Số lần đọc/download: 1963 / 36
Cập nhật: 2016-03-09 16:48:57 +0700
Không Trốn Nữa
H
ai tay chắp sau mông, bác sĩ Hai đếm bước trên gạch, giữa hai hàng sập trong một "phòng chung" của dưỡng đường Chợ Rẫy.
Bác sĩ lớn người, mập và trắng. Hai cánh tay to, nặng những thịt bệu, thò ra khỏi chiếc "bờ lu" ngắn tay, chừng như mỏi vì đặt mãi sau lưng, được đem ra phía trước, khoanh lại trên ngực.
Người bịnh ở phòng thì cứ ăn cơm, coi như là không có bác sĩ nơi đó, vì họ đã quen với sự đi dạo của bác sĩ giờ nầy trong phòng, y như là ngày hôm qua, hôm kia, những hôm trước nữa. Có một người bịnh mới vô, ái ngại, lén nhìn bác sĩ, rồi không thấy ông ta rầy la gì ai, lại an lòng cúi xuống ăn tiếp.
Bác sĩ không có phận sự xem xét bữa ăn của bịnh nhơn, cũng không có tánh tò mò muốn quan sát cảnh thân mật của người nghèo. Trong dưỡng đường Chợ Rẫy có tục lệ thăm bịnh sớm lắm- sớm đến nỗi muốn cho "đâu đó xong xuôi đàng hoàng" những người quét dọn, mới năm giờ sáng đã lôi tốc người bịnh dậy để vén mùng, lau gạch, đổ ống phóng và những "thầy khán hộ học trò" mới năm giờ rưỡi sáng đã lo đi lấy nhiệt độ, gây nên sự chộn rộn, phá giấc ngủ đang ngon của người bịnh mới lành hay của người bịnh nặng trằn trọc suốt đêm, mới chợp mắt được một đôi giờ- Vì vậy bác sĩ được rảnh rất lâu trước giờ tan buổi làm, và không biết làm gì trong lòng giấy, nên vào phòng bịnh giữa những bữa ăn- cũng lại rất sớm, dầu người bịnh chưa nghe đói- để cho người giúp việc "xong mọi việc" trước khi hết giờ làm.
Bác sĩ không thích đọc sách, cũng không có một đời sống bên trong phong phú. Ông tìm đến chỗ đông người đặng trốn sự trống rỗng và, không cần nói chuyện với họ, hay nhìn họ, nghe tiếng chén đũa khua, nghe họ râm ri là đủ cho bác sĩ thấy đỡ chán hơn là ở nơi văn phòng tịch mịch của ông.
Người bịnh thì ăn cơm ngay trên sập của mình. Phần đông ăn riêng. Có vài người chung đậu đồ ăn lại. Đó là những người thảo ăn cứ mời mọc nhau mãi như là đãi khách. Có người đem phần ăn lại ngồi chung một sập với người khác, mà vẫn ăn riêng. Đó là những người "thống nhất mà phân trị" vậy.
Không hiểu sao hôm đó bác sĩ lại dừng bước trước sạp của hai người "phân trị". Có phải chăng vì hai chiếc áo màu dà của hai anh "cu li cao su" nầy đã buông một tiếng đàn lạc điệu vào bản nhạc y phục đen tối của phòng thi nầy?
Không biết. Nhưng một cảnh tượng khiến bác sĩ không tiến bước được nữa.
Một anh "cu li" thừa lúc bạn đồng sàn ngó lơ, gắp bớt giá xào tóp mỡ của bạn bỏ vào dĩa mình. Nửa phút sau đó, nạn nhơn thấy bạn nhìn bác sĩ, cũng lại gắp giá xào tóp mỡ của bạn, rồi chôn dưới cơm. Người sau nầy có lẽ cũng tham ăn, chớ không phải trả miếng- nói cho đúng là lấy lại miếng- vì anh ta thật không hay hành vi của bạn hồi nãy.
Bác sĩ bật cười. Bịnh nhơn ngơ ngác buông đũa nhìn. Bác sĩ nhớ lại một chuyện đời xưa nói anh em nhà kia đêm đến lén lén ra đồng vác lúa cho nhau.
Bác sĩ ngạc nhiên không hiểu sao người mình tham ăn đến thế và tham ăn cả những món không ngon đến thế. Ông nhớ lại ở làng, hễ nhà ai có động dao, động thớt là tức thì có người bu đến, cà rà, tìm công việc để làm, nói là giúp, nhưng thâm tâm họ quyết chờ những miếng thịt của con heo người ta đang thọc huyết bên hè.
Bác sĩ trề môi, khinh bỉ hai người bịnh, hay bọn nhà quê mà bác sĩ nhớ đến? Rồi không suy nghĩ thêm nữa cho niệt trí, bác sĩ lại đếm bước trên gạch.
Câu chuyện trên đây đã xảy ra mười lăm năm nay rồi. Nhưng cũng cần nhắc lại.
o O o
Bác sĩ đương ở nơi đâu, tại nhà ai, nhà ra sao, ông không rõ. Ông chỉ biết mình đang đứng trước chảo cơn chiên. Ông vừa với tay lấy chén để xúc cơm thì một thằng nào đâu không biết, xờn xợt chạy đến đá đổ chảo cơm. Sự tức giậu toan bùng ra bằng ít lắm là một cái bạt tai thì bác sĩ giựt mình thức dậy.
Bác sĩ còn đang tiếc bữa ăn hụt, mặc dầu biết rằng đó chỉ là bữa ăn trong mơ, thì bỗng nghe vang dậy tiếng chào cờ đằng trụ sở bên cạnh nhà ông ở đậu:
... Non sông ơi, cờ theo gió bay càng cao...
Cùng với nắng sớm, tiếng hát reo tươi trên lá xanh, khiến bác sĩ nghe thèn thẹn, nhận thấy tật ngủ trễ của mình có cái gì chọi với đám người trẻ không yên kia, đã dậy cùng với mặt trời.
Nhưng đó chỉ là một ý nghĩ lẩn lút thôi. Vụ hụt ăn lại trở về ám ảnh bác sĩ. Ông nhớ thuở nhỏ thường chiêm bao thấy ăn kẹo, bánh trái. Nhưng không lần nào được ăn thiệt. Luôn luôn có một thằng, một con gì, hay lột tiếng động đến rất đúng cái giây phút sắp đưa đồ ăn vào miệng như là có ai quyết tâm cản trở ông ăn trong mơ.
Mấy bà cụ quả quyết rằng "ai" đó là ông thần hộ mạng của mỗi người. Quỷ sứ nó dụ mình ăn. Ăn là chịu theo nó. Bác sĩ bực tức cằn nhằn thầm:
- Mà ai cần hộ mạng chớ. Chết bỏ, miễn là được ăn thôi. Ăn giả, phải. Nhưng cần gì giả hay thiệt. Mình có đói đâu mà cần no. Mình chỉ thèm và cần thỏa cái thèm.
Phải bác sĩ thèm, thèm thịt, hay ít ra cũng món gì chiên xào bằng mỡ, hay tệ lắm là mỡ nước chan cơm ăn, chắc cũng ngon trong lúc thèm nầy.
Một tháng nay, bác sĩ nghe lời "mấy đứa nhỏ" con ông, tản cư vào vùng quê. Trong buổi hỗn độn ban đầu, việc tiếp tế lương thực cho dân chúng thật là bết lết. Ai có cái gì cũng muốn giấu để ăn, vì không biết thời cuộc kéo dài đến bao giờ. Và không ai dám đi đâu để mua cái gì về bán hết.
Sau một bữa ăn kia, trong tuần lễ đầu đi tản cư, bác sĩ nghe thiêu thiếu cái gì. À, một món tráng miệng. Ban đầu ông tính dẹp cái thói quen phiền phức ở thành ấy lại (vì ông cũng biết tự thích nghi với tình thế chớ không quá câu nệ lắm). Nhưng nỗi nhớ mọi người "la sét" lần lần biến thành sự thèm cái gì ngọt, cục đường thẻ cũng được, thứ đường đỏ sẫm lộn rác và bụi mà trước kia không bao giờ ông mó đến. Cái thèm gào hăng quá, bác sĩ thấy nó là sự đòi hỏi về sanh lý hơn là sự nhắc nhở của thói quen. Bác sĩ lẩn thẩn tưởng tượng những biến thể, những trao đổi, những điều hòa bí mật của sanh lý trong các bộ máy của thân ông; ông cử động, máy phải quay; ông muốn quay, nó cần phải có chất đốt; chất đốt đó là đường. Rồi ông đâm hoảng. Sau những suy tính của một nhà khoa học, sự thèm ngọt đã biến thành nỗi lo âu về thiếu chất cần cho cơ thể. Và con người rất thương thân thể của mình nầy bươn bả đi kiếm đường.
Lạ, sao cái món ăn rất thường ấy ở nhà, giờ nào cũng có, tiệm nào cũng bán. Thường quá rồi, có khi người ta quên rằng có nó trong đời nầy. Và không ai gọi nó là món ăn bao giờ. Còn bây giờ ở đây sao lục lạo mãi không ra. Giá nào ông cũng dám mua kia mà. Bác sĩ Hai tính lầm thầm:
- Nếu mua được thứ bánh ít (ích) bột khoai báng, lền xơ khoai, mình cũng sướng chán.
Rồi ông đâm tiếc những trái chuối nẫu (thúi, nát) ruột mà trước kia ông chê. "Chuối? ờ, cái gì
cũng được. Miễn ngọt thì thôi chớ. Người ta đồn bên xóm Bà Miệng, mía nhiều, mình qua đó thử coi".
Bác sĩ Hai đạp rạp rạ khô, đi dưới nắng tháng chạp. Gió đồng dán vào lưng ông vạt sau của chiếc áo bà ba vải đen mà ông phải mặc như những người khác. Vải gặp mồ hôi dính sát vào da. Trong ánh nắng rung rinh, hơi trên lớp vải bốc lên nghi ngút. Bác sĩ bây giờ tóc đã hoa râm, bụng lớn lên và phệ ra. Ông rất phiền phải lặn lội cực khổ vì một món không ra gì. Rồi ông oán "sấp nhỏ" đã xui dại ông. Nào ông có tính tản cư làm chi cho khổ thân. Nhưng "sấp nhỏ" nó cứ nhát: "Tụi con, ba đứa đều làm việc hết. Ba không đi nó sẽ bắn Ba, bỏ tù Ba". Thế là ông hoảng, gởi bà và đứa con nhỏ về Sàigòn, còn mình thì chạy đến làng nầy, và bây giờ phải khổ đủ thứ!
Khi bác sĩ đi ngang qua nhà kia, ông nghe tiếng một người trai trẻ hỏi lớn:
- Mầy làm gì mà hè lụi trong buồng vậy a Lịch?
- Tao làm "công tác đào đường".
- Thằng nói lạ, đào đường gì mà đào trong buồng?
Lạ thật, bác sĩ đứng lại chờ nghe tiếp. Một phút sau nghe tiếng người trai trẻ hồi nãy rùm lên:
- Tụi bây ơi, vô mà coi. Nó đào đường thiệt chớ. Mà đều thứ đường khạp làm ở Biên Hòa.
Bác sĩ quên lễ độ, cười lớn lên với những người trai trẻ trong nhà. Nhờ trận cười ấy mà bác sĩ làm quen được với họ và khỏi phải đi xa. Và từ đó biết chỗ mua đường.
"Ai mà cần ai hộ mạng chớ", bác sĩ tức tối cằn nhằn với mình; bác sĩ đã bị thịt, bị mỡ ám ảnh. Từ ngày bị cướp ở làng bên cạnh, bác sĩ hết tiền, trôi dạt qua đây, nhờ một người bà con cho mượn chút ít, bác sĩ phải ăn hà tiện cho đỡ tốn. Không đến đỗi chết đói, nhưng cũng không no lắm. Nhứt là mấy ngày sau đây số tiền đã cạn mà người bà con lại bị Tây bắt mất. Không biết ai đó ở đâu, và hồi nào vì sự tình cờ hay nhờ tìm tòi, mà đã phát minh ra rằng ăn cơn với mắm ruốc cùng đường ngon tuyệt. Rồi như một dây thuốc pháo bị cháy lan, nghệ thuật ăn của phái "mắm ruốc đương" được phổ cập khắp các làng. Vả không hoan nghinh mắm ruốc cũng không có gì khác mà ăn, vì người nào cũng hết tiền, còn thịt heo thì mắc như vàng.
Một và cơm, một quệt mắm, một miếng đường tán nhỏ, cái thành phần kỳ dị của những miếng ăn ấy đối với bác sĩ chỉ "ngon tuyệt" bữa đầu thôi. Mấy bữa sau ông nghe xót ruột như đã uống át-pi-rin không ngâm tan trong nước. Ông thề nguyền khi trở về, không bao giờ dám chê ngán những đĩa ra-gu, những miếng sườn ram nữa.
