Số lần đọc/download: 973 / 10
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 5 -
N
hàn đã đưa ba đứa con tới ở với Thái, vì sự khẩn khoản của anh và cũng vì muốn ra khỏi căn nhà nhỏ của cô em út ở khu Nguyễn Tri Phương nay đã trở nên quá chật chội và bất tiện vì sự hiện diện của Hữu.
Những thay đổi diễn ra quá nhanh và quá mạnh khiến Nhàn như bị chóng mặt và mất định hướng. Trước kia, Nhàn có khuynh hướng chống lại khi có sự thay đổi nhưng nay có vẻ như cô đang buông trôi cuộc đời.
Nhàn không còn kịp suy nghĩ việc cô chấp nhận mối tình của Thái là đúng hay sai, và đem các con tới sống chung với anh ta là nên hay không khi cô vẫn còn là vợ của Lâm, ít nhất thì cũng về mặt pháp lý vì tờ hôn thú chưa bị huỷ bỏ. Nhàn không biết rõ có yêu Thái hay không, hay đã chỉ hành động như trong một cơn mê sảng khi Thái làm cho cô cảm thấy an ninh hơn và cho cô một chỗ nắm trong lúc đang chới với giữa một dòng nước xoáy.
Khi ấy, mọi người như đang sống trong một cơn mê sảng. Mê sảng vì thua bất ngờ. Mê sảng vì thắng bất ngờ. Cả một đất nước đã sống trong sự mê sảng suốt năm năm và đang đi gần đến sự tan vỡ.
Kế hoạch tập thể hóa nông nghiệp ở thôn quê đã hoàn toàn thất bại. Các cuộc đánh tư sản ở thành thị là một thảm họa cho nền kinh tế không còn sản xuất. Mấy vụ đổi tiền bât ngờ đã làm người dân khánh tận. Một số ít người được ra khỏi các trại cải tạo nhưng phần đông vẫn chưa biết ngày về, và việc bắt bớ có thể xảy ra cho bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Con đường thoát duy nhất cho mọi người: vượt biên.
Một lần nữa sau đợt ra đi hoảng hốt trước ngày 30-4-1975, dân Việt nam lại đổ xô ra đi. Lần này không phải chỉ từ thành phố Sài Gòn nhưng cả từ những xóm làng miền quê, từ cao nguyên đến các bờ biển. Không phải chỉ từ miền Nam mà cả từ miền Bắc. Không phải chỉ những người thua bỏ ra đi mà cả những người thắng. Cán bộ, công an, gia đình cách mạng cũng vượt biên, bỏ nước ra đi, không chấp nhận xã hội chủ nghĩa.
Các đài phát thanh ngoại quốc hàng ngày hàng đêm đưa tin về những làn sóng "thuyền nhân" tràn ngập các bờ biển ở Đông Nam Á và Hong Kong. Người ta ra đi bằng tàu sắt, tàu gỗ, và cả bằng những chiếc ghe nhỏ, phó mặc sinh mạng cho sóng bão, cướp biển, biên phòng. Phần đông ra đi bằng đường biển, nhưng cũng có không ít người ra đi bằng đường bộ, vượt qua hai biên giới hung hiểm và nước Campuchia không luật pháp. Một số ít đã cướp máy bay, cướp tàu ra đi.
Kẻ đi thoát, người bị bắt lại và ngồi tù, hay bỏ thây dưới đáy biển. Nhưng không có gì làm nhụt chí những người đã quyết định ra đi. Có người đi hàng chục lần chưa thoát, nhà cửa bị tịch thu, tiền bạc không còn, sống như những con thú hoang trong một xã hội mà con người chỉ chực ăn thịt nhau.
Thế giới sửng sốt trước những làn sóng người Việt Nam theo nhau bỏ nước ra đi, vì loài người ngu ngơ đã được các nhà báo thông thạo thời cuộc ở Tây phương bảo đảm rằng bi kịch Việt Nam sẽ chấm dứt một khi người Mỹ rời khỏi Việt Nam. Nay, thế giới không muốn tin rằng ngày 30-4-1975, ngày chấm dứt chiến tranh, chỉ là để mở đầu cho màn hai của bi kịch Việt Nam mà trong đó người Mỹ lại không đóng vai trò gì.
