Có người biết cách biến những trở ngại trong cuộc đời mình thành những bệ phóng, nhưng cũng không ít người lại biến chúng thành những viên đá chắn lối đi.

R. L Sharpe

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Nguyên tác: Hard Choices
Dịch giả: Lâm Hoàng Mạnh
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3044 / 90
Cập nhật: 2016-06-04 21:09:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4: Trung Quốc - Vùng Lãnh Hải Chưa Định Danh
hư nhiều người Mỹ khác, lần đầu tiên tôi được xem những hình ảnh thật sự về Trung Quốc khi Tổng thống Richard Nixon có chuyến thăm lịch sử vào năm 1972. Bill và tôi lúc bấy giờ là sinh viên luật không có máy thu hình, vì vậy chúng tôi thuê chiếc ti vi nhỏ có cần ăng-ten râu. Chúng tôi đưa TV về căn hộ, tối tối bật lên xem phong cảnh đất nước Trung Hoa mà lần đầu tiên trong đời được nhìn qua màn ảnh nhỏ. Tôi rất phấn kích và tự hào về những gì nước Mỹ đã đạt được mà Tổng thống Nixon gọi là “tuần lễ làm thay đổi thế giới”.
Nghĩ lại, cả hai bên đã chấp nhận những rủi ro rất lớn. Họ đã mạo hiểm trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh. Có thể xảy ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt chính trị trong nước cho các nhà lãnh đạo của cả hai bên một khi tỏ ra yếu hoặc “mềm mỏng với chủ nghĩa cộng sản”. Nhưng Ngoại trưởng Henry Kissinger thay mặt cho Hoa Kỳ và Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc đã tính toán, những lợi ích tiềm năng vượt xa sự rủi ro. (Tôi đã nói đùa với Ngoại trưởng Kissinger, ông thật may mắn vì ngày ấy chưa có điện thoại thông minh và mạng truyền thông xã hội (như ngày nay) khi ông thực hiện chuyến đi bí mật đến Bắc Kinh. Bạn hãy tưởng tượng, thời buổi hiện nay, nếu Ngoại trưởng làm điều đó, chắc chắn không giữ được bí mật). Giờ đây chúng tôi cũng phải làm như thế với những quốc gia khác biệt thể chế chính trị nhưng lại cần hợp tác hoặc cần tránh bất đồng và cạnh tranh có thể dẫn đến sự xung đột.
Mối quan hệ Mỹ-Trung vẫn còn đầy những thách thức. Hoa Kỳ và Trung Quốc đều là hai nước lớn với nhiều khác biệt, kể cả bề dầy lịch sử và thể chế chính trị, nhưng triển vọng phát triển kinh tế và tương lai lại có mối quan hệ cần gắn kết, thật khó xếp họ là bạn bè hay thù. Chúng tôi như đang thám hiểm ở vùng biển chưa được xác định. Để đạt được lịch trình, tránh các bãi đá ngầm, xoáy nước, ta cần có cái la bàn chuẩn xác và sự linh hoạt thường xuyên thay đổi hướng đi, đôi khi có thể chịu thiệt thòi. Nếu chúng ta thúc ép quá mạnh về mặt nào đó, có thể sẽ gặp khó khăn, tổn hại ở mặt khác. Còn nếu chúng ta thỏa hiệp dễ dàng và quá vội vã, sẽ tạo điều kiện giúp họ hung hăng thêm. Với tất cả những yếu tố trên cần được tính toán kỹ lưỡng, không những thế các nhà lãnh đạo đồng cấ,p họ cũng chịu những áp lực riêng. Vì thế, cả hai bên cần học tấm gương sáng của những nhà ngoại giao tài năng trước đây thu hẹp khoảng cách, tạo khả năng tăng cường hiểu biết, duy trì lợi ích và tạo cơ hội phát triển mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Chuyến đi đầu tiên của tôi đến Trung Quốc vào năm 1995, một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất trong đời. Tại Hội nghị Thế giới lần thứ tư về phụ nữ, tôi tuyên bố: “Nhân quyền là quyền của phụ nữ và quyền của phụ nữ cũng là nhân quyền”. Đây là một trải nghiệm lớn của tôi. Tôi đã cảm nhận được bàn tay sắt sự kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc khi họ ngăn chặn phát sóng bài phát biểu của tôi trong suốt thời gian tại trung tâm hội nghị trên truyền hình và đài phát thanh quốc gia. Hầu hết các bài phát biểu đều nói về quyền của phụ nữ và đây chính là thông điệp gửi tới các quan chức Trung Quốc đã trục xuất và bắt giam những nhà hoạt động xã hội dân sự, tập trung họ ở khu vực hẻo lánh thuộc huyện Hoài Nhu, cách Bắc Kinh một giờ ô tô và cấm phụ nữ từ Tây Tạng và Đài Loan tới tham dự. Tôi phát biểu: “Tự do có nghĩa là quyền của người dân có quyền tụ họp, tổ chức các cuộc tranh luận công khai. Tự do còn có nghĩa phải tôn trọng quan điểm của những người bất đồng với chính phủ và không được giam giữ, ngược đãi, đối xử tàn tệ với những người đưa ra những quan điểm và ý kiến một cách hòa bình”. Đó là những lời nói cứng rắn nhất ngay trên đất nước Trung Quốc, một số quan chức trong chính phủ Hoa Kỳ khuyên tôi nên phát biểu nhẹ nhàng hơn hoặc không phát biểu gì cả. Nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng là phải bảo vệ giá trị dân chủ và nhân quyền ở nơi đang bị đe dọa nghiêm trọng là cần thiết. Tháng 6-1998, tôi quay lại Trung Quốc và ở lâu hơn. Cả gia đình tôi gồm Chelsea và mẹ tôi cùng Bill đến thăm chính thức cấp nhà nước. Trung Quốc đề nghị đón tiếp chính thức tại quảng trường Thiên An Môn, nơi xe tăng đã đè bẹp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào tháng 6-1989. Lúc đầu Bill định từ chối, coi như chúng tôi không bao giờ quên hình ảnh xấu xí trong lịch sử, nhưng sau anh nghĩ, nên tỏ ra là vị khách lịch sự. Để đáp lại, Trung Quốc cho phép phát sóng không kiểm duyệt các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Bill và Chủ tịch Giang Trạch Dân, trong đó có cả cuộc trao đổi về nhân quyền, bao gồm các chủ đề nhạy cảm về Tây Tạng. Họ cũng cho phép phát sóng bài phát biểu của Bill tại Đại học Bắc Kinh, trong đó anh nhấn mạnh: “không có tự do thật sự thì không thể có tự do kinh tế”.
Về nước sau chuyến đi, tôi tin, nếu Trung Quốc dần dần thực hiện quá trình cải cách và hiện đại hóa, họ có thể trở thành một cường quốc thế giới, một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ. Nhưng điều đó không dễ dàng và Hoa Kỳ phải khôn khéo và thận trọng khi có mối quan hệ ràng buộc với quốc gia đang phát triển này.
