Số lần đọc/download: 2102 / 37
Cập nhật: 2015-07-11 21:00:31 +0700
Chương 5
– 13 –
Cuộc đi thăm khách sạn Mỹ Ngọc Cung làm cho tôi mệt mỏi đến kiệt sức.
Sau khi vào gặp qua Thiếu tá Trịnh, tôi cáo từ về khách sạn Continental. Về tới phòng, tôi nằm dài trên giường như một người vừa đi bộ suốt ngày về.
Tôi nằm đó ôn lại tất cả những cảm nghĩ của tôi kể từ ngày tôi đặt chân trở lại Thủ đô Sàigòn trên đường tìm theo dấu chân vợ tôi. Và tôi thấy rõ là những cảm nghĩ của tôi đã thay đổi nhiều.
Lẽ tự nhiên là tôi vẫn còn quả quyết muốn tìm vợ tôi và tôi sẽ tìm nàng bằng được, bất kể thời gian, không kể khó nhọc. Nước Việt Nam của chúng ta nhỏ bé. Chỉ cần ta kiên chí là ta có thể tìm được người mà chúng ta muốn tìm. Không khó. Tôi vẫn nhất quyết tìm nàng “mãi mãi”. Tìm mãi không thôi, tìm được nàng hoặc là đến lúc nào tôi chết.
Nhưng khi nghĩ đến Ngọc, tôi hiểu rằng có một vài điều tôi đã nghĩ sai lúc đầu. Khi nàng mới mất tích, tôi nghĩ rằng nàng là nạn nhân của một vụ lầm người kinh khiếp, một vụ lầm lộn chỉ có thể xẩy ra được trong tiểu thuyết hoặc trong các phim xi nê. Tôi tưởng rằng nàng sa vào cạm bẫy của một bọn giăng ra chờ bắt một người đàn bà nào khác không phải là nàng.
Bây giờ tôi hiểu là nàng là nạn nhân của một vụ “bắt cóc tống tình” cũng khủng khiếp không kém. Tôi nói là “tống tình” chứ không phải là “tống tiền”. Qua những lời Vân Hà nói với tôi về cuộc đời cũ của Ngọc và những kẻ gian manh mà nàng đã lỡ quen và bây giờ bọn gian manh đó tìm bắt nàng để trả thù, tôi hiểu tại sao Ngọc lại không làm một hành động gì để cầu cứu tôi trong thời gian nàng sống tự do trong khách sạn Mỹ Ngọc Cung. Nàng có thể gửi điện tín báo cho tôi biết nàng đang lâm nguy để tôi tới với nàng. Nhưng tôi biết nàng không làm thế là vì nàng muốn tránh sự xúc động cho tôi. Nàng tin rằng nàng có thể tự sức thoát được vòng kiềm tỏa của bọn gian manh đó. Thoát được yên lành và trở về với tôi.
Nàng muốn giữ bằng mọi giá cho tôi, chồng nàng, người mà nàng yêu thương, ở ngoài vụ này. Vì nàng cho rằng đây là hậu quả một lỗi lầm cũ của nàng, và phải một mình nàng gánh chịu cái hậu quả đó. Người đàn bà khi yêu chân thành thường nghĩ như vậy. Ngọc có thể nghĩ sai nhưng đó là vì nàng yêu tôi mà ra. Việc im tiếng và cắn răng chịu đựng đó của nàng là một bằng chứng cụ thể, rõ ràng, lớn lao nhất về tình yêu của nàng.
Khi tôi hiểu biết như thế, tình tôi yêu nàng lại càng thêm sâu đậm hơn. Và tôi thấy giận tôi khi tôi nhớ lại những cảm nghĩ đầu tiên của tôi khi tôi nghe Vân Hà kể lại vài sự kiện đã xẩy ra trong đời Ngọc khi nàng còn con gái, khi nàng chưa quen biết tôi, chưa là vợ tôi và đời tôi chưa có nàng. Tôi giận tôi vì tôi thật là nhỏ nhen, tôi không xứng đáng với mối tình mà Ngọc dành cho tôi.
