Số lần đọc/download: 8932 / 159
Cập nhật: 2015-07-11 21:05:32 +0700
Chương 5 -
N
hụ thường xuyên bên cụ Tiết, còn Điều lại luôn bám dính theo chú Trịnh Huyền. Có ông chú, cậu cháu khoái vô cùng. Khoái vì từ nay không phải làm việc một mình. Khoái vì ông chú là người từng trải, biết nhiều chuyện, biết làm nhiều việc. Làm nghề nông cũng giỏi mà đánh đàn cũng hay. Nghe lời cụ đồ, ông Huyền đã sắm một cây đàn nguyệt, tối về ngồi ở thềm nhà nhấn nhá. Tiếng đàn mềm mại uốn lượn thật tài tình. Điều ngồi sau lưng chú nghe tiếng đàn cứ ngẫm nghĩ: "Quái lạ? Bàn tay ấy gặt lúa cứ rào rào, toáng một cái đã xong sào lúa. Tưởng rằng những ngón tay của ông phải to bè, cứng quèo, ấy thế mà lúc này mình cứ tưởng như những ngón tay ông thật là thon thả mềm mại". Điều bảo ông:
- Chú Huyền dạy cháu đánh đàn với nhé.
- Cháu nghe có thấy thích không đã?
- Rất thích.
- Rất cơ à? Thế thì được, nhưng phải dần dần.
- Dần dần là thế nào?
- Đầu tiên phải học hát cho thật đúng. Sau rồi nghe. Nghe và hát cho thật nhuyễn. Điệu hát thấm vào người lúc nào không hay. Lúc ấy mới học đàn thì mau lắm.
- Vậy chú dạy cháu hát đi.
- Không.
- Sao lại thế
- Cháu lạy cái Nhụ làm thầy. Nó sẽ dạy cho. Nhụ hát rất hay đấy.
- Không! Cháu không lạy cái Nhụ làm thầy đâu.
Ông Huyền cười to:
- Thế thì chịu. Giọng chú là giọng thuốc lào. Làm sao dạy cháu được.
Nhà cụ đồ chỉ có chừng mẫu ruộng. Trước kia, chỉ có mình cu Điều, sức vóc mới choai choai, lại chưa có kinh nghiệm đồng áng, nên làm không hết việc. Bây giờ có ông Huyền giỏi giang, nhà lại có bò nên công việc nhanh lắm. Cày bừa, đập đất, trồng ngô xong, còn khối ngày nông nhàn.
Bữa ấy rỗi rãi, chú Huyền và cháu Điều sang bên kia sông đi cắt tranh về lợp lại chuồng bò. Bề ngoài, tiếng là cháu Điều hướng dẫn chú Huyền, nhưng thực ra thì ngược lại. Chú bảo:
- Chú cháu mình chịu khó đi xa một chút. Vùng núi Đùng cỏ tranh tốt hơn. Cỏ tranh ở đó đài hơn.
- Hóa ra chú vẫn còn nhớ nhiều thứ nhỉ.
- Nhớ chứ. Ngày xưa chú vẫn vào cắt ở đấy...
Điều ra chuồng bò dắt con bò loang và con sừng hươu ra khỏi chuồng. Cậu nói:
- Có chuyện qua sông là khác ngày xưa.
- Khác thế nào? Mà sao lấy tranh lại dắt bò đi?
Thằng bé không trả lời. Chỉ khi ra đến bờ sông thằng bé mới nói:
- Ngày xưa, hồi của chú, đồn điền "Mắt Mèo" mới lập, chưa có lệ nộp tiền qua sông. Từ khi lão Julien làm chủ đồn điền, ông ta đặt ra lệ ai bơi đò qua sông phải nộp tiền. Ở đây có hai bến đò. Lão Julien cho cai thầu đò. Chủ đò bắt chẹt 2 xu một chuyến. Dân làm đò tự chở, lão Julien vẫn bắt nộp 1 xu một ngày. Ai không nộp, không cho sang sông. Dân kêu quan, quan bảo đất hai bên bờ sông nhà nước đã cấp cho Tây, thuộc quyền của đồn điền. Vì vậy nhà nào có bò, qua sông bằng bò để trốn tiền đò.
- Hóa ra là vậy!
Hai chú cháu cởi quần áo. Chú mặc chiếc quần đùi, còn cháu cởi truồng. Một tay giơ cái nón đụng quần áo lên trời, một tay nắm đuôi bò, họ bơi theo con vật qua sông. Hai con vật hiền từ nghển cổ lên khỏi mặt nước, bơi xuôi dòng, chéo qua sông. Nước sông chảy xiết, lại thuận theo dòng nước nên họ qua sông rất dễ dàng. Được tắm nước mát, lại không mất sức, hai con bò lên đến bờ lắc đầu rũ lông rồi nhắm hòn núi Đùng tiến bước.
Nhìn ngọn núi cao, Điều hỏi chú:
- Sao lại núi Đùng chú nhỉ?
- Đó là câu chuyện ông Đùng bà Đà, dân ở đây ai chả biết. Mà cháu chưa biết sao?
- Cháu biết chứ. Nhưng bọn trẻ vẫn hay thích nhắc lại câu chuyện. - Cậu bé choai choai vừa nói vừa cười, rồi cậu thêm. - Cháu nghe nói hội Đùng vui lắm phải không? Chú đã được dự lần nào chưa?
- Chỉ mới một lần lúc chú mới lớn. Các cụ bảo hội làng mình tốn kém lắm, nên mười năm mới có một lần. Mấy chục năm nay làng mình mất mùa luôn nên đã lâu lắm không mở hội.
- Tốn kém đến thế nào mà lại không mở nhỉ?
- Tiếng là một hội nhưng thành ba hội. Bên kia sông mở hội ở đình làng. Bên này sông, ở đầu dòng mở hội trên núi Mẫu; ở cuối dòng nước mở hội ở núi Đùng...
Điều vẫn háo hức muốn biết thêm nhiều điều về ngày hội, những điều mà cậu không thể mở miệng hỏi ông nội, vì hỏi có thể bị mắng. Còn ông Huyền, ông lại tranh thủ nắm tình hình xóm làng, tình hình về những người ngày xưa.
- Ông Cửu Nhậm lên chức tiên chỉ từ bao lâu rồi?
- Mới được năm năm.
- Ông quản Boong là người thế nào?
- Ông này hay đến đánh cờ với ông. Ông chẳng tiếp, ông ta cũng cứ đến.
- Cháu có biết bà Váy bây giờ ra sao?
- Bà Váy nào nhỉ? Cháu chẳng thấy bà nào tên là Váy.
- À, các cụ ngày xưa hay đặt tên xấu xí cho dễ nuôi. Còn sau này, lên ông nọ bà kia, người ta đổi tên cho đẹp cho sang cả rồi.
- Chú có biết ông Cỏn xóm Cửa Đình không?
- À lý Cỏn phải không?
- Vâng, ông ấy có những ba vợ, bây giờ giàu lắm.
- Thế hử?
Câu chuyện bỗng làm cho ông Huyền như lạc vào quá khứ. Nhưng chẳng biết ông đang nghĩ gì. Vui hay buồn. Chỉ thấy mặt ông kín như bưng. Có con chiền chiện ở đồi sim chợt bay bổng lên trời cao. Nó bay cao tít trời xanh, tới mức chả nhìn thấy bóng nó nữa. Chỉ còn nghe thấy tiếng hót ríu ran của nó ở trên đầu. ông Huyền che mắt nhìn lên trời và cười với tiếng chim. Thấy ông chú lại vui vẻ dễ tính, Điều lại tiếp tục những câu hỏi về hội hè ngày xưa, những câu hỏi mà nó không thể đặt ra với ông nó được.
- Chú ơi! Thế "trải ổ" là gì trong hội?
- À cháu chú muốn biết "trải ổ" là cháu đã lớn rồi đấy.
Điều đỏ mặt. Nhưng chú Huyền không trêu lâu. Chú chỉ hiền hòa nói rằng:
- Đó là cái lệ làng rất đặc biệt ở Kẻ Đinh. Ai ai cũng tò mò muốn biết cái lệ đó. Nhưng chẳng có ai cần giải thích bao giờ. Khi ngày hội đến, tự dưng từng người đều biết - nhất là đám trai trẻ.
Điều vẫn hiếu kỳ:
- Cháu muốn biết ngay từ bây giờ.
- Nôn nóng làm gì hở cháu. Có cái lệ làng đặc biệt như vậy thì hội làng càng thêm hấp dẫn, thú vị chứ sao.
Hai chú cháu nói chuyện suất dọc đường thành thử đã đến núi Đùng tự lúc nào mà họ chẳng hay. Họ leo lên đến gần đỉnh mới gặp một vạt cỏ tranh rất tốt. Điều quấn thừng quanh sừng bò, rồi thả cho hai con vật tự do gặm cỏ. Cỏ tranh cao lút đầu người. Hai chú cháu không nói chuyện nữa. Họ chuyên chú cắt nên chỉ một lát đã được hai gánh cỏ tranh dài sườn sượt.
Hai chú cháu mồ hôi đầm đìa rủ nhau lên đỉnh núi Đùng nghỉ chân. Mặt trời đã lên cao, nhưng đỉnh núi mát rượi. Ở đó gió rất rộng và đặc biệt có năm cây thị như năm cái lọng che, quanh năm tỏa bóng, làm chỗ nghỉ chân cho những người đi rừng. Họ lên tới nơi đã thấy hai người đàn bà đi lấy củi về ngồi nghỉ ở đó.
Hai người đàn bà thấy bộ mặt quái gở nửa người nửa ma quỷ của Huyền, chắc lấy làm lạ, nên thỉnh thoảng cứ lấm lét nhìn. Thằng Điều thấy người đàn bà có chiếc ống bương đựng nước dựng ở gốc cây thị thì sáng mắt lên, nói liến thoắng:
- Cháu chào bà Ba? Ôi may quá! Cháu quên mang nước uống. Cho cháu xin một ngụm nhé.
Người được gọi là bà Ba là một người đàn bà có sắc đẹp lồ lộ ai trông cũng thấy ngay. Một cái đẹp của sức sống. Một cái đẹp của da thịt mỡ màng. Người đàn bà ấy trắng lắm. Có vẻ làm việc đồng áng giỏi mà da mặt vẫn trắng bóc. Con mắt đen lóng lánh. Đôi lông mày nằm ngang như hai nét mực tàu vẽ trên khuôn mặt tròn vành vạnh. Mớ tóc vấn khăn trên đầu cũng đen mượt. Ở bà ta, những chỗ nào da thịt hở ra cũng thấy ngồn ngộn ngọt ngào. Bà ta ăn vận xuềnh xoàng. Cái váy đen, cái áo nâu đã bạc lưng, cái yếm nhuộm vỏ đa màu hồng nhạt. Thấy Trịnh Huyền từ lúc mới gặp cứ nhìn chằm chằm, bà Ba ngượng ngừng cúi đầu xuống. Người đàn bà đi cùng, lại cho ta một hình ảnh trái ngược hẳn. Chị ta gày guộc, da thịt sắt lại, quần áo ra chừng lam lũ? Chị ta bảo:
- Chị Ba này, ăn một miếng trầu, rồi chị em ta về kẻo nắng.
Thằng Điều uống nước ừng ực. Nước từ cái ống bương chảy ra đổ cả xuống cằm, xuống cổ áo. Thỏa mãn cơn khát xong, nó càng nói liến thoắng như khướu:
- Bà Ba lòng dạ như tiên như Phật - Biết được con khát sắp chết nên dành cho con nước uống. Nước mưa ở bể nhà bà ngon ngọt thật. Như nước cam lồ của Phật.
Bà Ba vừa nhai trầu vừa mắng nó:
- Mày lém vừa vừa chứ. Đưa ống nước cho ông ấy uống.
Trịnh Huyền chỉ từ tốn uống một ngụm nước rồi trả lại cái ống bương và nhân tiện bắt chuyện với người đàn bà:
- Thằng cháu tôi nó lém thế, nhưng nó tinh đấy, đúng là nước mưa hứng ở cây cau cho chảy vào chum nên mới ngọt và thơm.
Người đàn bà chợt sững lại, nhìn vào mặt Trịnh Huyền. Nhưng cũng lúc ấy, Huyền nghiêng mặt đi chỉ để cho bà ta nhìn thấy nửa khuôn mặt sứt sẹo của mình. Bà ta ngập ngừng hỏi:
- Thế ông phân biệt được nước mưa hứng ở mái và nước mưa hứng ở cây cau sao?
- Biết chứ. Mái ngói cũ có nhiều rêu mốc, nước mưa sẽ ngai ngái. Phải để lâu ngày mới hết mùi. Còn nước mưa cây cau lại khác. Nó là mùi lá, mùi hoa. Thật đấy! Có lúc nó thơm mùi hoa cau...
Người đàn bà nhìn kỹ vào vết sẹo hồng hồng trên má Trịnh Huyền, rồi lại nhìn thấy con mắt phía má ấy cứ mở trừng trừng không biết khép lại, bà nhắm mắt, hình như hơi rùng mình nói buồn buồn:
- Ngày xưa, cũng có người tinh mồm biết phân biệt nước mưa như ông... Còn tôi, uống nước nào cũng thế. Chịu không phân biệt nổi... Mà này... hình như... Nhìn ông tôi cứ thấy ngờ ngợ.
- Sao... hả bà...
Thằng Điều rất tinh ranh, xen vào:
- Quên! Cháu chưa trình với bà Ba. Đây là chú Huyền cháu. Họ đằng bà cụ tổ ngoại, Ở Nam lên. Dưới ấy lụt lội, mất mùa liên miên. Nhà cháu neo người nên ông cháu cho gọi chú ấy lên, vừa để giúp đỡ ông cháu, vừa để bảo ban cháu làm ăn.
- À ra thế...
- Còn bà Ba là bà ba của ông lý Cỏn, hôm nọ ông Lý có đến nhà mình đấy.
Khi hai chị em bà Ba đứng dậy đi về, Trịnh Huyền không kịp xoay người, nên bà Ba đã thoáng trông thấy cái nửa mặt còn lành lặn của ông. Chỉ thoáng thôi nhưng cũng đủ cho người đàn bà nhíu mày lại. Và khi đã bước chân đi rồi, bà ta còn ngoái nhìn lại lần nữa, nhưng Trịnh Huyền đã kịp giấu khéo cái nửa mặt lành lặn ấy đi. Hai người đàn bà đã khuất sau những lùm cây ở chân núi mà ông Trịnh Huyền vẫn cứ nhìn theo con đường mòn. Cháu Điều gọi: "Chú ơi! Chú ơi!". Ông Huyền giật mình, chợt tỉnh khỏi những dòng suy nghĩ. Cậu cháu tinh quái hỏi:
- Chú ạ, có phải bà Ba là cô Váy ngày xưa không?
Người chú cười:
- Cháu bảo làng Đình không có ai tên là Váy cơ mà.
Khoảng mười lăm, mười sáu năm về trước, cô Váy là bạn thời chăn trâu cắt cỏ của Huyền, tuy anh nhiều tuổi hơn. Cô Váy mặt tròn như cái đĩa. Nhà nghèo mà da lúc nào cũng trắng muốt. Cô mũm mĩm. Tính tình hồn nhiên như trẻ thơ. Vì nhà nghèo, lại là con gái, lại bé, nên cô luôn bị đám mục đồng bắt nạt. Anh Phác (tức là Huyền sau này) lớn nhất hội đã che chở cho cô. Do vậy, lúc nào Váy cũng bám lấy anh Phác như cái đuôi, đuổi cũng vẫn theo. Mãi rồi cũng thành quen, hai người cứ bám dính lấy nhau như đôi chim cu. Mới đầu Phác ngượng, nhưng khi Váy 13 tuổi, đôi vú đã thây lẩy, thì vắng Váy Phác lại thấy nhớ. Dân làng bảo: "Cái Váy phải lòng thằng Phác từ lúc lên mười".
Vậy nên khi lớn lên, cái đôi ấy "trải ổ" cho nhau, dân làng chẳng lấy làm lạ. Thằng Điều hỏi ông Huyền "trải ổ" là gì, ông Huyền không giảng. Bởi vì lớn lên khắc biết. Ngày hội sẽ giải nghĩa cho. Đám rước làng Đình cũng giải nghĩa cho. Rồi trăng sáng vằng vặc cũng là sự cắt nghĩa không lời.
Mùa trăng, mùa "trải ổ" năm ấy, trong cái ổ rơm thơm phức, Phác lần đầu tiên trông thấy đôi mắt đẫm trăng vừa long lanh vừa háo hức của Váy. Cô gái mũm mĩm ấy có được ai dạy bảo gì đâu. Sao mà cô đằm thắm đến thế, sao mà cô đàn bà đến thế, sao mà cô ngọt ngào đến thế. Trăng khuya, sương khuya xóa nhoà mọi ranh giới. Trăng mùa "trải ổ" trùm tấm áo khoác hoan lạc lên trên người họ, dạy cho họ vũ điệu tình yêu. Rồ dại và cuồng điên, họ tan biến trong nhau, để đến lúc khi an bình trở lại, Huyền mới biết tai mình đã chảy máu. Thần hoan lạc hay chính cô Váy, đã cắn rách tai Huyền mà đến lúc này họ mới biết. Váy rúc rích cười, lấy thuốc lào rịt vào vành tai người yêu. Và một câu chuyện nói dối hoang đường đã xảy ra. Anh chàng Phác đã bảo bố là mình bị ngã từ trên cây táo xuống, cái gai táo rất to đã móc vào tai, làm rách vành tai. Câu chuyện hoang đường ấy vẫn được ông cụ Tiết tin cho đến tận bây giờ.
Hồi tưởng, rồi lại tự trách mình: "Tại sao ta lại nói tới chuyện nước mưa cây cau với Váy nhỉ. Khi còn trẻ, ta đã nói chuyện ấy với cô ta rồi thì phải. Có thể câu chuyện đó làm Váy nghi ngờ. Và nếu mọi người biết thì sao? Chồng cô ta biết thì sao? Nghe nói, lý Cỏn, chồng của Váy hay ghen lại có quyền: Và theo như cha ta nói, việc giấu biệt tung tích của ta là cần thiết...".
Cháu Điều rất tinh. Hình như nó đoán ngay được ý nghĩ của Trịnh Huyền trên gương mặt ưu tư của ông:
- Chú đừng lo. Bà Váy không thể nhận được ra chú đâu Cháu tin là thế.
- Bà ta, khi đi rồi, vẫn còn ngoái lại.
- Ngoái lại không phải vì nhận ra chú, mà vì... vì khuôn mặt đáng sợ.
- Đáng sợ ư?
- Chú thử nghĩ xem, có khuôn mặt nào lại nửa là người, nửa là...
- Là quỷ chứ gì.
- Cháu nói thật, chú chớ có giận. Ai đời vết sẹo thì căng bóng, dúm dó, đo đỏ. Con mắt thì, đêm cũng như ngày, luôn mở to thao láo. Ngay cả khi con mắt kia đã nhắm lại rồi, nó vẫn cứ mở. Ai biết rằng nó đã ngủ hay đang thức. Và cái khóe miệng nữa chứ, lúc nào cũng xếch lên như cười như chế giễu. Cháu nói thật, ai trông thấy mặt của chú cũng bị khiếp đảm ngay, cũng không dám nhìn thẳng vào. Vì vậy còn tâm trí nào mà nhớ lại. Bà Ba Váy cũng vậy. Bà ấy không nhận ra đâu. Cháu cam đoan. Bà ấy sợ thì đúng hơn.
- Bà ấy sợ ư? - Trịnh Huyền nhắc lại câu nói của cháu, và ông đứng dậy, bên phía mặt hiền hòa của ông, ta thấy một thoáng buồn.