You carry Mother Earth within you. She is not outside of you. Mother Earth is not just your environment. In that insight of inter-being, it is possible to have real communication with the Earth, which is the highest form of prayer.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngọc Giao
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Oanh2
Upload bìa: vân trầm
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1147 / 5
Cập nhật: 2015-11-28 21:17:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
anh đã khỏe mạnh, ẵm Kiều Hoa về quán đồi thông, ở cùng gia đình Thảo. Đứa bé phổng phao, bụ bẫm, ngủ ngoan hiền trong tiếng hát ru buồn rượi của Oanh.
Thảo và Linh ít có mặt ở nhà. Linh không lưu ý gì đến sự sinh hoạt và lưu động của đoàn kịch Bông Lau nữa. Anh chỉ rủ Thảo đi tìm các cơ quan báo chí để xin viết kiếm tiền. Một vài tờ báo đã đăng thơ của Linh, tiểu thuyết của Thảo, nhưng chỗ trả được ít nhiều, chỗ xin ủng hộ. Rút cục, mòn giầy rách áo, mà đôi bạn hàn sĩ ấy vẫn chẳng được món tiền nào về đỡ vợ. Hai người lại rủ nhau về quán nằm nghe mưa gió, nghe con khóc, chán nản, rồi lại rủ nhau đi.
Thấm thoát Kiều Hoa đã biết bò, càng lớn càng kháu khỉnh. Oanh tìm nguồn an ủi ở Kiều Hoa, tạm nguôi nỗi sầu mẹ con lạc lõng nơi đất khách. Linh cũng tạm nguôi gia cảnh bến Hồ, những ngày không đi lưu đãng vặt lại ở nhà bế ẵm Kiều Hoa, và viết kịch. Bản thảo ngày một dày, chất kín nửa phần chiếc ba lô bụi rách.
Vợ Thảo vẫn hết lòng nuôi bạn không hề than thở về sự hết tiền, hàng ế, cả một nhà mươi miệng ăn trông cả vào bát nước, liễn chè.
Đoàn kịch Bông Lau lại vòng về diễn ở làng Lệ Mật. Lũ trẻ cấp báo tin cho bố, sau khi đọc cáo bạch ở chợ Cao. Linh thờ ơ nói:
- Các anh ấy vẫn chơi vở của tôi, thế mà không cần biết tác giả có còn ưng thuận để các anh ấy diễn. Ấy là chưa muốn nói rằng kẻ cặm cụi viết những kịch phẩm kia hiện đang sống ở cảnh tình bi đát. Nhưng thôi, mình chẳng cần lên tiếng làm gì. Bọn nghệ sĩ vốn bừa bãi và ích kỷ, mặc dầu họ vẫn chửi các nhà xuất bản là muỗi đói lạm dụng văn phẩm họ…- Anh cười chua chát, nói tiếp - Tôi biết rằng các anh ấy đã có vốn liếng dồi dào, nghĩa là có hết vở của tôi đủ diễn quanh năm các chốn. Oanh chửa đẻ, các anh ấy dãn ra, đồng thời dãn chính cả tôi, vì xét rằng tôi không còn ích lợi gì cho họ nữa. Họ tưởng có mươi vở của tôi đã quá đủ rồi. Họ tưởng tài năng của họ đã xuất sắc lắm rồi. Mai anh tới nơi họ diễn sẽ thấy một vài cô do thượng cấp gửi về thay Oanh. Họ luyện cho các cô ấy chơi giống Oanh như hệt, và anh sẽ thấy có người ngâm thơ cũng giống tôi, có phần hay hơn nữa, theo lời tuyên truyền của họ. Cho nên anh đừng ngạc nhiên khi thấy đồn ở Chợ Cồn, Đống Năm, Đồng Quan, các gánh hát cải lương thường có chuyện xung đột, kèn cựa nhau vì đào kép.
Hôm sau, tại một ngôi chùa, đoàn nghệ sĩ phiêu lưu ấy công diễn vở "Trông về quan ải" của Linh. Thiên hạ vốn mộ tài của kịch sĩ này, rủ nhau lên chùa như ngày hội thượng nguyên thời chưa loạn.
Quán nhà Thảo cách chùa Thông ngót bốn cây số, nên nhờ buổi diễn kịch cũng thêm đông khách. Trai gái hàng tỉnh tản cư lâu ngày mới có dịp giải sầu đất khách, đi coi hát chật đường đất núi, như ngày đình chiến người ta lượn giỡn ở quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Đoàn Bông Lau có tài tử Hoàng Linh ngâm thơ thì phải biết, không thể nào chê được.
Một cô tóc uốn, đội ca lô, áo cánh trắng viền đăng ten, quần đen, tay lồng vòng ngọc thạch làm ra sành sỏi:
- Tôi đã xem Hoàng Linh đóng trong Lệ Chi viên ở Nhà hát Lớn, đẹp trai hơn Lê Thánh Tôn đời xưa ấy.
