Số lần đọc/download: 1714 / 11
Cập nhật: 2015-08-19 12:33:14 +0700
Chương 5 -
N
hà hàng chia làm hai ca, 10 giờ sáng và 5 giờ chiều, thôi cháu có con nhỏ cô ưu tiên cho làm ca chiều, không phải đổi. Tuổi Mùi hả, tuổi Mùi thì phải ngày mốt, đúng 5 giờ chiều ngày mốt cháu đến làm nhé. Giờ thì cháu về được rồi.
Tôi đứng dậy xin phép cô ra về, lòng mừng như mở cờ trong bụng. Tôi đi thẳng một mạch ra sạp hàng của mình ngoài Thương Xá Tax, nhào đến ôm lấy chị Lan, ôm luôn cả thằng nhóc, nhẩy câng cẫng la lên: "Em xin được việc rồi! Ngày mốt đi làm". Chị Lan cũng mừng không kém. Thằng nhỏ bị ôm chặt, khóc thét lên.
Ngày đầu tiên đi làm, tôi bị sai như chong chóng, mệt đứ đừ.
Tôi đi làm chưa được bao lâu thì ông chủ nhà lên báo không cho thuê nữa, cho thời hạn ba tháng tìm nhà khác. Ngày nào tôi cũng mua báo đọc tìm chỗ mướn nhà, nhưng giá cả mắc quá không đủ tiền trả. Chị Lan xúi sang đại sạp quần áo cho người khác rồi thu dọn đưa thằng nhỏ về Bến Tre, vì đã có người dạm hỏi mấy bữa rồi, để mình tôi ở trên đây đi làm, gửi tiền về nuôi thằng bé. Tính đi tính lại cũng chỉ còn cách đó, tôi đành chấp nhận, tôi sang lại sạp hàng được năm chỉ vàng, mang ngay tiền xuống đóng cho dì tôi hai kỳ hụi chót. Còn bao nhiêu tôi đưa hết cho chị Lan, gói ghém đồ đạc, nệm, tủ, chở ra bến xe An Đông mua vé về quê. Lúc ấy thằng bé đúng chín tháng tuổi. Chiếc xe lăn bánh rời khỏi bến mà tôi vẫn cứ đứng nhìn theo mãi không muốn rời.
Về đến nhà, căn phòng trống vắng, lạnh lẽo, chẳng thấy con đâu, lúc này tôi mới bật khóc nức nở. Con ơi! Mẹ có can đảm sống và làm mọi chuyện là vì con cả, con có biết không? Ngày hôm sau, thu dọn nốt mấy thứ còn lại, khoá cửa phòng, gửi chìa khoá lại cho người hàng xóm bên cạnh, tôi qua tị nạn bên nhà chị bạn ở đường Hàm Nghi.
Nhà chị Ngân cũng nghèo lại đông anh em, mỗi người chia nhau một túm ngăn phòng để ở. Tôi được xếp ở chung phòng với chị Nguyệt, chị của chị Ngân, có hai đứa con nhưng đã ly dị chồng, căn phòng chỉ có 4 m vuông, nhỏ xíu, chật chội nên tối tôi mò ra nằm ngủ ngay lối ra vào. Không vướng bận con bên cạnh, sáng sáng tôi đi bộ ra gần chợ Bến Thành học thêm Anh Ngữ tại trường Đồng Khởi, nằm trên đường Lê Thánh Tôn. Tôi vẫn luôn ấp ủ hy vọng kiếm được một công việc ngon lành hơn. Một tháng tôi thu xếp về quê thăm con một đôi ngày.
Thỉnh thoảng rảnh rỗi tôi vẫn ghé quán cà phê thăm má Duyên. Thời gian này chú Tư đã đi định cư bên Mỹ cùng gia đình, và má Duyên thì chuyển quán ra ngã tư đầu đường góc Trần Hưng Đạo, lấy cái tên nghe ngồ ngộ "Cà Phê Kim Đảo". Quán của má lúc nào cũng đông khách, nay đã mướn thêm ba, bốn người làm, bé Hà học ra trường, đang thực tập bên công ty Du Lịch. Từ ngày ăn nên làm ra má Duyên đổi tánh lúc nào cũng khinh khỉnh, la hét người giúp việc làm tôi thấy nhột nhạt, mặc dù tôi chưa bao giờ nhờ vả má điều gì. Ngồi nói chuyện với tôi má khoe tá lả nào là mới sang được căn hộ bên kia đường, nào là vừa mua cái cà rá hột xoàn hơn ca ra, trong khi tôi nghèo mạt rệp, nghèo không ngóc đầu lên được, tôi cảm thấy tủi phận mình.
Ở nhà chị Ngân được vài tháng, tôi kiếm được bạn hùn mướn chung căn hộ trên tuốt lầu 7 chung cư Nguyễn Thái Bình (tên cũ là Nguyễn Sâm), cái chung cư này vừa bẩn, vừa hôi mà leo lầu muốn sạc cẳng, có bữa cúp điện, tối đen như mực, tôi phải bò lên từng bậc cầu thang, có lần leo tuốt lên lầu 9 rồi phải đáo trở xuống.
Vào giữa năm 1994, tôi mướn riêng được căn phòng của cô bạn thân bà Dì tôi ở đường Nguyễn Huệ, tôi về quê đón thằng nhóc và chị Lan lên sống chung. Cũng năm đấy tôi hốt hụi của bà Dì mua được chiếc xe Honda Cup đời 89 đã cũ để lấy chân chạy. Tết năm đó, chị Lan đưa thằng nhỏ về ngoài Bắc chơi vài tháng mới trở vô.
*
Một ngày sau khi từ ngoài Bắc trở về nhà, thằng nhỏ cất tiếng hỏi: "Mẹ ơi, bố con đâu? " Tôi sững sờ nhìn con, ứa nước mắt. Ừ, cũng đến ngày nó phải hỏi bố nó là ai, vậy mà tôi vẫn chưa chuẩn bị được câu trả lời. Chị Lan ngồi bên cạnh an ủi: "Nó về Bắc thấy các chị đều có bố, có mẹ, nên bây giờ nó hỏi đấy mà." Tôi chỉ biết ôm con vào lòng, vuốt nhẹ lên mái tóc mềm như tơ trên đầu nó, thì thầm: "Bố con đi công tác xa lắm, con ngoan thì mai mốt bố sẽ về mua nhiều quà cho con hén", thằng nhỏ gật đầu ngoan ngoãn. Một bữa tôi bắt gặp nó đang chổng mông lên lậy ông Địa, nó vái ông Địa mang hãy bố trở về sớm cho nó. Tôi lén quay đi lau nước mắt. Tôi phải nghĩ đến chuyện kiếm cho nó một người cha...
