Nguyên tác: Повесть О Суровом Друге (1937)
Số lần đọc/download: 271 / 6
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:36 +0700
Chương 4 - Phút Chót Của Nền Quân Chủ
Rũ sạch nó khỏi chân.
Tượng vàng ta đâu cần,
Điện Nga hoàng thêm căm giận!
1
Vào tháng Hai năm 1917 ở nhà máy nổ ra một cuộc bãi công chưa từng có. Cả nhà máy im phăng phắc; ngay cả tiếng còi, mà cả thành phố vẫn sinh hoạt theo, cũng im bặt. Từ sáng chúng tôi đã chạy ra xem một cảnh tượng chưa từng thấy – cả nhà máy ngừng việc. Em gái Abdulka, bé Tonka cũng bám lấy chúng tôi. Nó vén váy chạy theo sau, vừa chạy vừa ti tỉ:
- Abdulka, chờ em với!
Không gì có thể kìm chúng tôi lại được, ngay cả tin thằng Hughes – chủ nhà máy – đích thân đứng gác nhà máy với khẩu súng nạp muối. Muối sợ hơn đạn nhiều. Đạn là cái quái gì? Sẽ giết chết mình và thế là xong. Còn nếu bị bắn muối vào mông thì chỉ còn mỗi cách cấp cứu là tìm lấy chậu nước, ngồi vào đó, rồi cứ ngồi và chịu đựng cho tới khi muối tan hết.
Đã thấy phảng phất không khí mùa xuân. Nước từ trên mái nhà nhỏ giọt xuống thánh thót. Trên những con đường ẩm ướt đã thấy xuất hiện những chú quạ lông xanh sẫm. Chúng bước khoan thai, vẻ trang trọng, dọc theo những vũng tuyết đang tan, gảy gảy những chiếc mỏ trắng dài.
Qua cái lỗ mà chỉ có chúng tôi biết ở hàng rào, chúng tôi nối đuôi nhau lần lượt lọt vào nhà máy.
Cái đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là tuyết sạch trắng tinh ở khắp mọi nơi: trên mái nhà các phân xưởng, trên những nồi hơi đã han gỉ, trên các thỏi thép đúc của lò mác-tanh vứt dọc hai bên lối vào đều trắng toát. Điều đó thật kỳ lạ: chúng tôi đã quen thấy tuyết trong nhà máy đen sì như bồ hóng.
Ngạc nhiên hơn nữa là sự im lặng. Những lò đúc gang lặng lẽ vươn cao ảm đạm. Trên đó cũng đầy tuyết phủ, mặc dù trước đây luôn hừng hực lửa. Trong nhà máy trở nên sáng sủa hơn: bầu trời được quét sạch khói và bồ hóng. Những chiếc cần trục mũi tù đầy tuyết phủ sừng sững trên những đường ray han gỉ.
Trong phân xưởng lò mác-tanh vắng lặng, lạnh lẽo. Chúng tôi chui qua cửa lò xếp nguyên liệu chui vào bên trong và nhảy múa trên mặt gang đã đông lại cứng ngắc.
Sau đó chúng tôi chạy sang phân xưởng nồi hơi. Phân xưởng dường như rộng ra vì yên ắng và vắng bóng người. Ngẩng đầu nhìn lên những chiếc cần trục treo bất động dưới mái nhà – mũ sẽ rơi khỏi đầu ngay.
Vaska bắc loa tay lên mồm, hét vang khắp phân xưởng:
- Cù-cúc-cu-cu!
Tiếng vang truyền qua các vòm cuốn của tòa nhà vọng lại thành nhiều âm điệu trong các nồi hơi vất lung tung ở khắp nơi.
Thằng Ucha người Hy Lạp, quay khuôn mặt giả tảng sợ hãi lại thì thào:
- Các cậu ơi, đó là thằng Hughes nhại lại chúng mình đấy, – rồi nó hét lên. – Ê, Hughes chui ra đi!
Tiếng vang vọng lại: “Ê, ui-i!”
Thằng Ilyukha sợ hãi lùi lại.
- Gọi lão Hughes làm gì? Đợi đấy, rồi lão ấy đến tóm cổ hết bọn bay!
Chúng tôi không thèm nghe thằng Ilyukha. Lòng chúng tôi tràn ngập niềm vui và ý thức tự do. Liền theo đó Vaska lại hét lên:
- Các cậu ơi, đó là lão Hughes chui vào nồi hơi đe dọa chúng mình đấy! Tớ tuyên bố ném bom!
Chúng tôi hò reo ủng hộ sáng kiến đó. Một trận bão đá đổ xuống cái nồi rỗng tuếch và cả phân xưởng ầm ầm đến mức ngay cả người thợ nồi hơi điếc đặc cũng sẽ không chịu nổi.
- Thôi các cậu ơi! – Vaska giơ tay ra lệnh.
Chúng tôi đứng yên không nhúc nhích, tay vẫn nắm chặt những hòn đá. Vaska nhìn chúng tôi thăm dò:
- Hãy khai ra. Cậu nào dũng cảm?
- Tớ!
Vaska liếc nhìn tôi, và tôi thấy sờ sợ: bỗng dưng cậu ấy lại bắt tôi leo lên ống khói nhà máy, nơi mà ngay cả quạ cũng không bay tới được, thì sao?
- Được. Còn ai dũng cảm nữa?
- Thế sao? – Tonka hỏi, láu lỉnh nghiêng nghé đôi mắt đen láy xinh đẹp.
- Ai không sợ đến nhà lão Hughes?
Chuyện táo bạo đó chỉ có Vaska mới làm nổi. Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy lão Hughes, lão thường xuyên sống ở Peterburg và rất ít khi về đây. Bọn trẻ kể là ba con ngựa giống màu xám của lão được lão cho uống rượu để phi nhanh như quỷ dữ! Ngay cả những bộ móng của chúng cũng bằng bạc cơ!
Tóm lại đến nhà lão Hughes thật đáng sợ. Chúng tôi im lặng, không biết trả lời Vaska ra sao. Thằng Abdulka gãi gãi chỏm tóc cứng queo mọc dựng đứng trên đỉnh đầu.
- Thế sao? – Ucha hưởng ứng đầu tiên. – Nào chúng ta cùng đến nhà lão Hughes, bảo cho lão biết là chúng mình cũng bãi công.
- Và cùng xem thiên nga, – thằng Ilyukha nhắc thêm.
- Thiên nga nào?
- Các cậu không biết à? Trong vườn nhà lão có hồ nước và thiên nga bơi ở dưới ấy.
- Để làm gì?
- Cho đẹp.
- Thế mày nhìn thấy à, thằng tóc hung? – Ucha hỏi.
- Không phải tao, mà người khác nhìn thấy… Bác tao có lại chơi và bảo là em bác nghe thấy vậy…
- Nói khoác: em bác ta thấy, lão chủ ăn ở đấy…
- Chả có gì là lạ cả, – Vaska nói. – Lão Hughes giàu sụ… Trong kho nhà lão có cả những hòm đầy vàng kia.
- Và nhà lão trắng thật là trắng nhé, – cái Tonka tiếp, – các anh có biết tại sao không? Nhà làm bằng đường mà…
- Đừng có nói khoác, – Vaska ngắt lời cô bé. – Tớ sẽ kể cái khác về nhà lão Hughes, chuyện mà các cậu không thể tin được.
- Sao cơ, Vaska?
- Ở nhà lão Hughes nước chảy thẳng từ hồ vào nhà theo đường ống!
- Thế nào kia? – Tonka hỏi.
- Thế này nhé: ở tường có vòi nước, nếu vặn nó thì nước sẽ tự chảy ra, dù muốn chảy suốt ngày cũng được.
- Ôi, buồn cười nhỉ!
- Lão ta cần làm gì ngần ấy nước nhỉ, chả lẽ lão uống hết cả à? – thằng Ilyukha nghi ngờ hỏi lại.
- Nước phòng cháy mà, – Abdulka tỏ vẻ thông thạo, giải thích.
- Nào thôi, đến nhà lão Hughes đi! – Vaska ra lệnh.
- Này, lão Hughes sẽ bắn chết chúng mày đấy, – thằng Ilyukha lùi lại. – Tốt hơn hết tao về nhà chén ngô cái đã.
- Cút ngay và đừng có quay lại, – Vaska bảo nó.
Và thế là bộ năm chúng tôi gồm Vaska, tôi, thằng Abdulka với cái Tonka và thằng Ucha, dấn thân vào con đường nguy hiểm.
Thằng Ilyukha làu bàu nói với theo:
- Chúng mày cứ đi đi, đi đi… Chó nhà lão Hughes sẽ cắn rách quần chúng mày ra! Rồi lão Hughes sẽ chụp ảnh chúng mày, bấy giờ sẽ biết!
Chúng tôi đi xuyên qua phân xưởng cơ khí, rồi chui qua hàng rào ra cánh đồng cỏ. Ngoài đó, biệt thự của lão Hughes có bức tường đá xám bao quanh đứng tách biệt hẳn ra. Cạnh cổng là cái chòi gỗ cảnh sát sơn sọc trắng đen.
Chúng tôi lội trên bãi tuyết mùa xuân đã bắt đầu ẩm ướt, không sâu lắm và lặng lẽ tiến lại gần nhà Hughes. Những mảnh chai sắc nhọn tua tủa dựng đứng trên thành tường để ngăn chặn không cho ai có thể leo qua được.
Tường thật là cao. Chúng tôi nhặt vài hòn gạch xếp chồng lên nhau. Vaska leo lên vai tôi và chỉ trong nháy mắt đã ở trên tường. Chúng tôi đứng dưới, thì thào hỏi:
- Thế nào, có gì ở đấy, Vaska? Có gì?
Vaska giơ nắm đấm bẩn thỉu ra và chúng tôi im bặt. Nhưng tính tò mò vẫn át tất cả và thằng Ucha cũng đã chống nạng, leo được lên. Nó định kéo theo cả cái Tonka lên, nhưng con bé lại bị tụt xuống, rách cả váy và khóc ti tỉ.
Tôi và Abdulka tranh cãi xem đứa nào phải đứng dưới đỡ. Vaska lại dọa chúng tôi. Chúng tôi im bặt và lúc đó Abdulka mới chịu nhường. Tôi trèo lên lưng nó, nó nâng tôi lên và tôi vất vả lắm mới leo được lên tường. Để khỏi bị những mảnh chai cứa đứt tôi thu tay vào trong ống tay áo bông. Ucha đưa nạng kéo thằng Abdulka lên.
Còn một mình con Tonka đứng dưới rền rĩ.
Tim tôi đập thình thình vì sợ hãi và tò mò. Tôi đã nhìn thấy ngôi nhà trắng. Cạnh cửa ra vào có dựng một cái xẻng dính những cục tuyết. Những con đường nhỏ xung quanh đã được dọn sạch.
Tôi nhìn kỹ cái sân qua những cành lá lưa thưa của những cây và bụi cây trồng ven tường. Trong sân vắng lặng, không thấy một con thiên nga nào ở đâu cả.
Bỗng nghe thấy có tiếng người. Tôi khiếp sợ dán mình xuống bờ tường, cửa ra vào bật mở, một con chó cao lớn màu xám với cái mõm vuông rộng và cái cổ dề bằng đồng rất diện chạy từ trên thềm xuống. Sau con chó xuất hiện một nhóm người. Họ chậm rãi đi theo con đường dẫn ra cổng sắt.
Bỏ chạy thì đã muộn. Chúng tôi chết lặng đi.
Nhờ những chiếc khuy óng ánh trên áo khoác tôi đã nhận ra tên cảnh sát trưởng, cả cha Ioann trong bộ áo thày tu màu đen với cây thánh giá bạc đeo trước ngực cũng ở đây.
Tôi thấy cả người đội mũ quả dưa. Đó chính là tên men-sê-vích thấp lè tè đã nói chuyện trong buổi họp mặt bí mật kỷ niệm ngày Mồng Một tháng Năm mùa xuân năm ngoái. Bây giờ hắn mặc cái áo lông có cổ lông thú lớn hệt cái vòng cổ ngựa – suốt từ cổ xuống đến bụng.
Đi giữa đám đó là một người mặc áo măng-tô kẻ ca-rô, đội mũ cát-két da vàng. Căn cứ vào điếu xì gà kỳ lạ màu nâu mà hắn nhai trong mõm và thở khói ra như một ống hơi nước, tôi đoán đó chính là lão Hughes. Bộ râu xén tỉa hình tròn một cách cẩn thận bao quanh khuôn mặt no bự của hắn.
Bọn họ tiến gần lại cổng mà không nhìn thấy chúng tôi. Con chó hít hít đám tuyết ẩm ướt ở rệ đường. Cũng may những cành cây đã che chở chúng tôi một cách chắc chắn.
Lão Hughes vừa nhai điếu xì gà ngoại quốc, vừa nói cái gì đó. Thỉnh thoảng lão dừng lại, thế là tất cả cũng đứng lại nghe lão nói.
Lấy ngón tay lấp lánh nhẫn vàng trỏ vào ngực tên men-sê-vích lùn tịt, lão Hughes nói:
- Các nhà công nghiệp – tinh hoa của đất nước – cần phải giành lấy chính quyền của nước Nga. Nga hoàng Nikolai không còn khả năng tiếp tục cuộc chiến nữa. Thời của Nga hoàng đã chấm dứt. Toàn đất nước Nga ngập tràn những cuộc nổi loạn.
- Cái mà ngài gọi là nổi loạn ấy là cách mạng đấy, – tên béo phị đáp lại lão Hughes. – Cuộc cách mạng cứu tinh và thanh lọc đấy!
Lão Hughes bực tức phẩy tay:
- Những lời nói suông… Cách mạng là một sự hỗn loạn và chính những người Nga các ngài sẽ chết trong sự hỗn loạn đó.
Con chó cọ cọ cái mõm vào túi áo bành-tô kẻ ca-rô. Lão Hughes vuốt ve con chó, rồi quay lại tên cảnh sát trưởng:
- Người ta cố khuyên Nga hoàng chấm dứt chiến tranh với bọn Đức bằng con đường hòa bình. Nếu các ngài mắc cái sai lầm đó và Nga hoàng ký kết hòa bình thì tất cả hầm mỏ, nhà máy của các ngài sẽ về tay các nhà công nghiệp Đức hết.
- Chúng tôi không cho phép điều đó, ngài John Ivanovich ạ, – tên cảnh sát trưởng nói.
- Người ta không xin phép các ngài đâu, – lão Hughes cứng rắn đập lại. – Người ta sẽ giành lấy chính quyền bằng sức mạnh. Phải chăng có thể cho nhân dân quyền tự do? Nếu một ông chủ để cho súc vật của mình được tự do thì trong nhà đó lợn sẽ nhảy lên làm chủ. Ồ, ồ bên nước Anh chúng tôi những người thợ tự hiểu nhiệm vụ của họ là làm việc, chứ không phải làm chính trị…
- Chúng tôi lại được giáo dục khác, – tên men-sê-vích nổi nóng, kiễng chân lên trước mặt lão Hughes, có lẽ hắn muốn tỏ ra cao hơn. – Lý tưởng của chúng tôi là tự do, bình đẳng và bác ái!
Lão Hughes thậm chí quay hẳn lưng lại tên men-sê-vích – lão không ưa kiểu nói đó. Lão quay sang nói chuyện với người mũi hếch, có bộ râu xồm xoàm giống như của một tên lái buôn, chắc hắn phải là chủ của một nhà máy hay hầm mỏ nào đó.
- Hôm qua tôi vừa nhận được điện từ Peterburg, ở đó có hai mươi vạn công nhân bãi công… Ồ, nước Nga thật là một nước man rợ!
- Chính thế, thưa ngài Hughes, – tên có râu hùa theo. – Nước Nga chúng tôi quả là một nước man rợ, vâng đúng, mọi rợ. Đôi khi tôi nghĩ thật là xấu hổ vì mình là người Nga…
Không thèm nghe hắn nói hết, lão Hughes quay sang tên cảnh sát trưởng:
- Các anh có đủ sức thắng được bọn bãi công không?
- Đủ chứ ngài John Ivanovich! Người ta đã cho gọi cả quân Cozak của đại úy von Graff tới nữa.
- Cần chấm dứt ngay cuộc bãi công này càng nhanh càng tốt.
- Xin tuân lệnh, thưa ngài John Ivanovich. Ngài có thể tin tưởng ở chúng tôi.
Rồi lão Hughes lại quay sang tên men-sê-vích lùn tè, nắm lấy chiếc khuy áo lông của hắn:
- Còn các anh, những nhà xã hội hay như các anh vẫn tự xưng… các nhà dân chủ, nhiệm vụ của các anh là cứu lấy nước Nga, tách xa nhân dân khỏi cách mạng.
Lão Hughes lấy đầu gậy vẽ lên tuyết một cây thập ác, rồi chọc mạnh vào nó:
- Chiến tranh, thưa các ngài, chỉ có chiến tranh! Chiến tranh rất có ích, nó phục hồi xã hội và thúc đẩy sản xuất phát triển. Hãy kêu gọi chiến tranh!
Tôi không hiểu một tí gì về những điều lão Hughes nói. Và cũng không phải điều đó làm tôi bận tâm. Chiếc gậy của lão chủ xưởng thật là lạ. Bốn phía gậy nổi lên những hình quả thông nhẵn thín, còn ở chỗ tay cầm lại lấp lánh một cái đầu rắn bằng bạc.
Tôi vươn lên trước để ngắm chiếc gậy cho kỹ hơn, thì vừa lúc ấy thằng Abdulka và thằng Ucha tranh cãi nhau điều gì đó và cấu chí nhau. Cái nạng của thằng Ucha rơi từ trên tường xuống, và như trêu ngươi, lại rơi trúng ngay đống gạch.
Con chó nhảy xổ đến chỗ tường.
Tôi nhảy xuống, bọn nó xô nhau nhảy theo ầm ĩ, rồi chúng tôi chạy thục mạng.
Đến một cái khe không sâu lắm, cách nhà lão Hughes không xa, tôi rơi xuống ngập trong tuyết đến thắt lưng, nằm thở hổn hển. Tôi cảm thấy tuyết có vẻ ấm áp. Trong bầu không khí tĩnh mịch chỉ nghe thấy tiếng chim sơn ca.
Chẳng bao lâu thằng Abdulka cũng ngã lộn nhào vào, kéo lê theo chiếc nạng gãy rồi đến cái Tonka và cuối cùng Vaska tươi cười lăn vào.
Chúng tôi ngồi lại trong khe khá lâu, sợ thò đầu ra sẽ bị lão Hughes bắn.
Chúng tôi đi xuyên qua nhà máy về nhà và dọc đường nhặt đầy mũ than: từ khi bãi công bắt đầu, không có gì để đốt lò cả.
Mẹ tôi khen tôi đã nhặt than về. Buổi tối Vaska lại nhà tôi và hai đứa ngồi sưởi ấm bên bếp lò đến khuya, cùng nhớ lại cuộc hành quân đến nhà lão chủ xưởng.
2
Cuộc bãi công lan sang các mỏ bên. Tàu hỏa ngừng chạy. Không một mỏ nào làm việc. Trong thành phố từ sáng đến tối nổ ra những cuộc mít-tinh lớn. Bọn nhà giàu cau có nhìn công nhân, gọi họ là lưu manh, là bọn nổi loạn.
Một hôm thấy nói có cuộc ẩu đả giữa công nhân và lính Trăm Đen – bọn hộ vệ Nga hoàng – ở cạnh viện Duma của thành phố, tôi và Vaska lao tới đó và đuổi kịp đoàn bãi công dọc dường. Công nhân khoác áo bành-tô vá víu với những đôi ủng mòn vẹt vừa đi thành hàng lối nghiêm trang oai vệ vừa hát. Đi đầu là chú thợ máy Sirotka, cánh tay còn lại giương cao lá cờ đỏ.
Đó là một con người khác thường. Cánh tay chú bị chặt đứt ngoài chiến lũy vào năm 1905. Tên hiến binh chém vào tay chú và tiện đứt luôn cả cánh tay với lá cờ. Thế mà bây giờ chú Sirotka lại mang lá cờ đỏ đang phần phật tung bay. Tôi nhìn chú thán phục và thầm nghĩ, nếu như người ta chặt đứt tay tôi, tôi cũng sẽ hành động như chú.
Đoàn người mang theo một bức tranh lớn có vẽ hai người lính cách nhau bởi những chiến hào. Một bên là lính Nga, bên kia là lính Đức. Người lính Nga đưa tay cho người lính Đức, ở dưới có dòng chữ: “Vô sản tất cả các nước, liên hiệp lại!”
- Vaska, tớ không hiểu trong bức tranh ai là vô sản tất cả các nước, lính Nga hay Đức?
- Thế cậu không biết à?
- Biết nhưng quên.
Vaska cười khẩy:
- Cả hai. Tất cả những người nghèo đều là vô sản. Cậu cũng là vô sản, cả tớ, cả bố cậu đều là vô sản. Ucha cũng thế.
Tôi thật là kỳ quặc: đã biết bao lần tôi nghe thấy danh từ đó, mà lại không biết chính mình cũng là vô sản. Tôi chạy lên đầu đoàn biểu tình, chỗ thằng Ucha đang chống nạng khập khiễng bên chú Sirotka.
- Ucha, cậu hỏi đi: tớ là ai?
- Để làm gì?
- Cậu cứ hỏi đi.
- Thôi được, cậu là ai?
- Tớ là vô-ô sả-ản!
Công nhân vừa đi trong đoàn biểu tình vừa hát:
Ta dũng cảm, kiêu hãnh
Giương cao cờ đấu tranh
Cho sự nghiệp công nhân.
Ôi, ngọn cờ vĩ đại
Của toàn thể nhân loại
Cho thế giới đẹp tươi
Cho tự do sáng ngời!
Bọn trẻ con chúng tôi cũng xếp hàng nối vào đoàn bãi công và cao giọng hát hòa theo đoạn điệp khúc quen thuộc:
Bước đều bước,
Tiến lên trước
Nào công nhân
Hãy xông vào trận tuyến
Đẫm máu
Chính nghĩa và thiêng liêng!
Bọn cảnh sát đứng yên hai bên hè phố. Chúng đều mang gươm và có súng, nhưng không hiểu sao lại không động đến công nhân.
Khi đoàn biểu tình chúng tôi tới gần quảng trường “Chữa cháy” thì từ phố bên, bọn Trăm Đen – gồm những lão lái buôn, cha cố vác thánh giá và ảnh thánh, bọn chủ hiệu cầm cờ Nga hoàng – tiến ra đón đầu. Lão hàng giò Tsybulya đi trước, tay cầm chân dung Nga hoàng.
Các đường phố và cả quảng trường chật ních người. Tôi chưa bao giờ thấy lắm người đến thế và tự nhiên nắm lấy tay Vaska vì sợ lạc trong đám đông.
Cả quảng trường ồn ào ầm ĩ. Phần phật tung bay trước gió đủ loại cờ: cờ đỏ của những người bôn-sê-vích, cờ đen của bọn vô chính phủ và cờ ba màu của Nga hoàng. Diễn giả phát biểu ở mọi góc của quảng trường. Nhiều người leo cả lên vai các đồng chí của mình, giơ giơ nắm đấm lộn xộn hét lên, mỗi người theo ý của mình, cảnh tượng hỗn loạn, nhộn nhạo. Góc này hát “Đã lâu chúng tôi bị xích xiềng”, góc kia lại “Lạy Chúa, xin Người che chở cho Đức Vua”.
Chúng tôi lách lại gần diễn đàn chính, chỗ có tượng Nga hoàng bằng gang.
Tượng này do các lái buôn dựng lên bằng tiền của mình. Tôi nhớ, chuyện xảy ra vào mùa xuân, khi các cha làm lễ cầu chúa trên quảng trường và vẩy nước thánh vào đám đông. Tôi liếc nhìn khuôn mặt bằng gang đen sì và thoạt đầu không tài nào nhận ra là ai. Một bên ria mép dài hơn, bên kia ngắn hơn, con mắt bên phải nheo nheo nhìn tôi, dường như cái đầu bằng gang đang ngắm bắn. Sau đó tôi nhìn dòng chữ “Đức Hoàng đế toàn Nga…”
Trong khi đó mít-tinh trở nên ồn ào, lộn xộn. Một người lính mặc áo khoác mở phanh ra, lọc cọc đôi nạng leo lên tượng vua.
- Các bạn, tôi xin chuyển tới các bạn lời chào từ chiến hào của những người lính Nga con em của các bạn! – Người thương binh giơ cao cái nạng cho mọi người xem. – Các bạn nhìn đấy, tôi đã đánh nhau chán rồi, và tôi xin nói: đả đảo bọn tư sản! Công nhân lãnh đạo nhà nước muôn năm! Những người bôn-sê-vích nói đúng: cần phải quay mũi súng chống lại chính phủ Nga hoàng!
- Đúng-úng! Đả đảo Nga hoàng khát máu!
Ai đó tung mũ lên trời, hò reo: “hoan hô!”.
Tôi cũng tung mũ lên, nhưng vừa lúc đó đám đông dồn sang một bên và chiếc mũ bị cuốn mất. Tôi ngồi thụp xuống sờ soạng dưới đất, nhưng không thấy. Lúc đứng dậy đã thấy tên men-sê-vích lùn tịt, tên là Angel, trên diễn đàn. Cái thằng béo ị đáng ghét này lại ở đây rồi. Hắn giơ giơ nắm đấm trắng như cái bánh mì lên và la hét:
- Đả đảo chế độ chuyên chế đè nén chúng ta! Nước Cộng hòa dân chủ muôn năm! Người công dân tự do muôn năm!
Hắn trợn mắt, giơ cao tay, kéo dài giọng:
- Người cô-ông dâ-ân! Nghe thấy không, danh từ đó vang lên nghe thật kiêu hãnh! Đúng, từ đó sẽ làm kẻ thù của chúng ta, bọn ủng hộ chế độ cũ, run sợ!
Hắn chỉ tay về phía đám đông:
- Hỡi người lao động, Chúa sẽ cứu giúp, bạn sẽ không phải làm nô lệ nữa! Bạn sẽ là người công dân! Chỉ cần đừng thù ghét nhau, chớ tiến hành nội chiến, chớ nổi loạn. Chúng ta bây giờ không còn giai cấp nữa. Chẳng hạn tôi là chủ nhà máy, bạn là công nhân, tất cả chúng ta đều là dân tộc Nga thống nhất. Chúng ta có chung một kẻ thù là bọn Đức! Chúng ta cùng chung một mục đích là chiến thắng! Muốn thế cần có nhiều súng đạn hơn nữa. Chúng ta hãy đánh tan tên Wilhelm vô đạo và cứu lấy Tổ quốc!...
- Mày đi mà đánh nhau!
- Xuống, đồ vô sỉ!
Nhưng tên men-sê-vích không nghe ai cả và nói tiếp:
- Đúng, Chúa sẽ cứu giúp chúng ta! Chúng ta hãy quên đi những cuộc cãi lộn, những mối hiềm khích! Hãy đồng tâm nhất trí…
- Đả đảo! Lôi chân nó xuống!
Lão chủ hiệu giò Tsybulya leo lên diễn đàn.
- Xin hãy yên lặng! Chúng tôi muốn một trật tự do Chúa và Đức Vua định đoạt ra.
Có người nào đó tóm lấy quần lão Tsybulya và lôi tuột lão vào đám đông. Bọn chủ hiệu, chủ các quán rượu và những người đánh xe ngựa bênh vực hắn. Cuộc ẩu đả hỗn độn bắt đầu. Trong lúc lộn xộn tôi lạc mất Vaska. Người ta giẫm vào chân tôi khá đau và tôi nhanh nhẹn lẩn vào nấp dưới cổng chính một ngôi nhà ai đó.
3
Ở đây ấm hơn. Đầu tôi hoàn toàn bị lạnh cóng vì mất mũ. Tôi nhìn quanh. Tại cổng chính rất rộng có một chiếc thang gác với tay vịn bọc nhung đỏ chạy thẳng lên trên.
Từ trên đó vọng xuống một tiếng trẻ con dễ thương:
- Genya, chờ em với, em sợ ở lại một mình…
Một thằng bé diện quân phục, đầu không đội mũ và một con bé mặc áo lông trắng chạy từ thang gác xuống. Một chú chó con lông trắng nhảy nhót sau chúng làm những chiếc nhạc đồng kêu leng keng. Con chó lập tức nhảy xổ lại tôi, sủa ầm ĩ. Chắc nó không thích cái áo bông bẩn thỉu với đôi tay dài lòng thòng của tôi.
- Margo, không sủa nữa! – Con bé quát con chó, nhưng con vật đã ngoạm vào quần tôi nhay nhay. – Margo, mày có nghe thấy không? Tao nói gì hả?
Thằng bé mặc quân phục tiến lại gần tôi. Trông nó giống hệt một viên sĩ quan thực thụ.
- Sao mày lại ở đây? – Nó nghiêm khắc hỏi.
Tôi sợ không nói được một lời.
- Tao hỏi mày, thằng rách rưới kia, sao mày lại ở đây?
- Tôi muốn ăn, – tôi làu bàu.
- Để nó yên, Genya, – con bé em thằng ca-đê* bênh tôi.
- À, mày lại không cút hả? – Nó hung hãn nhắc lại. – Có lẽ mày muốn biết thế nào là đo ván phỏng?
- Đừng, Genya, anh nhìn xem nó xanh xao biết chừng nào. Dù sao anh cũng là người hào hiệp và sẽ không đánh kẻ yếu hơn chứ.
- Lui ra, đừng cản trở tao!
Thằng ca-đê khuỳnh tay trước ngực, nhảy nhảy tại chỗ trước mặt tôi.
- Hãy đỡ đi, đồ hèn!
- Mặc nó, Genya, nó chỉ là một thằng ăn xin thôi kia mà!
- Xê ra! Mày hãy làm trọng tài cho tao thì tốt hơn. Khi nào tao cho nó đo ván, mày hãy đếm đến mười.
Thằng ca-đê vẫn nhảy nhót, giơ nắm đấm ra rồi đột nhiên thụi vào trán tôi. Em gái nó đứng xen vào giữa chúng tôi.
- Thôi!…
Thằng ca-đê cau mặt:
- Lúc nào mày cũng cứ can thiệp vào chuyện của tao. Thế thì hãy để cho nó cút khỏi đây đi!
- Khoan đã. Em sẽ cho nó bánh mì. Ê, thằng ăn mày kia, đi theo tao! – Rồi con bé chạy lên thang gác.
Chính tôi cũng không hiểu vì sao mà tôi đã lê đôi giày há mõm rách tã trên những bậc thang lát đá hoa theo con bé.
Đến tầng hai tôi dừng lại trước cánh cửa cao sơn trắng mà ở chỗ tay cầm lại là hai chiếc vòng bằng đồng ngoắc vào hai hàm răng sư tử. Cánh cửa nửa khép nửa mở. Tôi bước vào và đứng sững lại.
Những cái tôi nhìn thấy ở đây dường như trong giấc mơ. Trong gian phòng rộng lớn, sáng sủa, cửa sổ kéo từ dưới sàn lên đến trần. Trên tường treo những bức tranh lồng trong những khung mạ vàng chắc nịch. Dưới tranh là một hàng ghế bọc lụa xanh, chân uốn cong. Trong những chiếc thùng gỗ nhỏ có trồng những cây gì đó mọc từ sàn lên đến trần nhà. Từ trong góc phòng tượng một người đàn bà cao bằng đá trắng với hai cánh tay cụt nhìn tôi. Tất cả những cái đó phản chiếu xuống sàn nhà sáng ánh lên như trên mặt gương. Trong phòng thơm ngát mùi nước hoa và từ đâu đó vọng tới một điệu nhạc nhè nhẹ.
Tôi đứng nhìn cảnh đẹp đó, dường như đang mơ, không đủ sức nhúc nhắc nữa. “Phải chăng lại có người sống như thế ư?” tôi thầm nghĩ và chợt nhớ đến căn nhà hầm chật hẹp, nền đất sét ẩm ướt của chúng tôi, ở đó dưới gầm giường chỉ có chuột và cóc nhái nhảy lung tung sau thùng nước ở ngoài hiên.
Cô bé lanh lẹn đi từ phòng khác sang, làm tôi bừng tỉnh. Tôi lúng túng đổi chân nọ sang chân kia.
- Mày vào đây làm gì, tao đã ra lệnh đợi ngoài cửa kia mà! Đấy, xem, lại còn làm bẩn nữa! Cầm lấy bánh và cút ra.
Con bé ca-đê đưa cho tôi miếng bánh mì trắng mềm. Miếng bánh bốc mùi thơm phức. Không biết nhét vào đâu tôi cho miếng bánh vào ngực áo rồi đi xuống.
Xuống hết thang đã thấy thằng ca-đê và em nó đứng ở cửa, đang nhìn ra chỗ quảng trường đầy người. Tôi đi qua chỗ chúng nó, rồi dừng lại trước cổng chính.
Mít-tinh ở quảng trường vẫn tiếp tục, nhưng ẩu đả đã không còn nữa. Và không chỗ nào còn cờ vua nữa, chỉ có những vuông vải đỏ phần phật tung bay trên đầu đám công nhân.
Tôi liếc nhìn bọn con nhà giàu. Không chê vào đâu được: thằng ca-đê đẹp trai, lông mi dài, lông mày hình mũi tên, còn khuôn mặt thì dịu dàng sáng sủa như của con gái. “Dù sao Vaska của mình vẫn đẹp hơn, – tôi nghĩ. – Chỉ tiếc một điều cậu ta ăn mặc rách rưới… Còn bọn tư sản con này lại lên mặt… Cái con nhóc ấy lại dám gọi mình là thằng ăn xin!…”
Em gái thằng ca-đê bỗng nhăn mặt lại, khi nhìn đám công nhân:
- Ph…phì, sao họ bẩn thế! Sao họ bẩn thế hở Genya?
- Danh từ “thợ thuyền” là từ chữ “nô lệ” mà ra, – thằng anh giải thích, – mà bọn nô lệ đều bẩn cả.
- Anh Genya này, tại sao họ làm loạn? Họ cần cái gì?
- Chúng muốn lật đổ Đức Hoàng đế khỏi ngôi vua.
Cô bé tròn xoe mắt.
- Chúng ta sẽ ra sao nếu không có vua?… Sao người ta không bỏ tù chúng vì tội đó nhỉ?
- Bọn chúng quá đông. Chúng ta không đủ nhà tù.
Một bà gầy ngẳng, đeo kính, cau có hiện ra ở cửa. Bà ta làu bàu cái gì đó rất nhanh không phải bằng tiếng Nga và thằng ca-đê trả lời:
- Cô Pyu, chúng cháu vào ngay đây.
- Cậu làm như mình đã lớn rồi ấy, – bà ta nói bằng tiếng Nga. – Nhưng cậu đã nghĩ lầm, cậu hãy còn bé và người lớn vẫn còn phải chịu trách nhiệm về cậu. Chỉ thiếu nước là cậu… – mụ ta giương đôi mắt cú vọ lạnh lùng nhìn tôi. – Chỉ thiếu nước là cậu lôi về đây cái bọn… bọ chó kia. Ôi, thật kinh khủng!
Tôi không thèm nghe mụ ta nữa. Vaska từ đâu đó nhô ra và mừng rỡ lao đến:
- Cậu ở đâu thế?
- Còn cậu?
- Công nhân đập phá tan hoang đồn cảnh sát rồi. Úi chà, khoái thật!
Tôi lôi miếng bánh trong ngực áo ra.
- Ai cho cậu đấy?
Tôi đưa mắt chỉ hai anh em thằng ca-đê. Vaska sa sầm mặt. Cậu khinh bỉ nhìn bọn con nhà giàu con rồi giận dữ khẽ bảo tôi:
- Vứt đi!
- Tại sao?… Đây là bánh mì mà!
- Quẳng đi, đã bảo mà, đây là bánh mì của bọn tư sản!
Tôi không thể không nghe Vaska được, nhưng lại không nỡ vứt miếng bánh đi. May sao nhìn thấy Alyosha Pupok trong đám đông, tôi đưa luôn miếng bánh cho nó:
- Này cho cậu để trả nợ món thịt nhé, – tôi bảo nó. – Cậu nhớ chứ?
4
Khi tôi và Vaska lại lách vào tới đài kỷ niệm thì mẹ Alyosha Pupok đang đứng trên diễn đàn. Bà làm ở lò than cốc và thường bị tức ngực khó thở. Bà mặc chiếc váy đã cũ, vá chằng vá đụp, áo bông ngoài thủng lỗ chỗ. Mẹ Alyosha đứng trên cao, mọi người đều nhìn thấy rõ, bà gập lưng xuống, lấy tay che miệng, vẻ biết lỗi. Mọi người nhìn khuôn mặt gầy gò của bà, im lặng căng thẳng. Cuối cùng bà khó nhọc nói:
- Đó là hơi than cốc… nó đã ăn mòn cả phổi… Các bạn công nhân! Bàn tay chúng ta làm nên tất cả. Thế mà sao con cái chúng ta không có gì ăn? Hãy vùng lên, còn chờ đợi gì nữa? Nga hoàng không bao giờ đem lại tự do cho chúng ta cả! Lòng tham vô độ của bọn nhà giàu bóp chết chúng ta. Phá tan những cửa hàng của bọn chúng đi!
- Đúng!
- Hãy nhất loạt nổi dậy!
Bà còn muốn nói thêm điều gì nữa, nhưng lại ho sặc sụa. Mọi người gượng nhẹ thận trọng đặt bà xuống đất. Cha tôi leo lên đài kỷ niệm.
- Các đồng chí hãy xông đến nhà tù! Hãy giải phóng cho anh em chúng ta!
Tôi và Vaska theo mọi người chạy đến nhà tù, ở đó người ta đang lấy đá đập phá cổng sắt.
Bọn lính canh bắn chỉ thiên. Rõ ràng trong nhà tù cũng đang nổi dậy. Cánh cổng kêu răng rắc.
- Mở ra, không chúng tao sẽ phá!
Tôi bỗng nhìn thấy trên tường nhà tù một người mặc áo tù màu xám với chiếc mũ lưỡi trai trông giống như cái bánh tráng. Chân bác ta bị xích. Người đó dang tay ra như đôi cánh và đột nhiên nhảy từ trên cao xuống đám đông.
“Tan xác rồi!”– tôi nghĩ thầm, khi nghe tiếng xích đập loảng xoảng xuống đất.
Vaska luồn vào đám đông. Tôi rượt theo cậu ta.
Người tù râu tóc bù xù và gầy như bộ xương ngồi bệt cạnh tường. Mắt bác ta đảo đi đảo lại trông rất kỳ quái dường như sợ người ta lại quẳng mình vào tù.
Hai chú công nhân lấy đá ghè gông cùm ở chân bác ra. Chiếc khóa văng sang một bên.
Một chú công nhân lấy mũ mình đội cho người tù, chú kia cởi áo đưa cho bác ta.
Đúng lúc đó cái Tonka lách lại, ôm chầm lấy cổ người tù, òa khóc. “Không lẽ người tù này lại là bố nó, chú Hussein sao? Sao tôi lại không nhận ra chú nhỉ?”
Mọi người nâng chú Hussein dậy và công kênh chú trên tay đi trong tiếng hô “Tự do!” vang dậy.
Cái Tonka chạy theo, khóc gào lên, tay níu chân bố.
Cửa nhà tù bị phá vỡ và những người bị bắt giam ùa ra, chạy tản ra khắp sân. Một đội hiến binh từ trong ngõ lao tới: công nhân ném đá đón đầu chúng. Cuộc ẩu đả nổ ra đến nỗi không ai tới được.
Đồn cảnh sát cạnh nhà tù cháy rừng rực. Một vài thanh niên lấy gạch ném con đại bàng hai đầu của Nga hoàng trên tường cho rơi xuống.
Cũng lúc đó bọn trẻ con ngoài phố tóm được một tên cảnh sát làm tù binh. Chúng dồn đuổi tên cảnh sát vào góc tường giữa nhà và mảnh vườn con. Tên này không còn chỗ nào chạy được, còn bọn trẻ con vây quanh hắn ta huýt sáo và rống lên ầm ĩ.
“Bị tóm rồi, đồ râu cá trê!” – tôi vui mừng nhận ra tên Zagrebay. Ở phố chúng tôi mọi người rất căm ghét thằng này. Nó hoành hành suốt vùng ven thành phố, đi lại vênh vang, dáng quan trọng, dọa nạt mọi người với những huy chương trên áo. Thấy có ánh lửa bên cửa sổ là nó rẽ vào ngay và hỏi: “Sao không ngủ”? – “Hãy còn sớm”. – “Có thể, chúng mày thức đọc truyền đơn sao?” – và thế là bắt đầu khám xét, lục lọi trong tủ, mở bàn ăn ra, hít hít. Thấy dưa chuột muối – là hắn bỏ ngay vào túi. “Không sao, bà chủ thân mến ạ, tôi thật rất mê những thức ăn muối”. Thằng Zagrebay không bao giờ gọi ai bằng tên, mà chỉ gọi theo dân tộc người ta. Nếu thấy người Do Thái hắn sẽ gọi: “Ê, Khaim – đồ ăn xin, lại đây” hoặc: “Này Khokhol, đồ du côn, mang gì đấy?” Có khi hắn lại ra lệnh cho người mới gặp: “Này Tatar nướng bánh đa, có thuốc lá không?”
Với bọn trẻ chúng tôi thì hắn béo tai và hành tội theo kiểu riêng – hắn tóm lấy tai, rồi vừa xách lên cao vừa hỏi: “Thấy Moskva chưa?”
Vaska thấy bọn trẻ bao vây tên cảnh sát, cũng lao về phía hắn ta.
Tên Zagrebay lấy bao kiếm xua đuổi. Hắn cười cười thảm hại dường như muốn cho biết là trò chơi bao vây này không có ý nghĩa gì cả. Nhưng trong đôi mắt híp như mắt lợn ỉ của hắn thấy ánh lên nỗi lo âu và bọn trẻ hiểu là tên cảnh sát khiếp sợ chúng.
- Đánh chết tên bạo chúa đi! – Vaska thét lớn.
- Tháo bỏ kiếm ra!
Bọn trẻ con huýt xuỵt bắt chước tiếng mèo kêu oe óe. Thằng Zagrebay bịt kín tai, ôn tồn nói:
- Thôi, các chú, nghịch ngợm thế đủ rồi.
Nhưng bọn trẻ lại giật vạt áo choàng của hắn. Vaska đạp vào bụng hắn, một đứa khác phía bên nhổ vào áo nó. Thằng cảnh sát sửa lại cái mũ bị lệch.
- Đủ rồi, các chú nhóc. Lính Cozak sẽ mang roi tới bây giờ. Tao thương hại chúng mày, khéo lại chết cả nút đấy.
- Tháo kiếm ra, không nói nhiều!
Thằng Zagrebay nắm đốc kiếm, dọa nạt bọn trẻ.
- Tao băm nhỏ chúng mày thành mảnh bây giờ!
Thằng Abdulka hổn hển chạy tới. Nó đang nóng lòng thanh toán với tên cảnh sát để trả thù cho bố. Vaska nhường chiếc gậy của mình cho Abdulka. Chú bé Tatar vung tay lên và chiếc mũ với cái phù hiệu bay vèo xuống đất. Thằng Zagrebay chĩa kiếm ra trước như một mũi giáo, rồi cúi xuống nhặt mũ, nhưng Vaska đã kịp giơ cả hai tay tóm lấy vỏ kiếm, giật về phía mình. Bọn trẻ xô vào giúp cậu.
Tên cảnh sát dựa lưng vào hàng rào, không chịu buông rời thanh kiếm. Nhưng vừa lúc đó, dây lưng lại đứt làm bọn trẻ ngã lăn ra đất cùng thanh kiếm. Hoảng sợ trước sự việc, bọn trẻ đứng phắt cả dậy, bỏ chạy tán loạn. Tên cảnh sát đầu trần đứng râu tóc bù xù. Bên sườn hắn, chỗ đeo kiếm, lủng lẳng mẩu dây lưng.
Bọn trẻ đã quăng thanh kiếm qua hàng rào. Đứng lại độ một phút, tên Zagrebay mới rầu rĩ lê đi tìm thanh kiếm.
5
Nhân dân tụ tập thành những đám đông trên phố chính. Đặc biệt bọn vô công rồi nghề tụ họp rất đông bên hàng rào. Một người đàn ông dội mũ, đeo kính đọc to, còn những người khác lắng nghe. Tôi thò đầu qua những khuỷu tay và thấy một tấm áp-phích to, cao hơn tôi:
BẢN TUYÊN NGÔN TỐI CAO
Nhờ ơn Chúa
Trẫm, Nikolai đệ nhị,
Hoàng đế toàn nước Nga,
Đức Vua nước Ba Lan,
Bá tước vĩ đại của Phần Lan,
vân vân, vân vân và vân vân…
Trẫm công bố cho cả thần dân của Trẫm…
Tôi quay lại sau xem Vaska có ở đây không. Cậu ấy ở ngay bên cạnh, cả thằng Ucha cũng đứng dậy, người tựa vào chiếc nạng, há hốc mồm nghe.
Ông đeo kính tiếp tục đọc:
- “Trong những ngày này… trước cuộc sống của nước Nga, Trẫm tự thấy phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho sự thống nhất bền vững của nhân dân ta… và thỏa thuận với viện Duma, Trẫm tự nguyện xin từ bỏ ngai vàng của nhà nước Nga và khước từ khỏi quyền tối cao…”
Tôi nhìn cái mồm há hốc ra của thằng Ucha và không thể hiểu được cái gì đã xảy ra. Giọng đọc vẫn vang lên rành mạch trong bầu không khí yên lặng:
- “Không muốn rời xa đứa con thân yêu, Trẫm xin truyền lại di sản của Trẫm cho người em của Trẫm là bá tước Mikhail Alexandrovich vĩ đại và cầu Chúa ban phước lành cho người lên ngôi vua đất nước Nga…
Chính tay Đức Hoàng đế vĩ đại đã ký: ‘Nikolai’. Bộ trưởng Hoàng cung đã ký: Đại tướng hầu cận – bá tước Frederik… Ngày 2 tháng Ba năm 1917, 15 giờ, thành phố Pskov”.
- May quá! Người ta đã tống cổ tên vua Nikolai đi rồi, – một người thợ già thở phào, khoan khoái nói.
- Bớt được một bà già, con bò thấy nhẹ hơn.
Tôi chẳng còn hiểu gì cả: hoặc là người ta giết vua, hoặc là có ai đó lật đổ hắn ta.
Thằng Ucha quay lại nhìn tôi, trợn mắt lên, rồi như bắt chước vua nói ngọng:
- “Chúng ta, Nikolai đệ nhị!…”
- Thưa các ngài! – Lão nhà giàu đội mũ trịnh trọng thốt lên. – Như thế là Cộng hòa rồi? – Rồi lão đi dọc phố, vẫy vẫy tay, mừng rỡ nói với mọi người: Nước Nga là Cộng hòa! Tự do!
Lão ta gặp tên cảnh sát trưởng và tiến lại gần định ôm hôn hắn, nhưng tên này đang bực tức và vội đi đâu đó, nên cũng chẳng thèm.
Một chiếc xe ngựa bốn bánh lao qua đường phố như một cơn gió lốc, trên xe có một mụ mặc áo lông đứng, một tay níu lấy ghế cho khỏi ngã, miệng kêu lên the thé:
- Tự do! Tự do!
Một thằng bé chạy tới, vội vã loan tin:
- Chạy lại quảng trường đi! Ở đấy người ta đang lật đổ vua đấy!
Chúng tôi chen lấn nhau xô lại phía đó và cảnh tượng trông thấy ở quảng trường lúc đó không thể tả lại được. Tôi nhìn và không tin vào mắt mình nữa: người ta đã chụp lệch về một bên chiếc mũ rách của tôi lên đầu tượng vua bằng gang. Tôi nhận ra chiếc mũ nhờ nửa mảnh lưỡi trai còn lủng lẳng và che mất bên mắt trái của tên vua.
Mọi người chung quanh cười rộ lên. Các bà già làm dấu. Sau đó một anh thanh niên mang thang đến và leo lên vai vua, buộc dây thừng vào cổ hắn. Đầu dây kia được quăng xuống, ở đó mọi người nắm lấy, hò reo: “Một, hai – kéo này!” định lôi tên vua nhào xuống, nhưng hắn thậm chí không nhúc nhích.
May thay lúc ấy một nông dân già đánh chiếc xe có đôi bò đực đi qua. Anh em công nhân cho dừng chiếc xe lại, tháo đôi bò ra và dẫn chúng về phía quảng trường. Tiếng cười lan ra hết đám này sang đám khác. Sợi dây buộc một đầu vào cổ vua, đầu kia vào đôi bò đực. Tất cả đồng loạt kêu, hét. Đôi bò giật mạnh, và Nga hoàng lung lay. “Cố lên, cố lên, anh em, – mấy người công nhân gào rõ to, khích lệ đôi bò. – Lần nữa nào!” Đôi bò lại căng dây giật mạnh khiến bức tượng nghiêng hẳn sang một bên. Mọi người giãn ra và bức tượng đổ ầm xuống đất, làm bụi bốc lên mù mịt.
Vaska là người đầu tiên lao lại chỗ tên vua. Trong nháy mắt cậu đã leo lên ngực đức Hoàng đế, sau cậu là bọn trẻ con, rồi tất cả nhảy múa trên đầu tượng gang.
Lúc đó chợt nhớ ra chiếc mũ, tôi định đi tìm. Tôi len vào đám đông và suýt đụng phải bố tôi. Bố tôi không nhìn thấy tôi và leo lên bệ tượng bằng đá, chỗ tên vua vừa đứng, giơ cao tay, khoa khoa một tờ giấy:
- Các đồng chí! Có điện gấp từ Petrograd đấy! – rồi bố tôi bắt đầu đọc to: – “Tuyên ngôn của Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga. Gửi toàn thể công dân Nga.
Vô sản tất cả các nước, liên hiệp lại!
Hỡi các công dân!
Thành trì của chế độ quân chủ Nga đã sụp đổ. Cuộc sống sung túc xây dựng trên xương máu nhân dân của bè lũ Nga hoàng đã tan vỡ. Thủ đô đã về tay nhân dân khởi nghĩa. Các đội quân cách mạng đã đứng về phía những người khởi nghĩa…
Chính phủ cách mạng lâm thời phải có trách nhiệm thảo ra những đạo luật tạm thời bảo đảm mọi quyền lợi và quyền tự do của nhân dân, phải tịch thu đất đai của nhà tù, của bọn địa chủ, của nội các và của hoàng gia trao lại cho nhân dân, phải cho áp dụng chế độ ngày làm tám tiếng với công nhân và triệu tập Hội nghị lập hiến…
Tiến lên! Không đường lùi lại! Hãy thẳng tay đấu tranh! Dưới ngọn cờ đỏ của cách mạng!”
Mọi người hoan hỉ nói cười ầm ĩ. Bố tôi lấy hết sức hét lên để át tiếng mọi người:
- Đồng chí Lenin, lãnh tụ của vô sản thế giới muôn năm!
- Mu-ôn năm! – Tiếng hoan hô phấn khởi vang dội khắp quảng trường, và những chiếc mũ lại được tung cao, những lá cờ đỏ mở rộng tung bay…