Sometimes your joy is the source of your smile, but sometimes your smile can be the source of your joy.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 75
Cập nhật: 2017-07-11 14:13:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
hủ nhật, trong bãi rác cũng như thường ngày. Từ tơ mơ đất, Bốn xế lô đã khuân miếng ván gỗ ra bắc cầu rồi đẩy cái xe qua rãnh nước trước cửa. Cả ngõ nghe tiếng bánh xe nhảy qua chiếc ván khấp khểnh kêu lục lục. Bốn xế lô đi làm sớm.
Nhưng ở ngõ này, một việc mới, tuy mới với đây nhưng các nơi đã thành nếp. Ấy là khoảng tám giờ sáng, ông Ba Gác vác cái loa đi dong ra dong vào. Bây giờ các phố lên Hàng Thiếc sắm cái loa dài thuỗn, có quai, như chiếc phễu to. Ông vệ sinh viên bước thong thả, chốc lại đứng, dóng loa lên: A lo... A lo... Mời bà con ra tổng vệ sinh... A lo... Mời bà con ra tổng vệ sinh cho mỹ quan thành phố... A lo...
Năm trước, rau sam, dền dại, cây ké mọc xô lên ngang vách. Có người đi đêm đã bị rắn mai gầm ở ven hồ bò vào cắn chết. Tệ nhất đường cái, cứ tối đến, hầu như biến thành chuồng xí. Sáng ra, la liệt những gói giẻ, những túm giấy báo. Tiếng chửi rủa om lên. Sáng mùa hè, hàng đàn nhặng bay đứng cánh tròn như cái mâm tụ lại trên đầu mọi người, tiếng vù vù như tiếng cối xay. Nhà đã ẩm, thế mà đành phải đến tối mới dám mò mẫm ăn cơm để tránh ruồi nhặng, - nếu không thì phải buông mành kín mít.
Vệ sinh đường xóm xong, Trử ra hồ cọ rửa tay chân. Rồi Trử vào nhà anh Bốn xế lô. Trử đã hẹn Mỹ Lan lên khu Hàng Cỏ hỏi công việc.
Sau cái mành cửa, Gái - vợ Bốn xế lô, ngồi thỉu mặt, chống xuống đất cả con dao cùn vừa nhặt cỏ. Trử toan hỏi: “Chị Gái chưa đi làm à?”, nhưng rồi thôi. Câu xã giao có thể vào lúc không hợp. Nét mặt Gái đang đăm đăm. Trử đến nhà Bốn xế lô nhiều lần, đã biết vợ chồng nhà này hay giận nhau vặt. Vợ chồng nhà ấy chưa có con, nên vẫn nhấm nhẳn lối trẻ con. Có hôm Bốn cáu sườn, ngủ ngồi luôn trong cái xe bít kín cánh gà để ngoài bụi lau.
Vợ chồng Bốn xế lô có một nỗi buồn âm thầm, thành những dằn vặt không đâu. Vợ chồng lấy nhau có đến mười năm rồi, vẫn hai người hai bóng. Mới đến lần đầu, Trử để ý cái nhà tuy tiều tụy, nhưng có bàn tay người trật tự, khéo, gọn, đâu ra đấy. Cái phản, chén nước sạch bóng. Nhưng khi biết vợ chồng nhà ấy hiếm muộn thì dần dần lại thấy cái gọn sạch kia lạnh lẽo, cô đơn quá, lại muốn giá nhà này được có tay chân trẻ con nghịch ngợm, xô lệch một chút thì vui hơn.
Thế rồi, bực bội, khó chịu, vợ chán ở phố phường, muốn về quê. Lần nào chị ở quê ra cũng kể bao nhiêu chuyện mới lạ trong làng. Ai bây giờ cũng có ruộng. Ở quê bây giờ chắc chắn nhất. Mình không vướng phú nông địa chủ, sao không về quê. Nhưng Bốn cứ lừng khừng, ậm ừ.
