Love is like a butterfly, it settles upon you when you least expect it.

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Hành Kiện
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 82
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7882 / 156
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
Ở trung tâm đón tiếp của khu bảo tồn tự nhiên ra, ta quay lại nhà trưởng làng về hưu của dân tộc Khương. Trên cửa treo chiếc khóa. Ta đã đến đây ba lần mà không thể tìm thấy ông ta. Ta nghĩ cái cửa mở ra cho ta một thế giới bí mật này từ nay đã bị đóng lại.
Ta lên đường đi la cà dưới mưa bụi. Nhiều năm rồi ta không đi trong mưa và sương mù như thế này nữa. Ta qua gần trung tâm chữa bệnh của tổng Ngọa Long nom có vẻ như bỏ không; trong rừng, một sự yên tĩnh trọn vẹn bao trùm tất cả, nó chỉ bị tiếng lào xào của một con thác xa xa cắt quãng. Từ lâu ta không được cảm thấy vô tư lự như thế này. Chẳng có nhu cầu suy nghĩ nữa, ta buông mặc cho đầu óc rong chơi. Không bóng dáng một người hay một xe cộ nào trên đường cái, tất cả xanh rờn, đang mùa xuân.
Bên đường, một ngôi nhà lớn cô quạnh và trống không. Phải chăng đáng lẽ nào lại là sào huyệt của tướng cướp Tống Quốc Thái mà chính ủy của khu bảo tồn tự nhiên đã nói với ta tối hôm qua? Bốn chục năm trước, chỉ có một đường núi mà các đoàn người ngựa mượn đến là đi qua đây. Lên phía bắc, nó vượt qua dãy núi Ba Lãng cao hơn năm nghìn mét rồi vào vùng dân tộc Tạng của các cao nguyên Thanh Hải và Tây Tạng; về phía Nam, nó men theo sông Mân Giang để vào đồng bằng Tứ Xuyên. Bọn buôn lậu từ phương Nam đến chất đầy thuốc phiện, và bọn từ phương Bắc tới, chất đầy muối, tất cả đều rất ngoan ngoãn nộp tô nộp cống, coi chuyện đó như là một vinh dự, vì những ai kháng cự lại sẽ bị rạch mặt. Lúc đó là chuyến đi không quay đầu trở lại đến với Diêm vương.
Đấy là một ngôi nhà gỗ cũ kỹ; hai cánh cửa nặng nề mở toang ra một cái sân rộng bỏ hoang với những tòa nhà vây quanh, cái sân có thể chứa hẳn một đoàn nhiều chục con ngựa. Ta nghĩ thời đó, chỉ cần cánh cổng lớn đóng lại và các tên cướp vũ trang súng ống ở trên các lan can gỗ chạy trên nóc các tòa nhà thì những đoàn người ngựa qua đêm ở đây liền sa bẫy. Ngay trong cả trường hợp nổ súng, cái sân không có lấy một góc chết cỏn con nào để đạn không lọt vào được.
Trong sân, có hai cầu thang. Ta leo lên, làm các bậc kêu cót két. Ta bước nặng chân để báo hiệu ta đến nhưng tầng gác vẫn cứ vắng lặng. Ta đẩy cánh cửa, các gian phòng trống không, chỉ thấy bụi và mùi ẩm mốc. Duy nhất có một chiếc khăn mầu xám vắt ở sợi dây thép và một chiếc giầy hỏng cho thấy có người đã ở đây, chắc là nhiều năm trước kia. Từ ngày lập ra khu bảo tồn tự nhiên, tất cả các cơ quan và nhân viên từng chiếm cứ tòa nhà lớn: hợp tác xã cung cấp mua bán, trạm thu mua thổ sản, cửa hàng dầu và hạt cốc, trung tâm thú y, đều chuyển vào cái phố nhỏ dài trăm mét do văn phòng quản trị xây nên. Còn một trăm người tụ tập theo lệnh của Tống Quốc Thái ở tầng hai của tòa nhà lớn này càng ít dấu vết hơn, chẳng thấy cả người lẫn vũ khí của họ. Thời ấy, họ nằm trên các chiếu rơm, vừa hút thuốc phiện vừa ghẹo các cô gái cướp được. Ban ngày các cô phải lo cơm nước cho họ, ban đêm, lần lượt luân phiên ngủ với họ. Đôi khi, vì chia chác kém đồng đều các thứ cướp được hay vì một đàn bà trẻ mà đã nổ ra cãi cọ, phải giải quyết bằng súng. Ta nghĩ đến sự náo nhiệt chắc từng đã ngự trị trên các ván sàn này.
- Chỉ thủ lĩnh Tống Quốc Thái của chúng mới thần phục nổi chúng. Hắn ta nổi tiếng hung dữ và mưu mẹo.
Người nói điều này, viên chính ủy, đã tin chắc thế khi ông phát biểu thành lời. Ông nói rằng trong các dịp tập huấn, ông đã làm cho các nữ sinh phải đổ nước mắt khi ông trình bày về bảo vệ gấu trúc hay cả về lòng yêu nước nữa.
Ông nói rằng một trong những người đàn bà bị bọn cướp bắt đi vẫn còn đang sống, đó là một nữ chiến sĩ Hồng quân. Năm 1936, khi cuộc Trường Chinh đi qua thảo nguyên Mao Nhĩ Cái, một trung đoàn Hồng quân đã rơi vào ổ phục kích của bọn cướp. Một chục cô thợ giặt trẻ tuổi người Giang Tây đã bị bắt và bị hãm hiếp. Người trẻ nhất có mười bảy, mười tám tuổi, và đó là người sống sót duy nhất. Cô bị chuyền qua nhiều tay trước khi được một ông già miền núi, dân tộc Khương mua về làm vợ. Bà nay sống ở trong một thung lũng quanh quẩn đây. Bà còn có thể khai ra đại đội và đơn vị của mình cũng như tên của chính trị viên nay đã trở thành viên chức cao cấp. Thở dài đánh sượt, chính ủy nói thêm rằng dĩ nhiên ông không thể kể những điều đó cho sinh viên, rồi ông lại nói về tên thủ lĩnh cướp Tống Quốc Thái.
Thoạt đầu, ông nói, Tống Quốc Thái chỉ là một viên thơ lại nhỏ nhảy vào buôn bán thuốc phiện lậu với một lái buôn. Người lái buôn đã bị thủ lĩnh cướp đóng ở đây hạ thủ, Tống Quốc Thái bèn nộp mình cho chủ mới. Sau hàng nghìn biến cố, hắn đã trở thành kẻ than tín của tướng cướp, sống ở trong một cái sân con đằng sau ngôi nhà. Sau này, cái sân con đã bị súng cối của Quân giải phóng phá hủy, bây giờ nó bị cây cỏ xâm lấn. Lúc ấy, đấy là một tiểu Trùng Khánh thật sự 1. Lão Trần, tướng cướp, ngày đêm lao vào trụy lạc sa đọa ở trong cái hang ổ chứa đầy nàng hầu của lão. Tống Quốc Thái là người duy nhất được phép hầu hạ lão ở trong ngôi nhà. Một ngày nọ, một đoàn lái buôn từ Mã Nhĩ Khang đến, thật ra là một toán cướp muốn đoạt lấy cái sào huyệt đã được an bài sẵn này. Hai toán cướp đánh nhau hai ngày ròng rã, cả hai bên đều thương vong mà vẫn bất phân thắng bại. Cả hai bên thương lượng hòa giải và ký kết bằng cách quệt máu một con vật vào mồm mình. Lúc ấy người ta mới mở cổng lớn để đón tiếp đối thủ. Khắp nơi trong ngôi nhà, bọn cướp hòa lẫn vào nhau, ăn uống. Thực tế, đây là một cái mẹo của lão thủ lĩnh già mong chuốc rượu cho các kẻ thù của mình say túy lúy. Lão cũng ra lệnh cho các người vợ trẻ của láo trật vú vê ra quay lượn như những con bướm ở giữa cái bàn tiệc. Ai có thể thanh toán được cái băng cướp này đây? Mọi người uống cho đến lúc say mèm. Chỉ còn hai tên tướng duy nhất ngồi lại ở bàn. Theo một dấu hiệu hẹn trước của lão Trần, Tống Quốc Thái hầu rượu. Nhưng vào lúc rót rượu, hắn đã cầm lấy khẩu súng có ổ đạn quay mà tên tướng đối địch đặt ở cạnh người, thế rồi kể lại thì lâu hơn làm, hắn đã bắn ngay hai phát, giết chết lão Trần và kẻ thù của lão. Sau đó, hắn hỏi các tên cướp khác: "Đứa nào cự tuyệt hàng tao?" Bọn cướp nhìn nhau không dám ho he một lời. Sau các sự kiện này, Tống Quốc Thái sống ở trong cái sân con của lão Trần, tất cả đàn bà đều là của hắn.
Chính ủy say sưa kể lại chuyện này. Ông đã không huênh hoang khi cho rằng bằng cách kể của mình ông đã làm cho các cô nữ sinh phải chảy nước mắt. Sau đó ông nói rằng năm 1950, binh lính hai đại đội ban đêm đã bao vây vào cái sân con, đến sang sớm, họ kêu gọi bọn cướp hạ vũ khí trở lại con đường tử tế. Cổng lớn bị đạn của nhiều khẩu súng máy chặn lại, không ai có thể chạy trốn. Có thể nói rằng chính ông ta đích than tham gia trận đánh.
- Thế rồi sao?
- Mới đầu chúng kháng cự, dĩ nhiên rồi, cái sân con bị phá hủy bằng súng cối. Những đứa sống sót ném vũ khí xuống hàng nhưng Tống Quốc Thái thì không. Những người khác đã vào lục lọi sân trong nhưng họ chỉ tìm thấy ở đấy mấy người đàn bà than khóc. Người ta nói rằng trong buồng của hắn có một lối ngầm ra núi nhưng không ai phát hiện ra và hắn ta đã biến khỏi. Bây giờ, bốn chục năm đã trôi qua. Một số người nói rằng hắn còn sống, một số khác lại cho rằng hắn đã chết, chẳng có một bằng chứng nào. Chỉ đoán chừng mà thôi.
Ông ngả vào ghế mây tiếp tục nói, bấm đầu ngón tay:
- Về đoạn sau của hắn, có ba giả thuyết: một là hắn đã chạy trốn đến một tỉnh khác, ở đấy hắn có lẽ đã làm cho mọi người quên hắn đi và sinh sống như một nông dân. Hai là hắn đã chết trong khi đánh nhau nhưng bọn cướp không nói gì đến chuyện đó. Chúng có luật riêng của chúng. Chúng có thể đánh nhau tàn bạo nhất nhưng chúng không bao giờ tin cậy người bên ngoài. Chúng có đạo đức của chúng - tinh thần thượng võ của bọn sống ngoài pháp luật - mà vẫn giữ nguyên cái tính độc ác cực kỳ. Bọn cướp cũng có tính cách kép đấy. Còn đám đàn bà, tuy bị bắt, nhưng một khi rơi vào sào huyệt rồi, họ lại thuộc về băng cướp và không phản bội chúng bao giờ, cho dù phải chịu những sự xúc phạm của chúng.
Ông gật gật đầu, không phải vì không hiểu mà đúng hơn có lẽ cảm khái vì cái sự nghĩ phức tạp của con người ta.
- Hẳn rồi, và không thể loại bỏ được cái khả năng thứ ba: có lẽ hắn đã trốn vào núi, không thể ra khỏi đó nữa rồi chết đói.
- Đã xảy ra chuyện một ai đó lạc vào trong núi mà chết ở trong đó chưa?
- Còn phải nói? Không những nông dân từ các vùng khác đến hái nhặt cây thuốc ở đây mà cả thợ săn của xứ này cũng chết đói ở trong núi đấy.
- À thế? Ta cảm thấy hết sức thú vị với lời khẳng định này.
- Năm ngoái, một người trong số họ đã hơn mười ngày ở trong núi mà chẳng trở về. Bố mẹ người này trình báo chính quyền của thủ phủ tiểu khu, ở đấy người ta lại quay sang chúng tôi. Chúng tôi đã tiếp xúc với cơ quan cảnh sát của khu lâm nghiệp, và họ đã thả một con chó nghiệp vụ đi tìm. Người ta cho nó ngửi quần áo người mất tích, nó đã lần theo dấu vết anh này. Cuối cùng đã tìm thấy anh ta chết rồi, kẹt vào giữa khe nứt một tảng đá.
- Sao có thể thế được nhỉ?
- Tất cả đều có thể. Hoảng sợ, săn bắn trái phép... Săn bắn bị nghiêm cấm ở trong vùng bảo hộ. Cũng đã có một người giết chết em mình đấy.
- Mà tại sao chứ?
- Lầm thành ra con gấu. Hai anh em đặt bẫy trong núi để thu hoạch xạ hương. Cái ấy ra tiền lắm. Bây giờ bẫy đã được hiện đại hóa. Gỡ dây cáp của các công trường thi công lâm trường, một nắm con dây thép là được một cái bẫy, lên núi một ngày là đặt hàng trăm cái bẫy rồi. Vùng đất quá lớn, chúng tôi không thể kiểm soát hết được, vả lại với lòng tham của họ, chẳng có cách nào cho lại. Hai anh em nhà này đặt xong hết bẫy này đến bẫy khác trong núi rồi chia tay nhau. Nếu bằng vào lời họ nói ở trong núi này thì ra lại mê tín mất rồi, nói họ là nạn nhân của một bùa mê. Hai người đi vòng quanh một mỏm núi rồi thế nào vừa khéo họ chạm trán nhau. Trong sương mù dầy đặc, người anh tưởng bóng người em là gấu, đã bắn chết. Anh ta trở về giữa đêm, mang theo khẩu súng của người em. Anh ta đặt hai khẩu súng vào cửa hàng rào bãi nuôi lợn nhà mình để mẹ anh ta nhìn thấy khi sớm mai bà cho súc vật ăn. Chẳng tạt vào nhà nữa, anh ta quay lại núi, tìm đến nơi người em chết rồi tự cắt cổ mình.
Từ tòa nhà trống không ta xuống đứng quanh quẩn một lúc ở cái sân lẽ ra có thể chứa cả một đoàn người ngựa rồi đi ra xa đường cái lớn. Vẫn không có xe cộ lẫn người đi đường. Ta ngắm núi xanh xanh mất biệt vào sương mù trước mặt. Có thể nhận ra một đường lao gỗ dựng đứng màu xam xám. Tấm chăn thực vật đã bị phá hủy hoàn toàn. Ngày xưa, trước khi con đường đến được tới đây, hai sườn núi ắt phủ đầy rừng rậm. Ta luôn thèm muốn vào rừng nguyên sinh, chẳng thể nói tại sao nó lại quyến rũ ta đến thế.
Mưa bụi không ngừng rơi, ngày một se hạt, tạo thành một tấm màn mỏng nhẹ che phủ các mỏm núi, làm nhòa nhạt đi các lũng nhỏ và khe vực. Một tiếng sấm âm âm, không rõ rệt gầm lên ở sau các đỉnh cao. Ta chợt nhận ra cái tiếng động ta nghe thấy nhiều hơn cả lại là tiếng sông ở bên dưới đường. Nó không bao giờ ngừng, mãi mãi gào thét, với cùng cái lưu lượng dữ dội như vậy. Xuống từ các núi tuyết để ném mình vào sông Mân Giang, con sông chảy với một sức dũng mãnh chở đầy một năng lượng hung hiểm mà sông nước dưới đồng bằng chẳng thể nào có được.
--------------------------------
1 Thành phố lớn ở Tứ Xuyên, nơi đầy lạc thú và xa hoa thời bấy giờ.
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn