Số lần đọc/download: 916 / 4
Cập nhật: 2016-06-27 09:57:34 +0700
Cho Những Con - Gà Trống Đuôi Công
1.
Chuyện xẩy ra ở một ngôi làng nhỏ rất nên thơ với phong cảnh tuyệt đẹp.
Làng ở cạnh một con sông nước trong vắt, chảy êm ả suốt bốn mùa xuân hạ thu đông. Tiếp giáp với làng là khu rừng tre xanh biếc. Xa xa rặng núi thấp thoáng trong mây ẩn hiện cuốì chân trời. Tất cả quang cảnh là một bức tranh thiên nhiên ngọan mục. Nhờ đồng ruộng tốt tươi, dân làng cần cù siêng năng cày cấy, nên cuộc sông thanh bình sung túc.
Nhà bác Tư trong làng có một đàn gà đẹp, nhưng đẹp nhất phải là chú Gà Trống. Chú có một bộ lông nhiều màu sặc sỡ. Lại nữa, bộ dáng của chú trông thật hùng mạnh, đẹp đẽ vô cùng. Không những các chú gà trống khác ganh với vẻ đẹp trời ban cho chú, mà các chú ngỗng, chú vịt…cũng nhìn chú với tất cả thèm thuổng. Còn các cô gà thì khỏi nói! Chú đi đâu cũng dẫn theo sau cả một đàn gà mái lăng xăng, xúm xít chiêm ngưỡng.
Mỗi buổi sáng chú thức dậy trước tiên và rất đúng giờ. Những ngày xuân bình minh nắng đẹp, ngày hè oi ả hay những sáng mùa đông lạnh giá, chú chẳng bao giờ thức trễ. Chú cất tiếng gáy cao vút, rõ ràng. Âm thanh vang tận cuối xóm. Thế là gà trống, gà mái ở làng trên xóm dưới đua nhau cất tiếng cùng đón ánh rạng đông. Dân làng theo tiếng gọi của chú cũng lục tục thức dậy bắt đầu một ngày sinh hoạt mới.
Hình ảnh Gà Trống đứng kiêu hãnh trên hàng rào tre, dỏng cao cổ đập cánh với cái mồng đỏ thắm như vương miện trên đầu, chiếc đuôi xanh đỏ tím vàng cong vuốt như trăng lưỡi liềm cân xứng trên bộ đùi rắn đẹp, đôi bàn chân bụ bẩm với chiếc cựa sắc nhọn…là một vẻ đẹp hài hòa tuyệt vời trong tâm trí của dân làng và của gia súc bè bạn.
2.
Nhưng rồi tai biến xẩy ra!
Một hôm bỗng dưng làng bị cháy. Ngọn lửa thiêu rụi tàn phá thôn xóm yên lành. Trong cơn bảo lửa, Gà Trống ráng chạy thoát thân. Sức nóng khủng khiếp, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng người hoảng hốt kêu réo làm chú kinh khiếp. Chú ráng bay thật cao, ráng chạy thật xa để thoát lấy thân.
Sau cùng thì Gà lết đến được khu rừng tre xanh tươi. Phong cảnh ở đây cũng thơ mộng. Có suối rì rào, có rặng tre lao xao thì thầm với gió, có hoa có cỏ…Tất cả cảnh vật thật yên bình im ắng. Ở đây chú cũng chẳng tốn công dành giựt kiếm ăn. Thức ăn bổ béo dư thừa. Nào giun, nào dế, nào hạt quả…thôi thì đủ thứ, của ngon vật lạ chẳng thiếu thứ chi.
Thế nhưng, nhìn quanh giờ chẳng còn ai!
