Cầu Chúa ban cho con sự thanh thản để chấp nhận những thứ con không thể thay đổi, sự caN đảm để thay đổi những thứ con có thể, và sự khôn khoan để phân biệt những cái có thể thay đổi và không thể.

Dr. Reinhold Niebuhr

 
 
 
 
 
Tác giả: Arthur Hailey
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Final Diagnosis
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 261 / 21
Cập nhật: 2020-04-04 20:30:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ội nghị kiểm điểm tử vong hàng tháng được định vào lúc hai giờ ba mươi chiều. Chỉ còn ba phút nữa, bác sĩ Lucy Grainger (hơi nhăn nhó như bị thời gian hành hạ) hối hả bước vào phòng tiếp của ban quản trị.
- Trễ rồi hả? - Cô hỏi người thư ký ngồi ở bàn giấy - Có lẽ họ chưa bắt đầu đâu, thưa bác sĩ Grainger. Mọi người mới vào phòng họp thôi.
Cô thư ký chỉ tay về phía cánh cửa đôi bọc gỗ sồi ở cuối hành lang. Khi đến gần, Lucy nghe có tiếng nói chuyện lao xao từ bên trong vọng ra.
Bước vào gian phòng trải thảm dày có đặt một chiếc bàn dài bằng gỗ hồ đào với hai dãy ghế chạm trỗ, Lucy thấy mình ở sát bên Kent O’Donnell và một người khác trẻ hơn mà cô không nhận ra là ai. Tiếng trò chuyện huyên náo và khói thuốc mù mịt. Hội nghị kiểm điểm tử vong hàng tháng có tính chất bắt buộc cần thiết, do đó đã đủ mặt hầu hết hơn bốn mươi thành viên trong hội đồng thầy thuốc cũng như các bác sĩ thực tập nội trú.
- Lucy!
Cô mỉm cười chào hai đồng nghiệp rồi quay lại khi nghe thấy tiếng O’Donnell gọi mình. O’Donnell kéo người lạ mặt kia bước đến:
- Lucy, xin giới thiệu bác sĩ Poger Hilton, mới gia nhập hội đồng thầy thuốc. Chắc cô còn nhớ đã từng nghe nói đến anh ấy.
- Vâng, tôi nhớ - Cô mỉm cười với Hilton, mặt nhăn lại.
- Đây là bác sĩ Grainger- O’Donnell rất quan tâm đến việc giới thiệu cho mọi người biết nhau. Anh nói thêm:
- Lucy thuộc tổ phẫu thuật chỉnh hình của chúng ta đấy.
Cô chìa tay ra cho Hilton. Anh ta xiết chặt và nhoẻn một nụ cười trẻ trung. Cô đoán anh ta chỉ độ hai mươi bảy tuổi.
- Rất hân hạnh. Anh đừng chê tôi khách sáo nhé! - Cô nói.
- Ồ, tôi rất sung sướng được nghe những lời ấy - Anh ta làm ra vẻ hân hoan.
- Đây là nhiệm sở đầu tiên của anh phải không?
Hilton gật đầu:
- Vâng, tôi thực tập phẫu thuật ở bệnh viện Micheal Roese.
Lucy nhớ ra rồi. Đây là người mà Kent O’Donnell hằng mong mỏi kéo về bệnh viện Three Counties. Hiển nhiên điều ấy có nghĩa là Hilton thuộc vào hàng tài giỏi.
Kent O’Donnell lùi lại và ra hiệu:
- Lucy, ra đây một lát đi.
Cô cáo lỗi với Hilton rồi theo bác sĩ trưởng đến bên cửa sổ, bỏ lại sau lưng đám người huyên náo.
- Đỡ hơn phần nào phải không? Ở trong đó chẳng ai nói ai nghe được. – O’Donnell mỉm cười - Lucy, độ này em ra sao? Lâu nay anh chẳng được gặp em; ngoại trừ trong công việc.
Lucy nghiêm mặt:
- À, mạch em đập bình thường rồi, thân nhiệt khoảng 98 độ 8 (tương đương 37,1 độ C). Em chưa đo lại huyết áp.
- Sao không để anh giúp cho? Trong lúc ăn tối chẳng hạn.
- Có nên chăng? E rằng anh làm rơi đồng hồ đo huyết áp vào tô xúp mất thôi.
- Ta cứ hẹn đi ăn với nhau đi. Mọi chuyện khác tính sau.
- Thích quá, anh Kent ơi. Nhưng em phải xem lịch mới được.
- Em xem lại nhé. Anh sẽ gọi điện. Ráng sắp xếp vào tuần tới. Khi quay đi, anh khẽ chạm tay vào vai cô -Thôi, mở màn đi là vừa.
Dõi mắt nhìn theo anh len lỏi qua các nhóm người để đến bàn họp, Lucy thầm nghĩ đây không phải là lần đầu tiên cô thấy cảm phục Kent O’Donnell như ban đồng nghiệp và như một người đàn ông. Mời nhau đi ăn tiệm không phải điều mới mẻ gì. Họ đã từng có nhiều buổi chiều bên nhau. Đã có lúc cô tự hỏi liệu tình trạng giữa hai người có thế tiến xa hơn được chăng? Cả hai đều chưa lập gia đình. Bác sĩ trưởng hơn Lucy bảy tuổi. Nhưng trong cử chỉ dường như anh chỉ xem cô là người bạn dễ thương mà thôi. Lucy có cảm tưởng rằng nếu cô muốn, sự cảm phục đối với Kent O’Donnell có thể trở thành một điều gì đó sâu xa và thân mật hơn. Nhưng cô không muốn cưỡng ép dòng dời. Tốt hơn là cứ để chuyện đó sẽ đến. Hoặc giả không có thì cũng chẳng mất mát điều gì - ít ra đó cũng là ưu thế của lứa tuổi trưởng thành chín chắn so với tuổi thanh xuân bồng bột. Đến tuổi này con người không còn hấp tấp nữa và khám phá ra rằng chân cầu vồng lộng lẫy không nằm ở dãy nhà kế cận mà còn xa ít tận đâu đâu.