Khi còn là thiếu nữ, Ngọc có vài lầm lẫn, nhưng chính vì lầm lẫn, như thế nàng mới yêu tôi nhiều đến như nàng đã yêu tôi khi gặp tôi. Và vì có lầm lẫn khi còn là thiếu nữ, nàng mới cần che chở và cần yêu thương.
Và suy luận cho cùng ra thì chính tôi là người đã đẩy Ngọc vào tình trạng hôm nay của nàng. Ngay từ ngày đầu tiên gặp nàng, tôi đã đặt nàng lên quá cao. Tôi đặt nàng lên một cái bệ cao, coi nàng như một “thần tượng”, một người hoàn toàn trong trắng. Ngọc biết vậy nên nàng không dám bước xuống dưới chân cái bệ cao mà tôi đã đặt nàng lên. Đề cao một người nào quá tức là ta hại người đó. Ngọc đã bị tôi đề cao. Nàng có muốn cũng không dám nói cho tôi biết những chuyện không đẹp đã xẩy ra trong đời nàng.
Khi nghe câu chuyện Vân Hà kể, tôi đã nổi giận và hờn trách Ngọc vì Ngọc đã dấu tôi vài chuyện về đời tư của nàng. Tôi gần như nghĩ rằng Ngọc “lừa dối” tôi. Nhưng nghĩ như vậy, thật sự tôi đã lầm. Chính tôi đã làm cho nàng không dám nói thật. Ngọc chẳng mong gì hơn, tôi dám nói chắc như thế, là được nói thật với tôi, nhưng vì nàng thấy tôi coi trọng nàng quá nên nàng không dám nói, nàng sợ tôi “khinh” nàng, nàng sợ mất tình yêu của tôi. Nàng sợ tôi sẽ không yêu nàng nữa khi tôi biết là trước khi gặp tôi, nàng đã có thời lầm “yêu” một kẻ gian manh như gã Paul Văn.
Đó cũng chính là cái lý do đã làm cho Ngọc không cầu cứu tôi khi nàng gặp lại tên Paul Văn. Nó chỉ cần dọa nàng một câu: “Nếu cô không làm theo ý tôi, chồng cô sẽ biết rõ về những bê bối cũ của cô …” Và Ngọc, kinh hoàng vì ý nghĩ chồng nàng có thể biết những chuyện không đẹp về đời nàng, đành nghe theo lời tên đó.
Tất cả những sự việc này xẩy ra đều do lỗi ở tôi.
° ° °
Huy ơi, tất cả những dòng này là để viết cho Huy đọc. Từ dòng đầu, tôi chỉ kể cho Huy nghe những chuyện đã xẩy ra trong đời tôi kể từ ngày người đàn bà tôi yêu thương nhất đời mất tích, đây là vài lời tôi khuyên Huy.
Huy có thể biết nhiều điều hơn tôi, Huy thông minh hơn tôi lẽ tự nhiên là Huy khôn ngoan hơn tôi, nhưng Huy kém tôi ở chỗ Huy chưa có vợ. Đây là lời khuyên của một người bạn đã có vợ, đã đau khổ vì vợ, đã yêu … khuyên một người bạn chưa có vợ.
Tôi biết Huy không phải là người đàn ông thù người đàn bà. Huy không theo mãi cuộc sống độc thân. Huy chưa có vợ chỉ vì Huy chưa tìm được người đàn bà nào vừa ý mà thôi. Cả những người đàn ông muốn độc thân suốt đời cũng có ngày gặp một người đàn bà làm cho họ mất ý muốn ấy. “Không ai có thể thoát được đàn bà cũng như không ai có thể thoát được CHẾT”.
Nếu Huy có một ngày phải Chết thì Huy cũng có ngày phải lấy Vợ. Tôi chỉ khuyên Huy một điều là: Đừng bao giờ Huy “tôn thờ” một người đàn bà nào. Đừng bao giờ Huy đề cao một người đàn bà nào quá đáng, nhất là khi người đàn bà đó lại là VỢ của Huy. Đừng bao giờ hạ giá đàn bà, đừng coi thường họ nhưng nếu chúng ta đề cao họ quá cái giá trị thực của họ, chúng ta cũng làm hại họ vậy.
