Số lần đọc/download: 1165 / 10
Cập nhật: 2015-12-15 08:00:08 +0700
Chương 5
N
gày tháng dần qua. Thầy Lân lành hẳn vết thương, trở về đơn vị chiến đấu, mà chuyện đó trong quân y viện họ gọi bằng một cái tên là lạ, hay hay làm Hòa nhớ mãi không quên, đó là “Xuất Viện”.
Anh Miên thì thỉnh thoảng cũng có về thăm gia đình Hòa. Lúc nào anh ấy cũng nhớ đến cha Hòa. Anh nhớ từng chi tiết nhỏ, những sở thích của cha Hòa, từng thói quen, từng lời nói và cả những câu thơ. Có lẽ một phần lớn vì lẽ đó mà mẹ Hòa rất quí mến anh. Đôi khi mẹ Hòa giữ anh lại ăn cơm. Những bữa đó Miên vui ra mặt, còn chị Mai thì khác hẳn: chị vùng vằng, vũng vẵng trông thật buồn cười.
Mẹ biết vậy, nhưng mẹ cứ tỉnh như không. Chừng anh Miên về rồi mẹ kêu chị Mai ra, bố cho một trận nên thân. Mẹ la chị Mai đủ thứ: nào là kiêu ngạo, nào là vô lễ, bất lịch sự v.v… rồi bà dịu giọng lại một chút:
- Con đừng có làm bộ, làm cao. Nó sao mà chê nó? Nó cũng tay chân, mặt mũi như người ta, học hành cũng… khá hơn con, nó lại cần cù chí thú làm ăn. Hay con chê nó nghèo? Đừng có ham giàu, con ơi! Đừng tưởng có chồng giàu mà sướng đâu. Hồi mẹ làm bạn với cha con, nhà còn nghèo hơn bây giờ nữa kia, mà mẹ có khổ đâu. Lấy chồng, cần nhất là được người biết thương mình, tốt bụng, chớ kể chi giàu nghèo? Tiền của nó không ở lâu với ai đâu, đừng có bắt chước dân thành phố, ham tiền…
Chị Mai lầu bầu trong miệng:
- Ai thèm ham giàu… mà ghét cái quê …
Mẹ quát lên:
- Mai! Mày nói cái gì đó? Nói to lên tao nghe, coi nào?
Chị Mai hơi hãi, lặng thinh. Bé nhanh nhẩu đoảng:
- Thưa mẹ, chị Mai nói “ai thèm ham giàu mà ghét cái quê” đó mẹ!
Hoà can thiệp:
- Con Bé nói bậy quá! Con nít hớt lẻo phải không?
Bé cao giọng lên:
- Em không hớt lẻo, tại mẹ hỏi chớ. Anh Hoà lớn sao mà kêu Bé là con nít? Anh cũng con nít mà!
- Hai đứa kia im đi, ra ngoài chơi, để tao nói chuyện coi.
Nói vậy nhưng không đợi hai đứa ra ngoài chơi, mẹ đã quay sang phía chị Mai:
- Mai! Nói tao nghe mày chê nó chỗ nào? Sao mà kêu là quê?
Hòa hơi run, coi bộ chị Mai lâm nguy rồi đây. Hoà vốn biết tính mẹ, khi nào bà không xưng mẹ, kêu con mà xưng tao và kêu mày thì là điềm xấu. Điều đó chứng tỏ lửa giận đã hun đốt nóng bà lên rồi. Coi chừng, không khéo… Hòa muốn báo động cho chị Mai mà không dám. Mẹ nóng tính không phải chuyện chơi đâu. Nó liếc sang Mai một cái. Cô chị vẫn bướng bỉnh như không thấy điềm xấu. Cô nhắc lại lời mình:
- Con đã nói con không có chê gì hết, mà con ghét cái quê!
- Chà, giỏi dữ! Quê! Còn mày thành thị, hử? Rờ sau ót coi: cha mẹ mày có quê không, mà chê người ta quê?
- Không phải con chê ảnh nhà quê, quê này là quê khác mà… mẹ kỳ quá. Mà con không ưng, con còn nhỏ, con ưng ở nhà với mẹ, với em con, chuyện gì mà lật đật?
- Tao không lật đật gì ráo. Có điều, tao thấy nó dễ thương, biết lo làm ăn tử tế. Nó có bụng thương mày, thì tao…
- Mà con không thương, làm sao?
- Thì thôi. Làm cha mẹ, tao không có ép. Chỉ e mày chê nó rồi lại thương nhằm đứa chẳng ra gì, lại cực một đời thôi, lúc đó đừng kêu trời trách đất, nghe con?
- Con không thương ai hết, để mẹ coi.
- Đừng nói dóc, tao thấy cả trăm đứa nói như mày rồi. Tao nói cho biết vậy thôi, không ai ép uổng gì. Mà điều không ưng nó thì thôi, đừng có vùng vằng, làm bộ, người ta chửi con mẹ mày không biết dạy, nghe không? Phải nhớ rằng cha mình đã chết trong tay người ta. Không phải hết con gái đâu, ăn ở cho nết na, đừng có bắt chước…
- Con không thèm bắt chước ai hết. Con làm gì mà không có nết? Mẹ binh nó quá! Sao nó dám chửi con?
- Người ta lớn đáng anh cả mày mà mày kêu bằng nó hả? Mai, liệu hồn, nghe chưa?
Mẹ nói tới đó thì có bà Năm đến, làm mẹ phải dọn nét mặt hoà nhã để tiếp bà.
Chị Mai thừa dịp, chuồn vào bếp. Hòa ngẫm nghĩ mãi về câu chuyện mới xảy ra.
° ° °
Kể ra Hòa thấy anh Miên cũng khá… dễ thương, song dễ thương là một chuyện mà chị Mai làm vợ anh ấy là chuyện khác, có liên quan đến quyền lợi Hòa nên Hoà hơi ngả về phía chị Mai.