- Thưa quí vị, ta bắt đầu được rồi chứ?
O’Donnell đã tới đầu bàn và cất cao giọng trên đầu tất cả mọi người. Anh cảm thấy lâng lâng vì hương vị cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Lucy và vui vui bởi sắp được gặp lại cô.
Thật ra trong những ngày vừa qua anh có thể ngỏ lời mời cô sớm hơn nhiều, nhưng vẫn có lý do nào đó để trì hoãn. Không thể chối cãi được rằng càng ngày anh càng cảm thấy hướng lòng đến với cô, tuy chưa xác quyết được đó có phải là điều tốt đẹp cho cả hai người hay không.
Hiện nay anh đã quá quen với nếp sống cố hữu. Sau một thời gian sống đơn lẻ và độc lập, có lúc anh e ngại không thể sống theo kiểu khác được nữa. Không chừng Lucy cũng thế. Chưa kể còn những vấn đề gì đó do hai người cùng làm một nghề. Dù thế nào đi nữa, mỗi lần ở bên cô anh cảm thấy dễ chịu hơn với bất cứ người phụ nữ quen biết nào khác. Nơi cô có sự trìu mến đặc biệt mà anh thầm gọi là “lòng tốt dạt dào” nghĩa là vừa an ủi vừa khuyến khích. Anh biết nhiều người, nhất là các bệnh nhân của cô cũng cảm thấy như vậy.
Chẳng phải Lucy thiếu vẻ quyến rũ. Cô có vẻ đẹp tròn đầy chín mọng. Đưa mắt nhìn về phía cô, lúc này đang đứng lại nói chuyện với một bác sĩ thực tập, anh thấy cô đưa tay vuốt lọn tóc lòa xòa trước mặt. Cô để tóc ngắn, những dợn sóng vàng ôm lấy gương mặt thanh tú. Anh nhận thấy một vài chỗ đã điểm bạc. Không sao, dường như tất cả những người làm nghề thuốc đều sớm bạc đầu. Dù sao hình ảnh đó cũng khiến anh nghĩ đến năm tháng đang dần trôi. Mau lên chứ, vội vàng lên với chứ! Đợi chờ bao lâu đó đã đủ chưa? Được rồi, để xem buổi đi ăn với nhau. tuần tới diễn ra thế nào đã.
Tiếng lao xao vẫn chưa lắng dịu. Cao giọng hơn nữa, anh nhắc lại lời đề nghị khai mạc.
- Joe Pearson chưa tới - Rurfus lên tiếng. Chiếc ca vát sặc sỡ khiến anh ta nổi bật hơn những người khác.
Joe chưa tới. O’Donnell tỏ vẻ ngạc nhiên khi đưa mắt nhìn lướt qua khắp gian phòng. Có ai gặp Joe Pearson ở đâu không?- Anh hỏi. Một vài người lắc đầu.
O’Donnell thoáng lộ vẻ khó chịu nhưng anh kìm lại được ngay và đi ra cửa.
- Buổi kiểm điểm tử vong không thể thiếu bác sĩ xét nghiệm bệnh lý. Để tôi xem thế nào.
Nhưng anh vừa ra tới cửa thì Pearson bước vào.
- Joe, chúng tôi định đi tìm ông đây - Tiếng chào của O’Donnell rất đỗi thân mật khiến Lucy tự hỏi cô có lầm hay không khi nhìn thấy trên mặt anh ban nãy thoáng có vẻ bất bình.
- Bận mổ xét nghiệm tử thi. Tưởng mau mà hóa ra lâu. Lại phải làm một ổ bánh mì cho chắc đã rồi mới đến đây được.
Giọng nói của Pearson lầu bầu, chả là ông còn đang bận nhai trong miệng. Có lẽ là bánh mì xăng-uých, Lucy nghĩ thầm, và rồi cô nhìn thấy phần bánh chưa ăn hết còn bọc giấy đặt trên tập hồ sơ mang trên tay. Cô mỉm cười - chỉ một mình Joe Pearson là dám bỏ hội nghị kiểm điểm tử vong để đi ăn.
O’Donnell giới thiệu Pearson với Hilton. Khi hai người bắt tay, Pearson làm rơi một tấm bìa kẹp hồ sơ, giấy tờ bay tung tóe trên sàn. Bill Rufus cười xòa cúi xuống thu nhặt và đưa lại cho Pearson. Ông gật đầu cảm ơn và chợt hỏi Hilton:
- Phẫu thuật phải không?
- Thưa vâng - Hilton trả lời một cách lễ độ.
Chàng trai đàng hoàng quá, biết kính trọng người lớn tuổi hơn mình, Lucy khen thầm.
- Thế là phe máy móc có thêm quân rồi đó - Pearson nói lanh lảnh, mọi người chợt im lặng. Bình thường đó chỉ là một câu nói bông đùa cho vui, nhưng trên miệng Pearson nó trở thành sắc nhọn và có vẻ khinh bỉ.
Hilton bật cười:
- Ông gọi thế cũng được - Lucy nhận thấy Hilton ngạc nhiên vì miệng lưỡi của Pearson.
- Để ý ông ấy làm gì – O’Donnell nói xuề xòa - ông ấy “có chuyện” với giới phẫu thuật mà. Thôi, ta bắt đầu nhé.