° ° °
Trong lòng tôi tình yêu lại nổi lên mãnh liệt. Chưa bao giờ tôi yêu NGỌC đến như thế. Tình yêu thật là một cái gì tuyệt diệu, lạ kỳ. TÌNH YÊU chân chính không có giới hạn. Không có lời nào, không có khoảng không gian nào có thể giới hạn nổi TÌNH YÊU. Trước đây, có nhiều lúc tôi nghĩ rằng tôi đã yêu hết lòng, hết tâm hồn, yêu hết cỡ … không còn ai có thể yêu được hơn tôi hoặc tôi không bao giờ có thể yêu nhiều hơn thế …
Nhưng tôi đã lầm …
Tình yêu trong lòng tôi mỗi lúc một mới, không lúc nào nó giống lúc nào. Vì vậy − đến bây giờ tôi mới biết, và tôi chắc rằng những người yêu thương chân thành, yêu không đòi hỏi, yêu không điều kiện, cũng biết như tôi – là không có thể so sánh được tình yêu: Hôm nay ta yêu hơn hôm qua và yêu kém ngày mai. Không, tình yêu mỗi lúc một khác. Không thể nói hôm nay tôi yêu Ngọc hơn những ngày Ngọc chung sống yên lành với tôi. Tôi chỉ có thể nói được là trước kia tôi yêu nàng và bây giờ, hôm nay tôi cũng yêu Nàng.
Đang nằm như người chết rũ trên giường, tôi bỗng ngồi bật dậy …
Mắt tôi nhìn thấy cái bao da đựng đồ trang điểm tôi mua tặng Ngọc nằm trên mặt chiếc bàn ngủ …
Khi gã chủ khách sạn mặt bóng loáng trình cái bao đó trước mặt Thượng sĩ Bái tôi không xúc động mấy. Vì lúc đó tôi đang nghĩ tới vợ tôi. Tôi đang thất vọng vì tôi chưa tìm lại được Nàng.
Nhưng bây giờ … một mình với nó trong một căn phòng vắng lạnh và vô hồn này, cô đơn giữa một đô thị xa lạ, nhớ nhung, thương yêu nồng nàn, tôi có thể nâng niu nó để khuây đi nỗi nhớ nhung. Cái bao da này là một phần của người đàn bà tôi thương nhớ …
Với một sự xúc động làm cho những ngón tay tôi run run, tôi mở bao da ra coi … Gương, lược, cái kìm cắt móng tay, cái dũa nhỏ xíu và rất sắc … Tất cả còn đây, những vật này đã được những ngón tay nàng cầm đến … Tôi tưởng như ngày nào tôi trông thấy vợ tôi, ngồi trước bàn phấn trong căn phòng ngủ ấm cúng, tràn đầy tình yêu và hương vị ái ân, tay cầm cái bàn chải cán ngà này chải tóc … Mái tóc của nàng lộ ra dưới làn áo ngủ mỏng.
Tôi lấy từng món đồ ra, coi kỹ, nâng niu như đó là những bảo vật, như đó là những vật lạ lạ mà tôi chưa từng bao giờ được thấy …
Bỗng toàn thân tôi rung động … Tôi như người bị điện giựt … Như những vật tôi cầm đó có dính điện mạnh làm cho tôi giật bắn người lên …
Tôi trông thấy một mảnh giấy nhỏ dấu dưới đáy bao giữa hai lần da và vải lót.
