What holy cities are to nomadic tribes - a symbol of race and a bond of union - great books are to the wandering souls of men: they are the Meccas of the mind.

G.E. Woodberry

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Khôi Khiếu Mai
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 71739 / 131
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 - Chặng Cuối Của Một Niềm Tin
IẢ VÀ THỰC?
Sự ái mộ của độc giả Việt nam hiện nay đối với Kim Dung đã giảm sút. Lộc đỉnh Ký không quyến rũ được người đọc như trước nữa. Nhiều người còn thất vọng đến độ nghi ngờ, bảo tác giả Lộc đỉnh Ký không phải Kim Dung.
Trong Tạp chí CHÍNH VĂN, số 1, nhà văn Nguyễn mạnh Côn, dưới bút hiệu Đằng Vân Hầu viết:
Lộc đỉnh Ký không phải của Kim Dung, nếu của nhà văn nầy không lẽ gì xuống giá quá mức...Vì sao Đằng Vân Hầu dám quả quyết vậy?
- Vì tác phẩm của Kim Dung luôn luôn có hai đặc điểm. Thứ nhất là trên đường đời của nhân vật chính, hắn thường gặp những nhân vật phụ có khi chỉ xuất hiện trong một đoạn ngắn mà thôi, là những nhân vật rất đặc biệt.
Tất cả sở học mênh mông dù sâu sắc của Kim Dung đã được sử dụng để viết về rượu và cách thức cùng vật dụng để uống rượu, về nghệ thuật đánh cờ, viết chữ, vẽ tranh, đánh đàn, về rắn cũng các thứ chất độc, về kinh Phật và các phương pháp tu hành. Đó là một đặc điểm.
- Đặc điểm thứ hai là mỗi tác phẩm đều có những nhân vật hoặc hoàn cảnh mà nghệ thuật diễn tả được Kim Dung đưa lên đến mức độ kù diệu. Ví dụ đoạn Kiều Phong đánh lộn với bạn cũ, đoạn Trương Thúy Sơn tuẫn tiết, đoạn Vô Kỵ cù chân Triệu Minh trong cái trống lớn, đoạn Lệnh Hồ Xung quì lạy thánh cô trước mành và đoạn hai người dưỡng thương dưới ánh sao, thấy ngôi sao nào vắng bóng thì biết là em xuống đó. Về nhân vật thì Nhạc Bất Quần, Tạ Tốn... là những nhân vật mà sự sáng tạo (ra nhân vật ấy) bắt buộc những nghệ sĩ khác phải cúi đầu. Đó là đặc điểm thứ hai.
Có người nói tên Vi Tiểu Bảo cũng là một nhân vật lớn mà tác giả đặt vào cái thế càng hành động bỉ ổi càng hạ giá trị triều đình Mãn Thanh chắc hẳn bị Kim Dung (người Hán) thù ghét. Điều đó có phần có lý nhưng không đúng hẳn, vì có nhiều lúc tên tiểu quỷ nầy lại tỏ ra đứng đắn, hào hùng (nhất là trung thành và quí trọng vua Khang Hy). Vả lại sự co kéo Vi Tiểu Bảo lên quá cao quả có làm lộ rõ những đồi bại của xã hội như một đôi khi Kim Dung có làm, nhưng Kim Dung không thể lạm dụng kỷ thuật để hạ giá các nhân vật chân tu của phái Thiếu lâm, hoặc làm cho một đoàn thể yêu nước như Thiên Địa hội lọt vào vòng lố bịch.
Nói tóm lại, cái hay của Kim Dung, ngoài sự bác học, là lúc nào cũng rất người, dù cho sự bịa đặt có vô lý đến đâu. (Ví dụ quơ một nhát kiếm độc nhất mà chọc mù mườỉ lăm cặp mắt).
Lộc Đỉnh Ký đoạn đầu có vẻ do Kim Dung viết thật, cho đến đoạn Vi Tiểu Bảo thú tội với Khang Hy, còn sau đó, chỉ bầy đặt những tình tiết kỳ lạ theo tác phong thông thường của truyện võ hiệp rẻ tiền, như đoạn Tiểu Bảo hài tội Thái hậu, Tiểu Bảo cắt tay tên Lạt ma trêu gái, và giết mấy tên còn lại.
