Số lần đọc/download: 441 / 7
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:00 +0700
Trở Về Thành Phố
N
gay sau khi thành phố đã bị bọn Đức chiếm đóng, mẹ tôi về quê đón hai bà cháu tôi. Mẹ tôi linh hoạt và khỏe mạnh. Mẹ cũng rất mừng thấy hai bà cháu tôi tươi tắn, mạnh khỏe. Hóa ra mẹ tôi không đi xe, mà đi bộ suốt từ thành phố về đây, rất mệt mỏi, người bám đầy bụi bặm. Nhưng mẹ tôi vui vẻ.
Mẹ tôi đi một mình, không đi cùng với cha tôi. Mẹ chỉ mang một bức thư nhỏ của cha tôi đến đây:
“Con trai yêu quý!
Coi như cha con ta sẽ không gặp nhau một thời gian. Giờ đây con sẽ phải là chỗ dựa của mẹ và bà. Đừng có phổng mũi lên đấy nhé! Phải luôn luôn ngẩng cao đầu ngay cả những khi gặp khó khăn. Kể ra cha cần phải nói nhiều với con, nhưng buộc lòng cha phải mượn giấy và bút để chia tay con. Không thể làm thế nào khác được. Vì vậy khi nào gặp nhau cha con ta sẽ ôm nhau chặt gấp hai lần.
Cha của con”
Cha tôi ra mắt trận.
Ngày hôm sau chúng tôi sửa soạn về thành phố.
Cô tôi gói ghém cho chúng tôi một ít thực phẩm.
- Ai mà biết được bà và chị cùng với cháu giờ đây sẽ sống ra sao ở thành phố, - cô tôi nói khi trút bột vào cái túi vải hoa của bà. - Chắc chắn chỉ nay mai sẽ biết thế nào là đói.
Bà tôi mỉm cười đáp:
- Ôi dào, khi đó ta sẽ nấu cháo rìu [6]. Cũng phải lần hồi mà sống chứ.
[6] Truyện dân gian: Một anh lính bị đói, mượn cái rìu của bà chủ keo kiệt nấu cháo để moi gạo, mỡ và muối cho vào nồi cháo.
- Ồ, đến khi đó con gà sẽ đẻ trứng… - tôi buột miệng nói xen vào, nhưng kịp thời “tỉnh ngộ” ngậm miệng lại. Chỉ chút xíu nữa là tôi đã lộ bí mật.
Chả là giữa tôi và bà chủ trại ở Xô-ô-xe-li-a có một thoả thuận. Để trả công tôi đã làm việc hồi thu hoạch lúa mạch, bà ta hứa sẽ cho tôi một con gà mái đem về thành phố. Bởi chính mắt tôi đã chứng kiến bọn Đức vơ vét bao nhiều trứng gà, nên không phải vô cớ mà tôi lo lắng rằng một ngày gần đây trứng gà của E-xtô-ni-a sẽ hết sạch.
Tôi đã chọn trước cho mình một con gà mái. Nói chung tôi thích loại gà ngố hơn là gà ri [7], mặc dù gà ri đẻ mắn hơn gà ngố. Tuy vậy trứng gà ri bé hơn trứng gà ngố một chút. Mà tôi thì lại có định kiến với loại trứng nhỏ, nhất là khi nói đến chuyện đánh trứng đường. Thế là tôi chọn con gà ngố và đặt tên nó là Cư-ca. Giờ đây tôi là có thể mỉm cười buồn bã vì thiếu đường và may lắm tôi mới được đánh một quả trứng đường. Nhưng dù thế nào thì tôi cũng không đổi Cư-ca lấy một con gà mái nào khác.
[7] Nguyên văn là “gà Pli-mu-tơ-rốc” và gà “Léc-gôn“.
Cần phải nói rõ thêm vì sao tôi phải giữ bí mật kế hoạch đưa Cư-ca về thành phố.
Vài năm trước đây cả nhà tôi có về thăm cô tôi vào dịp hè. Một bận theo chú tôi đi cày ruộng, tôi đã bắt được một ổ chuột đồng ở đường cày và đem về nuôi trong cũi chó. Chả là vì mùa hè con chó Túc-xơ của nhà cô tôi hầu như không ở trong cũi, mà con mèo thì lại luôn luôn tránh xa cái cũi ấy. Ngày ngày tôi đem sữa và thóc ra nuôi chuột, cuối cùng như ta thường nói, chúng tôi trở nên thân nhau. Bầy chuột tin tưởng tôi như con cái tin cha mình, chúng không sợ tôi, mà lại sưug sướng bò ra khỏi ổ rơm cỏ, mỗi khi tôi đem thức ăn cho chúng: Sau đó đến khi phải trở lại thành phố, tôi quyết định đem lũ chuột theo. Tôi lót một cái ổ mềm trong hộp đựng giấy thuốc lá của chú tôi và bỏ vào đó ít thức ăn rồi khoét lỗ thông hơi. Nhưng mẹ tôi đã phát hiện ra việc chuẩn bị của tôi và nghiêm khắc bắt tôi phải từ bỏ ý định đem chuột về thành phố. Mẹ tôi bảo: “Chúng không có chỗ ở đó!” Tôi không có cách nào khác, đành phải thả lũ chuột vào kho thóc của chú tôi, tuy hoàn toàn không tin rằng chỉ ở đó chúng mới có chỗ sống.
Giờ đây tôi thấy lo lắng: biết đâu mẹ tôi lại bỗng dưng không bằng lòng Cư-ca. Thực ra ai lại đi so sánh gia cầm với loài gặm nhắm. Những bài học mà tôi đã nhận được làm cho tôi trở nên thận trọng.
Buổi sáng hôm ra đi, tôi đem Cư-ca ở trại Xô-ô-xe-li-a về, bỏ vào trong một chiếc giỏ, phủ mảnh vải mỏng lên trên và giấu tạm vào kho chứa lửa. Đến lúc lên đường, tôi mới mang nó ra đặt lên trên xe, không cho ai trông thấy.
Tiếp đó mọi việc rất êm đẹp. Quả thật cái tai thính của tôi có nghe tiếng Cư-ca động đậy, nhưng trong lúc bận rộn sửa soạn ra đi không ai nghe thấy gì cả. Thế rồi lúc xe chuyển bánh thì tiếng kin kít của bánh xe át đi tất cả.
Chú tôi đánh xe. Tất nhiên tôi cũng có thể đảm đương việc này, nhưng con ngựa lần nào đi sượt qua ô-tô vận tải của bọn Đức cũng vểnh tai lên nghe ngóng và tôi thì chắc chắn là không biết trấn an coi ngựa tốt như chủ nó.
Cánh đồng lúa đã gặt trải ra xung quanh. “Đất nước tươi đẹp làm sao!” tôi nghĩ ngợi và bỗng nhớ tới việc tên hạ sĩ Đức đã nói như vậy bằng tiếng Đức. Hắn dám trắng trợn tuyên bố rằng hắn sẽ ăn trứng gà trên đất đai tươi đẹp của chúng tôi. Tôi thầm bảo: “Đừng có quá tin, ngài hạ sĩ ạ! Và dù thế nào chăng nữa thì đứng con gà Cư-ca của tao nhất định sẽ không rơi vào họng chúng mày đâu”.
Đi đến cầu I-ô-a-ve-xki chúng tôi bị đội bảo an đang canh gác ách lại.
Một tên bảo an có dáng người cao cao về bộ ria mép vàng, hỏi:
- Có gì trong xe?
- Đồ đặc chạy loạn, - chú tôi đáp.
- Họ hàng hả? - tên có ria mép tiếp tục hỏi vặn vẹo.
- Chị vợ cùng bà mẹ và đứa con, - chú tôi đáp.
Các người có cái gì cứ động đậy đấy?
Im lặng. Tôi lạnh người đi.
- Tôi hỏi: các người có cái gì động đậy đấy? - tên có ria mép nhắc lại.
Tôi thấy không nên im lặng lâu hơn nửa.
- Đấy là con gà mái, - tôi nói quả quyết. - Con gà Cư-ca của tôi. Con gà không có liên quan đến ai hết.
Tên có ria mép làu bàu gì đó.
Mẹ tôi nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi không dám nói là ánh mắt mẹ giận dữ. Lát sau mẹ chuyển sang nhìn có vẻ chăm chú.
- Đi đi, - tên có ria mép nói.
Chúng tôi đi tiếp.
Khi đã đi qua cầu, mẹ tôi mới bảo:
- Con định cho con gà ở chỗ nào?
Tôi nghĩ ngợi một chút và nói khẽ:
- Con nghĩ rằng có thể cho nó ở nhà kho… Vâng, con cho rằng chỗ ở của nó là trong nhà kho.
Hai giờ sau đã thấy thành phố.
Tôi sốt ruột, nhưng con ngựa lại đi bước một. Tôi muốn thật mau chóng về nhà, muốn trông thấy ngay lập tức nhà cửa ở đó như thế nào.
“Chắc hẳn mọi cái vẫn như cũ, - tôi nghĩ. - Và đồng thời, mọi cái đều khác trước”.
Tôi nghĩ rằng bây giờ cha tôi không có nhà và tình hình bây giờ đã thay đổi.
Tôi bỗng nhớ câu cha tôi viết:
“Đừng có phổng mũi lên đấy nhé!”
Dù sao tôi vẫn thấy buồn.
Tôi có mẹ. Có bà. Có con gà Cư-ca. Nhưng còn cha?
Thế là tôi lại buồn.