Tháng 2-2009, tôi trở lại Trung Quốc với tư cách Ngoại trưởng với mục tiêu xây dựng một mối quan hệ bền vững vừa đủ để vượt qua những tranh chấp và căng thẳng khó tránh. Tôi cũng muốn gắn các mối quan hệ Trung Quốc trong chiến lược tổng thể ở châu Á, đưa Bắc Kinh tham gia vào cơ chế đa phương khu vực, khuyến khích họ hành xử với các nước láng giềng dựa theo các nguyên tắc đã thỏa thuận. Đồng thời, tôi muốn cho Trung Quốc biết, họ không phải là mối quan tâm duy nhất của chúng ta ở châu Á. Chúng ta sẽ không hy sinh các giá trị cũng như các mối quan hệ đồng minh truyền thống để Trung Quốc hài long, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Hoa Kỳ. Mặc dù tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng của Trung Quốc và tiến bộ trong quân sự, song họ còn lâu mới vượt được Mỹ, trở thành quốc gia mạnh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dù họ đang phát triển rất nhanh về kinh tế và quân sự.
Trước khi đến Bắc Kinh, tôi dừng chân ở Hàn Quốc, nói chuyện với đoàn báo chí tháp tùng. Tôi nhấn mạnh, các chủ đề chính sẽ là hợp tác về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và vấn đề an ninh, chẳng hạn như Bắc Triều và Afghanistan. Sau khi nêu những điểm nổi bật chương trình nghị sự, tôi đề cập vấn đề nhạy cảm về Đài Loan, Tây Tạng và nhân quyền cũng sẽ được đưa trên bàn thảo luận “nhưng hầu như không có nhiều hy vọng.”
Đúng như dự đoán, các quan chức ngoại giao Mỹ đã nêu các vấn đề này trong nhiều năm, nhưng phản ứng của Trung Quốc vẫn không thay đổi. Tôi nhớ có cuộc tranh luận gay gắt với Chủ tịch Giang Trạch Dân việc Trung Quốc giải quyết vấn đề Tây Tạng trong buổi chiêu đãi tại Nhà Trắng vào tháng 10-1997. Trước đó, tôi đã gặp Đạt Lai Lạt Ma thảo luận về tình hình Tây Tạng, tôi đề nghị Chủ tịch Giang giải thích về sự đàn áp của Trung Quốc. Chủ tịch Giang trả lời: “Trong lịch sử, Trung Quốc đã giải phóng nhân dân Tây Tạng, đem lại cuộc sống ấm no cho họ”. Tôi kiên nhẫn hỏi ông: “Nhưng còn về truyền thống và quyền lựa chọn tôn giáo của họ thì sao?“ Giang Trạch Dân quả quyết khẳng định, “Tây Tạng là một phần của Trung Quốc và muốn biết lý do tại sao người Mỹ ủng hộ những ”đồng cô bóng cậu” đó. Tây Tạng “là nạn nhân của tôn giáo, giờ đây họ được giải phóng khỏi chế độ phong kiến​​”.
Vì vậy, tôi không ảo tưởng và biết rõ quan chức Trung Quốc sẽ nói gì khi tôi nêu những vấn đề này. Tôi có quan điểm rõ ràng, mối quan hệ rộng lớn, phức tạp và sự bất đồng về quan điểm nhân quyền với Trung Quốc sẽ không gây ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa hai nước trên bình diện khác. Chúng ta có thể đấu tranh vì nhân quyền trong khi vẫn hợp tác kinh tế, biến đổi khí hậu và cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Đây cũng chính là cách tiếp cận của Hoa Kỳ kể từ khi Nixon đến Trung Quốc. Tuy nhiên, ý kiến ​​của tôi đã được giải thích, nhân quyền không phải là một ưu tiên hàng đầu của chính quyền Obama và Trung Quốc có thể bỏ qua vấn đề đó. Đây là bài học thực tế, quý giá và giờ đây tôi là người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một lời phát biểu của tôi có thể tạo ra nhiều sóng gió trong các phương tiện truyền thông.
Đã hơn một thập niên tôi mới trở lại, khi chiếc xe chạy xuyên qua Bắc Kinh cảm thấy giống như xem một bộ phim tua nhanh. Trước kia nơi đây chỉ có vài tòa nhà cao tầng, bây giờ các khu tổ hợp Olympic lấp lánh và những toà tháp cao của các tập đoàn kéo dài tưởng như vô tận. Đường phố ngày xưa toàn xe đạp Phượng Hoàng, bây giờ thay thế bằng các loại xe ô tô con chật cứng trên đường.
Trong thời gian ở Bắc Kinh, tôi đã gặp một nhóm các nhà hoạt động phụ nữ, một số tôi đã quen từ năm 1998. Lúc đó Ngoại trưởng Albright và tôi đã đến một văn phòng trợ giúp pháp lý nhỏ hẹp, chật chội để nghe kể về những nỗ lực của họ đòi quyền sở hữu bất động sản, đòi có tiếng nói trong việc kết hôn - ly hôn và được đối xử bình đẳng như mọi công dân khác. Hơn mười năm sau, quy mô và phạm vi hoạt động của họ tăng lên nhiều. Giờ đây hoạt động của họ không chỉ giới hạn trong phạm vi quyền lợi phụ nữ mà cả về quyền kinh tế, sức khỏe và môi trường.
Một trong số đó là bác sĩ Cao Diêu Khiết, tám mươi hai tuổi, bị chính phủ sách nhiễu vì công khai nói về bệnh AIDS ở Trung Quốc và phanh phui một vụ bê bối truyền máu có chứa mầm bệnh. Lần đầu tiên gặp, tôi nhận thấy bàn chân của bà rất nhỏ - do tục bó chân- và xúc động khi nghe câu chuyện bà kể. Bà đã trải qua cuộc nội chiến, Cách mạng Văn hóa, từng bị quản thúc và gia đình ly tán nhưng bà không bao giờ từ bỏ quyết tâm giúp đỡ người dân phòng tránh bệnh AIDS.
Năm 2007, tôi đề nghị với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho phép bác sĩ Cao Diêu Khiết đến Washington để nhận giải thưởng sau khi các quan chức địa phương ra sức từ chối. Hai năm sau, bà Cao Diêu Khiết vẫn còn phải đối mặt với áp lực của chính phủ. Tuy nhiên bà nói với tôi, bà đã lên kế hoạch tiếp tục ủng hộ quá trình bạch hóa và nhận trách nhiệm giải trình. “Tôi đã 82 tuổi, chẳng còn sống được bao lâu nữa, tôi chẳng có gì phải sợ và đây là vấn đề quan trọng”. Không lâu sau chuyến thăm của tôi, bác sĩ Cao Diêu Khiết bị trục xuất khỏi Trung Quốc. Bây giờ bà sống ở thành phố New York, tiếp tục viết và vạch trần căn bệnh AIDS phát triển ở Trung Quốc.
Phần lớn thời gian của tôi trong chuyến thăm Bắc Kinh với tư cách Bộ trưởng ngoại giao là để làm quen và kết bạn với các quan chức cao cấp của Trung Quốc. Tôi dùng bữa trưa với Uỷ viên Quốc vụ Viện Đới Bỉnh Quốc tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài, nơi Tổng thống Nixon nghỉ lại trong chuyến công du lịch sử và cũng là nơi chúng tôi nghỉ lại trong chuyến thăm năm 1998. Đối tác chính của tôi trong chuyến thăm chính là ông Đới Bỉnh Quốc và Ngoại trưởng Dương Khiết Trì. (Trong hệ thống của Trung Quốc, chức Ủy viên Quốc vụ Viện cao hơn cấp bộ trưởng, ngang chức Phó Thủ tướng).
Là nhà ngoại giao lão luyện, Đới Bỉnh Quốc còn rất thân cận với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ông hiểu rõ việc vận động chính trị và cơ cấu quyền lực của Trung Quốc. Ông rất tự hào về quá trình vươn lên từ quan chức ở tình nhỏ đến một vị trí cao cấp trong chính phủ. Tuy dáng người nhỏ nhưng rất khỏe mạnh, rắn rỏi, có thể một phần do ông năng tập thể dục và đi bộ hàng ngày. Ông có kiến thức uyên bác về lịch sử, triết học cũng như hiểu sâu rộng tình hình thế giới. Henry Kissinger đã từng nói với tôi, ông đánh giá rất cao Đới Bỉnh Quốc, một trong những quan chức ngoại giao Trung Quốc thú vị và cởi mở nhất mà ông từng gặp. Ông Đới Bỉnh Quốc nắm rất chắc những sự kiện lịch sử lớn, ông còn nhắc lại câu tục ngữ tôi đã sử dụng trong bài phát biểu tại Hội Á châu “cùng hội cùng thuyền”. Khi tôi nói với Đới Bỉnh Quốc, Hoa Kỳ và Trung Quốc phải có câu trả lời mới cho câu hỏi muôn thuở về sự cạnh tranh giữa hai cường quốc cũ và mới nổi, ông hoàn toàn đồng ý và thường xuyên nhắc lại những băn khoăn của tôi. Trong lịch sử, tình huống đó thường dẫn đến xung đột, vì vậy chúng tôi cần tránh kết cục ấy bằng cách giữ mức độ cạnh tranh trong phạm vi có thể chấp nhận và thúc đẩy hợp tác ở mức độ cao nhất nếu có điều kiện.
Ông Đới Bỉnh Quốc và tôi nói chuyện rất tâm đầu ý hợp và giữ liên lạc thường xuyên trong những năm qua. Đôi khi tôi bị ông giáo huấn về những sai lầm của Mỹ ở châu Á, tuy vậy chúng tôi luôn luôn nở nụ cười và nói chuyện say sưa về nhu cầu cần thiết để đưa mối quan hệ Mỹ-Trung trên một nền tảng vững chắc vì lợi ích tương lai. Trong khi ở Bắc Kinh, ông Đới Bỉnh Quốc tặng tôi món quà nhỏ cho Chelsea và mẹ tôi, đây là chuyện vượt mọi quy tắc ngoại giao thông thường. Đáp lại thiện tình khi ông đến Washington, tôi gửi món quà nhỏ cho cháu gái duy nhất của ông và ông tỏ ra rất vui. Trong lần gặp trước, ông Đới Bỉnh Quốc đã cho tôi xem ảnh đứa cháu nội, rồi nói: “Đây là lý do để chúng ta phấn đấu”. Lời của ông làm tôi rất xúc động. Quan tâm đến phúc lợi trẻ em là lý do đầu tiên để tôi dấn thân vào dịch vụ công ích. Là Ngoại trưởng, tôi có cơ hội làm cho thế giới an toàn, tốt đẹp hơn cho trẻ em ở Mỹ và trên thế giới bao gồm cả trẻ em Trung Quốc. Đây là cơ hội và trách nhiệm lớn nhất của cuộc đời. Điều mà ông Đới Bỉnh Quốc và tôi đồng cảm và chia sẻ đã tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa chúng tôi.
Xuất thân từ người phiên dịch, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã vươn lên đứng vào hàng ngũ cao cấp của ngành ngoại giao. Khả năng Anh ngữ xuất sắc của ông giúp chúng tôi có cuộc đối thoại dài và thú vị trong nhiều cuộc họp hay qua điện thoại. Ông giữ gìn rất cẩn thận hình tượng của một nhà ngoại giao, tuy vậy tôi hiểu rất rõ con người thật của ông. Có lần ông kể về tuổi thơ ở Thượng Hải, phòng học lạnh buốt vì không có lò sưởi, tay cóng đến nỗi không cầm nổi bút viết. Hành trình từ ngôi trường lạnh giá đến Bộ Ngoại giao là một niềm tự hào lớn nhất của ông trong sự vươn lên của Trung Quốc. Ông là một người theo chủ nghĩa quốc gia cứng rắn, giữa chúng tôi đã có nhiều cuộc trao đổi khá căng thẳng, đặc biệt là về chủ đề khó khăn như vùng biển Hoa Nam (Biển Đông), Bắc Triều Tiên và tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.
Trong một cuộc thảo luận cuối cùng của chúng tôi vào một đêm rất khuya năm 2012, ông Dương Khiết Trì bắt đầu ca ngợi các thành tích to lớn của Trung Quốc, bao gồm cả trong lĩnh vực thể thao. Thế vận hội Olympic London vừa kết thúc được gần một tháng, tôi nhẹ nhàng nói, nhưng nước Mỹ đã giành được nhiều huy chương nhất. Dương Khiết Trì biện hộ Trung Quốc “thiếu vận may” vì ngôi sao bóng rổ Diêu Minh bị chấn thương. Ông cũng nói đùa rằng, nếu có môn thi “Olympic ngoại giao” chắc chắn Mỹ sẽ chiếm huy chương vàng về môn “đường dài nghìn dặm” của tôi.
Trong cuộc hội đàm đầu tiên với Dương Khiết Trì vào tháng Hai năm 2009, ông đưa ra một chuyện khá bất ngờ. Trung Quốc đang chuẩn bị tổ chức một triển lãm quốc tế rất lớn vào tháng 5 - 2010, mỗi quốc gia trên thế giới có một gian hàng trong khu triển lãm trưng bày, giới thiệu giá trị văn hóa và truyền thống của mình. Chỉ có hai quốc gia không tham gia, Andorra nhỏ bé và Hoa Kỳ. Người Trung Quốc coi đó là một cử chỉ thiếu tôn trọng và cũng là biểu hiện sự suy yếu của nước Mỹ.
Tôi rất bất ngờ về việc này và cam kết với Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, Hoa Kỳ sẽ tham gia tích cực. Tôi tìm hiểu, hoá ra gian hàng của Mỹ không tìm được nguồn tài trợ, nên chậm tiến độ và hầu như khó hoàn thành. Việc này ảnh hưởng không mấy tốt đẹp đến vị thế và giá trị Mỹ ở châu Á. Vì vậy tôi đã ưu tiên, tìm sự ủng hộ từ khối doanh nghiệp tư nhân để hoàn thành xây dựng gian hàng đó trong thời gian nhanh nhất.
Chúng tôi đã thành công. Tháng 5-2010, tôi cùng hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan hội chợ. Gian hàng Mỹ giới thiệu sản phẩm của Hoa Kỳ và giới thiệu giá trị cơ bản về sự kiên trì, sáng tạo và đa dạng của đất nước. Nhưng tôi ấn tượng nhất là các sinh viên Mỹ du học tại Trung Quốc, tình nguyện giữ việc chủ trì và làm hướng dẫn viên của gian hàng. Họ đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội Mỹ và đặc biệt các em đều nói tiếng Trung thành thạo. Nhiều khách Trung Quốc rất ngạc nhiên khi nghe người Mỹ nói ngôn ngữ của họ thông thạo đến như vậy. Họ dừng chân nói chuyện, hỏi thăm và cười đùa. Điều đó cho ta thấy mối liên hệ cá nhân có khi còn hiệu quả hơn những cuộc gặp gỡ ngoại giao hay hội nghị thượng đỉnh.
Trong chuyến thăm tháng 2-2009 sau những cuộc hội thảo với ông Đới Bỉnh Quốc và Dương khiết Trì, tôi cũng có cơ hội gặp riêng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Đây là cuộc gặp đầu tiên, sau này còn có hàng chục cuộc họp tiếp theo. Các nhà lãnh đạo cấp cao thận trọng, không trò chuyện thoải mái, cởi mở so với hai ông Đới Bỉnh Quốc hoặc Dương Khiết Trì. Vị trí càng cao, các nhà lãnh đạo Trung Quốc càng phải chú ý đến hình tượng, khuôn mẫu, điềm tĩnh và tôn trọng lẫn nhau. Họ không muốn có sự bất ngờ nào xảy ra. Với tôi, họ tỏ ra thận trọng và lịch lãm, thậm chí còn có sự cảnh giác. Họ đang quan sát, nghiên cứu tôi, cũng giống như tôi đang theo dõi và nghiên cứu họ.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào rất có duyên, tỏ ra rất vui vì tôi quyết định đến thăm Trung Quốc sớm như vậy. Ông là người đàn ông quyền lực nhất Trung Quốc, nhưng không tạo ra cảm giác áp đặt như những người tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân. Theo tôi, Hồ Cẩm Đào giống như một chủ tịch hội đồng quản trị ít quyền lực so với một Giám đốc điều hành. Thực sự tôi không biết mức độ kiểm soát của ông trong Đảng Cộng sản như thế nào, nhất là đối với quân đội.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo (quan chức đứng vị trí thứ 2) có biệt danh ”A Cống Ôn” với hình ảnh hiền lành, tận tâm với công việc, thường được nhắc tới ở Trung Quốc và thế giới. Nhưng khi tiếp xúc, ông là người sắc bén, nhạy cảm trong tranh luận, đặc biệt khi ông cáo buộc Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, phủ nhận các phê phán nhằm vào chính sách của Trung Quốc. Ông không thể hiện sự hiếu chiến, nhưng thường cắt lời khi tranh luận so với các nhà lãnh đạo cao cấp khác.
Trong cuộc họp đầu tiên, tôi đề xuất biến các cuộc đối thoại kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc từng được cựu Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson đưa ra thành cuộc đối thoại chiến lược, với mục đích mở rộng phạm vi, thu hút các chuyên gia và các quan chức của hai chính phủ. Đây không phải là cái cớ để Bộ Ngoại giao xen vào công việc nhằm nâng cao uy tín trong quan hệ. Tôi biết, các cuộc đàm phán thường dưới sự chỉ đạo của một ủy ban cao cấp sẽ đem lại sự hợp tác trong nhiều lnh vực, góp phần xây dựng niềm tin tưởng lẫn nhau. Nhưng phương thức liên lạc cũng có thể làm tăng hay giảm sự hiểu nhầm dẫn đến gia tăng căng thẳng.
Trong bữa trưa tại Bộ Ngoại giao vào đầu tháng 2-2009, tôi bàn việc này với Tim Geithner - người kế nhiệm Hank Paulson của Bộ Tài chính. Tôi biết Tim khi ông còn là Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở New York. Ông có kinh nghiệm phong phú về châu Á và thậm chí nói được một chút tiếng Trung, - một đối tác lý tưởng làm việc với Trung Quốc. Tim không nghĩ đề nghị của tôi là sự xâm phạm vào địa bàn của Bộ Tài chính và coi đây cơ hội của Washington, đồng thời hiểu đây cũng là cơ hội kết hợp sức mạnh của hai bộ, đặc biệt là trong thời điểm khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã xóa ranh giới giữa kinh tế và an ninh. Nếu phía Trung Quốc đồng ý, Tim và tôi sẽ cùng tham gia cuộc đối thoại này.
Trong khi ở Bắc Kinh tôi đã chuẩn bị về sự do dự, thậm chí từ chối từ phía Trung Quốc. Trước kia, phía Trung Quốc thường không sẵn sàng thảo luận các chủ đề chính trị nhạy cảm. Nhưng thật bất ngờ họ lại rất quan tâm đến việc tiếp xúc với quan chức cấp cao của Hoa Kỳ và đang tìm kiếm xây dựng “mối quan hệ tích cực, hợp tác toàn diện”, - theo lời của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Sau này mô hình đối thoại chiến lược và kinh tế được chúng tôi áp dụng và nhân rộng với các cường quốc mới nổi trên thế giới, từ Ấn Độ đến Nam Phi và Brazil.
Trong nhiều thập niên, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đề ra dựa theo đường lối của Đặng Tiểu Bình, “Im lặng quan sát, bình tĩnh ứng phó, giữ vững trận địa, ẩn mình chờ thời, quyết không đi đầu”. Lên cầm quyền sau cái chết của Chủ tịch Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình cho rằng Trung Quốc vẫn chưa đủ mạnh để khẳng định mình trên trường quốc tế và chiến lược “giấu mình chờ thời” của ông đã giúp tránh xung đột với các nước láng giềng để có điều kiện tập trung phát triển kinh tế. Bill và tôi đã gặp Đặng Tiểu Bình khi ông có chuyến công du Mỹ năm 1979, tôi chưa từng gặp một nhà lãnh đạo Trung Quốc nào trước đó, vô tình tôi thấy cách ứng xử của ông với các vị khách Mỹ dự dạ tiệc tại Dinh Thống đốc bang Georgia làm tôi rất ấn tượng và ông thể hiện thiện chí việc bắt đầu mở cửa dẫn đến cải cách đất nước.
Tuy nhiên, đến năm 2009, một số quan chức ở Trung Quốc, đặc biệt trong quân đội, không còn kiềm chế theo đường lối của ông. Họ cho rằng Hoa Kỳ, quốc gia mạnh nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương trước đây, tuy đang rút lui khỏi khu vực nhưng vẫn quyết tâm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành một cường quốc và giờ đây là lúc cần tiếp cận quyết cứng rắn hơn.
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, chiến tranh ở Iraq và Afghanistan làm ảnh hưởng nguồn lực của Mỹ và chủ nghĩa dân tộc tăng cao trong người dân Trung Quốc là nguồn gốc cho sự tự tin và hành động hung hăng gây hấn mạnh mẽ ở châu Á.
Tháng 11-2009, Tổng thống Obama đến thăm Bắc Kinh bị tiếp đón khá lạnh nhạt. Phía Trung Quốc còn yêu cầu kiểm soát hầu hết các buổi xuất hiện của Tổng thống, từ chối đưa ra bất cứ lý do gì khi thảo luận về nhân quyền hay định giá tiền tệ và đòi đưa ra những bài viết về vấn đề ngân sách của Mỹ. Tờ New York Times mô tả cuộc họp báo chung giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là khập khễnh như “đôi chân gỗ” - đến nỗi nó được tái châm biếm trong show diễn của Saturday Night Live. Nhiều nhà quan sát tự hỏi, liệu đây có phải là một giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ - Trung với một Trung Quốc đang trỗi dậy và ngày càng tăng cường phát triển quân sự, họ không còn “ẩn mình chờ thời” mà đang thể hiện “phô trương lấn tới”.
Nơi biểu hiện rõ nhất của sự cứng rắn của Trung Quốc là trên biển. Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Nhật Bản chung vùng biển ở Hoa Nam (Biển Đông) và Hoa Đông. Những nước này đã có những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ qua nhiều thế hệ, các bên đều tuyên bố chủ quyền với các chuỗi đảo san hô, bãi đá, bãi cạn và các đảo hoang. Ở phía nam, Trung Quốc và Việt Nam đã từng đụng độ dữ dội vì tranh chấp từ thập niên 1970 và 1980. Đến năm 1990, Trung Quốc xung đột với Philippines về một số hòn đảo. Trên biển Hoa Đông, một chuỗi tám hòn đảo hoang Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản), Điếu Ngư (Trung Quốc gọi), là mục tiêu tranh chấp giữa hai nước trong nhiều năm, đến năm 2014 sự căng thẳng gia tăng và giờ đây xung đột có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Tháng 11-2013, Trung Quốc tuyên bố một “vùng nhận dạng phòng không” trên vùng biển Hoa Đông, bao trùm hầu hết các đảo tranh chấp và yêu cầu các máy bay quốc tế tuân thủ theo các quy chế. Mỹ và các đồng minh từ chối công nhận động thái này, tiếp tục cho máy bay quân sự tuần tra mà chúng ta vẫn coi là không phận quốc tế.
Những cuộc xung đột không mới, nhưng căng thẳng ngày càng gia tăng. Nền kinh tế và thương mại châu Á đang trong thời kỳ phát triển mạnh, gần một nửa khối lượng hàng hóa thương mại của thế giới đi qua biển Hoa Đông, trong đó nhiều tầu hàng có liên quan hoặc xuất phát từ Hoa Kỳ. Sự phát hiện các mỏ dầu khí và ngư trường đã biến các vùng lãnh hải và đảo nhỏ trở lên quan trọng trong cuộc tìm kiếm kho báu tiềm năng. Các cuộc tranh chấp cũ ngày càng gia tăng do triển vọng mới tạo thêm sự xung đột.
Trong suốt hai năm 2009 và 2010, các nước láng giềng của Trung Quốc theo dõi, lo ngại với những động thái Bắc Kinh tăng cường sức mạnh hải quân và khẳng định chủ quyền đối với những vùng lãnh hải rộng lớn, hải đảo và nguồn năng lượng. Những hành động này trái ngược với những gì cựu Thứ trưởng Ngoại giao (sau này là Chủ tịch Ngân hàng Thế giới) Robert Zoellick đã hy vọng khi ông kêu gọi Trung Quốc trở thành một “chủ thể có trách nhiệm” trong một bài phát biểu được ghi nhận trong năm 2005. Thay vào đó, Trung Quốc trở thành những gì tôi gọi là “chủ thể cần chọn lọc”, có lúc họ hành động như một cường quốc có trách nhiệm và có lúc áp đặt ý nghĩ của mình đối với các nước láng giềng nhỏ bé bằng các biện pháp cứng rắn.
Tháng 3-2009, chỉ hai tháng sau khi chính quyền Obama cầm quyền, năm tàu ​Trung Quốc đã tiếp cận với một tàu hải quân trang bị nhẹ của Mỹ, tàu Impeccable, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng bảy mươi lăm dặm. Trung Quốc yêu cầu Mỹ rời khỏi khu vực mà họ tuyên bố là vùng đặc quyền lãnh hải. Tuy nhiên tàu Impeccable trả lời, đang ở vùng biển quốc tế và có quyền đi lại tự do. Thủy thủ Trung Quốc đã ném những mảnh gỗ xuống để ngăn chặn đường đi của tàu. Phía tàu Mỹ phản ứng bằng cách phun vòi rồng vào tàu Trung Quốc, một số thuỷ thủ Trung Quốc bị lột quần áo sau khi bị phun nước. Khung cảnh thật hài hước như trong truyện tranh, nhưng cuộc va chạm này có thể dẫn đến một cuộc đối đầu nguy hiểm tiềm tàng. Trong hai năm tiếp theo, các vụ đối đầu trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Việt Nam và Philippines luôn luôn có nguy cơ vượt tầm kiểm soát. Vấn đề này cần phài có giải pháp tức thời.
Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng song phương, vì sức mạnh của họ quá lớn. Trong cơ chế đa phương, các quốc gia nhỏ hơn có thể đoàn kết với nhau, làm ảnh hưởng của Trung Quốc giảm xuống. Họ cho rằng có quá nhiều yêu sách và lợi ích chồng lấn lên nhau nên rất khó giải quyết ngay một lúc. Tập trung tất cả các bên liên quan trong cùng một phòng và cho họ cơ hội để bày tỏ quan điểm - đặc biệt là các nước nhỏ yếu - là cách tốt nhất để tìm ra một giải pháp toàn diện có thể chấp nhận được.
Tôi đồng ý với quan điểm này. Hoa Kỳ không tuyên bố có chủ quyền nào trong vùng biển Hoa Đông và Hoa Nam (Biển Đông) và cũng không đứng về phía nào trong các tranh chấp, không ủng hộ những nỗ lực đơn phương đang làm thay đổi hiện trạng. Chúng tôi muốn bảo vệ các lợi ích bằng việc đảm bảo tự do hàng hải, thương mại hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế. Đồng thời có nghĩa vụ theo hiệp ước quốc tế hỗ trợ Nhật Bản và Philippines.
Mối quan tâm tăng lên khi tôi đến Bắc Kinh dự Đối thoại Chiến lược và Kinh tế tháng 5-2010, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc công nhận các tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Nam (Biển Đông) là “lợi ích cốt lõi” cùng với các chủ đề nóng bỏng truyền thống về Đài Loan và Tây Tạng. Họ cảnh báo, Trung Quốc sẽ không cho phép sự can thiệp từ bên ngoài. Sau đó, cuộc họp đã bị ngắt quãng khi một đô đốc Trung Quốc đứng lên ngang nhiên cáo buộc, chỉ trích Hoa Kỳ đang cố gắng bao vây và ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đây là điều rất bất thường, ít khi xảy ra trong một hội nghị thượng đỉnh đã được sắp đặt cẩn thận, các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng tỏ ra rất bất ngờ giống tôi (dù tôi nghĩ rằng viên đô đốc ấy đã được lãnh đạo đảng và quân đội bật đèn xanh).
Các cuộc đối đầu trên Biển Đông trong hai năm đầu tiên của chính quyền Obama củng cố niềm tin của tôi, chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á cần phải tập trung vào việc nâng cấp tổ chức đa phương trong khu vực. Các cơ chế hiện có chưa đủ khả năng để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Đối với các quốc gia nhỏ, khu vực này giống như miền Tây hoang dã - một vùng biển không có các quy định của pháp luật mà tùy thuộc vào quyết định của kẻ mạnh. Mục tiêu của chúng tôi, không chỉ làm dịu các điểm nóng trên biển Hoa Đông hay Biển Đông mà còn củng cố hệ thống các quy tắc và các tổ chức quốc tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm tránh những xung đột và mâu thuẫn trong tương lai, hướng tới trật tự và ổn định lâu dài cho khu vực - như châu Âu hiện nay.
Trên chuyến bay về Mỹ sau những cuộc đàm phán ở Bắc Kinh, tôi thảo luận với nhóm chuyện đã qua. Tôi cho rằng Trung Quốc đã quá mức trong sự kiểm soát của họ. Thay vì tận dụng sự vắng mặt của Hoa Kỳ và cuộc khủng hoảng kinh tế họ nên củng cố, xây dựng quan hệ tốt với các nước láng giềng, nhưng Trung Quốc lại tỏ ra hung hăng làm dấy lên lo ngại sâu sắc với các nước trong khu vực. Khi các nguy cơ đe dọa an ninh và sự thịnh vượng chưa hình thành, nhiều quốc gia không chú ý đến tác dụng tốt của sự liên minh phòng thủ chiến lược, hệ thống luật pháp, tập quán quốc tế và hoạt động các tổ chức đa phương mạnh mẽ để phòng bị. Nhưng khi cuộc xung đột bùng nổ, những cơ chế trên mới trở nên hấp dẫn, đặc biệt đối với những nước nhỏ.
Trong bối cảnh phát triển đáng lo ngại như thế này, tôi nhận thấy một cơ hội rất hứa hẹn ở hội nghị ASEAN sẽ diễn ra tại Việt Nam vào hai tháng tới. Tôi đến Hà Nội vào ngày 22-7- 2010, dự bữa trưa đánh dấu kỷ niệm mười lăm năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tôi vẫn còn nhớ như in một ngày vào tháng 7-1995, khi Bill đưa ra tuyên bố lịch sử tại phòng phía Đông của Nhà Trắng giữa nhiều cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam, trong đó có hai Thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain. Đó là sự khởi đầu của một thời đại mới – hàn gắn các vết thương cũ, giải quyết vấn đề tù binh chiến tranh, hướng tới con đường cải thiện quan hệ kinh tế và chiến lược. Năm 2000, Bill và tôi đến Hà Nội, đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần ứng phó với hành động phản đối, thậm chí thù địch, nhưng khi xe chúng tôi vào thành phố, đám đông đứng chật kín hai bên đường nồng nhiệt chào đón. Rất đông sinh viên, những người sinh ra và trưởng thành sau chiến tranh chỉ biết hòa bình giữa các quốc gia đã đến Đại học Quốc gia Hà Nội để nghe Bill phát biểu. Ở mọi nơi chúng tôi đều cảm nhận được sự nhiệt tình và hiếu khách của người dân Việt Nam, phản ánh dấu hiệu thiện chí trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời chứng minh mạnh mẽ cho việc bỏ qua quá khứ, hướng tới tương lai.
Trở lại Hà Nội với tư cách Ngoại trưởng, tôi ngạc nhiên khi thấy Việt Nam đã tiến những bước lớn và mối quan hệ được cải thiện tốt đẹp. Kim ngạch thương mại giữa hai nước hàng năm đã tăng từ 250 triệu Mỹ kim năm 1995 lên đến gần 20 tỷ trong năm 2010 và các mặt hàng liên tục được mở rộng, khai thác. Việt Nam là cơ hội chiến lược độc đáo và đầy thử thách. Một mặt, Việt Nam vẫn là một quốc gia độc tài, vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do báo chí. Mặt khác, Việt Nam đã liên tục thực hiện các bước mở cửa nền kinh tế và cố gắng khẳng định vai trò lớn hơn trong khu vực. Trong những năm qua, quan chức Việt Nam đã nói với tôi, mặc dù hậu quả cuộc chiến tranh vẫn còn, nhưng họ rất ngưỡng mộ và thích Mỹ.
Một trong những công cụ quan trọng nhất trong quan hệ với Việt Nam là hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP- Trans-Pacific Partnership), mục đích thỏa thuận này liên kết các thị trường trên toàn châu Á và châu Mỹ, giảm các rào cản thương mại trong khi nâng cao các tiêu chuẩn về lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ. Theo Tổng thống Obama, mục tiêu của cuộc đàm phán TPP là thiết lập “một thỏa thuận kinh tế theo tiêu chuẩn cao, có uy tín và hiệu quả”, nó sẽ mở ra nhiều thị trường cho các doanh nghiệp Mỹ mà hiện tại vẫn còn khép kín. Bên cạnh đó, lực lượng lao động Mỹ cũng được hưởng lợi từ sự mở rộng và cạnh tranh. Đây cũng là giải pháp chiến lược nhằm tăng cường vị thế của Hoa Kỳ ở châu Á
Trong vài thập niên qua, chúng ta đã nhận được nhiều bài học về lợi ích cũng như thiệt hại của quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển thương mại quốc tế. Trong chiến dịch tranh cử 2008, cả tôi và Thượng nghị sĩ Obama đều hứa hẹn sẽ theo đuổi các thỏa thuận thương mại công bằng và có hiệu quả hơn. Nhưng các cuộc đàm phán về TPP vẫn đang tiếp diễn, cho nên khó có thể đánh giá được hết các mặt của thỏa thuận này. Có thể không có một TPP hoàn hảo, - vì việc đàm phán với hàng chục quốc gia bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn -, nhưng các tiêu chuẩn cao được đưa ra nếu được thực hiện, chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp và người lao động Mỹ.
Việt Nam cũng thu được nhiều lợi thế nếu tham gia thỏa thuận này. Vì TPP sẽ bao gồm một phần ba lưu lượng thương mại của thế giới - vì vậy các nhà lãnh đạo (Việt Nam) phải thực hiện một số cải cách để đạt được sự đồng thuận. Khi cuộc đàm phán tạo được động lực cho các nước trong khu vực, từ đó TPP sẽ trở thành trụ cột kinh tế trong chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á, đem lại hợp tác sâu rộng dựa trên nền tảng các quy tắc chặt chẽ.
Chiều ngày 22-7, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, các cuộc đối thoại chủ yếu tập trung vào các vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu, nạn buôn người, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên và Burma. Tuy nhiên, cuộc họp ngày thứ hai, vấn đề biển Hoa Nam (Biển Đông) trở thành chủ đề chính. Các tranh chấp lãnh thổ từng xảy ra do yếu tố lịch sử, chủ nghĩa dân tộc và kinh tế đã trở thành câu hỏi quan trọng: Liệu Trung Quốc có sử dụng sức mạnh để tạo ảnh hưởng với các nước trong khu vực, tái khẳng định hệ thống pháp luật và tập quán quốc tế kiềm chế kể cả những quốc gia mạnh nhất? Các tàu hải quân được tung ra trong vùng biển tranh chấp, báo chí kích động tinh thần dân tộc, các nhà ngoại giao phải hoạt động liên tục đề phòng xung đột leo thang. Tuy vậy, Trung Quốc kiên quyết khẳng định chủ đề này không thích hợp với một hội nghị khu vực.
Đêm đó tôi hội ý Kurt Campbell và chuyên gia châu Á xem xét kế hoạch cho ngày mai. Chúng tôi cần có sự tiếp cận ngoại giao khéo léo tận dụng những cơ sở đã thiết lập trong hơn một năm rưỡi. Chúng tôi phải dành nhiều giờ sửa chữa bài phát biểu và động thái phối hợp với các đối tác.
Ngay sau khi bắt đầu phiên họp ASEAN kịch tính bắt đầu xảy ra. Việt Nam đề xuất thảo luận về vấn đề Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Sau đó, lần lượt các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại của họ và kêu gọi cách tiếp cận đa phưong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Sau hai năm, Trung Quốc phô diễn sức mạnh và khẳng định vị thế bá quyền, các nước trong khu vực đang đưa ra những hành động đáp trả. Nhận thấy đây là cơ hội tốt, tôi ra hiệu xin phát biểu.
Tôi nói, Hoa Kỳ sẽ không ngả theo bất cứ bên nào, nhưng ủng hộ cách tiếp cận đa phương dựa theo luật pháp quốc tế, không bên nào có quyền ép buộc hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Tôi kêu gọi các quốc gia trong khu vực phải bảo vệ tự do lưu thông trên Biển Đông và hướng tới phát triển một quy tắc ứng xử chung để ngăn ngừa sự xung đột. Hoa Kỳ sẵn sàng thúc đẩy quy trình này, vì chúng tôi thấy tự do hàng hải ở Biển Đông là “lợi ích quốc gia”. Đó là một cụm từ được lựa chọn cẩn thận để đáp trả những yêu sách về chủ quyền được coi như “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
Phát biểu xong, tôi thấy sắc mặt Ngoại trưởng Dương Khiết Trì tái lại. Ông yêu cầu nghỉ giải lao một tiếng trước khi phát biểu đáp trả. Nhìn thẳng vào tôi, ông từ chối thảo luận về việc tranh chấp ở Biển Đông và cảnh báo nước ngoài không nên can thiệp. Nhìn sang đại diện các nước láng giềng châu Á, ông nhấn mạnh: “Trung Quốc là một nước lớn. Lớn hơn so với bất kỳ nước nào có mặt ở đây”. Luận điểm này xem ra khó thuyết phục trong phiên họp.
Cuộc đối đầu ở Hà Nội đã không thể giải quyết các tranh chấp biển và giờ đây tình hình Biển Đông vẫn căng thẳng và nguy hiểm. Nhưng trong những năm tiếp theo, các nhà ngoại giao trong khu vực vẫn nhắc đến cuộc họp là một bước ngoặt đánh dấu sự trở lại của Mỹ ở châu Á và nỗ lực kiềm chế Trung Quốc của các nước.
Trở về Washington, tôi cảm thấy tự tin hơn về chiến lược và vị thế của chúng ta ở châu Á. Vào năm 2009 có nhiều nước trong khu vực nghi ngờ về các cam kết và sức mạnh của Mỹ. Một số người ở Trung Quốc đã tìm cách lợi dụng sự nghi ngờ đó. Chiến lược “xoay trục” được đưa ra nhằm xua tan những mối lo ngại này. Trong một cuộc thảo luận kéo dài với ông Đới Bỉnh Quốc, ông hỏi: “Tại sao bà không “xoay trục” ra khỏi đây?” Tôi đã đi nhiều và nghe nhiều bài phát biểu ngoại giao quá khó chịu, nhưng cuối cùng cũng đạt được kết quả. Chúng tôi đã vượt ra khỏi chiếc hố sâu và tái khẳng định sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Những năm tiếp theo có nhiều thách thức mới, từ sự thay đổi lãnh đạo Bắc Triều bất ngờ đến cuộc giải thoát số phận cho một nhà hoạt động nhân quyền mù của Trung Quốc trú ẩn trong Đại sứ quán Mỹ. Bên cạnh đó cũng có nhiều cơ hội mới xuất hiện. Sự tiến triển ở Burma hứa hẹn sẽ đem đến một sự thay đổi đáng kể, hướng đến nền dân chủ của quốc gia lạc hậu, khép kín này. Vì một phần nhờ các nỗ lực xây dựng lòng tin lẫn nhau và hợp tác, mối quan hệ với Trung Quốc đã trở nên bền vững hơn bất cứ hi vọng nào trước đây.
Trên máy bay từ Hà Nội về Mỹ, tuy vẫn còn nhiều ấn tượng nhưng tôi phải hướng ngay sự quan tâm đến các vấn đề quan trọng khác. Chỉ còn hơn một tuần là đến sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Báo chí đang đòi hỏi rất nhiều về thông tin, tôi còn rất nhiều việc phải làm. Lần này không phải là một hội nghị thượng đỉnh hay một cuộc khủng hoảng ngoại giao. Đó là đám cưới con gái tôi, một ngày mà tôi đã chờ đợi trong suốt ba mươi năm.
Tôi bất ngờ vì đám cưới của Chelsea được nhiều người quan tâm chú ý, không chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Ở Ba Lan vào đầu tháng 7, một phóng viên muốn biết tôi xoay xở như thế nào cho đám cưới trong khi bận rộn với công việc của vị Ngoại trưởng. Anh ta hỏi: “Thưa bà, làm thế nào mà bà có thể xoay xở để hoàn thành hai công việc quan trọng trong cùng một lúc mà lại hoàn toàn khác nhau?” Đúng là hai việc đều rất quan trọng! Khi Bill và tôi kết hôn vào năm 1979, lễ thành hôn diễn ra dưới sự chứng kiến của hai gia đình và một số bạn thân trong phòng khách của ngôi nhà nhỏ ở Fayetteville, Arkansas. Tôi mặc váy thêu ren kiểu Victoria vừa mua tối hôm trước với mẹ, nhưng bây giờ mọi chuyện phức tạp hơn nhiều.
Chelsea và cậu con rể tương lai của tôi, Marc Mezvinsky, đã lên kế hoạch cho đám cưới vào cuối tuần rất ấn tượng đối với gia đình và bạn bè ở Rhinebeck, New York. Là mẹ cô dâu, tôi rất vui được giúp đỡ con gái trong mọi chuyện, từ kiểm tra cách cắm hoa cưới, chọn váy đến xem xét món ăn bữa tối. Tôi cảm thấy may mắn vì mọi công việc của Bộ tôi đã hoàn thành, giờ có điều kiện chuẩn bị núi công việc ở đám cưới. Trong các thư điện tử gửi cho nhân viên của Bộ nhân ngày Mother Day (Ngày phụ nữ quốc tế) tôi tự nhận mình “nhạc mẫu” (MOTB – mother of the bride) và nhận món quà dây chuyền của Chelsea nhân Lễ Giáng sinh mà mặt dây chuyền có chữ C đầy ý nghĩa (Chelsea – Christmas). Bây giờ mọi việc ở Hà Nội đã xong, tôi rất háo hức tham gia các chi tiết trong những phút cuối và mọi việc do đám cưới quyết định.
Ngày thứ Hai, tôi ở Nhà Trắng cả ngày, họp với Tổng thống Obama tại Phòng Bầu Dục, sau đó tham gia với Hội đồng An ninh quốc gia trong Phòng Tình huống và tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak. Tôi rất vui mỗi khi gặp Ehud Barak, vì hai chúng tôi đã từng cộng tác với nhau trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Trung Đông, nhưng lần này tôi không thể nghĩ chuyện nào khác ngoài chuyến bay đến New York.
Cuối cùng thứ Bẩy ngày 31-7 trọng đại ấy cũng đến. Rhinebeck là một thị trấn đáng yêu, thơ mộng nằm trong Thung lũng Hudson, nơi có nhiều nhà hàng cổ kính, trang trọng phù hợp cho bữa tiệc. Tất cả mọi người, bạn của Chelsea và Marc, hai gia đình đã tập trung tại biệt thự Astor, một công trình mỹ thuật thanh lịch do kiến ​​trúc sư Stanford White, Jacob Astor và Ava Asta xây ở cuối thế kỷ trước, bể bơi trong nhà tiện ích, nơi từng được cố Tổng thống Franklin Delano Roosevelt chọn làm nơi nghỉ dưỡng. Sau khi Jacob Astor tử nạn trong vụ Titanic đắm trên biển, ngôi nhà đã được chuyển chủ sở hữu nhiều lần và được Giáo hội Catholic sử dụng làm nhà dưỡng lão. Đến năm 2008 nó được trùng tu theo đúng vẻ đẹp nguyên trạng.
Chelsea trông thật đẹp, duyên dáng khi bước cùng Bill đi giữa hai hàng ghế, tôi rất xúc động, vì không thể tin, đứa bé tôi đã ẵm nó trong vòng tay lần đầu tiên vào ngày 27-2-1980, đã trở thành thiếu nữ xinh đẹp và đầy tự tin. Bill cũng xúc động như tôi, thậm chí có thể hơn, nhưng anh đã nén được cảm xúc. Marc cười rất tươi khi Chelsea bước đến, khoác tay nhau bước tới dưới cổng vòm kết bằng cây liễu theo phong tục Do Thái. Cha xứ William Shillady và cha phụ lễ Rabbi James Ponet chịu trách nhiệm làm lễ. Marc dẵm vỡ chiếc cốc thủy tinh (theo tục lệ Do Thái), tất cả mọi người vỗ tay nhiệt liệt. Sau đó Bill khiêu vũ với con gái theo giai điệu bài “The Way You Looking Tonight”. Đó là những giây phút hạnh phúc và tự hào nhất trong đời tôi.
Rất nhiều suy nghĩ vụt qua đầu tôi. Gia đình tôi trải qua nhiều chuyện vui buồn, nhưng lúc này đây tôi cảm thấy thật hạnh phúc, nhất là mẹ tôi, cụ vẫn còn đủ sức chứng giám chuyện vui hôm nay. Bà đã trải qua một tuổi thơ đầy khó khăn, nhưng vẫn trở thành người mẹ đích thực, đáng kính đã chăm sóc chị em tôi, Hugh và Tony nên người và cụ cũng là bà ngoại rất gần gũi, chia sẻ cũng như đã giúp Chelsea trong lễ cưới.
Tôi nghĩ về tương lai và cuộc sống già đình của đôi trẻ. Chúng có rất nhiều ước mơ và hoài bão. Đó là lý do tại sao Bill và tôi đã làm việc chăm chỉ trong nhiều năm để giúp xây dựng một thế giới tốt đẹp, để Chelsea và những đứa trẻ khác có thể trưởng thành trong bình yên và tìm kiếm hạnh phúc riêng cho chính mình. Tôi nhớ lúc Đới Bỉnh Quốc khi ông cho xem bức ảnh cháu gái và nói: “Những gì chúng ta làm là dành cho nó”. Đó là trách nhiệm của chúng ta tìm cách hợp tác để thế hệ trẻ tương lai được hưởng những gì mà chúng xứng đáng được hưởng.
Những Lựa Chọn Khó Khăn Những Lựa Chọn Khó Khăn - Hillary Rodham Clinton Những Lựa Chọn Khó Khăn