Số lần đọc/download: 1217 / 25
Cập nhật: 2016-06-21 08:45:52 +0700
Chương 5
Ấ
y là một quả gò, ở bên phải con đường Tuyên Quang - Hà Giang, và cách về phía Tây tỉnh lị chừng non hai cây số. Giữa đỉnh gò, một nếp nhà dựng trông về hướng Nam; mái lợp tranh dày, tường đắp bằng đất sỏi mặt trong và ngoài trát tam hợp quét vôi vàng. Một cái hè gióng bao lơn gỗ, độ một thước tây rộng, chạy quanh bốn mặt nhà. Các thứ cây quả trồng thành từng hàng đối nhau dọc hai bên các lối đi trải cát. Khoảng giữa các cây, một lượt chè tươi mới đặt, cắt xén theo cái phương pháp vẫn dùng ở các nơi thí nghiệm nông học. Một số ruộng kha khá, ôm lấy ba phía chân gò có thể dùng làm chỗ thả bò sữa và dê được. Quả gò nói trên còn ở đúng vào giữa ngã tư các đường từ làng Yếng, làng Đồng, Ỷ La, Linh Sơn, Trung Môn và Hoàng Pháp ra tỉnh, tiện vô cùng cho việc buôn bán.
Khải vừa để chân lên cái lối cát chạy thẳng từ mép quan lộ tới trước thềm ngôi nhà đất, đã kêu: "Thực là cái dinh cơ lý tưởng của Jean Jacques Rousseau!".
Kim nguýt yêu chồng: "Chẳng cứ giãy nảy lên mãi?... Bộ lắm!".
Giữa lúc ấy, một người lực điền chạy ra chào đón hai vợ chồng. Ấy là tay hướng dẫn, do ông Cả Tú đã cắt đặt sẵn.
- Tôi ưng cái nhà này quá! - Khải nói hăm hở và thành thực - Đắp tường đất thế này thì kém gì xây gạch...
- Bẩm ông, kể còn chắc hơn xây bằng gạch nhiều, nếu là tường gạch con kiến. Mười năm... ông bà cứ ở vẫn chưa suy suyển!
Một ý nghĩ chạy qua óc Khải:
- Tôi nghĩ các vùng quê ta, nhà ở cứ đắp như thế này có phải vừa kín đáo vừa hợp vệ sinh biết bao nhiêu không!
- Đã đành như vậy nhưng, thưa ông bà, tốn kém lắm ạ! Muốn đắp một cái nhà như cái này, ít ra phải mất dăm chục bạc; mà ở chỗ quê mùa thì đừng nói chi dăm chục vội, hãy cứ dăm đồng thôi, nhiều người suốt đời chân lấm tay bùn cũng vị tất đã để dành ra được.
Vẻ bằng lòng trên mặt Khải mất đi có đến tám phần mười. Chàng tư lự, nhìn anh nông phu: một pho tượng bằng sành, một pho tượng khỏa thân, nếu không có cái quần cộc vải nâu cũ vá đụp hàng trăm miếng...
- Cây gì đây, bác? Kim cắt ngang sự suy nghĩ của Khải, và anh nông phu vui vẻ cắt nghĩa cho nàng nghe:
- Thưa bà, vải Tàu đấy ạ! Bẩm quý lắm!...
- Có, tôi biết! - Kim gật gù ra dáng thành thạo - Tôi đã ăn mãi, còn lạ gì nữa. Giống vải này cái hột nó chỉ vừa bằng ngón tay út; múi nó dày, giòn như sứa; vị ngọt, mát và thơm.
- Vâng, bà dạy đúng lắm!... Còn cây này là cây lê, lê chính tông chứ chẳng phải là cái thứ... cái thứ...
- Mác cọt!
- À vâng, mác cọt!... Anh nhà quê liếc nhanh Kim với cái vẻ tuy cảm ơn mà cáu kỉnh vì thấy còn có người nhớ hơn mình, nhất là khi người ấy không cùng trong giai cấp với anh ta, lý đương nhiên phải thạo về các việc trồng cấy và phải nhớ tên các giống cây cỏ hơn dân thành thị: cái thứ mác cọt vùng Lạng Sơn, Cao Bằng, chát xít và cứng quèo!
- Đây hẳn là cam sành?
- Chính hắn đấy ạ!... Kia thì là quýt giấy, nọ ổi Tàu, thứ nào cũng bói từ năm ngoái, quả sai lúc lỉu!...
Kim chợt nhớ:
- À, chẳng biết có giếng nước không?
- Có chứ ạ! Chỗ cao như chỗ này mà lại không có giếng nước thì rầy rà to. Cái giếng ở đây đẹp lắm; thành xếp đá ong cẩn thận!
- Mời ông bà xuống sau nhà xem...
- Khải và Kim theo người hướng dẫn; đi quanh một đầu nhà tới sân sau, đất nện nhẵn để làm chỗ phơi hạt. Khải trỏ khoảng lau rậm bên phải cái sân đất:
- Chỗ này dùng cái nền cho một dãy chuồng nuôi súc vật thì tốt. Anh nông phu nói xía:
- Ấy chính ông Cả cũng đã tính như vậy!
- Dãy chuồng cũng đắp tường đất như nhà trên, Khải nói với Kim để lấp cái khó chịu do cách xưng hờ của người hướng dẫn: đắp ba mặt lưng và hồi; còn mặt trước, hoặc bưng ván lửng, hoặc đóng con song, hoặc che phên mắt cáo, tùy theo giống nhốt bên trong. Nền chuồng láng xi măng để tiện việc quét và rửa. Mình phải biết: cứ giá thịt bây giờ, việc chăn nuôi rất có lợi!
- Ý tôi chỉ thích trồng rõ nhiều hoa, vừa được chơi vừa được bán.
- Mình tưởng trồng hoa ít công phu lắm đấy hẳn? Những độc gánh nước tưới cũng đủ khướt rồi. Còn như thuê người làm thì lời lãi phỏng có đủ chi công và ăn cho người ta? - Khải quay lại bác nông phu: - Phải không tay thạo nghề!
Hân hạnh vì được một ông mặc tây hỏi ý kiến, anh lực điền cười một cách lúng túng:
- Bẩm, chính phải!
- Cho nên, tôi bảo cứ một vườn cây quả này là đủ; ngoài ra, chỉ nuôi, nuôi cho thực nhiều vào! Hễ lúc nào trong nhà cũng sẵn hàng trăm gà vịt, hàng trăm bồ câu và thỏ là bất cần gì hết!
- Muốn nuôi nhiều thế, mình đã tính số ngô và thóc cần dùng chưa? Có đủ hạt ăn mới nói chuyện được!
- Tôi đã tính rồi: lúc đầu mới gây giống, số thóc chưa cần đến bao nhiêu, có thể đong tạm được. Sang tháng hai, ta sẽ phát mấy cái đồi kia để tra ngô...
Thấy ánh nắng gay gắt, anh nông phu nói:
- Đứng đây nóng lắm, xin mời ông bà vào trong nhà.
- Phải đấy! - Kim đáp và lon ton đi trước, tiếng nàng vang trong nhà rỗng - Ồ, ngăn nắp đáo để mình ạ!
Anh lực điền như một tay quảng cáo dầu trên xe điện, vội khoe:
- Bẩm, ngăn nắp đúng như nhà Tây! Lại nhiều gió mát quá; suốt ngày mùa hè không phải dùng đến quạt! - Anh ta bỗng hếch mũi đánh từng hơi ngắn. - Ông bà có thấy một mùi thơm nó phảng phất trong gió không?
- Mùi hoa mộc thì phải?
- Bẩm, chính mùi hoa mộc. Bà tinh mũi quá! Vườn đây còn có hoa ngâu, sói, lan tây, không lúc nào ngớt mùi thơm...
Khải để mặc hai người nói phiếm; chàng đi từ gian này qua gian khác; ước lượng sự rộng hẹp của mỗi gian và nhẩm cách bày biện. Xong đâu đấy, chàng bảo vợ:
- Mình nghe tôi xem nhé: gian đầu đằng này, có cửa thông xuống bếp, tôi sẽ dùng làm phòng ăn. Ta sẽ đặt cái bàn dài, kèm sáu ghế dựa, đã sẵn ở nhà vào giữa gian này. Một cái búpphê sẽ đặt ép lưng vào chỗ vách kia. Tôi sẽ chấm mấy bức tranh tĩnh vật có tính cách khai vị để treo lên tường cho đẹp mắt. Gian đầu đằng kia thì làm buồng ngủ. Gian chính giữa, ta sẽ bày bộ sa lông lùn, bàn viết và tủ sách của tôi. Sự tiếp khách sẽ không ngăn trở việc đọc và viết, bởi trong chỗ khuất nẻo này, bạn bè sẽ ít lắm, trừ khi nào lũ quái Hà Nội có nảy ra cái hứng lên rừng ăn chè củ mài. Trên vách ngăn cũng treo tranh ảnh và thêm cây tì bà và cái bàn cờ của tôi nữa. Thực là đẹp một cách nhã nhặn...
- Thôi mà, cao hứng vừa vừa chứ! Mình vào đây là để mưu sự sống, không phải để dưỡng nhàn.
Khải, từ chín tầng mây rơi bộp xuống đất, cảm thấy nóng mặt. Chẳng những thẹn, chàng còn thấy hối hận đã vẽ vời ra một cảnh đời ít nhất cũng gợi ý so sánh và sự thèm thuồng cho người nông phu, mặc dầu cái lỗi của chàng chỉ là do khuynh hướng máy móc ưa nhàn, mà chàng chưa tự gỡ ra được. "Kim nói phải: thôn quê chẳng là nơi ẩn dật, cũng chẳng là một vị thuốc hay đối với sự quay cuồng của đời thành thị. Trái lại, nó mới là trung điểm của sự sống, nghĩa là của cái vui, cái khổ, cái nhọc nhằn". Khải liếc trông người lực điền. Chính anh ta, vừa rồi, chẳng đã khiến chàng phải xúc động và suy nghĩ lan man về cái nghèo xơ xác của bọn "cổ cày vai bừa" đấy ư? Sự nghèo khổ ấy, của cái hạng người đã xây đắp nên đất nước Việt Nam này bằng nước mắt và mồ hôi tưới đều ra từ bốn mươi thế kỷ, là một cái gì đáng được một kẻ trí thức như chàng kính trọng, săn sóc đến với tất cả cảm tình và lòng biết ơn, và tìm cách làm nhẹ bớt dần dần cho tới lúc không còn nữa.
- Về đi, mình đi! Nắng to lắm rồi...
Khải giật mình và đáp như cái máy:
- Ừ.
Kim quay lại người hướng dẫn:
- Thôi, chào bác nhé?
- Không dám ạ, chào ông bà.
Xuống đến chân gò, Kim dừng bước:
- Làm một cái nhà tre ở chỗ này để bán các thứ lặt vặt như vàng, hương, muối, dầu hỏa, rượu, mình nghĩ sao?
- Tốt lắm!
- Ai không có tiền mua, mình bán chịu cho, rồi lấy bằng thóc.
- Ừ.
- Tôi còn tính đến cái cách đặt lúa non, như bà Cả Thành và bà Hai Chánh nữa...
- Tùy đấy...
- Mình lạ quá! Vợ bàn công việc làm ăn lại cứ trả lời gióng một... Đã không thèm nghe thì thôi...
- Tôi vẫn nghe đấy chứ! Mình đương bàn sự đặt lúa non, có phải không nào?...
- Phải ạ!... Đặt lúa non lãi lắm nhé: lúc cho vay, cứ ba bốn đồng một trăm; lúc thu về, bán bảy, tám, có khi mười đồng, và hơn nữa! Bọn dân quê chỉ khỏe tranh ngôi thứ, chỉ khỏe kiện cáo nhau nên luôn luôn cần đến tiền. Họ phải vay cào vay cấu, dù lãi mấy cũng giật.
- Rõ khổ sở!...
- Thế đã thấm vào đâu! Đứa có tiền cho vay, như con mẹ lái Đức chẳng hạn, nó còn bắt chẹt thế này thì cậu bảo có ghê không: anh nhà quê nào cần tiền mà xem chừng có thể sòng phẳng được, nó cứ cho vay năm tạ tính làm một phiếu, viết vào văn tự. Đến kỳ gặt nó chỉ thu năm tạ, còn một nửa nó vờ làm ơn cho chịu đến mùa sau để lại thành một phiếu khác. Thành thử, nó chỉ bỏ vốn một lần mà thu lợi mãi mãi...
- Như thế mà gọi là buôn bán à?...
- Cậu tính: Ở đời này, anh nào dại thì anh ấy chết! Sự thương người hợp lý phải bắt đầu tự mình trước đã...
Khải lẩm bẩm:
- Phải bắt đầu từ mình, nghĩa là từ cái tôi trước đã! Cuộc đời chỉ vì cái tôi mà có. Vũ trụ sinh cùng một lúc với cái tôi, và mất đi cùng với cái tôi luôn thể. Thượng đế cũng chỉ là tay sai của cái tôi. Kẻ nào lợi dụng cho cái tôi sẽ được sống, kẻ nào ngược lại với cái tôi phải chết. Nếu không thế, cả công lý nữa cũng chẳng có nghĩa gì. Hừ, tinh thần vị kỷ thực là cái vỏ ốc nó tù hãm cuộc đời của mỗi con người. Chính nó làm cho kiếp nhân sinh thành ra một thứ địa ngục, và làm cho không khí trở nên đầy tức giận, oán ghét, và phục thù, đến nỗi con người không biết thở bằng cái gì nữa!...
Kim đã quen thấy Khải nói các ý tưởng đột ngột hiện trong óc chàng, nên nàng không ngạc nhiên và chỉ lắng nghe để cố hiểu. Tiếng chàng nhỏ quá; Kim bực bội:
- Mình hay vớ vẩn quá!... Chẳng phải nói đâu xa, chính mình vẫn bị ức mãi đấy thôi.
- Đã đành rằng thế; nhưng đấy không phải là một lẽ để mình lại làm ức cho người khác...
- Nếu vậy, chỉ còn độc một cách là ngồi yên mà chịu chết đói, thế thôi... Cậu quên dễ quá; tôi thì tôi vẫn nhớ cả từng li từng tí cái hồi ở Linh Sơn. Còn ai dễ dãi và thương người bằng cậu nữa! Thôi thì đứa nào cũng ăn ngập mày ngập mặt ra, đứa nào cũng được vay mượn để rồi quỵt ráo. Ruộng của mình mua bằng tiền hẳn hoi, mình chia cho chúng nó để chúng nó cày cấy nuôi bố mẹ vợ con chúng nó; thế mà rồi chúng nó trở mặt nhận sít làm của riêng, không thèm biết mình là ai nữa!...
- Ấy chỉ vì người ta ai ai cũng chỉ biết có cái tôi, và làm việc gì cũng cứ loanh quanh trong vòng câu châm ngôn: một là ăn người hai là người ăn mà lại!... Mợ và tôi, chúng ta chẳng qua là những kẻ không may phải trả nợ đậy cho lũ đỉa, như con mẹ lái Đức ấy.
- Vợ thằng lý Sâm - Kim vẫn chưa công nhận lời Khải - đẻ rơi ở đường, cậu phải thân hành đỡ cho nó, lại phải bỏ tiền túi ra thuê xe cho mẹ con nó về được đến cửa, đến nhà, vậy mà cả lò cả ổ nó không thèm nói được một câu cảm ơn! Thằng bố Cứu đến phiên phải làm cỗ thờ mà trong nhà nó một hột gạo không có, cậu cũng gọi đến cho hết thúng nếp đến thúng tẻ, nhưng nó vẫn chẳng kể vào đâu, vẫn xui nguyên giục bị kẻ khác làm tổn hại cho mình. Rốt cuộc, số tiền mấy nghìn bạc bán ngôi nhà đều hết nhẵn!... Thế rồi, đến lúc chính mình bị nghèo túng, thử hỏi đã nhờ vả đứa nào được lấy một xu gọi là có? Hay chúng còn khinh mình là khác!...
Khải lấy làm phàn nàn rằng lúc nào Kim cũng có lý một cách hẹp hòi và thiên lệch. Chàng trỏ tay xuống bên đường:
- Tâm trí người nhà quê cũng ví như miếng đất hoang này, bị bỏ liều từ bao lâu rồi cho các thứ cỏ xấu nó phủ kín mất cả. Họ cứ cha truyền con nối lúc nhúc trong đêm dày của sự dốt nát, sự mê tín, sự hủ lậu và các thói quen đồi bại, đến nỗi, dù được gọi là ông Chánh, ông Phó, ông Hương, hay ông gì nữa mặc lòng, họ phần nhiều chỉ cứ là một bọn mục đồng - một bọn mục đồng có râu, nếu ta muốn nói rõ hơn, thế thôi. Chẳng những vậy, sự khổ cực lũy khiếm còn làm cho họ trở nên mù quáng và khe khắt, không phân biệt nổi ai là bạn ai là thù nữa.
Khải ngừng lại để thở dài. Là vì, càng nói chàng càng cảm thấy một cái gì mênh mông quá, bền bỉ quá, một cái gì đã gần như nghiệp dĩ, mà sức người có lẽ không bao giờ cai quản hoặc lay chuyển được...