Số lần đọc/download: 6978 / 118
Cập nhật: 2016-03-06 21:42:11 +0700
Chương 5
N
GƯA CHỨNG NGỒI NGOAN NGOÃN. Đầu tóc chải gọn gàng. Không ghếch chân lên bàn học. Không hút thuốc. Không nhai kẹo cao su. Và mặc đồng phục. Lần đầu tiên tôi thấy ngựa chứng mặc đồng phục. Điều đó khiến tôi lo ngại. Tôi không tin là ngựa chứng đã dầm mình dưới dòng sông nước sạch để suy nghĩ và để hối hận. Những kẻ trót dại, hay tưởng mình làm đúng bỏ đất đứng ra đi, không thể trở về một cách dễ dàng. Cắi trớn đời thật ác độc. Nó hút cuốn kẻ sa ngã cơ hồ thỏi nam châm hút cuốn sắt vụn. Đã đi, sẽ đi mãi. Chỉ ngừng khi cái trớn đời đuối sức. Hoặc phải nổi loạn thêm một lần, bắt cái trớn đời ngưng hẳn. Nổi loạn là giao động tâm hồn cực mạnh. Ngựa chứng chưa bi giao động tâm hồn. Tôi biết những lời nói chân thành, thiết tha và tinh thần phục vụ của tôi chưa đủ khả năng làm giao động tâm hồn ngựa chứng. Chúng nó không tin tôi. Chúng nó vẫn tưởng tôi làm công việc nhai lại đạo đức trong sách vở; vẫn tưởng tôi đóng kịch lừa gạt chúng, vẫn tưởng tôi ôn hòa vì khiếp nhược. Mọi sự ngộ nhận đều bắt nguồn ở sự mất niềm tin. Tuổi trẻ, hầu như, đã mất hết niềm tin vào cuộc sống. Cho nên, sự ngộ nhận chỉ tăng lên, lan rộng. Một hạt bụi ngờ vực cũng đủ tạo thành trận bão cát hiểu lầm. Tuổi trẻ hôm nay chống đối sự hữu lý và chống đối cả sự vô lý, nổi loạn có duyên cớ và nổi loạn không can duyên cớ. Bão cát thời tung tất cả. Thiện chí và lòng thành đều bi bão cát phủ kín. Tôi đang bị bão cát đe dọa. Ngựa chứng bình thường là ngựa chứng sửa soạn biến chứng mới. Cái tĩnh của chúng đáng sợ gấp ngàn lần cái động.
Chúng không tỏ một cử chỉ gì suốt một giờ học. Sang giờ thứ hai, ngựa chứng đầu đàn giơ tay. Tôi hỏi:
- Anh Phong muốn tôi giải đáp điều chi?
Nó đứng dậy:
- Thưa giáo sư, giáo sư đã tìm ra kết luận cho vụ Giáo dục thời loạn, trò xin thần tí huyết chưa ạ?
Nó nói năng lễ độ. Nhưng trong sự lễ độ của nó chứa đựng nhiều khinh miệt. Tôi nói:
- Tôi sẽ thảo luận với anh ngoài giờ học.
Nó lắc đầu:
- Ngoài giờ học là những giờ di hoang, vô quán cà phê nghe nhạc kiếm chỗ nhẩy đầm lậu vi vút và bắt ghế!
- Anh thích giải quyết ngay?
- Dạ.
Nó bắt đầu ngạo mạn bằng ngôn ngữ thời đại:
- Dạ đi lẹ!
Đồng bọn của nó cười vang. Tôi nói:
- Giáo dục thời loạn, trò xin thầy tí huyết chỉ là cái "tít" vô ý thức của một tờ bào vô ý thức. Đừng nghĩ đó là vấn đề trọng đại. Anh đã đọc loạt bài đó, anh thừa rõ, cậu học trò đâu có đánh thầy của cậu hay cầm dao đâm chém ai. Cậu ấy còn nể thầy, tuy giận thầy, nên mới nhờ bạn bè đón đường hành hung thầy. Có tí huyết nào đâu?
Nó hỏi:
- Giáo sư bảo đừng nghĩ đó là vấn đề trọng đại. Thế tại sao ông thầy lại bù lu bù loa đòi ăn thua đủ với nó, đòi chính quyền bắt nó, họp báo mạt sát học trò thời nay đổ đốn?
Tôi đáp:
- Bởi vì ông giáo sư tỉnh X. cũng vô ý thức.
Nó mím môi:
- Giáo sư có biết thằng học trò đó trốn khỏi tỉnh X. chưa?
- Tôi biết
- Vậy tôi nên nghĩ gì về thầy giáo hại học trò?
- Anh nên nghĩ riêng về ông giáo sư tỉnh X.
Tôi nói tiếp:
- Nhưng nếu tôi là anh, tôi sẽ không nghĩ gì cả.
Nó gàn giọng:
- Tại sao?
Không khí lớp học ngộp thở. Những ánh mắt long lanh giận dữ. Trần Tâm Thành đứng tên:
- Phong, tao sẽ hạ mày. Tao chờ mày ngoài cổng trường.
Nguyễn văn Lành cũng đứng lên:
- Thưa thầy, con không học nữa, con không khiếp nhược nữa, con sẽ giết thằng Phong, để báo chí khỏi nói trò xin thầy tí huyết.
Khuôn mặt Thành cương quyết. Và khuôn mặt Lành khác lạ. Thằng Phong đứng im. Hơi run run. Thành sửa soạn dời chỗ ngồi. Tôi xua tay, điềm nhiên:
- Anh Thành, tôi không muốn tuổi trẻ của anh nặng nề trôi qua chấn song nhà tù. Anh Lang, tôi muốn anh thực hiện mộng ước thắp sáng quê hương anh. Các anh ngồi xuống.
Thành và Lành không chịu ngồi. Tôi đập tay trên mặt bàn:
- Tôi bảo ngồi xuống!
Nước mắt hai đứa ứa ra. Cả lớp đứng dậy, trừ ba con ngựa chứng:
- Thưa thầy...
Tôi trầm giọng:
- Ngồi xuống, thầy bảo các anh ngồi xuống. Hãy để anh Phong đứng vì anh ấy đang thích đứng. Mọi người có một lối đưng, một chỗ đứng. Các anh chưa cần đứng vội.
Học trò ngoan ngoãn nghe lời tôi. Mỉm nụ cười che giấu nỗi xúc động dạt dào,tôi nói:
- Cám ơn các anh.
Rồi nhìn ngựa chứng đầu đàn, tôi nhỏ nhẹ:
- Anh Phong...
Nó cũng đã ngồi xuống.
- Tại sao tôi khuyên anh không nên nghĩ gì? Anh muốn biết, tôi sẵn sàng cho anh biết. Giản dị lắm. Nếu anh cứ soi mói những chuyện chẳng may xảy ra trong xã hội mà thời đại nào và ở đâu cũng có, tâm hồn anh sẽ không phóng khoáng. Anh đừng cắt lời tôi. Tôi không phán xét ai cả vì sợ mình sẽ bị phán xét. Anh thích phán xét người khác, anh không sợ có ngày người ta phán xét anh hay sao? Ở đời, có những nỗi hàm oan ghê gớm, dẫu ta bị hàm oan, vẫn phải nghiến răng chịu nhục. Anh còn trẻ, còn nhiều năm bước trên đường đời. Ngoài đời, chẳng ai để phần cơm chờ đứa trẻ đi hoang ngang qua mời vô ăn đâu. Ngoài đời, chẳng ai thèm khuyên can ta. Chỉ có xua đuổi, hất hủi khi ta bơ vơ, lỡ bước. Bởi thế ta cần sống cao thượng và làm việc, cần tập sống cao thượng và làm việc. Mà sống cao thượng thì phải biết tha thứ. Tôi nói thật, anh và bạn anh không thắng nổi ý chí của tôi đâu. Anh có tìm đủ cách hạ nhục tôi cũng khó bắt tôi thù ghét các anh. Rốt cuộc, các anh thiệt thòi năm học và tâm hồn dồn ứ thêm những bất bình, xấu xa. Vất trả thù hận ra ngoài đời, anh Phong.
Nó lại đứng lên:
- Giáo sư "đấu láo" ngoài câu hỏi của tôi.
Thằng Luyện sỗ sàng:
- Xin hỏi một câu?
Tôi nói:
- Anh hỏi đi.
Nó toét miệng cười:
- Thí dụ giáo sư bị học trò đánh nhừ đòn, giáo sư có họp báo tố cáo học trò không?
Tôi khẽ nhún vai:
- Nhà giáo vốn cô đơn và bị bạc đãi. Chịu bạc đãi quen rồi, có bị bạc đãi bằng đòn của trò, tôi vẫn thản nhiên.
Luyện liếm mép:
- Chắc chứ?
Trần Tâm Thành nổi giận. Nó quay xuống cuối lớp:
- Mày muốn đánh thầy à?
- Tao chỉ hỏi.
Trần Tâm Thành nghiến răng:
- Cấm mày hỏi điều đó. Muốn hỏi thêm hãy bước qua xác tao!
Tôi gạt vội:
- Anh Thành quên những điều thầy nói rồi. Các anh cần phải sống cao thượng. Mọi việc khó khăn sẽ đều được giải quyết bằng những tâm hồn cao thượng. Chúng ta đang làm việc trong thời buổi khó khăn. Thầy hy vọng, nỗi khó khăn sẽ hết.
Ngựa chứng đầu đàn nói hai tiếng bâng quơ:
- Để xem!
Và bỏ chỗ. Đàn em của nó theo nó, dời lớp học. Nó dọa tôi. Để xem. Tôi nghĩ thế. Ngựa chứng nghênh ngang. Những con mắt hằn học trông theo. Tôi bảo học trò của tôi:
- Chúng ta nên tội nghiệp bọn nó.
Trần Tâm Thành nhăn nhó:
- Thưa thầy bọn nó cần cho uống thuốc đắng.
Tôi cười:
- Bọn nó sẽ không chịu uống hay uống vào sẽ nôn ói. Phải có lớp bột ngọt bọc lấy viên thuốc đắng. Các anh nên hiểu rằng xã hội đã mất tuổi trẻ chỉ vì xã hội thích đỡ và đàn áp sự phản kháng vô lối của tuổi trẻ. Đỡ thì được nhưng cần đỡ bằng nệm mút thật dầy. Đó là lòng độ lượng.
Tôi rút khăn thấm mồ hôi trên trán:
- Các anh đã biết đó, trường mình gần một ngàn học trò, tỉnh mình thật nhiều trường lớp mà chỉ có bốn con ngựa chứng, đâu đáng lo ngại. Miễn là các anh sống cao thượng, làm việc hăng say, tâm hồn luôn luôn hướng về cái đẹp của xã hội, bỏ ngoài tầm mắt những cái xấu xa thì bọn thằng Phong sẽ cô đơn, sẽ ân hận và chúng ta cứu rỗi được chúng nó. Thầy muốn các anh thương bọn nó như các anh thương thầy. Thù hằn không giải quyết được gì cả. Cuộc đời chỉ xây dựng bằng tình thương. Tình thương mới vĩnh cửu. Chừng các anh bỏ trường độ bước xuống cuộc đời các anh sẽ hiểu thầy nói đúng.
Nguyễn văn Lành chớp mắt:
- Thưa thầy...
Tôi nói:
- Anh khỏi lo. Bọn thằng Phong không dám hành hung thầy đâu.
- Ngộ nhỡ...
- Không có nhỡ. Và thầy không đề phòng chuyện có thể xẩy ra. Thầy giáo không nên đề phòng học trò của mình hại mình. Thôi, chúng ta tiếp tục làm việc.
Tôi tưởng học trò cửa tôi vâng lời tôi, quên những câu xấc xược của bọn ngựa chứng. Nhưng Trần Tâm Thành đã quá thương tôi. Nó nhờ anh nó dùng súng bắt bọn thẳng Phong quỳ trước một quán cà phê, tát thằng Phong tàn nhẫn và ra lệnh cho thằng Phong không được hỗn láo với tôi hoặc phải xin thôi học. Chuyện đó gây sôi nổi khắp các lớp. Lành báo tin. Khuôn mặt nó rạng rỡ. Tôi vò đầu, tức tối:
- Anh Thành thương thầy mà chính là hại thầy.
Tôi nhờ Lành gọi Thành xuống phòng của tôi. Thành lánh mặt. Mấy bữa sau, có giờ của tôi,Thành nghỉ học. Chắc nó đã nghe Lành thuật lại câu than vãn của tôi. Thành nghỉ học nhưng nó viết thư xin lỗi tôi. Nó thú nhận là nó hành động ngu dại, không giúp ích gì cho tôi cả. Tôi nhắn học trò bảo Thành cứ đi học. Ngựa chứng biệt tăm. Chúng đang nuôi thù hận. Chắc chắn, chúng đã nghĩ tôi nhờ anh của Thành dằn mặt chúng. Càng ngày, sự ngộ nhận về tôi càng lớn đối với ngựa chứng. Tôi mới thấy cái thiên chức giáo dục hôm nay thật khó khăn. Nhà giáo không những chỉ là người mở mang kiến thức cho học trò mà còn là người xoa dịu nỗi cô đơn của tuổi trẻ. Tôi chưa chán nản, song tôi thấy khó lòng chinh phục nổi ngựa chứng dù tôi đã nhập cuộc rodéo giáo dục.
Những gì sắp xẩy ra? Tôi đang trông đợi và sẳn sàng chịu đựng.