Tôi lại dọn nhà qua khu chung cư Nguyễn Du mướn một nơi rộng rãi hơn. Lúc này tôi đã đổi nghề, nhờ có tí vốn liếng tiếng Anh nên chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch, đời tôi lên hương từ đấy. Thương Xá Tax, Inter Shop, chợ Bến Thành, chợ An Đông v.v...đâu đâu cũng nhẵn mặt tôi, chỉ cần đưa khách ra mua hàng của họ là lại có tiền huê hồng, có nơi cho 10 % cũng có nơi cho 20%. Gặp ông khách xộp nào mua chừng 1000$ là tôi sẽ được hưởng 200$ ngọt sớt. Thiệt là đời đẹp như mơ.
Nhưng đi làm hướng dẫn du lịch thì phải đi nhiều nơi, nào là sông Mê Kông, nào là địa đạo Củ Chi, rồi Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu...hơn nữa khách đã khôn ra, họ chỉ thích đến đó ngắm chứ không mua nhiều như hồi trước, dần dần tôi chán nản, xin qua làm khách sạn. Điều khó khăn nhất là vấn đề hộ khẩu, mọi khách sạn, hay công ty nhà nước đều yêu cầu phải có hộ khẩu thành phố, mà tôi thì hộ khẩu tuốt dưới quê. Thế rồi có đứa rỉ tai tôi bảo: "Khó gì, bỏ tiền ra mua một bộ hồ sơ giả, đầy đủ hết, cỡ nào cũng có". Tôi cũng làm một bộ hồ sơ giả đi phỏng vấn xin việc làm. Số tôi đúng là có quới nhân phù trợ, xin chỗ nào cũng được chấp nhận. Làm khách sạn lương bổng không cao nhưng công việc ổn định và đỡ phải vất vả đi xa. Dành dụm được một số tiền tôi đưa chị Lan ra ngoài chợ cho vay góp. Vào năm cuối 1996, chị em tôi sang được một căn nhà nho nhỏ để ở khỏi tốn tiền thuê.
Đầu năm 1997, tức là 5 năm sau bố thằng nhỏ quay về tìm kiếm. Tôi nhìn ông thờ ơ giống như người xa lạ, không giận cũng chẳng hờn, tôi đã trở nên chai lì và chẳng còn chút gì cảm xúc. Tôi đã đồng ý cho phép ông lại thăm con mặc dù trước kia ông đã nói thẳng vào mặt tôi rằng thằng bé chưa chắc đã phải là con của ông. Lúc đó tôi cũng cầu mong là như vậy để tôi đỡ tủi phận mình. Năm năm qua tôi không hề quen với ai mặc dù xung quanh tôi đầy dãy các chàng trai theo đuổi. Từ ngày tôi bị cú sốc đó trái tim tôi đã trở nên lạnh lùng và chẳng còn tin tưởng bất cứ người đàn ông nào khác.
Một lần ông bảo với tôi rằng ông sắp đi xuất ngoại, trước khi đi ông sẽ để lại 10 cây vàng cho thằng nhóc, tôi gật đầu, điều đó cũng là dĩ nhiên thôi vì nó là con ông. Thế nhưng ông lặng lẽ ra đi lúc nào tôi không hề hay biết. Ông đã trốn đi chỉ vì lời hứa 10 cây vàng, không kịp giã từ con... Khi ông đi rồi, anh tài xế mới lên báo cho tôi hay. Tôi im lặng chẳng nói gì, anh ta về rồi tôi mới ngửa mặt lên trần nhà cười sằng sặc: "Mẹ kiếp! Già đầu rồi mà vẫn còn bị nó lừa lần thứ hai, đàn ông gì đâu mà tồi bại. Tôi thèm mở miệng xin lão hồi nào, tự lão hứa đó chớ." Vài tháng sau tôi nhận được một lá thư ông gửi về từ Canada, với một tấm hình chụp ông đứng lẻ loi giữa một vùng phủ đầy tuyết trắng xoá, kèm theo một mảnh giấy đề vài hàng chữ:: "Anh xin lỗi ra đi gấp quá không kịp báo tin cho em và con. Thôi để Tết về anh đền..." Thằng con ngồi bên cạnh la lên: "Mẹ sướng hén, Tết về bố đền". Tôi quay sang vật con xuống giường chọc lét nó: "Đền cái thằng cha mày nè..." Con tôi còn nhỏ dại quá, ngây thơ quá, nó không hiểu gì về con người thật của bố nó đâu.
Chủ Nhật rảnh tôi vẫn chở con sang thăm má Duyên. Con bé Hà đã có cha ruột về tìm kiếm, và đang cặp bồ với một ông Mỹ nào đó, nghe má Duyên khoe:
- Thằng chồng sắp cưới của nó giàu lắm, đang làm giấy tờ cho nó đi Mỹ. Má lại vừa mua được căn nhà bên đường Phạm Ngũ Lão, mai mốt má qua đó mở khách sạn cho Tây Ba Lô mướn, ngon lắm con ơi.
- Má làm vậy được đó, Tây Ba Lô qua đây quá trời, nhất má rồi, những người giựt hụi ra đi, có ai thành đạt như má đâu.
Bẵng đi một thời gian tôi không ghé thăm má, má đã sang lại quán cà phê và về nhà mở khách sạn riêng, ở khúc nào thì tôi không biết.
Cuối năm 1997 tôi chuyển sang làm việc cho công ty ngoại quốc chuyên về dầu nhớt của Đức, văn phòng đặt tại đường Nguyễn Đình Chiểu Quận I gần ngã tư Đinh Tiên Hoàng.
Vài năm sau, tôi gặp một thương gia người Nhật, chúng tôi kết bạn với nhau được hơn năm thì quyết định chuyện hôn nhân. Vài tháng sau anh bảo lãnh và đưa tôi qua định cư tại Tokyo cho đến giờ. Từ đó tôi không còn gặp lại má Duyên, và sẽ mãi mãi chẳng còn má trên đời. Thôi thì cầu nguyện cho má được an giác ngàn thu.
Trời đã sáng rõ hẳn, xe hàng chạy rầm rầm ngoài đường nghe như rung chuyển cả căn nhà. Tôi mò dậy xuống bếp đi vệ sinh, vừa mở cửa ló mặt vào bếp đã nghe tiếng con nhòng kêu inh ỏi: "Hạnh ơi, Hạnh ơi ", tôi đẩy chiếc lồng quay vòng vòng quát lên: "Hạnh Hạnh cái mả cha mày, mới sáng banh mắt ra đã Hạnh với hẹo " Con chim xù lông, rụt cổ lăm le tính mổ tôi. Mặc cho nó kêu chí choé, tôi mở cửa bước ra ngoài sân, một làn gió nhẹ thổi lùa đến mang hơi sương lạnh làm tôi nổi gai ốc. Tôi đứng giữa sân vặn vẹo thân mình, trước mặt lùm dây mơ tam thể mọc xum xê xanh tốt bên hàng rào ngay cạnh phòng tắm, những đốt mơ mập ú ù, lá nửa xanh nửa tím. Tôi bước lại gần đưa tay hái một mớ lá để mang về Sài Gòn làm món rau mơ chưng trứng gà, tự nhiên nhìn thấy lá mơ tôi lại thèm món này kinh khủng, tôi bật cười vì sự thèm sảng của mình, cao lương mỹ vị gì không thèm lại đi thèm món "lá thúi địt". Ngày trước mỗi lần làm món này, mở nồi cơm ra, một mùi thum thủm bốc lên sặc xụa làm thằng con tôi la rầm trời: "Mẹ ăn cái chi mà thúi quá!".
Rửa mặt đánh răng xong, tôi bước vào trong bếp bắc ấm nấu nước xôi để tí nữa bố con tôi nhẩm trà. Trong lúc đợi nước xôi, tôi đứng cạnh cửa bếp nhìn con nhòng đang nhẩy cà tưng nghiêng đầu nhòm ngó, tôi liên tưởng đến mình, đến căn nhà với bốn bức tường mà tôi tự giam mình khi sống bên Nhật, thì cũng giống như nó thôi, sống trong lồng son gác tía, được nuôi dưỡng đầy đủ nhưng khi xểnh tay ra là nó bay mất, bay đi tìm tự do. Còn tôi, tôi cũng muốn được tự do bay cao, bay xa, nhưng...lại chẳng biết bay đi đâu, và không đành lòng nên dù cho được thả khỏi căn nhà có bốn bức tường ấy...thì...thì tôi cũng lại quay trở về nơi cũ.
Tôi khép hờ đôi mắt, bỗng nhiên hình ảnh ông Long hiện lên, tôi băn khoăn không biết giờ này ông ra sao? Ở đâu? làm gì? Còn sống hay đã mất? Kể ra, lá số tử vi ông chấm cho tôi khá đúng, đúng ở chỗ ông bảo tình duyên của tôi hay trắc trở và suốt đời lận đận, nhưng cái nhận định như đinh đóng cột rằng tôi đừng mong có ngày bước lên "xe bông" thì trật lất hoàn toàn. Tôi không những ngão nghệ bước lên xe bông vào quá tuổi "băm" mà hôn lễ còn được tổ chức khá long trọng ở một khách sạn nguy nga cổ kính bậc nhất Sài Gòn, khách sạn Công Ty Đăng Tan (Continental Hotell).
Chuyện đám cưới cũng làm tôi nhớ mãi, vừa mệt, vừa buồn cười mà lại vừa cảm thấy hạnh phúc...Mọi công việc một mình tôi đảm trách, từ việc đặt tiệc cưới ở đâu cho đến việc chọn thiệp cưới mầu gì. Tôi được Hạnh, em gái mình chỉ đến đặt thiệp từ người quen nó ở khu Thị Nghè, vì không có mẫu, chỉ nghe diễn tả nên tôi không thể hình dung tấm thiệp nó ra sao, đặt đại, đến khi cầm xấp thiệp trên tay, tôi thất vọng não nề, trông nó y hệt như mấy cái thực đơn trong nhà hàng ăn uống. Tôi đành huỷ hết, lên đường Lý Thái Tổ tự mình vẽ kiểu, chọn mầu đặt lại thiệp gấp rút cho kịp ngày kết hôn. Vì chuyện này, chị Vân Giang gọi tôi khuyên nhẹ: "Này em ơi, thiệp cưới sao lại làm hai lần, như vậy là người ta kiêng đấy!" Tôi nhoẻn cười: "Kiêng với cử cái gì, xấu quá thì bỏ." Rồi cũng trong ngày cưới, khi thấy tôi không chịu chụp hình lẻ, chính chị Vân Giang ghé tai nói nhỏ: "Ngộ héng, thiệp thì in hai lần không sợ mà chụp hình lại cử lẻ, thế là làm sao?" Tôi lại cười típ cả mắt: "Chồng có bỏ, ta lấy thêm chồng khác, nhưng ta lại không muốn chết vì chụp hình ba, chị ơi".
Ngày cưới, tôi giao phó mình cho con bạn mới học nghề trang điểm, nó trang điểm cho cô dâu và cho luôn cả dòng họ bên đằng gái. Chẳng biết vì yếu tay nghề hay vì cách học trang điểm ở Việt nam còn nhiều hạn chế, nó chê mắt tôi bị sụp, phải dán mí cho to ra, cho rõ, rồi thì nó cắt cắt dán dán không phải chỉ một miếng mà tới hai ba miếng chồng lên nhau, làm mí mắt tôi nặng trịch. Mặc dù không buồn ngủ nhưng lúc nào cũng phải nhướng lên. Mắt của tôi thuộc diện mắt mí lót, hơi giống mấy cô gái Nhật Bổn, đẹp lung linh huyền ảo...thế mà nó biến mắt tôi thành "Bồ câu ngủ" để bây giờ thỉnh thoảng xem lại cuốn video "Ngày trọng đại" tôi thấy không những riêng tôi mà cả dòng họ bên nhà tôi ai cũng có cặp mắt "bồ câu ngủ" giống hệt tôi.
Ông Long nói đúng một điểm nữa là số tôi luôn có quới nhân phù trợ, dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến tưởng chừng không chịu đựng nổi, tôi lại có người đưa tay ra nâng đỡ, bất kể là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ.
Quả thực cũng có lúc tôi nghĩ đến cái chết, chết quách cho rồi sống làm chi, chật đất. Nhất là cái hôm tôi bị bố thằng nhỏ tạt vào mặt một câu: "Thằng nhỏ chắc gì đã là con của tôi." Chán nản, tôi ẵm con đi ra cầu Bình Lợi, tính ôm con nhảy xuống đó cho xong một kiếp người, nhưng khi thấy dòng nước đen ngòm hôi thúi, tôi lại ôm con trở về. "Ngu sao chết, ta phải sống, phải vươn lên để cho nó thấy rằng không có nó ta cũng vẫn sống đàng hoàng, sống sung sướng hơn cả cái thời có nó ".
