When you reread a classic you do not see more in the book than you did before; you see more in you than was there before.

Clifton Fadiman

 
 
 
 
 
Tác giả: Lev Tolstoy
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Vu Van Quyen
Upload bìa: khoa tran
Số chương: 130
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4557 / 45
Cập nhật: 2015-10-05 14:43:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ì vậy, bức thư của người quản lý làm chàng bực dọc.
Dùng xong cà phê, Nekhliuzov sang phòng giấy xem lại trên giấy báo ngày giờ phải có mặt ở toà và để viết trả lời cô Korsagina, chàng phải đi qua xưởng vẽ để đến phòng giấy; trong xưởng, một bức tranh đang vẽ dở còn dựng trên giá và nhiều bức phác hoạ treo rải rác trên tường. Nhìn bức tranh đã vất vả vẽ hai năm trời, rồi nhìn những phác hoạ và cả xưởng vẽ nầy, chàng nhớ lại cái cảm giác từ ít lâu nay vẫn day dứt trong lòng, cảm thấy mình không tiến được nữa về hội hoạ. Chàng vẫn cho rằng cảm giác đó chẳng qua chỉ là do khiếu thẩm mỹ của mình quá tinh vi mà thôi, nhưng sao nhận thấy như vậy cũng vẫn là một điều khó chịu.
Bảy năm trước, chàng rời bỏ quân đội vì thấy mình có khiếu về hội hoạ; thế rồi, từ trên bục cao của hoạt động nghệ thuật, chàng nhìn tất cả các hoạt động khác bằng con mắt khinh thường. Bây giờ thì rõ ràng là chàng không có quyền như vậy nữa. Vì thế cho nên bất kỳ cái gì nhắc chàng nhớ tới sự thật đó cũng làm chàng không vui.
Chàng bước sang phòng giấy, một gian phòng thênh thang, đầy đủ tiện nghi, bài trí trang nhã. Nekhliuzov thấy ngay trong ngăn kéo ngoài đề chữ việc khẩn của chiếc bàn giấy đồ sộ, tờ giấy báo chàng phải có mặt ở toà án hồi 11 giờ. Chàng ngồi vào bàn và bắt tay vào viết thư cảm tạ công tước tiểu thư Korsagina đã mời chàng, hứa hẹn cố gắng đến ăn cơm chiều. Nhưng viết xong, chàng lại xé đi vì thấy lời lẽ có vẻ quá thân.
Chàng viết bức thư khác, lại cảm thấy nó lạnh nhạt quá, hầu như khiếm nhã, nên cũng lại xé nốt. Chàng bấm bút chuông trên tường. Một gia nhân đã có tuổi, vẻ mặt âm thầm, cằm cạo nhẵn, để râu dưới hai bên mang tai, mình đeo một cái tạp dề bằng vải mỏng mầu xám, bước vào.
- Anh làm ơn gọi cho tôi một chiếc xe ngựa?
- Vâng ạ.
- Bảo chị người nhà Korsagina về thưa lại rằng tôi xin cảm ơn và sẽ cố gắng đến.
- Vâng ạ.
"Kể thế cũng không được lịch sự lắm, nhưng mình không sao viết nổi lá thư. Thôi cũng chẳng hề gì, ta sẽ gặp nàng hôm sau". Nekhliuzov nghĩ thế và đi mặc áo.
Khi chàng mặc quần áo xong, bước ra thềm thì chiếc xe ngựa bánh cao su quen thuộc đã chờ sẵn. Người đánh xe ngoái cái cổ to khỏe rám nắng, nổi hẳn trên vành cổ áo sơ mi trắng nói:
- Tối hôm qua, khi ngài vừa ra khỏi nhà công tước Korsagin thì tôi có đánh xe lại. Người gác cổng ở đấy bảo: "ông ấy vừa mới đi khỏi xong".
Nekhliuzov thầm nghĩ: "Cả đến những gã đánh xe cũng biết rõ quan hệ của ta với nhà Korsagin". Rồi vấn đề chưa dứt khoát được là nên hay không nên lấy cô Korsagina vẫn khiến chàng luôn luôn bận tâm lâu nay lại hiện ra. Và cũng như phần lớn các vấn đề đặt ra trước mắt trong lúc nầy, chàng vẫn chưa biết giải quyết nó theo chiều hướng nào.
Về mặt nên lấy vợ, nói chung có hai lý do; một là ngoài lạc thú gia đình ra, việc lấy vợ còn đem lại khả năng sống một cuộc đời có đạo đức, tránh được những sự lang chạ bất chính; hai là và đây là điều chủ yếu - chàng cũng mong gia đình, con cái sẽ đem lại một ý nghĩa cho cuộc đời trống rỗng hiện nay của mình. Đó là những lẽ nên lấy vợ. Còn những lẽ không nên lấy vợ thì thì một là sợ mất tự do, đó là tâm trạng chung của những người độc thân đã đứng tuổi; và hai là không biết vì sao chàng cứ thấy sờ sợ trước cái bản chất huyền bí của con người phụ nữ.
Còn về việc nên lấy cô Mitxi (Mitxi là tên gọi tiểu thư Korsagina trong chỗ thân tình theo lề thói các gia đình ở tầng lớp cao quý trong xã hội; tên thật của cô là Maria) thì cũng có hai lý do: một là vì cô ta dòng dõi quý phải, và từ cách điểm trang phục sức, đến lời ăn tiếng nói, dáng điệu nụ cười, cô ta khác hẳn những người bình thường không phải ở cái gì đặc biệt, mà là ở nét "đoan trang".
Chàng rất ưa, rất quý cái cốt cách đó và không biết gọi nó bằng từ nào khác. Hai là vì cô ta quý trọng chàng hơn tất cả mọi người; chàng cho như thế là cô ta hiểu chàng; mà cô ta hiểu chàng tức là công nhận những đức tính cao quý của chàng. Theo Nekhliuzov điều đó chứng tỏ cô là người thông minh và biết xét đoán. Nhưng cũng có hai lẽ không nên lấy cô Mitxi: một là vì Nekhliuzov có thể tìm được, không khó khăn gì, một thiếu nữ khác có nhiều ưu điểm hơn Mitxi, và xứng đáng với chàng hơn; hai là với cái tuổi hai mươi bảy, chắc cô ta cũng đã từng yêu rồi, ý nghĩ ấy khiến chàng bứt rứt. Lòng kiêu hãnh khiến chàng không thể thừa nhận được rằng cô ta có thể yêu một người khác, dù là trước kia. Đã đành, làm sao mà cô ta biết trước được là sẽ gặp chàng) ấy thế mà chàng vẫn coi việc cô ta có thể yêu một người nào đó trước kia, là điều xúc phạm đến danh dự của mình.
Như vậy là nên lấy, và không nên lấy cả hai đằng lý lẽ cũng nhiều và vững như nhau. Chàng thấy buồn cười cho mình giống như con lừa Buridan (1). Thôi thì chàng cũng đành dùng dằng như nó vì cũng đang chưa biết nên quay về bên nào.
Nekhliuzov nghĩ bụng: "Vả lại chưa nhận được thư trả lời của Maria Ivanovna (vợ viên thống lĩnh quý tộc), chưa kết thúc hoàn toàn câu chuyện ấy, thì mình chưa thể quyết định khác được".
Nhận thấy có thể và đành phải lùi lại sau nầy hãy quyết định, chàng thấy lòng nhẹ đi được ít nhiều.
Trong khi chiếc xe ngựa lăn bánh êm như ru trên mặt sân toà án trải nhựa, chàng tự nhủ: "Thôi, để rồi ta sẽ cân nhắc chu đáo hơn tất cả những điều đó. Giờ thì phải làm tròn nghĩa vụ đối với xã hội đã; tính mình xưa nay vẫn thế, phải làm việc cho có lương tâm, mà như thế mới là phải đạo. Vả lại, những phiên toà như thế nầy thường rất là thú vị". Và chàng đi qua trước mặt người gác cửa, bước vào phòng đợi của toà án.
Chú thích:
(1)Một con lừa vừa đói vừa khát đứng giữa một bên là thùng nước, một bên là bó cỏ, khoảng cách ngang nhau, như vậy, con lừa bắt đầu việc gì trước. Cũng có người kể chuyện con lừa đói đứng giữa hai bó cỏ ngần ngừ không biết nên ăn bó bên nào trước. Đó là một tỷ dụ để nêu lên tâm trạng do dự của một người dứng vào tình thế không biết ngả vào bên nào cho dứt khoát. Người ta cho câu chuyện ngụ ngôn nầy là của J. Buridan một học giả Pháp thế kỷ 14.
Phục Sinh Phục Sinh - Lev Tolstoy Phục Sinh