Có lẽ đoạn trên đây chỉ là những ý nghĩ bất chợt đến, phù hợp với một mục tạp văn như NGHĨ TRONG THÁNG của tạp chí, nên ông Đằng Văn Hầu không có chủ ý trình bầy lập luận một cách chặt chẽ mạch lạc. Đại ý ông Đằng Vân Hầu nêu ra các lý do sau đây để hồ nghi xuất xứ của Lộc Đỉnh Ký:
- Qua các truyện khác, Kim Dung có một lối viết bác học, sâu sắc khi mô tả các nhân vật.
- Nghệ thuật của Kim Dung qua nhiều đoạn đã đến mức độ tuyệt diệu, khiến các nghệ sĩ khác phải cúi đầu thán phục.
- Dù tiểu thuyết Kim Dung là giả tưởng, đôi khi phi lý, nhưng câu chuyện luôn luôn đầy nét người.
Ông Đằng Vân Hầu bảo rằng Lộc Đỉnh Ký không có được hai đặc điểm trên. Còn cái nét người có tìm thấy trong Lộc Đỉnh Ký hay không, chúng ta không thấy ông đề cập đến.
Nhưng nếu gác qua một một hữu lý của lập luận, và chỉ xét hiện tượng ái mộ Kim Dung của độc giả Việt nam như một chứng tích xã hội, thì sự ơ thờ của đám đông, và sự hồ nghi của một số trí thức đối với Lộc Đỉnh Ký thật có ý nghĩa.
DẤU TÍCH TÂM TRẠNG CỦA BA THẾ HỆ?
Thật vậy, cứ đem câu hỏi này:
Trong tiểu thuyết Kim Dung, bạn thích cuốn nào nhất? ra hỏi nhiều người thuộc nhiều lứa tuổi, chúng ta sẽ tìm thấy những dấu tích tâm trạng của từng thế hệ.
Theo ý kiến của Hoàng hải Thủy, trên một bài báo, thì tác phẩm tuyệt diệu nhất của Kim Dung vẫn là CÔ GÁI ĐỒ LONG (tức Ỷ THIÊN ĐỒ LONG KÝ). Sau tác phẩm nầy từ nhân vật cho đến câu chuyện, Kim Dung không thể sáng tạo được cái gì mới mẻ hơn. Hoàng Dung, Doanh Doanh chỉ là cái bóng mờ của Triệu Minh, còn những vấn nạn quan trọng, Kim Dung đã nói hết trong Cô gái đồ long rồi. Ý kiến của Hoàng hải Thủy được nhiều người thế hệ bốn mươi tàn đồng 5. Điều ấy dễ hiễu.
Trong cuộc thăng trầm của lịch sử từ cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945, đây là thế hệ độc giả từng cầm cờ đỏ tiến về bắc bộ phủ, gia nhập tự vệ thành, vẫy tay chào người yêu nam tiến rồi dứt khoát bỏ lại đằng sau thành phố quen thân và cuộc sống thư sinh trốn vào bưng biền. Khí thế cách mạng bừng bừng. Có cuộc đời nào đẹp cho bằng cuộc đời dấn thân, sẵn sàng chịu đựng mọị gian khổ và hy sinh để bảo vệ tổ quốc. Nhưng đất đã dần dần trật lở dưới chân họ, và họ đã lảo đảo ngả nghiêng. Họ băn khoăn, so sánh giữa cái giá độc lập dân tộc và cái giá nhân phẩm của chính mình. Thật là một cuộc lựa chọn so bì đau lòng, nhất là lúc bấy giờ ai cũng thấy rõ sinh hoạt sa đọa và tính chất phi chính nghĩa của những người đứng trong hàng ngũ Pháp. Không nói đến những người tiếp tục đứng trong hàng ngũ kháng chiến chống Pháp, những người về thành trước hay sau hiệp định Genève đều mang một thứ mặc cảm tội lỗi. Họ thấy cần phải làm một cái gì để biện minh cho sự lựa chọn đã rồi. Họ muốn nói với mọi người, nói thật to rằng họ không phải là kẻ hèn nhát, kẻ thua cuộc. Cuộc di cư vĩ đại đưa hàng triệu người vào nam, khiến những kẻ khao khát đi tìm một lời biện minh càng đông. Cố gắng giải thích vì sao phải bỏ kháng chiến, bỏ quê hương, thực sự đã trở thành nhu cầu cấp thiết. Cùng với tâm lý của thế hệ chủ động trong các sinh hoạt miền nam sau hiệp định Genève, là sự thành hình các liên minh quân sự nhằm vây chận ảnh hưởng cộng sản ở Đông nam á, tạo thành hai yếu tố khích động phong trào tố cộng và xây móng cho nền đệ nhất cộng hòa. Thế hệ bốn mươi tưởng đã tìm thấy nghĩa sống. Nhưng các biến động chính trị từ 1960 trở về sau đánh tan giấc mơ đẹp trong hồn thế hệ này, khiến một lần nữa, họ băn khoăn hoang mang, không hiểu mình đã thực sự tìm thấy một lý tưởng phụng sự hay chưa Những bất mãn trong giới trí thức và văn nghệ sĩ càng nhiều. Những đàn áp thô bạo các quyền tự do của mấy năm cuối chế độ Ngô đình Diệm không khác với sự độc tài họ tìm thấy trong hàng ngũ lãnh đạo kháng chiến về bản chất, mà chỉ khác về cấp độ. Nhiều người ở hàng ngũ lãnh đạo cao cấp còn cố gắng áp dụng những xảo thuật cai trị trước kia cộng sản đã áp dụng: sự chi phối từ trên xuống dưới của tập đoàn chính trị, tận dụng bộ máy cảnh sát mật vụ, đoàn ngũ hóa quần chúng.
Thực sự thế hệ bốn mươi đã hết sức băn khoăn không biết phải làm gì đây, khi bước vào thập niên 1960, chế độ càng suy yếu, thì các phản ứng của chính quyền càng thô bạo vụng về, và sự can thiệp của ngoại bang càng lộ liễu. Chính nghĩa ở đâu? Mình đang ở đâu? Ở đây là chính hay là tà? Mình đã chống tà nên mới qui chính, nhưng có thật những thực tại chính trị trước mắt có đầy đủ phong độ, bản sắc của chính không?
Trong tâm trạng hoang mang đó, những mẫu chuyện đăng từng kỳ của Cô gái Đồ long trên nhật báo (Sự băn khoăn của Vô Kỵ, những nhân vật đứng trong cái hỗn mang mờ ảo của chính tà), thực sự đáp đúng khát vọng của thế hệ. Cũng như Vô Kỵ, thế hệ bốn mươi đã từng băn khoăn. Cũng như Vô Kỵ, thế hệ bốn mươi cảm thấy chua xót khi đem chính cuộc đời mình quăng vào giữa cuộc tranh chấp khốc liệt để không biết đi về phương nào. Cô Gái Đồ Long của Kim Dung, trong hoàn cảnh đó, quả đã gây xúc động tối đa cho thế hệ Hoàng hải Thủy. Và cho một thế hệ, chỉ cần một tác phẩm làm xao động mãnh liệt tâm hồn con người.
Hỏi ý kiến của thế hệ ba mươi 6, câu trả lời sẽ khác ý hẳn. Đây là thế hệ độc giả của thời kỳ thơ ấu trong kháng chiến, và vào đời khi hòa hình đã trở về. Kháng chiến, bom đạn, tản cư, chỉ là những kỷ niệm gay cấn ấu thời.
Đối với thế hệ nầy, kháng chiến còn đầy đủ vẻ đẹp huyền thoại của một Phong trào quần chúng nô lệ, hào khí bừng bừng, vạc nhọn tầm vông, đứng lên chống áp bức giành độc lập. Hồi tưởng người xưa, cảnh xuống hầm trốn bom có khác nào cảnh Thạch Sanh vào hang sâu chém đầu chằng. Và tản cư là một cuộc cắm trại hứng thú có đầy đủ nào di hành trong đêm, nào cỏ cây rừng núi hay đồng nội bao la.
