Số lần đọc/download: 0 / 20
Cập nhật: 2021-09-04 23:15:24 +0700
Chương 4, Óc Thanh Bần
« Đời không tiền, không biết có hỏng không, nhưng đời chỉ biết có tiền thì khó khỏi hỏng. » WATERSTONE
1. Người dĩ nhiên có xác. Mà xác cần vật ăn uống để sống. Vật ăn uống hay vật gì mà xác dễ chịu, có thể gọi chung là hàng hóa, thứ được tiêu biểu bởi tiền trong sự trao đổi giữa người và người. Xét tự bản chất tiền, ta thấy nó nếu không tốt, ít ra cũng vô tư. Có điều lạ là người đời, chẳng biết tại đâu, quá thiên vật chất có lẽ, đã suy tôn Tiền lên bàn một thứ chúa tể, nắm quyền vạn năng trong cuộc nhân sinh phiền toái. Đừng nói chi chuyện đời xưa. Hãy coi ngay cái thời đại được gọi là văn minh kiểu nguyên tử nầy, bạn và tôi sẽ thấy thế lực chuyên chế như ác-quân của đồng bạc. Người ta phần đông nói luân lý, tôn giáo, chánh trị, xã hội, giáo dục, ân tình, nhân nghĩa lung tung và lăng nhăng sau cùng đều qui vào sự kiếm hơi đồng. Điều có khác là kiếm cách tế nhị hay trắng trợn. Đâu ai trách được khi đồng tiền biểu dương cho giá trị những vật tất yếu của cuộc sống con người. Đáng buồn là người ta mua bán những thứ có tính chất cao cả siêu linh, những thứ xét thấu đáo, nhứt định không thể đổi bằng tiền bạc. Ai giàu lương tri tất cho là lưu manh hạng người trịch thượng đặt dưới nanh vuốt của con buôn những ái tinh, danh dự, niềm vui, lòng ái quốc, tài hoa, sắc đẹp. Có người chưởi đồng tiền, bảo trong nó có một sức mạnh của quỉ đã lôi cuốn người suy đồi. Nhưng kỳ thực chính óc thiên vật thứ óc mê của phàm, nó tạo trên đầu con người một đám mây mù, khiến con người không nghĩ đến hướng thượng, ngất đầu lên với cao cả, linh thiêng. Nó trì cả con người khum xuống đống vật chất, bôn ba cách cuồng dại như lên đồng trong sự săn tìm càng nhiều càng hay những của mây thổi. Làm cái gì bây giờ tôi cũng nghĩ coi có lợi không, nói rõ hơn là có tiền? Nghĩ như vậy thực ra đúng ở chỗ ta có trách nhiệm về sự tồn vong của thân xác cá nhân hay người thuộc ta. Ai không nghĩ như vậy thì đáng bị khinh là khùng, là siêu thực tế. Nếu cần một chứng cứ uy quyền thì Kinh Thánh đây: « Người thợ có quyền lãnh lương ». Đúng rồi. Nhưng óc con buôn đừng quên một lao công thuộc tay hay thuộc óc ngoài mục đích hưởng lợi vật chất, hẳn còn nhiều ý cùng tế nhị, cao cả hơn. Sức làm việc của con người không phải như của một cái máy, mà mang màu sắc nhân vị. Nghĩa là tác động với tinh thần, ý chí, tình cảm v.v... Bạn tòng quân, cầm súng ra trận, khỏi cần nói, trước nhứt bạn đòi chánh phủ trả lương để bạn sống, để nuôi vợ, con hay cha mẹ già. Những ngày nỗ lực của bạn ở bãi chiến, bạn còn nghĩ đến quyền lợi quốc dân, vận mệnh quốc gia chớ. Tôi làm giáo sư dĩ nhiên tôi muốn mỗi tháng Hiệu Trưởng tính cho tôi tiền thù lao sòng phẳng để tôi sống vì người xưa dạy « ăn đi rồi hãy triết lý: Manducare deinde philosophare ». Song khi tận tâm giảng bài cho học sinh, tôi đâu chỉ nghĩ bán một ý gói trong bao nhiêu lời là mấy cắc, mấy xu mà còn và nhứt là tôi muốn rót vào bao nhiêu tâm hồn nguồn cảm tưởng mà tôi cho là cao cả, tạc vào khối óc sáp của tuổi trẻ tướng diện con người tà đức mà tôi cho là lý tưởng. Mà tưởng người làm công nào thấu rõ chân nghĩa của lao công, đều cho việc làm của mình có nhiều mục đích cao hơn tiền.
2. Nói vậy không ai ngông cuồng coi quá tầm thường tiền bạc. Thực tế chua cay đợi bao nhiêu người ngoài ngưỡng cửa gia đình cha mẹ hay học đường, dạy cho người ta biết nghèo mạt quả là khốn nạn. Hai vợ chồng trẻ mới cưới nhau về, muốn hạnh phúc để cả ngày hú hí với nhau phải có tiền. Hì hục đói. Hì hục rét hoài, chưa chắc có hạnh phúc phu thê đâu, thưa các bạn trẻ. Thiếu tiền bạc, nhiều khi những tình chí cao như tình phụ tử, mẫu tử, huynh đệ, bằng hữu có thể bị sứt mẻ. Tôi chưa nói lòng hy sinh của người cộng tác không khổ, hao mòn, khi ta quá nghèo túng. Tiền bạc mà không có, nhiều khi làm ta mất nhân nghĩa, lễ độ nữa kìa. Bạn là người thi ân của tôi, đến ngày lễ sinh nhựt, bổn mạng, ngày tết hay lễ gia đình nào đó của bạn, lòng phải quấy của tôi buộc tôi đem đến bạn chút lễ gì. Mà túi tôi rỗng. Ngay những vật khẩn thiết cho gia đình, tôi cũng không có lấy một xu để mua nữa. Chả lẽ tôi đến nhà bạn với mặt trơ như thổ địa. Lòng quảng đại của bạn đã hiểu cho gia cảnh tôi. Tôi hi vọng vậy. Nhưng rủi bạn không hiểu cho thì sao và có chắc gì tôi thổ lộ những lý lẽ riêng biệt của mình, người đời trong đó có bạn, hiểu cho tôi chăng? Tai quái là thời nầy lại đánh giá con người trong cái ăn cái mặc, cái ở, cái xã giao bằng kim tiền nữa chứ. Không phải dại dột cho giàu là có nhân cách; nhưng nghèo quá chắc khó mưu thành công. Vậy phải sáng suốt nhận cái lý do tồn tại căn bản của đồng tiền.
3. Nhận như vậy mà ta vẫn có thể tạo cho mình óc thanh bần, óc mà Đấng Cứu Thế ca tụng trong « Bát Phúc » Người nói « phước cho ai có óc thanh bần ». Câu nói của Người chứa nghĩa siêu nhiên. Mà ta hiểu theo nghĩa hiện thế, vẫn đúng trăm phần trăm. Ở đây tôi không có ý quảng cáo cho đời khổ tu của những vị ẩn sĩ, tu sĩ của nhiều thứ đạo chủ trương xa tránh trần tục. Tôi chỉ muốn bàn lối tìm chân hạnh phúc cho cuộc đời ô tạp, rắc rối, bị chi phối bởi thị dục tham giàu nầy.
Người ta cảm thấy sướng trong địa vị xã hội tiền rừng bạc bể. Kỳ thực tiền chỉ có giá trị tiêu cực là lấp cái lỗ thiếu về những điều cần thiết của con người. Chớ khi lỗ ấy lấp được rồi, chưa chắc tiền tự nó làm cho con người cảm thấy sung sướng tích cực. Bà mẹ nghe sướng vì tiền, khi có tiền nuôi con. Mà khi con no ấm rồi, bà còn nguồn khoái trá thâm sâu hơn là yêu con, lo cho con nên người, thấy trong con hình ảnh của bạn trăm năm, chân tướng tâm hồn mình và đặt bằng những nét hôn vào trán con, một niềm hy vọng vô bờ bến. Có cái gì tồi tàn cho bằng tiền bạc đầy rương đầy trấp, đất điền cò bay thẳng cánh mà sống bủn xỉn, vô lương, bóc lột kẻ yếu hèn. Có gì buồn cười cho bằng lặn hụp trong vàng kho ngọc lẫm mà ngu đần, chữ thì đọc ngược, miệng mở ra thì nói bậy.
4. Có gì đau xót bằng vì tiền của do mình làm ra, vì quí trọng tài sản của vợ hay chồng, mà nói nặng nhẹ hất hủi cha mẹ, nhứt là khi các vị sa cơ, già cả, nghèo túng, bịnh hoạn.
Có gì ô nhục cho bằng chỉ vì miếng ăn, manh mặc mà bán rẻ nhân phẩm, lòn cúi, nịnh bợ kẻ giàu có đến chỗ không còn phân biệt được phải quấy, chánh tà.
Có gì đáng thương hại cho bằng vì óc biển thủ, vì bụng dạ lường thưng trào đấu, vì lòng dạ tị hiềm, háo lợi mà gieo tiếng xấu, chỉ trích mỉa mai công trình đang lên của đồng nghiệp nhứt là của bằng hữu.
Có gì tởm gớm cho bằng vì muốn luôn đắc lực hiểu theo nghĩa càng có tiền nhiều càng hay mà láo xược, bịp bợm với bất cứ ai mình giao tiếp, giả mặt cao giá bon thóp « đắc nhân tâm » hiểu theo nghĩa nịnh để khai lỗ mội tủ sắt người ta.
Có gì khả ố cho bằng vì lỗ miệng, vì muốn sống trên nhung lụa mà bán đi đời tuyết bạch để đi ăn xin một mối tình thừa.
Có gì đáng khinh rẻ cho bằng khi có cơm có tiền, được chức quờn cao mà khi thấy cha mẹ già cả, quê mùa, nghèo túng không dám tiếp trước mặt bè bạn hay ăn nói lên mặt giàu có đối với cha mẹ dầu khi những vị nầy quấy trăm phần trăm.
Có gì hèn mạt cho bằng kẻ non tuổi trong gia đình vì ỷ tiền của của cha mẹ mà hỗn ẩu, xấc xược với những gia nô, nhứt là những đầy tớ già cả, đã quên đi đời tư của mình, cả đời cung hiến lao công phục vụ cha mẹ họ và chính bản thân họ.
Có gì đáng sa lệ bằng ham mê tiền bạc mà chia xẻ tình chung thủy, say mê duyên mới để người bạn tào khang sống rầu buồn, cô độc. Thưa bạn tôi chỉ mới kể sơ một số cái « có gì » đáng tiếc khi người ta bị óc trọng phú chi phối. Kỳ thực trên đời còn biết bao nhiêu cái « có gì » đáng tiếc nữa. Chung qui tại thiếu óc thanh bần. Chân nghĩa của óc thanh bần là nếu phải lâm hoàn cảnh nghèo vẫn nỗ lực giải thoát ách nghèo. Nhưng không gì đó mà tự ty, sa lầy trong ham mê tiền của. Nếu thời vận độ, được sung túc vẫn khéo dùng tiền của để tác thiện mà không hề nô lệ óc trưởng giả.
KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC: « TIỀN BẠC LÀ ÔNG CHỦ XẤU MÀ LÀ TÊN ĐẦY TỚ TỐT. »