Thất bại ư? Tôi chưa bao giờ gặp phải. Với tôi, chúng chỉ là những bước lùi tạm thời.

Dottie Walters

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 11018 / 165
Cập nhật: 2016-04-24 11:35:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
5. -
ùa mưa đầu tiên xa nhà đã đến. Không gì buồn bằng những đêm mưa rả rích, nằm trên vạt gỗ cứng, đắp tấm chăn mỏng tang, nhìn ngọn đèn dầu leo lét, nghe tiếng mưa nhỏ giọt buồn lách tách trên mái tranh. Nhất là sau mưa một chút, gần nửa đêm, tiếng ếch nhái ngoài kia cứ kêu rền một nhịp điệu uềnh oang nghe mà đứt ruột. Hương ngạc nhiên thấy chỉ khi sống xa nhà, cô mới suy nghĩ và hiểu về mình thật nhiều, bên cạnh sự hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống. Có những điều mà Hương không bao giờ nghĩ là mình sẽ làm được, thậm chí còn cảm thấy kinh sợ, vậy mà bây giờ đã trở thành thói quen, bỏ đi đã thấy khó chịu lắm...
Dù muốn hay không, Hương cũng phải có trách nhiệm về mặt sức khỏe cho hàng trăm con người. Mùa mưa đến. Về mặt vệ sinh, nhiều vấn đề được đặt ra. Chưa kể những lúc đang ở hiện trường, cơn mưa ập đến, anh em không biết trú nơi đâu giữa đồng trống, bỏ về thì cũng ướt mà chỉ tiêu kế hoạch không đạt. Có đơn vị đã có người bị sét đánh chết. Bệnh lác phát triển do quần áo mọi người thường xuyên ẩm ướt. Hiện tượng viện lý do bệnh tật trốn lao động cũng tăng.
Đúng lúc đó, do yêu cầu cần tăng viện để dứt điểm kịp thời hạn công trình kinh tưới Tam Tân ở Củ Chi, khoảng 300 quân của Liên đội 11 đã được điều về nơi đây và chờ nhận thêm quân để thành lập một liên đội mới là Liên đội cơ động 7. Nguyên dàn chỉ huy của Đại đội 1 được phân theo đơn vị mới, làm Ban chỉ huy liên đội. Trong khi chờ đủ quân, Mạnh tạm chia biên chế thành cấp trung đội để có thể dễ quản lý. Đổi địa bàn công tác giữa mùa mưa, gây nhiều khó khăn cho đơn vị. Nhưng Mạnh vẫn cứ như vậy. Đội viên tích cực một thì anh tích cực hai. Mọi người đều tự thấy không thể đòi hỏi gì hơn và cần phải cố gắng hơn nữa, với một người chỉ huy như vậy.
Cơn mưa đêm nay đến sớm. Từ 4 giờ chiều, nền trời đã trĩu nặng, như thể có ai đem giăng trên đó một tấm chăn lớn màu xám xịt sũng nước. Những cơn gió chướng ở đâu không biết đã ào ào xô đến, kéo theo từng đám mây đen đến nhập cuộc, báo hiệu một cơn dông rất lớn.
Biết mưa sắp đến, các trung đội trưởng đã tụ lên văn phòng khá sớm để họp giao ban mỗi đêm. Họ báo cáo tình hình công tác trong ngày và nghe Ban chỉ huy nhận xét, góp ý và triển khai công việc sắp tới. Hương cũng dự giao ban vì bây giờ cô đã phụ trách y tế Liên đội, có nhiệm vụ báo cáo và ghi nhận tình hình sức khỏe của anh em.
Hương ngồi nhìn Mạnh đăm đăm khi anh đứng lên nhận xét về các trung đội. Liên đội tuy chưa đủ biên chế nhưng đã nhận thi công trên một tuyến kinh dài, các Bê chia ra thi công ở từng đoạn, vậy mà không tình hình nào qua được mắt Mạnh. Bao giờ cũng vậy, những ý kiến của anh rất hiếm khi bị phản đối, không phải chỉ vì chúng luôn xuất phát từ lợi ích chung, mà còn vì anh đã lăn lộn trên suốt hiện trường như thế nào để có được những phát biểu đó. Lý do để hầu hết mọi người ở đây đều quý trọng anh là như vậy. Khác hẳn với Tuấn. Khi Tuấn nhận xét về vai trò xung kích của các B trưởng, A trưởng, nhất là các đoạn thanh niên cộng sản và đối tượng Đoàn, anh thường quá nghiêm khắc. Và khi nhận định về ý thức giác ngộ của hầu hết anh em, anh lại có thái độ coi thường. Anh hiếm khi tin ở những tờ đơn xin nghỉ phép, nghỉ bệnh, và có lần đã làm Hương tức đến suýt khóc vì đã phê bình cô giải quyết cho nghỉ bệnh quá dễ dãi, làm ảnh hưởng đến năng suất lao động chung của cả đơn vị.
Qua Mai, Hương biết Tuấn là người Sài Gòn nhưng thuộc gia đình cách mạng, nên đã được tin tưởng và cất nhắc từ những ngày đầu mới tham gia phong trào thanh niên ở địa phương sau ngày giải phóng. Anh được vào Đoàn sớm, và khi thành phố thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong, tổ chức ra quân vào tháng 3-1976, anh được Quận đoàn bố trí ngay vào chức vụ đại đội phó chính trị. Hương đã khá thân với Mai để có thể nói thẳng những suy nghĩ của mình:
- Như vậy có thể gọi là bố trí theo lý lịch chứ không phải theo khả năng phải không? Những người có lý lịch tốt thì có phải cuộc đời sẽ hết sức suôn sẻ, thuận lợi, không phải mất sức phấn đấu gì mà vẫn có sẵn vị trí tốt, phải không? Mai cứ nói thẳng đi. Thí dụ như Tuấn là một người tính tình rất xấu thì sự thuận lợi đó chỉ càng có hại hơn cho công việc phải không?
Mai không phải suy nghĩ lâu khi trả lời:
- Chắc chị cũng đồng ý với em là tình hình Sài Gòn mình vừa giải phóng thì phải như vậy. Chúng ta – Hương đã nghe quen chữ “chúng ta”, bao gồm cả cô vào với những người cách mạng – phải cần trước những người có thể tin cậy được bằng lý lịch, rồi sau mới đến những người có thể tin cậy được bằng hành động. Thời gian sẽ sàng lọc và loại ra những ai là thứ “dỏm”. Lúc đó, vấn đề lý lịch sẽ không đáng kể nữa. Tuấn được thuận lợi nhưng nếu đồng chí ấy không biết dựa vào đó mà phát huy tài sức của mình, thì em tin là cũng sẽ đến ngày cái thuận lợi ấy sẽ chỉ là cái hại cho đồng chí ấy...
Hương ngạc nhiên nhìn Mai. Làm sao cô có thể có câu trả lời sâu sắc như vậy? Hiểu cái nhìn của Hương, Mai cười không giấu giếm:
- Anh Mạnh nói em nghe như vậy đó. Lúc đầu em cũng khó chịu về anh Tuấn lắm, nhứt là cái tật lao động qua loa, chỉ tay năm ngón của ảnh, nói ai mà nghe... Sau nghe anh Mạnh nói, em mới biết ai cũng có khuyết điểm hết, phải ráng giúp đỡ nhau tiến bộ, chứ không được ghét bỏ nhau. Từ đó em tập trung “dũa” anh Tuấn dữ lắm, ảnh mới đỡ như bây giờ.
Đúng là Tuấn có vẻ đỡ hơn. Anh ta đã chịu ra hiện trường đều, cũng lao động như mọi người, nhưng không hiểu sao anh em đội viên vẫn không thích gần anh. Có phải vì cái tật anh hay phê bình, lên lớp, không bao giờ tỏ ra tin vậy mọi người? Hay vì bao giờ anh cũng giữ một khoảng cách giữa mình và đội viên, luôn tự cho thấy “tôi là ban chỉ huy”? Mạnh thì khác hẳn. Tối tối, giao ban xong, trong khi Tuấn mắc võng nằm đọc sách hay đến bàn ngồi viết báo cáo, Mạnh đi xuống các tiểu đội ngồi nói chuyện tiếu lâm, đánh cờ tướng, hút thuốc lào, học ca vọng cổ, có khi cùng làm mấy xị rồi ngủ luôn tại chỗ. Mạnh thường bị Tuấn phê bình là tác phong thiếu nghiêm túc, hòa đồng buông thả, coi chừng theo đuôi quần chúng. Còn Tuấn thì bị Mai “dũa” là quan liêu, xa rời quần chúng. Nói chung, trong những buổi họp của văn phòng đội, Hương vẫn là người ít nói nhất. Cô không phê bình ai cả. Không phải cô sợ đụng chạm nhưng thấy chẳng lợi ích gì. Mỗi người mỗi tính, làm sao sửa được? Cô nghĩ vậy...
Mạnh đang đi vào ý kiến cuối cùng:
- Đoạn kinh chúng ta được giao là một trong những đoạn “khó ăn” nhất của toàn bộ công trình dài đến 8 cây số này. Chúng ta ở ngay khúc uốn và gặp đá ong, rất dễ lở sạt nếu đào đắp không đúng kỹ thuật, nhất là trong mùa mưa. Đề nghị các đồng chí động viên anh em nêu cao ý thức trách nhiệm trong lao động, cố gắng không gây ảnh hưởng tai hại đến...
Như để khiêu chiến với Mạnh, ngoài trời bỗng nổ lớn một tiếng sét, cắt ngang lời của anh. Cơn mưa lộp độp rơi xuống, rồi mỗi lúc một nặng hạt, mang đầy những âm thanh cuồng nộ như tức giận vì phải chờ đợi suốt từ chiều đến giờ.
Mặt Mạnh thoáng hiện nỗi lo. Anh hỏi Sáng, liên đội phó thi công:
- Có anh em nào trực ngoài hiện trường không?
Sáng đáp:
- Có Nghĩa và Đạo đang trực ngoài đó.
Con kinh dài 8 cây số, đi qua nhiều phần đất của bà con nông dân. Nhiều người hiểu được yêu cầu cần thiết của tuyến kinh, nhưng cũng không ít người cảm thấy như vậy là xâm phạm miếng đất của họ. Có đơn vị đã bị mắng chửi, thậm chí bị hăm dọa đánh. Cũng có hiện tượng bọn xấu tìm cách phá hoại tuyến kinh quan trọng sẽ tưới cho trên 2.500 hecta đất của huyện Củ Chi này. Vì vậy, trên toàn tuyến kinh, ở những đoạn đang được sự tập trung thi công của 5 liên đội Thanh niên xung phong mà quân số lên tới trên 1 vạn người, có những cái chòi dã chiến đã mọc lên để canh giữ những công trình của mình.
Cơn mưa ngày càng lớn... Ánh sáng giữa hai ngọn đèn dầu cứ chao qua chao lại, dù tấm phên đã được hạ xuống. Một số anh em phải ngồi dồn lại để tránh những chỗ dột. Hương để ý thấy tuy Mạnh vẫn vui đùa với anh em, nét mặt anh không giấu được vẻ lo lắng âm thầm.
Và anh đã là người đầu tiên đứng bật dậy khi tấm phên được ai đó từ phía ngoài đột ngột giở lên. Nghĩa khoác tấm nilông chạy ào vào, mang theo cả cơn gió lạnh. Nước mưa ướt đẫm đầu anh và chảy ràn rụa trên mặt. Tiếng la vang lên để lại một âm hưởng chấn động hơn cả tiếng sét bắt đầu cơn mưa khi nãy:
- Anh Mạnh, đầu S.7 lở rồi!
Cả phòng họp bỗng im phăng phắc, chỉ còn nghe tiếng lộp bộp đều đặn của những hạt mưa rơi xuống mặt bàn. Mạnh nói nhanh với Sáng và các Bê trưởng:
- Các đồng chí về tập họp anh em ra hiện trường gấp!
Anh ngừng lại một chút, rồi thêm:
- Ai còn mệt quá thì thôi nhé. Cứ để anh em nghỉ.
Mạnh đi nhanh đến góc phòng, nơi để dụng cụ lao động của mình. Rất tự nhiên anh cởi áo và quần dài, bỏ dép và cầm chiếc cúp lên. Hành động đó khiến Tuấn và mấy đồng chí khác trong văn phòng Liên đội biết là không thể ngồi nhà, tuy mưa ngoài trời vẫn rất lớn. Hương cố giấu tiếng thở dài, cúi xuống xắn ống quần của mình lên, dù biết không hy vọng gì tránh khỏi bị ướt nhẹp giữa cơn mưa này. Cô dợm bước qua phòng y tế để lấy tấm nilông ra khoác thì Mạnh như sực nhớ ra, nói:
- À, các đồng chí nữ khỏi ra nhé. Bê 6 cũng vậy. Cúc cứ ngồi đây chơi, tạnh mưa hãy về.
Mạnh gọi giật Sáng lại:
- Ông ghé Bê 6 nói giùm các cô cứ ngủ yên.
Rồi anh cứ ở trần như thế mà lao ra ngoài mưa. Trong màn nước dày đặc và bóng tối đã đổ xuống, từ các dãy nhà đã ùa ra những bòng người với tiếng gọi nhau ơi ới. Một vài tia chớp thi nhau chẻ nứt bầu trời, lóe sáng rồi tắt nhanh, làm quang cảnh cứ chập chờn ẩn hiện với những động tác của từng người trông rời rạc, đứt quãng thật lạ lùng...
*
S.7 là điểm ngay khúc uốn của con kinh, nếu sức nước mạnh rất dễ phá bờ. Chỗ này phía dưới lại toàn là đá ong, khi đào anh em phải vất vả rất nhiều, vì thế lại càng thương nó lắm.
Mạnh là người đầu tiên ra tới nơi. Anh thấy một mình Đạo đang ngâm mình dưới nước, đứng chịu trận giữa chỗ đê bị vỡ như cố mong hãm được phần nào sức nước chỉ bằng tấm thân gầy yếu của mình. Mạnh thương bạn quá, phóng ào xuống, nước ngập lên đến gần bụng anh. Anh thấy ấm áp không chỉ vì dòng nước ấm mà vì còn liền lập tức, đồng đội đã ào ào nhảy xuống bên anh. Tiếng cúp, tiếng xẻng va vào đá nghe chan chát. Những cánh tay gấp rút đưa lên, hạ xuống. Mọi người cố đào đất từ bờ bên này đắp sang bờ lở bên kia, nhưng suốt gần nửa giờ vẫn như dã tràng xe cát. Đất bồi được bao nhiêu lại bị nươc cuốn trôi hêt. Mạnh vừa làm vừa lúc lắc đầu cho nước mưa không làm nhòa mắt. Nhìn qua Sáng, anh chỉ thấy cái áo vá của bạn đang nhô lên thụp xuống thật nhanh theo động tác của từng nhát cúp. Nhưng sức nước vẫn nhanh hơn động tác đắp đất của mọi người. Quý, Bê trưởng Bê 2 đưa ý kiến:
- Hay mình xẻ rảnh hai bên để chia sức nước?
Ở đây không có thời gian bàn cãi nên đề nghị nào có vẻ hợp lý là được thực hiện ngay. Nhưng họ lại gặp thất bại vì đây là chỗ trũng, xẻ rãnh càng làm nước tụ lại nhiều hơn. Con nước vẫn chảy mạnh, thảnh nhiên bóc đi từng mảng đất. Anh em người ở trần, người choàng tấm nilông, đứng chống cuốc ngẩn ngơ nhìn. Vài người đã bắt đầu thấy lạnh. Nhất là Đạo, người đã có mặt từ đầu đến giờ. Anh đứng run, răng chạm vào nhau lộp cộp trong miệng...
Sáng chợt nhớ ra một kinh nghiệm đã được trao đổi trong lớp học kỹ thuật thủy lợi trước đây:
- Đề nghị mình tìm những khúc cây tròn chêm vào đó, đắp đất lên tạo thành nhiều đê phụ để cản nước.
Ý kiến của Sáng lại lập tức được biết thành hành động. Anh em ùa về doanh trại khiêng cây, gỗ... Trời tối, đường trơn, nhiều người bị té lạch bạch. Rồi mỗi lần đưa một khúc gỗ lên vai, lại có tiếng hô: “Thanh niên xung phong!” và hàng loạt tiếng đáp theo “Khỏe!”, át cả tiếng mưa gầm.
Cuộc chiến đấu với cơn mưa trong bóng đêm lại tiếp tục theo một nhịp điệu nhanh hơn, cho đến lúc dòng nước bị khuất phục hẳn. Qua mấy con đê phụ, nó chảy lặng lờ trở lại như một dòng suối hiền lành, làm như hoàn toàn không hay biết gì về cơn chướng khí vừa qua của mình.
Mọi người kéo nhau trở về, nói cười hể hả, quên cả cái lạnh đã bắt đầu thấm vào người, nhất là khi cơn mưa bắt đầu ngớt và những cơn gió lại hiu hiu thổi về.
Mạnh về tới văn phòng Liên đội, người ướt nhẹp, môi thâm tái. Chỉ còn Hương đang ngồi bên cây đèn dầu lớn đọc sách. Mái tóc mượt của cô vừa chải kỹ - Hương vẫn không quên một trong những biện pháp thô sơ nhất để làm đẹp mái tóc: chải thật kỹ hàng trăm lần trước giờ đi ngủ - xõa xuống gần ánh đèn, càng ánh lên vẻ mượt mà. Hương mặc một bộ quần áo bằng vải nội hóa thật giản dị nhưng may cắt khéo, thật xinh xắn, dễ thương. Cô đón Mạnh bằng một vẻ mừng rõ:
- Được rồi hả anh Mạnh?
Tự dưng thấy hơi ngượng, Mạnh vừa trả lời vừa đi nhanh vào phòng riêng:
- Xong rồi! Dễ thôi!
Cái tật của Mạnh là như vậy. Chuyện gì anh cũng nói: “Dễ thôi!”. Cuộc đời nghe đơn giản hơn với câu nói đó. Liền sau đó, Hương nghe tiếng Mạnh bật thót từ phòng riêng của anh và Tuấn:
- Chết rồi! Lại để quên cái khăn ngoài sân nữa rồi!
Qua mấy ô mắt cáo, Hương nhìn thấy Mạnh đang lục đục tìm cái gì đó trong phòng. Hương vừa tức cười vừa tội nghiệp. Tuấn về trước Mạnh mười phút, đã xách khăn và quần áo khô đi tắm. Hỏi thì anh ta nói xong rồi. Tuấn giữ vệ sinh rất kỹ và sống rất ngăn nắp, trật tự, có vẻ gì đó hơi quá chăm chút đến mình, trong khi Mạnh thì xuề xòa, thậm chí hơi bừa bãi.
Hương đứng lên, về phòng mình và Mai ở phía đối diện, đem một chiếc khăn qua đưa Mạnh:
- Anh lấy đỡ khăn tôi đi. Cho mượn đó, mai trả.
Mạnh lúng túng từ chối:
- Thôi được rồi đồng chí. Chút nữa cũng khô thôi.
Hương làm giọng nghiêm:
- Không được! Anh bịnh thì sao? Vừa tốn thuốc vừa có hại cho công việc chung trong lúc này.
Mạnh cầm lấy chiếc khăn trên tay Hương. Đôi mắt họ gặp nhau trong một thoáng và bất chợt Hương cúi xuống. Mạnh quay đi. Khi ấp chiếc khăn mềm vào gương mặt ướt của mình, Mạnh nghe dễ chịu hẳn bởi mùi hương nhè nhẹ phả vào mũi. Chỉ đến khi gần ngạt thở anh mới nhấc khăn ra, lau vội trên mái tóc, mơ hồ cảm thấy một điều gì rất mới mẻ, lạ lẫm, vừa đến với mình.
*
Việc dầm mình trong cơn mưa lớn đêm ấy đã làm một số đội viên vướng bệnh, trong đó có Đạo. Đây là một đội viên hơi đặc biệt, thường được nhắc đến trong nhiều buổi họp giao ban cấp liên đội lúc đơn vị Mạnh còn ở Lê Minh Xuân. Trước kia, Đạo là lính chế độ cũ và ghiền xì-ke, lúc mới gia nhập Thanh niên xung phong anh vào Đại đội 2, cùng Liên đội 11. Thỉnh thoảng Đạo vẫn còn bị vã nên đã hai lần trộm vật dụng anh em trốn về bán lấy tiền mua thuốc chích. Sau mỗi lần, anh đều tự trở lên đơn vị, nhận khuyết điểm và xin được tiếp tục công tác. Đến lần thứ hai, Xê 2 đã quá ngán “ông thần nước mặn” này nên biểu quyết xin khai trừ giao trả địa phương quản lý hoặc đưa thẳng về lại trường chữa trị xì-ke ở Bình Triệu. Sau khi cứu xét và theo đề nghị của Mạnh, Xê trưởng Xê 1, hội đồng kỷ luật Liên đội 11 đã giữ Đạo lại, giao qua Xê của Mạnh để giúp đỡ lần chót. Hương còn nhớ lần đó, Tuấn là người gay gắt bài bác quyết định này nhất. Anh cho rằng chẳng việc gì phải đi rước gánh nặng vào mình. Những người như Đạo phải để công an lo mới đúng.