Thế hệ ba mươi lớn lên, hoàn toàn toàn cảm thấy sòng phẳng, không hệ lụy với bất cứ lựa chọn băn khoăn nào. Cuộc ra đi năm 1954, đối với thế hệ trước, quan trọng không kém cảnh Kinh Kha qua sông Dịch, với thế hệ ba mươi, chỉ là một kỷ niệm phiêu lưu dài. Tình thế ổn định những năm đầu của chính thể cộng hòa giữ được cho họ nguyên vẹn niềm tin và sự lạc quan. Những biến động mấy năm trước cuộc đảo chính 1963 hoàn toàn trái ngược với lý tưởng nhân bản họ ấp ủ.
Không giống như thế hệ bốn mươi đang ngẩn ngơ băn khoăn, thế hệ ba mươi bạo dạn hành động, tham gia lật đổ bạo quyền. Ngô triều đổ, cả thế hệ ba mươi cảm thấy hãnh diện, và giấc mộng người hùng đội đá vá trời tìm thấy một biểu tượng: Tiêu Phong. Dũng mãnh như con hùng sư, ngang tàng mà nhân hậu, chơn chất mà tế nhị, Tiêu Phong của Kim Dung đã lôi cuốn, quyến rũ thế hệ ba mươi. Cho nên không ai ngạc nhiên thế hệ này cho Lục Mạch Thần Kiếm là tác phẩm hay nhất của Kim Dung.
Thế hệ hai mươi 7 không đồng ý như vậy. Chiến tranh là tặng vật chua chát dành sẵn cho họ, trước khi họ đủ sức cầm khẩu Garant M I, trước khi họ qua khỏi những xao động dậy thì, trước khi những kiến thức trường ốc hoa bướm loè loẹt kịp phai nhòa trong tâm trí. Thực tại chiến tranh đến đột ngột quá, họ chưa kịp băn khoăn, họ chưa kịp phác họa một mẫu người hùng đã lững lờ đứng trước một sự đã rồi. Sự đột ngột tạo cho họ hai thứ phản ứng trái ngược:
- Hoặc họ hăng hái tố cáo sự thô bạo tàn khốc của chiến tranh bất kể từ đâu tới, bất chấp mọi nhân danh, hay chiêu bài. Từ thái độ ấy, thi ca, tiểu thuyết, âm nhạc phản chiến ra đời, ghi dấu 1 chuyển hướng quan trọng của sinh hoạt nghệ thuật sau năm 1965, tức là năm quân đội Mỹ bắt đầu ồ ạt đổ vào miền nam Việt nam, và là năm thế hệ hai mươi bắt đầu vào quân trường.
- Hoặc ngược lại, họ tìm quên trong thái độ lãng tử vô tâm, phất phơ như chiếc lá, lãng đãng như áng mây. Có thể đó là nguyên nhân sự ái mộ trở lại các bản nhạc lãng mạn tiền chiến, và sự say mê tôn thờ chàng đại lãng tử Lệnh hồ Xung của Kim Dung.
Có thể đứng trên bình diện nghệ thuật và bác học để suy tôn Kim Dung như ý kiến Đằng Vân Hầu, nhưng với đám đông độc giả Việt Nam, quả tình sự ái mộ là dấu tích của một trạng thái tâm lý. Trạng thái ấy thay đổi theo thời cuộc, theo tuổi tác của độc giả.
GIẤC MỘNG SĂN HƯƠU.
Có điều ai cũng phải đồng ý là đối với ba thế hệ, tiểu thuyết Kim Dung đã giúp họ với lên cao, mơ ra xa, nhìn về cái đẹp tuyệt đối của lòng nhân hậu, đời tự do, và khát vọng tung hoành. Nó kéo người đời đi xa thực tế tầm thường nhọc nhằn đang hằng ngày vây quanh. Mà cái thực tế đó, càng ngày càng cô quánh lại, níu chặt chân họ, hơi xông nồng nặc khiến họ choáng váng chới với. Thời cuộc càng ngày càng bi đát, sự ám ảnh của một cuộc xâm lăng mới, một tình trạng nô lệ và sa đọa ngụy trang khiến người Việt đâm ra chán sợ chính trị. Cảm thấy bị ràng buộc quá nhiều vào các cơ chế xã hội, chìm quá sâu vào các âm mưu không có mình đồng lõa, độc giả Việt nam mơ ước được tiếu ngạo giang hồ, thì lại bị Kim Dung đặt trước một cuộc săn hươu: Lộc Đỉnh ký.
Đã lỡ say mê tiểu thuyết Kim Dung như say mê ma túy, họ không thể không đọc tiếp bộ truyện chót nầy. Ngay từ mấy trang đầu, họ đã khựng lại. Họ đọc thấy gì?
Kim Dung mượn lời hai cha con nhà văn giải thích chữ LỘC và chữ ĐỈNH như sau:
"Văn sĩ chấm bút vào nghiên mực viết lên giấy chữ LỘC rồi nói:
- Hươu là một giống dã thú. Tuy nó lớn mà tính nó thuần. Nó chỉ ăn cỏ xanh cùng lá cây để sống, chứ không ăn thịt như loài dã thú khúc. Khi nó bị thú dữ đuổi bắt thì chỉ có một cách tìm đường trốn chạy. Nhưng trốn không thoát sẽ bị bắt ăn thịt.
Văn sĩ lại viết hai chữ TRỤC LỘC (đuổi hươu) rồi giải thích:
- Cổ nhân thường đem con hươu ví với thiên hạ. Bách tính trong nước phần nhiều đều là người lương thiện, nhưng cũng bị giai cấp thống trị áp chế sát hại. Trong sách Lục Thao ghi chép những phương lược tranh giành cướp đất cũng hành binh bố trận, có đoạn Khương thái công nói chuyện với Chu văn Vương. Khương thái công bảo: Lấy thiên hạ như đuổi bắt một con hươu rồi làm thịt chia nhau mà ăn. Con hươu rừng trốn chui trốn nhủi mãi nhưng đến lúc cuối cùng cũng bị bắt. Có khi nhiều người chia nhau ăn thịt, có khi một người ăn hết..,
Văn sĩ lạí vẽ cái ĐỈNH lên giấy rồi giải thích:
- Cổ nhân không làm bếp nặn nồi để nấu ăn, mà lại đúc cái vạc ba chân, chất củi, đốt ở dưới gầm. Khi bắt được con hươu rồi, bỏ vào đỉnh nấu ăn. Có thể nói từ hoàng đế cho đến đại thần đều là những người rất tàn nhẫn. Khi họ không ưa ai là đổ cho người ta phạm trọng tội bắt bỏ vào vạc cho chết cháy.
Thằng nhỏ hỏi:
- Gia gia! Trong sách tiểu thuyết thường nói:- ĐUỔI HƯƠU Ở TRUNG NGUYÊN, lại có câu HỎ1 VẠC Ở TRUNG NGUYÊN. Ý tứ hai câu nầy dường như chẳng khác gì nhau?
Văn sĩ đáp:
Đúng thế! Vua Vũ nhà Hạ thu vàng ở chín châu về đúc thành chín cái đỉnh lớn. Trên đỉnh nào cũng khắc tên chín châu cùng đồ hình sông núi. Đời sau ai làm chủ thiên hạ là giữ chín cái đỉnh nầy. Sách Tả truyện có nói: Sở Vương coi duyệt binh ở Chu Cương. Vua Định Vương sai Vương Tôn Mãn nghênh tiếp Sở Vương. Sở Vương có hỏi những cái đỉnh lớn nhỏ thế nào, nặng nhẹ ra sao. Chỉ vị chúa tể thiên hạ mới có thể gìn giữ chín đỉnh. Còn Sở Vương mới là 1 nước chư hầu mà hỏi đến chuyện đỉnh nặng nhẹ to nhỏ là trong lòng có sự mưu đồ bất pháp muốn đoạt ngôi nhà Chu:
Thằng nhỏ lại hỏi:
- Vì thế nên những từ ngữ HỎI ĐỈNH, ĐUỔI HƯƠU là cái ý muốn làm hoàng đế, còn câu CHƯA BIẾT HƯƠU CHẾT VỀ TAY AI tức là chưa hiểu ai sẽ làm hoàng đế phải không, thưa cha?
Văn sĩ đáp:
- Đúng thế! Sau nầy những từ ngữ HỎI ĐỈNH, và ĐUỔI HƯƠU lại được mượn để dùng vào việc khác. Nguyên điển cố nầy chỉ nói việc làm hoàng đế.
Văn sĩ nói tới đây, buông tiếng thở dài, rồi tiếp:
- Con thử nghĩ mà coi, chúng ta là hạng bách tính thì chỉ có đường chết. Câu CHƯA BIẾT HƯƠU CHẾT VỀ TAY AI bất quá là chưa hiểu ai giết con hươu đó. Còn con hươu thì nhất định phải chết rồi.
Độc giả Việt nam khựng lại ngay từ đầu, vì Kim Dung khơi dậy cho họ nhớ một điều họ cố quên: họ là những con hươu đáng thương không hiểu sẽ chết về tay ai, nhưng chắc chắn là phải chết. Giấc mộng săn hươu chỉ đẹp đối với các thế lực cai trị và các tay cai thầu mại bản, còn đối với bách tính, đó chỉ là cơn ác mộng. Có ai mê được những giấc mộng, trừ những nhà tu khắc kỷ và kẻ khổ dâm!
Người đọc Việt nam không thể không xót xa như vừa đánh mất một giấc mơ đẹp khi đọc đến chương chót của Tiếu Ngạo Giang Hồ và chương đầu Lộc Đỉnh Ký. Một bên là cái hào sảng, lãng mạn, phóng túng trong những cuộc phiêu lưu của tên lãng tử, một bên là cái âm u nhơ nhớp chật hẹp trong chốn triều đình. Một bên là trăng đầu núi, gió đồng nội, núi tuyết cao, một bên là những âm mưu hiểm độc diễn ra sau các bức màn gấm.
Có một điều ông Đằng Vân Hầu không nhắc đến, là Lộc đỉnh ký nhầy nhụa chất người, đến nỗi độc giả sợ nó như sợ soi thấy gương mặt thật của đời mình.
Trương Vô Kỵ ra đời giữa những tảng tuyết trắng và đỉnh núi cao, hấp thụ cái tinh túy của vũ trụ nên trở về trung nguyên, chàng vẫn luôn luôn gìữ được vẽ đẹp thuần nhất đôn hậu của tình người.
Tiêu Phong là kết hợp cũa tinh thần thượng võ Khất đan và khuynh hướng lãng mạn hòa nhã của Hán Tộc. Nhờ vậy trải qua bao nhiêu nghịch cảnh, Tiêu Phong vẫn luôn luôn đủ can đảm và chí phấn đấu để bảo vệ lý tưởng cao cả là tôn trọng nhân phẩm, bất kể nòi giống quốc gia. Lệnh hồ Xung là một đứa trẻ mồ côi, không có gốc gác vương giả quí phái như Tiêu Phong hay Vô Kỵ, nhưng nhờ bản tính, vẫn có vẻ đường bệ mã thượng đủ làm say mê lòng người.
Đến Lộc đỉnh ký, Vi Tiểu Bảo không có được cái hào phóng đó. Con một mụ điếm già, trải thời thơ ấu ở đầu đường xó chợ, bạn bè với lũ ma cô trộm cắp đĩ điếm, Vi Tiểu Bảo không có gì làm vốn liếng tiến thân ngoài cái lanh lẹ xảo quyệt và mấy câu chửi thề thô tục.
Vậy mà tên tiểu quỉ nầy thành công trong mọi lãnh vực: luồn lọt vào được vương cung, trở thành bạn chí thân thiếu vương Khang Hy, rồi chi phối cả Thiên Địa hội, quấy động cả những nơi tôn nghiêm như Thiếu lâm tự.
Câu chuyện chưa kết thúc, nên chúng ta khó có thể phê phán về giá trị nghệ thuật. Nhưng chiều hướng tình tiết cho thấy càng ngày nhân vật của Kim Dung càng đi gần với cuộc đời, tương tự với những khuôn mặt tầm thường của xã hội Việt nam.
Chúng ta có thể xem Vi Tiểu Bảo là một thứ Xuân Tóc Đỏ kiếm hiệp. Sáng tạo một nhân vật như vậy chúng tỏ nỗi chán chường của Kim Dung, sau khi đã thất vọng không thể đưa xã hội hiện đại vươn lên chỗ nhân bản lý tưởng.
Lộc đỉnh ký là chặng cuối của một niềm tin và độc giả Việt Nam, ở vào thời kỳ bi đát nhất của thân phận nhược tiểu, sợ hơn hết là thấy mình trở thành những con hươu tội nghiệp của những tên Xuân-tóc-đỏ-tân-thời.
Nhưng lòng mến mộ đối với Kim Dung vẫn còn đậm đà.
Cho nên không nói ra, độc giả bình dân vẫn theo dõi Lộc đỉnh ký với một chút e dè. Không biết tên tiểu quỉ nầy còn thành công ở lãnh vực nào nữa: ở chốn triều đình, giữa nơi chùa chiền tôn nghiêm, trong các đảng phái chính trị... Và một lúc nào đó, họ chua xót nhận thấy những điểm tương đồng giữa các khuôn mặt trong Lộc đỉnh ký và các khuôn mặt quanh mình. Cho nên tuy không ưa, độc giả Việt Nam vẫn không bỏ Vi Tiểu Bảo. Tuy sợ ám ảnh, họ vẫn không thể không chấp nhận thực tại. Đó là một trạng thái nghịch lý: vừa tò mò, người đọc Việt nam theo dõi những thành công của Vi Tiểu Bảo với đôi chút ngậm ngùi.
Còn đối với những độc giả trí thức quen sống với nguyên tắc lý tưởng, thì Lộc đỉnh ký quả là một thất vọng nặng nề. Làm sao trong những khuôn mặt tuyệt đẹp của thế giới Kim Dung, lại có thể lộn vào một quái thai như Vi Tiểu Bảo? Sự thất vọng về tác phẩm tương phản với sự ái mộ Kim Dung lâu nay, nên họ tìm một cách biện hộ cho tác giả: Như Đằng Vân Hầu, nhiều người tìm cách chứng minh rằng Lộc đỉnh ký chỉ là tác phẩm của bọn đàn em Kim Dung viết ra.
Theo chúng tôi, không thể nào giả thiết như vậy. Vì trong cách xây dựng nhân vật, rõ ràng có một chiều đi xuống từ Trương Vô Kỵ đến Vi Tiểu Bảo. Phải xem Lộc đỉnh ký là tác phẩm thực nhất, người nhất của Kim Dung, tuy chua chát cay đắng nhưng đó là cuộc-đời-vốn-vậy. Cao vọng vương đạo của Khổng Khưu xuất từ những nhận định bi đát về lịch sử Xuân Thu. Sau những giấc mơ đẹp, biết đâu nhận định về bộ mặt thật chính trị hiện đại của Kim Dung không làm phát sinh những giấc mơ đẹp hơn, mà cũng thực hơn.
Kim Dung vẫn tiếp tục viết. Hẳn ông có điều muốn nhắn nhủ, khuyến cáo. Và nói mãi nói hoài vẫn chưa thấy bằng lòng với chính mình. Ông đã khuyến cáo chúng ta, những độc giả Việt nam, điều gì?
Vì sao biết ông không đưa ra một giải pháp thoả đáng, chúng ta vẫn say mê theo dõi lời viết của ông?
Câu trả lời, có lẽ là những bận tâm của chúng ta về hoàn cảnh lịch sử, mối đau lòng chung của dân tộc những nước đang bị qua phân.
Nghĩa là câu trả lời ở trong các suy niệm lịch sử của độc giả Việt Nam khi đọc Kim Dung.
--------------------------------
1 Theo nhận xét của A Châu.
2 Theo ý kiến Bảo Thiên Linh.
3 Kinh Kim Cương.
4 Tề vật luận. Nam hoa kinh của Trang Chu, Nhượng Tống dịch.
5 Chúng tôi muốn nói thế hệ sinh từ 1925 đến khoảng 1936 nghĩa là thế hệ thanh niên lúc cách mạng mùa thu bùng nổ.
6 Tức là thế hệ sinh khoảng từ 1937 đến 1945, chỉ vào đời sau Genève, khi tình thế đã ổn định, chiến tranh đã chấm dứt.
7 Tức thế hệ sinh khoảng từ 1946 đến I952, trực tiếp tham dự chiến tranh Đông dương thứ nhì, bùng nổ mãnh liệt từ 1965 đến nay.
Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung - Nguyễn Mộng Giác Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung