu Jean thật sự là một con người ưu việt, chàng có thể phô bày điều đó giờ đây khi chàng không còn lo túng thiếu. Nhưng chàng phải làm việc nhiều hơn gấp trăm lần việc chàng có thể làm trong những hoàn cảnh khác. Vấn đề không phải là biện hộ để bênh hay chống người vợ góa đứa con côi rồi bỏ túi chừng đó ê-quy cho mỗi vụ kiện thắng hay thua, mà là trở thành nhà luật pháp học trác tuyệt, một ánh sáng của pháp luật.
Và Pierre nói thêm để kết luận:
"Anh mà có tiền, anh ấy à, thì anh sẽ mổ xác các tử thi".
Lão Roland nhún vai:
"Ô chà chà! Ở đời khôn ngoan nhất là sống cho nhàn nhã. Chúng ta không phải là những con vật làm việc nặng, mà là những con người. Khi người ta sinh ra nghèo khó, thì cần phải làm việc, ừ, kệ thôi, làm việc vậy, nhưng khi người ta có lợi tức niên kim, thì chà chà! Họa có ngớ ngẩn mới làm cho mình mệt xác".
Pierre trả lời một cách cao ngạo:
"Khuynh hướng của chúng ta không giống nhau. Con ấy à, trên đời con chỉ kính trọng tri thức và trí tuệ, mọi cái còn lại đều đáng khinh".
Bà Roland bao giờ cũng cố làm dịu đi những sự va chạm liên miên giữa hai bố con, bà bèn chuyển sang trò chuyện và nói về một vụ giết người vừa xảy ra ở Bolbec-Nointot, tuần trước. Các đầu óc lập tức bận bịu vì những hoàn cảnh xung quanh vụ bạo hành, và bị thu hút bởi sự ghê gớm thú vị, bởi bí mật hấp dẫn của tội ác, ngay cả khi chúng tầm thường, ô nhục và ghê tởm, vẫn có sức mê hoặc lạ lùng và phổ biến đối với lòng hiếu kỳ của con người.
Trong khi ấy, chốc chốc, lão Roland lại rút đồng hồ ra. Lão bảo:
"Nào, nào, sắp phải lên đường thôi".
Pierre cười gằn:
"Còn chưa đến một giờ. Quả thật, đâu đến nỗi phải cho tôi ăn miếng sườn nguội".
"Con có đến nhà ông công chứng không?" bà mẹ hỏi.
chàng lãnh đạm đáp:
"Con ấy à, không, để làm gì chứ? Sự có mặt của con thậm vô ích".
Jean vẫn lặng lẽ như không phải chuyện của mình. Khi mọi người nói về vụ giết người ở Bolbec, chàng đã phát biểu vài ý với tư cách nhà luật pháp học, phát triển vài nhận xét về tội ác và kẻ phạm tội. Bây giờ chàng lại im tiếng, nhưng ánh sáng trong đôi mắt, sắc hồng phấn khích trên đôi má, cho đến cả sự óng mượt của bộ râu, dường như công bố vẻ hạnh phúc nơi chàng.
Sau khi cả nhà ra đi, Pierre lại còn một mình, liền bắt đầu một lần nữa việc tìm tòi săm soi buổi sáng, qua các căn hộ cho thuê. Sau hai ba giờ leo lên lội xuống các cầu thang, cuối cùng chàng phát hiện, trên đại lộ Francois Đệ nhất, một cái gì xinh đẹp, một tầng lửng rộng rãi có hai cậu mở ra hai phố khác nhau, hai phòng khách, một hành lang lắp kính nơi các bệnh nhân trong khi chờ đến lượt, sẽ dạo chơi giữa hoa lá, và một phòng ăn tuyệt vời hình tròn nhìn ra biển.
Đến lúc thuê, con số ba ngàn francs chặn chàng lại, vì phải trả trước ba tháng đầu, mà chàng chẳng có gì hết, không một đồng xu trước mắt.
Cái gia sản nhỏ nhoi bố chàng dành dụm được chỉ sấp sỉ tám ngàn francs niên kim, và Pierre tự chính mình đã thường khiến bố mẹ phải lúng túng vì đã do dự mãi khi chọn nghề, vì cứ định làm rồi lại bỏ, và luôn luôn bắt đầu học lại. Vậy là chàng đi ra, hứa rằng sẽ trả lời trong hai ngày, và nảy ra ý mượn em trai khoản tiền cho ba tháng đầu, thậm chí sáu tháng, vị chi là một ngàn năm trăm francs, khi nào Jean được sở hữu gia tài. Chàng nghĩ:
"Chỉ là vay tạm vài tháng thôi. Có thể mình sẽ trả được Jean trước khi hết năm cũng nên. Vả lại, chuyện cũng đơn giản, và Jean sẽ hài lòng làm cho mình điều ấy".
Vì chưa đến bốn giờ, và vì chẳng có việc gì làm, không có gì hết, chàng ra ngồi ở công viên, và chàng đã ngồi rất lâu trên chiếc ghế dài, không ý tưởng, chỉ nhìn xuống đất, nặng trĩu một nỗi chán chường đã trở thành khổ não.
Tuy nhiên, tất cả những ngày trước đó, từ khi trở về nhà cha mẹ, chàng vẫn sống như vậy, chẳng đau đớn gay gắt đến thế vi sự trống rỗng của cuộc đời và vì cảnh ăn không ngồi rồi. Vậy chàng đã qua thời gian từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ như thế nào?
Chàng đã lang thang vơ vẩn trên đê vào những giờ nước triều lên, vơ vẩn qua các phố, vơ vẩn qua các quán cà phê, vơ vẩn ở nhà Marowsko, vơ vẩn khắp nơi. Và kìa, đột nhiên, cái cuộc sống ấy vẫn chịu đựng cho đến bây giờ, đối với chàng bỗng trở thành khả ố, không kham nổi. Giá như có ít tiền, chàng đã thuê một cỗ xe để đi dạo một chuyến ở vùng quê, dọc theo các dghào trang trại rợp bóng những cây giẻ gai và những cây du, nhưng chàng đang tính toán giá từng vại bia, hoặc cái tem thư, những thú chơi ngông như thế, chàng đâu cho phép. Bỗng nhiên chàng nghĩ rằng ngoài ba mươi tuổi rồi mà thỉnh thoảng còn phải đỏ mặt hỏi xin một đồng hai mươi francs thì cực biết bao nhiêu! Chàng vừa lẩm bẩm vừa lấy đầu cây can bới đất:
"Chà! Nếu như mình có tiền!"
Và ý nghĩ về gia tài của em trai lại xuyên vào chàng như thể ong châm, nhưng chàng bực bội xua nó đi chẳng muốn buông mình theo đà ghen ghét ấy.
Quanh chàng, những đứa trẻ chơi đùa trong bụi đường. Tóc chúng dài, vàng hoe, và chúng đắp với vẻ rất nghiêm túc, với dáng chăm chú trịnh trọng, những núi cát nhỏ để rồi dẫm chân một nhát cho bẹp đi.
Pierre đang ở vào một trong những ngày ủ dột, khi người ta nhìn vào mọi ngóc ngách tâm hồn mình, khi người ta lay rũ mọi nếp gấp của nó.
"Sự nghiệp của chúng ta giống như việc làm của những đứa nhóc nọ," chàng nghĩ. Rồi chàng tự hỏi hay điều khôn ngoan nhất trong đời lại là đẻ ra hai hoặc ba sinh linh bé bỏng vô dụng ấy và nhìn chúng lớn lên một cách độ lượng và tò mò. Và ước vọng hôn nhân thoáng lướt qua chàng. Người ta không quá bơ vơ và không còn cô độc nữa. Ít ra người ta cũng nghe một ai đó động cựa gần bên mình vào những giờ khắc hoang mang bối rối, gọi một người đàn bà bằng "em" đã là một cái gì đó rồi, khi người ta đau khổ.
Chàng bèn nghĩ đến đàn bà.
Chàng quen biết họ rất ít, hồi ở khu phố La tinh chàng có những cuộc dan díu khoảng hai tuần, khi đã ăn hết số tiền hàng tháng thì cắt đứt, rồi nối lại hoặc thay thế vào tháng sau. Vậy mà, ắt phải tồn tại những con người rất nhân hậu, rất dịu dàng, rất an ủi. Mẹ chàng đã chẳng là lý trí và duyên sắc của tổ ấm gia đình đó sao? Chàng mong muốn đến chừng nào mới quen biết một phụ nữ, một phụ nữ thực sự!
Chàng bỗng đứng dậy với ý định tạt đến thăm Rosémilly.
Rồi chàng lại đột ngột ngồi xuống. Cô ta khiến chàng không ưa, cái cô ả ấy! Tại sao? Cô ta có quá nhiều lương tri tầm thường và thấp kém, với lại, cô ta dường như chẳng thích Jean hơn chàng đó ư? Tuy không tự thú một cách rõ ràng, song niềm thiên ái có liên quan rất nhiều đến việc chàng coi thường trí thông minh của người quả phụ, vì, tuy yêu mến em trai chàng không thể ngăn mình đánh giá em là hơi xoàng và cho rằng mình ưu việt hơn.
Dù sao chàng cũng chẳng ở lại nơi này cho đến đêm, và, giống như tối hôm trước, chàng lo âu tự hỏi "Mình sẽ làm gì nhỉ?"
Lúc này cảm thấy trong tâm hồn một nhu cầu được mềm lòng, được ôm hôn và an ủi. An ủi vì cái gì chứ? Chàng chẳng biết nói thế nào, nhưng chàng đang ở vào một trong những giờ phút yếu đuối và chán chường mà sự hiện diện của một phụ nữ, sự vuốt ve của một phụ nữ, một bàn tay đụng chạm, một tà áo phớt qua, một ánh mắt đen hay xanh dịu dàng dường như rất cần thiết, và cần ngay tức khắc, ở trái tim ta.
Và chàng nhớ đến một cô hầu gái trong một quán bia mà một hôm chàng đã đưa về nhà cô và thỉnh thoảng gặp lại.
Thế là chàng lại đứng lên để đến uống một ly với cô ấy. Chàng sè nói gì với cô? Cô sẽ nói gì với chàng? Chẳng gì cả. Chắc thế. Có cần gì? Chàng sẽ cầm tay cô vài giờ. Cô có vẻ thích chàng. Vậy tại sao chàng không hay gặp cô hơn?
Chàng thấy cô đang thiu thiu trên chiếc ghế dựa trong quán bia hầu như không người. Ba khách hàng ngồi chống khuỷu tay bên những chiếc bàn gỗ sồi, hút ống điếu, bà chủ đọc tiểu thuyết, trong lúc ông chủ, mặc sơ mi không áo khoác ngoài, đang ngủ thật sự trên chiếc ghế dài nhỏ.
Vừa nhìn thấy chàng, cô gái vội đứng lên, tiến về phía chàng:
"Chào ông, ông có khoẻ không?"
"Cũng được, còn em?"
"Em khỏe lắm. Sao ông ít đến thế?"
"Phải, tôi có rất ít thời gian rảnh. Em biết tôi là thầy thuốc mà".
"Này, ông chưa bảo em chuyện ấy. Nếu em biết thì tuần trước em bị ốm, em đã nhờ ông khám bệnh. Ông uống gì?"
"Một ly. Còn em?"
"Em cũng uống một ly, vì anh trả cho em mà".
Rồi cô tiếp tục xưng hô anh em như thể việc mời uống đã ngầm cho phép như thế. Vậy là, ngồi đôi diện với nhau, họ trò chuyện. thỉnh thoảng, cô cầm tay chàng một cái thân tình dễ dãi của những cô gái mà sự âu yếm là thứ đem bán, và nhìn chàng với cặp mắt mời mọc, cô bảo:
"Sao anh không hay đến hơn? Em thích anh lắm anh yêu ạ".
Nhưng chàng đã chán cô rồi, thấy cô ngu ngốc, tầm thường, có mùi dân chúng. Đàn bà, chàng tự nhủ, phải xuất hiện trước chúng ta trong một giấc mộng hoặc trong một vầng hào quang xa hoa nó thi vị hoá sự dung phàm của họ.
Cô bảo chàng:
"Sáng hôm nọ anh đến với một cậu tóc vàng, đẹp trai, để râu vàng, em của anh đấy à?"
"Phải, em tôi đấy"
"Cậu ấy rất xinh trai".
"Em thấy thế ư?"
"Thì đúng vậy, với lại cậu ấy có vẻ vui tính".
Nhu cầu lạ lùng nào đột nhiên thúc đẩy chàng kể cho cô hầu trong quán bia này chuyện Jean được thừa kế? Tại sao cái ý tưởng mà chàng gạt đi khỏi bản thân khi ở một mình, mà chàng xua đuổi vì sợ tâm hồn bị khuấy động, lại đến cửa miệng chàng lúc này và tại sao chàng để nó tuôn ra, như thể chàng cần dốc lần nữa trước ai đó tấm lòng chàng đầy cay đắng?
Chàng vừa bắt chéo hai chân vừa nói:
"Em tôi thật may mắn, cậu ấy vừa được thừa kế hai mươi ngàn francs tiền niên kim".
Cô mở thật to đôi mắt xanh biếc và tham lam:
"Ồ! Thế ai đã để lại cho cậu ta cái đó? Bà hay cô, bác?"
"Không, một người bạn cũ của bố mẹ tôi."
"Chỉ là bạn thôi à? Không thể có chuyện ấy! Mà ông ta không để cho anh gì hết ư? Cho anh ấy?"
"Không. Tôi biết ông ta rất ít".
Cô nghĩ ngợi một lát, rồi với một nụ cười kỳ cục trên môi:
"Thế thì, em của anh may mắn có những ông bạn kiểu ấy! Thảo nào, chẳng có gì lạ là cậu ta ít giống anh đến thế!"
Chàng muốn tát cô mà không hiểu rõ vì sao, và chàng hỏi, miệng rúm lại:
"Em có ý gì vậy?"
Cô đã khóac một vẻ ngu ngốc và khờ khạo:
"Em ư? Chẳng có gì hết. Em muốn bảo là cậu ấy may mắn hơn anh".
Chàng quăng hai mươi xu lên bàn rồi đi ra.
Giờ đây chàng lặp lại cho mình câu này "Chẳng có gì lạ là cậu ta ít giống anh đến thế".
Cô ta đã nghĩ gì? Cô ta đã ám chỉ gì qua những lời ấy? Chắn hắn ở đó có một sự tinh quái, một sự độc ác, một điều xấu xa. Phải, hẳn cô gái này cho rằng Jean là con của ông Maréchal.
Nghĩ đến điều nghi ngờ này đối với mẹ mình, chàng cảm thấy xúc động thật dữ dội đến mức chàng dừng chân và đưa mắt tìm một chỗ nào để ngồi xuống.
Thấy một quán giải khát khác ở trước mặt, chàng liền bước vào, lấy một chiếc ghế, và khi gã phục vụ tiến ra, chàng bảo "Một ly".
Chàng cảm thấy tim mình đập mạnh, chàng nổi da gà. Và đột nhiên, chàng nhớ lại điều Marowsko nói tối hôm trước "Chuyện đó sẽ không gây ấn tượng tốt". Ông ta cũng có cùng một ý nghĩ, cùng một mối nghi ngờ với cái ả trơ tráo kia chăng?
Cúi xuống ly bia, chàng nhìn lớp bọt trắng sủi lên rồi tan đi, và chàng tự hỏi "Người ta có thể tin một điều như vậy hay sao?"
Những lý do làm nảy sinh mối nghi ngờ khả ố này trong đầu óc mọi người giờ đây lần lượt hiện ra với chàng, rõ ràng, hiển nhiên, gây phẫn nộ. Một ông già độc thân không ai thừa kế để lại tài sản cho hai con trai của một người bạn, thì không gì đơn giản hơn và tự nhiên hơn, nhưng ông ta lại đem toàn bộ gia tài cho riêng một trong hai người con ấy, dĩ nhiên thiên hạ sẽ kinh ngạc, xì xầm và cuối cùng là cười tủm. Sao ông ta lại không tính trước điều đó, sao cha chàng không cảm thấy, sao mẹ chàng lại không đoán ra điều đó? Không, họ đã quá sung sướng vì đồng tiền ngoài hy vọng kia thành thử ý tưởng này chẳng chạm tới họ. Với lại làm sao những con người lương thiện ấy có thể ngờ được một chuyện ô nhục như thế?
Nhưng công chúng, nhưng láng giềng, ông nhà buôn, người cung cấp hàng, tất cả những ai quen biết họ chẳng sẽ lặp lại hay sao cái điều đáng ghê ấy, đùa với nó, thú vị với nó, cười cha chàng và khinh mẹ chàng?
Và nhận xét của cô gái phục vụ quán bia rằng Jean tóc vàng còn chàng tóc nâu, rằng họ chẳng giống nhau về gương mặt, về dáng đi, về phong độ, về trí tuệ, giờ đây sẽ đập vào mọi con mắt và mọi đầu óc. Sau này khi nói về một anh con trai nhà Roland họ sẽ bảo "Anh nào, anh con thật hay con giả?"
Chàng đứng lên với quyết tâm báo trước cho em, bảo cậu đề phòng nguy cơ gớm guốc đang đe dọa danh dự của mẹ họ. Nhưng Jean sẽ làm gì đây? chắc chắn điều đơn giản nhất sẽ là khước từ món gia tài, nó sẽ thuộc về người nghèo, rồi chỉ nói với bạn bè và những người quen có biết việc di tặng này rằng bảo di chúc có những điều khoản và điều kiện không chấp nhận được, chúng khiến cho Jean chẳng phải là người được thừa kế, mà là người được ký thác.
Vừa trở về nhà, chàng vừa nghĩ rằng phải gặp riêng em trai, để khỏi nói trước mặt bố mẹ về một đề tài như vậy.
Từ ngoài cửa chàng đã nghe cười nói ồn ào trong phòng khách, rồi, khi bước vào, chàng nghe thấy tiếng bà Rosémilly cùng thuyền trưởng Beausire, do cha chàng dẫn về và giữ lại dự bữa tối để ăn mừng tin tốt lành.
Họ đã cho mang lên rượu ngải đắng và rượu vermouth để khai vị, và trước hết họ cùng vui vẻ phấn chấn. Thuyền trưởng Beausire, một người thấp lùn tròn xoay vì đã lăn lóc mãi trên biển, và mọi ý tưởng dường như cũng tròn, tựa các hòn đá cuội ven bờ, khi cười thì những tiếng rung rung đầy cổ họng, ông cho cuộc đời là một thứ tuyệt hảo mà cái gì cũng đáng lấy cả.
Ông đang chạm ly với lão Roland, trong lúc Jean đưa mời các bà cai ly rượu đầy mới rót.
Bà Rosémilly từ chôi, thì thuyền trưởng Beausire, từng quen biết ông chồngg quá cố của bà, nói to:
"Nào, nào, thưa bà, bis repetita placent, tiếng địa phương chúng tôi có nghĩa là hai ly vermouth chẳng gây hại bao giờ, tôi đây, bà ạ, từ khi không đi tàu nữa, mỗi ngày tôi tự cho mình, trước bữa tối, hai hay ba cú chòng chành nhân tạo! Tôi thêm vào đó một cú lắc lư sau bữa cà phê, thế là tôi có biển có sóng lớn cho buổi tối. Chẳng bao giờ tôi đi tới bão tố đâu! Chẳng bao giờ, chẳng bao giờ, vì tôi sọ hư hại".
roland, được ông già thuyền trưởng, đường trường tán dương cái tật hàng hải, cười rất nhiệt tình, mặt đã đỏ và mắt mờ đi vì rượu ngải. Lão có cái bụng to của người chủ hiệu, chỉ một cái bụng nơi dường như ẩn tàng mọi thứ còn lại của thân hình, loại bụng nhẽo của những người lúc nào cũng ngồi, họ chẳng còn đùi, chẳng còn ngực, chẳng còn cánh tay, chẳng còn cổ, lòng chiếc ghế dựa đã dồn đống toàn bộ vật chất của họ vào cùng một chỗ.
Beausire, trái lại, mặc dù thấp béo, lại có vẻ đầy ăm ắp như quả trứng và rắn đanh như viên đạn.
Bà Roland chưa uống hết ly rượu đầu, và, mặt ửng hồng vì hạnh phúc, mắt ngời sáng, bà ngắm cậu con trai Jean của mình.
Ở chàng giờ đây cơn mừng vui bùng nổ. Đó là một việc đã xong, một việc đã ký kết, chàng có hai mươi ngàn francs lợi tức. Trong cách chàng cười, chàng nói với một giọng vang hơn, cách chàng nhìn mọi người, trong dáng điệu dứt khoát hơn, vẻ tự tin hơn, người ta cảm thấy sự đĩnh đạc do đồng tiền mang lại.
Người nhà báo là tiệc đã dọn, và khi ông lão Roland định đưa tay cho bà Rosémilly khoác, vợ ông nói to "Không, không, bố ạ, ngày hôm nay tất cả là cho Jean".
Trên bàn rờ rỡ một sự xa hoa ít có, trước đĩa của Jean, ngồi ở chỗ ông bố, một bó hoa to tướng đầy những giải lụa, một bó hoa đại lễ thật sự, vồng lên như một mái tròn có treo cờ, kèm bốn chiếc đĩa cao chân, một đĩa đựng những quả đào tuyệt đẹp xếp hình tháp, đĩa thứ hai một bánh ga tô đồ sộ đầy ứ kem và phủ những chiếc chuông nhỏ bằng đường nấu chảy, một toà nhà thờ bằng bánh bích quy, đĩa thứ ba là những khoanh dứa ngâm xi rô loãng, và đĩa thứ tư, một sự xa xỉ phi thường, nho đen, đến từ những xứ sở nhiệt đới.
"Cha chả!" Pierre vừa ngồi xuống vừa nói, "chúng ta làm lễ đăng quang cho Jean Hào phú".
Sau món súp, họ mời rượu vang Madère, và tất cả mọi người đã cùng nói một lúc. Beausire thuật lại một bữa tối từng dự ở Saint-Dominique, tại bàn tiệc của một ông tướng da đen. Lão Roland vừa nghe vừa tìm cách kể chen vào đó chuyện một bữa ăn khác do bạn lão ở Meudon đãi, làm mỗi thực khách phát ốm mười lăm ngày. Bà Rosémilly, Jean và bà mẹ bàn kế hoạch đi chơi rồi ăn trưa ở Saint-Jouin, họ hy vọng sẽ vô cùng vui thú, còn Pierre ân hận là đã không ăn tối một mình, torng một quán ăn xoàng ven biển, để tránh tất cả sự ồn ào này, những tiếng cười và niềm vui này chúng khiến chàng bực bội.
Chàng tìm xem bây giờ sẽ làm cách nào để nói với em trai những nỗi lo sợ của mình và bảo em khước từ cái gia tài đã nhận rồi, mà cậu đang vui hưởng, đang say sưa vì nó rồi. Cố nhiên, với cậu sẽ gay go đây, nhưng cần phải thế, cậu không thể do dự, vì danh tiếng của mẹ họ bị đe doạ.
Một con cá vược to tướng được dọn ra lại dẫn Roland quay về chuyện đi câu. Beausire kể những chuyện câu cá kỳ lạ ở Gabon, ở Sainte-Marie tại Madagascar và nhất là ở bờ biển Trung Hoa và Nhật bản, nơi cá có bộ mặt kỳ cục như các ngư dân. Và ông vừa tả tướng mạo những con cá ấy, mắt to vàng ối, bụng xanh lam hoặc đỏ, vây kỳ quặc, giống như những chiếc quạt, đuôi hình trăng lưỡi liềm, vừa làm điệu bộ bắt chước một cách khôi hài đến nỗi mọi người nghe ông nói mà cười chảy cả nước mắt.
Riêng Pierre có vẻ không tin và lẩm bẩm:
"Thiên hạ bảo người Normandie là dân Gascogne miền Bắc thật có lý".
Sau cá đến món thịt hấp nấm, rồi gà quay, xà lách, đậu và pa tê thịt chim của Pithiviers. Chị người làm của bà Rosémilly giúp hầu bữa, và sự vui vẻ tăng lên theo số các ly rượu vang. Khi bật nút chai sâm banh đầu tiên, lão Roland, rất kích động, phồng mồm bắt chước tiếng nổ, rồi tuyên bổ:
"Tôi ưa cái này hơn tiếng súng lục".
Pierre, càng lúc càng thêm bực bội, vừa cười gằn vừa đáp:
"Tuy nhiên, cái ấy có thể nguy hiểm cho bố hơn".
Roland sắp sửa uống, liền đặt chiếc ly đầy xuống bàn và hỏi:
"Tại sao thế?"
Lâu nay ông lão thường phàn nàn về sức khoẻ, thấy nặng người, chóng mặt, khó chịu liên miên không hiểu vì sao. Chàng bác sĩ lại nói:
"Bởi vì viên đạn súng lục rất có thể đi chệch sang bên cạnh bố, còn ly rượu vang bắt buộc phải đi vào bụng bố".
"Rồi sao?"
"Rồi nó đốt cháy dạ dày, làm rối loạn hệ thần kinh, trì trệ tuần hoàn và chuẩn bị cho chứng xuất huyết não là nguy cơ của tất cả những người có tạng như bố".
Sự say sưa đang tăng dần ở nhà cựu kim hoàn dường như tan đi tựa làn khói trước gió, và ông nhìn con với cặp mắt đăm đăm lo ngại, cố tìm hiểu xem liệu chàng có riễu cợt mình không.
Nhưng Beausire kêu lên:
"A! Những thầy thuốc chết tiệt này, bao giờ cũng thế cả, đừng ăn, đừng uống, đừng yêu đương. Và đừng nhảy điệu vũ vòng tròn. tất cả những cái đó làm sức khoẻ bé bỏng bị đau đau. Này, tôi đây, tôi đã làm tất cả những cái đó, thưa ngài, ở tất cả các nơi trên thế giới, khắp mọi chốn có thể, nhiều hết mức có thể, song tôi có vì thế mà kém khoẻ mạnh đâu".
Pierre trả lời cay chua:
"Trước hết, thưa thuyền trưởng, ông cường tráng hơn cha tôi, sau nữa tất cả những kẻ ăn chơi phóng túng đều nói như ông cho đến cái ngày mà…và hôm sau họ đâu có quay lại bảo với người thầy thuốc thận trọng "Ông có lý, bác sĩ ạ". Khi tôi thấy cha tôi làm điều dở nhất và nguy hiểm nhất đối với ông, việc tôi báo trước cho ông là rất tự nhiên. Tôi sẽ là đứa con không tốt nếu tôi hành động khác đi".
Đến lượt bà Roland, phiền muộn, can thiệp:
"Nào, Pierre, con sao thế? Chỉ một lần, sẽ chẳng hại cho bố đâu. Con hãy nghĩ xem, đây là việc vui mừng đến thế nào đối với bố, với chúng ta. Con sắp làm hỏng hết niềm vui thú của bố và khiến tất cả chúng ta buồn. Điều con đang làm ấy, thật là không hay!"
Chàng nhún vai lẩm bẩm:
"Bố muốn làm gì cứ làm. Con đã báo trước cho bố rồi".
Nhưng lão Roland không uống. Lão nhìn ly của lão, cái ly đầy rượu vang sáng ngời và trong suốt mà linh hồn khinh khoái, linh hồn nồng say đang bay đi qua những bọt nhỏ, nhanh và vội vàng, từ đáy ly đi lên, để bốc thành hơi trên bề mặt, lão nhìn nó với vẻ đa nghi của con cáo thấy một con gà chết và đánh hơi ra chiếc bẫy.
Lão ngần ngừ hỏi:
"Con cho rằng cái đó làm hại bố nhiều ư?"
Pierre bỗng hối hận và tự trách mình làm người khác khổ vì tính tình cáu bẳn của mình.
"Không, bố a, một lần thì bố có thể uống được nhưng đừng lạm dụng và đừng để thành thói quen".
Thế là lão Roland nâng ly song còn chưa quyết định đưa lên miệng. Lão đau khổ ngắm nó, thèm muốn và sợ sệt, rồi lão ngửi, nếm, uống từng hớp nhỏ và thưởng thức những hớp rượu ấy, lòng đầy lo âu, nhu nhược và tham ăn tham uống, rồi đầy nuối tiếc, khi đã cạn giọt cuối cùng.
Pierre, đột nhiên, bắt gặp mắt bà Rosémilly, con mắt nhìn chàng chăm chắm, xanh biếc và trong vắt, sáng suốt và khắc nghiệt. Và chàng cảm thấy, chàng thấu hiểu, chàng đoán ra ý nghĩ rành rọt làm sinh động ánh nhìn ấy, ý nghĩ tức giận của người đàn bà bé nhỏ có đầu óc đơn giản và ngay thẳng kia, vì ánh mắt ấy bảo rằng "Anh, and đang ghen ghét. Điều đó thật đáng xấu hổ".
Chàng cúi đầu xuống và ăn tiếp.
Chàng không đói, chàng thấy mọi thứ đều dở. Chàng khổ sở vì muốn bỏ đi, muốn mình đừng ở giữa những con người này nữa, đừng nghe họ trò chuyện, cười đùa nữa.
Trong khi ấy thì lão Roland, lại bắt đầu bối rối vì hơi men, đã quên mất những lời con trai khuye6n nhủ và liếc xéo một cách âu yếm chai sâm banh hãy còn gần đầy ở bên cạnh đĩa ăn của lão. Lão không dám sờ vào nó, sợ lại bị khiển trách, và lão nghĩ xem nhờ trò láu cá nào, nhờ sự khéo léo nào, lão có thể tóm lấy nó mà không đánh động sự chỉ trích nơi Pierre. Lão chợt có một mưu mẹo, giản đơn hơn hết thảy, lão cầm chai rượu một cách hờ hững, rồi giữ lấy đáy chai, duỗi cánh tay qua bàn để trước hết rót đầy chiếc ly đã cạn của chàng bác sĩ, sau đó lần lượt các ly k, và khi đến ly của mình, lão liền nói thật to, và nếu lão có rót cái gì vào đấy thì chắc chắn người ta có thể cam đoan là do lơ đễnh. Vả lại, chẳng ai để ý đến chuyện này.
Pierre uống rất nhiều, mà không để tâm. Căng thẳng và bực dọc, chàng uống luôn miệng, và bằng một động tác vô ý thức, đưa lên môi chiếc ly thuôn dài bằng thuỷ tinh, cho tôi bọt lăn tăn ở giữa chất lỏng sống động và trong veo. Chàng liền cho rượu chảy thật chậm vào miệng để cảm nhận cái tê tê ngòn ngọt của hơi cay tan trên lưỡi.
Dần dà một hơi nóng êm dịu toả đầy cơ thể chàng. Xuất phát từ bụng, dường như là trung tâm của nó, hơi nóng này lan lên ngực, tràn ra tứ chi, truyền khắp thịt da, như một làn sóng ấm và tốt lành mang theo niềm vui. Chàng cảm thấy dễ chịu hơn, bớt nóng nảy, bớt bất mãn, và niềm quyết tâm nói với em trai ngay tối nay nhụt đi, chẳng phải vì chàng định thôi không nói, mà là để đừng khuấy rối quá nhanh niềm khoan khoái đang cảm thấy trong mình.
Beausire đứng lên để chúc rượu.
Sau khi cúi chào vòng quanh, ông tuyên bố:
"Thưa các quý phu nhân kiều diễm, thưa quý ngài, chúng ta hội họp để chúc mừng một sự kiện tốt lành vừa xảy đến với một người bạn trong chúng ta. Xưa thiên hạ thường bảo là thần Hạnh Vận mù mắt, tôi cho rằng thần chỉ cận thị hoặc tinh quái mà thôi và thần vừa tậu một ống nhòm hàng hải tuyệt hảo, nó đã khiến thần nhận rõ được tại cảng Le Havre con trai ông bạn Roland trung hậu của chúng ta, thuyền tới thuyền Perle".
Những tiếng hoan hô bật ra khỏi miệng mọi người, thêm tiếng vỗ tay cổ vũ, và Roland bố đứng lên để đáp từ.
Sau khi đằng hắng, vì lão cảm thấy cổ họng có đờm và luỡi hơi líu, lão ấp úng:
"Xin cám ơn thuyền trưởng, xin cám ơn nhân danh tôi và con tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên cách ông cư xử trong trường hợp này. Tôi xin uống để chúc cho ý nguyện của ông".
Mắt và mũi lão đầy nước mắt, rồi lão ngồi xuống, chẳng biết nói gì nữa.
Đến lượt Jean đang cười, phát biểu. Chàng nói:
"Chính tôi phải cám ơn tại đây những người bạn tận tâm, những người bạn rất tốt (chàng nhìn bà Rosémilly) ngày hôm nay đã chứng tỏ với tôi một cách đáng cảm động lòng thân ái của họ. Nhưng chẳng phải bằng lời nói mà tôi có thể bỉêu lộ cùng họ lòng biết ơn nơi tôi. Tôi sẽ chứng tỏ lòng biết ơn ấy vào ngày mai, vào mọi thời khắc trong đời tôi, mãi mãi, vì tình bạn giữa chúng ta không hề là thứ tình bạn dễ nhạt phai".
Mẹ chàng, rất cảm động, thì thầm:
"Được lắm, con ạ"
Nhưng Beausire kêu to:
"Nào, bà Rosémilly, xin hãy nói nhân danh phái đẹp".
Nàng nâng ly, và, bằng một giọng dễ thương, hơi đượm buồn:
"Tôi, nàng nói, tôi xin uống để tưởng nhớ hương hồn ông Maréchal".
Có vài giây tạm lắng, vài giây tĩnh tâm hợp lễ như sau một lời cầu nguyện, rồi Beausire, vốn có lòng khen rất hoạt, nhận xét:
"Chỉ có phụ nữ mới tìm ra được những điều tế nhị như thế".
Rồi quay sang Roland bố:
"Kỳ thực, ông Maréchal ấy là thế nào nhỉ? Các vị thân thiết với ông ấy lắm ư?"
Ông lão, xúc cảm vì say, bật khóc, và nói lắp bắp:
"Một người anh em…thế đấy…một người mà ta không thấy lại nữa…ngày trước chúng tôi không rời nhau…tối nào ông ấy cũng ăn ở nhà tôi…và ông đã cùng với chúng tôi những cuộc liên hoan nho nhỏ ở nhà hát…tôi chỉ nói với các vị có thế…có thể…Một người bạn thực sự…thực sự…phải không, Louise?"
Vợ ông đáp giản dị:
"Phải, đó là một người bạn thuỷ chung".
Pierre nhìn bố mẹ, nhưng vì mọi người nói sang chuyện khác, chàng lại uống tiếp.
Về đoạn cuối buổi tối ấy,chàng không nhớ mấy. Họ đã dùng cà phê, uống rượu mùi, cười rất nhiều và nói đùa. Rồi chàng đi nằm, vào lúc nửa đêm, trí óc mơ hồ và đầu nặng trịch. Và chàng ngủ li bì cho đến chín giờ sáng hôm sau.