Phải! Chị Mai nói đúng: chị còn nhỏ, đi đâu lật đật? Bây giờ mẹ gả chị cho anh Miên thì mệt Hòa quá. Nói chi xa, chỉ nghĩ đến nông nổi cái quần đứt chỉ, cái áo rách vai mà không có chị Mai, Hòa biết cậy nhờ ai?
Tháng trước chị đau ốm qua loa chi đó, nằm có mấy ngày mà Hòa mệt đừ đi. Mẹ bận buôn bán ngoài chợ suốt ngày, Hòa phải kiêm nhiệm trăm thứ chuyện: nấu cơm, kho cá, giặt áo, giặt khăn, tắm rửa cho em Bé nữa. Cơm nước xong còn lo rửa bát, quét nhà… Dĩ nhiên, nếu Hòa không làm, mẹ cũng chẳng la rầy chi, mẹ sẽ cặm cụi làm lấy, nhưng Hòa không nỡ để mẹ vất vả như vậy. Tội nghiệp mẹ và chướng mắt lắm.
Nhà trường há không dạy người ta phải giữ tròn hiếu đạo đó sao?
Từ khi đi thăm thầy Lân về, coi bộ Hoà phục thiện, giữ gìn tư cách hơn trước.
Tuy thầy không còn trở về trường dạy lại, song thỉnh thoảng cùng mẹ vô thăm thầy, Hòa được gần thầy và nghe thầy giảng giải nhiều điều hay, lẽ phải.
Những điều này có khi Hòa không hiểu hết, song Hòa cảm thấy nó đúng, nó hay, có lẽ phần lớn nhờ ở giọng nói truyền cảm và cái nhìn âu yếm của thầy Lân làm Hòa xúc động sâu xa. Thầy làm cho Hòa có cái hãnh diện mình là trang giấy trắng mới tinh khôi, thơm ngát, nguyên vẹn, rất quí báu đừng bao giờ để cho giây bẩn lấm lem, rách nát. Phải giữ gìn thận trọng để xứng đáng là học trò của thầy và con của một người cha tốt như cha Hòa. Dù bây giờ ông không còn nữa, không bao giờ Hòa được thấy ông nhưng mà trong cõi vô hình, một cái gì nhỏ nhít đến đâu ông cũng biết và ông sẽ cho là nhục nhã, là đáng buồn nếu đứa con trai ông yêu quí, đứa con trai độc nhất của ông không ở trong đường ngay nẻo thẳng như ông từng ao ước lúc sinh thời.
Một đôi khi, Hòa thấy thấm mệt vì cứ phải giữ mình trên con đường người lớn vạch ra sẵn đó. Song được cái, sau mỗi lần như vậy, Hòa bất chợt nhớ đến cái chết đau đớn của cha, đến lòng kỳ vọng của cha cũng như nhớ đến đôi mắt trìu mến, âu yếm và sự khuyến khích của thầy Lân, nhờ thế, Hòa lại dần dần phục hồi nghị lực và can đảm.
Nhưng mà, can đảm của Hòa đây nó chỉ có chừng mực, có giới hạn nào thôi, chứ không có nghĩa là òa đủ sức kiêm nhiệm chức vụ của người chị gái. Hòa cố để chống lại sự cám dỗ: trước và sau giờ học không la cà ngoài phố, ngoài mấy rạp ciné thường trực, không thèm mua những cuốn sách nhảm nhí có bìa hoe hoét, sặc sỡ, nhất là không bao giờ cho phép mình cầm đến cuốn kiếm hiệp cho thuê… Thế cũng là quá lắm rồi, đòi hỏi gì thêm e rằng Hòa kiệt sức mất thôi, trời ạ!
Vậy thì anh Miên, anh ấy cũng đừng chấp chới có cái tà ý cuỗm chị Mai của Hòa đi mất, không được đấy nhé! Cảm tình với anh ấy là một chuyện, nhưng cảm tình đến nỗi không có biện pháp gì ngăn chặn ý muốn kia, đến nỗi để mất chị đi thì không, không bao giờ.
Vì lẽ ấy, Hòa đã một lần biên lá thư đúng theo ý chị Mai - có điều Hoà thêm thắt, sửa chữa lời văn đôi chút - từ chối mối tình của anh Miên.
Nói cho đúng với sự thật, ban đầu Hòa cũng không thích làm chi cái công việc của một tên thư ký không lương. Vả lại, chị Mai cũng có đi học, biết chữ nghĩa đàng hoàng chớ phải dốt nát chi sao? Sao lại nhờ Hòa? Nhưng khi Hòa vừa mở miệng chưa nói hết câu thì chị Mai đã gắt lên nho nhỏ (gắt to sợ mẹ nghe) thế này đây:
- À, Hoòa làm ngặt chị phải không? Một đời chị đã nhờ Hòa việc gì chưa? Bây giờ là lần đầu… Ích kỷ phải không? Được rồi, được! Chị không nhờ Hòa nữa đâu. Từ này đừng có chị em với chị nữa, nghe không? Đừng có mỗi chút mỗi kêu “chị Mai chị Mai” nữa, nghe không?
Hòa chưa kịp phản ứng ra sao, chị đã thấp giọng xuống, chì chiết nghe thật khó chịu:
- Ở đó mà chực tao làm mọi cho, giặt áo, vá quần, mua mũ… thay bao gối…
Hòa cáu lên, nói không suy nghĩ:
- Thôi đi! Làm chị mà ưa kể lể…
- Ai thèm kể lể với hạng mày? Là tao nói cho biết vậy đó, hiểu không? Từ này có thân thì lo lấy, chớ tao khỏi đi…
Hoà lạnh mình khi nghĩ đến sự trả thù của người chị cả! Không, Hòa ngán lắm, sợ lắm. Lời đe doạ đó không phải là lời đe doạ suông đâu. Mà mình cũng kỳ - Hòa tự trách mình – khó nhọc gì cái thơ mà không viết phăng cho chị ấy? Có khó hơn là làm bài luận đâu? Huống chi, chuyện đó cũng nằm trong ý muốn của mình mà! Chọc giận chị ấy làm gì nhỉ?
Hòa vội vàng cười làm lành:
- Em nói chơi chút mà, chưa gì chị đã giận rồi. Chừng nào viết đây? Viết sao đây, chị nói đi, em viết liền đây!
Tuy đã hài lòng nhưng Mai còn vờ chưa nguôi giận:
- Thôi! Thôi, tôi không nhờ ai hết, khỏi! Cảm ơn!
- Trời ơi! Chị giận em thiệt sao? Em đã nói em nói chơi mà, chị em mà…
Mai cốc lên đầu em một cái:
- Mày là con yêu…
- Thằng yêu chớ! Em là con trai mà, con yêu sao được?
Hòa chữa lại. Hai chị em cùng cười. Những tiếng cười ròn rã mà kể từ cha chết rất ít khi có dịp vang lên trong nhà.
Thằng em trai lo soạn giấy bút. Cô chị ngồi lại, tay bưng má, dáng bộ đăm chiêu suy nghĩ. Ấy là cô đang ngẫm nghĩ để đọc lên cho em mình viết lá thư, lá thư tình thứ nhất trong đời, tuy là lá thư tuyệt tình chứ không phải tỏ tình, song dù sao nó cũng là lá thư tình, cô cần thận trọng. Mẹ cô vẫn nhắc lại lời ông ngoại: bút sa gà chết kia mà! Đâu phải chuyện lơ mơ.
Coi vậy mà khó hơn cô tưởng, đã vậy thằng em “con yêu” không chịu thông cảm nỗi khó khăn của chị mình, nó không ngồi yên chờ mà cứ nhấp nha, nhấp nhỏm, giục:
- Rồi chưa? Đọc lên em viết, làm gì mà ngồi sững hoài vậy?
Chị Mai lại dỗi:
- Làm gì hối dữ vậy? Mày không viết thì thôi. Đi chơi đi! Tao không cần. Tao viết lấy cũng được.
Thật là quá sức, Hòa không nhịn được nữa:
- Vậy sao chị không viết đi mà biểu người ta? Rồi còn làm bộ?
- À! Thằng này bây giờ hỗn quá rồi. Nói ai làm bộ? Mày khinh tao không biết viết chắc? Để coi tao có cầu lụy mày nữa không?
Cô chị nói và giằng cây bút trong tay em, cắm cúi viết. Hòa lùi lại, nhưng vẫn không đi chơi đi như chị bảo, nó liếc mắt một cái coi thử chị viết ra sao.
Ban đầu, Hòa hí hửng vì thấy chị Mai sử dụng cây bút một cách ngượng nghịu, khó khăn: chữ cô không đều hàng, chữ trồi lên, chữ trụt xuống, nom như một lũ nhỏ lấc cấc không tề chỉnh chi hết, lại sai chính tả nhiều quá, ngứa con mắt làm sao ấy, không chịu nổi.
Hòa hết sức ngạc nhiên: sao chị mình cầm cây kim bé tí tẹo thì có vẻ thành thạo quá. Tay chị thoăn thoắt, mũi lên, mũi xuống, mũi nào cũng đều tăm tắp còn khi cầm bút thì tệ vậy? Mà cây bút nhỏ bé gì cho cam, nó lớn gấp trăm, không, gấp ngàn lần cây kim ấy chớ!
Mới sáu hàng mà Mai đã có vẻ… mệt: mồ hôi dâm dấp ướt cả trán. Hòa thương hại chị, dịch lại gần một chút, nhỏ nhẹ:
- Đưa em viết dùm cho.
- Kệ cha tao, tao đã nói không cần mà.
Mai trả lời em giọng gắt gỏng, cụt lủn rồi mím môi, mắm miệng, hí hoáy, tiếp tục viết cho xong lá thư.
Hòa hầm hầm đứng dậy, đi thẳng. Đàn bà con gái không biết phục thiện. Mà lại làm bộ quá, khó ưa thật!
° ° °
Hai ngày tiếp, hai chị em lầm lì nét mặt, không ai nói với ai một tiếng. Cho đến nỗi mẹ Hòa cũng để ý, bà hỏi:
- Hai chị em bây làm sao vậy? Ngó thấy bây tao muốn no luôn! Cái gì vậy? Nói ra coi?
Hai chị em vẫn im lặng, lầm lì. Mẹ lại nói:
- Có chuyện gì thì cứ nói ra. Dầu gì đi nữa tụi bay cũng là chị em mà! Tao ghét cái điệu bộ đó lắm, bỏ đi! Chị em phải thương nhau chớ.
Vẫn lặng im. Nhưng thừa một lúc mẹ mải nói gì với Bé, Mai khiêu khích em trai bằng một câu rất ác, chỉ vừa đủ lọt tai Hòa:
- Đó, mẹ hỏi đó kìa, khai ra! Lập công đi!
Hòa giận run, nghẹn ngào không thốt được một tiếng. Phải chị Mai nhỏ như em Bé, Hòa đã tát cho vài cái mới hả. Nhưng đâu được, Mai là chị. Luật lệ trong nhà này không cho phép kẻ nhỏ áp dụng võ lực với người lớn. Phải dùng văn chương. Khốn nỗi, tuy cũng là tay văn chương có hạng ở nhà trường, Hòa lại có thói xấu là khi tức giận thì nguồn văn biến mất nên nghĩ mãi vẫn không ra một câu cho hay ho, sâu sắc mà trả đũa chị mình.
- Đồ hèn, con gái hèn!
Hòa mím môi phun đại một câu gồm năm tiếng ngắn, cũng chỉ vừa lọt tai chị mà thôi. Mai cáu lắm, tuy vậy, cô chị không nói gì, chỉ quắc mắt nhìn em, cái nhìn như ngầm dọa:
- Được rồi, mày sẽ biết tao!
Thằng em không phải tay vừa, nó vênh mặt lên nhưng không nhìn chị, vì mắt Mai sắc lắm, dữ lắm không mong gì áp đảo chị bằng mắt được. Hòa tìm ra cách khác, Hòa nói với em gái, ỡm ờ như một lời nói chơi, song là một lời nhắn… đầy khiêu khích:
- Đồ con gái hay làm bộ, hay ỷ thế, tao không ngán mày đâu.
Nghe anh gọi mình bằng mày, Bé liền dẩu miệng, phản đối:
- Anh Hòa không được kêu em Bé bằng mày, anh Hòa phải anh em với em Bé chớ!
Đang giận chị Mai, tai Hòa ù sẵn, nên Bé nói tiếng chớ mà Hoà lại nghe ra là chó. Cơn giận được dịp bùng lên: Hòa nghiến răng tát em hai cái liền, miệng nói:
- À, mày hỗn hả? Dám nói anh là chó hả, coi đây!...
Bé oà khóc to.. Mẹ nhìn má con út đỏ bừng, in dấu bàn tay anh, mẹ tức lắm. Mẹ quát;
- Thằng Hòa kia! Mày thua đâu mà gỡ em là sao? Nó can phạm gì đến mày? Nó nói cái gì mà mày đánh nó? Nó có nói mày chó đâu? Mày điếc phải không?
- Hu, hu, hu… con nói anh Hòa phải anh em với em Bé mà… hu hu…
Để cho yên, mẹ phát vào mông Hòa hai cái tiếp và nói:
- Này, bỏ thói ăn hiếp em, nghe chưa? Lần sau mẹ đánh cho năm roi chớ không phải phát sơ sơ vầy đâu, nghe chưa?
Mai buông đũa đứng lên quay phía khác, cười một mình, nhưng Hòa trông thấy, nó càng tức lồng lên. “Được rồi, lát nữa mẹ lên chùa rồi biết”.
Nói vậy, nhưng lúc mẹ dắt Bé đi rồi, nhà còn hai chị em, Mai cặm cụi may áo cho Bé, Hòa lại nguôi giận. Nó thấy hối vì đã mắng chị là đồ hèn. Đáng lẽ, Hòa chỉ nên nói thế này:
- Ta không phải hạng tiểu nhân đâu.
Phải! Nói vậy nghe có vẻ hay ho, lịch sự biết bao nhiêu? Mà chị Mai nghe, chỉ còn nể mình nữa là khác. Ai lại nói nặng chỉ như vậy bao giờ, chỉ là chị mình mà!
Mai ngồi nghiêng, chăm chú làm việc. Cô không biết em trai đang ngắm trộm mình. Mũi kim trong tay cô thoăn thoắt xuống lên, qua lại đều đều theo một nhịp điệu riêng, trông hay quá!
Mái tóc dài, xoã xuống hai vai, óng ả, mềm mại, vài sợi loà xoà buông rũ, che khuất đi một bên tai, làm tối nửa khuôn mặt cô và càng làm cô có vẻ đẹp mơ màng, huyền diệu làm sao!
Vầng trán phẳng, đôi mày thanh, mũi thẳng, không cao lắm, đều đặn trên chiếc miệng nhỏ xinh xinh, môi cô hồng nhạt và răng trắng bóng. Mai có vẻ hãnh diện về hai hàm răng của mình và cô có quyền săn sóc hai hàm răng một cách tỉ mỉ, đặc biệt là không bị mẹ mắng bao giờ. Trái lại, mẹ không bằng lòng cho cô trang điểm… một tị. Mẹ nói:
- Không có gì quí bằng sự tự nhiên. Tô chuốt vô làm chi, giả tạo… Đừng bắt chước người thành phố phấn son loè loẹt, hư nước da đi. Coi mẹ đây, mẹ không ưa trò giả dối. Trời sinh sao để vậy, hay hơn.
Ban đầu, Mai hơi phản đối, nhưng bây giờ thì cô nghe lời mẹ rồi. Vì mấy lần đi giao hàng cho cô Liễu trước nhà, đến lúc sáng sớm, cô ta chưa kịp trang điểm, trông cô xấu tệ, đến nỗi Mai suýt không nhận ra: da cô tái nhợt, môi thì thâm tím, trông thật khó coi.
Hòa không có ý kiến gì về việc đó. Dù chị Mai có trang điểm hay không chị vẫn đẹp, vẫn là chị của Hòa. Điều làm Hòa bực mình là mỗi bận hai chị em đi đâu mà nghe có người khen Mai và hỏi: “Chừng nào có chồng?” Bực nhất là khi có mấy anh tre trẻ theo kiếm chuyện làm quen. Hòa sợ và… khinh nữa. Hòa không ưa hạng con trai như thế. Cái gì mà thấy con gái là sà tới như ruồi thấy mật? Hòa vốn không ưa con gái đàn bà, họ lắm chuyện, họ khó chịu, họ nhiều lời (trừ mẹ với chị Mai ra) Hòa cảm tình đặc biệt với con trai nhưng Hòa ghét cay ghét đắng những người con trai nào ngấp nghé chị mình. Hòa mà lớn lên Hòa sẽ không bao giờ giống mấy người đó. Lại định làm quen, lui tới như kiểu anh Miên hẳn? Chắc thế? Đừng hòng: có Hòa đây, Hòa nhất định cản cho đến cùng, chị Mai của Hìa! Đừng tưởng dễ đâu…
- Hòa còn giận chị không?
Thình lình, chị Mai ngừng làm việc nhìn Hòa chăm chú, hỏi. Hòa chỉ mong có thế, nhoẻn cười:
- Không! Em có giận chị đâu? Chị là chị của em mà.
- Em thương chị không?
- Thương chớ, chị là chị em mà, sao lại không thương?
- Thương sao mắng chị là đồ hèn?
- Tại em tức chị…
- Còn tức không?
- Hết rồi. Tại chị thách em, em đâu có hớt lẻo như con Bé? Em biết giữ bí mật cho chị mà?
- Em ưng chị đi lấy chồng không?
- Không! Chị ở nhà với em với mẹ chớ, lấy chồng làm chi? Ngu sao bỏ nhà mình đi theo họ?
- Bộ chị ở nhà hoài sao?
- Ở hoài. Nữa em lớn em có nhiều tiền, em cho chị hết.
- Dóc đi! Hay là cho gái? Hay là theo gái?
- Em mà theo gái? Em đâu giống tụi khỉ hay theo bên chị? Em khác mà!
Chị Mai cười sặc sụa. Hòa tức lắm, gặng:
- Chị cười em phải không? Em nói thiệt mà.
Chợt nhớ chuyện cái thư, Hoà hỏi:
- Chị gởi cho anh Miên chưa?
- Chưa.
- Sao vậy?
- Chị hết ghét ảnh rồi. Để ảnh cưới cũng được.
Hòa nhảy nhổm lên:
- Em không chịu đâu…
Người chị ỡm ờ:
- Nói nghe hay không? Ảnh cưới chị chớ có cưới em đâu mà em không chịu?
Hòa không để ý chị trêu mình, nóng nảy:
- Sao chị đổi ý mau vậy? Kỳ vậy?
- Không! Chị đâu có đổi ý, tại em chớ. Em muốn vậy mà!
- Em muốn cái gì đâu? Ai nói với chị là em muốn chị có chồng đâu?
- Thì em không viết thơ giùm chị, chị viết chữ xấu lắm, người ta đọc người ta cười… nên chị…
Hoà gầm lên:
- Sao em không viết, tại chị chớ. Bây giờ đưa đây em viết cho, viết liền.
Vậy là cậu em mắc bẫy! Hòa nói xong, phóng ba bước lại bàn học lục giấy bút. Lần này, không phải người chị sốt sắng mà chính là cậu em trai. Hòa giục chị:
- Rồi đọc đi, em viết liền đây!
- Khỏi đọc.
- Khỏi đọc? Em viết sao được? Chị giỡn hoài.
- Không giỡn đâu, này: có cái thư chị để dưới gối đó, lấy ra coi mà chép lại, khoẻ ru.
- Được rồi, viết xong chị cho em hai chục nghe không?
- Chi vậy? Đòi tiền công hả? Vậy mà nói thương chị…
- Không phải, ai đòi tiền công bao giờ? Tại tóc em dài rồi mà mấy bữa nay chưa có tiền đi hớt chớ.
- Được, viết xong cái thơ đi, rồi hay.
Hòa phóng ba bước vô phòng chị, lấy cái thư ra, trải trên bàn, lẩm nhẩm đọc.
Mai la lên:
- Viết lẹ đi cho rồi, đọc chi mất công? Mẹ về giờ đó.
- Em phải đọc qua đã chớ? Chi gấp vậy? Em làm sao xong thôi mà.
- Viết rồi đưa tao coi lại, nghe?
- Được rồi, để em, chị lo công chuyện chị đi, nói hoài bên tai, làm sao viết xong?
Ban đầu, Hòa định làm y lời chị, nghĩa là chép nguyên văn lá thư Mai viết sẵn khỏi nhọc công. Hiềm nỗi lá thư dở tệ, coi không chỉnh. Hòa phải chịu khó sửa lời, đổi chữ, thêm chỗ này, bớt chỗ kia cho nó trở thành một lá thư hoàn hảo. Một lá thư nhã nhặn mà cương quyết, lịch sự mà rắn rỏi, theo ý Hòa. Đành rằng việc của chị nhưng chị đã nhờ thì phải tận tâm, vả lại Hòa cũng có lý do riêng để mà tận tâm, hay nói cho đúng bề ngoài thì là riêng của chị song kỳ thật cũng có liên quan đến Hòa, hăm doạ đến quyền lợi của Hòa, Hòa không thể coi thường được. Dù rằng cái thư đó đã là đầu mối bất hoà giữa hai chị em, họ đã cãi nhau, giận nhau – chưa kể em Bé vô cớ bị tát và Hòa bị mẹ phát vào mông – nhưng bây giờ thì mọi việc đã qua rồi.
Hòa theo đúng nguyên tắc viết thư: đề ngày tháng đàng hoàng trên đầu trang giấy.
Câu mở đầu thật khó. Hòa ngẫm nghĩ mãi không biết nên viết: “Kính gửi anh” hay chỉ viết “Gửi anh Miên” thôi? Lại còn lối xưng hô nữa. Xưng em, xưng tôi, hay xưng tên? Đắn đo một chút Hòa quyết định bỏ chữ Kính, chuyện gì phải kính với cẩn? Bộ anh Miên lớn hơn ai lắm sao? Và xưng là tôi, không xưng em, cũng chẳng xưng tên, xưng tên hay xưng em có vẻ thân mật quá, không được. Một lá thư như vậy phải giữ đúng mức lạnh nhạt, xa cách. Có thể vì cách xưng hô mà cái thư trở thành vô hiệu quả cũng nên. Không được để cho khoảng cách bị xoá đi do lời lẽ trong thư. Phải viết cách nào mà đọc xong không bao giờ anh Miên ảnh còn có thể viết thêm cái nữa cầu thân mới được. Cũng không tỏ ra khinh bỉ hay hỗn hào, ảnh xung lên, ảnh mách với mẹ thì khốn cho cả hai chị em. Phải công bình mà nhận rằng ảnh chỉ dễ ghét về chuyện ưng cưới chị Mai, chớ thật ra ảnh dễ thương, bây giờ ảnh bỏ ý định đó đi thì ảnh dễ thương liền. Mẹ vẫn thường nói: “cha bây chết trong tay người ta” mình phải biết điều một chút.