Chú thấy buồn bã trống vắng lạ thường. Một nỗi buồn man mác dai dẳng đeo chặt trong tâm hồn, đến nỗi chú chẳng còn thiết tha chi ăn với uống. Ăn uống giờ đây chỉ còn đơn thuần là một việc làm cho…khỏi đói. Chú mất đi cái hứng thú lấm la lấm lét nhâm nhi dăm hạt thóc, hay một phần con giun gầy đét vừa giành được với đám bạn bè xấu ăn…như chú!
Lần đầu tiên trong đời, gà nghẹn ngào thấm thía nỗi cô đơn.
Không những chú nhớ hai vợ chồng bác Tư và các người con tốt bụng, nhớ gia đình nhà gà thân thuộc. Chú còn nhớ đến tất cả gia đình bác gà lôi nóng tính hay gây sự, gia đình anh vịt xiêm ồn ào đã ăn ở dơ bẩn lại hay xoi mói đời riêng chê bai hàng xóm…Ôi chao là nhớ!
Giờ đây chú mới nhận ra rằng, bà con láng giềng của chú trước đây, có lúc thuận hòa và cũng lắm khi gây gổ, nhưng ai cũng hiểu tính nết nhau. Chẳng ai làm hại ai. Tối lửa tắt đèn có nhau, đùm bọc nhau. Cái cảm giác an toàn đó chú chưa hề nhận ra cho đến mãi tận hôm nay khi sống cô quạnh giữa khu rừng xa lạ này. Tiếng chim vỗ cánh, tiếng động của anh nhím chị thỏ …tất cả đều làm chú giật mình lo sợ.
Giờ đây bên cạnh nỗi cô đơn trống vắng là niềm lo âu khắc khoải khôn nguôi.
3.
Đuổi bắt ảo ảnh!
Một buổi sáng. Đang cơn buồn nhớ nhà ray rức, Gà chợt nghe tiếng léo xéo xôn xao. Nhảy vội lên cành cao, nhìn sang khoảng đất trống bên cạnh. Gà chóa mắt trước một cảnh tượng tuyệt vời. Ôi đẹp làm sao một bầy Công! Những chàng Công xòe cái đuôi tròn như nan quạt. Những cái đuôi màu xanh lục óng ánh như mạ vàng mạ bạc, rực rỡ với những đốm tròn đều đặn như nạm ngọc, như gấm hoa. Dáng đi của Công nhún nhẩy nhẹ nhàng duyên dáng làm sao!
Gà ngẩn người đến nổi trượt chân sà xuống. Sự xuất hiện đột ngột của gà làm bầy công thoáng ngạc nhiên. Nhưng khi nhận ra gà là láng giềng quen thuộc ở khu rừng tre, gia đình Công rốỉ rít đón mừng. Công thường chiêm ngưỡng vẻ đẹp gọn gàng đơn giản của họ Gà. Nhưng chú gà này thì đẹp hơn nhiều. Vóc dáng to lớn, hùng dũng hơn so với các bạn láng giềng mà Công ngày ngày thường gặp. Qua cơn bối rối, Gà cất cao giọng gáy làm quen. Tiêng gáy của Gà là một chuỗi âm thanh quyến rũ. Gia đình Công, nhất là các nàng Công duyên dáng, trầm trồ ngợi khen.
Kể từ hôm đó, Gà sống chung với Công.
Ngày ngày khi thấy các chàng Công xòe đuôi nhún nhẩy bên các cô nàng xinh đẹp là Gà lại cảm thấy chiếc đuôi của mình trông xấu xí, kịch cởm, ngắn ngủn khó coi. Bước đi của Gà trông cứng ngắc thế nào! Chú ráng bắt chước giọng hót dáng đi của Công, tuy không hoàn hảo nhưng cũng na ná ít nhiều. Có điều Gà không cách nào xòe cái đuôi của mình cho dựng đứng lên như đuôi Công được.