Cũng vì cái lá số tử vi ông chấm mà có lần tôi hú hồn hú vía, vào những năm cuối thập niên 90, tôi bị nổi mụn nhọt nhỏ bên ngực trái, mụn nhọt này gây đau nhức, tôi đưa tay nặn nhẹ, phọt hẳn ra một cục bắn vào cái kiếng trước mặt cả cùi lẫn máu. Trong khi đó, buổi chiều trên tivi đài số 7 có chiếu loạt phim tình cảm Đài Loan nói về số phận một cô gái bị ung thư ngực, bộ phim này tôi hoang mang. Nếu theo đúng những gì ông Long giải lá số tử vi thì tôi sẽ chết vì bệng ung thư ngực, tôi chết rồi không biết con tôi sẽ ra sao? May thay khi nặn ra được cùi, ngày hôm sau vết thương lành miệng, nó chỉ là cái nhọt bình thường.
Sau khi dứt khoát nói thẳng quyết định của mình với ông Long, tôi không còn gặp lại ông nữa, cho dù tôi sống ngay tại Sài Gòn.
o O o
Vầng dương đã hé rạng, ánh nắng yếu ớt của buổi ban mai chiếu xiên qua cây ổi bên hiên nhà. Lấp ló sau tàn lá xanh hai trái ổi to bằng nắm tay đã chín vàng ruộm. Tôi vội vã tuột dép, nắm cành ổi chìa ra gần giữa thân đu lên, thoăn thoắt như một con khỉ, tôi đã với cành ổi xuống gần trước mặt, mùi ổi chín thơm phức xộc vào mũi, ổi trái mùa. Má nhỏ tôi bảo đây là cây ổi xá lị, quả hơi nhỏ như ngọt và thơm. Thỉnh thoảng có dịp lên Sài Gòn, lần nào bà cũng trẩy vài quả chín mang lên làm quà cho tụi tôi.
Hái xong, tôi tụt xuống mang vào bếp rửa và kiếm con dao nhỏ xẻ ra ăn. Lúc này bố tôi đã thức dậy, đang ngồi rít thuốc lào ở bộ ghế ngay phòng ăn. Bên cạnh ấm trà bốc hương thơm nghi ngút. Tôi mang cả dao cả ổi lên ngồi đối diện ộng. Bố tôi ở trần chỉ mặc mỗi cái quần tây, người đen nhẻm trông tối cả một góc phòng. Nhìn tôi, rồi nhìn trái ổi, ông cất tiếng:
- Mới sáng ra đã ăn ổi rồi sao con, đau bụng đấy.
- Đau ở đâu mà đau, bố thì cứ lo vớ vẩn.
Ông chế thêm nước vào tách trà rồi đẩy về phía tôi, chép miệng:
- Trà này uống ngon thật. Chị Vân mày mới gửi vào cho bố.
Tôi nâng tách trà nhấm nháp, hương thơm thoang thoảng, và có vị ngọt nơi cổ họng khi uống xong tách trà, tôi hít hà:
- Đúng là trà móc câu bố nhỉ? Con nhớ hồi mẹ còn làm trong xưởng chè Tô Múa, thỉnh thoảng mẹ lại mang một mớ đót trà tươi về nhà ủ rồi xấy, con vò đen xì cả bàn tay. Nhưng trà mẹ mình làm uống ngon lắm, móc câu chính hạng, mà phải là trà lấy từ Tô Múa chứ trà dưới Nông Trường thì lại không được ngọt hậu.
Bố tôi gật gù:
- Ừ, mẹ mày khéo tay, bà làm ký trà nào cũng đáng đồng tiền bát gạo.
Bất giác, bố tôi thở dài rồi im lặng, tôi cũng im lặng nhìn ông. Ông gầy gò khẳng khiu, da mặt đen sạm, lông mày lông mi lợt nhớt chỉ nổi bật lên hai cánh mũi to như hai nắm tay, lùi xùi đầy mụn trứng cá và cái miệng mỏng lét, mỏ nhọn hoắt. Tự nhiên tôi bật cười khanh khách:
- Trông xấu giai thế này mà lại lắm bà theo thế!
Bố tôi cũng phì cười:
- Tổ cha mày, chỉ được cái lẻo mép.
Rồi ông lại dịu giọng:
- Mới đây mà đã mười chín năm, nhanh quá.
Đôi mắt già nua nhìn về hướng xa xăm, cái tách trà vẫn cầm nơi tay, chưa uống. Giọng đều đều:
- Bữa hôm về bốc mộ cho mẹ bay, đào mãi, đào mãi mà chẳng thấy xương cốt đâu cả, bố cứ tưởng là tan thành đất hết rồi, nhưng nới rộng ra một tí thì lại bắt được môt mẩu xương, rồi thì coi như lấy được hết.
Bố tôi xoay lại nhìn thẳng vào mặt tôi, nói:
- Bà linh lắm nhá. Cái thằng Thành, thằng chó chết, nó hứa sẽ đem cốt thím nó xuống Hà Nội, thế mà giờ chót nó đổi ý không chịu cho lên xe. Chị Vân bay lồng lộn lên chửi rủa um xùm. Bố bảo bình tĩnh, ra đón xe ngoài, mà phải giấu kỹ chứ họ biết họ không cho đi. Vậy mà đi đến nơi về đến chốn, tuy nhiên dọc đường xe cứ chết máy liên tục. Bố lên tầu hoả, về Thanh Hoá cho bà ghé thăm quê hương một lần chót, rồi mang bà vào thẳng đây luôn, để bà ở chùa tụng kinh mấy ngày trời mới đem chôn. Còn cái thằng Thành, từ bữa đó, xe hư liên tục, phải gọi điện vào đây nhờ bố xin thím tha tội.
- Chuyện này con nghe chị Lan nói rồi, đáng kiếp, ai bảo cà chớn.
Rồi tôi xuống giọng nói nho nhỏ:
- Bố này, bố nghĩ sao mà bố lại mang mẹ con vào ở cái chốn khỉ ho đó, vừa xa xôi, vừa lầy lội, mỗi lần về thăm cực gần chết. Quan trọng nữa là đất của người ta, của bên vợ nhỏ, rồi không biết người ta có để cho mẹ được mồ yên mả đẹp hay không? Con nghe bảo chôn cái kiểu này lộc của nhà mình bên người ta hưởng hết. Đấy từ cái hôm mang mẹ về đây, nhà mình lộn xộn, chẳng đâu vào đâu cả.
Bố tôi bối rối trong giây lát rồi lại từ tốn trả lời:
- Khu đất đó bố và má đã mua lại rồi, với lại mai mốt bố chết cũng về nằm đó.
Tôi định nói thêm nhưng lại thôi, đằng nào thì mẹ cũng đã nằm ở đó rồi. Tôi lái sang chuyển khác:
- Bố có định ra thăm con gái cưng của bố không đấy?
- Có chứ, để ra Tết đã.
- Bà đổi trại rồi, viết liên tục ra mấy bức thư, con đọc sôi hết cả máu. Tôi rít lên trong kẽ răng: Con mà ra được ngoài đấy thì con bóp cổ cho chết queo cái thứ ngu ấy đi, sao lại có người ngu thế, điên thật! Tình nguyện xung phong đi trại khác, nghe đâu tuốt trên Cẩm Thuỷ, vùng rừng núi hiểm trở lắm. Lại còn viết thư về cằn nhằn nào là một sự sai lầm nghiêm trọng, nào là hối hận vô cùng, nhắn hết người này đến người khác, đòi mang tiền ra ngoài đó gấp để chạy cho trở về trại cũ. Đấy! Con gái bố đấy, ông đi ra mà lo. Thật tình, điên không thể chịu nổi.
Bố tôi la lên hoảng hốt:
- Cái gì? Nó xin lên Cẩm Thuỷ hả? Chết rồi, cái vùng ấy là vùng khí hậu khắc nghiệt, trời ơi, con với cái sao mà nó ngu thế!
Cả nhà đã thức dậy, Hạnh đang gỡ mùng, xếp lại cho gọn. Tôi vội nói với nó:
- Sửa soạn lẹ lên rồi ra Chợ Giữa ăn hủ tiếu, xong mình còn phải lên chợ mua thịt bò và mấy thứ nữa chứ.
- Chờ anh Hùng xuống rồi mình đi luôn.
- Chờ ông đến bao giờ? Mình ra chợ sớm lựa đồ cho tươi.
- Vậy cũng được.
Chỉ một lát sau mọi việc xong xuôi, tụi tôi chuẩn bị lên đường, tìm mãi chẳng có cái nón nào, tôi để đầu trần như vậy leo lên xe nổ máy chạy vọt ra hướng chợ giữa, Hạnh chở con nó chạy trước, tôi và chị Vân Giang tò tò đi sau, Dì tôi thì được bà chị dâu chở ra sau. Tụi tôi tấp vào tiệm hủ tiếu, gọi mấy tô trước. Những tô hủ tiếu đầy tú hụ bốc hơi thơm lừng, tôi xin thêm miếng giá chụm, bỏ vào đảo đều lên và hì hục húp, nhưng chỉ vài miếng là tôi bỏ đũa, hủ tiếu dở quá nuốt không trôi. Tôi nhớ năm ngoái hủ tiếu ở đây ngon thật ngon, mình tôi quất hai tô mà vẫn còn thòm thèm. Tôi quay sang cái Hạnh càu nhàu:
- Sao hôm nay hủ tiếu dở thế, bộ đổi chủ rồi à?
- Đâu có, chỗ này khác, chỗ năm ngoái bà dẹp rồi.
- Hèn chi.
Ngồi chờ cho mọi người ăn xong, tôi mới hối tính tiền lẹ để còn đi lên chợ thị xã mua đồ. Đang định móc bóp lấy tiền ra trả thì bà chị dâu dành trả trước, và rồi cả đám lục tục đứng lên kéo nhau ra ngoài. Tôi chở chị Vân Giang chạy thẳng lên hướng trung tâm thị xã. Gần đến cầu Gò Đàng tôi giảm tốc độ cho xe chạy chậm lại, nhìn sang bên đường. Cái quán dưới chân cầu Gò Đàng của bác tôi nay đã bị dẹp, thay vào đó là là một ngôi nhà nhỏ, lợp bằng lá dừa, trông nghèo nàn. Bác tôi đã mất cách đây vài năm, mất vì bệnh sơ gan cổ chướng. Lúc bác còn sống, lần nào về quê tôi cũng xà lại quán thăm bác.
Bác Hà là chị họ mấy đời của mẹ tôi, tình cờ chị em lại gặp nhau ở cái tỉnh Bến Tre đồng khổ này, mừng mừng, tủi tủi. Tuy chị em xa họ nhưng mẹ tôi lại giống bác rất nhiều, nhất là giọng nói, đôi khi nghe bác hỏi chuyện mà tôi cứ ngỡ mẹ tôi hiện hồn về. Bác Hà lấy chồng là dân Bến Tre tập kết. Nghe mẹ tôi kể, ngày xưa ở quê bác có tên là Ỏn hay Ẻn gì đó, nhưng sau khi bác được tuyển vào đoàn văn công của tỉnh Thanh Hoá, bác đổi tên Thanh Hà. Bác tôi có giọng hát khá hay, và múa rất dẻo. Tôi nhớ mãi ngày đầu bố tôi đưa xuống nhà gặp bác, lúc đó bác còn đang sống trong khu tập thể nhà máy dừa ngay đối diện bên kia đường. Bác hơi thấp người và để mái tóc che hẳn một bên mắt, nhìn tức con mắt, mãi sau tôi mới biết bác muốn giấu vết chàm ở ngay bên thái dương. Bác chặt dừa cho tôi uống, còn tôi thì tíu tít kể đủ thứ chuyện. Bất ngờ bác hỏi tôi:
- Cháu có biết "dũ" không?
Tôi nhíu mày nhìn bác, rồi hỏi lại:
- Dũ là gì hả bác?
- Là múa, vũ đó.
- Ý trời! Múa thì bác bảo múa tự nhiên bác hỏi cháu "dũ" làm sao cháu biết "dũ" là gì.
Bác cười nhe hàm răng trắng bóc, đều như hạt bắp. Tôi thầm nghĩ chắc ngày còn trẻ Bác tôi cũng đẹp gái lắm đây. Bác yêu đời luôn miệng ca hát, tuy già nhưng bác hát vẫn hay, giọng hát vẫn còn trẻ và khoẻ. Bác kể cho tôi nghe rằng bác có người em con ông chú ruột trước đây là ca sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn, ca sĩ Thanh Thuý. Nếu theo gia phả tôi phải gọi bà bằng bác, nhưng cả đời tôi chưa nhìn thấy mặt bà bao giờ, chỉ được nghe giọng hát qua băng cassete, cái giọng nhừa nhựa giống như người say rượu qua bản nhạc Kiếp Cầm Ca, thú thật tôi chả thích tí nào, nghe bác Hà tôi hát còn hay hơn. Hồi tôi mở quán cà phê, thỉnh thoảng bác lại ghé chơi, khi thì mang cho tôi vài quả ổi, khi thì mấy trái dừa. Mỗi lần bác xuất hiện là mỗi lần tôi giật mình tưởng mẹ. Có lần khi tụi tôi đang bàn luận về chuyện lấy chồng, bác ngồi bên ngoài ké vô: "Úi trời ham gì lấy chồng mấy đứa ơi, tối hắn về hắn mò cả đêm không ngủ được" làm tụi tôi khoái chí cười gần chết.
Bác tôi sinh được bốn người con ba trai một gái và đặt tên con tuần tự: Lai, Lịch, Sử, Dụng. Anh Lai con trai đầu lấy vợ làm ngoài rạp hát, có căn nhà ở đường Lãnh Binh Thăng mà hồi xưa bố con tôi ở đậu. Anh chính là người dạy cho tôi chạy xe honda lần đầu tiên, anh chỉ cho tôi cách xử dụng, vào số, đạp thắng, tăng ga...và anh ngồi đằng sau để tôi chở đi thực tập. Lúc đầu, tôi chạy từ từ vào hướng ngã năm, sau thấy vắng người tôi tăng ga chạy lẹ, loạng quạng tránh cái ổ gà, tôi đâm sầm vào một chiếc xe đạp ngược chiều, làm chiếc xe đó cong vành số tám, anh Lai phải móc tiền ra đền cho người bị nạn, còn tôi mặt xanh như tầu lá.
Người con thứ hai của bác là chị Lịch, cao hơn tôi gần cái đầu, gương mặt chị y như lưỡi cầy, đầy tàn nhang, xấu ỉn. Có thời chị rủ tôi qua Miên bán cà phê, chị bảo tôi mà qua đó sẽ hốt bạc. Nghe nói hốt bạc tôi mê tít nhưng bị bố cấm không cho đi. Bố tôi bảo chị Lịch là con "bán trời không văn tự " qua đó chị bán mày vào cái "động thổ" thì sao. Chị Lịch cứ đi vài tháng lại trở về tay đeo đầy khoẻn vàng, chị nói bên Miên làm ăn dễ lắm, dụ tôi theo mãi, xúi tôi trốn bố mà đi, nhưng tôi vẫn không dám.
Anh kế tiếp là tên Sử và thằng út tên Dụng, vì nhỏ hơn tôi mấy tuổi nên Dụng gọi tôi bằng chị. Dụng là thằng đẹp trai nhất nhà, có việc làm ổn định. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Dụng thi vào trường Mỹ Thuật điêu khắc và nặn tượng khá đẹp. Tôi nhớ một lần nhân dịp về quê nghỉ hè, Dụng nặn một bức tượng bán thân hoa hậu Lý Thu Thảo mang làm quà cho Mỹ Hạnh. Tôi đứng kế bên trề môi xì...một tiếng thật dài nói giọng mỉa mai.
- Cái thằng thật rõ dở hơi, chị mày xinh đẹp thế này mà mày không nặn, mày nặn con Lý Thu Thảo làm gì?
Dụng sượng trân mặt, cười giả lả.
- Để lần sau em nặn tượng chị.
- Nói giỡn vậy thôi, mày đừng có nặn thật, nặn tượng tao để mang chưng trong toilet à.
Cả nhà được mình nó nên người, nhưng có tài thì lại có tật. Dụng bị cà lâm nặng còn hơn cả cậu Sáu anh má nhỏ tôi. Vài năm trước Dụng cưới vợ nhà ở quận Bình Thạnh, một hôm bất ngờ tôi nhận được điện thoại của nó xin phép đưa vợ lên trình diện.
Vợ Dụng khá xinh gái, cả hai cùng làm chung một công ty. Ngồi hỏi chuyện qua lại một hồi, Dụng bất ngờ quay sang nói với vợ:
- Em...có thấy chi... chi... chị Hân đẹp không?
Tôi khoái chí cười típ cả mắt.
- Lắp woài vậy mày? Có vợ rồi cũng còn nói lắp nữa hả?
Chị Lan ngồi kế bên huých vào sườn tôi, la nhẹ.
- Con này vô duyên!
- Ôi em út cả ấy mà.
- Em gì, nó vai anh mày đấy.
- Ừ thì anh, anh Dụng nhể.
o O o
Một lần về Bến Tre Bố tôi chở lên thăm Bác. Lúc này anh Lai đã ly dị vợ về sống với Bác trong căn nhà nhỏ dưới chân cầu Gò Đàng. Bác tôi bị bệnh, nằm ở phòng trong. Bố tôi ngồi ở phòng ngoài nói chuyện với anh Lai, còn tôi lần vào tận giường Bác. Cái giường được giăng mùng kín mít, Bác tôi nằm bên trong, ở trần, bụng đã chướng lên như đàn bà có bầu. Bác nắm lấy tay tôi, giọng nghẹn ngào:
- Bác cứ mong mày về mãi cháu ạ.
Sống mũi tôi cay xè, mắt rớm lệ. Bác tôi nằm đấy da vàng trạch, môi khô, phổng rộp từng lớp, trông thật thương tâm. Bác đã bị bệnh viện trả về, chỉ nằm chờ chết.
- Cháu về bác mừng lắm, biết có còn lần sau không hả con? Bác sắp đi gặp mẹ mày rồi.
Giọng nói yếu ớt, nước mắt giàn rụa. Tôi chỉ biết nắm chặt lấy tay Bác. Bác tôi đã chịu quá nhiều khổ cực rồi, sao tới giờ này trời vẫn còn đày đoạ thân bác, bắt Bác phải chịu đau đớn bệnh hoạn như thế này. Một đời nghèo khổ Bác tận tuỵ lo cho chồng con, dành dụm mãi mới mua được căn nhà nhỏ thì bị cô con dâu dụ dỗ cho đứng tên, và rồi chiếm đoạt. Vậy mà Bác chẳng nói một lời, lúc nào cũng âm thầm chịu đựng. Tôi cất tiếng hỏi nho nhỏ:
- Bác có ăn uống gì được không?
- Bác ăn được, chỉ không ngủ được cháu ạ, cái gì bác cũng thèm hết. Chắc ăn để trối chết.
Tôi mở bóp, lấy một sấp tiền nhét dưới gối nằm, dặn:
- Cháu để tiền ở đây, khi nào thèm ăn gì bác lấy ra nhờ mấy đứa nhỏ mua giùm cho mà ăn Bác nhé. Chiều nay cháu phải đi rồi. Mai mốt về làm giấy tờ cháu sẽ ghé thăm Bác nữa.
- Chừng nào tổ chức đám cưới vậy cháu?
- Dạ khoảng tháng sáu.
- Bác mừng hạnh phúc cháu.
- Cháu còn về nữa mà.
Tôi đưa tay quệt hàng nước mắt. Tôi không ngờ đây là lần cuối cùng tôi gặp Bác tôi, ngay tháng sau, Bố báo tin Bác đã qua đời. Tôi nghe tim mình đau nhói, vậy là bác tôi ra đi, chị em đã đoàn tụ với nhau nơi chín suối.
o O o
Ngay buổi chiều cái hôm tôi từ giã Bác Hà để trở lên Sài Gòn đó, hình ảnh Bác nằm trên giường bệnh, nước da vàng vọt, bụng chướng to đã ám ảnh tôi nhiều ngày. Tôi nghe đồn mật gấu có thể cứu được người bị bệnh xơ gan và trị luôn được cả ung thư. Thời điểm ấy Sài Gòn rộ lên phong trào mua bán mật gấu nước, họ bán theo cc, 1 cc khoảng 140.000 đồng. Tôi đem chuyện này ra bàn với thằng Út, tính mua mật gấu về cho Bác Hà uống may ra cứu được mạng sống bác mình. Thế nhưng câu trả lời của thằng Út như gáo nước lạnh xối vào mặt: "Vô ích, bệnh của bác phải uống một ngày vài cc, tiền núi, chị có đủ tiền mua cho bà uống không?" Tôi xụ mặt xuống, ừ, nó nói cũng phải, lương tôi một tháng được 150 đô la, khoảng gần 2 triệu bạc, chỉ đủ mua mật gấu cho bác uống trong vài ngày, giống như muối bỏ biển. Lực bất tòng tâm, đành phải chấp nhận nhìn cái chết từ từ đến với Bác mà không làm gì được. Thế nhưng tôi cũng nhờ nó mua 5 cc, đựng trong chai mầu đen, nghe người ta bảo, mật gấu phải ngâm với rượu trong chai mầu tối và phải uống vào buổi chiều mới có tác dụng tốt, nếu uống vào ban ngày thì người uống sẽ có máu nóng y như gấu. Chẳng biết có đúng vậy hay không nhưng tôi vẫn theo lời hướng dẫn đó mà làm. Chưa kịp gửi về cho Bác, một hôm thằng nhỏ cháu bị kẹt tay vào cánh cửa nhà, khi rút được ra thì ngón tay tím bầm, bẹp dúm, tôi nhanh trí lấy chai mật gấu ra xoa bóp cho nó. Nếu mật gấu thật thì ngón tay sẽ không hề hấn gì ngoại trừ bị dập xương phải mang đi bệnh viện bó bột. Nhưng xoa bóp mấy lần mà ngón tay càng ngày càng đen ngòm trông kiếp sợ, tôi la lên: Mua phải mật gấu dỏm rồi. Kể thì cũng đúng thôi chứ mật gấu thật ở đâu ra mà ngày nào cũng đem con gấu ra chọc để lấy mật, với lại Việt Nam chuyện lừa đảo rất tinh vi, họ cho người mua mật ngồi đó xem họ biểu diễn việc lấy mật, nhưng tráo đồ dỏm lúc nào người mua chẳng bao giờ biết được. Cũng may chưa gửi về cho Bác, để lỡ uống vào dám Bác tôi còn "đi" lẹ hơn.
Giờ này đi ngang nhà Bác, tôi tưởng như Bác đang đứng bên đường nhìn theo xe tôi với ý trách móc, sao không dừng lại ghé thăm Bác. Tôi cũng muốn dừng lại, vào thắp cho Bác nén nhang nhưng tôi lại ghét không muốn nhìn thấy ai trong nhà đó, nhất là khi tôi được biết thằng Dụng đã coi thường bác, nó mang cô bạn gái về thăm nhà nhưng cấm mẹ gặp vì sợ cô bạn gái chê mẹ nó nghèo nàn lam lũ lại bệnh hoạn nằm liệt giường.
*
Tôi cho xe chạy thẳng con đường quốc lộ, vượt cầu Cá Lóc, chạy ngang ngã tư Quốc Tế, rẽ vào Bửu Ký theo bóng Hạnh vẫn thấp thoáng phía đằng xa. Tôi dừng xe ngay trước cửa căn nhà cũ, vẫn ngồi trên yên xe và chống một chân xuống đất, dướng mắt ngó vô trong nhà. Căn nhà này Bố tôi đã bán cho người khác cách đây hai năm. Chủ mới dùng nó để mở tiệm tạp hoá. Tường nhà đã được sơn lại thành màu xanh lơ, hàng chữ bay bướm "Café Hân" ngày xưa nay đã bị xoá bỏ. Bà Bẩy "mô đen" không biết giờ phiêu bạt nơi nào. Cô Mỹ bán đường đậu nghe nói đã dọn về bên vườn mở lò làm bánh tráng sữa. Dì Ba bán cháo gà đã dọn qua bên chợ mới nhưng rồi ế quá cũng nghỉ luôn, tôi thèm tô cháo gà và dĩa gỏi do chính tay dì làm, tôi ăn hoài không biết ngán. Chỉ còn lại thím Sáu bán kẹo dừa trên đầu ngã tư, nhưng mấy thứ này tôi không mua vì nhà tôi chẳng ai thèm tới nó. Cũng con đường này có Dì Bảy bán bì heo, bà người Chà có cặp mắt đen huyền và hàng mi cong vút, lần nào tôi về thăm con, bà cũng ngọt ngào hỏi thăm: "Sáu Lem dạo này sao rồi con? Con có gặp nó hôn? Chèng ơi...! Thằng nhỏ nhà bay coi thương hết sức!" Nay cái sạp đó cũng bỏ trống không thấy dì ngồi.
- Chị ơi, có tôm bạc đất còn sống, dãy đành đạch này, mua hén?
Tiếng Hạnh hỏi làm tôi giật mình quay lại:
- Có, mua chớ.
- Mua mấy ký?
- 2 ký được rồi.
Hạnh ngồi xuống bên cạnh mặc cả giá và đưa tay lựa những con tôm to nhất. Dì tôi lui cui chọn mấy con khô cá sặc và cả bịch tôm khô. Tôi gọi giật dì lại, nó nho nhỏ:
- Dì mua cá sặc thì được, đừng có mua tôm khô ở đây, họ toàn phun nước vào cho nặng ký đấy, mai mốt về lại mốc xì không ăn được đâu.
Nhà tôi ngày xưa cho mấy bà buôn bán tôm cá dưới Ba Tri lên ngủ trọ, tôm cá học chất đầy cả nhà bốc mùi hôi rình. Sau khi ngồi bán hàng dưới cái nắng gay gắt, tôm cá bị khô hao, tối về, họ phun nước ào ào cho nặng thêm. Bởi vậy tôm của họ mới đầu nhìn ngon mắt nhưng khi mua về một thời gian thì bị đổi mầu, có khi giữ gìn không cẩn thận tôm mốc xanh lè, chỉ có nước vứt bỏ.
Hạnh lựa được mớ tôm rồi móc tiền ra trả. Tôi đẩy xe lại gần tiệm uốn tóc chị Tám, định ghé vào thăm, nhưng dường như chị Tám không có nhà. nhìn vào trong chỉ thấy mấy đứa học trò của chị ngồi lổn nhổn phía trước. Tôi leo lên xe rồ máy tính vọt đi thì chị Sang bước ra, chị Sang làm cán bộ trên phường, nay nghe đâu đang ứng cử chức Chủ Tịch phường. Thấy tôi chị cười thân mật:
- Mới về hén cưng.
- Dạ, chị khoẻ?
- Ừa, chị vẫn khoẻ.
Chị Sang nay đã gần năm chục, nhưng lại chẳng chịu lấy chồng, chắc chị bận rộn lo cho dân cho nước nên noi theo gương "Bác Hồ vĩ đại" hy sinh hạnh phúc riêng tư. Chị Sang dễ thương, hiền hậu và cởi mở chứ không giống mấy người cán bộ khác hay phách lối. Tôi thích tánh điềm đạm của chị, với người khác không biết sao, nhưng riêng với gia đình tôi chị lúc nào cũng tử tế. Một lần công an ngoại vụ gởi giấy mời tôi ra Sở điều tra về vụ kết hôn với người ngoại quốc. Mặc dù giấy tờ nộp cho Sở Tư Pháp đầy đủ kể cả Giấy Chứng Nhận Độc Thân, nhưng họ vẫn xét tới hỏi lui, rắc rối nhất là việc tôi đã có một đứa con, họ hỏi về người cha của nó và đòi phải có giấy xác nhận của ông ta đồng ý cho tôi đi lấy chồng, thời gian đã qua lâu, tôi không biết ông sống chết ra sao, giờ công an đòi phải có chữ ký của ông, tôi đào đâu ra mà có được. Tôi biết, họ muốn làm khó dễ để bắt tôi phải xì tiền hối lộ. Ngay hôm đó họ đòi tôi phải nộp thêm tờ giấy khai sinh của thằng nhỏ, lập tức tôi quay trở lại phường xin chứng nhận tờ giấy khai sinh. Vừa đến trước cửa phường, chị Sang đã vẫy tôi vào trong, dẫn tôi đi qua dãy hành lang, vào một phòng nhỏ, chị đóng cửa nói khẽ với tôi: "Em thay lại áo đi, cái áo mặc ngược rồi kìa." Tôi hốt hoảng nhìn xuống, mặt đỏ rầng, má ơi tôi mặc áo trái! Sáng nay xớn xa xớn xác... vậy mà không hiểu sao lúc tôi đi ra, cả nhà chẳng ai nhìn thấy, má nhỏ tôi đi cùng cũng không nhận ra. Để tôi mặc áo trái mà đi lên tuốt Sở Ngoại Vụ, rồi đi khắp cùng thị xã. Thiệt là xấu mặt dễ sợ.
Cũng vì tờ giấy chứng nhận độc thân, tôi đã phải đi lên đi xuống mấy lần. Ở phường chịu xác nhận tôi chưa kết hôn lần nào, nhưng thời gian tôi sống trên Sài Gòn họ không biết nên ghi hàng chữ bên dưới (yêu cầu công an khu vực trên phường tôi tạm trú xác nhận). Tôi lại phải đáo trở lên Sài Gòn tìm ông công an khu vực xin xác nhận, Thật bất ngờ, người công an khu vực ở phường tôi lại chính là anh chàng người tình của chị Sáu Lem thủa trước. Nhắc lại chuyện cũ, ông ta trách chị Sáu tôi "Ngu". Ông tỏ vẻ nghiêm trọng: "Vụ này căng lắm à nha." và trắng trợn đề nghị lo tiền. Khi tôi gạt đầu, ngay sáng hôm sau ông cầm lại tận nhà tôi mấy tờ giấy tôi cần con dấu đỏ chót đóng ở dưới. Ông này ăn hối lộ một cây có tiếng ở phường nên già rồi mà chỉ dừng ở chức "công an khu vực". Mấy năm về trước, tôi vô tình đọc tin trên báo điện tử "vnexpress" rằng cả phường công an Bến Thành đang bị điều tra về hành vi làm tiền doanh nghiệp, bảo kê, ăn hối lộ. Tôi chắc mẩm thế nào "anh Sáu Lem" cũng bị ở tù. Nhưng hắn giỏi thật đã biết tin và lánh nạn sang phường khác từ trước.
- Tám đi đâu rồi chị?
- Chị cũng không biết nữa.
- Vậy xíu Tám về chị cho em gởi lời hỏi thăm Tám nghen. Bây giờ em qua chợ mua mấy thứ và trở lên Sài gòn liền.
Chào chị tôi lại phóng xe qua bên chợ mới, nằm ở gần cầu Cá Cối. Gửi xe ngay đầu chợ cả nhóm đi vào bên trong. Chúng tôi ghé lại hàng thịt bò trước, dặn chị Mười cắt cho 5 ký lô miếng thịt mềm. Tụi tôi lướt qua hàng thịt heo, mua tim, cật, dồi trường, thịt chân giò, xườn non đủ thứ, rồi mới đáo qua hàng rau quả, tôi mua thêm ngọn rau lang, đọt bí, rau đắng...thứ gì trông ngon mắt là mua. Chợ dưới quê buổi sáng trông tươi roi rói... tôi chỉ muốn bưng hết về nhà, mua ở đây không sợ thịt bị làm hàng bằng cách ướp phân đạm, phân urê cho tươi đỏ đẹp như chợ trên Sài Gòn. Nhất là thịt bò, lúc nào cũng mềm rụi, không phải là thứ thịt trâu ăn dai nhách. Chị Mười quen biết từ lâu không bao giờ nói láo để bán được hàng, tụi tôi luôn tin tưởng ở chị. Thấy khá nặng, tụi tôi kéo nhau đi về.