Số lần đọc/download: 1131 / 14
Cập nhật: 2016-06-17 07:56:35 +0700
Chương 5
T
òa biệt thự của Ou Pha Hát tướng công trở nên một nơi hành lạc của chủ nhân và hai chàng khách trẻ.
Ngày nào cũng yến tiệc linh đình; ngày nào cũng khèn hát. Trai gái trong dân gian đua nhau kéo vào vườn tướng phủ để khoe thanh phô lịch, khoe tài âm nhạc và giọng hát hay.
Họ thêm vào cuộc vui như thế đều được Tướng công thưởng tiền và cho ăn uống tươm tất lắm. Đối với người cha hiền hậu ấy, nam nữ thanh niên bất cứ sang hèn đều được coi như con cả. Đối với ai ngài cũng sẵn một nụ cười và những lời âu yếm. Không bao giờ người ta thấy ngài gắt gỏng với ai. Liếp Ly lại là một bạn gái lý tưởng. Nàng nhã nhặn và vui tính. Những cô gái dù nghèo hèn đến gần nàng cũng không phải tủi thẹn. Nàng sẵn lòng lắng nghe tất cả những chuyện gia đình, những chuyện chồng con và nhất là những lời than thở về tình của phần nhiều cô bạn gái, tuy nàng chưa biết tình ái là gì.
Bởi thế, người ta nói tới Liếp Ly chỉ là nói tới một người bạn quý chứ không ai nghĩ đến sự chênh lệch về địa vị.
Thấy nàng được thoát nạn lại do một chàng thiếu niên Việt Nam tuấn tú, họ lấy làm mừng và trong những khối óc thơ ngây yêu say đắm cuộc đời nọ đã bắt đầu phác ra một thiên tình sử ly kỳ.
Họ yên trí rằng cuộc nhân duyên ấy, nếu thành, sẽ tốt đẹp và sung sướng cho Liếp Ly vô hạn. Ồ! như vậy, họ sẽ vui vẻ xiết bao! Họ cầu trời, Phật cho giấc mộng êm đềm thành sự thực vì theo ý họ, Liếp Ly xứng đáng hơn ai hết được hưởng hạnh phúc tuyệt vời.
Trong lúc ai nấy yên trí như vậy thì một tấn kịch gớm ghê bi đát đương ngấm ngầm sắp diễn ra.
Trong số các tân khách chăm lui tới nhà Ou Pha Hát Tướng công, người đáng để ý hơn hết tức là Thọ.
Một chiều kia, sau một cuộc săn gà rừng, Thọ bỗng bảo Trâm:
- Trâm ạ, tôi muốn hỏi ý kiến anh về một việc,
- Thế thì còn nói gì nữa! Tôi chỉ sợ ý kiến tôi không bổ ích gì cho anh mà thôi.
- Có ích lắm chứ! Anh chớ nhún mình.
- Vâng, thế thì anh cứ nói.
- Trâm ạ, tôi tương tư!
Trâm vỗ tay cười:
- Khá lắm!... Điều ấy rất tự nhiên mà!... Anh được phép yêu lắm!
Thọ lắc đầu:
- Không anh ạ! Tôi có lẽ không được phép yêu nữa. Là vì ở Hà Đông quê tôi, có một người đương chờ đợi tôi. Mỹ ấy mà, chắc hẳn anh cũng biết?
- Có, tôi có biết chị Mỹ. Thế rồi sao nữa?
- Tôi đính hôn với Mỹ đã mười bốn năm nay.
- Năm nay anh bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi.
Trâm cười khanh khách:
- Trời! Đính hôn gì mà lâu thế? Chị Mỹ năm nay bao nhiêu?
- Hăm hai.
Trâm không thể nín cười được, chàng ôm bụng cười lăn lóc.
- Trời ơi! Thì ra anh chị đính hôn với nhau từ năm anh mới lên sáu.
Thọ cau mày:
- Anh cười? Đừng cười thế. Đó cũng là do phong tục mà ra. Mỹ hiện vẫn chờ tôi. Còn tôi thực tình không muốn lấy nàng nữa.
- Ồ! Tại sao vậy?
- Là vì tôi đã yêu người con gái khác, tôi muốn lấy người khác. Chính về câu chuyện này mà tôi định hỏi ý kiến anh.
Thọ điềm nhiên nói câu ấy, như thay một cái áo lót...
Lắng nghe bạn, Trâm không hiểu sao thốt có cái cảm tưởng như chính câu chuyện kia sẽ khiến chàng đau khổ.
Trâm ngập ngừng hỏi Thọ:
- Anh muốn lấy ai vậy?
- Tôi nói riêng với anh thôi nhé, vì việc này tôi hãy còn giấu: người tôi định lấy tức là Liếp Ly.
Trâm đã chờ đợi sự ấy. Câu thú thực của Thọ chẳng cho chàng biết thêm gì mới lạ. Vậy mà, thoạt nghe Thọ, Trâm choáng váng, tê mê.
Rồi đáp lại những câu hỏi của Thọ, Trâm nói một cách lạnh lùng gần như gay gắt.
Thọ không khỏi nhận thấy sự thay đổi thái độ ấy của Trâm. Nhưng tính kín đáo, Thọ không tỏ ra vẻ gì hết. Chàng vẫn thực thà yêu quý bạn. Chàng không lấy sự bất nhất của bạn làm mích lòng. Chàng cũng không hiểu nguyên cớ vì sao. Chàng tự nhận là do lỗi mình tất cả. Chàng tưởng tượng có lẽ bạn thấy mình phụ ước với người vị hôn thê nên không có lòng quý trọng mình nữa, nhưng vì là người có giáo dục, Trâm không tỏ ra vẻ mặt đó thôi.
Thọ nghĩ vậy nên chàng cảm thấy một hối hận chân thành.
Hình ảnh của Mỹ lại hiện ra trong trí nhớ Thọ với một vẻ buồn rầu trách móc.
Khốn nỗi, Thọ lúc này đã như người lăn xuống sườn núi dốc, trừ một trở lực gì cản lại, nên chàng không thể dừng được nữa.
Thọ muốn tìm cách khuây phiền. Đến bữa cơm chiều, Thọ uống rất nhiều rượu. Thế rồi, khi đã hoàn toàn chuếnh choáng và nhân một lúc vắng vẻ Thọ bạo dạn hỏi luôn Ou Pha Hát Tướng công về việc xin lấy Liếp Ly.
Ông quan Lào ấy là một người minh mẫn và cao đoán. Ông thấy ngay sự bối rối của lòng Thọ, dưới cái bề ngoài vui cười nó trái hẳn sự điềm tĩnh bình nhật của chàng.
- Quan tham ạ, điều ngài vừa ngỏ với tôi đó không những làm vẻ vang cho tôi mà còn cho cả cháu Liếp Ly nữa. Nhưng xin ông biết cho rằng con cháu nhà tôi là một đứa bất nhất, đỏng đảnh và bướng bỉnh lắm. Nó sẽ không chịu sự ép uổng đâu. Chính tôi cũng để cho nó hoàn toàn tự do trong việc hôn nhân. Vậy dám phiền ông chờ đợi ít bữa, tôi sẽ nhắc ý ông với nó và chắc tự nó sẽ trả lời ông biết.
Thọ vui lòng chịu và tức khắc chàng kể chuyện lại để Trâm nghe.
Trâm không thể nghe thêm được nữa. Chàng liền tuyên bố rằng đến sớm ngày hôm thứ ba chàng sẽ lên đường, thực hành nốt cuộc du lịch.
Trong lúc nói, Trâm bối rối đến nỗi chàng không kịp nhận thấy sắc mặt Liếp Ly đã thay đổi rõ rệt. Nhưng thiếu nữ vì tự trọng, không hề ngỏ một câu nào để giữ Trâm ở lại...
Sớm ngày hôm thứ ba, Trâm và Thọ lại có mặt ở phòng khách nhà Liếp Ly.
Thọ báo tin cho Trâm biết rằng chàng đương chờ đợi câu trả lời của thiếu nữ.
Trâm đứng dậy toan lảng. Thọ không nghe.
Giữa lúc ấy thì tiếng chân ai khe khẽ đi trên mặt sàn...
Trâm và Thọ cùng bối rối đến cực điểm nhưng cùng im lặng ngồi xuống nệm...