Sự đối xử chân tình của tập thể đã làm Đạo cảm kích. Anh cố gắng chịu đựng và vượt qua các cơn ghiền, đồng thời tích cực lao động, ăn uống điều độ để lấy lại sức khỏe bình thường của mình. Mạnh còn dặn riêng Hương phải quan tâm chăm sóc đặc biệt cho Đạo. Anh nói:
- Anh ấy đã chịu đựng rất nhiều mất mát, đau khổ của cuộc sống dưới xã hội cũ.
Hương chỉ thấy ngại khi tiếp xúc với Đạo. Nét mặt và bộ tướng của anh trông khá dữ, lại thêm cái tính lầm lì, ít nói càng khó gần gũi. Trên cánh tay phải, anh xâm một trái tim bị mũi tên xuyên qua đang rỉ máu. Trên bắp tay trái anh xâm một chữ “Đời?” to tướng, sau lưng thì xâm một chiếc quan tài với ba ngọn đèn cầy đang cháy. Ngón tay trỏ bàn tay mặt của Đạo không hiểu sao bị đứt mất hai đốt.
Thời gian đầu, lúc còn ở Lê Minh Xuân, Mạnh bố trí Đạo vào khâu hậu cần, giao Hương theo dõi sức khỏe hàng ngày cho Đạo, giúp anh dứt bỏ bệnh ghiền cho bằng được. Đạo rất chăm trong công tác mới. Anh im lặng, suốt ngày lui cui bên bếp lửa. Phòng y tá gần khu hậu cần, mỗi sáng tinh sương là Hương đã nghe tiếng Đạo chẻ củi. Những hôm gặp củi ướt, Hương thấy Đạo cực hơn hêt. Khói bay mù mịt, nước mắt ràn rụa nhưng anh vẫn không rời bếp.
Mỗi ngày ba lần, Đạo đến phòng y tế nhận thuốc. Người thanh niên có vẻ mặt buồn hiu, lúc nào cũng như đang suy nghĩ một điều gì và rất ít nói đó, không hiểu sao đã làm Hương nghĩ đến khá nhiều. Trên người anh ta có đủ dấu hiệu của một quá khứ lẫy lừng... Lẫy lừng hay đáng thương? Và cứ mỗi chiều xong công việc, anh thường hay ra bờ kinh ngồi nhìn con nước trôi. Tiếc nhớ hay ăn năn về một thời xưa cũ?
Mấy tháng trời, từ Lê Minh Xuân qua Tam Tân, Hương đã hiểu được Đạo phần nào. Anh vốn ở nông thôn, cha chết vì bom Mỹ, mẹ bồng anh lên Sài Gòn lăn lóc kiếm sống. Học hành lem nhem được mấy lớp, Đạo bỏ học, theo bạn bè vào đời làm đủ thứ nghề: đánh giày, bán báo, giữ xe, gác bar... Rồi trốn lính, bị bắt, đào ngũ, tự chặt cụt hai lóng tay trỏ của bàn tay phải để mong được thoát, nhưng bị đưa qua làm lao công đào binh. Thành phố gần giải phóng, anh trốn được, tìm về mái nhà xưa cũ của mẹ. Tu tỉnh được ít lâu, bạn bè cũ kéo đến. Đạo lại ngựa quen đường cũ. Xì-ke trở nên khan hiếm, Đạo chích qua nước thuốc phiện đen, nấu từ bã sái và thậm chí cả từ giẻ lau bàn đèn. Vậy mà những thứ đó đâu có rẻ gì! Anh bắt đầu trộm cắp đồ trong nhà, đi bán lấy tiền chích. Mẹ anh khóc lóc khuyên can anh, lần nào cũng chỉ được vài ngày. Một hôm, Đạo bị “vã” thuốc đến ngất ngư, tưởng chết. Địa phương đưa anh đi cấp cứu rồi giao vào trường Bình Triệu, nơi chuyên chữa trị những nạn nhân ghiền ma túy. Ở đây, Đạo hồi phục dần, cuối cùng được chuyển qua Thanh niên xung phong sau khi đã mạnh khỏe. Về môi trường mới, từ không quen, dần dần anh đã cảm thấy mến cái tập thể sống rất bình đẳng này. Chỉ có một điều anh rất khổ tâm: những cơn ghiền xì-ke vẫn cứ dai dẳng đeo đuổi anh, nhất là mỗi khi cơ thể anh suy nhược, ốm đau. Mà ác thay, khi đã lên cơn, Đạo như trở thành một con người khác, không còn biết nghĩ gì, làm gì ngoài việc làm sao thỏa mãn được cơn ghiền bằng mọi cách, để rồi sau đó lại là bao ân hận, tự oán trách về ý chí khiếp nhược của mình.
Cái tính lầm lì ít nói rất khó gần gũi của Đạo thực ra đã được hình thành từ nhiều mặc cảm và từ cả một cuộc đời cũ không dám tin ai của mình. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Đạo đã chịu mượn vở chép nhạc của Hương để học lời những bài ca tập thể, chịu lên tủ sách mượn sách về đọc và những buổi nói chuyện giữa hai người đã đều đặn và dài hơn. Qua đó, Hương thấy Đạo là một người hoài nghi, ngay cả với chính mình. Một trong những bằng chứng về sự hoài nghi đó, mà Hương thấy rất rõ, là dấu xâm trên bắp tay trái của Đạo. Anh xâm một chữ “Đời?” to tướng. Có lần Hương đã hỏi Đạo:
- Tại sao hồi đó anh lại xâm trên tay chữ này?
Bằng ngón tay giữa và ngón tay cái, Đạo búng mạnh viên sỏi đang mân mê xuống kinh. Mặt nước êm đềm bỗng xôn xao gợn sóng.
- Vì lúc ấy tôi không hiểu được ý nghĩa của nó.
Hương ái ngại nhìn Đạo. Trong những ngày mà Hương mỗi sáng dậy đều có bữa điểm tâm dọn sẵn, đến trường thì được theo xe ba, trưa đi xích lô về, rồi sau có riêng một chiếc Yamaha xinh đẹp, không bao giờ phải thắc mắc hay lo nghĩ về cuộc đời... thì Đạo đã phải vất vả đi tìm câu trả lời cho mình như thế nào. Có lúc Hương đã phải bàng hoàng khi nghĩ rằng trước đây, mình không hề biết là có những người như Đạo, rất đông đang sống chung quanh. Tại sao như vây? Tại sao họ cũng như Hương, vậy mà cuộc sống của họ lại cực khổ như vây? Hương nghĩ tới những bài học chính trị mà mình đã được học và ngày càng nhận ra vì sao trước đây, khi còn ngồi ở ghế nhà trường Y tế, mình đã không thể hiểu được, dù đó cũng chỉ là những câu chữ đơn giản, minh bạch. Cuộc sống mới cùng những ý nghĩa có tính chân lý của nó, đúng là chỉ có thể được nhận ra, khi mình đã chính thức hòa nhập vào. Còn cuộc sống cũ? Đạo gần như đã lăn lóc trong nó, nhưng lại càng không hiểu về ý nghĩa của nó. Sao vậy?
Hương tiếp tục hỏi. Những câu chuyện của hai người thường luôn được nối nhau bằng một câu hỏi nào đó của Hương.
- Vậy bây giờ anh đã hiểu chưa?
Đạo lắc đầu, nhìn Hương bằng ánh mắt thách thức:
- Theo chị, đời bây giờ là gì? Là gì mà để từ một cô học trò đang được ăn học sung sướng ngày trước, giờ phải sống cực như thế này?
Hương đắng miệng không biết nói sao. Câu hỏi của Đạo khơi dậy trong cô gái quá khứ lắng đọng dưới đáy cuộc sống mới mà cô đã quen thuộc bấy lâu nay. Cái quá khứ cụ thể của Hương, có thể Đạo chưa biết, nhưng chắc chắn cũng như nhiều người khác ở đây, anh đã phần nào đoán được gốc gác của Hương qua cách sống và bộ tướng của cô. Câu nói còn nhắc Hương hiểu sự có mặt của cô tại nơi này rất được mọi người để ý và... chờ đợi. Cô sẽ chịu đựng được bao lâu? Một câu hỏi mà chính Hương, nhiều đêm vẫn thường tự đặt ra cho mình.
Một lần khác, Hương lại hỏi:
- Trước anh hút xì-ke làm gì cho bây giờ phải khổ?
Đạo tìm câu trả lời:
- Hồi trước, thứ đó có rất nhiều. Thấy bạn bè hút, tôi bắt chước rồi thành nghiền. Nhẹ rồi thành nặng, hút đổi qua chích, tôi đã định bỏ mấy lần mà vẫn không được.
Thực ra, anh chưa muốn nói cho Hương hiểu. Rằng một trăm người gác bar, có người nào không ghiền? Chủ cho “chơi” khỏi trả tiền mà. Trắng, đen, vàng...(1) muốn thứ nào có thứ đó. Chỉ cần một điều: dám “để thẹo” thằng nào phá đám, chơi chịu, hoặc đập thẳng tay con nào “cà chớn”, muốn qua mặt chủ. Rất nhiều cái bar lúc đó, tuy trên danh nghĩa chỉ là quán giải khát, thực chất là một ổ mại dâm và buôn bán ma túy, đô-la. Sống trong dòng nước lũ, làm sao Đạo thoát khỏi bị nó lôi đi xuống tận vực thẳm?
Trực ở đầu S.7 và chống giữ với mưa gió không cho con kinh bị sụt lở từ những giây phút đầu, Đạo nhiễm lạnh và sau đó bị cảm sốt. Hương rất lo cho anh, vì cơn ghiền có thể phát trở lại bất kỳ lúc nào. Đạo nằm vùi đã hai ngày, lăn lộn, mê sảng, lảm nhảm nhiều câu vô nghĩa. Hương đã cho anh thuốc cắt sốt và an thần, thân nhiệt anh đã giảm, nhưng Hương đâu biết Đạo đang chống chọi với cơn ghiền gay go như thế nào.
Sáng nay, Đạo lại nằm mê. Anh ú ớ nói gì đó mà Hương nghe không rõ, chỉ hiểu loáng thoáng dường như anh ta đang đòi ăn một thứ gì đó. Hương đến lay Đạo. Anh ngồi dậy, tựa lưng vào vách, hai mắt vẫn còn thất thần nhìn Hương đăm đăm nhưng như không thấy, đôi môi khô nứt nẻ, bợt trắng. Hương cười:
- Anh mơ thấy gì mà la dữ vậy?
Đạo có vẻ ngượng. Anh nhắm mắt như cố nhớ lại giấc mơ vừa qua, cuối cùng thở dài, nói như tâm sự:
- Hồi nhỏ, mỗi lần tôi bị cảm, má tôi thường nấu canh chua cá lóc cho ăn. Thật chua, thật nóng, thật cay. Ăn rồi, trùm mền nằm một chút là khỏe. Mấy hôm nay tự dưng tôi phát thèm, nằm mơ cứ thấy có canh ăn.
Hương nghe nhói lòng. Mấy ngày chiến dịch căng thẳng, các loại thuốc bổ rồi các mặt hàng bồi dưỡng như đường, sữa đã được chi sạch, hàng mới chưa lên kịp. Anh em khỏe mạnh ăn mì hạt còn chịu được, bệnh như Đạo phải ráng vét gạo nấu cháo trắng cho anh ăn với muối, thèm ăn là phải. Hương lại nhớ ngày trước, những lần mình bệnh, bao giờ cũng được mẹ cho hưởng những “tiêu chuẩn” đặc biệt: bánh lạt chấm sữa đặc, cam sành, quýt đường, cháo thịt bò băm bỏ nhiều tiêu, viêm họng khản tiếng thì có tắc dầm mật ong, cho miệng đỡ lạt thì luôn có ô mai, cam thảo hay kẹo Hòa Lan bên mình... Vậy mà nhiều khi Hương còn chê, thức ăn đem tới chỉ múc qua loa vài muỗng rồi đẩy ra. Giờ Đạo chỉ có cháo với muối, cháo lại nấu bằng gạo hẩm, thèm một tô canh chua không biết làm sao có được.
Đợi Đạo nằm im, nhắm mắt, Hương se sẽ mở tủ tìm ví tiền. Cô nhẹ khép cửa phòng y tế, đi nhanh ra ngoài cổng doanh trại, nào biết sau đó chỉ vài phút, một cơn ghiền khủng khiếp đã ập tới với Đạo, đến nỗi khi nó tạm lui, anh gần như dại hẳn đi, lảo đảo mở tủ của Hương dồn vội một mớ những gì coi như đáng giá nhất, rồi sẵn cái rương thuốc không khóa, Đạo hốt luôn những thứ thuốc hiếm của cả một liên đội hàng nghìn con người. Doanh trại vắng hoe. Anh ra ngoài, bươn bãi băng tắt đường ruộng, lội ra mặt lộ. Khi Hương xách được mấy con cá, vắt me, miếng thơm, vài trái đậu bắp... thì anh chàng xì-ke ấy đã biến mất tăm...
Một buổi họp khẩn cấp với Ban chỉ huy liên dội đã được triệu tập lúc 12 giờ trưa, ngay sau khi Mạnh và Tuấn từ hiện trường lật đật trở về vì nghe Mai, hôm ấy làm trực ban, cho giao liên ra gọi gấp. Tiếc thuốc và lo lắng cho anh em trong cả thời gian sắp tới, Mạnh đã phê Hương về cái thói “thương người theo kiểu tiểu tư sản” và “bệnh mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm với tài sản chung”, thậm chí “thiếu trách nhiệm với bệnh nhân” khi bỏ anh ta nằm một mình trong cơn bệnh nặng... Trong cơn nóng đến xanh mặt và run môi, Mạnh còn bắt Hương phải làm hẳn một bản kiểm điểm kèm báo cáo về những mất mát cụ thể, để Hội đồng kỷ luật liên đội còn bàn biện pháp xử lý. Mai và Tuấn chỉ biết ái ngại nhìn Hương. Tuấn tìm cách gỡ cho cô:
- Lúc trước tôi đã đề nghị mình không nên nhận Đạo. Đồng chí Hương có trách nhiệm, nhưng phần nào...
Mạnh ngắt lời Tuấn:
- Không phải vì vậy mà chúng ta đổ hết cho người bệnh. Nếu đồng chí Hương không bỏ bệnh nhân thì chuyện này đã không xảy ra. Qua cơn ghiền, Đạo sẽ khỏe lại và chúng ta sẽ không phải mất thêm một con người.
Mai đề nghị một biện pháp:
- Anh Đạo chắc phải về nhà. Có thể ảnh mới bán được một ít. Có thể khi qua cơn, ảnh sẽ ân hận. Nhưng tâm lý chung của những người này là mặc cảm, ngại ngùng... không dám trở lên. Vậy chiều nay mình nên cho người về thành phố, tìm cho ra nhà anh ấy...
Tuấn bàn ra:
- Đạo sức mấy về nhà. Công an khu vực thấy ổng về thế nào cũng tới tìm hiểu. Rồi má ổng cũng quyết liệt lắm. Thế nào ổng cũng đi tìm băng cũ. Không mong gì đâu.
Hương cúi gằm mặt, không buồn có ý kiến gì hơn. Cô có địa chỉ nhà Đạo trong sổ tay. Cô quyết định sẽ trốn về gặp Đạo, không gặp hay không đòi lại được những món thuốc bị mất thì sẽ lấy tiền của Oanh cho, ra chợ trời mua lại thuốc về trả đơn vị. Cô không chịu được những lời dằn vặt của Mạnh, ánh mắt trách móc của anh, nhất là trong những ngày tới, khi anh em ốm đau mà lại thiếu thuốc men như thế nào.
*
Hai giờ trưa.
Hương đang ngồi viết lại báo cáo kiểm kê về số thuốc bị mất thì chợt có bóng tối che trước khung cửa. Cô ngẩng mặt lên và sửng sốt nhận ra Dũng. Anh xuất hiện như trong chiêm bao, nhìn Hương mỉm cười, vẫn nụ cười dịu dàng ấy.
- Chào Hương.
Hương lẳng lặng đứng lên thu dẹp sổ sách. Cô mặc bộ đồng phục đã bắt đầu bạc màu, dù đã được vuốt thẳng nhưng không thể không có những nếp nhăn. Dũng chưa bao giờ thấy Hương ăn mặc như thế này. Mặt anh không thể che giấu được ánh xót xa, thương hại.
Hương nói:
- Anh Dũng ngồi chơi. Sao biết Hương ở đây?
Dũng không trả lời ngay. Anh vẫn nhìn Hương, rồi nói:
- Hương cực hơn anh nghĩ nhiều quá!
Hương cúi mặt, nghe tủi thân. May mà hôm nay cô không ra hiện trường, không thì Dũng phải ngồi đợi đến khi cô đi lao động về, sẽ thấy cô còn thê thảm hơn nhiều, khi mới từ đáy kinh lên và lội sình về.
Hương đứng lên, rót nước mời Dũng để che giấu nỗi xúc động. Cô hỏi:
- Hôm nay thứ Ba, sao anh được nghỉ?
Dũng vẫn giữ nguyên vẻ kiêu ngạo trước giờ:
- Anh muốn nghỉ bao giờ chẳng được. Nhưng...
Anh chồm tới hạ giọng:
- Anh bỏ việc rồi!
Hương ngạc nhiên:
- Sao vậy?
Dũng nhún vai:
- Chán không muốn làm nữa thì bỏ, vậy thôi!
Anh bưng ly nước lên uống và nhăn mặt:
- Ủa, nước gì kỳ vậy?
Hương bật cười:
- Nước trà gừng đó anh. Ở đây uống vậy không à. Cho ấm bụng mà lại ngừa được bệnh.
- Sao không có mùi trà gì hết vậy?
- Gọi vậy thôi chớ làm gì có trà. Đậu rang đó.
Dũng hỏi:
- Ngày nào cũng uống vậy à?
Hương gật đầu. Dũng đặt ly nước trở lại trên bàn:
- Anh không hiểu nổi sao Hương có thể chịu được.
Hương im lặng. Giờ đã vào mùa mưa. Hương không muốn kể Dũng nghe, để có miếng nước ngọt uống giữa vùng đất ngập phèn Lê Minh Xuân vào những ngày nắng vừa qua, lúc chưa dời về đây, anh em ở đó đã phải chèo xuồng ra tỉnh lộ rồi đi gánh từ bồn nước ngọt cách đó cả cây số về xuồng, để đưa trở về đơn vị vất vả như thế nào. Với con người vốn tự hào không bao giờ thèm uống nước trắng như Dũng, làm sao anh hiểu được giá trị của một ngụm nước đó, nếu chưa thực sự trải qua những cơn khát cháy ruột, dù đang đứng trước một dòng kinh ngập nước!
Dũng nhìn quanh và hỏi có vẻ quan trọng:
- Vừa qua, anh có gởi Phước chuyển cho Hương hai lá thư, Hương nhận được không?
Hương chỉ gật đầu:
- Sao Hương không về mà cũng không trả lời gì hết vây?
Thực ra, Hương đã viết cho Dũng một thư trả lời nhưng cô bận quá, viết mấy ngày mới xong, bỏ trong ví chưa kịp gởi thì sáng nay đã bị Đạo lấy mất. Dũng như không chú ý tới sự im lặng của Hương. Anh tiếp:
- Trong thư anh không tiện nói rõ lắm. Thực sự thì sống ở đây ngày càng đáng chán. Anh và gia đình đã quyết định đi. Tổ chức này rất có uy tín. Họ báo trước ngày đi cả 10 ngày. Ba má anh và con Phượng đã xuống Rạch Giá trước. Ba ngày nữa là ra khơi. Gấp quá rồi, anh phải lên đây rước Hương.
- Hương à?
Dũng gật đầu, sôi nổi hẳn:
- Đúng. Mỗi người phải đóng ba cây. Anh đã lo cho Hương rồi. Anh tin Hương sẽ đi với anh, nhất là giờ thấy Hương phải sống thế này, anh càng tin hơn. Qua đó, ba má anh sẽ lo cho Hương đi học tiếp. Hương sẽ gặp lại tất cả bạn bè, sẽ sống sung sướng, xứng đáng với con người Hương.
Tim Hương đập nhanh hơn vì tràn ngập những cảm xúc đột ngột. Đúng lúc Hương đang thấy buồn nản thì Dũng đến với một đề nghị nghe quá hấp dấn. Hương sẽ gặp lại Oanh? Lá thư của nó có một câu Hương còn nhớ mãi: “Mày cố gắng đi sau được không? Ở đây sống sao nổi?...” Hương sẽ cố gắng đi học tiếp, trong những giảng đường rộng thênh thang sạch sẽ, đẹp mắt. Cô nghĩ tới các lớp học xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa ở chỗ Hội trường liên đội. Từ những lớp học tù mù đó, bao giờ mới đi lên một giảng đường đầy ánh sáng như trong mơ ước của cô?
Hương lại nhớ tới câu cuối cùng trong lá thư của Oanh. Oanh dặn Hương nhớ đề phòng Dũng. Tại sao Dũng tốt với Hương vậy? Thật ra anh yêu Hương? Ba cây vàng chắc không nhiều với anh, nhưng không dễ gì một người như Dũng bỏ ra vô điều kiện. Đã mang ơn anh, Hương phải lo trả... Vả lại, Hương đi với Dũng một mình trong khi gia đình ở lại, chẳng khác nào đã chịu giao phó đời mình cho anh, một điều mà Hương không muốn. Chưa kể tình thương và trách nhiệm với cha mẹ, với gia đình, đã ngày càng được xác định trong Hương, từ ngày cô ra công tác xa nhà sống như một người lao động chân chính.
Nỗi e ngại cuối cùng nằm ở tính phiêu lưu của chuyến đi. Hương chưa bao giờ làm một việc gì dựa trên sự may rủi. Đi thi, cô không bao giờ học bài tủ mà luôn chăm chỉ không bỏ sót một bài nào. Làm việc gì Hương cũng làm đến nơi đến chốn và có thể biết trước kết quả của nó. Huống hồ đây là một cuộc may rủi với cái giá là cả sinh mệnh của mình. Vào mùa mưa bão mà đi bằng đường biển, sao Dũng liều vậy? Hương đã nghe nói nhiều đến những tai nạn giữa biển của những người di tản. Bao nhiêu người đã bỏ mình trên biển vì chìm tàu, máy hỏng. Bao nhiêu cô gái đã thân tàn ma dại vì bọn cướp biển đói khát hung hãn.
Hương hỏi:
- Bây giờ đang mùa mưa lớn, sao anh lại tính đi?
Dũng nhún vai:
- Mùa này đi mới ít bị chú ý. Tàu ngon, tài công giỏi, mua bãi trước, mình đi là chắc ăn. Hương khỏi lo.
Hương mìm môi:
- Còn bọn cướp biển?
Dũng cười:
- Mùa này chúng cũng ít làm ăn, ai xui lắm mới bị. Mà sao Hương kỹ quá. Một đi không trở lại mà. Năm ăn năm thua. Tự do hay là chết! Sợ gì!
Trông Dũng có vẻ hiên ngang lắm, vẻ hiên ngang hơi trái ngược với những gì Hương đã biết về Dũng. Sống ở đây, anh bị mất tự do gì? Trông anh vẫn còn sung sướng, dư dả lắm. Hương thở dài:
- Nhưng Hương không muốn chết. Nhất là nếu khi mình mình muốn chết mà không chết được thì lại càng khổ hơn. Vả lại, ba má Hương đã già yếu, Hương không muốn đi.
Dũng đổi sắc mặt:
- Vậy là Hương từ chối không đi với anh? Hương biết con Hằng, con Lan thèm được đi với anh như thế nào không? Tụi nó sẵn sàng bỏ gấp đôi số cây như vậy để đi, vì biết nhà anh mà tổ chức là phải chắc ăn, vậy mà anh còn không thèm nhận. Hương ở lại, sống như thế này, giúp ích được gì cho hai bác? Qua bên đó, ở không cũng được tiền trợ cấp, mỗi tháng gởi về một thùng đủ nuôi cả gia đình...
Hương nói:
- Nhưng báo cũng đăng là người Việt Nam qua đó kiếm sống cực khổ lắm. Ngay như dân họ còn thất nghiệp đầy trời. Để có những thùng quà gởi về, nhiều cô gái đã phải bán thân...
Dũng nhìn Hương thương hại:
- Hương bị “đầu độc” rồi! Báo chí họ nói vậy để hòng làm nản lòng người ra đi. Hơi nào mà tin.
Hương im lặng, không muốn cãi. Câu chuyện của hai người bắt đầu đi vào chỗ rời rạc, chán nản. Dũng có vẻ suy nghĩ. Trong khi Hương cúi mặt coi lại sổ sách, Dũng nhìn Hương, mắt long lên những tia quái gở. Cuối cùng, Dũng nói:
- Hương không đi với anh, coi như anh mất đứt ba cây. Anh không tiếc vàng, chỉ tiếc cho Hương ở lại đây sống như thế này uổng phí cả đời. Nhưng đó là quyền của Hương, anh làm sao ép được. Có điều, Hương hãy về dự buổi chia tay với anh, chiều nay. Gấp quá, anh chỉ làm một bữa tiệc nhỏ thôi. Cũng chỉ có vài đứa bạn thân nhất, như trong kỳ sinh nhật. Có thể là một bữa tiệc vĩnh biệt...
Lúc nói câu đó, giọng Dũng thật mềm và mặt anh buồn thiu. Hương nhìn anh, thấy xúc động. Đúng là anh vẫn nghĩ đến Hương nhiều nhất. Dũng đi rồi, chắc chẳng còn ai đối xử với Hương tốt như vậy. Ở đây, moi người đối xử với nhau có tử tế, nhưng dường như tình cảm đó chẳng có gì là cá nhân đặc biệt cả. Hương nghĩ tới Mạnh, tới những lời phê bình thẳng băng của anh lúc nãy. Tự dưng cô thấy tủi. Họ thương gì cô? Nghĩ cho cùng, những món thuốc ấy có giá trị gì so với cái tình cảm đã được dần dần vun vén, bồi đắp trong những ngày qua, với họ, với cái tập thể bộ chưa đủ cực khổ hay sao mà cứ phải phê bình, kiểm điểm nhau mãi như thế này?
Đúng, Mạnh đối với Hương cũng chẳng có gì đặc biệt cả. Anh chỉ biết có công việc, tử tế với Hương cũng chỉ là để chạy việc. Giờ có trục trặc thì như vậy đấy. Hương thở dài. Cô thấy buồn chán đến ngột ngạt, khó thở. Ký tên vào tờ biên bản, Hương hỏi mà không nhìn Dũng:
- Đi về bây giờ được không anh?
Mắt Dũng sáng rực:
- Được quá đi chứ! Xe anh để ngoài cổng kia. Mà họ có cho Hương đi không?
- Hương sẽ có cách. Anh chờ đây chút.
Cô đi vào phòng thay quần áo, viết mấy chữ cho Mạnh, cho biết cô sẽ đi tìm Đạo, rồi bỏ vào phong bì dán kín lại. Rồi Hương cầm mấy từ biên bản và kiểm điểm, đi qua phòng trực ban gặp Mai:
- Mai cho tôi nộp trước mấy cái này. Tôi đi với anh bạn ra quán bà Bảy Dao Lam uống nước chút nhé...
Cầm giấy của Mai, Hương theo Dũng đi ra cổng liên đội. Trước khi lên xe Dũng, cô như sực nhớ, quay qua người gác:
- Chút nữa anh Mạnh về, nhờ đồng chí đưa lại giùm cái thư này.
*
Quả thật ba má và em gái Dũng đã đi trước. Căn nhà trở nên rộng thêng thang. Dũng đãi tiệc rượu nhẹ ở căn phòng khách phía dưới nhà, trước giờ chỉ dành riêng cho khách của ba anh. Anh mặc hẳn một bộ com-plê xám, sơ mi trong màu xanh lơ, trong thật chic. Lúc đưa Hương từ Củ Chi về nhà cô và từ biệt hẹn chiều đến rước. Dũng đã có ý muốn Hương mặc thật đẹp, vì anh một lần cuối, vì có thể họ sẽ chẳng bao giờ được gặp nhau nữa. Hương chìu ý Dũng, mặc bộ xoa-rê xanh cẩm thạch cổ hở và trang điểm thật cẩn thận. Dũng nhìn Hương không nháy mắt khi trở lại, và đôi mắt anh lại lần nữa lóe lên những ánh sáng âm u khó hiểu.
Thành phần tham dự đúng là y như hồi sinh nhật Dũng cách đó sáu tháng. Thức ăn đã được Hoàng Râu lái xe hơi chở về từ một nhà hàng tư nhân, tuy Dũng giới thiệu chỉ là một bữa tiệc nhỏ, nhưng gồm toàn các món đặc biệt: gà ấp trứng đút lò, vịt tiềm bát bửu, sườn non xào chua ngọt, dê nấu với hải sâm, bò lúc lắc, tôm càng lăn bột, súp cua... Mọi người vui vẻ bàn tán về những món ăn, qua đó món nào còn, món nào mất. Hằng trấn an người Việt mình giờ qua đó nhiều, cọng rau răm còn trồng được để ăn với hột vịt lộn, sợ gì thiếu những món này. Hoàng Râu cười hô hố:
- Có lần mình được hân hạnh đi ăn với một tay cán bộ. Thấy món nào dọn ra cũng được hắn trầm trồ là món ăn cao cấp, mình bực quá chỉ vào chén mắm nêm hôi rình hỏi hắn thế món này có cao cấp không, hắn cứ trố mắt nhìn mình, không biết mình đang nói thiệt hay nói chơi. Thật không nín được cười!
Cả bọn cùng cười hùa với Hoàng rồi sôi nổi hưởng ứng bằng những mẩu chuyện đã gom góp được. Chỉ riêng Hương ngồi im, mặt buồn xo. Bữa tiệc bắt đầu. Sâm-banh nổ dòn. Cả năm cô gái có mặt đều bị ép cạn ly đầu tiên, sau đó từng người còn phải uống riêng với Dũng một ly gọi là để chia tay. Ánh đèn ấm cúng, tiếng cười nói vui vẻ, tiếng bát đũa lanh canh, tiếng nhạc dìu dặt, và ngọn lửa nóng của hai ly rượu nhỏ làm Hương thấy ngây ngất, muốn gạt phăng đi những chán chường đang có, muốn ném mình vào một cuộc chơi mới, đủ để lãng quên đời.
Hoàng Râu bưng trong tủ lạnh ra một thố thủy tinh, tuyên bố đây là một thứ rượu cocktail ngon tuyệt, dành riêng cho phụ nữ, được pha theo kỹ thuật của một métôten(2) thượng thặng mà anh ta đã học lóm được, bảo đảm uống xong các cô sẽ nhớ mãi anh ta, người cùng ra đi trong chuyến này với Dũng. Khi thấy Hương cạn xong ly cocktail thơm ngọt này, Hoàng Râu kín đáo nháy mắt với Dũng, cả hai cùng có vẻ mãn nguyện.
Chỉ chừng mười phút sau, khi họ dẹp lại bàn ghế để ôm nhau nhảy, các cô gái đã bắt đầu thấm ly rượu của Hoàng Râu. Trong tay Dũng, tự dưng Hương thấy người chuếnh choáng, rạo rực. Đó không phải là các chuếnh choáng của cơn say rượu bình thường. Một cảm giác kỳ lạ trước giờ chưa từng có đã dâng lên trong Hương, trong khi Dũng càng kéo cô sát lại, và thủ thỉ bên tai cô những lời hết sức êm dịu. Các cô gái kia gần như cũng lả người trong vòng tay của mấy gã đàn ông. Ai đó chợt tắt đèn. Dũng ôm chặt Hương vào mình. Người cô gái run lẩy bẩy. Đôi môi nóng hổi của họ tìm nhau trong bóng tối. Vừa hôn Hương, Dũng vừa tỉnh táo kéo thật nhẹ chiếc fecmơtuya sau lưng áo Hương, đến suốt dưới lưng, và đưa tay vào vuốt ve nhè nhẹ làn da trơn láng. Hương gục hẳn đầu vào vai Dũng, nhắm mắt. Hơi thở cô gái nặng nề hơn, và chân như không bước nổi. Dũng nói nho nhỏ:
- Hương mệt rồi, vào phòng mẹ anh nghỉ nhé?
Hương bước theo Dũng như cái máy, không còn nghe được một tiếng cười đểu cáng đâu đó trong bóng tối. Đến gần cửa phòng, Dũng đạp cửa và bế thốc Hương lên đi vào chiếc giường rộng trải ra trắng muốt đã chuẩn bị sẵn từ chiều. Bẫy đã giương và con mồi đã sụp, thật đúng lúc.
Hương thấy người bềnh bồng như trên mây khi Dũng đặt cô lên giường. Hắn bật một ngọn đèn vàng ở đầu tường có chụp hướng thẳng xuống giường, tạo thành một vùng sáng rỡ, úp trọn mặt nệm trên đó có Hương đang nằm phơi thân. Đáng thương cho Hương. Cô gái chỉ còn biết giương đôi mắt lờ đờ nhìn hắn quay lưng khép cửa hờ, rồi đến bên giường, vừa mỉm cười với cô vừa đưa tay cởi áo vét, tháo cái cà vạt... ném đi. Phản ứng cuối cùng của Hương là quay lưng lại, không dám nhìn Dũng, toàn thân run lên trong một cảm giác chờ đợi...
---
1) Bạch phiến, thuốc phiện, cần sa
2) Trưởng khâu phục vụ của một khách sạn, có tay nghề
Ngọc Trong Đá Ngọc Trong Đá - Nguyễn Đông Thức Ngọc Trong Đá