Tôi rút nhẹ mảnh giấy đó ra. Đó là một mẩu giấy pelure nhầu nát, chắc Ngọc đã viết vội, viết dấu diếm những dòng chữ này …
Mắt tôi hoa lên khi nhận ra đó chính là chữ của Ngọc …
Phải mất một lúc sau tôi mới đọc nổi những lời Nàng viết vội bằng bút chì kẻ lông mày trên mảnh giấy nhỏ xíu ấy:
- “Tôi là ĐỖ THỊ NHƯ NGỌC, nạn nhân của một bọn gian manh. Tôi bị chúng đưa đi chưa biết là đi đâu. Ai lượm được giấy này làm ơn báo ngay cho chồng tôi là Ông HOÀNG TUẤN, Chánh Sở Nhập Cảng Ngân Hàng Free World Bank hoặc báo cho bạn của chồng tôi là Luật Sư TRẦN HUY, Sàigòn, biết tin tôi. Hãy tìm gặp Robert Nguyễn. Chỉ có tìm được Robert mới có thể tìm ra được chỗ chúng dấu tôi.”
– 14 –
Huy cũng biết rõ như tôi về những sự việc đã xẩy ra trong khoảng thời gian hai ngày sau đó, tức là sau khi tôi tình cờ tìm được bức thư cầu cứu của Ngọc dấu trong bao da đựng đồ trang điểm của nàng bỏ lại Khách sạn Mỹ Ngọc Cung.
Tuy vậy, tôi vẫn muốn và vẫn nhắc lại những sự việc đó ở đây, nhắc lại một cách vắn tắt thôi, vì tôi thấy rằng có lẽ nhắc lại, nhớ lại những chuyện đó, tôi có thể hiểu được một phần vụ này, một vụ có những việc xẩy ra liên tiếp nhưng không liên lạc với nhau, một chuyện mà mãi đến giây phút này, tôi vẫn hoàn toàn không hiểu.
Ngay sau khi tìm thấy thư của Ngọc, tôi đã gọi điện thoại ngay cho HUY và chúng ta đã gặp nhau ngay sau đó, HUY muốn đọc lá thư của Ngọc. Chúng ta cùng suy đoán và góp ý kiến với nhau để hiểu Ngọc. Lẽ tự nhiên là lời kêu cứu của Ngọc đã rõ rệt quá rồi, không còn có gì để hiểu lầm lời Ngọc, nhưng chúng ta muốn tìm biết qua những lời kêu cứu đó, bọn gian manh mà Ngọc, nói đến đó là bọn nào và tại sao chúng lại có thể khống chế được Ngọc.
Lá thư đó không giúp chúng ta có thêm được chút ánh sáng nào về vụ mất tích của Ngọc. Nàng đã bị bọn gian giam giữ một nơi … Chuyện đó chúng ta đã biết. Dù có hay không có thư của Ngọc để lại, chúng ta cũng đã biết như thế.
Nhưng chúng giữ Ngọc để làm gì? Tại sao? Ở đâu? Đó là những điều chúng ta muốn biết và đó cũng là những điều mà lá thư cầu cứu của nàng vẫn không giải đáp được cho chúng ta, không giúp chúng ta tìm được câu giải đáp.
Bí mật hoàn toàn bao trùm vụ mất tích. Bí mật cũng vẫn che đậy và bao quanh bóng dáng tên thọt chân, tên mà tôi tin chắc là Paul Văn.
Tại sao Ngọc không tìm đến Huy để nhờ Huy che chở? Nàng biết rõ về tình bạn của chúng ta mà? Nếu biết nàng lâm nạn, chắc chắn Huy không từ chối làm bất cứ việc gì để bảo vệ nàng. Tôi biết chắc như thế, và tôi tin rằng Ngọc cũng biết chắc như thế. Vậy thì tại sao nàng không tìm đến ngay với Huy? Bà Ngà không có mặt ở Saigon, nhưng Saigon này vẫn có Huy kia mà? Khi mới xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Ngọc có gặp tên thọt chân nhưng sau đó, nàng còn được tự do về ngụ tại Khách sạn Mỹ Ngọc Cung trong gần 24 tiếng đồng hồ, thời gian đó đủ cho nàng tìm tới gặp Huy, gọi điện thoại cho Huy hoặc viết cho Huy một lá thư …
Tại sao nàng lại không làm thế? Tại sao nàng lại cứ nằm chết đó chờ bọn gian đến đưa nàng đi nơi khác, cắt đứt hết liên lạc của nàng với những người nàng quen biết? Tại sao …? Tại sao?
Chúng ta đã cùng tìm những câu trả lời cho những câu hỏi “tại sao, tại sao”. Những câu “tại sao” tối om và đầy nghi vấn.
Trong cuộc thảo luận đêm hôm đó, sau khi tôi tìm thấy thư của Ngọc, Huy có đưa ra giả thuyết là Ngọc hy vọng nàng có thể tự lực thoát được bọn gian manh, hoặc nàng sẽ có thể tìm được một “võ khí” nào đó để chống lại chúng. Muốn thế nàng phải tạm vâng lời chúng, phải nhận lời đi theo chúng. Vì vậy, khi vừa từ phi cơ xuống phi trường và biết mình sa vào tay bọn bất lương, biết rằng chúng giăng bẫy để dụ nàng về Sàigòn, nàng đã tuân lời chúng, vào ngụ tại khách sạn Mỹ Ngọc Cung. Ở đó suốt một ngày, nàng không thông tin cho ai hết vì nàng nghĩ rằng nàng sẽ có cơ hội thoát được vòng kiềm tỏa của bọn gian manh. Nhưng sau đó vì bọn gian tới đưa nàng đi đột ngột, nàng bỗng thấy tình trạng của nàng trở nên nguy khốn, trong cơn bối rối và vội vã, nàng không còn nghĩ ra được cách nào hay hơn là viết mấy chữ dấu vào trong bao da đựng đồ trang điểm, và chính nàng đã cố tình bỏ quên bao da đó lại với hy vọng là bao da đó sẽ được chuyển đến cảnh sát, và sẽ có người báo tin cho chồng nàng hoặc cho bạn của chồng nàng, hai người đàn ông mà nàng viết tên trong thư.
Nghĩa là ý kiến của Huy về thái độ của Ngọc cũng không khác tôi mấy. Chúng ta thân nhau đến nỗi chúng ta cảm nghĩ như một. Từ ngày xưa khi còn đi học chúng ta đã thân nhau như thế và kỳ diệu thay, đến bây giờ, bao nhiêu ngày tháng, năm đã qua, chúng ta vẫn còn suy nghĩ, thông cảm nhau như cũ … Tôi nghĩ sao thì Huy cũng nghĩ y vậy hoặc giống như vậy … Thật lạ kỳ …
Nghe Huy nói vậy, tôi đồng ý ngay với Huy. Nhưng còn về nghĩa của bức thư Ngọc để lại, nó rất rõ mà cũng rất tối tăm, khó hiểu. Những câu hỏi “tại sao, tại sao?” lại được đặt ra. Giờ đây lại có một nhân vật mới xuất hiện: Robert Nguyễn.
Vì tôi không nói gì cho Huy hay về cuộc gặp gỡ của tôi với cô Vân Hà nên tôi cũng phải dấu luôn không nói gì với Huy về tên Paul Văn và những bạn hữu của Y, trong số có tên Robert Nguyễn. Tên này chính là tên Công Tử Bốp, người vẫn tổ chức những Bal de Famille ngày xưa. Vân Hà và Như Ngọc đã gặp nhau ở trong nhà riêng của anh chàng Robert đó. Nhưng tôi không cần phải nói gì về Robert với Huy. Huy đã biết anh chàng đó. Vì Huy đã sống ở Sàigòn lâu năm, và vì tên Robert đó là một công tử ăn chơi, con nhà giầu, ông bố Y lại có thế lực trong chánh quyền. Nhiều người ở Sàigòn biết tiếng hai cha con Robert.
Tôi dần dần hiểu, những mảnh vụn rời rạc của một toàn diện lớn bắt đầu họp lại với nhau. Công tử Bốp chắc chắn là biết nơi ẩn nấp của Paul Văn. Rất có thể là anh chàng này có nắm một lợi khí gì đó có thể chế ngự được bọn Paul Văn … Nhưng vì tự ái, một tự ái ngu xuẩn, tôi vẫn yên lặng không chịu nói cho Huy biết về sự liên lạc năm xưa của Ngọc, vợ tôi, với những người như Robert Nguyễn và Paul Văn, Ê Min, Vân Hà.