Chú đau buồn về chuyện này khôn cùng. Chú luyện tập, chú cầu khẩn ơn trên để toại nguyện, nhưng tất cả đều thất bại. Nỗi đau khổ mới đã lấn áp cả niềm đau cô đơn. Mất đi niềm vui hồn nhiên chợt thoáng đến trong những ngày đầu tiên sống với Công. Giờ đây Gà bị dằn vặt, bị ám ảnh bởi cái…đuôi công.
Một đêm trong giấc ngủ mộng mị, Gà thấy ông thần núi hiện về.
Niềm đau của chú đã động đến núi rừng linh thiêng. Ông nói rằng. Gà với Công trời ban cho mỗi giống mỗi vẻ. “Mỗi loài mỗi vẻ mười phân vẹn mười”. Cớ chi lại mơ tưởng, lại đau khổ về cái đuôi công? Chú vẫn một mực khăng khăng xin thần ban phước cho mình toại nguyện. Không lay chuyển được niềm khao khát của gà, thần chấp thuận lời năn nỉ cầu xin.
4.
Niềm vui chưa kịp hưởng!
Gà thức dậy trong ánh nắng chan hòa của một buổi sáng mùa xuân.
Vì từ lâu không còn gáy sáng, chú đã thường dậy trễ. Cái cảm giác đầu tiên là chú thấy nằng nặng ở đằng sau. “Sung sướng biết bao ta đã có một cái đuôi công!”
Chú mừng rỡ tung cánh đáp xuống giữa gia đình nhà Công.
“Ôi chao! Đau…đau quá!”.
Một cái đau buốt thốn từ đằng đuôi lên tới đỉnh đầu làm Gà muốn chết giấc. Cặp giò ngắn chưa chạm đất, cái đuôi công dài lượt thượt đã chống vào mặt đất, và như cái đòn bẫy hất ngược Gà bắn tít lên cao. Sau phút kinh hoàng, Gà chổng đuôi đáp xuống an toàn.
Kể từ hôm đó. Mỗi khi đi đứng Gà phải “vận nội công” cho chiếc đuôi dựng đứng, xòe như nan quạt. Cần nghỉ ngơi, chú phải bay đậu trên cao, buông đuôi…thở dốc! Sung sướng thỏa mãn đã giúp cho Gà chịu được cái đau của cơ thể, cái nặng nề bất tiện khi xê dịch.
Tuy nhiên Gà lại mang một mối ưu tư nặng trĩu khác. Gia đình nhà Công vẫn đối xử lịch sự với chú, nhưng trong cái lịch sự đó ẩn chứa một điều gì gượng gạo. Mối thân tình lúc đầu nay đã mang một ít lạnh nhạt mà Gà đôi lần bất chợt cảm nhận qua ánh mắt của họ. Điều làm cho chú thắc mắc, là càng bắt chước cho giống họ bao nhiêu, thì sự lạnh nhạt này càng gia tăng bấy nhiêu. Từ hôm chú có được cái đuôi công giống hệt, thì ánh mắt Công từ lạnh nhạt đã đổi thành khinh miệt.
Gà bắt đầu có ý định quay về làng cũ. Về để tìm lại hơi ấm quen thuộc ở quê hương.
Chú muốn trốn xa cuộc sống lạnh nhạt, gượng gạo giữa bầy công xa lạ của khu rừng tre. Nơi mà chú đã sống và tự lừa dối mình. Khi đập cánh la lối, gắt gỏng thị uy; khi dỏng cổ huênh hoang khoác lác, khi hờn giận trách móc…tất cả chỉ nhằm trấn áp cái mặc cảm tự ti, cái mặc cảm sợ bị khinh khi coi thường từ tận cùng sâu thẳm bên trong. Một đôi khi thì chú tự phong thánh cho hành động và thái độ của mình để tự xoa dịu và thỏa mãn.
Đằng khác, chú nôn nóng trở về quê cũ để khoe với bà con chòm xóm, để lòe với bạn bè cái đuôi công đẹp đẽ của mình.
5.
Đuôi gấm về làng!