Bác sĩ triết lý:
- Thèm ngọt không nằm chiêm bao. Thèm thịt thì nằm. Vậy cơ thể đòi thịt hơn là đòi đường.
Ông nhớ lại cái chết tội nghiệp trong nhà thương của những người bịnh thương hàn mới khỏi. Nhiều người rất biết nỗi nguy nếu ăn khi mới vừa khỏi, nhưng vẫn ăn bừa chỉ vì thèm, đói quá. Ăn rồi lăn đùng ra khóc không phải vì đau đớn, mà vì hối hận, hoảng sợ cái chết đến nơi trong vài giờ.
"Thịt kho tàu, khổ qua hầm, cũng ngon chớ- không hiểu vì một ý bắc cầu nào mà bác sĩ nhảy từ người bịnh thương hàn chết oan đến vụ thịt kho- mà sao cho bằng "cay xôi cấy", "hà khàu", "phù dùn hại". Cá hấp tương với đồ Tàu cũng ngon. Nữa mình về, mình sẽ đi ăn hai ngày đồ Tây, hai ngày đồ Tàu, ba bốn ngày mì chả giò, hủ tiếu xào, xíu mại, bánh bao".
Bác sĩ thở dài, rầu lòng nhớ lại ý muốn trốn về thành mà không được của ông. Chung quanh ông toàn là thanh niên vác tầm vông canh gác. Một con chó cũng không lọt qua. Còn cái làng gì ở biên giới thành ấy, nghe họ nói gác dày mịch như màn sắt mà ghê. "Nghĩ mà tiếc của cải mấy mươi năm gây dựng, không biết nữa còn chút ít gì không. Còn ba đứa lớn, thằng Minh, thằng Công, con Hà, chúng nó sẽ học dở dang, thua sút đám con ông huyện Cần".
Bỗng bác sĩ Hai ngồi tốc dậy sần sượng với ai:
- Mà ai cầu ai hộ mạng chớ)?
o O o
Bác sĩ lững thững lại tiệm cà phê. Tiệm cà phê đây là một chòi tranh mà chủ nhà, một dân quê có óc con buôn nhìn thấy bao nhiêu người lạ mặt tựu về, người nào cũng ghiền cà phê, bèn chụp ngay cơ hội tốt, mở tiệm. Mặc dầu vợt làm bằng vải áo cũ, và cà phê có mùi cơm cháy, khách vẫn đông, nhứt là những ông đằng đình, cái đình làng dùng làm trụ sở.
- Bà chiên gì mà thơm dữ vậy? Bác sĩ hỏi chủ quán.
- Tôi ram thịt để bán.
- Thịt ram ăn với gì?
- Cuốn bánh tráng.
- Trời! sớm mai, ai mà ăn bánh tráng cuốn thịt ram.
Nói vậy nhưng bác sĩ vẫn hỉnh mũi hít mùi thịt chiên. Ông cố hít nhẹ cho bà chủ quán không nghe thấy và hít dài để tận hưởng.
Bác sĩ mò tay vào túi, rồi nét mặt ông xịu xuống, không phải vì thất vọng, mà vì rầu. Ông men lại chảo thịt chiên. Đây là một mớ thịt phay, mỡ chiếm tám phần mười trong mỗi lát thịt. Thịt đã ram vàng, mỡ thịt thắng ra lênh láng.
- Tôi nghe như là thịt hôi, phải không bà?
- Hôi gì mà hôi. Thịt chiều hôm qua đó.
- Tức quá! Tôi thử coi.
Nói đoạn bác sĩ lấy đũa gắp một miếng, đưa lên mũi. Ông làm bộ như chưa đánh hơi ra mùi thật của nó, thổi sơ vào miếng thịt rồi cắn một miếng.
- Phải thịt tươi. Tôi chịu thua bà- Miệng nói răng nhăn miếng mỡ nhỏ xíu vừa mưu mẹo cắn được.
- Cho một tách cà phê bà.
Mùi thịt ram mơn trớn mũi ông Hai, chọc những hạch nước miếng hai bên hàm dưới ông. Và ông lắng nghe nơi bao tử, một thứ nước gì tiết ra.
- Hay là mình ăn chịu? Không được. Họ không tín đám người lạ mặt cứ lưu động mãi nầy. Không lẽ ăn bừa rồi tới đâu sẽ hay. Chậc! Cũng không còn cái đồng hồ để cầm đỡ. Bây giờ làm thế nào ăn được món thịt ram cuốn bánh tráng? Thật là cả một bài toán đố khó giải lý.
Chợt có người bước vào, bác sĩ Hai rất mừng khi nhận thấy người còn trẻ ấy là người quen cũ ở thành.
- Anh giúp ban tuyên truyền?
- Thưa phải. Hổm nay hai anh Minh, Công và chị Hà có về thăm bác không?
- Sấp nhỏ nó đi đâu mất, tôi lo quá.
Dạ thưa còn bác có giúp đâu chưa?
- Ôi tôi già rồi...
Người con trai tên là Tương nầy kêu bánh tráng cuốn thịt ram.
- Dạ thưa bác, món nầy, hồi ở nhà có mấy thuở mình ăn, nhứt là sớm mai. Mà sao giờ ăn ngon lạ.
Bác sĩ Hai mỉm cười một cách cố thản nhiên. Ông theo dõi từng cử chỉ của Tương. Hai hàm răng bén của người trẻ cắn đứt ngon cuốn thịt, đôi môi khép lại, che giấu cái bã đồ ăn đang nhai.
- Cháu vô phép quá. Xin lỗi, bác đã điểm tâm rồi?
Bác sĩ còn một chỗ nước miếng trong họng, vội nuốt để trả lời. Nhưng bác sĩ giựt mình e thẹn nghe tiếng nuốt nước miếng của mình lớn quá. Lại mớ nước miếng nữa dồn đến. Nuốt đánh ực nữa thì sợ Tương nó nghe biết, nó cười thầm. Còn để vậy thì nghẹt họng, đừng nói chi trả lời, nội cái việc thở mà còn không thông, bác sĩ bưng tách cà phê lên, làm bộ uống nốt những giọt đã cạn tử hồi nào, nuốt trôi được mớ nước miếng và rất bằng lòng thấy sao mình lanh trí được như vậy.
Thấy rằng nếu làm bộ chê món thịt cuốn thì thất sách, bác sĩ ấp úng:
- Tôi vừa ăn xong cũng món độc nhứt đó.
Nhưng bác sĩ hối bận ngay. Ờ, mình đã ăn rồi thì còn ma nào nó mời nữa.
Tương không mắc cỡ miệng, mặc dầu bác sĩ nhìn anh trừng trừng. Sau những cái nuốt, anh thè lưỡi biếm môi mỡ và đánh lưỡi một cái "chách" lên đốc giọng. Bỗng một miếng mỡ rơi xuống đất. Bác sĩ nhìn theo vừa tiếc hùi hụi thì một con chó vện chực sẵn đâu dưới ấy hồi nào không biết, táp phập ngay lấy.
Nhìn sự chụp giựt của con chó đói nhà quê, nhìn lại mình, một niềm tủi nhục mênh mông bỗng dâng trào lên, vặn thắt trái tim không bao giờ biết thổn thức của bác sĩ lại.
Bác sĩ cúi gầm mặt xuống chiếc bàn cũ. Trong giây phút những hình ảnh xưa ở đâu hiện về, chớp nhoáng; hai người bịnh nghèo ăn cắp giá xào lẫn nhau, mười lăm năm về trước, những người nhà quê bu quanh một cái hòm, ăn nhậu; những miếng thịt heo đút lò cả chồng mỡ, trong đình làng...
Bị kích thích mạnh, óc bác sĩ Hai làm việc chóng và nhiều hơn bao giờ hết.
- Tại sao họ tham ăn, tại sao mình thèm ăn quá như vậy?
Câu trả lời đến ngay trong trí bác sĩ.
Sự thật nảy ra như tia lửa trong một buổi sáng thèm thịt làm ông ta lảo đảo. Ông nghe cả một sự sụp đổ trong người ông. Sự sụp đổ của nhơn sinh quan sẵn có của ông.
Sự thật đầu tiên, đến tóc bạc hoa râm ông mới tìm thấy.
Rồi ba chơn, bốn cẳng, ông chạy ù về nhà, miệng lẩm bẩm:
- Thôi không thèm trốn về nữa. Mình phải đi xin một việc làm mới được. Phải mà, người mình không tham ăn sao được!