Cái tự ái đó đã làm cho tôi thiệt hại nhiều, quá nhiều …
Huy ơi, bạn của Huy thật là ngu ngốc …
Chính Huy đã quyết định dùm tôi những gì chúng ta cần làm ngay trong ngày hôm đó. Huy đi tìm địa chỉ anh chàng Robert Nguyễn, còn tôi, tôi đi tìm Vân Hà. Nhưng tôi không gặp được Vân Hà, còn Huy, Huy tìm được địa chỉ của Công Tử Bốp.
Buổi trưa, chúng ta gặp nhau để ăn trưa, Huy cho tôi biết là Cậu Bốp hiện đang ở trong một vi la riêng gần Biên Hòa. Hắn đau thần kinh từ nhiều năm nay và ở đó để gần với Dưỡng Trí Viện, hắn là một bệnh nhân của Viện, được quyền ở ngoài nhưng vẫn mỗi tuần đôi kỳ, vào Viện trị bệnh. Y cũng được gia nhân đưa vào Viện ở luôn trong những ngày cơn bệnh điên của Y bộc phát.
Ngay buổi chiều hôm ấy, chúng ta đi tìm Bốp ở Biên Hòa.
Huy lái xe đưa tôi đi. Buổi chiều, cơn mưa lớn và dai dẳng chụp lấy hai chúng ta khi xe hai chúng ta vừa ra khỏi cầu Bình Lợi. Mưa thật lớn, cảnh vật chìm trong màn mưa, tôi nhìn ra đầu xe và chẳng trông thấy gì xa hơn 10 thước.
Một chuyến đi gần thôi mà như thật là xa, thật là vất vả. Chuyến đi ấy mới cách đây, khi tôi ngồi nhớ lại mọi chuyện và ghi chép lên những trang giấy này, có ba ngày, nhưng sao tôi thấy nó xa thật là xa, cách hiện tại cả hàng thế kỷ.
Khi xe tới thị trấn Biên Hòa, trời vẫn còn mưa lớn. Chúng ta phải vào quán cà phê gần chợ chờ cho trời ngớt mưa. Một người dân địa phương chỉ cho chúng ta đường tới nơi chúng ta muốn tới.
Tuy vậy, chúng ta cũng vẫn đi lạc. Phải vất vả mãi chúng ta mới tới được đúng con đường có một dẫy vi la vắng vẻ nằm ở vùng ngoài thành phố. Chúng ta xuống xe từ xa để đi bộ tìm nhà. Trời lúc đó vẫn còn mưa, nhưng không còn lớn nữa. Tuy nhiên bầu trời vẫn u ám, vẫn nặng trĩu những nước và đe dọa có thể lại đổ nước xuống bất cứ lúc nào.
Vi la chúng ta tìm trông như một cái nhà hoang. Thoạt đầu chúng ta tưởng là đó không thể là một nơi cư ngụ của một người như Bốp, một cậu con nhà giầu nổi tiếng ở Saigon. Những cửa sổ của vi la đóng kín, cái thì lung lay khép không chặt như chỉ muốn rời ra khỏi khung. Cỏ mọc cao tới đầu gối trong vườn, cánh cổng sắt han rỉ không đóng.. Lối đi trải sỏi cỏ mọc đầy, có lẽ từ nhiều năm nay, chẳng có chiếc xe hơi nào đi vào vườn.
Chúng ta đứng chờ bên cổng sắt và vì cổng không có chuông. Huy lớn tiếng gọi vào nhà. Tôi và Huy thay phiên nhau gọi, chúng ta đứng xớ rớ ở đó tới 15 phút dưới trời mưa.
Sau cùng, từ khu sau nhà, một người đàn bà đi ra. Chị ta trạc 40 tuổi hoặc hơn, trông có vẻ là gia nhân nhà giầu, một chị hai chuyên nghiệp. Chị có vẻ tươi và dễ tính trong phút đầu tiên chị thấy hai thầy ăn bận đàng hoàng đứng bên cổng:
- Hai thầy đi lạc đường ư? − Chị hỏi ngay trước khi chúng ta kịp nói gì − muốn đi về tỉnh hai thầy phải đi trở lại. Đường này đi ra bờ sông. Hai thầy không về được tỉnh bằng lối này đâu …
Nhưng nét mặt của chị sa sầm xuống khi chị nghe Huy hỏi:
- Chúng tôi cần gặp cậu Robert …
- Cậu Robert …?? Ai chỉ cho các thầy tới đây.
Rõ ràng là chị không muốn cho chúng ta gặp cậu chủ của chị.
Huy nhanh trí nói ngay:
- Cụ Đốc Phủ biểu chúng tôi tới …
Ba tiếng “Cụ Đốc Phủ …” nói đúng lúc, đúng chỗ làm cho chị đàn bà dịu lại, tuy vậy, chị vẫn còn ngần ngừ:
- Cụ Đốc Phủ chỉ cho hai thầy tới làm chi vậy?? Cụ có dặn tôi là triệt để không cho ai vô gặp cậu … kia mà?? Chỉ có ông bác sĩ Phát là được vô gặp cậu thôi.
- Chúng tôi là bạn của cậu … − HUY chỉ tôi … − Ông đây cũng là bác sĩ … Ổng mới ở bên Pháp về. Ổng cũng là bạn của cậu Robert, ổng tới thăm cậu và có thể chữa trị cho cậu … Chị cứ để cho chúng tôi vô thăm cậu …
- Cậu tôi đang … có cơn … Cậu tôi không nhận ra hai thầy đâu …
Tôi cố gắng đóng góp vài lời trong việc đánh lừa chị vú:
- Cậu Hai đang lên cơn càng tốt. Tôi cần coi bệnh của cậu ra sao để về thưa lại với Cụ Đốc Phủ …
Chị vú đẩy cánh cửa sắt han rỉ cho chúng tôi vào trong sân ngập cỏ dại, chị còn cẩn thận căn dặn:
- Các Thầy có về thưa chuyện lại với Cụ … Làm ơn nói rằng cậu Hai có lên cơn nhưng không có gì nguy hiểm … Sợ Ông Cụ lo, vô ích …
Tôi nghĩ chị Vú này có thể là người đã nuôi công tử Bốp từ nhỏ, vì giọng nói của chị có nhiều âm thanh ưu ái thương mến thật tình. Người làm công dù có mến chủ tới đâu cũng không có thể có cái giọng nói chân tình, thiết tha đó. Ở đời này có nhiều người làm công vô tình coi con chủ như con mình, như máu thịt của mình vì đã khổ công nuôi nấng đứa con chủ đó.
Chúng tôi đi theo chị vào nhà sau của vi la hoang tàn. Tôi xúc động nhiều. Tôi run lên vì lạnh của trời mưa và vì xúc động. Tôi sắp được biết thêm những gì về vợ tôi qua sự tiết lộ của một chàng công tử chơi bời quá nhiều và bây giờ trở thành điên dại này …??
– 15 –
Chị Vú thở dài:
- Hai thầy đã mất công tới tận đây … trời mưa gió như vậy … tôi xin cám ơn … Mong hai thầy hiểu cho … tôi không muốn cho người lạ gặp Cậu Hai tôi lúc cậu đang … mệt … vì mỗi lần gặp người lạ, Cậu Hai tôi lại càng khó chịu … Các thầy có hỏi gì … Cậu Hai tôi cũng không trả lời được đâu … Cậu như người quên hết cả chuyện cũ … Thiệt kỳ … Cả năm nay rồi, bao nhiêu thuốc cũng chẳng thấy đỡ chút nào …
Buổi chiều mùa mưa, trời tối sớm, khu vực này im vắng một cách lạ lùng.
Chỉ có tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà, trên những vòm cây … Đột nhiên, giữa cái im vắng ấy, một tiếng rú rùng rợn vang lên.
Tiếng rú ấy trở thành tiếng rên rỉ, như người thốt ra tiếng đó đang đau đớn lắm … Tiếng rên kéo dài. Huy và tôi cùng ngừng lại sau chị Vú. Chị quay lại nhìn chúng ta như muốn nói: “Tôi đâu có nói dối các thầy …”
Tôi như nhìn thấy trong đôi mắt của người đàn bà đó long lanh ngấn lệ.
Như đột ngột có một quyết định, chị Vú nói:
- Hai thầy nhìn qua cửa sổ vào phòng thôi nghen … Khi đang lên cơn có khi cậu tôi dữ tợn lắm … Hai thầy chịu vậy không?
Huy đưa mắt nhìn tôi.
Chúng ta tới đây với mục đích hỏi chuyện một người, về một người, nhưng người chúng ta định hỏi lại mắc bệnh điên … Hỏi người điên là một việc làm ngu xuẩn vì người điên thì còn biết gì, còn nhớ gì nữa. Hơn nữa đó là một việc làm tàn nhẫn, vô nhân đạo, chúng ta không thể nào làm được cái việc tàn nhẫn đó.
Huy quay lại chị Vú gật đầu.
Tôi đồng ý với Huy mà không cần nói ra.
Tiếng rên rỉ lại biến thành gào thét. Qua khung cửa sổ mục nát có những chấn song han rỉ tòa nhà này được làm lên chắc đã gần 100 năm, chúng ta nhìn vào một căn phòng lạnh lẽo, trơ trọi cái giường ngủ.
Phòng không có cả lấy cái bàn nhỏ.
Robert Nguyễn, hoặc Công Tử Bốp, nằm trên chiếc giường sắt đó.
Đây là lần đầu tiên tôi trông thấy Bốp và tôi cảm thấy thương hại Y như Y và tôi đã quen biết nhau từ lâu, như Y là một người bạn tôi và tôi đã biết Y từ những ngày Y còn mạnh khỏe, cho đến bây giờ …
Robert Nguyễn mang chứng bệnh điên. Rõ ràng, không ai còn có thể điên hơn Y được nữa. Y nằm lăn lộn trên giường, mặt lúc ngửa nhìn lên trần nhà, lúc thì úp xuống nệm. Răng Y nhe ra, cắn cái gối, cắn vào bàn tay Y. Y gầy còm, xương xẩu, không thể đoán chắc được Y bao nhiêu tuổi vì râu ria Y xồm xoàm và tóc Y dài xuống đến vai. Có lúc cả người Y run lên như bị điện giựt …
Đúng lúc đó, trời lại đổ mưa nặng hạt … Chỗ chúng ta đứng bị mưa hắt … Rồi một tiếng sét nổ … Dường như những tiếng động bất ngờ, và nhất là tiếng sấm sét, có ảnh hưởng lớn đến tâm trí những người bị loạn thần kinh … Sau tiếng sét ấy, Bốp quay nhìn về phía cửa sổ có Huy và tôi đứng cùng với chị Vú nhìn vào … Đôi mắt Y đỏ ngầu, Y chồm về phía chúng ta, hai bàn tay xương xẩu vồ ra như muốn xiết cổ một trong hai ta.
Có lẽ Bốp không biết là giữa Y và chúng ta đứng ngoài phòng có những chấn song sắt … Y đập mạnh mặt vào chấn song và ngã xuống … Tiếng rú hộc lên …
Chị Vú rên lên như chính chị bị đập mặt vào tường vậy:
- Đó … Đó … tội nghiệp chưa … Tôi đã nói mà … Thấy người lạ tới là cậu ấy càng thêm điên … Thôi đi đi … Hai thầy này đi đi … Định giết con nhà người ta hay sao mà còn đứng đó …???
Khi đã đi xa tòa nhà bi thảm đó, tai tôi như vẫn còn nghe rõ tiếng rú thê thảm của kẻ mất trí …