Cô khác giễu:
- Mày trông thấy Lê Thánh Tôn rồi à, nếu vậy kiếp trước mày là Thị Lộ. Thị Lộ cho cụ Nguyễn Trãi mọc sừng. Mày sẽ ế chồng, vì không ai dám lấy con rắn ba đời báo oán.
- Eo ôi, loài xà tinh hiện ban ngày, chúng bay ôi!
Các cô cùng các cậu kêu rú cả lên, vừa xô đẩy cô nàng tóc uốn. Tiếng rú đùa nghịch ấy làm cho bé Kiều Hoa đang ngủ giật nảy mình khóc thét trong tay Oanh nằm ở trong giường. Cạnh Oanh, Linh đang ngồi viết.
Hai người nhìn nhau, khó chịu. Oanh vỗ ru con ngủ. Vợ Thảo ngoảnh vào hỏi to, cốt cho bọn trai gái kia nghe thấy:
- Cháu bé giật mình khóc đấy à, chị Oanh? Chị ôm chặt cháu vào lòng, kẻo trẻ con mà giật mình như vậy là hại lắm.
- Thưa chị vâng, cháu còn bé quá, chưa quen tiếng động.
Vợ Thảo mỉm cười:
- Phải ngỗ nghịch, bạo dạn, ăn to nói lớn thì mới phải là gái thời loạn chứ!
Vợ Thảo nói vậy, tưởng các cô nữ binh kia hiểu ý, nhưng họ vẫn cười đùa ầm ỹ, rồi lại quay về câu chuyện kịch.
- Mày thích Hoàng Linh ngâm thơ mặc kệ mày, chúng tao thì cho là đồ cổ. Màn ảnh thì Cá Gáp, Te Lo, còn sân khấu thì phải là vọng cổ Kim Chung, Huỳnh Thái.
- Đồng ý với con ranh. Chúng mình phải xin với các anh ấy cho công tác miền Đông Nam xem Huỳnh Thái và uống cà phê các quán Thủ đô cho hả dạ. Chứ sống mãi miền núi đất mọi rợ này ngấy lắm rồi.
- Hãy nghe tạm Hoàng Linh ngâm thơ đêm nay đã. Vợ anh chàng Hoàng Linh là Kim Oanh ngâm thơ và đóng trò cũng tuyệt. Nghe đâu là vợ chồng thì phải.
- Vợ chồng quái quỷ gì. Tao mà định chài thằng cha ấy thì dễ như chơi.
- Thôi xin cô, để cho vợ chồng người ta yên ổn. Thấy nói Kim Oanh to bụng với anh chàng ấy, chả biết tối nay có còn ra sân khấu nữa không.
Câu chuyện ồn ào về sân khấu của mấy cô gái mũ ca lô, lưng đeo súng khiến Linh từ nãy chau mày bỏ bút. Còn Oanh thì vẫn bình thản nhắm mắt, sát má vào má con vờ như ngủ không lưu ý gì đến câu chuyện bên ngoài đang vô tình bàn tán về mình.
Từ ngày có Kiều Hoa, Oanh không còn tính gắt gỏng, chanh chua, day dứt như trước nữa. Cô nghĩ tới con. Cô chỉ còn cái vui bám víu vào con. Ánh đèn sân khâu tắt lạnh trong tâm tưởng, không còn làm cho cô nhớ tiếc một bóng hình. Tình cảm của cô lúc này chỉ có thể gởi vào con, vào Linh, vào vợ chồng Thảo và đàn con Thảo. Nếu còn nước mắt, cô chỉ khóc những đêm tàn ru Kiều Hoa mà chạnh niềm thương nhớ mẹ già và đứa con lạc lõng phương xa, giọt máu còn sót lại của mối tình duyên ngang trái đã chết rồi. Thực ra vợ Thảo đã cảm hóa cô bằng cách cư xử có lễ độ với chồng, hòa nhã với con, rộng rãi với các bạn văn đã được chồng trọng đãi vì tài vì đức. Luôn luôn cô tự nhủ phải rèn luyện đức hạnh như vợ Thảo. Nửa kiếp người, cô đã cậy tài kiêu sắc mà tự đưa thân vào cầu đoạn trường, mệnh bạc, ong chiều bướm sớm, khiến cô tủi thẹn mỗi lần ôn chuyện cũ, hoặc nghe ai nhắc tới chút tài hoa là cô đã rùng mình.
Các cô gái tỉnh đã ăn uống no nê và thôi bàn chuyện kịch, đeo túi dết xuống đường tới chùa Thông xem kịch mà họ tưởng còn có Oanh, Linh diễn.
Linh đứng dậy, ra ngoài quán nhìn thiên hạ đi xem kịch, rồi ngoảnh lại chợt nghe con khóc đói, tiếng Oanh ời ợi dỗ con ở trong buồng, lòng anh đau như cắt. Anh thở dài vụt nghĩ đến thiên truyện ngắn "Đời tư Lã Bố" Thảo viết đã lâu, tả cuộc đời anh kép riễu làm trò cho thiên hạ giữa lúc bố ở nhà tắt thở vì không tiền, không gạo.
"Mình cũng vậy, có hơn gì anh kép ấy". Anh chua xót nghe những tiếng nói cười, những bước chân rộn rã khua bụi đường.
Chợt một người đi xe đạp đến, thấy Linh, người đó vội kêu lên:
- Cậu ôi, tôi đạp suýt chết từ sáng sớm, hai lần xe nổ lốp mới tới được đây.
Anh giật mình, nhận ra người đầy tớ cũ của nhà. Linh bàng hoàng hỏi vội:
- Có tin dữ phải không? Nói mau đi!
Người đầy tớ ngồi xuống ghế, nhìn vợ Thảo, nhìn vào bên trong, hổn hển đáp:
- Cụ bà hấp hối từ đêm qua. Tôi chắc sớm nay cụ khó mà chờ cậu thêm được nữa.
Anh đứng lặng người, nước mắt ứa rơi xuống má. "Thảm chưa, cơ sự đến thế này à? Tại mình, chắc chắn tại mình…". Anh đưa mắt nhìn vào giường trong, đoán rằng Oanh đã biết và đang khóc vì cuộc chia ly mà lâu rồi Oanh đoán thế nào cũng đến. Anh thảng thốt ngồi xuống ghế, tỳ khuỷ tay lên thành chõng ôm lấy mặt. Tên người nhà bưng bát nước chè tươi vợ Thảo mời, rồi nói tiếp:
- Cụ ông nhất định không cho con đi gọi cậu. Nhưng mợ cả phải van lạy mãi, cụ mới cho phép con lên đây. Mợ dặn cậu về ngay, may ra còn kịp. Cụ bà uống mấy thìa sâm vẫn thoi thóp thở. Mợ cả thuê người hàng xóm chiếc xe đạp này, bảo để cậu về cho nhanh, con đi chân về sau vậy.
Tai Linh ù hẳn, không còn nghe gì nữa. Thảo vừa đi dạy học về - người ta mới cho anh công tác ấy – thấy vậy, vội đỡ anh vào nhà trong. Anh đứng sững trước mặt Oanh. Không như anh tưởng, cô vẫn ngồi yên lặng ẵm con, mắt không ướt lệ, nhìn trân trân ra ngoài cửa sổ phơ phất mấy cành lau khô.
Một lát, cô buồn bã nói:
- Cụ bà thất lộc, anh nên về ngay kẻo gia đình mong đợi. Em xấu số, tiếc không được ẵm con theo anh, về khóc mẹ chịu tang - rồi cô không thể nén, nức lên - Nhưng dù chẳng được góp phận dâu con, em cũng xin bà nắm khăn trắng. Anh cứ yên lòng về cư tang ít tháng, em xin nguyện hàng ngày ra đỉnh đồi hướng về phương ấy thắp hương cầu vong hồn mẹ tha thứ cho em. Anh Linh ơi, trăm sự dở dang, chỉ vì số kiếp em tất cả…
Anh cắn chặt môi, trong khi vợ Thảo đỡ Kiều Hoa ở tay Oanh, ẵm ra sau nhà đứng sụt sùi. Người đầy tớ đứng sau anh, khẽ giục:
- Tôi lạy cậu, câu lên xe đạp xuôi ngay, kẻo ở nhà đang bối rối. Mợ cả và các em khóc than nheo nhóc lắm cậu ơi…
Thảo cầm tay Linh thương cảm:
- Anh nên can đảm, đừng bịn rịn làm gì nữa. Anh phải về chịu tang cụ bà ngay đi cho gia đình đỡ thảm. Ở trường hợp này, anh không thể mềm yếu thế. Chị và cháu ở đây đã có chúng tôi săn sóc. Anh phải về, phải nghe vợ chồng tôi, nếu anh còn coi chúng tôi là bạn.
Vợ Thảo lau nước mắt, vội buộc vàng hương vào sau xe đạp:
- Gọi là có nén hương thơm xin gửi anh thay mặt chị Oanh, chúng tôi và các cháu thắp trước linh cữu cụ.
Rồi không quên đưa Linh mấy chục bạc:
- Anh cầm chút ít đề phòng dọc đường uống nước, chữa xe. Vài tháng gia đình đã nguôi rồi, anh lại lên với Kiều Hoa. Anh cứ yên trí rằng mọi sự ở đây sẽ không có gì thay đổi, và những người thân yêu của anh lúc nào cũng trung thành đón đợi…
Oanh đứng dậy, nén cơn thổn thức, xếp mấy manh quần áo cũ bỏ vào ba lô, tự đeo lên lưng người yêu, dắt anh ra bậc gạch trước quán, nhìn vào mắt anh, siết chặt tay anh:
- Anh về, anh về… em xin nguyện cả một đời em vẫn là của anh, của con anh…
Anh cúi hôn Kiều Hoa, rỏ nước mắt xuống làn má mịn hồng của con, rồi dắt xe đạp xuống đường.
Trên thềm quán, vợ chồng Thảo và Oanh im lặng giơ tay vẫy. Anh lao đao cố đạp, cố đạp lên con đường dốc rồi băng băng vút xuống đoạn đường lòng võng khuất sau đồi.
Mưa Thu Mưa Thu - Ngọc Giao Mưa Thu