Nguyên tác: Everyman
Số lần đọc/download: 1611 / 38
Cập nhật: 2017-08-18 15:48:35 +0700
Chương 4
T
rong vòng hơn một tháng trời ngày nào đi làm về ông cũng lái xe tới New Jersey để thăm người cha đang hấp hối, đang yên lành như vậy thì ông suýt chết vì ngạt thở trong hồ bơi Câu lạc bộ Thể thao Thành phố vào một buổi chiều tháng Tám năm 1989. Hôm ấy ông đi Jersey về sớm nửa tiếng và quyết định thư giãn bằng cách bơi nhanh một lát trước khi về nhà. Bình thường sáng sớm nào ông cũng ra câu lạc bộ này bơi một dặm. Ông hầu như không uống rượu, chưa từng hút thuốc, và cân nặng thì vẫn y hệt ngày giải ngũ khỏi hải quân năm 1957 và bắt đầu làm quảng cáo. Ông đã biết từ lần thử thách với vỡ ruột thừa và viêm phúc mạc rằng mình cũng có bổn phận bị ốm nặng như bất cứ ai, nhưng với ông, người cả đời đã sống với một chế độ lành mạnh, thì việc rốt cuộc trở thành một ứng cử viên cho phẫu thuật tim có vẻ lố bịch. Đơn giản là không thể như thế.
Vậy mà chưa bơi nổi hết vòng đầu tiên ông đã phải dạt sang một bên thành bể, nán lại đó, không sao thở nổi. Ông leo lên, ngồi thả chân xuống nước, cố bình tĩnh lại. Ông tin chắc rằng cơn ngạt thở ấy là kết quả của việc chứng kiến bệnh tật đã tàn phá cha ông ra sao trong vài ngày qua. Nhưng trên thực tế bệnh tật của chính ông mới là thứ gây tàn phá, và khi ông đến gặp bác sĩ sáng hôm sau, điện tâm đồ có thay đổi lớn, cho thấy có tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng trong động mạch vành. Đến cuối ngày hôm đó ông đã phải nằm trên giường của khu điều trị tắc động mạch vành ở một bệnh viện tại Manhattan, được cho xem một tấm X-quang chụp thành mạch khẳng định rằng nhất định phải phẫu thuật. Mũi ông đã cắm ống ô xy và người ông gắn vô số điện cực nối ông với một cái máy theo dõi tim đặt sau giường. Vấn đề duy nhất còn chưa rõ là nên phẫu thuật ngay hay để sáng hôm sau. Lúc ấy đã tám giờ tối, nên người ta quyết định chờ. Tuy nhiên, một lần khi chợt tỉnh giấc trong đêm, ông phát hiện ra giường mình đang bị vây quanh bởi các bác sĩ và y tá, y như giường của thằng bé giường kế bên hồi ông chín tuổi. Suốt ngần ấy năm ông đã sống trong khi thằng bé kia thì chết - và giờ ông chính là thằng bé kia.
Một loại thuốc gì đó đang được truyền vào người ông qua đường tĩnh mạch và ông lờ mờ hiểu rằng họ đang cố đẩy lui một cơn nguy cấp. Ông không nghe ra được họ lầm rầm những gì với nhau và sau đó thì hẳn ông đã ngủ thiếp đi vì điều tiếp theo mà ông biết là trời đã sáng còn ông đang được chuyển sang cái xe cáng sẽ đưa ông vào phòng mổ.
Vợ ông ở thời điểm này - người thứ ba và cũng là cuối cùng - chẳng có điểm gì giống Phoebe, bản thân cô chính là một mối đe dọa trong các tình huống khẩn cấp. Dĩ nhiên vào buổi sáng phẫu thuật cô chẳng hề khơi gợi thêm chút yên tâm nào khi cứ lẽo đẽo bên xe cáng mà thút thít, vặn vẹo đôi tay và cuối cùng, không kiềm chế được, gào lên, "Thế còn em thì sao?"
Cô còn trẻ, thiếu kinh nghiệm và có lẽ cô đã định nói gì đó khác, nhưng ông hiểu ý cô là nếu ông không thể sống sót thì cô sẽ ra sao. "Từ từ từng việc một nào," ông bảo cô. “Trước hết để anh chết đã. Rồi anh sẽ đến giúp em chịu đựng việc đó."
Cuộc phẫu thuật kéo dài bảy tiếng liền. Hầu hết khoảng thời gian đó ông bị nối với một cái máy tuần hoàn ngoài cơ thể, nó bơm máu và thở giúp ông. Các bác sĩ làm cho ông năm chỗ ghép nội mạch, và sau cuộc phẫu thuật ông tỉnh dậy với một vết thương dài bên dưới trung tâm lồng ngực và một vết nữa kéo dài từ háng tới mắt cá chân phải - họ đã lấy mạch máu từ chân ông ra để làm mạch ghép bốn trong năm chỗ đó.
Khi ông tỉnh lại trong phòng hồi sức, dưới cổ họng ông xuất hiện một cái ống khiến ông thấy mình sắp ngạt thở chết mất. Có nó ở đó thật kinh khủng, nhưng ông không có cách nào truyền đạt được điều này tới cô y tá đang nói cho ông biết hiện giờ ông đang ở đâu và chuyện gì đã xảy ra với ông. Rồi ông lại hôn mê, và khi tỉnh lại lần nữa ông vẫn thấy cái ống ở đó làm ông ngạt thở muốn chết, nhưng giờ lại có một y tá giải thích cho ông rằng nó sẽ được tháo ra ngay khi chắc chắn ông có thể tự thở lấy. Phía trên bên cạnh ông là gương mặt của người vợ trẻ, chào mừng ông trở lại với thế giới người sống, nơi ông lại có thể tiếp tục chăm sóc cô.
Khi vào viện ông chỉ để lại cho cô một trách nhiệm duy nhất: trông nom khi người ta đưa ô tô của ông từ chỗ đỗ trên phố về ga ra công cộng cách đó một khối nhà. Hóa ra đó lại là một nhiệm vụ khiến cô quá mệt mỏi đến nỗi không thể thực hiện, và vì thế, như sau này ông mới biết, cô đã phải nhờ một người bạn của ông làm hộ. Ông không hề nhận ra bác sĩ tim của mình lại là một người tinh ý đến thế đối với những chuyện không liên quan tới y học cho tới khi ông ta đến gặp ông lúc ông đã nằm viện được nửa số thời gian chỉ định mà bảo với ông rằng ông không được phép ra viện nếu vợ ông là người chăm sóc ông ở nhà. "Tôi không thích phải nói những điều này, về cơ bản thì vợ anh không phải chuyện của tôi, nhưng tôi đã quan sát khi cô ấy đến thăm. Người phụ nữ này về cơ bản chỉ là một sự vắng mặt chứ không phải một sự hiện diện, và tôi chẳng có lựa chọn nào khác ngoài bảo vệ bệnh nhân của mình."
Đến lúc này thì Howie đã tới. Bay về từ châu Âu - đi công chuyện kết hợp chơi polo. Sau một thời gian dài kể từ lúc rời ngôi trường phổ thông dành cho dân trung lưu ở Elizabeth, nơi ông ấy, cùng với đám trẻ người Ý và Công giáo Ai Len có cha làm việc dưới cảng, từng chơi bóng bầu dục vào mùa thu, nhảy sào vào mùa xuân, đồng thời vẫn gặt hái được những điểm số đủ tốt để giành được học bổng đi học tại Đại học Pennsylvania rồi tiếp đó được nhận vào trường Wharton học cao học quản trị kinh doanh, giờ thì anh trai ông đã ra tới thế giới rộng lớn và biết trượt tuyết, bắn súng thể thao, chơi polo dưới nước cũng như polo trên ngựa, môn nào cũng đạt được tới trình độ điêu luyện. Mặc dù cha đang hấp hối trong một bệnh viện ở New Jersey còn em trai đang nằm viện sau cuộc phẫu thuật tim phanh lồng ngực trong một bệnh viện ở New York - và dù phải dành cả tuần đi lại từ nơi này đến nơi kia - sinh lực của Howie chưa bao giờ giảm sút, và khả năng khiến người khác an tâm của ông cũng vậy. Chính Howie là người đã gợi ý nên thuê hai y tá tư - y tá ban ngày, Maureen Mrazek, và ban đêm, Olive Parrott - để thay thế cho người phụ nữ mà ông đã đến nước phải miêu tả là "một con búp bê tột độ vô tích sự," rồi còn khăng khăng chi trả cho việc đó bất chấp sự phản đối của em trai. "Chú đang lâm trọng bệnh, chú đang phải trải qua địa ngục" Howie nói, "nhưng chỉ cần tôi còn sống, sẽ không ai và không cái gì có thể ngăn cản chú hồi phục. Đây chỉ là một món quà đảm bảo cho tốc độ hồi sức của chú thôi mà." Khi ấy họ đang đứng bên nhau trên lối vào phòng. Howie nói, cánh tay vạm vỡ ôm choàng lấy em trai. Dù đã rất cố gắng làm ra vẻ hân hoan không bận tâm đến mấy thứ tình cảm ủy mị, gương mặt ông - một bản sao đích thực của mặt em trai - vẫn không giấu nổi xúc động khi ông nói, "Mất đi mẹ và cha thì anh đành chịu. Nhưng anh sẽ không thể chịu nổi nếu mất chú." Rồi ông đi ra tìm chiếc limo đang đợi sẵn phía dưới để chở ông tới bệnh viện ở New Jersey.
Olivia Parrot, y tá ca đêm, là một phụ nữ da đen cao lớn mà dáng đi, điệu bộ và kích cỡ đều gợi ông nhớ tới Eleanor Roosevelt. Cha cô sở hữu một trang trại cây bơ ở Jamaica, còn mẹ có một cuốn sổ giấc mơ, sáng nào bà cũng ghi lại những giấc mơ của các con mình. Vào những đêm ông cảm thấy khó ở không ngủ nổi, Olive thường ngồi ghế ở cuối giường và kể cho ông nghe những câu chuyện hồn nhiên về thời thơ ấu của cô tại trang trại bơ ấy. Cô có giọng nói ngọt ngào, nặng thổ âm vùng Caribê, và lời cô vỗ về ông theo cách chưa phụ nữ nào làm được kể từ ngày mẹ ông ngồi trò chuyện cùng ông trong bệnh viện sau cuộc phẫu thuật thoát vị đó. Ngoại trừ vài câu hỏi han Olive, ông chỉ im lặng, hài lòng đến điên lên vì mình vẫn còn sống. Hóa ra người ta đã phát hiện ra đúng lúc: khi ông nhập viện, động mạch vành của ông đã tắc chín mươi đến chín mươi lăm phần trăm và ông đã đứng trên bờ vực của một con đau tim khủng khiếp và có lẽ còn dẫn đến tử vong.
Maureen là một cô nàng tóc đỏ đẫy đà, tươi cười, có phần thô lỗ, lớn lên trong một gia đình Ai Len-Xlavơ ở khu Bronx và có một kiểu nói chuyện lỗ mãng được tiếp thêm nhiên liệu từ sự tự chủ của một cô ả ghê gớm xuất thân từ dân lao động. Sáng sáng khi cô đến, chỉ cần nhìn thấy cô thôi cũng đủ giúp tinh thần ông lên cao, cho dù cơn kiệt sức hậu phẫu lần này trầm trọng đến mức chỉ riêng việc cạo râu - không phải đứng cạo mà là ngồi trên ghế - cũng đủ làm ông mệt đứt hơi, và ông đã phải trở lại giường làm một giấc thật lâu sau lần đầu tiên cô dìu ông tập đi dọc hành lang bệnh viện. Maureen là người đã giúp ông gọi điện cho bác sĩ của cha ông và liên tục thông báo cho ông tình trạng của người cha hấp hối cho tới khi ông đủ sức để tự mình hỏi.
Howie đã nhất quyết rằng sau khi ông xuất viện, Maureen và Olive vẫn sẽ ở lại chăm sóc ông (chi phí lại do Howie trả), ít nhất là trong hai tuần đầu khi về nhà. Chẳng ai hỏi ý kiến vợ ông, khiến cô rất hậm hực với sự thu xếp đó, vì nó ám chỉ rằng cô không có khả năng tự chăm sóc ông. Cô đặc biệt hậm hực với Maureen, kẻ hầu như chẳng buồn che giấu thái độ coi thường vợ của bệnh nhân.
Sau hơn ba tuần ở nhà thì ông bắt đầu thấy đỡ mệt và cảm thấy sẵn sàng đến mức thậm chí còn xem xét tới việc đi làm trở lại. Trước đó thì cứ ăn tối xong là ông phải quay về giường nằm nghỉ cả buổi chỉ vì đã bỏ sức ra ngồi thẳng trên ghế trong lúc ăn, và sáng sáng muốn tắm vòi sen ông phải ngồi ghế nhựa. Ông bắt đầu tập vài bài thể dục nhẹ nhàng cùng Maureen và mỗi ngày đều cố thêm chừng chục mét trong những bài đi bộ buổi chiều cùng cô. Maureen thường kể về bạn trai mình - một tay quay phim truyền hình mà cô định sẽ cưới ngay khi anh ta kiếm được một công việc ổn định - và cuối ngày khi xong việc, cô thích tới quán rượu chỗ ngã tư gần nhà ở Yorkville làm vài ly với đám khách quen cũng là những người sống quanh khu đó. Dạo ấy thời tiết đẹp nên khi họ cùng đi bộ ngoài trời ông đã được nhìn kỹ dáng cô trong chiếc áo polo bó sát, váy ngắn và xăng đan mùa hè. Lúc nào đám đàn ông cũng săm soi cô, và nếu có bị kẻ nào hau háu nhìn lộ liễu thì cô cũng chẳng phản đối việc vờ bực mình mà lườm lại lâu hơn hắn. Sự hiện diện của cô bên cạnh khiến ông thấy khỏe lên từng ngày, và thường thì khi về nhà sau mỗi lần đi bộ ông sẽ thấy hài lòng với tất cả, ngoại trừ, đương nhiên rồi, cô vợ ghen tuông, kẻ thường sập cửa đánh sầm và đôi khi còn ầm ầm lao ra khỏi căn hộ chỉ một lát sau khi ông cùng Maureen diễu vào.
Ông không phải là bệnh nhân đầu tiên phải lòng y tá chăm mình. Thậm chí ông còn chẳng phải bệnh nhân đầu tiên phải lòng Maureen. Trong những năm qua cô đã có hơn một chuyện tình, vài trong số đó là với những gã còn kém xa ông, nhưng cũng như ông, đã hoàn toàn hồi phục nhờ sức sống của Maureen. Cô có năng khiếu làm cho người ốm tràn đầy hy vọng, nhiều hy vọng đến nỗi thay vì nhắm mắt lại mà cố quên đi thế giới, họ lại mở to mắt ra để nhìn ngắm sự hiện diện căng tràn nhựa sống của cô, và được hồi xuân.
Maureen đi cùng ông tới New Jersey khi cha ông mất. Ông vẫn chưa được phép lái xe, vậy là cô xung phong lái hộ đồng thời giúp Howie thu xếp với Nhà tang lễ Kreitzer ở Union. Trong mười năm cuối đời, cha ông trở nên mộ đạo và, sau khi nghỉ hưu và góa vợ, bắt đầu thói quen đến giáo đường Do Thái ít nhất một lần mỗi ngày. Từ rất lâu trước trận ốm cuối cùng, cha đã yêu cầu vị giáo sĩ Do Thái tiến hành tang lễ cho ông hoàn toàn bằng tiếng Hebrew, cứ như thể tiếng Hebrew là sự đáp trả mạnh mẽ nhất có thể tương xứng với cái chết. Còn với đứa con út của cha, ngôn ngữ chẳng có ý nghĩa gì cả. Cùng với Howie, ông đã chính thức thôi nói về Do Thái giáo từ mười ba tuổi - vào ngày Chủ nhật ngay tiếp sau lễ trưởng thành hôm thứ Bảy của ông - và kể từ đó chưa từng đặt chân vào một giáo đường Do Thái. Thậm chí ông còn để trắng chỗ điền mục tôn giáo trong mẫu đơn nhập viện, sợ rằng cái từ "Do Thái" đó sẽ bất chợt ghé thăm phòng ông từ miệng một giáo sĩ đến nói chuyện theo đúng kiểu các giáo sĩ. Từ khi còn rất trẻ ông đã nhận ra tôn giáo chỉ là một trò lừa, và ông thấy tất cả các tôn giáo đều gớm ghiếc, coi những nghi lễ vớ vẩn sặc mùi mê tín là vô nghĩa, ấu trĩ, không thể chịu nổi sự ngây thơ toàn tập ấy - kiểu nói chuyện chỉ dành cho trẻ con, sự ngay thẳng đạo đức và đám con chiên, những tín đồ nhiệt huyết. Với ông thì đừng có nói mấy lời bịp bợm về cái chết và về Chúa trời hay những tưởng tượng lỗi thời về thiên đường thiên điếc. Chỉ có thân thể của chúng ta, được sinh ra để sống và chết-theo những điều kiện mà những thân thể đã sống và chết trước chúng ta quy định. Nếu bảo ông đã định vị được vai trò triết học cho bản thân mình, thì chính là điều đó - ông đã nhận ra nó từ rất sớm, một cách bản năng và dù nó có giản lược đến đâu, thì toàn bộ cũng chỉ có thế. Nếu có bao giờ ông viết tự truyện, ông sẽ gọi nó là Cuộc sống và Cái chết của một Thân thể Giống đực. Nhưng sau khi nghỉ hưu ông lại trở thành một họa sĩ chứ chẳng phải nhà văn, vậy nên ông đành đặt cái tên đó cho một loạt tác phẩm trừu tượng của mình.
Nhưng chuyện ông tin hay không tin gì chẳng có gì quan trọng vào cái ngày người ta chôn cha xuống bên mẹ trong cái nghĩa trang tiêu điều sát kề đường cao tốc Jersey Turnpike ấy.