"We will be more successful in all our endeavors if we can let go of the habit of running all the time, and take little pauses to relax and re-center ourselves. And we'll also have a lot more joy in living.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngô Thế Vinh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1142 / 22
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Pi - Chương 5 -
ừ lâu nay, dạy học nhà Vân Anh đối với Minh đã quá quen thuộc. Minh cố nhớ lại những gì đã xảy ra cho chàng trong mấy tháng qua. Minh thấy không có gì đáng nói tới. Minh tự cho là tại mình vừa thức suốt đêm qua, mỏi mệt nên chả nghĩ được gì. Minh tự trách thầm sao lúc này chậm chạp và kém sáng suốt. Ngay lúc Vũ ngồi trước mặt, Minh có nhiều điều muốn nói cho Vũ hiểu nhưng không biết tại sao trước thái độ bình thản đến hơi nghiêm khắc của Vũ, Minh thấy như khựng lại, tiêu tan cả nghị lực, ngã quỵ xuống để yên lặng đón nhận những nặng nề đưa tới. Minh có ý so sánh mình lúc đứng trước Vũ như một con hổ dữ trước ánh đèn pha chói loà của người thợ săn: muốn nhảy xông tới hay chạy trốn mà không được, vẫn chôn chân đứng đó nhận đủ những viên đạn bắn tới và gục ngã. Minh nhận thấy Vũ rất tốt và ngay thẳng nhưng lúc này chàng thấy rõ đời sống hai người có điều gì đó bắt đầu xa cách.
Có tiếng người bước tới, Minh quay ra thấy đứa con Ty đang khệ nệ bưng một cốc vại xuống quán mua nuớc đá. Minh bất giác lại mỉm cười. Trưa nay từ dưới quán đi lên, Minh gặp Ty đang đứng nơi cột cờ, say sưa nhìn đàn con xúng xính trong bộ quần áo mới vải chưa giặt còn nhiều hồ cọ vào nhau loạt soạt. Minh thấy rõ sự thay đổi là lạ trong đám con Ty lúc đó. Trong cư xá thường ngày tụi nó lem luốc bẩn thỉu và ngay cả bố nó có bao giờ tỏ tình âu yếm với tụi nó như hôm nay đâu. Cái nhìn của Ty lúc đó gợi lại cái nhìn khác lạ của hắn đêm qua: cái nhìn hau háu cay cú trên những bàn tay run rẩy. Hắn ngồi cạnh Minh với số vốn năm chục bạc đem sang, độ nửa giờ sau đó hắn thua sạch. Hắn nhăn nhó lo lắng bò lê quanh đám, Minh lúc đó bực bội nói xẵng:
“Hết tiền rồi thì về chứ còn ngồi đây làm gì mày?”
Hắn cười hềnh hệch:
“Về sao được, tiền ông mang sang là tiền của con vợ, về là thế nào. Tao đợi thằng nào được nhiều là tao xin…”
“Xin được đủ vốn thì về hay lại chơi nữa?”
“Về là chuyện chắc rồi, khuya quá vợ nó bố cho thì chết cha.”
Tuy đang thua, Minh lạnh nhạt vứt năm chục trước mặt hắn:
“Đấy cho mày, thôi đi về.”
Hắn cười hềnh hệch thản nhiên bỏ năm chục bạc vào túi rồi mở cửa bước ra ngoài. Một lúc sau từ sòng bạc buồng bên lại nghe thấy tiếng hắn. Hôm sau nghe Hoà nói hắn chơi hên thế nào mà được hơn năm trăm, lấy cớ vợ gọi rồi chuồn về mất. Đến bây giờ, hạnh phúc quần áo mới mà ông bố tạo cho những đứa con là đây. Ty sống kỳ cựu ở Đại học xá từ ngày di cư mới thành lập, khi hai vợ chồng còn là vợ chồng son mới cưới. Thời gian mỗi năm được đánh dấu đều đặn bằng mỗi đứa con: cả thảy bảy đứa lớn bé nối tiếp gầy yếu loèo khoèo. Tụi nó giống cái nhỏ bé của mẹ và cái co ro vêu vao của người bố. Ty khổ tâm về cái “mắn con” của vợ đồng thời hắn cũng lấy làm hãnh diện với những cặp vợ chồng hiếm con khác.
“Khổ một điều là tớ nghèo tiền chứ còn con thì tớ không thiếu. Mụ vợ vừa đẻ xong một tuần hay nửa tháng hễ cứ đặt vào là bật con ra ngay, thế có bực không cơ chứ, hà hà…”
Thì ra mỗi đứa con ra đời là kết quả của một sự lầm lẫn, một bất đắc ý nhưng cần thiết. Tụi trẻ cùng một khổ người gầy ốm tong teo, nếu không vì thiếu dinh dưỡng thì cũng tại bố mẹ chủ trương tiết kiệm sức lực khi bất đắc dĩ phải sinh ra tụi nó. Cả ngày Ty đi dạy học bâng quơ, còn vợ hắn ở nhà mò mẫm sang tụ tập với mấy bà vợ khác để đánh bạc hay nói chuyên bươi móc nhau. Buổi trưa hay buổi tối Ty đi làm về bắt gặp vợ lê la như thế hắn dạy vợ bằng một chàng những câu chửi tục tĩu trước mặt lũ con cái. Minh nghĩ đến những gia đình sinh viên đông con sống ở đây, một căn buồng dọc ngang vỏn vẹn không qúa bốn thước, giờ phút vợ chồng gần gũi được phơi ra trước mặt con cái, ban ngày tụi trẻ tụ lại khoe những cái hay của bố mẹ nó. Chả thế mà những đứa trẻ ở đây đã “khôn” quá sớm, tuổi thơ như bị thui chột và già nua đi. Đứa con gái mới mười tuổi đã có cái cười cái nhìn khác xa với lứa tuổi nó. Hình ảnh của tụi nó không trọn vẹn ngây thơ mà chỉ gợi nên những cảm giác mệt mỏi trống trải và chán chường sau những cơn say khoái. Lúc này Minh thấy Vân Anh có lý trong những cái mà Minh cho là vô ích và thừa thãi trước kia. Người con gái lúc nào cũng khổ tâm vật vã về sự vô lý của Thượng đế khi cho ra đời những đứa trẻ như thế, tuổi thơ tụi nó vô tội không đang bị đầy đoạ và ném ra giữa những khó khăn của đời sống.
Đêm qua cũng như những đêm trước, khi thư viện đóng cửa, Minh lại thấy xuất hiện mấy khuôn mặt lạ trong cư xá. Như một đàn muỗi chờ sẩm tối bay ra vo ve rồi một lúc sau biến đi đâu cả. Minh gặp họ trong các sòng to nhỏ rải rác. Một hình ảnh vô tình đã in sâu vào óc Minh đêm qua là vẻ mặt của một thanh niên mới lớn: cặp mắt đen và trong, da mặt mỏng mịn như da con gái, vầng trán cao sáng sủa, trông hắn còn nguyên vẹn cái hùng dũng và ngây thơ của tuổi trẻ mới lớn nhiều tự tin. Hắn là khuôn mặt mới trong sòng bài, không phải dân Đại học xá, thường là những con mồi. Hắn thua khá đậm, bàn tay bắt bài vẫn thành thạo không có những ngón run run, hắn vẫn giữ được vẻ mặt thản nhiên hiếm có, trên môi vẫn mím một nụ cười điềm đạm và kìm hãm. Trái với mấy người khác, hắn thật thà và ngay thẳng, hắn thua phần lớn vì bị gian lận. Quá nửa đêm hắn thua nhẵn hơn một ngàn đồng, lúc phủi áo đứng dậy Minh thấy tai hắn hơi đỏ lên, hơi bối rối và ngượng ngập, hắn nói khẽ:
“Anh nào cho tôi mười đồng đi về xe…”
Thi thắng lớn mà dáng vẫn ngần ngừ. Hoà thì mỏi mệt tóc xoã xuống trán hai mắt lờ đờ qua cặp kính cận mờ vì mồ hôi, hắn chán nản phân bua:
“Moa cũng chỉ còn đủ tiền đổ săng ngày mai.”
Thản nhiên như không, tất cả lại yên lặng chăm chú vào một ván bài mới. Minh lấy hai tờ giấy năm đưa vào lòng bàn tay hắn. Đôi bàn tay ấy bắt đầu run rẩy, vì bực tức, lo lắng hay hổ thẹn Minh cũng không biết nữa. Chưa tìm câu trả lời, Minh lại lăn vào các ván bài sau. Rồi đến phiên Hoà cháy túi, hắn gục xuống co quắp ngủ lịm đi. Sau đó Minh bắt đầu được lại, Thi thua đậm và tỏ vẻ cay cú rõ rệt. Cuộc đỏ đen lúc nào cũng thế, vận đỏ chỉ đến với Minh vào những phút cuối. Minh phủi áo đứng dậy và rủ Thi lên quán nước. Bước qua những khoảng tối rồi sáng, hai người nín lặng, cả hai đều mỏi mệt bải hoải, không ai muốn cất lên một câu nói…
Minh biết mình không thể chịu đựng để sống một cuộc đời tầm thường nhưng hiện tại vẫn là kéo dài đời sống tầm thường ấy. Lúc nào Minh cũng như đi tìm sống cho đến hết những chán nản cuối cùng. Những tưởng rằng kinh nghiệm ấy làm cho Minh thêm già dặn nhưng chính nó lại biến con người Minh thành hư hỏng. Luôn luôn tự lừa dối là bước sa ngã chỉ là khởi đầu và có điều chắc hắn là chẳng bao giờ Minh tìm được cái ý vị chán chường cuối cùng.
Giọng cười oang oang của Thi kéo Minh về thực tại. Ánh đèn ống sáng nhợt nhạt chiếu trên các khuôn mặt bệnh hoạn bạc phếch. Bên ngoài trời tối đen, bắt đầu mưa rả rích, gió lạnh lùa vào khe cửa hở khiến Minh phải đưa tay vén cao cổ áo cho đỡ rét. Chiếc đồng hồ để bàn chỉ quá ba giờ khuya. Cô bán hàng mi mắt đã nặng trĩu, vẫn cố nở trên môi những nụ cười méo mó. Minh đặt tay trên chai bia 33 không biết là thứ mấy, tu một hơi cạn nửa chai rồi đặt xuống bàn lẩm bẩm: “như uống nước lã”. Tự bao giờ, Minh đã tự đặt mình ra ngoài cái vui điên đảo hỗn độn của các bạn xung quanh. Minh xoa ấm bàn tay, để ý tới mấy ngón tay vàng khè vì khói thuốc lá. Khói thuốc, rượu, các cử động giẫy giụa vô ích khiến không ai cảm thấy lạnh. Bất giác Minh tự hỏi: tại sao các bạn và cả chính chàng nữa tự cho mình cái quyền sống một nếp sống khác, vùi mình vào sự quá độ và phóng túng, và hình như ngay cả xung quanh, như một ngoại lệ chấp nhận cho họ một lối sống như thế. Minh thấy mình đang quên đời sống thật để chạy theo các ảo ảnh xa vời… Gió thốc một cơn mạnh làm tốc tấm màn cửa, Minh nôn nao khó chịu rồi nôn mửa bừa bãi, cặp mắt đờ đẫn mỏi mệt gục xuống bàn. Khung cảnh ấy quá quen thuộc, không ai để tâm tới sự hiện diện của chàng. Chợt tỉnh dậy mở mắt, xung quanh vẫn là đám bạn bè huyên náo, dưới chân một con chó ốm đang ăn lại bãi thức ăn nôn mửa. Một cảm giác bàng hoàng kinh tởm và cả tủi nhục trước cảnh tượng ấy. Qua làn khói thuốc toả mờ, Thi đang lơi lả với cô hàng. Một cảm giác dưng dưng xen lẫn hoang mang, Minh lảo đảo đứng dậy lách qua khe cửa ra ngoài như kẻ mất hồn. Ngoài đường sương đổ xuống nhiều. Trăng muộn lạc lõng toả ánh sáng trắng đục lờ lờ. Đi trong bóng tối các lùm cây, trong sự cô độc hoàn toàn, Minh nghĩ tới mái gia đình và sự yên ấm. Ánh đèn từ trong một căn phòng hắt ra qua khe cửa, kéo dài trên thềm thành một vệt sáng. Minh thấy lạnh rùng mình. Sương đêm bắt đầu thấm vào lớp áo mỏng, ngấm qua làn da. Hai bàn tay để trần lạnh tê cóng. Minh ý thức mình đang tự đầy đoạ tấm thân một cách vô lý. Chàng bất chợt có ý nghĩ muốn gõ cửa một căn nhà nào đó, lăn mình vào chăn ấm sống chung cái không khí gia đình đoàn tụ mà chàng tự cho là mình đang thiếu thốn. Có tiếng gọi giật lại giọng quen thuộc:
“Minh đi đâu khuya thế? Làm tao kiếm mày mãi.”
Chiếc xe ghé sát vào, tiếng máy vẫn nổ đều, Thi tiếp:
“Lên đây mau lên, tao đưa mày về hoặc đi đâu thì đi, tao tình nguyện làm tài xế.”
Minh yên lặng bước lên xe, gieo mình xuống nệm ấm, giọng thản nhiên bảo Thi:
“Đi đâu thì đi, miễn là không về Đại học xá đêm nay!”
Xe chạy vòng vèo qua cá ngã phố hẹp dần, hai đứa ngồi yên lặng không ai muốn nói.
Tối đó Thi dắt Minh vào một căn phòng xinh xinh ấm áp, kê gọn một chiếc giường trải nệm trắng tinh, chàng lăn vào ngủ say sưa với một cô gái lạ cho đến tận sáng hôm sau.
Lúc tỉnh dậy muộn người con gái đã đi đàng nào. Thi ngồi bên cạnh giường bảo Minh:
“Vợ tạm thằng Hồ đấy mày ạ. Hai đứa có vẻ yêu nhau thật nhưng được cái vẫn để cho nhau tự do… nếu không, nghèo mạt rệp như thằng Hồ thì làm sao đủ sức mà cung phụng nó.”
Minh nằm yên trên giường, đưa mắt nhìn bức ảnh của đứa con gái với nhan sắc không có gì đáng nói. Tự nhiên Minh thấy thoáng một cảm giác trống không lo sợ, chàng thấy mình cô đơn hơn lúc nào hết.
Mây Bão Mây Bão - Ngô Thế Vinh