“Đồ đầu gà…đuôi công!”.
Câu chưởi xéo sau lưng của cô út, nàng Công xinh đẹp và dễ thương nhất, thúc đẫy Gà dứt khoát trở về làng xưa xóm cũ.
Sáng hôm đó, “một buổi sáng đầy sương thu và gió lạnh”, Gà cất bước quay về. Sau bao ngày vất vả khệ nệ vác cái đuôi mỗi lúc mỗi nặng chình chịch, Gà đã thoáng thấy xa xa bóng dáng quê cũ thân yêu.
Gà rảo bước đi nhanh, lòng hân hoan hồi hộp.
Tất cả cảnh vật thân quen như chào đón. Cái cảm giác an bình sung sướng từ lâu thiếu vắng, nay bỗng choáng ngợp hồn chú. Men theo đường cũ, Gà tìm đến khu vườn nhà bác Tư. Đây là nơi chú đã trải qua những tháng ngày thơ mộng. Chú bắt đầu sửa lại dáng đi nhún nhẩy đã dày công khổ luyện.
Chú xòe chiếc đuôi công cho thật thẳng đứng, căng rộng như chiếc nan quạt.
“Một cái đuôi gấm!” Nhìn lại lần cuối Gà hiu hiu tự đắc.
Chân vừa bước qua khỏi cổng rào, chú đập cánh cất cao giọng re ré chào mừng đàn gà họ hàng đang nhẩn nhơ mổ thóc trong sân. Đàn gà giật mình la toang toát. Chạy loạn xạ. Có con hoảng hốt bay lên dậu cây, bay lên nóc nhà kêu cứu ỏm tỏi.
“Quái vật! quái vật!”
Qua phút kinh hoảng, cả đàn gà, từ chú gà con, cô gà choai, chị gà mái cho đến các chàng gà trống…tất cả đều đồng loạt vừa la bai bãi vừa tứ bề tấn công.
Gà quá sửng sốt với cảnh tiếp đón phủ phàng này.
Gà cố cất cao giọng gáy uy dũng ngày nào. “Tôi…tôi…tôi là Gà Trống đây mà…à…à”. Vì lâu ngày ráng bắt chước giọng của Công và cố tình quên đi tiêng gáy của mình, nên giờ đây chẳng còn ai nhận ra được âm thanh điệu gáy thân quen của đồng loại.
Gào khản cổ chẳng ai nghe, chống đỡ cũng không lại. Cái đuôi nặng nề đã làm chú mất đi “khả năng tác chiến” nhanh nhẹn thuở nào. Cuối cùng, trong ba mươi sáu kế của binh thư, Gà chỉ còn con đường…chuồn là thượng sách.
Một lần nữa, trong chuỗi ngày đời ngắn ngủi, Gà lại ráng chạy thật nhanh, ráng nhảy thật cao, ráng bay thật xa để bảo toàn thân mạng. Ôi! Chiếc đuôi công giờ đây trông kịch cỡm, vướng víu, làm cho việc tháo thân lần này đau đớn, khó khăn muôn phần. Lê tới được bìa rừng thì Gà cũng hầu như kiệt sức. Thân xác rã rời. Nhưng não nề hơn là nỗi bi thảm vì bị đồng loại ruồng bỏ.
Lại một giấc mơ!
Buồn bã, rũ rượi Gà mệt thiếp đi. Trong giấc ngủ ê ẩm chập chờn, chú mơ thấy mình…
“Đứng kiêu hãnh trên hàng rào tre, dỏng cao cổ đập cánh. Với cái mồng đỏ thắm, chiếc đuôi xanh đỏ tím vàng cong vuốt như trăng lưỡi liềm cân xứng trên bộ đùi rắn đẹp…cất cao tiếng gáy vang dội làng trên xóm dưới. “Tôi, tôi, tôi…là Gà đây mà…à…à..à”.
Ninh Hạ