Hoà đặt bút, nắn nót:
“Gửi anh Miên,
Tôi là Mai đây. Tôi xin trả lời thư anh viết bữa kia. Đáng lẽ, tôi phải viết trả lời anh sớm hơn, mà vì bận việc quá, xin anh tha lỗi.”
Đến đó, Hòa buông bút ra, cười khúc khích. Mai nghe tiếng em cười, liền hỏi:
- Cười gì đó, Hòa?
- Em cười chuyện em nói láo: em viết là tại chị bận việc nên không trả lời thơ cho anh Miên, mà thiệt ra là tại chị viết chữ xấu quá, sợ ảnh cười…
Mai sừng sộ ngay:
- Rồi có sao không? Bộ mày cũng cười tao chuyện đó nữa phải không?
- Em đâu có cười chị? Em cười em mà.
- Thôi, viết lẹ đi, ngồi đó mà cười, mẹ về đa!
Hoà viết tiếp:
“Anh Miên ơi! Tôi biết rằng anh quí mến gia đình tôi, quí mến cha mẹ tôi, anh đã giúp đỡ gia đình tôi nhiều khi cha tôi mất. Gia đình tôi cũng như tôi, ai cũng nhớ ơn anh, không bao giờ quên ơn ấy.”
Lại buông bút xuống, cắn môi suy nghĩ. Sắp đến đoạn chính, đoạn quyết liệt mà! Khó quá đi thôi! Viết cách nào đây? Tôi không lấy anh đâu? Tôi ghét anh lắm? Hay là Anh đừng hòng cưới tôi? Ai thèm cái mặt quê của anh? Bậy! Không xuôi tai. Phải viết sao cho xuôi tai, lịch sự mà cứng cỏi mới được.
Thình lình, Hòa vụt nhớ ra một câu rất hay ho, văn vẻ, cái câu đâu trong cuốn sách thuộc loại “Học Làm Người” mà Hoà nhận được trong dịp lãnh thưởng cuối niên khoá trước. Câu ấy thế này: “Tôi có thể nói thẳng với anh”. Chao! Cái câu mới tuyệt làm sao!
Ngắn, gọn, mà đầy đủ, mà hàm xúc biết là bao nhiêu. Câu đó, người ta phải hiểu như thế này: Nghe đây, anh kia! Ta nói cho mà biết: những điều ta sắp nói với anh đây (với trường hợp Hòa bây giờ là sắp viết ) toàn là sự thật, rất đúng, rất hay, rất chính xác, không bao giờ sai chệch hay thay đổi lấy một ly con, anh phải nghe theo! Hãy nghe và nhớ kỹ, đừng cãi lại làm chi, vô ích!
Hay là – Hoà nghĩ thầm – mình bỏ đi bớt hai chữ “có thể” mà thay vào bằng chữ khác, chẳng hạn như: tôi xin nói thẳng với anh, hay là: tôi thấy cần nói thẳng với anh, hoặc là: tôi muốn nói thẳng với anh… Phải! Ai lại để nguyên văn câu trong sách, ngộ anh Miên anh ấy đã đọc cuốn đó rồi thì đố khỏi ảnh cười cho mất mặt.
Hòa hết sức đắc ý, nhưng biết rằng chị Mai không hiểu nổi sự tế nhị của mình, có nói với chị cũng vô ích mà thôi. Chị sẽ nói;
- Mày nói sao đó tùy mày, miễn nó đọc xong nó đừng lui tới nữa là tao mừng rồi.
Cho nên, Hòa thưởng thức một mình sự đắc ý đó, và yên lặng viết:
“Đến đây, tôi muốn nói thẳng với anh điều này, đó là chuyện anh định đi hỏi tôi làm vợ. Tôi không ưng lấy chồng, tôi ưng ở nhà hơn. Tôi phải ở nhà với mẹ tôi và hai đứa em nhỏ của tôi. Tôi lấy chồng sao được? Tôi không thể bỏ mẹ và hai em được. Anh đừng buồn mà cũng đừng giận tôi. Anh nên kiếm người khác, thiếu gì con gái? Trong thơ anh có viết là anh sẵn lòng đợi vài năm nữa, không gấp gáp gì, nhưng mà không phải vậy đâu, anh Miên à! Anh đừng đợi vô ích. Tôi không muốn anh đợi đâu, vì tôi không ưng anh mà! Anh hiểu rõ chưa? Chắc anh hiểu rồi chớ?
Thôi, tôi xin vắn tắt vài giòng cho anh biết, anh đừng đeo đuổi làm chi. Tôi nói thật đó. Tôi biết rằng nếu mẹ tôi mà biết chuyện này thì sẽ la tôi dữ lắm, nhưng tôi cũng phải chịu chớ không thể nào đổi ý được. Biết chừng đâu anh với tôi không có duyên nợ với nhau, chắc vậy.
Xin chào anh và chúc anh vui vẻ, mọi điều như ý”.
Đọc lại một lượt, Hòa mỉm cười vì thấy cái thư quá suôn sẽ, hay ho. Dù rằng đoạn dưới có hơi cứng, quá cứng là khác, nhưng không thể dịu dàng được trong cái thư có mục đích thoái thác sự cầu thân. Nó phải như vậy. Nếu là một bài luận chắc chắn được ít ra cũng 15 điểm! Tiếc rằng nhà trường không bao giờ ra bài luận có tính cách như vậy để Hòa có dịp trổ tài.
Cậu em hí ha hí hửng lại gần chị, dặng hắng lên giọng:
- Chị nghe em đọc đây.
- Rồi, đọc đi, tao nghe!
Mai buông kim chỉ, lắng tai. Hòa chẫm rãi đọc, Mai gật gù ra tuồng hài lòng. Đợi em đọc xong, Mai đón cái thư ngắm nghía. Hòa liếc chị một cái, hỏi:
- Được không? Em viết được không?
- Cũng được… được…
Nghe chị buông hai tiếng được được một cách hờ hững, Hòa phật ý lắm. Hừ! Công phu của người ta như vậy mà không có lấy một tiếng khen, nghĩ có chán không? Đời nào Hòa chịu? Hòa gặng lại:
- Được được là sao? Chị nói rõ coi, hay là chị chê?
Và nó nhoài tới, giật cái thư trên tay chị làm Mai hốt hoảng ngăn lại:
- Thôi mà, hay mà! Chị biết em viết hay mà!
Hòa nhoẻn cười, giục chị:
- Bây giờ chị ký tên vô đi.
- Em ký giùm chị luôn không được sao?
Hòa thoái thác bằng giọng hiểu biết:
- Đâu được? Thơ ai nấy ký chớ!
Vậy là Mai phải làm theo lời Hoà.
- Rồi! Thôi đưa em, em đem bỏ vô thùng cho xong.
- Khoan, để chị coi lại lần nữa đã. Gấp gì?
° ° °
Sắp đi xa, cố cho Mai nghe được. Mẹ Hòa hốt hoảng:
- Có chuyện gì vậy? Nói bác nghe coi.
Miên xúc động quá, muốn nói toạc ra, nói hết, nhưng anh giữ lại. Thôi! Người ta đã không yêu mình thì thôi, đàn ông con trai không có quị lụy, hèn hạ, người ta khinh. Anh nén một tiếng thở dài, cố giữ giọng tự nhiên:
- Thưa bác, đâu có chuyện gì. Cậu Tư cháu ngoài Tuy Hoà mới mở cái xưởng sửa xe hơi, ông kêu cháu ra phụ, coi ngó. Ở nhà cũng bực, bả cứ kiếm chuyện hoài, cha cháu thì hay nghe lời chửi bới tụi nhỏ, mà cháu có nói tới thì cũng bị chửi luôn.
Mẹ Hòa tặc lưỡi, giọng xót xa:
- Khổ quá, sao bả không biết nghĩ, không thương người ta, người ta ngắn số…
Mai và Hòa hồi hộp lắng tai, đến đó cả hai thở phào nhẹ nhõm. Hòa lo nơm nớp: anh Miên mà mách chuyện cái thơ thì Hòa ốm đòn, con nít mà dám… Mai cũng hãi lắm. Tuy miệng mẹ nói không ưng thì thôi, nhưng mẹ vẫn nghĩ rằng có thể dỗ dành Mai được. Nếu mà bà biết hai đứa âm mưu thì… nguy to.
Câu chuyện thưa dần, cho đến một lúc, Bé ngáp dài:
- Con buồn ngủ, mẹ!
Miên đứng lên, từ biệt. Mẹ Hòa cầm lại:
- Cháu ngồi chơi, còn sớm mà.
- Dạ, thưa bác, cho cháu về.
- Chừng nào cháu đi, qua ăn cơm một bữa, nghe không?
- Dạ, thưa bác, không biết bữa nào đi, với lại cháu bận quá, còn phải lo mua ít đồ đạc cho cậu cháu, tìm hơi khó, cháu sợ không qua được… Bác tha lỗi.
Miên thối thoát. Mai hiểu rõ lý do khiến Miên đi, khiến Miên từ chối lại ăn cơm. Cái thư hiệu quả thật. Thằng Hòa đáng thưởng hai trăm chớ hai chục nghĩa lý gì? Mai mừng trong bụng chỉ muốn hét toáng lên, song không dám. Cô vẫn ngán mẹ biết.
Chào mẹ và em Bé xong, Miên chào Mai. Đến lượt Hòa, anh không chào mà lại bảo:
- Hòa ra đây với anh một chút, em!
Hòa đứng lên, ngoan ngoãn theo Miên ra ngõ. Mai dõi theo, thấy bóng em khuất dần sau dãy rào dâm bút, đâm lo sợ vẩn vơ. Chả lẽ lại chạy theo ra, không tiện, đành phải đứng yên chờ, ruột nóng như lửa đốt.
Trong ánh sáng của ngọn đèn đường vàng úa, sầu thảm, Miên rầu rĩ hỏi Hòa:
- Em viết thơ anh phải không?
Hòa giật mình, không chối được, đành phải nhận:
- Dạ, phải, mà không phải tại em, tại chị Mai…
Miên chặn lại, cười buồn:
- Anh biết, anh hỏi lại cho chắc vậy thôi, anh đâu có trách em?
Hòa cúi mặt, không dám nhìn Miên. Hòa sợ đôi mắt âu sầu của Miên, nó làm sao ấy, nó làm Hòa nao cả lòng. Tội nghiệp anh! Giọng Miên lại đột ngột nổi lên sau một phút im lặng bao quanh hai người:
- Anh sắp đi xa.. Anh nhờ em một chuyện, được không?
- Dạ được chớ, mà chuyện gì, anh?
- Em đưa thơ này cho chị Mai. Từ nay anh không lui tới nhà em nữa đâu.
- Em không dám, sợ chị Mai la quá.
- Vậy là em không chịu giúp anh phải không?
Hòa do dự. Miên nói tiếp:
- Anh chỉ nhờ em một lần này thôi. Không bao giờ phiền em nữa đâu.
Trông bộ dạng thờ thẫn của Miên, Hòa không thể nào từ chối:
- Dạ được, anh cứ đưa em, em sẽ giao lại chị Mai.
- Cảm ơn em lắm, em tốt lắm, Hoòa ơi!
Miên cho tay vào túi áo, lôi cái thư ra đưa Hòa.
- Thôi, anh về nghe! Em vô đi, kẻo nhà trông.
- Anh viết thơ cho em chớ?
- Viết thơ? Viết làm chi? Cô Mai sẽ cho là anh làm bộ viết cho em để hỏi dò tin cô ấy. Anh không muốn cô hiểu lầm, anh muốn quên…
- Dạ.
Hai người chia tay. Hòa nhét phong thư vào túi quần trong lúc Miên cúi đầu rảo bước.. Hoòa dõi mắt theo bóng anh con trai, nó mang máng biết rằng anh sầu khổ, ốm o vì chị mình. Thật là vô lý, thật là trẻ con hơn cả trẻ con. Hòa tự nguyện sau này khi lớn lên sẽ không bao giờ khổ sở vì một chuyện vô lý, trẻ con như vậy.
Hòa tặc lưỡi một cái cho đầu óc khỏi bị ám ảnh vì chuyện khổ sở của Miên, phóng như bay về nhà. Mai đón em ở ngõ, hỏi dồn:
- Hòa! Đi đâu lâu lắc vậy?
- Đừng nói to mẹ nghe. Có cái này của anh Miên gởi chị đây.
Trong bóng tối, mắt Mai long lanh sáng:
- Gởi cái gì? Ai biểu mày nhận, con khỉ? Ngu!
- Không có gì hết, cái thơ, mà chị không nhận thì thôi, mắng người ta cái gì?
Mai nguẩy đi:
- Mày nhận thì mày đọc đi, tao không thèm đọc đâu. Tao không biết…
Hòa bực mình, gắt lại:
- Không biết thì thôi. Người ta đi xa, người ta nói người ta không tới nữa. chị khó chịu lắm.
Hòa quay đi, tay khư khư giữ chặt lá thư. Mai lập tức theo gót em. Tuy cô ghét nhưng vẫn muốn biết trong thư nói những gì. Cô bảo em:
- Đưa cái thơ cho chị coi thử, đi Hòa!
- Đưa làm chi? Chị đã nói không thèm mà.
- Thì không thèm chớ sao, mà nó gởi cho chị chớ phải cho em đâu?
- Chị không ưa thì thôi, lấy thơ làm gì?
- Tao đâu có lấy? Tao coi chút thôi.
- Em cũng coi nữa, chịu không?
- Rồi, đưa đây, tao cho coi, hai chị em coi chung, quí báu gì mà giấu?
Hòa trao phong thư cho chị. Hai chị em se sẽ vô phòng, vặn đèn sáng, chụm đầu lại đọc:
“Cô Mai,
Tôi đã được thơ cô rồi. Tôi cũng đã đọc kỹ hai ba lần rồi. Tôi không dám trách cô điều chi và tôi cũng không bao giờ hèn hạ tới mức kể chuyện này lại với bác, xin cô yên lòng, tôi đâu phải tiểu nhân lợi dụng lòng thương của bác để cưới cô? Tôi vẫn yêu cô, dầu rằng cô hất hủi tôi, không đáp lại mối tình chân thành tha thiết của tôi.
Tôi thề từ nay mà đi, không bao giờ quấy rầy cô nữa, không bao giờ tôi lui tới làm rộn, làm phiền cô nữa. Tôi sẽ đi làm ăn xa lắm. Dầu rằng ở đâu, làm gì tôi cũng khó quên cô, nhưng mà tôi sẽ cố. Có lẽ tôi không xứng đáng với cô. Tôi cầu chúc cô ở lại bình an và gặp người vừa ý, xứng đáng hơn tôi.
Tôi không biết nói văn chương như trong tiểu thuyết, nhưng tôi có thể nói rằng tôi không bao giờ yêu ai nữa trong suốt đời tôi, vì hình bóng cô ngự trị trong tim tôi mãi mãi. Tôi xin được giữ trọn hình dáng đó…”
Đọc đến đây, Mai bĩu môi “xùy” lên một tiếng, còn Hòa thì tấm tắc khen “hay quá”. Mai giục em:
- Thôi, đọc tiếp đi, ngồi đó mà khen.
Hai chị em lại chụm đầu vào lá thư đọc nốt:
“Xin cô Mai nhớ cho rằng dầu biển dâu thay đổi, tôi vẫn không thể quên cô. Dầu trôi giạt nơi chân trời góc biển, tôi vẫn nhớ đến cô. Tôi biết rằng tôi ngu dại lắm nên mới yêu cô, một cô gái khinh người, kiêu ngạo, nhưng mà tôi đành chịu thua tình cảm của tôi.
Trước khi dừng bút, tôi xin chân thành cầu chúc cho cô được hạnh phúc, vậy là đủ vui rồi. Chào cô. Người bất hạnh: Lê Đình Miên” (Ký tên).
Hay thiệt là hay! Em chưa đọc cái gì mà hay như cái thơ này, chị thấy không?
Mai thở phào một cái, phê bình:
- Dóc tổ! Tiểu thuyết quá trời như vậy mà nói không tiểu thuyết, xạo! Đưa đây!
- Đưa chi?
- Đưa tao đốt, chớ đưa làm chi? Thằng này hay chưa? Tính giữ làm của hả?
- Uổng quá, chị Mai cho em đi!
- Cho mày! (Mai trừng em một cái) hết chuyện rồi chắc?
Và Mai chìa tay ra.. Trông dáng điệu quả quyết của chị, Hòa đành trả cho chị tuy trong lòng nó hết sức tiếc rẻ, chỉ muốn cất lại, lâu lâu lấy ra đọc chơi. Không do dự một giây, Mai giật phăng lá thư, xé toạc ra. Hoà nói như rên:
- Anh Miên mà biết chắc ảnh khóc quá, chị Mai ơi!
- Cho khóc, đáng đời!
Mai nói, giọng lạnh băng, không mảy may cảm động, khác hẳn thằng em trai đa cảm của mình.
Thế là xong: một thiên tình sử vừa tan nát theo lá thư xanh, chấm dứt trong bóng tối.