Thế giới càng sửng sốt và kinh hoảng khi biết chính nhà cầm quyền Hà Nội cũng đã tổ chức tống dân ra nước ngoài qua một chương trình được gọi là đi "bán chính thức" để vơ vét vàng và tài sản của những người ra đi. "Bán chính thức" chỉ khác "đi chui" là chủ tàu phải nạp vàng cho nhà nước để khỏi bị bắt về tội vượt biên. Ra khơi rồi, số phận "thuyền nhân" đều giống nhau.
Vào đầu năm 1980, hàng triệu người đã bỏ nước ra đi - "đi chui" hay đi "bán chính thức", hàng trăm ngàn người đã mất xác dưới đáy Biển Đông hay trong rừng rậm phía Tây, và hàng triệu người khác vẫn còn xuôi ngược tìm đường ra đi. Không đủ khả năng để cả gia đình cùng đi thì cố gắng cho một người ra đi, thường là người chồng hoặc con trai.
Đã trở thành chuyện hàng ngày ở Việt Nam khi tối nay ông hàng xóm còn đi họp "tổ dân phố", sáng mai cả nhà đã biến mất, cửa đóng im ỉm cho đến khi công an tới kiểm kê, vơ vét tài sản. Cũng là chuyện bình thường khi một vài người trong nhiều gia đình bỗng dưng biến đi, không một lời từ biệt bà con, bạn bè.
Người ta gặp nhau chỉ để rỉ tai nhau tìm đường đi. "Nếu có chân, cột đèn cũng đi". Hay, "những người còn ở lại chỉ là vì nghèo, hoặc nhát, hoặc ngu". Những câu truyền miệng thời thượng. Thật ra, việc đi hay ở không chỉ đơn giản như vậy. Nó là một quyết định cực kỳ quan trọng mà ít khi con người phải đối diện trong đời, liên quan đến những đêm suy tư, những ngày tính toán, những cân nhắc lựa chọn về các giá trị của đời sống. Mỗi cuộc vượt biên là một mạo hiểm phi thường, không phải chỉ là ném mạng sống vào một canh bạc rủi may mà nếu sống sót cũng còn cả một tương lai mù mịt trước mắt.
Khi được Nhã rủ đi, Nhàn đã lúng túng không biết quyết định ra sao. Nhã thúc:
- Chị còn hy vọng gì nữa ở xã hội này? Hay chị mơ tưởng... đồng chí Thái của chị sẽ là lá bùa hộ mạng của chị và con cái chị?
Nhàn ôn tồn trả lời em:
- Em lầm rồi. Đã từ lâu, chị không còn hy vọng hay mơ tưởng gì trong cuộc sống, không phải đợi đến bây giờ. Chị đã mất khả năng kháng cự và cả khả năng ước mơ. Chị cầu Trời khấn Phật cho gia đình em đi bình an. Để chị ở lại chăm lo cho má.
- Nếu chị bằng lòng đi thì em sẽ thuyết phục má cùng đi. Phần gia đình chị không cần đóng góp nhiều. Em đã kiếm đủ khách cho chủ tàu để mình cùng đi.
- Chị cám ơn em đã hết lòng lo cho chị và các cháu, nhưng chị cảm thấy chưa dứt khoát trong quyết định này. Chị chỉ xin em giúp chị một điều. Đem thằng Tony đi giùm chị. Nó muốn đi để tìm cha nó, và đó cũng là ước vọng cuối cùng của mẹ nó. Bà ấy có để lại một tấm ảnh và địa chỉ của cha nó.
Nhã nhận lời và chuẩn bị ra đi. Đêm cuối cùng, Nhàn nói dối Thái, đưa Tony về nhà em. Hữu đã đem con trai xuống Rạch Giá trước. Hai chị em nằm bên nhau, thì thầm nói chuyện suốt đêm. Nhắc lại những kỷ niệm xưa cũ, bàn bạc chuyện tương lai. Nhàn không ngớt xua đuổi nỗi sợ hãi sẽ không bao giờ gặp lại em nữa.
Đôi lúc Nhàn muốn vùng ngồi dậy, khuyên can em: "Thôi, em đừng đi nữa! Ngày mai muốn ra sao thì ra nhưng ít nhất chị em mình còn có nhau. Em đi nguy hiểm lắm. Chị sợ lắm!" Nhưng Nhàn đã kịp dừng lại. Cô đã biết quyết tâm của em. Đã có lần Nhã nói: "Mạng sống ai không quý? Nhưng khi cuộc sống đã mất hết ý nghĩa thì sinh mạng còn có giá trị gì?"
Sáng hôm sau, Nhã đã ra đi khi trời còn tối và bà Hai Thế chưa thức dậy. Trông cô bình thản đi như chuyến buôn về tỉnh thường lệ. Vẫn bỏ quần áo bình thường như mọi ngày, với chiếc túi vải đeo trên vai và đôi dép nhựa lẹp xẹp. Tony đi theo, không nói một lời, cũng không cầm gì trên tay. Nhàn đứng trong nhà, nhìn theo qua khe cửa, nước mắt trào ra. Nước mắt của xót thương và uất hận. Cô nhắm mắt lại, nắm chặt tay vào khung cửa và một câu hỏi vang lên trong óc: "Những con người này phạm tội gì mà phải trốn khỏi quê hương như những can phạm đại hình? Tại sao họ không có một khoảng không gian để sống trên đất nước này?"
Nhàn đã đứng như thế không biết bao lâu, cho đến khi trời sáng, bắt đầu một ngày khác buồn chán trên quê hương u ám.
Bà Hai Thế thức dậy, và linh cảm có chuyện bất thường. Hai ngày trước, Hữu dắt con đi, nói là về Bến Tre thăm gia đình bên nội. Nay đến lượt Nhã biến mất, không một lời từ biệt. Bà hỏi nhỏ Nhàn, giọng run run:
- Vợ chồng con Út giấu má, đem con nó đi rồi phải không?
Nhàn tới ngồi sát bên mẹ, nói thì thầm để đừng lọt vào tai hàng xóm:
- Chúng nó sợ cho má biết sẽ không chịu nổi cảnh chia tay. Má đừng lo nghĩ nhiều. Phật Trời và linh hồn ba linh thiêng sẽ phò hộ cho mọi người được bình an. Mai con sẽ đem Lisa và thằng Tuấn về đây ở với má.
Nhàn về lại căn nhà của Nhã, ngoài việc chăm sóc bà mẹ già còn để giữ căn nhà khỏi bị tịch thu, và khởi đầu cho những ngày chờ đợi buốt tim. Cũng như những người có thân nhân đi vượt biên, Nhàn sẽ phải thấp thỏm chờ đợi, từng giây từng phút, một bức điện tín từ một trại tị nạn đâu đó ở Đông Nam Á, hay từ một nước ở Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc Châu, hay có khi từ một nơi không ai mong đợi ở Phi Châu.
Nhàn nói thật với Thái việc gia đình Nhã đi vượt biên và lý do phải trở về với mẹ. Thái đón nhận một cách bình thản và nói:
- Không biết đến bao giờ mới chấm dứt cảnh lũ lượt kéo nhau ra đi này.
- Có lẽ cho đến ngày không còn người nào trên đất nước này, hay không còn cộng sản...
Bỗng Thái đứng vụt dậy như vừa tìm thấy một chân lý, thao thao nói:
- Anh đã nghe nhiều tiếng chửi Việt cộng, kết án Việt cộng. Nhưng không nghe những người trong Nam tự chửi mình, tự kết án mình... Chiến tranh là chiến tranh. Là mạnh được yếu thua. Nếu anh có chính nghĩa và có một cuộc sống tốt đẹp để bảo vệ, anh phải chiến đấu đến cùng. Tôi không hiểu sao những người có ngôi nhà đẹp như thế nào lại bỏ chạy, không ở lại chiến đấu. Những kẻ ấy có đáng được hưởng một đời sống tốt đẹp không? Chiến tranh đời nay cũng không khác gì chiến tranh thời xưa. Phe chiến thắng thường là phường man rợ. Chúng chiếm nhà cửa, tài sản, vợ con của những kẻ có đời sống văn minh hơn nhưng hèn nhát.
- Và em cũng là một chiến lợi phẩm của anh - tên linh của đoàn quân chiến thắng man rợ?
- Không hoàn toàn đúng. Chắc em cũng nghe nói người miền Bắc trông đợi được giải phóng hơn là đóng vai đi giải phóng. Họ cũng không anh hùng gì hơn dân miền Nam.
- Thật à?
- Sự anh hùng đôi khi chỉ là tổng hợp của nhiều sự hèn nhát. Người ta nối đuôi nhau vượt đường mòn Trường Sơn để bỏ xác trong Nam không phải vì anh hùng mà là vì hèn nhát, không dám chống lại những cái mệnh lệnh điên rồ.
- Anh là một tên Việt cộng thành thật.
Thái ngồi xuống bên Nhàn, hạ thấp giọng:
- Và cũng là một kẻ hèn nhát vì chỉ dám nói những điều ấy với một mình em. Những gì chúng ta đang được hưởng hôm nay là hậu quả của sự hèn nhát qua nhiều thế hệ, của nhiều người, của bên này và bên kia. Chiến thắng Điện Biên, cải cách ruộng đất, giải phóng miền Nam... Bao nhiêu xương máu đã đổ ra cho một cuồng vọng đã được khởi đầu cũng bợi sự hèn nhát... Năm 18 tuổi, anh đã chứng kiến cảnh đấu tố bà ngoại anh, một người đàn bà thánh thiện. Sự sợ hãi đã làm anh tê cứng, các ông cậu của anh - những anh hùng kháng chiến chống Pháp - cũng chỉ đứng nhìn, không một phản ứng. Thế đấy, anh hùng, anh hùng!... Họ là những con người, hay là những công cụ?
Xúc cảm hơn hai mươi năm trước vẫn còn sức lay động một chiến sĩ cách mạng sau một cuộc chiến đấu dài và khốc liệt khiến Thái nghẹn lời, hai mắt long lanh, đưa hai bàn tay ôm đầu. Nhàn âu yếm vuốt nhẹ mái tóc đã loáng thoáng mấy sợi bạc của Thái, thì thầm:
- Em yêu anh.
Nhàn bỗng nhận ra đây là lần đầu tiên cô nói với Thái ba tiếng tuyệt diệu ấy. Khác với nam giới, người phụ nữ chỉ thốt ra ba tiếng ấy khi trái tim họ thực sự bị rung động, và những âm thanh nhẹ nhàng nhiệm màu ấy có thể làm sụp đổ một băng sơn hay đốt cháy một kinh thành. Những âm thanh nhiệm màu ấy dường như không phát ra từ đôi môi nhưng từ một cùng thẳm vô tận nào, ngoài sự hay biết và kiểm soát của con người.
Ba tiếng ấy đã làm Thái rung động và ý thức một điều rất kinh khủng vừa xảy ra. Anh đã nói với Nhàn những điều chất chứa trong lòng bao nhiêu năm tháng chưa một lần nói với ai. Và bây giờ, một thế giới khác đã mở ra giữa hai người.
Thái quay lại, nhìn sâu và đôi mắt đầy yêu thương của Nhàn hồi lâu, và nói nhỏ:
- Anh vừa giao đời sống của anh cho em.
- Còn anh thì đã nắm đời sống của em từ mấy tháng nay rồi.
Họ hôn nhau. Thái nói:
- Em có nghĩ đến chuyện chính thức hóa quan hệ của mình không?
- Nghĩ đến, và em sợ. Mỗi khi em quyết định làm việc gì quan trọng trong đời thì đều hỏng. Có lẽ cứ để như vầy hay hơn...
Vừa trở về nhà của Nhã, Nhàn đã được Tấn, anh công an khu vực tới thăm. Dân Lục tỉnh khoảng hai mươi tuổi, trông rất hiền, anh ta đảo mắt nhìn quanh căn nhà và nói với Nhàn:
- Gia đình chị Nhã đi rồi à? Bao giờ có tin thì cho em hay. Để cho tới đảo chắn ăn đã.
- Đi đâu mà tới đảo? - Nhàn lơ lững. - Chỉ về thăm ông bà già chồng ở Bến Tre thôi.
Anh công an cười:
- Bến Tre hay bến Mã Lai? Giấu em làm gì. Chị ấy đi được thì mừng cho gia đình. Khi nào có điện thì cho em hay để em báo cáo.
Nhàn im lặng vì thấy không nên nói gì thêm. Anh công an đã tỏ ra biết điều thì còn nói dối làm gì, và Nhàn cũng chẳng mong gì hơn. Công an bây giờ rất dễ thương, và được gọi là "công an nhân dân" cũng không đến nỗi khôi hài. Họ rất thân thiện với nhân dân, nhất là nhân dân đi vượt biên. Một món quà nhỏ của những người này từ nước ngoài gửi về cũng bằng mấy tháng lương nhà nước. Nhàn đã định sau khi Nhã và mọi người đã tới nơi an toàn, sẽ cho Tấn một ít đồ của em để lại trước khi giao nhà cho công an và dọn tới ở với Thái. Nhưng bây giờ phải im lặng chờ đợi.
Thời gian đợi tin là một hình phạt ác nghiệt cho thần kinh của những người ở lại. Đêm ngày ngong ngóng mong tin. Mặt trời lên là bắt đầu chờ đợi người đưa thư còn hơn là chờ đợi người tình, và tim đập thình thịch khi thấy bóng anh ta xuất hiện ở đầu ngõ. Anh ta dừng lại trước nhà, tim càng đập mạnh hơn. Nhưng không, chỉ là để phát một lá thư thường rồi vô tình bước đi. Thất vọng, và lại trông đợi ngày mai. Nhưng đêm tối sẽ hiện ra những ác mộng không có cách nào trốn thoát, với những thảm kịch xảy ra ngoài biển khơi. Tàu chìm vì bị công an biên phòng bắn, dông bão, hải tặc... hay ít hãi hùng nhất là bị bắt lại và đang bị giam tại một nơi nào đó...
Cứ chờ đợi như thế cho đến bao giờ nhận được một bức điện. Người ta sẽ rú lên như trúng số độc đắc, và có thể ôm hôn người đưa thư kèm theo với tiền thưởng rộng rãi. Thế giới bỗng trở nên huy hoàng và ngào ngạt hương hoa.
Nhưng, nếu bức điện không bao giờ đến? Người ta sẽ héo mòn và chết khô như cây cỏ trong mùa hạn hán. Thế giới sẽ u buồn, sầu thảm vĩnh viễn. Sẽ không bao giờ còn có bình minh với tiếng chim. Và, sẽ ghét luôn cả người đưa thư.
Nhàn đã bắt đầu chờ đợi sau khi Nhã đi được một tuần - thời gian đủ để biết không bị bắt lại. Mỗi buổi sáng, trước khi đi làm cô đều dặn Lisa canh chừng người đưa thư và nhớ cho ông ta tiền thưởng nếu có điện tín. Mỗi buổi chiều, khi đi làm về Nhàn đều hỏi con: "Có điện tín không, con?" Một câu hỏi thừa thãi. Nếu nhận được điện tín, Lisa đã không đợi mẹ hỏi. Cô bé sẽ nhảy dựng lên, tay giơ cao bức điện, với gương mặt tươi như hoa và "reo lớn" bằng đôi mắt màu hạt dẻ long lanh niềm vui: "Thành công rồi!"
Nhưng đã hơn một tháng không có tin gì của Nhã. Thông thường, một tháng là thời gian trung bình để những người ở lại nhận được tin của những người ra đi, nếu cuộc vượt biên thành công. Sau một tháng mà không có tin tức gì, những người ở lại bắt đầu sống trong ác mộng thực sự.
Người ta sợ hãi nghĩ đến những tai nạn đã xảy ra cho người thân ngoài biển khơi, hay đang lênh đênh lạc hướng trên đại dương mênh mông nhưng không còn nước ngọt để uống, hay đã trôi dạt vào một đảo hoang nào đó và sẽ chết dần mòn không ai hay biết...
Nhàn sợ mỗi buổi chiều phải trở về nhìn vẻ thất vọng của con và gương mặt sầu thảm của mẹ. Những bữa cơm thường diễn ra lặng lẽ trong không khí nặng nề. Dường như mỗi người đều bị ám ảnh về sự bặt tin của gia đình Nhã nhưng ai cũng sợ phải nói đến. Thỉnh thoảng Nhàn cố nói một câu chuyện gì khác để bầu không khí trở nên dễ thở hơn nhưng cũng chỉ chấm dứt trong nhạt nhẽo.
Mỗi ngày trôi qua là một ngày sự thật càng hiện rõ hơn trước mắt Nhàn: gia đình Nhã và Tony đã không tới được một trại tị nạn. Nhàn đi tìm hỏi thăm vài người có thân nhân cùng đi chung chuyến tàu với Nhã. Không một ai có tin.
Một buổi tối, không còn chịu nổi khối buồn đau đè nén trong lòng, bà Hai Thế vừa khóc sụt sùi vừa rên rỉ với Nhàn:
- Suốt đời ba má ăn hiền ở lành, có làm điều gì ác đâu... mà bây giờ trời phạt như vầy?...
Nhàn ôm mẹ an ủi, nhưng cũng là để trấn an chính mình:
- Mọi người đều ở trong cảnh này cả, má à. Đâu phải chỉ có gia đình mình. Má đừng lo nghĩ nhiều, lỡ bịnh. Con nghĩ dì Út chỉ chậm có tin thôi. Đánh điện từ các đảo rất khó khăn. Có người đi cả năm ở nhà mới được tin.
Đó là đốm lửa hy vọng duy nhất leo lét trong lòng mà Nhàn cố giữ cho khỏi tắt lịm. Nhưng đốm lửa ấy cứ nhỏ bé dần mỗi lần Nhàn nghe một người quen ra đi sau Nhã mà ở nhà đã nhận được tin. Nhàn thường ở lại qua đêm với Thái để tìm chỗ dựa tinh thần và để khỏi phải nghe tiếng khóc rấm rức thâu đêm của mẹ.
Một buổi tối, nằm với nhau trên giường, Thái nói:
- Em cần nhìn vào sự thật. Hơn ba tháng rồi. Tới đâu thì cũng phải có tin. Hay nếu bị bắt lại thì cũng phải biết đang bị giam ở đâu. Em nên đưa mẹ và hai đứa bé tới đây với anh để hàng ngày khỏi phải nhìn thấy căn nhà ấy cùng những đồ đạc chỉ gợi lên bao nhiêu kỷ niệm đau lòng...
Thái chưa nói hết, Nhàn bật lên khóc lớn, và trong một cơn phẫn uất đột phát, cô quay sang Thái vừa cào cấu anh vừa gào lên:
- Tôi ghét anh! Tôi ghét cộng sản! Tôi thù cộng sản!
Thái cố giữ tấm thân đang run lẩy bẩy của Nhàn. Khi Nhàn đã dịu cơn bi phẫn, Thái nhẹ nhàng nói:
- Anh không chối bỏ đã có một phần trách nhiệm trong những thảm kịch đang diễn ra, nhưng như anh đã nói với em, tội chính của anh là tội hèn nhát, và anh cũng đang mang những khổ đau không kém gì em và những người khác. Nỗi khổ đau của những con người còn có một lương tâm.
Nhàn thôi khóc, và rên rỉ trong vòng tay của Thái như một con mèo nhỏ. Cô không phải chờ đợi lâu để thực hiện lời khuyên của Thái.
Một buổi tối, Tấn tới gặp Nhàn và nói:
- Đã đến lúc em phải báo cáo sự vắng mặt của gia đình chị Nhã. Công an phường đã biết và em không thể nào kéo dài hơn được nữa. Bác gái và chị chỉ tạm trú ở đây nên sẽ không được giữ căn hộ này. Nhà nước sẽ quản lý. Chị có định dọn đi đâu chưa?
- Cám ơn chú. Tôi sẽ dọn ra khỏi căn nhà này trong ba ngày. Chú coi trong nhà có món gì cần thì cứ lấy.
Anh công an nhân dân mừng ra mặt nhưng còn làm ra vẻ e ngại:
- Em không dám làm như vậy đâu. Chị cho em cái gì thì em xin cái đó.
Nhàn soạn ra vài món đồ đưa cho Tấn và nói:
- Ngày mai anh trở lại đây, muốn lấy gì thêm thì lấy.
Tuy nói vậy nhưng ngày hôm sau, Nhàn lấy các món đồ cần dùng và một số kỷ vật của Nhã dọn sang ở với Thái.
Bà Hai Thế không phản đối quyết định của con gái, nhưng từ ngày ấy tinh thần bà sụp đổ nhanh chóng, kéo theo sự suy đồi của thể chất. Bà mất trí nhớ trầm trọng, thường nói lảm nhảm một mình và bỏ ăn uống, nằm liệt trên giường, trên tay lúc nào cũng cầm tấm ảnh chụp gia đình Nhã. Sáu tháng sau, bà Hai Thế qua đời sau khi bị ngã trong phòng tắm và hôn mê mấy ngày.
Nhàn đã hoàn toàn mất hết hy vọng về gia đình Nhã, nay lại thêm cái chết của mẹ, cô tìm nguồn an ủi nơi hai đứa con và tình yêu của Thái.
Công việc ở Sở Du Lịch tưởng là giúp Nhàn tạm quên nỗi buồn đau nhưng lại chỉ nhắc cô cay đắng nhớ tới thân phận bị đày ải kềm kẹp của người dân Việt Nam. Khách du lịch tới thăm Việt Nam tuy không nhiều, chỉ gồm một ít người Nhật và người Tây Âu, nhưng trông họ bình thản yên vui, hạnh phúc. Họ là những con người tự do, đến đây từ những miền đất tự do, họ đi để tìm thú vui và được tiếp đón niềm nở, ân cần. Còn người dân Việt nam, sao phải sợ hãi trốn đi trong đêm tối để phải đương đầu với bao hiểm nguy và bị xua đuổi ở khắp nơi?
Phải chăng dân tộc này không đáng được sống như những con người, vì hèn nhát? Nhưng, những người đã và đang ra đi - những người trẻ, những người già, những thanh niên, những phụ nữ, những trẻ thơ...? Dù thành công hay thất bại và bỏ thây trong lòng biển, họ cũng đã nói lên một sự phản kháng. Và bóng đêm vẫn bao trùm trên đất nước bất hạnh này, trong đó dường như không một ai biết tới hạnh phúc thật sự - kẻ thua cũng như người thắng. Nhàn nghĩ đến Thái, đến hai đứa con đang tới tuổi vị thành niên của mình với một tương lai vô vọng trước mắt. Cô lại nghĩ đến vượt biên, và nói ý định ấy với Thái.
- Em không thể chịu đựng lâu hơn cuộc sống này và không thể để hai đứa con của em ở đây, anh ạ.
- Rồi em làm gì?
- Anh biết rồi. Vượt biên.
- Cả gia đình cô Nhã và thằng Tony chưa đủ sao? Em không sợ à?
- Sợ chứ, nhưng chính anh đã kết tội sự hèn nhát. Chế độ này không cho con người một lựa chọn nào khác, ngoài sự hèn nhát. Em không muốn hai đứa con của em lại tiếp tục sống một cuộc đời hèn nhát. Anh hiểu rõ chế độ này hơn em. Nếu anh làm gì được để thay đổi thì làm đi. Nếu biết không làm gì được để chống lại guồng máy quái đản này thì hãy từ bỏ nó, cùng em ra đi. Em không ra đi để tìm một thiên đường, nhưng để thoát khỏi một địa ngục. Thiên đường là điều không có trên thế giới này, nhưng địa ngục thì có thực. Anh là một tên gác cửa địa ngục hay cũng là một kẻ bị đày ải trong địa ngục? Anh xứng đáng có một đời sống khác hơn.
Thái bóp trán suy nghĩ hồi lâu và nói:
- Thôi được, anh sẽ cùng đi với em. Nhưng anh không muốn giao sinh mạng cho những người mà anh không biết là ai. Anh sẽ làm lấy, tổ chức lấy, và ra đi một cách an toàn.
Nhàn mừng rỡ ôm lấy Thái. Cô tin tưởng ở sự thành thật và khả năng tổ chức của Thái nên yên tâm chờ đợi ngày ra đi.
Sống chung với nhau được gần một năm, Nhàn tự coi như vợ của Thái, tuy không có ràng buộc gì về pháp lý. Nhàn kín đáo ngăn ngừa để đừng có con với Thái, nhưng cuối cùng cũng mang thai ngoài ý muốn, nhất là vào lúc đang chuẩn bị đi vượt biên. Cô không cho Thái biết và quyết định phá thai.
Phá thai không còn bị coi là một trọng tội như trong xã hội cũ. Trái lại, nhà nước khuyến khích phụ nữ phá thai để làm chậm lại đà gia tăng dân số đang bộc phát sau chiến tranh. Thủ tục phá thai rất đơn giản. Người phụ nữ chỉ cần ký vào một tờ giấy là xong. Nhàn nghe nói về những tai nạn chết người vì thiếu thuốc man, thiếu nhân viên y tế đủ khả năng, nhưng cái sợ có thêm một đứa con trong lúc này lớn hơn những cái sợ khác. Và, Nhàn tới Bệnh viện Hùng Vương để xin được phá thai.
Cô mới mang thai được ba tháng và tự mua các thứ thuốc ngoài chợ trời theo yêu cầu của bệnh viện nên không trải qua nhiều đau đớn lắm. Cô nằm nghỉ tại bệnh viện vài tiếng đồng hồ và ra về.
Phá thai có vẻ là một công việc đơn giản với các nhân viên y tế, nhưng không đơn giản với người phụ nữ phá thai. Không kể sự nguy hiểm đến tính mạng, nó là một vết thương suốt đời trên cơ thể và trong tâm hồn người phụ nữ. Nhàn bị xao động mạnh sau khi trục đứa con ra. Cô có cảm giác tội lỗi và sợ hãi điều gì không hình dung rõ rệt. Cô trùm một chiếc khăn mỏng lên đầu và che kín hai tai, một phần để tránh gió, phần sợ gặp người quen tình cờ nhìn thấy mặt.
Trời đã gần tối và vừa dứt một cơn mưa lớn cuối mùa. Không khí mát lạnh.
Vừa ra khỏi cổng bệnh viện, Nhàn thấy một chiếc xích-lô đang chạy tới từ phía bên trái. Cô định giơ tay ngoắc nhưng kịp dừng lại và kéo vội khăn che kín mặt. Nhàn có cảm giác vừa trông thấy ma. Chân tay lạnh ngắt, cô quay vào trong, vịn một tay lên cánh cổng để đừng ngã xỉu. Cô không thể lầm được. Chính là Lâm đã đạp chiếc xe xích-lô vừa đi qua trước mặt.
Nhàn không biết đã đứng đằng sau cánh cổng bệnh viện bao lâu cho đến khi cảm thấy hồi tỉnh, thận trọng bước ra đường, đón một chiếc xe xích-lô khác về nhà. Cô vào phòng ngủ, để nguyên quần áo, nằm ngửa lên giường, chân tay buông thẳng, mắt nhìn trừng trừng lên trần nhà.
Thái chưa về, chắc bận việc ở cơ quan hoặc đi đâu đó để lo tổ chức vượt biên. Thấy cử chỉ khác thường của mẹ, Lisa và Tuấn kéo nhau vào phòng Nhàn hỏi thăm.
Lisa ngồi xuống cạnh giường nắm tay mẹ, lo sợ hỏi:
- Tay mẹ lạnh ngắt. Để con lấy dầu cù là xức và cạo gió cho mẹ
Nhàn vẫn nằm bất động và không trả lời khiến hai đứa bé hoảng sợ. Lisa đứng lên nói:
- Hay con gọi điện thoại vào cơ quan cho bố Thái về.
Nhàn giật bắn người, vội chồm dậy:
- Đừng, Lisa! Đừng gọi gì cả. Mẹ chỉ bị xây xẩm một lúc, chắc vì hôm nay làm việc nhiều.
Lisa dừng lại, mừng rỡ nhìn mẹ.
- Để con đi pha cho mẹ một ly sữa nóng.
Lisa ra khỏi phòng. Tuấn ngồi xuống bên cạnh mẹ. Nhàn quay lại ôm lấy thằng bé, vừa khóc vừa rên rỉ:
- Con ơn, chắc mẹ chết mất.