– Khốn khổ, kiếm cơm trên bãi bùn này thì chỉ có bùn chứ đâu ra cơm.
Những người ngày ngày cầm cái xiên cái móc ra kiếm ăn bãi rác, đã bỏ đi đâu cả. Người khác lại từ những ngóc ngách nào các nơi lần ra đây, không ai biết. Có người bới ở đầu hồ, chỗ rác mới vừa đổ. Có người chỉ moi lại những chỗ rác đã lì để lấy mảnh chai. Cái mảnh chai, cái giẻ rách, chiếc giày vải tã, một mẩu gỗ con con, tất cả những thứ vứt đi, mà những xe rác đã chọn lấy một lần rồi bỏ vào cái giỏ treo lủng lẳng đầu càng xe, những người này lại bới, tìm lại cái gì còn lấy được. Cứ cách ấy mà sinh sống qua ngày, bao năm nay. Những bàn tay xám như đống rác. Cả ngày mày mò bới mót trong cái bãi bốc hơi nóng hâm hấp, nằng nặc. Đứng yên, khó lòng nhận ra trong bãi chỗ ấy có người.
Gái vẫn ngồi đấy. Gái kể chuyện ở trong làng đương gặt thế nào cho Trử nghe. Gái kể thích thú, cứ nói liên liến, không biết người nghe có nghe hay không. Trử ngồi phản trong, chịu chuyện. Thỉnh thoảng, điểm một tiếng “thế à”. Gái lại nói. Vui, khác hẳn cái mặt ỉu xìu lúc nãy.
Ngày mùa đông nắng to. Gió hây hây, trở nồm, vừa ấm vừa nhẹ, bớt cóng giá. Đã nghe tiếng đàn chim vành khuyên ríu rít bay qua trên bãi xám xịt ngổn ngang.
Trử nghe tiếng My Lan hỏi phía ngoài:
– Có anh Trử trong nhà không, hả chị?
Gái đáp ra, trống không:
– Không biết.
Trử lạ. Mình ngồi đây mà chị ta lại bảo không biết. Có thể Gái ghét cán bộ, mà mấy lâu nay Trử không để ý. Nhưng My Lan đã bước vào. Vì My Lan đã trông thấy Trử.
Vừa lúc ấy, Trử nhìn Gái, gặp một phía lòng trắng con mắt đảo theo My Lan và khi thấy Trử để ý thì quay đi.
Trử đứng dậy, hỏi My Lan:
– Ta đi chứ?
– Vâng ạ.
Gái vào góc nhà lấy cán chổi ra quét lia lịa. Trử hiểu cái lối tai ác của những người hàng rong, đã không ưa mà thấy mặt, thì quét nhà, chửi cạnh, đốt vía, ném muối. Hình như My Lan không để ý thế. Cũng may.
Hai người đã đi được một quãng, qua hồ, ra tới phố. Những việc vừa rồi khiến Trử không vui. Trử cứ đi, im lặng.
My Lan nói:
– Nó lấy chổi quét em đấy, anh ạ.
Ra My Lan cũng biết. Trử càng thấy thương My Lan.
Hai người vừa đi khỏi, Gái quăng cái chổi, lại ngồi thừ mặt. Cũng chẳng thù hằn gì cái con giang há ấy. Đương chuyện với anh ấy cho khuây khỏa cái bực mình, nó dẫn xác đến. Chỉ làm tấy thêm cái bực sẵn. Gái đương bực bội tất cả. Cả bãi rác rưởi kia đã nuôi chị, đã cho vợ chồng chị nương thân, bây giờ đâm ra ghét kinh! Không muốn ở một mảy nào nữa. Mỗi lần về quê ra, cứ như từ nơi thanh thoáng về chỗ tù tội. Quang cảnh quê tạnh tiếng bom tiếng súng, bây giờ đâu đâu cũng làm ăn đông vui, nhà nào cũng con đàn con đống - những người bằng chà bằng lứa mình ít nhất cũng có tý nhau, đứa lững thững, đứa ẵm nách. Nghĩ mà tủi. Rồi lại cáu gắt, buồn thêm. Thế là đâm bẳn, to tiếng với chồng.
Có người dắt xe đạp vào ngõ. Tiếng xích xe đạp lách tách dừng ngoài bờ rào rồi có tiếng người hỏi vào:
– Tôi hỏi thăm...
Gái nhìn ra, thấy một người đã đứng tuổi, mũ và quần áo ka ki mới vàng tươi. Bác ấy dắt chiếc xe đạp đen nhoáng, cao gồ. Người to lớn, khuôn mặt bè bè, đỏ gắt như người đi nắng nhiều. Cái khung xe lênh khênh thế mà tựa vào người, cũng chỉ thấy vừa phải.
Thấy người vẻ cán bộ. Gái nhanh nhảu hỏi:
– Bác hỏi gì ạ?
– Tôi hỏi thăm nhà anh Bốn...
– Bốn nào kia, đây thì nhiều Bốn.
– Nhà anh Bốn làm xích lô.
Gái cười:
– Thế thì Bốn nhà cháu rồi.
Bác ấy đứng sững, nhìn quanh rồi nói to:
– Ồ, thế này mà tôi không nhận ra. Đúng, ở chỗ mấy cây vông vào. Trí nhớ mình bây giờ kém quá.
Gái hơi ngạc nhiên vì câu nói có vẻ như người quen biết cũ. Nhưng Gái không đoán ra ai. Cả ở nhà quê, Gái nhớ, không có ai người đi cán bộ như thế này.
Gái hỏi:
– Bác hỏi đồng chí Trử ạ?
– Không, tôi hỏi anh Bốn. Anh ấy không có nhà à?
– Vâng, nhà em đi làm.
– Độ bao giờ về, hả chị?
– Hôm nay chủ nhật thì tối mới về.
– Thế tối tôi đến. Nhân thể, tôi về Hà Nội họp. Còn thì giờ. Tối tôi đến, tối tôi đến.
– Thế... thế bác ở đâu?
Bác ấy đã quay xe ra và nói với lại:
– Tối thế nào tôi cũng đến chơi mà...
Những nghĩ ngợi và đoán phỏng về người cán bộ vừa hỏi thăm đã khiến Gái nhãng những bực mình không đâu.
Gái vào xó nhà, lôi lên ba bốn cái xiên sắt. Rồi lấy đầu xiên móc ở gầm giường ra đôi giày vải. Cái giày người ta vứt đi, đã nằm chết ở bãi rác, được đem về, lại vá, lại cạp, lại đi được, nhưng cũng chỉ để đi mót rác, bởi mỗi khi lồng giày vào chân, thì cả mép, cả đế lại phải quấn tròn thu lu thêm những mẩu giẻ rách, thừng chão, bù xù lên như giày tướng tuồng chèo rạp Lạc Việt.
Gái đụp thêm cái áo bông, không biết cốt khố tải hay cốt bông, cốt dạ. Nhưng vỏ ngoài thì lợp cà sa loang lổ những miếng vải, miếng ni lông, cái xanh, cái bóng trắng, cái đỏ. Những miếng nhặt từng chỗ ở bãi rác rồi phơi lên, - Như ai đi qua bãi thường thấy phơi từng đám giẻ và ni lông rách như thế. Mỗi mụn của mỗi người bỏ đi, thế mà lại dùng được. Như cái áo bông trăm miếng của Gái.
Ra bãi móc rác, mặc thế, đứng lẫn với rác. Nếu không nhúc nhích, đàn chim sẻ không biết, có thể sắp đậu xuống cả lưng, cả đầu.
Lúc này chỉ còn chăm chăm ra bãi. Gái thế, vui buồn như mưa nắng, như đồng bóng. Người ta bảo người muộn con hay có tính chập chờn ấy.
Lại có một người vào ngõ. Cái ngõ vắng, ai thoáng vào cũng biết. Gái nhận ra: “A con mẹ Thư. Sao nó gầy xọp đi thế. Chắc hồi này đét dõm”. Rồi Gái lại cúi xuống, quấn giẻ thêm vào giày cho ấm và không chú ý.
Thư lừ rừ đi vào. Cái ngõ đã tổng vệ sinh, quang quẻ hẳn. Nhưng sự lạ ấy cũng chỉ thoáng qua, Thư đi rón rén, hai vai cụp lại, nem nép. Thư không muốn trở lại đây, mà phải trở lại. Thư sợ gặp ai. Thư sợ tất cả. Trời ơi, Thư sợ gặp cả em. Nhưng mà lúc nào Thư cũng nghĩ đến em. Trên đời bây giờ chỉ còn có hai chị em.
Thư đến trước nhà Bốn xế lô. Thư rụt rè nhìn vào.
Thư hỏi:
– À... chị... tôi hỏi...
Gái bực: “Hỏi... hỏi cái con khỉ... sắp đi, lại gặp gái”.
Tuy vậy, Gái chỉ bốp chốp hỏi lại:
– Gì thế?
– Chị Gái ạ, cái nhà anh cán bộ...
– Đồng chí Trử à?
– Vâng... vâng...
Gái nghếch mặt, nói một cách chán chường:
– Ấy cái nhà cô giang há, con My Lan ấy mà, nó vừa quắp đồng chí ấy đi rồi.
Thư đứng lặng.
Gái điềm nhiên, đi ra bãi.
Ngoài bãi rác nắng to. Từng đàn chim sẻ, bay lượn nhấp nhô quanh những mỏm rác cao, những thùng xe ô tô đứng chổng vộc lên đổ rác xuống, đương gầm gừ lùi ra. Cái xe vừa ra khỏi đám bụi mù mịt, người đã rùng rùng chạy tới chui vào, hoa xiên lên bới.
Gái không chạy lại, vẫn cắm cúi làm ở đằng xa. Gái hì hụi móc nốt cái hố hôm qua. Những chỗ rác đã mịn, bết, sắp thành đất không còn cái ăn nổi trên mặt như rác mới đổ, người ta đào kiếm mảnh sắt, mảnh chai.
Miếng sắt gỉ, miếng thủy tinh nào cũng bán được. Mảnh chai, miếng giẻ, miếng đồng, miếng sắt tây đem về chất đống trong gầm giường. Gái không ngại một cực nhọc nào. Có lẽ, cũng như số kiếp phải cúi đầu của những người ở ngõ này, cả đến bà lang thuốc ê hay vợ chồng nhà anh bán máu lấy miếng ăn cũng không ai nghĩ khác cái việc tận tụy tối ngày thế. Nhưng cứ sống vạ vật trên đống rác thế này à? Không biết thế nào, nhưng không thể thế này được. Về làng thấy công việc đồng áng, làm tới tấp như diều, càng đâm nghĩ. Mình vốn người đồng áng. Ngày trước, một tấc đất chẳng có, bây giờ về lúc nào, được ruộng lúc ấy. Sao không về? Ở rúc ráy đây đến chết già? Nghĩ đến thế, lại giận chồng, giận chồng ương bướng...
Nhưng nghĩ thế thôi, việc làm cứ phải làm. Gái ngồi thụp vào hố, gõ kịch kịch, kéo một cái chai ra. Rồi, quăng lên đống vỏ chai lởm chởm phía trong. Cái chai ném mạnh, như cái tức mình, vỡ choác một tiếng.
Một đàn chim sẻ sà xuống, hốt hoảng bay hắt lên.
Có tiếng thét:
– Đứa giời đánh nào ném thế!
Gái trông ra, chẳng thấy ai.
Giữa bãi, nắng quáng mắt, người lẫn rác không trông rõ. Đến lúc nghe một câu quát nữa: “À con mẹ chết mất giống!”, bị câu quát đích danh ấy Gái mới nhận ra lão bẫy chim sẻ - không biết từ lúc nào, đã đến ngồi thu lu ở chân đống rác. Tay lão nhăm nhăm cầm dải lưới. Nếu không phải cái chai ném lên, chắc đàn chim sẻ ấy đã sà vào, được giựt rồi. Nhưng cái này mới điên tiết! Gái đã chôn chân cúi cổ ở đây từ lúc nảo lúc nào, Gái đến trước. Nó đến sau thì mặc xác nó, ai biết đâu!
Bây giờ mới trông rõ, đấy là lão Ba Tê.
Hồi này, gánh “Ba tê ô lê bánh tây” của lão điểm thêm đĩa chim sẻ rán. Người đi quăng lưới bẫy chim sẻ khắp nơi. Ở chợ, có bán từng xâu chim đã vặt lông sẵn. Hàng quán có chim sẻ rán - món ăn mới quen. Chim trời cá nước mà thành tiền. Thỉnh thoảng, lão Ba Tê lại đi bẫy lưới chim sẻ.
Lão Ba Tê cũng biết vậy, nhưng ức quá, lão phải chửi. Mấy hôm mất nắng, chim gi chim sẻ không đi ăn. Bây giờ mới được một ngày hẩng. Vừa thả lưới, mãi mới có một đàn sẻ mon men. Được thì lấy may, hụt thì đến xúi quẩy cả ngày. Thế có ức người ta không.
Lão Ba Tê lại nghiến răng:
– Con mẹ chết mất giống nhé!
Lão Ba Tê vừa làu bàu rủa vừa cuốn cái lưới lại, nhét vào chiếc cặp da, định đi chỗ khác. (Nếu chỉ thấy lão cắp cặp, có thể tưởng là ông công chức mất việc đã luống tuổi). Nhưng lão chưa đi vội. Lão còn đứng lại, vênh bộ ria trê... Con mất giống... con mất giống... lão như nghe câu rủa thâm thiểm của mình bằng mũi. Rồi lão cười khảy.
Gái điên tiết, té tát chửi réo lên cái thằng “râu lông chó”.
Lão đủng đỉnh nói:
– Ai chả biết bà là vợ ông trưởng phố, bà bây giờ chửi ai chả được.
Lão Ba Tê trả lời mát mẻ và Gái đối đáp thế cũng là có tích cả. Râu tóc để bù xù vì trước kia lão trốn đi lính “động viên”. Đã già rồi cũng phải làm thế, Tây bắt đi lính tuốt. Người ta gọi đùa đấy là bộ râu “chống càn”. Nhưng thực cái lão phải gió ấy, nếu cắt tóc cắt râu đi, hai con mắt thao láo đảo điên như mắt trộm ngày.
Gái sấn sổ:
– Ừ, trưởng phố đây. Trưởng phố sắp vào khám ba tê thịt chuột nhà mày, sắp cho mày tù mọt gông, biết chưa.
Chích đúng nọc, lão Ba Tê im bặt.
Trong những năm đen tối, ba tê của lão pha thịt chuột, chẳng ai lạ. Thành phố, chuột nhung nhúc đông như người, phải bắt nó nuôi sống người. Ba tê chuột, nhân bánh cuốn chuột, bánh giò chuột, mằn thắn chuột, thịt chuột luộc bán ở các chợ đầu ô...
Bây giờ, lão Ba Tê sợ. Có người bảo rồi người ta truy đến những đứa bán thịt chuột hồi ấy. Lão bị chạm nọc, im thít, cung cúc đi ngay.
Mấy hôm sau, lão Ba Tê dọn nhà. Vợ lão đi trước. Bố con còn lại, quảy vác có một gánh. Khoảng đất ấm hơi người, chỉ trống vào ngày đã tuềnh toàng không ai biết đấy vừa có người ở. Lão bảo ở đây cái gì cũng bực. “Cứ trói buộc người ta, ai mà sống được”.
Gái cũng bỏ cái hố đào thủy tinh. Ngẩng lên, thấy đằng phía Kim Liên chạy vào mấy cái xe rác mới, lù lù như cây rơm. Người đương bới quanh đấy chạy à đến những cái xe đương gầm gừ chậm lại - người bối rối loanh quanh như những đám rác rơi xuống trước.
Gái nhổm lên, bước sang. Tay xách thuốn sắt, Gái men những đống rác cũ, nhìn đón. Đám người tỏa theo từng xe.
– Ối!
Gái thụt xuống một cái hố. Vừa sái chân, vừa bị mảnh chai đâm chảy máu. Gái tập tễnh ngồi ôm chân.
Chiều hôm ấy, Bốn xế lô đi làm về, nghe tiếng rên rỉ từ ngoài bờ rào. Vẫn để chiếc giày đen kịt máu như thế, Gái kể lể: “Ối giời cao đất dày, tôi què gãy ở đất này thế này cho có người mát ruột...”.
Bốn xế lô tức, nhưng không biết làm thế nào. Anh bê cái hỏa lò trong gầm giường ra, nhấc bó củi sậy treo dưới mái tranh, lúi húi thổi cơm. Làn khói mỏng mảnh bò ngang lên mái giấy dầu như mọi buổi chiều. Gái vẫn khóc ti tỉ.
Người đi làm hay đi đâu về, mải miết qua. Chẳng ai để ý tại sao Gái khóc. Người ta biết Gái hay đập mình đập mẩy và ai cũng đã biết nỗi buồn của chị ấy.
Bà lang thuốc ê ngất ngưởng đội thúng đựng những lọ, những vò... Tay còn cầm cành gai xam xọng. Chắc đem về gác bếp, lại sắp để làm thuốc. Người ta bảo trong thúng còn có nhiều thứ. Có cả guốc, quần áo, bát đĩa, nồi, khăn nhung, giẻ lau, củi... Mọi đồ đạc trong nhà, bà đều đội cả lên đầu. Đi đâu bà cũng đội đi thế. Ai cũng bảo bà là người Nam Định nên mới có được cái cổ đội cứng đến vậy.
Ông mài dao, bà bún riêu về trong ngõ, đi tha thủi, lặng lẽ như con chim chích bé bỏng buổi chiều tìm tổ, cánh bay không động tới lá.
Chỉ ông Ba Gác ồn nhất. Ông ghếch xe chổng bò lên tận ngoài hè phố, rồi từ từ về. Ông vừa uống một chén ở ngoài hàng. Trời lạnh, vẫn cởi áo ngoài, vắt vai. “Ở Sài Gòn, cứ nóng một tý thì không ai chịu mặc áo đâu.” - ông bảo thế. Không ai biết ông Ba Gác ngày trước ở miền Nam thế nào, lưu lạc ra đây từ bao giờ. Nhưng trong câu chuyện, ông muốn hàng phố biết xưa kia ông đã ở miền Nam nhiều nhiều. Mỗi câu, thường chêm vài tiếng lơ lớ. Khi thì kể Lục Vân Tiên... Khoang khoang ngồi đó chớ ra... khi thì cất giọng ru... ầu ơ, dí dầu...
Thật ra ông Ba Gác là người ngoài này đã đi phu cao su hai “công ta” rồi về làm xe kéo ở Sài Gòn. Sài Gòn ngày ấy, người đi kéo xe toàn người các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú vào - cũng như người Thái Bình, Nam Định đi phu cao su nhiều nhất. Ông ở cái xóm lầy bùn bên Thị Nghè, đi vào phải bắc ván, bây giờ ông ở Hà Nội vẫn nơi lầy lội. Ông chép miệng, cả đời ông ở thế, không biết làm thế nào.
Ông vừa đi vừa nghêu ngao. Về đến nhà thì im. Như thế, biết là Lợi chưa về. Lợi đương học khâu giày trên phố. Nếu Lợi đã về, thế nào ông Ba Gác cũng bảo Lợi kể xem hôm nay Lợi làm những gì. Từ khi đằng ta về, ông thích nghe biết chuyện, mọi nơi. Lợi kể xong, ông mới ngủ.
Buổi chiều xam xám. Sương nhòa với khói cơm chiều bò dài từng làn trên mặt nước. Ngoài kia, bốn phía trời sạm đỏ sáng điện.
Lúc ấy, người khách hỏi anh Bốn xế lô ban trưa lại dắt cái xe đạp cao cao vào ngõ. Chiếc xe dựa vào bờ rào rồi người ấy bước vào trong nhà vẫn tối om chưa lên đèn.
– Tối như hũ nút thế này!
Một que diêm kêu xoạt vừa lóe. Bốn xế lô lùi khỏi cái hỏa lò khói mù mịt, chớp chớp mắt, nhăn nhó nhìn ra.
Người khách nọ kêu to:
– Ô kìa anh Bốn, tôi đây mà...
Bốn xế lô cũng kêu lên, đứng sững, rồi nói: “Đồng chí cứ đứng đấy. Đồng chí cứ đứng đấy.” Rồi bỏ khách với bóng tối, Bốn xế lô chạy thoắt sang trụ sở, bấm cái công tắc.
Cả xóm lóng lánh như hoa điện trên vách, trên cây.
Bốn xế lô về nhà, sáng điện và nét mặt tưng bừng. Bốn xế lô sướng quá, tay cứ vuốt lên vuốt xuống tay áo ka ki của người cán bộ. Nỗi sung sướng tràn ngập hơn cả niềm vui khách tới. Cái đương tăm tối, chợt tưng bừng, như chiếc công tắc mở điện cho cả xóm sáng chan hòa vừa rồi.
Hai người đã ngồi xuống phản.
– Tôi mong anh quá, mãi không thấy anh, tôi cứ nghĩ dại, không khéo anh hy sinh rồi.
– Tôi có liên lạc với anh hai lần, lúc còn Tây ấy mà.
– Có. Anh em về kể lại, tôi lo anh làm sao.
– Cũng là thường thôi. Lúc ấy cái sống cái chết biết thế nào. Như hôm tôi chạy vào đây, nếu không gặp anh, tôi còn đâu đến bây giờ. Tôi vẫn định về chơi mà chưa có dịp. Có lúc nghĩ lại chưa chắc anh đã còn đây. Ở chui rúc thế này, giải phóng thì về quê chứ. Anh quê ở đâu?
Bốn xế lô lúng túng vì cảm động.
– Ấy tôi cứ nghĩ rồi thế nào cũng gặp lại anh, tôi ở đây đợi anh thôi.
Người khách cười xòa:
– Về quê đi, còn đợi gì nữa.
Bốn xế lô cười:
– Anh đã dạy, em vâng. Hôm nào em đưa anh về quê em chơi.
Rồi như nhớ ra, Bốn xế lô luống cuống nói:
– Anh ngồi chơi... Mình ạ, anh ấy xơi cơm... tôi đi đằng này...
Người khách chỉ kịp: “Ấy... ấy...”, Bốn xế lô đã vụt chạy ra, phóc lên cái xe không người, nhô lên đạp nhoay nhoáy.
Người khách nghe đằng sau có tiếng nói khẽ: “Chào bác”.
Gái bước ra. Gái đặt ấm đun nước lên hỏa lò rực than. Rồi, vào chỗ tủ gỗ một ngăn, lấy ra cái khay, bốn chén hạt mít, chiếc ấm chuyên da lươn.
– Thế mà bác kín tiếng quá, chẳng bảo em từ ban sáng.
– Dở thế, tôi vẫn quen cái bí mật ở nội thành.
– Thế bây giờ bác công tác ở đâu?
– Bây giờ ai cũng về xuôi thì tôi lại lên rừng. Tôi làm lâm thổ sản, chuyên tải gỗ các ngọn nguồn đưa về xuôi, thành lái bè rồi.
– Thế bác gái nhà ta...
– Nhà tôi và các cháu ở Hà Đông, nông dân là quân chủ lực mà. Kìa, chân chị sao thế?
– Em giẫm phải cái gai. Nhưng đỡ nhiều rồi.
Thật thì từ lúc khách bảo “thôi thôi, nên về quê đi”. Gái mới ngồi dậy. Chân đau như đỡ hẳn.
Vừa pha chè, Gái vừa nói:
– Nhà cháu cứ nấn ná chưa chịu về. Nhờ bác nói cho một câu.
Một lát, cái xích lô đạp không đã lộc xộc vào. Gói thịt vịt, cả kiệu và tương tàu. Bốn mua tận trên Hàng Buồm. Vừa về, thấy khách chuyện rôm rả, mà Gái thì đương chuyên nước, cười khanh khách. Chà chà, hết giận rồi.
Từ phía cuối ngõ, vẳng lại một câu hát. Câu hát cứ từ từ lại gần:
Đèo nào cao bằng đèo Châu Đốc
Đất nào dốc bằng đất Nam Vang.
Câu hát đã đi tới. Ông Ba Gác đến chơi.
Chẳng mấy lúc, mấy nhà trong cũng kéo ra.
Cả ngõ xúm đến nhà tổ trưởng có khách. Còn Bốn xế lô thì khoái quá. Ông khách mong đợi. Ông khách là cái bằng sống chứng thực cho anh Bốn có công hoạt động từ bóng tối, mà công to.
Bốn xế lô kể lại câu chuyện bí mật.
Hôm ấy, Gái đã ra bãi rác từ tinh mơ. Bốn đương sửa soạn xích lô, sắp lên phố. Bấy giờ còn sớm. Sương đêm đọng mờ mịt, người đi giáp nhau mới thấy - giữa thành phố mà chỗ bờ nước như cánh đồng sương.
Một người chạy xốc vào nhà.
Người ấy, một bên áo rách sã, máu bê bết hai tay, cả vai, cả tóc. Người ấy là đồng chí này đây.
Người ấy nói:
– Tôi là Việt Minh. Tôi vừa thủ tiêu một thằng Tây mật thám ngay đầu đường kia. Anh giúp tôi.
Ở làng quê hoạt động du kích, Bốn cũng tầng khi trải khó khăn tương tự. Nhưng biết thế nào mà tin. Địch nó bẫy thì sao. Bốn lắc đầu.
– Tôi không biết đâu. Ra đi.
– Anh không tin tôi ư?
Người ấy mắm môi, lật đật lùi nhanh ra. Phía đầu đường Kim Liên, đã nghe tiếng còi cảnh sát thổi réo, truyền tiếp, lan sang bên này. Chúng nó đã vây đường.
Bốn gọi giật người ấy lại.
– Cái... cái...
– Cho tôi mượn bộ quần áo
Trong nháy mắt, người lạ đã tươm tất trong cái áo dạ màu cứt ngựa của Bốn. Rồi đàng hoàng lên xe, ngồi ngật ngưỡng như người chơi đêm về còn mới ngủ. Bốn đạp xe ra đường.
Cả phía đường Vọng, cảnh sát đã vây kín. Bốn mải miết đạp qua rồi ngược lên bờ sông.
Từ ngày ấy.
Câu chuyện xảy ra chớp nhoáng. Bốn xế lô cũng không biết tên người. Cũng không nghĩ có ngày gặp, nhưng Bốn vẫn mang máng giá có khi được gặp lại người ấy thì sung sướng biết bao. Tuy vậy, Bốn giữ kín không nói với ai. Đến Gái cũng chỉ mang máng mà thôi.
Mọi người hôm nay được thấy thật sự anh Bốn xế lô đã theo cách mạng từ bóng tối. Bà con đến chơi mỗi lúc một đông.
Những Ngõ Phố Những Ngõ Phố - Tô Hoài Những Ngõ Phố