Mọi người đến ngồi vào chiếc bàn dài. Mấy vị thâm niên tự động ngồi vào dãy ghế xếp thành hình chữ nhật sát cạnh bàn, những người khác vào dây ghế sau. Lucy ngồi ở dãy trên. O’Donnell chiếm vị trí đầu bàn, bên trái anh là Pearson với tập hồ sơ trên tay. Trong khi mọi người ổn định chỗ ngồi, Lucy thấy Pearson gặm bánh mì, chẳng cần phải giữ ý tứ gì.
Cô chú ý đến bác sĩ sản khoa Charlie Dornberger ở phía cuối bàn. Ông đang nhồi thuốc vào dọc tẩu một cách hết sức tỉ mỉ. Mỗi lần gặp Dornberger cô thấy ông không lau dọc tẩu hay nhồi thuốc thì cũng đang châm lửa mà dường như chả hút bao giờ. Bên cạnh Dornbergcr là Gil Bartlett và đối diện là Bell “Kinh Coong” của khoa X-quang và cả John Mc Evan chuyên khoa tai mũi họng. Chắc hẳn buổi họp hôm nay có điều gì đó khiến Mc Evan quan tâm vì chẳng mấy khi ông đến dự kiểm điểm tử vong.
- Kính chào tất cả quý vị - Khi anh nhìn xuống bàn, những tiếng rì rầm tắt hẳn. Anh liếc qua sổ tay: ca đầu tiên, ông Samuel Lobitz, da trắng, năm mươi ba tuổi, bác sĩ Bartlett.
Gil Bartlett, vẫn diện kẻng như thường lệ, mở cuốn sổ tay có dây khóa viền quanh. Bất giác Lucy nhìn đăm đăm vào bộ râu được tỉa tót cẩn thận và chờ nó chuyển động.
Lập tức nó rung rinh khi Bartlelt bắt đầu nói nhỏ nhẹ:
- Bệnh nhân được chuyển giao cho tôi vào ngày 12 tháng 5.
- Nói lớn hơn một chút đi, Gil - Lời yêu cầu từ dưới bàn đưa lên.
Bartlett cao giọng:
- Tôi sẽ ráng. Nhưng sau đó anh bạn nên đến gặp Mc Evan.
Tiếng cười vang lên quanh chỗ ngồi của bác sĩ tai mũi họng.
Lucy cảm thấy ghen tức với những người dự họp một cách thoải mái. Cô không bao giờ yên tâm, nhất là khi ca mổ của mình được đưa ra bàn bạc. Theo nguyên tắc, bác sĩ phải báo cáo sự chẩn đoán và cách điều trị của mình đối với bệnh nhân đã chết, sau đó mọi người góp ý kiến và cuối cùng nhà xét nghiệm công bố kết quả mổ tử thi. Joe Pearson không bao giờ buông tha một ai.
Có những lầm lẫn hiển nhiên mà thầy thuốc nào cũng có thể mắc phải- thậm chí đôi khi lầm lẫn gây tử vong cho bệnh nhân. Trong đời hoạt động, ít thầy thuốc nào tránh được những lầm lẫn như thế. Điều quan trong là triết rút tỉa kinh nghiệm và đừng lặp lại lầm lẫn ấy lần thứ hai. Đó chính là mục đích của những buổi họp kiểm điểm tử vong.
Mọi người tham dự đều có thể học hỏi cùng một lúc.
Thỉnh thoảng có những lầm lẫn không thể tha thứ được. Người dự họp có thể cảm thấy được điều ấy qua sự im lặng căng thẳng trong phòng và qua những ánh mắt lẫn trốn nhau. Ít khi có những lời phê bình thẳng thừng bởi không cần thiết và vì ai cũng sợ đến ngày chính mình phải chịu phê bình. Lucy nhớ lại sự vụ liên quan đến một nhà phẫu thuật tài ba tại bệnh viện nhiệm sở trước kia của cô. Nhà phẫu thuật mổ bệnh nhân vì nghi ung thư đường ruột. Đến chỗ đau, ông phán đoán rằng khối ung thư không thể giải phẫu được và thay vì cắt bỏ khối u, ông đã xếp ruột vào rồi phó mặc cho trời. Ba ngày sau bệnh nhân qua đời và được mổ xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho biết không hề có ung thư. Sự thật là ruột thừa của bệnh nhân bị rách và gây nên áp xe. Nhà phẫu thuật không nhận ra điều ấy, thành thử đã “kết án” tử hình bệnh nhân của mình. Lucy còn nhớ rõ cả phòng họp sửng sốt kinh hoàng khi nghe báo cáo của nhà xét nghiệm.
Tất nhiên nội dung những buổi họp kiểm điểm tử vong được giữ kín. Đó là lúc không còn cấp trên và cấp dưới. Nhưng tại những bệnh viện đàng hoàng không phải tới đó là hết. Hiện nay tại bệnh viện Three Counties, O’Donnell luôn luôn gập riêng kẻ mắc sai phạm, và nếu sự việc xảy ra quá nghiêm trọng, kẻ ấy sẽ bi kiểm soát gắt gao một thời gian. Bản thân Lucy chưa vướng vào cảnh ngộ ấy, nhưng cô nghe nói ông bác sĩ trưởng có thể cực kỳ nghiêm khắc sau cảnh cửa đóng kín.
Gill Bartlett nói tiếp:
- Bệnh nhân do bác sĩ Cymbalist chuyển giao cho tôi.
Lucy biết Cymbalist là bác sĩ đa khoa không có chân trong hội đồng đầy thuốc. Chính cô cũng đã từng nhận bệnh nhân do ông ta gởi đến.
- Bác sĩ Cymbalist gọi dây nói đến nhà tôi - Bartlett nói -Và cho biết ông nghi ngờ bệnh nhân bị thủng ổ loét. Các hội chứng do ông miêu tả rất phù hợp với lời chẩn đoán này. Lúc đó bệnh nhân đang trên đường tới bệnh viện bằng xe cứu thương. Tôi gọi điện cho bác sĩ phẫu thuật thực tập đang trực ban để báo trước về ca bệnh.
Bartlett xem sổ tay:
- Khoảng nửa giờ sau tôi gặp bệnh nhân. Ông ta đau bụng dữ dội và đang bị sốc. Áp huyết bảy mươi trên bốn mươi. Ông ta tóc muối tiêu, người toát mồ hôi lạnh. Tôi cho truyền dịch để chống sốc và chỉ định thêm moóc-phin. Thành bụng cứng đờ, mất phản ứng.
- Anh có cho chụp phim vùng ngực không? - Rufus hỏi.
- Không. Tôi thấy bệnh nhân yếu lắm rồi, không nên đưa sang phòng X-quang. Tôi đồng ý với lời chần đoán ban đầu: thủng ổ loét ([11]), và quyết định mổ ngay.
- Không nghi ngờ một chút nào hở bác sĩ? - Lần này người hỏi là Pearson.
Trước đó nhà xét nghiệm bệnh lý cúi xuống đọc hồ sơ. Lúc này ông nhìn thẳng vào mặt Bartlet.
Bartlert ngập ngừng một lúc. Lucy nghĩ thầm có gì trục trặc rồi đây; bác sĩ đã chẩn đoán sai và Joe Pearson đang chực chờ để kéo chiếc bãy sập xuống. Cô sực nhớ ra rằng đến lúc này bất cứ điều gì Pearson biết thì Batlet cũng đã biết, chẳng có gì khiến nhà phẫu thuật phải ngạc nhiên. Có lẽ Bartlett đã dự ca mổ xét nghiệm tử thi theo thói quen của những nhà phẫu thuật có lương tâm nghề nghiệp.
Im lặng một lúc, Bartlett nhã nhặn nói:
- Người ta luôn luôn phải nghi ngờ trong những ca cấp cứu, thưa bác sĩ Pearson. Nhưng tôi dựa vào tất cả các hội chứng để quyết định mổ thăm dò ngay - Anh ngừng một lúc - Tuy nhiên, không thấy có ổ loét bị thủng, bệnh nhân được gởi trả về phòng bệnh. Tôi gọi bác sĩ Toynbee để xin ý kiến, nhưng anh ấy chưa đến kịp thì bệnh nhân đã chết.
Gill Bartlett gấp cuốn sổ đẹp và nhìn khắp bàn họp.
Thế là đã có sai lầm. Tuy Bartlett vẫn giữ được vẻ bề ngoài rất thản nhiên, Lucy biết tâm tư anh đang bị dằn vặt. Đã đành là dựa vào các hội chứng, nhưng như thế đã đủ biện minh cho quyết định mổ hay chưa, điều này còn phải bàn cãi. O’Donnell mời Joe Pearson một cách lịch sự:
- Xin bác sĩ vui lòng công bố kết quả mổ xét nghiệm tử thi.
Lucy thầm nghĩ chắc chắn bác sĩ trưởng đã dự kiến được những gì sắp xảy ra. Cố nhiên các vị trưởng khoa hiểu báo cáo xét nghiệm tử thi có tác động đối với các bác sĩ của khoa mình như thế nào.
Pearson lục lọi hồ sơ, rút ra một tờ giấy. Tia mắt của ông quét khắp bàn họp.
- Như bác sĩ Bartlett vừa báo cáo, không hề có ổ loét. Thật ra thành bụng hoàn toàn bình thường - ông ngừng lại một lát như để tạo kịch tính, rồi nói tiếp: bệnh nằm ở vùng ngực, viêm phổi giai đoạn đầu.
Thế đấy! Lucy ôn lại những gì đã được nghe nói trước kia. Đúng như vậy- Về ngoại khoa, hội chứng của hai loại bệnh chẳng khác gì nhau.
- Quý vị có ý kiến gì không?- O’Donnell hỏi.
Im lặng cực kỳ căng thẳng. Đã có lầm lẫn tuy không phải là lầm lẫn ngô nghê. Mọi người trong phòng họp đều cảm thấy bứt rứt vì biết rằng rất có thể một ngày nào đó họ cũng sẽ lâm vào cảnh ngộ tương tự.
Bill Rufus lên tiếng:
- Với các hội chứng đã nêu ra, tôi cho rằng có thể bênh vực cho quyết định mổ thăm dò.
Chỉ chờ có thế, Pearson trầm ngâm khai pháo:
- Hừm, tôi không biết- Rồi với vẻ ỡm ờ, ông tung một quả lựu đạn bất ngờ: chúng ta thảy đều biết rõ bác sĩ Bartlett ít khi chịu khó khám chỗ nào khác hơn vùng bụng.
Trong bầu khí im lặng sửng sốt của phòng họp, ông hỏi thẳng Bartlett:
- Anh có khám ngực bệnh nhân không?
Lời nhận xét cũng như câu hỏi đều vang lên sự phẫn nộ. Dẫu Bartlett có đáng quở trách đi nữa thì người có quyền quở trách phải là O’Donnell chứ không phải Pearson, và việc quở trách phải được thực hiện kín đáo.
Bartlett không có cái thói cẩu thả. Những người làm việc với anh đều biết anh rất thận trọng, thậm chí thận trọng quá đáng trong những ca nghiêm trọng. Rõ ràng trong trường hợp đáng tiếc vừa qua anh buộc phải quyết định thật nhanh.
Bartletl xô ghế đứng bật dậy, mặt đỏ bừng:
- Tất nhiên tôi có khám ngực - Anh nói to, bộ râu rung mạnh- tôi đã bảo rằng bệnh nhân quá yếu sức, không chịu nổi X-quang. Mà nếu có chụp phim vùng ngực đi nữa...
- Thưa quí vị! Thưa quí vị! - O’Donnell ngăn lại, nhưng Bartlett không chịu yên lặng:
- Chuyện xảy ra rồi mới nói thì có gì là khó, như bác sĩ Pearson vừa nhân dịp này để nhắc nhở chúng ta.
Ở mép bàn bên kia, Charlie Dornberger vung dọc tẩu:
- Tôi thiết tưởng bác sĩ Pearson không có ý...
- Tất nhiên ông phải nghĩ như thế chứ sao - Bartlett bực tức ngắt lời - Hai ông là chỗ bạn bè với nhau. Vả lại, ông ấy không hằn thù với các bác sĩ phụ sản.
- Thôi! Tôi không cho phép các ông làm như thế - O’Donnell cũng đã đứng lên gõ búa, đôi vai anh bạnh ra, thân hình lực sĩ vạm vỡ sừng sững ở đầu bàn họp. Lucy nghĩ thầm: anh ấy có dáng đàn ông đến từng ly từng tí.
- Bác sĩ Bartlett, xin anh vui lòng ngồi xuống - O’Donnell đứng chờ trong khi Bartlett từ từ ngồi xuống..
O’Donnell lộ vẻ bực bội và trong lòng cũng đang sục sôi. Joe Pearson không có quyền lôi kéo buổi họp đến chỗ cãi cọ lộn xộn như thế này. Lúc này, thay vì duy trì cuộc hội thảo cho có trật tự và khách quan, anh biết còn một nước là cắt đứt nó. Phải cố gắng lắm anh mới không to tiếng với Joe Pearson ngay tại đây. Anh biết hễ to tiếng là hỏng chuyện.
Anh không đồng ý với Bill Rufus rằng Gil Bartlett không đáng trách trước cái chết của bệnh nhân trong tay mình. Anh nghiêng về thái độ phê phán Bartlett. Mấu chốt của sự vụ là thiếu chụp phim vùng ngực. Giả sử ngay khi nhận bệnh, Bartlett cho chụp phim vùng ngực thì có thể anh đã tìm xem coi có những vệt mờ trên đỉnh lá gan và ở dưới cơ hoành hay không. Nếu có, đó là ổ loét. Nếu không, chắc chắn anh đã phải nghĩ lại. Ngoài ra, X-quang cũng có thể cho thấy khoảng mờ trên lá phổi, triệu chứng của bệnh viêm phổi mà sau này Joe Pearson đã tìm ra, nhờ mổ xét nghiệm tử thi. Chỉ cần có một trong nhưng dữ kiện ấy là Bartlett đã thay đổi lời chẩn đoán và bệnh nhân có nhiều cơ may sống sót hơn. O’Donnell suy nghĩ tiếp: Đã đành Bartlett có nói rằng không thể chụp X-quang được vì bệnh nhân yếu sức lắm rồi, nhưng nếu ông ta yếu sức như thế thử hỏi Bartlett có nên giải phẫu không? O’Donnell cho rằng không nên.
O’Donnell vẫn biết khi có ổ loét bị thủng, bệnh nhân phải được mổ ngay trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ.
Sau thời gian đó thà đừng mổ nữa vì khả năng tử vong sẽ cao hơn. Lý do là vì hai mươi bốn tiếng đồng hồ ấy là thời gian cam go nhất. Sau đó, nếu bệnh nhân còn may mắn sống sót, các kháng thể sẽ trám dần những chỗ thủng. Theo những hội chứng do Bartlett nêu ra, dường như bệnh nhân đã ở sát giới hạn hai mươi bốn tiếng đồng hồ và có lẽ sẽ qua khỏi được. Nếu thế, chỉ cần giúp cho bệnh nhân khỏe hơn, không mổ, và sau đó chẩn đoán kỹ lưỡng hơn. Anh cũng biết trong nghề thuốc, khi sự đã rồi thì thật dễ phán đoán. Còn khi khẩn cấp, tính mạng của bệnh nhân như chỉ mành treo chuông, việc chẩn đoán chớp nhoáng là cả một vấn đề. Nếu buổi kiểm điểm tử vong này diễn ra êm đềm và khách quan, ắt hẳn bác sĩ trưởng đã nêu ra tất cả những điều suy nghĩ ấy. Có thể anh đã dẫn dắt để Gil Bartlett tự nêu ra một vài điểm. Bartlett là con người chính trực và không sợ tự kiểm thảo. Nếu thế, có lẽ vấn đề đã sáng tỏ cho hết thảy mọi người. Không cần phải nặng lời hay buộc tội lẫn nhau. Chắc hẳn Bartlett đã vui lòng rút ra kinh nghiệm mà không cảm thấy nhục nhã. Quan trọng hơn nữa là O’Donnell đạt được mục đích đề ra, các bác sĩ học được một bài học thực tiễn về việc chẩn đoán phân biệt các bệnh khác nhau. Lúc này đây không còn mong gì làm được những điều ấy nữa. Nếu O’Donnell nói ra những suy nghĩ của mình thì sẽ có vẻ như là anh đứng về phía Pearson để kết tội Bartlett và làm cho Bartlett nản lòng. Đành phải trao đổi riêng với Bartlett thôi. Rất tiếc đã mất đi một dịp tranh luận công khai đầy bổ ích. Tiên sư Joe Pearson!
Tiếng ồn ào im bặt. Tiếng búa gõ hiếm hoi của O’Donnell có hiệu quả ngay tức khắc. Bartlett đã ngồi xuống, mặt vẫn đỏ bừng. Pearson chăm chú lật các trang hồ sơ.
- Thưa quí vị- O’Donnell ngừng lại. Anh biết phải nói nhanh và vào thẳng vấn đề - Thiết tưởng không cần phải nói ra rằng sự việc vừa qua chẳng ai trong chúng ta muốn xảy ra một lần nữa. Kiểm điểm tử vong là để học hỏi, không phải để giải quyết chuyện riêng hay cãi cọ nóng nảy, bác sĩ Pearson, bác sĩ Bartlett, tôi nói đủ rõ ràng chưa?
Anh nhìn thoáng qua cả hai người, rồi không đợi trả lời, tuyên bố:
- Xin qua ca kế tiếp.
Thêm bốn ca nữa được đưa ra bàn bạc, nhưng không có gì đặc biệt. Buổi họp tiếp diễn một cách êm đềm. Thà rằng như vậy còn tốt hơn - Lucy suy nghĩ - Cãi cọ chỉ tổ làm cho hội đồng thầy thuốc xuống tinh thần. Có những khi cần phải mạnh dạn đưa ra lời chẩn đoán chớp nhoáng, nếu hôm may phạm sai lầm thì đành vui lòng chịu phê phán. Nhưng dèm pha, phỉ báng cá nhân lại là chuyện khác, chỉ những bác sĩ bất tài và cẩu thả mới chịu chấp nhận điều ấy.
Đây không phải lần đầu tiên Lucy tự hỏi những lời chỉ trích của Pearon gây mếch lòng tới mức nào. Hôm nay, so với những buổi họp tử vong trước đây, Pearson có gay gắt hơn với Gil Bartlett. Sai lầm không đến nỗi trắng trợn và Bartlett không phải là người dễ mắc phải sai lầm. Anh đã tỏ rõ năng lực tài ba tại bệnh viện Three Counties, nổi bật nhất là đối với nhiều loại ung thư mà mới đây còn được xem là không mổ được. Tất nhiên Pearson thừa biết điều ấy, thế thì tại sao ông tỏ ra thái độ thù địch gay gắt như thế? Phải chăng bởi vì Gil Bartlett là hiện thân của một điều gì đó trong nghề thuốc mà Pearson chưa bao giờ đạt được nên đâm ra ghen tức? Lucy nhìn sang Bartlett. Mặt anh vẫn đanh lại vì chưa nguôi nỗi nhức nhối trong lòng. Bình thường, anh rất ung dung, dễ thương, thân ái - tất cả những điều tốt đẹp dễ có được nơi một người đàn ông thành đạt ở tuổi non ngoài bốn mươi. Cùng với vợ, Gil Bartlett là nhân vật nổi bật trong cộng đồng thành phố Burlington. Lucy đã từng thấy bóng dáng thư thái của anh tại những buổi tiệc rượu và nhà riêng của các bệnh nhân giàu có. Nghề thầy thuốc của anh rất thành công. Lucy ước đoán lợi tức hằng năm của anh vào khoảng năm mươi nghìn đô la.
Phải chăng đó chính là điều làm mếch lòng Joe Pearson. Không bao giờ ông có thể cạnh tranh được với hào quang của giới phẫu thuật. Công việc của ông quan trọng và cần thiết nhưng âm thầm và nhạt nhẽo trước mắt quần chúng. Lucy từng nghe họ hỏi: “Bác sĩ xét nghiệm làm gì nhỉ?” Không có ai thắc mắc về công việc của bác sĩ phẫu thuật. Cô biết có người tưởng nhà xét nghiệm chỉ là một thứ kỹ thuật viên của bệnh viện chứ đâu biết rằng ông ta phải có bằng cấp bác sĩ cộng với nhiều năm học hỏi thêm nữa để trở thành một chuyên gia có tay nghề cao.
Tiền bạc đôi khi cũng là một vết thương nhức nhối. Trong hàng ngũ hội đồng thầy thuốc của bệnh viện Three Counties, Gil Bartlett là bác sĩ hợp đồng, nhận thù lao trực tiếp từ bệnh nhân chứ không hưởng lương của bệnh viện.
Lucy và các bác sĩ tham trực khác cũng thế. Trái lại, Joe Pearson là nhân viên của bệnh viện, hưởng mức lương hai mươi lăm nghìn đô la mỗi năm, xấp xỉ nửa số thu nhập của một bác sĩ phẫu thuật thành đạt có tuổi nghề thua kém ông rất nhiều. Lucy từng được đọc một bảng tổng luận đầy mỉa mai về sự khác biệt giữa nhà phẫu thuật và nhà xét nghiệm: Nhà phẫu thuật được năm trăm đô la tiền công cắt bỏ khối u, Nhà xét nghiệm được năm đô la tiền công xét nghiệm khối u, chẩn bệnh, đề nghị phương án điều trị và tiên đoán tương lai của bệnh nhân.
Bản thân Lucy có quan hệ rất tốt với Joe Pearson. Cô không biết rõ vì sao ông có vẻ mến cô và lắm lúc cô cũng thấy mến ông. Đôi khi nhờ đó mà cô dễ dàng đến hỏi ý kiến ông khi chẩn bệnh.
Buổi họp đã kết thúc, O’Donnell tuyên bố bế mạc.
Lucy bình tĩnh. Đầu óc cô tản mạn suốt thời gian bàn bạc ca tử vong cuối cùng. Tệ quá phải tỉnh táo mới được! Mọi người đang đứng lên. Joe Pearson thu nhặt giấy tờ rồi lê gót ra khỏi phòng, nhưng O’Donnell chận ông lại. Lucy thấy bác sĩ trưởng kéo ông tách ra khỏi những người khác.
- Joe, ta vào đây một chút đi- O’Donnell mở cửa một văn phòng nhỏ sát bên phòng họp thỉnh thoảng cũng được dùng để họp. Trong phòng không có một ai, Pearson theo bác sĩ trưởng bước vào.
O’Donnell cố giữ vẻ thản nhiên:
- Joe, tôi thiết nghĩ trong những buổi họp như thế này đừng chèn ép người ta nữa.
- Tại sao?- Pearson hỏi thẳng.
Được rồi, O’Donnell nghĩ bụng, ông muốn thế thì tôi sẽ xử với ông.
Anh nói lớn:
- Vì cứ thế thì ta chẳng đi được tới đâu cả!
Anh cố ý nói gay gắt. Bình thường mỗi khi tiếp xúc với vị bác sĩ già cả, anh chịu nhún một chút vì kính trọng tuổi tác của ông. Nhưng đây là lúc phải dùng quyền. Tuy giữ chức bác sĩ trưởng, O’Donnell không trực tiếp kiểm soát các hoạt động của Pearson, trừ khi hoạt động của khoa Xét nghiệm chồng chéo với khoa của anh.
- Tôi chỉ vạch ra sự chẩn đoán sai lầm, thế thôi - Pearson bốp chát - Bộ anh muốn ta làm thinh trước những sự việc như thế hay sao?
- Ông thừa biết rồi, còn hỏi làm gì nữa. O’Donnell văng ra câu trả lời, không cần phải kìm giữ cái giọng lạnh lùng nữa. Anh thấy Pearson ngập ngừng và đoán chừng có lẽ ông cụ đã nhận ra bước đi quá xa của ông.
Ông lẩm bẩm, vẻ nhượng bộ:
- Tôi không có ý...
Kent O’Donnell gắng nở một nụ cười. Joe Pearson chẳng mấy khi biết xin lỗi. Ông nói ra được những lời như thế kể là quá sức lắm rồi. O’Donnell dịu giọng:
- Tôi nghĩ rằng còn những cách làm khác hay hơn. Nếu ông vui lòng, mỗi khi họp ông chỉ cần công bố kết quả xét nghiệm tử thi và để mặc tôi điều hành hội thảo. Chúng ta có thể tránh không làm cho ai phải cáu kỉnh.
- Không hiểu sao có người phải cáu kỉnh cơ chứ - Pearson vẫn càu nhàu, nhưng O’Donnell cảm thấy ông đang đấu dịu.
- Dẫu thế nào đi nữa, tôi muốn công việc tiến hành theo ý của tôi.
Mình không muốn chặn họng ông ta, O’Donnell nhủ thầm, nhưng lúc này cần phải làm cho ra lẽ.
Pearson nhún vai:
- Anh muốn thế thì cũng đành chịu thôi.
- Cảm ơn, Joe.
O’Donnell biết mình đã thắng cuộc. Thật là dễ dàng hơn anh tiên liệu. Có lẽ đây là dịp tốt để nêu chuyện kia ra.
- Joe - Anh nói - Tiện đây còn một việc này nữa.
- Tôi còn nhiều việc lắm. Để lúc khác được không?
O Donnell nhìn thấu suốt tâm trạng của nhà xét nghiệm. Ông muốn nói rằng nhượng bộ một điểm không có nghĩa là hủy bỏ luôn sự độc lập.
- Không được đâu. Tôi muốn nói đến những bản báo cáo xét nghiệm.
- Có chuyện gì thế - Phản ứng của Pearson mang tính cách biện hộ hung hăng.
O Donnell nói tiếp, không vấp váp một chút nào:
- Tôi nghe người ta phàn nàn. Một số bản báo cáo kết quả xét nghiệm đến trễ quá.
- Rufus chứ gì! - Pearson lộ rõ vẻ cay cú như muốn nói, lại một thằng cha mổ xẻ phá thối nữa rồi!
O’Dnnell quyết không nổi nóng. Anh nhỏ nhẹ nói:
- Bill Rufus là một, còn nhiều người khác nữa. Ông biết đấy.
Pearson chưa trả lời. O’Donnell cảm thấy ít nhiều ái ngại cho vị bác sĩ già nua. Năm tháng trôi qua, Pearson nay đã sáu mươi sáu tuổi rồi, còn làm việc được tối đa là năm hay sáu năm nữa mà thôi. Có người đến tuổi già thì nhường bước cho giới trẻ nắm quyền, nhưng Pearson không như thế, thậm chí còn bộc lộ rõ sự bất bình. O’Donnell tự hỏi do đâu ông cụ có thái độ như thế. Phải chăng ông cảm thấy mình rớt lại phía sau, không theo kịp đà phát triển của nền y học? Nếu thế, có gì lạ đâu, bởi lẽ rất nhiều người đã cảm thấy điều đó trước ông. Vả lại, ông tuy khó tính nhưng có rất nhiều cái hay. Đó là một trong những lý do khiến O’Donnell lúc này phải rất thận trọng.
- Vâng, tôi biết- Câu trả lời của Pearson tỏ ra phục thiện. Ông đã chấp nhận sự kiện, đúng như tính cách của ông từ trước tới nay. Ngay từ lúc bắt tay vào việc ở bệnh viện Three Counties, O’Donnell đã thấy quí mến tính cách bộc trực của ông và thỉnh thoảng vẫn lợi dụng nó để nâng cao nghiệp vụ của các bác sĩ. Anh còn nhớ trong những tháng đầu tiên, một trong những vấn đề phải đương đầu là làm sao giảm bớt được những vụ mổ xẻ không cần thiết. Đã có nhiều ca mổ tử cung không tự nhiên, và trong rất nhiều trường hợp một vài bác sĩ phẫu thuật đã cắt bỏ dạ con còn lành mạnh, bình thường.
Những người này coi phẫu thuật là phương án tiện lợi để chữa bệnh phụ nữ, ngay cả những chứng bệnh chỉ cần dùng thuốc nội khoa. Họ dùng những uyển ngữ (euphemism) chẩn đoán như “u cơ mãn tính” hoãc “viêm xơ dạ con” ([12]) để gây hỏa mù cho những bản báo cáo kết quả xét nghiệm trên khối mô bị cắt bỏ. O’Donnell đã nói với Pearson “Khi báo cáo kết quả xét nghiệm ta cứ nói toạc móng heo ra - dạ con lành mạnh là dạ con lành mạnh” Pearson cười khì và hết lòng hợp tác. Kết quả là những vụ mổ xẻ không cần thiết giảm bớt hẳn. Nhà phẫu thuật nào mà chẳng bẽ mặt khi khối mô do tay mình cắt bỏ lại được khoa Xét nghiệm tuyên bố là lành mạnh, bình thường trước mặt các đồng nghiệp.
- Kent này - Pearson tỏ vẻ hòa hoãn hơn - Dạo gần đây tôi bận quá. Anh không biết đâu, công việc ngập tới tận mang tai.
- Tôi biết chứ - O’Donnell chỉ chờ có thế - Mấy người chúng tôi nghĩ rằng ông phải làm nhiều việc quá. Thật là bất công - Anh định nói thêm “bất công đối với tuổi tác của ông” - nhưng kịp đổi lại: ông có cần người giúp đỡ không?
Pearson phản ứng ngay, ông nói như hét:
- Anh bảo tôi tìm người giúp đỡ ư! Trời đất ơi! Mấy tháng nay tôi vẫn kêu réo xin thêm mấy tay kỹ thuật viên phòng thí nghiệm! Chúng tôi cần ít nhất ba người nữa. Thế mà người ta bảo có thể cho được bao nhiêu? Vỏn vẹn một người! Chưa kể chuyên viên tốc ký nữa! Các bản báo cáo chồng chất hết tuần này sang tuần khác, ai đánh máy cho nào.
Không chờ trả lời ông quát tiếp:
- Chẳng lẽ tôi đây phải đích thân làm chuyện ấy hay sao. Nếu ban quản trị chịu nhấc đít lên một chút thì chúng tôi đã lo xong được khối việc, kể cả việc đẩy nhanh tiến độ phẫu thuật. Trời đất ơi, anh nói tôi cần có người giúp đỡ, nghe mà mát cả cõi lòng.
O’Donnell thản nhiên lắng nghe lúc này mới lên tiếng:
- Ông nói hết chưa?
- Hết - Dường như Pearson đang tự kiềm chế và có phần nào hổ thẹn về sự nóng nảy của mình.
- Vấn đề không phải là kỹ thuật viên hay thư ký văn phòng - O’Donnell nói - Nói đến sự giúp đỡ, ý của tôi là tìm thêm một bác sĩ xét nghiệm bệnh lý nữa để giúp ông điều hành kia, có thể là hiện đại hóa nó mặt này hay mặt khác.
Nghe đến chữ “hiện đại hóa” Peron hất hàm lên, nhưng O’Donnell gạt phăng sự phản đối ấy.
- Này, tôi đã nghe ông nói, lúc này xin ông vui lòng nghe tôi - Anh ngừng một lát - Tôi đương nghĩ tới một người nào đó trẻ tuổi và có năng lực gánh vác giúp ông một số việc.
- Tôi không cần bác sĩ xét nghiệm - Lời tuyên bố thẳng thừng, mạnh mẽ, không nhượng bộ.
- Tại sao?
- Không đủ việc cho hai ngươi. Một tay tôi có thể cáng đáng tất cả công việc xét nghiệm mà không cần sự giúp đỡ. Vả lại đã có một bác sĩ tập sự rồi.
O Donnell quyết liệt một cách điềm đạm:
- Bác sĩ tập sự chỉ ở bên ta để học hỏi, thường thường chẳng được bao lâu. Đã đành anh ta cũng gánh vác được đôi ba công việc, nhưng không thể giao trách nhiệm cho anh ta được, cũng không thể đưa anh ta vào chức vụ quản lý. Chính đây là chỗ ông cần sự giúp đỡ.
- Để tôi nghĩ lại xem. Xin khất anh một vài ngày, chúng tôi ráng đuổi kịp các ca mổ.
Rõ ràng Joe Person không muốn nhượng bộ. Khi O’Donnell đề nghị tìm một bác sĩ xét nghiệm đến cộng tác anh biết Pearson sẽ phản đối, nhưng không ngờ sự phản đối lại mạnh mẽ đến thế. Có phải vì ông không muốn chia cắt vương quốc của mình cho bất cứ ai, hay chẳng qua ông chỉ muốn bám víu lấy công việc, rằng người trẻ tuổi hơn sẽ hất ông ra ngoài? Thật tình O’Donnell không hề nghĩ tới chuyện cho Pearson thôi việc. Chỉ nguyên trong lãnh vực giải phẫu xét nghiệm bệnh lý, khó có thể tìm được cái gì thay thế kinh nghiệm lâu năm của Joe Pearson. Mục đích của O’Donnell là tăng cường khoa Xét nghiệm và nhờ đó củng cố tổ chức của toàn bệnh viện. Có lẽ anh phải trình bày điều này cho rõ ràng.
- Joe ạ, không cần thay đổi lớn đâu, ông vẫn giữ...
- Nếu thế, cứ để cho tôi điều hành khoa Xét nghiệm theo cách thức riêng.
O’Donnell không kiên nhẫn được nữa. Hôm nay anh đẩy vấn đề tới mức đó là đủ rồi. Chịu khó chờ một hai hôm nữa rồi tấn công lại xem sao. Anh cố tránh để khỏi đi đến chỗ cạn tàu ráo máng với nhau.
Anh nói nhỏ nhẹ:
- Ở vào địa vị của ông, tôi sẽ suy đi nghĩ lại.
- Có gì mà phải suy đi nghĩ lại.
Pearson đã ra đến cửa. Ông khẽ gật đầu rồi bước đi.
- Thế đấy – O’Donnell nói thầm - Chúng ta đã đặt xong chiến tuyến.
Anh đứng tần ngần, suy nghĩ nước cờ đi tiếp.
Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng - Arthur Hailey Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng